Khu lăng mộ độc đáo của vương quốc Bunganda

Được vua Muteesa I cho xây dựng năm 1882, các công trình này có mục đích ban đầu không phải để làm lăng mộ hay nghĩa trang mà là một cung điện hoàng gia.

Nằm trên một sườn đồi ở tỉnh Kasubi, Uganda, khu lăng mộ Bunganda, còn gọi là lăng mộ Kasubi, là nơi yên nghỉ của bốn vị vua trị vì vương quốc Bunganda – tiền thân của đất nước Uganda ngày nay. Ảnh: Wikipedia.

Được vua Muteesa I cho xây dựng năm 1882, các công trình này có mục đích ban đầu không phải để làm lăng mộ hay nghĩa trang mà là một cung điện hoàng gia. Ảnh: CGTN Africa.

Đến năm 1884, khi vua Muteesa I qua đời, nơi này được sử dụng để làm nơi thờ cúng và chứa đựng di hài của nhà vua. Ảnh: The Star.

Từ đó về sau, các vị vua qua đời đều được chôn cất tại đây, và lăng mộ Buganda trở thành một nghĩa trang hoàng gia. Ảnh: Uganda Safaris.

Khu lăng mộ Bunganda có kiến trúc vô cùng độc đáo, được xây dựng theo truyền thống bản địa với các vật liệu địa phương. Ảnh: Wikipedia.

Tòa nhà chính (Muzibu Azaala Mpanga), có chu vi khoảng 31 mét, cao 7,5 mét, có tường được dựng lên bằng lau sậy đan vào nhau, chống đỡ bằng cột gỗ bó trong vải làm từ vỏ cây sung. Ảnh: Laba Africa Expedition.

Mặt đất được phủ bằng chiếu lá cọ và cỏ. Những ngôi mộ được đặt trong một khu vực linh thiêng, được che khuất khỏi tầm nhìn của công chúng bằng một tấm màn vải vỏ cây. Ảnh: Vince Crawley’s Africa Blog.

Mái lăng mộ được lợp lau sậy và gia cố bằng 52 vòng tròn, tượng trưng cho 52 tộc người sinh sống ở vương quốc Bunganda. Ảnh: The Star.

Nhiều bảo vật của hoàng gia Buganda được lưu giữ và trưng bày trong lăng mộ. Ảnh: Uganda Safaris.

Quanh tòa nhà chính có những ngôi nhà nhỏ hơn, gồm một số nhà dành cho góa phụ của những vị vua đã qua đời và nhà của những người trông coi phần mộ. Ảnh: Tripadvisor.

Năm 2001, khu lăng mộ Buganda đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Daily Monitor.

Tiếc thay, vào ngày 16/3/2010, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi hoàn toàn các công trình chính ở khu di tích. Ảnh: The New Vision.

Sau vụ cháy, chính phủ Uganda đã kêu gọi hỗ trợ quốc tế nhằm phục dựng lại khu lăng mộ. Hiện nay, các công trình đã được dựng lại theo nguyên mẫu. Ảnh: Joanna’s Journey Through Life.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG 

Bom tấn “Oppenheimer” – bội thu Oscar 2024

Mùa giải Oscar 2024 đã kết thúc. Cơn mưa giải mang tên “Oppenheimer” (Cha đẻ bom nguyên tử) với 7 giải Oscar đã đưa bộ phim phỏng theo tư liệu về chân dung cuộc đời, số phận, công việc của nhân vật J. Robert Oppenheimer, nhà vật lý lý thuyết, người lãnh đạo Dự án Manhattan sản xuất vũ khí hạt nhân, cha đẻ bom nguyên tử trong suốt Thế chiến thứ 2 lên đỉnh cao danh vọng của nghệ thuật thứ bảy.

“Oppenheimer” chinh phục các giải thưởng điện ảnh lớn

Không nằm ngoài dự đoán. Bộ phim của đạo diễn Christopher Nolan “Oppenheimer” – tác phẩm chuyển thể từ sách tiểu sử American Prometheus, do Kai Bird và Martin Sherwin viết, xoay quanh cuộc sống và công việc của J. Robert Oppenheimer, cha đẻ bom nguyên tử trong suốt Thế chiến thứ 2 đã bội thu Oscar lần thứ 96. Bộ phim có 13 đề cử Oscar và đoạt 7 tượng vàng các hạng mục quan trọng nhất: Đạo diễn xuất sắc nhất; Nam diễn viên chính xuất sắc nhất; Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất; cùng với giải thưởng danh giá nhất Oscar: Phim hay nhất.

Ở các hạng mục kỹ thuật, phim giành giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất; Biên tập phim xuất sắc nhất; và giải Nhạc phim hay nhất. Đây là lần đầu tiên đạo diễn Christopher Nolan giành giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ. “Oppenheimer” cũng là bộ phim đầu tiên đưa ông đến những thắng lợi liên tục tại các giải thưởng điện ảnh lớn.

Trước cơn mưa giải Oscar, “Oppenheimer” đã càn quét các giải thưởng điện ảnh quan trọng nhất. Đầu tiên phải kể đến đại thắng 5 đề cử giải Quả Cầu Vàng 2024: Đạo diễn điện ảnh xuất sắc; Nam diễn viên chính kịch xuất sắc; Nam diễn viên phụ xuất sắc; Nhạc phim điện ảnh hay nhất và giải quan trọng nhất của Quả Cầu Vàng chính là Phim chính kịch hay nhất. Ngoài ra “Oppenheimer” còn thắng lớn ở giải BAFTA, Critics Choice và giải thưởng của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ.

Không chỉ đại thắng trên các mặt trận giải thưởng, với kinh phí 100 triệu USD, phim được giới phê bình đánh giá là một trong những phim hay nhất năm 2023. Theo thống kê của đơn vị quan sát phòng vé quốc tế Box Office Mojo, tác phẩm có doanh thu cao thứ ba năm 2023 đạt 957 triệu USD.

Murphy, người đàn ông thầm lặng

Cillian Murphy (tên đầy đủ là Cillian Murphy O’Callaghan), là người Ireland sinh ngày 25/5/1976 tại Douglas, Cork. Anh bắt đầu sự nghiệp diễn xuất của mình từ sân khấu và sau đó chuyển sang màn ảnh, nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả và giới chuyên môn nhờ tài năng diễn xuất thiên phú.

Bom tấn “Oppenheimer” - bội thu Oscar 2024 -1
Đóng “cha đẻ” của bom nguyên tử, Cillian Murphy thắng giải Nam chính tại Oscar. ​​​​​​ 

Murphy bắt đầu nổi tiếng qua các vai diễn trong các bộ phim như: “28 Days Later” (2002) của đạo diễn Danny Boyle và “Cold Mountain” (2003). Tuy nhiên, anh thực sự trở thành ngôi sao lớn khi hợp tác với đạo diễn Christopher Nolan trong “Batman Begins” (2005), “The Dark Knight” (2008) và “The Dark Knight Rises” (2012).

Murphy đã “đánh bại” một loạt các đối thủ mạnh để giành giải Oscar lần thứ 96, bao gồm: Paul Giamatti cho “The Holdovers”, Jeffrey Wright cho “American Fiction” và Bradley Cooper cho “Maestro”. Đây là đề cử Oscar đầu tiên của Murphy, nhưng anh được coi là ứng cử viên “nặng ký” nhất sau khi giành được một loạt giải thưởng trước đó cho bộ phim, bao gồm: Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Baftas và Hiệp hội diễn viên màn ảnh, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (chính kịch) tại Quả Cầu Vàng. Trước đây, anh từng đóng vai chính trong bộ phim “The Wind That Shakes the Barley” do Ken Loach đạo diễn, đoạt giải Cành cọ Vàng tại Cannes năm 2006.

Murphy là nam diễn viên người Ireland thứ ba giành được giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, sau Daniel Day-Lewis – người sinh ra ở London nhưng mang quốc tịch Ireland và Barry Fitzgerald, người đoạt giải năm 1945.

Cillian Murphy là một trong những ngôi sao lớn của Hollywood. Anh được khán giả yêu thích nhờ nhiều vai diễn có chiều sâu, trong cả phim điện ảnh như bom tấn “Oppenheimer” của Christopher Nolan hay trong series phim truyền hình “Peaky Blinders”. Mặc dù Hollywood ít nhắc đến anh với tư cách là nam chính, nhưng nam diễn viên “thầm lặng” này từ lâu đã được tôn vinh ở Anh và Ireland, đáng chú ý nhất là 9 năm đóng vai Tommy Shelby trong “Peaky Blinders”.

Kể lại câu chuyện “duyên số” với “Oppenheimer”, Murphy cho biết, anh nhận được cuộc gọi của vợ đạo diễn Christopher Nolan vào một buổi chiều. Nguyên nhân bởi, đạo diễn tài ba này không sử dụng email, điện thoại cá nhân hay bất kỳ phương tiện liên lạc hiện đại nào. “Cillian, tôi muốn anh đóng vai chính trong bộ phim mới này”, Nolan nói ngắn gọn. Tuy nhiên, nam diễn viên giành tượng vàng Oscar 2024 cho biết, anh đã thực sự “rùng mình” khi nghe điều đó.

Cuộc sống yên bình của vợ chồng Murphy

Murphy có một cuộc sống khá kín tiếng và bình yên bên vợ. Cặp đôi ít khi xuất hiện trước truyền thông. Cả tài khoản Instagram và Twitter của hai vợ chồng đều được hạn chế người xem và Murphy chọn không chia sẻ cuộc sống cá nhân trên mạng xã hội. Vợ anh, Yvonne McGuinness xuất hiện hiếm hoi tại Lễ trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 81 vào ngày 7/1/2024 để ủng hộ chồng.

Nam diễn viên từng giải thích về cuộc sống thầm lặng của mình rằng, nổi tiếng chưa bao giờ là mục tiêu của anh. “Tôi chỉ muốn tiến bộ. Nếu tôi có thể để lại một bộ phim làm ảnh hưởng đến ai đó thì điều đó là hoàn toàn tốt”. Anh cũng dành nhiều lời khen ngợi cho vợ mình: “Có một người như vậy rất quan trọng. Cuộc sống của tôi chẳng thay đổi chút nào. Tôi vẫn có những người bạn cũ và chúng tôi đến những nơi giống nhau”.

Nam diễn viên “Peaky Blinders” cũng đặt ra những ranh giới chặt chẽ trong cuộc sống cá nhân và đam mê nghệ thuật của anh. “Chuyện cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân thực sự khó khăn. Tôi có một người vợ tuyệt vời và tôi không thể làm điều này nếu không có cô ấy và sự thấu hiểu từ cô ấy”.

Robert Downey Jr.: Từ quá khứ tù tội tới tượng vàng Oscar

Bom tấn “Oppenheimer” cũng góp phần đưa tên tuổi của ngôi sao Robert Downey Jr đoạt tượng vàng Oscar 96 cho danh hiệu Nam diễn viên phụ xuất sắc. Trước đó nam diễn viên đã giành nhiều giải thưởng quan trọng khác nhau cho vai diễn của mình, bao gồm: Giải Quả cầu Vàng; Giải Bafta và Giải Screen Actors Guild (Hiệp hội Diễn viên màn ảnh). Tuy nhiên, để giành tượng vàng Oscar lần thứ 96, anh đã phải vượt qua một đối thủ mạnh mẽ như: Robert De Niro trong “Killers of the Flower Moon”, Ryan Gosling của “Barbie” và Mark Ruffalo từ “Poor Things”.

Bom tấn “Oppenheimer” - bội thu Oscar 2024 -0
“Người sắt” tai tiếng Robert Downey Jr với tượng vàng Oscar 2024.

Robert Downey Jr. hiện là một trong những ngôi sao sáng giá nhất của Hollywood.

Anh từng nhận đề cử Oscar đầu tiên vào năm 1992 với vai diễn xuất sắc vua hề Charlie Chapplin trong bộ phim “Chaplin”. Tuy nhiên, sự nghiệp của Robert trải qua biến cố lớn khi anh đối mặt với vấn đề chất kích thích và hàng loạt rắc rối pháp lý. Điều này đã làm đảo lộn hình ảnh tích cực mà anh đã xây dựng được từ nhỏ. Cảnh sát bắt giữ anh vì lái xe quá tốc độ, tàng trữ chất ma túy và súng, mở đầu cho một chuỗi bê bối và lạc hướng trong suốt nửa thập kỷ.

Sau này, chia sẻ với truyền thông, nam diễn viên kể lại anh được dạy hút cần sa từ khi 8 tuổi. Anh trải qua nỗi đau khi chứng kiến ba mẹ ly hôn khi mới 13 tuổi. Tất cả những biến cố này khiến anh trở thành một thanh niên ương ngạnh và xốc nổi, thậm chí, mang theo một con dao mỗi khi đi xe qua Los Angeles khi mới 16 tuổi.

Tuy nhiên, tình yêu đã mang lại cơ hội cho Robert Downey Jr. Được biết đến là người “rũ bùn” cho anh là Susan Levin, nhà sản xuất nổi tiếng. Tình yêu này giúp anh cai nghiện và lấy lại được sự tin tưởng từ phía người hâm mộ và ngành công nghiệp điện ảnh. Họ kết hôn vào năm 2005 và có một gia đình hạnh phúc đến hiện tại.

Những năm sau, Robert Downey Jr. trở lại với sự nghiệp điện ảnh và đặt tên cho chính mình một lịch sử thành công mới với vai “Iron Man” trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Với vai diễn này, anh không chỉ trở thành một trong những ngôi sao hàng đầu của Hollywood mà còn được công nhận là một trong những diễn viên được trả cát-xê cao nhất từ năm 2013 đến năm 2015.

Sau thời gian nghiện ngập, Robert trở lại chính mình với tài năng diễn xuất thiên bẩm. Vai diễn trong “Tropic Thunder” mang lại đề cử Oscar thứ hai và tham gia trong “Oppenheimer” đưa anh lần thứ ba vào “cuộc đua” giành tượng vàng nổi tiếng. Và với bom tấn “Oppenheimer”, “người sắt” đã giành Nam diễn viên phụ xuất sắc tại lễ trao giải Oscar lần thứ 96 một cách xứng đáng.

Trung Hiếu (Tổng hợp) / Văn nghệ Công An

Người đàn ông 60 tuổi uống một ly nước ấm mỗi sáng trong nửa năm, bác sĩ ở bệnh viện đã bị sốc

Sự thay đổi của người đàn ông này đã khiến mọi người phải kinh ngạc, ai ai cũng hỏi bí quyết để học tập theo. Hóa ra là mẹo vô cùng đơn giản, tiết kiệm tại nhà.

“Ông Trần, báo cáo khám sức khỏe của ông khiến tôi rất ngạc nhiên”, bác sĩ không giấu được vẻ kinh ngạc trên mặt.

Ông Trần Đại Bảo (60 tuổi, Trung Quốc) là giáo viên địa lý cấp hai đã nghỉ hưu. Cuộc sống hàng ngày của ông rất bình thường, ngoài việc đọc sách ở nhà và thỉnh thoảng chơi cờ thì không có nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, ông cụ có vẻ bình thường này đã gây bất ngờ lớn cho bác sĩ trong lần khám sức khỏe gần đây.

Tất cả sự thay đổi này bắt nguồn từ một buổi sáng bình thường cách đây nửa năm.

Thói quen đơn giản nhưng hiệu quả không ngờ

Ngày hôm đó, Trần Đại Bảo bắt xe buýt đến công viên ở trung tâm thành phố để đi dạo như thường lệ. Trên xe buýt, ông nhìn thấy một số người già bị hạn chế khả năng di chuyển. Cảnh tượng này khiến ông không khỏi lo lắng, đồng cảm khi nghĩ đến sức khỏe tương lai của mình.

Cảm thấy bất an, ông quyết định hẹn khám sức khỏe toàn diện để xem sức khỏe của mình như thế nào.

Kết quả khám sức khỏe của ông tốt đến không ngờ. Ngoại trừ lượng cholesterol hơi cao, mọi thứ khác đều rất bình thường, tuy nhiên, bác sĩ vẫn khuyên ông nên chú ý hơn đến chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt.

Người đàn ông 60 tuổi uống một ly nước ấm mỗi sáng trong nửa năm, bác sĩ ở bệnh viện đã bị sốc- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Sau khi Trần Đại Bảo trở về nhà, ông quyết định bắt đầu một việc nhỏ – mỗi ngày dậy sớm uống một cốc nước ấm.

Nửa năm đã trôi qua, Trần Đại Bảo mỗi ngày đều kiên trì dậy sớm. Việc đầu tiên anh làm là uống một cốc nước ấm lớn, sau đó ra ngoài đi dạo. Để làm được điều này, ông nhất quyết đi ngủ sớm vào ban đêm. Ngay cả bản thân ông cũng không để ý nhiều đến những thay đổi do thói quen này mang lại. Ông chỉ cảm thấy cả người mình dường như có nhiều năng lượng hơn.

Trở lại bệnh viện, khi bác sĩ kiểm tra báo cáo khám sức khỏe mới nhất của Trần Đại Bảo, họ phát hiện ra nhiều thay đổi đáng kinh ngạc: không chỉ mức cholesterol trở lại mức bình thường mà hàng loạt chỉ số như huyết áp, lượng đường trong máu cũng được cải thiện đáng kể. Bác sĩ đã hỏi xem liệu ông Trần có đang dùng loại thuốc đặc biệt nào hoặc đang điều trị gì không.

Trần Đại Bảo mỉm cười lắc đầu, chỉ kể về thói quen uống nước ấm mỗi ngày và tập thể dục vừa phải của mình.

Quả thật, trong y học, nước ấm có thể giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa và giúp cơ thể giải độc. Đối với người trung niên và người cao tuổi, cơ thể dễ hấp thụ nước ấm hơn nước lạnh, không gây kích ứng đường tiêu hóa, phù hợp với nhu cầu sức khỏe hơn.

Người đàn ông 60 tuổi uống một ly nước ấm mỗi sáng trong nửa năm, bác sĩ ở bệnh viện đã bị sốc- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Internet

Vị bác sĩ lấy cảm hứng từ tấm gương của Trần Đại Bảo và quyết định chia sẻ bí quyết này với các bệnh nhân của mình để xem liệu việc tiếp tục uống nước ấm có mang lại lợi ích tương tự hay không. Kết quả đạt được rất đáng khích lệ, hầu hết những người tham gia đều cho biết họ cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn và giảm các triệu chứng của một số bệnh mãn tính.

Thói quen đơn giản này tưởng chừng như không liên quan gì đến việc nghiên cứu sức khỏe nhưng thực chất lại mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể cho người cao tuổi. Quan trọng hơn, phương pháp này đơn giản và tiết kiệm, hầu hết mọi người đều có thể dễ dàng thực hiện mà không cần chi phí y tế cao hay các ca phẫu thuật phức tạp.

Uống nước khi vừa ngủ dậy rất tốt, nhưng 5 loại sau đây thì không nên

Nước quá nóng hoặc quá lạnh

Nước quá lạnh có thể gây kích ứng ruột và dạ dày, dẫn đến khó chịu tiêu hóa và tiêu chảy. Ngược lại, nước quá nóng có thể làm tổn thương thực quản. Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo rằng uống nước nóng trên 65°C trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ ung thư thực quản. Vì vậy, những người có thói quen uống nước quá nóng vào buổi sáng nên thay đổi.

Thay vào đó, hãy uống khoảng 200ml nước vừa đủ độ ấm, khoảng từ 30 đến 40 độ C. Uống chậm từng ngụm nhỏ để không gây gánh nặng cho thận và tim, đồng thời giúp giảm cân và thải độc hiệu quả hơn.

Người đàn ông 60 tuổi uống một ly nước ấm mỗi sáng trong nửa năm, bác sĩ ở bệnh viện đã bị sốc- Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Internet

Nước đun sôi để lâu

Nước đun sôi để quá lâu có thể tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn. Các chất hữu cơ chứa nitơ trong nước sẽ phân hủy thành nitrit, khi vào cơ thể sẽ liên kết với hemoglobin, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu. Do đó, nước đun sôi để lâu, nhất là khi để trong phích quá lâu, không nên sử dụng. Nước lọc tốt nhất chỉ nên uống trong vòng 24 giờ sau khi đun.

Trà

Trà là thức uống tốt cho sức khỏe, nhưng không nên uống ngay khi bụng đói vào buổi sáng. Uống trà sớm có thể gây kết tủa trong dạ dày, cản trở hấp thụ chất sắt và làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Mà trà để qua đêm cũng giống như “thuốc độc”.

Nước muối

Một số người cho rằng uống nước muối loãng tốt cho sức khỏe, nhưng không nên uống khi vừa thức dậy. Máu khi đó đang ở trạng thái đặc, uống nước muối sẽ làm máu thêm đặc, khô cổ và tăng huyết áp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tuổi thọ.

Nước ép trái cây

Mặc dù nước ép trái cây tốt cho sức khỏe, nhưng buổi sáng không phải là thời điểm thích hợp để uống. Trong quá trình ép trái cây, nhiều đường fructose và glucose được giải phóng mà lại loại bỏ hoàn toàn chất xơ, điều này dễ dàng hấp thụ và làm tăng đường huyết. Điều này có thể gây béo phì, phù nề, mệt mỏi, và thậm chí tăng nguy cơ tiểu đường cùng các biến chứng nguy hiểm.

Thùy Linh / Đời sống & Pháp luật (Tổng hợp)

Trung Quốc ‘vô địch thiên hạ’: 223 hãng xe điện tại Mỹ sợ hãi dù đối thủ còn chưa tham chiến, áp thuế 100% khi biết không thể đọ nổi về công nghệ, sản lượng và mức giá

Dù đầu tư hàng chục tỷ USD xây nhà máy ở Mỹ nhưng ngoại trừ Tesla, chưa có thương hiệu nào bất kể là Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể so bì được với xe điện Trung Quốc về quy mô, nguồn cung nguyên liệu, công nghệ, giá bán hay thậm chí là thiết kế.

Mới đây, Mỹ đã công bố một loạt mức thuế mới với nhiều hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, bao gồm 25% thuế vố thép và nhôm, 50% thuế với chất bán dẫn và pin mặt trời. Thậm chí xe điện sản xuất tại Trung Quốc đã bị áp thuế tăng gấp 4 lần từ 25% lên 100%. Pin Lithium Ion dành cho xe điện ở Trung Quốc cũng đối mặt mức thuế tăng từ 7,5% lên 25%.

Điều trớ trêu là những chính sách thuế mới này hầu như chẳng ảnh hưởng gì đến các thương hiệu xe điện Trung Quốc vì hầu như có rất ít sản phẩm được bán tại thị trường này.

Thế nhưng sự vui mừng và ủng hộ của 223 hãng xe điện tại Mỹ với chính sách thuế mới lại phản ánh nỗi sợ tột độ của ngành công nghiệp từng là niềm tự hào của nền kinh tế số 1 thế giới.

Trung Quốc ‘vô địch thiên hạ’: 223 hãng xe điện tại Mỹ sợ hãi dù đối thủ còn chưa tham chiến, áp thuế 100% khi biết không thể đọ nổi về công nghệ, sản lượng và mức giá- Ảnh 1.

Sợ hãi

Tờ New York Times (NYT) nhận định Mỹ đang quan ngại sâu sắc đến ngành ô tô nội địa, vốn từng là niềm tự hào của đất nước nhưng đang lép vế trước sự trỗi dậy từ Trung Quốc.

Hàng loạt hãng xe điện như Tesla, GM, Ford, Volkswagen, Hyundai…đã đổ tiền đầu tư hàng chục tỷ USD vào các nhà máy xe điện lẫn ắc quy ở Mỹ.

Tuy nhiên ngoại trừ Tesla, chưa có thương hiệu nào tại Mỹ, bất kể là Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể so bì được với xe điện Trung Quốc về quy mô, nguồn cung nguyên liệu, công nghệ, giá bán hay thậm chí là thiết kế.

“Trung Quốc đang dư thừa công suất xe điện”, Chủ tịch John Bozzella của Liên minh AAI, một cơ quan vận động hành lang cho ngành ô tô ở Mỹ nhận định.

“Họ đang sản xuất quá nhiều xe điện…Khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Mỹ sẽ bị tổn hại nếu xe điện Trung Quốc được bán với giá thấp hơn thị trường cho người tiêu dùng Mỹ”, ông Bozzella bổ sung.

Chính vì vậy rất nhiều nhà sản xuất ô tô Mỹ đã hoan nghênh quyết định của Nhà Trắng về việc áp thuế 100% xe điện từ Trung Quốc khi cho rằng chúng sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm tỷ USD đầu tư vào nhà máy xe điện và ắc quy ở nơi đây.

“Động thái này là một phản ứng cần thiết để chống lại các hoạt động thương mại từ Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho tương lai ngành ô tô Mỹ”, thượng nghị sĩ Gary Peters bang Michigan tuyên bố.

Trung Quốc ‘vô địch thiên hạ’: 223 hãng xe điện tại Mỹ sợ hãi dù đối thủ còn chưa tham chiến, áp thuế 100% khi biết không thể đọ nổi về công nghệ, sản lượng và mức giá- Ảnh 2.
Trung Quốc ‘vô địch thiên hạ’: 223 hãng xe điện tại Mỹ sợ hãi dù đối thủ còn chưa tham chiến, áp thuế 100% khi biết không thể đọ nổi về công nghệ, sản lượng và mức giá- Ảnh 3.
Trung Quốc ‘vô địch thiên hạ’: 223 hãng xe điện tại Mỹ sợ hãi dù đối thủ còn chưa tham chiến, áp thuế 100% khi biết không thể đọ nổi về công nghệ, sản lượng và mức giá- Ảnh 4.
Trung Quốc ‘vô địch thiên hạ’: 223 hãng xe điện tại Mỹ sợ hãi dù đối thủ còn chưa tham chiến, áp thuế 100% khi biết không thể đọ nổi về công nghệ, sản lượng và mức giá- Ảnh 5.

Thế nhưng những biện pháp mạnh tay này diễn ra trong bối cảnh Mỹ chỉ nhập khẩu một vài sản phẩm xe điện hoặc ô tô xăng từ Trung Quốc, phần lớn là do thuê ngoài sản xuất. Ví dụ như Polrstar 2 là một chiếc xe điện được sản xuất ở Trung Quốc nhưng mang thương hiệu Thụy Điển.

Trong quý I/2024, Polestar chỉ bán được 2.200 chiếc xe ở Mỹ nhưng ngay cả vậy thì hãng cũng đã bắt đầu dịch chuyển sản xuất sang nhà máy ở Nam Carolina. Thế nhưng nhà máy này cũng do Volvo Cars, một thương hiệu do hãng Geely-Trung Quốc sở hữu.

Hiện Volvo đang bán mẫu xe Hybrid S90 Recharge do Trung Quốc sản xuất tại Mỹ và đang có kế hoạch nhập khẩu xe điện thể thao đa dụng cỡ nhỏ EX30 vào đây với giá khởi điểm 35.000 USD, biến đây thành sản phẩm ô tô điện rẻ nhất nước.

Tại Châu Âu, EX30 đang là mẫu xe bán chạy nhất khu vực. Tuy nhiên việc Mỹ nâng thuế đang khiến Volvo phải đánh giá lại tình hình kế hoạch.

Vô địch thiên hạ

Vị thế “vô địch thiên hạ” của Trung Quốc trong mảng xe điện là không cần bàn cãi.

Hiện CATL đang là nhà sản xuất ắc quy điện Trung Quốc lớn nhất thế giới. Hãng đã cho ra mắt dòng pin giúp xe điện chạy 1km trên mỗi phút sạc, tương đương 600km cho 10 phút sạc nhanh.

Trung Quốc ‘vô địch thiên hạ’: 223 hãng xe điện tại Mỹ sợ hãi dù đối thủ còn chưa tham chiến, áp thuế 100% khi biết không thể đọ nổi về công nghệ, sản lượng và mức giá- Ảnh 6.

Xin được nhắc là sản phẩm sạc nhanh của Tesla hiện nay cũng chỉ đi được 260-322km với 15 phút sạc, tùy vào dòng xe. Những hãng như GAC AION New Energy Automobile thì đi được 500km cho 15 phút sạc.

Giá thành của những dòng xe có chế độ sạc nhanh cũng không hề rẻ, thường bình quân vào khoảng 54.830 USD tùy chủng loại. Trong khi sản phẩm của CATL được cho là sẽ phá vỡ thị trường nhằm tạo nên thế độc quyền với dòng pin công nghệ cao giá rẻ.

Cho đến hiện nay, ắc quy vẫn chiếm đến 40% tổng chi phí sản xuất một chiếc xe điện trên thị trường.

Chính sự dẫn đầu của Trung Quốc về xe điện, vốn được coi là trọng tâm trong tương lai của ngành ô tô, đã làm dấy lên lo ngại rằng các hãng xe Mỹ sẽ không thể đối đầu được với dòng lũ sản phẩm giá rẻ, công nghệ cao đến từ bên kia Thái Bình Dương.

Ví dụ điển hình là BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc có thể bán một chiếc Seagull với giá chưa đến 15.000 USD, rẻ hơn bất kỳ chiếc xe nào ở Mỹ dù chưa hề tham chiến tại thị trường này. Với mức giá như vậy, không một thương hiệu nào tại Mỹ, cho dù đến từ Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể cạnh tranh nổi.

Thậm chí tại Châu Âu, các nhà hoạch định chính sách đang tiến hành cuộc điều tra với xe điện Trung Quốc vì lo ngại ngành ô tô địa phương sẽ phá sản trước dòng lũ sản phẩm giá rẻ.

Ngay cả với Tesla, hãng xe điện lớn nhất thế giới cũng đã phải liên tục giảm 20% giá thành nhiều mẫu xe nhưng vẫn đang phải vật lộn vì doanh số giảm trước cơn bão xe điện Trung Quốc.

Theo NYT, nếu ngay cả đế chế nhà Elon Musk còn đang gặp khó khăn thì những thương hiệu truyền thống của Mỹ như GM hay Ford chắc chắn sẽ không sống nổi nếu đối đầu trực tiếp Trung Quốc.

Trung Quốc ‘vô địch thiên hạ’: 223 hãng xe điện tại Mỹ sợ hãi dù đối thủ còn chưa tham chiến, áp thuế 100% khi biết không thể đọ nổi về công nghệ, sản lượng và mức giá- Ảnh 7.
Trung Quốc ‘vô địch thiên hạ’: 223 hãng xe điện tại Mỹ sợ hãi dù đối thủ còn chưa tham chiến, áp thuế 100% khi biết không thể đọ nổi về công nghệ, sản lượng và mức giá- Ảnh 8.

Tính trong quý I/2024, mảng xe điện của Ford đã lỗ ròng 1,3 tỷ USD. Cả GM và Ford hiện đều đang tạm hoãn quá trình phát triển xe điện để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chuyển sang dòng xe Hybrid.

Trớ trêu thay, Trung Quốc lại không phải trở ngại lớn nhất trên con đường làm xe điện của Mỹ. Sự hào hứng của người dân nước này với xe điện đã giảm dần do giá cao và tổng thể chi phí không hợp lý so với xe xăng hoặc ô tô Hybrid. Đó là chưa kể đến vấn đề quy mô trạm sạc, khả năng vận hành đường dài trong thời tiết khó khăn hay địa hình hiểm trở.

Số liệu của Kelley Blue Book cho thấy chỉ có 269.000 chiếc xe điện được bán tại Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay, mức tăng khiêm tốn 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Để so sánh, tổng doanh số bán ô tô xăng và xe tải nhẹ ở Mỹ đã tăng hơn 5% lên 3,8 triệu chiếc cùng kỳ.

Rõ ràng, ngành xe điện Mỹ đang gặp quá nhiều thách thức và việc sợ hãi trước ông lớn Trung Quốc là điều dễ hiểu.

*Nguồn: NYT / Cafe VN

Giới quan sát: VN mất hàng tỷ đôla viện trợ do quan chức ‘quá lo sợ’ bị đưa vào ‘lò’

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp về ‘hài hòa hóa’ thủ tục ODA và vốn vay ưu đãi, ngày 27/3/2024. Photo TTXVN.

Giới phân tích tình hình Việt Nam cho rằng việc Việt Nam mất 2,5 tỷ đôla viện trợ nước ngoài trong ba năm qua do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính là một khoảng chi phí cơ hội quá lớn đối với Hà Nội, đồng thời khuyến nghị chính phủ nên giải quyết vấn đề này để không đánh mất niềm tin từ các nhà tài trợ quốc tế.

Một bức thư của Liên Hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây cảnh báo chính phủ Hà Nội về sự thất vọng của họ đối với những rào cản pháp lý và thủ tục phê duyệt kéo dài, gây ra bế tắc giữa lúc quốc gia Cộng sản này đang bị bủa vây bởi chiến dịch chống tham nhũng leo thang và tình trạng bất ổn chính trị, theo Reuters hôm 17/5.

“Bức thư này phản ánh các nhận xét mang tính giai thoại của các nhà quan sát nước ngoài rằng chiến dịch chống tham nhũng “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm chậm đáng kể việc phê duyệt các dự án mới từ viện trợ nước ngoài”, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nêu nhận định với VOA qua email.

Reuters dẫn bức thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi 6/3 cho biết chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra của Việt Nam có thể đã tác động đến dòng vốn của nước ngoài, bao gồm cả vốn tài trợ, được biết đến là viện trợ phát triển chính thức (ODA) – tức là các khoản cho vay mà các nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho chính phủ Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội.

Theo bức thư gửi Thủ tướng Chính, do ảnh hưởng của tình trạng tê liệt hành chính của Việt Nam, khoảng 1 tỷ đô la quỹ phát triển hiện cần chờ chính phủ phê duyệt, trong khi 2,5 tỷ đôla khác đã phải hoàn trả cho nước tài trợ do đã hết hạn. Những khoản tiền này lẽ ra có thể đã được chi cho các dự án rất cần thiết như nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhưng hiện có nguy cơ bị thất thoát do sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt. Thiệt hại tiềm tàng tương đương với gần 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.

“Khoản thiệt hại trên là chi phí cơ hội rất lớn đối với Việt Nam”, giáo sư Thayer cho biết thêm, so sánh mức thiệt hại này với con số 6,17 tỷ đôla vốn đăng ký cấp mới, vốn bổ sung, góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong quý 1 năm 2024 của Việt Nam.

Bức thư nhấn mạnh rằng do bộ máy quan liêu lo ngại về các quy định hiện hành, giới lãnh đạo Hà Nội đã trở nên chậm chạp một cách bất thường trong việc phê duyệt hoặc thúc đẩy các sáng kiến trong các dự án tài trợ. Điều này ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài và gây khó khăn cho việc chi tiêu công quỹ của Việt Nam.

Phân tích lý do dẫn đến sự tê liệt này, giáo sư Thayer cho biết: “Có nhiều yếu tố đan xen góp phần làm tê liệt bộ máy quan liêu của Việt Nam, bao gồm các quy định phức tạp, sự chậm trễ của Việt Nam trong việc chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch dẫn đến trì hoãn viện trợ nước ngoài và mối lo ngại của các quan chức chính phủ rằng họ có thể bị chiến dịch chống tham nhũng sờ đến do vô tình vi phạm các quy định hiện hành”.

Trong thời gian qua Việt Nam đưa ra những cam kết đáng kể về việc giảm sử dụng than để đổi lấy nguồn viện trợ về khí hậu của phương Tây, nhưng một năm rưỡi sau khi thỏa thuận với các quốc gia của Nhóm G7 được công bố, vẫn chưa có khoản vốn nào được giải ngân, trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh nhập khẩu than để tránh tình trạng thiếu điện ở các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài.

Bức thư được người đứng đầu Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng gửi và có chữ ký của 18 đại sứ, trong đó có các đại sứ từ Mỹ, EU và Nhật Bản, cũng như người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam. Họ nhấn mạnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong việc sử dụng nguồn vốn và kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh quá trình phê duyệt để đảm bảo nguồn vốn này có thể được sử dụng hiệu quả.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về bản tin trên của Reuters, nhưng chưa được phản hồi.

‘Hài hòa hóa thủ tục’

Dường như chính phủ Việt Nam đã nhận ra sự ách tắc này nên hồi ngày 27/3/2024, Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng phát triển và các đại sứ nước ngoài tại Hà Nội để nêu sự cần thiết phải “hài hoà hoá thủ tục” để rút ngắn thời gian chuẩn bị và triển khai các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Mục đích của cuộc họp này là nhằm “nhận diện những khó khăn, vướng mắc” để có giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA, theo cổng thông tin Chính phủ.

Hiện có ba loại ODA mà chính phủ Việt Nam đang nhận từ nước ngoài: ODA không hoàn được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; ODA hoàn lại cung cấp các khoản vay nước ngoài với lãi suất thấp và thời gian trả nợ tương đối dài, thường kèm theo các điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài; và ODA hỗn hợp của hai loại trên.

ODA được ký kết trên cơ sở các hiệp định song phương hoặc nhóm các nhà tài trợ quốc tế.

‘Sợ bị soi’

Luật sư Lê Quốc Quân đang sinh sống tại Hoa Kỳ, người có gần hai 20 năm làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài về các dự án phát triển tại Việt Nam thông qua công ty Giải pháp Việt Nam do ông điều hành, nhận định rằng việc Việt Nam bị mất các khoản tiền tài trợ như Reuters loan tin là “không mới”, nhưng nói rằng khoản thất thoát hàng tỷ đôla như lần này là “quá nhiều”.

“Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố: thứ nhất là thủ tục hành chính của Việt Nam chậm trễ rất nhiều; thứ hai là việc giải ngân phải áp ứng các chuẩn mực của phía Việt Nam và phía nhà tài trợ; nguyên nhân chính trong vụ này do quá trình chống tham nhũng của Việt Nam khiến các quan chức thực hiện công việc giải ngân không dám tiến hành do sợ bị làm sai, sợ bị soi xét”, ông Quân phân tích, nói thêm rằng sau mỗi đợt giải ngân thì các nhà thầu thường phải gửi tiền hoa hồng cho cán bộ phê duyệt, thẩm định.

Chính quá trình chống tham nhũng của Hà Nội khiến các quan chức “mất động lực” giải ngân, vẫn theo luật sư Quân. Ông nói: “Thực tế là động cơ của việc giải ngân nằm ở đằng sau, nếu như có hoa hồng, có bôi trơn thì họ làm ào ào, thậm chí còn bỏ qua các bước nhỏ để tiến hành, nhưng khi bầu không khí chung do chống tham nhũng, chống tiêu cực lớn như thế này thì ở đâu cũng bị soi xét”.

Giới quan sát đưa nhận định rằng các quan chức Việt Nam ngày càng không mặn mà với các khoản vay phát triển do lãi suất cho vay loại này không còn ưu đãi như trước đây và áp lực trả nợ đáo hạn ngày càng cao.

“Bằng bức thư đó các nhà tài trợ ép Việt Nam phải ổn định nền chính trị và phải định hướng cho thời gian sắp tới”, luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada nêu quan điểm. Tuy nhiên, ông Khanh nhận xét rằng “Việt Nam có thể cứ lừng chừng và hứa hẹn và họ sẽ không để cho các quốc gia kia gây áp lực ngoại trừ các quốc gia kia siết lại bằng một chính sách khác đối với Việt Nam”.

Ngoài ra, luật sư Khanh nhận định rằng yếu tố địa chính trị của Việt Nam có thể không cho phép các quốc gia tài trợ gây áp lực quá mức đối với Hà Nội trong việc giải ngân và các bên có thể sẽ tiếp tục thương lượng.

Nhưng nhìn chung, “về lâu về dài, Việt Nam sẽ bị thiệt thòi rất nhiều do gây mất niềm tin từ các quốc gia phương tây”, vẫn luật sư Khanh.

Theo VOA