Đền dát 400 kg vàng ở Ấn Độ được đồn chữa bách bệnh

Ngôi đền Harmandir Sahib ở thành phố Amritsar, bang Punjab (Ấn Độ) là một toà nhà hai tầng nằm trên một hồ nước nhân tạo, dát đầy vàng lá và đá quý bên trong, từ lâu được đồn có thể chữa các loại bệnh.

Được khởi công từ năm 1588, hoàn thiện vào năm 1830, Đền Vàng Harmandir Sahib nằm ở thành phố Amritsar, bang Punjab (Ấn Độ) là địa điểm tâm linh quan trọng nhất của những tín đồ đạo Sikh, thu hút đông đúc du khách mỗi ngày. 

Đền Vàng nổi tiếng bởi phần mái vòm dát vàng nặng 400kg. Năm 2018, công trình này còn được tu bổ dát thêm khoảng 160kg vàng. Bao quanh đền là hồ nước nhân tạo, được đồn có thể chữa bách bệnh.

Ở các hướng vào đền, du khách đều phải đi qua các khu chợ sầm uất, rất đông người. Có 4 lối đi ở 4 hướng, biểu tượng cho thấy công trình này luôn chào đón bất cứ du khách nào tới tham quan. Tuy nhiên, người thăm đền phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của đạo Sikh và không được phép có hành vi thiếu tôn trọng.

Dãy tòa nhà tường thành bao quanh ngôi đền. Để vào trong, tất cả du khách phải gửi giầy dép bên ngoài. Ngay từ đây luôn luôn có một nhân viên vệ sinh lau dọn bụi bẩn trong suốt thời gian mở cửa đón khách.

Trước khi qua cổng, du khách được hướng dẫn phải giẫm chân xuống nước rửa. 

Lối vào đền ở giữa hồ luôn trong tình trạng đông nghẹt người. Để tham quan các chi tiết bên trong ngôi đền, du khách phải có nhiều thời gian cũng sự sự kiên nhẫn để xếp hàng qua cửa kiểm soát.

Đền chính là một toà nhà 2 tầng dát đầy vàng lá và đá quý bên trong. Sàn nhà lát đá cẩm thạch được chạm khắc tinh xảo, trong khi tường và trần được bao phủ hoàn toàn bởi đá và kim loại quý. 

Đây là nơi đặt Guru Granth Sahib, kinh thánh thiêng liêng của đạo Sikh. Kinh được đọc cả ngày cùng với các bài thánh ca và nhạc cụ khác.

Ngôi đền hoạt động như một cơ quan tự quản với một ủy ban quản lý, những người giám sát, đội tình nguyện… Người dân nơi đây tuân thủ nghiêm ngặt các nghi lễ hàng ngày, mở cửa miễn phí phục vụ du khách không kể ngày đêm, chỉ trừ 4 tiếng dọn dẹp điện thờ.

Do thời gian tham quan có hạn, không thể vào được bên trong, anh Bảo Anh – một du khách người Việt Nam đứng chắp tay thành kính phía ngoài tương đối xa ngôi đền. 

Đền Vàng đón tất cả tín đồ và du khách không phân biệt đẳng cấp, giới tính, địa vị xã hội, quốc tịch hay bất kỳ thành kiến nào.

Thói quen nghề nghiệp

Trong làng có bà lão Hùng số đỏ thật, đẻ liên tiếp ba cậu con trai. Cả ba đứa đều chịu khó phấn đấu, làm ăn nên trò nên trống. Cậu cả nay làm chủ tịch xã, lời nói như nặng như chì, chỉ đâu làm đấy, rất có danh tiếng trong vùng.

Cậu hai là cán bộ phụ trách trung tâm giới thiệu việc làm tại thị trấn, tất bật giới thiệu việc làm cho nhiều người, hưởng hoa hồng thôi cũng được bộn tiền. Cậu út hồi tiểu học lưu ban đến ba, bốn lần, chưa tốt nghiệp đã dấn thân vào đời, nay làm nghề khóc đám ma thuê. Mỗi giờ cậu khóc kiếm được 50 tệ, lại có cả danh thiếp để liên hệ công việc, chuyên nghiệp quá đi chứ!

a68ee566b78116df4f904.jpg -0
Minh họa trong trang của Hùng Digo

Nhưng bà lão Hùng tốt số sống chưa qua mùa đông thứ bảy mươi thì đã vội vàng đi gặp ông bà ông vải. Người làng rất ngưỡng mộ bà khi có ba đứa con trai. Đứa có quyền, đứa có tiền, đứa lại biết khóc, vậy thì đám tang của bà lão Hùng chắc chắn sẽ nổi đình nổi đám lắm đấy. Thế nhưng linh cữu cụ Hùng đã nằm trong quan tài hai ngày mà vẫn chưa thấy cậu cả về. Cậu hai và cậu út đã có mặt nhưng cũng không nghe thấy tiếng khóc. Mọi người đều thấy buồn rầu.

Thư thông báo đã gửi đến chỗ cậu cả rồi nên mọi người nghĩ có lẽ anh ta bận công việc quá. Thế là điều ông cậu đến ủy ban xã tìm. Lúc đó cậu cả đang cầm cốc trà ngồi vắt chân xem báo. Thấy ông cậu đến, anh ta nói:

– Cháu ngồi chờ người ta đánh xe đến đón ấy mà cậu, cậu ở lại đi với cháu luôn.

“Mẹ mất mà nó còn ngồi chờ người ta đánh xe đến đón sao?” – ông cậu nghĩ trong lòng không dám nói ra.

Ở nhà, cậu hai và cậu út đang bàn với nhau. Cậu hai nói:

– Khi còn sống mẹ thương em nhất, em lại khóc khéo nhất, vậy em khóc trước đi!

Cậu út muốn khóc lắm nhưng không tài nào khóc ra tiếng, càng cố ép nước mắt thì lại càng không khóc được. Mọi người không rõ nguyên nhân, mãi sau cậu hai mới sực nhớ, đưa cho cậu út tờ 100 tệ. Vừa nhận tiền cậu liền:

– Ô hô!… Số mẹ khổ quá, mẹ ơi!… – Nước mắt cậu út trào ra như vòi phun.

Hai giờ sau, tiếng khóc của cậu út bỗng ngưng bặt, cậu hai lại đưa cho cậu út 80 tệ, bảo em khóc hai tiếng nữa. Cậu út hỏi:

– Tại sao chỉ có 80 tệ?

– Em khóc bốn tiếng, tổng cộng là 200 tệ chẵn, anh khấu trừ 10 phần trăm là còn 180 tệ!

Thời gian tổ chức lễ tang cho bà cụ do cậu hai ấn định bắt đầu vào hồi 8 giờ 8 phút ngày mồng 8. Cậu cả là Chủ tịch xã phát biểu trong lễ truy điệu:

– Thưa các vị lãnh đạo, thưa toàn thể ban ngành, thưa các đồng chí! Lời đầu tiên thay mặt cho ban tổ chức cho phép tôi xin được nhiệt liệt hoan nghênh và chân thành cảm ơn các vị đã tới tham dự…

Hiếu Nghiêm (dịch) / Truyện vui của Vương Nhã (Trung Quốc)

Hãy khám bác sĩ ngay nếu có 5 tình trạng này ở bàn chân

Bệnh tiểu đường có nhiều biến chứng nguy hiểm khiến người bệnh chịu đựng đau đớn kéo dài. Vài năm gần đây, số người mắc bệnh này có xu hướng ở những người trẻ tuổi. Một chuyên gia chăm sóc lồng ngực Hoàng Xuân đã chia sẻ rằng, bạn cần chú ý đến “những thay đổi ở bàn chân”, nó có thể cho bạn biết liệu mình có mắc bệnh tiểu đường hay không. Vì vậy, nếu phát hiện có 5 thay đổi này ở bàn chân thì bạn cần nên cẩn thận.

Theo chuyên gia, bạn cần chú ý đến “những thay đổi ở bàn chân”, nó có thể cho bạn biết liệu mình có mắc bệnh tiểu đường hay không. (Ảnh: New Africa/ Shutterstock)

  1. Bàn chân bị tê
    Thỉnh thoảng bị tê chân có thể là chuyện nhỏ, nhưng đối với bệnh nhân tiểu đường thì không thể xem nhẹ. Vì lượng đường trong máu cao lâu ngày có thể gây ra bệnh “bàn chân đái tháo đường”, khiến cho bàn chân mất đi độ nhạy cảm. Không chỉ vậy, bàn chân có thể cảm thấy nóng hoặc lạnh, thậm chí có ảo giác như kiến ​​đang bò và đôi khi bạn có thể bị tê vì nhiệt độ hoặc bị đau.

Ngoài ra, các triệu chứng này có thể đi kèm với các triệu chứng khác: Tê ở chi dưới, da chân khô như sa mạc, bàn chân lạnh như băng, bàn chân đổi màu, cảm giác nóng rát hoặc lạnh khi đi lại, thường xuyên có kiến bò, hoàn toàn không có cảm giác kích thích lạnh hoặc nóng. Nghiêm trọng nhất là có nguy cơ bị loét bàn chân và hoại tử.

  1. Lòng bàn chân có gai châm
    Nếu lòng bàn chân bị đâm và bỏng rát khi đi bộ, dù nghỉ ngơi một lúc có vẻ sẽ thuyên giảm, nhưng cơn đau vẫn tiếp tục ngay khi bạn bắt đầu bước đi. Loại đau này có thể là do lượng đường trong máu cao kéo dài, gây ra chứng đau nhức thần kinh. Cơn đau sẽ trầm trọng hơn vào ban đêm. Các bác sĩ gọi đây là “đau cách hồi”.
  2. Ngứa chân
    Da chân bị ngứa (đặc biệt là vùng gần “mắt cá chân”) và khô mất đi độ đàn hồi như thể được làm bằng sáp, mất đi độ đàn hồi, lông rụng, da nhợt nhạt và xuất hiện sắc tố da. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm nấm.

Da chân bị ngứa (đặc biệt là vùng gần “mắt cá chân”) và khô có thể là dấu hiệu của nhiễm nấm. (Ảnh: Me dia/ Shutterstock)

  1. Cả hai chân đều bị thối
    Nếu lượng đường trong máu không ổn định trong thời gian dài có thể khiến máu lưu thông ở chân không được thông thuận, một khi da bị thương sẽ không dễ lành, dễ bị nhiễm trùng, thậm chí hình thành vết loét.
  2. Ngón chân cong
    Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài có thể khiến chân tay không đủ dinh dưỡng và cơ bắp trở nên gầy yếu. Nếu không có sự hỗ trợ và nâng đỡ của cơ, các ngón chân có thể bắt đầu biến dạng, tạo thành các hình dạng cong như bàn chân lõm, ngón chân búa, v.v..

Thông thường trong thực tế mọi người đôi khi bỏ qua những thay đổi nhỏ ở bàn chân trong cuộc sống hàng ngày, các vết nứt khô quanh “gót chân”, ngứa ở “mắt cá chân” hoặc da chân xuất hiện màu sắc bất thường, nóng và sưng tấy. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo bàn chân của bệnh tiểu đường. Nó thường đến rồi đi, khiến chúng ta cho rằng đó không phải là vấn đề lớn, nhưng xem nhẹ này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm sự phát triển của vết loét và hoại tử ở bàn chân. Nếu bạn thường xuyên gặp phải những vấn đề này ở bàn chân, thì hãy đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, ngoài các triệu chứng ở chân nêu trên, triệu chứng thường gặp liên quan đến bệnh tiểu đường còn bao gồm: Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, khát nước, đi tiểu thường xuyên, đói  bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, mờ mắt, suy nhược, v.v. 

Vì bệnh tiểu đường không có vùng bị ảnh hưởng cụ thể, nên những người lần đầu tiên đi khám có thể bối rối không biết nên đến bác sĩ nào. Trên thực tế, đối với bệnh này, về cơ bản bạn cần đến khoa nội tiết và chuyển hóa. 

Để tránh mắc bệnh tiểu đường, bạn nên duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh: Ăn uống cân bằng, duy trì cân nặng hợp lý, có thói quen tập thể dục, tránh hút thuốc thụ động và uống rượu quá nhiều. Duy trì thói quen sinh hoạt điều độ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong tương lai.

Ngữ Yên, Vision Times / Trí thức VN

Nghiên cứu: Có một loại cảm xúc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ

Một nghiên cứu mới gần đây đã phát hiện ra rằng có một loại cảm xúc mang sức tàn phá nghiêm trọng đối với hệ thống tim mạch, thậm chí là gây đột quỵ. Nghiên cứu cũng cung cấp thêm bằng chứng với những thay đổi sinh lý về tác động của cảm xúc tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.

Một nghiên cứu mới gần đây đã phát hiện ra rằng có một loại cảm xúc có sức tàn phá nghiêm trọng đối với hệ thống tim mạch. (Ảnh: Drawlab19/ Shutterstock)
Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 5 năm 2024. Các nhà nghiên cứu giao ngẫu nhiên 280 người trưởng thành khỏe mạnh vào bốn nhiệm vụ để khơi gợi những cảm xúc khác nhau, bao gồm nhớ lại điều gì đó khiến họ tức giận hoặc khiến họ lo lắng khi họ đọc một loạt câu buồn và chán nản. Trong khi nhóm kiểm soát được tạo ra trạng thái vô cảm bằng cách đếm từ 1 đến 100 theo chu kỳ lặp đi lặp lại nhiều lần. Mỗi nhiệm vụ kéo dài 8 phút.

Kết quả cho thấy những người nhớ lại những sự kiện gây tức giận trong quá khứ có khả năng bị suy giảm tĩnh mạch; đặc biệt là các hiệu ứng này không biến mất cho đến 40 phút sau. Còn những người có cảm xúc lo lắng và buồn bã thì không có sự thay đổi đáng kể.

Daichi Shimbo, giáo sư y khoa tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia ở New York cho biết trong một thông cáo báo chí rằng: “Chúng tôi phát hiện ra rằng việc gây ra trạng thái tức giận sẽ dẫn đến hàng loạt các rối loạn chức năng mạch máu. Hơn nữa, các chức năng mạch máu bị suy giảm có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.”

Glenn Levine, thành viên của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, đồng thời là bác sĩ lâm sàng và giáo sư y khoa tại Đại học Y Baylor, cho biết: “Nghiên cứu này là bằng chứng quan trọng đặt nền móng cho việc chứng minh rằng sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch; trạng thái cảm xúc cấp tính mạnh mẽ như tức giận hoặc căng thẳng, có thể dẫn đến các vấn đề cho tim mạch.”

Các nghiên cứu trước đây cũng đã phát hiện ra rằng những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, lo lắng, đau khổ và buồn bã không những có tác động đến tinh thần mà còn thực sự có thể gây hại cho sức khỏe thể chất. Trong đó, có nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch và tử vong do ung thư.

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng gấp đôi sau khi bộc phát cơn giận
Một nghiên cứu tổng quan có hệ thống của Đại học Harvard cho thấy so với những thời điểm khác, nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc hội chứng mạch vành cấp tính sẽ tăng 4,74 lần trong vòng 2 giờ sau khi bộc phát cơn giận dữ và nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cũng tăng lên 3,62 lần.

Nghiên cứu cũng cho thấy cơn giận càng đột ngột và dữ dội thì nguy cơ mắc bệnh lại càng cao. Theo số liệu thống kê, so với các thời điểm khác: Trong vòng 15 phút sau khi nổi giận, tỷ lệ nhịp nhanh thất tăng 1,83 lần; trong 15 phút tiếp theo đến khoảng 2 giờ, tỷ lệ nhịp nhanh thất tăng 1,35 lần; tỷ lệ nhịp nhanh thất hoặc rung thất trong vòng 1 giờ sau khi tức giận dữ dội sẽ cao gấp 16,7 lần; trong vòng 1 giờ sau khi giận dữ ở mức độ vừa phải, tỷ lệ nhịp nhanh thất hoặc rung thất cao hơn 3,2 lần.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau khi tức giận là rất có cơ sở. Đặc biệt là đối với những người vốn đã có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hoặc những người thường xuyên tức giận thì khả năng mắc bệnh tim mạch là rất cao.

Nghiên cứu cho thấy cơn giận càng đột ngột và dữ dội thì nguy cơ mắc bệnh tim lại càng cao. (Ảnh: Pixel-Shot/ Shutterstock)
Tần suất tức giận làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch ở người trung niên và người cao tuổi
Tần suất tức giận cũng có tác động đến nguy cơ tử vong do mắc bệnh tim mạch ở người trung niên và người cao tuổi. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch châu Âu năm 2022, nghiên cứu bao gồm 47.077 người trung niên và người cao tuổi đã được tham gia vào nghiên cứu trong vòng 9 năm. Kết quả cho thấy những cơn tức giận dữ dội thường xuyên làm tăng nguy cơ suy tim lên 19%, rung tâm nhĩ lên 16% và tử vong do bệnh tim mạch lên 23%.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tần suất tức giận làm tăng nguy cơ suy tim lên 30% ở nam giới và 2% ở nữ giới. Tần suất tức giận làm tăng nguy cơ suy tim ở những người tham gia có tiền sử bệnh tiểu đường so với những người tham gia không có tiền sử bệnh tiểu đường tăng 39%.

Tần suất tức giận không chỉ làm tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch, mà sự tức giận một cách hung hăn đối với người khác có thể làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư lên 14%.

Trầm cảm và lo lắng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ
Tiến sĩ Shimbo cho biết cảm xúc tiêu cực phổ biến nhất là tức giận, trong khi lo lắng và buồn bã cũng có liên quan đến nguy cơ đau tim nhưng nó ở mức độ thấp hơn.

Nghiên cứu bổ sung cho thấy lo lắng và trầm cảm làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Theo một nghiên cứu sơ bộ được trình bày tại Phiên họp khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2023, một phân tích trên 71.262 người trưởng thành với độ tuổi trung bình là 49 tuổi. Kết quả cho thấy trầm cảm và lo lắng làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ khoảng 35% và đẩy nhanh sự phát triển của các yếu tố mắc bệnh tim mạch mới lên 38%. Đồng thời, người tham gia còn phát triển các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như huyết áp cao, cholesterol cao hoặc tiểu đường loại 2 trong thời gian theo dõi.

Sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất không thể tách rời
Yang Jingduan, người sáng lập và giám đốc y tế của Trung tâm Y học Tích hợp Trẻ ở Pennsylvania, đồng thời là giáo sư của Trung tâm Y học Tích hợp tại Đại học Arizona, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng: Sức khỏe tâm thần có tác động rất lớn đến sức khỏe thể chất. Tinh thần thường được coi là phi vật chất nhưng trên thực tế, vật chất và phi vật chất là những khái niệm đồng nhất.

Trước vấn đề này, ông Yang Jingduan cũng đã đề xuất những cách thức và phương pháp lành mạnh để giúp bạn đối phó với cơn giận:

  1. Thiền định
    Thiền định có thể giúp giải tỏa cảm xúc. Một nghiên cứu được công bố trên JAMA Psychiatry vào năm 2022 đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng trên 276 người lớn mắc chứng rối loạn lo âu. Người ta nhận thấy rằng, sau 8 tuần điều trị đã giảm căng thẳng dựa trên thiền định.

Thiền định có thể làm giảm căng thẳng và có tác động tích cực đối với chứng trầm cảm, mất ngủ, đau đớn và lo lắng. (Ảnh: Shutterstock)
Đăng ký học thiền, rèn luyện cả tâm lẫn thân tại đây.

  1. Điều chỉnh các mối quan hệ giữa các cá nhân
    Nếu mối quan hệ gặp rắc rối sẽ khiến mọi người cảm thấy bi quan hoặc chán nản. Vì vậy, việc duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa các cá nhân cũng có tác động lớn đến sức khỏe thể chất.

Sự cô lập và cô đơn trong xã hội có thể gây ra những tác động có hại đến sức khỏe tim mạch, não bộ, tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong do bất kỳ tình trạng nào trong số này lên đến 30%.

  1. Có lòng nhân ái
    Có thể hiểu, tha thứ, tử tế với người khác và với mọi việc sẽ khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Nếu không thể chú ý đến vấn đề này, bạn sẽ khó có thể duy trì được thái độ tốt, nhất là khi gặp những trường hợp khẩn cấp, rất dễ xuất hiện những lời nói, hành động hoặc biểu hiện giận dữ quá mức không những sẽ làm tổn thương người khác mà còn tổn thương cả sức khỏe của chính mình. Một nghiên cứu do Harvard dẫn đầu cho thấy sự tha thứ sẽ làm giảm lo lắng và trầm cảm, từ đó thúc đẩy sức khỏe tinh thần của con người.

Ông Yang Jingduan cũng khuyên bạn tĩnh tâm lại và cho bản thân một cơ hội khi cơn tức giận xuất hiện, chẳng hạn như hít một hơi thật sâu hoặc đếm từ 1 đến 10 để giải tỏa hoặc đơn giản là buông đi. Phương pháp đơn giản này có thể giúp bạn thoát khỏi thói quen bị kích động cảm xúc.

Theo Lý Bắc, Lý Phàm, Epochtimes

Trung ương Đảng họp: người thăng tiến, kẻ bị trừng phạt và những điểm đáng lưu ý

Bà Trương Thị Mai, nhân vật thân cận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã rời chính trường

Ngày đầu tiên của Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng kiến những biến động dữ dội ở thượng tầng của nền chính trị quốc gia. Thấy gì từ những diễn biến này?

Hội nghị lần này diễn ra từ ngày 16/5 đến 18/5, giữa bối cảnh nhân sự cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều biến động dữ dội.

Chỉ từ đầu năm 2024 đến trước hội nghị đã có 3 ủy viên Bộ Chính trị, bao gồm 2 người trong “Tứ Trụ”, bị cho thôi chức, miễn nhiệm.

Do đó, hội nghị này được chờ đợi sẽ đưa ra những quyết định quan trọng về các vị trí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Dù thế, thông tin về kỳ họp đã không được Trung ương Đảng công bố cho đến sau thời điểm khai mạc.

Và chỉ trong ngày đầu tiên của hội nghị đã có nhiều dấu hiệu và diễn biến quan trọng được ghi nhận:

  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái xuất sau thời gian dài không xuất hiện.
  • Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai bị cho thôi chức.
  • Đại tướng Lương Cường làm thường trực Ban Bí thư.
  • Bổ sung 4 người vào Bộ Chính trị.
  • Giới thiệu nhân sự để bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội (chưa công bố cụ thể).
  • Kỷ luật một số nhân vật cấp cao, trong đó có cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải.

Bà Trương Thị Mai mất chức

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã kết thúc sự nghiệp chính trị
Chụp lại hình ảnh,Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã kết thúc sự nghiệp chính trị

Theo thông cáo ngày 16/5 của Văn phòng Trung ương Đảng, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 đã xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Người phụ nữ 66 tuổi quê Quảng Bình này là một bóng hồng hiếm hoi trong một nền chính trị do nam giới thống trị.

Từ một cán bộ Đoàn thanh niên, bà đã dần thăng tiến qua các thang bậc trong hệ thống của Đoàn và Đảng, để rồi nắm giữ một trong những chức vụ cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam: thường trực Ban Bí thư.

Bà từng được đánh giá là sẽ tiếp tục đảm đương các trọng trách của nhà nước Việt Nam, sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mất chức.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, bà “đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân”.

“Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, bà đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác,” thông cáo nêu.

“Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của bà Trương Thị Mai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để bà Trương Thị Mai thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.”

Chiều 16/5, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đã có thông cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với bà Trương Thị Mai.

Theo đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để xem xét quyết định về việc cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với bà Trương Thị Mai, đại biểu Quốc hội thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.

Căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các quy định pháp luật có liên quan, căn cứ ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, căn cứ tờ trình của Ban Công tác đại biểu, đồng thời, xét đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội ngày 13/5 của bà Trương Thị Mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, bỏ phiếu kín thông qua và ban hành nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với bà Trương Thị Mai.

Theo quy trình thì Đảng xử lý các chức vụ trong Đảng, còn Quốc hội xử lý các chức vụ thuộc thẩm quyền của Quốc hội (ở đây là đại biểu Quốc hội).

Tương tự các trường hợp cho thôi chức ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ, thông cáo của Trung ương Đảng không nêu rõ vi phạm cụ thể của bà Trương Thị Mai là gì.

Từ nhiều ngày qua, thông tin bà Trương Thị Mai rời ghế đã xuất hiện dưới dạng tin đồn ở trên mạng xã hội. Có thông tin cho rằng bà bị cáo buộc liên quan tới sai phạm tại dự án Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng.

Trong khi đó, cũng có thông tin nói rằng bà bị vu oan giá họa và rằng bà rời chức là do không chịu nổi cuộc đấu đá nội bộ giữa các đồng chí của mình.

Thông báo chung chung của Trung ương Đảng càng khiến những đồn đoán về trường hợp của bà cũng như về cuộc nội đấu trong Đảng tiếp tục lan truyền.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là bà Mai đã được cho “hạ cánh an toàn” như các trường hợp lãnh đạo cấp cao trước bà, cụ thể là các ông Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trần Tuấn Anh.

Đại tướng Lương Cường

Con đường binh nghiệp của Đại tướng Lương Cường chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chính trị
Chụp lại hình ảnh,Con đường binh nghiệp của Đại tướng Lương Cường chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chính trị

Sau sự ra đi của bà Trương Thị Mai, ghế thường trực Ban Bí thư được phân công cho Đại tướng Lương Cường đảm nhiệm.

Đại tướng Lương Cường là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13; Bí thư Trung ương Đảng khóa 12; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13; Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Ông Cường từng có thời gian học bồi dưỡng cán bộ cấp cao tại Trung Quốc (12/2011 và 11/2013).

Trước khi được phân công nhiệm vụ mới, ông là Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ông Lương Cường có trình độ chuyên môn là cử nhân xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước.

Vào quân ngũ từ giữa thập niên 1970, ông Cường lần lượt được thăng quân hàm qua các năm: 1981 – trung úy; 1982 – thượng úy; 1985 – đại úy; 1989 – thiếu tá; 1993 – trung tá; 1997 – thượng tá và thăng quân hàm đại tá vào năm 2001.

Từ năm 2003 đến 2006, ông Lương Cường giữ chức Phó Tư lệnh về Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 2. Đầu năm 2006, ông được thăng quân hàm thiếu tướng. Sau đó, ông Cường có hơn một năm làm Chính ủy Quân đoàn 2.

Ông được thăng quân hàm trung tướng vào năm 2009 và giữ chức Chính ủy Quân khu 3 từ tháng 1/2008 đến 5/2011.

Cuối năm 2014, ông Lương Cường được thăng quân hàm thượng tướng. Ông cũng giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hơn 4 năm, từ tháng 6/2011 đến tháng 12/2015.

Ông Cường được thăng quân hàm đại tướng vào đầu năm 2019.

Trong giai đoạn từ tháng 5/2016 đến 1/2021, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương; Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Ủy viên Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.

Đầu năm 2021, ông Lương Cường được Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6 cùng năm, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.

Xét quá trình công tác, có thể thấy con đường binh nghiệp của ông Cường chủ yếu tập trung vào công tác chính trị, chứ không phải sĩ quan tác chiến.

Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện nên vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị trong quân đội luôn đặc biệt quan trọng.

Nghị quyết 51 năm 2005 của Bộ Chính trị đã định hình rõ hơn vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị. Những sĩ quan chuyên trách về chính trị như ông Lương Cường vì thế có nhiều lợi thế trên chính trường.

Việc ông được phân công giữ chức thường trực Ban Bí thư cho thấy điều đó.

Bổ sung ủy viên Bộ Chính trị

Từ trái qua: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng, ông Đỗ Văn Chiến
Chụp lại hình ảnh,Từ trái qua: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng, ông Đỗ Văn Chiến

Sau khi bà Trương Thị Mai xin thôi chức thì ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 chỉ còn 12 người, so với con số 18 người vào đầu khóa, thời điểm sau Đại hội 13 vào đầu năm 2021.

Những ủy viên Bộ Chính trị đã bị “cho thôi” hoặc bị miễn nhiệm bao gồm: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Giờ đây đến lượt bà Trương Thị Mai.

Tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13.

Cụ thể gồm:

Ông Lê Minh Hưng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ông Đỗ Văn Chiến và bà Bùi Thị Minh Hoài.

  • Ông Lê Minh Hưng, 54 tuổi, quê ở Hà Tĩnh. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 12, 13 và là Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Trước khi vào Bộ Chính trị, ông là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và là ủy viên Ban Bí thư.

Ngoài việc được bầu vào nhóm những nhân vật quyền lực nhất, ông Hưng cũng thay bà Trương Thị Mai đảm nhiệm chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Ông Hưng có hơn 20 năm gắn bó với Ngân hàng Nhà nước. Ông từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Khi vụ án Vạn Thịnh Phát và SCB được đưa ra xét xử sơ thẩm, đã có những câu hỏi đặt ra về trách nhiệm quản lý nhà nước của Thống đốc Lê Minh Hưng.

Cần lưu ý là giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến hành vi của bà Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB.

“Tôi nghĩ ông Lê Minh Hưng nên có trách nhiệm vì đã không ngăn chặn được vấn đề, dù không phải là người mở màn cho sai phạm nhưng tôi chắc rằng ông ấy phải nhận thấy vấn đề và lẽ ra phải ngăn chặn nó,” một nhà quan sát chính trị nói với BBC trước khi tòa tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát.

Ông Lê Minh Hưng là con của cố Thượng tướng Lê Minh Hương – Bộ trưởng Bộ Công an giai đoạn 1996-2002.

  • Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, 62 tuổi, quê ở Tiền Giang. Ông là Bí thư Trung ương Đảng khóa 13, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, 13.

Ông Nghĩa cũng là Đại biểu Quốc hội khóa 14 và 15.

Từ tháng 9/2012 – 1/2021, ông làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Nghĩa được thăng quân hàm thượng tướng vào năm 2017.

Ông giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương từ tháng 2/2021 cho đến nay.

  •  Bùi Thị Minh Hoài, 59 tuổi, quê ở Hà Nam.

Bà Bùi Thị Minh Hoài là Ủy viên Trung ương Đảng chính thức các khóa 11, 12 và 13.

Bà cũng là Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Bà Bùi Thị Minh Hoài có thời gian dài gắn bó với ngành thanh tra, kiểm tra và từng giữ các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Nam; Bí thư Thành ủy Phủ Lý; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam…

Tháng 3/2011, bà giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, rồi Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Từ 4/2021, bà làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho đến nay.

  • Ông Đỗ Văn Chiến, 62 tuổi, quê ở Tuyên Quang.

Ông là Ủy viên Trung ương chính thức các khóa khóa 11, 12 và 13.

Ông cũng là Đại biểu Quốc hội các khóa 13, 14 và 15.

Ông Chiến lần lượt kinh qua nhiều chức vụ ở Tuyên Quang: Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương; Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Sơn.

Tháng 9/2001, ông làm Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tuyên Quang và trở thành Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang sau đó.

Tháng 8/2011, ông được luân chuyển, giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2010-2015.

Tháng 2/2015, ông làm Thứ trưởng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Ông giữ chức Bộ trưởng – Chủ nhiệm ủy ban này từ tháng 4/2016.

Từ tháng 4/2021 cho đến nay, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 9, nhiệm kỳ 2019-2024.

Giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn

Ông Trần Thanh Mẫn (bìa trái) và ông Tô Lâm (thứ hai từ trái) được nhận định sẽ là hai gương mặt mới trong “Tứ Trụ”
Chụp lại hình ảnh,Ông Trần Thanh Mẫn (bìa trái) và ông Tô Lâm (thứ hai từ trái) được nhận định sẽ là hai gương mặt mới trong “Tứ Trụ”

Sau khi ông Võ Văn Thưởng xin thôi chức vào tháng 3 vừa qua thì Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền chủ tịch nước.

Đối với Quốc hội, hiện Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa 15 bầu chức chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội thay cho ông Thưởng và ông Huệ.

Về các chức danh trong “Tứ Trụ”, theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, để đạt tiêu chuẩn làm chủ tịch nước và/hoặc chủ tịch Quốc hội, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì quy định chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội đều phải là đại biểu Quốc hội.

Hiện những người thỏa mãn cả quy định của Đảng và quy định trong hiến pháp, pháp luật thì có ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính.

Trong bốn người này, hiện ông Trọng và ông Chính đã ở trong “Tứ Trụ”.

Xét sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng thì ông khó có thể kiêm thêm chức chủ tịch nước, điều mà ông từng làm sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào năm 2018.

Còn vị trí thủ tướng của ông Phạm Minh Chính là vị trí điều hành các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, nếu thay đổi sẽ gây ra nhiều xáo trộn.

Do đó, ông Tô Lâm là người duy nhất đủ tiêu chuẩn cho vị trí chủ tịch nước hoặc chủ tịch Quốc hội.

Cần lưu ý, Quy định 214 cũng nêu rằng Ban Chấp hành Trung ương có thể xem xét trường hợp đặc biệt đối với các chức danh trong “Tứ Trụ”.

Điều đó cho thấy, trong trường hợp Đảng muốn cơ cấu người không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo Quy định 214, sẽ có thêm các ứng viên khác là các ủy viên Bộ Chính trị chưa tham gia trọn một nhiệm kỳ.

Như vậy thì cơ hội vào “Tứ Trụ” sẽ rộng cửa hơn cho nhiều người khác. Trong số này có ông Trần Thanh Mẫn, người đang được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sau khi ông Huệ bị miễn nhiệm.

Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, từng chia sẻ với BBC sau khi ông Vương Đình Huệ từ chức rằng ông Mẫn có khả năng sẽ lên làm chủ tịch Quốc hội.

Ông Mẫn hiện là ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 và là đại biểu Quốc hội khóa 15.

Trong một Bộ Chính trị già nua như hiện tại với hơn 75% sẽ quá 65 tuổi vào Đại hội Đảng 14, ông Mẫn là một trong ba gương mặt có thể tái ứng cử ủy viên Bộ Chính trị khóa 14 nếu xét theo quy định tuổi tác.

Về vùng miền, ông Mẫn là một trong hai ủy viên Bộ Chính trị hiếm hoi từ miền Nam.

Người còn lại là Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhưng ông Nên không phải là đại biểu Quốc hội nên không thể vào “Tứ Trụ”, theo quy định của hiến pháp và pháp luật.

Nếu cơ cấu nhân sự đảm bảo tính vùng miền thì khả năng cao ông Mẫn sẽ có một chân trong “Tứ Trụ”.

Sau khi bà Trương Thị Mai thôi chức thì xác suất ông Mẫn trở thành Chủ tịch Quốc hội càng gia tăng.

Nếu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước và ông Mẫn làm chủ tịch Quốc hội, thì Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải tính toán phương án bộ trưởng Công an (thay ông Tô Lâm) và phó chủ tịch Quốc hội (thay ông Mẫn).

Trong đó, chức danh phó chủ tịch Quốc hội sẽ do Quốc hội bầu; chức danh bộ trưởng sẽ do Quốc hội phê chuẩn.

Ông Lê Thanh Hải bị tước hết tất cả các chức vụ

Cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tước hết tất cả các chức vụ từng nắm giữ.

Thông tin được công bố qua thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Theo đó, ông Lê Thanh Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc.

Ông bị quy là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Đảng bộ, chính quyền TP HCM, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại, thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước; để xảy ra nhiều vụ án hình sự, trong đó có vụ án rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền thành phố.

Trước đó, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sai phạm của ông Hải được xác định là có liên quan tới các vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Những chức vụ ông Hải bị tước bỏ bao gồm:

  • Ủy viên Bộ Chính trị
  • Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh
  • Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM

Về chức vụ Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010-2015, ông Hải đã bị cách chức từ năm 2020 do những sai phạm liên quan tới dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trước đó, theo quy trình kỷ luật đảng viên cấp cao, trường hợp của ông Lê Thanh Hải đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo và đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật.

Sau khi xem xét, Bộ Chính trị đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật theo quy định của Đảng.

Theo Khoản 9 Điều 2 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật Đảng viên, đảng viên sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng khi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, việc ông Hải chỉ bị cách chức mà không bị khai trừ có thể hiểu rằng Đảng đã đánh giá những sai phạm của ông Hải không tới mức xử lý hình sự.

Ngoài ông Hải, trong số cựu quan chức TP HCM còn có ông Lê Hoàng Quân và ông Nguyễn Thành Phong cũng có sai phạm được xác định có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Hai ông này đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vào ngày 14/5.

Cũng trong thông cáo ngày 16/5 của Văn phòng Trung ương Đảng, có hai người khác bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, gồm:

  • Ông Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang
  • Ông Mai Tiến Dũng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Cả hai ông Thái và Dũng đều đã bị khởi tố, tạm giam trước đó.

Hôm 14/5, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội, cũng đã bị Ban Bí thư khai trừ khỏi Đảng.

Theo BBC