Bộ lạc mặc lá thay quần áo ở châu Phi

Người Koma, sống ở vùng núi giáp ranh Cameroon và Nigeria nhiều thế kỷ, nổi tiếng với phong tục mặc lá thay quần áo.

Theo Last Places – tổ chức nghiên cứu các nhóm dân tộc trên thế giới, gồm những chuyên gia với 25 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch – bộ lạc Koma từng là những người chăn nuôi gia súc. Ngày nay, họ là nông dân chủ yếu trồng kê, ngô và lạc. Trong xã hội của tộc này, phụ nữ có quyền lực lớn khi kiểm soát các khu chuồng, trại.

Nhiều đơn vị tổ chức các tour khám phá bộ lạc ở Cameroon, Nigeria thường đưa khách tới tham quan nơi sống của người Koma. Các tour thường kéo dài khoảng 10 ngày, đi qua nhiều nơi và thăm những bộ lạc nổi tiếng như Koma, Bororo, Fulani Baka (tộc người lùn). Chi phí mỗi tour vào khoảng 5.000 USD một người. Thông thường, du khách sẽ được cắm trại tại làng của người Koma để tìm hiểu về cuộc sống của họ.

Một trong những điểm “độc nhất” của người Koma là phụ nữ mặc trang phục bằng lá. Họ gần như khỏa thân, chỉ đeo cành lá để che đi vùng kín. Trên cổ người Koma thường đeo vòng làm từ những đồng xu cũ của Nigeria và Cameroon, kèm theo một số lá bùa bằng da.

Sau lễ trưởng thành, các cô gái đeo thêm những dải ruy băng màu đỏ, xanh hoặc trắng vào phần thắt lưng. Tuy nhiên, họ vẫn trung thành với trang phục bằng lá. Ngoài ra, họ cũng bắt đầu bôi trơn cơ thể bằng gỗ đàn hương trộn với dầu quả trám. Phụ nữ Koma bôi đất sét trộn với dầu vào tóc để tạo ra những bộ tóc bện cục, dài.NextStay

Người Koma cố định lá bằng thắt lưng. Trong khi phụ nữ mặc lá, đàn ông lại mặc quần da hoặc vải bông được dệt thô sơ.

Người Koma vẫn xuống các khu chợ nhỏ tại đồng bằng để mua đồ như muối, nông cụ, thiết bị điện, đồ nhựa hoặc trao đổi các sản phẩm nông nghiệp của mình.

Theo tạp chí African Leadership, phụ nữ Koma không muốn mặc quần áo bình thường vì sợ “cơn thịnh nộ của thần linh”. Tại một số chợ, nếu buộc phải mặc quần áo, họ sẽ chọn cách cuốn thêm giấy để che và bỏ ra trên đường về nhà.

Chiếc cuốc này được dành riêng cho người phụ nữ Koma như một biểu tượng uy tín, địa vị.

Trong ảnh, một lễ hội của người Koma. Theo Last Places, người Koma được phát hiện vào năm 1986 bởi một thành viên của quân đội Nigeria. Họ được miêu tả là “những người nguyên thủy, trần trụi, lạc hậu”.

Hiện người Koma sống rải rác ở vùng ranh giới hai nước Nigeria và Cameroon. Họ là một trong số ít nhóm người chưa tiếp nhận nền văn minh và vẫn trung thành với truyền thống cũ. Tuy nhiên, các chuyên gia của Last Places vẫn lo ngại việc toàn cầu hóa sẽ tác động xấu đến những “đặc điểm nhận dạng” của nhóm này.

Lại Ngứa Chân, nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam, từng ghé thăm bộ lạc này vào năm 2022. Anh cho biết dù cuộc sống ở bộ lạc Koma khá thiếu thốn, người dân vẫn đặc biệt hiếu khách. Họ đã tặng anh một số đồ trang sức và biểu diễn những vũ điệu truyền thống cho du khách này xem.

“Đó là một trải nghiệm tôi nhớ mãi không quên”, anh nói.

Hoài Anh Vietnam Express

Điều ít biết về Renoir, danh họa tôn vinh cái đẹp gợi cảm

Họa sĩ người Pháp Pierre-Auguste Renoir (1841-1919) được biết đến là một trong những nhân vật tiên phong trong sự phát triển của trường phái ấn tượng.

Người đẹp khỏa thân ngả lưng, Renoir, 1909. Nguồn: wikipedia.

Ông còn được biết đến là họa sĩ sáng tác nhiều nhất trong lịch sử (cùng Picasso), với khoảng 6.000 bức sơn dầu. Bên cạnh đó, ông còn vẽ các bức phấn màu, hình họa và tượng điêu khắc.

Trong sự nghiệp sáng tác 60 năm của mình, mặc dù nhiều lần thay đổi phong cách, nhưng Renoir không bao giờ xa rời mục tiêu của mình là tạo ra những hình ảnh tôn vinh cái đẹp gợi cảm (nhất là vẻ đẹp cơ thể của nữ giới) và hạnh phúc.

Họa sĩ ấn tượng làm việc theo nhiều phong cách

Renoir: Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh của nhà sử học nghệ thuật Susie Hogge là một trong số ít những sách hội họa về Renoir được xuất bản tại Việt Nam. Tác phẩm không chỉ phản ánh về đời tư, quá trình định hình phong cách của bậc danh họa, mà còn giới thiệu một bộ bộ sưu tập 300 bức tranh mẫu mực của ông.

Renoir sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Limoges, miền trung nước Pháp. Năm lên 4 tuổi, ông theo gia đình chuyển đến thủ đô Paris. Năm 13 tuổi, thấy ông có năng khiếu về hội họa, gia đình đã xin cho ông học vẽ tại một xưởng đồ gốm.

Năm 19 tuổi, Renoir đăng ký giấy phép chép tranh ở Bảo tàng Louvre để học các bậc thầy cách vẽ tranh và minh họa. Sau đó, ông ghi tên vào học trong xưởng vẽ tư nhân của một họa sĩ Thụy Sĩ, Charles Gleyre. Tại đây Renoir đã kết bạn với Claude Monet, Alfred Sisley và Frédéric Bazille, sau này họ là những họa sĩ hạt nhân của trào lưu hội họa ấn tượng.

Chân dung tự họa, Renoir, 1910. Nguồn: wikipedia.

Đầu năm 1862, Renoir thi vào Viện Hàn lâm mỹ thuật và bắt đầu học các lớp ở đây sau đó. Ông khao khát học và siêng năng, ủng hộ những tư tưởng mới.

Để trở thành họa sĩ có tên tuổi, cũng như nhiều họa sĩ khác thời bấy giờ, Renoir phải có tranh trong triển lãm Salon, còn gọi là “triển lãm của các nghệ sĩ đương thời”, hay “tiêu điểm của thế giới nghệ thuật Paris”.

Phong cách nghệ thuật ưa chuộng được ban giám khảo của triển lãm này lựa chọn là chủ nghĩa hiện thực hàn lâm. Phong cách hội họa này có đặc điểm là chính xác, chi tiết gần như ảnh chụp (tương phản sáng tối) kỹ lưỡng, không nhìn rõ nét bút, màu sơn mịn màng, thể hiện đề tài văn chương, lịch sử hay huyền thoại.

Năm 1864, sau rất nhiều cố gắng, cuối cùng tranh của Renoir được chấp nhận vào Salon và bước đầu tạo tên tuổi cho chàng họa sĩ trẻ có thể kiếm sống bằng nghề vẽ.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, Renoir vẽ theo hai chiều hướng rõ ràng. Các tác phẩm đặt hàng cho Salon thì nhẹ nhàng, tao nhã, hiện thực với chi tiết, hầu như theo kiểu cách cổ điển, còn các tác phẩm vẽ cho bản thân và bạn bè ít chặt chẽ và rõ ràng, nhiều màu sắc. Đây là dấu hiệu báo trước cho phong cách ấn tượng chủ nghĩa của những năm 1870.

Năm 1873, một nhóm họa sĩ, trong đó có những nghệ sĩ ấn tượng tương lai, gặp nhau tại xưởng vẽ của Renoir để thống nhất thành lập một hội độc lập các nghệ sĩ. Họ tự gọi là Hội các nghệ sĩ, họa sĩ, điêu khắc và nhà in khắc ẩn danh. Họ đặt kế hoạch khuếch trương phong trào đổi mới, chủ yếu thông qua các cuộc triển lãm độc lập, tránh khỏi sự chế ngự của Salon.

Tháng 4/1874, cuộc triển lãm đầu tiên của Hội diễn ra. Renoir là chủ tọa xét duyệt tranh. Cuộc triển lãm thu hút khá đông khách thăm thú nhưng bị giới hàn lâm nghệ thuật chính thức chế nhạo chê cười. Về mặt thương mại, triển lãm đã thất bại vì các nghệ sĩ không đủ trang trải chi phí, nhưng về mặt lịch sử nó đã giới thiệu những nhà ấn tượng chủ nghĩa ra công chúng.

Sáng tác trên xe lăn

Sau triển lãm đầu tiên, không nản lòng, Renoir và những người bạn tiếp tục tạo ra những bức tranh ấn tượng vẽ phác đầy màu sắc. Nhưng bất chấp quyết tâm của họ, sự công nhận vẫn không đến gần hơn.

Cuối năm 1877, Renoir đã chán ngấy với việc đấu tranh chống giới phê bình nhục mạ và sự khinh bỉ, ông quyết định tập trung vào kiếm sống như một họa sĩ vẽ chân dung cho những người Paris giàu có, những người biết giá trị của ông và cố gắng giành được sự công nhận thông qua Salon.

Trong giai đoạn 1878-1880, khoảng một nửa tác phẩm của Renoir là tranh chân dung, và một nửa trong số đó là đặt hàng. Renoir đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách ấn tượng và cổ điển, vốn được đa số người mua tranh hâm mộ. Tháng 5/1878, lần đầu tiên sau 8 năm, Renoir có tác phẩm được nhận vào Salon.

Cuối tháng 10/1881, Renoir rời nước Pháp để đi du lịch vòng quanh Italia. Toàn bộ trải nghiệm tại đất nước này là một trong những nhân tố dẫn đến sự thay đổi phong cách của ông.

Năm 1885, Renoir bắt đầu chuẩn bị cho một sáng tác lớn mà ông dựa trên nhiều sự ảnh hưởng, trong đó có Ingers, Michelangelo, Raphael…

Những người tắm, sơn dầu trên vải bố, 1887, Bảo tàng Nghệ thuật, Philadelphia, Mỹ. Nguồn: philamuseum.

Ý định của ông là ca ngợi hình tượng của người phụ nữ khỏa thân trên tranh mà thế giới sẽ đặt ngang nó với tác phẩm bậc thầy của quá khứ. Các hình ảnh khỏa thân ngoài trời mà ông gọi là Những người tắm đã xuất hiện (trên tranh ông) từ trước. Những bức tranh khổ lớn này được làm với tham vọng vượt qua tất cả.

Những người tắm là một sáng tác tỉ mỉ, tả những phụ nữ trẻ da trắng như sứ, đang thư giãn bên một dòng sông, phô ra vẻ phồn thực trong một khoảnh khắc mà họ thoải mái tận hưởng, một sáng tác đúng kiểu “truyền thống”.

Tác phẩm là điểm cao trào của 5 năm ông bỏ ra để khám phá “tinh thần phá cách bất quy tắc” chủ nghĩa hiện thực, ấn tượng và cổ điển. Với nhiều ảnh hưởng như vậy, không ngạc nhiên khi nó không thành công.

Năm 1886 là thời điểm quyết định với các họa sĩ ấn tượng, khi triển lãm của họ được tổ chức ở New York. Trong khi nước Pháp đánh giá không cao thì người Mỹ lại nhìn họ không có bất kỳ thành kiến hàn lâm truyền thống nào của Pháp. Năm 1887, một triển lãm khác, trong đó có trưng bày của Renoir được tổ chức ở New York.

Từ năm 1888, Renoir bắt đầu mắc bệnh viêm khớp, một căn bệnh làm cho danh họa gặp khó khăn khi sáng tác. Vì vậy, Renoir buộc phải sinh sống tại miền Nam nước Pháp, tại Cagnes-sur-Mer.

Vào các năm đầu thế kỷ 20, các họa phẩm của Renoir đã được trưng bày một cách trân trọng tại London, Berlin, Dresden, Budapest, Vienna, Stockholm, và tại Moskva.

Năm 1912, Renoir phải ngồi trên xe lăn, nhưng danh họa vẫn cố gắng sáng tác với cây cọ được cột chặt vào cánh tay. Theo lời năn nỉ của nhà buôn tranh Ambroise Vollard, Renoir trở qua ngành điêu khắc năm 1913 và nhà điêu khắc trẻ người Italy tên là Richard Guino đã giúp ông trong việc đục tượng, nặn mẫu hình và vẽ phác.

Các năm sau này. Renoir vừa già, vừa tàn tật, vừa đau buồn nhưng các tác phẩm của Renoir không bao giờ bộc lộ ra sự chán nản, nỗi thất vọng. Hàng trăm sáng tác của ông trong các năm cuối đời vẫn mang cái đẹp gợi cảm, niềm vui và hạnh phúc, với các màu sắc ấm áp hơn.

Tháng 8/1919, danh họa Renoir đã được truy tặng Bắc Đẩu Bội Tinh và đã chứng kiến việc Chính phủ Pháp mua họa phẩm Bà George Charpentier, sáng tác năm 1877, để treo tại Viện bảo Tàng Louvre. Renoir qua đời vào ngày 3/12/1919 tại Cagnes.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Truyện ngắn Nam Cao:” Bu ơi là bu! “

Hôm nay mưa rét. Mỗi khi trời mưa rét Ninh lại nhớ đến bu. Hồi bu còn sống, những ngày mưa rét, không ra vườn hái trầu, bóc mía hay làm cỏ được, bu hay mang cái bị giẻ và một ôm quần áo rách vào ổ rơm ngồi vá. Bu Ninh khéo vá lắm. Những miếng vá đặt rất phẳng phiu, không răn rúm. Những mũi kim nhỏ, đều đặn và thẳng tắp. Người vô ý trông không biết là áo vá. Mà bu Ninh vá thật không biết gì là sốt ruột. Ai đâu mà ngồi đến tê cả mông, mờ cả mắt cũng không thôi. Những lúc đau lưng quá, bu Ninh chỉ ngừng kim một lát, vươn vai hoặc bẻ lưng vào cái cạnh giường kêu răng rắc, rồi lại cúi đầu xuống vá, vá hết cái này sang cái khác. Bao nhiêu là quần áo rách! Những cái quần trắng, áo cánh trắng của thầy, đầy nhựa chuối. Những cái váy bạc phếch của bu. Những cái váy bằng vải to nhuộm sồng với nhuộm bùn, dày cồm cộp. Trông cái váy, người ta tưởng như nó bền đến thiên niên vạn đạị ấy thế mà cũng rách. Tội nghiệp, thì ra nó đẫm nhiều nước tiểu của thằng Đật quá. Về mùa rét, cậu Đật ta đêm nằm cứ tuồn hai chân vào lòng mẹ. Chả thế thì nó ấm mà! Nhưng tính cậu ta lại đái dầm, càng rét càng khỏe đái. Ấy thế là cứ mỗi đêm ba bốn lần, cậu rót tồ tồ vào váy mẹ. Chẳng sáng nào, mẹ không phải thay váy đem ra ao giặt. Còn gì mà chẳng mục? Không mục có họa là bằng gỗ lim!… Nhưng nhiều nhất là những quần áo của Ninh, của Đật. Cái nhuộm son, cái giãi nâu, cái để trắng. Nhưng chẳng cái nào còn giữ trọn vẹn được cái mầu của nó. Bởi vì cái thì mốc xanh, cái thì mốc vàng, cái thì lấm tấm hoa bèo, cái thì trạt những nhựa chuối, những tương, những mắm, mũi dãi cùng đất cát. Vò đến sái tay cũng không còn sạch được. Mà cái thì mất cúc, cái thì xoạc nách, cái thì xoạc túi, cái thì rách lưng, cái thì rách vai, cái thì rách ống tay. Chỉ tại nó nghịch quá. Không thể chưa đến nỗi. Nhiều cái vải còn dai lắm, xé kêu xoàn xoạt. Chúng nó mặc hại quần áo lắm. Cứ gọi là vừa mặc vừa xé áo. Bu Ninh tay vá, miệng chửi cho không còn tai nào mà nghe…

Đật và Ninh chiếm mỗi đứa một bên cạnh mẹ. Chúng nó nằm phục vị, đều chúi vào đít mẹ, Ninh kêu bên Ninh ấm, Đật cãi bên Đật ấm, hai đứa cãi nhau chí chóe. Mẹ đùa con, bảo:

– Có im, không thì tao đánh cho một cái… tha hồ ấm.

Chị em cười khành khạch rồi cãi nhau bô bô. Ninh mồm mép quá, Đật không nói kịp. Đật òa khóc. Mẹ ngừng kim, cốc vào đầu con gái. Ninh rụt cổ lại, ôm đầu cười hí hí. Mẹ Ninh bật cười. Ấy thế là Ninh sằng sặc cười thật to, khiến Đật đang khóc cũng khanh khách cười… Chao ôi! những ngày mưa rét hồi ấy vui quá nhỉ?

*

* *

Bu chết đã ngót ba năm. Thầy bảo thế. Thì ra ba năm cũng dài lắm nhỉ. Ninh cứ tưởng bu Ninh chết đã lâu lắm. Nhưng trách gì!… Xưa kia, những ngày bu đi chợ tỉnh, độ gần tối chưa về Ninh đã thấy mong. Ấy là mới vắng bu có một ngày. Mà nào đã hết cả ngày. Bây giờ vắng bu bằn bặt những ba năm. Bao nhiêu ngày tháng! Ninh thấy lâu là phải. Biết bao giờ mẹ lại về với con? Ninh bâng khuâng cả người. Y như là nằm mợ ấy là Ninh đã nguôi nguôi đấy. Hồi mẹ Ninh mới chết, cứ nghĩ đến mẹ là Ninh khóc. Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng. Khóc đến lặng hẳn người đi, không còn ra tiếng nữa. Chẳng ngày nào không thế. Mỗi ngày hai, ba lần.

Bây giờ thì Ninh không khóc nữa. Nhưng Ninh vẫn còn buồn lắm. Buồn rũ rĩ. Ninh ngơ ngẩn như mất vía. Có lúc Ninh làm gì mà cũng không biết nữa. Ninh vừa cất con dao hay cái chổi, giá thầy Ninh có hỏi, Ninh đã lại chẳng biết đâu mà lấy. Thầy Ninh cũng hiểu Ninh nhớ mẹ, nên không nỡ mắng. Thầy rân rấn nước mắt. Bố nhìn con, con nhìn bố. Hai bố con cùng cúi đầu lẳng lặng. Bố thở dài và con thở dài…

Mẹ Ninh chết sau ngày giỗ ông nội Ninh có hai ngày. Ninh nhớ rõ thế, bởi vì ngày giỗ ông năm ấy, hai mẹ con đã khóc lóc với nhau từ non trưa cho đến tối. Sáng dậy thầy Ninh hâm thuốc cho bu Ninh uống rồi thầy quét nhà, quét sân, giặt quần áo cho bu. Rồi lại còn phải lấy gạo thổi một niêu cơm để đấy cho Ninh nữa. Xong đâu đấy thầy cõng Đật đi ăn giỗ. Ninh phải ở nhà coi mẹ. Thầy Ninh bảo: “Con chịu khó ở nhà với bu kẻo bu buồn, thầy cho em đi một lát, lúc về thầy lấy phần cho một nắm xôi, vài miếng thịt, tính con thịt mỡ chỉ ba miếng là chán ứ. Đi, con cũng chả ăn được mấy, mà ở nhà thì thầy cũng đem về cho con. Đằng nào con cũng được ăn, nhưng bu con ốm thế, để bu ở nhà một mình thì thầy lo lắm”. “Con ở nhà với bu…”. Việc gì mà thầy phải nói nhiều đến thế? Ninh có đòi đi đâu? Thịt mỡ thì Ninh không thích thật. Nhưng dù có thích, Ninh cũng không đi cơ mà! Đi cũng khó mà nuốt được. Ninh thương bu lắm. Ninh thích ở nhà với bu. Thầy Ninh còn phải cúng ông, thì thầy Ninh phải đi. Thằng Đật còn bé, dở người, không cho nó đi thì nó khóc. Chẳng lẽ Ninh to đầu rồi mà cũng bắt chước em? Có mà đồ hư? Không, Ninh không đi đâu, thầy ạ. Ninh không muốn đi đâu, thầy ạ! Thầy cứ cõng thằng Đật đi kẻo muộn. Ninh ở nhà thích lắm. Thầy đừng thương Ninh…

Nhưng thấy Ninh cứ nhìn theo thầy cõng thằng Đật đi ra ngõ, bu Ninh lại tưởng Ninh muốn đi ăn giỗ lắm, nhưng sợ bố mà không dám đòi đi. Bu Ninh thương hại. Bu gọi Ninh vào mà bảo:

– Con muốn đi thì cứ đi cũng được. Hôm nay bu dễ chịu.

Ôi! Không!… không!… Ninh không muốn… Ninh lắc đầu hăng hái:

– Không! Con ở nhà.

– Sao thế?

– Chẳng sao cả, nhưng con không thích…

– Nhưng ngộ bà không thấy con, bà lại hỏi…

Hỏi gì! Bà biết thừa là bu ốm nặng. Ninh phải ở nhà để bu sai vặt chứ!… Ninh nghĩ thầm như vậy, nhưng không nói. Ninh chỉ hơi lắc đầu. Nhưng có lẽ bu cũng hiểu. Bu nhìn Ninh âu yếu. Mắt bu ầng ậc nước. Bu chửi yêu Ninh:

– Bố mày!

Rồi bu lại bảo Ninh:

– Không đi thì ngồi xuống đây… Bóp tay cho bu một lúc. Tay bu buồn lắm.

Ninh nắm lấy cái bàn tay bu, chỉ còn rặt những xương, mà lạnh giá. Nó lỏng la, lỏng lẻo. Những ngón trông rõ từng đốt, từng đốt một. Những đường gân xanh nổi thày lày lên. Ninh bóp tay bu nhẹ nhẹ. Ý hẳn bu thích lắm. Mắt bu lim dim và đôi môi nhợt nhạt của bu hé mở như chực cười. Rồi tay bu nắm lấy tay Ninh chứ không phải Ninh bóp tay cho bu nữa. Bu vừa bóp vừa hỏi:

– Sao lớp này con gầy thế?

Ninh không đáp được. Bu Ninh soi tay Ninh lên trước mặt nhìn rồi bảo:

– Chết thôi, con ạ! Tay mày đầy những mụn. Không khéo ghẻ…

Ninh cúi mặt. Bu căng từng kẽ tay Ninh ra xem, rồi kêu lên:

– Bỏ bố mày! Đích thị mày ghẻ rồi, con ơi! Yên, tao xem nào.

Bu ngồi hẳn lên. Mắt bu tỏ ra vẻ sợ hãi. Bu vén ống tay áo Ninh lên. Cổ tay Ninh sây sứt. Bu lắc đầu:

– Bố con! Con bẩn quá! Cái cổ tay gồ lên những ghét… Hèn nào mà chả ghẻ?

Bu bắt Ninh đi múc nước. Bu rửa cho Ninh lâu lắm. Vừa rửa bu vừa bảo:

– Sẩy mẹ ra một cái là khổ ngay, con ạ. Ấy là mới rời tao ra hơn một tháng… Chúng mày đã gầy giơ xương, mình mẩy, chân tay thì ghẻ gún. Ngộ tao chết thì có lẽ chúng mày rã xương ra được. Này, cái cổ tay… có khác gì cái cẳng gà hay không?

Ngừng một lát, bu lại thở dài mà bảo:

– Mẹ mà chết thì các con đi ăn mày mất! Đàn ông chả mấy người biết thương con cái. Cha chết thì ăn cơm với cá, mẹ chết liếm lá dọc đàng. Mẹ mà chết đi thì… con ơi!…

Ấy thế là nước mắt bu chảy ra ròng ròng. Ninh cũng khóc. Hai mẹ con cứ ngồi trông nhau mà khóc đến tận lúc thầy Ninh với Đật đi ăn giỗ về. Thầy đem về một nắm xôi đỗ con với một cái đùi gà toàn những thịt. Bà thương Ninh nên bảo chặt để lại cho Ninh đấy. Nhưng Ninh thương bu quá, ăn cũng chả còn biết gì là ngon…

Ồ! Ninh cứ bảo: bây giờ nghĩ đến bu, Ninh không khóc nữa… Không khóc mà lại có nước mắt, nước mũi Ninh đang chảy ra đây này… Đật! Đật ơi! Ô hay! cái thằng Đật chạy đi đâu rồi?

*

* *

Đàn ông chả mấy người biết thương con cái… Thật thế ư? Không có lẽ. Thầy Ninh thương chị em Ninh lắm chứ!… Hồi bu mới chết, thằng Đật khóc suốt ngày. Nó gào bu. Nó đã hiểu là thế nào đâu. Nó cứ đòi gọi bu về với nó. Thầy phải cõng nó ra chợ mua bánh. Thầy mua cho nó nhiều bánh lắm. Thầy mua cả cho Ninh nữa. Thầy với Ninh bày cỗ chơi với Đật. Thầy làm cho Đật những con quay bằng những quả bưởi con, những cái giường, những cái ghế tràng kỷ bằng cây chót. Trông thích lắm. Nhờ vậy Đật mới không khóc nữa.

Đêm, Đật và Ninh ngủ với thầy. Ninh nằm trong cùng. Đật nằm giữa. Thầy nằm ngoài. Thầy bảo Đật luồn chân vào lòng thầy cho thầy ủ. Khi nó đã ngủ mệt rồi, thầy vươn tay qua người nó để sờ Ninh. Thầy kéo Ninh nằm sát vào với Đật. Thầy co chăn, co chiếu về phía Ninh thật nhiều, sợ Ninh giãy, trật ra ngoài, bị rét. Mùa bức thì thầy đặt hai đứa nằm cách nhau xa cho mát. Thầy ngồi quạt. Quạt cho đến tận lúc nào con ngủ mệt, thầy mới chịu ngả lưng xuống giường. Nhưng nằm thì nằm, thầy có ngủ đâu. Ninh thấy thầy quạt rất khuya. Có đêm, ngủ được một giấc dài, tỉnh dậy, Ninh vẫn còn nghe phành phạch. Thầy thở dài luôn ấy. Có khi sụt sịt. Thì ra đêm đêm thầy vẫn khóc. Thầy nhớ bu…

Ấy, cái hồi bu mới chết thì thế đấy. Nhưng ít lâu nay, hình như thầy đổi tính. Thầy vẫn thương Ninh và Đật. Thỉnh thoảng thầy vẫn cho mỗi đứa vài xu ăn quà. Nhưng thầy vắng nhà luôn. Thầy phải gửi gạo bên nhà bác Vụ để thổi cơm cho Ninh và Đật. Bởi thầy đi từ sáng cho đến tối. Có khi tối cũng không về. Có khi đi luôn hai, ba ngày. Chị em Ninh phải ăn nhờ, ngủ nhờ nhà bác Vụ. Đi đâu vậy? Nào ai biết! Bác Vụ bảo thầy đến nhà cô Miện, thầy phải lòng cô ấy. Nhưng chắc là chả phải. Nếu phải, sao cô Miện lại đi lấy lẽ ông ký Bản? Đám cưới vừa đi qua đây hôm nọ. Ninh cõng Đật ra tận đường, đứng xem. Từ hôm ấy thầy lại càng khỏe đi. Đi suốt ngày suốt đêm. Mưa rét thế này, chả biết thầy đi làm gì cho khổ? Chả biết có được ăn gì hay không? Hay là nhịn đói luôn ba, bốn ngày…

*

* *

Lại còn cái ông Đật nữa! Đi đâu mà mãi thế này? Ý dáng lại lẩn sang nhà bác Vụ. Còn sang làm gì? Gạo của thầy gửi đã hết từ đời nào. Bác ấy phải cho ăn lận nhà bác ấy năm, sáu bữa. Nhà bác ấy cũng túng. Chồng chết đi, để lại đẫy bốn con. Bốn đứa cũng lúc nhúc như Ninh và Đật. Bác ấy nuôi được chúng nó cũng đến điều vất vả. Còn lấy gì mà nuôi cả Ninh và Đật nữa? Bác ấy đã phải bảo Ninh: “Cháu về mà đi tìm thầy, nhà bác cũng hết gạo rồi, nếu thầy không đưa thêm cho bác thì bác lấy gì thổi cho chúng mày? Các anh cũng đói…”. Thế là Ninh đủ hiểu. Bác ấy muốn bảo: “Chúng mày liệu sao thì liệu, đừng ăn rình nhà tao mãi!”. Ninh đưa em về. Tìm thầy, thì biết đâu mà tìm được? Ninh chẳng tìm. Không có ăn thì nhịn! Ninh nhịn từ bữa chiều hôm qua. Đật khóc, Ninh đi moi được một củ dong về nướng. Đật một nửa. Ninh một nửa. Ninh bảo Đật ăn cho đỡ đói thôi, còn cố nhịn, đợi thầy về, ăn nữa. Nhưng Đật không nhịn được. Đật chạy sang nhà bác Vụ. Bác ấy phải lấy trộm nắm cơm tối của thằng cu Chúc nhà bác ấy, đưa cho Đật, Đật mới ăn được một miếng thì Chúc biết. Chúc chạy vào nhà tìm nắm cơm của nó. Thấy mất, nó biết là nắm cơm của nó đương ở trong tay Đật. Nó chạy theo, giằng lại. Đật mất ăn, mếu xệch mồm đi, chạy về. Ninh đứng ở hè bên này, trông rõ cả. Ninh tức lắm. Chẳng biết tức Chúc hay tức Đật. Chỉ biết Ninh nghẹn ngào cả cổ. Vừa thấy Đật, Ninh nhảy xổ lại, tát đen đét vào má Đật. Đật òa lên khóc. Ninh òa khóc theo.

Một lát sau, Ninh nghĩ thương em quá, Ninh lại đi tìm dong, nhưng hết. Ninh moi luôn một củ ráy. Ráy nước, ăn ngứa lắm. Nhưng đói còn biết gì là ngứa? Ninh đem về nướng. Ninh gọi Đật về, lau nước mắt cho nó, rồi chị em ăn ráy nước. Đật ăn tợn lắm, chẳng thấy kêu ca gì cả. Ninh rơi nước mắt. Ninh dặn em: “Từ giờ đừng ăn cơm nhà thằng Chúc nữa”. Đật gật đầu. Thế mà hôm nay nó lại lần sang nhà bác Vụ. Có bực mình hay không?

*

* *

Ninh reo lên:

– A bà! Đấy là bà ngoại Ninh. Bà ở xa xôi lắm. Hôm nay, tiện ra mạn này lấy thuốc, bà tạt vào chơi với cháu.

Bà đưa cho cháu một đùm xôi lạc.

– Bố mày đi đâu?

– Con không biết.

– Đi từ bao giờ mà mày không biết?

– Đi lâu lâu là rồi.

Bà ngồi xuống ngưỡng cửa, mặt hầm hầm như giận dữ. Ninh hơi ngượng. Bà chíp chíp mồm luôn ba, bốn cái rồi bảo cháu:

– Có phải bố mày bán nhà rồi không?

– Con không biết.

– Bán rồi! Thua xóc đĩa… Thua đâu những ngót ba trăm bạc…

Đật chạy về. Nó vồ lấy bà, nhưng trông thấy đùm xôi ở tay Ninh, lại bỏ bà ra để vồ lấy đùm xôi. Ninh hất tay nó ra, mắng:

– Làm gì thế?

Nhưng bà bảo:

– Cởi ra, chị em ăn với nhau. Để làm gì?

Đật giằng lấy đưa cho bà cởi. Bà chia cho mỗi đứa một nửa. Hai cháu ăn. Đật ngồm ngoàm. Ninh thong thả. Bà nhìn cháu mà ái ngại. Bà chép miệng:

– Đến chết đói thôi, các cháu ạ! Bố chúng mày không ra giống người…

Một tiếng thở dài tiếp theo…

*

* *

… Buổi sáng hôm ấy trời ấm áp. Có nắng hanh. Nắng luôn mấy hôm rồi, nên vườn khô ráo… Đật và Ninh đã chạy tung tăng được…

Bỗng một bọn năm, sáu người, kẻ cầm lạt, kẻ cầm dùi đục, tuốn vào đầy sân. Mồm họ nhai trầu. Họ nói chuyện toang toang như một bọn đồ tể đi bắt lợn. Mấy người trèo lên nóc nhà nhà Ninh. Họ dỡ tranh quẳng xuống sân rào rào. Ninh chạy về…

– Ô hay! Sao các ông phá nhà tôi?

Một người chít khăn mỏ rìu, nhe những cái răng cải mả ra cười mà bảo:

– A! Thầy mày thuê chúng tao phá đi để làm nhà tây đấy mà.

Một người nữa cười ìn ịt như con lợn, bảo:

– Chả cái này bé quá!… Và người nữa:

– Thầy mày thích làm nhà tây kia… Làm nhà bên Tây – Trúc ấy mà, mày biết không?

Cả bọn cười ầm lên. Trông người nào cũng dữ. Họ nói như quát vậy. Ninh sợ hãị Ninh chạy bình bịch sang nhà bác Vụ. Ninh định cầu cứu bác. Vừa bước vào nhà bác. Ninh sửng sốt. Thầy Ninh ở đấy. Thầy Ninh nằm thườn thượt trên một cái giường, hai tay chít lại bên dưới gáy. Ninh mếu máo:

– Thầy ơi! Thầy…

Rồi Ninh nghẹn ngào, không nói được nữa. Nước mắt ứa ra. Thầy Ninh ngồi dậy, bảo:

– Việc gì mà khóc? Thầy bán cho người ta đấy. Bán lấy tiền mua vài phiến lim về xẻ. Chuyến sau, ta làm một cái nhà toàn lim!

Thầy nhếch mép ra cười. Cái cười vạch hai nét nhăn trên đôi má hõm. Thầy cười thế, trông già sọm. Có lý nào thầy chóng già đi quá thế? Ninh trố mắt lên nhìn thầy…

Bỗng từ bên nhà đưa sang những tiếng dùi đục kêu chan chát. Nghe ghê rợn lắm. Ninh đã được nghe những tiếng dùi đục ấy một lần rồi, vào cái ngày mẹ chết: người ta đóng cả chiếc săng của mẹ… Vết nhăn trên má thầy Ninh sâu thêm, rộng thêm ra. Trông như thầy Ninh mếu. Ninh òa lên khóc…

– Bu ơi là bu ơi!…

( Sưu tầm Online )

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ!

Khởi công xây dựng nhà máy trên bãi đầm lầy ven biển Hải Phòng vào tháng 9/2017. Sau gần 6 năm, VinFast vừa khởi công tiếp nhà máy ở Mỹ và sẽ chính thức đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ vào ngày 15/8 tới đây.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Vingroup được tổ chức hồi tháng 5/2023, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lần đầu tiên chia sẻ về lý do Vingroup tạo ra VinFast.

Ông Vượng cho biết, điều này xuất phát từ nhu cầu đóng góp của Vingroup cho xã hội chứ không đơn thuần nhắm đến câu chuyện kinh doanh. Một doanh nghiệp lớn, thành đạt, có năng lực nhất định thì phải hướng đến đóng góp cho Đất nước. Đó là xây dựng thương hiệu công nghệ đẳng cấp cao, có sức ảnh hưởng, được quan tâm trên trường quốc tế. “Nếu kinh doanh kiếm tiền thì không dại gì Vingroup lao vào một lĩnh vực khó. Nếu dễ thì cũng không đến lượt chúng ta làm”, ông Vượng nói.

Và lĩnh vực cực kỳ khó nhằn này chính thức được triển khai từ tháng 9/2017 khi VinFast khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện tại Cát Hải – Hải Phòng. Mục tiêu của VinFast lúc bấy giờ là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 1.
6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 2.

1 tháng sau khi khởi công nhà máy, VinFast đầu tháng 10/2017 công bố 20 mẫu thiết kế xe đầu tiên cho dòng xe Sedan và SUV và tổ chức cuộc thi bình chọn mẫu ô tô được yêu thích nhất. Đây là lần đầu tiên, người Việt được trưng cầu ý kiến để cùng nhà sản xuất tìm ra mẫu xe hiện đại theo xu hướng thế giới; đồng thời phù hợp với thị hiếu và nhu cầu thị trường Việt Nam.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 3.

Sang đầu năm 2018, VinFast chính thức ký hợp đồng sản xuất xe mẫu với nhà thiết kế hàng đầu Pininfarina, đồng thời công bố mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW nhằm phát triển sản xuất.

Tháng 6/2018, VinFast công bố thương vụ bom tấn với General Motors Việt Nam. Theo đó, VinFast sẽ tiếp nhận hệ thống đại lý uỷ quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.

Với bước đi này, VinFast lập tức có trong tay một loạt đại lý bán xe trên cả nước, đồng thời làm quen dần với thị trường trong thời gian chờ nhà máy ở Hải Phòng hoàn thiện.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 4.

Đến tháng 10/2018, VinFast công bố 2 mẫu xe concept đầu tiên tại Triển lãm Paris Motor Show 2018. Đây là sự kiện gây tiếng vang và là lần đầu tiên Việt Nam góp mặt ở triển lãm danh giá thế giới.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 5.

Đầu tháng 11/2018, VinFast khánh thành nhà máy sản xuất xe máy điện và ra mắt dòng sản phẩm đầu tiên VinFast Klara, gồm phiên bản pin Lithium-ion và phiên bản ắc quy a-xít chì.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 6.

Ngày 20/11/2018 VinFast chính thức giới thiệu dòng xe sedan Lux A2.0, SUV Lux SA2.0, cùng mẫu xe CUV cỡ nhỏ Fadil tới người Việtvà bắt đầu nhận đặt cọc từ khách hàng.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 7.

Tháng 3/2019, VinFast hoàn thành sản xuất thử nghiệm mẫu xe Lux SA2.0 đầu tiên và đưa hàng loạt xe ra nước ngoài kiểm thử.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 8.

Tháng 6/2019, nhà máy của VinFast ở Hải Phòng chính thức khánh thành sau 21 tháng thi công, lập kỷ lục về tốc độ triển khai trong ngành công nghiệp ô tô thế giới.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 9.
6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 10.

1 tháng sau khi khánh thành nhà máy, VinFast lập tức bàn giao những chiếc xe đầu tiên cho khách hàng.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 11.

Khoảng thời gian tiếp theo là giai đoạn VinFast tập trung sản xuất và bán 3 mẫu xe Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0. Đồng thời, công ty cũng rục rịch chuẩn bị những thứ cần thiết để chuyển sang sản xuất xe điện sau này, như ký thỏa thuận hợp tác với các hãng sản xuất pin, chip và nhiều linh kiện khác.  Tháng 5/2020, những hình ảnh chạy thử đầu tiên của một chiếc “VinFast Nextgen” xuất hiện trên truyền thông.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 12.

Năm 2021, VinFast cho thấy quyết tâm của mình đối với xe điện. Tháng 3/2021, VinFast chính thức công bố nhận đặt hàng mẫu ô tô điện đầu tiên có tên gọi VF e34. Sau 12 giờ mở bán, hãng nhận được tới 4.000 đơn đặt hàng. Đây cũng là khoảng thời gian xuất hiện thông tin VinFast có ý định đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 13.

Tháng 4/2021, xe bus điện của VinFast chính thức lăn bánh. Xe bus điện được người dân yêu thích hơn so với bus truyền thống, nhờ vận hành êm ái và không phát thải ra môi trường.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 14.

Tháng 12/2021, VF e34 chính thức xuất xưởng và lăn bánh trên đường phố, khai mở kỷ nguyên ô tô điện của Việt Nam.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 15.

Chỉ 1 tháng sau khi những chiếc xe điện lăn bánh, VinFast gây shock khi ngày 5/1/2022 công bố sẽ dừng sản xuất xe xăng, chỉ sản xuất xe điện từ cuối năm 2022. Đây là thông tin gây bất ngờ cho rất nhiều người.

Lý giải điều này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, thực chất ngay từ đầu VinFast vẫn nhắm tới xe điện, nhưng không thể làm ngay lập tức bởi cách đây 5 năm rất ít người mong muốn dùng xe điện. Bên cạnh đó, xe điện cũng rất khó làm, mỗi chiếc xe điện có khoảng 40 máy tính, phải mất cả năm trời để VinFast kết nối các máy tính này với nhau.

“Sau khi thấy cơ hội của xe điện mạnh, lập tức chúng tôi chuyển từ xe xăng sang xe điện, dồn toàn tâm toàn lực”, ông Vượng nói.

Theo thống kê, từ khi bắt đầu công bố doanh số xe, cho đến khi dừng sản xuất, VinFast đã bán được tổng cộng 74.556 chiếc xe xăng, gồm 48.389 Fadil, 15.102 Lux A2.0 và 11.065 Lux SA2.0.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 16.

Tháng 3/2022, VinFast và chính quyền bang Bắc Carolina (Mỹ) ký kết biên bản ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại thị trường Mỹ. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn luôn coi Mỹ là thị trường trọng điểm.

Triết lý của ông Vượng là: “Mỹ là thị trường rất khó, nếu làm được ở thị trường khó nhất, thì câu chuyện vào các thị trường khác sẽ đơn giản, dễ dàng hơn. Sau khi làm thành công, đạt đến sản lượng nhất định ở thị trường Mỹ mới triển khai tiếp các thị trường khác”.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 17.

Hơn 1 năm sau, vào ngày 28/7/2023, VinFast chính thức khởi công dự án nhà máy sản xuất xe điện tại hạt Chatham, Bắc Carolina, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu xe điện toàn cầu và tự chủ nguồn cung của hãng tại khu vực Bắc Mỹ.

Nhà máy VinFast tại Bắc Carolina có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2 tỷ USD, trên quy mô 733 ha và được chia thành 5 phân khu sản xuất chính, bao gồm: xưởng hàn thân vỏ, xưởng lắp ráp, xưởng dập, xưởng sơn và trung tâm năng lượng. Ngoài ra, trong khuôn viên nhà máy sẽ có các công trình chức năng khác như nhà bảo vệ, nhà máy bơm, và nhà tập trung rác thải… .

Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ tập trung sản xuất các mẫu xe điện VF 7, VF 8 và VF 9 để đáp ứng nhu cầu thị trường với công suất dự kiến là 150.000 xe/năm. Nguồn cung linh kiện phục vụ sản xuất sẽ được ưu tiên mua tại Mỹ, Việt Nam và một số nước trong khu vực.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 18.

Trước đó, vào tháng 11/2022 và tháng 4/2023, VinFast đã xuất khẩu những lô hàng xe điện đầu tiên đi Mỹ và Canada, tổng cộng 2.878 chiếc. Sự kiện này đánh dầu lần đầu tiên ô tô thương hiệu Việt tiến ra thế giới.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 19.

Mới đây nhất, VinFast vừa chính thức công bố kế hoạch hợp nhất kinh doanh với Black Spade đã được thông qua và sẽ hoàn tất vào ngày 14/8.

Sau giao dịch, VinFast sẽ hoạt động như một công ty hợp nhất. Cổ phiếu phổ thông và chứng quyền VinFast dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market LLC (“Nasdaq”) vào, hoặc khoảng, ngày 15/08/2023, dưới các mã niêm yết mới lần lượt là “VFS” và “VFSWW”. Định giá của VinFast được cho là khoảng 23 tỷ USD.

6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ! - Ảnh 20.

Tính đến thời điểm hiện tại, VinFast đã phát triển thành công hệ sinh thái xe điện toàn diện gồm các dòng xe SUV điện (từ minicar đến 5 phân khúc cơ bản: A-B-C-D-E); xe máy điện và xe buýt điện.

Xe của VinFast được bán tại Việt Nam, Bắc Mỹ và sắp tới là châu Âu. VinFast sở hữu cơ sở sản xuất ô tô hiện đại tại Hải Phòng, Việt Nam với tỷ lệ tự động hóa lên tới 90% và công suất sản xuất hàng năm lên đến 300.000 xe trong giai đoạn 1.

Các mẫu ô tô điện VinFast đã được bàn giao tại thị trường Việt Nam bao gồm: VF e34, VF 8, VF 9 và VF 5.

Theo Hà My / Nhịp sống thị trường / Cafe

Kinh tế Trung Quốc lạc nhịp với thế giới

Kinh tế Trung Quốc lạc nhịp với thế giới

Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc là ngoại lệ khi mà phần lớn các nước trên thế giới hiện đang đối mặt với áp lực lạm phát. Đáng nói hơn, ở kinh tế Trung Quốc có những đặc điểm riêng biệt dẫn đến những rắc rối mà sẽ không dễ dàng sửa chữa.

Với các dữ liệu kinh tế tháng 7 vừa được công bố, nguy cơ giảm phát ở Trung Quốc đã hiển hiện rất rõ ràng. Lần đầu tiên kể từ năm 2020, cả chỉ số giá tiêu dùng và giá sản xuất đều giảm, nối dài thêm nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

1.Vì sao Trung Quốc lại giảm phát trong khi các nước khác đều đang trong thời kỳ lạm phát?

Khi mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn đều chứng kiến lạm phát tăng vọt do nhu cầu chi tiêu bù và người dân sẵn có trong tay nhiều tiền mặt (từ các chương trình trợ cấp của chính phủ). Hồi đầu năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo điều tương tự sẽ diễn ra ở Trung Quốc – quốc gia mở cửa sau cùng.

Tuy nhiên, điều đó không xảy ra. Chi tiêu tiêu dùng hồi phục khá chậm, trong khi thị trường bất động sản khủng hoảng trong thời gian dài khiến niềm tin suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến người dân hạn chế chi những khoản lớn. Từ đó ảnh hưởng đến giá của những mặt hàng như đồ nội thất và đồ gia dụng.

Ngoài ra giá năng lượng cũng giảm do giá thế giới giảm và các biện pháp kiểm soát ngành điện. Cuộc chiến giá cả giữa các nhà sản xuất ô tô càng tạo thêm áp lực giảm phát, trong khi các công ty cũng hạ giá bán để đẩy bớt lượng hàng tồn kho đã tích tụ trong đại dịch.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều giảm giá. Giá của các dịch vụ, ví dụ như du lịch và nhà hàng, đã tăng lên kể từ khi các biện pháp chống dịch được dỡ bỏ.

2.Tại sao mọi thứ đều giảm giá lại là tin không tốt đối với người tiêu dùng?

Thông thường giá rẻ hơn thì sẽ kích cầu, nhưng không phải lúc nào điều đó cũng đúng. Khi giá giảm trên diện rộng trong thời gian quá dài, mọi người bắt đầu nghĩ rằng tốt hơn nên trì hoãn mua sắm những thứ đắt tiền, đợi giá giảm sâu hơn nữa mới mua. Điều này khiến nền kinh tế bị ghìm cương, và còn khiến các doanh nghiệp buộc phải hạ giá bán hơn nữa để có thể tăng doanh số.

Đối với người tiêu dùng, điều này đồng nghĩa thu nhập giảm, hoặc thậm chí mất việc làm. Câu chuyện lại quay trở về điểm xuất phát là chi tiêu giảm, tạo ra 1 vòng luẩn quẩn rất nguy hiểm.

3.Các doanh nghiệp bị tác động như thế nào?

Giá giảm thường dẫn đến doanh thu và lợi nhuận giảm, từ đó khiến các công ty giảm tuyển dụng và đầu tư. Giảm phát cũng khiến lãi suất thực tăng lên (tức lãi suất đã điều chỉnh theo lạm phát). Với chi phí đi vay tăng, các doanh nghiệp sẽ giảm đầu tư và gánh nặng giảm phát càng lớn hơn nữa.

Một số chuyên gia kinh tế tin rằng “giảm phát nợ” có thể châm ngòi cho suy thoái khi nhiều người vỡ nợ và các ngân hàng bị bào mòn. Đó chính xác là những gì đã diễn ra tại Nhật Bản, nơi trải qua giảm phát trong những năm 1990 và kéo theo là thời kỳ trì trệ kéo dài suốt vài thập kỷ.

Cho đến tận ngày nay, giảm phát vẫn ám ảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Nước Nhật hiện vẫn đau đầu với câu hỏi làm thế nào để có thể tạo ra tăng trưởng một cách bền vững. Chính sách lãi suất âm không đem lại nhiều tác dụng như mong muốn.

4.Giảm phát ở Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu?

Thực phẩm và năng lượng là 2 mặt hàng tạo ra nhiều áp lực giảm phát nhất trong tháng 7. Các chuyên gia kinh tế nhận định áp lực sẽ giảm bớt trong những tháng cuối năm. Trong khi đó chỉ số giá sản xuất đã suy giảm trong 1 thời gian dài, suốt từ tháng 10/2022 đến nay. Tuy nhiên, số liệu tháng 7 đã cải thiện chút ít so với tháng 6.

Nhìn chung, trong 10 năm gần đây, lạm phát ở Trung Quốc cũng ở mức thấp. Theo giới phân tích, nguyên nhân là do tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình và mức đầu tư của nền kinh tế khá cao, dẫn đến năng suất tăng nhanh.

5. Bắc Kinh sẽ làm gì để đối phó với giảm phát?

NHTW Trung Quốc có thể hạ lãi suất hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Vấn đề là có một số yếu tố cản đường PBOC, như đồng nhân dân tệ yếu và mức nợ cao, đặc biệt là nợ của các chính quyền địa phương.

Về chính sách tài khóa, các nhà hoạch định chính sách không muốn dựa vào những gói kích thích khổng lồ như trong quá khứ. Thay vào đó là những gói kích thích hỗ trợ những chiến lược cụ thể. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang khuyến khích các chính quyền địa phương tìm giải pháp để người dân chi tiêu nhiều hơn.

6. Các nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng như thế nào?

Có lẽ thứ chịu tác động rõ ràng nhất chính là lợi nhuận của các doanh nghiệp, nếu nhìn vào áp lực phải hạ giá bán mà họ phải chịu trong thời kỳ giảm phát. Nỗi lo về tăng trưởng và hạn chế đầu tư thường dẫn đến chính sách tiền tệ được nới lỏng, giúp trái phiếu Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, theo Ken Cheung, chiến lược gia của Mizuho Bank, lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc đơn giản là “quá thấp so với các thị trường lớn”, do đó không hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

7. Điều này có ý nghĩa gì đối với kinh tế toàn cầu?

Các nước phát triển sẽ hưởng lợi, ít nhất là trong ngắn hạn. Khi các nhà sản xuất Trung Quốc phải hạ giá bán để giảm dư thừa nguồn cung, giá cả ở những thị trường như Mỹ và châu Âu sẽ giảm xuống, giúp NHTW các nước này có thêm dư địa để triển khai các biện pháp chống lạm phát.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những nước này đã gia tăng chính sách bảo hộ và cố gắng giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Hơn nữa, hàng “made in China” cũng chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong chi tiêu tiêu dùng ở các nước phát triển. Ví dụ, trong rổ tính toán chỉ số CPI của Mỹ thì chỗ ở, thực phẩm, năng lượng và y tế là những thứ chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Trong khi đó các thị trường mới nổi có thể hưởng lợi khi giá máy móc thiết bị giảm. Tuy nhiên, họ sẽ lo lắng về các ngành công nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

8. Trung Quốc đã từng phải đối mặt với áp lực giảm phát?

Có. Trong các năm 2009, 2015 và 2020, Bắc Kinh đã chống giảm phát bằng cách nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa. Mặc dù mới đây Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy một số dự án cơ sở hạ tầng và tăng hỗ trợ cho thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán hoạt động xây dựng sẽ không bùng nổ như trong quá khứ, vì Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới (ví dụ như lĩnh vực công nghệ cao).

Điều này giống với thời kỳ năm 1998, khi Bắc Kinh tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém và thu hẹp quy mô của các tập đoàn nhà nước trước thềm gia nhập WTO.

Tham khảo Bloomberg / Thu Hương / Nhịp sống thị trường