Lượm lặt tin 30-6-14

Hạ canxi máu – Những điều cần biết

Canxi là một loại khoáng chất thiết yếu của cơ thể. 98% canxi nằm ở xương và răng; 2% còn lại là canxi ion nằm trong máu để thực hiện các chức năng thần kinh cơ, đông máu. Thuật ngữ “hạ canxi máu” là nói đến hạ ion canxi trong máu.

Những người đã bị hạ canxi máu một lần thì dễ có những cơn hạ canxi máu tái phát, nhất là khi có phối hợp thêm những đợt suy nhược cơ thể do ăn uống kém hay tức giận, lo lắng.

Cách xử trí lúc này là cho người bệnh nằm yên ở một mặt phẳng thấp an toàn (tránh bị co giật lại rơi xuống đất và bị chấn thương thêm) một thời gian sẽ tự hồi phục từ từ. Nếu đến cơ sở y tế, người bệnh sẽ được tiêm một liều canxi vào máu và sẽ giúp hồi phục nhanh chóng.

Nguyên nhân hạ canxi máu là do thiếu canxi, thiếu vitamin D (hoặc cả hai). Người đã bị cắt đoạn ruột, rối loạn nội tiết như suy giáp, ung thư giáp, giảm đạm máu, tăng phosphat máu, dùng thuốc lợi tiểu Furosemide, kháng sinh Aminoside… cũng rất dễ hạ canxi máu.

Làm thế nào để tăng lượng canxi trong cơ thể?

Thường thì canxi trong bữa ăn, cơ thể chỉ hấp thu được khoảng 20 – 30%. Sự hấp thu canxi có thể giảm nếu bị gắn kết với một số chất khác trong bữa ăn như xơ, phytate, oxalate…; cạnh tranh hấp thu với các chất khoáng khác như sắt, đồng, kẽm…

Chế độ ăn nhiều đạm, đặc biệt là đạm động vật (thịt, cá, tôm…), hoặc nhiều muối có thể gây ra tăng thải và mất canxi qua nước tiểu.

Độc giả cần lưu ý khi uống thuốc bổ không nên uống chung canxi với sắt cũng như một số khoáng chất khác như kẽm, đồng cùng một lúc mà nên tách ra từng buổi sáng, chiều, tối.

Vitamin D rất cần thiết để cơ thể hấp thu canxi. Vitamin D một phần nhỏ là từ thức ăn đưa vào, phần lớn là do da tổng hợp khi có ánh nắng mặt trời để cơ thể sử dụng. Vì vậy nếu chỉ uống sữa mà không tắm nắng thì kah3 năng hấp thụ canxi của cơ thể sẽ rất thiết

Làm gì khi bị “hạ canxi máu”?

Nếu ion canxi máu hạ thấp ở mức độ nhẹ thì có thể không phát hiện ra, nhưng khi cơ thể bị hạ ion canxi nhiều có thể gây rối loạn các hoạt động thần kinh cơ.

Dấu hiệu nhận biết là cảm giác tê bì ở tay chân, lưỡi, quanh miệng; cảm giác hồi hộp, lo âu, mệt mỏi; sau đó là chuột rút (vọp bẻ), co thắt các cơ ở tay chân (co cơ ở tay tạo kiểu dáng bàn tay đỡ đẻ hoặc duỗi cứng đùi, cẳng chân và các ngón gây khó cử động), co giật tay chân hoặc toàn thân, co thắt thanh môn gây khó thở, hoa mắt, thậm chí ngất xỉu.

Nhu cầu canxi của từng độ tuổi theo khuyến cáo của Viện Y khoa Mỹ:

1 – 3 tuổi: 500mg/ngày4 – 8 tuổi: 800mg/ngày
9 – 18 tuổi: 1.300mg/ngày
19 – 50 tuổi: 1.000mg/ngày
Trên 51 tuổi: 1.200mg/ngày
Phụ nữ mang thai, cho con bú: 1.200 – 1.500mg/ngày.

4 câu hỏi liên quan đến canxi:

1/Ai thường bị thiếu canxi?

Người cao tuổi dễ bị loãng xương. Nữ giới có nguy cơ bị loãng xương nhiều hơn nam giới. Người có chế độ ăn không đảm bảo nhu cầu canxi hằng ngày, ăn nhiều muối, dư đạm, không tiếp xúc ánh nắng, ít vận động, uống nhiều rượu, cà phê, hút thuốc lá, sử dụng thuốc không hợp lý sẽ bị thiếu canxi và loãng xương sớm.

2/ Hàm lượng canxi trong thực phẩm

100g sữa bò chứa 1.000mg canxi
100g lương thực (gạo, bắp, bột mì) chứa 30mg canxi
100g thịt có 10 – 20mg canxi
100g đậu nành có 165mg canxi
100g mè có 1.200mg canxi
100g đậu các loại có khoảng 60mg canxi
100g rau muống, mồng tơi, rau dền, rau đay, rau ngót có 100mg canxi.

Cần lưu ý, sữa, yaourt, phô mai có chứa nhiều canxi, nhưng cũng chứa một lượng không nhỏ chất béo động vật (béo bão hòa). Do đó, những người tăng mỡ máu cần lưu ý vì có thể gây ra bệnh tim mạch.

3/ Bổ sung canxi bằng thuốc viên

Do bác sĩ chỉ định để phòng ngừa và điều trị thiếu canxi. Liều thường dùng là 500mg/người lớn/ngày, không quá 2.000mg/ngày.

4/Thừa canxi có gây ra sỏi thận?

Các nghiên cứu cho những kết quả khác nhau nên chưa có kết luận chắc chắn. Sỏi thận thường gặp trên một số cơ địa đặc biệt dễ tạo sỏi. Có thể việc dùng quá nhiều canxi trên loại cơ địa này sẽ có khả năng hình thành sỏi do làm thay đổi thành phần nước tiểu.

—————————————————-

Các nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam

Theo Cục đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,55 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hồng Kông đã đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, chiếm 14,7 % tổng vốn đầu tư…

Cũng theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tính chung cả cấp mới và tăng vốn là 6,85 tỷ USD, bằng 64,7% so với cùng kỳ 2013.

Tính đến ngày 20/6/2014 cả nước có 656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 4,85 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 326 dự án đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng năm 2014

Đến 20/6/2014, có 219 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,99 tỷ USD, bằng 37% so với cùng kỳ năm 2013.

Như vậy, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 6 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 6,85 tỷ USD, bằng 64,7% so với cùng kỳ 2013.

Về lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 326 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng năm 2014.

Đứng ở vị trí thứ 2 là lĩnh vực xây dựng, với 58 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 465,4 triệu USD, chiếm 6,8%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 16 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 692,3 triệu USD, chiếm 10,1%. Tiếp theo là lĩnh vực Y tế và trợ giúp xã hội với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 258,9 triệu USD.

Cục đầu tư nước ngoài cũng cho biết, tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,55 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Hồng Kông đã đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, chiếm 14,7 % tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 806 triệu USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư; Đứng ở vị trí thứ 4 là Singapore với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 732,1 triệu USD, chiếm 10,69% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm 2014 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 43 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, dẫn đầu về đầu tư nước ngoài là TP.HCM với 886,3 triệu USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư.

Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 876,05 triệu USD, chiếm 12,8%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 688,37 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, chiếm 10%. Tiếp theo là Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh.

 

Giấc mộng Trung Hoa hay ác mộng đại cường?

Sự nôn nóng và táo bạo của giới lãnh đạo mới của Trung Quốc (TQ) trong tham vọng “đại cường” có thể biến “Giấc mơ Trung Hoa” thành ác mộng.

Các thế hệ lãnh đạo TQ thường xây dựng một hệ thống lý luận, học thuyết, tư tưởng để định hướng kỹ trị đất nước tỷ dân này. Năm 1978, Phó chủ tịch nước Đặng Tiểu Bình đã ban hành khẩu hiệu “TQ hùng cường” trong hệ thống sau này được tổng hợp thành “lý luận Đặng Tiểu Bình” nhằm cải cách toàn diện và mở cửa đất nước sau nhiều năm tụt hậu, mở đầu cho ba thập niên bùng nổ phát triển kinh tế TQ sau này.

Năm 1989, Giang Trạch Dân đã thúc đẩy sự “trẻ hóa dân tộc TQ” cùng “Tư tưởng ba đại diện” nhằm giải quyết tình trạng lạc hậu của TQ. Sau khi được cất nhắc lên vị trí quyền lực cao nhất, Hồ Cẩm Đào đã xây dựng được học thuyết lớn là “Xã hội hài hòa” nhằm giải quyết những căng thẳng xã hội mà nguyên nhân là từ những biến đổi kinh tế – xã hội sau cải cách và mở cửa.

Học thuyết của Hồ Cẩm Đào thuyết phục người dân tìm đến các khái niệm Nho giáo dựa trên sự hài hòa để thúc đẩy mối quan hệ bên trong của TQ cũng như giữa TQ và thế giới.

Lúc này, Bắc Kinh đang ra sức quảng bá cho khẩu hiệu mới của Tập Cận Bình là “Giấc mơ Trung Hoa”. Trong những tháng gần đây, truyền thông TQ ra sức tán dương chủ thuyết này của lãnh đạo TQ. Các bức tường “ước mơ” đã được dựng lên ở một số trường đại học, cho phép sinh viên viết lên những ước mơ của mình. Viện Khoa học Xã hội TQ cũng đề xuất nghiên cứu giấc mơ TQ.

Ông Tập đã nhắc đến khái niệm “Giấc mơ Trung Hoa” lần đầu tiên vào tháng 11/2012 khi được đề cử làm tổng bí thư. Thuật ngữ này được nhắc lại trong bài diễn văn với tư cách nguyên thủ quốc gia, giải thích rõ: “Để thực hiện giấc mơ Trung Hoa, chúng ta phải cổ suy tinh thần Trung Hoa, vốn lấy sự kết hợp tinh thần dân tộc với lòng yêu nước, tinh thần của thời đại với cải cách và sự sáng tạo làm gốc”.

Đó là một thông điệp đã gây được tiếng vang sâu sắc với công chúng. Theo khảo sát của Công ty Millward Brown, khoảng 70% người TQ nói nhận ra giấc mơ là quan trọng với họ. Sự nhấn mạnh về vinh quang quốc gia, chứ không phải là thành tích hoàn toàn cá nhân, là cốt lõi trong chủ thuyết mà Tập Cận Bình muốn dẫn dắt người dân nước này theo đuổi.

Theo một nhà phân tích tại China Market Research Group: “Giấc mơ Trung Hoa khiến người dân đại lục tự hào hơn về những thành tựu quốc gia, một TQ đang vươn lên trở thành cường quốc, tham gia vào những quyết định quan trọng của thế giới”.

Tuy nhiên, giấc mơ TQ định nghĩa quá mơ hồ và vì thế có thể đại diện cho bất cứ cái gì. Nhiều nhà quan sát phương Tây xem đây là chiến dịch tuyên truyền của giới lãnh đạo mới nhằm chiếm được cảm tình của công chúng và bình ổn xã hội đang có nhiều rối ren. Rõ ràng điều này diễn ra trong lúc khó khăn ngày càng chồng chất đối với tầng lớp lãnh đạo: kinh tế sụt giảm, tham nhũng tràn lan, mâu thuẫn trong xã hội dâng cao…

Cuốn sách “Trung Quốc mộng: Tư duy đại cường trong thời đại hậu Mỹ” chỉ rõ giấc mơ mà Tập Cận Bình xây dựng là một quốc gia mạnh mẽ hơn với quân đội hùng mạnh, nếu lạm dụng sẽ trở thành sự cổ suý cho chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy. Mục tiêu mà ông Tập muốn gieo vào đầu người dân TQ là “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” vào thời điểm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (2049).

Theo đuổi giấc mơ này, TQ đang thiết lập lại chính sách “ngoại giao nước lớn” mà ngoại trưởng nước này không giấu giếm tuyên bố vào tháng 3/2014, trong đó TQ sẵn sàng “phá vỡ mô hình lịch sử của xung đột và đối đầu giữa các nước lớn” để khẳng định vị trí cường quốc của mình.

Đây là chính sách từng được Giang Trạch Dân đưa ra mặc dù thời điểm đó vẫn thừa nhận TQ phải chịu các hạn chế do Mỹ áp đặt. Tập Cận Bình với tham vọng muốn đẩy nhanh vị thế của TQ, đặt mối quan hệ với Mỹ và các cường quốc khác ở trạng thái bình đẳng hơn. Thực tế cho thấy Tập đang đưa TQ đi theo con đường này với hàng loạt động thái phô diễn sức mạnh quân sự, sẵn sàng khiêu khích chủ quyền của các nước láng giềng tại biển Đông, nhằm ngăn chặn sự “xoay trục châu Á” của Mỹ.

Cũng trên vị thế “đại cường”, TQ đã hành xử để gửi thông điệp Nhật Bản phải đứng thấp hơn trong quan hệ song phương và trong địa – chính trị khu vực. Việc lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông là một trong những biện pháp nhằm tạo sức ép liên tục và gây cảm giác cô lập Nhật. TQ gia tăng gây rối các quốc gia khác như Philippines và Việt Nam cũng nhằm mục đích này, bất chấp sự chỉ trích của dư luận quốc tế cũng như hậu quả mà TQ phải gánh chịu về mặt ngoại giao quốc tế.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh có vẻ quyết tâm duy trì ấn tượng khủng hoảng để biện minh cho quyền lực to lớn của cá nhân, cũng như sự táo bạo và quy mô chính sách ngoại giao nước lớn mà TQ đang hướng tới. Trước xu hướng này, Chương trình Nghiên cứu châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) cảnh báo cần xem xét hậu quả khi đối phó với một nhà lãnh đạo mà dường như nghĩ rằng rất cần duy trì “mức độ căng thẳng nhất định”, cả trong và ngoài nước, để đạt được các mục tiêu chính sách của mình.

Với suy nghĩ này, giấc mơ Trung Hoa có thể sớm trở thành ác mộng ngay cả đối với người dân TQ.

@DoanhnhanSG

Việt Nam-Trung Quốc: Ai vay nợ và ai phải trả

Song Chi
Trong buổi tiếp xúc với cử tri tại TP.HCM ngày 26 tháng 6, ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có những câu phát biểu được báo chí trích dẫn, về vấn đề mà người dân quan tâm nhất hiện nay là tình hình biển Đông và mối quan hệ với Trung Quốc.

Chỉ cần đọc/nghe qua những phát biểu này của một trong bốn nhân vật đứng đầu bộ máy đảng và nhà nước cộng sản, người ta cũng có thể nhận ra quá nhiều điều không ổn trong quan điểm, tư duy, não trạng của các lãnh đạo VN. Từ đó dẫn đến cách hành xử lúng túng, bị động, bạc nhược của họ trước Bắc Kinh bao lâu nay.

Chẳng hạn, khi nói về công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, “Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Ông Phạm Văn Đồng (cố thủ tướng) có bao giờ nói Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc đâu, đã đăng công khai trên mạng hết rồi…” (“Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải giữ bằng được chủ quyền”, báo Tuổi Trẻ).

Đây là lập luận chống chế quen thuộc của nhà cầm quyền VN sau khi vụ công hàm của Phạm Văn Đồng bị công khai trước nhân dân VN và quốc tế. Về việc này, Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn viết trên facebook:

“Ông Phạm Văn Đồng không nói HS-TS là của Tàu?

…Đúng là công hàm PVĐ không đề cập cụ thể đến Hoàng Sa và Trường Sa là của Tàu. Nhưng ông tán thành tuyên bố của Tàu rằng HS-TS là của Tàu. Trong công hàm đó câu đầu tiên viết rằng:

“Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc”.

Vậy thì Tuyên bố 4/9/1958 của Tàu là gì? Trên mạng vẫn còn lưu hành bản tiếng Hoa và một bản dịch tuyên bố 4/9/1958. Tuyên bố có đoạn viết:

“Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”

Như vậy trong Tuyên bố trên Tàu cộng họ nói rõ rằng HS-TS là của họ (hay theo cách gọi Tây Sa-Nam Sa của Tàu). Chính phủ VNDCCH tôn trọng và tán thành Tuyên bố đó thì cũng có nghĩa là tán thành và công nhận HS-TS là của Tàu rồi. Khó nói cách khác được.”

(nguồn: facebook Nguyen Tuan)

Không chỉ các ông lãnh đạo mà nhiều người dân, nhất là đám dư luận viên trên mạng cũng lập luận tương tự để “chạy tội” cho cái công hàm tai hại, nhưng phải thấy rằng trước quốc tế mà cứ cố cãi như thế này thì không thể thắng được Trung Cộng về lý.

Nói về quan hệ VN-Trung Quốc: “Trước việc Trung Quốc lấy cớ từng giúp Việt Nam trong quá khứ để gây hấn ở biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam mang ơn thì có cách trả ơn, chứ Trung Quốc không được áp đặt.” (“VN mang ơn thì sẽ trả, nhưng Trung Quốc không được áp đặt”, Dân Trí).

Bao lâu nay, phía Trung Cộng tất nhiên là thường xuyên nhắc đi nhắc lại việc đã từng giúp đỡ Bắc Việt “đánh Pháp đuổi Mỹ”, lấy đó làm cớ để mắng mỏ VN vô ơn mỗi khi quan hệ giữa hai đảng cộng sản trở nên xấu đi.

Nhưng không chỉ Trung Cộng, từ các thế hệ lãnh đạo cho tới nhiều tướng tá, quan chức khác nhau của đảng cộng sản VN cũng liên tục nhắc nhở… chính họ và người dân VN, phải biết ơn Trung Quốc.

Người dân VN hoàn toàn có quyền hỏi lại đảng và nhà nước cộng sản rằng hãy nói rõ ràng và sòng phẳng một lần, ai nợ ai.

Chỉ có đảng cộng sản VN nợ đảng cộng sản Trung Quốc để có đủ sức tiến hành hai cuộc chiến, trong đó cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” thực chất là cuộc chiến tranh ý thức hệ, là cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam Bắc. Đối với đa số người VN, đó là một cuộc chiến không mong muốn, vậy tại sao người dân VN phải mang nợ Trung Quốc.

Những thông tin, tư liệu được bạch hóa phần nào trong những năm qua đã nói lên tính chất phi lý, vô nghĩa, cái giá quá đắt phải trả cũng như những hệ lụy nặng nề cho đất nước, dân tộc VN từ việc đảng cộng sản chấp nhận sự viện trợ từ Trung Cộng để đổi lấy việc tiến chiếm miền Nam, thống nhất đất nước nhưng lại bị lệ thuộc lâu dài vào Bắc Kinh về mọi mặt.

Và họ đã phải trả món nợ này không chỉ bằng hàng núi xương máu của nhân dân mà cả tài nguyên, những sự ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế cho tới một phần lãnh thổ lãnh hải.

Những thông tin, tư liệu đó cũng cho thấy cuộc chiến chống Mỹ của Bắc Việt thật ra có lợi cho chính Trung Cộng như thế nào, đảng cộng sản Trung Quốc lẽ ra phải cảm ơn sự mù quáng của đảng cộng sản VN thì đúng hơn.

Nhưng đó là quan hệ mắc mứu giữa hai đảng, nhân dân VN chả dự phần gì vào để mà cứ phải mang ơn, biết ơn.

Về phía những người cộng sản, chính cái tâm lý mắc nợ, mang ơn này đã khiến họ luôn luôn ở vào thế yếu khi phải đương đầu với Trung Cộng để bảo vệ độc lập chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ.

Tự trói buộc mình vào sự tương đồng về mặt ý thức hệ, mặc dù ai cũng rõ cho đến thời điểm này thì cả Trung Quốc lẫn VN đều không còn là hai đảng cộng sản đúng nghĩa và cũng chả bên nào còn thực lòng tin vào chủ nghĩa cộng sản, lý thuyết Marxism-Leninism nữa.

Tiếp đến tự trói buộc mình vào mối ân oán nợ nần, quan hệ 4 tốt 16 chữ vàng giữa hai đảng cộng sản, trong khi trên thực tế, Bắc Kinh từ lâu đã không coi mối quan hệ hai bên ra cái gì. Và bây giờ, là lần thứ hàng trăm hàng ngàn, Trung Cộng đang công khai xâm lược VN, thách thức, lăng nhục nhà cầm quyền VN.

Chừng nào các lãnh đạo, quan chức cộng sản ở VN tự mình rũ bỏ được cái tâm lý mắc nợ ấy trong mối quan hệ với Bắc Kinh thì họ mới có đủ sáng suốt và sức mạnh để đi cùng một con đường với nhân dân và với thời đại: Thoát Cộng, thoát Trung, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, cương quyết giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng trông chờ ở nhà cầm quyền VN điều đó thì khác nào hái sao trên trời!

Cuối cùng, trong các phát biểu của ông Chủ tịch nước, có một ý sau nói về việc bảo vệ chủ quyền:

“Năm nay không xong thì năm tới, mười năm này không xong thì mười năm sau, đời ta không xong thì đến đời con cháu, phải dứt khoát như vậy. Trước sau như một, vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, phải giữ gìn” (“Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải giữ bằng được chủ quyền”, báo Tuổi Trẻ).

Trước đó, tại cuộc đối thoại với các nhà khoa học VN sáng 17.5 ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: “Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và nhất định chúng ta phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại” (“Nhất định phải đòi lại Hoàng Sa”, báo Thanh Niên).

Và nếu chú ý tìm kiếm thêm thì chúng ta sẽ thấy không chỉ có hai nhân vật trên phát biểu những ý tương tự.

Nghe thì có vẻ quyết tâm, đầy xúc động (!) nhưng thật ra nói như vậy có nghĩa là các ông giương cờ trắng, chào thua giặc trước rồi và ủy thác việc đòi lại Hoàng Sa cũng như bảo vệ chủ quyền cho…con cháu.

Các ông không sợ người dân rồi con cháu sau này và cả lịch sử nguyền rủa muôn đời vì đã vay mượn các nước để tiêu xài cho đã đời này, mặt khác, tài nguyên đất nước, đất đai, biển, đảo… có bao nhiêu khai thác sạch, cho thuê hay bán sạch để ăn ngay đời này, còn nợ công cho tới việc đòi lại lãnh thổ lãnh hải thì để cho con cháu gánh, hay sao?

Chỉ qua một buổi nói chuyện của một trong Tứ trụ triều đình của VN mà đã bộc lộ bao nhiêu vấn đề trong quan điểm, tư duy của các lãnh đạo VN, chả trách gì tình hình cứ ngày càng bi đát, tuyệt vọng.

VN có thể mất nước đến nơi mà nhà cầm quyền vẫn chưa tìm ra, và cũng không thực tâm muốn tìm, con đường để thoát khỏi Trung Cộng, bảo vệ được độc lập chủ quyền, giang sơn gấm vóc của non sông.

“Hữu nghị viển vông” hay cúc cung phục vụ tỉnh Quảng Đông?

Sau chuyến thăm của Bí thư Quảng Đông, đây là 16 công việc mà các Bộ và tỉnh thành Việt Nam “phải làm”. Công văn của Bộ ngoại giao.

Công văn Bộ ngoại giao VN gửi các Bộ và UBND tỉnh, thành phố

Chúng tôi vừa nhận được, từ ba bạn đọc ở Hà Nội và Sài Gòn, bản chụp công văn số 1832/BNG/ đề ngày 03 tháng 6 năm 2014 của Bộ ngoại giao, do thứ trưởng Hồ Xuân Sơn ký tên, đóng dấu, liên quan đến “danh mục các công việc cần làm sau chuyến thăm Việt Nam của Bí thư tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa”.

Công văn nay được gửi cho: một là, “Các Bộ Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông Vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch”; hai là, “Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố: Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh; Quảng Ninh; Hải Phòng; Quảng Nam; Đà Nẵng”.

Đính kèm công văn (1 trang) này là “Danh mục công việc phải làm sau chuyến thăm Việt Nam của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (13 – 17/4/2014)”

Dưới đây là toàn văn bản công văn:

“Ngày 20/5/2014, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc gửi Bộ Ngoại giao bản Danh mục các công việc cần làm sau chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (13 -17/4/2014).

“Để triển khai tốt các chương trình hợp tác giữa các Bộ/ngành, địa phương ta với tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, Bộ Ngoại giao xin chuyển đến Quý Cơ quan Danh mục này để tham khảo, đưa vào chương trình hợp tác của Quý Cơ quan với tỉnh Quảng Đông.

“Bộ Ngoại giao xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Cơ quan./.”

Kèm theo là danh mục (hai trang) 16 “công việc phải làm” (xem hình kèm theo)


Để có một ý niệm cụ thể về công văn ký tên Hồ Xuân Sơn nhằm thực hiện ý muốn của Hồ Xuân Hoa, bí thư (hay tổng đốc?) Quảng Đông, chỉ cần chép lại nguyên văn hai “công việc phải làm” số 1 và số 2:

“1. Thúc đẩy Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải thăm Quảng Đông.

“2. Trong khuôn khổ bồi dưỡng đào tạo cán bộ giữa hai Đảng Trung Việt, triển khai công tác đào tạo cho cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Kế hoạch trong 05 năm đào tạo 300 cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam; trong đó Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi địa phương 100 cán bộ, 100 cán bộ của các tỉnh thành có quan hệ hợp tác với Quảng Đông nhiều như TP. Hải Phòng, Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam”.

Thiết tưởng mọi bình luận là quá thừa. Câu hỏi duy nhất đáng đặt ra: đây là công văn của “Bộ ngoại giao Việt Nam” hay là của Sở nội vụ tỉnh Quảng Đông?

B. T.

____________________________________________

Tin tham khảo:

Tạp chí Xây Dựng Đảng:

Đoàn cán bộ Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu về công tác xây dựng đảng tại Trung Quốc

Từ ngày 15-6 đến 24-6-2014, Ban Tổ chức Trung ương cử Đoàn cán bộ cấp vụ do đồng chí Quản Minh Cường, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ làm trưởng Đoàn đi nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm công tác xây dựng đảng tại Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, Đoàn được tìm hiểu khái quát về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Trung Quốc hiện nay; Điều lệ xây dựng tổ chức và mô hình xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Công tác quản lý và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Cách làm và kinh nghiệm của TP. Bắc Kinh về công tác cán bộ và xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên.

Về nội dung công tác cán bộ: Đoàn đã đi sâu nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc về công tác tuyển chọn, sử dụng và đánh giá cán bộ, các nguyên tắc trong tuyển chọn và đánh giá cán bộ như: Đảng quản lý tập trung thống nhất công tác cán bộ; việc lựa chọn cán bộ các cấp đảm bảo có đạo đức và tài năng; cán bộ phải được quần chúng tín nhiệm; nghiêm túc thực hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; giữ vững chế độ tập trung dân chủ; làm việc theo pháp luật. Cán bộ được bổ nhiệm phải đảm bảo có tài, có đức, được đảng viên, quần chúng nhân dân tin cậy. Trong đó lấy chính trị và đạo đức là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm. Có các hình thức bổ nhiệm trực tiếp; thông qua bầu cử dân chủ; ký hợp đồng; tuyển chọn công khai. Công tác đánh giá cán bộ hay sát hạch cán bộ là công việc rất quan trọng của quan tổ chức, công tác này luôn luôn hoàn thiện theo hướng khoa học. Kết quả công tác sát hạch, đánh giá cán bộ vừa là căn cứ quan trọng để tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ vừa để quản lý cán bộ.

Về kinh nghiệm xây dựng tổ chức cơ đảng và phát triển đảng viên: Trong những năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tập trung lãnh đạo xây dựng hệ thống tổ chức đảng toàn diện, nhất là hệ thống tổ chức cơ sở đảng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn coi trọng và quan tâm xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng theo từng loại hình như: cơ quan nhà nước; doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp theo các ngành nghề); các cụm dân cư, làng và khu dân cư của thành phố, các trường cao đẳng, đại học và các tổ chức xã hội với những mục tiêu, giải pháp cụ thể. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, lựa chọn những quần chúng ưu tú nhất để kết nạp vào Đảng. Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định, đảng viên phải là người dẫn đầu, mà người dẫn đầu tốt, ban lãnh đạo tốt sẽ thúc đẩy phong trào thi đua làm kinh tế trong đảng viên…

Tại tỉnh Triết Giang, Đoàn làm việc với đại diện Sở Ngoại vụ tỉnh Triết Giang, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Triết Giang khảo sát về công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ… Đồng thời, Đoàn tham quan mô hình sản xuất tơ lụa; mô hình phát triển làng nghề, du lịch; bảo tàng lịch sử đảng tại một số địa phương.

Thủy Anh

Nguồn:

http://www.xaydungdang.org.vn/Home/thoisu/2014/7524/Doan-can-bo-Ban-To-chuc-Trung-uong-nghien-cuu-ve-cong.aspx

Tập Cận Bình: ‘TQ sẽ không bá quyền’

Ông Tập nhân dịp kỷ niệm ngày ký nguyên tắc chung sống hòa bình để đưa ra lời trấn an láng giềng

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng nước ông sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt ý chí của mình lên các nước khác cho dù Trung Quốc có mạnh như thế nào đi chăng nữa.

Ông Tập đưa ra phát biểu này ở Bắc Kinh khi ông tiếp các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Miến Điện vào cuối tuần.

Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc đang dính vào tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.

Các nước này đang quan ngại về chi tiêu quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và điều mà nhiều người cho rằng Bắc Kinh ngày càng quả quyết.

‘Phát triển hòa bình’

Bài diễn văn này của ông Tập được đưa ra nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký hiện định thiết lập năm nguyên tắc chung sống hòa bình giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Miến Điện vốn đã trở thành khuôn mẫu cho các nước khác áp dụng.

“Trung Quốc không có quan niệm là một nước nào đấy chắc chắn sẽ tìm cách thiết lập bá quyền một khi trở nên hùng mạnh,” ông nói.

Phô bày sức mạnh quân sự chỉ thể hiện là anh thiếu tầm nhìn hoặc thiếu cơ sở đạo đức chứ không cho thấy là anh mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

“Bá quyền và quân phiệt không có trong huyết quản của người Trung Quốc. Trước sau như một Trung Quốc sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình vì đây cũng lợi ích của Trung Quốc, lợi ích của châu Á và của cả thế giới.”

Và trong một câu nói dường như làm nhằm vào Mỹ, ông Tập nói rằng ‘thời thống trị của siêu cường đã qua rồi’.

“Ý nghĩ thống trị quan hệ quốc tế đã thuộc về quá khứ và những nỗ lực như thế trước sau gì cũng thất bại,” ông nói.

“Phô bày sức mạnh quân sự chỉ thể hiện là anh thiếu tầm nhìn hoặc thiếu cơ sở đạo đức chứ không cho thấy là anh mạnh.”

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi ‘một kiến trúc mới cho an ninh châu Á-Thái Bình Dương’.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến nhiều nước láng giềng lo ngại

Từ Bắc Kinh, phóng viên BBC Damian Grammaticus nhận định về bài phát biểu này của ông Tập như sau:

“Với bài phát biểu này, chủ tịch Trung Quốc có một mục tiêu rất rõ ràng: ông muốn trấn an các nước láng giềng và các nước khác đang dõi theo sự vươn lên của Trung Quốc vốn đang tự hỏi nước này sẽ trở thành một siêu cường như thế nào.

Tuy nhiên liệu thông điệp của ông Tập có đạt được mục đích hay không lại là chuyện khác. Phó Tổng thống Ấn Độ cũng có mặt để nghe ông Tập nói nhưng có nhiều lãnh thổ mà họ cho là của họ hiện Trung Quốc đang kiểm soát hoặc tuyên bố có chủ quyền.

Và trong những tháng gần đây chúng ta đã chứng kiến va chạm trên biển giữa tàu Trung Quốc và Việt Nam và căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh với Hà Nội, Manila và Tokyo xung quanh tranh chấp biển đảo.

Tuy nhiên, phần lớn phát biểu của ông Tập dường như cuối cùng là nhằm vào Mỹ. Ông Tập nói cái mà ông gọi là ‘luật rừng’ khi mà một nước tìm cách thao túng quan hệ quốc tế đã là chuyện quá khứ.

Tuy nhiên khi mà Trung Quốc chi tiêu ngày càng nhiều cho quân sự và đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng thì các nước láng giềng của họ và Hoa Kỳ sẽ nhìn xem những gì Trung Quốc làm cũng như những gì mà họ nói.”

@bbc