Thủ tướng Lý Hiển Long đã đem lại những gì cho Singapore?

Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhiều lần nói rằng ông muốn bàn giao Singapore cho người kế nhiệm “trong trật tự tốt”

Theo kênh CNA, các nhà phân tích cho rằng nhiệm kỳ của ông Lý Hiển Long – thủ tướng thứ ba của Singapore – để lại nhiều dấu ấn trong nền chính trị và xã hội của Singapore.

Vị thủ tướng này sắp rời khỏi vị trí với một đất nước thịnh vượng, phát triển và bình đẳng hơn so với ngày 12-8-2004 – thời điểm mà ông trở thành người đứng đầu chính phủ Singapore.

Thủ tướng Lý Hiển Long đã đem lại những gì cho Singapore?- Ảnh 1.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Padang dự lễ diễu hành mừng quốc khánh vào ngày 9-8-2023 – Ảnh: CNA

Theo các nhà phân tích, ông Lý Hiển Long đã lãnh đạo đất nước vượt qua các giai đoạn khủng hoảng và phục hồi, đồng thời hướng tới cách tiếp cận quản trị nhẹ nhàng hơn, hợp tác hơn.

Trong thời gian ông Lý Hiển Long lãnh đạo, chính phủ Singapore đã thực thi các chính sách nhằm giúp người dân nâng cao sức khỏe tinh thần.

Ông cũng là người đã đương đầu với những quyết định khó khăn và gây tranh cãi, như bãi bỏ luật cấm quan hệ tình dục đồng tính, và là người hướng tới tương lai lâu dài của Singapore với các dự án cơ sở hạ tầng lớn như siêu cảng Tuas.

Trong 20 năm qua, tổng sản phẩm quốc nội của Singapore đã tăng hơn gấp đôi, từ 228 tỉ lên 532 tỉ đô la Singapore (168 tỉ USD lên 392 tỉ USD).

Tổng thu nhập bình quân hằng tháng của người dân Singapore cũng tăng từ 2.326 lên 5.197 đô la Singapore.

Hiện Singapore có mức độ bất bình đẳng thấp hơn nhiều, với hệ số Gini – thể hiện khoảng cách giàu nghèo – sau khi chính phủ chuyển giao và thuế giảm từ 0,42 xuống 0,37.

Lượng hành khách đến sân bay hằng năm tăng hơn gấp đôi, từ 14,3 triệu lên 29,5 triệu người.

Nền kinh tế Singapore cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng các hiệp định thương mại tự do, từ 5 hiệp định trong năm 2004 lên tới 27 hiệp định hiện nay.

Ông Lý Hiển Long cũng đã đưa Singapore trở thành điểm nóng du lịch của thế giới, với lượng du khách hằng năm tăng từ 8,3 triệu lên 13,6 triệu người.

Theo TS Gillian Koh, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) ở Singapore, chính phủ của ông Lý Hiển Long đã đi trước trong việc giải quyết vấn đề phân tầng xã hội, chính trị bản sắc, giai cấp và chủng tộc.

Chính phủ dưới thời ông Lý Hiển Long đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, với chi tiêu thường xuyên hằng năm cho giáo dục tăng từ 5 tỉ năm 2004 lên 12,9 tỉ đô la Singapore vào năm 2022. Nhiều cải cách quan trọng được thực hiện trong lĩnh vực này.

Số lượng trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng tăng từ 722 năm 2004 lên 2.470 vào thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, chính phủ Singapore còn thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo một xã hội hòa nhập, bao gồm chăm sóc người nghèo, người khuyết tật và người bị thiệt thòi.

Thủ tướng Lý Hiển Long đã đem lại những gì cho Singapore?- Ảnh 2.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tham gia một hoạt động tại Câu lạc bộ Cộng đồng Teck Ghee ngày 14-1-2023 – Ảnh: MCI/Betty Chua

Các nhà phân tích chính trị nói với CNA rằng ông Lý Hiển Long đã định hình nền tảng chính trị và quản trị của Singapore một cách đáng kể, bao gồm cải cách bầu cử và các sửa đổi hiến pháp đã được thông qua vào tháng 11-2016.

Chính phủ cũng cải thiện và tăng cường sự tham gia của công chúng vào việc hoạch định chính sách trong nhiệm kỳ của ông Lý Hiển Long, người đã điều chỉnh phong cách lãnh đạo từ kiểu “từ trên xuống” sang kiểu mang tính tham vấn nhiều hơn.

Vị thủ tướng này cũng thúc đẩy sự bùng nổ cơ sở hạ tầng trong nhiệm kỳ. Trong 20 năm qua, số lượng nhà ở xã hội (căn hộ HDB) ở Singapore đã tăng từ 878.000 lên 1,1 triệu căn, cùng nhiều chính sách hỗ trợ người dân liên quan.

Chiều dài mạng lưới tàu điện ngầm MRT và LRT của đất nước cũng tăng gấp đôi trong thời gian này, từ 128 km lên 259 km. Hoạt động hàng hải của Singapore cũng bùng nổ.

“Ngoài vai trò của mình ở cấp quốc gia, ông Lý Hiển Long còn là một cố vấn truyền cảm hứng, một người có định hướng chi tiết trong nhóm và một nhà lãnh đạo giàu lòng nhân ái, luôn gắn bó với thực tế” – các cựu nghị sĩ và những người gắn bó lâu năm với vị thủ tướng ở cấp cơ sở nói với CNA.

Theo Anh Thư / Báo Lao động

CyberUK: Trung Quốc đang hướng đến vị thế bá chủ khoa học – công nghệ

Hôm 14/5 tại hội nghị quốc tế CyberUK về công nghệ Internet và các vấn đề an ninh mạng, nhiều quan chức và chuyên gia cảnh báo những hiểm họa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ảnh chụp màn hình CyberUK 2024
Thông tấn xã Central (Central Press) của Anh đưa tin tại hội nghị quốc tế CyberUK cho hay, bà Butler (Anne Keast-Butler) –  người đứng đầu “Trụ sở Truyền thông Chính phủ” (GCHQ), cơ quan tình báo và an ninh Anh trong lĩnh vực thông tin và truyền thông – lên án hành vi “vô trách nhiệm” của Trung Quốc (ĐCSTQ) trong lĩnh vực Internet, làm suy yếu an ninh mạng toàn cầu và ảnh hưởng đến mọi người. Trung Quốc không chỉ xây dựng năng lực mạng tiên tiến, mà còn tận dụng các hệ thống kinh doanh môi giới dữ liệu và hacker ngày càng hùng hậu của họ, gây ra rủi ro ngày càng tăng cho Vương quốc Anh trong lĩnh vực mạng internet.

Để ngăn chặn và chống lại các mối đe dọa trên mạng từ các nước khác và các tác nhân độc hại, Anh tiếp tục hợp tác với các đồng minh trong liên minh chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes cũng như các đối tác trong ngành và giới học thuật.

Bà Butler bắt đầu lãnh đạo “Trụ sở Truyền thông Chính phủ” vào tháng Năm năm ngoái, trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử 105 năm của cơ quan này. Trước đây, bà là phó giám đốc cơ quan an ninh và tình báo nội bộ Anh (MI5), đồng thời tham gia vào quá trình chuẩn bị của Vương quốc Anh và các đồng minh để đối phó với khả năng Nga có thể xâm lược toàn diện vào Ukraine.

CyberUK, một hội nghị quốc tế về công nghệ Internet và các vấn đề an ninh do Chính phủ Anh tổ chức, vừa được tổ chức tại Birmingham. Bà Butler đã tham dự và phát biểu vào hôm qua (14/5). Đây là bài phát biểu mang tính bước ngoặt đầu tiên của bà kể từ khi nhậm chức. Bà nói rằng so với “mối đe dọa trước mắt” do Nga và Iran đặt ra, Trung Quốc là “thách thức mang tính thời đại” có tính lâu dài hơn. Bà nhắc lại những gì Thủ tướng Sunak nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang “ngày càng thao túng các nước khác trong nỗ lực định hình lại thế giới”, do đó ứng phó với thách thức từ Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của GCHQ, đặc biệt khi xét đến quy mô và mức độ phức tạp của vấn đề này. Butler chỉ ra rằng GCHQ hiện đang dành nhiều nguồn lực để đối phó với Trung Quốc hơn bất kỳ nhiệm vụ nào khác. Butler cũng cho rằng các hành động của Trung Quốc mang tính cưỡng ép và gây ra bất ổn, là rủi ro đáng kể cho các chuẩn mực và giá trị quốc tế.

Phó cố vấn An ninh quốc gia Anh là Matt Collins cũng tham dự hội nghị quốc tế CyberUK, ông thẳng thắn nói rằng các mối đe dọa an ninh mà Anh phải đối mặt trong lĩnh vực mạng internet “không ngừng vượt quá” khả năng đối phó của Anh – “chúng ta phải thừa nhận điều đó”.

FBI và các cơ quan an ninh và tình báo khác của Mỹ đã cảnh báo vào đầu năm nay rằng nhóm hacker Trung Quốc “Volt Typhoon” có thể đã ẩn nấp ít nhất 5 năm trong cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ như hệ thống giao thông công cộng và các mạng lưới đường ống khác nhau… để chờ đợi cơ hội.

Tại hội nghị CyberUK, cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và hiện là Giám đốc Mạng Quốc gia của Nhà Trắng là Harry Coker Jr. cho biết, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột, Trung Quốc sẽ có thể sử dụng các khả năng mạng được triển khai từ trước, qua đó có thể cản trở hành động của Mỹ bằng việc gây vấn đề hỗn loạn trong cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng. Đây là lần đầu tiên Mỹ hứng chịu ​​một nhóm không chỉ ẩn nấp trong cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ và thu hút sự chú ý, mà còn có ý định rõ ràng nhằm cản trở khả năng phản công của Mỹ; các hacker Trung Quốc đang tập trung vào việc tránh né các biện pháp phòng thủ của Mỹ và tấn công vào lợi ích của Mỹ với quy mô chưa từng thấy.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhật Bản Ichikawa Keiichi cho biết tại hội nghị rằng trong lĩnh vực không gian mạng, bản chất mối đe dọa của Trung Quốc đã thay đổi trong 10 năm qua: Trước đây Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể tập trung vào việc đánh cắp công nghệ thông qua tấn công mạng, nhưng giờ đây họ tập trung hơn vào việc tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng.

Theo RFI

Lạc lối giữa khu phổ cổ trên cao nguyên đá Đồng Văn

Với khung cảnh cổ kính cũng nét văn hóa bản địa độc đáo, phố cổ Đồng Văn sẽ khiến những vị khách miền xuôi khắc ghi trong tâm trí cả đời khi một lần ghé thăm.

Nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, phố cổ Đồng Văn là một trong những khu phố cổ nổi tiếng nhất Việt Nam.

Khu phố cổ này được hình thành từ đầu thế kỷ 20, thuở ban sơ chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân từ địa phương khác tìm đến.

Về tổng quan, khu phố cổ có khoảng 40 nóc nhà nằm dưới chân núi đá. Đa phần các ngôi nhà ở đây tuổi đời trên dưới 100 năm, ngôi nhà cổ nhất được xây dựng từ khoảng năm 1860.

Kiến trúc ở phố cổ Đồng Văn phổ biến là nhà trình tường ba gian, hai tầng, mái lợp ngói âm dương. Các ngôi nhà nằm sát nhau, tạo nên cấu trúc không gian giống các dãy nhà ống ở phố cổ Hà Nội hay Hội An.

Sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ, đá, bùn đất, từ ngoại thất đến nội thất của các ngôi nhà toát lên vẻ thô mộc, gần gũi với thiên nhiên.

Công trình nổi bật, có vai trò tâm điểm của khu phố cổ là chợ Đồng Văn. Khu chợ được xây bằng đá trong những năm 1920, vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Không chỉ diễn ra các hoạt động kinh tế, chợ Đồng Văn là nơi còn lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Nằm đối diện chợ Đồng Văn, quán cà phê Phố Cổ cũng là địa điểm khá nổi tiếng. Quán tận dụng ngôi nhà cổ nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất khu phố cổ Đồng Văn.

Vào ngày thường, không gian ở phố cổ trên cao nguyên đá khá trầm mặc. Vào dịp cuối tuần, kỳ nghỉ lễ hoặc đến mùa hoa tam giác mạch (tháng 10-12), khu phố sẽ sôi động hơn khi du khách đổ về nhiều.

Với khung cảnh cổ kính cùng nét văn hóa bản địa độc đáo, phố cổ Đồng Văn sẽ khiến những vị khách miền xuôi khắc ghi trong tâm trí cả đời nếu một lần có dịp ghé thăm.

Đáng tiếc rằng vào thời điểm hiện tại, phố cổ Đồng Văn đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn. Sau hàng trăm năm tồn tại, hết các ngôi nhà cổ đã trở nên cũ nát và xuống cấp nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, do sự phát triển của du lịch, các hoạt động kinh doanh bùng nổ đã khiến khu phố cổ từng bước bị “bủa vây” bởi các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng hiện đại trong thị trấn… khiến những giá trị văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ bị xói mòn. Việc phát triển du lịch – kinh tế hài hòa với bảo tồn các giá trị tinh thần của địa phương đã trở thành một bài toán, mà có giải được nó thì phố cổ Đồng Văn mới giữ được hồn cốt của mình giữa những đổi thay của thời cuộc. (Ảnh trong bài được chụp năm 2011).

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Bom tấn “Oppenheimer” – bội thu Oscar 2024

Mùa giải Oscar 2024 đã kết thúc. Cơn mưa giải mang tên “Oppenheimer” (Cha đẻ bom nguyên tử) với 7 giải Oscar đã đưa bộ phim phỏng theo tư liệu về chân dung cuộc đời, số phận, công việc của nhân vật J. Robert Oppenheimer, nhà vật lý lý thuyết, người lãnh đạo Dự án Manhattan sản xuất vũ khí hạt nhân, cha đẻ bom nguyên tử trong suốt Thế chiến thứ 2 lên đỉnh cao danh vọng của nghệ thuật thứ bảy.

“Oppenheimer” chinh phục các giải thưởng điện ảnh lớn

Không nằm ngoài dự đoán. Bộ phim của đạo diễn Christopher Nolan “Oppenheimer” – tác phẩm chuyển thể từ sách tiểu sử American Prometheus, do Kai Bird và Martin Sherwin viết, xoay quanh cuộc sống và công việc của J. Robert Oppenheimer, cha đẻ bom nguyên tử trong suốt Thế chiến thứ 2 đã bội thu Oscar lần thứ 96. Bộ phim có 13 đề cử Oscar và đoạt 7 tượng vàng các hạng mục quan trọng nhất: Đạo diễn xuất sắc nhất; Nam diễn viên chính xuất sắc nhất; Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất; cùng với giải thưởng danh giá nhất Oscar: Phim hay nhất.

Ở các hạng mục kỹ thuật, phim giành giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất; Biên tập phim xuất sắc nhất; và giải Nhạc phim hay nhất. Đây là lần đầu tiên đạo diễn Christopher Nolan giành giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ. “Oppenheimer” cũng là bộ phim đầu tiên đưa ông đến những thắng lợi liên tục tại các giải thưởng điện ảnh lớn.

Trước cơn mưa giải Oscar, “Oppenheimer” đã càn quét các giải thưởng điện ảnh quan trọng nhất. Đầu tiên phải kể đến đại thắng 5 đề cử giải Quả Cầu Vàng 2024: Đạo diễn điện ảnh xuất sắc; Nam diễn viên chính kịch xuất sắc; Nam diễn viên phụ xuất sắc; Nhạc phim điện ảnh hay nhất và giải quan trọng nhất của Quả Cầu Vàng chính là Phim chính kịch hay nhất. Ngoài ra “Oppenheimer” còn thắng lớn ở giải BAFTA, Critics Choice và giải thưởng của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ.

Không chỉ đại thắng trên các mặt trận giải thưởng, với kinh phí 100 triệu USD, phim được giới phê bình đánh giá là một trong những phim hay nhất năm 2023. Theo thống kê của đơn vị quan sát phòng vé quốc tế Box Office Mojo, tác phẩm có doanh thu cao thứ ba năm 2023 đạt 957 triệu USD.

Murphy, người đàn ông thầm lặng

Cillian Murphy (tên đầy đủ là Cillian Murphy O’Callaghan), là người Ireland sinh ngày 25/5/1976 tại Douglas, Cork. Anh bắt đầu sự nghiệp diễn xuất của mình từ sân khấu và sau đó chuyển sang màn ảnh, nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả và giới chuyên môn nhờ tài năng diễn xuất thiên phú.

Bom tấn “Oppenheimer” - bội thu Oscar 2024 -1
Đóng “cha đẻ” của bom nguyên tử, Cillian Murphy thắng giải Nam chính tại Oscar. ​​​​​​ 

Murphy bắt đầu nổi tiếng qua các vai diễn trong các bộ phim như: “28 Days Later” (2002) của đạo diễn Danny Boyle và “Cold Mountain” (2003). Tuy nhiên, anh thực sự trở thành ngôi sao lớn khi hợp tác với đạo diễn Christopher Nolan trong “Batman Begins” (2005), “The Dark Knight” (2008) và “The Dark Knight Rises” (2012).

Murphy đã “đánh bại” một loạt các đối thủ mạnh để giành giải Oscar lần thứ 96, bao gồm: Paul Giamatti cho “The Holdovers”, Jeffrey Wright cho “American Fiction” và Bradley Cooper cho “Maestro”. Đây là đề cử Oscar đầu tiên của Murphy, nhưng anh được coi là ứng cử viên “nặng ký” nhất sau khi giành được một loạt giải thưởng trước đó cho bộ phim, bao gồm: Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Baftas và Hiệp hội diễn viên màn ảnh, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (chính kịch) tại Quả Cầu Vàng. Trước đây, anh từng đóng vai chính trong bộ phim “The Wind That Shakes the Barley” do Ken Loach đạo diễn, đoạt giải Cành cọ Vàng tại Cannes năm 2006.

Murphy là nam diễn viên người Ireland thứ ba giành được giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, sau Daniel Day-Lewis – người sinh ra ở London nhưng mang quốc tịch Ireland và Barry Fitzgerald, người đoạt giải năm 1945.

Cillian Murphy là một trong những ngôi sao lớn của Hollywood. Anh được khán giả yêu thích nhờ nhiều vai diễn có chiều sâu, trong cả phim điện ảnh như bom tấn “Oppenheimer” của Christopher Nolan hay trong series phim truyền hình “Peaky Blinders”. Mặc dù Hollywood ít nhắc đến anh với tư cách là nam chính, nhưng nam diễn viên “thầm lặng” này từ lâu đã được tôn vinh ở Anh và Ireland, đáng chú ý nhất là 9 năm đóng vai Tommy Shelby trong “Peaky Blinders”.

Kể lại câu chuyện “duyên số” với “Oppenheimer”, Murphy cho biết, anh nhận được cuộc gọi của vợ đạo diễn Christopher Nolan vào một buổi chiều. Nguyên nhân bởi, đạo diễn tài ba này không sử dụng email, điện thoại cá nhân hay bất kỳ phương tiện liên lạc hiện đại nào. “Cillian, tôi muốn anh đóng vai chính trong bộ phim mới này”, Nolan nói ngắn gọn. Tuy nhiên, nam diễn viên giành tượng vàng Oscar 2024 cho biết, anh đã thực sự “rùng mình” khi nghe điều đó.

Cuộc sống yên bình của vợ chồng Murphy

Murphy có một cuộc sống khá kín tiếng và bình yên bên vợ. Cặp đôi ít khi xuất hiện trước truyền thông. Cả tài khoản Instagram và Twitter của hai vợ chồng đều được hạn chế người xem và Murphy chọn không chia sẻ cuộc sống cá nhân trên mạng xã hội. Vợ anh, Yvonne McGuinness xuất hiện hiếm hoi tại Lễ trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 81 vào ngày 7/1/2024 để ủng hộ chồng.

Nam diễn viên từng giải thích về cuộc sống thầm lặng của mình rằng, nổi tiếng chưa bao giờ là mục tiêu của anh. “Tôi chỉ muốn tiến bộ. Nếu tôi có thể để lại một bộ phim làm ảnh hưởng đến ai đó thì điều đó là hoàn toàn tốt”. Anh cũng dành nhiều lời khen ngợi cho vợ mình: “Có một người như vậy rất quan trọng. Cuộc sống của tôi chẳng thay đổi chút nào. Tôi vẫn có những người bạn cũ và chúng tôi đến những nơi giống nhau”.

Nam diễn viên “Peaky Blinders” cũng đặt ra những ranh giới chặt chẽ trong cuộc sống cá nhân và đam mê nghệ thuật của anh. “Chuyện cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân thực sự khó khăn. Tôi có một người vợ tuyệt vời và tôi không thể làm điều này nếu không có cô ấy và sự thấu hiểu từ cô ấy”.

Robert Downey Jr.: Từ quá khứ tù tội tới tượng vàng Oscar

Bom tấn “Oppenheimer” cũng góp phần đưa tên tuổi của ngôi sao Robert Downey Jr đoạt tượng vàng Oscar 96 cho danh hiệu Nam diễn viên phụ xuất sắc. Trước đó nam diễn viên đã giành nhiều giải thưởng quan trọng khác nhau cho vai diễn của mình, bao gồm: Giải Quả cầu Vàng; Giải Bafta và Giải Screen Actors Guild (Hiệp hội Diễn viên màn ảnh). Tuy nhiên, để giành tượng vàng Oscar lần thứ 96, anh đã phải vượt qua một đối thủ mạnh mẽ như: Robert De Niro trong “Killers of the Flower Moon”, Ryan Gosling của “Barbie” và Mark Ruffalo từ “Poor Things”.

Bom tấn “Oppenheimer” - bội thu Oscar 2024 -0
“Người sắt” tai tiếng Robert Downey Jr với tượng vàng Oscar 2024.

Robert Downey Jr. hiện là một trong những ngôi sao sáng giá nhất của Hollywood.

Anh từng nhận đề cử Oscar đầu tiên vào năm 1992 với vai diễn xuất sắc vua hề Charlie Chapplin trong bộ phim “Chaplin”. Tuy nhiên, sự nghiệp của Robert trải qua biến cố lớn khi anh đối mặt với vấn đề chất kích thích và hàng loạt rắc rối pháp lý. Điều này đã làm đảo lộn hình ảnh tích cực mà anh đã xây dựng được từ nhỏ. Cảnh sát bắt giữ anh vì lái xe quá tốc độ, tàng trữ chất ma túy và súng, mở đầu cho một chuỗi bê bối và lạc hướng trong suốt nửa thập kỷ.

Sau này, chia sẻ với truyền thông, nam diễn viên kể lại anh được dạy hút cần sa từ khi 8 tuổi. Anh trải qua nỗi đau khi chứng kiến ba mẹ ly hôn khi mới 13 tuổi. Tất cả những biến cố này khiến anh trở thành một thanh niên ương ngạnh và xốc nổi, thậm chí, mang theo một con dao mỗi khi đi xe qua Los Angeles khi mới 16 tuổi.

Tuy nhiên, tình yêu đã mang lại cơ hội cho Robert Downey Jr. Được biết đến là người “rũ bùn” cho anh là Susan Levin, nhà sản xuất nổi tiếng. Tình yêu này giúp anh cai nghiện và lấy lại được sự tin tưởng từ phía người hâm mộ và ngành công nghiệp điện ảnh. Họ kết hôn vào năm 2005 và có một gia đình hạnh phúc đến hiện tại.

Những năm sau, Robert Downey Jr. trở lại với sự nghiệp điện ảnh và đặt tên cho chính mình một lịch sử thành công mới với vai “Iron Man” trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Với vai diễn này, anh không chỉ trở thành một trong những ngôi sao hàng đầu của Hollywood mà còn được công nhận là một trong những diễn viên được trả cát-xê cao nhất từ năm 2013 đến năm 2015.

Sau thời gian nghiện ngập, Robert trở lại chính mình với tài năng diễn xuất thiên bẩm. Vai diễn trong “Tropic Thunder” mang lại đề cử Oscar thứ hai và tham gia trong “Oppenheimer” đưa anh lần thứ ba vào “cuộc đua” giành tượng vàng nổi tiếng. Và với bom tấn “Oppenheimer”, “người sắt” đã giành Nam diễn viên phụ xuất sắc tại lễ trao giải Oscar lần thứ 96 một cách xứng đáng.

Trung Hiếu (Tổng hợp) / Văn nghệ Côn An

Quan niệm sai lầm thường gặp về huyết áp cao

Huyết áp cao không nguy hiểm, tình trạng này không thể ngăn ngừa, điều trị kém hiệu quả là những cách hiểu chưa đúng về bệnh.

Huyết áp cao không nguy hiểm

Huyết áp của người trưởng thành bình thường khoảng 120/80 mmHg. Nếu chỉ số trên 140/90 mmHg là huyết áp cao. Tăng huyết áp được xem là “kẻ giết người” thầm lặng, bởi vì đa phần người bệnh thường không có dấu hiệu cảnh báo trước. Một số ít người có thể bị nhức đầu, khó thở hay chảy máu mũi nhưng các dấu hiệu này không đặc hiệu.

Huyết áp không kiểm soát có thể dẫn tới thay đổi của hệ thần kinh như đột quỵ, nhồi máu não, xuất huyết não; hệ tim mạch gồm cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, phù phổi cấp, bóc tách động mạch chủ, suy thận cấp…

Không thể ngăn ngừa được huyết áp cao

Thiếu ngủ, rối loạn hormone tuyến giáp khiến huyết áp tăng cao, gây hại cho tim mạch. Một số thay đổi lối sống, thói quen ăn uống có thể giúp ngăn ngừa tình trạng.

Giữ cân nặng hợp lý: Thừa cân làm tim căng thẳng, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dẫn tới gia tăng tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp. Duy trì cân nặng phù hợp bằng cách kết hợp ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Chế độ ăn uống lành mạnh: Mỗi người cần giảm lượng muối trong bữa ăn, hạn chế đồ chế biến sẵn vì chúng có hàm lượng natri cao. Liều lượng khuyến cáo ít hơn 1.500 miligam (khoảng 2/3 thìa cà phê) natri mỗi ngày. Bổ sung lượng kali phù hợp trong bữa ăn hàng ngày. Kali giúp cân bằng một số tác hại của việc ăn quá nhiều natri.

Hạn chế rượu, không hút thuốc lá: Phụ nữ không nên uống quá một ly rượu và nam giới là hai ly mỗi ngày, không nên hút thuốc lá.

Tránh căng thẳng mạn tính: Các chất hóa học mà cơ thể tạo ra để phản ứng với căng thẳng làm cho tim đập mạnh và nhanh hơn, các mạch máu thắt chặt. Tất cả điều này khiến cho huyết áp tăng cao.

Huyết áp cao có thể điều trị nếu tuân thủ lối sống khoa học, uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ đo huyết áp cho người đến khám bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Điều trị huyết áp cao không hiệu quả

Người bệnh dùng thuốc theo chỉ dẫn và thay đổi lối sống có thể cân bằng huyết áp. Kiểm tra huyết áp thường xuyên giúp người bệnh nâng cao nhận thức, thay đổi chế độ ăn uống để cải thiện sức khỏe. Điều này quan trọng với người có các yếu tố nguy cơ như chỉ số khối cơ thể (BMI) hơn 30, không hoạt động thể chất, hút thuốc lá, uống rượu nhiều. Đo huyết áp đúng cách là sau khi ngồi nghỉ 15-20 phút, ở tư thế ngồi, đo hai lần cách nhau 2-3 phút và lấy chỉ số trung bình.

Bên cạnh dinh dưỡng đúng, chỉ số huyết áp có thể giảm xuống khi người bệnh ngủ đủ giấc. Nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm, chìm vào giấc ngủ trong vòng 30 phút, không thức dậy nhiều lần và nhanh chóng ngủ lại nếu tỉnh vào đêm.

Uống ít nước khiến thể tích máu giảm, nhịp tim nhanh dẫn tới tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ gây ra nhiều bệnh tim mạch. Lượng nước phù hợp cho người có tim và thận khỏe mạnh là 2-3 lít nước mỗi ngày. Người bệnh cao huyết áp cần uống nước dựa trên khuyến cáo của bác sĩ.

Lê Nguyễn (Theo WebMD) / Vietnam Express

Độc đáo chén, đĩa làm bằng mo cau, xuất khẩu khắp 5 châu

Từ những chiếc mo cau tưởng chừng như phế phẩm bỏ đi, một người đàn ông ở xứ Quảng đã “hô biến” thành chén, đĩa và xuất khẩu khắp 5 châu.

Độc đáo chén, đĩa làm bằng mo cau, xuất khẩu khắp 5 châu- Ảnh 1.

Người đã dày công mang lại “thân phận” mới cho mo cau ấy chính là anh Nguyễn Văn Tuyến (39 tuổi, quê gốc Quảng Nam) – chủ xưởng thu mua, sản xuất mo cau có tiếng ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải, anh Tuyến không chọn đi theo nghề nghiệp đã được học tập, trau dồi suốt 4 năm ở giảng đường mà quyết định cùng nhóm bạn rẽ hướng sang nghề thu mua, chế biến và xuất khẩu những phế phẩm nông nghiệp. Cụ thể, công ty của cả nhóm thu gom cùi bắp, bã mía, lá xoài khô… và biến tất cả thành hàng xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài để làm giá thể trong sản xuất nông nghiệp. Sau một thời gian, anh tách nhóm ra làm riêng.

Độc đáo chén, đĩa làm bằng mo cau, xuất khẩu khắp 5 châu- Ảnh 3.
Năm 2019, tình cờ có dịp đặt chân đến Quảng Ngãi, anh choáng ngợp trước số lượng cau ở vùng đất này. Thời điểm ấy, người dân chủ yếu trồng cau lấy quả để xuất sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ. “Mo cau rơi rụng nằm la liệt chẳng khác nào phế phẩm bỏ đi. Đúng lúc này, qua tìm hiểu trên mạng, tôi tiếp cận thông tin về các sản phẩm làm từ mo cau ở Ấn Độ. Ngay lập tức, trong đầu tôi liên tưởng sẽ biến mo cau ở đây thành những đồ dùng hữu ích” – anh Tuyến nhớ lại.
Độc đáo chén, đĩa làm bằng mo cau, xuất khẩu khắp 5 châu- Ảnh 4.
Sau nhiều tháng ròng rã cất công đi khảo sát các vùng trồng cau trên địa bàn Quảng Ngãi, cuối năm 2019, anh Tuyến quyết định nhập máy móc từ Ấn Độ về lắp ráp, mở xưởng thu mua mo cau để làm chén, đĩa, khay đựng thức ăn ở huyện Nghĩa Hành – “thủ phủ” trồng cau lớn nhất Quảng Ngãi.
Độc đáo chén, đĩa làm bằng mo cau, xuất khẩu khắp 5 châu- Ảnh 5.
Theo anh Tuyến, mo cau sau khi được thu mua và tập kết về xưởng (giá 1.000 đồng/chiếc), sẽ được chà rửa sạch sẽ, ngâm nước cho mềm, để ráo và đưa vào khuôn ép nhiệt để tạo hình. Sản phẩm được ép ra sẽ có hình dáng đa dạng, có thể in được hình ảnh lên sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.
Độc đáo chén, đĩa làm bằng mo cau, xuất khẩu khắp 5 châu- Ảnh 6.
“Chén, đĩa, khay có nguồn gốc từ mo cau sẽ được khử khuẩn, đóng gói trong bao nilon ép nhiệt. Vì không bị thấm nước nên chúng có thể đựng thức ăn, trái cây, mắm, muối,… Giá sản phẩm cũng rất rẻ, chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng/cái và có thể tái sử dụng” – anh Tuyến chia sẻ.
Độc đáo chén, đĩa làm bằng mo cau, xuất khẩu khắp 5 châu- Ảnh 7.
Sau 2 năm đầu chinh phục thị trường trong nước, đến năm 2021, anh Tuyến tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất để xuất khẩu. Hiện tại, trung bình một tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 sản phẩm chén, đĩa, khay bằng mo cau, tạo công ăn việc làm liên tục cho 15 lao động, với thu nhập từ 200.000 đến 250.000 đồng/ngày.
Độc đáo chén, đĩa làm bằng mo cau, xuất khẩu khắp 5 châu- Ảnh 8.
Thời gian qua, chén, đĩa, khay bằng mo cau của xưởng anh Tuyến đã có mặt ở thị trường các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Hà Lan…
Độc đáo chén, đĩa làm bằng mo cau, xuất khẩu khắp 5 châu- Ảnh 9.
Từ tháng 3 đến tháng 10 là khoảng thời gian mo cau rụng. Ước tính, 1 ha cau sẽ có khoảng 12.500 chiếc mo/năm. Nếu anh Tuyến thu mua mo cau với giá 1.000 đồng/chiếc, người dân sẽ “bỏ túi” 12,5 triệu đồng/ha. Điều này giúp bà con có thêm nguồn thu nhập kha khá ngoài việc bán quả cau.

Theo Thanh Ba / Quảng Trà/ VTC / VTCCa fe

Ông Blinken: Mỹ sẽ giúp Ukraine tạo ra khác biệt trước Nga

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 14-5 cho biết gói viện trợ vũ khí mới của Mỹ sẽ có tác động trên chiến trường Ukraine.

Trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhân chuyến thăm bất ngờ tới Kiev, ông Blinken cho hay: “Gói viện trợ đang được triển khai, một số đã được chuyển đến và sẽ còn nhiều hơn nữa. Điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự trong cuộc xung đột với Nga”.

Ông Blinken: Mỹ sẽ giúp Ukraine tạo ra khác biệt trước Nga- Ảnh 1.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 14-5. Ảnh: Reuters

Đáp lại, ông Zelensky khen ngợi gói viện trợ quan trọng của Mỹ và gửi lời cảm ơn vì sự hỗ trợ của lưỡng đảng ở Washington. 

Theo hãng tin Reuters, tổng thống Ukraine cho rằng thiếu hụt lớn nhất của Ukraine hiện nay là khí tài phòng không, đồng thời nói với ông Blinken rằng Kiev cần hai khẩu đội phòng không Patriot cho khu vực Kharkiv, nơi đang hứng chịu các cuộc không kích dữ dội của Nga.

Tổng thống Ukraine cho biết ông cũng muốn thảo luận về các đảm bảo an ninh với Mỹ bên cạnh việc đề nghị ông Blinken kêu gọi sự ủng hộ từ nhiều quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình cấp cao sắp tới, dự kiến diễn ra ở Thụy Sĩ vào tháng 6.

Ukraine hy vọng những cam kết mới về vũ khí của phương Tây sẽ giúp nước này giành lại thế chủ động trên chiến trường và giành lại 1/5 lãnh thổ bị Nga kiểm soát. Ông Blinken nhấn mạnh Mỹ tin rằng Ukraine sẽ tự đứng vững về mặt quân sự, kinh tế, dân chủ trong thời gian tới.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ đến Ukraine kể từ khi quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỉ USD vào tháng trước. Đây là chuyến thăm thứ 4 đến Ukraine của ông Blinken kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2-2022. Lần gần nhất ông đến Ukraine là vào tháng 9 năm ngoái.

Hôm 13-5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ chuyển giao vũ khí cho Ukraine và đảo ngược tình thế bất lợi hiện nay. Ông Sullivan cũng nói thêm pháo binh, máy bay đánh chặn phòng không và tên lửa đạn đạo tầm xa đã được chuyển giao, một số trong số đó đã đến tiền tuyến.

Theo Xuân Mai / Người Lao Động

Vài nhận định về vấn đề định vị của ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ

Rất nhiều sự kiện trọng đại xảy ra ở Trung Quốc khiến người dân Trung Quốc và giới quan sát sửng sốt đều mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Tập, xảy ra nhanh, khó lường, không lộ trình, không giải trình và bất chấp hậu quả.

Từ khi ông Tập trở thành Tổng Bí Thư ĐCSTQ năm 2012, Trung Quốc liên tiếp gây hấn với thế giới, từ Mỹ, châu Âu tới các quốc gia láng giềng…

Ngô Tuyết Lan (*)


Trải qua hai nhiệm kỳ và hiện đang ở nhiệm kỳ thứ 3, trong hơn 10 năm là Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình ngày càng khiến cộng đồng quốc tế, người dân Trung Quốc và giới quan sát lo ngại trước các chính sách đối nội và đối ngoại của ông. Bài viết này chia sẻ một góc tiếp cận chính sách của ông Tập từ lăng kính định vị của Tập Cận Bình trong dòng chảy của thời đại và trong quan hệ đối ngoại đối nội.

1. Định vị Trung Quốc trong dòng chảy thời đại

Thời gian gần đây, giới quan sát Trung Quốc trong và ngoài nước nhận định, ông Tập Cận Bình có xu hướng quay đầu xe đưa Trung Quốc quay trở về thời đại Mao Trạch Đông và từng bước đóng cửa đất nước với thế giới.

Nhìn về quá khứ, vào thời kỳ tiền hiện đại khi giao thông chưa phát triển, các quốc gia trên thế giới tồn tại tương đối biệt lập với nhau, thi thoảng có giao lưu kết nối như qua Con Đường Tơ Lụa. Nhưng sau khi giao thông phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh kéo theo sự phát triển của ngành đường sắt, đặc biệt ngành hàng hải với các phát kiến địa lý của các nhà thám hiểm như Vasco da Gama, Christopher Columbus, Fedinand Magellan v.v… đã khởi nguồn cho các cuộc chiến tranh khai thác thuộc địa.

Nhiều quốc gia nghèo lạc hậu ở châu Á, trong đó có Việt Nam, bị các quốc gia phương Tây giàu mạnh xâm lược và trở thành thuộc địa. Trung Quốc, do diện tích quá lớn, không thuộc địa hóa hoàn toàn mà bị nhiều quốc gia phương Tây đến xâm chiếm, chia cắt đất nước.

Ban đầu thương nhân Anh muốn giao thương với Trung Quốc, nhưng triều đình Mãn Thanh cự tuyệt và đóng cửa đất nước, nên năm 1840 nổ ra cuộc chiến tranh Nha phiến. Từ đó đến năm 1949, Trung Quốc luôn trong tình trạng bị ngoại bang xâm chiếm lãnh thổ và chiến tranh liên miên. Sau này, Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đàm phán thành công xoá bỏ các Điều ước bất bình đẳng mà triều Mãn Thanh ký kết với các quốc gia phương Tây cũng là nhờ phong trào phi thực dân hóa trên thế giới.

Cuộc kháng chiến chống Nhật (1931-1945), hai đội quân hùng hậu của Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông giao chiến với quân Nhật 14 năm không thể đánh đuổi quân Nhật ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Chỉ đến năm 1945, Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Liên Xô đưa quân vào đánh quân Nhật mới rút khỏi Trung Quốc. Sau khi quân Nhật rút, Trung Quốc rơi vào nội chiến giữa quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và quân đội Đảng Cộng Sản của Mao Trạch Đông. Thời điểm đó, quân đội của Tưởng mạnh và tinh nhuệ hơn quân của Mao nhiều lần, vũ khí hiện đại hơn. Nhưng cuối cùng năm 1949 Mao và ĐCSTQ đã chiến thắng thành lập nên nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa ở Đại Lục. Tưởng cùng quân đội, nội các và những người trung thành phải chạy sang Đài Loan. Mao và ĐCSTQ chiến thắng Tưởng vì nhận được cảm tình của người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.

Công cuộc cải cách mở cửa năm 1978 giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển thần kỳ cũng bởi Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa với thế giới, hợp tác kinh tế với các quốc gia, đặc biệt sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.

Điểm qua các sự kiện lịch sử nổi bật ở Trung Quốc từ cuối thế kỷ 19 đến nay có thể thấy, tất cả những gì xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc đều gắn chặt với các trào lưu xu thế của thế giới, không thể tách rời dòng chảy chung của thời đại. Vì vậy, hiện nay trong khi cả thế giới đang phát triển như vũ bão hướng về tương lai, ông Tập muốn quay đầu xe đưa Trung Quốc quay trở về thời Mao Trạch Đông và đóng cửa đất nước là điều bất khả thi.

2. Định vị vị thế của Trung Quốc trên thế giới

Từ khi ông Tập trở thành Tổng Bí Thư (TBT) ĐCSTQ năm 2012, Trung Quốc liên tiếp gây hấn với thế giới, từ Mỹ, châu Âu tới các quốc gia láng giềng, hành xử ngỗ ngược ở biển Đông, phản bội cam kết trong vấn đề Hong Kong, cứng rắn trong vấn đề Đài Loan v.v… Trung Quốc nay dọa trừng phạt nước này, mai cấm nước kia, hung hăng với chính sách ngoại giao chiến lang.

Đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng cho đến nay ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ vẫn từ chối hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong việc truy tìm nguồn gốc của Corona virus.

Trung Quốc đúng là quốc gia lớn mạnh, nhưng vẫn còn nhỏ bé so với phần còn lại của thế giới. Thế giới cần Trung Quốc và thị trường khổng lồ đầy tiềm năng hơn tỷ dân. Ngược lại, Trung Quốc cũng cần thế giới, cần đơn hàng từ Mỹ và châu Âu, cần công nghệ của phương Tây.

3. Định vị vai trò của ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ với người dân TQ

Ông Tập Cận Bình quản trị quốc gia theo mô hình gia trưởng. Cả đất nước Trung Quốc là một gia tộc lớn, ông Tập là trưởng tộc với quyền lực tuyệt đối trong tay. Ông Tập “đập bàn” là một tập đoàn tư nhân điêu đứng, như trường hợp Jack Ma và tập đoàn Alibaba. Gần như sau một đêm cả hệ thống giáo dục tư nhân dạy thêm sụp đổ khiến nhiều người mất việc làm.

Rất nhiều sự kiện trọng đại xảy ra ở Trung Quốc khiến người dân Trung Quốc và giới quan sát sửng sốt đều mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Tập, xảy ra nhanh, khó lường, không lộ trình, không giải trình và bất chấp hậu quả.

Chính sách “Zero Covid” đóng cửa cả đất nước trong 3 năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và nền kinh tế đất nước. Không ai có thể lý giải vì sao ông Tập làm như vậy trong khi cả thế giới đã mở cửa hoạt động trở lại bình thường. Khi đó tác giả bài viết này từng nhận định, sau Đại Hội 20 của ĐCSTQ, ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3, vị trí được củng cố vững chắc, ông Tập sẽ chấm dứt chính sách Zero Covid, mở cửa đất nước. Không ngoài dự đoán, sau Đại Hội 20, Trung Quốc chấm dứt phong tỏa đất nước và Coronavirus cũng biết mất.

Bộ máy nhà nước không tạo ra của cải, chính xã hội và từng người dân là chủ thể tạo ra nguồn lực kinh tế của đất nước. Chính quyền chỉ đại diện cho người dân điều tiết các nguồn lực quốc gia, xây dựng ngôi nhà chung an toàn, giàu đẹp để người dân có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Vì vậy, quan hệ giữa chính quyền và người dân cũng là quan hệ hợp tác, nếu chính quyền không làm tốt nhiệm vụ của mình, người dân sẽ không hợp tác.

Hiện nay chúng ta đang thảo luận về khủng hoảng kinh tế Trung Quốc ở tầng quản trị quốc gia. Tiền và tài sản trong dân vẫn còn đó, rất nhiều, những bộ óc tuyệt vời còn đó, rất nhiều. Có lẽ hiện nay họ không hợp tác. Trung Quốc có câu: “上有政策,下有对策” (trên có chính sách, dưới có đối sách). Ngay sau khi ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo Trung Quốc năm 2012, đã có làn sóng giới siêu giàu tháo chạy khỏi Trung Quốc, ví dụ như ông Li Jiacheng (李嘉诚), vợ chồng ông Pan Shiyi (潘石屹) v.v…, sau này là tầng lớp trung lưu.

Hiện nay ở trong nước, người lao động thu nhập thấp, nhóm yếu thế trong xã hội thể hiện sự tuyệt vọng của họ qua phong trào “nằm ngửa” (平躺). Nhiều nhà máy, công ty, cửa hàng, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Vũ Hán v.v… đóng cửa hàng loạt. Họ kinh doanh thua lỗ do giảm đơn hàng từ Mỹ, châu Âu, sức mua của người dân giảm, chính sách của chính phủ thay đổi liên tục, nhiều loại thuế phí v.v…

Người làm của cải biết phải làm sao bảo vệ tải sản của mình bằng nhiều cách khác nhau.

(*) Tác giả là nhà quan sát Trung Quốc đương đại, nhà nghiên cứu văn hoá và lịch sử cận hiện đại Trung Quốc, từng tu nghiệp tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Theo VOA

Trung Quốc sẽ tăng mạng lưới tàu cao tốc lên 84.000km nối liền mọi thành phố, để robot AI hàn, sơn, kiểm tra thi công, hoạt động nhanh gấp 10 lần bình thường, làm 24h/ngày không mệt

Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì!

Mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc rộng lớn nhất thế giới đang ngày càng được mở rộng. Từ cuối năm 2023, giới chức đã lên kế hoạch bổ sung một số tuyến tàu mới, bao gồm tuyến đường dài 277 km nối liền Phúc Châu và Hạ Môn, tuyến đường dài 203 km nối liền Quảng Châu với Sán Đầu và tuyến đường dài 278 km nối liền Thượng Hải và Nam Kinh.

Sau khi đi vào hoạt động, tổng chiều dài 3 tuyến đường mới tương đương 50% tổng chiều dài toàn bộ mạng lưới đường sắt cao tốc của Đức. Các chuyến tàu có khả năng vận hành với tốc độ tối đa 350 km/h.

Đáng nói ở chỗ, hầu hết các tuyến đường sắt mới này sẽ được xây dựng bằng robot thiết kế đặc biệt chuyên phục vụ các dự án trên cao. Phương pháp thi công tự động đã được thử nghiệm và phê duyệt.

“Các dự án tương lai sẽ học tập từ kinh nghiệm này”, Wang Peixiong, kỹ sư trưởng của Tập đoàn Cục Điện khí hóa Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, cho biết.

Công cuộc triển khai quy mô lớn robot xây đường dây điện khí hóa trên cao được coi là cột mốc mới quan trọng của ngành. Nó cho thấy máy móc giờ đây có thể đảm nhận hầu hết các công việc đòi hỏi tính kỹ thuật cao, trong đó có xây đường tàu cao tốc phức tạp.

Trước đây, hoạt động triển khai xây dựng các dự án đường sắt luôn gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt, các công nhân vẫn phải cố gắng hoàn thành tuyến đường đúng hạn. Cơ sở hạ tầng tốn kém, đòi hỏi một lượng đáng kể lao động thể chất cũng như các kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Người công nhân phải làm việc trên cao, trong điều kiện cực kỳ căng thẳng.

Trung Quốc sẽ tăng mạng lưới tàu cao tốc lên 84.000km nối liền mọi thành phố, để robot AI hàn, sơn, kiểm tra thi công, hoạt động nhanh gấp 10 lần bình thường, làm 24h/ngày không mệt- Ảnh 1.
Trung Quốc sẽ tăng mạng lưới tàu cao tốc lên 84.000km nối liền mọi thành phố

Ngày nay, Trung Quốc có sự hỗ trợ đáng kể từ robot và các công nghệ tiên tiến khác. Chẳng hạn vào năm 2018, nước này giới thiệu cỗ máy có thể làm đường ray tốc độ cao lên tới 1,5 km/ngày. Đến năm 2021, độ chính xác và khả năng làm việc 24/7 đã đẩy con số trên lên 2 km đường ray/ngày.

Hàn, sơn, kiểm tra tiến độ thi công giờ đây cũng có thể được thực hiện bởi robot. Chúng còn có thể đào, đổ bê tông và thực hiện một số nhiệm vụ phức tạp.

Theo Wang, do tính chất nguy hiểm và đặc thù công việc, việc lắp ráp hệ thống tiếp xúc trên cao (OCS) đòi hỏi một lượng lớn lao động. Nhóm kỹ sư đo đó phải ứng dụng công nghệ xây dựng tự động, sử dụng nền tảng quản lý dữ liệu kỹ thuật số và hệ thống thông minh để lưu trữ, lắp ráp và vận chuyển các bộ phận.

Tuy nhiên, theo các kỹ sư, ngay cả robot cũng đôi lúc gặp khó trong quá trình xây dựng OCS. Giải pháp cho những điều này là trí tuệ nhân tạo.

Các nhà khoa học cho phép robot tại công trường sử dụng các thuật toán trích xuất đặc điểm mục tiêu và nhận dạng hình ảnh để xác định kế hoạch đường đi tối ưu. Robot, dưới sự giúp đỡ của AI, thì có thể hoạt động trong nhiều thời tiết bất lợi.

Tại nhà kho, các thiết bị hỗ trợ AI như xe nâng thông minh có thể lấy và vận chuyển vật liệu, theo Gao Qi, một kỹ sư khác trong nhóm của Wang. Gao cho biết máy móc tự động được lập trình để tự bảo trì và có thể hoạt động 24 tiếng/ ngày, thực hiện nhiều nhiệm vụ nhập-xuất nguyên vật liệu với độ chính xác cao. Quá trình xử lý theo đó nhanh hơn tới 10 lần so với thông thường.

Theo các kỹ sư Trung Quốc, việc đưa công nghệ robot vào các dự án đường sắt cao tốc sẽ làm thay đổi cách thức xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản tại đại lục. Robot có thể làm việc suốt ngày đêm không cần nghỉ, vậy nên, đặc biệt quan trọng với những khu vực thiếu lao động lành nghề; chi phí nhân công cao.

Trung Quốc sẽ tăng mạng lưới tàu cao tốc lên 84.000km nối liền mọi thành phố, để robot AI hàn, sơn, kiểm tra thi công, hoạt động nhanh gấp 10 lần bình thường, làm 24h/ngày không mệt- Ảnh 2.
Trung Quốc là quốc gia có hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.

Chính phủ Trung Quốc hiện đang kế hoạch kết nối mọi thành phố lớn và trung bình bằng hệ thống đường sắt cao tốc vào năm 2035. Để làm được điều đó, nước này cần tăng gần gấp đôi chiều dài mạng lưới 42.000 km hiện có lên 84.000 km, song song với việc xây dựng cầu, đường hầm và nhà ga. Robot AI sẽ đóng vai trò không thể thiếu trong kế hoạch này.

Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất sử dụng robot và ứng dụng công nghệ tự động hóa để xây dựng đường sắt cao tốc, song chủ trương áp dụng rộng rãi và nhanh chóng chắc chắn sẽ là bước tiến đáng kể trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông. Nước này cũng đang hỗ trợ các quốc gia khác xây dựng nhiều dự án đường sắt cao tốc.

Được biết, Trung Quốc là quốc gia có hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. Trong số 10 tàu nhanh nhất thế giới, có tới 4 tàu đến từ đại lục. Hệ thống luôn được chính phủ hậu thuẫn hàng tỷ USD, trong đó có cả các công ty đối tác nước ngoài.

Theo WSJ, tuyến đường sắt cao tốc bận rộn nhất Trung Quốc (Bắc Kinh – Thượng Hải) hiện có tàu chạy với vận tốc 349 km/h. Để so sánh, con tàu chạy nhanh nhất Acela Express của công ty vận tải đường sắt Amtrak, Mỹ có vận tốc chỉ 241 km/h.

Trung Quốc đầu tư thành công mạng lưới tàu cao tốc kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008. Mặc dù không thay thế được hoàn toàn xe hơi lẫn máy bay nhưng chắc chắn tàu cao tốc thải ít khí thải nhà kính cũng như thuận tiện hơn so với các chuyến bay ngắn. Thay vì tốn hàng giờ tại các sân bay xa trung tâm, người dân có thể đến trực tiếp các sân ga tàu cao tốc ngay nội đô.

Theo: SCMP, WSJ / Vũ Anhy / Shoha VN

Vài nét về “khoảng cách” giữa Trung Quốc và Mỹ

Sức mạnh vươn lên của Trung Quốc dù đáng ngưỡng mộ nhưng thiếu tính bền vững so với Hoa Kỳ.

Người Trung Quốc vượt biên vào Mỹ. (Nguồn: Chụp màn hình MXH)
Đánh giá một xã hội thường phải dựa vào vấn đề đãi ngộ lao động và khoảng cách giàu nghèo, vấn đề hỗ trợ cho các nhóm dễ bị tổn thương. Dấu hiệu trực tiếp và trực quan nhất: ① Giá lao động (thước đo mức nhân quyền); ② Ý thức của người dân sẵn sàng sống trong chính quyền đó. Ở các nước độc tài không có bầu cử đích thực, khiến nhiều người phải “bỏ phiếu bằng chân”. Ví dụ, làn sóng chạy trốn sang Hồng Kông của Trung Quốc Đại Lục từ những năm 1960 – 1980 (ít nhất 1,6 triệu cư dân đại lục đã đến Hồng Kông), và làn sóng di cư ngày nay.

Có câu: “Nơi người ta mong muốn đến, nếu không là thiên đường cũng phải là thực đường (nhà ăn); nơi người ta bỏ chạy, nếu không phải địa ngục cũng là giám ngục (nhà tù)”.

Theo thống kê của Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc vào năm 2022, trên toàn thế giới có 116.868 người Trung Quốc xin tị nạn, tăng 7,61 lần so với mức vào cuối năm 2012 là 15.362 người. Theo thống kê của Cơ quan Biên giới Mỹ, trong năm tài chính 2023 có hơn 24.000 người Trung Quốc đã bị bắt khi vượt biên trái phép qua biên giới Mỹ-Mexico; tính đến ngày 2/5 năm tài chính 2024, hơn 24.200 người Trung Quốc đã bị bắt khi vượt biên trái phép. Kể từ năm tài chính 2021, số người Trung Quốc “tháo chạy” vượt biên trái phép đã tăng 6.300%.

Người giàu Trung Quốc ồ ạt di cư sang Nhật Bản
Giá nhân công, giá lương thực
Năm 2015, ông chủ Cao Dewang của công ty Fuyao Trung Quốc sang Mỹ xây dựng nhà máy, sau khi trở về nước ông nói với các phóng viên:

Ở Mỹ mọi thứ đều rẻ, thứ đắt duy nhất là con người (giá thuê lao động đắt gấp 8 lần ở Trung Quốc). So sánh giá cả ở Trung Quốc và Mỹ, nhiều chi phí thiết yếu ở Mỹ thấp hơn nhiều ở Trung Quốc: Giá xăng ở Mỹ chỉ bằng 20% ở Trung Quốc, giá điện bằng 50% và chi phí vận chuyển cũng bằng 50%. Ở Mỹ người lao động phải trả 35% thuế thu nhập, cộng thêm 5% thuế địa phương, phí bảo hiểm, tổng thuế là 40% thu nhập. So sánh, việc thành lập một nhà máy ở Mỹ sẽ có lợi hơn ở Trung Quốc.

Giá thực phẩm ở Mỹ gần bằng ở Trung Quốc nhưng mức lương ròng cao gấp 7 lần ở Trung Quốc, vậy người dân nước nào được hưởng lợi hơn? Vì sao không có người Mỹ nhập cảnh lậu vào Trung Quốc, trong khi ngược lại không ít người Trung Quốc bất chấp để “nhập lậu” vào Mỹ?

Tác giả bài này, một người đàn ông 66 tuổi đến từ tỉnh Chiết Giang, đã phải trả một khoản “phí đầu rắn” 100.000 RMB vào tháng 9/2023 để đi vòng qua Nam Mỹ, phải mất một tháng để đi bộ qua vùng Darien ở Trung Mỹ để vào nước Mỹ, sau đó đã gửi một tin nhắn WeChat: Cuối cùng cũng được thở không khí tự do!

Nhân văn – khoảng cách lớn nhất giữa Trung Quốc và Mỹ
Khoảng cách đáng kể nhất giữa Trung Quốc và Mỹ là giá trị nhân văn. Vấn đề người vượt biên thu hút chú ý cao ở Mỹ trong thập kỷ qua là bắt nguồn từ việc Mỹ mở các kênh tị nạn theo nguyên tắc nhân đạo nhân từ cho các nạn nhân từ khắp nơi trên thế giới. Bất chấp số lượng lớn người tị nạn kinh tế gây vấn đề phức tạp (là vấn đề đau đầu đối với các chính phủ liên tiếp của Mỹ), nước Mỹ vẫn không thể đóng cửa các kênh tị nạn. Lý do khiến bức tường biên giới của ông Trump bị Đảng Dân chủ phản đối mạnh là vì đi ngược lại lý tưởng sáng lập nước Mỹ và giá trị phổ quát về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Người khai mở phong trào độc lập Thomas Paine (1737-1809): “Hãy đón nhận người chạy trốn này, chuẩn bị nơi ẩn náu kịp thời cho con người!”

Điều 13 trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 10/12/1948: “Mọi người đều có quyền rời khỏi bất kỳ quốc gia nào, kể cả đất nước của mình, và có quyền trở về đất nước của mình”. Điều 14: “Mọi người đều có quyền chạy trốn khỏi bức hại và tìm kiếm bảo vệ từ đất nước khác”.  Điều 19: “Mọi người đều có quyền tự do quan điểm và biểu đạt, quyền này bao gồm quyền tự do giữ quan điểm mà không bị can thiệp, và quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt tin tức và ý kiến thông qua bất kỳ phương tiện nào và không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia”.

Khoảng cách giáo dục
Tài năng đến từ giáo dục. Sở dĩ người Do Thái có tỷ lệ thành công cao như vậy là vì họ rất coi trọng giáo dục. Các gia đình Do Thái cho mật ong lên sách để trẻ dùng ngón tay bôi liếm, qua đó cảm nhận được “lợi ích” của sách ngay từ khi còn nhỏ…

Lý do khiến giới trẻ Mỹ năng động và tràn đầy ước mơ tất nhiên bắt nguồn từ tư tưởng tự do. Tính độc lập và tự do được khuyến khích ngay từ bậc tiểu học, thật sự kích thích tinh thần khám phá. Tới bậc học nghiên cứu sinh càng không có đáp án chuẩn mẫu, người dạy chỉ mang vai trò hướng dẫn, người học phải tự đọc và suy nghĩ độc lập, chuẩn bị bài phát biểu và tham gia thảo luận trên lớp.

Năm 1981, nữ sinh viên Zha Jianying (1959~) khoa tiếng Trung của Đại học Bắc Kinh sang Mỹ học thạc sĩ: “Trong lớp, giáo viên không đưa ra những câu trả lời chuẩn và kết luận được cho là đúng, họ chỉ khuyến khích học sinh tham gia tranh luận, không quan trọng thắng hay thua trong tranh luận, mà quan trọng là quá trình và niềm vui của hoạt động đó. Sự tương tác bình đẳng và cởi mở như vậy trong lớp học đã tác động sâu sắc đối với tôi”.

Vấn đề không phải một quan điểm đúng hay sai, mà là quan điểm đó được đưa ra như thế nào và có bằng chứng làm rõ quan điểm hay không… Nền giáo dục Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi và tập trung vào việc nuôi dưỡng tư duy phê phán của trẻ, chứ không hướng đến những đáp án tiêu chuẩn cố hữu.

Không có câu trả lời tiêu chuẩn, thay vào là hướng đến tương tác thảo luận, khích lệ phát biểu, hoạt động học tập hướng đến kích thích “động não không ngừng” của người học, phát triển khả năng độc lập và khám phá của người học trước các vấn đề phức tạp, điều đó giúp tạo nhân cách cởi mở tôn trọng khác biệt, bồi dưỡng cho người học tinh thần tự ý thức và tương tác, hứng thú khám phá. Tính độc lập và tự chủ nhận thức là nguồn sữa cơ bản của sáng tạo. Bản thân nền giáo dục Mỹ ở mọi cấp độ là cơ sở đào luyện về tự do và thực hành dân chủ.

Ngược lại, Trung Quốc có câu trả lời chuẩn mực cho mọi thứ từ tiểu học đến đại học, đó là nền giáo dục kiểu nô lệ, đến cả bậc học nghiên cứu cũng phải hướng theo quỹ đạo “chuẩn mực”, điều đó về căn cơ đã phá hoại tinh thần độc lập, gây áp lực khiến mọi ý thức sáng kiến khó phát huy.

Cảm nhận của sinh viên du học Nhật Bản
Du học sinh Nhật Bản Kato Yoshiichi tại Trung Quốc vào Đại học Bắc Kinh năm 19 tuổi, đã kể lại trải nghiệm học Đại học Bắc Kinh (2003 – 2010) của mình rằng: Phong cách giảng dạy ở Đại học Bắc Kinh không có gì thay đổi cho đến khi tôi rời Trung Quốc, bao gồm các môn tự chọn cho toàn trường và các môn học chính bắt buộc. Người học về cơ bản không có cơ hội hoặc hứng thú bày tỏ quan điểm cá nhân, hoạt động giảng dạy diễn ra một chiều truyền đạt từ người dạy.

Kato Yoshiichi than thở về sự chênh lệch giữa Trung Quốc và Nhật Bản về giáo dục cũng như trong đời sống thực tế: Chúng tôi từ khi còn nhỏ đã được học rằng nên cảnh giác và hoài nghi những tuyên bố của chính quyền, qua đó để đánh giá xem vấn đề có đáng tin cậy không, nếu không có thể lịch sử trước chiến tranh sẽ lặp lại. Nhật Bản đã học được cái giá của sự dối trá và giá trị của sự thật thông qua thất bại bi thảm của mình.

Chính phủ luôn có khuyết điểm, và họ chắc chắn muốn che giấu một số sự thật nhất định để chứng minh rằng họ luôn phục vụ nhân dân. Ai có thể thực sự tin được vào một chính phủ mà không cho phép những tiếng nói bất đồng tồn tại?… Điều tôi muốn hỏi: Đến bao giờ người dân Trung Quốc mới có văn hóa kiểm soát Chính phủ?

Kết luận
Tư tưởng là sức mạnh mềm quý giá nhất, dù nói thì dễ hơn làm, nhưng các chính sách thể chế xét cho cùng là sản phẩm của khả năng nhận thức của một dân tộc/cộng đồng. Hiện đại hóa chính trị của Trung Quốc thậm chí còn chưa đạt đến bậc đầu tiên, quyền tự do ngôn luận còn dừng ở [khẩu hiệu khích lệ thường thấy trong các cuộc họp] “các đồng chí phải nỗ lực”, dân tộc Trung Quốc dễ thương vẫn là một dân tộc đáng thương!
Bùi Nghị Nhiên
(Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả, được đăng trên Vision Times.)

Trí thức VN