Thăm lăng mộ người làm cha ba vua nhà Nguyễn

Lăng mộ Hoàng tử Kiên Thái Vương (Nguyễn Phúc Hồng Cai) – cha đẻ của b vị vua nhà Nguyễn là Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi có gì đặc biệt?

Lăng mộ của Kiên Thái Vương (1845 – 1876) tọa lạc trên một ngọn đồi kế bên lăng mộ vua Đồng Khánh ở phía Nam kinh thành Huế. Cổng chính dẫn vào lăng mộ gồm những pano pháp lam và với tấm bia đặt ở giữa, được gọi là bia Tam vương (ba vua).

Toàn bộ khuôn viên lăng có một lớp tường thành cao chừng 1m80 bao quanh. Ở mặt trước của thành, chính giữa là một khoảng trống, hai bên là hai cổng dẫn vào trong.

Sau lớp thành ngoài là thành giữa với cánh cổng gạch vòm cung truyền thống của thời Nguyễn. Trước thành có lan can thấp với hai cổng vào tương ứng với hai cổng ở vòng thành ngoài.

Sau cổng vòm là bình phong và vòng thành cuối cùng bao quanh mộ Hoàng tử Kiên Thái Vương.

Mộ phần có thiết kế đơn giản với hai khối chữ nhật chồng lên nhau, giống như mộ nhiều hoàng thân khác của nhà Nguyễn.

Một điểm độc đáo của lăng Kiên Thái Vương là phía trước khu lăng mộ có 2 bi đình (nhà bia) nằm đối xứng ở hai bên trái và phải. Các lăng mộ khác của vua chúa và hoàng thân nhà Nguyễn chỉ có 1 nhà bia.

Mỗi nhà bia có 4 đôi rồng đá tạc trên thành các bậc cấp quay về 4 hướng. Tường được khảm sứ rất kỳ công.

Bia đá bên trong nhà bia.

Nhìn chung, bố cục của lăng Kiên Thái Vương rất cân xứng, đăng đối với trục chính hướng Nam theo thuật Phong thủy rất được coi trọng lúc bấy giờ.

Nghệ thuật khảm sứ ở khu lăng mộ cũng được đánh giá rất cao. Các nhà nghiên cứu Pháp đầu thế kỷ 20 đã nhận xét: “Người ta cũng thấy được ở ngôi lăng này những hình trang trí khảm rất phong phú và rất có hiệu quả. Những người thợ trang trí đã biết rút từ sự phối hợp màu sắc của những mảnh sành sứ ra vẻ đẹp mỹ diệu”.

Theo các tư liệu lịch sử, để xây cất lăng Kiên Thái Vương, triều đình đã trưng tập hàng vạn thợ thuyền khắp mọi nơi, công sức đào, đắp, cải tạo cả một vùng đồi núi là rất lớn và đích thân vua Đồng Khánh đã đến ngự tại công trường nhiều ngày để chăm lo xây dựng và hoàn thiện đồ án.

Dù có những giá trị kiến trúc rất độc đáo, nhưng sau nhiều thập niên bị bỏ hoang, lăng Kiên Thái Vương đã xuống cấp nặng nề và tồn tại như một phế tích.

Theo KIẾN THỨC VN

Nhà văn Grossman: Sau sự thật cay đắng, chỉ còn lại tình yêu

Vasili Semionovich Grossman (1905-1964) là nhà văn Xô Viết được biết đến như một trong những tác giả viết về chiến tranh nhiều và sâu nhất. Tác phẩm của ông hiện nay liên tục được tái bản với số lượng lớn ở Nga.

Nhà văn Vasili Semionovich Grossman (1905-1964)

Nghiệp văn – hạnh phúc và đau khổ

Tác phẩm đầu tiên đưa Grossman đến với nghiệp văn là truyện ngắn viết năm 1934, khi Grossman đang làm việc tại một nhà máy sản xuất bút chì. Câu chuyện kể về một nữ chính ủy thời nội chiến vừa chiến đấu, vừa có bầu và sinh con ở thành phố Berdichev bị bạch vệ bao vây. Một tháng sau khi truyện ngắn được in, Maksim Gorky đã mời Grossman đến nhà chơi – đó là điều vinh hạnh đối với bất kỳ tác giả trẻ nào thời ấy. Sau buổi trò chuyện với nhà văn lớn, Grossman theo hẳn nghiệp viết, không biết rằng mình đã chọn một con đường đầy chông gai, gian khổ mà những thành công chỉ được nhìn nhận đúng sau khi nhà văn đã qua đời.

Sau chưa đầy hai năm sáng tác, nhà văn trẻ đã xuất bản hai tập truyện ngắn, và năm 1937 được kết nạp vào Hội nhà văn Liên Xô.

Vasili đến với nghiệp văn không sớm, ở tuổi 29, nhưng với tâm thế hồ hởi. Semion Lipkin, bạn thân của Grossman kể lại rằng, khi ấy, nhà văn trẻ Grossman đầy sức sống và luôn luôn mỉm cười, thích đùa giỡn. Dong dỏng cao, tóc đen, mắt xanh, tươi tắn, trẻ trung, ông viết nhiều, in đều, và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.

Thế nhưng, nụ cười sôi nổi của nhà văn trẻ dần hiếm đi, và biến mất, bắt đầu từ cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô nổ ra và Vasili trở thành phóng viên chiến trường, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của con người trong chiến tranh.

Grossman lẽ ra được miễn đi lính do thể trạng “thư sinh yếu đuối” của mình. Ông bị đau thần kinh tọa và cận rất nặng. Tướng David Ortenberg, người phụ trách biên tập tờ “Sao đỏ” hồi tưởng về Grossman như sau: “Grossman không giống một người lính, áo ca-pốt thì nhàu nhĩ, kính thì trễ tận mũi, khẩu súng lục đeo bên hông giống như cái rìu treo trên thắt lưng không thít chặt…” Nhưng Grossman vẫn xung phong đi các chiến trường với tư cách là phóng viên của tờ “Sao đỏ”.

Ghi chép, phóng sự, bút ký của Grossman – “Volga – Stalingrad”, “Tâm hồn người lính Hồng quân”, “Cuộc chiến Stalingrad”, “Nhìn qua đôi mắt của Chekhov”, “Mũi đột kích”… được đọc một cách say sưa, cả ở Kremlin lẫn trong các chiến hào, bởi ở đó không có gì hơn sự thật. Grossman nếm trải tất cả những gì người lính trải qua, không nề hà, không hãi sợ. Những người lính từng đặt vè về ông như thế này: “Giữa khói lửa nhọc nhằn/ Vasili Grossman bước đi/ chẳng lấy cho mình điều chi…”

Thật vậy, sau ba năm lăn lộn trên các mặt trận, trung tá Grossman mang trên mình bộ quân phục sờn rách khủng khiếp. Grossman thậm chí ngại không muốn xin quân phục mới!

Một trong những ký sự chiến trường nổi tiếng nhất của Grossman là “Mũi đột kích” được đăng tải trên tờ “Sự thật” và nhiều ấn phẩm khác theo lệnh của Stalin. Sau sự việc ấy, nhà văn Erenburg đã nói: “Giờ thì anh muốn xin gì cũng được đấy!”. Nhưng Grossman đã không xin một điều gì.

Sau này, một số câu trích trong ký sự nói trên được khắc trên bức tường của Đồi tưởng niệm Mamaev ở Volgagrad.

Số phận long đong của những đứa con tinh thần

Năm 1949, Grossman hoàn thành cuốn tiểu thuyết về chiến tranh có tên “Stalingrad” mà ông viết trong vòng 6 năm. Là một biên tập viên có kinh nghiệm, với con mắt của “người kiểm duyệt”, tổng biên tập tạp chí “Thế giới mới” Tvardovsky chỉ ra “lỗi” lớn của Grossman là viết về Stalingrad mà lại nhắc đến Stalin quá ít, nếu có nhắc thì lại không đề cao đặc biệt. Trong khi đó, nhân vật được mô tả kỹ lưỡng và đầy ngưỡng mộ lại một nhà vật lý học. “Tại sao lại là nhà vật lý? Sao cậu không cho anh ta là chỉ huy quân đội?” – Tvardovsky khuyên. Grossman đã hỏi lại: “Vậy Einstein thì anh định phong chức gì?”

Cuối cùng, trải qua nhiều lần sửa chữa, năm 1952, cuốn tiểu thuyết cũng được in trên “Thế giới mới” với nhan đề “Vì sự nghiệp chính nghĩa”, được đồng nghiệp đánh giá cao, còn được đề cử giải thưởng Stalin. Không rõ Stalin có đọc tác phẩm này không, nhưng người ta kể rằng, chính Stalin đã… tự tay gạch tên Grossman ra khỏi danh sách đề cử!

Ngay lập tức, cuốn tiểu thuyết đã bị rất nhiều nhà phê bình lên án theo kiểu chụp mũ khiến tác giả của nó rơi vào cảnh khốn đốn. Grossman phải đi lánh nạn ở nhà người bạn, sống âm thầm không quan hệ với văn giới. Chỉ đến khi Stalin qua đời (3-1953), chủ tịch Hội nhà văn Liên Xô thời bấy giờ là Aleksandr Phadeev mới chính thức xin lỗi Grossman về những điều “chưa công bằng” trong việc phê phán cuốn sách và đề nghị xuất bản thành ấn phẩm riêng.

Số phận long đong như thế xảy ra với hầu hết những tác phẩm khác của Grossman như “Cuốn sách đen”, “Mọi điều rồi cũng trôi qua”, và “Cuộc đời và số phận” – tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn.

Tiểu thuyết “Cuộc đời và số phận” được chấp bút vào những năm 50 và chỉ được xuất bản sau khi Grossman qua đời rất lâu: năm 1980 ở Thụy Sĩ và năm 1988 ở Nga. Thế nhưng, ngay lập tức nó đã được công nhận là một trong những tác phẩm có giá trị nhất của nền văn học hậu chiến Nga, hơn thế nữa, là “một tác phẩm vĩ đại nhất của nền văn học Nga thế kỷ XX”.

“Cuộc đời và số phận” ôm trọn những sự kiện lớn của đất nước Liên Xô thời chiến. Trong đó không chỉ có sự thật trần trụi về chiến tranh mà còn có cái nhìn thấu suốt của nhà văn về rất nhiều vấn đề khác của xã hội Xô Viết. Văn phong của tác phẩm đẹp và giản dị, nhưng thông điệp mà tác giả gửi gắm trong đó không đơn giản chút nào. Cuộc sống con người trong các trại tập trung hà khắc của Đức quốc xã được miêu tả song song với cuộc sống của con người Xô Viết.

Kết luận của Grossman là, trong tất cả những biến loạn, mâu thuẫn, thăng trầm của cuộc sống, thì điều đáng quý, đáng trân trọng và bất diệt là con người. Mỗi con người là một thế giới trọn vẹn, riêng biệt, độc đáo, không thể đè nén, không thể xóa đi những dấu vết riêng của người đó để lại trong đời.Vì thế, sự vô nhân tính của chiến tranh lại càng hiện lên rõ nét, khi người ta muốn triệt tiêu cá thể mỗi con người.

Ông tả cảnh những ngôi nhà gỗ trong trại tập trung: “Trong triệu căn nhà gỗ Nga, không có và chẳng thể nào có hai căn nhà hoàn toàn giống nhau. Tất cả đều sống động – có một không hai. Cũng như không thể có sự giống nhau tuyệt đối giữa hai con người, giữa hai bụi tầm xuân vậy….Cuộc sống lụi tàn ở nơi mà bạo lực gắng sức xóa đi vẻ muôn màu và nét đặc sắc của nó.” Ông là một trong những người đầu tiên mô tả chế độ độc tài là bi kịch chung của xã hội loài người, không chừa một ai. Đó là bi kịch đối với người Nga, người Do Thái, người Đức…, cả những người vô thần và những người có đức tin…

Chiến tranh đối với Grossman còn như một sự sám hối. Một người sinh ra trong gia đình Do Thái, mang một cái tên Do Thái “Iosif Solomonovich” đã gần như cắt đứt sợi dây liên lạc với tinh thần Do Thái ngay từ khi họ tên được “Nga hóa” thành “Vasili Semionovich”, Grossman luôn cảm thấy mình hoàn toàn là người Nga, gắn bó với nước Nga đến tận cùng. Tuy nhiên, đi qua cuộc chiến, nhà văn cảm nhận được sâu sắc nỗi đau của các nạn nhân (đặc biệt là dân Do Thái) của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi qua chiêu bài “chủ nghĩa yêu nước”. Đó cũng là một trong những lý do “Cuộc đời và số phận” không được xuất bản.

Cuốn sách được nhà văn đề tặng thân mẫu của mình, người đã chết oan nghiệt ở thành phố quê hương Berdichev (Ukraine) cùng với hàng ngàn người dân Do Thái khác, như một lời sám hối trước Mẹ. Trong “Cuộc đời và số phận” có một đoạn thư bà mẹ Do Thái gửi con trước khi chết, chính là lời nhắn gửi của bà mẹ Grossman tới con trai: “Ngoài phố vẳng lại tiếng khóc của những người phụ nữ, tiếng quát tháo của cảnh sát, còn mẹ thì nhìn vào những trang giấy này, và cảm thấy mình được che chở khỏi thế giới đáng sợ đầy ắp đau thương kia… Hãy nhớ rằng trong những ngày hạnh phúc và đau khổ, tình yêu của mẹ luôn luôn ở bên con, không ai có thể giết chết tình yêu ấy. Và đây, dòng cuối của lá thư mẹ gửi cho con: hãy sống, hãy sống, sống mãi… Mẹ”.

Không hận thù, không tuyệt vọng, chỉ còn lại tình yêu. Đó chính là sức mạnh để con người đi qua được mọi cuộc chiến. Và cũng là nguồn gốc sức sống của các tác phẩm của Vasili Grossman.

Tình yêu tội lỗi và thánh thiện

Đầu những năm 30, sau khi chia tay với người vợ đầu tiên là Anna Martsuk, Grossman gặp tình yêu lớn của đời mình, và cũng là một tình yêu tội lỗi trong mắt những người xung quanh: ông yêu Olga, vợ của Boris Guber, một người bạn văn thân thiết. Mẹ của ông rất buồn, và trong một bức thư gửi thân phụ ông, bà nói rằng chỉ có thể hiểu được mối tình này nếu họ thực sự yêu nhau quá sâu sắc.

Những sự kiện đau buồn xảy đến sau đó đã chứng minh tình yêu sâu sắc ấy của Grossman đối với Olga.

Năm 1937, trong làn sóng khủng bố văn nghệ sĩ, nhà văn Boris Guber bị bắt. Những người thân đương nhiên bị liên lụy. Olga cũng vào tù. Trong suốt một năm trời Grossman đã nuôi dưỡng hai con nhỏ của Olga và Boris, đồng thời viết thư cho tất thảy những cấp có thẩm quyền để trình bày một “sự thật”, rằng từ lâu Olga là vợ của Grossman chứ không còn là vợ của Guber nữa. Và điều này đã cứu được Olga khỏi cuộc sống tù đày khổ sở.

Đứa con đầu của Olga và Boris mất trong chiến tranh. Người con thứ hai vẫn mang họ Guber, sống cùng Olga và Vasili Grossman, sau này viết về cha dượng của mình với những tình cảm đặc biệt trìu mến. Tình yêu tội lỗi của Olga và Vasili trải qua những thăng trầm ấy, đã được mọi người xung quanh tặng cho những từ “sâu sắc và thánh thiện”.

Họ sống với nhau hơn 20 năm. Vì yêu chồng, Olga rất ghen tuông. Bà trở nên khắc nghiệt với tất cả những người có tình cảm với Grossman, với những người thân, kể cả mẹ chồng. Đó là điều khiến Grossman day dứt. Nhà văn là người con hiếu nghĩa và vô cùng yêu mẹ. Ông rất muốn đưa bà về sống với gia đình mình ở Matxcơva, song gặp trở ngại từ phía Olga. Vì thế, Grossman luôn cho rằng mình có lỗi trong cái chết của mẹ. Tất cả những bi kịch ấy đã làm nguội dần tình cảm của Grossman đối với Olga.

Năm 1946, nhà văn gặp Ekaterina Zabolotskaya, vợ của nhà thơ Zabolotsky, một người phụ nữ hiền hậu, dịu dàng. Họ yêu nhau nồng nhiệt, nhưng không ở với nhau kể cả khi chồng của Ekaterina đã qua đời (1958). Grossman không muốn phá vỡ cuộc sống gia đình mình, song cũng không thể dứt bỏ mối tình cuối đời này. Về sau, ông chuyển ra sống độc thân ở một căn hộ không xa nơi ở của Ekaterina và qua đời ở đó vào tháng 9-1964.

Người đọc gặp mối tình ấy trong tiểu thuyết “Cuộc đời và số phận” qua hai nhân vật Shtrum và Sokolova. Grossman đã dũng cảm kể về tình yêu cuối cùng của đời mình, viết một cách chân thành và say mê nhất.

  THỤY ANH/VNN

Ngủ dậy mà thấy 3 dấu hiệu này thì có thể lượng đường trong máu đang cao, dễ mắc bệnh tiểu đường

Những dấu hiệu này rất dễ phát hiện vào buổi sáng nếu bạn chú ý, có thì phải đi viện kiểm tra sức khỏe ngay.

Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc tiểu đường đang ngày một tăng mạnh. Nguy hiểm nhất là bệnh nhân dần trẻ hóa và gây nhiều biến chứng với hệ thần kinh. Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi 20-79) mắc bệnh tiểu đường, đồng nghĩa cứ 10 người sẽ có 1 người mắc bệnh.

Các chuyên gia cho biết, vấn đề đáng lo ngại nhất là có khoảng nửa số bệnh nhân tiểu đường không hề biết mình mắc bệnh. Nếu không đi khám sớm, bệnh sẽ làm tổn thương nhiều cơ quan và gia tăng các bệnh lý về tim mạch, thậm chí là gây tử vong sớm.

Ngủ dậy mà thấy 3 dấu hiệu này thì có thể lượng đường trong máu đang cao, dễ mắc bệnh tiểu đường - Ảnh 1.

Cần để ý sớm dấu hiệu bệnh tiểu đường để kịp thời điều trị.

Chính vì vậy, việc nhận biết và phát hiện sớm dấu hiệu tiểu đường là cần thiết để ngừa bệnh và nâng cao khả năng chữa trị. Theo BM Makkar – bác sĩ chuyên khoa tiểu đường tại Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường (Ấn Độ), giai đoạn đầu của loại bệnh này thường có 3 phản ứng mỗi sáng, đó là lúc mà lượng đường đang tăng mạnh.

3 dấu hiệu tiểu đường thường xuất hiện vào buổi sáng

1. Khô miệng

Nếu bạn thường xuyên bị khô miệng, hoặc cảm thấy rất khát nước ngay sau khi thức dậy… Hãy cẩn thận vì đây có thể là dấu hiệu lượng đường trong máu tăng cao, dễ dẫn đến bệnh tiểu đường nếu không điều trị sớm. Bác sĩ Makkar chia sẻ, lúc này lượng đường trong máu tăng cao làm chậm quá trình sản xuất nước bọt.

Bên cạnh khô miệng, các dấu hiệu cảnh báo tiểu đường thường xuất hiện mỗi sáng là đau miệng, môi khô nứt nẻ, nhiễm trùng, khô lưỡi, khó nuốt, khó nhai, loét khoang miệng… Dù lý do là gì thì việc khô miệng mỗi sáng cũng là dấu hiệu bệnh, hãy đi kiểm tra để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất.

Ngủ dậy mà thấy 3 dấu hiệu này thì có thể lượng đường trong máu đang cao, dễ mắc bệnh tiểu đường - Ảnh 2.

Nếu mỗi sáng thấy khô miệng, khát nước thì hãy cẩn thận lượng đường trong máu đang cao.

2. Mắt mờ

Sau khi thức dậy là lúc mà cơ thể cảm thấy minh mẫn, khỏe mạnh nhất do đã trải qua một đêm dài nghỉ ngơi. Tuy nhiên nếu thấy mắt mờ, nhìn không rõ thì phải cẩn thận bệnh tiểu đường. Bác sĩ Makkar khẳng định, nguyên nhân do lượng đường trong máu cao làm cho thủy tinh thể bị sưng, gây suy giảm khả năng nhìn của bạn.

“Tình trạng mắt mờ, khó nhìn vào buổi sáng thường là dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu đang tăng cao. Thế nhưng khi lượng đường trong máu ổn định, thị lực sẽ trở lại bình thường ngay lập tức. Bệnh tiểu đường có thể gây bệnh võng mạc, phù hoàng điểm, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp nếu không đi khám sớm” – Makkar chia sẻ.

Ngủ dậy mà thấy 3 dấu hiệu này thì có thể lượng đường trong máu đang cao, dễ mắc bệnh tiểu đường - Ảnh 3.

Mắt mờ là do biến chứng khi lượng đường trong máu tăng cao.

3. Buồn nôn

Một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường là nhiễm toan ceton – tình trạng xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh ra quá nhiều axit trong máu. Dấu hiệu đầu tiên của loại bệnh này là khiến người mắc phải thấy buồn nôn, khát nước, khô miệng… vào mỗi sáng hoặc cả ngày dài.

Trong nhiều trường hợp, tình trạng buồn nôn chỉ là cảm giác thoáng qua và sẽ hết sau vài phút. Tuy nhiên nếu buồn nôn đi kèm với các triệu chứng khác, bạn phải cảnh giác với bệnh tiểu đường và đi kiểm tra lượng đường trong máu ngay. Càng được chẩn đoán sớm thì khả năng ngăn ngừa bệnh càng cao.

Ngủ dậy mà thấy 3 dấu hiệu này thì có thể lượng đường trong máu đang cao, dễ mắc bệnh tiểu đường - Ảnh 4.

Buồn nôn, mệt mỏi kéo dài sau khi thức dậy thì hãy cẩn trọng bệnh tiểu đường.

Cần làm gì để ổn định đường huyết?

– Điều chỉnh chế độ ăn uống: Nếu phát hiện bản thân có đường huyết cao, bạn nên học cách điều tiết chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn tinh bột và đồ ngọt để đưa lượng đường trong máu về bình thường. Có như vậy thì mới dễ dàng kiểm soát bệnh và ngăn chặn những biến chứng khác.

– Uống nhiều nước: Khi đường huyết tăng cao sẽ dễ làm bạn đi tiểu nhiều lần, dẫn đến môi khô miệng rát vì thiếu nước. Vì vậy, uống nhiều nước vào thời điểm này có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu nước, giảm khó chịu cho cơ thể và ổn định lượng đường trong máu.

– Tập thể dục thường xuyên: Vận động sẽ giúp bạn đạt được và duy trì cân nặng vừa phải, đồng thời làm tăng độ nhạy insulin. Khi đó các tế bào sẽ sử dụng lượng đường có sẵn trong máu một cách tốt hơn, không còn bị tích tụ lại trong cơ thể.

Theo Indiatimes, Healthline / Minh Võ / Tổ Quốc

 

Người Việt Nam trong nhóm ‘ăn nhựa’ nhiều nhất thế giới

Các nhà khoa học từ Đại học Cornell (Mỹ) trong một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra người dân Việt Nam nằm trong nhóm hấp thụ vi nhựa nhiều nhất thế giới.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell chỉ ra con người hấp thụ vi nhựa qua hai đường chính: thực phẩm và không khí.

Các nước Đông Nam Á dẫn đầu bảng xếp hạng trong nghiên cứu tính theo bình quân đầu người, với các trường hợp điển hình là Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Người dân Việt Nam xếp thứ 4 trong chỉ số tiêu thụ nhiều vi nhựa nhất qua đường thực phẩm. Nghiên cứu chỉ ra trung bình mỗi người Việt Nam “ăn” 363,6 mg vi nhựa mỗi ngày.

Trong khi đó, người dân Trung Quốc và Mông Cổ đứng đầu về lượng hấp thụ vi nhựa trong không khí.

Nghiên cứu tiến hành khảo sát 109 quốc gia, lấy dữ liệu từ năm 1990 – 2018, được hoàn thiện và xuất bản vào tháng 4/2024. Các nhà khoa học cũng tính đến các yếu tố như thói quen ăn uống, công nghệ chế biến thực phẩm và nhân khẩu học.

Vi nhựa, theo định nghĩa của các nhà khoa học của Đại học Cornell, là những hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Chúng có thể là những sợi, mảnh, hạt vụn đến từ các sản phẩm nhựa bị vỡ, bong tróc, hư hỏng.

Quá trình sản xuất, xử lý nhựa không đúng cách cũng khiến vi nhựa tràn ra ngoài môi trường.

Bệnh viện Đại học Y Huế định nghĩa vi nhựa là “những mảnh nhỏ được hình thành từ quá trình phân hủy các sản phẩm nhựa như chai nhựa, túi nilon, đồ dùng bằng nhựa,… thải ra môi trường”.

Ngoài ra, chúng còn được tạo ra ở kích thước siêu nhỏ trong các sản phẩm kem đánh răng và chất tẩy tế bào chết.

Một số nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ giữa vi nhựa và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của con người. Chúng chứa những hóa chất độc hại có thể gây ung thư, bệnh tim hoặc khiến thai nhi kém phát triển.

Vì sao người Việt Nam ‘ăn nhựa’ nhiều?

Việt Nam nằm trong nhóm tiêu thụ hải sản hàng đầu thế giới
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam nằm trong nhóm tiêu thụ hải sản hàng đầu thế giới

Nghiên cứu chỉ ra quá trình công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển, đặc biệt là tại Đông Nam Á, là nguyên nhân chính dẫn đến việc tốc độ sử dụng nhựa tăng mạnh. Hoạt động xả thải nhựa ra môi trường tự nhiên từ đó cũng tăng theo.

Trong khi đó, các quốc gia phát triển lại chứng kiến chiều hướng ngược lại.

Vi nhựa trong không khí ghi nhận tại Việt Nam cao gấp 8 lần so với tại Nhật Bản.

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu rác thải, phế liệu nhựa, chỉ sau Malaysia, với lượng rác thải nhựa nhập khẩu hơn 2 triệu tấn trong năm 2022, theo Liên minh Không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance – VZWA).

Đánh giá về thực trạng này, VZWA cho biết:

“Chất thải nhựa nhập khẩu là hiện nay rất cần để bổ sung cho nguồn cung trong nước và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành sản xuất, tái chế nhựa của Việt Nam.”

Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam trong năm 2023 cũng cho biết sản xuất của Việt Nam “phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu”.

Việt Nam có những làng nghề chuyên thu gom, xử lý phế liệu, rác thải nhựa, đơn cử như làng Minh Khai tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên, việc xử lý rác thải nhựa ở các làng nghề như vậy có nhiều rủi ro do sử dụng máy móc lạc hậu, khiến cho phần nhựa không thể tái chế bị vứt bỏ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Nước trong quá trình xử lý nhựa mang các vi nhựa theo dòng chảy đi ra sông, biển.

Các hạt vi nhựa khi đi ra môi trường nước sẽ bị các sinh vật phù du ăn phải. Sau đó, các loài cá, động vật thủy sinh ăn các sinh vật phù du, và con người khi tiêu thụ những thủy hải sản này sẽ vô tình hấp thụ luôn cả vi nhựa.

Một báo cáo được công bố vào tháng 4/2024 của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 4 trong các quốc gia xả phế liệu, rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới.

Nghiên cứu từ Đại học Cornell cho biết hơn 50% lượng vi nhựa người dân Việt Nam “ăn” phải đến từ môi trường nước, đặc biệt là hải sản.

Một báo cáo khác của Liên Hợp Quốc được xuất bản vào đầu tháng 6/2024 cho thấy Việt Nam cùng 9 quốc gia khác đang chiếm đến 90% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu.

Báo Thanh Niên trong một bài viết vào tháng 3/2023 thông tin rằng Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia tiêu thụ hải sản cao nhất thế giới với 37 kg/người/năm.

Ngoài ra, vi nhựa cũng xuất hiện trong trái cây, rau, ngũ cốc, đồ uống, đường, muối và các gia vị khác.

Các công nghệ chế biến thực phẩm khác nhau cũng tạo ra lượng vi nhựa trong đồ ăn khác nhau.

Chẳng hạn, mức tiêu thụ muối ăn bình quân đầu người ở Indonesia và Mỹ tương đương nhau, nhưng nồng độ vi nhựa trong muối ăn của Indonesia cao hơn khoảng 100 lần.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Báo cáo trong tháng 4/2024 của Liên Hiệp Quốc cho thấy Việt Nam đang là một trong những điểm đến hàng đầu của rác thải trên thế giới
Chụp lại hình ảnh,Báo cáo trong tháng 4/2024 của Liên Hợp Quốc cho thấy Việt Nam đang là một trong những điểm đến hàng đầu của rác thải trên thế giới

Đối với Việt Nam cũng như một số nước Đông Nam Á khác bao gồm Indonesia, Malaysia và Philippine, các nhà khoa học ở Đại học Cornell cho rằng cần có các biện pháp kiểm soát dòng chảy của chất thải hiệu quả cũng như cải thiện hệ thống xử lý nước thải.

Giải pháp này càng đặc biệt quan trọng khi người dân những quốc gia trên hấp thụ vi nhựa chủ yếu qua đường hải sản.

Việc thay thế chất liệu nhựa trong quá trình đóng gói thực phẩm, nước uống cũng nên được thay thế, qua đó hạn chế việc vi nhựa nhiễm vào đồ ăn, thức uống.

Về lâu dài, các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell cho rằng các nước phát triển nên chia sẻ công nghệ cho những nước đang chịu tác hại nặng nề của nhựa.

Bên cạnh đó, cần có sự san sẻ về gánh nặng rác thải. Các nhà khoa học cho rằng rác thải, phế liệu cũng nên được đưa đến những quốc gia có công nghệ xử lý tiên tiến và khả năng quản lý hiệu quả thải.

Báo cáo trong tháng 4/2024 của Liên Hợp Quốc cho thấy Việt Nam đang là một trong những điểm đến hàng đầu của rác thải trên thế giới, và các chuyên gia thừa nhận tình trạng rác ở quốc gia này hiện bị quá tải, không thể nào xử lý hết.

Bà Coleen Salamat, chuyên viên về thương mại chất thải khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Break Free From Plastic, nhận định:

“Tôi nghĩ điều quan trọng nằm ở những nhà cầm quyền. Các nước phát triển thường nhắm đến các nước đang phát triển mà có chính sách, quy chế lỏng lẻo để xuất khẩu rác tới đó.”

Một nghề ‘khát nhân lực’ sắp được cả thế giới săn đón, mỗi tiếng kiếm tới 1,2 triệu đồng, nhưng phải đáp ứng một yêu cầu khắt khe

Khó khăn lớn nhất đối với công việc này là thời tiết. Người lao động có thể làm việc “trên mây”, trong môi trường nắng nóng hoặc giá lạnh.

Một nghề ‘khát nhân lực’ sắp được cả thế giới săn đón, mỗi tiếng kiếm tới 1,2 triệu đồng, nhưng phải đáp ứng một yêu cầu khắt khe- Ảnh 1.

Sau 7 năm làm thực tập sinh, Dakota Carter, 29 tuổi, hiện là người giám sát trang trại gió Rail Splitter ở Delavan, tiểu bang Illinois, Mỹ. Carter đã lựa chọn đúng nghề, đúng thời điểm. Vì dữ liệu liên bang cho thấy kỹ thuật viên tuabin gió đang là công việc phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Mặc dù số lượng việc làm mới không nhiều, nhưng công việc này có mức tăng dự kiến 45% từ năm 2022 đến năm 2032, nhiều hơn mọi ngành nghề khác.

Trang web việc làm Indeed cho biết số lượng tuyển dụng kỹ thuật viên tuabin gió đã tăng 30% vào năm 2023. Cục Thống kê Lao động dự kiến sẽ có khoảng 1.800 vị trí tuyển dụng mỗi năm trong thập kỷ tới. Trên khắp Australia, Brazil, Trung Quốc, Colombia, Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản, Kenya, Hàn Quốc và Mỹ, nhu cầu về nhân lực sẽ là khoảng 240.000 người vào năm 2027.

Các quốc gia muốn nhanh chóng xây dựng trang trại gió trên đất liền và ngoài khơi để có thể đáp ứng mục tiêu về năng lượng tái tạo và giảm khủng hoảng khí hậu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính rằng để thế giới đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, cần phải bổ sung thêm khoảng 17% công suất điện gió vào lưới điện mỗi năm. Mỹ dự kiến sẽ bổ sung thêm 11% công suất từ năm 2023 đến 2025.

Năm ngoái, mức lương trung bình cho một kỹ thuật viên tuabin gió là 61.770 USD, nhưng danh sách trên Indeed cho thấy mức lương trung bình là 80.100 USD/năm (khoảng 2 tỷ VNĐ). Chuyên gia về lĩnh vực gió Harry Willats, cố vấn điều hành tại Darwin Recruitment, nói với Business Insider rằng mức lương khởi điểm cho một kỹ thuật viên gió thường là 20 USD đến 25 USD một giờ. Những kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm hơn có thể kiếm được gần 50 USD/giờ (khoảng 1,2 triệu VNĐ). Ngoài ra, kỹ thuật viên gió ngoài khơi có thể kiếm nhiều hơn 30% đến 40% so với những người làm việc trong đất liền.

Một nghề ‘khát nhân lực’ sắp được cả thế giới săn đón, mỗi tiếng kiếm tới 1,2 triệu đồng, nhưng phải đáp ứng một yêu cầu khắt khe- Ảnh 2.

Thông thường, mọi người hoàn thành chương trình chứng chỉ điện một năm tại trường cao đẳng sau đó làm thực tập sinh. Những người muốn làm việc ngoài khơi còn phải hoàn thành các khoá học về an toàn cơ bản, sơ cứu và sinh tồn trên biển.

Ban đầu, kỹ thuật viên có thể làm công việc bảo trì và vệ sinh theo lịch. Khi tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn, họ có thể tiến hành khắc phục sự cố, sửa chữa và quản lý đội ngũ.

Carter nói: “Khó khăn lớn nhất là thời tiết. Bạn có thể làm việc trong môi trường nắng nóng hoặc giá lạnh. Bạn cũng phải đu mình trên cao. Đó là công việc đòi hỏi thể lực tốt”.

Nhưng Carter nói rằng làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khiến anh cảm thấy như mình đang giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Hiện Carter là người giám sát, anh dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với các nhà phát triển và mọi người trong cộng đồng về các dự án mới mà công ty đang thực hiện.

Theo BI / Thiên Di /  Nhịp Sống Thị Trường

PwC dự báo Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong hơn 2 thập kỷ tới

Theo báo cáo thế giới 2050 của PwC, Trung Quốc được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, chiếm 19,1% tỷ trọng GDP toàn cầu.

PwC dự báo Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong hơn 2 thập kỷ tới- Ảnh 1.

Theo báo cáo của PwC, Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt Mỹ để trở thành nên kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, đóng góp khoảng 19,1% GDP toàn cầu.

Theo dự báo của PwC, GDP của Trung Quốc sẽ đạt 42,96 nghìn tỷ USD với dân số là 1,31 tỷ người. Theo sau là Ấn Độ với GDP dự kiến đạt 38,68 nghìn tỷ USD với dân số 1,67 tỷ người.

Đứng thứ 3 là Mỹ với GDP dự kiến đạt 26,58 nghìn tỷ USD, quy mô dân số là 375,39 triệu người.

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới xét theo sức mua tương đương (PPP). GDP xét theo PPP của Trung Quốc đạt 35 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023. Mỹ đứng thứ hai với 27,4 nghìn tỷ.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP ở Trung Quốc và Ấn Độ được dự đoán sẽ giảm tốc trong những thập kỷ tới, trong khi châu Phi được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất toàn cầu vào năm 2030-2050.

Theo báo cáo “Thế giới năm 2020” của PwC, tỷ trọng của EU trong GDP toàn cầu – dự báo đạt 224,96 nghìn tỷ USD vào năm 2050, sẽ giảm xuống dưới 10%. Các nền kinh tế mới nổi E7 (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nga, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ) được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh gần gấp đôi so với các nhóm G7. Dự báo được đưa ra dựa trên dự đoán rằng mức tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động của các nước G7 sẽ đạt mức trung bình là –0,3% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2050.

Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh cũng được dự đoán là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, còn Ba Lan được kỳ vọng sẽ là nền kinh tế EU tăng trưởng nhanh nhất.

Mặc dù các nền kinh tế tiên tiến vẫn sẽ duy trì mức thu nhập trung bình cao hơn, nhưng các thị trường mới nổi dự kiến sẽ thu hẹp khoảng cách đáng kể vào năm 2050. Sự thay đổi này mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư dài hạn vào các khu vực này, bất chấp những thách thức kinh tế gần đây ở các quốc gia như Brazil, Nigeria, và Thổ Nhĩ Kỳ, PwC nhận định.

Theo Yahoo Finance / Yến Nguyễn /Nhịp Sống Thị Trường