Cửa Bắc thành Hà Nội và câu chuyện lịch sử không được phép quên

Không chỉ là một di tích của thành cổ Hà Nội, Cửa Bắc còn là minh chứng cho những cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Hà Nội trong những ngày đầu chống lại sự xâm lăng của Pháp.

Nằm trên phố Phan Đình Phùng, Chính Bắc Môn hay Cửa Bắc được xây dựng năm 1805, là cổng thành duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời nhà Nguyễn.

Công trình được xây trên nền Cửa Bắc thời Lê theo lối vọng lâu – phần lầu ở trên còn phần thành ở dưới, với chiều cao 8,71 mét, rộng 17,08 mét, tường dày 2,48 mét.

Phần thành được xây dựng hết sức kiên cố bằng đá và gạch, chân kè bằng đá. Gạch xây thành có kích thước 35,5cm x 10cm x 12cm. Đá kê có kích thước dài từ 38 đến 86cm.

Cổng thành thông từ mặt trước ra mặt sau, được cuốn vòm bằng gạch theo lối xếp một viên gạch ngang xen một viên đặt dọc.

Mép cửa kè đá hình chữ nhật, diềm trên bằng đá trang trí hoa sen.

Hai cánh cổng thành bằng gỗ đã được trùng tu có tổng diện tích 24m2, trọng lượng khoảng 16 tấn.

Cổng được đóng mở nhờ hai bánh xe bằng đồng trọng lượng khoảng 80 kg.

Phía ngoài bên trên cổng thành còn ba chữ Hán khắc đá: “Chính Bắc Môn”, diềm biển trang trí hoa dây.

Phần lầu được tái dựng một phần bằng khung gỗ theo lối chồng diêm tám mái, lợp ngói ta, trổ cửa ra bốn hướng.

Nơi đây được dành làm nơi thờ hai vị quan Tổng đốc thành Hà Nội – Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu – đã tuẫn tiết vì không giữ được thành trước sức công phá của quân đội Pháp.

Cấu trúc gỗ bên trong phần lầu.

Nước mưa trên vọng lâu được dẫn thoát xuống dưới qua hai ống máng bằng đá.

Đứng trên Cửa Bắc thành Hà Nội, quan quân có thể phóng tầm mắt bao quát khắp trong ngoài thành, dễ dàng quan sát di – biến trong đội hình quân địch.

Do đó, khi chiếm được thành Hà Nội, quân đội Pháp vẫn sử dụng lầu trên Bắc Môn làm chòi canh gác.

Theo cứ liệu lịch sử và những bức ảnh tư liệu chụp từ thời thành Hà Nội chưa bị phá, hai bên Bắc Môn phía trong tường thành có lối dẫn lên vọng lâu được xây bằng gạch theo hình tam giác.

Hai lối này đã bị bít lại, chỉ còn dấu tích là hai vòm cửa.

Mặt trong tường thành của Bắc Môn ngày nay được dùng làm không gian trưng bày các tư liệu lịch sử về thành Hà Nội.

Trước Bắc Môn xưa có chiếc cầu gạch bắc qua con hào rộng khoảng 20 mét bao quanh thành. Vị trí con hào phía trước Bắc Môn hiện nay chính là bãi cỏ, vỉa hè và một phần lòng đường phố Phan Đình Phùng.

Dù Bắc Môn là công trình do nhà Nguyễn xây dựng, nhưng dưới chân cổng thành sừng sững này là tầng tầng lớp lớp di chỉ thành quách từ các triều đại trước đó, khẳng định sự liên tục trong lịch sử ngàn năm của Hoàng thành.

Năm 1998, tại khu vực Bắc Môn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dấu vết kiến trúc ở độ sâu 1,66 mét và 2,2 mét, trong đó có vết tích của những đoạn tường thành xây bằng đá và gạch vồ thời Lê.

Không chỉ là một di tích của thành cổ Hà Nội, Cửa Bắc còn là minh chứng cho những cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Hà Nội trong những ngày đầu chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp.

Phía ngoài Bắc Môn vẫn còn lưu dấu hai vết đạn thần công của Pháp khi chúng dùng chiến thuyền tấn công thành Hà Nội từ phía bờ sông Hồng năm 1882.

Nhiều người dân vẫn thường xuyên lên vọng lâu Bắc Môn để thắp nhang tưởng nhớ hai vị anh hùng lẫm liệt – những người được hậu thế kính cẩn đặt tên cho hai con đường hiện đại chạy hai bên tả hữu vòng thành cổ năm xưa.

Ngày nay, Bắc Môn là một công trình quan trọng trong quần thể Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, một điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. (Bài có sử dụng tư liệu của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội).

Theo KIẾN THỨC

Thời điểm tối kỵ uống cà phê

Bạn không nên uống cà phê khi đang dùng một số loại thuốc chữa bệnh tuyến giáp, loãng máu hay lúc đang lo lắng, mang thai, cho con bú.

Cà phê là một phần thiết yếu trong thói quen hằng ngày của nhiều người. Bên cạnh tác dụng cung cấp năng lượng, giúp tỉnh táo, caffeine trong cà phê còn có mối quan hệ phức tạp với các loại thuốc. Hiểu cách caffeine tương tác với thuốc rất quan trọng để chăm lo sức khỏe của bạn hiệu quả và tránh các biến chứng tiềm ẩn. 

Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Lauren Harris-Pincus cảnh báo: “Caffeine là chất kích thích hệ thần kinh trung ương được tiêu thụ phổ biến nhất. Loại chất này giúp bạn tỉnh táo, bớt mệt mỏi, có thể tác động đến trí nhớ, học tập. Caffeine thường có nhiều nhất trong cà phê, trà, ca cao. Caffeine có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả của một số loại thuốc”.

Theo Eating Well, dưới đây là tác dụng phụ của caffeine khi dùng cùng lúc với một số loại thuốc: 

Tăng nguy cơ chảy máu khi dùng cà phê cùng thuốc làm loãng máu

Chuyên gia Harris-Pincus thông tin caffeine có thể tương tác với các chất làm loãng máu như warfarin. Warfarin phát huy tác dụng bằng cách ức chế hoạt động của vitamin K, một chất rất quan trọng cho quá trình đông máu. Caffeine có thể cản trở quá trình chuyển hóa của warfarin, có khả năng gây loãng máu và tăng nguy cơ chảy máu.

Có thể làm giảm hấp thụ thuốc tuyến giáp

Caffeine có khả năng cản trở sự hấp thu của một số loại thuốc tuyến giáp, chẳng hạn như levothyroxine điều trị chứng suy giáp. Nghiên cứu năm 2022 cho thấy caffeine có nguy cơ làm giảm sự hấp thu levothyroxine trong đường tiêu hóa, dẫn đến giảm hiệu quả.

Có thể tăng cường tác dụng của thuốc ADHD

Methylphenidate và amphetamine thường được kê đơn để cải thiện khả năng tập trung ở những người mắc chứng rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD). Tuy nhiên, caffeine có thể tương tác với những loại thuốc trên, làm tăng tác dụng kích thích của chúng. “Các loại thuốc điều trị ADHD kết hợp với caffeine dễ làm tăng cảm giác lo lắng, mất ngủ, bồn chồn và các vấn đề tiềm ẩn về tim”, chuyên gia Harris-Pincus cho biết.

Có thể tương tác với thuốc tránh thai 

Theo Viện Y tế Quốc gia, caffeine có thể tương tác với thuốc tránh thai đường uống và ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa estrogen. Một số nghiên cứu cho thấy caffeine làm tăng nồng độ estrogen ở phụ nữ dùng thuốc tránh thai đường uống. Chuyên gia Harris-Pincus giải thích: “Thuốc tránh thai đường uống có thể ức chế enzyme chịu trách nhiệm phân hủy caffeine nên bạn cảm thấy tác dụng kéo dài hoặc rõ rệt hơn”.

Ai nên tránh uống cà phê? 

Theo đánh giá năm 2023, những người đang mang thai nên hạn chế tiêu thụ caffeine vì có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và các biến chứng thai kỳ khác. Nếu bạn đang ở tình trạng lo lắng hoặc hoảng loạn, caffeine dễ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, một số vấn đề về tim, huyết áp cao hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) sẽ bị caffeine làm cho triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. 

“Những người bị huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, trào ngược dạ dày thực quản, đau nửa đầu, rối loạn giấc ngủ, đang dùng một số loại thuốc, mang thai, cho con bú nên nói chuyện với bác sĩ về lượng caffeine nên tiêu thụ”, chuyên gia Harris-Pincus khuyên. 

Lượng caffeine nên uống mỗi ngày để đảm bảo an toàn

Viện Y học Quốc gia Mỹ tuyên bố liều lượng caffeine không quá 400mg mỗi ngày được coi là ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, độ nhạy cảm với caffeine khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, giới tính và cân nặng. Một số người có thể gặp tác dụng phụ ở liều thấp hơn, trong khi những người khác có thể dung nạp liều cao hơn mà không gặp vấn đề gì.

Một tách cà phê 236ml chứa từ 95 đến 200mg caffeine, một tách trà chứa từ 14 đến 60mg.

====================

Với một số người, giảm hoặc ngừng uống cà phê đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả tim mạch.

Theo Health Digest, 73% số người trưởng thành ở Mỹ thưởng thức một tách cà phê hằng ngày trong khi 93% cho biết họ dùng loại đồ uống này ít nhất một lần mỗi tuần. Rõ ràng, người Mỹ cũng như người dân nhiều nước trên thế giới rất yêu thích cà phê. 

Khi nói về lý do thích cà phê, đa số người được hỏi (83%) cho biết họ ưa chuộng hương vị. Các lý do khác bao gồm cà phê mang lại năng lượng (67%), tăng năng suất học tập, làm việc (43%), có lợi cho sức khỏe (29%) và ngăn chặn cảm giác thèm ăn (20%).

Cuộc khảo sát cho thấy một số lượng khá lớn tin rằng cà phê sáng giúp họ có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, thực tế, cà phê có thể không tốt cho tim với một số người có các bất ổn nhất định như vấn đề về tim hoặc huyết áp cao. Nếu họ ngừng uống cà phê hoặc giảm lượng tiêu thụ, hệ tim mạch sẽ hoạt động suôn sẻ hơn. 

Cà phê ảnh hưởng đến trái tim như thế nào? 

Khi bạn uống cà phê, chất caffeine trong loại đồ uống này sẽ đi vào máu qua dạ dày và ruột non. Một khi xâm nhập vào cơ thể bạn, caffeine sẽ bắt đầu kích thích hệ thần kinh. Các thụ thể trong tế bào tim bị tác động. Lưu lượng máu trong cơ thể cũng tăng tốc. Có thể phải mất khoảng 6 giờ bạn mới hết các triệu chứng này.  

Những người khỏe mạnh thường cảm thấy bình thường với các tác động trên. Nhưng đối với nhóm có vấn đề tim hoặc huyết áp, chất caffeine dẫn đến tim đập nhanh hơn. Theo Mayo Clinic, một số người dùng đồ uống chứa caffeine thường xuyên dễ có huyết áp cao hơn. Huyết áp quá cao buộc tim phải làm việc nhiều hơn, gây tổn hại cho tim theo thời gian và dẫn đến suy tim. Huyết áp cao cũng có nguy cơ góp phần gây ra bệnh động mạch vành vì khiến các động mạch cung cấp máu cho tim bị tổn thương và thu hẹp. 

Điều gì xảy ra khi bạn bỏ uống cà phê? 

Nếu bạn có sức khỏe tốt, bạn có thể chỉ cần giảm lượng tiêu thụ cà phê nếu caffeine khiến bạn cảm thấy bồn chồn hoặc tim đập nhanh. MercyHealth lưu ý miễn là bạn không vượt quá lượng được đề xuất (khoảng 4 tách/ngày), cà phê có thể mang lại những lợi ích nhất định cho bạn do chất phytochemical trong cà phê giúp giảm viêm. 

Ngay cả với người khỏe mạnh bình thường, uống nhiều hơn 4 tách cà phê mỗi ngày sẽ làm tăng nhịp tim và huyết áp, đồng thời tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Các chuyên gia của hệ thống chăm sóc sức khỏe Advent Health (Mỹ) khuyên rằng nếu định ngừng uống cà phê, bạn nên giảm dần lượng uống trong vài ngày để tránh các triệu chứng sốc đột ngột như sương mù não và đau đầu. 

Bạn có thể chuyển sang một số loại cà phê không chứa caffeine hoặc trà thảo dược. Khi bạn không còn uống cà phê, các triệu chứng liên quan đến caffeine như tăng nhịp tim và tăng huyết áp sẽ giảm bớt.

An Yên / Vietnam Net

Cụ ông 104 tuổi tiết lộ 4 bí quyết trường thọ để tuổi cao vẫn minh mẫn, dẻo dai: Không phải tập thể dục

Cụ ông Trung Quốc có chế độ ăn lành mạnh, thanh đạm cùng nhiều thói quen tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ Đặng Thiết Đào, sinh năm 1916 là bậc thầy y học cổ truyền tại Trung Quốc. Trong hơn 80 năm sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu y tế, danh y này đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp y học phát triển của đất nước tỷ dân.

photo-1718440369017
Bác sĩ Đặng Thiết Đào

Năm 2019, bác sĩ họ Đặng qua đời, hưởng thọ 104 tuổi. Khi còn sống, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn nghe nói lưu loát, minh mẫn, bước chân vững chãi. Để có sức khỏe dẻo dai và sống thọ như vậy, Đặng Thiết Đào tuân thủ nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mỗi ngày đều kiên trì thực hiện những thói quen sau:

Chế độ ăn thanh đạm, ít gia vị

Nhiều người hỏi danh y Đặng ăn gì để sống lâu, ông trả lời rằng mình ăn tất cả các loại thực phẩm một cách cân bằng, không kiêng khem loại nào, quá nhiều hay quá ít một loại đều không có lợi.

Chế độ ăn uống của ông Đặng về cơ bản là: ăn 3 bữa một ngày và có định lượng cố định, tuân thủ mỗi bữa ăn chỉ ăn no 70% và ăn nhạt. Chế độ ăn ít gia vị muối, đường có thể ngăn ngừa huyết áp cao, bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường.

photo-1718440868019

Thực phẩm ông ăn chủ yếu là gạo, kết hợp với rau và trái cây, cùng một lượng khoai tây nhất định, yến mạch, đậu, kiều mạch. Danh y ưu tiên ăn cá, tiếp theo là thịt gà, tôm, trứng,… càng cân bằng dinh dưỡng càng tốt.

Ngoài ra, bác sĩ này còn chú ý thay đổi chế độ ăn theo mùa để có thực phẩm tươi ngon nhất, mùa hè thời tiết nóng thì ưu tiên các món giải nhiệt như mướp đắng, cháo, canh nhạt, cam quýt…

Chải tóc thường xuyên

Danh y Đặng Thiết Đào có thói quen sử dụng lược sừng để chải đầu mỗi ngày sau khi thức dậy giúp khơi thông các dây thần kinh trong đầu, thúc đẩy lưu thông tuần hoàn máu, đồng thời giúp rèn luyện sức mạnh cánh tay, phòng ngừa chứng tê cứng vai.

Ngoài ra, chải tóc còn giúp giảm triệu chứng các bệnh thần kinh yếu, đau đầu do mất ngủ, căng thẳng, cao huyết áp,…ngăn ngừa được tình trạng rụng tóc và giảm tóc bạc.

Ngồi thiền

Cụ ông 104 tuổi tiết lộ 4 bí quyết trường thọ để tuổi cao vẫn minh mẫn, dẻo dai: Không phải tập thể dục- Ảnh 3.

Đặng Thiết Đào rất coi trọng sức khỏe tinh thần nên ông duy trì thói quen thiền. Khi ngồi thiền, bác sĩ Đặng để thân thể thả lỏng, nhắm mắt tự nhiên, đầu óc không suy nghĩ, 2 tay đặt trước bụng chỉ tập hít và thở theo nhịp ổn định 30 phút mỗi ngày sẽ cải thiện chức năng phổi và hệ hô hấp.

Thiền được cho là phương pháp giúp giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung và ghi nhớ ở người cao tuổi, cải thiện chất lượng giấc ngủ và hạ huyết áp. Một đánh giá về các phương pháp điều trị được thực hiện cho hơn 3.500 người trưởng thành cho thấy được thiền đã cải thiện các triệu chứng trầm cảm.

Ngồi thiền không chỉ tốt cho tim, não, toàn bộ cơ thể mà còn có thể giúp các huyết mạch lưu thông thuận lợi hơn, tạo sức bền cho cơ thể.

Tắm kết hợp nước lạnh và nước nóng

Cụ ông 104 tuổi tiết lộ 4 bí quyết trường thọ để tuổi cao vẫn minh mẫn, dẻo dai: Không phải tập thể dục- Ảnh 4.

Bác sĩ Đặng kiên trì thói quen tắm luân phiên nước nóng và lạnh 10 phút suốt hàng chục năm. Cụ thể, vào mùa hè, ông thường tắm nước lạnh trước, sau đó sẽ tắm nước nóng, mùa đông thì ngược lại, tắm nước ấm trước sau đó sẽ tắm nước lạnh. Nhờ duy trì thói quen này nên dù tuổi cao da vị bác sĩ này vẫn có độ đàn hồi, sắc mặt hồng hào, ít dấu hiệu lão hóa hơn so với người cùng tuổi.

Người cao tuổi, bệnh nhân bị huyết áp cao, khi mới bắt đầu tắm phải chú ý đến nhiệt độ nước không được chênh lệch quá lớn với thân nhiệt, phải đợi cho đến khi cơ thể thích nghi thì có thể tăng hay giảm nhiệt độ.

Kim Linh / Đời sống Pháp luật

Sở hữu cảng biển sâu nhất Việt Nam, lớn top 7 thế giới, thị xã ở tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sắp ‘hóa rồng’

Tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ chuẩn bị có thêm thành phố thứ 3, là thị xã sở hữu cảng biển sâu nhất Việt Nam, quy mô hoạt động top 7 thế giới.

Hoàn thành Đề án thành lập Thành phố Phú Mỹ

Mới đây Phòng Quản lý đô thị UBND Thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, việc xây dựng dự thảo Đề án thành lập TP Phú Mỹ và các phường thuộc TP Phú Mỹ đến nay đã hoàn thành 19/19 hạng mục.

UBND thị xã cũng hoàn thiện hồ sơ phân loại đô thị song song với thời gian xây dựng dự thảo đề án; đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ kèm theo làm cơ sở pháp lý trình các cấp phê duyệt đề án như: Chương trình phát triển đô thị Phú Mỹ; lập quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) các xã dự kiến thành lập phường…

Sở hữu cảng biển sâu nhất Việt Nam, lớn top 7 thế giới, thị xã ở tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sắp 'hóa rồng'- Ảnh 1.
Thị xã Phú Mỹ nhìn từ trên cao. Ảnh: Kinh tế môi trường

Theo đề án, thành phố mới sẽ được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc TX.Phú Mỹ. Phương án thành lập các phường thuộc TP Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gồm: thành lập phường Tóc Tiên trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và 6 ấp của xã Tóc Tiên.

Thành lập phường Tân Hòa trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và 4 thôn của xã Tân Hòa. Thành lập phường Tân Hải trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và 5 thôn của xã Tân Hải và thành lập TP Phú Mỹ trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc của TX. Phú Mỹ.

Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông báo, có 120.501 cử tri tán thành chủ trương thành lập thành phố Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đạt tỷ lệ 99,56% so với tổng số cử tri (121.037 người) và đạt tỷ lệ 99,89% so với tổng số cử tri được lấy ý kiến (120.632 người).

Sở hữu cảng biển sâu nhất Việt Nam, lớn top 7 thế giới, thị xã ở tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sắp 'hóa rồng'- Ảnh 2.
Thành phố Phú Mỹ tương lai. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Với diện tích khoảng 334 ha, thị xã Phú Mỹ nằm dọc theo quốc lộ 51, cách TP.HCM khoảng 60 km, cách TP. Vũng Tàu khoảng 40 km và TP. Bà Rịa khoảng 20 km. Từ thị xã đến sân bay quốc tế Long Thành (đang xây dựng tại huyện Long Thành, Đồng Nai) trong vòng 30 phút.

Theo quy hoạch đến năm 2025, thị xã Phú Mỹ trở thành đô thị cảng biển, là trung tâm công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp cảng biển, thương mại, dịch vụ logistics và đầu mối giao thông cảng quan trọng.

Thị xã Phú Mỹ đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng thu ngân sách năm 2022 là 30.625 tỷ đồng. Trong danh sách 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, Phú Mỹ dù là một thị xã nhưng có số thu chỉ thấp hơn 12 tỉnh dẫn đầu. Thu ngân sách của thị xã Phú Mỹ gần tương đương với tổng số thu của 11 tỉnh xếp cuối bảng.

Thành phố Phú Mỹ tương lai có gì?

Hiện tại, Thị xã Phú Mỹ đang có nhiều dự án, công trình trọng điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là công trình cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải và dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Trong tương tai, Phú Mỹ sẽ là thành phố cảng đầu tiên của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải tầm cỡ thế giới

Trong tháng 6/2024, cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải được Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) và S&P Global Market Intelligence xếp thứ 7 thế giới về chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – chỉ số hoạt động cảng container). Vị trí này trên cả Yokohama Nhật Bản (thứ 9), Hồng Kông (thứ 15), và Singapore (đứng 17). Năm ngoái, Cái Mép – Thị Vải đứng thứ 12. Như vậy, cụm cảng này đã nhảy lên 5 bậc trong vòng một năm.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang từng bước hiện thực hóa quyết tâm phát triển và hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.

Sở hữu cảng biển sâu nhất Việt Nam, lớn top 7 thế giới, thị xã ở tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sắp 'hóa rồng'- Ảnh 3.
Cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Ảnh: Bộ GTVT

Tọa lạc tại thị xã Phú Mỹ, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải nằm dọc bờ sông Thị Vải và chỉ cách TP.HCM trong vòng chưa đầy 2 giờ theo đường bộ — khoảng 60km. Cụm cảng có quy mô 934,4 ha và quỹ đất dự trữ khoảng 201 ha, chiều rộng bến cảng 600m, độ sâu mặt nước từ 14-16m. Hiện nay, 21 cảng trong cụm cảng này đều có thể đón tàu có trọng tải 200.000 tấn.

Cái Mép – Thị Vải thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, khối lượng hàng hóa và số lượng tàu vào cảng tăng nhanh, trong đó tàu có trọng tải trên 50.000 tấn chiếm 90%, hàng năm đóng góp cho ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu.

Sở hữu cảng biển sâu nhất Việt Nam, lớn top 7 thế giới, thị xã ở tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sắp 'hóa rồng'- Ảnh 4.
Diện mạo Cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải và TP Phú Mỹ của tương lai. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Trung tâm logistics Cái Mép Hạ

Cảng Cái Mép – Thị Vải là cảng biển có nhiều lợi thế khai thác với những con số ấn tượng, tọa lạc ở vị trí được xem như là thuận lợi nhất ở Đông Nam Á và có sức chứa lớn nhưng cụm cảng này vẫn chưa thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế hàng đầu, chưa thu hút được các hãng các tàu lớn vì thiếu hệ sinh thái logistics. Vì vậy, Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ ra đời.

Với tổng mức đầu tư lên đến 6,7 tỷ USD cùng với quy mô diện tích hơn 2.200ha, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành xây dựng.

Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ nằm tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ với 2 phân khu chính là Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu. Đây là dự án quan trọng cấp quốc gia, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 vào tháng 9/2020, điều chỉnh cục bộ vào tháng 4/2022.

Sở hữu cảng biển sâu nhất Việt Nam, lớn top 7 thế giới, thị xã ở tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sắp 'hóa rồng'- Ảnh 5.
Trung tâm logistics Cái Mép Hạ nằm trong cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng và kỹ thuật biển (Portcoast) đề xuất, trong giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030 đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích 891,17ha; giai đoạn 2 từ sau năm 2025 đầu tư xây dựng bến cảng Cái Mép Hạ Hạ lưu với diện tích 594,33ha.

Trung tâm này khi được hoàn thiện sẽ giúp giải quyết bài toán tối ưu hóa chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ tất cả các đầu mối giao thông, từ đường bộ, đường biển, đường sắt cho đến hàng hàng không; là trung tâm tiếp nhận, lưu trữ, sơ chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn, phân phối hàng hóa phục vụ các KCN lân cận, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng Vũng Tàu và cả khu vực cảng biển Đông Nam Bộ; là khu vực có chức năng tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa đi, đến các tỉnh thành trong cả nước và các quốc gia trên thế giới thông qua đường biển, đường thủy nội địa và đường bộ; gắn kết với khu dịch vụ hỗ trợ khác như khu kiểm tra hải quan, biên phòng, kiểm dịch, khu tài chính ngân hàng, cơ sở đào tạo logistics.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Đông Nam Bộ (1.987 km²).

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt ngày 16/12/2023 xác định mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với GRDP bình quân đầu người từ 18.000 – 18.500 USD.

Theo Thái Hà / Đời sống & pháp luật / Cafe

Công nghệ phổ biến của Mỹ khiến Trung Quốc mất 50 năm cố phát triển vẫn không thành công, tự xây dựng hơn 20 sản phẩm nhưng chưa chiếm nổi 1% thị phần nội địa

Trong khi Mỹ ngậm ngùi nhìn xe điện và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc bành trướng thì một công nghệ khác lại đang khiến cường quốc Châu Á phải cúi đầu với giấc mơ 50 năm chưa thực hiện được.

Tờ Financial Times (FT) cho biết chính phủ Trung Quốc vào tháng 3/2024 đã ban hành một văn bản hướng dẫn yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước loại bỏ việc sử dụng các thiết bị có dùng chip của Intel, AMD hoặc hệ điều hành Windows của Microsoft.

Tuy nhiên trong khi việc thay thế thiết bị dùng chip của nước ngoài là khá dễ dàng thì việc từ bỏ hệ điều hành Windows lại chẳng đơn giản như vậy. Tờ Rest of World (RoW) thậm chí khẳng định sản phẩm nhà Microsoft này là không thể thay thế trên thị trường Trung Quốc bất chấp nền kinh tế này đã có sự phát triển vượt bậc về công nghệ.

Thật vậy, Trung Quốc đã cố gắng phát triển hệ điều hành của riêng mình từ cuối thập niên 1970 nhưng cho đến nay, Windows vẫn là sản phẩm được dùng phổ biến rộng rãi nhất trên cả nước với 80% thị phần.

Thất bại mang tên Windows

Vào tháng 5/2024, Microsoft chi nhánh Trung Quốc đã tuyên bố hợp tác với tập đoàn Tencent để xây dựng nền tảng Android dành riêng cho hãng Trung Quốc này dựa trên hệ điều hành Windows.

Công nghệ phổ biến của Mỹ khiến Trung Quốc mất 50 năm cố phát triển vẫn không thành công, tự xây dựng hơn 20 sản phẩm nhưng chưa chiếm nổi 1% thị phần nội địa- Ảnh 1.

Xin được nhắc rằng Tencent nổi tiếng với phần mềm chat WeChat, tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến đang thống trị thị trường Trung Quốc, đi kèm với vô số những tính năng như gọi xe, đặt đồ ăn, mua hàng khác.

Siêu ứng dụng này thậm chí là mô hình mà Elon Musk từng hướng tới khi mua lại Twitter-X với tham vọng gây dựng một sản phẩm tương tự tại Mỹ.

Ngoài ra Tencent cũng là một trong những tập đoàn phát triển trò chơi điện tử lớn nhất thế giới, đồng thời là công ty mẹ của dịch vụ âm nhạc trực tuyến lớn nhất Trung Quốc QQ Music.

Điều trớ trêu hơn nữa là chính Tencent mới là doanh nghiệp tìm đến Microsoft để phát triển dự án mới trên, bất chấp quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung trong ngành công nghệ lên cao.

Theo RoW, thị phần của Windows tại Trung Quốc đã lên đến 80% và chủ yếu dùng cho văn phòng, công nghiệp. Bởi vậy việc chính quyền Bắc Kinh cố gắng loại bỏ hệ điều hành nhà Microsoft khỏi cơ quan hành chính công hầu như chẳng tác động mấy đến hãng.

Trên thế giới, thị phần của Windows vào khoảng 74% trong khi MacOD của Apple chiếm khoảng 15%. Ngoài ra hệ điều hành Linux, vốn là nền tảng cho nhiều hệ điều hành nội địa của Trung Quốc phát triển, cũng chỉ chiếm phần nhỏ còn lại.

Thậm chí sức mạnh của Microsoft lớn đến nỗi không có nhiều tập đoàn tại Trung Quốc muốn thách thức vị thế của hãng này trong mảng hệ điều hành. Do quá chú ý đến mảng điện thoại, thương mại điện tử nên các doanh nghiệp công nghệ lớn của Trung Quốc không muốn tốn chi phí đầu tư để đối đầu với một ông lớn Phương Tây.

Nói đơn giản hơn, nếu bạn sản xuất một sản phẩm cho máy tính ở Trung Quốc thì tốt nhất nó phải thích nghi được với hệ điều hành Windows.

Tờ RoW nhận định đây là một sự thất bại nho nhỏ với Trung Quốc khi vẫn phải phụ thuộc vào một công nghệ phổ biến của Phương Tây suốt 50 năm qua.

Công nghệ phổ biến của Mỹ khiến Trung Quốc mất 50 năm cố phát triển vẫn không thành công, tự xây dựng hơn 20 sản phẩm nhưng chưa chiếm nổi 1% thị phần nội địa- Ảnh 2.
Hệ điều hành Windows chiếm phần lớn thị phần Trung Quốc

Chưa đến 1%

“Thị trường hệ điều hành của chúng ta đang bị thống trị bởi các tập đoàn Mỹ như Microsoft, Google và Apple. Để tránh tình trạng bị bắt chẹt, việc phát triển một hệ điều hành nội địa là điều bắt buộc”, hãng thông tấn nhà nước Xinhua News Agency cho hay.

Năm 2023,, chính quyền Bắc Kinh đã cho ra mắt mã nguồn mở hệ điều hành mang tên OpenKylin nhằm khuyến khích phát triển sản phẩm nội địa thay vì phụ thuộc vào Windows. Thế nhưng cho đến hiện tại, mã nguồn mở này không nổi tiếng và chỉ phổ biến ngang Linux, trong khi hệ điều hành Windows vẫn là thứ không thể thay thế trong xã hội Trung Quốc.

Thậm chí khi nước này cấm các cơ quan chính phủ dùng thiết bị có chip nước ngoài và hệ điều hành Windows thì theo FT, một số cơ quan vẫn được đặc cách sử dụng sản phẩm của Microsoft vì tính không thể thay thế của chúng.

“Sản phẩm nội địa chỉ chiếm chưa đến 1% thị trường hệ điều hành cho máy tính và điện thoại tại Trung Quốc”, báo cáo của hãng Dongxing Securities nêu rõ.

Công nghệ phổ biến của Mỹ khiến Trung Quốc mất 50 năm cố phát triển vẫn không thành công, tự xây dựng hơn 20 sản phẩm nhưng chưa chiếm nổi 1% thị phần nội địa- Ảnh 3.

Điều này được đánh giá tương tự như mảng xe điện và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Dù Mỹ gia tăng hàng rào thuế quan và nhiều lệnh cấm với 2 sản phẩm này nhưng Washington hiểu rất rõ rằng nếu không tốn hàng thập niên và hàng nghìn tỷ USD thì khó có thể so găng được với Trung Quốc.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra với Windows của Microsoft tại Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh hiểu rất rõ mối nguy hiểm tiềm tàng của sản phẩm này nhất là từ sau năm 2013 khi Edward Snowden, cựu đặc vụ của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), không bao giờ dùng thiết bị có hệ điều hành Windows khi phản bội và tiết lộ thông tin mật.

Năm 2017, mối lo về hiểm họa tiết lộ thông tin của hệ điều hành Windows đã buộc chính quyền Bắc Kinh yêu cầu Microsoft phải hợp tác với một công ty quốc doanh, qua đó tiết lộ công nghệ để thiết kế hệ điều hành “Windows 10 CMIT” dành riêng cho chính phủ.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, các kỹ sư Trung Quốc khó có thể kiểm tra toàn diện mã code Windows 10 CMIT vì độ phức tạp của sản phẩm.

50 năm một ước mơ

Trên thực tế không riêng gì Trung Quốc, hàng loạt quốc gia từ Nga, Đức cho đến Hàn Quốc đều đã cố gắng phát triển hệ điều hành của riêng mình nhưng cho đến nay đều chưa thể thành công thay thế được Windows.

Tại Trung Quốc, nỗ lực xây dựng hệ điều hành riêng đã bắt đầu từ cuối thập niên 1970 theo hướng hệ điều hành Unix. Dự án này chính thức trở thành nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch 5 năm vào năm 1992 của Trung Quốc.

Thế nhưng đã 30 năm trôi qua và dự án này hầu như chưa có thành công gì nổi trội.

Công nghệ phổ biến của Mỹ khiến Trung Quốc mất 50 năm cố phát triển vẫn không thành công, tự xây dựng hơn 20 sản phẩm nhưng chưa chiếm nổi 1% thị phần nội địa- Ảnh 4.
Hệ điều hành OpenKylin do Trung Quốc tự phát triển

Trung Quốc đã xây dựng được hơn 20 hệ điều hành trong nhiều năm qua, một số được dùng cho quân đội và chính phủ, nhưng hầu hết đều không gây được tiếng vang trên thị trường tiêu dùng.

Nguyên nhân chính của vấn đề nằm ở việc Trung Quốc không có một hệ sinh thái phát triển hệ điều hành, khiến nhiều nhà phát triển từ chối vận hành trên hệ điều hành nội địa mới. Các doanh nghiệp không muốn tốn thêm chi phí phát triển sản phẩm tương thích với một hệ điều hành ngoài Windows trong khi chúng không phổ biến trên thị trường.

Hậu quả là sản phẩm mới ra đời không được thử nghiệm và sử dụng rộng rãi, không được cập nhật vá các lỗi ẩn và không được nhiều người tin dùng, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Thậm chí Tổng giám đốc LiuXinhuan của Tongxin Software Technology còn cho rằng Trung Quốc có thể phải mất tới 10 năm mới có thể phát triển một hệ thống sinh thái hệ điều hành đủ lớn để cạnh tranh nổi với Mỹ.

*Nguồn: FT, SCMP, RoW / Băng Băng / An Ninh Tiền Tệ / Cafe Vn