Thành tựu đối ngoại của Trump có thể khiến chúng ta ngạc nhiên

Dù muốn hay không, Mỹ có một vị tổng thống với quyền lực to lớn, và trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Donald Trump đã sử dụng quyền lực đó trên trường quốc tế một cách đầy hứng thú. Giống như trong nhiều lĩnh vực khác, ông không sử dụng cách tiếp cận thông thường đối với các mối quan hệ toàn cầu. Nhưng có lẽ, giống như Richard Nixon và George H.W. Bush, Trump thích can dự vào chính sách đối ngoại.

Đúng là phong cách chính trị đặc biệt của Trump có phần khiêu khích, nhưng nó cũng hiệu quả. Cách tiếp cận của Trump đối với vị thế của Mỹ trên thế giới hoặc là thực dụng, hoặc là khó đoán, hoặc cả hai, và nó có thể mang lại những cơ hội hòa bình đáng ngạc nhiên.

Nếu Trump trở lại Phòng Bầu dục, ông có thể khiến mọi người bất ngờ với hành động cuối cùng của mình, theo đó gợi lên những điểm tương đồng, về tính khó đoán và biến động, với Nixon và chính sách đối ngoại “kẻ điên” (madman) của ông.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, thành tựu của Trump trong lĩnh vực đối ngoại nhìn chung bị đánh giá thấp. Đối với một “kẻ điên,” ông đã đạt những thành tựu thực sự: không có cuộc chiến nước ngoài mới nào; Hiệp định Abraham giữa Israel và một số quốc gia theo dòng Sunni – mà nhiều chuyên gia về lĩnh vực này cho là không thể xảy ra – đã được ký kết; sự tập trung vào Trung Quốc hiện đang nhận được sự đồng thuận từ cả hai đảng; các đồng minh đã bị cảnh báo rằng họ cần phải đóng góp nhiều hơn mức tượng trưng cho chính việc phòng thủ của mình.

Trừ khi bối cảnh toàn cầu đột ngột thay đổi, nếu trở lại Phòng Bầu dục, Trump sẽ phải đối mặt với đủ loại khủng hoảng nước ngoài – đặc biệt là các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông – mà ông hầu như đã tránh được trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Nhưng hoàn cảnh chắc chắn sẽ không thay đổi cách Trump quản lý công việc đối ngoại. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông có thể là kẻ thù không đội trời chung của giới cầm quyền và những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ trong Đảng Cộng hòa vào thứ Hai (như trong những lần ông tương tác với Kim Jong Un và các nhà lãnh đạo NATO). Rồi sau đó, vào thứ Ba, ông lại trở thành mũi nhọn của quyền lực Mỹ (như trong cuộc không kích năm 2020 ở Baghdad, vốn đã giết chết Qassim Suleimani).

Trong nhiệm kỳ thứ hai, Trump có lẽ sẽ không tập hợp một nội các cánh hữu gồm các giám đốc điều hành công ty dầu mỏ. Thay vào đó, ông sẽ được hướng dẫn bởi một nhóm nhân vật mới đến từ giới cầm quyền hoặc những người theo chủ nghĩa thực dụng, cũng như một nhóm cố vấn cánh hữu mới, những người muốn có một sự biến động sâu rộng hơn trong chính sách đối ngoại, những người đang tự hỏi rằng, với sự chán nản ngày càng tăng đối với tình trạng văn hóa Mỹ, liệu một kẻ thù kiểu Chiến tranh Lạnh mới, chẳng hạn như Trung Quốc, có thể giúp thống nhất dân chúng hay không.

Các thành viên của nhóm cánh hữu mới này đang ngày càng bất đồng quan điểm nội bộ, đặc biệt là về việc họ nên đi xa đến mức nào với Trung Quốc và chính sách đối ngoại bảo thủ nên trùng hợp với chính sách của Israel đến mức nào.

Trong số những người theo chủ nghĩa thực dụng mới, người kế nhiệm John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia, Robert O’Brien, gần như chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, có thể là bộ trưởng quốc phòng hoặc bộ trưởng ngoại giao.

O’Brien là một luật sư kín tiếng nhưng đầy quyền lực đến từ Bờ Tây. (Một điểm tương đồng khác trong quan hệ Trump-Nixon: Năm 2022, O’Brien được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng quản trị của Quỹ Richard Nixon.) Ông tự gọi mình là thành viên phe Cộng hòa kiểu Reagan và sẽ dễ dàng được Thượng viện xác nhận.

Nhóm này cũng có thể bao gồm cựu quyền giám đốc tình báo quốc gia Richard Grenell, người từng là đại sứ của Trump tại Đức từ năm 2018 đến năm 2020. Là đồng minh của O’Brien, Grenell theo đuổi phong cách chính trị đối ngoại hung hăng vốn là đặc trưng cho nhiệm kỳ đầy biến động của ông ở Berlin. Tuy nhiên, phong cách này lại phù hợp với cách tiếp cận ngoại giao theo kiểu đàm phán của Trump.

Ngoài những nhà lý luận cứng nhắc và những người thực dụng, còn có những kẻ cuồng tín cực kỳ khó đoán, mà nổi bật là Steve Bannon và đại tá đã nghỉ hưu Douglas Macgregor, một anh hùng của phe cánh hữu mới, người đã được những người trung thành với Trump ở Lầu Năm Góc đưa lên nắm quyền trong sự hỗn loạn của quá trình chuyển giao hồi năm 2020-2021 với mục đích rút quân nhanh chóng khỏi Afghanistan.

Nhóm này sẽ đề xuất một tầm nhìn – ít bị chi phối bởi ý thức hệ, nhưng khoan dung với chủ nghĩa cấp tiến – phù hợp với cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Trump, vốn ủng hộ sự kết hợp giữa tránh xa rắc rối và tham gia vào các cuộc xung đột một cách dứt khoát và nhanh chóng. Những nhân vật kỳ cựu ở Washington thường cảm thấy bối rối trước ý kiến cho rằng Trump thực sự có tầm nhìn riêng về chính sách đối ngoại. Cách tiếp cận của ông đã khiến những người như Bolton bối rối và chỉ trích Trump vì nhìn “mọi thứ trên cơ sở giao dịch tạm thời.”

Nhưng Trump thích có hai danh tính cùng một lúc: mối đe dọa và nhà đàm phán. Như ông đã thể hiện trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí Time, ông thực sự hiểu cách quản lý nhóm của mình trong các cuộc đàm phán. Ví dụ, ông nói trong cuộc phỏng vấn rằng Bolton “có một vai trò nhất định” bởi vì “mỗi khi ông ấy bước vào phòng, mọi người đều nghĩ rằng chúng ta sắp tham chiến.”

Điều này một lần nữa cho thấy sự tương đồng với chính quyền Nixon. Một trong những quyết định đầu tiên của Nixon tại Nhà Trắng là đưa Henry Kissinger lên làm cố vấn an ninh quốc gia. Ngay cả Kissinger – một giáo sư Harvard từng tư vấn cho Nelson Rockefeller, một đối thủ của Nixon – cũng ngạc nhiên trước quyết định này.

Tuy nhiên, Kissinger đã giúp cân bằng lập trường Chiến tranh Lạnh chống Cộng cứng rắn của Nixon và khiến các đồng minh cũng như kẻ thù chỉ có thể đoán mò về ý định thực sự của tổng thống. Chiến thuật khó lường của Nixon đã làm tăng độ tin cậy cho những lời đe dọa của ông. Ngày nay, ông thường được nhớ đến vì cân bằng quyền lực, vì chính trị thực dụng, và vì đã chấm dứt sự can dự của Mỹ vào Việt Nam, nhưng ông còn được nhớ đến nhiều hơn vì đã mở ra quan hệ với Trung Quốc Cộng sản.

Đích thân Nixon đã tới Bắc Kinh. Vậy thì việc Trump tới Beirut hay thậm chí là Tehran có còn khó tin không?

Cũng có thể áp dụng cách tiếp cận hai danh tính cùng một lúc của Trump cho nhiều điểm nóng khác. Lấy ví dụ là Israel. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Trump nhắc lại rằng ông sẽ “bảo vệ Israel” nếu chiến tranh nổ ra với Iran, nhưng cũng nói rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu “đáng bị chỉ trích vì những gì đã diễn ra vào ngày 7/10.”

Ông nói rằng nhà nước Do Thái cần “hoàn thành công việc” ở Gaza, nhưng cũng kết luận rằng Israel đã thua trong cuộc chiến quan hệ công chúng. Bạn có thể tưởng tượng Trump, với tư cách là Tổng thống Mỹ, hết lòng ủng hộ Israel trong chiến dịch quân sự ở Gaza. Nhưng bạn cũng có thể tưởng tượng rằng ông sẽ chống lại Netanyahu bằng những lời lẽ gay gắt hơn nhiều so với Tổng thống Biden, có lẽ là để theo đuổi một lệnh ngừng bắn.

Một ví dụ khác là những phát biểu của Trump về Nga và NATO. Mùa đông năm ngoái, Trump đã gây phẫn nộ khi tuyên bố rằng ông sẵn sàng để Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” đối với những thành viên NATO không chi đủ cho quốc phòng của họ.

Trong cuộc phỏng vấn với Time, Trump nói về phát biểu trước đó của mình “Khi tôi nói những điều như vậy, nó là một điểm trong cuộc đàm phán.”

Những lời chỉ trích xoay quanh bình luận về NATO và Nga của ông giả định rằng Trump, một nhà đàm phán, sẽ đơn giản loại bỏ đòn bẩy lớn nhất của mình (tư cách thành viên NATO). Ấn tượng toàn cầu về việc Trump là con tốt trong tay Vladimir Putin – hay việc ông ngưỡng mộ những kẻ chuyên quyền như Kim Jong Un – chỉ khuyến khích Trump gây bất ngờ theo hướng khác.

Trong nhiệm kỳ thứ hai, cũng có một lời hứa rằng Trump cuối cùng sẽ chứng minh các nhà kỹ trị và quan chức ở Washington – những chuyên gia mà ông đã sa thải và coi thường, các nhà tài chính uy tín đã chế nhạo ông, và các luật sư đã cố gắng bỏ tù ông – đã sai.

Hãy xem khả năng Trump giành chiến thắng vào tháng 11 đã truyền cảm hứng thế nào trong những tuần gần đây: Pháp đang đảm nhận vai trò quốc phòng độc lập ở châu Âu và những lời đề nghị của Israel trong các cuộc đàm phán với Hamas đã dần trở nên hợp lý hơn.

Nếu Trump giành chiến thắng vào tháng 11, ông gần như chắc chắn sẽ xem cách thức làm việc và khả năng đảm nhận hai vị trí cùng lúc của mình là minh chứng cho sự đúng đắn của cả cuộc đời ông. Sự bất định đi kèm với phong cách của ông một lần nữa có thể mang lại cho ông quyền lực đối với quyền lực cứng và mềm của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.

Biết đâu Trump có thể tiếp tục gây bất ngờ và đạt được điều mà Nixon mong muốn. Bia mộ của Nixon ở Yorba Linda, California, có khắc một dòng chữ trong diễn văn nhậm chức đầu tiên của ông: “Vinh dự vĩ đại nhất mà lịch sử có thể ban tặng là danh hiệu người kiến tạo hòa bình.”

Curt Mills là giám đốc điều hành của The American Conservative.

Nguồn: Curt Mills, “What Trump Could Do in Foreign Policy Might Surprise the World,” New York Times, 13/05/2024 / Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bình luận về bài viết này