Nhà phố đậm chất Nam Bộ tại Cần Thơ

Ngôi nhà nằm trên trục đường chính của thành phố Cần Thơ. Đây là nơi ở của gia đình ba thế hệ, mang đậm chất phong cách Nam Bộ.

“Sự phát triển nhanh chóng của đô thị hoá, các thế hệ trẻ dần quên đi nguồn cội. Chúng lớn lên trong môi trường vật chất, xa lạ với những nét văn hoá truyền thống”, đó là những trăn trở của chủ nhà để kiến trúc sư làm đề bài tạo nên một không gian sống đậm chất văn hoá Việt.

Ngôi nhà phong cách truyền thống tại trung tâm thành phố.

Ngôi nhà hướng Đông Nam. Với chiều dài lớn của mảnh đất là lợi thế cho các kiến trúc sư thiết kế từng không gian riêng theo thứ tự: nơi kinh doanh, sân trong, phòng khách, khu vực bếp, sân phụ và phòng ngủ. Phòng thờ, phòng làm việc và phòng ngủ khác được bố trí ở tầng 2. 

Ngôi nhà gồm 3 khối liên kết với nhau.

Mỗi không gian được kiến trúc sư thiết kế mang đậm phong cách của từng thế hệ. Bốn khối nhà liên kết với nhau bằng những khu vườn nhỏ và mái hiên.

Mái ngói đỏ truyền thống. 

Nhìn từ trên cao xuống, các không gian sống tách biệt nhau như những ngôi nhà liên tiếp trong kiến trúc của người Tây Nam Bộ. Khoảng không gian giữa các khối nhà giúp tạo ra dòng lưu thông của gió, giảm tiếng ồn.

Lối đi trong nhà có cây xanh.
Các phòng chức năng cách nhau bởi 1 khu vườn.
Phòng khách phong cách mộc mạc.
Không gian phòng ngủ thoáng.
Các phòng đều có cửa sổ thoáng.
Khu vực bàn ăn.
Ngôi nhà nhìn từ trên cao xuống.

(Theo Archidaily)

Vẻ đẹp văn chương của Vladimir Nabokov

Vẻ đẹp Nga quá vãng qua nhãn quan tràn đầy lòng trắc ẩn, nuối tiếc của Nabokov. Khép sách lại, là một giọt nước mắt lăn xuống cho thân phận những người Nga tha hương.

Tôi đã ngần ngại đọc “Mỹ nhân Nga” (Thiên Lương dịch, NXB Văn học ấn hành) bởi lẽ, hồi ức khi đọc “Lolita” (Dương Tường dịch, NXB Hội Nhà văn xuất bản 2015) trong tôi là khó nhằn và ám ảnh. Nabokov luôn kìm độc giả đọc chậm, đọc kỹ, nhẩn nha. Sách không dành cho người đọc vội, đọc lướt, cũng không dành cho ai đang mệt mỏi, trầm uất, vì có khi nó khiến người ta xuống tinh thần hơn. Sách dành cho ai thật cân bằng, tĩnh tại, vì đọc Nabokov vừa là để thưởng thức vừa là để luyện trí não vừa là để tìm kiếm cái đẹp của văn chương.

Nhà văn Vladimir Nabokov

“Phù thủy ngôn từ”

Nabokov là nhà văn chú trọng đến ngôn ngữ miêu tả. Từ ngữ như khắc, như chạm, kiệm lời nhưng có hồn, như nhảy múa, ca hát, như gợi trước mắt chúng ta. Tôi thích nhất cách Nabokov miêu tả thiên nhiên, khung cảnh, không gian, cảnh vật,…

Tôi đọc đi đọc lại những đoạn miêu tả mà mình nghĩ chỉ có cỡ Nabokov mới có thể viết được như đoạn tả buổi đêm trong “Lá thư đến nước Nga”, đoạn này gợi tôi nhớ đến “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Đoạn tả toa tàu trong truyện ngắn “Mối tình đầu” đẹp như cổ tích, đoạn tả buổi sáng ở biển trong truyện “Cuộc ẩu đả” chan hòa ánh nắng với “dòng nước tuôn như cái quạt bạc mềm dẻo từ ống cao su lấp lánh, lúc bay về phía mặt trời, lúc lại uyển chuyển sà xuống các bụi cây run rẩy”; “mây hè trôi thành đoàn hành hương bồng bềnh – những đám mây hình lạc đà, những đám mây hình túp lều. Mặt trời cố luồn qua giữa chúng, song chúng phủ các rìa sáng lòa lên nó, không trung tắt dần, rồi ánh hào quang lại chín mọng”,… rất nhiều đoạn miêu tả khiến ta phải đọc chậm, trầm ngâm, tưởng tượng trước mặt mình khung cảnh ấy. Nabokov là nhà văn được mệnh danh “phù thủy ngôn từ”, với quan niệm “chữ được ban cho quyền lực cao cả để sáng tạo…” (Hành khách, tr.119).

Vẻ đẹp của lòng trắc ẩn

Khi đọc “Lolita”, nhiều người phân vân về tính nhân văn của tiểu thuyết, họ đặt câu hỏi tại sao Nabokov lại miêu tả kỹ lưỡng chân dung một nhân vật bệnh hoạn đến thế, có khá nhiều độc giả đã dị ứng và bài xích Nabokov. Nhưng đến tập truyện ngắn này, 100% độc giả sẽ thấy Nabokov rất nhân văn. Ông rất hay miêu tả những con người vô danh, lầm than, cùng quẫn như chàng làm thuê, cô gái điếm, những người bị tật nguyền, khiếm khuyết thể xác hoặc tinh thần,…

Tập truyện “A Russian Beauty” (Vẻ đẹp Nga)

Nabokov dành cảm tình đặc biệt cho người già. Hơn một nửa số truyện trong tập này kể về những người Nga lưu vong già nua sống âm thầm ở châu Âu một cách mòn mỏi, lê lết, hoài nhớ về cố quốc trong những chuỗi ngày chán chường, buồn bã, vô vị. Cách miêu tả những chi tiết vặt vãnh để minh họa cho chủ đề “con người nhỏ bé” đó của Nabokov trong trường hợp này đạt hiệu quả đặc biệt, “chẳng lẽ không phải mỗi nhà văn đều chính là kẻ vẫn bận tâm với những thứ vặt vãnh đó sao?”(Hành khách, tr.113). Thủ pháp “miêu tả các vật thể bình thường”(Cẩm nang du ngoạn Berlin, tr.65) của Nabokov nổi bật như một đặc trưng nghệ thuật của ông, ví dụ ông có thể tả cái tất chân, tả vết tàn nhang, cái mũi nhọn, cái máy trợ thính,… đều mang tính cụ thể để khái quát cá tính nhân vật.

Vẻ đẹp nhân hậu và trắc ẩn của Nabokov mềm mại đến nỗi khiến độc giả yêu thương luôn các nhân vật của ông, sợ chẳng may kết thúc làm đau nhân vật của mình. Ví dụ như câu chuyện về kết thúc cuộc đời của cô gái xinh đẹp quý tộc Nga (Mỹ nhân Nga), cách báo tin về cái chết của cậu con trai cho người mẹ (Báo tin), số phận của chàng trai bị thiểu năng (Dấu hiệu và biểu hiện), cuộc đời lang thang của hai anh em song sinh dính liền (Cảnh đời một quái vật kép),…

Nabokov thường chọn kết thúc lửng lơ, nửa chừng theo cách “đem lại ấn tượng bất ngờ bằng cách kết thúc tự nhiên nhất” (Hành khách, tr.119). Lạ thay, kết thúc này không làm độc giả hụt hẫng mà thở phào vì đỡ chứng kiến sự đau đớn có thể tưởng tượng nếu kết thúc đi đến tận cùng.

Nuối tiếc quá vãng

Nabokov tự nhận mình là “nhà văn tha hương” (Lá thư đến nước Nga, tr.42). Gần hết 17 truyện ngắn trong tập truyện đều bàng bạc dấu vết Nga. Hồi ức Nga đậm đặc trong từng chữ, câu, suy nghĩ của nhân vật: thuốc lá Nga, quý tộc Nga, mỹ nhân Nga, các ngày lễ kiểu Nga, thậm chí đến cả cách cắt tóc của thợ cạo Nga,…

Sinh ra ở Petersburg, Nabokov thường xuyên nhắc đến thành phố tuyệt đẹp này với những ký ức không thể nào quên như đại lộ Nevski chẳng hạn. Không mang màu sắc hận thù, dè bỉu, chỉ có nỗi nhớ quay quắt về nước Nga như truyện “Ma Cây”, “Lá thư đến nước Nga”, “Mối tình đầu”, “Mưa Phục sinh”, “Mỹ nhân Nga”, “Dao cạo”,…

Lấy tựa truyện “A Russian Beauty” (Vẻ đẹp Nga) làm tựa chung cho cả tập truyện, mặc dù truyện được dịch là “Mỹ nhân Nga” vì nhân vật chính là một cô gái quý tộc Nga xinh đẹp, tôi có cảm giác dịch giả có lẽ cũng muốn nói đến chủ đề chung của tập truyện này: Vẻ đẹp Nga quá vãng qua nhãn quan tràn đầy lòng trắc ẩn, nuối tiếc của Nabokov. Khép sách lại, là một giọt nước mắt lăn xuống cho thân phận những người Nga tha hương.

TRẦN LÊ HOA TRANH / Văn học Saigon

Trên thế gian, điều gì đáng sợ nhất?

Trong cuộc sống đầy rẫy biến động, có biết bao nhiêu điều khiến con người cảm thấy bất an. Có khi nào bạn tự hỏi rằng điều gì làm mình lo sợ nhất chưa? Hãy đọc mẩu chuyện dưới đây, biết đâu bạn tìm được câu trả lời.

Tại một thiền quán trên đỉnh núi cao, cách khá xa thị trấn có một lão hòa thượng ẩn tu. Ông rất ít khi thu nhận đệ tử, chỉ nhận một tiểu hòa thượng bị cha mẹ bỏ rơi dưới chân núi từ lúc mới sinh ra.

Một hôm, lão hòa thượng quan sát thấy tiểu hòa thượng đang ngồi trầm tư, dường như suy nghĩ mông lung về một điều gì đó. Lão hòa thượng cất tiếng hỏi: “Con đang lo nghĩ điều gì mà nhìn vẻ mặt bất an như vậy?”.

Tiểu hoà thượng liền thưa: “Sư phụ, con đang nghĩ không biết con người sợ nhất điều gì vậy?”. “Con cho đó là điều gì?”, lão hoà thượng vừa cười vừa hỏi lại đệ tử.

– Sự cô đơn phải không ạ? Không đúng.

– Vậy thì là sự hiểu nhầm? Cũng không đúng.

– Tuyệt vọng? Chưa đúng.

Cứ như vậy, tiểu hoà thượng đưa ra hơn chục đáp án, nhưng lão hoà thượng đều chỉ lắc đầu. “Vậy thưa thầy đó là điều gì ạ?”, tiểu hoà thượng nóng lòng muốn biết đáp án. Lão hoà thượng từ tốn đáp: “Đó chính là bản thân con!”.

“Bản thân con?“, tiểu hoà thượng ngẩng đầu, mở to mắt dường như đã minh bạch ra điều gì đó, nhưng lại mơ hồ như không hiểu chuyện gì, nhìn sư phụ mong được điểm hoá.

Lão hoà thượng cười đáp: “Kỳ thực tất cả những gì con vừa nói, cô đơn, hiểu nhầm, tuyệt vọng… tất cả đều là sự phản ánh thế giới nội tâm của con, đều là cảm giác trong lòng con. Con tự nói với chính mình: Những điều này thật đáng sợ, mình không thể chịu đựng được, như vậy chính là con đang thực sự sợ. Đồng thời, giả sử nói với bản thân mình: Không có gì đáng sợ cả, chỉ cần đối diện với nó một cách tích cực, mình sẽ chiến thắng tất cả. Vậy thì sẽ chẳng có gì đáng sợ nữa cả, hà tất phải khổ sở chấp nhất vào những huyễn tượng đó? Một người mà ngay cả bản thân mình cũng không sợ, vậy thì còn có điều gì đáng sợ hơn nữa? Cho nên, điều khiến con người sợ nhất không phải là những suy nghĩ kia mà là chính là bản thân mình”.

Tiểu hoà thượng nghe xong bừng ngộ. Hoá ra, tâm tịnh mưa cũng ngừng, tâm khởi thì bão bùng ùa đến.

Có lẽ chúng ta không thể cải biến kiếp nhân sinh, nhưng tối thiểu có thể cải biến nhân sinh quan của mình.

Có lẽ chúng ta không thể cải biến được hướng đi, nhưng tối thiểu có thể cải đổi được cánh buồm.

Có lẽ chúng ta không thể cải biến được những việc xung quanh, nhưng tối thiểu có thể cải biến được tâm thái của chính mình.

Kẻ thù lớn nhất của con người không phải là người khác, mà chính là bản thân mình. Chúng ta thường sợ hãi những điều chưa từng thực sự đối diện chúng. Nỗi sợ hãi ấy hình thành rồi bị thổi phồng lên chỉ thông qua tưởng tượng, qua sự ám ảnh nội tâm của mình mà thôi.

Khi Franklin D. Roosevelt nói rằng: “Nỗi sợ duy nhất mà chúng ta cần lo sợ chính là sợ chính nó”, có thể thấy nỗi sợ hãi mơ hồ đã khiến nhiều người chìm trong u tối. Ví như có rất nhiều người sợ ma quỷ, nhưng có một điều là những ma quỷ đó đều là tự bản thân họ suy nghĩ sinh ra.

Đánh bại chúng ta thường không phải là người khác, cũng chẳng phải hoàn cảnh, mà là trái tim mềm yếu của chính mình. Khi bạn tự mình vượt qua được bóng tối của sự sợ hãi, cả một bầu trời cơ hội mới sẽ mở rộng cửa chào đón bạn.

An nhiên / Vạn điều hay

Bảng xếp hạng IQ cao nhất thế giới năm 2023: Châu Á vẫn chiếm ưu thế, Việt Nam có còn trong top 10?

Thống kê về chỉ số IQ của các quốc gia trên thế giới năm 2023 đã cho thấy sự thay đổi đáng kinh ngạc so với năm 2022.

Mới đây, Tổ chức kiểm tra trí thông minh Phần Lan Wiqtcom đã chính thức công bố bảng xếp hạng Chỉ số thông minh (IQ) trên toàn thế giới cho năm 2023. Theo đó, trong số 109 quốc gia tham gia bảng xếp hạng, 10 vị trí đầu tiên nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Theo đó, theo danh sách Top 10 quốc gia có chỉ số IQ trung bình cao nhất thế giới, quốc gia giữ vị trí số 1 vào năm 2022 là Đài Loan đã bất ngờ tụt xuống vị trí thứ 3 với chỉ số 111,09, sau khi bị hai quốc gia là Nhật Bản và Hungary vượt mặt với chỉ số IQ trung bình lần lượt là 112,33 và 111,12. 

photo-1

Top 10 quốc gia trong bảng xếp hạng IQ 2023 do Wiqtcom công bố. (Ảnh:Wiqtcom)

Theo Wiqtcom, các vị trí thứ 4 đến thứ 10 lần lượt là các quốc gia là Hàn Quốc (110.84), Ý (110.67), Serbia (110.28), Iran (110.15), Hồng Kông (110.14), Phần Lan (109.28) và Việt Nam (108.44). 

So với bảng xếp hạng chỉ số IQ trung bình được Wiqtcom công bố vào năm ngoái, các quốc gia trong top 10 đều không thay đổi mà chỉ có sự dịch chuyển nhẹ về vị trí. Đáng chú ý, chỉ số IQ trung bình của Việt Nam có phần giảm nhẹ so với năm 2022, khiến Việt Nam tụt 1 bậc từ vị trí thứ 9 xuống vị trí thứ 10. Tuy nhiên, với việc sở hữu 6/10 vị trí trên bảng xếp hạng, châu Á vẫn là khu vực sở hữu chỉ số IQ trung bình khá cao trên thế giới.

Bên cạnh đó, Wiqtcom cũng nhấn mạnh, đây là chỉ kết quả mang tính chất tham khảo vì chỉ dựa vào thống kê đơn thuần nên kết quả có thể không phản ánh đúng chỉ số IQ trung bình thực sự của một quốc gia bởi không phải người dân nước nào cũng làm bài kiểm tra IQ này.

Wiqtcom được biết đến làTrang web kiểm tra IQ thế giới tại Phần Lan. Kể từ năm 2019, trang web này đã tiến hành các cuộc kiểm tra trí thông minh trên khắp thế giới.

Theo đó, các bài kiểm tra IQ được thiết kế để đo lường khả năng nhận thức của một cá nhân bao gồm nhiều khía cạnh như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy trừu tượng và kiến thức chung.

Bài kiểm tra IQ của Wiqtcom được đánh giá là một thông số kỹ thuật đáng tin cậy, chính xác và không thiên vị về mặt văn hóa.

Mẫu kiểm tra IQ được lấy cụ thể trên một số người ở từng quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Sau đó, trang web kiểm tra IQ của Wiqtcom sẽ tính toán để lấy điểm trung bình trên những người tham gia để làm chỉ dấu IQ cho người dân một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ cụ thể

Nguồn: Wiqtcom, ET Today / Cafe VN

Bloomberg: Bắt nguồn từ bối cảnh Mỹ suy thoái, vì sao giấc mơ của nhóm BRICS vẫn viển vông?

Những thách thức nhằm vào vị thế của đồng USD trong hệ thống kinh tế và tài chính thế giới luôn được nhắc tới. Nhưng chưa bao giờ thành hiện thực.

Bloomberg: Bắt nguồn từ bối cảnh Mỹ suy thoái, vì sao giấc mơ của nhóm BRICS vẫn viển vông? - Ảnh 1.

Bắt nguồn khi Mỹ lâm vào suy thoái

BRIC, từ viết tắt do Jim O’Neill, cựu kinh tế trưởng của Goldman Sachs nghĩ ra vào năm 2001, đã thể hiện được bối cảnh vào thời điểm đó.

Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Sự vươn lên của Ấn Độ đang diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Nước Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất sau sự sụp đổ kinh tế thời kỳ hậu Xô Viết vào cuối những năm 1990.

Mỹ rơi vào suy thoái, sau đó là sự phục hồi chậm chạp, với niềm tin mong manh sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Nam Phi đã được thêm vào sau này, tạo thành chữ “S” trong tên nhóm.

Ra đời trong bối cảnh như vậy nhưng theo Bloomberg (Mỹ), có lẽ các quốc gia này đã chưa tận dụng được đà phát triển sau đó.

Bài viết trên hãng tin tài chính Mỹ cho rằng, động thái hiện nay nhằm hướng tới chuyển sang sử dụng đồng tiền chung bởi các quốc gia BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – sẽ không có tác động lớn.

Nếu có đồng tiền nào trong số này là nền tảng của một đơn vị tiền tệ trao đổi duy nhất, thì đó có thể là Nhân dân tệ của Trung Quốc.

Nhưng tiền lệ trong quá khứ cho thấy điều này không dễ xảy ra: 7 năm sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bổ sung đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ của mình, đồng tiền này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng dự trữ toàn cầu.

Dư luận có lẽ cũng chưa quá ấn tượng về Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), một tổ chức cho vay do 5 quốc gia trên thành lập để trở thành “đối trọng” với IMF hoặc Ngân hàng Thế giới WB.

Vì sao ý tưởng đồng tiền chung chưa thành hiện thực?

Trong tuần này, các cuộc đàm phán hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm BRICS tại Nam Phi tập trung vào những vấn đề bao gồm việc thiết lập một hệ thống thanh toán chung, bao gồm việc thành lập một ủy ban kỹ thuật để bắt đầu xem xét một loại tiền tệ chung.

Nhưng tại sao ý tưởng này đến nay vẫn được thảo luận? Đó là bởi những khó khăn mà một số trong 5 quốc gia thành viên phải đối mặt.

Nga đang bị cô lập khỏi các tổ chức kinh tế lớn và đang tăng lãi suất để ngăn chặn sự đổ vỡ của đồng Rúp.

Nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại sau nhiều thập kỷ tăng trưởng thần tốc. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Nam Phi đang phải vật lộn với việc không thực hiện được lời hứa ban đầu về những năm hậu Apartheid.

Trong khi đó, theo IMF, đồng bạc xanh vẫn giữ vị trí “độc tôn” trong dự trữ tiền tệ toàn cầu: chiếm gần 60%. Con số này giảm từ khoảng 70% vào năm 2000, nhưng vẫn cao hơn bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào.

Tiếp theo là đồng Euro, với khoảng 20%, sau đó là đồng yên và bảng Anh. Đồng nhân dân tệ có 2,6% tổng số.

Liệu sẽ đến lúc nào đó các mục tiêu của BRICS về một đồng tiền chung trở thành hiện thực? Con đường này không hề bằng phẳng. Các rào cản với BRICS là quá lớn – Bloomberg bình luận.

Theo Minh Khôi/ Cafe / Nhịp sống thị trường

Paul Krugman: Trung Quốc bên bờ vực khủng hoảng tài chính giống như năm 2008

Ngày 22/8, ông Paul Krugman, người đoạt giải Nobel về kinh tế, đã công bố một phân tích rằng Trung Quốc đang lơ lửng trong một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như tình hình của các nền kinh tế Bắc Đại Tây Dương (bao gồm cả Hoa Kỳ và Châu Âu) vào năm 2008.

(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)
Bài viết “Khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc đáng sợ đến mức nào?” của ông Paul Krugman đăng trên tờ New York Times chỉ ra, Trung Quốc dường như đang mấp mé bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng có vẻ rất nghiêm trọng, giống như những gì đã xảy ra ở những nơi khác trên thế giới vào năm 2008.

Ông phân tích rằng cuộc khủng hoảng năm 2008 được kích hoạt bởi sự bùng nổ của bong bóng bất động sản khổng lồ ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Sự hỗn loạn tài chính đã khuếch đại tác động bùng nổ của bong bóng, đặc biệt là sự sụp đổ của “ngân hàng ngầm”.

Ông Krugman đề cập rằng vào thời điểm đó, các tổ chức này ở Châu Âu và Hoa Kỳ hoạt động giống như ngân hàng, tạo ra rủi ro tương đương với việc ngân hàng tháo chạy. Nhưng phần lớn chúng không được kiểm soát, và thiếu mạng lưới an toàn do các ngân hàng truyền thống cung cấp.

Ông tin rằng hiện đã đến lượt Trung Quốc. Trước năm 2008, ngành bất động sản của Trung Quốc thậm chí còn bị thổi phồng hơn so với các nước phương Tây. Trung Quốc cũng có một ngành công nghiệp ngân hàng ngầm lớn với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Nước này cũng có một số vấn đề đặc biệt, nhất là các khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương.

Bài viết nghi ngờ liệu Chính phủ Trung Quốc có đủ năng lực quản lý loại tái cơ cấu tài chính mà nền kinh tế của họ cần không? Quan chức có đủ quyết tâm, đủ sáng suốt để làm những việc cần làm không?

Ông Krugman đặc biệt lo ngại về nhu cầu thay thế đầu tư bất động sản không bền vững của Trung Quốc bằng nhu cầu tiêu dùng cao hơn.

Nhưng một số báo cáo cho thấy, các quan chức hàng đầu vẫn hoài nghi về chi tiêu lãng phí của người tiêu dùng, và chùn bước trước ý tưởng “cho phép các cá nhân kiểm soát nhiều hơn cách họ tiêu tiền”.

Điều đáng lo ngại là các quan chức Trung Quốc đang đối phó với một cuộc khủng hoảng tiềm tàng bằng cách thúc đẩy các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Về cơ bản là họ đang đi trên con đường đưa Trung Quốc rơi vào tình cảnh khủng hoảng như ngày nay.

Gần đây, liên tiếp xuất hiện những tin xấu về kinh tế Trung Quốc, cùng hàng loạt số liệu kinh tế sụt giảm trên diện rộng, đặc biệt là sự bùng nổ hàng loạt của các đại gia bất động sản đã thu hút sự chú ý của thế giới.

Một báo cáo gần đây trên tờ New York Times đã mô tả tình hình kinh tế của Trung Quốc đang “ngoài tầm kiểm soát”,  với rất ít nhà hoạch định chính sách hành động.

Ngày 21/8, New York Times đưa tin với tiêu đề “Khủng hoảng thị trường nhà ở nhanh chóng mất kiểm soát, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đi về đâu?”

Báo cáo chỉ ra rằng vào tháng 8 năm nay, thị trường nhà đất và nền kinh tế của Trung Quốc đã xảy ra một số sự cố chóng mặt, và dẫn lời ông Trương Tích Hào, Giám đốc xếp hạng tín dụng doanh nghiệp của S&P Greater China, rằng tình hình này quả thực xưa này chưa từng có.

Báo cáo cho biết, từ 3 năm trước, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu trấn áp các hoạt động kinh doanh sử dụng đòn bẩy cao của các công ty bất động sản, khiến thị trường bất động sản suy yếu ngay lập tức.

Điều này đe dọa nền kinh tế rộng lớn hơn của đất nước, và làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư… Vậy nên, cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở là do chính phủ tạo ra.

Theo báo cáo, khi cuộc khủng hoảng bong bóng bất động sản xuất hiện vào năm 2020, Chính phủ ĐCSTQ bất ngờ can thiệp mạnh tay để ngăn dòng tiền lãi suất thấp chảy vào các công ty bất động sản Trung Quốc, dẫn đến một lượng lớn các công ty bất động sản cạn kiệt tiền mặt và phá sản vì mất khả năng trả nợ.

Cùng với chính sách zero-COVID kéo dài suốt 3 năm đã tác động mạnh đến nền kinh tế, khiến thị trường nhà ở Trung Quốc càng khó xoay chuyển hơn.

Theo thống kê của S&P, hơn 50 công ty bất động sản ở Trung Quốc đã vỡ nợ, hoặc mất khả năng thanh toán trong 3 năm qua. Tập đoàn bất động Evergrande nợ nhiều nhất thế giới, đã vỡ nợ 300 tỷ đô la Mỹ vào năm 2021. Gần đây họ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Hoa Kỳ. Trong khi Country Garden từng được liệt vào danh sách công ty bất động sản kiểu mẫu của ĐCSTQ, có thể lỗ tới 7,6 tỷ đô la Mỹ vào nửa đầu năm nay, hơn nữa họ còn nợ hàng trăm tỷ đô la.

Báo cáo cho biết cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hầu như không có biện pháp nào để giải tỏa khó khăn, kể cả việc không can thiệp giải cứu dự án quy mô lớn, mà chỉ giảm áp lực vay nợ, nới lỏng yêu cầu thế chấp và hạ lãi suất.

Ông Lục Đĩnh, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty Nomura Securities, cho biết các nhà hoạch định chính sách “chưa tìm ra giải pháp phù hợp cho vấn đề”. Doanh số bán nhà giảm và vỡ nợ của nhà phát triển có thể gây ra phản ứng dây chuyền, đe dọa nền kinh tế rộng lớn hơn của Trung Quốc.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng tốc khó khăn, chuyên gia nổi tiếng quốc tế về vấn đề Trung Quốc, ông Gordon G. Chang, đã cảnh báo: So với bối cảnh Trung Quốc cường thịnh thì tình hình suy thoái của họ hiện nay nguy hiểm hơn đối với thế giới dân chủ.

Bởi thế lực cầm quyền của ĐCSTQ có thể thúc đẩy những bước đi phiêu lưu quân sự liều lĩnh, như đánh chiếm Đài Loan. Trước nguy cơ này, ông kêu gọi các nước phương Tây hành động để răn đe nhằm bảo vệ nền dân chủ và kinh tế thế giới.

Bình Minh (t/h)/ Trí thức VN