Hàng hiên, mái ngói trong căn nhà phố

ĐÀ NẴNG -Nét đặc trưng của ngôi nhà cũ ở quê với mái hiên và cây cầu gỗ được gia chủ tái hiện trong căn nhà mới nằm giữa thành phố.

Ngôi nhà 3 tầng được xây dựng trên khu đất rộng 105 m2, nằm tại quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), là nơi sinh sống của một gia đình gồm 3 thế hệ. Sau khi chuyển đến khu đô thị mới, gia chủ mong muốn tái hiện cảnh quan quen thuộc của ngôi nhà cũ, để các thành viên vẫn có cảm giác thân thuộc.

Sau khảo sát, nhóm kiến trúc sư đã đưa giải pháp sắp đặt các không gian chức năng tương tự như căn nhà ở quê. Kiến trúc công trình tạo điểm nhấn bởi các chi tiết đặc trưng của nhà nông thôn như: mái ngói, hàng hiên rộng…, đi kèm nhiều khoảng đệm giữa bên trong và bên ngoài nhằm giảm nắng nóng của miền Trung.

Một hàng hiên rộng được tái hiện ở ngay khoảng thông tầng 3-4, liền kề khu vườn nhỏ với nhiều giống cây bụi quen thuộc. Đây là nơi các thành viên trong gia đình ngồi trò chuyện, thư giãn mỗi khi rảnh rỗi.

Hàng hiên cũng xuất hiện ở cả hai mặt trước – sau công trình, giúp hạn chế tác động của thời tiết vào không gian bên trong.

Hành lang kết nối giữa các phòng chức năng được mô phỏng hình ảnh chiếc cầu gỗ.

Nhằm khắc phục nhược điểm nhà phố có bề ngang hẹp, kiến trúc sư ưu tiên thiết kế những khoảng thông tầng lớn, tạo cảm giác không gian rộng hơn, đồng thời lấy sáng và đối lưu gió.

Tầng một được bố trí lối ra vào, hồ cá, khu sinh hoạt chung gồm phòng khách liền bếp và một phòng vệ sinh. Trước nhà là khoảng sân rộng, đồng thời là nơi đậu xe.

Gia đình chủ nhà có nghề làm mộc truyền thống, nên vật liệu chủ đạo của toàn bộ công trình là gỗ. Gỗ được tháo dỡ từ những công trình cũ và tái sử dụng để hoàn thiện kết cấu mái, làm cầu thang và đồ nội thất, mà không dùng lớp hóa chất phủ bề mặt. Cả vật liệu và nhân công đều tận dụng nguồn lực tại địa phương, giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và tăng tính bền vững.

Phòng bếp tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên từ bức tường gạch thông gió. Phòng vệ sinh có mái che độc lập, tạo hình như một phần ngôi nhà mái ngói cũ.

Không gian cây xanh nằm đan xen giữa các phòng chức năng, ưu tiên trồng giống cây có mùi hương để hạn chế muỗi và côn trùng.

Giếng trời có mái che bằng kính, giúp thảm thực vật phía dưới có đủ ánh sáng để phát triển tốt. Tại khu vực này, kiến trúc sư mở các cửa giúp tăng khả năng đối lưu không khí cho các phòng ngủ.

Tầng hai được bố trí 2 phòng ngủ, 2 vệ sinh và một ban công rộng phía trước.

Tầng 3 gồm một phòng ngủ kèm vệ sinh khép kín và khu vực thư giãn.

Ban công phòng ngủ chính có một bể bơi, được che chắn bởi mái hiên đua rộng.

Tầng 4 gồm một phòng thờ và khu làm việc với tầm nhìn rộng mở ra xung quanh nhà.

Gia chủ cũng tận dụng khu đất sau nhà để trồng một vườn rau, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm tươi sạch cho bữa ăn hàng ngày.

Mặt cắt công trình.

Ngôi nhà được thiết kế và thi công trong khoảng một năm, chi phí không được tiết lộ.

Thu Hương / Ảnh: Quang Dam / Vietnam Express
Đơn vị thiết kế: Winhouse Architecture & Construction
KTS chủ trì: Thái Hữu Hải
Nhóm thiết kế: Hoàng Huy, Phước Quốc, Lương Đức Phương

Truyện ngắn vui : Điểm 5

Cô giáo tuyên bố:

– Hôm nay lớp chúng ta làm bài kiểm tra. Các em sẽ làm bài luận văn với chủ đề “Vị khách của chúng ta”

Vừa nghĩ một lúc tôi đã cầm lấy bút ngoáy lia lịa:

“Vị khách – đó là vị sứ giả của Thượng đế – Ông của tôi đã nói như vậy. Tôi là một đội viên thiếu niên, tôi không tin vào Thượng đế, nhưng tôi tin vào các vị khách. Khi mà họ đến nhà chúng tôi chơi là luôn mang theo cả sự tốt bụng. Nếu như khách khứa không đến nhà ai đó thì chủ nhà bị coi là không hiếu khách. Cha mẹ tôi thì không bị gọi như vậy.

Điểm 5 -0
Minh họa Lê Tâm

Cha mẹ tôi rất ưa thích các vị khách cũng bởi vì khách khứa thường đến nhà chúng tôi và họ luôn mang đến nhiều loại thực phẩm. Nào là gà mái tây, lợn con, gà con, thậm chí có lần họ còn mang đến một con bò cái. Những vị khách như vậy làm cho gia đình tôi được vui vẻ, những người hàng xóm thì ghen tỵ với chúng tôi. Mẹ tôi gọi những người hàng xóm đó là “những kẻ vô danh tiểu tốt”. Tôi không biết điều đó nghĩa là gì nhưng tôi nghĩ họ xứng đáng với cái tên gọi này, như một lần mẹ tôi đã nói như thế.

Cách đây không lâu, cha tôi đã đi công tác đến một quận và ngày hôm sau thì chúng tôi đều chờ đợi những vị khách từ nơi đó đến thăm. Thật thú vị nếu biết họ sẽ mang đến thứ gì. Nếu là mật ong thì tốt biết mấy. Tôi rất thích mật ong. Vị khách – đó là vị sứ giả của Thượng đế – như ông tôi đã nói…”.

Tôi nhận được điểm 5 (điểm cao nhất) về bài kiểm tra này. Cô giáo đã khen tôi trước cả lớp:

– Em đã viết bài này thực tế đến nỗi mà cô đã phải đọc bài văn này ở cuộc họp giáo viên trên quận. Tất cả mọi người đều tấm tắc khen. Các em hãy học cách viết sao cho chân thực – Cô kết luận khi hướng về các học sinh khác.

Tôi vui mừng chạy về nhà. Ở nhà có điều chẳng lành đang đợi tôi. Ngoài hành lang có cả mấy chú cảnh sát, một người trong số họ đang ngồi ghi chép cái gì đó. Một vị khách ở quận thì đang đứng cau có. Trong tay ông ta còn giữ một chú cừu non đang kêu be be đầy ai oán. Cha tôi thì mặt tái nhợt như quả chanh héo. Rồi sau đó người ta đã đưa cha tôi và vị khách cùng với con cừu đi đâu đó.

– Con trai của mẹ, có ai đó đã làm hại chúng ta – mẹ tôi kêu lên và ôm lấy tôi – Có ai đó đã viết về cha con, rằng cha đi lên quận và sau đó thì khách khứa đến nhà ta. Cha con sẽ không còn làm thanh tra viên nữa, chúng ta sẽ không có được những chú cừu non và lợn con nữa rồi.

– Đừng khóc nữa mẹ ạ – Tôi nói – Vì bài văn này mà con đã được điểm 5 đấy.

– Điểm 5 ư? – Ông tôi hỏi lại, vểnh cả hai tai lên – Người ta không cho bố cháu điểm 5 vì điều này đâu, nhưng mà 3 năm tù thì có thể đấy.

Hải Yến (dịch)

Truyện vui của Avtandil Adeisvyli (Gruzia) / Văn nghệ Công An

Pablo Picasso – ánh hào quang của một vầng mặt trời vĩnh cửu

Pablo Picasso là một trong những họa sỹ nổi tiếng nhất, có ảnh hưởng đối với nền nghệ thuật thế giới hơn bất cứ một nghệ sỹ nào khác của thế kỷ 20. Ông được coi là người đã tạo ra nền nghệ thuật hiện đại. Trong suốt cuộc đời của mình, hơn 75 năm, ông đã sáng tác hàng nghìn tác phẩm không những phong phú về thể loại bao gồm tranh, điêu khắc, ảnh và đồ gốm mà còn đa dạng về chất liệu.

Pablo Picasso – vầng mặt trời vĩnh cửu

Pablo Ruiz Picasso (sinh ngày 25 tháng 10 năm 1881, mất ngày 8 tháng 4 năm 1973), thường được biết tới với tên Pablo Picasso hay Picasso , là một họa sĩ và nhà điêu khắc người Tây Ban Nha. Picasso là con đầu lòng của ông José Ruiz y Blasco và bà María Picasso y López. Ông được đặt tên thánh là Pablo, Diego, José, Francisco de Paula, Juan Nepomuceno, Maria de los Remedios và Cipriano de la Santísima Trinidad.

Ngay từ khi còn nhỏ, Picasso đã bộc lộ sự say mê và năng khiếu trong lĩnh vực hội họa, theo mẹ ông kể lại thì từ đầu tiên mà cậu bé Pablo nói được chính là “piz”, cách nói tắt của từ “lápiz”, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là bút chì. Cha của Picasso là một họa sĩ chuyên vẽ chim theo trường phái hiện thực, ông José còn là một giảng viên nghệ thuật và phụ trách bảo tàng địa phương, trường Mỹ thuật công nghệ tạo hình của Barcelona. Vì vậy, Picasso có được những bài học đầu tiên về nghệ thuật chính từ cha mình.

Cô gái trước gương, 1932.

Vào Học viện mỹ thuật (Academia de San Fernando) tại Madrid được chưa đầy một năm, năm 1900 Picasso đã bỏ học để sang Paris, trung tâm nghệ thuật của Châu Âu thời kỳ đó. Tại thủ đô nước Pháp, ông sống cùng Max Jacob, một nhà báo và nhà thơ, người đã giúp Pablo học tiếng Pháp. Đây là giai đoạn khó khăn của người họa sĩ trẻ khi ông phải sống trong cảnh nghèo túng, lạnh lẽo và đôi khi tuyệt vọng, phần lớn tác phẩm của Pablo đã phải đốt để sưởi ấm cho căn phòng nhỏ của hai người. Năm 1901, cùng với người bạn Soler, Picasso đã thành lập tờ tạp chí Arte Joven ở Madrid. Số đầu tiên của tạp chí hoàn toàn do Pablo minh họa.

Trong những năm đầu của thế kỉ 20, Picasso thường xuyên qua lại giữa hai thành phố Barcelona và Paris. Tại Paris, Picasso kết bạn với rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở khu Montmartre và Montparnasse, trong đó có người sáng lập trường phái siêu thực André Breton, nhà thơ Guillaume Apollinaire và nhà văn Gertrude Stein. Năm 1911, Picasso và Apollinaire thậm chí đã từng bị bắt giữ vì bị nghi ăn trộm bức tranh Mona Lisa khỏi Bảo tàng Louvre nhưng cuối cùng hai người cũng được tha vì vô tội.

Người đàn bà khóc, 1937.

Năm 1904, ông bắt đầu mối quan hệ lâu dài với Fernande Olivier, người phụ nữ xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm Thời kỳ Hồng của họa sĩ. Thời kỳ này được gọi là Thời kỳ Hồng vì đây là thời kỳ ông toàn dùng màu hồng nhạt mềm mại để làm nền tranh cho mình, thời kỳ Hồng của ông được tồn tại trong 3 năm. Sau khi bắt đầu nổi tiếng và trở nên giàu có, Picasso đã bỏ Olivier để quan hệ với Marcelle Humbert mà ông gọi đơn giản là Eva, chủ đề của rất nhiều bức tranh theo trường phái lập thể của ông. Sau đó ông còn đi lại với nhiều người phụ nữ khác mặc dù đã có vợ và con.

Tác phẩm

Các tác phẩm của Picasso thường được phân loại theo các thời kỳ khác nhau. Tuy rằng tên gọi các thời kỳ sáng tác sau này của họa sĩ còn gây nhiều tranh cãi, người ta phần lớn đều chấp nhận cách phân chia thời kỳ đầu sáng tác của Picasso thành Thời kỳ Xanh (1901–1904), Thời kỳ Hồng (1904–1906), Thời kỳ Ảnh hưởng Phi châu – điêu khắc (1908–1909), Thời kỳ Lập thể phân tích (1909–1912) và Thời kỳ Lập thể tổng hợp (1912–1919).

Trước 1901

Picasso bắt đầu tập vẽ dưới sự hướng dẫn của cha ông từ năm 1890. Sự tiến bộ trong kỹ thuật của họa sĩ có thể thấy trong bộ sưu tập các tác phẩm thời kì đầu ở Bảo tàng Museu Picasso tại Barcelona. Có thể thấy chủ nghĩa hiện thực hàn lâm trong các tác phẩm thời kì đầu này, tiêu biểu là bức The First Communion (1896). Cũng năm 1896, khi mới 14 tuổi, Picasso đã hoàn thành tác phẩm Portrait of Aunt Pepa (Chân dung dì Pepa), một bức chân dung gây ấn tượng sâu sắc đến mức Juan-Eduardo Cirlot đã đánh giá rằng “không nghi ngờ gì nữa, đây là một trong những tác phẩm lớn nhất trong lịch sử hội họa Tây Ban Nha”.

Tự họa, 1901.

Năm 1897, chủ nghĩa hiện thực của Picasso bắt đầu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, thể hiện qua một loạt các bức tranh phong cảnh sử dụng tông màu xanh lá cây và tím không tự nhiên.

Thời kỳ Xanh (1901–1904)

Trong thời kỳ này, tác phẩm của Picasso có tông màu tối hơn với màu chủ đạo là xanh thẫm, đôi khi được làm ấm hơn bởi các màu khác. Mốc bắt đầu của Thời kỳ Xanh không rõ ràng, nó có thể bắt đầu từ mùa xuân năm 1901 ở Tây Ban Nha, hoặc ở Paris nửa cuối năm đó. Có lẽ cách dùng màu của họa sĩ chịu ảnh hưởng từ chuyến đi xuyên Tây Ban Nha và sự tự sát của người bạn Carlos Casagemas.

Nhạc công guitar già, 1904.

Thời kỳ Hồng (1905–1907)

Các tác phẩm của Picasso trong giai đoạn này mang vẻ tươi tắn hơn với việc sử dụng nhiều màu cam và hồng. Năm 1904 tại Paris, Picasso gặp Fernande Olivier, một người mẫu cho các họa sĩ và nhà điêu khắc, rất nhiều tác phẩm của ông trong thời kỳ này chịu ảnh hưởng bởi mối quan hệ nồng ấm giữa hai người.

Những cô nàng ở Avignon, 1907.

Thời kỳ Ảnh hưởng Phi châu (1908–1909)

Thời kỳ Ảnh hưởng Phi châu bắt đầu với tác phẩm nổi tiếng Những cô nàng ở Avignon (Les Demoiselles d’Avignon) lấy cảm hứng từ những đồ tạo tác Phi châu. Ông cho rằng mọi loại nghệ thuật phải tự học được cái hay của nhau. Ông chọn châu Phi làm cản hứng của mình bởi tính Lập thể rõ ràng của nó.

Hồ chứa nước, Horta de Ebro, 1910.

Thời kỳ Lập thể phân tích (1909–1912)

Chủ nghĩa Lập thể phân tích là phong cách vẽ mà Picasso đã phát triển cùng Georges Braque theo đó sử dụng những màu đơn sắc ngả nâu cho các tác phẩm. Các vật thể sẽ được hai họa sĩ tách thành những bộ phận riêng biệt và “phân tích” chúng theo hình dạng bộ phận này.

Cô gái với cây đàn mandolin, 1910.

Thời kỳ Lập thể tổng hợp (1912–1919)

Đây là sự phát triển chủ nghĩa lập thể của Picasso với việc sử dụng nghệ thuật cắt dán bằng các chất liệu vải, giấy báo, giấy dán tường để mô tả đề tài tĩnh vật và nhân vật.

Ma Jolie, 1912.

Chủ nghĩa cổ điển và siêu thực

Sau Thế chiến thứ nhất, Picasso bắt đầu thực hiện các tác phẩm theo trường phái tân cổ điển (neoclassicism). Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Picasso, bức Guernica đã được sáng tác trong thời kì này. Bức tranh mô tả cuộc ném bom vào Guernica của phát xít Đức trong Nội chiến Tây Ban Nha.

Guernica, 1937.

Giai đoạn sau

Picasso là một trong 250 nhà điêu khắc tham gia Triển lãm điêu khắc quốc tế lần thứ 3 tổ chức tại Bảo tàng mỹ thuật Philadelphia vào mùa hè năm 1949.

Tác phẩm điêu khắc của Picasso tại Chicago.

Trong thập niên 1950, họa sĩ một lần nữa thay đổi phong cách sáng tác, ông thực hiện các bức tranh dựa trên phong cách của các bậc thầy cổ điển như Diego Velázquez, Goya, Poussin, Édouard Manet, Courbet và Delacroix.

Di sản

Khi Picasso qua đời, rất nhiều tác phẩm do họa sĩ sáng tác vẫn thuộc quyền sở hữu của ông vì Picasso cảm thấy không cần thiết phải bán chúng. Thêm vào đó, ông còn có một bộ sưu tập rất giá trị các tác phẩm của những họa sĩ yêu thích như Henri Matisse. Vì Picasso không để lại di chúc, một phần bộ sưu tập này được dùng để trả thuế cho chính phủ Pháp và nó được trưng bày tại Bảo tàng Musée Picasso tại Paris. Năm 2003, những người thân của họa sĩ đã cho khánh thành một bảo tàng tại thành phố quê hương ông, Málaga, đó là Bảo tàng Museo Picasso Málaga.Picasso có một số bức tranh nằm trong danh sách những tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất thế giới: Bức “Nude on a black armchair” – được bán với giá 45,1 triệu USD năm 1999.Bức Les Noces de Pierrette – được bán với giá hơn 51 triệu USD năm 1999.Bức Garçon à la pipe – được bán với giá 104 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s ngày 4 tháng 5 năm 2004 đã lập kỉ lục thế giới về giá cho một tác phẩm nghệ thuật.

Dora Maar au Chat, 1941.

Bức Dora Maar au Chat – được bán với giá 95,2 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s ngày 3 tháng 5 năm 2006.Trong những năm 1960, ông đã tạo ra được một tác phẩm điêu khắc cao 50 phút đặt ở trung tâm hành chính Chicago. Năm 1970, Picasso đã tặng hơn 800 tác phẩm của mình cho viện bảo tàng cung điện Berenguer de Aguilar ở Barcelona.

Pablo Picasso từ trần ngày 8 tháng 4 năm 1973 tại Mougins, Pháp, thọ 92 tuổi. Ông đã để lại một tài sản Mỹ thuật đồ sộ gồm: 1800 bức tranh sơn dầu, 3 vạn bản tranh, 7000 bức ký họa phác thảo và có khá nhiều tác phẩm khó hiểu. Picasso được an táng tại công viên Vauvenargues ở Vauvenargues, Bouches-du-Rhône.

Theo BATINH / Red Vietnam

4 dấu hiệu “mở đường” cho tài lộc, dù đang ở độ tuổi nào, nếu bạn có ¾ điều thì xin chúc mừng

Một người có tố chất và có khả năng thành công trong sự nghiệp thường lộ 4 dấu hiệu quan trọng dưới đây.

Ai trong số chúng ta cũng đều mong muốn sự thành công trong sự nghiệp, hướng tới 1 cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy. Để đạt được thành công, chúng ta đều phải nỗ lực rất nhiều, thậm chí đánh đổi nhiều thứ.

Mỗi giai đoạn trong cuộc đời ta sẽ gặp những thử thách và khó khăn khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta có thể vượt qua, tích lũy được nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện hơn và dần chạm tay tới thành công. Trong đó, những người có khả năng thành công sẽ có những dấu hiệu điển hình dưới đây.

1. Biết tích lũy và ứng dụng trí tuệ

Một trong những yếu tố quan trọng mà con người cần có là trí tuệ. Tri thức là thứ vô hạn, vì thế chúng ta phải học hỏi mỗi ngày để cải thiện bản thân. Càng lớn lên, con người càng trải qua nhiều thăng trầm và thử thách trong cuộc sống vì vậy họ tích lũy nhiều tri thức hơn. Ở 1 độ tuổi nào đó, họ sẽ ứng dụng những tri thức ấy vào cuộc sống để tới gần hơn với thành công. Người biết tích lũy và ứng dụng trí tuệ sẽ ngày càng giỏi giang hơn, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

 4 dấu hiệu “mở đường” cho tài lộc, dù đang ở độ tuổi nào, nếu bạn có ¾ điều thì xin chúc mừng  - Ảnh 1.

Sử dụng trí tuệ và không ngừng cải thiện bản thân là điều cần thiết. Ảnh minh họa: Internet

Một người khôn ngoan sẽ biết lên kế hoạch dài hạn, chắc chắn để mang về thành công bền vững chứ không phải theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn. Vì thế, những người có “đặc điểm vàng” này chắc chắn sẽ có ngày thành công.

2. Thiết lập nhiều mối quan hệ

Trong công việc, bạn cần phải thiết lập được nhiều mối quan hệ tốt đẹp. Những lúc bạn cần hỗ trợ hoặc đồng hành, rất có thể những người này sẽ là cộng sự tốt của bạn. Người khôn ngoan sẽ biết tận dụng các mối quan hệ mà mình có để đạt được các mục đích bền vững trong công việc.

Đặc biệt, ở tuổi trung niên, những người có mạng lưới mối quan hệ dày đặc sẽ rất dễ phát triển công việc và sự nghiệp. Khi họ đã có được nền tảng mối quan hệ vững chắc, họ sẽ dễ tìm ra những con đường kinh doanh hay làm giàu để phát triển. Đây cũng là thời điểm nhiều người thành công vừa họ vừa có các mối quan hệ, vừa có tri thức và kinh nghiệm.

3. Cái nhìn sâu sắc về thị trường

Một người thành công sẽ có cái nhìn sâu sắc về thị trường, về công việc mình theo đuổi. Khi phân tích các yếu tố ngoài thị trường, họ có khả năng nhìn thấy những cơ hội kinh doanh mà người khác bỏ qua. Từ đó họ có thể nắm bắt cơ hội, đầu tư và làm giàu. Ngoài ra, người có tính kiên nhẫn, kiên định cũng là dấu hiệu của thành công vì họ sẽ tính toán rất kỹ lưỡng từng đường đi nước bước để làm giàu. Họ cũng sẽ đưa ra các kế hoạch, phương án đề phòng hướng đi có vấn đề.

 4 dấu hiệu “mở đường” cho tài lộc, dù đang ở độ tuổi nào, nếu bạn có ¾ điều thì xin chúc mừng  - Ảnh 2.

Trong trường hợp bạn mắc sai lầm, bạn vẫn phải nghĩ cách “gỡ gạc”. Ảnh minh họa: Internet

Một người tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường cũng sẽ có sự nhạy bén hơn khi bắt tay vào công việc. Vì thế đây là dấu hiệu cho thấy 1 người có thể sẽ thành công, “mở đường” cho tài lộc trong tương lai.

4. Thái độ tích cực học hỏi

Chúng ta cần hoàn thiện bản thân dần dần qua thời gian. Điều quan trọng nhất mỗi người cần có là thái độ tích cực, ham học hỏi, có chí tiến thủ. Đây là yếu tố quan trọng để bạn có thể thành công trong tương lai. Nếu như bạn không học hỏi, nỗ lực từng ngày, sau cùng bạn chỉ là 1 người đứng dậm chân tại chỗ, thậm chí còn thụt lùi so với quá khứ.

Dù nhiều người đã có kinh nghiệm và thành tựu nhất định trong lĩnh vực của mình nhưng họ không tự mãn mà không ngừng học hỏi. Chúng ta cũng cần thích nghi với công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới và thậm chí cả cách suy nghĩ mới để duy trì lợi thế trong cạnh tranh. Tư duy tích cực và không ngừng học hỏi sẽ trang bị cho bạn khả năng nắm bắt cơ hội, xử lý vấn đề và đạt được thành công về tài chính.

Huyền Giang Theo Baidu / Shoha VN

Quan hệ Việt-Mỹ có cơ hội vượt cấp lên ngang tầm Trung Quốc?

BBC
Chụp lại hình ảnh,Chính sách đối ngoại của VN do Đảng CS quyết định- Hình minh họa TBT Đảng, Nguyễn Phú Trọng trên nền cờ ba nước Hoa Kỳ, VN và TQ

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát tín hiệu sẽ ‘sớm’ thăm Việt Nam để hai nước nâng cấp quan hệ. Nhưng câu hỏi đặt ra là quan hệ giữa hai nước cựu thù này liệu có đột phá lên mức cao nhất, ngang tầm với Trung Quốc và Nga.

Từ Hà Nội, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bình luận với BBC ngày 17/8 cho hay đôi bên đang thu xếp chuyến thăm của ông Biden đến Hà Nội. Thời gian của chuyến thăm quan trọng này có thể xảy ra trong nửa đầu tháng 9.

Sau chiến tranh, Mỹ và Việt Nam đã trải qua những hành trình đầy trắc trở trước khi tiến đến bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Năm 2023 này đánh dấu kỷ niệm 10 năm mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước cựu thù Việt-Mỹ,

Việt-Mỹ sẽ nâng cấp quan hệ tới đâu?

Ngày 17/8, người phát ngôn thông tin thêm hai nước đang trao đổi các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước theo hướng ổn định, thực chất, lâu dài, hướng tới tầm quan hệ mới khi điều kiện phù hợp

Hôm hôm 3/8, Tổng thống Biden nói tại một buổi gây quỹ ở Maine rằng ông đã nhận được một cuộc gọi từ “người đứng đầu Việt Nam”, người “rất muốn gặp tôi khi tôi tới G20” vì Hà Nội muốn nâng cao mối quan hệ với Washington và trở thành một đối tác quan trọng. Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức ở New Delhi, Ấn Độ vào hai ngày 9-10/9.

“Ông ấy muốn nâng tầm để Mỹ thành đối tác lớn, cùng với Nga và Trung Quốc,” ông Biden vào ngày 28/7 trong phát biểu mà các nhà phân tích cho là đang ám chỉ vị Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hiện nay Mỹ nằm trong số 13 quốc gia là đối tác toàn diện của Việt Nam, thấp hơn hai bậc so với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc – những quốc gia thuộc nhóm đối tác chiến lược toàn diện của Hà Nội.

BBC

Điều này nghĩa là nếu Việt Nam nâng tầm Mỹ thành đối tác lớn, cùng Nga và Trung Quốc mở ra đồn đoán – đó là Việt Nam và Mỹ không chỉ nâng một nấc trong quan hệ ngoại giao mà là hai nấc – từ đối tác toàn diện (cấp bậc thấp nhất) lên đối tác chiến lược toàn diện (cấp bậc cao nhất ), bỏ qua bước đối tác chiến lược.

Một số nhà quan sát nhận định, một Việt Nam vốn kiêng dè Trung Quốc đã phải lèo lái khéo léo mối quan hệ gắn kết với phương Tây – nhất là Mỹ trong khi vẫn giữ mối dây ý thức hệ với Bắc Kinh, đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.

Nhiều tháng trở lại đây, Trung Quốc đã tăng cường cho nhiều loại tàu hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây căng thẳng trên Biển Đông. Hồi 10/5, tàu nghiên cứu Trung Quốc, hai tàu tuần duyên và 11 tàu đánh cá đã vào lô 04-03 đang khai thác dầu của Vietsovpetro. Đây được coi là bước leo thang đáng lo ngại khi tàu hải cảnh Trung Quốc đến gần khu vực khai thác khí đốt do Zarubezhneft điều hành ở gần bãi Tư Chính như thế.

Trung Quốc gây sức ép với Nga, có thể tạo xung đột cao ‘chưa từng có’ trên Biển Đông

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói rằng, nếu quan hệ đối tác hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ được nâng lên thành chiến lược toàn diện thì rất tốt. Nhưng nếu chỉ tới mức đối tác chiến lược thì cũng “hoàn toàn tốt” vì nó sẽ giúp nhằm thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, chuyển giao công nghệ, giáo dục đại học, xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa chung.

Đặc biệt, sự “xích lại gần nhau hơn” giữa Hà Nội và Washington cũng đóng góp cho việc xử lý các vấn đề an ninh và hòa bình trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Biển Đông là một vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á, cũng là vấn đề an ninh Châu Á – Thái Binh Dương.

Tiến sĩ Bích Trần của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC thì phân tích rằng, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, Việt Nam trong những năm qua có vẻ lưỡng lự trong việc nâng cấp quan hệ với Mỹ do không muốn bị coi là chọn bên.

Ngoài ra, Việt Nam có thể sẽ không nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện do còn tồn tại những khác biệt trong vấn đề nhân quyền.

“Bởi vậy, khả năng Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên hẳn hai bậc từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện sẽ thấp hơn so với nâng cấp một bậc lên đối tác chiến lược,” theo bà Bích.

BBC

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu của CSIS cũng không loại bỏ khả năng có trường hợp ngoại lệ đối với Mỹ. Bà dẫn lời Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc từng nói cách đây vài năm rằng bản chất quan hệ Việt Mỹ đã ở mức chiến lược. Sau vài năm tăng cường hợp tác thì quan hệ giữa hai nước có thể nói là đã lên đến mức đối tác chiến lược toàn diện.

Trong năm 2021, các quan chức cấp cao của chính quyền Biden như Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Lloyd Austin đã đến thăm Việt Nam. Gần đây nhất là chuyến công du đến Hà Nội của Ngoại trưởng Antony Blinken và hồi cuối tháng 6, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã ghé cảng Đà Nẵng trong năm ngày.

Các hoạt động này phần nào cho thấy Mỹ coi trọng vị trí của Việt Nam. Điều này nhất quán với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington. Trong đó, xác định Việt Nam là quốc gia đối tác ‘hàng đầu’ trong khu vực của Mỹ.

Liệu Mỹ có thể kiềm chế Trung Quốc qua nỗ lực nâng cấp quan hệ với Việt Nam?

Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc từ năm 2008 trong khi tới năm 2013, Việt Nam mới ký kết quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ. Điều này cho thấy về mặt chính trị và ngoại giao, Việt Nam gần gũi hơn với Trung Quốc. Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022, ông Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh sau khi ông Tập đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba “chưa từng có tiền lệ”.

Trong một bài viết của ông Murray Hiebert trên trang CSIS cho đây là thời điểm “lý tưởng” vì chuyến thăm nói trên của ông Trọng đã mang lại cho Việt Nam một chút không gian để tăng cường quan hệ với Washington.

Một luồng ý kiến nhắc đến việc Trung Quốc coi sự nâng cấp quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ là chống đối, nhất là vào thời điểm căng thẳng giữa hai siêu cường Bắc Kinh và Washington, theo Reuters.

Tuy nhiên, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì nhận định, đây là vấn đề quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, vì vậy chỉ có hai nước quyết định về quan hệ đó.

“Việt Nam là nước có chủ quyền, độc lập, có chính sách và thực hành đối ngoại độc lập, cho nên không có bên thứ ba nào có thể tác động gây ảnh hưởng tới quyết định của Việt Nam trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Một khi Việt Nam thấy việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ mang lại lợi ích quốc gia lớn hơn cho Việt Nam (và cho Hoa Kỳ), thì Việt Nam tự quyết định nâng cấp,” ông Hợp nói với BBC.

‘Mỹ tôn trọng chế độ chính trị của Việt Nam’

Trong một bài viết có tựa đề Việt Nam ở đâu trong quan hệ Mỹ-Trung trên CSIS, bà Bích Trần cho rằng, Việt Nam chậm chạp trong việc chính thức hóa quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ là vì việc nâng cấp sẽ dẫn đến những kỳ vọng cao hơn về nhân quyền, điều mà Hà Nội có thể thấy đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.

Tuy nhiên, mối lo ngại này vốn đã được Mỹ làm rõ qua những tuyên bố công khai và thẳng thắn. Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp và gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng vào năm 2015, Tổng thống Obama nói Mỹ tôn trọng các hệ thống chính trị khác nhau. Và điều này đã đưa vào tuyên bố về Tầm nhìn chung của hai nước sau đó.

Diễn ngôn về “tôn trọng thể chế chính trị” cũng được nhắc lại nhiều lần lúc ông Obama hội kiến với cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm 2016 tại Hà Nội.

Tiếp đến, Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry từng công khai nói rằng Hoa Kỳ có thể tôn trọng các hệ thống chính trị khác biệt với hệ thống chính trị của Mỹ.

Cựu đại sứ Mỹ Ted Osius từng nói với BBC rằng, điều này rất quan trọng đối với việc xây dựng lòng tin với các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bởi vì nó nói lên mục tiêu của Hoa Kỳ là để Việt Nam phát triển và thịnh vượng hơn, thành công hơn và độc lập hơn, chứ không phải để phá hoại chính phủ Việt Nam hoặc tìm cách thay đổi nó.

“Chúng tôi đã cố gắng thay đổi chính quyền (Nam VN) trong những năm 1960 và 1970, nhưng đã không thành công. Và những gì Tổng thống Obama đã nói là chúng ta sẽ không đi theo con đường đó nữa. Và với hệ thống chính trị khác nhau, cả hai nước chúng ta đều phải tôn trọng hệ thống chính trị của nước kia,” ông Osius nhận định.

TBT Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh: Ngoại giao cây tre và áp lực buộc Việt Nam ‘chọn phe’

Tổng thống Biden: ‘Lãnh đạo Việt Nam muốn gặp tôi tại G20 để nâng cao quan hệ’

Tiến sĩ Bích Trần cho hay, cuộc điện đàm là dấu hiệu thể hiện Mỹ hiểu và tôn trọng chế độ chính trị của Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer nhắc lại với BBC, việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp tại Nhà Trắng vào năm 2015 đã tạo tiền lệ cho chính quyền Mỹ trong cách nhìn nhận vai trò của vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo nguyên tắc, đây là nơi chỉ để đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, không phải người đứng đầu một đảng.

Như vậy, dù là đảng Dân chủ và Cộng hòa đều công nhận vai trò quan trọng của Việt Nam ở Đông Nam Á và vai trò trung tâm của Tổng bí thư đảng trong một nhà nước độc đảng như Việt Nam.

Cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Trọng nói trên cũng nhất quán với cách nhìn nhận của Mỹ đối với Hà Nội, tức xem ông Trọng là nhân vật quan trọng nhất và có quyền lực lớn nhất định đoạt các chính sách đối ngoại của Việt Nam, dù ông không phải là nguyên thủ quốc gia.

Nhưng nếu hai nước nâng lên quan hệ mới, nhà nghiên cứu Bích Trần cho rằng sẽ phù hợp hơn nếu ông Biden ký kết với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và hội kiến với Tổng Bí thư Trọng, vậy sẽ “đẹp cả đôi đường”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken hôm 15/4
Chụp lại hình ảnh,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken hôm 15/4

Trong những năm qua, theo bà Bích, Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và Úc đã tăng cường hợp tác an ninh biển với Việt Nam. Đây có lẽ sẽ tiếp tục là một lĩnh vực mà Mỹ và Việt Nam coi trọng.

Tiên sĩ Hà Hoàng Hợp nói với BBC rằng, Mỹ đã bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, Việt Nam có thể xem xét mua các thiết bị quân sự và vũ khí từ Mỹ nhằm hiện đại hóa quốc phòng Việt Nam, tăng cường năng lực quốc phòng.

Trong Sách trắng Quốc phòng 2019, Việt Nam đưa ra chính sách đối ngoại “Bốn Không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Hợp, Việt Nam còn có phần chính sách ‘1 tùy’: tức tùy thuộc tình hình, Việt Nam có thể xem đẩy mạnh hợp tác mạnh mẽ hơn.

“Hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ trong khung quan hệ mới, sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh trên nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó có UNLOS 1982, nhằm duy trì an ninh và hòa bình ở biển Đông. Từ lâu, Trung Quốc đã có các đòi hỏi lãnh thổ phi pháp ở biển Đông, hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ ở tầm mức cao hơn, sẽ đóng góp cho việc xử lý các vấn đề tuân theo luật quốc tế và các nhân tố địa chính trị phù hợp,” ông Hợp đúc kết.

Quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam

Ngày 29 tháng 3 năm 2022

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden điện đàm “nhất trí thúc đẩy, phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ Tổng thống Joe Biden hồi tháng 7/2015.
Chú thích hình ảnhTổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ Tổng thống Joe Biden hồi tháng 7/2015.BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHBRENDAN SMIALOWSKI/AFP VIA GETTY IMAGES

Ngày 19 tháng 6 năm 2022

Tàu bệnh viện USNS Mercy thuộc Bộ Tư lệnh Hải vận Quân sự Hoa Kỳ đã cập Cảng Vũng Rô, Phú Yên, Việt Nam, đánh dấu điểm dừng chân đầu tiên trong khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2022.

BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHHOANG DINH NAM/AFP VIA GETTY IMAGES

Ngày 12 tháng 5 năm 2022

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong khuôn khôt Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ tổ chức tại Washington D.C.

24-26 tháng 8 năm 2021

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thăm Việt Nam.

BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHEVELYN HOCKSTEIN/GETTY IMAGES

Ngày 25 tháng 7 năm 2021

Hoa Kỳ tặng tổng cộng năm triệu liều vaccine Moderna cho Việt Nam trong đại dịch. Hoa Kỳ cũng đầu tư 1 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam và đã cam kết hỗ trợ 19,8 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch.

BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHUS EMBASSY

Ngày 24 tháng 7 năm 2021

CSB-8021, chiếc tàu tuần duyên thuộc lớp tàu Hamilton đã hết hạn sử dụng của Mỹ được chuyển giao cho Cảnh sát biển VN.

2021

Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đã tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD vào năm 2021. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trị giá 79,6 tỷ USD vào năm 2020.

5-9 tháng 3 năm 2020

Việt Nam tiếp đón tàu sân bay Theodore Roosevelt của Hải quân Hoa Kỳ.

BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHU.S. NAVY VIA GETTY IMAGES

5-9 tháng 3 năm 2018

Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ đã có chuyến ghé thăm lịch sử tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, lần đầu tiên một con tàu cỡ này đến thăm kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.

BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHGETTY IMAGES

11-12 tháng 11 năm 2017

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Việt Nam và dự Hội nghị APEC.

BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHUS EMBASSY IN VIETNAM

29-31 tháng 5 năm 2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ.

22-24 tháng 5 năm 2016

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm Việt Nam và thông báo Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam

6-10 tháng 7 năm 2015

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ. Hai nước thông qua Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

2 tháng 10 năm 2014

Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm cung cấp vũ khí sát thương cho Việt Nam.

BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHEPA

24-26 tháng 7 năm 2013

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ.

BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHDENNIS BRACK-POOL/GETTY IMAGES

23-26 tháng 6 năm 2008

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ.

18-23 tháng 6 năm 2007

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ.

17-20 tháng 11 năm 2006

Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush thăm Việt Nam và dự APEC 2006.

BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHAFP

31 tháng 5 năm 2006

Ký kết hiệp định song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển.
Chú thích hình ảnhTổng Giám đốc WTO Pascal Lamy và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển.BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHWTO

19-25 tháng 6 năm 2005

Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ.

10 tháng 12 năm 2001

Hiệp định thương mại song phương có hiệu lực. Sản phẩm Việt Nam được giảm thuế từ mức trung bình 40% xuống trung bình 3% khi vào Hoa Kỳ.

16-19 tháng 11 năm 2000

Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam.

BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHTHIERRY FALISE/GAMMA-RAPHO VIA GETTY IMAGES

Tháng 5 năm 1997

Hai nước trao đổi Đại sứ. Ông Lê Văn Bang trở thành Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và ông Douglas Peterson trở thành Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

5 tháng 8 năm 1995

Warren Christopher khánh thành Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội khi ông có chuyến thăm chính thức đầu tiên của một ngoại trưởng Hoa Kỳ tới Việt Nam.

11 tháng 7 năm 1995

Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

3 tháng 2 năm 1994

Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam.

BẢN QUYỀN HÌNH ẢNHGETTY IMAGES

11 tháng 11 năm 1991

Chính phủ Hoa Kỳ chính thức cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam.

30 tháng 4 năm 1975

Cấm vận thương mại của Hoa Kỳ, đã có hiệu lực đối với Bắc Việt Nam từ năm 1964, được mở rộng cho toàn bộ Việt Nam.

Theo BBC