Khung cảnh ngôi trường nổi tiếng nhất xứ Huế

THỪA THIÊN – HUẾ Trường Quốc Học với không gian nhiều cây xanh, kiến trúc cổ kính, là nơi nhiều khách du lịch tìm đến tham quan vào dịp hè

Trường Quốc Học rộng hơn 10.000m2 nằm bên bờ sông Hương được thành lập theo dụ ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23/10/1896) và nghị định ngày 18/11/1896 của phủ Toàn quyền Đông Dương. Đây là trường Pháp Việt chính yếu của toàn xứ Đông Dương.

Lúc mới thành lập, trường chỉ là những dãy nhà tranh vốn là trại lính thủy quân được cải tạo lại. Tường rào phía trước mặt trường được xây bằng gạch đỏ sậm. Năm 1915, trường Quốc Học được xây dựng lại, những dãy nhà tranh được phá bỏ thay thế vào đó là hai dãy nhà lầu xây gạch, lợp ngói kiên cố theo kiểu Tây Âu, về cơ bản kiến trúc đó được duy trì đến ngày nay.

Hơn 120 năm thành lập, trường Quốc Học là ngôi trường nổi tiếng nhất của Huế khi nhiều nhà lãnh đạo từng theo học như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Trần Phú, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cổng trường với lối kiến trúc cổ kính có hai tầng, tầng trên bằng gỗ, mái lợp ngói hoàng lưu ly. Muốn đi lên tầng trên phải qua cái thang hình xoắn ốc, trên có treo một cái chuông lớn để điểm giờ học. Phía tay phải có bình phong long mã, được xây dựng vào năm Thành Thái thứ tám, dấu tích ấy còn được lưu giữ đến ngày nay.

Giữa sân trường là bức tượng người thanh niên Nguyễn Tất Thành, một cựu học sinh ưu tú của trường.

Năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tưởng nhớ đến người học trò xuất sắc của trường, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cùng với trường Quốc Học đã xây dựng tượng anh Nguyễn Tất Thành ngay ở vị trí trung tâm của trường. Lúc ban đầu tượng được xây dựng bằng thạch cao và xi măng trắng, năm 2006 tượng được đúc lại bằng đồng. Tượng cao 3 m; bệ rộng 0,98 m, dài 1,13 m và cao 0,18 m; bục rộng 1,1 m và dài 1,6 m. Toàn bộ bức tượng được đặt trên nền đá Rubi tự nhiên màu nâu đỏ.

Những ngày hè, trường Quốc Học trở thành một điểm đến tham quan du lịch của nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhiều du khách đến đây để cảm nhận vẻ đẹp cổ kính của ngôi trường hơn 120 năm tuổi, nơi đào tạo các bậc hiền tài cho đất nước.

Những học sinh vừa gia nhập ngôi trường Quốc Học hào hứng đi dạo trong khuôn viên trường rợp bóng cây xanh. Nhóm học sinh cũng tranh thủ chụp lại những bức ảnh ở ngôi trường mới để làm kỷ niệm, chuẩn bị cho hành trang 3 năm học trung học phổ thông tập tại ngôi trường này.

Các dãy phòng học của trường nằm lọt thỏm giữa những hàng cây xanh cổ thụ. Điểm nổi bật của trường Quốc Học là các dãy nhà được sơn màu hồng.

Mỗi năm, trường Quốc Học đào tạo 1.200 học sinh từ lớp 10-12, nhiều lớp chuyên. Các học sinh muốn vào trường Quốc Học phải trải qua kỳ thi sát hạch đầu năm. Trường có bể bơi, sân chơi cầu lông, sân bóng đá, sân bóng rổ.

Trăm năm qua, những cây muối được trồng trong khuôn viên trường được các thế hệ học sinh, cán bộ nơi đây chăm sóc cẩn thận. Cây xanh dày đặc nên lúc nào khuôn viên trường cũng được phủ bóng mát.

Ngồi trên ghế đá dưới những hàng cây xanh trong khuôn viên trường được nhiều du khách và thế hệ học sinh nơi đây yêu thích.

Nét độc đáo của trường Quốc Học là các dãy nhà đều mang kiến trúc Pháp đặc trưng được xây dựng hơn 100 năm trước. Trường có bốn dãy nhà chính dành cho việc giảng dạy, nhà thi đấu, nhà lưu niệm.

Với ý nghĩa lịch sử và bề dày truyền thống của trường, ngày 26/3/1990 trường Quốc Học được Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích cấp Quốc gia đặc biệt ngày 31/12/ 2020.

Võ Thạnh / Vietnam Express

Cõi lòng tan nát và bài hát để đời

Ai sống ở miền Nam trước năm 1975 hầu như đều biết và ưa thích bài hát nổi tiếng có tên “Nửa hồn thương đau” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991). Sự ra đời bài này liên quan đến một chuyện rất đau buồn của tác giả: Bị người vợ mà ông rất yêu thương phản bội.

Ai sống ở miền Nam trước năm 1975 hầu như đều biết và ưa thích bài hát nổi tiếng có tên “Nửa hồn thương đau” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991): “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa/ Cho tôi về đường cũ nên thơ/ Cho tôi gặp người xưa ước mơ/ Hay chỉ là giấc mơ thôi/ Nghe tình đang chết trong tôi/ Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời...”. Sự ra đời bài này liên quan đến một chuyện rất đau buồn của tác giả: Bị người vợ mà ông rất yêu thương phản bội. Đó là nữ ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Khánh Ngọc – một ngôi sao rực rỡ cả về nhan sắc lẫn tài năng ở Sài Gòn những năm 50 – 60 thế kỷ trước.

Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ kiêm ca sĩ nổi tiếng, tiêu biểu gắn với những ca khúc trữ tình, lãng mạn sống ở Sài Gòn trước ngày thống nhất đất nước. Nghệ danh khi là ca sĩ của ông là Hoài Bắc. Ông sinh năm 1929 ở Hà Nội (quê cha) và quê mẹ ở Sơn Tây trong một gia đình có nhiều người là nghệ sĩ tài ba: Chị là ca sĩ Thái Hằng, em gái là ca sĩ Thái Thanh, anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy, anh trai là nhạc sĩ, ca sĩ Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), chú là họa sĩ Phạm Văn Đôn, cô là nghệ sĩ sân khấu Song Kim, dượng là Thế Lữ.

nhạc-sĩ-phạm-đình-chương.jpg -0
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Năm 1951, Phạm Đình Chương cùng với Phạm Duy lập nên Ban nhạc Thăng Long rất nổi tiếng ở Hà Nội gồm toàn những người trong gia đình. Sau đó, ông cùng các thành viên khác của ban nhạc này vào sống ở Sài Gòn, hoạt động mạnh hơn trước, nhanh chóng trở nên đình đám ở thành phố “Hòn ngọc viễn đông”, luôn thu hút một lượng khán giả rất đông đến xem những buổi ban nhạc trình diễn.

Khánh Ngọc là một ca sĩ kiêm minh tinh màn bạc cũng rất nổi tiếng với nhan sắc lộng lẫy và một nhân dáng bốc lửa, xuất hiện ở đâu là gây xôn xao cho đám mày râu ở đó và đã nhanh chóng hút hồn Phạm Đình Chương ngay từ phút gặp đầu tiên. Người đẹp cũng dễ xiêu lòng trước chàng nhạc sĩ có giọng hát hay, lôi cuốn và những ca khúc rất lãng mạn đã khiến nàng thích thú từ trước.

Mối tình thật đẹp giữa cặp trai tài, gái sắc khi ấy lan truyền khắp bàn dân thiên hạ khiến nhiều người ngưỡng mộ và cũng lắm kẻ ghen ghét bởi nàng luôn có quá nhiều kẻ giàu sang, quyền quý nhòm ngó, lượn lờ xung quanh. Kiên trì theo đuổi và gia tăng “tốc độ”, cuối cùng Phạm Đình Chương đã thành công và cuộc hôn nhân được xúc tiến. Ban nhạc Thăng Long từ đây có thêm thành viên mới là nàng dâu Khánh Ngọc lại càng trở nên đình đám hơn trước.

Vợ chồng ông sinh được một con trai. Cuộc sống tưởng vô cùng viên mãn. Tác giả ca khúc “Hội trùng dương” được nhiều người ưa thích khi ấy không thể ngờ hạnh phúc của mình lại ngắn chẳng tày gang, có thể tiêu tan mây khói. Đang sống yên ổn, bỗng có tin đồn vợ mình tằng tịu với người khác, Phạm Đình Chương cố gắng không tin. Ông gạt đi tin đồn. Nhưng cay đắng thay, đó lại là sự thật và kẻ “thứ 3” kia không ai khác, chính là người anh rể của mình, cũng rất nổi tiếng. Đó là nhạc sĩ Phạm Duy.

Phạm Đình Chương cố gắng bình tĩnh, kìm nén nỗi đau buồn. Nhưng một người bạn thân vì rất thương bạn mà không thể để tình trạng ông bị “cắm sừng” một cách quá trớ trêu đã giúp “bắt quả tang”. Người này vẫn thường xuyên nhìn thấy Phạm Duy và vợ bạn mình tình tự ở một địa điểm nên việc này không khó thực hiện. Thế là Phạm Đình Chương biết rõ sự thật cay đắng nên bị “sốc” lớn dẫn tới suy sụp.

Sau những ngày đấu tranh tư tưởng, dằn vặt bởi đứa con trai khi ấy còn nhỏ, cuối cùng ông đành quyết định ly hôn. Tiếp theo là những ngày ngắc ngoải, sống mà như chết. Ông chỉ còn biết giải sầu trong men rượu, bỏ bê sáng tác và mọi công việc khác, suốt ngày chỉ say khướt, đóng cửa trong nhà, không tiếp bất cứ ai. Tất nhiên ông không thể có mặt để biểu diễn cùng Ban nhạc Thăng Long và Khánh Ngọc cũng không còn mặt mũi nào mà xuất hiện. Cô bị mọi người tẩy chay. Hoạt động ca hát và đóng phim cũng không thể như trước. Quá xấu hổ, cô sang Mỹ cư trú. Sau đó, kết hôn với một luật sư trẻ và sống tại đây đến cuối đời.

phạm-đình-chương-và-ban-hợp-ca-thăng-long.jpg -1
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (đứng giữa) và ban nhạc Thăng Long.

Một lần kia, sau khi ly hôn một thời gian không lâu, tình cờ Phạm Đình Chương gặp lại Khánh Ngọc. Hôm đó trời mưa to, kéo dài. Ông ngỏ lời muốn đưa cô về nhà nhưng bị từ chối. Ông quá buồn tủi, trở về ngôi nhà mà ngày nào còn có vợ với những ngày tháng hạnh phúc. Đêm hôm đó, ông thức trắng, không sao chợp mắt, bỗng nghĩ đến bài thơ “Lệ đá xanh” của Thanh Tâm Tuyền có nội dung phù hợp với cảnh ngộ, tâm trạng của mình.

Thế là ông trở dậy, ngồi vào đàn, phổ một mạch thành bài hát “Nửa hồn thương đau”: “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa/ Cho tôi về đường cũ nên thơ/ Cho tôi gặp người xưa ước mơ/ Hay chỉ là giấc mơ thôi/ Nghe tình đang chết trong tôi/ Nghe lòng tiếc nuối sót thương suốt đời...”. Bài hát nghe thật bi ai, day dứt, tuyệt vọng về một mối tình quá nhiều đau khổ. Tiết tấu dàn trải, nghe thấy như những tiếng khóc nấc nghẹn ngào, như tắc lại hơi thở.

Về sau, bài hát được thu thanh bởi giọng hát của Thái Thanh là em gái của tác giả lúc này đã nổi tiếng khắp nơi và được đưa vào phim “Chân trời tím” về sau rất ăn khách. Nhờ vậy mà bài hát càng được nhiều người biết đến hơn và nhanh chóng lan khắp toàn cõi miền Nam, bay ra tận hải ngoại, xuất hiện nhiều trong các đại nhạc hội của bà con Việt kiều ở nước ngoài.

Ở Sài Gòn lúc đó, một cô gái có tên là Mỹ rất thích bài này, lại biết rõ hoàn cảnh cô đơn và đau khổ của Phạm Đình Chương đã sẵn sàng đến với nhạc sĩ và trở thành người vợ thứ 2 của ông. Cô cũng có nhan sắc và tính cách đôn hậu, dịu sàng, đã sẵn sàng băng rịt vết thương lòng vẫn còn rỉ máu của chồng. Tấm lòng vị tha, bao dung với đức hi sinh cao cả của cô khiến người chồng lấy lại được thăng bằng và tiếp tục sáng tác được nhiều bài hát hay hơn cả trước.

Sự nghiệp sáng tác của Phạm Đình Chương chia làm hai thời kỳ rõ rệt: Trước và sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ. Thời kỳ bắt đầu sáng tác cho đến khi kết thúc cuộc hôn nhân là những bài hát có giai điệu trong sáng, vui tươi, hồn nhiên và mộng mơ mà tiêu biểu là những bài “Thuở ban đầu”, “Đến trường”, “Được mùa”, “Đón xuân”, “Trăng rừng”, “Trăng Mường Luông”, “Đêm màu hồng”, “Đất lành”, “Tiếng dân chài”… Từ sau khi ly hôn cho tới lúc già yếu, những bài hát của Phạm Đình Chương có âm hưởng trầm lắng, buồn rõ rệt. Ngoài bài “Nửa hồn thương đau” đã nói, ông còn nhiều bài khiến cho nhiều ca sĩ đồng cảm, tìm đến như: “Xóm đêm”, “Xuân tha hương”, “Đôi mắt người Sơn Tây” (thơ Quang Dũng), “Khi cuộc tình đã chết” (thơ Du Tử Lê), “Người đi qua đời tôi” (thơ Dạ Từ), “Mắt buồn”, “Mộng dưới hoa”…

Từ lâu, tôi đã rất thích bài “Tiếng dân chài” của Phạm Đình Chương. Theo tôi, đây là một trong những bài rất hay có âm hưởng dân ca miền Trung. Bằng một giai điệu rất ngọt ngào với tiết tấu sôi nổi, ông vẽ nên không khí lao động và cuộc sống của những người làm nghề chài lưới vùng biển miền Trung rất sinh động. Chính vì rất thích bài này mà sau năm 1975, vào công tác ở TP Hồ Chí Minh, tôi có ý tìm gặp tác giả. Tuy nhiên, đã không gặp được.

Nhưng tôi được nghe một số nhạc sĩ quen biết và giao du với Phạm Đình Chương nói về ông: Một người có khả năng phối hòa âm rất hay, chuyên làm việc này ở Ban nhạc Thăng Long. Tính tình cởi mở, hòa đồng, phong cách giản dị. Đặc biệt là rất có trách nhiệm với gia đình, là một người chồng, người cha và mọi tư cách khác mẫu mực. Đã bắt tay vào việc gì là rất có trách nhiệm. Mặc dù bị vợ gây cho mình nỗi đau tưởng không gì có thể khỏa lấp nhưng vẫn luôn nói tốt về vợ, chỉ nói: “Cái số tôi lận đận, không ở được với cô ấy đến trọn đời”. Tính cách như vậy khiến Phạm Đình Chương được nhiều người quý mến mặc dù có tài năng và tiếng tăm vượt trội hơn nhiều nhạc sĩ khác.

Năm 1991, sau nhiều năm định cư ở Mỹ, ông qua đời tại đây, hưởng thọ 63 tuổi. Hiện nay, nhiều ca khúc của ông vẫn hiện diện trong đời sống tinh thần của công chúng, đặc biệt là bà con Việt kiều ở nước ngoài.

Thôn Ca / Văn nghệ Công An

“Núi nợ” ngầm đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc

(Dân trí) – Thế giới từng choáng ngợp trước thành tựu phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhưng giờ đây cái giá của bùng nổ kinh tế ấy là “núi nợ” ngày càng phình to.

"Núi nợ" ngầm đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc

“Bom” nợ công

Để hiện thực hóa tham vọng lớn của mình, Chính phủ Trung Quốc tạo ra thị trường tài chính nội bộ đặc biệt. Từ những năm 2000, cơn sốt xây dựng khắp cả nước, những địa phương được phép vay không giới hạn để xây dựng các đô thị và khu công nghiệp.

Khi ấy, Chính phủ Trung Quốc ước tính khoảng 300 triệu người, tương đương dân số Mỹ, sẽ chuyển tới sống tại các khu vực đô thị trong 15 năm tới. Doanh nghiệp và địa phương đã ngay lập tức tiến hành xây 100 sân bay, hàng trăm triệu căn hộ, hàng chục nghìn km đường nhằm đón đầu xu hướng phát triển.

Nguồn vốn một phần do ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các ngân hàng thương mại cho vay, một phần huy động qua kênh phát hành trái phiếu.

Theo ông Ting Lu, chuyên gia tại ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ), gần 90% cơ sở hạ tầng đô thị tại Trung Quốc được tiến hành xây dựng bởi các công ty thành lập dưới sự tài trợ của chính quyền địa phương. Và để xây dựng được những công trình lớn như vậy, các công ty này buộc phải vay một lượng tiền lớn từ ngân hàng.

Núi nợ ngầm đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc - 1
Các công trường xây dựng tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Năm 2011, Chính phủ Trung Quốc mở ra phương thức gọi vốn cho địa phương thông qua phát hành trái phiếu. Nhiều chuyên gia kinh tế, cả trong và ngoài Trung Quốc, đều đã lên tiếng cảnh báo về những mặt trái của kế hoạch này và lo ngại các địa phương sẽ khó có thể đủ sức chi trả cho các khoản nợ của mình.

Năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Chính phủ nước này đã phải đóng cửa một ngân hàng khu vực để ngăn chặn tình trạng rút tiền gửi. Năm ngoái, làn sóng vỡ nợ của các công ty bất động sản đã khiến nhiều người mua ngừng thanh toán thế chấp.

Cả 2 sự việc đều đã được giải quyết và khủng hoảng tài chính đều lắng xuống. Một số ý kiến còn cho rằng Trung Quốc đã trở nên an toàn hơn với nhà đầu tư sau khi Bắc Kinh thắt chặt quy định đối với các ngân hàng và công ty bất động sản còn quá nhiều nợ.

Các chính quyền địa phương Trung Quốc giờ đây phải chọn lựa giữa thắt chặt chi tiêu mạnh mẽ hay giảm ngân sách cho các dự án kích thích tăng trưởng kinh tế để trả nợ.

Phần nổi của tảng băng chìm

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều địa phương ở Trung Quốc đang chật vật trước những khoản nợ vay khổng lồ. Điều này khiến chính quyền Bắc Kinh lo ngại về nguy cơ hệ thống tài chính bất ổn nếu các vụ vỡ nợ ở địa phương lan rộng.

Nợ của các địa phương đang chiếm một phần không nhỏ trong núi nợ công 23.000 tỷ USD của Trung Quốc. Những khoản nợ này đang trở thành rủi ro tài chính lớn mà chính phủ nước này cần giải quyết.

Năm 2021, Hạc Cương, thành phố khai thác than đá ở vùng đông bắc hẻo lánh Trung Quốc, buộc phải tái cấu trúc tài chính khẩn cấp. Từ 18 tháng trước đó, thành phố này đã ngập trong “núi nợ” cao gấp đôi thu nhập tài chính. Sự chật vật của thành phố này là dấu hiệu đáng quan ngại cho Chính phủ nước này do hiện có nhiều đô thị lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và đối mặt nguy cơ vỡ nợ.

Người dân Hạc Cương đang cảm nhận rõ ràng về gánh nặng của việc thắt chặt tài chính. Theo Bloomberg, một số dân địa phương than phiền rằng họ đã phải trải qua một mùa đông vô cùng khắc nghiệt trong tình trạng thiếu khí đốt để sưởi ấm. Các giáo viên tại trường công lập lo mất việc, còn các công nhân vệ sinh đường phố thì lại bị chậm lương đến 2 tháng.

Núi nợ ngầm đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc - 2
Nhân viên kinh doanh tại một văn phòng bất động sản tại Hạc Cương (Ảnh: Bloomberg).

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Hạc Cương chỉ là phần nổi của tảng băng. Đây cũng là điều khiến các nhà đầu tư ngày càng lo lắng khi vấn đề nợ của chính quyền địa phương có nguy cơ trở thành lực cản cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều năm tới.

Khả năng vỡ nợ ở các địa phương là tương đối thấp, do có sự bảo trợ vững chắc của Bắc Kinh. Nhưng mối lo ngại lớn hơn là chính quyền địa phương có thể buộc phải thắt chặt chi tiêu, hoặc cắt giảm ngân sách lẽ ra phải rót vào các dự án nhằm kích thích tăng trưởng để chuyển sang trả nợ.

“Vài năm nữa, nhiều thành phố Trung Quốc sẽ trở thành Hạc Cương thứ hai, thứ ba”, ông Houze Song, chuyên gia tại tổ chức tư vấn MacroPolo chia sẻ với Bloomberg.

“Chính quyền Trung Quốc có thể duy trì sự ổn định trong thời gian ngắn bằng cách yêu cầu hệ thống ngân hàng tái tục các khoản vay của các chính quyền địa phương”, ông nói thêm. Thế nhưng, nếu không gia hạn các khoản vay, gần 70% số địa phương sẽ không thể trả nợ đúng hạn.

Đây cũng là vấn đề tồn tại ở nhiều thành phố khác. Ở thành phố Vũ Hán và Quảng Châu, những đề xuất cắt giảm phúc lợi y tế của người dân và người về hưu đã dẫn đến những cuộc biểu tình trên đường phố vào năm 2023. Tại Thương Khâu, dịch vụ xe buýt công cộng cũng suýt bị ngừng hoạt động vì không đủ chi phí. Không chỉ vậy, công chức ở những thành phố lớn như Thượng Hải cũng bị cắt lương.

“Chật vật” với những khoản nợ khổng lồ

Nhiều năm qua, Bắc Kinh đã thúc đẩy các chính quyền địa phương hạn chế rủi ro nợ công, đặc biệt là loại nợ “ẩn” xuất phát từ các công ty tài chính do địa phương thành lập.

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ vay tài chính của chính quyền địa phương (LGFV). Các khoản vay thông qua loại nợ này có quy mô gần bằng tổng nợ chính phủ và chính quyền trung ương.

Núi nợ ngầm đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc - 3
Nợ vay tài chính (LGFV) của Trung Quốc có quy mô gần bằng nợ chính phủ và chính quyền trung ương (Ảnh: IMF).

Ngoài nợ vay ngân hàng, các địa phương còn thường xuyên huy động vốn từ các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm đến 40% thị trường trái phiếu. Trong khi đó, số nợ trái phiếu chưa thanh toán của những khoản nợ này lên đến khoảng 36.000 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái.

Không chỉ vậy, sau khi lĩnh vực bất động sản suy thoái, các địa phương có thể sẽ không còn nhiều khả năng hỗ trợ. Trước giai đoạn Covid-19, các địa phương có 20% thu nhập từ việc bán đất, năm ngoái, nguồn doanh thu quan trọng này đã giảm xuống chỉ còn hơn 15%.

Quy mô các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán của chính quyền địa phương Trung Quốc năm 2022 lên đến gần 50% GDP, tạo nên khủng hoảng nợ 8.300 tỷ USD.

Núi nợ ngầm đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc - 4
Quy mô nợ vay tài chính của các chính quyền địa phương Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg).

Trước đây, Bắc Kinh đã tung ra những gói cứu trợ quy mô lớn. Từ năm 2014, hơn 60% khoản nợ chính quyền địa phương đã được công nhận là nợ phải trả của Chính phủ. Trong 4 năm tiếp đó, hơn 12.000 tỷ nhân dân tệ của khoản vay này đã được hoán đổi thành trái phiếu chính quyền địa phương. Tuy nhiên, con số 57.000 tỷ nhân dân tệ ở hiện tại lại có quy mô lớn hơn nhiều, khiến Trung Quốc như “đi trên dây”.

Năm 2020, Hạc Cương không thể trả khoản nợ gốc và lãi trị giá 5,57 tỷ nhân dân tệ vì thiếu tiền. Đến 2021, tổng nợ của thành phố tăng lên gần 30 tỷ nhân dân tệ, tương đương 230% thu nhập tài chính. 

Thu nhập chủ yếu đến từ thuế của Hạc Cương đã tăng 9% vào năm 2022, một phần do giá than tăng cao. Thu từ các khoản phạt và bán tài sản nhà nước ước tăng 10%, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu. Họ đã nỗ lực giảm tỷ lệ này xuống còn 209% vào năm ngoái.

Núi nợ ngầm đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc - 5
Một dãy cửa hàng trống tại Hạc Cương, Trung Quốc vào tháng 3 năm nay (Ảnh: Bloomberg).

Nhờ công cụ này, chính quyền địa phương có thể vay tiền để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nền kinh tế mà không cần ghi nợ vào bảng cân đối kế toán chính thức. Trong nhiều năm, các thành phố của nước này đã sử dụng phương tiện này để tài trợ cho việc xây dựng hạ tầng và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Công cụ tài chính này cũng giúp Trung Quốc xây dựng dịch vụ chất lượng với giá cả phải chăng cho người dân. Người dân nơi đây có thể sử dụng tàu cao tốc và đường bộ với chi phí thấp. Nhưng nền kinh tế nước này đã ở giai đoạn phát triển đủ để các cơ quan tài chính phải tìm cách chi trả cho toàn bộ các cơ sở hạ tầng đó. Bởi vậy, Bắc Kinh sẽ phải cực kỳ cẩn trọng trong những quyết định sắp tới.

Phương Liên / Dân Trí

Cụ ông mắc lao phổi vẫn sống thọ đến 111 tuổi nhờ 5 “thần chú” ai cũng dễ dàng làm theo

Sau 100 tuổi, ông vẫn viết, xuất bản sách, trí óc vẫn minh mẫn. Tất cả là nhờ vào 5 bí quyết sống khoa học, đơn giản của mình.

Cụ ông Chu Hữu Quang là một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Trung Quốc. Ngoài thành tựu trong sự nghiệp, ông còn được nhiều người ngưỡng mộ bởi thọ đến 111 tuổi.

Ông vốn là người có thể chất rất yếu khi còn nhỏ, thời niên thiếu cho đến thanh niên vẫn mắc bệnh lao. Tuy nhiên nhờ 5 “thần chú” dưới đây, sau 100 tuổi, ông vẫn viết và xuất bản sách, trí óc minh mẫn, mắt tinh tường, ăn uống tốt và có thể trạng tuyệt vời. 

1. Con người mang bệnh không phải do đói mà là do ăn

“Tôi không bao giờ ăn thực phẩm bổ sung. Tôi từng làm trong ngân hàng, nhiều người khi đãi khách, ăn uống rất vô độ, nhưng tôi chỉ ăn đúng lượng cơ thể mình cần. Tôi nhớ trước đây tôi có một bác sĩ tư vấn ở Thượng Hải, ông ấy nói với tôi rằng hầu hết mọi người không phải là “chết do đói” mà là “chết do ăn”. Ăn uống bừa bãi đều không tốt cho sức khỏe, nguyên nhân dẫn đến các bệnh như huyết áp cao, mỡ máu, tiểu đường…”, ông Chu Hữu Quang từng chia sẻ. 

Về chế độ ăn, ông Chu không ăn quá nhiều thịt, không ăn đồ chiên rán. Ông chủ yếu ăn trứng, rau xanh, sữa, đậu phụ. Buổi sáng và buổi chiều mỗi ngày ông uống thêm tách trà đen.

Cụ ông mắc lao phổi vẫn thọ đến 111 tuổi nhờ 5 “thần chú” ai cũng dễ dàng làm theo  - Ảnh 1.
Ông Chu Hữu Quang thọ đến 111 tuổi

2. Lòng rộng thì sống lâu 

Theo ông Chu Hữu Quang, tâm trạng và thái độ sống quyết định rất lớn đến sức khoẻ cũng như tuổi thọ của con người. “Tôi không tức giận về bất cứ điều gì. Tôi rất thờ ơ với mọi thứ bên ngoài của mình. Có một câu nói trong Phật giáo rằng nếu bạn coi trọng những thứ bên ngoài cơ thể của bạn quá nhiều, tinh thần của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Cách đây nhiều năm tôi mắc hội chứng mất ngủ, ngủ không sâu giấc. Sau đó, tôi về quê sống yên bình, bệnh mất ngủ của tôi đã được chữa khỏi. Vì vậy, vợ chồng tôi đều tin rằng, muốn khỏe mạnh thì đừng thất vọng hay tức giận khi gặp chuyện không như ý”, ông từng nói.

Chia sẻ về cách điều tiết cảm xúc của mình, ông cho biết, đầu tiên bạn phải luôn nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, nhìn nhận mọi việc theo hướng tốt nhất có thể. Ông gần như không bao giờ tỏ ra tức giận, mỗi khi cảm giác cơn giận sắp tới ông sẽ nhìn sâu vào tâm mình để bình tĩnh, sau đó nở 1 nụ cười thật tươi.

Ngay cả khi gặp chuyện không như ý mình, ông cũng sẽ không thất vọng mà mỉm cười chấp nhận. Mọi việc xảy ra luôn có lý do, quy luật và tự nó đã đủ để giải thích cho sự tồn tại của mình. Việc không thể thay đổi thì nên tìm ra điều tích cực ẩn sâu trong đó, vui vẻ để hóa giải mọi thứ. 

3. Sống càng đơn giản càng tốt 

Chu Hữu Quang từng cho biết cuộc sống của ông rất đơn giản: Ngủ, ăn, đọc, viết bài. Về chế độ ăn uống, ông chủ yếu ăn trứng, rau, sữa, đậu phụ. “Mặc quần áo cũng đơn giản, không có cơ hội mặc những bộ đồ đẹp do người khác tặng, bởi vì tôi không thường xuyên ra ngoài. Tôi thường không cảm thấy thoải mái khi mặc những bộ đồ quá đẹp. Tôi cũng không đi du lịch nhiều mà thường viết lách, uống trà, đọc sách ở nhà và tu luyện bản thân”, ông đã chia sẻ. 

Chính vị này cũng từng chia sẻ rằng ông không nghĩ rằng mình có thể sống lâu bởi mang bệnh lao bẩm sinh. Vợ ông bị trầm cảm. “Khi chúng tôi cưới nhau, mẹ già ở nhà lén tìm thầy bói xem bói, nói hai vợ chồng chỉ sống được đến 35 tuổi. Nghe xong tôi mỉm cười. Tôi nghĩ, ông thầy bói không hề mắc lỗi, chính chúng tôi đã tự thay đổi tuổi thọ của mình.

Cuộc sống của tôi và vợ tương đối đơn giản, không ăn uống vô độ, không hút thuốc hay uống rượu, bia. Đây chính là lý do giúp tôi sống đến 111 tuổi, vợ tôi sống đến 93 tuổi”, ông Chu Hữu Quang từng nói. 

4. Vợ chồng hoà thuận 

Khi nói đến bí quyết sống thọ, ông Chu thường xuyên nhắc đến người vợ Trương Doãn Hòa của mình. Vợ ông cũng là một người nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Hai vợ chồng ông có sở thích uống cà phê, uống trà cùng nhau. Họ có chung quan điểm rằng, vợ chồng sống với nhau không phải chỉ có mỗi tình yêu, mà còn có cả sự tương kính.

Cụ ông mắc lao phổi vẫn sống thọ đến 111 tuổi nhờ 5 “thần chú” ai cũng dễ dàng làm theo - Ảnh 2.
Vợ chồng ông Chu Hữu Quang

Theo quan điểm của người xưa, vợ chồng tương kính như tân (có thể hiểu là “kính trọng nhau như khách”), ông luôn thân thiết và kính trọng vợ. Khi uống trà hay cà phê thậm chí còn cụng ly với nhau, mặc dù đây chỉ là hành động nhỏ, nhưng có thể làm tăng cảm xúc ngọt ngào thân mật giữa 2 vợ chồng, giúp cho gia đình ngày càng ổn định và hạnh phúc.

5. Sống đến già và học đến già

Ông Chu cả đời chỉ đọc và suy ngẫm, khi còn trẻ học kinh tế, trở thành nhà kinh tế học nổi tiếng, sau đổi sang tiếng Hán và trở thành cha đẻ của tiếng Hán. Ông đọc rất nhiều sách văn hóa lịch sử và bách khoa toàn thư, tư duy sáng suốt và óc tò mò đã cho phép ông “tự do bơi trong biển nghiên cứu”.

Cụ ông mắc lao phổi vẫn sống thọ đến 111 tuổi nhờ 5 “thần chú” ai cũng dễ dàng làm theo - Ảnh 3.
Ông Chu vẫn đam đọc sách và nghiên cứu khi tuổi đã cao

Bước sang tuổi 80, lẽ ra là lúc nghỉ ngơi, nhưng ông Chu thì không. Lợi ích lớn nhất của việc học ở tuổi già là luôn tìm kiến thức mới, liên tục kích thích vỏ não, thúc đẩy tuần hoàn máu trong não.

Đinh Anh/ Phụ nữ Online

Thị trường nóng lòng đợi câu trả lời của Trung Quốc đối với sự thống trị của Starlink

Tờ Nikkei Asian cho biết, thị trường đang háo hức tìm kiếm câu trả lời của Trung Quốc cho Space X của tỷ phú Elon Musk.

Nóng lòng đợi câu trả lời

LandSpace Technology đã trở thành công ty tư nhân đầu tiên trên thế giới phóng tên lửa mang oxy lỏng mê-tan, đánh dấu một bước đột phá lớn đối với tên lửa nhiên liệu lỏng giá rẻ mới của Trung Quốc.

Lần ra mắt thứ hai vừa qua, sau thất bại bảy tháng trước là rất quan trọng đối với công ty khởi nghiệp này. Zhang Changwu, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của LandSpace, phải đối mặt với áp lực tài chính và áp lực phát triển kinh doanh ngày càng lớn trước thành công của ZQ-2 vừa được phóng. Ông cho biết nếu lần phóng thử thứ ba của ZQ-2 thành công trong vòng một năm trước mắt thì LandSpace sẽ có thể cung cấp ba đến bốn tên lửa ra thị trường bắt đầu từ năm tới, tăng gấp đôi sản lượng trong ba năm liên tiếp.

Thị trường nóng lòng đợi câu trả lời của Trung Quốc đối với sự thống trị của Starlink - Ảnh 1.

Zhuque-2, tên lửa khí mê-tan-oxy của LandSpace. Ảnh: Reuters

Tờ Nikkei Asian cho biết, thị trường cũng đang háo hức tìm kiếm câu trả lời của Trung Quốc cho Space X của tỷ phú Elon Musk. Kể từ năm 2015, một nhóm các nhà khoa học hàng không vũ trụ từng làm việc cho các công ty nhà nước đã bắt tay vào các dự án kinh doanh nhằm bắt kịp SpaceX.

Đối với ngành hàng không vũ trụ tư nhân của Trung Quốc, năm 2023 là một bước ngoặt. Các công ty tư nhân chế tạo và phóng vệ tinh bắt đầu xuất hiện. Định giá của một số công ty hàng đầu tại Trung Quốc lên tới 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD).

Xiong Weiming, một nhà đầu tư từ China Growth Capital, cho biết ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc cần các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trước sự cạnh tranh từ Mỹ. Sự tăng trưởng của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc được coi là cơ hội phát triển cho các công ty tư nhân.

Năm 2018 đánh dấu sự bùng nổ của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ tư nhân của Trung Quốc. Sáu giao dịch đã tạo ra hơn 100 triệu nhân dân tệ và tổng số tiền gây quỹ đã vượt quá 2 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, đầu tư vào hàng không vũ trụ tư nhân đã giảm trong giai đoạn dịch Covid-19.

Zhang của LandSpace cho biết lễ kỷ niệm 10 năm phát triển tên lửa tư nhân của Trung Quốc đang đến gần. Liu Chang, phó chủ tịch của GalaxySpace, một công ty vệ tinh tư nhân hàng đầu, cho biết hiện có hơn 7.000 vệ tinh trên quỹ đạo trên toàn thế giới và Trung Quốc có khoảng 700. Điều này báo hiệu một khoảng cách lớn và một cơ hội lớn, ông Liu nói. Việc xây dựng internet vệ tinh của Trung Quốc đang tăng tốc, hứa hẹn về một thị trường khổng lồ của ứng dụng và internet.

Thị trường nóng lòng đợi câu trả lời của Trung Quốc đối với sự thống trị của Starlink - Ảnh 2.

Một tên lửa mang 53 vệ tinh của SpaceX được phóng lên vũ trụ ngày 18/5/2022. Ảnh: Reuters

Cuộc chiến internet vệ tinh

Internet vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp (LEO) là tâm điểm của cạnh tranh toàn cầu. Các nhà sản xuất chính của vệ tinh LEO gồm có Iridium Communications, SpaceX, Globalstar, Telesat và OneWeb Satellites. Năm công ty hàng đầu chiếm 95% thị trường internet vệ tinh toàn cầu. Bắc Mỹ là thị trường lớn nhất với 74%, tiếp theo là Châu Âu với 19% và Trung Quốc với 3%.

Vào tháng 4 năm 2020, Trung Quốc đã đưa internet vệ tinh vào kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mạng truyền thông mới. Vào tháng 4 năm 2021, Tập đoàn Mạng vệ tinh Trung Quốc (SatNet) được thành lập để điều phối và lập kế hoạch phát triển mạng internet vệ tinh của Trung Quốc. Vào tháng 2 năm 2023, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin đã đưa thiết bị internet vệ tinh vào giấy phép truy cập mạng, hỗ trợ sự phát triển của mạng vệ tinh LEO.

Với những hướng dẫn rõ ràng trong chính sách, nhiều doanh nhân trong ngành cho biết, họ nghĩa rằng kế hoạch của Trung Quốc sẽ mang lại cơ hội cho các công ty tên lửa tư nhân. Giám đốc điều hành của một công ty tên lửa hàng đầu Trung Quốc cho biết 1/3 thị trường phóng tên lửa hiện tại có thể được phân bổ cho các công ty tư nhân, đủ để hai hoặc ba công ty lớn cùng chia sẻ.

Theo Nikkei, các công ty tên lửa phải đối mặt với 2 con đường về công nghệ. Tên lửa nhiên liệu rắn dễ xây dựng hơn, khiến chúng trở thành lựa chọn hàng đầu cho các công ty hàng không vũ trụ tư nhân và các công ty khởi nghiệp. Đây là một con đường an toàn và ổn định.

Mặt khác, việc chọn lựa sản xuất tên lửa nhiên liệu lỏng mang rủi ro cao hơn nhưng lại mang nhiều lợi ích về tài chính. Tên lửa nhiên liệu lỏng có lợi thế về chi phí, mức tiêu thụ nhiên liệu và khả năng tái sử dụng. Hầu hết các tên lửa nhiên liệu lỏng đều sử dụng dầu hỏa hoặc khí mê-tan.

Duy Anh / Shoha / Phụ nữ Online