Điều gì xảy ra với trái tim khi bạn ngừng uống cà phê?

Với một số người, giảm hoặc ngừng uống cà phê đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả tim mạch.

Theo Health Digest, 73% số người trưởng thành ở Mỹ thưởng thức một tách cà phê hằng ngày trong khi 93% cho biết họ dùng loại đồ uống này ít nhất một lần mỗi tuần. Rõ ràng, người Mỹ cũng như người dân nhiều nước trên thế giới rất yêu thích cà phê. 

Khi nói về lý do thích cà phê, đa số người được hỏi (83%) cho biết họ ưa chuộng hương vị. Các lý do khác bao gồm cà phê mang lại năng lượng (67%), tăng năng suất học tập, làm việc (43%), có lợi cho sức khỏe (29%) và ngăn chặn cảm giác thèm ăn (20%).

Cuộc khảo sát cho thấy một số lượng khá lớn tin rằng cà phê sáng giúp họ có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, thực tế, cà phê có thể không tốt cho tim với một số người có các bất ổn nhất định như vấn đề về tim hoặc huyết áp cao. Nếu họ ngừng uống cà phê hoặc giảm lượng tiêu thụ, hệ tim mạch sẽ hoạt động suôn sẻ hơn. 

Cà phê ảnh hưởng đến trái tim như thế nào? 

Khi bạn uống cà phê, chất caffeine trong loại đồ uống này sẽ đi vào máu qua dạ dày và ruột non. Một khi xâm nhập vào cơ thể bạn, caffeine sẽ bắt đầu kích thích hệ thần kinh. Các thụ thể trong tế bào tim bị tác động. Lưu lượng máu trong cơ thể cũng tăng tốc. Có thể phải mất khoảng 6 giờ bạn mới hết các triệu chứng này.  

Những người khỏe mạnh thường cảm thấy bình thường với các tác động trên. Nhưng đối với nhóm có vấn đề tim hoặc huyết áp, chất caffeine dẫn đến tim đập nhanh hơn. Theo Mayo Clinic, một số người dùng đồ uống chứa caffeine thường xuyên dễ có huyết áp cao hơn. Huyết áp quá cao buộc tim phải làm việc nhiều hơn, gây tổn hại cho tim theo thời gian và dẫn đến suy tim. Huyết áp cao cũng có nguy cơ góp phần gây ra bệnh động mạch vành vì khiến các động mạch cung cấp máu cho tim bị tổn thương và thu hẹp. 

Điều gì xảy ra khi bạn bỏ uống cà phê? 

Nếu bạn có sức khỏe tốt, bạn có thể chỉ cần giảm lượng tiêu thụ cà phê nếu caffeine khiến bạn cảm thấy bồn chồn hoặc tim đập nhanh. MercyHealth lưu ý miễn là bạn không vượt quá lượng được đề xuất (khoảng 4 tách/ngày), cà phê có thể mang lại những lợi ích nhất định cho bạn do chất phytochemical trong cà phê giúp giảm viêm. 

Ngay cả với người khỏe mạnh bình thường, uống nhiều hơn 4 tách cà phê mỗi ngày sẽ làm tăng nhịp tim và huyết áp, đồng thời tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Các chuyên gia của hệ thống chăm sóc sức khỏe Advent Health (Mỹ) khuyên rằng nếu định ngừng uống cà phê, bạn nên giảm dần lượng uống trong vài ngày để tránh các triệu chứng sốc đột ngột như sương mù não và đau đầu. 

Bạn có thể chuyển sang một số loại cà phê không chứa caffeine hoặc trà thảo dược. Khi bạn không còn uống cà phê, các triệu chứng liên quan đến caffeine như tăng nhịp tim và tăng huyết áp sẽ giảm bớt.

Ba thói quen khi uống trà âm thầm gây hại cho sức khỏe

Trà có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng một số thói quen khi dùng loại đồ uống này dẫn đến phản tác dụng.

Văn hóa uống trà có lịch sử lâu đời, sâu rộng ở nhiều nước châu Á. Khi thưởng trà, bạn có thể cảm nhận mùi thơm, hương vị đồng thời tận hưởng sự thư thái tinh thần. 

Giá trị dinh dưỡng

Trong một tách trà pha nước lọc có 2 calo, 7mg natri, 1g carbohydrate, không có đường, protein, chất béo. Các chất dinh dưỡng và khoáng chất quan trọng được tìm thấy trong nhiều loại trà bao gồm flavonoid, catechin, polyphenol, kali, phốt pho, magie, đồng, kẽm, canxi. 

Nồng độ caffeine trong trà thay đổi tùy theo loại bạn uống, nhưng nhìn chung trà có ít caffeine hơn cà phê. Một tách cà phê đen 240ml chứa 96mg caffeine. Mức caffeine ở trà đen là 47mg, trà xanh là 28mg. Các loại trà thảo dược phổ biến như gừng hoặc bạc hà không chứa caffeine.

Trà cũng có liên quan đến giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm các vấn đề về nhận thức, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường.

Tuy nhiên, khi uống loại nước này, bạn cần lưu ý tránh 3 thói quen không tốt cho sức khỏe dưới đây: 

Uống trà khi bụng đói vào buổi sáng

Một số người có thói quen uống trà đặc khi thức dậy vào buổi sáng. Lúc này, dạ dày đang trống rỗng. 

Trong một nghiên cứu của Giáo sư sinh hóa Chung S. Yang (Đại học Rutgers, Mỹ), mọi người có thể bị kích ứng dạ dày sau khi uống trà đặc lúc đói do các chất chống oxy hóa mạnh và polyphenol trong trà. Khi đó, bạn dễ bị ợ chua, đầy hơi, buồn nôn và các triệu chứng khác.

Vị giáo sư cũng đề cập đến việc tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản và dạ dày do uống trà quá nóng. 

Bởi vậy, bạn không nên uống trà khi bụng đói vào buổi sáng. Bạn có thể chuẩn bị một số loại kẹo trái cây, bánh ngọt ăn kèm. 

Vệ sinh ấm chén sai cách

Hầu hết các gia đình thường có sẵn bộ ấm chén tại nhà hoặc sử dụng cốc giữ nhiệt. Tuy nhiên, không phải ai cũng vệ sinh thường xuyên và đúng cách các dụng cụ. 

Theo Aboluowang, vết ố, cặn trà, vi sinh vật và các chất gây hại khác rất dễ đọng lại bên trong ấm chén. Nếu các đồ dùng trên để lâu không làm sạch, vi khuẩn sẽ phát triển và sinh sôi, gây hại cho sức khỏe của người uống trà. 

Hơn nữa, các tạp chất này có thể ảnh hưởng đến mùi thơm và vị của trà. 

Để trà quá lâu

Một số người thường pha một bình trà lớn để uống từ sáng tới tối. Thậm chí, họ tiếp tục cho thêm lá trà vào ấm cũ để uống vào ngày hôm sau. Thực tế, điều này rất có hại. Bạn không nên ngâm lá trà trong nước lâu. Nếu thời gian quá dài, các chất không tốt cho sức khỏe trong lá trà sẽ xâm nhập vào nước và đi vào cơ thể con người. 

Cách bảo quản lá trà

Môi trường ẩm ướt sẽ khiến trà dễ bị nấm mốc, vi khuẩn dẫn đến giảm chất lượng. Vì vậy, việc chọn nơi khô ráo, thoáng mát để bảo quản trà rất quan trọng. Trà phải được bảo quản trong hộp kín để tránh không khí, độ ẩm và mùi hôi bên ngoài ảnh hưởng đến trà. Bạn có thể dùng lọ thủy tinh, lọ gốm hoặc túi kín để đựng trà. 

Theo An Yên / Vietnam net

Bình luận về bài viết này