Nhà gạch trần giữa vườn cây

INDONESIA – Ngôi nhà được xây bằng tường gạch trần, cột gỗ và lợp mái ngói, tạo vẻ đẹp thô mộc tự nhiên.

Tọa lạc tại Bali (Indonesia), ngôi nhà có diện tích xây dựng 470 m2, nằm giữa khu đất rộng 1.005 m2, bao bọc xung quanh là vườn cây xanh mát.

Gia chủ có mong muốn sở hữu một không gian nghỉ dưỡng tiện nghi để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và giải trí. Vì vậy, nhóm kiến trúc sư đã chọn giải pháp xây dựng nhà vườn theo phong cách thô mộc, xung quanh là bể bơi, sân cầu lông và khu vực chơi bóng bàn.

Công trình gồm hai khối nhà được xây nương theo địa hình dốc đặc trưng của khu đất, với hai vật liệu chính gồm gạch trần và gỗ.

Các bức tường lớn được tiết giảm tối đa và thay thế bằng hệ lam hay lan can gỗ.

Ngăn cách giữa các phòng là những khoảng sân vườn nhỏ.

Khối nhà chính gồm hai tầng. Ở tầng trệt, nhóm kiến trúc sư bố trí khu bếp mở và một phòng ngủ kế bên. Phòng ngủ chính của gia chủ nằm trên tầng lửng.

Các tầng được thiết kế không vách ngăn, giúp các thành viên trong gia đình có thể thoải mái giao tiếp với nhau.

Toàn bộ hai khối nhà đều không lắp đặt điều hòa, mà tận dụng khả năng thông gió tự nhiên.

Một phòng ngủ được bố trí tối giản.

Phòng vệ sinh với thiết kế tối giản, một mặt là hệ lam gỗ, mặt còn lại được che chắn bởi vườn cây rậm rạp.

Ngôi nhà được thiết kế và thi công bởi văn phòng kiến trúc Arkana Architects (Indonesia).

Khánh Đăng (Theo Archdaily) / vietnam Express

Truyện ngắn : Chết trong niềm hy vọng

Finlay là một tên tội phạm rất gan lì và bướng bỉnh, từ nhỏ đến lớn hắn chưa bao giờ học hành tử tế, hắn là khách quen của trung tâm giáo dục tội phạm thiếu niên. Nửa năm trước hắn và một đồng bọn gây ra một vụ cướp, chúng đã đánh đập dã man rồi giết chết ông chủ cửa hàng.

Sau khi gây án Finlay bị cảnh sát bắt nhưng tên đồng phạm của hắn thì trốn thoát, Finlay rất ngoan cố vẫn không chịu khai ra tên đồng phạm của hắn là ai, hắn bị kết án tử hình và sẽ bị xử tử vào cuối tháng này.

Finlay có tính nóng nảy nên ở trong tù hắn sẽ gây rắc rối bất cứ khi nào có cơ hội. Hắn bị tống giam ở phòng biệt giam, hắn biết cai ngục không thể để hắn phải chết đói nên hắn bắt đầu tuyệt thực.

Theo thông lệ, linh mục sẽ gặp gỡ các tù nhân bị kết án tử hình để cảm hóa họ, cố gắng làm cho các tù nhân giảm bớt nỗi sợ trước khi đi đến cái chết nhưng Finlay luôn từ chối sự giúp đỡ của linh mục. Hắn nói rằng kể cả luật sư hắn cũng đuổi ra khỏi phòng giam nói gì đến linh mục, bây giờ không ai có thể giúp đỡ được hắn.

Hôm nay, Finlay vẫn cự tuyệt gặp linh mục nhưng vị linh mục vẫn cố gắng thuyết phục hắn:

– Finlay này, hãy để ta nói chuyện với con, vấn đề này thực sự là rất quan trọng.

Finlay nhún vai khinh bỉ nói:

– Cái gì rất quan trọng? Tôi không muốn nghe ông vì tôi sẽ tự cầu nguyện, tôi không sợ chết.

c0cfcba42fe8fcb6a5f9.jpg -0
Minh họa: Hà Huy Chương

Linh mục dường như không hề chán nản mà tiếp tục khuyên nhủ hắn. Finlay đột nhiên cảm thấy có chút hiếu kỳ bỗng nhiên gật đầu đồng ý trò chuyện với vị linh mục. Vị linh mục bước vào phòng giam khi ông ta lấy từ trong túi ra một cuốn Kinh thánh bìa đen thì Finlay lập tức hối hận và hét lên:

– Không cần, tôi không muốn đọc cuốn Kinh thánh nhảm nhí này!

Vị linh mục nghiêm túc nói:

– Con chỉ cần nhìn thôi.

Finlay nhận cuốn Kinh thánh từ tay vị linh mục mở ra và phát hiện trong cuốn Kinh thánh kẹp một mảnh giấy gấp làm tư, hắn ngẩng đầu nhìn người cai ngục đứng ở bên ngoài phòng giam rồi lặng lẽ nâng cuốn kinh lên che tầm nhìn của người cai ngục sau đó mở tờ giấy ra thấy trên đó có viết ba chữ “Hãy tin ở cha!”.

Finlay chớp chớp mắt thực sự không thể tin vào những gì mình đang thấy, hắn ngẩng đầu lên nhìn lên vị linh mục một lần nữa. Vị linh mục nói:

– Bây giờ chúng ta nói chuyện được không? Thời gian không còn nhiều đâu, con ạ.

– Vậy cuối cùng là có chuyện gì?  – Finlay nói.

– Suỵt! – Linh mục đặt một ngón tay đặt lên môi đồng thời nháy mắt nhìn người cai ngục đứng ở bên ngoài phòng giam – Con trai, con đừng nói nữa, chúng ta cùng cầu nguyện đi.

Vị linh mục nhắm mắt lại và bắt đầu đọc kinh, Finlay bối rối làm theo. Sau khi đọc kinh xong vị linh mục tỏ ra rất vui và rời khỏi phòng giam.

Finlay không gặp lại vị linh mục cho đến đêm hôm sau, lần này, Finlay không do dự để vị linh mục vào phòng giam. Khi vị linh mục vừa bước vào, Finlay như không thể đợi được nữa vội thì thầm với vị linh mục: “Hãy nghe con nói, có phải Willie Parks cử cha đến đây không?”.

– Suỵt! – Vị linh mục vẻ căng thẳng nói trong khi vẫn nhìn người cai ngục đang tuần tra bên ngoài phòng giam – Chuyện này chúng ta sẽ nói sau…

– Đó phải là Willy – Finlay tự nhủ – Con biết Willy sẽ không làm con thất vọng.

Vị linh mục mở cuốn Kinh thánh và nói một cách đầy ẩn ý:

– Con ơi, Kinh thánh dạy chúng ta phải can đảm và có niềm tin vào bản thân, bạn bè và Chúa, con hiểu chứ?

– Con hiểu rồi! – Finlay nói, hắn cảm thấy mình hiểu rõ được ý nghĩa lời nói của vị linh mục.

Mấy hôm tiếp theo, Finlay không gặp vị linh mục, khi người cai ngục thấy Finlay yêu cầu được gặp linh mục, anh ta mở to mắt và nhíu mày ngạc nhiên. Sau khi vị linh mục đến, Finlay mỉm cười nói – Thưa cha, hôm nay Kinh thánh nói gì?

– Nói về niềm hy vọng – Vị linh mục nói một cách rất nghiêm túc – Chúng ta sẽ cùng nhau đọc kinh chứ?

– Tất nhiên, hôm nay cha có thể đọc bất cứ điều gì.

Vị linh mục bắt đầu đọc và cuối cùng thì Finlay trở nên mất kiên nhẫn và vị linh mục đưa cho hắn một cuốn Kinh thánh khổ nhỏ. Khi Finlay mở nó ra, hắn thấy một dòng chữ được viết bên trong trang bìa: “Mọi thứ đã được sắp đặt”.

Vị linh mục mỉm cười nhìn Finlay không nói gì sau đó gọi người cai ngục mở cửa rồi đi ra.

Thời gian trôi rất nhanh, đó là ngày hành quyết Finlay. Luật sư của Finlay đến thăm hắn vào buổi sáng và không mang lại tin vui nào, ngoại trừ việc nếu Finlay đồng ý tiết lộ tên của đồng bọn thì ông vẫn có thể can thiệp với thẩm phán. Đến trưa, người cai ngục đến thăm và hỏi Finlay một lần nữa xem hắn có thể khai ra tên đồng phạm của mình không nhưng Finlay chỉ mỉm cười và hỏi bây giờ hắn có thể gặp linh mục được không, người cai ngục chỉ thở dài rồi đứng dậy đi ra ngoài.

Vào lúc sáu giờ tối, cuối cùng Finlay cũng được nhìn thấy vị linh mục. Hắn nhỏ giọng hỏi vị linh mục:

– Con nên làm gì? Dùng vũ lực vượt ngục, hay là…

– Suỵt! – Vị linh mục cảnh báo – Mọi thứ đã được sắp đặt, chúng ta phải tin tưởng vào quyền lực tối cao.

Finlay gật đầu và đọc Kinh thánh cùng với vị linh mục.

Các vụ hành quyết thường diễn ra vào nửa đêm và thời gian trôi đi làm cho Finlay bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Hắn tự hỏi mình liệu cuộc vượt ngục có phải đã được sắp đặt không và Willie có thể sử dụng cách khôn khéo nào để giải thoát cho hắn. Cuối cùng, hắn bắt đầu lo lắng và yêu cầu được gặp linh mục. Vị linh mục vội vã chạy đến bằng một giọng bình tĩnh nhưng kiên quyết nói với Finlay về đức tin và lòng can đảm và nhân cơ hội đó nhét vào tay Finlay một mảnh giấy được gấp lại. Finlay vội giấu mảnh giấy dưới chiếc chăn và đợi cho đến khi chỉ còn một mình trong phòng giam hắn mới mở ra đọc. Mảnh giấy viết: “Chạy trốn vào phút cuối”. Finlay đọc xong xé vụn mảnh giấy cho vào mồm nhai rồi nuốt chửng.

Mười giờ kém 15 phút đêm, lính canh đến phòng giam để hộ tống Finlay đến phòng hành quyết. Vị linh mục cũng đến, khi không ai để ý, ông thì thầm với Finlay:

– Con sẽ sớm được gặp Willy.

Trong phòng hành quyết, vẻ mặt của Finlay vẫn rất bình tĩnh, ngay cả trước khi chiếc mũ trùm đầu chụp kín mặt, hắn vẫn nở nụ cười.

Qua tấm kính một chiều, người cai ngục và vị linh mục được nhìn thấy cảnh tượng trong phòng hành quyết. Giám ngục trưởng nói:

– Thưa cha, tôi đoán cảnh sát đã nói với cha về Willy Parks rồi? Theo manh mối mà cha báo cáo, cảnh sát đi điều tra và hôm nay đã tìm được chỗ ở của hắn, vì hắn ngoan cố chống cự nên cảnh sát đã bắn chết hắn.

Vị linh mục nói:

– Tôi đã biết tin này. Cầu mong cho linh hồn của hắn được bình yên.

– Thật là lạ lùng vì sao mà Finlay có tính cách ương bướng lại bình tĩnh chấp nhận cái chết? Cha đã làm gì với anh ta vậy, thưa cha?

Linh mục lộ ra vẻ mặt hiền từ, chậm rãi trả lời:

– Ta cho hắn niềm hy vọng.

Nguyễn Thiêm (dịch) / Michael Siegel (Mỹ) /Văn nghệ CA

Vợ chồng nhà khoa học hơn 100 tuổi có cơ thể khoẻ mạnh như thanh niên nhờ quy tắc 5-3-1 dễ áp dụng

Vợ chồng nhà khoa học hơn 100 tuổi có cơ thể khoẻ mạnh như thanh niên nhờ quy tắc 5-3-1 dễ áp dụng
Nhiều người phải trầm trồ khi xem những chỉ số sức khoẻ của cặp vợ chồng này, dẫu ông bà đã bước sang tuổi xưa nay hiếm.

Cụ ông Qin Hanzhang (1908) và cụ bà Suo Ying (1922) là cặp vợ chồng trường thọ nổi tiếng tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Trước đây, ông Qin từng là Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Trung Quốc. Còn vợ ông là chuyên gia dinh dưỡng thuộc Hiệp hội Y khoa trung Quốc.

Vào năm 2018, khi đó cụ ông tròn 110 tuổi và cụ bà đạt 96 tuổi, họ vẫn có những chuyến đi du lịch cùng nhau. Trong 1 lần ra sân bay, họ bất ngờ bị nhân viên sân bay yêu cầu xuất trình giấy khám sức khoẻ bởi lo ngại vấn đề an toàn. Khi nhìn tờ giấy kết quả sức khoẻ, đa số những nhân viên trẻ tại đó đều phải thốt lên về cơ thể khoẻ mạnh như thanh niên của 2 ông bà.

Sau đó, câu chuyện sống thọ của vợ chồng ông Qin được chia sẻ rộng rãi. Nhiều người dần đặt câu hỏi về bí quyết làm như thế nào để có thể một cơ thể khoẻ mạnh đến như vậy. Trong một lần được truyền thông phỏng vấn, cặp vợ chồng trường thọ này đã tiết lộ bí quyết của mình dựa trên quy tắc 5-1-4, gồm 5 bữa ăn, 1 món súp và 3 hình thức vận động.

5 bữa ăn

Thay vì ăn 3 bữa ăn mỗi ngày, vợ chồng ông Qin lại chia thành 5 bữa. Mỗi bữa chỉ ăn trong khoảng thời gian 7-8 phút.

Bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày. Họ thường sử dụng 375ml sữa, cà phê với một ít đường cùng 2 lát bánh mì.

Với bữa trưa, họ sử dụng cơm hoặc mì ống là thực phẩm chính. Kết hợp với đó là những món chay cùng các thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành.

Đến 3h chiều, họ sẽ uống một ly trái cây tươi hoặc ăn trái cây dễ tiêu hoá như một chất bổ sung.

Sau đó khoảng 2 tiếng, vào lúc 5h chiều, ông bà tiếp tục uống 1 túi sữa hoặc ly cà phê kết hợp với bánh quy.

Bữa thứ 5 trong ngày là bữa tối. Thực phẩm chủ yếu là cháo đa hạt, sử dụng kèm bánh nhân đậu, trứng và rau xay nhuyễn.

Ông Qin giải thích rằng, cơ thể người cao tuổi có khả năng hấp thụ kém nên uống sữa có thể bổ sung canxi rất tốt. Khả năng nhai kém nên cần ăn đồ nấu mềm. Họ đã theo chế độ ăn kiêng này trong nhiều thập kỷ.

Bà Suo Ying cho biết, nếu dinh dưỡng trong khẩu phần ăn không theo kịp thì cần bổ sung thêm vitamin, canxi và dầu cá.

1 món súp

Mùa đông, gia đình ông Qin ưa thích món súp borscht. Mòn này bao gồm nhiều nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng cao, như thịt bò, cà chua, cà rốt, khoai tây, cần tây và hẹ tây.

Vợ chồng nhà khoa học hơn 100 tuổi có cơ thể khoẻ mạnh như thanh niên nhờ quy tắc 5-3-1 dễ áp dụng - Ảnh 2.

Về mặt dinh dưỡng, món ăn này mang đến một loạt giá trị. Thịt bò là loại thịt có hàm lượng protein cao, vừa có thể ăn để sưởi ấm trong mùa đông vừa có thể bổ sung đủ lượng protein chất lượng cao. Cà chua không chỉ có thể làm tăng vị chua cho món canh mà còn bổ sung các chất dinh dưỡng bảo vệ tim mạch như lycopene. Carotene trong cà rốt có thể bảo vệ thị lực và ngăn ngừa ung thư. Hành tây có thể nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, cần tây có thể bổ sung chất diệp lục…

Ngoài ra, theo chia sẻ bà Suo, khi nấu ăn bạn nên sử dụng ít dầu và muối để tránh tăng lipid trong máu. Ngoài món súp này, cặp vợ chồng trường thọ này thường dùng cách nấu đơn giản như luộc hoặc hấp nhằm bảo quản tốt dinh dưỡng của thực phẩm và nấu càng nhiều rau càng tốt. Điều này giúp tốt cho hệ tiêu hoá, giảm gánh nặng cho dạ dày của người trung niên và cao tuổi.

3 hình thức vận động

Vận động não : Sử dụng não bộ một cách siêng năng cũng là một cách để rèn luyện sức khoẻ. Dù hơn 100 tuổi, ông Qin vẫn thường xuyên tham gia vào các nghiên cứu và hội nghị khác nhau. Người trung niên và người cao tuổi thường xuyên tham gia các hoạt động trí não như học, đọc sách báo có thể ngăn ngừa lão hoá của não và duy trì sự trẻ trung.

Vợ chồng nhà khoa học hơn 100 tuổi có cơ thể khoẻ mạnh như thanh niên nhờ quy tắc 5-3-1 dễ áp dụng - Ảnh 3.

Tạp chí Real Simple dẫn kết quả nghiên cứu quy mô lớn kéo dài 12 năm do nhóm học giả từ Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Yale (Mỹ) thực hiện, được bình duyệt và công bố trên tập san Social Science & Medicine (tạm dịch: Khoa học xã hội & Y học), chỉ ra rằng đọc sách 30 phút/ngày sẽ giúp giảm đáng kể khả năng tử vong khi bạn già đi và kéo dài tuổi thọ.

Việc đọc cách cho thấy tác động tích cực đến sức khoẻ của não bộ. Trung bình, những người đọc sách sống lâu hơn 23 tháng so với những người không đọc sách. Đối với những người đọc nhiều hơn 30 phút/ngày, con số này con số này còn khả quan hơn.

Các tác giả giải thích rằng đọc sách có thể giúp duy trì các kết nối thần kinh tốt hơn, kích hoạt bộ não tạo ra các con đường giữa các bán cầu và thùy não với tốc độ cao hơn, từ đó giúp cải thiện sức khỏe trí óc, ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và suy giảm nhận thức.

Vận động tinh thần : Ngoài ra, năng tham gia các hoạt động ngoài xã hội, trò chuyện với gia đình và bạn bè, nói về điều hạnh phúc trong cuộc sống sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và duy trì sức khoẻ thể chất và tinh thần.

ĐH Harvard đã thực hiện một cuộc nghiên cứu kéo dài 75 năm tìm ra nguyên tắc của sống thọ. Sau khi phân tích 10.000 trang dữ liệu nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cho rằng sự gắn với mọi người sẽ giúp trí nhớ của bạn sắc bén hơn. Những ai luôn cảm thấy tin tưởng bạn đời, có thể nhờ cậy nửa kia khi cần thì khả năng nhớ mọi thứ cũng tốt hơn và lâu hơn.

Vận động chân tay : Vận động chân tay ở đây được hiểu là tập thể dục. Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan thực hiện cho thấy những người hoạt động mạnh từ 150 đến 300 phút hoặc hoạt động thể chất vừa phải từ 300 đến 600 phút mỗi tuần có tỷ lệ tử vong thấp hơn. Người tham gia các bộ môn thể thao như chạy bộ, bơi lội, đạp xe, thể dục nhịp điệu hoặc hoạt động ngoài trời trong 150 đến 300 phút có tỷ lệ tử vong vì tất cả nguyên nhân thấp hơn từ 21% đến 23%.

Người tập luyện thường xuyên cũng có tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn từ 27% đến 33%, tỷ lệ tử vong vì các bệnh không liên quan đến tim mạch thấp hơn 19%.

Đinh Anh / Phụ nứ online

20/07/1865: Pierre Lallement, người phát minh ra xe đạp, đến Mỹ

Vào ngày này năm 1865, một người Pháp tên là Pierre Lallement đã đến Mỹ, mang theo các bản thiết kế và bộ phận cho chiếc xe đạp hiện đại đầu tiên. Lallement đã chế tạo và xin cấp bằng sáng chế cho chiếc xe đạp đầu tiên ở Mỹ, nhưng không nhận được phần thưởng hay sự công nhận đáng kể nào dù đã giới thiệu cho mọi người một phát minh đã sớm trở nên phổ biến.

Sinh ra ở gần Nancy, Pháp, Lallement được đào tạo để trở thành thợ cơ khí. Khi đang làm công việc chế tạo xe ngựa, ông đã lần đầu tiên nhìn thấy một xe đạp hình ngựa (dandy horse) — loạt xe gần giống với xe đạp, nhưng người ngồi trên xe phải đẩy hoặc trượt dọc theo mặt đất để xe chạy. Sau đó, ông bắt đầu lên kế hoạch cho một cỗ máy tương tự. Cải tiến lớn của Lallement là bổ sung hộp số và bàn đạp, cho phép lái xe mượt mà hơn, nhanh hơn, và trang nghiêm hơn một chút. Cùng với một người chế tạo xe ngựa khác, Pierre Marchaux, Lallement được ghi nhận là người đã chế tạo nguyên mẫu xe đạp đầu tiên hoạt động được. Tuy nhiên, do tranh chấp giữa ông, Marchaux và con trai, với anh em nhà Olivier mà Marchaux đã hợp tác kinh doanh, Lallement đã bị loại khỏi ngành kinh doanh xe đạp sản xuất hàng loạt đầu tiên ở Pháp.

Khi đến Mỹ, Lallement định cư tại Ansonia, Connecticut. Ông đã trình diễn phát minh của mình cho cư dân địa phương—một trong số họ được cho là đã hoảng hốt chạy đi khi nhìn thấy “quỷ dữ ngồi trên bánh xe”— và cuối cùng đã tìm được một nhà đầu tư, James Carroll, đồng ý hỗ trợ. Năm 1866, ông nộp đơn xin và được cấp bằng sáng chế cho chiếc xe đạp đạp đầu tiên ở Mỹ.

Dù là người đầu tiên được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng xe đạp, Lallement đã không thể tận dụng phát minh của mình. Không có đủ tiền để mở nhà máy, ông đành bán bản quyền bằng sáng chế vào năm 1868 và quay trở lại Pháp, nơi chiếc xe đạp của Marchaux đã trở nên nổi tiếng và tạo ra một “cơn sốt xe đạp” nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu. Albert Pope, người sở hữu bằng sáng chế của Lallement vào năm 1876, đã kiếm được một khoản tiền nhỏ khi sản xuất xe đạp Columbia và trở thành một trong những người ủng hộ xe đạp hàng đầu khi sáng lập Liên đoàn những người lái xe Mỹ vào năm 1880. Tuy nhiên, Lallement đã qua đời trong lãng quên ở Boston vào năm 1881. Phải hơn một thế kỷ sau, các nhà nghiên cứu lịch sử xe đạp mới xác định được vai trò quan trọng của ông trong việc phát minh ra xe đạp.

Nguồn: Pierre Lallement, inventor of the bicycle, arrives in the U.S.History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng / Nghiên cứu Quốc Tế

Việt Nam vượt qua 39 đối thủ, đánh mạnh vào thị trường 3 nghìn tỷ USD: Dùng ‘át chủ bài’ bứt phá thành ngôi sao châu Á

Việt Nam đang sở hữu tất cả những ‘lợi thế vàng’ để đạt được vị thế hàng đầu trong một lĩnh vực ngày càng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế.

Việt Nam vượt qua 39 đối thủ, đánh mạnh vào thị trường 3 nghìn tỷ USD: Dùng át chủ bài bứt phá thành ngôi sao châu Á - Ảnh 1.

Thị trường logistics Việt Nam đang đứng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Thị trường 3.000 tỷ USD

Đông Nam Á – một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới – đã chuyển hướng theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài, các hoạt động hội nhập vào chuỗi giá trị của khu vực, cũng như toàn cầu.

Hiện nay, ngành logistics đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngoài đóng góp vào GDP, mạng lưới logistics phát triển tốt còn tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế của một quốc gia.

Hệ thống logistics hiệu quả có thể cải thiện khả năng cạnh tranh của quốc gia đó, đồng thời tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế và tăng cường kết nối để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất.

Trước đây, logistics thường được hiểu là “hậu cần” nhưng cách gọi này không còn phù hợp trong xã hội hiện đại nữa. Hiện có thể hiểu đơn giản logistics là quá trình lập kế hoạch, tiến hành và kiểm soát các thủ tục để lưu kho, luân chuyển và vận chuyển hàng hóa hiệu quả từ điểm xuất phát (nơi cung cấp/sản xuất) đến điểm tiêu thụ một cách tối ưu.

Theo báo cáo của ResearchAndMarkets.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu trong năm 2021 ước đạt 3.215 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2020.

Mặc dù con số này thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2015-2017 (ước đạt 8-9 nghìn tỷ USD/năm, theo báo cáo về hoạt động logistics thế giới của Bộ Công Thương) do các tác động của đại dịch COVID-19, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng chỉ số này cho thấy ngành logistics vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn.

Báo cáo “Ngành logistics Việt Nam” của OECD cho biết, trong năm 2017, chi phí logistics (tính theo tỷ lệ phần trăm GDP) của Việt Nam là 18%. Mức này có vẻ tối ưu hơn so với một số nước khác trong khối ASEAN như Philippines (27,2%), nhưng lại cao hơn đáng kể so với Thái Lan (8,5%) hay các nước phát triển.

Nhìn chung, với chỉ số như vậy, chi phí vận chuyển ở Việt Nam chiếm tới 30-40% chi phí sản xuất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ Việt Nam.

Trước tình hình đó, ngành logistics Việt Nam đã nỗ lực phát triển và đến nay đã có sự cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Việt Nam vượt qua 39 đối thủ, đánh mạnh vào thị trường 3 nghìn tỷ USD: Dùng át chủ bài bứt phá thành ngôi sao châu Á - Ảnh 2.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “ngôi sao logistics” của châu Á.

‘Ngôi sao logistics’ của châu Á

Trong bảng xếp hạng của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam đang đứng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu . Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong khối ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.

Tại buổi họp báo giới thiệu “Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam 2023-VILOG 2023” diễn ra hồi tháng 5 năm nay, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.

Số lượng các doanh nghiệp chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, góp phần đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang nâng cao tính cạnh tranh trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới và là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “ngôi sao logistics” của châu Á trong thời gian tới.

Việt Nam vượt qua 39 đối thủ, đánh mạnh vào thị trường 3 nghìn tỷ USD: Dùng át chủ bài bứt phá thành ngôi sao châu Á - Ảnh 3.

Việt Nam đang sở hữu tất cả những lợi thế để thúc đẩy ngành logistics phát triển.

Việt Nam nắm trong tay ‘tất cả các lợi thế’

Chia sẻ tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển” diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái, ông Chih Cheung, đồng sáng lập Công ty SLP Việt Nam nhận định, Việt Nam đang sở hữu tất cả những lợi thế để thúc đẩy ngành logistics phát triển như dân số trẻ, quy mô lớn (khoảng 100 triệu người), chính sách hỗ trợ ổn định từ Chính phủ, loạt hiệp định thương mại sâu rộng với các nước khác trong khu vực/trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam có xu hướng thuận lợi trong sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Hiện có khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp tham gia vào thị trường logistics của Việt Nam, trong đó 89% là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, 10% là doanh nghiệp liên doanh. Mặc dù chỉ chiếm 1% nhưng doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang tại Việt Nam đang cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với nhiều tên tuổi lớn nhất trong ngành logistics toàn cầu.

Theo báo cáo của OECD, Việt Nam đang nắm trong tay những lợi thế “át chủ bài” để phát triển ngành logistics. Đầu tiên là vị trí ở trung tâm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế. Lợi thế này mang tới cho Việt Nam điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi để phát triển logistics.

Bên cạnh đó, với bờ biển dài 3.260km trải dài từ Bắc tới Nam, Việt Nam có những điều lý tưởng để đưa hàng hóa xuất nhập khẩu đến với thế giới, đồng thời cũng là địa điểm rất phù hợp để tiến hành các hoạt động trung chuyển như quá cảnh chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất.

Việt Nam đã tận dụng những lợi thế từ đường bờ biển dài để xây dựng hệ thống cảng biển đạt công suất tối ưu với tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc.

Ngoài các mô hình logistics truyền thống, theo hãng tin Sputnik (Nga), cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử thì e-logistics (dịch vụ logistics thương mại điện tử) đang trở thành mảnh đất màu mỡ. Tại Việt Nam, ngành thương mại điện tử đang xếp thứ 2 toàn khu vực Đông Nam Á.

Do e-logistics ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn đầu, tức giai đoạn chuyển tiếp từ logistics truyền thống sang thương mại điện tử nên ngành này còn nhiều dư địa phát triển. Với sức hấp dẫn này, cuộc đua e-logistics trong nước sẽ ngày càng sôi nổi trong thời gian tới.

Theo Vy Lam / Nhịp sống thị trường