Itsukushima – ngôi đền trên mặt biển đẹp nhất Nhật Bản

Đền Itsukushima được xây dựng lần đầu vào thế kỷ thứ 6 và đã bị phá hủy nhiều lần cùng các biến động lịch sử Nhật Bản. Đền thờ hiện nay có từ giữa thế kỷ 16 dựa theo một thiết kế trước đó vào thế kỷ 12.

Đền Itsukushima (Nghiêm Đảo thần xã) là một ngôi đền nằm trên đảo Itsukushima, trong vịnh Seto ở tỉnh Hiroshima, Nhật Bản. Với sự hòa quyện tuyệt vời giữa thiên nhiên và kiến trúc Nhật Bản truyền thống, ngôi đền này hút một lượng khách trong và ngoài nước khổng lồ ghé thăm mỗi năm. Ảnh: Travel Japan.

Theo các nhà nghiên cứu, đền Itsukushima được xây dựng lần đầu vào thế kỷ thứ 6 và đã bị phá hủy nhiều lần cùng các biến động lịch sử Nhật Bản. Đền thờ hiện nay có từ giữa thế kỷ 16 dựa theo một thiết kế trước đó vào thế kỷ 12. Ảnh: World Travel Magazine.

Ngôi đền này nổi tiếng với cánh cổng Torii được xây dựng trên mặt nước, tạo ra một cảnh tượng lộng lẫy khi mực nước lên cao. Trong văn hóa Nhật Bản, cổng Torii là nơi đánh dấu lãnh địa một ngôi đền Thần đạo, thể hiện sự kết nối giữa thế giới của con người và thế giới của các thần linh. Ảnh: GaijinPot Travel.

Bên trong khuôn viên đền Itsukushima có nhiều công trình kiến trúc ấn tượng. Chính điện là công trình trung tâm của đền, được xây dựng trên sàn lớn theo phong cách kiến trúc truyền thống Nhật Bản, với mái ngói dốc, cột gỗ và những hình khắc tinh tế. Ảnh: ぷらんジャ.

Bên cạnh chính điện, đền còn nhiều điện thờ nhỏ hơn và một sân khấu kịch noh, kết nối với nhau bằng hệ thống hành lang có mái che. Mỗi chi tiết trong kiến trúc của đền Itsukushima đều thể hiện sự tôn trọng đối với thiên nhiên và các quy luật của vũ trụ. Ảnh: Culture Trip.

Cầu Sorihashi, cây cầu bằng gỗ nằm ở phía Nam khuôn viên ngôi đền là một điểm nhất kiến trúc, tạo nên cảnh tượng động đáo hiếm có, đồng thời cũng là một lối vào đền từ thị trấn Hatsukaichi. Ảnh: RECOTRIP.

Về mặt tín ngưỡng, đền Itsukushima thờ phụng các nữ thần đã phù trợ tướng Taira no Kiyomori – người thiết lập nên chính quyền hành chính do samurai thống trị đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản – xây dựng sự nghiệp. Ảnh: Wikidpedia.

Kể từ khi hình thành, ngôi đền đã trở thành một địa điểm hành hương thiêng liêng của những người theo Thần đạo. Du khách có thể đắm mình trong một không gian yên tĩnh và tôn nghiêm khi tham gia những buổi lễ tổ chức tại đền. Ảnh: Japan Up Close.

Đền Itsukushima cũng nổi tiếng với lễ hội truyền thống “Kangen-sai” diễn ra vào tháng 5 hàng năm. Lễ hội bao gồm các màn trình diễn nghệ thuật truyền thống như nhảy múa, diễu hành và biểu diễn trên nước, tạo nên một không khí sôi động và phấn khích. Ảnh: Gltjp.com.

Với những giá gị nổi bật về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và cảnh quan, vào năm 1996, đền Itsukushima đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Hotels.com.

Du khách có thể kết hợp chuyến thăm đền Itsukushima với việc dạo chơi trên bãi biển, khám phá các đền chùa khác, hoặc chụp ảnh với những con hươu rừng – loài vật thiêng trong Thần đạo – sinh sống khá nhiều trên đảo Itsukushima… Ảnh: Little Miss Turtle.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Đến Vũ Trọng Phụng cũng… chào thua

Hơn 3 tháng sau khi nghệ sĩ cải lương Vũ Linh qua đời, tên ông vẫn được nhắc tới hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng xã hội (dưới nhiều hình thức thể hiện). Nhưng điều đáng buồn là thay vì được nhắc nhớ về những thành tựu của một đời gắn bó với sân khấu cải lương thì ông lại là tâm điểm cho những tranh giành liên quan đến tiền bạc của những người trong gia quyến của mình.

Câu chuyện nổ ra giữa Hồng Loan (con gái nghệ sĩ Vũ Linh) và Hồng Phượng (cháu gái ông) cùng những người đứng sau lưng Hồng Phượng (là các em ruột của Vũ Linh) được đẩy lên như một tấn bi hài không đáng có, một tấn bi hài đủ sức làm tổn thương thanh danh của Vũ Linh cũng như những ai yêu mến ông nói riêng; yêu mến cải lương nói chung.

Đến Vũ Trọng Phụng cũng... chào thua -0
Cố nghệ sĩ cải lương Vũ Linh.

Cái tấn bi hài ấy, nếu như cụ Vũ Trọng Phụng có hồi sinh thì có lẽ cụ cũng chào thua bởi những gì cụ hình dung trong tiểu thuyết lừng danh “Số đỏ” (chương “Hạnh phúc của một tang gia”) cũng chẳng thể đạt tới tầm. Xưa nay, chuyện thân gia quyến thuộc tranh giành gia sản cũng không phải là chuyện hiếm hoi gì, nhưng mang nhau ra thiên hạ đấu tố đến mức độ ấy thì họa chăng chỉ có trong tiểu thuyết hay phim ảnh mà thôi.

Cái đáng suy ngẫm nhất trong kịch tính “Loan-Phượng” này chính là việc một người thân của nghệ sĩ Vũ Linh (ở bên phe của Hồng Phượng) đã kêu gọi hảo tâm từ khán giả để hỗ trợ cho việc tang ma. Và chỉ khi những tranh giành nổ ra, với khối tài sản mà Vũ Linh để lại, nhiều người mới ngã ngửa ra khi biết rằng hoàn cảnh của gia đình Vũ Linh đâu có eo hẹp như nhiều nghệ sĩ khó khăn khác. Trong khi ngoài xã hội, nhiều gia đình vẫn thông báo “miễn chấp điếu” vì không muốn thân nhân của mình còn vướng lại nợ nần gì cõi trần này thì người thân của Vũ Linh lại không cho ông được thanh thản ra đi khi sử dụng tên tuổi ông cho một lần “lĩnh cát sê cuối cùng”. May thay, Hồng Loan, con gái ông, đã phát hiện ra việc kể trên và thể hiện ý chí quyết liệt sẽ trả lại các nhà hảo tâm những gì mà họ chuyển tới gia quyến để hỗ trợ tổ chức đám ma.

Nhưng việc kêu gọi hảo tâm chưa phải là tất cả. Hợp đồng truyền thông cho đám ma Vũ Linh cũng đã mở ra một khái niệm mới trong showbiz chăng? Việc tang gia, vốn dĩ rất cần sự tĩnh lặng để tưởng nhớ, lại được truyền thông bằng một hợp đồng khủng với một đơn vị đang vướng mắc rất nhiều trong các tranh chấp bản quyền với khá nhiều nhạc sĩ. Tất cả cho thấy cái méo mó đến đáng sợ của thế giới giải trí đại chúng hiện nay và nó cũng làm tổn hại đến danh dự của rất nhiều nghệ sĩ có tâm, có đức trong nghề.

Cải lương vốn dĩ đã và đang trải qua một giai đoạn dài gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường. Vậy thì những câu chuyện bi hài tới mức Vũ Trọng Phụng cũng phải… chào thua như câu chuyện này chỉ đem tới những khó khăn mới cho cải lương mà thôi. Đơn giản, khán giả có còn nhìn vào sân khấu như thánh đường hay không, khi chính những người đang mang danh nghệ sĩ lại sử dụng tên tuổi của mình cũng như của người khác như một món hàng, kể cả khi món hàng ấy liên quan đến một chuyện buồn như chuyện tang ma.

Văn Đoàn / Văn nghệ CA

Truyện ngắn : Mua sĩ diện

Chu Minh mở một công ty nhỏ, vừa thương lượng xong đang chuẩn bị ký hợp đồng thì khách hàng đột nhiên yêu cầu kiểm tra công ty của anh. Điều này làm cho Chu Minh cảm thấy lo lắng bởi vì tòa nhà văn phòng mà anh ta thuê rất tồi tàn, khó có thể vượt qua sự kiểm tra của khách hàng, nếu vì chuyện này mà anh bị mất hợp đồng thì là một tổn thất lớn .

Khi đang không biết phải làm gì, Chu Minh chợt nghĩ đến một người bạn tên là Trần Lâm vì Trần Lâm rất khôn ngoan có mối quan hệ làm ăn rất rộng.

Mua sĩ diện -0
Minh họa Lê Tâm.

Chu Minh vội vàng gọi điện cho Trần Lâm, sau khi biết được toàn bộ câu chuyện anh ta vỗ ngực cười rất to: “Người anh em, chuyện đó có gì ghê gớm lắm đâu để đấy tôi giúp cho”. 

Một ngày sau, Trần Lâm dẫn Chu Minh đến một tòa nhà kinh doanh cao cấp, anh ta chỉ vào một khu văn phòng lớn vừa được cải tạo nói: “Cậu xem đây là gì?”. Chu Minh nhìn lên và thấy một tấm biển treo trên cửa và anh không khỏi sửng sốt vì tấm biển ghi tên công ty của mình.

Trần Lâm nói với Chu Minh rằng văn phòng mới được cải tạo này là công ty của một anh bạn mới mở nhưng chưa khai trương nên “tạm thời trưng dụng” làm văn phòng của công ty Chu Minh. Trần Lâm đã gấp rút làm biển hiệu và treo nó trong đêm hôm qua. Chu Minh xúc động quá đến mức líu lưỡi. 

Vài ngày sau, Chu Minh dẫn khách hàng của mình là Giám đốc Vương đến tòa nhà thương mại thăm văn phòng của công ty mình. Lúc này Trần Lâm quần áo chỉnh tề chờ sẵn ở cửa, hôm nay anh ta còn có một nhiệm vụ đóng giả làm Giám đốc kinh doanh của công ty Chu Minh.  

Trần Lâm thực sự rất hào hoa và anh ta đã lừa được ông Vương, dưới sự hướng dẫn của Trần Lâm ông Vương đi thăm quan mọi ngóc ngách của công ty, thỉnh thoảng lại mỉm cười tán thưởng.

 Sau khi xem xét toàn bộ “công ty” của Chu Minh, ông Vương rất hài lòng nói: “Hai anh bạn, chuyến đi hôm nay thực sự đáng giá, công ty của các anh có thực lực mạnh, tôi quyết định hợp tác với các anh!”.

Chu Minh và Trần Lâm nghe ông Vương nói trong lòng vui như mở hội. Lúc này bỗng nhiên ông Vương chuyển đề tài: “Trước khi ký hợp đồng với các anh tôi có một yêu cầu nhỏ phiền hai anh, hy vọng các anh hợp tác giúp đỡ chúng tôi”.

“Ông quá khách khí, ông cứ nói yêu cầu của ông đi!”.

Ông Vương nghiêm mặt nói: “Gần đây, tôi đang bàn bạc thương lượng để hợp tác với một công ty đa Quốc gia rất lớn nhưng ông chủ bên kia muốn kiểm tra trực tiếp tình hình của công ty chúng tôi. Vì công ty chúng tôi đang chuyển địa điểm nên văn phòng công ty chúng tôi rất bừa bãi, lộn xộn nếu cho họ xem thì gây ấn tượng không tốt với họ vì vậy tôi muốn nhờ hai anh giúp tôi, cho tôi mượn tạm thời địa điểm công ty này để giao dịch với khách hàng nâng tầm vóc của công ty tôi lên”.

Nghe ông Vương nói Chu Minh và Trần Lâm ngây người, đứng như trời trồng…

 Nguyễn Thiêm (dịch) / Truyện vui của Điền Vũ Hiên (Trung Quốc)

Những ngõ cụt của Tập Cận Bình

Tập Cận Bình mới lên tiếng kêu gọi thanh niên hãy rời các thành phố đi làm việc ở miền quê để giúp nông thôn “sống lại.”

Tập Cận Bình đang đứng trước những ngõ cụt. Dân số giảm nhưng giới trẻ không muốn lập gia đình. Người đã kết hôn không muốn sanh đẻ. Vì họ lo kiếm việc khó khăn, tương lai bất định.

Đài Á Châu Tự Do mới kể chuyện coi mấy đoạn phim ngắn được truyền trên Twitter ở Trung Quốc rất nhiều lần, tả cảnh một tài xế xe tải phải nộp tiền mãi lộ, giống như trả tiền “toll” ở Mỹ.

Trên “video clip,” chiếc xe bị chặn lại trên xa lộ từ Đường San (Tangshan) đi Mã Lan Trang (Malanzhuang) tỉnh Hà Bắc (Hebei). Một ông già cầm điện thoại ra hiệu phải đưa tiền mới được đi qua. “Cái gì vậy? Bao nhiêu? Một nguyên?” Một bà già đưa cái điện thoại cầm tay lên, trên máy có hình một dấu hiệu QR. Bác tài hỏi: “Trả tiền qua mạng WeChat, phải không?” QR là những dấu hiệu hình vuông trên các máy vi tính hoặc điện thoại, vẽ nhằng nhịt trong đó mỗi cái một khác, có thể dùng để trả tiền trên mạng, như dùng “PayPal” ở Mỹ hoặc “WeChat” ở bên Trung Quốc.

Lái xe thêm một quãng đường nữa, bác tài lại gặp một bà lão mặc cái áo rộng thùng thình màu đỏ. “Cái chi vậy? Trả tiền hả?” Bà cụ gật đầu. “Bao nhiêu? Năm nguyên?”

Cứ như thế, thêm hai lần ông tài xế gặp hai bà lão vẫy chào bằng điện thoại cầm tay; một bà đòi 10 nguyên, một bà đòi 5 nguyên.

Năm 2020, trước ngày kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, Cộng sản Trung Quốc tuyên bố đã xóa bỏ hết nạn nghèo đói. Nhưng bản tin Tân Hoa Xã công nhận trong hai chục năm qua tỷ lệ người già ở thôn quê tự tử đã tăng gấp năm lần.

Trên đài ti vi của tỉnh Giang Tô (Jiangsu), một nhà bình luận cho biết hiện tượng các “trạm thu tiền” xuất hiện gần đây ở các tỉnh nằm ở giữa và phía Tây Trung Quốc, là nơi dân nghèo hơn cả. “Một nông dân kiếm được 107 đồng nguyên một tháng (Hiện hơn 7 đồng nguyên đổi một đô la Mỹ) trong khi một quan chức về hưu lãnh mỗi tháng hàng chục ngàn, nằm trong bệnh viện tốn hàng triệu đồng nguyên.

Giới trẻ cũng không khá gì hơn người già. Ngày 16 tháng 5, Sở Thống Kê Quốc gia ở Bắc Kinh cho biết trong lớp tuổi từ 16 đến 24, tỷ lệ thất nghiệp là 19.6 phần trăm trong tháng Ba, qua tháng Tư đã tăng lên 20.4%. Tỷ số đó sẽ còn tăng nữa; trong năm nay sẽ có thêm 11.58 triệu sinh viên tốt nghiệp đi kiếm việc làm. Trong lớp tuổi từ 25 đến 59, tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 4.2%.

Các công ty mạng tin học (internet) lớn như Alibaba, Tencent và Baidu thường tuyển mộ nhiều người nhất, và trả lương cao nhất. Trong ba tháng đầu năm nay, số nhân viên mới mướn đã giảm bớt 9% so với thời gian trong cơn bệnh dịch Covid-19. Các công ty địa ốc đang lâm cảnh trì trệ đã cắt giảm bớt số người làm việc, từ 30% đến 50%, có nơi cắt tới 70% nhân sự, theo báo The New York Times.

Theo Sở Thống Kê, thị trường nhân lực đã sút giảm nhanh trong những năm qua. Từ 2019 đến 2022 số người làm việc giảm 40 triệu, một phần vì bệnh dịch, nhưng nguyên nhân chính là kinh tế chậm hồi phục vì nhu cầu tiêu thụ không tăng. Ở Mỹ, sau khi bệnh dịch đi qua nhiều người đã đem tiền tiết kiệm được đi mua sắm; nhu cầu tiêu thụ lên cao giúp kinh tế hoạt động trở lại như cũ. Ở Trung Quốc thì người ta vẫn lo xa, không muốn xài hết tiền đành dụm! Vì vậy, kinh tế hồi phục chậm gây nên cảnh sinh viên ra trường khó kiếm việc.

Vương Minh Nguyên (Wang Mingyuan), một kinh tế gia ở Bắc Kinh mới phổ biến một bài nghiên cứu được nhiều người chuyển, tiên đoán tình trạng này sẽ kéo dài, trong năm năm nữa sẽ có 50 triệu người trong lớp tuổi từ 16 đến 40 mất việc, cũng theo The New York Times. Tâm trạng bi quan khiến nhiều người Trung Hoa trẻ tuổi đã đi ra nước ngoài. Theo Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc cuối năm 2022 đã có 116,000 người Trung Hoa xin tị nạn, cao gấp 10 lần so với thập niên trước.

Trên mạng xã hội người ta truyền tụng một từ mới, “Tuổi 35 bạc bẽo!” Họ than rằng “Tuổi 35 đã già quá khó kiếm việc làm, còn tuổi 60 vẫn trẻ quá không được nghỉ!” Các công ty Trung Quốc không muốn tuyển nhân viên trên 35 tuổi. Nhiều thông báo tuyển người nói rõ trên 35 tuổi đừng nạp đơn. Ngay cả khi tuyển công chức mới chính phủ Trung Quốc cũng đặt giới hạn phải dưới 35 tuổi! Sinh viên mới ra trường trẻ hơn, có những kiến thức cập nhật hơn, chưa lập gia đình nên sẵn sàng làm thêm giờ, và chấp nhận lương bổng thấp.

Trên các mạng xã hội đã truyền đi một bài so sánh số phận của những người trong lớp tuổi 35 bạc bẽo với nhân vật Khổng Ất Kỷ trong một truyện ngắn của Lỗ Tấn, đăng trên báo Tân Thanh Niên năm 1919. Khổng Ất Kỷ là một nho sinh lỡ vận, không đậu bằng cấp cao để được làm quan mà cũng không chịu đi làm việc tay chân. Lúc nào cũng mặc áo dài cũ rách để giữ nền nếp, mở miệng ra là dẫn những câu trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, không ai hiểu nổi, Khổng Ất Kỷ có lúc đi ăn cắp, bị đánh què cẳng.

Bài bình luận so sánh các sinh viên thất nghiệp “không thể bước xuống khỏi cái bậc thang xã hội mình đã ngoi lên được, như Khổng Ất Kỷ không thể cởi bỏ cái áo dài.” Có người hỏi, “Thay vì bắt Khổng Ất Kỷ cởi bỏ cái áo dài, tại sao không bảo ông Hoàng đế cởi cái áo mới của ông ta đi!” Câu này chạm tới Hoàng đế Tập Cận Bình nên cả bài bình luận bị kiểm duyệt xóa ngay!

Tập Cận Bình mới lên tiếng kêu gọi thanh niên hãy rời các thành phố đi làm việc ở miền quê để giúp nông thôn “sống lại.” Nhà nước cho phổ biến video quay cảnh các sinh viên về làm việc trên cánh đồng, vui vẻ hát, cười. Tỉnh Quảng Đông đã đưa ra kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ gửi 300,000 thanh niên về nông thôn. Những ý kiến này nhắc dân Trung Hoa nhớ lại khẩu hiệu “hạ phóng” thời Mao Trạch Đông, khi người Trung Hoa chưa biết kinh tế thị trường là cái gì. Bây giờ, không biết đảng Cộng sản có ép buộc được người dân như xưa được không! Nhưng nếu không kiếm được việc làm ở thành phố, nhiều thanh niên cũng tự mình tìm về làng cũ.

Báo The New York Times kể chuyện một người họ Lương 38 tuổi, thất nghiệp từ 3 năm nay, phải bỏ thành phố Quảng Châu về làng ở vì không thể trả tiền thuê nhà, mỗi tháng khoảng $100 đô la. Anh ta không thể lấy vợ, cũng như ba người anh em họ cùng tuổi. Anh nói, chỉ những người có việc làm chắc chắn như công chức, giáo viên, mới tính chuyện lập gia đình.

Tìm việc khó khăn là một nguyên nhân khiến nhiều người Trung Hoa không lập gia đình; cản trở cho kế hoạch của nhà nước muốn bảo vệ dân số cho không đi xuống. Năm ngoái, số thống kê cho thấy chỉ có 12 triệu trẻ ra đời trong lục địa; số sinh giảm liên tiếp trong bốn năm. Trung Cộng đã xóa bỏ lệnh cấm sinh 2 con, cho phép các cặp vợ chồng được tự do sanh đến 3 con; nhưng số trẻ sơ sinh không tăng. Trong khi đó, người già trên 60 tuổi đang chiếm một phần năm dân số và sẽ dần dần tăng thêm.

Năm ngoái, giáo sư kinh tế Nhiệm Dịch Bình (Ren Zeping, 任泽平), Đại học Tinh Hoa viết trên trang mạng cá nhân Weibo (Vi Bác), đề nghị chính phủ khuyến khích sanh đẻ bằng cách trợ cấp tiền cho các đám cưới và các bà mẹ sanh con. Ông yêu cầu Ngân Hàng Trung Ương ở Bắc Kinh mỗi năm in thêm 3 ngàn tỷ đồng nguyên, khoảng $314 tỷ mỹ kim, dùng trong kế hoạch này. Theo ông, trong mười năm nữa sẽ có thêm 50 triệu trẻ sơ sinh ra đời! Lời kêu gọi của ông được đưa lên mạng WeChat gây nên những cuộc bàn cãi sôi nổi, đầu năm 2022 đã bị kiểm duyệt bỏ.

Tập Cận Bình đang đứng trước những ngõ cụt. Dân số giảm nhưng giới trẻ không muốn lập gia đình. Người đã kết hôn không muốn sanh đẻ. Vì họ lo kiếm việc khó khăn, tương lai bất định. Việc làm khó kiếm vì kinh tế chưa hồi phục, dù bệnh dịch đã đi qua. Kinh tế trì trệ vì người dân chưa dám tiêu tiền. Giữ tiền đã dành dụm không xài trong mùa bệnh dịch vì ai cũng lo tương lai bất định. Những người già lo cho chính mình, tự động ra đường cái quan đặt những trạm thâu tiền mãi lộ; chẳng ai nghĩ rằng mình đang làm một việc phi pháp. Đến mấy ông tài xế xe tải chạy đường trường cũng chấp nhận nạp tiền, “trước cho xong việc, sau làm việc từ thiện!” Tất cả những người trên đều được khuyến khích “Học tập Tư tưởng Tập Cận Bình!”

Ngô Nhân Dụng / VOA

Làm thế nào để “đá đít” đồng đôla Mỹ?

BRICS và chiến dịch “đảo chánh” đồng đôla Mỹ

Hội nghị ngoại trưởng BRICS tại Cape Town, Nam Phi, ngày 2 Tháng Sáu 2023 (ảnh: BRICS / Handout/Anadolu Agency via Getty Images)

Tại hội nghị thượng đỉnh khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào Tháng Tư 2023, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã được vỗ tay rần rần khi nói rằng ông muốn biết lý do tại sao thế giới cứ tiếp tục dựa gần như toàn bộ hoạt động thương mại vào đồng đôla Mỹ. Dẹp quách nó đi, và “tại sao chúng ta không thể dựa vào đồng tiền của chính mình? Ai đã quyết định rằng đồng đôla Mỹ phải là tiền tệ của thế giới sau khi tiêu chuẩn vàng biến mất?” – Tổng thống Lula nói…

Ảnh: Fernando Gutierrez-Juarez/picture alliance via Getty Images

BRICS và chiến dịch “đảo chánh” đồng đôla Mỹ

Hàng chục năm qua, những người “ghét đôla thì ít, ghét Mỹ thì nhiều”, trong đó đặc biệt có Trung Quốc, đã lặp đi lặp lại nhiều lần “thắc mắc biết hỏi ai” của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva. Nhiều người tin rằng đồng đôla ngày càng suy giảm trong bối cảnh thị phần Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu giảm, do đó đôla Mỹ không còn đủ sức gồng gánh kinh tế toàn cầu. Nhưng vấn đề ở chỗ, trong lịch sử văn minh nhân loại, không có đồng tiền dự trữ toàn cầu nào trước đồng đôla Mỹ có sức mạnh thống trị như Mỹ kim cả. Đây là loại tiền tệ duy nhất đóng vai trò then chốt trong thương mại quốc tế của thế giới hiện đại.

Trước khi đồng đôla Mỹ bắt đầu “có số má” trên sân chơi thế giới vào nửa đầu thế kỷ 20, các loại tiền tệ và dự trữ tài trợ cho thương mại nói chung chủ yếu là các loại tiền vàng và bạc. Bất kể nền kinh tế của một quốc gia lớn đến đâu hay ngân hàng trung ương của quốc gia đó mạnh đến mức nào, tiền tệ của quốc gia đó chỉ có thể được sử dụng để thanh toán thương mại trong phạm vi mà nó được coi là hoàn toàn có thể trao đổi với một loại tiền tệ.

Sự sẵn sàng để dòng vốn chảy tự do và hấp thụ các khoản tiết kiệm, và sự mất cân bằng nhu cầu của phần còn lại của thế giới, là những yếu tố căn bản củng cố vai trò thống trị của đôla Mỹ. Không có quốc gia nào khác trước Hoa Kỳ đóng vai trò này ở mức độ gần tương tự, và đó là lý do không có loại tiền tệ nào khác thống trị thương mại quốc tế và dòng vốn theo cách mà đồng đôla Mỹ đang có hiện nay. Hơn nữa, không quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào, kể cả BRICS, Nhật hay Liên minh châu Âu, sẵn sàng đóng vai trò này hoặc có thể làm mà không cần cải tổ mạnh mẽ hệ thống tài chính, phân phối lại thu nhập trong nước, loại bỏ kiểm soát vốn và chấp nhận làm suy yếu hoạt động xuất khẩu…

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva trong chuyến công du Bắc Kinh ngày 14 Tháng Tư 2023 (ảnh: Huang Jingwen/Xinhua via Getty Images)

Một khi triều đại của đồng đôla Mỹ kết thúc, chế độ vốn và thương mại toàn cầu hiện tại cũng sẽ sụp đổ theo. Đó là điều mà những người ôm mộng giết đồng đôla Mỹ phải hiểu. Một khi Mỹ (và các nền kinh tế nói tiếng Anh khác có vai trò tương tự) ngừng hấp thụ tới 80% sản lượng dư thừa và tiết kiệm dư thừa của các quốc gia thặng dư như Brazil, Trung Quốc, Đức, Nga và Saudi Arabia thì các quốc gia này sẽ không còn… thặng dư. Và nếu không có thặng dư, họ buộc phải cắt giảm sản xuất trong nước để nó không vượt quá nguồn nhu cầu suy yếu trong nước. Chỉ bằng việc sử dụng rộng rãi đồng đôla Mỹ mới có thể cho phép tính toán cân đối nền kinh tế toàn cầu.

Mọi thứ vẫn “trên cơ sở lý thuyết”

Nói cách khác, tạo ra một thế giới phi đôla là điều không dễ và việc bước vào một thế giới hậu đôla – nếu có – càng không dễ. Người ta cứ muốn dẹp đồng đôla và tin rằng sức khỏe kinh tế thế giới vẫn ổn nhưng điều mà người ta bỏ sót là sự thay đổi sẽ gây ra những xáo trộn kinh tế như thế nào đối với các quốc gia thặng dư dai dẳng, khiến họ cuối cùng phải thu hẹp đáng kể toàn bộ quy mô những ngành xuất khẩu đang nuôi sống quốc gia họ. Việc giết đôla Mỹ chẳng khác gì giết chết chính mình. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi sẽ đòi hỏi nhiều thứ hơn chứ không chỉ là chọn một loại tiền tệ mới để giao dịch. Nó sẽ liên quan đến việc xây dựng các cấu trúc hoàn toàn khác nhau cho thương mại và dòng vốn.

Câu trả lời cho câu hỏi của Tổng thống Lula về việc “kẻ nào” đã chỉ định đồng đôla Mỹ là đồng tiền dự trữ toàn cầu sẽ ít nhiều mỉa mai: Chính các quốc gia thặng dư như Brazil và Trung Quốc là những “kẻ” đã gián tiếp “chỉ định đồng đôla Mỹ là đồng tiền dự trữ toàn cầu”. Và bất chấp những gì mà những lãnh đạo các nước như Brazil hoặc Trung Quốc nói nhăng nói cuội, không ai trong số họ vội vàng thay đổi hệ thống hiện tại hoặc đủ khả năng thay đổi. Cho đến khi các quốc gia này chuyển đổi cơ bản nền kinh tế trong nước của họ hoặc cho đến khi Hoa Kỳ quyết định sẽ không còn phải trả chi phí kinh tế cao để thực hiện vai trò hỗ trợ của mình, thì những nước như Trung Quốc và phần còn lại của thế giới sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chấp nhận sự thống trị của đồng đôla Mỹ.

Tuy nhiên, BRICS chưa dễ bỏ cuộc. Tháng Tám 2023, chủ nhà Nam Phi sẽ đón các nhà lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc để “bàn tiếp” việc tạo ra một loại tiền tệ chung mới cho khối BRICS. Sự kiện Mỹ và các đồng minh trừng phạt Nga sau cuộc xâm lược Ukraine đã thúc đẩy nỗi khát khao thoát khỏi cái bóng của đôla Mỹ. Cần biết, 88% giao dịch quốc tế hiện được thực hiện bằng đôla Mỹ và đôla Mỹ chiếm 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu.

Chẳng trách sao Trung Quốc thường xuyên bày tỏ mối lo ngại về sự thống trị của đồng đôla và điểm mặt chỉ tên gọi nó là “nguồn gốc chính của sự bất ổn và bấp bênh trong nền kinh tế thế giới”. Bắc Kinh đổ lỗi cho việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED), tức ngân hàng trung ương Mỹ, đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính quốc tế và khiến các đồng tiền khác mất giá đáng kể. Còn nữa, Trung Quốc cũng chỉ trích việc sử dụng các biện pháp trừng phạt như một vũ khí địa chính trị. Rõ ràng bức tranh phi đôla Mỹ có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được đối với những nước tham vọng như Trung Quốc.

Đồng tiền chung – nói dễ hơn làm

Con đường khả thi nhất là tạo ra một cái gì đó tương tự Euro, đồng tiền chung được 11 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu thông qua vào năm 1999. Tuy nhiên, việc đàm phán về một đồng tiền chung sẽ đầy nhiêu khê, do sự bất cân xứng về sức mạnh kinh tế và động lực chính trị phức tạp trong nội bộ “anh em” BRICS. Và để một loại tiền tệ mới hoạt động, BRICS cần phải đồng ý với cơ chế tỷ giá hối đoái, có hệ thống thanh toán hiệu quả và thị trường tài chính được điều tiết tốt, ổn định và thanh khoản. Để đạt được trạng thái tiền tệ toàn cầu, BRICS cần có một hồ sơ theo dõi mạnh mẽ về quản lý tiền tệ chung để thuyết phục những người khác rằng loại tiền tệ mới này đáng tin cậy.

Kinh tế gia Lâm Nghị Phu (Yifu Lin), giáo sư Đại học Bắc Kinh, chánh kinh tế gia và phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới từ 2008-2012, trong buổi hội thảo thường niên của New Development Bank tại Thượng Hải ngày 30 Tháng Năm 2023 (ảnh: Zhao Yun/VCG via Getty Images)

Hiện tại, một phiên bản đồng tiền chung của BRICS là điều viển vông không thể xảy ra vì không quốc gia nào liên quan thể hiện mong muốn ngừng sử dụng đồng nội tệ của mình.  Năm 2010, Cơ chế hợp tác liên ngân hàng BRICS đã được đưa ra để tạo điều kiện thanh toán xuyên biên giới giữa các ngân hàng BRICS bằng nội tệ. Các quốc gia BRICS cũng đã và đang phát triển “BRICS pay” – một hệ thống thanh toán cho các giao dịch giữa BRICS mà không cần phải chuyển đổi nội tệ sang đôla. Và người ta cũng bàn đến tiền điện tử BRICS (BRICS cryptocurrency) đồng thời hoạch định chiến lược phát triển Tiền tệ kỹ thuật số Ngân hàng Trung ương (Central Bank Digital Currencies) nhằm thúc đẩy khả năng tương tác tiền tệ và hội nhập kinh tế.

Tuy nhiên, thiên thời lẫn địa lợi dường như chưa đến. Nhiều ý tưởng “hoành tráng” chẳng hạn phát triển cơ quan xếp hạng tín dụng BRICS hoặc tạo ra tuyến cáp quang biển BRICS đã không bao giờ thành hiện thực. Những nỗ lực phi đôla hóa đang gặp khó khăn cả ở cấp độ đa phương lẫn song phương.

Năm 2014, khi các quốc gia BRICS ra mắt Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank – NDB), thỏa thuận thành lập nó đã chỉ ra rằng hoạt động NDB có thể cung cấp tài chính bằng đồng nội tệ của quốc gia nơi hoạt động diễn ra (financing in the local currency of the country in which the operation takes place). Tuy nhiên, đến nay, năm 2023, NDB vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đồng đôla để tồn tại. Thật nghịch lý! Tài trợ bằng nội tệ chỉ chiếm khoảng 22% trong danh mục đầu tư của NDB, mặc dù chủ tịch mới của NDB hy vọng có thể tăng lên 30% vào năm 2026.

Những thách thức tương tự cũng xuất hiện trong việc theo đuổi kế hoạch phi đôla hóa trong giao dịch song phương. Nga và Ấn Độ từng tìm cách phát triển một cơ chế giao dịch bằng nội tệ, cho phép các nhà nhập khẩu Ấn Độ thanh toán tiền mua dầu và than giá rẻ của Nga bằng rupee. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ sau khi Moscow bỗng dưng “hết hứng” với ý tưởng tích lũy rupee trong két sắt của họ.

Mỹ Anh / Saigon Nhỏ

Nhà văn Hồng Kông: Trung Quốc ngày mạt vận – Nước sắp vong tất yêu ma lên ngôi

“Người Trung Quốc phải chuẩn bị tâm lý cho đại họa dân tộc sẽ đến trong tương lai không xa”, đây là nhận định về xã hội Trung Quốc của nhà văn Nghiêm Thuần Câu (Hồng Kông). Bài viết này được cho phép đăng lại từ trang Facebook của ông:

Một người đàn ông sống tại một tòa nhà cao tầng ở Tô Châu khi chuẩn bị nhảy lầu tự tử, phía dưới có người xem máu lạnh cổ vũ: Không nhảy không phải người. (Ảnh từ mạng MXH)
Một người bạn đã gửi cho tôi đoạn video quay cảnh một người đàn ông lái xe ô tô cán qua một người phụ nữ, sau đó hắn còn vài lần xuống xe nhìn người phụ nữ, mỗi lần nhìn qua xong hắn lại lên xe rồi lùi xe lại để cán tiếp vào nạn nhân, sau vài lần thì người phụ nữ mới qua đời, nhưng hắn vẫn có vẻ còn căm hận. Được biết người đàn ông đó chính là chồng của nạn nhân, không biết vì đâu mà hắn thù hận kinh khủng như vậy, không biết nhà nào mà lại nuôi lớn loài dã thú như vậy.

Một cảnh tương tự khác nhưng vai trò nhân vật đảo ngược, người lái xe là nữ còn người bị đè bẹp là nam, giống nhau là nạn nhân đều bị lái xe cán qua lại hết lần này đến lần khác nghiền nát cho đến chết.

Nếu vợ chồng không hợp nhau thì chia tay đường ai nấy đi, chia tay cũng có thể làm bạn. Còn trong trường hợp thù hận giữa người với người, dù không phải lạ, nhưng hành vi tàn bạo và vô nhân tính như vậy đúng là phải dựng tóc gáy!

Trường hợp khác, tại một nơi nào không rõ có người đang trên lầu cao tầng chuẩn bị nhảy xuống, còn phía dưới là một đám đứa nhỏ làm buôn bán vặt xúm lại xem, có đứa hô to: “Nhảy đi, có bản lĩnh thì nhảy xuống!” Nhiều đứa xung quanh cũng la ó theo. Những đứa nhỏ độc ác này cũng là những kẻ bị chà đạp dưới đáy xã hội, mỗi ngày mưu sinh vất vả không biết có đủ sống hay không, nhưng chúng vẫn lấy nỗi bất hạnh của người khác làm niềm vui. Đây là loại quốc gia nào mà sinh ra những đứa trẻ không có lương tâm như vậy?

Một chuyện khác trong kỳ thi tuyển sinh đại học mới đây, cảnh những phụ huynh nam ở một vùng nào đó đã cùng nhau mặc áo dài [của nữ giới] tập trung bên ngoài nơi thi, ai nấy đều diễn vẻ ác tính huênh hoang. Loại đàn ông thế nào lại nghĩ ra cách quái gở như vậy để cổ vũ cho kỳ thi tuyển sinh đại học? Họ muốn bày tỏ ý đồ, tình cảm gì? Chẳng lẽ đàn ông mặc áo dài là để khuyến khích con cái mạnh dạn tiến lên, hay nghĩ là “hy sinh” như vậy mới chứng minh tấm lòng vô bờ bến với con?

Gần đây, tại các vùng nông thôn phía bắc Trung Quốc, chính quyền đã đưa ra quy định thu phí nước tưới của nông dân, theo đó hàng năm mỗi hộ gia đình phải trả phí 100 nhân dân tệ để được tưới ruộng bằng nước từ sông Hoàng Hà. Hàng ngàn năm canh tác của người nông dân Trung Quốc xưa nay dựa vào đất trời, tài nguyên nước thiên nhiên là của chung mọi người trên trái đất, từ khi nào nước từ sông Hoàng Hà lại trở thành món kinh doanh độc quyền của nhà nước?

Nước tự nhiên cũng thu phí sử dụng, nhiều cảnh quan thiên nhiên cũng bị vây lại khiến ai muốn đến thưởng ngoạn phải trả tiền vào…, cứ vậy có thể sau này những người nông dân ra đường sẽ phải trả phí đi đường?… Đây là loại đạo lý gì? Chính quyền muốn biến người dân thành kẻ thù?
Tương ứng với sự điên cuồng của trào lưu “về quê lập nghiệp” trong những năm gần đây, khu mộ Tập Trọng Huân [cha ông Tập Cận Bình] đã được mở rộng rất nhiều, hiện khu mộ chiếm diện tích 40.000 mẫu (một mẫu Trung Quốc khoảng 667 m²), tương đương với 1/3 diện tích Hồng Kông. Khi ban quản lý nông nghiệp tùy tiện phá hủy vườn cây ăn trái, ruộng rau, chuồng lợn và chuồng bò của nông dân, không ai hỏi tại sao khu mộ Tập Trọng Huân có thể chiếm diện tích tới 40.000 mẫu đất chỉ để cho gia đình nhà họ Tập thể hiện oai phong?

Được biết, khu mộ của ông Tôn Trung Sơn [khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc] chỉ bằng 1/9 khu mộ của ông Tập Trọng Huân, Minh Hiếu lăng của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (người lập ra triều đại nhà Minh – Trung Quốc) cũng chỉ bằng 1/4 khu mộ của Tập Trọng Huân, ông Tập Cận Bình có đức độ gì mà dùng tới 40.000 mẫu đất để chôn cha? Rốt cuộc Trung Quốc thuộc về nhân dân Trung Quốc hay Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay chỉ thuộc về Tập Cận Bình?

Kẻ độc tài đại tu nghĩa trang gia tộc là một loại mở rộng ý thức ​​hoàng đế thời phong kiến, nếu không thì không thể biểu lộ địa vị cá nhân, nếu không thì không thể phô trương địa vị thống trị. Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy mục tiêu giải phóng toàn nhân loại làm sứ mệnh lịch sử, lật đổ bọn bóc lột và áp bức, lấy bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân các dân tộc làm lý tưởng, sao không ai băn khoăn vì sao nông dân tưới nước từ Hoàng Hà lại bị thu phí, còn giá đất khu mộ Tập Trọng Huân là bao? Có thu không?

Tập Cận Bình là kẻ độc tài, chính quyền các địa phương thối nát, người dân noi gương xấu xa từ nhà cầm quyền nên xã hội Trung Quốc ngày càng ngập tràn hiện tượng bẩn thỉu. Người tốt chịu oan khuất, kẻ xấu lộng hành, người làm điều tốt bị nhạo báng, kẻ gây điều xấu trở nên bình thường, xã hội lao vào xung đột lợi ích không có giới hạn đạo đức, một chút bất đồng có thể chém nhau, toàn xã hội rơi vào trạng thái người người hại nhau, chà đạp lên nhau mà sống. Chính nghĩa ngày càng hao mất còn tà ma xông lên lộng hành, người sống thanh bạch công chính phải chịu khổ thiệt, còn kẻ gian tà dễ leo cao. Quan chức theo đuổi quyền lực phạm tội ác vẫn ung dung, còn dân chúng cũng thượng tôn bạo lực, như vậy người thiện lương sống theo đạo lý phải chịu đựng tai ương sẽ lụi tàn.

Điều đó nghĩa là cả xã hội thối nát và không ngừng sa sút, có nghĩa là xã hội không có khả năng cứu vãn, có nghĩa là một ngày nào đó tất cả những phẩm chất xấu của xã hội sẽ tập hợp lại và lan rộng, đó sẽ là lúc nó sụp đổ, vấn đề không chỉ là Đảng Cộng sản Trung Quốc sụp đổ mà là sự tan rã của toàn xã hội.

Một quốc gia sắp vong ắt yêu ma lên ngôi, khi tất cả những thứ bẩn thỉu trong một dân tộc tích tụ lại đến cùng cực thì màn bi kịch sẽ đến vì không thể cứu vãn, hệ quả mọi thứ sẽ tàn lụi để hy vọng mầm sống mới có thể mọc lên trên đống đổ nát!

Người Trung Quốc phải chuẩn bị tâm lý cho đại họa dân tộc sẽ đến trong tương lai không xa, còn người dân Hồng Kông cũng phải chuẩn bị tâm lý cho bối cảnh khắc nghiệt có thể bị ảnh hưởng này!

Nghiêm Thuần Câu /Trí thức VN
(Bài viết thể hiện góc nhìn của cá nhân nhà văn Nghiêm Thuần Câu – Yan Chungou.
)