Nếu Trump đắc cử và Pompeo vào nội các, cơn ác mộng lớn nhất của Tập bắt đầu

Trong lễ nhậm chức của ông Lại Thanh Đức, chính quyền Biden đã cử một phái đoàn gồm các chính trị gia đã nghỉ hưu, nhưng ông Pompeo đã tổ chức một phái đoàn dân sự khác với tư cách cá nhân. Khi ông Pompeo đến Đài Loan, ngoài các hoạt động chính thức, ông còn tham dự các buổi ra mắt sách và trả lời phỏng vấn truyền thông. Ông Pompeo, người không có tư cách chính thức, lại nhận được nhiều sự chú ý hơn các đại diện chính thức khác

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang lắng nghe Ngoại trưởng Mike Pompeo trong cuộc họp nội các tại Phòng Nội các của Nhà Trắng ngày 21/10/2019 tại Washington, DC. (Ảnh của Alex Wong/Getty Images)
Trước khi đến Đài Loan, ông Pompeo đã đưa ra quan điểm hướng tới tương lai chưa từng có rằng Mỹ và Đài Loan nên thiết lập quan hệ ngoại giao. Lần này tại Đài Loan, ông cũng đề xuất cộng đồng quốc tế nên công nhận quy chế quốc gia có chủ quyền của Đài Loan và chủ trương Đài Loan nên tham gia Liên Hợp Quốc. Theo ấn tượng của tôi (tác giả bài viết này), ông  Pompeo là người đầu tiên công khai nêu ra chủ trương nâng tầm chủ quyền quốc gia của Đài Loan.

Trên thực tế, việc công nhận vị thế quốc gia có chủ quyền của Đài Loan, việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan và việc Đài Loan được gia nhập Liên Hợp Quốc đều là ba việc có cùng xuất phát điểm và là một quá trình diễn ra từ từ tuần tự. Đầu tiên, công nhận địa vị của Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền, sau đó việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan sẽ là chuyện đương nhiên. Còn việc Đài Loan gia nhập Liên Hợp Quốc, đó cũng là một kết quả hợp lý, nhưng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để đạt đến bước này.

Nhiều người ở Đài Loan và các nhà bình luận chính trị ở nước ngoài cảm thấy bài phát biểu nhậm chức của ông Lại Thanh Đức cấp tiến hơn so với cựu Tổng thống Thái Anh Văn, điều này khiến ĐCSTQ tức giận và lên án một cách rầm rộ. Trên thực tế, ông Lại Thanh Đức về cơ bản đã tuân theo nguyên tắc của bà Thái Anh Văn “quan hệ giữa hai bờ eo biển không phụ lẫn nhau” và nhấn mạnh về lời kêu gọi duy trì hiện trạng qua eo biển Đài Loan, về mặt thể hiện thì có một chút “giẫm vào ranh giới”, nhưng đó là sự điều chỉnh được thực hiện để ứng phó trước những thay đổi trong tình hình hiện tại.

Ông Lại Thanh Đức có tự tin để đẩy cuộc thảo luận hai bờ eo biển của bà Thái Anh Văn tiến thêm một chút, không cần quá nhiều, nhưng cũng không thể bám vào cuộc thảo luận cũ, bởi vì tình hình hiện tại đã khác với 8 năm trước, và không cần thiết phải nơm nớp lo sợ và phải luôn nhìn sắc mặt của ĐCSTQ. Để nâng cao lòng tin của người dân Đài Loan một cách đúng đắn, thì nói vài lời mà người dân Đài Loan thích nghe, nếu ĐCSTQ cực kỳ ghét những lời đó, thì nhiều lắm cũng chỉ là mắng chửi vài câu, không thể làm tổn thương nổi một sợi tóc của Đài Loan.

Tất nhiên, bài phát biểu của ông Lại Thanh Đức đã được cơ quan Mỹ tại Đài Loan đọc trước và được Chính phủ Mỹ chấp thuận, bởi vì Mỹ sẽ không đồng tình với việc bài phát biểu của ông Lại Thanh Đức đi quá xa, nhưng cũng đồng ý cho vượt qua cách đề cập ban đầu một chút. Mỹ tin rằng động thái này sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng, Mỹ ‘cắt lạp xưởng’ trong khi ĐCSTQ giương mắt nhìn.

Ông Pompeo, với tư cách là một thường dân, đã lên tiếng một cách đầy uy tín tại Đài Loan về đề xuất mang tính đột phá là thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với Đài Loan và việc Đài Loan gia nhập Liên Hợp Quốc. Đây không phải là vô căn cứ mà là thể hiện tư duy bảo thủ của Chính phủ Mỹ và các đảng đối lập. Những thành tựu về kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự của Mỹ trong thế kỷ qua đã tạo nên tính cao ngạo của người Mỹ, người Mỹ là không thể bị người khác ức hiếp, một khi gây thù oán với người Mỹ thì đều sẽ có hậu quả xấu, Mỹ có thể đối xử tốt với người khác, nhưng họ không thể chấp nhận việc người khác đối xử tệ với mình.

Người Mỹ đã bị ĐCSTQ đùa giỡn suốt 40 năm, Mỹ trao tiền bạc và cơ hội cho ĐCSTQ, đồng thời không tiếc công sức đưa ĐCSTQ thoát khỏi bờ vực diệt vong, để cho ĐCSTQ lợi dụng và để ĐCSTQ thịnh vượng mà không cần lý do. Người Mỹ chưa bao giờ nghĩ rằng ĐCSTQ sẽ lấy oán báo ơn, trong khi đó ĐCSTQ lại quay lại thọc gậy bánh xe, làm suy yếu vị thế quốc tế của Mỹ và cạnh tranh với Mỹ. Sự sỉ nhục này đối với Mỹ đã khiến mọi tổng thống Mỹ kể từ ông George H.W. Bush trở thành trò cười quốc tế,  vì họ đều thiếu tầm nhìn xa và bị ĐCSTQ giở trò.

Đây là lý do cơ bản khiến cả đảng cầm quyền và phe đối lập cũng như Hạ viện Mỹ ngày nay đều đoàn kết trong lòng căm thù kẻ địch mạnh mẽ đối với ĐCSTQ, điều này mà chịu được thì còn cái gì không chịu được, quân tử trả thù mười năm chưa muộn, hiện giờ là lúc thanh toán món nợ cũ này.

Có phải ông Pompeo đang nói những lời trống rỗng? Tôi tin là không, với sức ảnh hưởng của ông đối với cộng đồng quốc tế, những lời này là có cơ sở và tự tin, có thể nói được về mặt pháp lý và khả thi trong thực tế. Vấn đề chỉ là thời cơ, hơn nữa thời cơ rõ ràng là kết quả của cuộc bầu cử năm nay ở Mỹ.

Một khi ông Trump đắc cử, liệu ông Pompeo có quay trở lại nội các hay không là yếu tố then chốt. Trong cuộc phỏng vấn ở Đài Loan, ông Pompeo công khai thừa nhận đang vận động mạnh mẽ cho ông Trump, điều này cho thấy ông luôn là một trong những người bạn thân thiết của ông Trump. Ông Trump là một doanh nhân làm chính trị, nên chính sách có phần “điên rồ”, tính cách độc đoán và thiếu hiểu biết tổng thể về tình hình quốc tế. Ông đánh giá cao ông Tập Cận Bình và bắt tay với ông Kim Jong-un, điều đó chứng tỏ ông thiếu sự hiểu biết về bản chất của các nhà lãnh đạo độc tài cộng sản này.

Trong phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông, ông Trump cho rằng Hồng Kông là đầu bút chì và Trung Quốc là mặt bàn cờ, điều này bộc lộ bản chất doanh nhân thấy lợi quên nghĩa của ông. Sau đó, ĐCSTQ chuẩn bị cử cảnh sát vũ trang đến Hồng Kông để trấn áp, nhưng ông Trump đã chặn lại, cho nên ông Trump đối phó với ĐCSTQ kém nhìn xa trông rộng hơn nhiều so với ông Pompeo và các quan chức quan trọng khác xung quanh ông.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, thành tựu ngoại giao lớn nhất là sửa lại chính sách cố chấp “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ đã được hàn gắn. Bây giờ các nền dân chủ phương Tây đang phải đối mặt với mối quan hệ với Trung Quốc đã đạt đến mức độ thống nhất chưa từng có. Nếu ông Trump đắc cử, tôi tin rằng ông ấy sẽ không có lý do gì để phá hủy liên minh khó đạt được này. Ông ấy có thể gây áp lực nhiều hơn cho các đồng minh, tuy nhiên, cân nhắc lợi hại thì có một liên minh vẫn tốt hơn nhiều so với việc không có liên minh nào cả.

Việc ông Pompeo có tham gia nội các hay không vẫn còn là một vấn đề hồi hộp theo dõi, nhưng những quan điểm chính trị của ông Pompeo rõ ràng có nền tảng dư luận rất vững chắc ở Mỹ. Với những nền tảng này, ông ấy sẽ có thể hiện thực hóa một cách thuận buồm xuôi gió, nhưng dù không đến lượt ông Pompeo làm thì cũng ắt có người khác làm.

Lần này trong chuyến thăm cá nhân của ông Pompeo, ông Dư Mậu Xuân ngồi ở vị trí nổi bật, chứng tỏ ông Dư Mậu Xuân vẫn là cố vấn quan trọng của ông Pompeo. Việc ông Pompeo đề xuất thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với Đài Loan và việc Đài Loan gia nhập Liên Hợp Quốc, thì cũng hiển nhiên có sự tham dự của ông Dư Mậu Xuân. Việc có người ở bên cạnh Pompeo có nghiên cứu sâu về điều kiện quốc gia của Trung Quốc và hiểu biết sâu sắc về bản chất của ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình, sẽ thuận lợi hơn cho việc ông Pompeo thực hiện các lý tưởng ngoại giao của mình. Nếu ông Trump lên nắm quyền một lần nữa và ông Pompeo lại vào nội các, chắc chắn đó sẽ là khởi đầu cho một cơn ác mộng khác đối với ông Tập Cận Bình.

Nhan Thuần Câu
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả, được đăng lại từ Facebook của tác giả Nhan Thuần Câu, bản gốc tiếng Trung tại đây.)

Bình luận về bài viết này