Djokovic khóc không ngừng khi vô địch Australia Mở rộng

Novak Djokovic mừng chiến thắng đầy cuồng nhiệt, rồi không ngừng khóc khi chia vui cùng người thân tại khán đài sân Rod Laver hôm 29/1.

Sau khi thắng điểm quyết định ở trận chung kết với Stefanos Tsitsipas, Djokovic vẫn bình tĩnh. Anh chỉ vào đầu, ngụ ý rằng bản thân đã vượt qua nhiều khó khăn ở cả trong và ngoài sân đấu để vô địch bằng “cái đầu lạnh”. Bản lĩnh cũng là sự khác biệt của Nole với đối thủ, khi anh thắng hai loạt tie-break trong set hai và set ba để kết thúc trận đấu chỉ sau ba set.

Djokovic và Tsitsipas bắt tay khi trận đấu kết thúc với tỷ số 6-3, 7-6, 7-6 cho Nole. Lần thứ ba Tsitsipas thua Djokovic ở Grand Slam, và là lần thứ hai ở chung kết. Tay vợt Hy Lạp sau đó dành những lời có cánh cho đàn anh. Trên bục nhận giải, anh nói rằng Djokovic là người vĩ đại nhất từng cầm vợt tennis. Tsitsipas cũng cảm ơn Nole, vì đã thúc đẩy anh đến những giới hạn tốt nhất của bản thân.

Djokovic tiến về khu vực có sự xuất hiện của người thân để chia vui. Sau một năm vắng mặt vì bị trục xuất khỏi Australia, Djokovic trở lại và tiếp tục chứng minh anh là “Nhà vua” của giải Grand Slam tại Melbourne. Trong 10 lần vào chung kết, Djokovic đều vô địch. Chỉ hai tay vợt vô địch một giải Grand Slam từ 10 lần trở lên, là Djokovic tại Australia Mở rộng và Rafael Nadal tại Roland Garros (14 lần).

Djokovic tiến đến khán đài, nơi có sự góp mặt của đội ngũ huấn luyện và gia đình. Họ chuẩn bị sẵn chiếc áo có in tên Djokovic và số 10 tượng trưng cho kỷ lục 10 lần vô địch Australia Mở rộng. Cũng giống lần đầu đăng quang tại Melbourne năm 2008, Djokovic nhận được sự cổ vũ trực tiếp từ gia đình, với em trai Marko (ngoài cùng bên trái) và mẹ Dijana (thứ hai từ trái sang). Cha Djokovic, ông Srdjan có mặt tại Melbourne nhưng không vào sân xem chung kết, sau khi ông gây ra lùm xùm liên quan đến chính trị cách đây vài ngày. Trong ảnh cũng có mặt HLV Goran Ivanisevic cùng những người đại diện của Nole, Edoardo Artaldi và Elena Cappellaro.

Djokovic chia vui với mẹ, người từng đồng hành cùng anh 15 năm trước tại Australia Mở rộng 2008. Năm đó, Djokovic giành Grand Slam đầu tay sau khi thắng Jo-Wilfried Tsonga 3-1 ở chung kết. Kể từ đó đến nay, Djokovic đã vô địch 93 sự kiện ATP Tour, trong đó có mọi giải Grand Slam và Masters 1000, phá nhiều kỷ lục của làng banh nỉ. Tuần tới, anh sẽ trở lại vị trí số một thế giới sau hơn nửa năm.

Djokovic ăn mừng đầy phấn khích và cuồng nhiệt sau khi chia vui với đội ngũ. Trong trận, tay vợt Serbia bị dồn nén cảm xúc khi các khán giả nhiều lần hò reo sau lỗi kép hay lỗi tự đánh hỏng của anh. Djokovic cũng chịu nhiều sức ép tại giải, khi nhiều người nghi anh giả chấn thương, rồi sử dụng chiêu trò để nhận thông tin từ ban huấn luyện. Cha anh cũng bị chỉ trích khi chụp ảnh với nhóm CĐV ủng hộ Nga, dẫn đến việc ông Srdjan không dự khán trận bán kết và chung kết của Nole.

Sau khi ôm mẹ và em trai Marko (áo đen), Djokovic không kìm được những giọt nước mắt. Anh sau đó nằm vật ra sàn khán đài, khóc nấc. Khi đứng dậy, anh nhận được tình cảm từ toàn bộ đội ngũ. Sau chức vô địch được anh đánh giá là khó khăn nhất sự nghiệp, Djokovic cảm ơn ban huấn luyện và người thân vì đã đồng hành, dành tình yêu cho anh trong những tuần qua. Nole đến Australia Mở rộng với chấn thương gân kheo và rất nhiều áp lực sau khi vắng mặt năm ngoái vì bị trục xuất khỏi đất nước. Anh mô tả đây là những giọt nước mắt của sự giải toả, tự hào và hạnh phúc.

Khi trở về ghế ngồi, Djokovic vẫn tiếp tục khóc. Ở Grand Slam, Djokovic từng khóc nhiều tại chung kết Roland Garros 2015, sau khi anh thua Stan Wawrinka. Lần này, dư vị của nước mắt ngọt ngào hơn nhiều, khi Djokovic cân bằng kỷ lục 22 Grand Slam của Nadal. Tay vợt Serbia từng chia sẻ nhiều lần rằng trở thành tay vợt vĩ đại nhất là một trong những ước mơ và động lực lớn nhất của anh.

Khoé mắt đỏ hoe của Nole khi chuẩn bị lên nhận giải. Tại Melbourne Park, anh thắng 89 trận trong sự nghiệp và chỉ thua chín trận, đạt tỷ lệ thắng 91,75%. Nole lập kỷ lục chưa từng thua tại sân Rod Laver trong 28 trận gần nhất, nối dài từ năm 2019. Anh cũng từng có chuỗi 22 trận thắng liên tiếp tại đây trong giai đoạn 2011-2014.

Hình ảnh một pha cứu bóng phòng ngự không tưởng của Nole, từ góc máy trên cao. Trận này, Djokovic không còn chịu ảnh hưởng nhiều của chấn thương gân kheo. Những tình huống phòng ngự như thế này khiến Tsitsipas nhiều thời điểm nản lòng. Tay vợt Hy Lạp mắc tới 42 lỗi tự đánh hỏng, nhiều gần gấp đôi Nole. Djokovic cũng xuất sắc trong tấn công, đặc biệt ở những điểm then chốt để vượt qua đàn em kém 11 tuổi.

Trên bục nhận giải, Djokovic mặc chiếc áo khoác có in con số 22, được hãng Lacoste thửa riêng. 22 chính là số Grand Slam mà tay vợt Serbia sở hữu, bằng với kỷ lục của Nadal. Djokovic hôn chiếc cup Norman Brooks – phần thưởng cho tay vợt vô địch đơn nam Australia Mở rộng. Chức vô địch thứ 10 đến với Nole đầy thuyết phục, khi anh chỉ để thua một set trong cả giải đấu.

Nhân Đạt / Ảnh: AFP, AP, Reuters / Vietnam Express

Lý giải thói tọc mạnh, ưa kèn cựa của người Việt

Cộng đồng người Việt hiện đại bản chất vẫn là cộng đồng làng, rất bền chắc và cũng rất dễ vỡ. Khi có sức ép thì gắn kết với nhau nhưng khi môi trường thay đổi thì dễ mỗi người một mánh. Xã hội cộng đồng đẻ ra tư tưởng bình quân, sợ người khác hơn mình, do vậy mà kèn cựa, tọc mạch nhau.

Lý giải thói tọc mạnh, ưa kèn cựa của người Việt

Bàn về tính cộng đồng của người Việt trong xã hội hiện đại, GS.TS Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam) cho biết, xã hội hiện đại ở nước ta, hoàn cảnh sống thay đổi nhưng bản chất của cộng đồng người Việt vẫn là cộng đồng làng xã vẫn còn rơi rớt.

Bàn về tính cộng đồng của người Việt trong xã hội hiện đại, GS.TS Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam) cho biết, xã hội hiện đại ở nước ta, hoàn cảnh sống thay đổi nhưng bản chất của cộng đồng người Việt vẫn là cộng đồng làng xã vẫn còn rơi rớt.

Tính cộng đồng đã từng tạo nên sức mạnh cho dân tộc, xã hội nông thôn, nhưng ngày nay tính cộng đồng đó thể hiện có mặt trái của nó. Chính tư tưởng bình quân “con gà tức nhau tiếng gáy” là sản phẩm của tư tưởng cộng đồng kiểu thôn xã này và nó là căn nguyên nảy sinh nhiều vấn đề không hay trong xã hội hiện đại, đó là sự tọc mạch, chĩa mũi, kèn cựa nhau.

GS Thịnh cho biết, cộng đồng người Việt hiện đại bản chất vẫn là cộng đồng làng, rất bền chắc và cũng rất dễ vỡ. Khi có sức ép thì gắn kết với nhau nhưng khi môi trường thay đổi thì dễ mỗi người một mánh. Xã hội cộng đồng đẻ ra tư tưởng bình quân, sợ người khác hơn mình, do vậy mà kèn cựa, tọc mạch nhau.

“Vì chưa kịp thích nghi với hoàn cảnh mới, môi trường mới nên dù ở đô thị nhưng “tính cộng đồng nông thôn” vẫn còn đầy rẫy. Để ý nhau từng tí một, thấy người ta kém mình thì thương, bằng mình cũng được nhưng hơn mình thì chắc chắn không được. Cùng với đó là tâm lý đám đông, thấy một người làm là cả đám cùng làm, có sai thì cũng cả đám cùng sai chứ không phải mình mình. Đó là sự chậm trễ của tâm lý lối sống. Phải trải qua nhiều thế hệ mới có thể thay đổi”, GS Thịnh lý giải thêm.

Với ý kiến cho rằng, sự lộn xộn, lố bịch này là do sự phát triển chưa tương xứng giữa kinh tế và văn hóa (chú trọng đổi mới kinh tế mà quên đổi mới văn hóa), GS Thịnh cho rằng điều này cũng không hoàn toàn đúng như vậy. Bởi văn hóa bao giờ cũng có “độ chậm” hơn kinh tế, văn hóa bao giờ cũng còn lại những tàn dư của giai đoạn trước.

“Nhiều người cứ nghĩ rằng thói tọc mạch là của nông thôn, đổ lỗi cho người tỉnh lẻ đưa ra thành phố. Nhưng thực sự không phải thế, ở đâu cũng có cái tốt, cái xấu. Nông thôn có cái tốt của nông thôn, thành thị có cái xấu của thành thị. Bản chất của văn hóa là sự đa dạng, không thể so sánh văn hóa nào tốt hơn văn hóa nào được”, GS Thịnh lý giải thêm.

Hiếu kỳ là một nhu cầu, nhưng từ đó mà tọc mạch, soi mói là một thói xấu

Ở đô thị hiện đại, đời sống vật chất đầy đủ khiến con người ta trở nên nhàm chán. Chính vì vậy sự hiếu kỳ, tò mò, soi mói nhau là “con bệnh” dễ tìm được nơi “trú chân” ở xã hội đô thị. Giới truyền thông ở nhiều nước có xu hướng đi sâu vào khai thác đời tư, chuyện lạ để phục vụ “thị hiếu” không được lành mạnh này của độc giả thích sự giật gân, mới lạ của đời tư của mọi người, nhất là người nổi tiếng.

Theo GS Thịnh, chúng ta đang ở thời kỳ quá độ, cái truyền thống đã và đang bị phá vỡ, cái hiện đại thì chưa hình thành. Sự lộn xộn này là tất yếu của giai đoạn lịch sử. Vì vậy chúng ta phải chấp nhận, không nên nôn nóng.

“Không ai bước lên văn minh bằng tấm thảm. Nhiều khi con người ta phải trả giá mới có được nó. Điều quan trọng là làm thế nào để không phải trả một cái giá quá đắt”, GS Thịnh nói.

Theo LA HOÀN / VIETNAMNET (2012)

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cần lưu ý

Minh họa: Pixabay

Cành báo Đột quỵ hay còn được gọi là Các cơn thiếu máu não thoáng qua (Transient ischemic attacks – TIA) là dấu hiệu cảnh báo khi các triệu chứng giống như đột quỵ, xảy ra trong vài phút hoặc vài giờ, sau đó biến mất.

Chính điều này làm nạn nhân ỷ lại không đến bệnh viện để được chăm sóc y tế tức thời, cho đến khi cơn đột quỵ xảy ra thì quá trễ để cứu chữa.

Trên toàn cầu, ước tính cứ 40 giây lại có một cơn đột quỵ xảy ra và cứ sau 4 phút lại có một cơn đột quỵ dẫn đến tử vong.

Điều gì gây ra đột quỵ?

Trong một cơn đột quỵ, việc cung cấp máu cho não bị gián đoạn hoặc hạn chế. Đột quỵ dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, dẫn đến tử vong ngay lập tức. Khi cục máu đông hình thành trong não, nó sẽ chặn hoặc hạn chế lưu lượng máu đến não, dẫn đến đột quỵ. Nguyên nhân gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua hay còn gọi là Cảnh báo Đột quỵ là gì?

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là một giai đoạn ngắn có các triệu chứng tương tự như đột quỵ. TIA thường kéo dài trong vài phút và không gây tổn thương vĩnh viễn.

Các triệu chứng của cơn Cảnh báo Đột quỵ sẽ hết trong vòng chưa đầy một giờ và bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường.

Các mạch máu cung cấp máu giàu oxy cho não của bạn bị tắc nghẽn trong TIA. Thông thường, cục máu đông hình thành ở những nơi khác trong cơ thể bạn sẽ di chuyển đến mạch máu não, mặc dù bọt khí hoặc mảnh chất béo cũng có thể gây ra tắc nghẽn này.

Các triệu chứng Cảnh báo Đột quỵ thường hết trong thời gian ngắn, thường là trước khi bệnh nhân kịp đến bệnh viện để được đánh giá toàn diện. Khi các triệu chứng đột quỵ biến mất quá nhanh, nhiều người có cảm giác an toàn giả tạo và không tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

Các triệu chứng cảnh báo đột quỵ là gì?

Đây là những dấu hiệu của một cơn Cảnh báo Đột quỵ:

– Méo một bên mặt

– Không có khả năng nâng và duy trì cả hai cánh tay do yếu hoặc tê

– Bị líu lưỡi khi nói, lời nói bị cắt xén hoặc không thể nói được

– Liệt một bên cơ thể

– Mất thị lực, nhìn mờ hoặc nhìn một thành hai

– Chóng mặt

– Tinh thần hoang mang

– Mất cân bằng cơ thể và các động tác không phối hợp được

Minh họa: Pexels

Nguyên nhân gây ra Cảnh báo Đột quỵ

Các yếu tố rủi ro đối với TIA cũng giống như đối với đột quỵ là do thiếu máu cục bộ. Các yếu tố rủi ro bao gồm một hoặc vài yếu tố sau đây:

– Cao huyết áp

– Hút thuốc lá

– Rối loạn lipid máu

– Bệnh tiểu đường

– Kháng insulin

– Béo phì

– Tiêu thụ rượu quá mức

– Thiếu hoạt động thể chất

– Chế độ ăn uống có nguy cơ cao (ví dụ, nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và calo)

– Căng thẳng tâm lý xã hội (ví dụ, trầm cảm)

– Rối loạn tim (đặc biệt là rối loạn dẫn đến tắc mạch, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim cấp tính, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng và rung tâm nhĩ)

– Sử dụng một số loại thuốc (ví dụ như cocaine , amphetamine)

– Bị chứng đông máu

– Viêm mạch

Đằng Vân / (Theo blodsky)

10 đặc điểm của người tích cực

Dưới đây là 10 đặc điểm của những người tích cực!

Đây là 10 lời khuyên để bạn có thể giữ thái độ tích cực cho dù điều gì có xảy ra với bạn trong tương lai. Nó cũng giúp bạn ngừng tìm kiếm thứ mà các nhà tâm lý học gọi là “sự tích cực” ở những nơi không đúng chỗ.

1. Người tích cực không nhầm lẫn giữa bỏ cuộc và buông tay

Thay vì bám vào những ý tưởng, niềm tin hay thậm chí là những người không còn phù hợp đối với họ, họ tin tưởng vào sự phán đoán của mình để loại bỏ những điều tiêu cực trong cuộc sống.

2. Họ không chỉ có một ngày tốt lành, họ còn tạo ra một ngày tốt lành

Chờ đợi, hy vọng và ao ước hiếm khi có chỗ đứng trong vốn từ vựng của những người tích cực. Thay vào đó, họ chủ động bắt tay vào làm việc. Sự thụ động sẽ dẫn đến thiếu sự tham gia, trong khi những người tích cực tham gia rất nhiều vào việc xây dựng cuộc sống của họ. Họ làm việc để thay đổi, để cảm thấy tốt hơn trong những thời điểm khó khăn hơn là mong muốn cảm xúc của họ biến mất.

3. Đối với người tích cực, quá khứ chỉ là quá khứ

Những ký ức tốt đẹp và tồi tệ đều ở lại nơi chúng thuộc về, đó là quá khứ, nơi chúng đã xảy ra. Những người tích cực không dành nhiều thời gian để nhớ về những ngày tốt đẹp bởi họ quá bận rộn để tạo ra những kỷ niệm mới. Những tác động tiêu cực từ quá khứ không được sử dụng để tự trách móc bản thân hay hối tiếc vô ích, người tích cực sử dụng nó như một bài học kinh nghiệm để làm bàn đạp hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

10 đặc điểm của người tích cực, năm mới nên sớm học theo  - Ảnh 1.

4. Họ biết ơn cuộc sống

Những người tích cực không tập trung vào những vấp ngã hay thách thức trong cuộc đời mình. Họ tập trung vào “hũ vàng” đang chờ đợi họ mỗi ngày, với mùi vị, cảnh vật, cảm xúc và những trải nghiệm mới. Họ coi cuộc sống như một chiếc rương báu chứa đầy những điều kỳ diệu và họ biết ơn cuộc sống này.

5. Thay vì mắc kẹt trong những hạn chế, người tích cực được tiếp thêm năng lượng bởi những khả năng của mình

Người tích cực tập trung vào những gì họ có thể làm thay vì những gì họ không thể làm. Họ không bị lừa khi nghĩ rằng có một giải pháp hoàn hảo cho mọi vấn đề, và tự tin rằng họ có thể đưa ra nhiều giải pháp và khả năng. Người tích cực không ngại thử những phương pháp mới cho những vấn đề cũ, thay vì quay cuồng với hy vọng “lần này mọi thứ sẽ khác đi”.

6. Không để nỗi sợ hãi cản trở con đường của mình

Những người bị nỗi sợ hãi của mình xác định và kéo lùi lại sẽ không bao giờ thực sự sống một cuộc đời trọn vẹn. Trong khi tiến hành mọi chuyện với sự thận trọng, người tích cực không để nỗi sợ hãi ngăn cản họ thử những điều mới. Họ nhận ra rằng ngay cả những thất bại cũng là những bước cần thiết để có một cuộc sống thành công. Họ tự tin rằng mình có thể đứng dậy khi vấp ngã bởi những biến cố trong cuộc sống hoặc do sai lầm của chính mình, nhờ niềm tin mãnh liệt vào khả năng phục hồi của bản thân.

7. Cười rất nhiều

Khi bạn cảm thấy tích cực từ bên trong, điều đó giống như bạn đang mỉm cười từ bên trong và nụ cười này có sức lan tỏa. Hơn nữa, những người khác càng ở gần những người tích cực, họ càng có xu hướng mỉm cười nhiều hơn. Người tích cực nhìn thấy được sự nhẹ nhàng trong cuộc sống và có khiếu hài hước ngay cả khi đó là về bản thân họ.

8. Giao tiếp tuyệt vời

Những người tích cực nhận ra rằng giao tiếp quyết đoán, tự tin là cách duy nhất để kết nối với những người khác trong cuộc sống hàng ngày. Họ tránh những trao đổi mang tính phán xét, giận dữ, và không để cho người khác có lý do để phản ứng lại. Thay vào đó, họ thể hiện bản thân một cách khéo léo. Họ cũng từ chối sở hữu những vấn đề của người khác.

9. Người tích cực nhận ra rằng nếu bạn sống đủ lâu, sẽ có lúc bạn phải chịu những nỗi đau buồn lớn

Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhất về những người tích cực là để trở nên tích cực, bạn phải luôn vui vẻ. Bất cứ ai có chiều sâu chắc chắn không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Buồn bã, giận dữ, thất vọng đều là những cảm xúc thiết yếu trong cuộc sống. Làm thế nào mà bạn có thể phát triển sự đồng cảm với người khác nếu bạn sống một cuộc đời phủ nhận và cảm xúc nông cạn? Những người tích cực không chạy trốn khỏi các cung bậc cảm xúc và chấp nhận rằng một phần của quá trình chữa lành là cho phép bản thân trải nghiệm tất cả các loại cảm xúc, không chỉ là sự hạnh phúc.

10. Người tích cực là người được trao quyền – họ từ chối đổ lỗi cho người khác và không nhận mình là nạn nhân

Những người tích cực hạn chế tương tác với những người độc hại theo bất kỳ cách nào. Họ xác định được các quyền cơ bản của con người và họ quá tôn trọng bản thân để có thể đóng vai nạn nhân. Không có chỗ cho sự thù hận với một suy nghĩ tích cực. Tha thứ giúp họ trở nên tốt đẹp hơn.

Lạc Hà / Phụ nữ VN

Việt Nam được tổ chức uy tín Mỹ gọi là “Thụy Sĩ của châu Á”: Có tiềm năng trở thành “mỏ vàng” cho thị trường Mỹ nhờ những lợi thế không thể chối cãi

Việt Nam được tổ chức uy tín Mỹ gọi là "Thụy Sĩ của châu Á": Có tiềm năng trở thành "mỏ vàng" cho thị trường Mỹ nhờ những lợi thế không thể chối cãi

Sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam là điều thu hút đoàn đại biểu của tổ chức quốc tế. Đây là tín hiệu khởi sắc đối với Việt Nam trong những năm tới.

Sự phát triển vượt bậc

Từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, người ta không khỏi ngạc nhiên trước một nền văn hóa phong phú và đa dạng chịu ảnh hưởng từ hàng nghìn năm lịch sử thăng trầm. Bao trùm lên tất cả những điều này là sự tăng trưởng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi cam kết quốc gia về tự do hóa kinh tế và mong muốn hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới.

Cách đây vài tuần, một nhóm gồm các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Quốc gia các Bộ Nông nghiệp Bang (NASDA) đã mời các đại diện của Hiệp hội Công nghiệp Thức ăn chăn nuôi Mỹ (AFIA) tham gia với tư cách là khách mời để gặp gỡ các đại diện chính phủ và doanh nghiệp của ngành chăn nuôi tại Việt Nam.

Được biết, AFIA có trên 110 năm phát triển, có hơn 700 doanh nghiệp thành viên tại Mỹ, trong đó 75% là doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi. AFIA chủ yếu tập trung mạnh vào mảng thức ăn bổ sung, thức ăn cho thú cưng và chuyển giao công nghệ chăn nuôi tại Mỹ. Trong khi đó, NASDA được thành lập vào năm 1916, là cơ quan lãnh đạo và giải quyết vấn đề nông nghiệp quan trọng nhất của Mỹ. CEO hiện tại của NASDA là cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Ted McKinney.

Đoàn đại biểu đã được tận mắt chứng kiến ​​sự phát triển kinh tế nhanh chóng, tích cực của Việt Nam.

Việt Nam được tổ chức uy tín Mỹ gọi là Thụy Sĩ của châu Á: Có tiềm năng trở thành mỏ vàng cho thị trường Mỹ nhờ những lợi thế không thể chối cãi - Ảnh 1.

Với những giai đoạn có tỉ lệ tăng trưởng lên tới hai con số, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mong muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nước láng giềng, quốc gia này đang tìm cách tận dụng tỉ lệ dân số vàng với gần 100 triệu người (70% dân số dưới 40 tuổi, đây là thị trường hàng đầu của Facebook), các hiệp định thương mại, có chi phí sản xuất thấp và vị trí địa lý thuận lợi để nâng cao mức sống và an ninh chính trị.

Các nhà lãnh đạo của tổ chức NASDA đã gọi Việt Nam là “Thụy Sĩ của Châu Á” trong chuyến đi mới này. Với thế mạnh giao thương thương mại hàng hải, Việt Nam đã nỗ lực để duy trì ổn định chính trị tại khu vực. Việt Nam cũng đang hiện đại hóa trang thiết bị để phù hợp kết nối, hội nhập với nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm phương Tây.

Trong khi đó, với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ (và Mỹ là một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam), và với tỷ lệ đông đảo người dân ủng hộ hợp tác với Mỹ, Việt Nam mong muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Tiềm năng hợp tác Việt – Mỹ

Cảng Sài Gòn là một bằng chứng rõ ràng cho nỗ lực của Việt Nam. Nằm gần Thành phố Hồ Chí Minh ở đồng bằng sông Cửu Long, đây là một cảng vận chuyển hàng rời và container nhộn nhịp – nơi hoạt động của một số công ty, trong đó có công ty SSIT có trụ sở tại Mỹ.

SSIT đang mở rộng công suất thêm 50% và có kế hoạch tăng gấp đôi quy mô cảng tổng thể trong hai năm tới để vượt quy mô của Cảng Long Beach. Với một vũng quay lớn, cảng có khả năng xử lý các Tàu Container Siêu Lớn (ULCV) với trọng tải lên đến 200.000 tấn.

Nông nghiệp là một phần trọng tâm trong kế hoạch tiếp tục tăng trưởng của đất nước. Với nỗ lực đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp đồng thời cân bằng nhu cầu của các hộ nông dân nhỏ, Việt Nam đang tìm cách tăng lượng đạm động vật trong chế độ ăn của người dân, đồng thời trở thành nhà xuất khẩu tôm và gia cầm của khu vực.

Chính phủ đã có những nỗ lực tích cực để kiểm soát dịch tả lợn châu Phi (triển khai vắc-xin ASF), và cũng khuyến khích – thay vì bắt buộc – củng cố và hiện đại hóa ngành sản xuất động vật nuôi trong nước.

Kết quả là hiện đã có 1.600 trang trại phụ trách sản xuất 45% lượng thịt lợn của Việt Nam, phần còn lại được sản xuất bởi hơn 2 triệu trang trại khác. Sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhu cầu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đang tăng lên ở cả miền bắc và miền nam Việt Nam.

Việt Nam được tổ chức uy tín Mỹ gọi là Thụy Sĩ của châu Á: Có tiềm năng trở thành mỏ vàng cho thị trường Mỹ nhờ những lợi thế không thể chối cãi - Ảnh 2.

Khách hàng Việt Nam rất mong muốn các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đậu nành, ngô và các sản phẩm phụ của Mỹ để nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn cho thú cưng. Khả năng sở hữu vật nuôi ngày càng tăng đang tạo ra nhu cầu lớn về thức ăn thú cưng chất lượng. Điều đó thể hiện ở việc có thêm các không gian bày bán thức ăn thú cưng ở siêu thị và các cửa hàng dành riêng cho nhu cầu của vật nuôi.

Trong khi việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vào đầu năm 2017 đặt Mỹ vào thế bất lợi, Việt Nam đã phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán tiếp cận thị trường tốt hơn cho các sản phẩm của Mỹ.

Theo đánh giá của chuyên gia AFIA, Việt Nam chắc chắn là thị trường có tiềm năng to lớn đối với ngành thức ăn chăn nuôi của Mỹ. May mắn thay, Hiệp hội Công nghiệp Thức ăn chăn nuôi Mỹ (AFIA) là một cái tên được công nhận tại Việt Nam và đang tích cực đạt được tiến bộ để chia sẻ những lợi thế trong ngành thức ăn chăn nuôi và thức ăn vật nuôi, đồng thời điều hướng các cải tiến về quy định có thể tạo thuận lợi cho thương mại.

Song song với những nỗ lực này là các buổi thảo luận do AFIA tài trợ nhằm giúp nhà sản xuất chăn nuôi Việt Nam cải thiện năng lực quản lý thức ăn chăn nuôi và an toàn sinh học. Việt Nam đã thể hiện thiện chí chào đón và Mỹ không nên bỏ qua cơ hội này – tác giả thuộc AFIA kết luận.

Tất Đạt / Nhịp sống thị trường

Jack Ma sụp đổ đánh dấu hồi kết cho thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc

Nhà sáng lập Alibaba đã bị “thổi bay như một đám mây.”

Mức tăng trưởng ít ỏi chỉ 3% của Trung Quốc trong năm 2022 đã báo hiệu hồi kết của thời kỳ hoàng kim kéo dài 30 năm của nền kinh tế nước này.

Ngoại trừ mức tăng trưởng 2,2% vào năm 2020, vốn là giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, đây là thành tích kinh tế tồi tệ nhất của Trung Quốc kể từ năm 1976, khi Cách mạng Văn hóa kéo tăng trưởng xuống mức âm.

Việc đột ngột từ bỏ chính sách zero-covid – và đợt bùng dịch theo sau nó – không phải là lý do duy nhất khiến tăng trưởng đạt kết quả kém. Các chính sách kinh tế của Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình là một nguyên nhân khác. Trong thập niên vừa qua, dưới sự cai trị của Tập Cận Bình, ý thức hệ đã được đặt lên trên tư duy lý tính về kinh tế.

Một sự cố mang tính biểu tượng đã xảy ra hồi tuần trước.

Ngày 10/1, một đoàn xe của chính quyền thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đã tiến vào khuôn viên của Tập đoàn Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử do Jack Ma đồng sáng lập.

Trong số những người bước ra khỏi xe có Lưu Tiệp (Liu Jie), Bí thư Thành ủy Hàng Châu. Ngày hôm đó, chính quyền Hàng Châu và Alibaba đã đồng ý tái khởi động mối quan hệ đối tác chiến lược đã có từ lâu của họ.

Khoảng ba tuần trước đó, Dịch Luyện Hồng (Yi Lianhong), Bí thư Tỉnh ủy mới được bổ nhiệm của Chiết Giang, cũng đã đến thăm Alibaba. Ông vừa trở về sau chuyến đi đến Bắc Kinh để tham dự Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Đảng Cộng sản, một cuộc họp nhằm thảo luận các chính sách kinh tế của Trung Quốc cho năm 2023.

Ngay sau khi trở về, ông liền đến trụ sở chính của Alibaba.

Ngay sau khi trở về Hàng Châu sau chuyến đi Bắc Kinh, Dịch Luyện Hồng, Bí thư Tỉnh ủy mới được bổ nhiệm của Chiết Giang, đã đến thăm trụ sở của Alibaba. ©AP

Thoạt tiên, các chuyến thăm dường như báo hiệu sự nồng ấm trở lại của quan hệ giữa chính phủ và Alibaba, chuyển từ đàn áp công nghệ và áp đặt ý muốn của ban lãnh đạo trung ương sang hợp tác với nền tảng công nghệ để hồi sinh nền kinh tế suy yếu của Trung Quốc.

“Người ta đã hiểu tình hình sai hoàn toàn,” một nguồn tin Trung Quốc chuyên về các vấn đề kinh doanh ở Chiết Giang cho biết.

Bối cảnh của các chuyến thăm sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu ta xem xét chúng cùng với một diễn biến khác. Ngày 7/1, Ant Group, công ty tài chính trực thuộc Alibaba, ra thông báo rằng nhà sáng lập Jack Ma sẽ từ bỏ quyền kiểm soát công ty.

Việc tái cấu trúc công ty khiến Ma chỉ còn hơn 6% quyền biểu quyết tại Ant dù trước đó ông đã nắm giữ hơn 50%.

Sự kiện này có thể được so sánh với sự sụp đổ không đổ máu của Lâu đài Edo ở Nhật Bản. Sự kiện năm 1868 đã kết thúc chế độ Mạc phủ Tokugawa, trao trả quyền lực cho hoàng gia, và mở ra thời đại Minh Trị. Edo theo đó cũng được đổi tên thành Tokyo.

Giờ đây, Ma đã đầu hàng ở “Lâu đài Alibaba” mà không kháng cự. Ông đến Nhật Bản từ trước đại hội toàn quốc của đảng vào tháng 10 năm ngoái, và không thể trở về Trung Quốc.

Chuyến thăm của Bí thư Hàng Châu Lưu Tiệp diễn ra ba ngày sau đó.

“Lâu đài Alibaba” nhìn từ trên không vào ngày 24/3/2021, tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. © Getty Images

Nắm giữ trong tay dữ liệu của hơn 1 tỷ người dùng Alipay, nền tảng thanh toán di động phổ biến của Trung Quốc, Ant Group có ảnh hưởng vô cùng lớn. Ma là người có đóng góp quan trọng trong việc phổ biến Alipay ra toàn thế giới.

Ant Group thực ra không có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào về khâu quản lý. Thay vào đó, chính thành công của tập đoàn, và ảnh hưởng đi kèm với thành công đó, đã khiến họ bị chính quyền Tập Cận Bình giám sát chặt chẽ hơn. Ma cuối cùng đã bị tước quyền kiểm soát công ty.

Cũng trong khoảng thời gian Ant Group ra thông báo ngày 7/1, những bức ảnh chụp Ma ở Bangkok đã lan truyền trên mạng xã hội. Kể từ khi chuyển đến Nhật Bản, Ma thỉnh thoảng cũng ra nước ngoài. Nhưng sau mỗi lần, ông đều trở lại Nhật chứ không về Trung Quốc, và luôn luôn hành động kín đáo.

Sau khi Ma mất quyền kiểm soát Ant Group, một công ty đầu tư liên kết với chính quyền Hàng Châu đã trở thành cổ đông lớn tại tập đoàn.

Đột nhiên, Ant trở thành một công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp của đảng và chính phủ Trung Quốc thông qua quyền biểu quyết. Điều này cũng sẽ giúp họ có ảnh hưởng lên Alibaba, và việc chính quyền Hàng Châu và Alibaba trở thành đối tác chiến lược cũng đóng vai trò quan trọng. Bị tước mất quyền tự quyết, Alibaba và Ant Group sẽ phải đối mặt với một rào cản rất lớn trong việc tăng trưởng nhanh chóng.

Một khách du lịch Trung Quốc sử dụng Alipay để mua hàng tại một cửa hàng bách hóa ở Osaka, Nhật Bản, vào năm 2019. Jack Ma là người có công trong việc toàn cầu hóa ứng dụng thanh toán này. (Ảnh của Tomoki Mera)

Ngày 2/11/2020, một kiệt tác của Kaii Higashiyama, nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất Nhật Bản, đã được sử dụng để ám chỉ tình huống nguy hiểm mà Ma hiện đang gặp phải.

Tài khoản WeChat của Tân Hoa Xã do nhà nước điều hành đã đăng một bài viết có kèm theo một bức tranh phong cảnh của Higashiyama trong đó vẽ một đám mây trắng hình con ngựa trên bầu trời xanh.

Jack Ma tên khai sinh là Mã Vân, nghĩa đen là “ngựa” và “mây.”

Trên thực tế, Tân Hoa Xã đã cảnh báo rằng đám mây hình con ngựa trong bức tranh chắc chắn sẽ biến mất vì bị gió cuốn.

Bài báo được xuất bản sau khi Ma bị chính quyền Trung Quốc triệu tập để thẩm vấn. Một ngày sau khi bức tranh gây tranh cãi được đăng tải, Ant Group thông báo hoãn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Ma có lẽ đã xem bài báo như một chiêu của Tập Cận Bình nhằm phô diễn quyền lực cá nhân, hoặc như một hình thức bắt nạt được thực hiện bởi đảng và nhà nước. Nhưng giờ đây, sau hai năm hai tháng, rõ ràng là việc công bố bức tranh của Higashiyama không phải chuyện đùa. Đó là một tuyên bố bày tỏ ý định.

Tháng 11/2020, tài khoản WeChat của Tân Hoa Xã đã đăng một bức tranh vẽ một đám mây trắng hình con ngựa trên bầu trời xanh. Jack Ma tên khai sinh là Mã Vân, có nghĩa là “ngựa mây” trong tiếng Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình từ Tân Hoa Xã)

Việc đế chế Alibaba bị phá hủy ngay sau cái chết của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân vào tháng 11 không thể nào là trùng hợp ngẫu nhiên.

Ma thành lập Alibaba ở tỉnh Chiết Giang vào năm 1999, khi Giang là lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Một năm sau, Giang công bố chính sách cho phép các doanh nhân thuộc khu vực tư nhân tham gia đảng, nơi vốn được coi là lãnh địa của công nhân và nông dân.

Nhờ “Thuyết Ba Đại diện” sáng tạo của Giang – đưa các doanh nhân thuộc khu vực tư nhân vào đảng – các nhà quản lý doanh nghiệp với những ý tưởng lớn đã giành được sự tự do và mở rộng phạm vi hoạt động của họ. Trong đó, Ma chính là người tiên phong.

Nền kinh tế Trung Quốc khi ấy còn đang mắc kẹt trong tình trạng ảm đạm sau cuộc đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, nhắm vào những sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ.

Sau chuyến “Nam tuần” của nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình vào đầu năm 1992, Trung Quốc đã chuyển hướng, quay trở lại “cải cách và mở cửa”. Với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm 2001, dưới thời Giang, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển.

Chân dung của cố Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, người qua đời vào ngày 30/11/2022 vừa qua, hưởng thọ 96 tuổi, được trưng bày gần di hài hỏa táng của ông trong lễ tưởng niệm được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 6/12/2022. © Tân Hoa Xã/AP

Động lực chính của sự phát triển kinh tế là các doanh nhân thuộc khu vực tư nhân, bao gồm cả Ma. Các công ty nhà nước – mà chế độ Tập coi trọng – chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Nhưng dưới các chính sách của Tập Cận Bình, kỷ nguyên mà những cá nhân thuộc các công ty tư nhân lớn có thể ngẩng cao đầu đã chấm dứt.

Việc quản lý nền kinh tế thị trường tại Trung Quốc dường như đã trở về những ngày trước thời Giang Trạch Dân, quay lưng lại với thời kỳ hoàng kim mà gần ba thập niên tự do hóa mang lại.

Thật ra, từ trước cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989, chính quyền Trung Quốc đã không hạn chế quyền tự do của những người đứng đầu doanh nghiệp tư nhân, cũng không tịch thu tài sản cá nhân có được một cách hợp pháp của họ.

Những gì đã xảy ra với Ant Group – vốn diễn ra bên ngoài khuôn khổ các biện pháp pháp lý – rõ ràng là một sự chuyển hướng khỏi con đường mà Trung Quốc đã theo đuổi kể từ khi chính sách cải cách và mở cửa được giới thiệu vào cuối những năm 1970.

Dù cụm từ tuyên truyền “ngăn chặn sự bành trướng tư bản một cách vô trật tự” không còn được sử dụng thường xuyên như trước đây, về cơ bản, tư duy vẫn không thay đổi dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.

Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một thử thách khác: dân số suy giảm. Cục Thống kê Quốc gia hôm thứ Ba (17/1/2023) đã công bố dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong 61 năm. Nếu xu hướng này tiếp tục, nó sẽ trở thành nhân tố chính gây áp lực kéo nền kinh tế đi xuống.

Sau cái chết của Giang Trạch Dân, đảng và chính phủ đã tổ chức một lễ tưởng niệm quy mô lớn cho vị cố lãnh đạo tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 6/12.

Khi thi hài của Giang được đưa đến thủ đô từ Thượng Hải, cơ sở quyền lực của ông, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế của đất nước, một bài hát tiễn biệt đã được cất lên. Nó dường như đã gióng lên hồi chuông báo tử cho kỷ nguyên tự do kinh tế vốn đã tồn tại từ lâu ở Trung Quốc.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Jack Ma downfall spells end of China’s golden age,” Nikkei Asia, 19/01/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng