Ngôi nhà 62m2 ở Đà Nẵng mang không gian sống tươi mát, thư giãn thú vị

Ngôi nhà phố ở Đà Nẵng có 4 phòng ngủ với không gian sống tươi mát, rộng rãi và ngập tràn cây xanh.

Ngôi nhà 62m2 ở Đà Nẵng của chị Quỳnh An được xây dựng từ ý tưởng “chim bay về tổ”, mang ý nghĩa đoàn tụ, sum vầy với không gian sống tươi mát, thư giãn thú vị. Nhà có 4 phòng ngủ được xây lệch tầng nên phòng ngủ nào cũng rộng. Ngoài ra, nhà còn có một khoảng sân để xe hơi, sân vườn và giếng trời phía sau.

Điều chị thích nhất ở căn nhà là khoảng sân sau được trồng cây lộc vừng và có khoảng nhỏ để ngồi uống trà. Nhờ khoảng sân sau này mà 2 phòng ngủ phía sau nhà lúc nào cũng đủ ánh sáng.

Mặt tiền được phủ những bồn cây xanh mát mắt. Bồn ốp bằng loại gỗ nhựa rất bền vững và không bị ngấm nước. 

Góc vườn ở sân sau rất thoáng đãng, trong lành.

Sự liền mạch giữa phòng khách và phòng bếp, sân vườn sau.

Mảng xanh thiên nhiên làm không gian thêm sinh khí. 

Bàn ăn rộng rãi, màu vàng sáng và decor thêm tranh tường độc đáo. 

Phòng ngủ hai mặt thoáng nên trong lành và mát mẻ. Phong cách mộc, tối giản giúp không gian thêm rộng rãi, dễ chịu. 

Những lọ hoa nhỏ tạo nên sức sống tươi mới, tràn ngập sinh khí. 

Sảnh cầu thang dưới giếng trời là góc nhâm nhi tách trà của vợ chồng gia chủ. 

Mảng tường giếng trời ốp đá nhằm giúp giảm độ ồn khi gió đối lưu. 
Bồn cây gỗ nhỏ xinh, dễ thương, tăng tính thẩm mỹ cho nhà. 

Quỳnh Nga / Vietnam Net

Ông đồ muôn năm cũ

Nhà thơ Vũ Đình Liên sinh ngày 12/11/1913 trong một gia đình làm nghề kim hoàn tại phố Hàng Bạc, Hà Nội, nhưng chính quê lại là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

So với những người cùng thời như Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân, Thâm Tâm hay Lưu Trọng Lư… thì đường học hành của Vũ Đình Liên có thịnh đạt hơn nhiều. Nhờ thế, chỉ sau khi đỗ tú tài ít lâu, lúc chưa vào độ tam thập nhi lập, ông đã có một công việc xã hội khả dĩ là thầy giáo các trường tư, công chức Nha thương chính (với chức Tham tá).

Vũ Đình Liên thuộc lứa đầu của phong trào Thơ mới. Năm 1932, ông đăng báo bài thơ “Đứa trẻ ăn mày”, mở đầu cho sự có mặt của mình trên thi đàn. Và cũng từ đó, người đọc bắt đầu nhận ra một nét đặc sắc trong con người và thi phẩm của ông là lòng thương người, mà trước hết, là những người cùng khổ, “dưới đáy” của xã hội. Ít lâu sau, trên các Báo Tinh hoa, Phong hóa, Loa… người ta thấy có một loạt bài nữa của ông, đó là những: “Hồn xưa”, “Văn Miếu hoài cổ”, “Tháp Chàm”… và đặc biệt là các bài như “Lòng ta là những hàng thành quách cũ” và “Ông đồ”. Với các bài vẽ lại “Cảnh xưa rực rỡ trăm màu” mà nay chỉ còn là cảnh “Cả hồn xưa yên lặng trong giăng khuya”, và cảnh “Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài giời mưa bụi bay…”. Người ta lại nhận ra thêm một nét đặc sắc nữa trong tâm cảm và thi ca của ông là sự hoài cổ.

Ông đồ muôn năm cũ -0
Hình ảnh ông Đồ cho chữ.

Lòng thương người và sự hoài cổ là hai nét nổi bật trong cuộc sống và tác phẩm của Vũ Đình Liên.

Học nhiều và cũng ham đọc, càng như thế, cái đức tính cẩn trọng như thái quá đã đến với Vũ Đình Liên từ lúc nào không biết, ngay từ dạo ông còn trai trẻ, sung sức. Khi đang được trìu mến và trân trọng bởi những tác phẩm có khả năng sống lâu dài trong lòng bạn đọc – dẫu là bạn đọc khó tính, như “Ông đồ”, Vũ Đình Liên đã bắt đầu có cảm giác rợn ngợp và bất lực trước trang giấy, ông kể với Hoài Thanh là: “Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có một chút giá trị nên đã lâu tôi không làm thơ nữa”.

Ấy là ông nghĩ vậy thôi, chứ vào những khi khác, ông lại viết:

Tôi muốn hồn thơ muôn năm không hết
Để ca ru nỗi đau khổ khôn cùng.

(Hối hận)

Sự mâu thuẫn ấy trong ông đã chỉ ra một nét đẹp ở cuộc đời ông, đó là sự hết sức hết lòng vì người khác, dẫu biết tài năng của mình là rất có hạn.

Đức tính khiêm dung vị tha này có ở ông hồi trẻ, khi ông cùng học với Vũ Trọng Phụng ở Trường Hàng Vôi, khi ông là thầy giáo ở các Trường tư thục Gia Long và Thăng Long, ở Trường nữ sinh Hoài Đức và ở cả Đông Dương học hiệu… trước Tháng Tám năm 1945 cho đến mãi sau này.

Nhà thơ Trần Lê Văn kể:

Đã nhiều năm, ngày nào cũng như ngày nào, trời mưa cũng như trời nắng, anh cắp cặp đi bộ từ nhà anh ở phố Bà Triệu vào làng Mọc, trông coi nhà cửa vườn tược cho gia đình người con gái nhà văn Vũ Trọng Phụng, bạn học với anh hồi còn nhỏ tuổi. Anh coi con cháu nhà ấy như con cháu của chính mình, nên chẳng hề tiếc công tiếc sức giúp đỡ…

…Trên đường phố, đường làng lúc nào cũng nhan nhản những trẻ thơ. Nhà thơ cao tuổi lại thích đi bộ nên luôn luôn tiếp xúc với các bạn nhỏ ấy và lúc nào cũng sẵn sàng giải quyết những khó khăn mà các bạn ấy vấp phải. Có lần một cháu bé chạy lon ton đi mua kẹo. Lúc cháu đưa tiền, bà hàng kẹo bảo còn thiếu một hào (lúc ấy một hào cũng đáng kể lắm). Cháu bé tiu nghỉu và sắp sửa phụng phịu quay về. Bỗng một bàn tay nào đặt vào bàn tay bé bỏng ấy một hào. Y như phép tiên. Bé ngỡ ngàng và kính mến nhìn ông già lạ mặt và hiền hậu ấy mà không biết là ông Liên.

Lại có lần qua nhà trẻ, ông thấy một cháu bé xíu đòi mẹ, khóc đến đứt hơi khi mẹ cháu đã đi rồi. Ông dừng lại giúp cô giữ trẻ, bế cháu, dỗ cháu cho đến khi cháu nín mới thôi. Không bao giờ qua đường thấy trẻ con ngã mà ông không nâng cháu lên, phủi quần áo và xoa bóp chỗ đau cho cháu. Không bao giờ thấy một cháu bé bị bố mẹ đánh đòn vì phạm lỗi mà ông không tìm cách gặp bố hay mẹ cháu để nói một vài điều bổ ích về việc dạy trẻ”.

Như vậy, thơ với đời ở Vũ Đình Liên là một. Phải chăng vì thế mà đến năm 1990, sau khi đã nghỉ hưu được 15 năm, đã để lại chừng hơn một phần ba thế kỉ dạy học, trong đó có mười năm làm chủ nhiệm một khoa lớn – khoa Tiếng Pháp, tại một trường Đại học lớn – Trường Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ, nhà thơ – giáo sư Vũ Đình Liên đã được Nhà nước ta tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo nhân dân?

Trên văn – thi đàn Việt Nam hiện đại, đã có lúc người ta tưởng rằng Vũ Đình Liên và Thâm Tâm, rồi cả Hoàng Lộc và Hồng Nguyên sau đó… là những “nhà thơ một bài”. Thật ra không phải thế.

Với Vũ Đình Liên, sau kiệt tác “Ông đồ”, đủ để đưa ông vào số những tác giả cán mốc cho lịch sử văn học hiện đại, ông còn có một số bài thơ khác rất đáng chú ý nữa. Có điều đáng tiếc là: Các bài này dường như chỉ được biết tới qua các bản chép tay – thơ được chép tay – thường là thơ được nâng niu quý trọng – dẫu vậy, cũng chưa có sức tác động, giao hòa thật nhiều. Các bài đó là: “Người kỹ nữ Cầu Trò “(1973), “Người đàn bà điên ga Lưu Xá” (1977), “Xem hàng độn tóc ở Hàng Đào”, “Lại gặp người đàn bà điên ga Lưu Xá” (1987), “Người điên – Nàng tiên” (1992)…

Trong số này, bài “Người đàn bà điên ga Lưu Xá” là một bài được ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Lần ấy, là lần nhà thơ du xuân lên Thái Nguyên, bất chợt gặp người đàn bà điên ăn mặc rách rưới, mặt bủng da chì đang ngồi trên sàn toa xe lửa…

… Tôi với người điên ngồi không nói
Dưới sàn trên ghế vẫn nhìn nhau.

Tàu đến Quán Triều khách xuống xong
Còn người điên ấy với toa không
Tôi không ngồi nữa, chần chừ bước
Như cả chuyến xe nặng trĩu lòng.

Ông đồ muôn năm cũ -0
Từ trái sang: Nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, nhà thơ Vũ Đình Liên, họa sĩ Bùi Xuân Phái (Ảnh tư liệu).

Rồi nhà thơ lấy trong túi xách một góc bánh chưng, một gói mứt sen nhỏ, hai tay nâng gói quà Tết trao cho người điên, sau đó:

Chia tay không một lời hò hẹn
Hai mặt ảnh hình bốn mắt ghi.

Điều đáng nói là: Trước người điên ngơ ngác tiều tụy ấy, nhà thơ không thấy kinh tởm, mà chỉ nghĩ rằng:

Còn tôi biết cuộc đời đã trút
Lên hoa kia sương tuyết nặng dày
Đời độc ác lòng người bội bạc
Làm hoa kia thành đống rác này.

Thì ra, theo ông, người đàn bà điên chính là một bông hoa bị vùi dập! Và ông mong mỏi:

Đời sẽ đổi lòng người sẽ đổi
Sẽ trở về tình nghĩa xót thương,
Hãy trút hết áo quần hôi thối
Cho thịt da tỏa lại hương thơm.

Có thể nói: Nếu không có một lòng yêu thương con người, một tấm lòng nhân ái cao cả, ông không thể nghĩ suy và ước mong như vậy được. Ở đây, tình thương người của nhà thơ đã phát triển, đã đẩy ý thơ vốn bình thường thành cái tứ thơ siêu việt theo phong cách thơ Bôđơle: Nhìn thấy cái đẹp đẽ, cao thượng, đáng trọng… ngay trong vẻ rách rưới xác xơ vô vọng của con người, giữa sự bí ẩn bao la của vũ trụ.

Bài “Người đàn bà điên ga Lưu Xá”, vì thế, đã được coi là bài tiêu biểu cho một sự phát triển của phong cách thơ Vũ Đình Liên sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bài thơ gợi liên tưởng một mối giao hòa, một mối tình huyền thoại (vì theo lời nhà thơ kể thì mười lăm năm sau – năm 1992, người đàn bà điên ấy lại hóa thành một cô gái đẹp “Thịt da trầm tỏa hương bay/ Như hồi đôi tám hây hây má hồng”, cô gái ấy đã đến thăm ông ở Gác Hương Lửa tại phố Bà Triệu).

Gác Hương Lửa, tưởng cũng nên nói thêm về địa chỉ này trong cuộc đời và văn nghiệp Vũ Đình Liên. Đó chính là một căn phòng nhỏ bề bộn sách và báo cũ mới, bản thảo viết tay và các bản photocopy, tranh minh họa và những di bút của các bạn văn nghệ sĩ của nhà thơ… trong tòa nhà 156B phố Bà Triệu ở Hà Nội. Tại đây, ông tiếp các bạn văn trẻ tuổi, các học trò cũ và sinh viên,… và cũng tại đây, đã có những kỉ niệm chứa chan tình văn nghệ, tình đời giữa ông với danh họa Bùi Xuân Phái, và nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. Ông viết tặng họa sư Bùi Xuân Phái hai câu thơ từ nơi đây: “Thiên thần nghệ thuật là chuyên nghiệp/ Đốt trái tim trầm gửi gió hương”.

Rồi Gác Hương Lửa quá chật chội bộn bề, ông lại cùng Bùi Xuân Phái và Trần Văn Lưu biến nhà 11 phố Hàng Bông – nơi ở của Trần Văn Lưu thành “Đền Văn hóa nhân loại” mà sau đó những người quen biết các ông quen gọi đây là “Nhà bảo tàng Lưu – Liên – Phái”. Trong “Đền Văn hóa nhân loại” và “Nhà bảo tàng Lưu – Liên – Phái” này, các ông vẫn thắp hương vào các ngày giỗ Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu… và cả những V.Huygô, Bôđơle,… trên “Bàn thờ Văn hóa”. Bấy giờ, hai bên “Bàn thờ Văn hóa” vẫn còn đôi câu đối: “Nhân loại xây đền Văn hóa mới/ Hòa bình dựng tháp Đại đồng xưa” do Vũ Đình Liên và Bùi Xuân Phái viết. Năm 1988, danh họa Bùi Xuân Phái ra đi, nhà thơ khóc bạn:

Anh đi thấm thoắt một năm qua
Mây nước trời nào đón bạn ta…

Sinh thời nhà thơ cho biết: Gác Hương Lửa và Đền Văn hóa nhân loại, trong nhiều năm, đã là nơi nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo cho ông thật nhiều.

Nguyên An / Văn Nghệ CA

“Người từ thế kỷ trước” dự đoán điều gì trong năm 2023?

Tròn 100 năm trước, những bộ óc sáng tạo thời kỳ bấy giờ gồm các nhà khoa học, nhà vật lý đã cùng nhau vẽ nên bức tranh về cuộc sống vào năm 2023. Mặc dù một số hài hước đến nực cười, song cũng có những dự đoán trở nên chính xác đến lạ kỳ.

Năng lượng điện sẽ giải phóng con người khỏi lao động

Charles P. Steinmetz.
Charles P. Steinmetz. (Ảnh: Wikipedia).

Nhà khoa học người Mỹ Charles P. Steinmetz từng dự đoán rằng năng lượng điện sẽ tạo ra một cuộc cách mạng, nơi con người được giải phóng gần như hoàn toàn bởi lao động vào năm 2023.

Nói cách khác, ông dự đoán một tương lai nơi con người không còn bận rộn nữa, và điện sẽ giảm bớt những “công việc buồn tẻ”.

“Với tốc độ phát triển thế giới hiện nay, sẽ đến lúc mọi người sẽ làm việc không quá 4 giờ một ngày”, Steinmetz cho biết vào năm 1923. “Với thời gian còn lại, chúng ta có thể để dành cho những sở thích cá nhân”.

Ngoài ra, Steinmetz cũng chia sẻ một tương lai nơi những đột phá trong khoa học sẽ giúp loài người làm biến mất rác trên đường phố, cũng như không có khói trên bầu trời.

Những dự đoán này rõ ràng đã “sai bét”, khi con người hiện đại vẫn phải làm việc trung bình từ 8 – 10 tiếng/ngày. Ô nhiễm rác thải cũng là một trong những vấn nạn mang tính toàn cầu trong suốt hàng thập kỷ nay.

Mang theo chiếc điện thoại thông minh bên mình

 Archibald M. Low.
Archibald M. Low. (Ảnh: Wikipedia).

Vào năm 1923, khi thời ấy vẫn sử dụng những chiếc điện thoại bàn kiểu nút xoay cổ điển, thì nhà vật lý, kỹ sư và phát minh người Anh Archibald M. Low đã dự đoán chính xác về tương lai của dạng thiết bị này.

Cụ thể, ông cho rằng con người sẽ hướng tới sử dụng một thiết bị liên lạc để đơn giản hóa công việc của họ.

“Trong 100 năm tới, chúng ta sẽ có thể trò chuyện thoải mái qua một chiếc điện thoại khi ở trên ô tô, ở trong nhà hoặc trên tàu”, Low cho biết.

Bên cạnh đó, Low cũng chia sẻ tầm nhìn về chiếc điện thoại có thể ghi chú được thông tin, hay đọc được một cuốn sách dù cách xa người gửi hàng kilomet.

Đây chẳng phải tầm nhìn về một chiếc điện thoại thông minh?

Bùng nổ về dân số

 GS. William F. Ogburn.
GS. William F. Ogburn. (Ảnh: Getty Images).

Nhà xã hội học William F. Ogburn từng cảnh báo vào năm 1923 rằng dân số của New York sẽ tăng lên 100 triệu người vào năm 2023 nếu các xu hướng ở đầu thế kỷ 20 tiếp diễn.

Vào thời điểm ấy, có khoảng hơn 5,5 triệu người đang sống tại thành phố. Giờ đây, New York có khoảng 18,8 triệu người.

Tuy nhiên, Ogburn vẫn đánh giá đúng về mức độ tăng trưởng dân số toàn cầu, khi chúng ta liên tiếp phá vỡ những cột mốc.

Ngoài ra, ông cũng dự đoán rằng điều kiện sống của con người sẽ xấu đi, và những rắc rối sẽ nhân lên gấp bội cùng với tình trạng tăng dân số.

Bay lên vũ trụ để giải bài toán toàn cầu

 Sứ mệnh Apollo 11 đưa con người đặt chân lên Mặt trăng lần đầu tiên vào năm 1969.
Sứ mệnh Apollo 11 đưa con người đặt chân lên Mặt trăng lần đầu tiên vào năm 1969. (Ảnh: NASA).

Ngay từ trước khi con người có thể đặt chân lên Mặt trăng, Herbert Kaufman – một nhà xã luận học, đã nhìn thấy trước tương lai nơi con người phải hướng về nơi các vì sao để giải bài toán toàn cầu.

Ông nói: “Rất lâu trước khi than đá antraxit cạn kiệt, nhân loại cần phải tìm ra một chất thay thế ưu việt ở đâu đó trong bầu khí quyển”.

Ông cũng nhận định rằng: “giao thông và liên lạc đang di chuyển lên tầng trên”, cũng như “sẽ thu được năng lượng cần thiết từ các nhà máy điện mặt trời và từ các hành tinh”.

Tuổi thọ con người được nâng cao

 Dự đoán tuổi thọ trung bình của con người có thể tăng lên trên 100 tuổi.
Dự đoán tuổi thọ trung bình của con người có thể tăng lên trên 100 tuổi. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Vào năm 1923, TS. Eugene Lyman Fisk, một chuyên gia về tuổi thọ từng dự đoán rằng 100 năm sau, tuổi thọ trung bình của con người có thể tăng lên trên 100 tuổi, thậm chí đạt tới con số 150, 200.

Ông cũng lưu ý rằng nhờ những tiến bộ trong khoa học y tế và vệ sinh, tuổi thọ trung bình của con người đã tăng lên 18 năm kể từ 2 thập kỷ trước đó.

“Khoa học có thể gia tăng thêm tuổi thọ trong thế kỷ tới, cũng như đặt sự sống lên một bình diện cao hơn”, ông nói. “Tuổi thanh niên có thể kéo dài đến năm 30, và khả năng làm việc của con người được duy trì cho đến năm 70 hoặc 80. Ngoại hình của chúng ta cũng có thể bị thay đổi ở một mức độ nào đó”.

Theo Dân Trí

Mọi con đường đều đang dẫn về khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Sự quan tâm mà các siêu cường dành cho châu Á tuy mang lại nhiều cơ hội cho khu vực năng động này, nhưng kèm theo đó cũng là rất nhiều thách thức.

Mọi con đường đều đang dẫn tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Năm 2011, Washington tuyên bố “xoay trục sang châu Á”, một chiến lược chính trị và quân sự mới nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hơn một thập kỷ trôi qua, cũng là giai đoạn sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trỗi dậy mãnh liệt nhất, Mỹ và châu Âu cảm thấy sự quan tâm cho khu vực này cần được ưu tiên hơn bao giờ hết.

Sự ra đời của AUKUS đủ cho thấy sự mạo hiểm của Mỹ trong chiến lược mới với châu Á – Thái Bình Dương khi sẵn sàng làm mếch lòng một đối tác quan trọng ở bên kia Đại Tây Dương là Pháp.

Cũng trong năm 2021, Bộ Tứ tìm lại sinh khí của mình với cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên sau nhiều năm mờ nhạt, quyết tâm thúc đẩy sự hợp tác vì môi trường an ninh khu vực. Trong tuyên bố đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của “NATO phiên bản phương Đông”, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ khẳng định ủng hộ một cách kiên định đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN và triển khai thực tế Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP), tái khẳng định mạnh mẽ việc thượng tôn tuyệt đối luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Đến năm 2022, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thành lập một diễn đàn kinh tế mới cho châu Á – Thái Bình Dương (IPEF) đã thực sự làm sống lại chiến lược tái cân bằng châu Á. Sự ra mắt của IPEF đánh dấu “một bước ngoặt quan trọng trong việc khôi phục vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ trong khu vực và giới thiệu cho các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một giải pháp thay thế cho cách tiếp cận của Trung Quốc với các vấn đề quan trọng”.

Và mặc dù chính quyền Obama là bên đầu tiên đề cập đến sự “xoay trục” hay “tái cân bằng” với châu Á trong ưu tiên chính sách đối ngoại của mình, nhưng Mỹ không hề đơn độc trong hành trình chuyển trọng tâm sang châu Á -Thái Bình Dương. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang càng quan tâm nhiều hơn đến châu Á.

Chiến lược xoay trục của Mỹ thực tế đã gây nhiều tranh cãi ở châu Âu xung quanh việc thích nghi với chương trình nghị sự của Washington, song EU và các quốc gia thành viên vẫn đang nỗ lực hài hòa với Mỹ trong việc thúc đẩy ngoại giao, hỗ trợ các diễn đàn an ninh đa phương và các sáng kiến hội nhập khu vực cũng như triển khai quyền lực mềm. Trên thực tế, EU và Mỹ hiểu rằng cần cải thiện đối thoại về châu Á để hiểu rõ hơn các lợi ích và ưu tiên của chính họ, xác định các lĩnh vực hợp tác và quản lý cạnh tranh.

Một điểm nóng khác được các cường quốc đổ dồn sự quan tâm là khu vực Nam Thái Bình Dương, “đấu trường mới” của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Sự xao lãng bấy lâu của Washington đối với khu vực này đã bị đánh thức bởi những đầu tư ồ ạt của Trung Quốc tại đây. Và điểm nhấn được cho là sự bù đắp những xao lãng này chính là Hội nghị thượng đỉnh Washington với sự đón tiếp nồng hậu, những khoản cam kết viện trợ hào phóng dành cho lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương.

Tầm quan trọng địa chiến lược và địa kinh tế của châu Á không chỉ được nhận ra ở phương Tây, mà ngay ở phương Đông, hai siêu cường Nga và Trung Quốc cũng “hướng Nam” để phục vụ những lợi ích của mình, cụ thể là chính sách “Nam Bán Cầu của Nga”, “Giấc mơ châu Á” của Trung Quốc và gần nhất là Học thuyết Hải quân mới của Nga, trong đó Thái Bình Dương được nâng lên vị trí ưu tiên hàng đầu.

Một thập kỷ sau khi bắt đầu tập trung xoay trục sang châu Á, Nga đang tích cực hơn bao giờ hết trong việc tìm kiếm các đồng minh, đối tác ở phía Nam của mình. Trong bối cảnh phải chịu trừng phạt của phương Tây vì cuộc chiến ở Ukraine, Nga còn muốn trông cậy vào các đối tác châu Á để xuất khẩu năng lượng, nguồn thu quan trọng nhất của đất nước. Chiến lược “xoay trục khí đốt” sang châu Á của Nga được thể hiện bởi việc bán nhiên liệu giá rẻ cho Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt là thỏa thuận thanh toán các hợp đồng khí đốt với Trung Quốc bằng đồng ruble và Nhân dân tệ.

Về phần mình, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố về “Giấc mơ châu Á – Thái Bình Dương” ngay trước thềm hội nghị APEC 2014 ở Bắc Kinh được nhiều người coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm đối trọng với chiến lược xoay trục của chính quyền Obama. Không giống như “Giấc mơ Thái Bình Dương” được cựu Ngoại trưởng John Kerry sử dụng để mô tả sự tái cân bằng của Washington, ông Tập Cận Bình đặt Trung Quốc vào trung tâm, sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình để thúc đẩy “các sáng kiến và tầm nhìn mới nhằm tăng cường hợp tác khu vực” trong bối cảnh “cộng đồng vận mệnh chung” được gắn kết với nhau bằng những “con đường tơ lụa” trải dài trên đất liền và trên biển đến tất cả các nơi trên thế giới…

Có thể nói, với dân số chiếm tới 60% thế giới, châu Á – Thái Bình Dương được dự báo là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu trong 30 năm tới. Vì vậy, mọi con đường hiện đều đang dẫn tới khu vực này, và xu thế ấy sẽ còn tiếp tục trong dài hạn. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng sự quan tâm mà các siêu cường dành cho châu Á tuy mang lại nhiều cơ hội cho khu vực năng động này, nhưng kèm theo đó cũng là rất nhiều thách thức.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Ngoại trưởng Blinken tới TQ để tăng giao lưu Mỹ-Trung còn VN đang chọn vị thế gì?

Secretary of State Antony Blinken answers questions by the media at Stanford University in Stanford, California

Chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 2 này của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau bốn năm kể từ khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm Bắc Kinh vào tháng 10/2018 đang được giới quan sát ở Việt Nam chú ý.

Nếu Mỹ, Trung tăng cường can dự, liên kết; nếu lợi thế trong chiến tranh ở Ukraine ngày càng nghiêng về phía quân và dân Ukraine, Việt Nam “còn có cửa ra” về đối ngoại, tình hình Biển Đông sẽ đỡ căng thẳng hơn. Đó là nhận định của một quan chức Bộ Ngoại giao ở Hà Nội mà người viết bài này nghe được.

Sự đón đợi chung: Giai điệu chủ đạo của chuyến thăm sắp tới là, Hoa Kỳ và Trung Quốc rồi sẽ giao lưu nhiều hơn trong năm 2023 để cùng nhau xử lý những bất đồng, tránh gây xung đột trực tiếp, nhưng hai bên vẫn tiếp tục cạnh tranh trong những lĩnh vực buộc phải cạnh tranh, vì lợi ích sát sườn của mỗi bên.

Theo GS. Vương Dũng, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, chuyến thăm của ông Blinken có một tiêu chí chính trị rất quan trọng. Bang giao Trung – Mỹ đã xấu đi rõ rệt trong 4 năm qua, giờ là lúc cần phải làm ngưng sự sa sút ấy và làm cho mối quan hệ ổn định trở lại.

Ông Blinken được cho là có ba nhiệm vụ trọng tâm: Quản lý và kiểm soát các đầu mối khủng hoảng, tránh để cả hai bên đi đến va chạm gay gắt; Nối lại các cuộc giao lưu bị gián đoạn trong lĩnh vực truyền thông và học thuật; Bàn về sự hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực có quan tâm chung như biến đổi khí hậu…

Riêng với VN, có một lo ngại mang quán tính rằng liệu sự xích gần lại của Hoa Kỳ và TQ trong năm 2023 này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp gì đến quan hệ Việt-Mỹ hay không?

Thời Tổng thống Carter đã qua…

Nếu các nhà viết sử rồi đây chọn chuyến thăm cấp nhà nước của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Hà Nội vào tháng 9/2021 làm “cột mốc”, thì quá trình “giãn cách” các quan hệ giữa Hà Nội với Washington đã xảy ra ngay từ thời điểm kịch tính ấy, bất kể nguyên nhân sâu xa là do đâu.

Big differences
Chụp lại hình ảnh,Quan hệ Hoa Kỳ – TQ có tác động sâu rộng đến tình hình khu vực châu Á-TBD

Quá trình “giãn cách” ấy bắt đầu bằng việc Việt Nam trên thực tế hoặc bị nhìn nhậ như đã “hạ cấp” sự hiện diện của PTT Harris khi chuyên cơ sắp cất cánh.

Ngó sang quốc đảo Singapore, đích thân Thủ tướng Lý Hiển Long mời, trực tiếp hội đàm và họp báo chung với bà Harris. So với mức độ trọng thị mà Singapore dành cho PTT Mỹ, Việt Nam hạ xuống mấy cung bậc trong các thủ tục về khánh tiết. Đặc biệt, đã không đáp ứng yêu cầu lớn nhất của Mỹ là nâng cấp quan hệ Mỹ – Việt lên “đối tác chiến lược”, như trang RFA bản tiếng Anh đã nêu.

Những “động tác giả” của Việt Nam sau đó được đáp lại: Hàng không mẫu hạm Mỹ không cập cảng Đà Nẵng như mong đợi, các chuyến thăm đã lên kế hoạch của các quan chức cấp cao Mỹ trong tháng 7/2022 cũng bị hủy.

Phía Hoa Kỳ chưa hồi đáp, dẫu có đến cả sáu lần Việt Nam nhắc đi nhắc lại lời mời ông Biden thăm Hà Nội; Mỹ cũng đánh bài lờ cuộc điện đàm được công bố giữa TT Biden với TBT Nguyễn Phú Trọng.

Hẳn nhiên, bang giao Việt – Mỹ giờ này khác xa thời Tổng thống Jimmy Carter. Cuối những năm 1980, theo “Hồi ức và suy nghĩ” của Thứ trưởng Ngoại gioa VN, ông Trần Quang Cơ, lúc đó, Mỹ đã quyết định dứt bỏ quá trình đàm phán bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, vì Việt Nam tham gia khối Comecon và ký hiệp ước với Liên Xô.

Việt Nam không còn là đề tài mặc cả

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper thăm nhà máy của GE và VinFast ở Hải Phòng hôm 18/4
Chụp lại hình ảnh,Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper thăm nhà máy của GE và VinFast ở Hải Phòng hôm 18/4/2022

Nhưng ông Trần Quang Cơ đã không nhắc đến một lý do quan trọng khác: Trong chính quyền Mỹ thời bấy giờ, thế lực muốn thúc đẩy việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc năm 1978 lấn lướt, nhất là khi Bắc Kinh lại có yêu cầu muốn Washington bình thướng hóa quan hệ với Trung Quốc trước Việt Nam…

Không còn là đề tài mặc cả, nhưng Việt Nam giờ đây vẫn liên quan đến một số vấn đề khu vực rất đụng chạm đến các quyền lợi của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Cách Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển trong chiến lược vùng xám đang làm náo động không chỉ Việt Nam mà cả nhiều nước ASEAN khác, là một điển hình.

Chưa hết, mặc dầu TBT Tập Cận Bình có hạ giọng, nhưng tình hình Biển Đông ngày từ những ngày đầu 2023 này vẫn không yên tĩnh. Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh các cơ sở phòng không ở Biển Đông, đặc biệt xây dựng các bệ phóng tên lửa trên đảo Su Bi, Vành Khăn, Chữ Thập và một số đảo khác của Việt Nam.

Trong khi Hà Nội “nằm yên” và ưu tiên cho các xàn xếp nhân sự nội bộ thì Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã chủ động đề xuất với Trung Quốc cần có cơ chế tham vấn ở cấp các Ngoại trưởng để ngăn chặn bất cứ sự leo thang nào trong khi các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn.

Mới đây thôi, tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng rượt đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, các hành động bồi lấp của Trung Quốc tại Trường Sa trước đó cũng được giới quan sát đánh giá là động thái chưa từng có nằm trong mưu đồ lâu dài của Bắc Kinh củng cố các yêu sách đối với lãnh thổ tranh chấp.

Trung Quốc hiện đang sử dụng các lực lượng bán quân sự để gây áp lực với Việt Nam và một số nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Bắc Kinh.

Các lực lượng dân quân biển này còn phối hợp với các tổ chức quân sự để tiến hành các hoạt động tình báo và ngăn chặn tàu bè nước ngoài, theo Báo cáo thường niên về an ninh năm 2023, do Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản công bố trên aspistrategist.org.au (16/01).

Ngoại trưởng Blinken sẽ phản ứng thế nào đối với “Sáng kiến Phát triển Toàn cầu” (GDI) và “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI) là hai khuôn khổ đa phương do Trung Quốc vừa công bố, sẽ là một thử thách cho quan hệ tới đây. TBT Trọng trong chuyến thăm Bắc Kinh năm ngoái đã bày tỏ sự hưởng đối với các nỗ lực của ôngTập nhằm định hình trật tự thế giới theo thiết kế riêng của Bắc Kinh.

Lõi của “trật tự mới” ấy là “hợp tác không giới hạn” Nga – Trung. Nếu Putin “làm cỏ” được Ukraine, tôi nghĩ ông Tập Cận Bình không kiêng nể gì mà không động thủ ở Biển Đông hay Đài Loan.

Liệu ông Blinken có nêu quan ngại của ASEAN về dân quân biển của TQ mà việc triển khai lâu nay ở Biển Đông làm tăng nghi ngờ, căng thẳng về TQ ở các nước trong vùng, và ở Mỹ, bấy chấp chương trình FONOP của Hải quân Hoa Kỳ?

Nếu chiến thắng sẽ thuộc về quân và dân Ukraine, ông Tập phải “tính bài lùi”, tình hình Biển Đông sẽ đỡ căng thẳng hơn, Việt Nam “còn có cửa ra” về đối ngoại. Đó là nhận định của một nhà ngoại giao VN, xn tạm ẩn danh ở Hà Nội.

Và có chăng một định mệnh ‘đi trước về sau’?

Thời của bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ đã qua, nhưng thời của nâng cấp bang giao song phương lên “đối tác chiến lược” dường như chưa tới. Những “lỡ trớn” trong năm 2023 gần như lặp lại một định mệnh.

Thật khó vượt qua được “lời nguyền địa lý” ấy. Trong quan hệ tay ba Việt – Mỹ – Trung, nhìn lại lịch sử, chúng ta luôn bị “nhỡ tàu”, mà “nhỡ tàu” phần chủ yếu là do bị Trung Quốc cản phá.

Trong bang giao với Mỹ, điều gì cản trở nâng cấp “đối tác chiến lược toàn diện”? Nhưng Trung Quốc là thế, ân uy rõ ràng, hàng sống chống chết. Việc Đảng CSVN loại hai Phó thủ tướng được cho là “kỹ trị”, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam “về vườn” hôm 08/01 xảy ra lại đúng ngày giờ Trung Quốc mở cửa biên giới cho Việt Nam thông xe. Vậy là sao?

Cùng lúc, ai quan sát tình hình đều ghi nhận từ phía Hoa Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Daniel Kritenbrink, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin và cả Đại sứ Marc Knapper luôn nhấn mạnh đến nhu cầu nâng cấp mối quan hệ song phương.

Xuân Quý Mão này, thông điệp của Đại sứ Knapper gửi lời chúc Tết đến tất cả mọi người dân Việt Nam quá rõ ràng.

Nhưng có phải một định mệnh gì đó khiến Việt Nam luôn phải chờ Trung Quốc “làm thân thành công với Hoa Kỳ trước”, rồi mới bám theo sau?

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả. BBC luôn hoan nghênh các góc nhìn khác nhau về quan hệ quốc tế liên quan đến Việt Nam. Các bạn nhớ gửi bài tới địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.

Theo BBC

Tướng Mỹ: Chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc trong hai năm tới

Trung sĩ Không quân Joshua Poticha hướng dẫn phi cơ vận tải KC-46A của AMC vào vị trí ở căn cứ Vệ binh Quốc gia New Hampshire hôm 11/12/2020. Ảnh U.S. Air National Guard photo by Tech. Sgt. Aaron Vezeau.

Đại tướng Michael A. Minihan, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Lưu động Không quân (Air Mobility Command – AMC), đã gửi một bản ghi nhớ đến thuộc cấp, cảnh báo một cuộc chiến tranh với Trung Quốc có thể xảy ra vào năm 2025 – sớm hơn dự báo của các quan chức quốc phòng cao cấp khác.

Bộ Tư lệnh AMC của tướng Minihan điều hành đội máy bay vận tải và tiếp nhiên liệu đông đảo của Không quân Hoa Kỳ. Trong bản ghi nhớ, Tướng Minihan yêu cầu các sĩ quan và binh sĩ dưới quyền phải tăng tốc độ chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng tại khu vực Đài Loan. Ông cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết chiếm Đài Loan vào năm 2025 sau khi Đài Loan và Hoa Kỳ đều bầu cử tổng thống năm 2024 và người dân Mỹ sẽ không chú ý tới biến cố ở Đông Á trước khi quá muộn.

“Tôi hy vọng là mình sai. Nhưng bản năng mách bảo rằng chúng ta sẽ chiến đấu vào năm 2025”, Tướng Minihan viết. “Tập đã bảo đảm được nhiệm kỳ thứ ba, đã thành lập hội đồng chiến tranh vào tháng Mười 2022. Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sẽ diễn ra vào năm 2024 sẽ cho Tập một lý do. Cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ cũng sẽ diễn ra vào năm 2024 và sẽ mang đến cho Tập Cận Bình một nước Mỹ bị phân tâm. Đội ngũ của Tập, lý trí và cơ hội đều hội tụ vào năm 2025.”

Để chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới, Tướng Minihan khuyến khích hàng nghìn quân dưới quyền chỉ huy của ông chuẩn bị cho chiến tranh một cách tích cực; tất cả nhân viên nên “xem xét các vấn đề cá nhân của họ” và hăng hái hơn trong việc huấn luyện. Vị tư lệnh cũng đưa ra một tình huống rủi ro mà không quân Mỹ phải lưu ý khi đối đầu với Bắc Kinh là không quân Trung Quốc sẽ tung ra “những bầy máy bay không người lái” loại bán trên thị trường dân sự để gây mất chú ý. 

Bản ghi nhớ được NBC News đưa tin lần đầu vào hôm nay thứ Sáu, đề ngày 1 tháng Hai và được phân phát tới các chỉ huy cấp dưới của Minihan. Người phát ngôn của Quân chủng Không quân, Thiếu tá Hope Cronin, đã xác nhận tính xác thực của nó. Người phát ngôn Ngũ Giác Đài, Trung tướng Patrick Ryder, cho biết hôm thứ Sáu rằng chiến lược phòng thủ quốc gia của Hoa Kỳ đã nêu rõ “rằng Trung Quốc là thách thức lớn nhất” và các quan chức Hoa Kỳ đang làm việc với các đồng minh và đối tác để “duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, tự do và rộng mở”. 

Thảo luận phương án vận tải ở một đơn vị của AMC. Ảnh AMC News

Các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã vài lần cảnh báo Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan, vốn là một đảo quốc độc lập. Bộ Quốc phòng dưới thời Tổng thống Biden và người tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump, đã tuyên bố Trung Quốc là mối quan tâm lâu dài hàng đầu của họ do Bắc Kinh mở rộng nhanh chóng sức mạnh quân sự và hành động quyết đoán trong những năm gần đây.

Từ mối lo ngại về Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tìm cách mở rộng quan hệ quân sự với các đối tác cùng chí hướng trên khắp Thái Bình Dương. Hồi đầu tháng này, chính phủ Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tiết lộ rằng một đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Okinawa sẽ được cải tổ thành một lực lượng có khả năng di chuyển nhanh qua các hòn đảo trong khu vực và vận hành hỏa tiễn tầm xa.

Nhưng các quan chức Hoa Kỳ đưa ra những thông điệp không thống nhất về việc liệu Trung Quốc có tấn công Đài Loan hay không, và khi nào thì cuộc chiến có thể nổ ra. Năm 2021, Đô đốc Phil Davidson, khi đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đưa ra dự đoán Bắc Kinh có thể tấn công Đài Loan vào năm 2027. 

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, phát biểu vào ngày 11 tháng Giêng 2023 trong một cuộc họp báo cùng với các quan chức Nhật Bản, nói rằng Hoa Kỳ đã quan sát thấy một số “hành vi rất khiêu khích” từ các lực lượng Trung Quốc trong nỗ lực chống lại các chuẩn mực quốc tế. Nhưng ông cũng xoa dịu mối lo ngại rằng Trung Quốc có thể sớm tấn công Đài Loan.

“Nhưng liệu điều đó có nghĩa là một cuộc chiến xâm lăng sắp xảy ra hay không? Tôi thực sự nghi ngờ điều đó,” Bộ Trưởng Austin nói. “Vì vậy, chúng ta tiếp tục theo dõi và chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác để làm mọi thứ để có thể bảo đảm rằng nước Mỹ muốn thúc đẩy hòa bình và ổn định… trong khu vực Thái Bình Dương nói chung.”

Trước khi tiếp quản Bộ Tư lệnh Cơ động Hàng không vào năm 2021, Tướng Minihan đã đảm nhận nhiều vai trò có ảnh hưởng ở Thái Bình Dương bắt đầu từ năm 2013. Ông đã có thời gian giữ chức vụ Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phụ trách Trung Quốc và Đài Loan, từ tháng Chín năm 2019 đến tháng Tám năm 2021.

Bình Phương / Saigon Nhỏ