Hàng nghìn người dự lễ hội gò Đống Đa

HÀ NỘI – Mùng 5 Tết, hàng nghìn người về dự hội gò Đống Đa, kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2023 )

Hàng năm vào mùng 5 Tết, chính quyền và người dân lại mở hội gò Đống Đa để bày tỏ lòng biết ơn tới những anh hùng nghĩa sĩ Tây Sơn. Đây là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn trong khu vực nội thành Hà Nội.

Từ 6h, sau khi tế lễ, các cụ cao niên và trai tráng thực hiện nghi thức rước kiệu vua Quang Trung từ ngoài vào trong Công viên văn hóa gò Đống Đa.

Gò Đống Đa nằm trên phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa. Xưa nơi đây thuộc đất của làng Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên. Cả khu vực gò Đống Đa từng là chiến trường diễn ra trận đánh thần tốc của vị vua áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Đội tế lễ dâng hương trước tượng đài vua Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Sau phần lễ đến phần hội, mở đầu là tiết mục trống hội dưới chân tượng đài của Quang Trung.

Năm ngoái, do dịch nên ngày kỷ niệm chiến Ngọc Hồi – Đống Đa chỉ diễn ra phần lễ.

Sau đó, người dân và du khách cùng thưởng thức phần hoạt cảnh mô tả lại chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa cách nay 234 năm của vua Quang Trung.

Anh Vũ Mạnh Linh (đứng giữa), Nhà hát Tuồng trung ương, nhập vai diễn vua Quang Trung. Anh cho biết đã tập luyện vai diễn nửa tháng.

Theo sử liệu, tháng 10/1788, Lê Chiêu Thống cầu viện triều đình Mãn Thanh phát binh đánh nhà Tây Sơn. Lợi dụng cơ hội này, triều đình Mãn Thanh cho 29 vạn quân, chia thành ba hướng tiến đánh nước ta.

Trước tình hình cấp bách thù trong, giặc ngoài, ngày 22/12/1788 (tức ngày 25/11 năm Mậu Thân), người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Quang Trung và ra lệnh tiến quân ra Bắc.

Ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Thân, Hoàng đế Quang Trung khao quân ăn Tết sớm. Ngài hẹn với ba quân sẽ ăn Tết tại kinh thành Thăng Long vào mùng 7 Tết Kỷ Dậu năm 1789.

Sau chiến thắng, vua Quang Trung đem cành đào về tặng cho vợ là công chúa Ngọc Hân.

Trong tiết trời khô ráo, từ sáng sớm, người dân từ nhiều nơi đổ về thưởng thức lễ hội. Theo ban tổ chức, ước tính hôm nay có hơn 10.000 người tham dự.

Người dân dâng hương bày tỏ lòng biết ơn tới những anh hùng nghĩa sĩ.

Giang Huy Vietnam Express

Người tiêu cực ‘thôi miên’ chúng ta như thế nào

Hiệu ứng ám thị có thể cứu vớt một người cũng như hủy hoại một người.

Người tiêu cực ‘thôi miên’ chúng ta như thế nào

Nguồn: Định luật Murphy / READ Books và NXB Thế giới.

Hiệu ứng ám thị chỉ việc tác động đến tâm lý và hành vi của người khác một cách ẩn ý và trừu tượng trong điều kiện không có sự đối đầu, khiến người đó có thể chấp nhận ý kiến hoặc hành động theo một cách nhất định, từ đó khiến suy nghĩ và hành vi của người bị ám thị phù hợp với mục tiêu mong muốn của người ám thị.

Nguyên nhân gây ra hiệu ứng ám thị chính là trong tiềm thức của con người ta vốn tồn tại những quan điểm về một vài sự vật, sự việc. Khi người khác ám thị bằng lời nói, hành động, mọi người sẽ kết hợp quan điểm trong tiềm thức của mình với sự ám thị của người khác rồi hình thành phản ứng.

Có người đã thực hiện một thí nghiệm tâm lý học như sau.

Người tổ chức thí nghiệm đã in 30 bản sao từ một bức ảnh chụp ai đó rồi chia thành hai loại A và B, đồng thời chuẩn bị hai phần giới thiệu lý lịch khác nhau kèm theo gợi ý có tác dụng ám thị. Sau đó, ông yêu cầu những người tham gia thí nghiệm mô tả bức ảnh dựa theo phần giới thiệu lý lịch và gợi ý về những nhân vật này.

Loại A: Người trong bức ảnh này được giả định là người đàn ông ở bang Louisiana (Mỹ), tên là Gilbert Gosh, bị kết án vào năm 66 tuổi vì tội quấy rối một bé gái 12 tuổi. Luật sư của nguyên cáo nói rằng số nạn nhân thực tế được ước tính cẩn thận là hơn 30 người. Cuối cùng người đàn ông này bị kết án từ 9 đến 10 năm tù.

Loại B: Người trong bức ảnh này được giả định là Alfred Goodman Gilman, sinh ngày 1 tháng 7 năm 1941 tại New Haven, Connecticut, Mỹ. Năm 1962, Gilman tốt nghiệp trường Đại học Yale với tấm bằng cử nhân. Năm 1969, ông nhận bằng kép tiến sĩ y khoa và triết học tại Đại học Case Western Reserve. Năm 1977, Gilman lần đầu tiên phát hiện ra Protein G và vai trò của nó trong việc truyền tín hiệu tế bào. Năm 1981, Gilman tinh chế thành công Protein G đầu tiên, và sau 13 năm, cuối cùng ông cũng giải mã được mã dẫn truyền của tế bào, nhờ vậy mà giành được giải Nobel. Sau khi giành được giải thưởng, Gilman đã thành lập “Liên minh truyền tín hiệu tế bào”, đồng thời làm việc với các nhà khoa học sinh hóa trên khắp nước Mỹ để khám phá những bí ẩn của tất cả Protein G trong cơ thể con người.

Hãy mô tả người trong bức ảnh dựa vào hai tấm hình. Gợi ý: Có thể miêu tả các nhân vật về ngoại hình, tính cách…; có thể dùng nhiều câu hoặc một số từ để miêu tả. Ví dụ như: Đôi mắt hình tam giác đáng sợ cho thấy người này chứa đầy những ý nghĩ xấu xa. Hãy thực hiện việc mô tả một mình, không bàn bạc với nhau.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, những người tham gia mô tả hoàn toàn khác nhau cho cùng một bức ảnh với hai kiểu giới thiệu lý lịch và gợi ý khác nhau.

Điều này cho thấy vai trò mạnh mẽ của ám thị. Khi nghiên cứu sâu hơn, người ta thấy rằng, gợi ý ám thị giống như một con dao hai lưỡi. Nó có thể cứu vớt một người hoặc hủy hoại một người, mấu chốt nằm ở cách người bị ám thị sử dụng và nắm bắt ý nghĩa của ám thị như thế nào.

Thông qua nghiên cứu, các nhà tâm lý học cho rằng những người có ý chí kém hoặc thiếu tự tin sẽ dễ chịu ảnh hưởng từ ám thị của người khác. Điều này cũng có nghĩa là một vài ám thị tiêu cực của người khác sẽ không hề có tác dụng với những người có lòng tự tin và ý chí mạnh mẽ.

Trong cuộc sống, muốn tránh được những ám thị tiêu cực thì bạn phải luôn tạo ra những ám thị tích cực cho bản thân.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

5 tác dụng bất ngờ khi bạn uống cà phê mỗi ngày

Cà phê được các nghiên cứu trên thế giới coi là siêu thực phẩm của sức khỏe, với tác dụng bất ngờ lên nhiều hệ cơ quan.

1. Bảo vệ tim mạch

Đây là lợi ích sức khỏe được nhắc đến nhiều nhất của cà phê, tuy nhiên kèm theo lưu ý rằng bạn nên uống ở mức vừa phải – không quá nhiều, không quá ít – để đạt được hiệu quả tốt nhất.

5 tác dụng bất ngờ khi bạn uống cà phê mỗi ngày - Ảnh 1.

Cà phê là thức uống vàng cho tim mạch (Ảnh minh họa từ Internet)

Một nghiên cứu công bố trên PLOS Biology từ Viện Nghiên cứu Y học môi trường IUF-Leibniz (Düsseldorf- Đức) “kê toa” 4 ly cà phê mỗi ngày để bảo vệ tế bào tim ở người bị béo phì, tiền tiểu đường và béo phì thành công, thậm chí phục hồi một số tổn thương cơ tim. Nghiên cứu khác từ Đại học São Paulo (Brazil) cho thấy 3 ly/ngày giúp đánh bại các mảng bám lòng mạch, thứ gây xơ vữa động mạch và có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ.

Nghiên cứu khác từ Đại học Nam Úc khẳng định lợi ích tim mạch của cà phê nhưng cảnh báo rằng tác dụng này có thể đảo chiều nếu bạn uống trên 6 ly/ngày. Quá mức này, nguy cơ mắc bệnh tim lại tăng tới 22%.

2. Bảo vệ thận

Một nghiên cứu công bố trên Kidney International Reports cho thấy những người uống bất kỳ lượng cà phê nào mỗi ngày có nguy cơ mắc suy thận cấp (AKI – còn gọi là tổn thương thận cấp tính) thấp hơn trung bình 15%. Tác dụng lên đến 22-23% với 2-3 ly cà phê mỗi ngày.

5 tác dụng bất ngờ khi bạn uống cà phê mỗi ngày - Ảnh 2.

Các hợp chất hoạt tính sinh học trong cà phê giúp cải thiện sức khỏe của thận

Để đi đến kết luận trên, các nhà khoa học từ Trường Y khoa Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã theo dõi, đánh giá hơn 14.000 người 7 lần trong vòng 24 năm. Tác dụng kỳ diệu này được cho là đến từ caffein và các hợp chất mang hoạt tính sinh học khác có trong cà phê, giúp cải thiện quá trình tưới máu và cung cấp oxy cho thận.

3. Ngừa ung thư

Một nghiên cứu từ Đại học Y khoa Trung Quốc cho thấy chỉ cần uống 1 tách mỗi ngày, quý ông đã tự cắt giảm cho mình 9% nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Nếu lỡ bị bệnh, nguy cơ tử vong của họ cũng thấp hơn đến 16% so với những người không uống. Nghiên cứu công bố trên BMJ này đã phân tích dữ liệu của hơn 1 triệu nam giới, trong đó có 57.732 người mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Trong khi đó, nghiên cứu khác của Viện Ung thư Dana-Faber và Trường Y khoa Mayo Clinic (Mỹ) công bố trên JAMA Oncology khẳng định cà phê ảnh hưởng đến khả năng vượt qua bệnh tình ở người bị ung thư ruột, hay còn gọi là “ung thư đại trực tràng” với “liều dùng” khuyến cáo là 2-3 ly mỗi ngày.

Nghiên cứu khác từ Đại học Queen tại Belfast đã thực hiện một nghiên cứu dạng quan sát trên hơn 365.000 người uống và hơn 100.000 người uống cà phê và nhận thấy một tác động bất ngờ khác trên bệnh ung thư biểu mô tế bào gan, dạng bệnh chiếm tới 90% các ca ung thư gan: những người uống cà phê thường xuyên có nguy cơ mắc căn bệnh này thấp hơn đến 50% so với những người không uống.

5 tác dụng bất ngờ khi bạn uống cà phê mỗi ngày - Ảnh 3.

Các nghiên cứu đều khuyên mọi người duy trì thói quen uống cà phê hàng ngày ở mức vừa phải

4. Chống trầm cảm

Công trình dựa trên dữ liệu của 300.000 người của nhóm tác giả đến từ Đại học Harvard (Mỹ), công bố khẳng định rằng những người uống cà phê ít bị trầm cảm hơn đáng kể so với những người không uống. Tác động tích cực lên tâm trí cũng phát huy với những căng thẳng thường ngày. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên uống ít nhất 2 ly mỗi ngày.

Theo nhóm nghiên cứu, tác dụng này đến từ các đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa của các hợp chất có trong cà phê, từ đó tác động tích cực đến các vi sinh vật có lợi trong đường tiêu hóa. Từ lâu hệ vi sinh vật này đã được chứng minh là liên quan mật thiết đến hoạt động thần kinh ở con người.

5. Đánh bay mỡ thừa

Một nghiên cứu công bố trên The Journal of Nutrition, dẫn đầu bởi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC)khẳng định chỉ cần uống 2-3 tách cà phê mỗi ngày, bạn đã tự giúp cơ thể mình bớt mỡ thừa.

Công trình đã sử dụng bộ dữ liệu từ chương trình Khảo sát – kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng Quốc gia, với hồ sơ sức khỏe, chế độ sinh hoạt, ăn uống của hơn 190.000 người. Tác dụng giảm mỡ này vẫn được phát huy từ các hợp chất hoạt tính sinh học của cà phê.

Trước đó, một nghiên cứu khác từ Đại học Granada (Tây Ban Nha) chỉ ra rằng khoảng 3 mg caffein/1 kg cân nặng, tương đương với 1 ly đậm vào thời điểm 30 phút trước khi tập thể dục, sẽ làm tăng tốc độ đốt cháy chất béo.

Theo Người Lao động

Những thực phẩm là “thuốc bổ dạ dày tự nhiên”

Bác sĩ Gu Yong (Bệnh viện trực thuộc đầu tiên của Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc) cho hay, nuôi dưỡng dạ dày là chìa khóa để duy trì cuộc sống lâu dài. Do đó bác sĩ khuyên nên tăng cường các món ăn sau đây vì chúng là ‘thuốc bổ dạ dày’ tự nhiên.

Trong lục phủ ngũ tạng của cơ thể, mỗi loại lại thực hiện một nhiệm vụ khác nhau. Chỉ khi tất cả các cơ quan này khỏe mạnh thì mới duy trì được hoạt động bình thường của cơ thể.

Tuy nhiên, dưới tác động của các yếu tố như tuổi tác ngày càng cao và chế độ ăn uống không lành mạnh, một số cơ quan sẽ không tránh khỏi những rủi ro về sức khỏe, chẳng hạn như dạ dày.

Những thực phẩm này là thuốc bổ dạ dày tự nhiên, hãy ăn nhiều để tránh xa bệnh tật - Ảnh 1.

Dạ dày đảm nhiệm chức năng vô cùng quan trọng trong việc trao đổi chuyển hóa các chất thành năng lượng đi nuôi tế bào, duy trì mọi hoạt động sống của cơ thể. Cũng vì thực hiện nhiệm vụ quan trọng nên dạ dày rất dễ nhiễm bệnh, khiến bệnh nhân phải đối mặt với hàng loại triệu chứng khó chịu như trướng bụng, đầy hơi, đau dạ dày… thậm chí hình thành ung thư dạ dày.

Bác sĩ Gu Yong (Bệnh viện trực thuộc đầu tiên của Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc) cho hay, nuôi dưỡng dạ dày là chìa khóa để duy trì cuộc sống lâu dài. Do đó bác sĩ khuyên nên tăng cường các món ăn sau đây vì chúng là “thuốc bổ dạ dày” tự nhiên.

Những thực phẩm này là “thuốc bổ dạ dày tự nhiên”

1. Quả dứa

Theo tài liệu của Bệnh viện y học cổ truyền Trung Quốc, mỗi nội tạng trong cơ thể đều có những “khẩu vị riêng”. Thực phẩm tốt cho ngũ tạng đã được phân theo màu sắc, thuận theo âm dương ngũ hành. Lá lách, dạ dày thích vị ngọt, có màu vàng. Món ăn màu vàng mà dạ dày “thích” là dứa. Dứa có chứa một lượng lớn chất protease, có hiệu quả tốt trong việc phá vỡ các protein trong thực phẩm có nguồn gốc động vật và thúc đẩy tiêu hóa nhanh hơn.

Những thực phẩm này là thuốc bổ dạ dày tự nhiên, hãy ăn nhiều để tránh xa bệnh tật - Ảnh 2.

2. Khoai mỡ

Khoai mỡ cũng là một trong những nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng phong phú, không chỉ có tác dụng bổ tỳ ích khí, đối với người tỳ vị hư nhược, ăn một chút khoai mỡ có thể thúc đẩy nhu động đường ruột, giúp tiêu hóa nhanh hơn, giảm gánh nặng dạ dày.

3. Bí ngô

Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng bí ngô tính ấm, vị ngọt, vào kinh tỳ vị, có tác dụng dưỡng vị rất tốt, đặc biệt là vào mùa hè.

javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(201020);}else{parent.admSspPageRg.draw(201020);}

Nếu ăn nhiều bí ngô, bạn có thể ngăn ngừa chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, nghiên cứu cho thấy trong bí ngô có chứa thành phần pectin phong phú, sau khi đi vào cơ thể sẽ giúp bài tiết vi khuẩn và các chất có hại trong dạ dày, có tác dụng hồi phục niêm mạc dạ dày, bồi bổ dạ dày.

4. Khoai lang

Khoai lang là một loại ngũ cốc thô, giàu chất xơ, ăn thường xuyên có thể giúp thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, bổ thận ích khí. Khoai lang dễ tiêu hóa, đồng thời chứa nhiều dưỡng chất giúp cải thiện sức khỏe dạ dày.

Những thực phẩm này là thuốc bổ dạ dày tự nhiên, hãy ăn nhiều để tránh xa bệnh tật - Ảnh 3.

5. Các loại thực phẩm mềm

Ăn nhiều thức ăn mềm rất tốt cho quá trình hấp thụ và tiêu hóa của dạ dày, tránh kích thích niêm mạc dạ dày, nhất là đối với những người dạ dày kém, chức năng dạ dày yếu, thường xuyên ăn thức ăn cứng và cứng sẽ làm dạ dày bị quá tải. Việc ăn một số thức ăn mềm như sữa, sữa đậu nành, cháo… cũng có tác dụng bồi bổ đường ruột và dạ dày.

6. Đậu bắp

Trong y học cổ truyền, quả đậu bắp non được sử dụng như một vị thuốc chữa viêm dạ dày. Chất nhầy trong đậu bắp được cho rằng có thể giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ làm lành các vết viêm loét. Còn trong y học hiện đại, đậu bắp rất giàu vitamin C và chất xơ hòa tan. Đồng thời chất nhầy bên trong đậu bắp chứa một lượng lớn các chất arabinan, galactan, rhamnose, protein… giúp tăng cường tiêu hóa, chữa viêm dạ dày, loét dạ dày, sau khi ăn vào có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Những thực phẩm này là thuốc bổ dạ dày tự nhiên, hãy ăn nhiều để tránh xa bệnh tật - Ảnh 4.

Nhìn chung, sức khỏe của dạ dày có quan hệ mật thiết với tuổi thọ của con người, vì vậy muốn khỏe mạnh thì phải đưa việc nuôi dưỡng dạ dày lên hàng đầu. Một trong những cách nuôi dưỡng dạ dày chính là ăn uống. Bác sĩ Gu Yong khuyên bạn nên bổ sung các thực phẩm bên trên vào mâm cơm hàng ngày để có một sức khỏe tốt nhất.

Theo Aboluowang, Sina / Bảo Nam / Thể thao Văn hóa

“Bước đi” mới của Trung Quốc

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tạo ra một sự thay đổi lớn về cấu trúc quyền lực thượng tầng, cũng như có những ảnh hưởng lâu dài đến quỹ đạo phát triển của Trung Quốc.

Ngay cả khi chính sách zero-Covid được dỡ bỏ, Trung Quốc cũng cần khoảng 6 tháng để khôi phục niềm tin kinh doanh của giới đầu tư.

Năm 2022 là năm bản lề trong việc hoàn thành các mục tiêu “một trăm năm” lần thứ nhất của Trung Quốc, đưa đất nước trở thành nước có mức sống khá giả toàn diện, tỷ lệ đói nghèo xuống dưới mức 1%. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau ông Mao Trạch Đông, Trung Quốc mới lại chứng kiến một Tổng Bí thư có thể tại vị sang nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp và có thể xa hơn nữa.

Thay đổi định hướng chiến lược

Báo cáo chính trị của Đại hội 20 và Điều lệ Đảng (sửa đổi) cho thấy nhiều thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận của thế hệ lãnh đạo nhiệm kỳ này. Chẳng hạn, ý thức hệ được nhấn mạnh nhiều hơn (với từ khoá “chủ nghĩa Marx” được nhắc đến 26 lần so với 13 lần của Đại hội 19), lần đầu tiên nhắc đến “chiến tranh khu vực” và “vấn đề Đài Loan”. Trong công tác xây dựng Đảng cũng lần đầu tiên nhắc đến việc “xây dựng tinh thần chiến đấu và năng lực chiến đấu” của Đảng.

Nhưng dấu ấn chung, rõ nét nhất của Đại hội lần này là đã chuyển dần từ nhấn mạnh Kinh tế – hàm ý cải cách kinh tế, cải cách mở cửa – sang An ninh – nhấn mạnh đến an ninh và an ninh quốc gia.

Đại hội 20 cũng chuyển từ nhấn mạnh khuyến khích khu vực tư nhân sang nền kinh tế mang màu sắc chủ nghĩa xã hội nhiều hơn, đồng thời chuyển từ chính sách can dự mang tính xây dựng với các hệ thống trật tự dựa trên luật quốc tế sang chính sách giàu tính chiến đấu hơn.

Hệ tư tưởng luôn quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc . Nhưng với ông Tập Cận Bình, chúng ta đã thấy sự trở lại của “Nhà ý thức hệ” với cách thức riêng mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc theo kiểu chủ nghĩa Marx – Lenin. Đại hội Đảng lần thứ 20 có nội dung đề cập nhiều về ý thức hệ hơn chúng ta đã thấy trong các báo cáo của Đại hội trong 40 năm qua. Đại hội 20 nói lên tiến bộ lớn về tư tưởng đã đạt được trong thập kỷ trước trong việc phát triển một “chương mới trong chủ nghĩa Marx hiện đại cho thế kỷ 20”.

Tái định hướng phát triển kinh tế

Để thúc đẩy lưu thông trong nước, ông Tập Cận Bình đã đề xuất xây dựng một “thị trường quốc gia thống nhất” và tận dụng thị trường thống nhất để “tích tụ các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, khuyến khích đổi mới, tối ưu hóa phân công lao động và tăng cường cạnh tranh”. Hơn nữa, ông Tập đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập và cải tiến một hệ thống toàn quốc mới để đạt được những đột phá trong công nghệ cốt lõi nhằm đối phó với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt của Mỹ. Mục tiêu là sử dụng đầy đủ quyền lực của nhà nước trong việc tập trung nguồn lực để tăng cường năng lực đổi mới và phát triển công nghệ bản địa của Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình có khả năng cân bằng giữa nhu cầu cải cách và thực hiện tầm nhìn kinh tế của mình về sự thịnh vượng chung. Trong ngắn hạn, ông sẽ giữ lại chương trình nghị sự kinh tế dân túy của mình về thịnh vượng chung và tìm cách cân bằng giữa điều đó với sự ổn định. Nhưng với việc những nhân sự cấp tiến mà ôn hoà như Lý Khắc Cường, Uông Dương bị loại bỏ, có khả năng chính sách “làm cho chiếc bánh lớn hơn trước khi phân phối lại” sẽ ít được ưu tiên hơn ngay cả khi những khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng ngày càng trầm trọng hơn, đi liền với đó là chiến tranh bên ngoài, thiên tai và suy giảm tiêu dùng trong nền kinh tế toàn cầu. Trọng tâm kinh tế hiện nay sẽ là khôi phục tăng trưởng kinh tế lên ít nhất 4% thông qua gói kích cầu cho quý 3 và quý 4 năm 2022.

“Bước đi” mới của Trung Quốc - Ảnh 2.

Ông Tập Cận Bình có khả năng cân bằng giữa nhu cầu cải cách và thực hiện tầm nhìn kinh tế của mình về sự thịnh vượng chung.

Những thách thức phía trước

Trung Quốc đã và đang dần nới lỏng chính sách zero-Covid. Nhưng ngay cả khi chính sách zero-Covid của Trung Quốc được dỡ bỏ, thì nước này cũng cần khoảng 6 tháng để khôi phục niềm tin kinh doanh của cả giới đầu tư lẫn người tiêu dùng. Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 4,4% cho năm 2023 nhưng đã bị điều chỉnh giảm còn 4- 4,2% trong lần dự báo gần nhất bởi những khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn còn nhiều.

Với quy mô khoảng 25% GDP, chiếm 16% tổng dư nợ tín dụng của toàn bộ hệ thống ngân hàng và đóng góp 30-50% tổng thu ngân sách địa phương (thông qua nguồn thu từ bán đất), lĩnh vực bất động sản đang làm giảm tốc độ tăng trưởng của các ngành thượng du (xi-măng, sắt thép, sản xuất kính, nhôm…) và hạ du (đồ nội thất, thiết bị gia dụng…). Sản xuất công nghiệp hết tháng 10 của Trung Quốc chỉ tăng 5%, chỉ bằng 1/7 so với cách đây một năm, nhưng lợi nhuận lại giảm tới 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tiêu dùng, một động lực tăng trưởng đã giảm 0,5% trong 10 tháng đầu năm 2022.

Chính phủ Trung Quốc đã công bố 16 chính sách giải cứu bất động sản vào tháng 11 năm 2022 với quy mô hỗ trợ 56 tỷ USD, nhưng các biện pháp này có tác dụng trấn an và ổn định tâm lý thị trường hơn là xoay chuyển cục diện thị trường tài sản.

Chính sách thịnh vượng chung mặc dù đã được biểu đạt nhẹ nhàng hơn trong Đại hội 20, nhưng vẫn là một thách thức bỏ ngỏ đối với quá trình phục hồi của cả thị trường tài sản lẫn thu nhập của tầng lớp trung lưu.

Phạm sỹ Thành / Diễn đàn doanh nghiệp

Nhớ lại Hòa đàm Paris 50 năm trước: 27 tháng 1 năm 1973

bui van phu
Chụp lại hình ảnh,Tác giả hồi còn là học sinh ở Nam VN

Năm 1972 là quãng thời gian với nhiều lo âu cho tôi và các bạn nam sinh cùng lớp vì hết niên học chúng tôi phải qua kỳ thi Tú tài I, đậu hay rớt tương lai sẽ là những khúc rẽ cuộc đời.

Tôi học lớp 11 ban B toán lý hoá, ngoài những giờ trong lớp tại trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định tôi còn đi học luyện thi ở trường Hàn Thuyên nằm trong một ngõ trên đường Chi Lăng để cố gắng thi đậu, mừng cho chính bản thân và là niềm vui cho gia đình.

Còn ba tháng nữa đến ngày thi, cuối tháng 3-1972 bộ đội cộng sản Bắc Việt mở ra các cuộc tấn công vào miền Nam mà báo chí gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, từ Quảng Trị, Kontum vào Bình Long, An Lộc. Không như những cuộc tấn công du kích hồi Tết Mậu Thân 1968 vào nhiều tỉnh thành, lần này bộ đội cộng sản đem cả xe tăng, đại pháo tràn qua vĩ tuyến 17 đánh chiếm Quảng Trị.

Đại uý Không quân Trần Thế Vinh, một cựu học sinh trường Nguyễn Bá Tòng, đã trở thành anh hùng diệt tăng T-54 và đã bỏ mình trong một phi vụ khi chiến đấu cơ của anh trúng đạn phòng không nơi tuyến đầu tổ quốc.

Là đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại miền Nam, năm lên mười tôi đã thấy xe GMC chở quan tài có phủ cờ vàng, đã thấy những đám tang của lính Việt Nam Cộng hoà hy sinh trên chiến trường.

Chú Phạm Văn Viên là sĩ quan nhảy dù chết trận mà bố tôi đã cùng với bố của chú đi nhận xác ở Tổng Y viện Cộng hoà. Gia đình chú và bố mẹ tôi là người cùng làng ở quê Nam Định, di cư vào Nam năm 1954 và sống gần nhau trong giáo xứ Nghĩa Hoà, Ngã ba Ông Tạ.

Buổi tối tôi theo mẹ, cùng với họ hàng đến đọc kinh cầu nguyện cho chú được lên Thiên Đàng. Giữa nến lung linh trên nắp quan tài, vang tiếng “Kinh vực sâu”, tiếng khóc than của vợ chú, của ông bà phó thân sinh ra chú, nghe buồn thảm làm sao.

Tác giả Bùi Văn Phú
Chụp lại hình ảnh,Tác giả Bùi Văn Phú tại chợ hoa Nguyễn Huệ, Sài Gòn dịp Tết Quý Sửu 1973

Đám tang của chú Viên là cái chết đầu tiên của một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà ghi trong ký ức của tôi. Theo thời gian, thỉnh thoảng lại có tin người quen tử trận. Chú Tị, chú Thuận, chú Khoan hy sinh khi chưa đến tuổi 40.

Cạnh nhà có anh Trịnh Xuân Tác, anh Đinh Văn Vũ, có bạn học thời tiểu học là Nguyễn Văn Nam, kẻ chết trên chiến trường, người mất tích sau một phi vụ, một trận giao chiến khi tuổi đời chưa tới hay mới ngoài đôi mươi. Đêm đêm nghe tiếng khóc thảm thương của những người mẹ mất con mà buồn, thương cho số phận con người.

Chiến tranh ở đâu đó trên quê hương, tuy xa thành phố, nhưng những cái chết của người thân quen, của hàng xóm cho tôi cảm nhận được sự tàn khốc trên chiến trường. 

Năm 1968 tôi đã giáp mặt với chiến tranh với bom rơi, súng nổ cách nhà không xa. Vào một sáng đầu tháng Năm tôi đã thấy súng của Liên Xô, Tiệp Khắc được trưng bày trong sân trường Thánh Tâm nơi tôi đang học lớp đệ Ngũ và ngôi trường đã biến thành trạm tiếp cư nạn nhân chiến tranh.

Tôi đã thấy những thây người dọc bên đường từ Ngã tư Bảy Hiền lên Bà Quẹo mà một anh lớn nói là xác Việt Cộng. Khi nhiều đêm nghe tiếng hoả tiễn 122 ly bắn vào thành phố, xé gió, rít lên làm rung cửa nhà, nổ ầm trong khu vực. Sáng ra hay tin nhiều người dân chết.

Tuổi đời của tôi càng lớn, chiến tranh càng trở nên khốc liệt. Học sinh các lớp 11 và 12 lúc bấy giờ ai cũng lo. Tin tức từ nhiều mặt trận mỗi ngày đưa về thành phố khiến chúng tôi băn khoăn không biết ngày mai có còn được tiếp tục đến trường hay sẽ phải khoác áo chiến binh.

can cuoc cong dan
Chụp lại hình ảnh,Thẻ đoàn viên Liên đoàn Sinh viên Học sinh thời VNCH

Hè 1972 có lệnh đôn quân. Năm 1968, sau trận tổng công kích của Việt Cộng thì có lệnh tổng động viên nên mọi tầng lớp thanh niên trong tuổi nhập ngũ phải vào quân đội.

Năm nay, với lệnh đôn quân thì thanh niên nếu không đủ tuổi ấn định theo các cấp lớp từ trung học đệ nhị cấp lên đại học sẽ phải nhập ngũ.

Nam sinh ở tuổi 18, tức sinh năm 1954 phải đang học lớp 12, cuối năm nếu đậu Tú tài II thì sẽ tiếp tục được hoãn dịch. Cứ như thế tính thêm một tuổi cho mỗi năm ở bậc đại học.

Trong lớp 11 năm đó của tôi có bạn sinh năm 1954 nên cuối năm thi Tú tài I đậu hay rớt thì cũng sẽ phải lên đường tòng quân. Thi đậu thì vào Trường Sĩ quan Thủ Đức, rớt thì vào Trường Đồng Đế Nha Trang.

Hết niên học lớp 11, tôi thi đậu Tú tài I. Tháng 9/1972 trở lại trường trong ngày khai giảng chỉ còn nửa số nam sinh là bạn học cũ trở lại học lớp 12, là các bạn sinh năm 1955 hoặc 1956. Nhiều bạn cũ mấy tháng trước còn chung lớp, giờ đang ở quân trường và sẽ sớm trở thành chiến sĩ.

Chúng tôi quan tâm đến hiện tình đất nước và lo lắng cho bản thân vì với cường độ chiến tranh gia tăng, nam sinh sẽ phải lên đường nhập ngũ bất cứ lúc nào khi nhu cầu chiến trường đòi hỏi.

Tại các trường học, chính phủ có chương trình “Đoàn ngũ hoá sinh viên học sinh” được tổ chức thành đoàn, nhóm và tập dượt đi đứng theo kiểu nhà binh. Đơn giản chỉ có thế cho nam sinh lớp 12 của trường. Nghe nói các anh sinh viên trên đại học thì có được tập cầm súng.

Chúng tôi quan tâm đến hiện tình đất nước và lo lắng cho bản thân
Chụp lại hình ảnh,”Chúng tôi quan tâm đến hiện tình đất nước và lo lắng cho bản thân” – ông Bùi Văn Phú nhắc lại tâm sự của một thế hệ

Những năm học lớp 11 và 12, các Nguyễn Văn Tiếu dạy Công dân Giáo dục, thầy Bùi Khắc Tiệp dạy Đại số là cựu sĩ quan Võ bị Đà Lạt và thầy Hoàng Định dạy Anh văn hay bàn chuyện thời sự với học sinh, tỏ vẻ lạc quan về tương lai đất nước.

Thày Hoàng Định dạy Anh văn thấy chúng tôi lo lắng nên trấn an rằng Tổng thống Mỹ Nixon đã qua TQ bắt tay với Mao Trạch Đông, cuộc chiến sẽ chấm dứt thôi. Thầy chỉ ra cây phượng nơi sân trường đang nở rộ hoa đỏ và nói năm nay phượng nở nhiều, các anh chị cũng sẽ thi đỗ nhiều để được học tiếp lên, có cơ hội góp phần xây dựng đất nước trong tương lai.

Thầy Nguyễn Văn Tiếu mở diễn đàn trong lớp cho chúng tôi nói lên suy nghĩ của mình về quê hương, về chính phủ.

Tôi và nhiều bạn chỉ trích các dân biểu khi có dịp đi công tác nước ngoài thường buôn lậu nước hoa, mỹ phẩm, quần lót hay lịch cởi truồng, hoặc có dân biểu ăn cắp các tượng cổ đem bán được báo chí đặt tên “Dân biểu tượng Chàm”. Tổng trưởng kinh tế Phạm Kim Ngọc với chính sách đánh thuế trị giá gia tăng, với tình hình kinh tế vật giá leo thang làm cuộc sống của dân khó khăn thêm cũng bị mang ra phê phán, chế giễu gọi ông là “Tổng Ngốc”.

Nhiều bạn bày tỏ sự căm ghét “Vua đi đêm Kissinger” và chán ngán với Hoà đàm Paris kéo dài đã nhiều năm mà không có kết quả.

Khi bản hiệp định được bốn bên ký kết ở Paris, trong lòng tôi cũng mừng, bớt lo về tương lai và hy vọng chiến tranh chấm dứt sẽ không còn phải thấy hàng xóm láng giềng hay bạn học tử trận.

Ngưng chiến rồi, mơ ước lớn nhất của tôi là được tiếp tục con đường học vấn để mai sau đóng góp cho đất nước.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973 Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực trên hai miền Nam Bắc quê hương.

Hôm đó là thứ Bảy, tôi và mấy bạn cùng lớp rủ nhau lên trung tâm của thủ đô Sài Gòn xem có gì lạ trong ngày đầu tiên ngưng bắn, chào đón hoà bình.

Từ nhà ở Ngã ba Ông Tạ chạy lên Ngã tư Bảy Hiền, vì đường Thoại Ngọc Hầu đang có chợ tết, rồi qua Lăng Cha Cả, qua Bộ Tổng Tham mưu mà tôi thấy vẫn như mọi ngày, không có gì khác lạ. Lên đến Ngã tư Phú Nhuận mới thấy một số nhà dân hay cửa tiệm có treo cờ vàng ba sọc đỏ.

Đường vào trung tâm thành phố cảnh vật cũng bình thường. Chỉ còn một tuần nữa là Tết Quý Sửu. Sắp tết nên sinh hoạt nhộn nhịp trước bưu điện với những sạp bán thiệp xuân. Chúng tôi ghé hàng bò bía quen thuộc thưởng thức hương vị cay, thơm ngon giữa trời se se lạnh. Ghé chợ hoa Nguyễn Huệ ngắm sắc hoa muôn mầu muôn tía, chụp vài pô ảnh kỷ niệm rồi đi bộ dọc phố Lê Lợi xuống chợ Bến Thành hoà mình vào không khí tết ồn ào với những quảng cáo nai khô cá thiều, kem đánh răng Hynos, rượu dâu Đà Lạt và các loại bánh mứt tết.

Thành phố nhộn nhịp lên vì sinh hoạt đón tết chứ không phải để chào hoà bình. Không băng rôn, biểu ngữ giăng ngang đường, không dấu chỉ nào cho thấy tiếng súng đã im và hoà bình đang đến. Chỉ thấy quảng cáo các băng nhạc và trong không gian nhiều nơi vang vang những khúc nhạc rộn ràng chào đón mùa xuân đang về.

Chúng tôi vào một quán cà phê trên đường Nguyễn Du, nơi quen thuộc của thanh niên sinh viên học sinh. Ngồi bàn luận với nhau về không khí hoà bình trong ngày đầu tiên ngưng bắn mà thấy không có gì khác hơn mọi ngày ở thành phố này.

Hay chúng tôi còn non trẻ để hiểu về bản hiệp định vừa được ký kết, để hiểu những chuyến đi như thoi đưa của Kissinger giữa Washington, Paris và Sài Gòn mà trong một lần ghé thủ đô mới đây nhà ngoại giao Mỹ đã gặp phải biểu tình, đốt xe phản đối.  

Với bản hiệp định đã được ký, dù chưa biết ra sao nhưng tôi cũng vui trong lòng vì bao năm qua đã ôm ấp những ước mơ, như giòng nhạc Trịnh Công Sơn đang vang ra từ những chiếc loa:

Khi đất nước tôi không còn chiến tranh

Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường

Khi đất nước tôi không còn giết nhau

Mọi người ra phố mời rao nụ cười…

Khi đất nước tôi thanh bình

Tôi sẽ đi không ngừng

Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam

Tôi đi chung cuộc mừng

Và mong sẽ quên chuyện non nước mình

  • Bùi Văn Phú / Gửi đến BBC từ Berkeley, California

Tác giả là một giảng viên đại học cộng đồng và là nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California. Bài viết cho BBC thể hiện quan điểm riêng của ông.