Ninh Bình ngày Tết trong mắt khách Tây

Anh Dave cùng gia đình chọn Ninh Bình là điểm đến cho chuyến đi đầu xuân Quý Mão và chia sẻ thêm nhiều điều về du lịch Việt Nam.

Đã ở Việt Nam được 4 năm và ăn 3 cái Tết ở Việt Nam, mỗi năm gia đình anh Dave (28 tuổi, người Anh, là giáo viên tiếng Anh) lại chọn đi du xuân ở một nơi khác nhau để vừa để trải nghiệm văn hóa, vừa được thư giãn sau những ngày làm việc vất vả. Địa điểm được hai vợ chồng cùng cô con gái nhỏ lựa chọn cho xuân Quý Mão là Ninh Bình.

Xuất hành vào ngày mùng 2 Tết, anh Dave đã đi tới những địa điểm nổi tiếng của vùng đất cố đô là: Thung Nham, Tràng An và Tam Cốc – Bích Động.

Theo anh Dave Ninh Bình có sự kết hợp của sông núi hài hòa tạo nên cảnh quan đẹp mãn nhãn. Ninh Bình là điểm đến mà du khách có thể tới thăm chỉ trong một ngày hoặc cũng có thể dành nhiều ngày để chậm rãi cảm nhận hết vẻ đẹp vừa cổ kính, trầm mặc vừa hữu tình, sinh động.

Đây không phải lần đầu anh Dave tới Ninh Bình. Anh đã biết rằng nơi này có mọi thứ mà khách du lịch cần: phong cảnh đẹp, núi sông hùng vĩ.

Nhưng giải thích thêm về lý do lựa chọn Ninh Bình cho chuyến đi đầu tiên của năm 2023, anh Dave chia sẻ: “Người dân đã quen thuộc với khách nước ngoài, nhiều người có thể nói được tiếng Anh, khiến việc du lịch thuận lợi hơn, nhất là đối với những người nước ngoài như tôi. Không khí du xuân của người Việt Nam cũng rất tấp nập, đông vui hơn hẳn những năm trước”.

Theo anh Dave khu vực Tam Cốc – Bích Động là thú vị nhất trong chuyến đi vừa rồi do anh có thể dễ dàng tìm được những nhà hàng địa phương phục vụ đồ ăn Tây. Nếu du khách nước ngoài vừa muốn thử trải nghiệm những đặc sản địa phương vừa muốn thưởng thức những món ăn Tây thì những nhà hàng ở Tam Cốc luôn sẵn sàng phục vụ. Anh Dave cùng gia đình rất thích những món ăn Mexico được nấu rất chuẩn vị ở nhà hàng Rico Taco Mex Bar & Grill.

Dể tránh ngấy do ăn nhiều đồ Tết, anh Dave đã chọn thịt dê Ninh Bình với đủ món đa dạng như: tái chanh, hầm, ủ trấu, cuốn mỡ chài, thịt dê cơm cháy… “Những món ăn từ dê được đầu bếp Ninh Bình chế biến khéo léo, thịt dê không còn vị hôi mà rất thanh và mềm. Món nào tôi ăn qua cũng đều thích”, anh Dave chia sẻ.

Có một điều anh Dave không thích tại Tam Cốc là vẫn có tình trạng người dân địa phương hét giá cao cho du khách nước ngoài và đeo bám, chèo kéo để ép khách sử dụng dịch vụ, mua sản phẩm của họ.

“Đôi khi điều này có thể làm hỏng cả một chuyến đi. Tôi tin là bên cạnh những cảnh đẹp thiên nhiên thì lòng mến khách, thái độ và sự tương tác với người dân địa phương cũng rất quan trọng. Đối với du khách, những điều này tác động nhiều đến cảm nhận của du khách, quyết định họ có muốn quay lại nơi đó hay không”, anh cho hay.

Do có vợ là người Việt Nam nên anh Dave được vợ chia sẻ chi tiết về văn hóa ngày Tết, được vợ làm hướng dẫn viên trong suốt những mùa Tết vừa qua.

“Sau 3 năm ăn Tết tôi đã rất quen với Tết rồi, tuy nhiên tôi nghĩ vẫn muốn hiểu Tết hơn, về những truyền thống mà người Việt Nam hay làm vào ngày Tết”, anh Dave nói. Anh gợi ý các địa phương du lịch tổ chức những chương trình để giúp cho du khách nước ngoài hiểu hơn về Tết, như vì sao lại lì xì trẻ em, tục bánh chưng bánh dày, vì sao dùng cây quất thay cho cây cam thì sẽ rất thu hút được sự hiếu ký của những du khách quốc tế.

“Nếu là một khách đi du lịch một mình thì có thể họ sẽ không được trải nghiệm và hiểu Tết một cách trọn vẹn như cách tôi trải nghiệm cùng gia đình mình”, anh nói thêm.

Đối với cá nhân anh Dave, Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng vì du khách có rất nhiều lựa chọn ở từng khía cạnh khác nhau. Việt Nam có nhiều lựa chọn cho việc du lịch từ cao cấp tới bình dân, du lịch nhanh hay chậm, nghỉ dưỡng hay thám hiểm, nhậu nhẹt với bạn bè hay lãng mạn với người yêu.

Anh cũng mong có thêm nhiều thuận lợi hơn trong chính sách, di chuyển, dịch vụ… thì du lịch sẽ phát triển hơn. Năm nay anh Dave gặp khó khăn trong quá trình xin visa cho mẹ đến Việt Nam ăn Tết do quy trình cấp phép phức tạp hơn.

Ngoài ra anh Dave mong rằng vấn đề giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường tại những điểm du lịch và cách người dân địa phương làm du lịch mang tính nhất thời như ở Tam Cốc cần được cải thiện để tạo ấn tượng đẹp trong mắt du khách quốc tế.

Sang Sang / Ảnh: NVCC

Trên đời này bạn nhất định phải tha thứ cho 3 người

“Trong thế gian có người phỉ báng ta, nhục mạ ta, chê cười ta, coi thường ta, chà đạp ta, vậy thì ta phải đối xử thế nào?” – Hàn Sơn hỏi Thập Đắc trong một đoạn đối thoại trích từ Hán văn cổ.

Thập Đắc cười nói: “Ta chỉ cần nhẫn hắn, nhịn hắn, nhường hắn, tránh hắn, cung kính hắn, đừng để ý đến hắn, chờ mấy năm sau hãy gặp lại hắn”.

Trong đoạn đối thoại trên quả thực đã bao hàm rất nhiều tính triết học của cuộc đời, trong đó tha thứ là một loại triết học rất trọng yếu của đời người.

Cả cuộc đời một người phải dùng tâm tha thứ cho ít nhất ba người.

Tha thứ cho chính mình

Trong thế giới này, những sự tình không được như ý chiếm đến tám, chín phần mười, không có cái gì là hoàn mỹ. Mọi người, ai ai cũng đều phạm qua sai lầm và cũng không thể đạt được sự tán thành của tất cả mọi người.

Nếu như bạn cứ đắm chìm trong sự hối hận và tự trách mình, qua một thời gian dài như vậy, cuộc đời bạn sẽ trở nên bi quan, sai lầm cũng sẽ không biến mất thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn. Cho nên bạn hãy mỉm cười và tự tha thứ cho bản thân mình.

Tha thứ cho “kẻ thù” của mình

Trong xã hội mà sự cạnh tranh diễn ra khốc liệt như hiện nay, bạn sẽ không biết được lúc nào mình có “kẻ thù” và cũng không biết được mình có bao nhiêu “kẻ thù”.

Đặc biệt là tại công tác ngoài xã hội càng ngày áp lực càng lớn, khó tránh khỏi sẽ có người không cùng suy nghĩ với bạn, họ có thể sẽ ở sau lưng mà bàn tán về bạn, phỉ báng bạn và biến bạn thành kẻ thù của họ.

Dù cho bạn là một người không muốn tranh giành quyền thế, nhưng phiền toái sẽ hết lần này lần khác tìm đến bạn, lúc đó bạn sẽ làm thế nào?

Chẳng lẽ bạn sẽ trở thành một người có lòng dạ hẹp hòi như họ sao? Hay là lúc nào cũng ghi hận trong lòng những người làm hại mình?

Bạn hãy dùng tâm tha thứ để đối đãi đi! Bởi vì sự phẫn nộ của bạn trước hết sẽ ảnh hưởng đến chính bạn mà thậm chí còn ảnh hưởng đến người thân hay những người khác xung quanh bạn.

Đồng thời, bạn còn nên cảm ơn “kẻ thù” của mình, bởi vì họ khiến bạn càng trở nên quý trọng những điều tốt đẹp của cuộc sống mà bạn đang có và sẽ giúp bạn càng hiểu rõ hơn điều bạn mong muốn trong cuộc đời.

Ngoài ra họ còn giúp bạn nhìn nhận sâu hơn về bản thân mình để từ đó bạn hoàn thiện mình hơn. Bạn hãy nghĩ xem, giữa tha thứ và oán hận, chẳng phải tha thứ sẽ giúp bạn thoải mái và sống tốt đẹp hơn sao?

Tha thứ cho bạn bè

Trong cuộc đời của mỗi người, nếu như phải chịu những tổn thương do chính bạn bè mình gây ra thì thực sự đã rất buồn, nhưng sự tổn thương đó sẽ càng lớn và càng sâu đậm khi người đó lại là bạn bè thân thiết. Nhưng, bạn hãy nghĩ xem, rất có thể họ chỉ là vô ý hoặc cũng có thể chỉ là sự ganh tị nhất thời mà thôi.

Cho nên bạn nhất định phải tha thứ cho bạn bè của mình bởi vì dù thế nào đi nữa họ đã song hành cùng bạn, cùng giúp đỡ và đem lại niềm vui cho bạn. Biết đâu, khi bạn tha thứ cho họ, bạn có thể tìm lại được tình bạn mơ ước như thuở ban đầu?

Cuộc đời một con người không có gì là không thể tha thứ! Ở vào tình cảnh bi thương nhất, tình cảnh khó khăn nhất, nếu như bạn học được cách “mở cánh cửa sổ” ra có thể bạn sẽ nhìn thấy một phong cảnh tuyệt đẹp đấy!

Theo An Nhiên / Vạn điều hay.Net

Trung Quốc thử nghiệm tàu siêu tốc có thể nhanh ngang máy bay

Trung Quốc lần đầu thử nghiệm thành công tàu siêu tốc chở khách có thể bay trong đường ống chân không với tốc độ 1.000 km/h.

China Space News cho hay vào tuần trước, nguyên mẫu tàu siêu tốc hoạt động dựa trên nguyên lý cảm ứng điện từ (hyperloop) đã thực hiện ba lần chạy thử nghiệm tại một đường ống thử nghiệm đệm từ siêu dẫn ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây. Kết quả cả ba lần tàu siêu tốc này đều hoạt động bình thường với tốc độ hơn 50km/h trên tuyến đường thử nghiệm.

Cuộc thử nghiệm còn kiểm chứng một số công nghệ quan trọng khác, đồng thời xác minh độ vận hành chính xác của hệ thống tàu siêu tốc này. Hiện tại, đường ống chân không dùng để thử nghiệm chỉ dài 2 km và dự kiến sẽ được mở rộng đến 60km trong thời gian tới.

Đây cũng là lần đầu tiên một quốc gia châu Á thử nghiệm thành công tàu siêu tốc công nghệ hyperloop.

Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ liệu đã hút sạch không khí ra khỏi ống trong quá trình thử nghiệm hay chưa. Duy trì môi trường áp suất thấp trong ống là một trong những thách thức lớn nhất trong việc phát triển công nghệ hyperloop.

Trung Quốc thử nghiệm thành công tàu đệm từ chỉ sau khoảng 9 tháng triển khai.
Trung Quốc thử nghiệm thành công tàu đệm từ chỉ sau khoảng 9 tháng triển khai. (Ảnh: CASIC).

Thực tế, ý tưởng về công nghệ hyperloop không mới khi đã được nhen nhóm từ năm 2012 bởi tỉ phú công nghệ Mỹ Elon Musk. Thời điểm đó, nhà sáng lập SpaceX đã phát triển The Boring Company để biến ý tưởng này thành hiện thực.

Sau đó, tỉ phú Richard Branson, nhà sáng lập của Virgin Galactic, cũng đã thành lập một công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ hyperloop mang tên Hyperloop One (sau này đổi tên thành Virgin Hyperloop). Công ty đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới có chở theo hành khách trong khoang, đạt tốc độ 172 km/h vào năm 2020.

Nhóm nghiên cứu thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) hy vọng khi hoàn thiện tàu có thể chở hành khách và hàng hóa với tốc độ 1.000km/h. Tốc độ này “như bay trên mặt đất” khi đạt vận tốc ngang ngửa với máy bay.

Tàu cao tốc nhanh nhất hiện hoạt động với tốc độ 350km/h. Tăng tốc độ của chúng sẽ làm tăng đáng kể sự hao mòn đường ray và tiêu thụ năng lượng do sức cản của không khí.

Các nhà khoa học CASIC cho biết công nghệ đệm từ của ở Đại Đồng sẽ giúp loại bỏ ma sát làm mòn đường ray, trong khi ống chân không làm giảm sức cản của không khí.

Công nghệ tàu đệm từ của Trung Quốc xuất hiện muộn hơn nhiều khi CASIC chỉ mới triển khai xây dựng cơ sở thử nghiệm Đại Đồng vào tháng 4 năm ngoái. Tuy nhiên, cũng chỉ chưa đầy một năm sau nhóm đã hoàn thành những cuộc thử nghiệm đầu tiên.

“Đó thực sự là một kỳ tích” – China Space News đánh giá và khẳng định sở dĩ dự án sớm cho kết quả nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc.

Theo NLD / Khoa học TV

“Hé lộ” trật tự thế giới mới

Trong trật tự thế giới mới, sân khấu và dàn diễn viên không khác bản chất, nhưng nhân vật chính của vở kịch địa chính trị toàn cầu sắp đổi vai.

Hé lộ trật tự thế giới mới - Ảnh 1.

Chuyến thăm Saudi Arabia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ nâng quan hệ của Trung Quốc với thế giới Ả Rập lên một tầm cao mới.

Trung Quốc đã và đang cùng một số đồng minh tiến hành nhiều hoạt động chiến lược, kể cả trong lĩnh vực dầu mỏ nhằm tìm cách làm giảm vị thế của Mỹ để lập lại trật tự thế giới.

Dấu mốc 120 năm

Với tốc độ phát triển kinh tế thần tốc hơn 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đang có cơ hội vượt Mỹ trở thành cường quốc số 1 thế giới vào thời điểm nào đó sau năm 2030. Trên thực tế, Bắc Kinh đã tập dượt, tự thử thách chính mình trong nhiều sự kiện cụ thể.

Còn nhớ hồi tháng 3/2021, Mỹ và Trung Quốc tổ chức hội đàm ở Alaska. Tờ People’s Daily đã ghép bức hình minh họa so sánh cuộc gặp gỡ này với buổi lễ ký kết Hiệp ước Tân Sửu vào năm 1901. Thời điểm đó, Triều đình nhà Thanh bất đắc dĩ thừa nhận sự có mặt của “bát quốc liên minh” trên lãnh thổ của mình.

Đúng 120 năm sau tại Alaska, những đại diện Trung Quốc gồm Ủy viên Quốc vụ Viện Dương Khiết Trì cùng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đối đáp không e ngại với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan.

Trong lịch sử ngoại giao Mỹ – Trung, chưa khi nào Bắc Kinh tự tin đến như vậy. Cuộc gặp dự kiến giành 2 phút mở đầu cho mỗi bên. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ nói tới 10 phút về Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan; lập tức ông Dương Khiêt Trì đáp trả tới 20 phút.

Người Trung Quốc không chấp nhận bang giao với Mỹ ở thế “cửa dưới” và họ yêu cầu được đối xử như một cường quốc thực sự. Cuối cùng, đôi bên ra về mà không nhượng bộ nhau bất cứ chi tiết kỹ thuật nào. Đây được xem là khoảnh khắc đánh dấu sự trỗi dậy sau 120 năm “dấu mình chờ thời”.

Cuộc khẩu chiến vô tiền khoáng hậu này lại diễn ra đúng dịp kỷ niệm tròn 1 thế kỷ ra đời Đảng cộng sản Trung Quốc (1921 – 2021). Truyền thông nhà nước Trung Quốc coi đây như là “vĩ thanh” với thế giới, để chứng minh rằng: họ có quyền và lực để duy trì và phát triển các giá trị riêng biệt.

Khổ luyện để thành

Hai thập niên đầu của thế kỷ 21, chúng ta đã chứng kiến 2 lần Trung Quốc hé lộ tham vọng phá vỡ trật tự thế giới. Lần thứ nhất diễn ra sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, các ngân hàng Trung Quốc tung hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ cho vay, tái thiết tận trung tâm tài chính, kinh tế của phương Tây.

Lần thứ hai từ năm 2017, thời điểm ông Tập Cận Bình triệu tập cuộc họp ở Bắc Kinh gồm đại diện 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, chính thức công bố dự án cơ sở hạ tầng liên lục địa “Một vành đai, Một con đường” với khoản giải ngân ban đầu 124 tỷ USD.

Hé lộ trật tự thế giới mới - Ảnh 2.

Trung Quốc “trỗi dậy” đang đặt ra nhiều thách thức đối với Tổng thống Mỹ Biden.

Hai bước tiến này khiến phương Tây choáng ngợp. Khi cơ chế phản ứng của Mỹ và Châu Âu gióng hồi chuông cảnh báo thì chân rết Trung Quốc đã cắm chặt ở Trung Á, Nam Á, Trung Đông, châu Phi, Nam Âu, Nam Thái Bình Dương. Điều đáng nói là không một ai biết chính xác hiện nay Trung Quốc có bao nhiêu đồng minh, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện. Bởi vì, Trung Quốc thường nhắm đến các nước nghèo, kém phát triển với đa phần thỏa thuận bí mật, cùng một công thức “cho vay – bao thầu – đổi tài nguyên”. Dòng tiền của Trung Quốc chuyên chở cả nhân lực, thiết bị, công nghệ, văn hóa, tín ngưỡng…

Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục thử thách chính mình bằng chính sách “zero COVID”, họ tỏ ra thân thiết với WHO và trúng thầu hàng loạt hợp đồng cung ứng vaccine, thiết bị y tế. “Cánh tay” vững chãi của Trung Quốc đã vươn ra từ châu Á, góp phần giải cứu thế giới, xử lý vấn đề toàn cầu mà trước đây người Mỹ vô đối.

Trung Quốc tận dụng rất tốt khủng hoảng địa chính trị Đông Âu để xen vào giữa quan hệ Mỹ – OPEC; Mỹ- Nga. Bắc Kinh lúc này đang chủ trì “bàn dài” giúp Nga – Iran – Trung Đông – Trung Á liên kết thành một khối. Nếu Mỹ không tìm cách đối trọng, vị thế của nước này sẽ có nguy cơ suy giảm trên “bàn cờ” thế giới.

Trương Khắc Trà / Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Kiều hối gần $19 tỷ, rồi sao nữa?

Lượng kiều hối mà người Việt ở nước ngoài gửi về còn lớn hơn cả tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà Việt Nam thu hút được trong hơn bốn mươi năm qua. Ảnh minh họa Ngọc Phượng / Tuổi Trẻ

“Mỗi năm hoa đào nở…” lại thấy nhà cầm quyền đổ đô la ra đếm, xem trong năm qua người Việt Nam định cư, sinh sống và làm ăn ở ngoại quốc gửi về cho thân nhân ở trong nước được bao nhiêu tiền, gọi là “kiều hối”, rồi hí hửng khoe khoang như trẻ con khoe tiền được lì-xì ngày tết và tìm cách khai thác tối đa nguồn tiền “từ trên trời rơi xuống”.

Ngay từ đầu tháng Giêng 2023, trang báo mạng của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) lấy dữ kiện từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) đã dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng 4.4% so với năm 2021. Vài hôm gần đây các phương tiện truyền thông trong nước đồng loạt đưa ra con số cụ thể: Kiều hối đổ về Việt Nam năm 2022 lên đến gần $19 tỷ, tăng hơn $1 tỷ so với năm 2021, cũng theo nguồn của WB và KNOMAD. 

Kiều hối – cột trụ nâng đỡ nền kinh tế

Lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được như vừa nói là nhiều thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc và Philippines, và xếp thứ tám trong số 10 quốc gia nhận được nhiều tiền kiều hối nhất thế giới.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) làm một so sánh nhỏ cho thấy lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được trong năm 2022 nhiều hơn 24% so với tổng số tiền thu được từ xuất cảng thủy hải sản ($11 tỷ) và gạo ($3.49 tỷ). Chỗ khác nhau là để xuất cảng được $14.49 tỷ tôm cá và gạo thì cần rất nhiều vốn đầu tư và công sức của hàng triệu nông dân, ngư dân cả nước, trong khi $18 tỷ kiều hối thì như món tiền “từ trên trời rơi xuống”, vốn đầu tư và mồ hôi nước mắt đều đổ ra ở bên ngoài nước Việt Nam; chính quyền và người dân trong nước không tốn kém gì cả.

Không làm mà có được, kiều hối trở thành một nguồn lực tài chính hết sức quan trọng giúp Việt Nam tăng dự trữ ngoại tệ, ổn định cán cân thanh toán, kiềm chế tỷ giá giữa đồng bạc Việt Nam và đô la Mỹ, thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư của người dân. Có thể nói không sợ quá lời rằng kiều hối là một cột trụ chính giữ cho nền kinh tế Việt Nam không bị sụp đổ và góp phần tạo ra cảnh phồn vinh ở nhiều đô thị hiện nay. 

Báo đảng CSVN tổng kết trong 30 năm, từ năm 1993 đến nay, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đạt hơn $200 tỷ, trong khi tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) từ năm 1986 đến nay chỉ đạt $190 tỷ. Nếu để ý phần lớn sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, người Việt chỉ làm thuê trong các nhà máy của tư bản ngoại quốc, tiền lời rơi vào tài khoản của các nhà đầu tư còn người lao động chỉ được nhận đồng lương chết đói thì sẽ nhận ra nguồn kiều hối có ý nghĩa to lớn như thế nào.

Chỉ tính riêng tại Sài Gòn, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, thông tin chính thức cho thấy lượng kiều hối năm 2022 là $6.603 tỷ, không tính dòng tiền chuyển về bên ngoài các kênh của nhà nước; nếu tính đủ thì số kiều hối thật sự mà Sài Gòn nhận được phải trên $9.5 tỷ. Dù con số chính thức có thấp hơn dữ kiện của WB, nhưng “Kiều hối chuyển về chiếm khoảng 48% tổng thu ngân sách nội địa và chiếm khoảng 33% tổng thu ngân sách của thành phố. Đây là nguồn lực không nhỏ và ý nghĩa đối với quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố trong năm 2022 – năm phục hồi sau đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, nhận định với truyền thông trong nước. 

Cần dân chủ hóa đất nước

Phần lớn số kiều hối chuyển về có nguồn gốc từ các cộng đồng người Việt định cư ở Mỹ, châu Âu, Canada và Úc; phần đóng góp của người Việt làm việc ở nước ngoài chỉ là một phần nhỏ. Riêng tại Mỹ, theo phân tích vào đầu năm ngoái của báo VnExpress, có khoảng 1.4 triệu người Việt Nam định cư, năm 2021 đã gửi về $7.7 tỷ.

Tuy người Việt định cư ở nước ngoài gián tiếp đóng góp lớn cho kinh tế trong nước bằng việc gửi về nước những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ song đến nay, đảng và chính phủ Việt Nam vẫn chưa có một chính sách hòa giải với các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là ở các nước dân chủ tự do như Mỹ, Anh, Úc, Canada. 

Mỗi khi tết đến xuân về, nhà cầm quyền lại cố làm ra vẻ thân thiện, tổ chức gặp gỡ “kiều bào” – dĩ nhiên chỉ là một số kiều bào được chọn lọc phù hợp với quan điểm của đảng CSVN – và đọc những bài diễn văn hoa mỹ, gọi kiều bào là “khúc ruột ngàn dặm”, gọi đồng tiền kiều hối là “tình cảm, sự sẻ chia đong đầy của bà con ta với Tổ quốc và với bà con nơi quê nhà” v.v… Nhưng đó chỉ là những lời lừa mị đầu môi chót lưỡi; trong chốn riêng tư và trong guồng máy tuyên truyền, người Việt ở các nước dân chủ vẫn bị dè chừng, bị chụp mũ là “bọn phản động lưu vong”, âm mưu chống phá chế độ cộng sản. Nhiều người Việt ở Mỹ, Úc – hai nước gửi về nhiều kiều hối nhất – vẫn bị cấm nhập cảnh Việt Nam một cách vô cớ, nhiều người bất ngờ bị bắt giam khi về nước thăm viếng cha già mẹ yếu.

Đồng tiền kiều hối là quan trọng, là quý nhưng không quý bằng tâm huyết, tài năng và “chất xám” của hàng triệu người Việt xa quê, được đào tạo và làm việc trong những ngành công nghệ tân tiến của thời đại. Đà tiến lên của đất nước, của dân tộc chắc chắn sẽ được chắp cánh nếu khai thác được nguồn vốn quý nhất là trí tuệ của người Việt xa xứ chứ không chỉ những đồng đô la của họ. Mà để thu hút người Việt Nam ở khắp nơi, điều kiện đầu tiên phải là đất nước được dân chủ tự do chứ không phải là tài sản riêng của đảng CSVN như hiện nay. 

Có điều, chỉ vì quyền lợi ích kỷ của đảng CSVN cầm quyền mà chính quyền Việt Nam không bao giờ hòa giải được với cộng đồng người Việt yêu tự do ở nước ngoài và cũng không hòa giải được với những người yêu nước, yêu dân chủ ở quốc nội. Nhà cầm quyền Hà Nội có thể khoe khoang những đồng tiền kiều hối gửi về, năm sau nhiều hơn năm trước, nhưng sự thật là họ đang lãng phí một nguồn lực vô cùng lớn trong công cuộc phát triển đất nước.

Hiếu Chân / Saigon Nhỏ

Năm Con Mèo, Việt Nam sẽ bất ổn

Theo quy luật vận động của đất trời, Con Mèo lại đến thay Con Cọp chủ trì một năm mới. Người người chúc nhau an khang, thịnh vượng, hy vọng cuộc sống sẽ tốt hơn năm cũ. Trên cõi hoàn cầu, hy vọng đó có phần thực tế khi những tai họa lớn đang có triển vọng được giải quyết. Đại dịch COVID-19 không còn hoành hành nữa, cuộc chiến tranh bên Châu Âu đang đi dần tới chỗ kết thúc – nếu không bùng nổ thành Thế Chiến – và cùng với nó cuộc khủng hoảng về năng lượng, lương thực sẽ giảm.

Nhưng nhìn về quê nhà, năm Con Mèo không được hanh thông mà sẽ rơi vào bất ổn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) cầm quyền sẽ tiếp tục giở trò mèo để kéo dài sự thống trị của họ và đẩy đất nước tới chỗ suy kiệt. Liệu đây có thể là thời cơ cho các lực lượng dân chủ?

Những ngày cuối năm Con Cọp, dân chúng bị ép phải xem vở tuồng tranh giành quyền lực trong bộ máy đảng CSVN, một phân cảnh trong trò chơi “đả hổ, diệt ruồi” bắt chước các đồng chí bên Trung Quốc. Một số bộ trưởng, hai phó thủ tướng rồi đến chủ tịch nước lần lượt bị bãi chức trong một cuộc đảo chính cung đình mà toàn dân bị biến thành khán giả bất đắc dĩ, chỉ được xem các diễn viên của đảng CSVN múa may quay cuồng trên sân khấu tanh mùi máu mà không có quyền lên tiếng nói dù mọi diễn biến của vở kịch đều có tác động sâu sắc đến miếng cơm manh áo hàng ngày của từng người.

Như mọi cuộc đảo chính trên thế giới, tranh giành quyền lực không bao giờ đem lại sự ổn định cần thiết để phát triển. Trước mắt, phe thủ cựu trong đảng CSVN giành được thế thượng phong, nhưng phe thua cuộc chưa chắc đã bó gối quy hàng mà sẽ tiếp tục đấu cho đến khi tái lập thế cân bằng, các bên thỏa hiệp để cùng trục lợi trên cơ thể gầy còm của đất nước.

Chỗ đọng lại của câu chuyện này là đảng CSVN coi đất nước như là tài sản riêng của họ, coi 100 triệu dân như một thứ thần dân, như một đàn gia súc chỉ biết cúi mặt vào máng thức ăn mà họ không cần phải hỏi ý kiến. Và người ta ngỡ ngàng khi thấy ông tổng bí thư đảng CSVN già nua lẩm cẩm lên truyền hình quốc gia đọc thư chúc Tết – một nghi thức không dành cho người cầm đầu một đảng chính trị. Không chỉ coi dân như cỏ rác, đảng CSVN còn coi những luật lệ mà họ đặt ra chỉ là trò chơi con nít, dùng để trừng trị bọn dân đen còn khi cần thì ngồi xổm lên đó không e ngại. Họ quên lời dặn của tiền nhân: “Vua xem dân như cỏ rác, [thì] dân xem vua như cừu thù!”

Trước thềm năm mới, ông đảng trưởng già nua Nguyễn Phú Trọng còn lên đài cất giọng đọc mà không biết ngượng mồm: “Toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật. Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước…”

Không có gì lừa mị hơn những lời hoa mỹ của người đứng đầu đảng CSVN. “Thành tựu” nổi bật của đảng ông trong năm Con Cọp phải là vụ bới tung các đống rác vĩ đại “Việt Á,” “chuyến bay giải cứu,” “cục đăng kiểm,” “bệnh viện đa khoa Đồng Nai,” các ổ lường gạt Vạn Thịnh Phát, FLC…, bốc mùi thối khắm từ trong ra ngoài nước, từ đầu năm đến tận cuối năm. Năm Con Cọp, đảng của ông hiện nguyên hình là một tổ chức tội phạm, bị giới gian thương lũng đoạn để bóp hầu bóp họng người dân, rồi khi bại lộ, hàng chục đảng viên cao cấp phải nối nhau vào nhà đá trong khi đất nước càng lụn bại.

Các dư luận viên của đảng chắc chắn sẽ phản bác, sẽ nêu “bằng chứng” là trong năm 2022 kinh tế Việt Nam tăng trưởng tới 8%, thuộc loại nhanh nhất khu vực! Vâng, kinh tế có tăng trưởng, dù chưa chắc đến 8% như số liệu tuyên truyền, nhưng sự tăng trưởng đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu mới hồi phục của các thị trường nước ngoài sau hai năm đại dịch, và do các xí nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài tạo ra. Riêng doanh nghiệp trong nước, năm 2022 đã có đến 143,000 công ty phải đóng cửa. Những tháng cuối năm, xuất cảng giảm sút, hàng ngàn công ty không có đơn đặt hàng buộc phải “cho nghỉ Tết sớm” hàng trăm ngàn người lao động. Nhiều người mất việc không có tiền đã phải bới thùng rác để kiếm thức ăn, nếu may mắn có mạnh thường quân trợ giúp vài ký gạo thì mỗi bữa chỉ dám ăn một chén cơm bởi không biết ngày mai thế nào, theo phúc trình của báo Dân Trí ở trong nước.

Đảng CSVN mải lo đấu đá giành ghế trên thượng tầng hầu như không quan tâm đến hiện tình đất nước và cuộc sống cùng khổ của người dân, đặc biệt là công nhân – thành phần được ca ngợi là “nòng cốt của cách mạng.” Những lời hoa mỹ trong thư chúc Tết của ông Trọng chứng tỏ giới cầm quyền chóp bu thật sự hoang tưởng, nhắm mắt trước thực tế và tự lừa mị tới mức không tưởng tượng nổi.

Xu hướng trì trệ của kinh tế sẽ kéo dài trong năm Con Mèo, một phần do cuộc đấu đá cung đình làm cho cả guồng máy bị tê liệt, cán bộ quan chức không còn ai muốn làm việc, ai cũng sợ đến lượt mình bất ngờ bị biến thành củi của cái lò ông Trọng, thà nín thở qua sông để coi thời cuộc xoay vần. Cuộc tranh giành quyền lực ở thượng tầng và khủng hoảng chính trị đi liền với nó cũng làm cho giới tư bản ngoại quốc e ngại. Thay vì tăng tốc chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam theo công thức “Trung Quốc + 1” đã thực thi mấy năm nay, nhiều công ty đã bắt đầu tính toán lại và có thể sẽ chọn những nơi ít rủi ro hơn như Indonesia.

Bên trong nước, các công ty bất động sản, tài chính, ngân hàng, điện lực, hàng không… đang lúng túng như gà mắc tóc, chưa biết sụp đổ lúc nào. Một cuộc khủng hoảng kinh tế đã manh nha mà hậu quả có thể nhìn thấy trước là nhà nước cộng sản sẽ tăng mạnh các loại sưu thuế – mà hiện đã thuộc loại áp bức nhất thế giới – để bù cho sự sụt giảm nguồn thu từ xuất cảng. Đời sống người dân sẽ càng thêm khốn khó.

Nhìn ra ngoài, cái mà ông Trọng gọi là “tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả” cũng thật dối trá. Đảng CSVN vừa đẩy mạnh bắt bớ, giam cầm những tiếng nói bất đồng trong nước, vừa công khai đứng về phía Nga trong vụ nước này xâm lăng Ukraine trong năm lần bỏ phiếu trắng và phiếu chống tại Liên Hiệp Quốc, khiến thế giới nhìn Việt Nam bằng con mắt dè bỉu và cảnh giác.

Và chưa ai quên chuyến đi triều kiến vội vàng của ông Trọng tới Bắc Kinh hồi cuối Tháng Mười, 2022 ngay sau đại hội 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ở đó ông cam kết ủng hộ một thứ trật tự thế giới lấy Trung Quốc làm trung tâm, khước từ cái trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đã có hơn 70 năm nay… Vì sự tồn tại của đảng CSVN, ông Trọng âm mưu biến Việt Nam thành một thứ chư hầu kiểu mới của Trung Quốc. Vừa rồi ông Tập đã gửi thư chúc tết Quý Mão, nhắc nhở ông Trọng rằng Việt Nam và Trung Quốc “vận mệnh tương quan,” “chung tương lai” cứ như Việt Nam là một Tây Tạng, một Tân Cương trong gọng kìm của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Cam kết với Trung Quốc cũng có thể là yếu tố khiến ông Trọng mạnh tay thanh trừng những phần tử chịu ảnh hưởng Phương Tây trong giới lãnh đạo chóp bu của Việt Nam, y hệt việc ông Tập đã làm với cuộc cải cách ở bên Trung Quốc.

Như vậy, không phải Việt Nam “hội nhập quốc tế toàn diện” như ông Trọng nói mà năm 2022, Hà Nội đã nhập sâu vào khối các chính thể độc tài toàn trị do ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, và ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, điều khiển.

Không hoài nghi gì nữa, năm Con Mèo báo hiệu Việt Nam sẽ rơi vào những cuộc bất ổn lớn, cả về chính trị lẫn kinh tế, cả đối nội và đối ngoại. “Cùng tắc biến, biến tắc thông,” trong nguy có cơ, lẽ nào 100 triệu dân Việt Nam tiếp tục cam chịu ách áp bức của bộ máy cai trị hoang tưởng, tham lam và thần phục ngoại bang hiện nay? [đ.d.]

Hiếu Chân / Người Việt