Những góc phố vắng xe, người dân thỏa sức dạo bộ, chụp hình, tận hưởng không khí yên bình buổi sáng đầu năm Quý Mão.
Từ 7h, phố cổ Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tấp nập người diện áo dài chụp ảnh kỷ niệm. Đây là địa chỉ quen thuộc được người dân Thủ đô tìm đến trong mỗi dịp lễ Tết.
“Năm nào chúng tôi cùng dậy sớm rủ nhau đi dạo phố sáng mùng 1. Năm nay, tôi đem theo gạo ra cho chim ăn mang lại niềm vui cho năm mới”, bà Hà Linh (áo trắng) cùng bạn, bà Mai Trang ở phố Hàng Mã nói.
Những runner mặc áo dài chạy bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, phố cổ trong buổi sáng đầu năm mới.
Các hội nhóm đạp xe, chạy bộ rủ nhau đi chụp ảnh trước chợ Đồng Xuân.
Một gia đình chụp hình lưu niệm trước Tháp Rùa, biểu tượng của hồ Gươm.
Bức tranh mèo trên phố Tràng Tiền thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh vào sáng mùng 1.
Người dân khấn vái trước đền Ngọc Sơn, cầu mong cho một năm mới nhiều sức khoẻ, may mắn.
Phố Ngô Quyền vắng vẻ so với ngày thường, chỉ lác đác vài người dậy sớm và chị công nhân vệ sinh môi trường.
Hầm Kim Liên vắng lặng vào sáng mùng 1, khác xa với cảnh tấp nập ngày thường.
Đường Lê Duẩn (quận 1) yên bình sáng đầu năm Tết Quý Mão. Trên đại lộ sầm uất bậc nhất Sài Gòn chỉ có lác đác vài xe chạy qua.
Trạm xe buýt trên đường Hàm Nghi (quận 1) vắng vẻ sáng mùng 1. Đây là một trong những tuyến đường nhộn nhịp thường ngày ở trung tâm thành phố.
Trước chợ Bến Thành (quận 1), nhiều bạn trẻ diện áo dài chụp hình lưu niệm.
Mặt bằng trước chợ Bến Thành mới được hoàn trả năm nay sau nhiều năm bị rào chắn để phục vụ thi công Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Khu vực này vừa được lắp đèn xanh đèn đỏ tạo khoảng trống cho người dân chụp ảnh với một trong những công trình biểu tượng của TP HCM. “Năm nay hy vọng công việc của mình sẽ ổn định, mọi thứ như ý muốn”, chị Phương, đứng chụp ảnh tại đây nói.
Tại cầu Ba Son, cây cầu biểu tượng mới của thành phố, các làn đường thông thoáng, đối lập với cảnh sầm uất những ngày trước Tết.
Kể từ thời nhà Tống ở Trung Quốc, nhiều học giả đã cố gắng giải thích cho thứ tự của 12 con giáp, nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
12 con giáp là một phần trong văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia châu Á. Ở Trung Quốc, quan niệm con giáp được hình thành ở thời Tần, định hình ở thời Hán với các con vật xếp theo thứ tự: Chuột, trâu, hổ, thỏ, rồng, rắn, ngựa, cừu, khỉ, gà, chó, lợn, cho đến nay không thay đổi.
Thứ tự này khiến nhiều người không thể giải thích được. Tại sao sắp xếp theo cách này? Là người xưa tùy ý hay cố ý xếp như vậy?
Giả thuyết 1: Sắp xếp theo quy tắc thói quen sinh hoạt
Nhiều người cảm thấy rất bất hợp lý với thứ tự 12 con giáp, chẳng hạn như tác giả Vương Hữu Quang của “Ngô Hạ Ngạn Liên” nhà Thanh từng thể hiện quan điểm:
“Lợn xếp cuối, rồng cũng gần cuối, chuột xếp đầu, ai phục? Rồng là thần linh, hổ uy mãnh, là vật tượng trưng cho phong vân, nhưng chỉ đứng giữa, mặc dù trên lợn, nhưng lại chịu cảnh đứng dưới chuột, chẳng phải là trái ngược sao!” (tạm dịch).
Chúng ta đều biết, 12 con giáp tương ứng với 12 địa chi, tức là Tý-chuột, Sửu-trâu, Dần-hổ, Mão-thỏ (ở Việt Nam là mèo), Thìn-rồng, Tỵ-rắn, Ngọ-ngựa, Mùi-dê, Thân-khỉ, Dậu-gà, Tuất-chó, Hợi-lợn.
12 địa chi đại diện cho 12 tháng cùng 12 canh giờ (1 canh giờ ứng với 2 tiếng ngày nay). Từ đó, người ta căn cứ vào thói quen sinh hoạt của 12 con giáp để giải thích thứ tự trên.
Như học giả thời Nam Tống Lý Trường Khanh nói trong cuốn “Tùng Hà quán chuế ngôn”:
Giờ Tý (11 giờ đêm-1 giờ sáng), là lúc chuột hoạt động mạnh nhất, vì vậy lấy giờ Tý gắn với chuột.
Giờ Sửu (1 giờ-3 giờ sáng), trâu còn đang nhai lại thức ăn, chuẩn bị sáng sớm đi cày.
Giờ Dần (3 giờ-5 giờ sáng), hổ đang tìm thức ăn trong rừng, hổ hung dữ nhất vào thời gian này.
Giờ Mão (5 giờ-7 giờ sáng), mặt trời chưa lên, mặt trăng (thái âm) vẫn sáng, thỏ ngọc đang giã thuốc.
Tuy nhiên, cách giải thích này mặc dù rất thú vị, nhưng không có cơ sở chính xác. Nếu xét về thói quen, gà trống thường gáy vào buổi sáng, nên tương ứng với giờ Mão, không thích hợp với giờ Dậu.
Giả thuyết 2: Xếp theo nguyên tắc âm-dương
12 địa chi chia làm âm dương: Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất thuộc dương; Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi thuộc âm. Theo đó, dương xếp số lẻ, âm theo số chẵn.
Một phát hiện rất lý thú rằng số móng vuốt của 12 con giáp cũng tuân theo cách đếm chẵn lẻ âm dương.
Người đầu tiên đưa ra nhận định này là Hồng Tốn người nhà Tống. Trong cuốn “Dương Cốc mạn lục”, ông chia con giáp thành hai loại âm dương: Chuột, hổ, rồng, khỉ, chó có 5 ngón và Ngựa có 1 móng, xếp vào nhóm số lẻ. Trâu, thỏ, dê, gà, lợn đều có 4 vuốt, thuộc nhóm số chẵn.
Còn lại là chuột và rắn. Rắn không chân nhưng lưỡi tách đôi hai phần, nên được xếp vào số chẵn. Trường hợp của chuột là đặc biệt nhất: Chân trước của chuột có 4 ngón (chẵn), chân sau có 5 ngón (lẻ). Giờ Tý từ 11 giờ đêm hôm trước (âm) đến 1 giờ sáng hôm sau (dương). Do đó, chuột được gắn với giờ Tý và đứng đầu 12 con giáp.
Giả thuyết 3: Căn cứ vào truyền thuyết dân gian
Dân gian Trung Quốc truyền miệng nhau câu chuyện về khởi nguồn của 12 con giáp như sau:
Ngọc Hoàng chọn được 12 con vật làm thần đại diện cho mỗi năm. Trong ngày cử hành nghi lễ nhận vị trí trong 12 con giáp, Ngọc Hoàng đã nói: “Trâu to lớn nhất nên ta để trâu đứng đầu”. Chuột lên tiếng phản đối và cho rằng con người xem nó còn to lớn vĩ đại hơn cả trâu.
Để chứng thực lời chuột nói, Ngọc Hoàng cùng tất cả các con vật xuống trần dò hỏi. Khi trâu đi ngang qua con người, chỉ nghe người nói “Con trâu này thật béo, thật khoẻ”, mà không hề nói nó to lớn.
Lúc này, chuột nhảy lên lưng trâu, đứng thẳng bằng hai chân sau, con người nhìn thấy liền kinh hãi: “Con chuột này to quá!”. Thế là chuột được Ngọc Hoàng chọn đứng đầu 12 con giáp.
Trong các truyền thuyết dân gian, con chuột được biết đến là loài vật có tính cách tinh ranh, xảo quyệt. Nó đã dùng mưu kế để giành lấy vị trí đầu tiên trong 12 con giáp.
Thuở xưa, người dân làm nông là chính, cánh đồng có chuột thì tan hoang, nhà có chuột thì hư hại, gạo thóc cũng bị nó ăn sạch. Song bắt hay tiêu diệt được chuột không phải chuyện dễ vì loài này rất khôn lanh, nên nó là loài vật không được ưu ái. Do đó, người Trung Quốc xưa cho rằng chuột thông minh nhất nên được xếp đứng đầu trong 12 con giáp.
Người Việt thường vận dụng trí tuệ của mình vào trong những hành vi ứng xử tạo nên những tiểu xảo trong cuộc sống, trong giao tiếp. Chính sự lanh lẹ, tinh ranh, tiểu tiết trong ứng xử tác động ngay trực tiếp tới người khác đã làm nổi bật cái gọi là “thông minh” của người Việt.
Xưa nay, người ta thường dùng khái niệm “văn hóa tiểu nông” để chỉ thứ văn hóa sản sinh bởi một xã hội sản xuất nông nghiệp, mạnh mún, mang tính tự cung tự cấp, ít tính liên kết và sản xuất chuyên sâu với trình độ phân công lao động thấp. Sản phầm của nền sản xuất tiểu nông ít được thị trường hóa. Văn hóa tiểu nông khiến con người luôn ở thế thủ, chỉ lo cho lợi ích bản thân và trước mắt, ít dám nghĩ chuyện lâu dài, và cũng ít có khả năng nghĩ chuyện lâu dài. Nền sản xuất tiểu nông luôn lặp lại và duy trì những quy trình có sẵn đã hạn chế tư duy tìm tòi khám phá của con người.
Thông minh hay tinh ranh tiểu tiết?
“Sự thông minh” của người Việt Nam tưởng chừng chẳng có liên quan gì tới thứ văn hóa tiểu nông. Văn hóa tiểu nông tưởng như vô hại đối với tính thông minh hay không thông minh của người Việt. Nhưng ở đây, bằng những nghiên cứu phân tích xã hội học, người ta đã lột tả rất rõ sợi dây liên kết này.
Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về sự thông minh của người Việt. Và có nhiều ý kiến đánh giá rằng: Người Việt thông minh với nghĩa so sánh tương đối với các chủng tộc trên thế giới.
Chúng ta luôn thừa nhận câu cửa miệng “người Việt thông minh”. Nhưng dường như chưa mấy ai đặt phạm trù thông minh của người Việt trong bối cảnh nền văn hóa, tâm lý và tập quán của cộng đồng xã hội người Việt, nên nhận diện về “sự thông minh ấy” còn phiến diện và không mang tính thuyết phục. Người Việt thông minh là vậy, thế tại sao ít có viễn kiến, ít có phát minh sáng chế, ít có nhà tư tưởng mang tầm cỡ nhân loại… Tại sao và tại sao?
Người Việt có thông minh không? Khách quan mà nói, giống người Việt không đến nỗi ngu độn (!). Có rất nhiều học sinh Việt Nam rất giỏi tại các trường danh tiếng thế giới. Những cuộc thi quốc tế về toán, lý hóa… thường đoạt giải cao. Nhưng để kết luận là thông minh (thông minh hơn so với các chủng tộc khác) thì phải so sánh. Hãy so sánh trí thông minh của người Việt với người Nhật, người Hàn, người Trung Quốc, người Ấn Độ, người Trung Đông, người Do Thái, người châu Âu, số người chiếm tới 80% dân số thế giới.
Nếu nói “người Việt thông minh” có nghĩa trí tuệ người Việt là thượng đỉnh trong số 80% dân số địa cầu. Không, chẳng đời nào lại như vậy! Các nhà bác học lớn, những nhà tư tưởng vĩ đại đóng góp cho văn minh loài người mà người Việt ta là nhóm người đang được hưởng thụ đại đa số cũng chỉ nằm trong những giống người kể trên. Làm phép so sánh như thế, ai cũng tin rằng người Việt chẳng thể hơn ai về trí tuệ trên trái đất này.
Vấn đề nằm ở đâu? Vấn đề là nằm ở chỗ, người Việt thường vận dụng trí tuệ của mình vào trong những hành vi ứng xử tạo nên những tiểu xảo trong cuộc sống, trong giao tiếp. Chính sự lanh lẹ, tinh ranh, tiểu tiết trong ứng xử tác động ngay trực tiếp tới người khác đã làm nổi bật cái gọi là “thông minh” của người Việt. Sự tinh ranh, tiểu tiết trong ứng xử cuộc sống cũng là căn nguyên chính tạo nên những thói hư tật xấu như thói hay ganh ghét, đố kỵ, trở thành một trong những đặc trưng tính cách của người Việt “một anh làm thì tốt, ba anh cùng làm thì hỏng việc”.
Ví von khác: Người Việt rất giỏi về các môn “chọc gậy bánh xe”, “qua cầu rút ván”, “gắp lửa bỏ tay người”, “ném đá giấu tay”… Tiểu xảo trong giao thiệp dễ để lại ấn tượng trong lòng người khác một cách vừa bất ngờ, vừa gây kích thích, vừa thú vị và có cả nể sợ. Chỉ thế thôi, tính chất thông minh đã được gắn với người Việt.
Người Đức nghĩ ra Mercedes và sản sinh ra Karl Marx tại sao không gắn tính thông minh vào? Người Trung Quốc có nhân vật Khổng Minh và viết ra Tây Du Ký hết thế hệ người Việt này đến thế hệ khác xem không chán, sao cũng không được gắn mác thông minh nhỉ? Vậy theo tôi, thật nực cười khi chúng ta tự nhận người Việt là thông minh.
Việc đánh giá người Việt thông minh hoàn toàn chỉ là sự đánh giá cửa miệng, thiếu cơ sở nghiêm túc. Đối với người nước ngoài nói về người Việt thì thường chỉ là lời khen “đãi môi”. Còn ai, người Việt nào tin và tôn sùng điều đó thì đó là kẻ ảo tưởng trầm trọng. Chưa có một công trình hay sự thừa nhận khoa học nào về nhân chủng học khẳng định tính thông minh nổi bật của dòng giống Việt.
Trí thông minh người Việt – sản phẩm của “văn hóa tiểu nông”
Người Việt rất ít khi dùng trí tuệ dành cho việc đi sâu khám phá. Bản chất vấn đề là thứ mà người Việt ít hướng tới, biến nó trở thành xa xỉ phẩm. Nên người Việt chẳng có mấy lý thuyết chuyên sâu, ít có sáng tạo phát minh cho nhân loại, không có mấy nhà tư tưởng. Nền khoa học của người Việt cũng chỉ toàn là thứ sao chép, lắp ráp, bắt chước do người khác làm nền tảng.
Những điều suy nghĩ chủ yếu của người Việt đối với cộng đồng thường không hướng vào lợi ích chung mà thường xuyên vận dụng để mưu cầu lợi ích riêng, để phù hợp với mục tiêu cá nhân, mang tính trước mắt. “Tính cộng đồng” mà nhiều người đánh giá là cao của người Việt thực chất là sự tri giác đối với xung quanh, một mặt để hạn chế sự khác biệt tức hạn chế sự phê phán, đánh giá của xã hội đối với bản thân (để đồng dạng).
Đồng thời người ta luôn tìm cách ứng xử để tạo vỏ bọc hình ảnh đẹp đẽ, giải tỏa thói sĩ diện huênh hoang cho chính mình. Cũng chính nó trở lại là thủ phạm của thói nhút nhát, tự ti khi cảm thấy mình yếu kém hơn xung quanh hoặc chưa chứng minh được mình hơn người.
Như vậy, trí tuệ của người Việt trở thành nô lệ của sự đánh giá, nó không hạn chế để phát triển lợi ích riêng có và rất hạn hẹp trong việc mở mang lợi ích chung. Người Việt chúng ta luôn tâm niệm với cái thiết thực nhất, trực tiếp nhất và là lợi ích trước mắt, những điều lớn lao, cao cả đối với cộng đồng là việc của người khác. Tâm lý “ôm rơm nặng bụng”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” theo góc độ quan tâm tới vấn đề chung đã làm thiệt thòi cho lợi ích cộng đồng.
Thiên hướng chú trọng sử dụng trí tuệ vào mặt này mà không tập trung vào mặt khác của đời sống xã hội không phải tự trí tuệ, mà được quyết định bởi nền văn hóa, thói quen, tâm lý của xã hội. Thứ văn hóa, tâm lý, thói quen tạo nên việc tập trung sử dụng trí tuệ vào một mặt nhất định của đời sống xã hội hay nói cách khác là thiên hướng sử dụng trí tuệ của người Việt như những điều đã phân tích ở trên chính là do “văn hóa tiểu nông”. Đây là thứ văn hóa lạc hậu, sai lệch, trì trệ, là thứ di sản văn hóa bệnh dịch, khó có thể gột rửa được ngay nhưng cần có ý thức để gột rửa.
“Văn hóa tiểu nông” tạo nên một nếp sống bừa bãi, tùy tiện của người Việt (văn hóa sống, văn hóa ứng xử). Nhiễm “văn hóa tiểu nông”, con người sẽ thiếu sự tôn trọng xung quanh (bao gồm tất tần tật từ người cho đến vật)- tất cả những thứ mà họ cảm thấy không liên quan trực tiếp tới mình. Vì vậy, nó là thủ phạm của sự thờ ơ với lợi ích cộng đồng, cũng là nguyên nhân của tính cách đố kỵ, tham lam, bè nhóm, thiển cận, cục bộ…
Vậy là ngoài việc tìm ra thủ phạm tạo ra cái mác “thông minh” háo danh của người Việt, ta cũng đã tìm ra một trong những thủ phạm cản trở sự thăng tiến của dân tộc Việt Nam nằm trong lĩnh vực văn hóa, đó là “văn hóa tiểu nông”.
Khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam; ra đời bộ Luật Hồng Đức hay thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là những sự kiện đều diễn ra vào năm Mão.
Theo Thạc sĩ Trần Anh Đức (Trung tâm Nghiên cứu Xuất bản và Giáo dục IPER), lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều những dấu son không thể phai mờ của năm Mão, điều đặc biệt những dấu son ấy hầu hết xuất hiện vào mùa Xuân – mùa của hy vọng.
Năm Quý Mão 43
Mùa Xuân năm 43, quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chiến đấu với quân Đông Hán do Mã Viện chỉ huy tại khu vực Phong Châu. Khi thất thế, chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đã tuẫn tiết để bảo toàn khí tiết khiến quân Hán nể sợ.
Năm Ất Mão 1075
Dưới thời Lý Nhân Tông, mùa Xuân năm Ất Mão (năm 1075), nhà Lý tổ chức khoa thi Tam Trường để tuyển chọn những người có học thức cao tham gia vào công việc hành chính quốc gia (nên còn gọi là kỳ thi Minh Kinh Bác Học). Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam, thể hiện bước thay đổi vị thế quan trọng của Nho học trong mối tương quan Nho – Phật – Lão lúc bấy giờ.
Cũng ngay trong năm 1075, quân đội nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã tấn công các thành lũy Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu, thực hiện chiến lược “tiên phát chế nhân”, phá hủy các tiền đồn mà nhà Tống chuẩn bị để xâm lăng Đại Việt. Hoạt động quân sự nhanh chóng và hiệu quả này đã góp phần quyết định vào chiến thắng vang dội tại sông Như Nguyệt năm 1076, đè bẹp tham vọng bành trướng xuống phía Nam của Đại Tống.
Năm Quý Mão 1483
Nhằm củng cố tính chất tập quyền thống nhất, năm Quý Mão 1483, vua Lê Thánh Tông ban hành bộ Quốc triều hình luật, còn được biết đến với tên gọi Luật Hồng Đức. Đây là bộ luật có nhiều nội dung tích cực, tiến bộ so với pháp điển của các triều đại trước cũng như so với luật Trung Hoa đương thời, đánh dấu bước tiến trong tư duy lập pháp của hệ thống chính trị quân chủ Việt Nam.
Năm Tân Mão 1831
Năm Tân Mão 1831, vua Minh Mệnh tiến hành một cuộc cải cách hành chính với quy mô, tính chất và phạm vi tác động chưa từng có trong lịch sử. Cụ thể, ông cho xóa bỏ các trấn cũ thời Lê, lập thành 18 tỉnh mới trải dài từ Cao Bằng xuống Quảng Bình (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ). Đứng đầu mỗi tỉnh nhỏ là một Tuần phủ, đứng đầu tỉnh lớn hoặc liên tỉnh là chức Tổng đốc. Hệ thống phân cấp hành chính này tiếp tục được người Pháp và các chính thể sau này kế thừa. Cùng với việc thiết lập các tỉnh mới ở khu vực phía Nam năm 1832, một Việt Nam hiện đại dần hình thành.
Năm Đinh Mão 1927
Đầu năm Đinh Mão (năm 1927), Hội Liên hiệp Các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản cuốn sách Đường Kách Mệnh, vốn là tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu (Trung Quốc). Cuốn sách đánh dấu mốc nổi trội trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mark – Lenin và tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc vào Việt Nam, góp phần thiết thực chuẩn bị cho sự ra đời của các tổ chức Cộng sản đầu tiên ở trong nước.
Năm Quý Mão 1963
Vào đầu năm Quý Mão (năm 1963), sau một ngày chiến đấu, Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã đánh bại các cuộc hành quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa có cố vấn Mỹ hỗ trợ tại Ấp Bắc (Mỹ Tho, Tiền Giang). Trận đánh kinh điển này, Quân Giải phóng đã làm phá sản chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận, bủa lưới phóng lao của địch, làm lung lay tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn. Chiến lược chiến tranh đặc biệt hoàn toàn thất bại.
Năm Ất Mão 1975
Sau 21 năm gian khổ chiến đấu, mùa xuân năm Ất Mão (năm 1975), Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định sẽ có tên gọi là Chiến dịch Hồ Chí Minh với mục tiêu thần tốc giải phóng Sài Gòn cũng như hoàn thành giải phóng các vùng lãnh thổ còn lại ở miền Nam trước mùa mưa, hạn chế tối đa tổn thất từ chiến tranh.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, hoàn thành các mục tiêu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cả nước có được hòa bình, thống nhất.