Những lưu ý quan trọng về phong thủy nhà ở trong dịp Tết Nguyên đán

Để hút được tài lộc, gặp nhiều may mắn vào dịp năm mới, các gia đình cần lưu ý một số yếu tố phong thủy nhà ở sau:

Chuyên gia phong thủy Tuấn Thịnh (Hà Nội) cho biết, để hút được tài lộc, gặp nhiều may mắn vào dịp năm mới, các gia đình cần lưu ý một số yếu tố phong thủy nhà ở sau:

Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa nhà

Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình không được may mắn, thành công, hạnh phúc.

Không làm vỡ đồ đạc

Theo quan niệm của ông bà, tổ tiên thì làm vỡ đồ đạc là sự chia ly, đau khổ và là một điềm báo không tốt cho cho gia đình bạn trong năm mới. Vì vậy, bạn hãy cẩn thận với mọi đồ đạc trong nhà để năm mới luôn thuận buồm, xuôi gió.

Dọn dẹp những thứ lộn xộn trước cửa nhà

Trong phong thủy nhà ở, trước cửa nhà là khu vực rất quan trọng. Đây là nơi đón các luồng năng lượng chảy vào nhà, thu hút tài lộc. Nếu trước cửa bừa bộn, bẩn thỉu sẽ sinh ra năng lượng tiêu cực, tích tụ khí xấu. Vì vậy gia chủ cần dọn dẹp nơi này sạch sẽ, nếu có thể, gia chủ nên thay thảm chùi chân, đặt chậu cây cảnh để gia tăng khí tốt. Đồng thời treo đèn sáng để nghênh đón thần tài vào nhà. Tết Quý Mão sắp đến rồi, bạn hãy bắt tay vào dọn dẹp cho năm mới nhiều may mắn.

Trồng cây phong thủy trong nhà

Vào dịp năm mới, các gia đình nên trồng thêm vài chậu cây phong thủy mang ý nghĩa tài lộc như: Kim ngân, phát tài, đào, quất, hải đường, thủy tiên… Tuyệt đối không nên đặt cây dâu tằm, cây đa bon sai. Vì hai loại cây này theo quan niệm dân gian là nơi tích tụ khí xấu.

Sửa chữa đồ hỏng

Trước thềm năm mới, những đồ đạc cũ, hỏng… nếu bạn vẫn có nhu cầu tái sử dụng thì nên sửa chữa lại, để sang năm mới mọi việc được trơn tru. Đặc biệt bạn cần kiểm tra lại đường điện, thay bóng đèn cũ để tránh chập hoặc cháy bóng. Nếu không sửa được hãy thay mới, vừa thuận tiện cho việc sinh hoạt lại tránh việc đen đủi khi sang năm mới. 

Mở cửa trước

Theo quan niệm dân gian, cửa trước chính là nơi nghênh đón tài lộc cho mỗi gia đình, vì vậy bạn hãy sang sửa, sơn lại hoặc trang hoàng khu vực cửa chính thật đẹp. Ngoài ra, khi vừa bước sang năm mới cần mở cửa chính, đi lại cửa chính thay vì cửa phụ. Nếu đóng kín, tài lộc sẽ không vào được trong nhà, nguồn năng lượng không được lưu thông, dẫn đến vận khí kém. Việc mở cửa chính vào ngày đầu năm còn mang ý nghĩa đào thải năng lượng xấu ra ngoài. 

Quỳnh Nga / Vietnam Net

CƯỜI CHÚT CHƠI : TRUYỆN TRẠNG QUỲNH

Thuở còn đi học, Quỳnh càng ngày càng mê cô con gái thầy học là Đoàn Thị Điểm là người vừa xinh đẹp, đoan trang lại giỏi văn thơ.

      Nhưng trêu chọc với nàng không dễ bởi ngoài tính tình đoan trang, Thị Điểm còn rất giỏi văn thơ nhất là ứng đối. Có lần Quỳnh từ phố Mía về, Thị Điểm thấy Quỳnh đang ngồi, liền ra ngay một vế đối có ý trêu:

     “Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường.” (kẹo tiếng địa phương còn có nghĩa là kéo lại).

      Gặp câu đối ra toàn mía, mật kẹo, đường, Quỳnh nghĩ mãi không ra vế đối, bí quá,

đành phải đánh bài chuồn.

      Một hôm, thấy cô Điểm vào buồng tắm, nhà vắng, Quỳnh nghịch ngợm gõ cửa đòi vào. Cô Điểm vốn hay chữ, tức cảnh, ra ngay một vế đối, bảo Quỳnh đối được thì cho vào. Câu đối như sau:

      – “Da trắng vỗ bì bạch!”. (Bì bạch, chữ hán cũng có nghĩa là da trắng).

      Quỳnh nghĩ nát óc cũng không tìm ra câu để đối, đành lủi thủi bỏ đi nhưng nghĩ bụng sẽ tìm dịp lỡm lại Thị Điểm.

      Một lần khác, Quỳnh ngồi đối diện với Thị Điểm qua cửa sổ Thị Điểm lại đọc một câu:

      “Hai người ngồi song song hai cửa sổ.” (Song là hai, song cũng có nghĩa là song cửa). Lại một lần nữa, gặp câu quá hóc búa, Quỳnh bí quá đành lảng ra chỗ khác.

      Một hôm tối trời, thừa lúc Thị Điểm ra ngoài, Quỳnh lẻn vào giường Thị Điểm nằm trước. Thị Điểm không biết, vào buồng sờ soạng, vô tình quờ ngay tay vào… Thị Điểm biết ngay là Quỳnh nghịch ngợm, liền ra cho một vế đối, bảo không đối được sẽ mách thầy học về tội sàm sỡ.

      Vế đối ra như sau:

      “Trướng nội vô phong phàm tự lập.”

      (Trong phòng không có gió mà cột buồm lài dựng lên)

      Lần này Quỳnh đối được ngay:

      “Hưng trung bất vũ thủy trường lưu”

      (Trong bụng không có mưa mà nước vẫn chảy dài).

      Lần đó Quỳnh thoát tội.

      Nhân ngày xuân, thầy sai Thị Điểm đem lễ lên chùa. Quỳnh được thầy cho theo cùng. Trên đường, Thị Điểm chỉ cây xương rồng bảo Quỳnh:

      – Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long (Long là lỏng lẻo, chữ Hán long nghĩa là rồng, mà chữ rồng đã dùng ở trên).

      Về ý, Thị Điểm nói bóng, Quỳnh ngang ngạnh, có dạy dỗ thế nào cũng không chuyển được.

      Chữ đối đã khó, ý lại sâu xa. Thế mà Quỳnh đối lại được rất chỉnh, lại tỏ được cái ý nhất quyết giữ cái tính ấy và còn thách thức Thị Điểm nữa. Quỳnh đối mhư sau:

      – Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử (Thử chữ hán nghĩa là chuột, mà chữ chuột cũng đã dùng trên).

      Cũng qua lần đối đáp này, hai người thấy tư tưởng không hợp nhau nên từ đấy thôi xướng họa.

Sưu tầm qua mạng.

7 điều khiến bạn mãi chỉ là kẻ tầm thường và kém cỏi

Trong khi bạn cắm đầu vào chơi game, ai đó đang thu nhận được những kiến thức đáng giá hơn cho cuộc sống của họ gấp nhiều lần. Hoặc đơn giản họ chỉ đang hoàn thiện khả năng vi tính của bản thân – bạn chắc bạn ổn về khoản này chứ?

7 điều khiến bạn mãi chỉ là kẻ tầm thường và kém cỏi

1. Bởi vì bạn chưa thất bại đủ nhiều

Bạn cảm thấy hài lòng với vị trí xoàng xĩnh của bản thân, và chọn cách không cố gắng vì cái gì cả. Bạn thích tự nói với bản thân rằng “Tôi sẽ học một nghề mới” hơn là thực sự lăn xả vào học. Bạn thường chặc lưỡi, việc này có vẻ phức tạp quá, có khi để sau hoặc “khỏi làm luôn cũng được”.

Bởi vì trong khi bạn ngồi đó thư nhàn, tôi đang tự thử thách mình bằng những lần thất bại liên tiếp, học những điều mới lạ hơn.

Bởi vì chỉ khi thất bại bạn mới có được bài học cho mình, như thép đã được tôi qua lửa đỏ và đập mỏng thành gươm, bạn mới đủ sức đương đầu với cuộc đời đầy rẫy những thanh gươm sắc bén hơn bạn gấp nhiều lần.

2. Bởi vì bạn luôn để ý xem người khác nghĩ gì về mình

Bạn luôn phải chật vật để hoà mình vào đám đông. Bởi bạn nghĩ, sự khác biệt chỉ giá trị khi bạn khác biệt theo cùng cái cách mà đã khiến những người khác nổi bật!

Bạn sợ phải phơi bày con người thật của mình, nếu như bạn có thể đánh giá người khác, bạn nghĩ rằng chắc chắn họ cũng phải lời ra tiếng vào lại về cách sống của bạn. Bạn quan tâm càng nhiều về những thứ bạn có nhiều bao nhiêu thì về những điều bạn đã làm ít bấy nhiêu.

Bạn dành tiền mua quần áo lượt là, xe hơi láng lẩy, ăn đồ cao lương- còn tôi để số tiền đó để đầu tư cho chính mình. Trong khi tôi khiến thế giới phải chấp nhận tôi, bạn khó nhọc hoà nhập vào với hàng vạn người ngoài kia bằng cách bắt chước những gì bạn cho là họ thích.

3. Bởi vì bạn nghĩ mình thông minh hơn người

Nghĩ lại đi, bạn đọc những gì người khác đã đọc, học những gì họ đã học, làm những gì họ đã làm, vậy mà gọi là thông minh ư?

Bạn học những gì bạn nghĩ có thể giúp bạn vượt qua bài kiểm tra của họ và bạn nghĩ điều đó khiến bạn có vẻ thông minh?

Bạn nghĩ chỉ khi còn đến trường ta mới còn học. Trong khi bạn đang gắng hình dung ra thế giới mênh mông từ lớp học bé tí, tôi đã ở ngoài đó, trải nghiệm nó bằng cách sống và thử thách bản thân mình ngoài cái nôi bảo bọc của gia đình, thầy cô.

Bởi vì thông minh không thể hiện qua những gì bạn đã học, mà là qua cách bạn sống.

Đừng lấy bằng cấp ra để so đọ hơn thua, tôi hoàn toàn có thể vượt qua bài kiểm tra của bạn dễ dàng, nhưng trong bài kiểm tra của tôi, điểm số mà bạn đạt được chỉ tính bằng một từ mà thôi: sống sót!

4. Bởi vì bạn không chịu đọc sách

Bạn chỉ chịu đọc những gì trường lớp ép bạn đọc, còn ngoài ra- không gì cả.

Bạn nghĩ lịch sử chán ngắt còn triết học thì mơ hồ quá.

Bạn thà ngồi xem TV còn hơn khám phá điều gì đó thú vị, như nhin thế giới qua lăng kính của một người khác bằng cuốn sách của họ.

Và có khi bạn còn chẳng thèm ngó qua bài báo này, thay vào đó bạn click vào một tin giật gân của celeb.

Chắc chắn bạn biết những điều này. Nhưng người ta chỉ dắt được con ngựa đến mép nước mà thôi, còn uống hay không là do bản thân nó.

5. Bạn đã không còn tò mò về mọi thứ từ khi nào?

Bạn tiếp nhận thông tin thụ động từ những trang báo copy nhan nhản của nhau. Bạn còn chẳng buồn hỏi, “lỡ như điều mình vừa đọc sai sự thật?”.

Bạn sẵn sang thán phục ai đó, “Woa, cái gì anh cũng biết!”, nhưng chẳng dám mở miệng nhận, “Tôi lại chẳng biết cái quái gì cả”.

Trong khi bạn đang chơi Candy Crush hoặc Flappy Bird, ai đó đang thu nhận được những thông tin thú vị và đáng giá hơn cho cuộc sống của họ gấp nhiều lần. Hoặc đơn giản họ chỉ đang hoàn thiện khả năng vi tính của bản thân- bạn chắc bạn ổn về khoản này chứ?

Bởi vì khi phải bước vào một cuộc tranh luận, bạn sẽ bị đối thủ hạ nốc ao, bằng những lý luận sắc bén và dẫn chứng đa dạng từ mọi mặt cuộc sống, bởi vì hắn thành thạo mọi điều bạn sắp dùng để đối phó.

Hắn lợi hại đến mức, có thể đổi hẳn về phía quan điểm của bạn mà vẫn giúp bạn thắng luận, sau khi đã cho bạn đo ván từ quan điểm của hắn.

6. Bởi vì bạn vẫn chưa đặt câu hỏi đủ nhiều

Bạn không đặt câu hỏi cho chính quyền. Cho nhà trường. Cho công ty. Cho chính bạn.

Bạn không hiểu được sức mạnh của những câu hỏi đúng nơi, đúng lúc; thể hiện sự bất đồng một cách nhã nhặn; đứng lên bảo vệ cho điều mà bạn tin chắc rằng đúng.

Bạn nói nhiều hơn là bạn hỏi. Bạn khiến kẻ khác có cơ hội hạ gục bạn bởi bạn cho hắn quá nhiều thông tin. Bạn chẳng quan tâm đến ai ngoại trừ bản thân mình.

Nhưng hỏi nhiều không phải theo kiểu bạn đang phơi bày tất cả những ngu dốt hạn hẹp của mình ra một cách ngây thơ.

7. Bởi vì bạn không biết chấp nhận sự thật

Bạn không dám thừa nhận bản thân mình không biết quá nhiều thứ. Bạn cần phải biết rằng đọc hết bài báo này cũng không đền bù cho tất cả quãng thời gian bạn đã lãng phí trong đời.

Nếu ai đó nói, ngày mai rồi mọi thức sẽ khác, bạn sẽ đợi đến đúng ngày mai để bắt đầu động tay động chân.

Bạn nghênh ngang đi khắp nơi, vui vẻ phủ nhận những sự thật khiến bạn khó chịu. Phải chi chỉ một lần, bạn chịu đưa cái lưỡi của mình ra, và nếm lấy sự thật- xem nó có vị ra sao.

Thứ duy nhất đang cản trở bạn làm những điều phi thường là chính bạn.

Theo NGƯỜI LAO ĐỘNG

Trung Quốc và Việt Nam có một tương lai chung thế nào?

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam.
16-01-2023

Trung Quốc và Việt Nam có một tương lai chung thế nào?Ảnh minh họa: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) vào ngày 5/11/2015

Trung Quốc và Việt Nam từng chung “chiến hào” trong chiến tranh nóng và lạnh, nhưng nay trong bối cảnh thế giới thay đổi phức tạp ông Tập Cận Bình thấy hai nước có chung một tương lai. Ông ấy ám chỉ xã hội chủ nghĩa và cam kết thúc đẩy trong Thư chúc mừng  trao đổi giữa hai ông Tổng Bí thư của hai Đảng cộng sản (CS) nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

“Chủ nghĩa tư bản đã cứu hai nước”

Hai Đảng CS Trung Quốc và Việt Nam đang tập trung quyền lực cao độ để đối phó với chủ nghĩa tư bản thân hữu để tránh sụp đổ chế độ. Đây là hệ quả của chính sách cải cách thể chế không tương thích với kinh tế thị trường. Thực tế cho thấy chủ nghĩa tư bản đã cứu hai nước có chung chế độ chính trị theo chủ nghĩa cộng sản. Và, không chỉ có vậy nó đã trở thành xu hướng phát triển không thể đảo ngược.

Trung Quốc đã tuyên bố theo chủ nghĩa xã hội (CNXH) từ năm 1949 nhưng ở bên bờ vực sụp đổ về kinh tế sau những thất bại bởi những chính sách hoang tưởng của Mao Trạch Đông. Nó đã được “cứu” bởi chủ nghĩa tư bản. Sự thật được kể lại rằng vào cuối những năm 1970s có mười tám người nông dân ở làng Xiaogang (tiếng Trung: 小岗村) đã thực hiện “khoán chui”, sau khi hoàn thành định mức của Nhà nước, họ sẽ được phép giữ lại bất kỳ khoản thặng dư nào cho riêng mình và bán những thứ họ không cần. Hành động “mạo hiểm” vì đi ngược chính sách XHCN của Đảng CS, nhưng đã mang lại kết quả thật kỳ diệu. Những nông dân này trong một năm đã gặt hái số ngũ cốc nhiều hơn toàn bộ ngôi làng sản xuất trong 10 năm trước đó cộng lại!

“Mô hình Xiaogang” đã là cú huých buộc Đảng CS phải nới lỏng sự kìm kẹp đối với người dân và cải cách kinh tế sâu rộng, chính sách “mở cửa” và “trải thảm đỏ” cho đầu tư tư bản nước ngoài. Nền kinh tế ngày càng trở nên tự do, người dân càng trở nên giàu có hơn, hàng trăm triệu dân đã thoát khỏi đói nghèo. Hàng triệu công ty tư nhân và ngoại quốc đang hoạt động, “công xưởng thế giới” phát triển, thành phần kinh tế tư nhân đóng góp trên 60% GDP, đô thị hoá nhanh chóng…

“Phép màu kinh tế” thực sự thuộc về chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và 18 nông dân dũng cảm đã liều mạng thử sức với nó. Trung Quốc đã trỗi dậy từ một trong những nước đông dân và nghèo nàn thành một quốc gia giàu nhất thế giới trong ba mươi năm. Tuy nhiên, sự giải thích về sự thành công này còn khác biệt. Các nhà cải cách biện minh rằng nhược điểm của chế độ dân chủ là ra quyết định chậm chạp bởi bị chia rẽ và đặc tính của các tập đoàn tư bản là tham lam…, và dựa vào lý thuyết chủ quyền quốc gia và tư tưởng thực dụng để tạo ra mô hình “XHCN đặc sắc Trung Quốc”. Trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây đã thừa nhận rằng quan niệm phát triển kinh tế thị trường sẽ dẫn đến dân chủ là ngộ nhận và sai lầm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung quốc đã chậm lại, dân số già đi do chính sách một con cực đoan, chính sách ngoại giao hung hăng, xã hội tư bản thân hữu lan rộng… là do sự lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền. Sự vận hành mô hình chính trị dưới thời Tập Cận Bình khẳng định sự kiểm soát chưa từng có đối với xã hội, đã có dấu hiệu xã hội quay trở lại quá khứ chủ nghĩa Mao. Tương lai XHCN trở nên bất định trong bối cảnh cạnh tranh ý thức hệ căng thẳng.

Sự kiện “khoán chui” ở tỉnh Vĩnh Phú, Việt Nam mở đầu cho đường lối Đổi mới năm 1986 “tương đồng kỳ lạ” với câu chuyện kể trên ở Trung Quốc tạo cú huých cho Chính sách cải cách và mở cửa. Các thế hệ lãnh đạo Đảng CS coi cải cách ở Trung Quốc là tấm gương noi theo để duy trì chế độ. Mặc dù, việc áp dụng mô hình Trung Quốc còn gặp khó khăn do thiếu chủ thuyết phát triển và những yếu tố đặc thù, thậm chí còn trải qua “thập kỷ mất mát” trong những năm 2010s nhưng Việt Nam không thể buông bỏ mô hình này. Đặng Tiểu Bình khi phát động cuộc chiến tranh biên giới 1979 với Việt Nam đã ám chỉ điều này khi “tự phụ” cho rằng ông ta thấu hiểu các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Sau giai đoạn “bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế” Đảng CSVN đã thâu tóm quyền lực để khẳng định tại Đại hội 13 chính sách củng cố Đảng – Nhà nước mạnh để theo đuổi tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường. Đây là một phiên bản đặc thù của mô hình Trung Quốc dựa vào tư tưởng “chủ nghĩa tân độc đoán.”

bri1.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh AFP

Chủ nghĩa xã hội là tương lai chung?

Việc thử nghiệm của học thuyết CNXH trong hơn thế kỷ qua đã gây ra những cuộc cách mạng đẫm máu, chiến tranh ý thức hệ, hàng chục triệu người chết và những kẻ độc tài… Như đã biết, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ từ cuối những năm 1990s, nhưng mô hình Trung Quốc trỗi dậy, tự coi là xã hội chủ nghĩa đặc thù, đó là lý do khiến nó vẫn nhận được sự quan tâm.

Ý tưởng CNXH đã manh nha từ cổ xưa, nhiều công trình khảo cổ học đã chứng minh điều này. Tuy nhiên, nó bùng lên để trở thành một chủ thuyết phát triển chỉ sau thời kỳ Khai sáng cách đây khoảng 250 năm. Đó là một thời điểm trong lịch sử khi các triết gia bất ngờ lật đổ giáo điều và truyền thống tôn giáo và thay thế bằng lý trí của con người. Họ nghĩ “đột phá” về tương lai loài người và, một trong ý tưởng ban đầu được biết đến là chủ nghĩa xã hội không tưởng. Và, như một lý thuyết nó phê phán sự bất công của chủ nghĩa tư bản, vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp mà xã hội loài người cần hướng đến bằng và với những giải pháp mờ nhạt, mang tính chất thiên về “cải lương”. Dù còn sơ khai và khiếm khuyết nhưng nó cũng được coi là một cơ sở của chủ nghĩa xã hội “khoa học” sau này, chủ thuyết mang tên nhà triết học nổi tiếng người Đức gốc do thái Các Mác. Ông lập luận rằng xã hội loài người tiến hoá theo năm phương thức sản xuất, từ xã hội nguyên thuỷ, chế độ nô lệ, phong kiến, tư bản và cuối cùng là cộng sản.

Bối cảnh xã hội lúc ông Mác sống là chế độ tư bản và, ông ấy đã viết “tư bản luận”, một nghiên cứu công phu, chứng minh rằng sự sụp đổ của nó là tất yếu, nhưng đã không chỉ ra cụ thể cách thức đến chế độ cộng sản thế nào. Những người theo ông sau này, từ V. Lênin, J. Stalin ở nước Nga trong nửa đầu thế kỷ 20 đến Mao Trạch Đông và Hugo Chavez – kẻ khiến Venezuela bị hủy hoại bởi chính sách xã hội chủ nghĩa, đều tìm cách này hay cách khác để biến “tài sản tư” thành “tài sản công” hòng thiết kế một chế độ xã hội chủ nghĩa, như họ khăng khăng, đó là giai đoạn đầu của xã hội cộng sản…

Những người thực hành chủ nghĩa Mác đã cố tình coi CNXH là mục đích thay vì phương tiện để biện minh cho hành vi. Đó là lý do để giải thích vì sao CNXH còn hấp dẫn nhiều người dù khi thực hành lại gây ra nhiều điều ác trên thế giới. Con người vốn tin rằng họ được thúc đẩy bởi mục đích tốt. Họ nghĩ thế này: nếu có Ý tốt, thì sẽ LÀM tốt, do đó sẽ TỐT. Và, giới cai trị đã dựa vào điều này để thực hành: nếu ai chống lại, sẽ là người không có ý tốt, và không thể tốt.

Mặc dù hai nhà lãnh đạo hai ĐCS vẫn khăng khăng về CNXH là tương lai chung, tuy nhiên, trước mắt cả hai ông đang phải đối phó với chủ nghĩa tư bản thân hữu nghiêm trọng – một xã hội được hình thành như hệ quả của tư tưởng thực dụng nhờ chủ nghĩa tư bản hòng xoá nhoà ranh giới ý thức hệ. Thực tế đã chỉ ra “đường đến địa ngục cũng có thể được lát bằng những mục đích tốt”, chủ nghĩa xã hội được coi là “tươi đẹp” nhưng chúng ta sẽ đến đó thế nào và bằng cái gì?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do 

Theo RFA

Nguyễn Xuân Phúc và cái chết trên chấm phạt đền

Lê Văn Đoành

Ngày 14-1-2023, giấy mời dự “hội nghị” khẩn cấp đóng dấu MẬT được gởi đến tất cả các Uỷ viên Trung ương khoá XII, thời gian làm việc gói gọn trong buổi chiều ngày 17-1-2023.

Hội nghị Trung ương bất thường lần này chỉ nằm trong hai vấn đề:

1. Trung ương xem xét theo hướng đồng ý cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương khoá XIII, thôi chức Chủ tịch nước, thôi đại biểu quốc hội khoá 15.

2. Kế đến, Trung ương giới thiệu nhân sự để quốc hội bầu tân Chủ tịch nước.

Như vậy, sinh mệnh chính trị của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang Việt Nam của ông Nguyễn Xuân Phúc sắp được định đoạt bởi kỳ họp Trung ương bất thường ngày 17-1-2023 và kỳ họp quốc hội bất thường trong ngày 18-1-2023.

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, cầm tinh con Ngựa, tuổi Giáp Ngọ. Năm 2006, từ chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Xuân Phúc được hai Uỷ viên Bộ Chính trị khoá IX, đồng hương, là Phan Diễn và Trương Quang Được kéo ra Hà Nội “tráng men” chức Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, vào Uỷ viên Trung ương khoá XI, leo lên ghế Phó Chủ nhiệm, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Năm 2011, dựa vào các thế lực trong đảng cùng tiền của đại gia Thân Đức Nam, Nguyễn Xuân Phúc tranh được suất Uỷ viên Bộ Chính trị, ngồi ghế Phó Thủ tướng.

Năm 2016, liên minh Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang đánh bật Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài chính trị, về làm “người tử tế”. Nguyễn Xuân Phúc trở thành ứng viên duy nhất cho ghế Thủ tướng.

Năm 2021, tuổi già sức yếu sau đột quỵ, Nguyễn Phú Trọng bị sức ép trong đảng, phải nhường bớt chiếc ghế Chủ tịch nước kiêm nhiệm. Suất “nhân sự đặc biệt” tái cử khoá XIII để đảm nhận vai trò Chủ tịch nước được dành cho “nhân tố miền Trung” trong tứ trụ, xướng danh Nguyễn Xuân Phúc.

Mô hình cộng sản của Việt Nam luôn là bản sao của Trung Cộng, vì vậy, tranh giành quyền lực luôn tàn khốc và đẫm máu.

Cuối năm 2014 đầu năm 2015, chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ XII, trang Chân Dung Quyền Lực, được sự hậu thuẫn của nhóm tướng lĩnh trong Tổng cục Tình báo, Bộ Công an, lập ra nhằm tấn công các ứng viên hăm he những vị trí chủ chốt như: Phùng Quang Thanh tranh ghế Chủ tịch nước, Nguyễn Hòa Bình tranh suất Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyễn Xuân Phúc tranh ghế Thủ tướng…

Trước thềm đại hội XII, cả ba ông nêu trên bị Chân Dung Quyền Lực phơi bày những gì xấu nhất về đời tư, đạo đức lối sống, tham nhũng, các mối quan hệ mờ ám và cả tham vọng chính trị… cho bàn dân thiên hạ biết. Chân Dung Quyền Lực qua hàng trăm trang tư liệu điều tra, tài liệu nội bộ tố cáo, nhằm đánh bật các đối thủ chính trị ra khỏi sân chơi. Kết quả chỉ có Phùng Quang Thanh bị “phơi lưng lấm bụng”, Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hoà Bình không hề hấn gì, lại càng leo cao.

Sau đại hội XII, tái trúng cử Uỷ viên Bộ Chính trị, nhận chức Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu phản công.

Những sự kiện sau đây, liên quan nhiều đến bộ ba Nguyễn Phú Trọng – Nguyễn Xuân Phúc – Tô Lâm:

– Năm 2016, sau đại hội XII, yên vị trên ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ hai, chiến dịch “đốt lò” thanh trừng nội bộ của Nguyễn Phú Trọng mới thật sự diễn ra khốc liệt.

– Ngày ngày 8-9-2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng có quyết định kỷ luật, khai trừ Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ra khỏi Đảng, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đây là phát súng đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng tuyên chiến với sân sau, phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng. Một tuần sau, Bộ Công an bắt giam Vũ Đức Thuận, thư ký của bí thư Đinh La Thăng, ngay sau đó là phát lệnh truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh.

– Ngày 7-5-2017, Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư thành Hồ bị kỷ luật, mở đường cho việc bị khởi tố bắt giam sau này.

Ông Thăng phải trả giá cho việc chủ mưu, tạo phe cánh trong đảng, thói ngạo mạn, ngỗ ngược với Nguyễn Phú Trọng.

– Ngày 28-7-2017, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh bị truất phế, quản thúc không thời hạn, vì tội muốn đoạt quyền, tiếm ngôi.

– Ngày 6-10-2017, bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, con trai cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi, bị cách tất cả chức vụ, đuổi ra khỏi Trung ương. Không lâu sau đó hàng loạt quan chức cán bộ lãnh đạo Đà Nẵng bị khởi tố, bắt giam, con trai Nguyễn Bá Thanh là Nguyễn Bá Cảnh cũng bị đuổi về làm thứ dân. Người ta cho rằng có bàn tay ông Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc “nhổ cỏ” này.

– Ngày 20-12-2017, Bộ Công an khởi tố, truy nã Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, đệ tử ruột và là sân sau của Trần Đại Quang.

Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng bắt giam “Thượng tá” quân đội Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”’, cháu rể của Trần Đại Quang và là đàn em của Đinh La Thăng.

Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm muốn “nhốt quyền lực” của Trần Đại Quang, ngăn chặn ông Quang lộng hành trong đảng, thao túng nhân sự, tham vọng quyền lực, muốn giành ghế Tổng bí thư.

Điểm qua một số mốc thời gian ghi dấu sự kiện để thấy “lò và củi” liên quan đến thanh trừng nội bộ ra sao.

Như đã nêu, quan hệ “bằng mặt không bằng lòng” giữa Nguyễn Xuân Phúc và phe nhóm an ninh tình báo trong Bộ Công an có từ thời Chân Dung Quyền lực.

Vụ án Vũ “nhôm”, Út “trọc”, cái chết của Trần Đại Quang và hàng loạt tướng tá Bộ Công an bị ném vào “lò”, dưới thời Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng, đã khiến ông Phúc “gây thù chuốc oán” không kể xiết với phe nhóm xuất thân từ công an trong đảng.

Khi nắm ghế Thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc đương nhiên tham gia Thường vụ đảng uỷ Công an Trung ương. Tuy vậy, như các vị khác trong “tứ trụ”, để đủ tai mắt, ông Phúc cài cắm người của ông ta vào Bộ Công an (BCA) lẫn Bộ Quốc phòng (BQP).

Lê Chiêm, sinh 1958, đồng hương Quế Sơn, Quảng Nam, Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng BQP, được kéo lên làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương.

Nguyễn Văn Sơn, sinh 1961, quê Đà Nẵng được đưa lên hàm Trung tướng, Thường vụ đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.

Lê Chiêm nghỉ hưu tháng 12-2021, hàm thượng tướng. Mặc dù ông Phúc can thiệp để kéo dài công tác, nhưng Nguyễn Văn Sơn vẫn bị buộc nghỉ hưu ngày 1-3-2022. Mất hai tướng lĩnh hộ vệ thân cận, cùng vụ Việt Á bị phanh phui, gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu bị tấn công tứ phía.

Năm 2019, ông Phúc “bật đèn xanh” cho tướng Trần Văn Vệ, Phó thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát BCA sờ gáy đại tá Nguyễn Duy Linh, Phó Tổng cục trưởng TC Tình báo và Hồ Hữu Hoà, tức “cậu” Hoà, về tội “nhận hối lộ” và “môi giới hối lộ”.

Linh là con trai duy nhất của tướng Nguyễn Văn Hưởng, một “bố già” khét tiếng. Hồ Hữu Hoà là cháu ruột của Hồ Mẫu Ngoạt, Trợ lý TBT Nguyễn Phú Trọng. Hoà là thầy phong thuỷ thân quen của nhiều Uỷ viên Bộ Chính trị và các tướng công an.

Nhận hối lộ từ Vũ “nhôm” 5 tỷ đồng, Linh bị tuyên án 14 năm tù. Nói ở tù, thực tế Linh chỉ đi nằm viện dưỡng bệnh, nhưng mất Uỷ viên Trung ương, thứ trưởng Bộ Công an mà Tô Lâm quy hoạch cho Linh vào khoá 14.

Nhục và cay cú, Nguyễn Văn Hưởng thề sẽ bắt Nguyễn Xuân Phúc có ngày phải trả giá.

Quay lại đại án Việt Á, Bộ Công an biết Phan Quốc Việt và công ty Việt Á lừa đảo từ lâu. Chỉ ba tháng cuối năm 2021, Việt Á đã ồ ạt nhập 3 triệu test kit từ Trung Quốc với giá 21.500 đồng/ test kit, đóng nhãn “made in” Học viện Quân Y, để bán với giá 500.000/ test kit, buộc cơ quan điều tra phải phá án.

Bộ Công an cũng nắm rõ người thân trong gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc có tham gia phi vụ “hút máu nhân dân” này từ giữa năm 2020, nhưng thời cơ hạ “knock out” chưa cho phép…

***

Nguyễn Xuân Phúc đang “chết trên chấm phạt đền”. Ân oán giang hồ do chính ông Phúc gây ra, cũng như lòng tham vô tận của vợ ông và những người thân của hai vợ chồng, đã kết thúc sự nghiệp chính trị của ông.

Xưa, kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, khi bố sắp chết nhưng phải lên sân khấu cười vui diễn hài, về đến nhà bố anh đã qua đời. Trần Đại Quang mắc nan y, vẫn tròn vai chủ tịch nước đến lúc hộc máu ngay trên bàn làm việc và tử vong. Nguyễn Xuân Phúc cũng vậy, trước ngày bị phế truất, tước bỏ quyền lực, về quê làm người “tử tế”, đảng vẫn bắt ông phải diễn hài. Ông Phúc vào thành Hồ chúc tết các cựu nguyên thủ, ra Hà Nội thả cá chép tiễn Táo quân, đọc diễn văn Xuân yêu thương…

Phải công nhận các đảng viên cộng sản giỏi hơn các danh hài, họ luôn “yêu thương, đoàn kết” với các đồng chí của mình, nhưng mỗi cá nhân đều luôn thủ một con dao, để sẵn sàng kết liễu nhau.

Theo Tiếng Dân