Mẹo decor nhà dịp Tết để nghênh đón tài lộc, sinh khí

Để trang trí nhà dịp Tết, các gia đình thường lựa chọn cây cảnh, hoa tươi để trang hoàng cho không gian sống.

Tết Quý Mão 2023 sắp đến gần, đây là thời điểm các gia đình bắt tay vào dọn dẹp, trang trí nhà thật rực rỡ, vui tươi để đón chào năm mới thành công, hạnh phúc. VietNamNet xin gửi tới quý độc giả một số mẹo decor, trang trí tổ ấm cho ngày Tết:

Trang trí nhà ngày Tết với phụ kiện treo may mắn

Các phụ kiện trang trí nhà cửa ngày Tết là những món đồ trang trí rất phổ biến. Ở phòng khách, gia chủ có thể trang trí bằng câu chúc hoặc câu đối, túi tiền vàng hoặc treo chúng trên những cành đào, cành mai, bình hoa để mang không khí nhộn nhịp và vui tươi trong những ngày Tết. Gia chủ có thể tự làm đồ phụ kiện trang trí cho nhà, vừa tiết kiệm chi phí lại độc, lạ. 

Trang trí tường nhà ngày Tết

Thông thường mọi người sẽ làm mới lại tường bằng cách sơn lại hay vẽ tranh tường chủ đề Tết. Những cách đó sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều cách đơn giản để trang trí bức tường thật sinh động và không tốn thời gian đó là dùng decal hoặc giấy dán tường, vừa thuận tiện nhanh chóng lại nhiều kiểu dáng phù hợp cho dịp Tết.

Trang trí nhà ngày Tết với hoa tươi

Vào ngày Tết ai cũng muốn trang trí ngôi nhà của mình thật lộng lẫy bằng sắc màu của hoa lá mùa xuân. Mỗi loại hoa tươi đều mang một ý nghĩa đặc biệt và quan trọng là chúng phải phù hợp với từng không gian riêng của mỗi nhà. 

Trang trí nhà ngày Tết với cây cảnh

Tô điểm thêm cho không gian phòng khách với cây xanh là một ý tưởng không tồi. Cây cảnh làm trung hòa về mặt thị giác, mang lại sự mát mẻ, bình yên cho ngôi nhà. Đặc biệt có người quan niệm rằng trang trí đúng loại cây cảnh phù hợp với tuổi, đặt cây vào vị trí đắc địa sẽ mang lại tài lộc cho gia chủ. 

Trang trí nhà với tranh treo tường

Một bức tranh mang hình ảnh chủ đề Tết, tươi sáng giúp không gian phòng khách trở nên tinh tế và sang trọng hơn. 

Trang trí nhà ngày Tết với mẹt tre

Các loại mẹt tre, mẹt trúc… đang trở thành vật trang trí hot được nhiều người yêu thích khi decor nhà cửa ngày Tết. Từ những mẹt tre, mẹt trúc… đơn sơ, mộc mạc được tô điểm bằng các phụ kiện Tết trở thành vật trang trí đẹp mắt, mang đậm tâm hồn Việt.

Trang trí nhà ngày Tết với tiểu cảnh

Tiểu cảnh trang trí Tết là một mô hình thiết kế thu nhỏ để trang trí. Tiểu cảnh Tết rực rỡ, lung linh không chỉ có tác dụng khuấy động không khí Tết, mà còn làm nổi bật không gian để đón một năm mới nhiều may mắn, thành công. Những tiểu cảnh Tết còn góp phần gợi nhớ Tết cổ truyền xưa, đem đến cảm giác thân thuộc cho những người xa quê.

Trang trí bàn thờ tổ tiên ngày Tết

Trang trí bàn thờ ngày Tết có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt vì điều đó thể hiện sự hiếu thảo, “uống nước, nhớ nguồn”. Trước tiên, cần dọn dẹp thật sạch sẽ ban thờ để tỏ lòng tôn kính, sau đó bày biện mâm ngũ quả, mâm lễ cúng, trang trí thêm những loại hoa tươi ngày Tết.

Trang trí mâm ngũ quả ngày Tết

Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong dịp Tết vì các màu sắc, tên quả trong mâm ngũ quả đều mang một ý nghĩa tốt đẹp cho gia chủ vào năm mới như màu vàng của quả xoài sẽ tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng hoặc màu xanh của quả bưởi sẽ tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở… Ngoài ra, mâm ngũ quả còn được bày ở bàn thờ gia tiên để thể hiện lòng biết ơn và mong cầu sự bình an, may mắn đến với gia đình trong năm mới.

Quỳnh Nga / Vietnam Net

Truyện : Đằng sau tờ 10 đôla

Ông Thanh tra tặc lưỡi: “Ông biết đấy, ông Webster, tôi không thể để như thế này”. Tôi có cảm giác lo lắng: “Tại sao ông không thể? Chúng tôi thiếu gì sao?”. Ông ấy lắc đầu: “Ngược lại, trong ngân hàng của ông dôi ra 10 đôla”. “Chà, đâu có đáng sợ như vậy. Miễn là không bị thiếu”. “Ồ không, ông Webster. Ông nhận thức rõ ràng báo cáo tài chính phải được cân đối đến đồng xu cuối cùng”. “Phải rồi, ông Steward – tôi tươi cười – Xét cho cùng cũng chỉ là 10…”

“Tôi sẽ báo cáo điều này với ủy ban” – ông ta mím môi. “Nhưng thưa ông Stewart – tôi nói – Điều này sẽ dẫn đến một cuộc điều tra”. “Không lẽ ông có điều gì muốn che giấu?”. “Tất nhiên là không – tôi nói chắc nịch – Tất cả các tài khoản của tôi đều hoàn toàn ổn”. “Ông có thừa ra 10 đôla trong tủ đựng tiền. Ông sẽ phải trả lời, ông Webster. Rõ ràng có ai đó đã đụng vào tủ tiền của ông”. “Không thể – tôi nói dứt khoát – Cả ông Barger và bà White đều đã làm ở chỗ tôi một thời gian rất dài. Tôi hoàn toàn tin tưởng họ”. “Và cả hai đều có quyền vào nhà kho?”.

“Phải, nhưng tôi không thể nghĩ là có ai trong số họ làm chuyện đó”. “Ông có chắc là mình không có sơ hở không?”. “Tôi không bao giờ mắc sai lầm. Ông Steward, ngày mai ông cứ kiểm tra lại tất cả các tài khoản, để ông không phải băn khoăn và nghi ngờ khi ông viết báo cáo”. Sau một lúc cân nhắc về đề xuất của tôi, ông ấy miễn cưỡng: “Được. Ngày mai tôi sẽ ghé vào đây một lần nữa, vào lúc 9h”.

Đằng sau tờ 10 đôla -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Sau đó tôi đi tới chi nhánh chính của ngân hàng. Ngày làm việc đã kết thúc nhưng ông Barger và bà White vẫn đang ngồi bên máy tính. Tôi nói với họ: “Sẽ có một cuộc điều tra. Sẽ có tin đồn trong thị trấn về việc chúng ta đang làm một số thủ tục tài chính. Nhiều khả năng người gửi tiền sẽ rút tiền gửi khỏi ngân hàng của chúng ta”. Đôi mắt của họ lảng tránh tôi.

“Tôi chẳng hề nghĩ sẽ có chuyện như thế này – tôi cất tiếng – Chúng ta đã làm việc cùng nhau hơn 20 năm. Tôi đã nghĩ rằng chúng ta gắn kết bởi một thứ hơn là mối quan hệ giữa sếp và cấp dưới. Tôi đã nghĩ chúng ta là bạn bè”. Bà White nuốt khan. Tóc bà đã bạc từ lâu. “Tôi không biết ai là người có lỗi – tôi nói – Tôi không biết hoàn cảnh nào đã đưa đẩy ai đó đến hành động như vậy. Nhưng vì chỉ là 10 đôla thôi nên tôi nghĩ chúng ta có thể dễ dàng làm chệch hướng sự cố”. Khuôn mặt họ sáng lên bởi hy vọng.

“May mắn là tôi đã thuyết phục được ông Steward quay lại vào ngày mai để kiểm tra lại – tôi mỉm cười – Còn bây giờ tôi sẽ vào kho và lấy 10 đôla ra khỏi đó, như vậy thì số tiền mặt của chúng ta sẽ trùng khớp với tài khoản”. Đôi mắt của họ lại trở nên vô hồn. Tôi vội nói thêm: “Đó tuyệt nhiên không phải là trộm cắp. Tôi sẽ chuyển 10 đôla đó đến Hội Chữ thập đỏ hoặc một tổ chức từ thiện khác”. Barger là người đàn ông cao, lưng hơi gù, hơn bà White vài tuổi. Ông ấy hắng giọng: “Vấn đề không phải là ở đó, ông Webster. Chẳng là tôi vừa mới niêm phong kho và đặt lịch đồng hồ rồi. Từ bây giờ cho đến 9h sáng mai thì không thể mở cửa kho”.

*

Vào buổi chiều, khi tôi đang ngồi ở nhà thì có tiếng chuông cửa. Ông Barger xuất hiện và bỏ mũ ra. “Tôi có thể nói chuyện với ông được không, ông Webster?”. “Dĩ nhiên rồi, Henry. Ông vào đi”. “Tôi cứ nghĩ mãi về những gì đã xảy ra và tôi không muốn ông bắt bà White phải chịu trách nhiệm về những rắc rối của chúng ta. Ông Webster, tôi đã bỏ thêm 10 đôla vào tủ đựng tiền của chúng ta”.

Có lẽ đôi mắt tôi đã mở to: “Nhưng Henry, sao ông có thể làm một việc như vậy?”. “Nó xảy ra một cách hoàn toàn tình cờ. Tôi không muốn điều này chút nào cả”. Trông ông ấy xanh xao, những ngón tay gõ lên vành mũ. Chờ một lúc, tôi hỏi: “Chuyện đã xảy ra thế nào?”. Ông ấy thu hết can đảm: “Các cuộc đua ngựa”. “Ông đã chơi ở các cuộc đua?”- giọng nói của tôi hơi phẫn nộ. Ông cúi đầu: “Tôi đã có rất nhiều hóa đơn y tế chưa thanh toán, tôi phải trả một khoản thế chấp và lương của tôi không cao lắm”. “Nhưng Henry, ông không biết rằng gần như không thể giành chiến thắng trong các cuộc đua sao?”.

Ông ấy lại cụp mắt xuống: “Đầu tiên tôi đặt cược 2 đôla, sau đó 5, rồi 10. Tất nhiên, đôi khi tôi cũng thắng, nhưng nói chung thì càng ngày tôi càng bị mắc kẹt sâu hơn”. Tôi thấy nghi ngờ: “Thế ông lấy tiền ở đâu ra?”. Henry liếm đôi môi khô: “Ở ngân hàng, thưa ông Webster”. Một khoảng lặng. “Sau khi tôi lấy 2 nghìn đôla từ ngân hàng, tôi hiểu rằng mình chỉ có thể hoàn trả số tiền này nếu thắng lớn”. “Và vì thế nên ông lấy thêm tiền”. “Vâng! Tôi đã đặt cược 2 nghìn đôla”. “Và ông lại bị thua”.

“Ông đoán sai rồi. Con ngựa mà tôi đặt cược đã về nhất và tôi thắng 1 ăn 10. Tôi đã thanh toán tất cả các hóa đơn y tế, trả hết thế chấp và trả số tiền tôi lấy từ ngân hàng vào đúng vị trí – Ông thở dài – Và thậm chí, thế nào mà lại để dôi ra 10 đôla”. Tôi không biết nói gì. Còn Henry, sau khi thú nhận mọi chuyện thậm chí còn vui lên một chút. Tôi đưa tay dụi mắt và ông ấy nhìn tôi: “Ông chuẩn bị sa thải tôi chứ?”. “Tôi sẵn lòng làm điều đó – Tôi cau có nói – Nhưng chỉ ngay sau khi tiền được trả lại ngân hàng… Bằng mọi cách chúng ta phải vào được kho trước khi Stewart đến”. “Ống nói đúng, ông Webster, nhưng làm thế nào để làm được điều đó?”.

“Khi Stewart đến thị trấn của chúng ta, ông ấy luôn dừng lại ở Ames House. Từ đó đến ngân hàng là bảy dãy nhà và ông ấy luôn đi bộ”. “Vậy thì sao?”. “Tôi sẽ đón ông ấy đến và trên đường đi tôi sẽ sắp xếp một sự cố trong xe. Tôi sẽ tìm cách để chúng tôi sẽ đến ngân hàng sau 9h một chút”. “Và tôi sẽ có mặt tại ngân hàng khi kho mở, tôi sẽ dùng một cái móc và kéo ra 10 đôla”. “Nhưng hãy nhớ – Tôi cảnh báo – Có thể ông sẽ có không quá 5 phút đâu. Còn điều này, Henry. Ông phải hứa với tôi rằng ông sẽ không đụng đến tiền của ngân hàng nữa”. Ông ấy áp tay vào ngực: “Tin tôi đi, ông Webster, tôi đã có được một bài học thấm thía rồi”.

*

Sáng hôm sau, khi tôi vừa dùng xong bữa sáng ở nhà hàng thì bà White xuất hiện ở cửa. Bà ấy đi thẳng đến bàn của tôi rồi ngồi xuống, tay cầm chiếc sắc của mình: “Ông Webster, cả đêm tôi đã không chợp mắt. Tôi đã vô cùng lo lắng…”. “Bà White, tôi nghĩ bà không cần phải lo lắng nữa về…”. “Không, chỉ là tôi không thể che giấu ông sự thật – Bà ngắt lời tôi – Tôi rất sợ khi nghĩ rằng ông có thể nghi ngờ ông Barger”. Tôi định uống một ngụm café nhưng bàn tay cầm chiếc tách đã khựng lại ở miệng. Bà White ngước đôi mắt xanh thật thà nhìn tôi: “Ông Webster, tôi đã bỏ thừa 10 đôla vào tủ tiền”. Tôi đặt chiếc tách lên bàn.

“Ông thấy đấy, tôi có sáu người con, tám đứa cháu đáng yêu, và họ hàng là những người tốt của thành phố. Và ông biết đấy, mọi việc diễn ra không như chúng ta muốn… mọi người đôi khi cần được giúp đỡ…. Không ai trong số họ có đủ khả năng tín dụng để vay ngân hàng một cách hợp pháp, vì vậy… thỉnh thoảng tôi đã cố gắng tạo điều kiện dễ dàng cho họ…”. “Và bà đã lấy ra bao nhiêu?”. “Họ đều là những người tốt, ông Webster, họ sùng đạo và rất đàng hoàng. Và vì tôi làm việc tại ngân hàng, tôi cảm thấy có nhiều tiền chỉ nằm ở đó mà không…”.

“Vậy tóm lại là bao nhiêu?”. Bà White nắm chặt chiếc sắc của mình hơn “2.500 đôla và 98 xu”. Trong một giây tôi muốn hỏi về số 98 xu nhưng đã kịp kìm lại: “Bà White, sao bà có thể hành động liều lĩnh, dại dột như vậy?”. “Tôi đã lấy ra lúc thì 20, lúc thì 30 đôla. Và cuối cùng thì tích góp được một khoản”. “Và tất nhiên – Tôi lắc đầu – Không người thân nào trả lại cho bà một xu”.

Bà ngước mắt lên: “Ông nói gì vậy, ông Webster. Họ đã trả lại đủ đến từng xu. Tôi chắc chắn rằng tôi đã không bỏ sót đồng nào, nhưng khi tôi đặt trả lại tiền vào kho, chắc là tôi đã bỏ thừa ra 10 đôla. Tôi sẵn sàng chịu hoàn toàn trách nhiệm về 10 đôla này. Tôi đã sống tốt và không hối tiếc. Tôi chỉ hy vọng các cháu tôi được phép vào thăm tôi”. “Tôi không nghĩ mọi việc đi xa đến vậy đâu”. “Nhưng tất nhiên là ông sẽ sa thải tôi. Tôi đã lạm dụng lòng tin thiêng liêng”.

*

Tôi và bà White vội ra xe đi đón Thanh tra Steward. Không may, chiếc xe của tôi đã bị xẹp lốp. Sau khi khắc phục được chúng tôi vội đến thẳng ngân hàng thì đã là 9h10 rồi. Ông Barger mặt tái mét: “Khi kho tiền được mở thì ông Steward đã ở đây rồi. Đã có chuyện gì vậy, ông Webster?”. “Nghĩa là sao chứ?” – Tôi cáu kỉnh lẩm bẩm.

Chúng tôi ngồi xuống và sốt ruột chờ đợi. Đến 10h30 thì Thanh tra Steward ra khỏi kho. Mặt ông ấy đỏ lên vì bối rối: “Điều đó có thể xảy ra với bất cứ ai” – ông ấy nói vẻ hối lỗi. Tôi thở phào “Điều gì có thể xảy ra cơ?”. Steward vẫy vẫy tờ10 đôla trên tay: “Hóa ra có một tờ tiền đã bị gập làm đôi. Và hôm qua ở tệp này tôi đã đếm tờ tiền đó thành hai lần. Nếu tôi đếm từ phía kia tệp tiền thì có thể các vị lại bị thiếu 10 đôla”.

Ông Barger, bà White và tôi đưa mắt nhìn nhau rồi quay sang ông Steward vẻ mặt vẫn đang bối rối. Tôi hít một hơi: “Nghĩa là, tiền mặt của chúng tôi…”. “Hoàn toàn ổn – Thanh tra Steward tuyên bố – cho đến đồng xu cuối cùng”.

Hải Yến (dịch) / Jack Ritchie (Mỹ) / Văn Nghệ CA

Cuộc vận động vua Bảo Đại thoái vị của quan đại thần Phạm Khắc Hòe

Trong sự thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng ta không thể quên công lao của cụ Phạm Khắc Hòe – một vị nhân sĩ yêu nước, tiến bộ, bằng hành động và cách ứng xử đúng đắn của mình đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự sụp đổ chế độ phong kiến, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Tòa nhà Ngự Tiền Văn Phòng, nơi làm việc của các trợ lý thời vua Bảo Đại.

Phạm Khắc Hòe (1901 – 1995) sinh ra, lớn lên ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh – vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, trưởng thành trong một gia đình khoa bảng. Cụ đã từng học chữ Nho, rồi sau đó chuyển sang học chữ Pháp và Quốc ngữ, đỗ bằng Tiểu học Pháp – Việt (Primaire, năm 1918), rồi tốt nghiệp Cao đẳng Pháp luật và Hành chính Hà Nội (năm 1925). Cụ làm Tham tán Tòa sứ và lần lượt làm việc ở Huế, Quy Nhơn, năm 1933 thì chuyển sang ngạch quan lại Nam triều ở Đà Lạt, mãi năm 1940 mới chuyển về Huế. Đến năm 1944, Phạm Khắc Hòe được vua Bảo Đại tiến cử đảm nhận chức Đổng lý Ngự tiền Văn phòng (quan Thượng thư) tại triều đình Huế.  Nhờ thân cận và được tín nhiệm nên Phạm Khắc Hòe có thể dễ dàng trấn an, lý giải, thuyết phục vua Bảo Đại giác ngộ con đường giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Hưởng ứng chỉ thị của Đảng và Mặt trận Việt Minh về khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước khi thời cơ đến, trong những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử. Tại Huế, Việt Minh Thừa Thiên Huế dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy đã nhanh chóng triển khai và phân công nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân nổi dậy, trong đó, đặc biệt coi trọng việc tìm cách liên hệ, kết nối và vận động Hoàng đế Bảo Đại chấp nhận thoái vị, nhường quyền quản lý cho chính quyền cách mạng. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế đã cử ông Tôn Quang Phiệt liên hệ với nhà vua thông qua Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe – một người có tư tưởng yêu nước và tiến bộ, là người trực tiếp làm việc bên cạnh vua Bảo Đại.

Sau khi cụ Hoè đi gặp Tôn Quang Phiệt, được cách mạng giao nhiệm vụ vận động vua Bảo Đại thoái vị. Về nhà Cụ liên tục soạn các sách lịch sử để hiểu rõ hơn những trường hợp của vua Luis XVI ở Pháp, Vua Nicolai II của nước Nga và các vị vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc và nhận thấy mình có đủ lý do để giúp vua Bảo Đại thấy cần phải thoái vị.

Khi phong trào Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra mạnh mẽ, nhiều người khuyên vua Bảo Đại nên dựa vào Nhật – Pháp chống lại Việt Minh. Riêng Phạm Khắc Hòe lại khuyên nhà vua trao ấn kiếm, viết chiếu thoái vị. Sáng ngày 17/3/1945, sau khi nghe Cụ nói về độc lập thật, độc lập giả, nói về Huỳnh Thúc Kháng thì Bảo Đại đã có sự chuyển biến tư tưởng và đưa cho Đổng lý Ngự tiền Văn phòng tờ giấy mà chính mình tự tay viết với nội dung: “Từ nay Trẫm sẽ tự cầm quyền và chế độ chính trị sẽ căn cứ vào khẩu hiệu “Dân vi quý”.

Vào ngày 17/8/1945, tại cuộc họp Nội các dưới sự điều hành của vua Bảo Đại, sau khi thống nhất các nội dung, Phạm Khắc Hoè đã dự thảo một văn bản (sau này gọi là “Chiếu động viên quốc dân”)  với 3 nội dung sau:

Thứ nhất là khẳng định tư cách và ý chí của dân tộc ta quyết tâm giữ vững nền độc lập

Thứ hai là kêu gọi mọi người ái quốc ra phò vua, giúp nước

Thứ ba là nêu cao tinh thần hy sinh của Hoàng đế với nội dung: “Muốn củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc, Trẫm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phương diện. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ, Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh giống như Trẫm”.

Trước khi chấp nhận thoái vị, vua Bảo Đại vẫn thắc mắc không biết lãnh tụ Việt Minh là ai, liệu có đồng ý giữ chính thể quân chủ hay không? Trước thắc mắc đó, cụ Hoè đã đến gặp Tôn Quang Phiệt kể chuyện về việc vận động nhà vua thoái vị và đồng thời hỏi anh Phiệt cho biết người cầm đầu Việt Minh là ai? Sau khi nghe Phạm Khắc Hoè kể câu chuyện mang màu sắc thần bí “Đụn sơn phân giải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh”, thánh ở đây là Nguyễn Ái Quốc cũng chính là Hồ Chí Minh, lại thêm câu chuyện vào ngày Quốc Khánh (ngày Gia Long lên ngôi), Bảo Đại đi từ điện Kiến Trung ra điện Càn Long rồi mới lên kiệu ra Thái Hoà dự lễ. Khi Bảo Đại vừa bước lên kiệu thì ngay chỗ Vua vừa đi qua một cái rầm vừa rơi xuống ngay giữa hành lang, nếu nó rơi sớm dăm bảy giây thì Bảo Đại đã chết rồi. Đức Từ Cung cho rằng đó là Phật Thánh báo hiệu cho biết một bước ngoặt rất lớn sắp xảy ra trong đời vua Bảo Đại, nhưng nhà vua vẫn an toàn, vô sự. Phạm Khắc Hoè lý giải rõ hơn: “Cái rầm to tướng rơi tức là thực dân Pháp đổ từ nay không có Tây đứng bên cạnh Ngài nhưng Ngài vẫn an toàn vô sự nhờ có sự che chở của cách mạng”. Từ các sự kiện liên tiếp đã tác động đến tư tưởng, vua Bảo Đại bật ngay ra một câu tiếng Pháp“Ca vaut bien le coup alors” nghĩa là: “Như vậy thì thật đáng thoái vị”; “Đáp ứng lời kêu gọi của Ủy ban, tôi sẵn sàng thoái vị. Trước giờ quyết định này của lịch sử quốc gia, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả mọi quyền lợi, để cho sự đoàn kết được thành tựu, và yêu cầu đại diện của Ủy ban sớm tới .

Sau khi Bảo Đại quyết định thoái vị, Phạm Khắc Hoè liền gửi ngay cho Uỷ ban Nhân dân Cách mạng văn bản với nội dung: “Ngài vui lòng thoái vị ngay và sắp đặt sẵn sàng, nhưng vì có trách nhiệm với lịch sử và toàn thể quốc dân, muốn chính phủ mới chính thức ra mắt quốc dân một cách long trọng. Ngài mong ông Chủ tịch Chính phủ Nhân dân Cách mạng lâm thời về gấp Thuận Hoá để Ngài giao chính quyền và Ngài muốn ông cho biết ngày làm lễ ấy”Chiếu thoái vị của nhà vua được cụ Phạm Khắc Hòe đưa ra niêm yết tại Phu Văn Lâu từ ngày 25/8/1945 và được vua Bảo Đại tuyên đọc trước toàn thể quốc dân, đồng bào vào chiều ngày 30/8/1945, tại lầu Ngọ Môn trong lễ Tuyên bố thoái vị và bàn giao mọi quyền lực cho đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đầu tháng 9/1945, cựu hoàng Bảo Đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn tối cao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cựu Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe cũng trở thành một công dân nước Việt Nam mới, được cách mạng giao cho chức Giám đốc Nha Pháp chính Bộ Nội vụ, Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ, Cố vấn kiêm Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị đàm phán với Pháp ở Đà Lạt và Fontainebleau. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Chính phủ trở về thủ đô, ông nhận chức Vụ trưởng Vụ Dân chính kiêm Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng, từ năm 1961 được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều khóa liên tục, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Bảng vàng danh dự (có 3 con đi bộ đội); Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.

Nói về việc làm của mình , trong tập hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, Cụ Phạm Khắc Hoè đã viết: “Tôi làm việc theo tiếng gọi của Tổ quốc, theo sự thúc giục của lương tâm, với tấm lòng thiết tha mong muốn nước nhà có một chế độ mới thay thế chế độ vua quan lỗi thời mà cụ hiểu rất rõ”. Có thể nói, để có thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nhanh chóng và ít đổ máu, thì Phạm Khắc Hoè bằng những biện pháp khôn khéo, thuyết phục vua Bảo Đại thoái vị có vai trò rất quan trọng. Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu cầu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi”. Đó là nét độc đáo của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo tư tưởng nhân văn, chiến lược đại đoàn kết dân tộc, nghệ thuật khởi nghĩa dân tộc của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh do Hồ Chí Minh đứng đầu.

Theo LÊ THỊ MAI AN / BẢO TÀNG LỊCH SỬ THỪA THIÊN HUẾ

Nạn tham nhũng ra sao sau 10 năm ‘đốt lò’?

Nhìn lại thành tích của “người đốt lò vĩ đại” Nguyễn Phú Trọng sau 10 năm

‘Lãnh tụ’ tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã bắt đầu chiến dịch ‘đốt lò’ phòng, chống tham nhũng kể từ Tháng Hai năm 2013. Truyền thông nhà nước khoe khoang thành tích ‘đốt lò’ của ông Trọng trong mười năm qua bao gồm: kỷ luật hơn “2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.” Trong cuộc họp thường trực ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Trọng tuyên bố “trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.”

Còn theo báo cáo của chính phủ Việt Nam, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 40,97% trong năm 2022. Thật khó có thể xác định được tính chính xác về số các vụ tham nhũng mà nhà nước Việt Nam đưa ra. Nhưng nhìn chung, sau mười năm ông Trọng và ban chỉ đạo Trung ương ‘đốt lò’, tham nhũng không giảm đi, nhưng vẫn tăng đều và tăng mạnh.

Hai tấm hình anh Kugan chụp làm bằng chứng- Ảnh: Facebook

Mới ngày đầu tiên của năm mới 2023, Việt Nam lại được ‘tai tiếng’ vì nạn tham nhũng, bòn rút. Một du khách người Singapore, anh Kugan Pillai, đã tố cáo an ninh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội đòi tiền tip trên tài khoản Facebook của mình, thu hút hàng chục ngàn chia sẻ (share). Anh Kugan cho biết khi đang làm thủ tục xuất cảnh để bay về Singapore, một nam an ninh đã viết chữ ‘tip’ trên vé máy bay của anh:

Tôi không biết phải làm gì hoặc nhờ ai giúp đỡ và tôi cũng đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến bay của mình. Cuối cùng, tôi đã nhượng bộ bằng cách đưa 500.000 đồng. Tôi biết điều này có thể là bình thường ở các quốc gia khác, nhưng tôi cảm giác như mình đang bị bắt làm con tin, nếu không đưa tiền, hộ chiếu của tôi sẽ không được đóng dấu cho qua.” Đáng chú ý, anh Kugan Pillai cho biết đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Singapore về sự việc.

‘Công thần’ của Đảng Cộng sản Việt Nam, cố Trung tướng Trần Độ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, kiêm phó Chủ tịch quốc hội, đã từng nhận định vấn nạn nhức nhối này trong cuốn nhật ký cuối đời ‘Nhật Ký Rồng Rắn’: Nơi nơi tham nhũng, cấp cấp tham nhũng, ngành ngành tham nhũng. To tham nhũng to, nhỏ tham nhũng nhỏ.

Từ đâu có tham nhũng?

Từ “power” trong tiếng Anh vừa có nghĩa quyền lực, đồng thời cũng có nghĩa sức mạnh. Điều này phần nào lý giải quyền lực thì có sức mạnh, vì thế nhiều người bị sức mạnh quyền lực cuốn hút. Trong các loại quyền lực, đáng kể nhất là quyền lực chính trị bởi nó có khả năng thay đổi, hoặc chi phối các chính sách xã hội và kinh tế của một quốc gia.

Để đảm bảo rằng quyền lực chính trị không bị lạm dụng phải có những cơ chế để kiểm soát hoặc giới hạn quyền lực. Cả hai triết gia vĩ đại của thế kỷ Khai Sáng (Enlightenment) là John Locke (1632) và Baron de Montesquieu (1689) đều trăn trở, suy tư tìm cách bảo vệ tự do của người dân trước một chính phủ lạm dụng quyền lực.

Trong cuốn sách nổi tiếng “Tinh Thần Pháp Luật” năm 1748, triết gia Montesquieu đưa ra giải pháp duy nhất để ngăn chặn sự tha hóa và tham nhũng quyền lực là chia đều quyền lực để giám sát và giới hạn quyền lực. Khi quyền lực không được phân tản, triết gia Montesquieu cảnh báo rằng tự do sẽ bị tước đoạt. Thực thế!

Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã và đang dưới sự lãnh đạo duy nhất và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả mọi quyền lực, bao gồm của chính phủ, quốc hội, và tư pháp, đều dưới sự lãnh đạo ‘độc quyền’ của ‘đảng ta’. Như thế, quyền lực chỉ tập trung mà không được phân tán, dẫn đến lạm quyền và tham nhũng là hiển nhiên. Như sử gia người Anh, Lord Acton, nhấn mạnh cách đây hơn 100 năm: “Quyền lực thường tha hóa. Quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối.

Vũ Đức Đam, nhân vật đang chờ bị mất ghế Phó Thủ tướng do liên quan đại án “Kit xét nghiệm Việt Á”. Ảnh: Tuổi Trẻ

Tham nhũng giản dị là sử dụng quyền lực từ chức vụ để mang về lợi ích cho cá nhân hoặc gia đình. Tại Việt Nam, đại đa số những người tham nhũng đều là đảng viên, hoặc thân hữu của chế độ sử dụng chức vụ hoặc đặc quyền để trục lợi, bòn rút. Căn bệnh tham nhũng có mặt tại mọi quốc gia độc tài lẫn dân chủ. Tuy nhiên, căn bệnh này ‘sinh sôi nảy nở’ rất mạnh, gần như không thể kiểm soát trong môi trường độc tài chuyên chế. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự quản lý độc quyền của bộ máy nhà nước với mọi khía cạnh của nền kinh tế.

Nền kinh tế của Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba, hoặc Việt Nam đều dưới sự kiểm soát tuyệt đối của một đảng cầm quyền duy nhất, thông qua các doanh nghiệp nhà nước và sở hữu ngân hàng, đất đai, và tài nguyên khoáng sản. Khi các viên chức nhà nước tham gia trực tiếp sâu rộng vào kinh tế, họ có nhiều cơ hội để trục lợi bằng chức vụ. Thêm vào đó là bộ máy nhà nước cồng kềnh, đảng cầm quyền phải ‘nhắm mắt’ cho cấp dưới tham nhũng để nuôi dưỡng lòng trung thành. Có thể thấy, thể chế chuyên quyền là nguồn gốc của lạm quyền và tham nhũng.

Chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ‘năm lần bảy lượt’ thừa nhận những yếu kém tất yếu từ chính sách ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’: “Mặc dù Đảng đã có nhiều văn bản chỉ đạo đổi mới hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn có không ít tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp …lạm dụng chức quyền, vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước.

Thực hư chiến dịch ‘đốt lò’

Nhìn vào những con số của chiến dịch ‘phòng, chống tham nhũng’ của ông tổng bí thư trong mười năm qua, như “khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/4.620 bị cáo” sẽ thấy họ chỉ tập trung vào việc điều tra, truy tố, và trừng phạt. Nói cách khác, ông Trọng không đưa ra cụ thể cách thức để phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Ông Trọng và phe cánh hiểu rõ hơn ai hết cách thức phòng chống tham nhũng như thế này khác gì ‘nước đổ lá môn’.

Có thể dễ dàng thấy lý do chính mà ban chỉ đạo Trung ương của ông Trọng chọn phương pháp này bởi lợi ích chính trị lâu dài: gầy dựng niềm tin của công chúng và trấn an các nhà đầu tư nước ngoài và quan trọng hơn là thanh trừng các đối thủ. Nói cách khác, chống tham nhũng bằng các truy tố, trừng phạt thì có lợi với ông Trọng hơn là ngăn ngừa tham nhũng.

Các bị cáo trong vụ đại án AIC (từ trái sang, từ trên xuống): Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ, Bồ Ngọc Thu, Hoàng Thị Thúy Nga. (Ảnh: Trần Tâm/Thanh Niên)

Thực tâm chống tham nhũng hay chống bằng mồm?

Các học giả chuyên nghiên cứu cải cách chống tham nhũng đồng thuận rằng bài trừ tham nhũng bằng cách tập trung vào điều tra, khởi tố, và hình phạt nghiêm khắc, mà bỏ qua phương pháp phòng ngừa là không có hiệu quả. Kết quả thường thấy của các chiến dịch chống tham nhũng như vậy có thể dự đoán được: tham nhũng được trấn áp tạm thời, nhưng nguồn gốc của tham nhũng vẫn còn nguyên vẹn. Một khi chiến dịch chống tham nhũng được nới lỏng, tham nhũng sẽ tiếp diễn, có thể đi kèm là các vụ thanh trừng được thực hiện bởi lãnh tụ tối cao mới.

Lịch sử thế giới cũng chứng minh rằng khó có thể cải tiến một nhà nước tham nhũng toàn diện, nếu như không thay đổi cơ chế và hệ thống tạo ra tham nhũng. Tin chắc rằng ông Trọng và ban lãnh đạo Trung ương hiểu rõ nguyên lý này hơn ai hết.

Tuy nhiên, nếu như ông Trọng và Bộ Chính trị thực tâm muốn phòng ngừa tham nhũng hiệu quả lâu dài, nó có thể được thực hiện bằng các biện pháp phòng ngừa. Về mặt kinh tế, biện pháp tối quan trọng là giảm quyền kiểm soát tập trung của nhà nước đối với nền kinh tế.

Nghĩa là, phải tư nhân hóa tất cả doanh nghiệp và tài sản thuộc sở hữu nhà nước theo thời gian, có hệ thống, và đặc biệt trong sự minh bạch. Quyền lực dẫn tới tham nhũng và quyền lực tuyệt đối đưa tới tham nhũng tuyệt đối. Bởi thế, muốn chống tham nhũng hiệu quả trước hết phải giảm bớt và phân tán quyền lực tập trung của nhà nước với nền kinh tế.

Ông Nguyễn Thanh Long (trái), cựu bộ trưởng Y Tế, và ông Chu Ngọc Anh, cựu chủ tịch thành phố Hà Nội, bị bắt ngày 7 Tháng Sáu, 2022 trong vụ đại án “Kit xét nghiệm Việt Á” (Ảnh: chinhphu.vn)

Về mặt thể chế, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam phải quy định bắt buộc tất cả các đảng viên, bất kể chức vụ, công khai tài sản và tạo điều kiện để người dân có thể kiểm chứng thu nhập của họ. Thành viên Bộ Chính trị có thể cho người dân thấy quyết tâm chống tham nhũng bằng cách công khai và minh bạch tài sản của mình để ‘làm gương’.

Thêm nữa, các cơ quan chống tham nhũng phải hoạt động độc lập, có thẩm quyền cụ thể, và được pháp luật bảo vệ để tránh bị chính trị hóa. Ví dụ, Đạo luật Phòng chống Tham nhũng (POCA) của Singapore ra đời năm 1960 và đạo luật này trao thẩm quyền rộng và đảm bảo ngân sách hoạt động cho cơ quan chống tham nhũng duy nhất và độc lập của Singapore. Cục Điều tra Hành vi Tham nhũng (CPIB) của Singapore là một trong những vũ khí đắc lực giúp chính phủ Singapore ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả.

Cuối cùng, nếu thực tâm muốn kiểm soát tham nhũng, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam phải cho phép tự do báo chí và tự do ngôn luận. Chính báo chí và người dân sẽ giúp đảng giám sát và kiểm soát bộ máy quan liêu hiệu quả. Về lý thuyết, nếu Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện những biện pháp đề nghị trên, cuộc chiến phòng và chống tham nhũng sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế, Đảng Cộng sản sẽ thấy đề nghị trên là đáng sợ và không thể thực hiện, vì phân tán quyền lực chưa bao giờ tồn tại ở chế độ chuyên quyền. Âu cũng vì một chữ SỢ. Sợ mất quyền!

Bởi thế, sau mười năm ‘đốt lò’ và mười mấy năm trước đó, Đảng Cộng sản càng chống tham nhũng, thì tham nhũng ngày càng tăng, như cố Trung tướng Trần Độ nhận định: Chống tham nhũng không được, cũng chỉ vì Đảng không thật sự chống.

Mai Vũ Phạm / Saigon Nhỏ

Ông Tập Cận Bình đổi giọng thành “người cổ vũ” để cứu nền kinh tế

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm, và sự suy giảm kinh tế mạnh đã trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo truyền thông Mỹ, với việc bãi bỏ chính sách phòng chống dịch zero-COVID, ông Tập Cận Bình đã từ một thành viên ủy ban kỷ luật của nền kinh tế Trung Quốc, biến thành một “người cổ vũ” kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh chụp màn hình video)
Ông Tập Cận Bình trở thành người cổ vũ giữa khủng hoảng kinh tế
Tờ New York Times đã đăng một bài bình luận vào ngày 13/1 và chỉ ra rằng trong bài phát biểu chúc mừng năm 2022, ông Tập Cận Bình không đề cập đến kinh tế Trung Quốc, nhưng trong phút đầu tiên của bài phát biểu chúc mừng năm 2023, ông đã khen ngợi nền kinh tế Trung Quốc. Ông Tập nói rằng Trung Quốc “tiếp tục giữ vị thế là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới”, đồng thời nói rằng Chính phủ “áp dụng hàng loạt biện pháp như cắt giảm thuế, giảm phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Cách đây không lâu, ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác tại một cuộc họp để đặt ra các mục tiêu chính sách cho năm 2023, cho biết cần phải thúc đẩy nền kinh tế và cam kết hỗ trợ cho khu vực tư nhân. Sau đó, các quan chức ĐCSTQ cũng bắt đầu thể hiện sự thân thiện với các doanh nghiệp.

Bài viết mô tả rằng cùng với việc bãi bỏ chính sách phòng chống dịch bệnh zero-COVID, ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, bắt đầu chú ý đến nền kinh tế, trở thành “người cổ vũ / hoạt náo viên”.

Trong 3 năm qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chính sách “zero-COVID và phong tỏa” nghiêm ngặt của ĐCSTQ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và sinh kế của người dân Trung Quốc. Thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào tình trạng đóng băng, một số lượng lớn doanh nghiệp tư nhân và cửa hàng đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thanh niên không tìm được công việc có tương lai, tiêu dùng chững lại. Cùng với việc các quỹ của chính quyền địa phương cạn kiệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến sự trỗi dậy của “Phong trào Giấy trắng”, tất cả những điều này đã cũng đã tác động đến địa vị  thống trị của ông Tập Cận Bình.
Bài viết nói rằng giống như việc Trung Quốc đột ngột đảo ngược chính sách zero-COVID một tháng trước, bước ngoặt 180 độ gần đây nhất này tương đương với việc thừa nhận tình trạng mong manh của nền kinh tế Trung Quốc.

Cùng với cuộc chỉnh đốn của ông Tập Cận Bình đối với các công ty tư nhân đang đến giai đoạn cuối, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết trong tuần này rằng họ sẽ nới lỏng các quy định đối với các công ty công nghệ. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn (Liu Kun) nói với truyền thông nhà nước rằng, Trung Quốc dự định mở rộng chi tiêu tài khóa vào năm 2023, sử dụng kết hợp các biện pháp kích thích, trợ cấp và cắt giảm thuế để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng sự thay đổi chính sách kinh tế của ĐCSTQ không thể làm giảm bớt những lo ngại của thị trường. Ông Duncan Clark, chủ tịch của công ty tư vấn đầu tư BDA China Limited có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với New York Times rằng so với trước đây, hiện giờ các công ty coi việc kinh doanh ở Trung Quốc có nhiều rủi ro hơn. “Mọi người hiện không có niềm tin, vấn đề này sẽ không biến mất.”
Nhiều người trong cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy lo ngại về cách làm của ĐCSTQ trong việc ứng phó với dịch bệnh, ảnh hưởng ngày càng tăng của hệ tư tưởng đối với chính sách kinh tế. Các công ty lớn thuộc sở hữu nước ngoài như Apple đã tăng cường nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.
Nhà kinh tế Trung Quốc Hướng Tùng Tộ (Xiang Songzuo) nói với New York Times rằng ông không nghĩ rằng đã có sự thay đổi cơ bản trong thái độ đối với doanh nghiệp từ các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, nhưng giọng điệu của họ đã dịu đi do suy thoái kinh tế. Ông Hướng cho rằng Chính phủ nói rằng họ muốn “xoa dịu các công ty tư nhân”, nhưng căng thẳng giữa Chính phủ và doanh nghiệp vẫn tồn tại, bởi vì ĐCSTQ muốn duy trì quyền kiểm soát đối với các công ty tư nhân và sẽ không chuyển trách nhiệm quản lý sang thị trường hoặc luật hiện hành.

Liệu giải cứu kinh tế của ông Tập Cận Bình có hiệu quả?
Một số tổ chức tài chính nổi tiếng quốc tế đang điều chỉnh dự báo về nền kinh tế Trung Quốc, họ cho rằng GDP của Trung Quốc năm 2022 sẽ chỉ ở mức 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức 5,5% dự kiến. Dự báo GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ của Goldman Sachs đã được đẩy lùi cho đến năm 2035.

Ông Trương Tuấn Hoa (Zhang Junhua), một học giả người Đức gốc Hoa, nói với DW (Deutsche Welle) vào ngày 12/1 rằng chỉ có một lý do duy nhất khiến ông Tập Cận Bình chuyển hướng mạnh mẽ trong việc đưa ra chính chính sách mới, đó là cứu nền kinh tế. Bởi vì chỉ có kinh tế mới là nguồn hợp pháp chủ yếu nhất của ĐCSTQ.

Ông Thierry Wolton, một nhà sử học người Pháp, nói với Le Figaro (Pháp) rằng lệnh phong tỏa kéo dài 3 năm đã cô lập Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, dẫn đến thương mại sụp đổ, năng lực sản suất trong nước giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Thêm vào đó là khoản nợ khổng lồ hơn 300 tỷ đô la của bất động sản, và nếu cỗ máy kinh tế vẫn trong trạng thái đình trệ, thì những khoản nợ này sẽ không cách nào ‘tiêu hóa’ được. Nếu nền kinh tế có vấn đề, ĐCSTQ sẽ mất hết tín dụng còn sót lại, vì vậy mọi việc trở nên rất cấp bách đối với ĐCSTQ, và cần phải chuyển hướng gấp, nếu không thì sẽ khiến đất nước chìm vào khủng hoảng.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Lương Kinh (Liang Jing) đã viết một bài phân tích nói rằng: Xu hướng của nền kinh tế của Trung Quốc đã mất sau khi trải qua đại dịch toàn cầu, tức là nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua điểm uốn lịch sử từ thịnh vượng sang suy thoái. Tuy nhiên, vẫn có một số tổ chức quan trọng đưa ra dự báo khá lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vào năm 2023, và họ không thể không biết rằng ngay cả các chuyên gia hàng đầu trong thể chế của ĐCSTQ cũng đã đưa ra chẩn đoán tồi tệ về nền kinh tế Trung Quốc.

Bài viết cho rằng xét về triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2023, yếu tố rủi ro lớn nhất không phải là bản thân nền kinh tế, mà là việc sắp xếp nhân sự của ông Tập Cận Bình vẫn chưa xong, còn gần hai tháng nữa mới diễn ra “lưỡng hội”. Trong 2 tháng này, liệu cao tầng của ĐCSTQ có xảy ra biến đổi lớn hay không, đây là vấn đề mà tất cả những nhà phân tích về kinh tế Trung Quốc đều không thể né tránh. Liên quan trực tiếp đến điều này là việc chuyển giao quyền lực có suôn sẻ hay không. Một thách thức có thể hình dung là các quan chức cấp cao sắp mãn nhiệm không dám đưa ra các đề xuất chính sách lớn, mặc dù họ có hiểu biết toàn diện và sâu sắc hơn về các rủi ro thực tế so với các quan chức mới sắp nhậm chức. Trong hoàn cảnh như vậy, ông Tập Cận Bình muốn nhúng tay vào cũng khó, nhưng chỉ cần ông ấy hễ can thiệp, rủi ro khi ra quyết định sẽ tăng lên rất nhiều, bởi vì ông ấy thực sự không có khả năng nắm bắt rủi ro của nền kinh tế Trung Quốc, giống như ông ấy không thể nắm bắt được các nguy cơ của dịch bệnh.

Bài viết cho rằng hiện nay, một lối suy nghĩ chính về việc giải cứu kinh tế Trung Quốc là khích lệ các doanh nghiệp tư nhân, điều này hoàn toàn là để phô trương, bởi vì ông Tập Cận Bình đã hoàn toàn không có uy tín. Một lối suy nghĩ khác là cứu thị trường bất động sản, điều này thực sự rất khó đạt được hiệu quả.

Miêu Vi, Vision Times / Trí thức VN