1– World Bank: Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam ‘chững lại’

Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm 14/12 công bố bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12, trong đó nói rằng “cả hai động lực tăng trưởng là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại”.
Theo World Bank, lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, “do sức cầu bên ngoài yếu đi và do tác động xuất phát điểm thấp tính từ đợt phục hồi quý tư năm 2021”.
Tổ chức tài chính này cũng đánh giá rằng tiêu dùng hậu COVID “cũng dường như phục hồi chậm lại”, và rằng việc điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng “có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước trong thời gian tới”.
World Bank cho rằng trong điều kiện huy động vốn toàn cầu dự kiến “vẫn tiếp tục bị thắt chặt và nhu cầu bên ngoài đang yếu đi”, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam “có thể cân nhắc cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn nữa nhằm hấp thụ những biến động trong môi trường bên ngoài”.
“Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là điều kiện quan trọng để duy trì ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước gia tăng”, Ngân hàng Thế giới nhận định.
“Chiến lược chi tiêu thận trọng hơn và tập trung hơn vào đúng ưu tiên nhằm đảm bảo đầu tư cho vốn con người, hạ tầng xanh và thích ứng khí hậu sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu và tiềm năng của nền kinh tế”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hồi đầu năm nay đã yêu cầu Bộ Công thương “nghiên cứu” khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam.
World Bank hồi đầu tháng Tám vừa qua nhận định rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo “tăng mạnh” từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022.
World Bank cho biết rằng con số tăng trưởng trên nhờ vào việc “phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong 6 tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ”.
2-Báo cáo: Kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều trở ngại trong năm 2023

Triển vọng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ có nhiều biến động hơn so với năm ngoái, với mức tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,83% và lạm phát là 3,69% trong tình huống tích cực nhất, theo một báo cáo vừa được công bố vào ngày 12/1 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ.
Trong trường hợp xấu hơn, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 6,47% và lạm phát có thể lên tới 4,08% trong năm nay.
Báo cáo cũng cho biết những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt bao gồm tình trạng lây lan của các biến thể COVID-19 và các bệnh dịch mới, áp lực lạm phát đang diễn ra và cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng.
Nếu kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa và tiền tệ để giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế, báo cáo đưa ra khuyến nghị.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và quản lý rủi ro liên quan đến xu hướng giảm giá của các đồng tiền trong khu vực so với đồng đô la, vẫn theo báo cáo.
Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị những ưu tiên về chính sách của Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào việc cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và cải cách hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn đối với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn liền với xử lý hiệu quả các rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.
Tuần trước, Ngân hàng Standard Chartered công bố dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 7,2% và lạm phát là 5,5% trong năm nay. Mức lạm phát này cao hơn chỉ tiêu 4,5% mà Việt Nam đặt ra trong năm nay. Theo Ngân hàng Standard Chartered, thâm hụt tài khóa của Việt Nam có thể kéo dài và là nguồn gốc của lạm phát.
3- Hãng xe điện BYD của Trung Quốc sắp xây nhà máy linh kiện tại Việt Nam

Nhà sản xuất xe điện (EV) Trung Quốc BYD Auto Co đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Việt Nam để sản xuất phụ tùng xe hơi, ba nguồn thạo tin vừa cho Reuters biết. Kế hoạch này của BYD sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á trong mục tiêu mở rộng toàn cầu của công ty.
Một nguồn tin cho biết vốn đầu tư vào miền bắc Việt Nam sẽ hơn 250 triệu đôla, nhằm mở rộng sự hiện diện của công ty mẹ BYD Co tại Việt Nam, nơi đơn vị điện tử của công ty này sản xuất các tấm pin mặt trời.
Động thái này nhấn mạnh xu hướng rộng lớn hơn của các nhà sản xuất là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ và sự gián đoạn sản xuất do các đợt phong tỏa COVID-19 trước đây của Bắc Kinh gây ra.
Công ty BYD từ chối yêu cầu bình luận của Reuters.
BYD, nhà sản xuất ôtô có trụ sở tại Tây An, bán chạy hơn đối thủ Tesla Inc về xe điện với tỷ lệ hơn 2:1 ở thị trường Trung Quốc vào năm ngoái, gần đây đã mở rộng thị trường ở những nơi khác tại châu Á, bao gồm Singapore, Nhật Bản và châu Âu.
Được hỗ trợ bởi công ty Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett, BYD sản xuất cả xe hybrid xăng điện và xe điện thuần túy. Cũng như Tesla, BYD kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả sản xuất pin, một chiến lược khiến nó khác biệt với các nhà sản xuất ô tô lâu đời.
Vào tháng 9, công ty công bố rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện ở Thái Lan với công suất 150.000 xe/năm từ năm 2024.
Với việc đầu tư vào Việt Nam, BYD đang tìm cách bổ sung công suất, kiểm soát chi phí và đa dạng hóa sản xuất từ các hoạt động tại Trung Quốc, nơi có nhu cầu rất lớn.
Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để chọn một địa điểm cho nhà máy tại Việt Nam, theo các nguồn tin từ chối nêu tên vì tính bí mật của các cuộc thảo luận này. Một người cho biết việc xây dựng đã được lên kế hoạch bắt đầu vào giữa năm nay.
Hiện chưa rõ BYD sẽ chế tạo những bộ phận nào tại Việt Nam và liệu công ty này có sản xuất pin hay bộ phận pin hay không.
Như Reuters đã loan tin trong tuần này, khoản đầu tư theo kế hoạch của BYD và một dự án trị giá 400 triệu đôla của nhà sản xuất màn hình kỹ thuật số BOE sẽ chiếm hơn ¼ trong số 2,5 tỷ đôla mà các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam trong năm ngoái.
Các tập đoàn của Hoa Kỳ như Apple Inc và các nhà cung cấp của họ, chẳng hạn như Foxconn của Đài Loan và Luxshare của Trung Quốc, cũng đang tìm kiếm các trung tâm sản xuất thay thế, với nước láng giềng Việt Nam là một trong những lựa chọn chính.
BYD đang tìm cách thuê 80 ha đất công nghiệp cho việc xây dựng nhà máy mới này, tăng hơn gấp đôi diện tích của họ tại Việt Nam, nơi đơn vị điện tử của họ thuê 60 ha, một nguồn tin thứ hai cho biết.
Một nguồn tin cho biết nhà máy tại Việt Nam sẽ xuất khẩu linh kiện cho nhà máy lắp ráp sẽ được xây dựng tại Thái Lan.
Một nguồn tin cho biết hoạt động tại Việt Nam cũng có thể phục vụ thị trường địa phương, chủ yếu thông qua các dịch vụ bảo trì và phụ tùng thay thế cho xe BYD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Điều này sẽ đặt ra thách thức trực tiếp đối với VinFast, một nhà sản xuất xe điện của Việt Nam đã bắt đầu bán ôtô vào năm 2019 và có kế hoạch mở rộng sang Hoa Kỳ và Châu Âu.
Vào tháng 12, Bộ Thương mại Hoa Kỳ phát hiện ra rằng các đơn vị của BYD và các công ty Trung Quốc khác đang lách thuế quan của Hoa Kỳ hàng chục năm qua đối với pin và tấm pin mặt trời của Trung Quốc.
Nếu cuộc điều tra hoàn tất vào tháng 5, kết quả điều tra sẽ buộc các công ty của BYD phải chịu thuế đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác.