Nhà như ốc đảo xanh giữa lòng thành phố

TP HCM – Kết hợp cùng những khoảng không tràn ngập sắc xanh, ngôi nhà giữa lòng thành phố được ẩn mình giữa vườn cây dịu mát.

Ngôi nhà được xây trên diện tích đất 342 m2 ở thành phố Thủ Đức ban đầu dự định cho thuê làm văn phòng. Tuy nhiên, do vướng dịch Covid-19, chủ nhà chuyển thành nơi sinh sống, biến tổ hợp cho thuê thành một ốc đảo xanh mát cho gia đình.

Thiết kế chủ đạo của ngôi nhà kết hợp giữa phong cách Zen (thiền) và Contemporary (Đương đại). Trong thiết kế nội thất và kiến trúc, phong cách Zen được ứng dụng dẫn dắt các yếu tố thiên nhiên vào bên trong và bên ngoài ngôi nhà thể hiện lối sống, phong cách đơn giản nhưng sang trọng, gần gũi thiên nhiên nhưng hiện đại, tạo sự tiện nghi, thoải mái. Trong khi đó, Contemporary để chỉ lối thiết kế tập trung nhiều vào không gian, sử dụng nhiều đường thẳng, hình khối và màu sắc táo bạo.

Do tuân theo phong cách thiết kế Zen- contemporary, từ mặt tiền cho tới không gian bên trong, cây xanh-vật liệu trang trí phổ biến nhất của phong cách này-xuất hiện khắp nơi giúp điều hòa không khí, cung cấp ô xi, tạo ra không gian sống trong lành.

Chiếc bể bơi rộng 100 m2 cũng góp phần tạo nên lá phổi xanh cho căn nhà, khiến gia chủ có cảm giác thư giãn như ở công viên.

Để hạn chế tầm nhìn từ bên ngoài cũng như đảm bảo sự an toàn cho gia chủ, bức tường cao ba mét được dựng bao quanh nhà. Một hệ cây xanh được trồng bám theo bức tường, vừa làm mềm không gian, che chắn sự thô cứng của bê tông, vừa tạo không gian xanh mát, giảm bức xạ nhiệt theo hướng ngang.

Sự kết hợp giữa tường và cây xanh bao phủ giống như một chiếc mặt nạ, không chỉ che chắn nhiệt của nắng chiều mà còn chống ồn và bụi.

Ở tầng trệt, những mảng tường đặc được thay thế hoàn toàn bằng kính khổ lớn để kết nối trực tiếp với thiên nhiên bên ngoài, tạo cảm giác không gian liên tục, không bị ngắt quãng. Cách thiết kế này mở ra đáng kể toàn bộ không gian, cho phép ánh sáng tự nhiên xuyên qua các phòng khác nhau và làm mờ ranh giới giữa các khu vực chức năng.

Tại phòng khách, mảng ốp gỗ trên trần có tác dụng tạo điểm nhấn, giúp phòng khách trở nên tách biệt hơn với không gian khác thay vì phải xây tường hoặc tìm cách che chắn khác.

Phần kính thủy giả cổ trên những tấm ốp có tác dụng phản chiếu không gian, khiến phòng khách trông rộng rãi và thông thoáng hơn.

Phong cách Zen-contemporary đề cao sự giản đơn trong thiết kế. Chính vì vậy, những gam màu nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên như: trắng, vàng nhạt, nâu, xanh lá.. được ưa chuộng tạo cảm giác mộc mạc và ấm cúng.

Chất liệu tre được sử dụng khá nhiều trong nhà, ở từng vị trí lại có mục đích khác nhau. Tại hàng rào bên hông, tre được dựng lên nhằm hạn chế các yếu tố bất lợi về tầm nhìn, cũng như giúp mảng tường được tự nhiên hơn. Ngoài ra tre còn được sử dụng để che đi các vị trí xấu khác như bồn nước và phần kỹ thuật trên mái.

Vì mang tinh thần thiết kế tối giản, nội thất nhà có bố cục gọn gàng, ngăn nắp… nhằm tập trung tạo dựng những khoảng không gian thông thoáng để ánh sáng và gió tràn vào.

Gỗ là vật liệu dễ truyền đạt sự tự nhiên nhất, bởi vậy nội thất trong nhà đa phần sử dụng gỗ óc chó- một loại gỗ có độ bền cao, màu sắc và vân đẹp.

Mọi không gian trong nhà đều kết nối với thiên nhiên bên ngoài qua những cánh cửa rộng. Sự xuất hiện của cây xanh khắp nơi tạo nên sự gần gũi giữa con người với thiên nhiên, mang lại sự thoải mái cho gia chủ.

Khoảng không xéo tách giữa ngôi nhà không chỉ là giải pháp hình khối mà con đem gió, ánh sáng vào sâu mọi không gian, tách các khối phòng thành các bungalow nằm giữa những mảng xanh của cây cỏ.

Các phòng chức năng vì thế có thêm một khoảng thở và thông gió ở khoảng không tách xéo. Khi không khí đi qua vị trí này, chênh lệch áp suất sẽ diễn ra, gió được cuốn và xoáy vào khu vực này rồi theo các ô cửa lùa vào các phòng.

Phía ngoài mặt tiền, kiến trúc sư còn sử dụng hệ lam bằng gỗ thông có thể xoay quanh một trục 360 độ, dễ dàng điều chỉnh theo ý gia chủ.

Ngoài tác dụng về thẩm mỹ, hệ lam này còn chắn bớt nắng, đỡ gây chói mắt vào buổi sáng, còn buổi tối dù gia chủ không cần đóng hệ cửa kính bên trong vẫn có gió mát và đảm bảo an toàn.

Công trình mất 10 tháng hoàn thành, chi phí không được tiết lộ.

Trang Vy
Thiết kế&thi công: QBI Corp
KTS chủ trì: Trần Lê Quốc Bình
Ảnh: Quang Trần

Chuyện nhảy đầm ở Việt Nam thời thuộc địa

Những năm 1930, hàng trăm số báo tranh cãi về đạo đức của người nhảy đầm. Có những người quả quyết lối chơi ấy sẽ sớm bị tiêu diệt.

Chuyện nhảy đầm ở Việt Nam thời thuộc địa

Trích từ cuốn Hà Nội bảo thế là thường của tác giả Nguyễn Trương Quý / Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn.

Đàn ông Việt Nam mang tiếng là không “lịch sự như Tây”, ông nào chiều chuộng phụ nữ chút là lập tức bị nghi ngờ có động cơ không trong sáng hoặc bị gọi là “nịnh đầm” – một cụm từ cũng lại mang dấu ấn Tây.

Thời cổ xưa, quan niệm lịch sự không rõ ràng lắm, người ta hay nói đến những cấm đoán dưới nhãn chữ “Lễ”, chẳng hạn “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Hai người nam – nữ đứng gần nhau mà nói chuyện, ấy đã là việc tày trời, sau đó chỉ có thể thẳng tiến hôn nhân.

Đến một ngày, làn sóng Âu hóa ào đến, phép lịch sự kiểu Tây là phải biết nhảy đầm. Cuộc đổi thay giao tế đến ngỡ ngàng: Nam nữ dìu nhau đi mà không nhất thiết đến mục đích nào ngoài thể hiện phép lịch sự.

Đến cuối thế kỷ XIX, tiêu chí đạo vợ chồng vẫn “tương kính như tân”, giao tế là phải nâng khăn ngang mày, tóm lại là ở trong nhà còn giữ kẽ thế thì ra nơi công cộng chớ có ôm ấp nhau.

Tất nhiên có những hành vi vượt ra khỏi khuôn khổ Nho giáo. Văn chương thì ai cũng thuộc Truyện Kiều “Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang” cùng “Ra tuồng trên bộc trong dâu”. Ca dao tục ngữ thì “Yêu nhau cởi áo cho nhau”, nhưng về nhà vẫn phải nói dối cha mẹ rằng “qua cầu gió bay”.

Trai gái đứng gần nhau, thậm chí đụng chạm mà không đi tới hôn nhân dễ xảy ra chuyện bê bối làng xã. Việc nhảy đầm xảy ra giữa hai người nam – nữ có khi không quen biết đã trở thành cú sốc cho xã hội khi được những thanh niên Tây học khởi xướng vào đầu thập niên 1930.

Dễ đến hàng trăm số báo những năm này đã tranh cãi về đạo đức của việc nhảy đầm và có người “dám cam đoan quả quyết cho lối chơi ấy, với ta tuy nay có bồng bột thật, song rồi chẳng bao lâu – trong một thời gian rất ngắn – nó sẽ (bị) tiêu diệt đi hết mà thôi… Nhảy đầm rồi sẽ chết! Chết một cách ngấm ngầm không ai còn muốn nhắc ra nữa làm gì”.

Sở dĩ vậy vì theo họ, cảnh “một cặp trai gái ôm nhau mà nhảy là một sự rất chướng, một lối chơi dâm ô: Phải đả đảo cho tiêu diệt!” (Phụ nữ tân văn, 31/8/1933).

Tuy vậy, lo ngại của các nhà đạo đức trong xã hội khi ấy chủ yếu nhắm vào việc đàn ông đem tiền đi cho vũ nữ hoặc các bà vợ bỏ bê thiên chức tề gia nội trợ, và nhất là lo lắng các cô tân thời mê nhảy sa ngã. Thậm chí, Vũ Trọng Phụng còn liệt “Gái nhẩy ở các tiệm khiêu vũ” là “một trong năm loại đĩ” ở Hà Nội.

Nhiều người Việt có đầu óc nhanh nhạy đã nhận ra nhảy đầm là một tấm giấy thông hành dự phần vào thế giới văn minh của giới cai trị.

Một sinh viên Việt Nam du học ở Pháp đã nói với Phạm Quỳnh rằng học nhảy đầm “để khi về nước, mình là người có chức phận, gặp khi quan trên mời dự tiệc ở Phó soái hay Chánh soái, mình biết ‘nhảy’ cho đúng cách, cho Tây bên ấy họ biết rằng mình đã thạo những cách lịch sự ở Paris” (Pháp du hành trình nhật ký – Phạm Quỳnh, 1922).

Nhưng lịch sự với ai thì các vị này không nói! Chẳng lẽ chỉ lịch sự làm hàng với các quan Tây? Tất nhiên, lý thuyết là lịch sự với phái nữ nhưng thực tế lại để ghi điểm trong mắt giới đàn ông, như thể biết dìu bạn nhảy trong điệu valse cũng có giá trị ngang với biết hút xì gà hay cầm gậy chơi gôn, hoặc để bước chân vào quan trường.

Chỉ hai chục năm, từ chỗ bị coi là trò dâm ô, khiêu vũ đã được khoác lên cái áo văn minh mà mỗi người đàn ông thành thị nên biết. Kèm theo sự biến đổi ấy là cách đàn ông bày tỏ tình cảm với phái nữ.

So sánh không hề khập khiễng thì khiêu vũ cũng như màn hát giao duyên cổ truyền, chỉ khác ở điệu bộ hay quy cách do âm nhạc dẫn lối. Cái nắm tay hay ôm eo của người đàn ông với bạn nhảy nữ vốn dĩ là cách phân biệt nam nữ, khi vào đời sống xã hội Việt Nam lại đem đến một cảm giác khuyến khích người nữ bộc lộ bản ngã nhiều hơn.

Đã có những chị em tân thời cổ vũ việc nhảy đầm bằng cách coi đó là một loại “thể dục” có tính thẩm mỹ. Đương nhiên “phi phụ nữ khiêu vũ bất thành”. Ngoại trừ số vũ nữ ít ỏi ở các tiệm nhảy, sự hưởng ứng của phụ nữ tân học quyết định phần còn lại của câu chuyện khiêu vũ.

Nhưng về phía đàn ông, liệu biết khiêu vũ đã khiến họ biết ứng xử với phụ nữ theo ý nghĩa nghiêm túc của môn giao tế có tính chất phổ quát – mà thực ra là theo chuẩn Tây phương – chưa?

Hay là chẳng cần đợi khiêu vũ, thị dân ở những nơi như Hà thành đã có sẵn khung cảnh thuận lợi để giao lưu nam nữ, việc nhảy đầm có lẽ chỉ như quả cherry trên đỉnh cái bánh ga tô cho đẹp?

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

7 mẹo uống nước giúp giải độc và chăm sóc sức khỏe cực đơn giản nhưng ít ai làm được

Uống nước tưởng chừng là việc làm đơn giản nhưng không phải ai cũng biết uống nước đúng cách để giải độc và giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh

Cơ thể con người có 70% là nước, các vitamin và khoáng chất trong thực phẩm phải được hòa tan trong nước trước khi chúng được vận chuyển trong máu đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Nước cũng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, loại bỏ chất thải và hoạt động như một chất bôi trơn trong khớp.

Người xưa cũng nói “Thuốc không bằng đồ ăn, đồ ăn không bằng nước uống”, nước là “vua” của mọi loại thuốc, trong cuốn “Diệu liệu toàn thư” trong y học Trung Quốc, vị thuốc đầu tiên được giới thiệu chính là nước. Vậy bổ sung nước như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe?

1. Uống nước vào buổi sáng

Uống nước vào buổi sáng có thể đào thải cặn bã trong dạ dày và bổ sung lượng nước đã mất vào ban đêm. Tan Wei, một bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc, nói rằng không nên uống nước lạnh vào buổi sáng, bởi vì năng lượng dương của cơ thể tăng lên vào buổi sáng, và nước lạnh sẽ cản trở năng lượng dương tăng lên, từ đó gây ra rối loạn chức năng cơ thể con người.

Nhiệt độ của nước tốt nhất là từ 20 đến 25 độ C. Khi uống nước vào buổi sáng, hãy nhấp một ngụm nhỏ, lượng là 200-300ml.

2. Uống nước buổi chiều

17h-19h là thời điểm cơ thể trao đổi chất và giải độc hoạt động mạnh nhất, độc tố trong toàn cơ thể được đào thải ra ngoài qua bàng quang và thận. Do đó, uống nước vào thời điểm này có thể thúc đẩy tuần hoàn máu và giải độc.

Uống nước vào thời điểm này cũng có thể thúc đẩy sự hấp thụ của đường tiêu hóa, bởi vì đây là thời điểm trước bữa tối. Ngoài ra, nó cũng có thể làm giảm lượng ăn vào bữa tối, có lợi cho việc giảm cân.

7 mẹo uống nước giúp giải độc và chăm sóc sức khỏe cực đơn giản nhưng ít ai làm được - Ảnh 1.
3. Uống nước buổi tối

Uống 100-150ml nước ấm một giờ trước khi đi ngủ có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Người già hoặc những người mắc bệnh tim mạch nên bổ sung một ít nước trước khi đi ngủ

Cả đêm không uống nước sẽ khiến máu đặc lại, sinh ra huyết khối, gây ra các bệnh về tim mạch và mạch máu não.

Những người bị phù mí mắt và bọng dưới mắt không nên uống nước trước khi đi ngủ 1 giờ để tránh làm nặng thêm tình trạng phù nề.

Ngoài ra, bệnh nhân suy thận nặng, đang điều trị lọc máu không nên uống nhiều nước trước khi đi ngủ, vì sẽ làm tăng tải lượng nước trong cơ thể, gây phù nề. Đối với những người có chức năng tim và thận kém, uống nhiều nước trước khi đi ngủ có thể dẫn đến suy tim.

4. Đừng đợi khát mới uống nước

Các chuyên gia tin rằng khi một người cảm thấy khát, các cơ quan nội tạng đã ở trong tình trạng mất nước. Vì vậy, đừng đợi đến khi khát mới uống nước.

Khi cơ thể con người mất khoảng 5% tổng lượng nước, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi và không khỏe, ngược lại, uống quá nhiều nước cũng có thể dẫn đến bệnh tật hoặc nhiễm độc nước.

5. Nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

Chúng ta nên tiêu thụ bao nhiêu nước mỗi ngày để duy trì sức khỏe?

Lấy 90kg làm ranh giới, khuyến cáo người trên 90kg uống 3000cc (3 lít) nước mỗi ngày, người dưới 90kg mỗi ngày uống 2000cc (2 lít) là đủ.

6. Uống nước với lượng nhỏ và nhiều lần

Cơ thể con người có thể hấp thụ khoảng 200CC nước trong 20 phút. Nếu bạn uống 500cc nước một lúc, thận sẽ nhận được tín hiệu “quá nhiều nước” và tăng tốc độ đi tiểu khiến nước dễ bị thất thoát và cơ thể không hấp thụ được.

Bạn nên uống nước với lượng nhỏ và nhiều lần, lượng nước bạn uống mỗi lần khoảng 100-200cc.

7 mẹo uống nước giúp giải độc và chăm sóc sức khỏe cực đơn giản nhưng ít ai làm được - Ảnh 3.
7. Các loại đồ uống khác không được tính là nước

Một số người coi các loại đồ uống khác, chẳng hạn như cà phê, trà, nước trái cây hoặc nước ngọt, là nguồn cung cấp nước bổ sung. Mặc dù những đồ uống này có vẻ bổ sung nước, nhưng trên thực tế, các tế bào của con người lúc này đã ở trong tình trạng mất nước.

Do đó, bạn không nên thay thế nước lọc bằng các loại đồ uống khác và tốt nhất là nên hình thành thói quen uống nước lọc.

Nguồn và ảnh: NDTV, Healthline

Những điều cần biết về biến thể phụ của chủng Omicron dễ lây lan nhất hiện nay

Sau khi đối phó với các biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta của virus SARS-CoV-2, người dân trên khắp thế giới đã trải qua cơn ác mộng Omicron trong nhiều tháng, với những biến thể phụ mới có khả năng né miễn dịch cao hơn.

Những điều cần biết về biến thể phụ của chủng Omicron dễ lây lan nhất hiện nay - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: 123rf.com

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, trong những ngày cuối cùng của năm 2022, số ca nhập viện trên khắp đất nước đã tăng đáng kinh ngạc khi biến thể mới của Omicron lây lan nhanh chóng. Khoảng 40% các ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã được ghi nhận nhiễm biến thể phụ mang tên XBB.1.5.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được biết đến với tên gọi “Kraken” vào cuối năm 2022, biến chủng Omicron mới nhất có tên chính thức là XBB.1.5 và được coi là dễ lây lan đáng lo ngại. Hôm 4/1, WHO đã xác nhận XBB.1.5 có “lợi thế tăng trưởng” mạnh nhất so với tất cả các biến thể phụ khác của Omicron.

Bà Van Kerkhove, quan chức của WHO, nói với các phóng viên ở Geneva: “Đây là biến thể phụ dễ lây truyền nhất từng được phát hiện. Nguyên nhân là do các đột biến trong biến thể phụ này cho phép virus này liên kết với tế bào và nhân lên dễ dàng”.

Tuy nhiên, WHO cho biết XBB.1.5 dường như không gây bệnh nghiêm trọng hơn. Đồng thời nhấn mạnh cơ quan này sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu của các cơ sở y tế trên khắp thế giới, tỷ lệ lây nhiễm cũng như các nghiên cứu đang diễn ra trong phòng thí nghiệm về chủng virus mới.

Biến thể XBB.1.5 là gì?

Biến thể XBB.1.5 của virus SARS-CoV-2 là hậu duệ của XBB – biến thể tái tổ hợp của các chủng phụ BA.2.10.1 và BA.2.75 của biến thể Omicron. XBB đã lây lan mạnh ở một số khu vực của châu Á, cụ thể là Singapore vào đầu tháng 10/2022, nhưng sau đó có vẻ như tốc độ lây lan chững lại và biến mất.

XBB.1.5 bắt nguồn từ đâu?

Những điều cần biết về biến thể phụ của chủng Omicron dễ lây lan nhất hiện nay - Ảnh 2.

Các biến thể phụ mới của Omicron – XBB và XBB.1.5 – đang lây lan trên khắp nước Mỹ. Ảnh: Reuters

XBB.1.5, có đột biến có thể né miễn dịch, lần đầu tiên được phát hiện ở Đông Bắc nước Mỹ, quanh khu vực New York và Connecticut. Theo dữ liệu của WHO, cho đến nay biến thể này đã xâm nhập vào 29 quốc gia và chiếm khoảng 40% tổng số ca mắc COVID-19 ở Mỹ, theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC) cũng phát hiện 21 trường hợp nhiễm biến thể virus mới này. XBB.1.5 cũng đã được phát hiện ở Anh. Nhiều quốc gia ở châu Âu cũng chứng kiến làn sóng xâm nhập của biến thể này, nhưng dữ liệu cụ thể hơn vẫn chưa được công bố.

Khả năng lây nhiễm và tử vong của XBB.1.5

Theo nhà sinh vật học Andy Rothstein, đột biến mới mang tên F486P đã làm gia tăng khả năng xâm nhập tế bào, khiến XBB.1.5 lây lan nhanh chóng. Đột biến này cũng cho phép virus dễ dàng bám vào các thụ thể ACE2 trong cơ thể. Đây cũng là nguyên nhấn khiến XBB.1.5 lây truyền cho con người dễ dàng hơn so với biến thể XBB trước đó.

Giáo sư Lawrence Young, nhà virus học tại Đại học Warwick, giải thích: “XBB.1.5. là sản phẩm của quá trình tái tổ hợp – sự kết hợp của hai biến thể BA.2 khác nhau. XBB.1.5 có một đột biến quan trọng, được gọi là đột biến F486P, khiến biến thể này có thể tránh ‘tấm chắn’ miễn dịch từ các lần tiêm chủng và mắc bệnh trước đó. Đột biến này cũng làm tăng khả năng lây nhiễm, nó tương tác mạnh hơn với thụ thể ACE2 và do đó xâm nhập vào tế bào dễ dàng hơn”.

Sự tái tổ hợp này xảy ra khi các bộ gien từ các biến thể virus khác nhau kết hợp với nhau. Quá trình này có thể diễn ra khi một người bị nhiễm 2 hoặc nhiều biến thể virus cùng lúc.

Nhà khoa học Yunlong Richard Cao, trợ lý giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, cũng cho rằng XBB.1.5 vừa có khả năng né các kháng thể bảo vệ cơ thể vừa vượt trội về khả năng liên kết với các tế bào.

Hiện chưa có nghiên cứu sâu về độc lực và tỷ lệ nhập viện, tử vong do chủng này.

XBB.1.5 có thể kích hoạt làn sóng COVID-19 mới không?

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy XBB.1.5 về cơ bản có khả năng lây nhiễm cao hơn và né khả miễn dịch tốt hơn so với các biến thể Omicron trước đó – như BA.5 và các dòng phụ của Omicron như BQ.1.

Các nhà khoa học và quan chức y tế công cộng theo dõi biến thể phụ XBB đã bày tỏ lo ngại rằng các chủng virus có nhiều đột biến này có thể khiến vaccine, bao gồm cả mũi vaccine tăng cường, kém hiệu quả hơn. Các nhà khoa học tại Đại học Columbia đã cảnh báo rằng các biến thể phụ thuộc họ XBB có thể “dẫn đến tình trạng gia tăng các ca nhiễm cũng như tái nhiễm”.

Song dù lo ngại về XBB.1.5, Tiến sĩ Ashish Jha, điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng, không cho rằng đây là bước lùi lớn của đại dịch. “Nếu mọi người đều thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, chúng ta có thể làm giảm thiểu tác động của biến chủng đối với cuộc sống”, ông nói.

Cảnh báo từ chuyên gia

Những điều cần biết về biến thể phụ của chủng Omicron dễ lây lan nhất hiện nay - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: AFP

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên cập nhật thông tin về vaccine COVID-19. Theo dữ liệu sơ bộ, tiêm mũi tăng cường sẽ cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn trước biến thể XBB.1.5.

Tiến sĩ John Swartzberg, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư danh dự tại Đại học California thuộc trường Y tế Công cộng Berkeley, cho rằng: “Dù đây không phải biện pháp phòng bệnh lý tưởng, nhưng biện pháp này tốt hơn các biện pháp có thể thực hiện”.

Các chuyên gia y tế khác cho biết thêm người dân nên ngăn ngừa lây nhiễm bằng cách hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang ở những không gian đông người và cách ly nếu có triệu chứng mắc bệnh.

Theo Báo Ti Tức

Quan hệ tay ba Việt-Trung-Mỹ tại điểm chuyển mùa 2022-2023

Việt Nam tiễn năm cũ 2022 đón năm mới 2023 bằng một vụ thanh trừng gây chấn động dư luận: Ngày 30 Tháng Mười Hai, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) ra thông báo cho “thôi chức” hai đảng viên cao cấp.

Ông Phạm Bình Minh, 64 tuổi, thôi chức ủy viên Bộ Chính Trị. Ngoài ra, ông Minh và ông Vũ Đức Đam, 59 tuổi, thôi chức ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN. Điều này cũng có nghĩa là ông Minh sẽ mất luôn chức phó thủ tướng thường trực và ông Đam sẽ mất chức phó thủ tướng.

Người thay hai ông này, có thể đã được quyết định trong nhóm lãnh đạo, sẽ được công bố trong kỳ họp bất thường của Quốc Hội vào ngày 5 Tháng Giêng.

Xét về chức vụ thì ông Minh là ủy viên đầu tiên của Bộ Chính Trị khóa 13 (2021-2025) bị thanh trừng.

Trước đây, khóa 12 cũng có ủy viên Bộ Chính Trị là ông Đinh La Thăng bị bãi chức vào Tháng Mười Hai, 2017, bị truy tố tội tham nhũng, và hiện đang đếm lịch trong nhà lao.

Dù thông cáo của đảng CSVN không nói lý do, nhiều người cho đó là do vai trò của ông Minh này trong vụ án tham nhũng “chuyến bay giải cứu” mà rất nhiều quan chức của ngành ngoại giao bị truy tố, bắt giam.

Tuy vậy, có yếu tố cho thấy vụ thanh trừng ông Minh là kết quả cuộc đấu đá chính trị hơn là do hành vi tham nhũng hay lợi dụng quyền lực.

Có quan chức nào của đảng CSVN không tham nhũng, và trong vụ “chuyến bay giải cứu,” người chịu trách nhiệm trực tiếp hơn ông Minh là ông Bùi Thanh Sơn, bộ trưởng Ngoại Giao, chỉ bị “phê bình nghiêm khắc” mà không mất chức.

Tương tự như vậy, trong trường hợp ông Vũ Đức Đam, người phải chịu trách nhiệm cao nhất về chính sách chống dịch ngu xuẩn của nhà cầm quyền khiến hàng chục ngàn người dân thiệt mạng một cách oan uổng phải là Thủ Tướng Phạm Minh Chính và người tiền nhiệm là ông Nguyễn Xuân Phúc, hiện là chủ tịch nước, chứ chưa phải ông Đam.

Một điểm chung giữa ông Đinh La Thăng và ông Phạm Bình Minh mà dư luận ít chú ý là cả hai ông này đều không được Trung Quốc ưa thích.

Ông Thăng từng “mắng té tát” và đòi đuổi nhà thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông khi ông làm bộ trưởng Giao Thông Vận Tải. Còn ông Minh dám cả gan “trừng mắt” với ông Dương Khiết Trì, chủ nhiệm Văn Phòng Đối Ngoại Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Ông Phạm Bình Minh còn là con trai ông Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng Ngoại Giao thời kỳ 1980-1991, có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và Bắc Kinh đã ép đảng CSVN phải loại ông Thạch ra khỏi guồng máy lãnh đạo của đảng và chính phủ.

Ông Nguyễn Cơ Thạch có tên thật là Phạm Văn Cương.

Ông Minh không đi theo quan điểm của cha mình, nhưng người Hoa vốn chú ý dòng giống và thù dai, họ không bỏ qua cho ông.

Có nhiều người tiếc rẻ rằng ông Minh và ông Đam là “hai gương mặt tử tế” trong chính phủ, được đào tạo bài bản ở Hoa Kỳ và Châu Âu và có triển vọng lèo lái đất nước vào cuộc hội nhập sâu rộng với Phương Tây. Nhưng biết đâu chính thế mạnh được đào tạo ở Phương Tây lại là lực cản các ông này lên cao hơn trong thể chế Cộng Sản.

Nên để ý vụ thanh trừng ông Minh và ông Đam diễn ra sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, ngay sau khi ông Tập Cận Bình, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, loại bỏ các đối thủ chính trị và đưa vào guồng máy lãnh đạo những nhân vật trung thành.

Liệu trong chuyến đi đó, ông Trọng có “nhập cảng” học thuyết của ông Tập về củng cố quyền lực tuyệt đối của đảng, loại trừ các lãnh đạo “kỹ trị” (technocrat) hay không?

Chưa có thông tin khả tín về bàn tay can thiệp của Bắc Kinh vào các quyết định nhân sự cấp cao của Hà Nội nhưng vụ thanh trừng nội bộ làm dấy lên thuyết âm mưu về sự lệ thuộc nặng nề của đảng CSVN vào Trung Quốc, cả trong vấn đề bố trí lãnh đạo cấp cao như nhận xét của ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn và là một doanh nhân ở Sài Gòn có nhiều thông tin mật về các vụ đấu đá trong cung đình Hà Nội.

***

Con đường đó của đảng CSVN làm cho triển vọng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ và thế giới dân chủ ở Phương Tây trong năm 2023 thêm u ám. Cho đến nay, Mỹ đã cố gắng rất nhiều để vận động Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương Việt-Mỹ lên mức “đối tác chiến lược,” nhưng đều không thành công.

Để nâng cấp quan hệ với Việt Nam, Hoa Kỳ đã gia tăng các cuộc thăm viếng cấp cao, gia tăng viện trợ cho Việt Nam cả về nhân đạo lẫn quốc phòng và tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam xuất cảng mạnh hàng hóa vào thị trường Mỹ, đạt mức thặng dư thương mại cao chót vót. Hoa Kỳ cũng giảm bớt sự phê phán thành tích nhân quyền tồi tệ của Việt Nam và không biến những lời lên án về tự do tôn giáo thành biện pháp trừng phạt như đối với các nước khác.

Nhưng có dấu hiệu Washington đang dần dần mất kiên nhẫn.

Hà Nội đã nhiều lần đề nghị có cuộc điện đàm trực tiếp giữa ông Nguyễn Phú Trọng và Tổng Thống Joe Biden nhưng Washington chưa thu xếp được. Có rất nhiều lĩnh vực mà Mỹ muốn giúp Việt Nam phát triển, từ bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông đến phát triển năng lượng tái tạo và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng thái độ thân thiện với Trung Quốc của đảng CSVN làm cho các chính trị gia Mỹ thất vọng.

Nhiều nhà quan sát dự báo trong năm mới có thể Hoa Kỳ sẽ đảo ngược một số chính sách ưu đãi trong lĩnh vực thương mại và tài chính, dẫn tới việc kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn do khó tiếp cận thị trường Mỹ.

Trở ngại chính trong quan hệ Việt-Mỹ tất nhiên là sức ép của Trung Quốc. Bắc Kinh luôn đòi hỏi Hà Nội không được để cho các cường quốc bên ngoài can thiệp, gây chia rẽ quan hệ anh em giữa hai đảng cộng sản và hai nước và dọa sẽ trừng phạt.

Còn đảng CSVN thì vừa không dám làm trái ý đàn anh, vừa không thật sự tin tưởng vào thiện chí của Hoa Kỳ nên cho đến nay Hà Nội vẫn không mặn mà với các đề nghị nâng cấp quan hệ với Washington.

Hầu như tất cả các nhà quan sát đều đồng ý, do vị trí địa lý liền kề, do bản chất mối quan hệ không cân xứng, và do sự phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc, Việt Nam sẽ chịu tổn thương nặng nề nếu bị Trung Quốc trừng phạt vì ngả về phía Hoa Kỳ, nâng cấp quan hệ với Mỹ. Với Hà Nội, ổn định mối quan hệ với Bắc Kinh quan trọng hơn nhiều so với việc nâng cấp quan hệ với Washington.

Nhưng thực tế lịch sử cho thấy, Việt Nam càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới và càng kìm hãm Việt Nam trong nghèo khó và phụ thuộc. Nhiều người kỳ vọng năm 2023 sẽ có một bước ngoặt trong quan hệ Việt-Mỹ nhưng xem ra tình hình chưa thể chuyển biến trong 12 tháng tới nếu không nói là có thể xấu hơn, có phần do ảnh hưởng của sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.

Việc “trảm” hai phó thủ tướng và bắt giam nhiều cán bộ cao cấp của ngành ngoại giao đang làm cho đường dây liên lạc giữa Việt Nam với Mỹ bị gián đoạn tạm thời, ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa hai nước.

Thế kẹt của Việt Nam trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung xem ra sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023! [đ.d.]

Hiếu Chân / Người Việt