TP HCM – Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, là địa chỉ ăn uống đang thu hút đông khách du lịch và giới trẻ, với nhiều món ăn đường phố giá rẻ.
Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền dài 368 m (từ đường Điện Biên Phủ đến Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) hoạt động từ 19h đến 23h mỗi ngày, bắt đầu đón khách tối 21/12/2022. Cổng vào khu phố ở hai đầu được lắp bảng hiệu, trang trí đèn cũng như cải tạo cảnh quan.
Đề án ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền hiện chỉ triển khai ở phường 4, nối hai tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu và Điện Biên Phủ. Ở đây, hai bên đường được kẻ vạch rộng khoảng 1m để bày bàn ghế cho du khách trải nghiệm. Trên tuyến có 92 điểm kinh doanh ăn uống cùng 51 cửa hàng buôn bán quần áo, giày dép, làm đẹp.
19h, các quán được phép bày bàn ghế để bán đồ, ăn thức uống cho khách. Các quán tự trang bị ghế khi chưa được phường giao. Thực khách tới phố có thể gửi xe ở số 1 Nguyễn Thượng Hiền hay bãi xe chợ Vườn Chuối. Cần hỏi thời gian hoạt động của các bãi xe quanh đây, tránh trường hợp đóng cửa sớm so với thời gian tham quan phố ẩm thực (19h-23h).
Đến đây, gây tò mò cho du khách là các căn nhà có bề ngang khiêm tốn, các biển hiệu nằm san sát nhau.
Món ăn tại đây khá đa dạng, với chủ yếu là các món đường phố hoặc các vùng miền trong cả nước như bánh tráng (trộn, nướng), thịt gà, heo nướng, bột chiên, nước ép trái cây, tré trộn… Hầu hết các món có giá rẻ, chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn, dễ mang đi hoặc ship về nhà.
Một hàng tré trộn. Tré trộn là món phổ biến ở đây, là đặc sản miền Trung, thành phần bao gồm da đầu, tai, mũi heo với các gia vị mè, tỏi, tiêu, ớt.
Các món ăn khác có thể tìm thấy có thịt nướng, gồm thịt heo, gà, bò. Một xiên có giá khoảng 30.000 đồng.
Vừa đến TP HCM du lịch, Nguyễn Thượng Hiền là phố ẩm thực đầu tiên anh Quang và chị Viên (Đà Nẵng) trải nghiệm. “Chúng tôi ở khách sạn gần đây, tìm trên bản đồ khu đông đúc và tìm đến. Ấn tượng đầu tiên là món ăn rẻ và ngon”. Hai anh chị cho biết sẽ trải nghiệm thêm các món ăn nổi tiếng như bánh tráng trộn, tré trộn, đồ nướng.
My và Hằng (20 tuổi, sinh viên sống tại TP HCM) chia sẻ biết đến phố ẩm thực khi xem trên mạng xã hội. “Xe ôtô đã bị cấm, nên tuyến đường với xe máy chạy ngang cùng với việc ngồi dưới đường (vạch kẻ xanh) tạo cảm giác vừa ăn, vừa quan sát rất thú vị”, My cho hay.
Hằng cho biết thêm xe máy ở đây chạy chậm hơn, một phần để giữ khoảng cách an toàn với người ngồi trên đường, một phần quan sát khu phố mới nên tụi mình cảm thấy an toàn.
Sau khi trải nghiệm phố ẩm thực, du khách có thể di chuyển đến các địa điểm nổi tiếng khác ở quận 3 để tham quan như ga Sài Gòn, nhà thờ Tân Định, hồ Con Rùa, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Chantarangsay, bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Năm 2019 đường Nguyễn Thượng Hiền được tạp chí Time Out (Cẩm nang Du lịch và Cuộc sống của Anh) bình chọn là một trong 20 khu phố hấp dẫn của thế giới.
Quyên Tử béo lên nhưng vì cô không muốn giảm cân nên không thể tìm được đối tượng cho mình. Mỗi lần hò hẹn, người con trai vừa nhìn thấy cô đã tìm cớ chạy… “mất dép”.
Vì vậy, mẹ cô rất buồn phiền và nhờ người dò hỏi, đánh tiếng khắp nơi, chỉ cần có người bằng lòng cưới Quyên Tử là được, ngoài ra bà không quan tâm đến nhà cửa, xe cộ, sính lễ hay bất cứ thứ gì khác. Ngay khi mùa đông năm nay mới bắt đầu, có người mai mối rằng có một chàng trai đã phải lòng Quyên Tử. Chàng trai đó tên là Tiểu Vương nhà ở thôn bên cạnh, Tiểu Vương tuổi ngoài ba mươi, trẻ tuổi và tuấn tú, nhưng phải mỗi cái tính khí quá keo kiệt!
Lần đầu tiên đến nhà Quyên Tử, quà ra mắt của Tiểu Vương chỉ là một gói cam rẻ tiền. Cha mẹ của Quyên Tử đã nói chuyện với Tiểu Vương khá lâu và nhận thấy rằng ngoài tính khí keo kiệt ra, anh ta vẫn khá ổn ở các phương diện khác. Mẹ của Quyên Tử đã thử “tiêm phòng” trước một liều: “Cậu thấy đấy, con gái tôi hơi mập, cậu có thể chấp nhận nó được không?”.
Minh họa: Hùng Dingo
“Hai bác đừng ngại, mập mà đáng yêu như Quyên Tử cháu lại rất thích”.Tiểu Vương cười hì hì và nhấn mạnh: “Chỉ cần cô ấy giữ nguyên như vậy, đừng có giảm cân!”.
Bố mẹ của Quyên Tử nghe Tiểu Vương nói thế thì thở phào nhẹ nhõm. Đôi bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận về hôn lễ và quyết định tổ chức làm đám cưới vào tháng sau.
Hai người kết hôn không lâu, Tiểu Vương có việc phải đi xa, mãi đến trước Tết Nguyên đán mới trở về.
Trong khoảng thời gian Tiểu Vương đi vắng, mỗi khi nghĩ đến tướng mạo đẹp trai của chồng Quyên Tử lại cảm thấy hơi tự ti về cái vóc dáng khác người của mình nên cô quyết tâm giảm cân để tạo bất ngờ thú vị cho chồng. Ai ngờ, khi Tiểu Vương trở về, nhìn thấy dáng liễu mảnh mai của Quyên Tử thì mặt mày tối sầm ngay lại, trách: “Chẳng phải là anh đã nói với em là tuyệt đối không được giảm cân sao? Tại sao em lại không nghe lời anh?”.
Quyên Tử thắc mắc: “Chẳng lẽ anh không thích những người đẹp mảnh mai hay sao?”.
Tiểu Vương lẩm bẩm: “Đẹp thì ai chẳng thích, anh cũng thích lắm chứ, nhưng em không còn béo nữa thì sau này anh sẽ phải trải qua mùa đông như thế nào đây?”.
Quyên Tử hỏi Tiểu Vương tại sao anh ta lại nói như vậy và Tiểu Vương phải thành thật trả lời: “Anh nghe nói rằng gấu Bắc cực đốt cháy chất béo do cơ thể nó dự trữ được để giữ ấm, anh cũng đã nghĩ rằng em mũm mĩm như thế thì anh có thể sử dụng lượng năng lượng do cơ thể của em đốt cháy chất béo để tạo ra số calo giữ ấm trong mùa đông. Sau khi chúng ta kết hôn, anh phát hiện ra rằng khi anh ngủ chung với em thì điều đó thực sự đúng là như vậy, quá ấm áp không cần phải bật máy sưởi! Anh đã nghĩ rằng trong tương lai, hóa đơn tiền điện cho sưởi ấm vào mùa đông có thể được tiết kiệm được kha khá. Nhưng bây giờ em không còn béo như trước nữa thì làm thế nào để chúng ta có thể tiết kiệm tiền điện đây…”.
Bà là Đoàn Huy hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc, thân mẫu của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của vương triều Nguyễn.
Đức Từ Cung, Hoàng Đế Bảo Đại, Hoàng Hậu Nam Phương, Hoàng Tử Bảo Long và các quan chức Nam triều, năm 1939. Nguồn: manhhai/flickr.
Cuộc đời của bà thật lắm thăng trầm, như chính vận mệnh của triều đại mà bà từng là một vương phi, trước khi trở thành bà hoàng thái hậu cuối cùng của vương triều ấy.
Sinh năm 1890, Hoàng Thị Cúc là kết quả của một cuộc tình giữa viên tri huyện Hòa Đa (tỉnh Bình Định) Hoàng Văn Tích với người chị vợ của ông là La Thị Sơn, khi bà này từ quê vào Bình Định chăm sóc em gái của mình là La Thị Huân, chánh thất của ông Hoàng Văn Tích. Sau khi sinh nở, bà La Thị Sơn giao con gái cho vợ chồng viên tri huyện nuôi dưỡng để đi lấy chồng.
Hoàng Thị Cúc lớn lên trong sự dưỡng dục của người dì và cũng là mẹ đích của bà. Chẳng may, vợ chồng tri huyện họ Hoàng đều mất sớm, nên người con trai cả của ông Hoàng Văn Tích là Hoàng Trọng Khanh trở thành người chăm sóc bà và các anh chị em trong gia đình Hoàng tri huyện.
Gia cảnh ngày một khó khăn nên ông Hoàng Trọng Khanh đã “tiến” bà vào cung làm thị nữ để hầu hạ bà Thánh Cung Nguyễn Thị Nhàn và bà Tiên Cung Dương Thị Thục, hai bà vợ góa của vua Đồng Khánh. Đây là cơ hội để bà Hoàng Thị Cúc “gặp gỡ” Phụng Hóa công Nguyễn Phước Bửu Đảo, con trai cả của vua Đồng Khánh với bà Tiên Cung, người sau này trở thành vị vua thứ 12 của triều Nguyễn.
Năm 1913, bà sinh hạ cho ông hoàng Bửu Đảo công tử Nguyễn Phước Vĩnh Thụy, mà theo lời đồn đãi trong dân gian xứ Huế, thì Phụng Hóa công chỉ là “người đổ vỏ” cho hoàng thân Hường D., người ở hàng vai ông nhưng lại là bạn bè thân thiết của ông hoàng Bửu Đảo.
Thực hư chuyện này không ai rõ, chỉ biết rằng Hoàng Thị Cúc là người được Phụng Hóa công Bửu Đảo rất sủng ái. Năm 1916, Phụng Hóa Công được đưa lên ngai vàng trở thành vua Khải Định (1916 – 1925), thì bà Hoàng Thị Cúc được vua phong là Huệ tần. Đến năm 1918, bà được tấn phong là Huệ phi, bậc thứ hai (nhị giai phi) trong cửu giai (chín bậc) mà các vua triều Nguyễn phong cho các phi tần của mình.
Năm 1925, vua Khải Định thăng hà, Đông Cung thái tử Vĩnh Thụy đang học ở Pháp được gọi về để kế vị ngai vàng, trở thành vua Bảo Đại, rồi lại sang Pháp tiếp tục du học, đến năm 1932 mới chính thức hồi loan để trị vì đất nước. Ngày 25/3/1933, vua Bảo Đại tôn phong cho mẹ mình là Đoan Huy hoàng thái hậu, song từ đấy về sau người dân xứ Huế luôn gọi bà một cách tôn kính là Đức Từ Cung hay Đức Từ.
Đức Từ Cung xuất thân trong một gia đình quan lại cấp thấp, có một thuở niên thiếu khó khăn nên ít được học hành. Hoàn cảnh đưa đẩy khiến bà trở thành một vương phi được vua Khải Định sủng ái, rồi thành một bà hoàng thái hậu đầy quyền uy trong buổi mạt kỳ của một triều đại phong kiến. Vì thế, bà đã không ngừng học tập, cả chữ Hán, Pháp văn và Quốc ngữ; luôn tìm hiểu và thực hành tất cả những nghi lễ, điển chương liên quan đến đời sống, văn hóa, ứng xử trong triều đình Huế, để xứng đáng với vị thế của một bậc “mẫu nghi thiên hạ”.
Khi triều Nguyễn đang tồn tại, dù ở ngôi vị hoàng thái hậu cao sang, Đức Từ Cung vẫn sống một cuộc đời bình dị và là một Phật tử thuần thành, gạt bỏ những thị phi để bảo vệ danh dự cho hoàng gia và gìn giữ gia phong cho “đệ nhất gia đình” của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu.
Sau khi triều Nguyễn cáo chung, vua Bảo Đại rày đây mai đó và sau cùng phải lưu vong nơi xứ người, nhưng Đức Từ Cung thì vẫn “neo giữ” cả thể xác lẫn tâm hồn ở xứ Huế.
Bà tự bỏ tiền túi để sửa chữa Thái Miếu (nơi thờ chín vị chúa Nguyễn), Hưng Miếu (nơi thờ thân phụ và thân mẫu của vua Gia Long) và các tôn lăng của các thành viên trong hoàng gia triều Nguyễn đã bị hư hại do chiến tranh. Bà duy trì các hoạt động cúng bái, lễ nghi nơi tôn miếu và lăng tẩm các vị vua Nguyễn.
Đặc biệt, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của bà mà Đoàn Ba Vũ, đoàn ca múa cung đình thời Nguyễn, được duy trì cho đến ngày hòa bình lập lại. Nhờ vậy, Huế mới giữ được một di sản ca múa nhạc cung đình để phục vụ du khách và phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế và là cơ sở góp phần xây dựng hồ sơ đăng ký Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa của nhân loại.
Đức Từ Cung là người có nhiều công lao trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam vào đầu thập niên 1930. Bà đã tác động với vua Bảo Đại để thành lập An Nam Phật học hội mà bản thân nhà vua là Hội trưởng danh dự. Bà cũng tác động để vua Bảo Đại sắc phong các ngôi chùa: Tây Thiên, Tường Vân, Trúc Lâm (ở Huế) và chùa Khải Đoan (ở Buôn Ma Thuột) là chùa “sắc tứ” của triều đình Huế.
Sau khi Ngô Đình Diệm “lật đổ” Quốc trưởng Bảo Đại để nắm trọn quyền bính […] Bà bị trục xuất khỏi cung An Định, vốn là biệt cung do vua Khải Định xây bằng tiền túi để tặng cho Đông Cung thái tử Vĩnh Thụy, và là nơi trú tất của Đức Từ Cung kể từ khi triều Nguyễn cáo chung.
Bà chuyển đến sinh sống trong ngôi nhà ở cạnh cung An Định do bà tự mua. Tại đây, bà lập bàn thờ để thờ vua Khải Định cùng các thành viên trong gia đình và là nơi cất giữ những bảo vật của vương triều Nguyễn.
Theo một tài liệu do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân mới công bố vào tháng 4/2011, chính Đức Từ Cung đã giao cho thị vệ Nguyễn Đức Hòa bí mật chuyển lên Dinh Ba ở Đà Lạt hai két sắt chứa đầy ngọc ngà châu báu của vương triều Nguyễn để cất giữ. Sau đó, bà đã bàn giao hai két sắt này cho chính quyền cách mạng.
Đức Từ Cung, năm 1972. Nguồn: manhhai/flickr.
Năm 1972, chứng kiến cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, Đức Từ Cung đã đứng ra tổ chức một cuộc lễ tế Giao quy mô tại đàn Nam Giao ở Huế với sự tham dự của Nguyễn Phước tộc và sự chứng kiến của đại diện chính quyền tỉnh Thừa Thiên lúc bấy giờ, để cầu nguyện cho hòa bình, cho quốc thái dân an. Đây là lễ tế Giao đầu tiên được tổ chức tại Huế sau khi triều Nguyễn kết thúc, và cũng là lễ tế Giao cuối cùng do một thành viên của hoàng gia triều Nguyễn tổ chức.
Mùa thu năm 1980, Đức Từ Cung lâm trọng bệnh. Biết không thể qua khỏi, bà cho người mời chính quyền thành phố Huế đến và nói: “Tôi vốn xuất thân trong một gia đình nghèo, không có tài sản chi hết. Tất cả những gì tôi còn giữ hôm nay đây đều của nhà Nguyễn. Nay nhà Nguyễn không còn nữa thì đây là tài sản của nhà nước. Tôi xin bàn giao cho các ông” (dẫn theo tư liệu đã công bố của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân).
Nhờ vậy mà tư thất của Đức Từ Cung trở thành Khu lưu niệm Đức Từ Cung do nhà nước quản lý (nay ở địa chỉ 145 Phan Đình Phùng, thành phố Huế), nơi lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật và di vật có giá trị lịch sử và văn hóa, không chỉ của Đức Từ Cung, mà của cả gia đình ba vua: Đồng Khánh – Khải Định – Bảo Đại, phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.
Đức Từ Cung mất ngày 3/10/1980, hưởng thọ 91 tuổi. Lăng mộ của bà được xây cất ở làng Dương Xuân, cạnh lăng vua Đồng Khánh và lăng vua Tự Đức. Con người bình dị ấy thanh thản yên nghỉ giữa một vùng quê yên bình, sau hơn chín thập kỷ trải nghiệm những trầm luân của số phận, gắn với những thăng trầm của triều đại nhà Nguyễn.
Đây là loại trà vô cùng dễ kiếm, nhưng không phải ai cũng biết hết công dụng của chúng.
Trà quế – thức uống giúp làm sạch nội tạng
Ấm áp và ngọt ngào là 2 tính từ diễn tả đúng nhất về hương vị của trà quế. Quế từ lâu đã được sử dụng như một loại gia vị nấu ăn ở nước ta trong hàng nghìn năm qua, thế nhưng nhiều người chưa biết rằng chúng cũng có tác dụng trong việc điều trị triệu chứng của một số bệnh.
Một đánh giá năm 2014 được công bố trên Tạp chí Evidence Based Free Alternative Medicine cho thấy, sở dĩ quế có thể chứa nhiều công dụng cho sức khỏe là nhờ nó có chứa một số hợp chất quý báu: cinnamaldehyde, axit cinnamic, cinnamate và nhiều thành phần khác như polyphenol – tất cả chúng đều có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.
Quế chứa nhiều đặc tính có lợi cho hệ tiêu hóa. Uống trà quế ngay trước khi ngủ giúp tăng cường trao đổi chất của bạn. Đồng thời, quế chứa nhiều chất chống oxy hóa và kháng sinh, chúng giúp thải độc ruột, làm sạch nội tạng, từ đó hỗ trợ giảm cân. Bạn có thể kết hợp trà quế với mật ong để đem lại cảm giác ngon miệng hơn.
Đều đặn uống trà quế, cơ thể sẽ nhận được vô vàn công dụng tuyệt vời
1. Giảm đường huyết
Theo một phân tích tổng hợp năm 2014, việc bổ sung quế có thể giúp giảm lượng đường trong máu và giảm bớt một số triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2.
Trong quế có chứa một số hợp chất có tác dụng giảm việc kháng insulin trong cơ thể. Ngoài ra, bản thân quế cũng có thể bắt chước tác dụng của insulin, theo Healthline. Insulin là hormone chịu trách nhiệm đưa đường ra khỏi máu và vào các mô của cơ thể.
Quế cũng có thể làm chậm quá trình phân hủy carbs trong ruột, ngăn lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn.
Một khẩu phần trà quế là nguồn cung cấp vitamin K, chất xơ và mangan phong phú, nhưng chỉ cung cấp 2 calo, do đó được coi là một lựa chọn để giảm cân hiệu quả, theo tờ Heathy Food Serve.
Bạn có thể sử dụng quế để giảm cân theo cách sau đây: Pha 1 muỗng canh bột quế với 2 muỗng canh mật ong với 150ml nước đun sôi, đánh đều và sử dụng ngày 1 cốc trước khi đi ngủ, duy trì đều trong vòng 1 tháng kết hợp với luyện tập thể thao đều đặn bạn sẽ thấy cân nặng mình đã giảm đáng kể.
3. Chống ung thư
Theo một bài báo học thuật năm 2019 quế sở hữu các đặc tính chống ung thư. Ngoài ra, các nghiên cứu tại Nhật Bản và Úc đã chỉ ra sự kết hợp giữa mật ong và bột quế giúp phòng ngừa sự phát tán của bệnh ung thư ruột và ung thư xương.
4. Tốt cho sức khỏe tim mạch
Trà quế có chứa nhiều chất chống oxy hóa, những hợp chất có lợi đối với cơ thể. Chất chống oxy hóa chống lại quá trình oxy hóa gây ra bởi các gốc tự do – những phân tử gây hại cho tế bào cơ thể và góp phần gây ra các bệnh như tiểu đường, ung thư và tim mạch.
Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy rằng các hợp chất trong quế có thể làm giảm các dấu hiệu viêm. Chứng viêm được cho là căn nguyên của nhiều bệnh mạn tính, bao gồm cả bệnh tim. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy quế có thể làm giảm huyết áp cũng như nồng độ chất béo trung tính và cholesterol LDL (mỡ máu có hại).
5. Chống lại sự tấn công của các loại vi khuẩn
Một nghiên cứu trong ống nghiệm của Viện Nghiên cứu Thảo dược, Đại học Amity, Ấn Độ cho thấy cinnamaldehyde, thành phần chính trong quế giúp ngăn chặn sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn và nấm mốc gây bệnh cho người bao gồm Staphylococcus, Salmonella và E.coli.
Địa chính trị, suy thoái kinh tế hay biến đổi khí hậu là những vấn đề nổi bật được dự đoán trong năm 2023.
Thời gian sẽ trả lời liệu thế giới có thể giải quyết các vấn đề này hay không.
Thế giới đang đổ dồn mọi ánh mắt về diễn biến chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định các cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình tại Ukraine có lẽ sẽ không diễn ra trong năm 2023. Dù chịu tổn thất nặng nề sau 10 tháng xung đột, cả Nga và Ukraine đều không có thấy dấu hiệu nhượng bộ.
Về phía Ukraine, dù hứng chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, nước này vẫn ủng hộ nỗ lực đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ. Phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ nhân đạo và quân sự, giúp người dân Ukraine nâng cao tinh thần.
Còn tại Nga, bất chấp những tổn thất và thất bại trong thời gian qua, Tổng thống Vladimir Putin có lẽ vẫn quyết tâm thúc đẩy chiến dịch quân sự. Đáng chú ý, dù chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, nền kinh tế Nga vẫn hoạt động tốt hơn so với một số người mong đợi.
Nhìn chung, giới chuyên gia dự đoán chiến sự vẫn sẽ diễn ra ác liệt ít nhất trong nửa đầu năm 2023. Cuộc xung đột sẽ tạo ra dòng di cư lớn, gây thêm áp lực lên châu Âu.
Vấn đề tiếp theo của năm 2023 là mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây.
Nếu năm 2022 đánh dấu bằng sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt trực tiếp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, năm 2023 sẽ cho thấy liệu hai nước này có thể ngăn chặn cạnh tranh biến thành đối đầu hay không. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo mang lại những quãng nghỉ ngắn ngủi nhưng phía trước vẫn còn không ít dấu hiệu đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, mối quan hệ Trung Quốc – phương Tây có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của các liên minh khu vực như Australia – Anh – Mỹ hay Australia – Ấn Độ – Nhật Bản – Mỹ. Trong đó, Mỹ đang giúp các bên liên quan khác trong khu vực tăng cường năng lực vũ trang để tăng khả năng tự vệ trong những tình huống xấu nhất.
Khủng hoảng kinh tế, gây ra từ xung đột Ukraine và căng thẳng Trung Quốc – phương Tây có thể đưa nền kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái vào năm 2023. Nhìn chung, triển vọng kinh tế trong năm mới vẫn còn nhiều ảm đạm.
Những vấn đề mà nền kinh tế các nước sẽ phải đối mặt có thể kể đến như thất nghiệp gia tăng, lạm phát, sức mua của người dân giảm… Do đó, trong năm 2023, các quốc gia vừa phải kiểm soát lạm phát vừa cần duy trì số lượng việc làm ở mức cao dẫu đây là thách thức không hề nhỏ. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gây ra bởi tình hình trên sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến những người dân dễ bị tổn thương nhất.
Cuối cùng là vấn đề biến đổi khí hậu.
Xung đột Nga – Ukraine đã gây gián đoạn thị trường năng lượng, khiến hầu hết các quốc gia chú trọng hơn đến an ninh năng lượng. Điều này đi ngược với cố gắng bảo tồn và giảm lượng khí thải carbon. Đơn cử, Đức đã tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than vì lo ngại Nga cắt khí đốt.
Xung đột Nga – Ukraine mở ra cuộc chạy đua tìm kiếm nguồn cung dầu mỏ, khí đốt mới, nhưng nó cũng chứng minh rằng việc phát triển các nguồn năng lượng xanh là điều cần thiết nhằm giảm phụ thuộc vào các nhà sản xuất dầu. Cải thiện các khuôn khổ thúc đẩy đầu tư năng lượng xanh sẽ đóng vai trò quan trọng vào năm 2023.
Nữ hoàng Elizabeth hiện là nhân vật hoàng gia nổi tiếng nhất thế giới, nhưng Hoàng gia Anh Quốc chỉ có thể đứng cuối cùng trong danh sách những gia đình hoàng tộc giàu có nhất toàn cầu trong năm 2022.
Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth là một trong những sự kiện được theo dõi nhiều nhất. Cộng với những lùm xùm về đời tư của của Hoàng tử Harry, Hoàng gia Anh Quốc là gia đình hoàng tộc nổi tiếng nhất trên thế giới.
Tuy vậy, liệu khối tài sản của gia đình Nữ hoàng Elizabeth c thể so bì được với những hoàng tộc khác trên thế giới hay không, như Hoàng gia Qatar đã chi rất nhiều tiền để có thể tổ chức World Cup vào cuối năm nay.
Dưới đây là danh sách 5 gia đình hoàng tộc giàu có nhất trên thế giới:
5. Hoàng gia Anh Quốc: 88 tỷ USD
Theo Forbes, là một trong những vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử, Nữ hoàng Elizabeth II có khối tài sản cá nhân rơi vào khoảng 470 triệu USD. Tổng số tài sản ròng của toàn bộ thành viên Hoàng gia Anh Quốc là 88 tỷ USD.
Nữ hoàng Elizabeth và gia đình sở hữu khối tài sản 88 tỷ USD. Ảnh: scmp
Phần lớn thu nhập của Hoàng gia Anh tới từ khoản phí hàng năm Sovereign Grant (Trợ cấp Hoàng gia) do chính phủ Anh chi trả. Ngoài ra, Hoàng gia Anh còn kiếm được hàng triệu bảng mỗi năm từ những bất động sản sở hữu bởi gia đình Nữ hoàng như Lâu đài Balmoral tại Scotland và khu phức hợp Sandringham tại miền Đông nước Anh. Không những vậy, tài sản của Hoàng gia Anh còn bao gồm những cổ vật có giá trị cao, những quà tặng từ các lãnh đạo trên toàn thế giới.
Tổng tài sản 88 tỷ USD cũng giúp Hoàng gia Anh vượt qua Hoàng gia Thái Lan và Brunei để lọt vào danh sách 5 gia đình hoàng tộc giàu có nhất.
4. Hoàng gia Abu Dhabi – UAE: 150 tỷ USD
Kể từ năm 1793, Hoàng gia Abu Dhabi là gia đình quản lý Bảy Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Nhờ việc khai thác và buôn bán giàu mỏ kể từ năm 1970, gia đình này có khối tài sản ròng ước tính là 150 tỷ USD.
Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan và gia đình sở hữu 150 tỷ USD. Ảnh: scmp
Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan – người đứng đầu UAE kể từ năm 2004 sở hữu một mảnh đất ở thủ đô London (Anh) có giá tới 7,1 tỷ Bảng. Theo Guardian, chỉ riêng tiền thuê từ mảnh đất này thôi đã mang lại cho ngài Sheikh 200 triệu USD mỗi năm. Ngoài ra, Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan cũng là chủ tịch Quỹ đầu tư Abu Dhabi có trị giá gần 700 triệu USD.
3. Hoàng gia Qatar: 335 tỷ USD
Vào cuối năm nay 2022, Qatar được dự báo sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế tới để theo dõi World Cup 2022 – sự kiện mà quốc gia này đã chi rất rất nhiều tiền để có thể đăng cai.
Tuy vậy, số tiền bỏ ra không là gì so với tài sản của Hoàng gia Qatar do gia đình Thani lãnh đạo. Gia đình này nắm giữ cổ phần ở tại nhiều bất động sản nổi tiếng trên toàn cầu như: tòa nhà chọc trời London’s Shard, Làng Olympic và tòa nhà Empire State.
Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani và gia đình sở hữu khối tài sản 335 tỷ USD. Ảnh: scmp
Người đứng đầu Hoàng gia Qatar – Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani có tài sản cá nhân ước tính khoảng 2 tỷ USD. Ngoài ra, những khoản đầu tư vào Hãng hàng không British Airways, Ngân hàng Barclays và công ty ô tô Volkswagen đã nâng tổng số tài sản của Hoàng gia Qatar lên con số 335 tỷ USD.
2. Hoàng gia Kuwait: 360 tỷ USD
Xếp thứ 2 trong danh sách này là một cái tên gây bất ngờ, bởi Hoàng gia Kuwait kín tiếng hơn hẳn các gia đình hoàng tộc khác trên thế giới.
Hoàng gia Kuwait xếp thứ hai với tổng tài sản 360 tỷ USD. Ảnh: scmp
Gia đình Sabah đã cầm quyền tại Kuwait kể từ năm 1752 và được biết đến nhiều nhất bởi các khoản đầu tư vào các công ty sản xuất chip bán dẫn tại Mỹ. Vào năm 1991, tổng tài sản của Hoàng gia Kuwait là 90 tỷ USD, nhưng ở năm 2022, số cổ phiếu và cổ phần mà họ đầu tư đã tăng giá chóng mặt. Điều này giúp cho Sheikh Nawaf Al-Ahmad Al-Sabah và gia đình sở hữu khối tài sản trị giá 360 tỷ USD.
1. Hoàng gia Ả Rập Xê Út: 1.400 tỷ USD
Gia đình Saud đã cai trị Ả Rập Xê Út kể từ năm 1744 và thậm chí còn đặt tên quốc gia này theo gia đình họ (Saudi Arabia). Nhà vua Salman – người trị vì kể từ năm 2015 được cho là có tài sản cá nhân trị giá 18 tỷ USD, biến ông trở thành thành viên Hoàng gia giàu nhất thế giới.
Nhà Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman sở hữu tới 1400 tỷ USD. Ảnh: scmp
Xếp ngay sau ông là Hoàng tử Alwaleed bin Talal, người có tài sản rơi vào khoảng 16 tỷ USD. Hoàng tử cũng là người đóng góp 1.9 tỷ USD cho thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk.
Nếu tính tổng số tài sản của toàn bộ thành viên trong Hoàng gia Ả Rập Xê Út, tổng giá trị lên tới 1.400 tỷ USD – cao hơn cả GDP của Tây Ban Nha hay Australia. Không những vậy, tổng số tài sản của 9 gia đình hoàng tộc giàu nhất thế giới (xếp sau Ả Rập Xê Út) cũng chỉ rơi vào khoảng 2.400 tỷ USD, tức gia đình Saud giàu có một cách khó có thể tưởng tượng.
Từ nay đến năm 2030, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến gần nước Mỹ hơn; nhưng sau đó tốc độ sẽ giảm dần vì chủ trương chỉ huy, kiểm soát của chế độ độc tài sẽ “đụng trần.” Trung Quốc có thể sẽ không bao giờ lớn hơn kinh tế Mỹ.
Đối với ông Tập Cận Bình, 2022 làmột năm “tiền cát hậu hung.” Đầu năm, ông được phong nhậm thành vị hoàng đế mới của nước Trung Hoa cộng sản. Ông đã thành công trị được bệnh dịch Covid, số dân bị nhiễm bệnh và số người chết thấp nhất thế giới. Ông có thể khoe khoang rằng chế độ chính trị độc đảng, độc quyền của ông có hiệu quả tốt hơn các nước dân chủ tự do. Ông kêu gọi cả loài người hãy noi gương sống theo lối của người Trung Quốc.
Cuối năm, ông Tập Cận Bình bắt buộc phải “quẹo chữ U,” đổi chiều 180 độ. Chế độ công an có thể bắt giam bất cứ một người nào không tuân phục bọn nắm quyền, với hệ thống kiểm soát tối tân bằng trí khôn nhân tạo, có thể nhận mặt, gọi tên hàng tỉ người dân, biết rõ ai đã làm gì, ở đâu, ngày giờ nào. Nhưng công an không nhận diện được và không bắt được mấy con virus!
Chưa đầy một tháng, số người mắc bệnh vọt lên gần một nửa dân số 1.4 tỷ, và đang tiếp tục tăng thêm. Nhiều tổ chức nghiên cứu tiên đoán số người chết trong năm 2023 sẽ lên một đến hai triệu. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách sai lầm ngay từ những ngày đầu.
Chính quyền cộng sản chỉ lo kiểm soát và cấm đoán dân, nhưng không lo việc chủng ngừa đầy đủ; bây giờ nước đến chân mới nhẩy. Hệ thống y tế không đủ nhân lực và phương tiện chống bệnh dịch vì ngay từ khi bệnh dịch bắt đầu nhà nước quá tự tin, không lo xây dựng thêm bệnh viện, không huấn luyện thêm nhân viên. Người Trung Hoa trong lục địa ít mắc bệnh nhờ các lệnh cấm đoán, lại ít chịu chủng vaccine, cho nên bây giờ khó đạt được tình trạng “miễn nhiễm tập thể” như ở các nước khác.
Ngoài bệnh dịch Covid, Tập Cận Bình còn một mối lo lớn khác: Kinh tế sẽ giảm tốc độ trong vài năm tới và trong tương lai khó lòng trở lại “thời vàng son” trước đây. Trong cuộc chạy đua kinh tế với Mỹ, Trung Quốc khó vượt lên như nhiều người đã nghĩ.
Vài chục năm trước, Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs đoán kinh tế Trung Quốc sẽ qua mặt nước Mỹ vào khoảng năm 2025, tức là chỉ còn ba năm nữa thôi. Sau đó, Goldman Sachs dè dặt đẩy xa thêm 10 năm, đoán đến năm 2035. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (Center for Economic Research) từng tiên đoán vào năm 2028 Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, sau cũng đẩy lùi tới năm 2033. Nhưng gần đây nhất, chính trung tâm này thấy phải hoãn vài chục năm nữa. Hiện nay, nhiều nhà kinh tế thấy câu trả lời là “Kinh tế Trung Quốc không bao giờ lớn hơn Mỹ!”
Trung Quốc vẫn còn trên đà phát triển nhanh, với tỷ lệ tăng trưởng của Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) từ 4% đến 5% như họ ước tính, so với tỷ lệ trên dưới 2% của Mỹ. Hiện GDP Trung Quốc bằng 70% của Mỹ, nếu tính trị giá số sản xuất bằng đô la. Nhưng nếu tính bằng “khả năng tiêu thụ” (purchasing power parity) thì nước Trung Quốc giàu hơn nước Mỹ từ năm 2016, vì giá các hàng hóa, dịch vụ ở đó rẻ hơn.
Tuy nhiên, một nước giàu hơn không có nghĩa là mọi người dân đều giàu hơn. Đem chia lợi tức quốc gia (GDP) cho dân số, lợi tức bình quân của người Trung Quốc trị giá khoảng $10,000 đô la, người Mỹ được hưởng gấp sáu lần. Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4.75% (từ nay sẽ rất khó) so với 2% ở Mỹ, thì Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ trong 15 năm nữa; nhưng lúc đó lợi tức bình quân mỗi người Trung Quốc cũng chỉ bằng một phần tư người Mỹ. Một quốc gia giàu gấp bốn lần nước đối thủ sẽ sẵn vốn đầu tư vào các công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật để tiến nhanh thêm, và tăng sức mạnh quân sự dễ dàng hơn.
Chướng ngại lớn nhất khiến kinh tế Trung Quốc không tiến lên hơn Mỹ được là chế độ cộng sản. Đảng quen đường lối chỉ lo kiểm soát và ngăn cấm, không chấp nhận các quyền tự do của người dân. Trở ngại thứ nhì, không thể nào tránh được dù có chấm dứt chế độ cộng sản, là dân số Trung Quốc bắt đầu giảm bớt; số người làm việc ngày càng ít hơn, số người già tăng lên.
Các chế độ độc tài thường nuôi ảo tưởng rằng chính sách chỉ huy có hiệu quả hơn kinh tế tự do. Loài người đã thí nghiệm hai lối làm kinh tế đó trong thế kỷ 20. Cộng sản độc tài ở Liên Xô đã gia tăng sản lượng công nghiệp nhanh chóng, nhưng cuối cùng phải “đụng trần.” Vì con người ta không ai muốn làm việc bằng hai chỉ để cho các vị thủ trưởng mua đài, mua xe. Trong thế kỷ 20, cuộc thí nghiệm kinh tế ở Trung Quốc cũng thành công từ thập niên 1980 nhờ áp dụng một số cách làm ăn của tư bản. Nhưng họ sẽ “đụng trần” lần nữa, vì không chấp nhận một yếu tố mạnh nhất trong kinh tế tư bản là quyền tự do suy nghĩ, sáng chế, phát triển, và chấp nhận thử thách trước các vụ đầu tư rủi ro, bất định.
Cộng sản Trung Quốc vẫn đề cao khu vực quốc doanh mặc dù họ làm ăn thiếu hiệu quả. Tài nguyên được dồn cho các xí nghiệp nhà nước, chắc chắn là phí phạm. Tập Cận Bình đã thi thố quyền sinh sát trên cả các ngành công nghiệp điện tử và tin học hàng đầu, như các công ty Alibaba hay Didi. Chính sách đó sẽ làm cho kinh tế Trung Quốc chậm phát triển vì thiếu sáng kiến, không canh tân, tai hại hơn cả những lệnh cấm vận về kỹ thuật tiên tiến của Joe Biden. Bản thân ông Tập Cận Bình là chướng ngại lớn nhất, vì trong các năm sắp tới ông ta sẽ chỉ tiếp tục lo củng cố quyền lực, càng nhiều trở ngại thì càng cứng rắn hơn.
Dân số Trung Quốc có dấu hiệu ngưng tăng trưởng từ năm 2020 và sẽ bắt đầu giảm bớt trong mấy năm tới. Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Cộng báo trước dân số sẽ bắt đầu xuống từ năm 2021 đến 2025, theo dự đoán của các quan chức, bản tin Reuters tường thuật vào tháng Bảy năm nay. Trong năm 2021, số trẻ em mới sinh ở nhiều tỉnh xuống thấp nhất so với 10 năm trước; trong cả nước chỉ sanh được 10,6 triệu em bé, giảm 1.4 triệu so với năm 2020. Tại tỉnh Hồ Nam, số trẻ sơ sinh chỉ có 500,000, thấp nhất trong 60 năm. Chỉ có tỉnh Quảng Đông có một triệu em bé ra đời.
Riêng lớp người trong tuổi làm việc ở Trung Quốc đã lên cao nhất vào năm 2015, rồi bắt đầu xuống, số người già tăng lên. Hiện nay, cứ 100 người trong tuổi làm việc nuôi 22 người về hưu; đến cuối thế kỷ này cứ 100 người còn đi làm phải nuôi 120 người đã nghỉ việc. Dân số Trung Quốc sẽ già hơn dân Mỹ. Đến năm 2040, người ở tuổi đứng giữa (median age) ở bên Trung Quốc là 46.3 tuổi, người Mỹ là 41.6 tuổi. Tình trạng dân chúng già hơn sẽ khiến kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại.
Người ta có thể giữ vững được tỷ lệ phát triển dù số nhân công giảm bớt, nếu gia tăng sản năng của những người làm việc, bằng máy móc, kỹ thuật, nhất là các tiến bộ trong tin học. Nhưng trên mặt này, chính sách của ông Tập Cận Bình sẽ khiến sản năng của người Trung Hoa không tiến nhanh được bằng các công nhân Mỹ.
Trong khi đó thì chính phủ Mỹ bắt đầu ngăn cản không cho kinh tế Trung Quốc qua mặt. Nước Mỹ sẽ đặt mua ở nơi khác và sản xuất lấy nhiều thiết bị trước đây vẫn mua ở bên Trung Quốc. Hơn nữa, sẽ cấm vận để không cho Trung Cộng mua các kỹ thuật tin học, vi tính để học hỏi.
Tháng 10 vừa qua, bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra các luật lệ cấm bán các kỹ thuật chế tạo chất bán dẫn mới cho Trung Quốc. Theo kinh nghiệm, khi chính phủ Mỹ cấm không bán chất bán dẫn cho Huawei, công ty này đã bị tê liệt một thời gian dài. Tiếp theo, sẽ có các luật lệ hạn chế việc đầu tư của các công ty Mỹ vào Trung Quốc. Quốc hội và chính phủ Mỹ còn quyết định giúp các công ty làm chất bán dẫn ở Mỹ, một điều trái ngược với nguyên tắc kinh tế tự do, chỉ vì muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Cộng.
“Chúng ta thấy cả mặt biển thay đổi trong quan hệ Mỹ và Trung Quốc,… một bước nhảy xa chưa từng thấy,” như lời ông Clete Willems, người hoạch định chính sách với Trung Cộng trong chính phủ Donald Trump. “Chính quyền Mỹ coi sự phát minh, sáng chế của người Trung Quốc trong nước họ cũng là một mối đe dọa về an ninh đối với nước Mỹ!”
Từ nay đến năm 2030, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến đến gần nước Mỹ hơn; nhưng sau đó tốc độ sẽ giảm dần vì chủ trương chỉ huy, kiểm soát của chế độ độc tài sẽ “đụng trần.” Trung Quốc có thể sẽ không bao giờ lớn hơn kinh tế Mỹ.