QUẢNG NINH – Từ phía ngoài, ngôi nhà xây hoàn toàn bằng gạch đỏ, để mộc, như một pháo đài cổ nằm lọt giữa những lớp cây cối xanh mát.
Ngôi nhà diện tích 226 m2 nằm trong một khu đô thị mới ven biển thành phố Hạ Long, là nơi ở của gia đình hai thế hệ.
Chủ nhà là người yêu thiên nhiên, thích đơn giản, không muốn xây hết đất giống những nhà kế cận, nên nhóm kiến trúc sư đã thiết kế một không gian sống tiếp xúc nhiều nhất với cây xanh và ánh sáng tự nhiên.
Tận dụng lợi thế khu đất mặt tiền 8 m, sâu 25 m, các kiến trúc sư lên ý tưởng về một ngôi nhà với nhiều lớp không gian từ ngoài vào trong.
Theo đó khu đất được chia thành 5 phần với các chức năng khác nhau, trong đó hai phần giữa là không gian ở, còn lại dành cho cây xanh và mặt nước. Nhờ cách phân chia này, xuyên suốt từ ngoài vào trong là các lớp không gian ở và cây xanh đan xen. Mỗi không gian ở đều có hai mặt thoáng là cây xanh và mặt nước.
Ngay từ mặt tiền, ngôi nhà nổi bật với nền gạch đỏ kết hợp với màu xanh của cây cỏ.
Để tạo không gian mát lành cho ngôi nhà, kiến trúc sư đã sử dụng cây cối tạo thành những bức tường xanh che nắng, vừa tránh nắng nóng vừa chống ồn từ xe cộ bên ngoài.
Phòng khách được bố trí gần với cửa chính, tạo thuận lợi cho khách ra vào, cũng như đảm bảo tính riêng tư cho các phòng công năng khác.
Vật liệu chính trong nhà là gạch đỏ và bê tông trần, gợi cảm xúc mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên và giảm việc bảo trì thường xuyên theo thời gian sử dụng.
Giữa hai khối nhà là không gian cầu thang, hành lang giao thông kết nối và mặt nước. Nhờ khoảng đệm này mà tất cả các không gian đều được tiếp xúc với thiên nhiên.
Cách bố trí này tạo nên không gian khép kín, yên tĩnh, cách biệt bên ngoài nhưng vẫn kết nối được con người với thiên nhiên. Từ mọi vị trí trong nhà, các thành viên gia đình đều có thể nhìn thấy nhau.
Những cây cúc tần Ấn Độ rủ từ trên cao xuống như phủ lên nhà một tấm rèm tự nhiên, vừa đem tới cảm giác xanh mát vừa chắn nắng trực tiếp rọi vào bên trong.
Phía trên sân thượng còn có vườn cây ăn quả, là nơi để những đứa trẻ lớn lên ở phố thị được gần gũi với thiên nhiên.
Khi di chuyển trong nhà, từ ngoài vào trong, từ dưới lên trên, gia chủ liên tục gặp những khoảng không gian mở và cây cối. Vì màu sắc và bề mặt bê tông trần dễ gây cảm giác lạnh nên nội thất màu gỗ sẽ tăng sự ấm cúng cho ngôi nhà.
Tầng một là không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp, ăn, vệ sinh… Các không gian được bố trí giữa những khoảng vườn và hồ nước tĩnh lặng. Hệ cửa kính kéo dài từ sàn đến trần cho phép ánh sáng tự nhiên tràn vào không gian nội thất, khiến người sống trong nhà như được bao bọc bởi thiên nhiên xanh mát.
Trúc được sử dụng nhiều ở cả sân trước và sân sau công trình. Loại cây này có ưu điểm là lá xanh quanh năm và ít rụng nên không tốn nhiều công chăm sóc, quét dọn.
Sự kết hợp vật liệu truyền thống với kiến trúc hiện đại tạo nên không gian vừa tiện nghi vừa dân dã, thanh bình.
Hệ cầu thang là trục chính xuyên suốt từ trên xuống dưới vừa mang công năng giao thông, chuyển ánh sáng và điều hoà không khí vừa là hình khối trang trí cho bố cục căn nhà.
Khoảng thông tầng với hệ cửa kính lớn giúp đưa ánh sáng tràn ngập vào các phòng công năng, dù ở tầng một hay tầng hai.
Ngôi nhà hoàn thiện năm 2021.
Trang Vy Thiết kế: Công ty TNHH Kiến trúc Hòn Gai (HGAA) Kiến trúc sư chủ trì: Nguyễn Văn Thu Nhóm thiết kế: Trần Mai Phương, Nguyễn Minh Đức, Phạm Ngọc Sơn
Sợ sự thật, sợ phải tiếp cận, đối mặt với sự thật sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến tự huỷ hoại.
Gần đây, trong nhiều mặt sinh hoạt đời thường, người ta cảm nhận rõ hơn sự giả dối, gian dối đang ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng phải làm gì trước sự giả dối thì gần như người Việt mình vẫn chưa có thói quen hành xử đúng mực với nó.
“Ngụy thiện”?
Có khi biết rõ cái đang diễn trước mặt mình quá ư giả dối, nhưng lại sợ “vạch áo cho người xem lưng”, sợ “xấu chàng hổ ai”, nên sự giả dối, bất lương càng có đất để sống dai và biến tướng.
Giả dối luôn song hành với sự hèn yếu, thiếu tự tin nơi nhân cách, chuyên môn của chính mình. Một khi thước đo nhân cách bị đánh mất thì họ sẽ tìm cách bưng bít và ngăn che sự thật. Biểu hiện rõ nhất của sự giả dối, dối trá là bên ngoài người ta có thể đóng vai làm “nhà từ thiện” nhưng bên trong thì ra sức tiêu thụ hàng quá đát, hàng độc hại để thu lợi bất chính.
Không ít người sẵn sàng làm chứng gian cho nhau, hoặc ngậm miệng cho qua mọi chuyện để cầu toàn, hưởng lợi… Vì thế giả dối luôn song hành với tâm lý xấu che, tốt khoe và sợ sự thật. Trong các quan hệ ứng xử, một khi người ta thiếu lòng tự trọng và sợ sự thật, thì đó là lúc sự giả dối phát tác và bắt đầu gây hại.
Cũng cần phân biệt thêm giữa nói dối, giả dối và gian dối. Nói dối phần nhiều liên quan đến cái miệng, nhưng giả dối và gian dối thì vượt xa sự bất lương của cái miệng. Vì nó còn là thủ đoạn được thúc đẩy ngay trong hành động và ý nghĩ gây hại.
Nói thì dễ, làm thì khó. Nói dối không chỉ là nói sai sự thật, quá sự thật mà còn là nói hoa mỹ, khoa trương, thêu dệt, nói vô bằng. Đằng trước nói phải sau lưng nói trái, nói ác độc gây thù hận, đổ vỡ… Nói dối và làm dối có tác hại ở những mức độ khác nhau, nhưng nếu cả nói dối và làm dối cùng bị ý thức điều khiển thì cụôc sống sẽ phát sinh nhiều bất ổn.
Việc thích nghe khen, nghe nịnh, nghe tâng bốc cũng ít nhiều tiếp tay cho sự giả dối. Giả dối tạo ra sự mất mát niềm tin trong xã hội, một khi ai đó cứ mở miệng ra là rao giảng đạo đức, nhưng cách hành xử thực tế thì luôn đi về phía ngược lại. Hệ thống quản trị xã hội đến lúc nào đó sẽ đối mặt với khủng hoảng một khi các giá trị đạo đức bị bất tín. Nói như dân gian: “Trăm năm tích đức tu hành, một nhời thất đức công trình đổ đi”…
Thông thường, đứng trước sự giả dối nhất thời, người ta sẽ quy ngược và tẩy chay cả quá trình “tích đức” lâu dài trước đó. Vì thế thành tích quá khứ cũng khó “đỡ” nổi cho cái hiện tại trần trụi, nhiều khuyết tật này. Nhưng nếu ai dũng cảm nhận trách nhiệm, không đổ lỗi, thì họ sẽ có cơ hội phục dựng lại hình ảnh nhân cách của mình, xây dựng niềm tin vào sự tốt đẹp cho cộng đồng.
Nếu dùng quyền lực, tiền bạc để bao che tội lỗi, thì sẽ tạo ra cho đời sống ứng xử một thứ lo ngại hữu hình, rằng sự thật không những không được phơi bày mà còn để cho sự giả dối ngang nhiên công phá vào thành trì niềm tin con người.
Khi các mối quan hệ xã hội xảy ra sự mất niềm tin ở diện rộng đối với nhau thì người ta dễ dàng phân tuyến và củng cố cho cái nhìn đối lập “yêu nên tốt ghét nên xấu” của mình. Do đó, những cơ hội để người ta điều chỉnh và tương thông với nhau sẽ bị sự thành kiến ngăn chặn.
Rõ ràng cái nhìn “yêu nên tốt ghét nên xấu” của người Việt mình chưa sửa chữa được cái khuyết điểm lịch sử trong việc “định nghĩa” con người là thiện hay ác, có thể sửa chữa hay không. Đây cũng là quan điểm không thống nhất của Nho gia và Pháp gia trong lịch sử cai trị mà Việt Nam từng chịu ảnh hưởng.
Pháp gia nghĩ ra mọi điều luật để tăng tối đa các công cụ cai trị có lợi cho vương quyền, trong khi Nho gia thì gia giảm và bổ sung nhiều các phép tắc đạo đức, thậm chí ở một mức độ khó tin như “mệnh trời”. Cũng vì đổ hết cho mệnh trời, nên lời nói và thực hành ít đi đôi với nhau.
Khi chữ “trung” được đẩy lên mức cao nhất (trung thần bất sự nhị quân), thì đặc quyền của giới quý tộc gần như không có điểm dừng, trong khi dân chúng phải chịu đủ mọi thứ khắc chế. Hàng nghìn năm dân tộc ta phải sống chung với cái không có thật là “mệnh trời”, một dạng “nguỵ thiện” trong cai trị.
Sẽ rất khó khăn để nói thẳng, nói thật trong những trường hợp ứng xử xã hội thiên về lối sống duy cảm kiểu “yêu nên tốt ghét nên xấu”. Và đó là lý do pháp luật khó được thực thi và sự thật luôn bị đẩy vào góc khuất.
Còn nhiều cái không có thật, cái ảo tưởng vẫn tiếp tục cai trị trong đầu óc con người, nên người ta buộc phải học cách để sống chung với nó. “Nguỵ thiện” là lấy cái học đạo đức giả làm nền cho ứng xử, khiến cho người ta thích nghe những lời tâng bốc và luôn sợ hãi trước sự thật.
Giả dối- ý thức bị cái ác chế ngự hoàn toàn
Theo quan điểm của đạo Phật, rất khó để có những lời nói dối không gây hại cho ai, nên nói dối dù ở mức độ nào vẫn phải dẫn đến “quả báo” mất mát niềm tin. Nói dối có nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng giả dối thì được huấn tập vào trong tính cách, đến một lúc lấn lướt và trở thành cái đối lập với sự chân thật, công lý.
Trong vế tâm lý “ghét nên xấu”, người ta dễ dàng nuôi dưỡng ý định gây tổn hại cho đối phương. Thậm chí, chỉ cần nghe đối phương gặp khó khăn thì họ cũng coi đó là cơ hội để vui sướng, ăn mừng. Ngay cả việc dùng công cụ bạo lực để hại người cũng được xem như một thứ niềm vui. Đôi lúc người ta còn tranh luận: “Tôi chỉ mới có ý định giết người thôi, còn đã có ai chết đâu mà tôi bị coi là phạm tội giết người”.Có nhiều tình huống người ta phải nói dối, nhưng đó không phải là sự giả dối. Giả dối có cấp độ cao hơn nhiều nói dối, vì ở đó ý thức đã bị cái ác chế ngự hoàn toàn.
Theo quan điểm của đạo Phật, mọi hành động được dẫn dắt bởi ý thức sẽ quyết định nghiệp mà họ phải trả. Trong trường hợp này, dù người kia chưa giết người thì tội giết người cũng đã thành lập, vì ý thức trung tâm đã bị cái ác kiểm soát. Đạo Phật gọi đó là tự tác, giáo tha tác, kiến tác tuỳ hỷ (tự tay mình giết, bảo người khác giết, thấy người khác giết mà vui theo).
Dù ở tình huống phải giết một để người cứu vạn người thì vẫn phải chịu qủa báo giết người, không gì có thể bù lấp được cho hành vi cố sát. Vì giết cái ác trong một con người chỉ là giết một vế của con người, còn đang tâm giết cả con người là giết luôn cái thiện, không cho người khác cơ hội để sống và sửa chữa.
Khi ý thức thù nghịch phân tuyến và trở thành định kiến trong ứng xử xã hội thì sẽ tạo ra một môi trường giáo dục ít khoan dung và hoà giải. Một khi lòng từ bi không phải là sức mạnh thì càng sử dụng bạo lực, càng cho thấy sự sợ hãi. Phản ứng của sự sợ hãi chính ngăn che sự thật, khiến người ta không thấy được hành vi gây tổn hại, nhất là khi ý thức đã bị sự hiềm thù, đối đầu kiểm soát.
Trong nhiều trường hợp, pháp luật và nhân nghĩa đời thường không gặp gỡ nhau. Và xã hội “nguỵ thiện” là xã hội mà ai cũng tự cho rằng mình là “chân lý”. Ngay cả tôn giáo, một nơi được xem là có nhiều bài học đạo đức nhất, mà sự chết chóc, thù hận do xung đột tôn giáo cũng không hề giảm.
Pháp luật và đạo đức có đầy đủ các mức độ để kiểm soát hành vi, duy trì trật tự xã hội, nhưng nó sẽ trở nên “nguỵ thiện” khi những người tạo ra nó sống bằng hành vi đạo đức giả, thiếu vắng sự soi chiếu nội tâm và kiểm soát ý thức. Song những bất ổn xã hội là một tương quan rộng lớn, trong đó có cả tâm thức khơi mào cho những nghi kỵ, thù hận, khắc sâu và đưa đẩy những mối họa tham sân si lớn hơn của con người để tranh giành ích lợi và ảnh hưởng, đôi khi chỉ để thỏa mãn cái tự ngã nhất thời.
Tính giả dối và căn bệnh sợ sự thật
Trong lịch sử, Pháp gia và Nho gia ra sức bảo vệ vương quyền bằng đủ mọi quy định pháp luật và quy chuẩn đạo đức. Tuy nhiên, đạo đức tôn giáo và pháp luật trong tình huống cụ thể nào đó lại không có cùng tiếng nói với nhau.
Bởi “đạo đức nguỵ thiện” và “pháp quyền mánh khoé” đều có những mặt lợi hại, nhưng bao nhiêu thế kỷ nay nó chỉ dừng ở mức khắc chế và thúc ước nhau, chứ không bao giờ triệt tiêu nhau. Và khi lợi ích được dàn xếp, nó sẽ tìm cách xích lại gần nhau.
Người Việt mình có một hạn chế là thấy cái gì đó mới là vồ vập, nhưng không theo đuổi cái gì cho đến nơi đến chốn. Thế nên không ít lần tiếp nhận tư tưởng khác, nhưng ít tiếp nối và thừa kế những tinh hoa của nó. Nói chung là thiếu một cái nhìn tương quan toàn diện.
Một giới hạn khác là luôn tỏ ra sợ hãi khi phải thừa nhận những sai lầm. Vì thế dù pháp luật có quy định chi tiết thì người ta cũng không đủ tự tin để giải quyết dứt điểm, tạo nên những thái độ lừng khừng, lưng chừng, nửa vời, nhìn trước ngó sau để bảo toàn cho mình. Quy hoạch chiến lược ở ta yếu cũng chính vì tính cách ăn xổi ở thì, thiếu bản lĩnh tự tin này.
Có người quan tâm hỏi người bạn của mình rằng: “Nghe nói anh bị ung thư phải không?”. Người bạn trả lời: “Không, tôi không có bệnh gì cả”. Một thời gian ngắn sau người kia thấy anh bạn của mình qua đời vì bệnh ung thư, bèn chặc lưỡi: “Rõ ràng anh ta chết vì ung thư mà cứ bảo mình không có bệnh gì?”. Việc chết đến nơi rồi mà vẫn không thừa nhận mình có bệnh. Đó là bệnh gì, nếu không phải là bệnh sợ hãi sự thật.
Sợ sự thật, sợ phải tiếp cận, đối mặt với sự thật sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến tự huỷ hoại.
Trong một bài báo, nhà báo Hữu Thọ có nói: “Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát. Để bệnh nói dối tràn lan chủ yếu là tại người nghe“.
Có sự thật nào thật hơn những phát biểu ấy? Đến nỗi Giáo sư Hoàng Tuỵ phải thốt lên: “Sự giả dối đang là mối nhục lớn“. Nhưng ai là người đi đầu trong nhận thức “biết nhục” để xã hội không nhục, thì còn tuỳ vào việc có người nghe được lời nói thẳng và nghe được sự thật hay không.
Cái thói quen ứng xử “yêu nên tốt, ghét nên xấu” cũng khơi mào cho việc dung dưỡng sự giả dối, đánh tráo khái niệm và làm sai lệch nhận thức. Khi không còn niềm tin ở nhau, xã hội ở tất cả các phía ghét yêu đều muốn giành phần thắng về mình bất chấp cả “lời nói dối”, bất chấp việc bẻ chữ, bẻ nghĩa để gây bất lợi cho đối phương. Đó cũng là hình ảnh sinh động nhất của một xã hội đang dạy nhau dối trá.
Tuy nhiên cũng cần phải hiểu, vì còn có người giữ vai trò cầm cân nảy mực ưa nói dối, làm dối, nên người khác cũng dùng chính cách ấy để chống lại họ. Như vậy, nhẽ ra chúng ta có được một xã hội có đủ người nói thẳng, nói ngay, nói đúng sự thật, có đủ người nghe thẳng, nghe ngay, nghe đúng sự thật…, thì vì định kiến “truyền thống”, “chủ nghĩa”, “tôn giáo”, ngay cả những người được xem là nói được, viết được để tác động đến dư luận xã hội cũng rơi vào hoạt cảnh dối trá…
Khi những cái dối trá ấy gặp nhau, đối chọi nhau thì làm gì có một xã hội đàng hoàng đúng nghĩa. Một khi cái sự gian dối bị đẩy vào góc khuất, đẩy vào bí mật quá lâu thì sẽ tạo ra sự bất tín. Theo quan điểm của đạo Phật, nói dối bất cứ điều gì đều phải chịu quả báo, và quả báo nhãn tiền là ngay cả khi nói thật nhưng cũng không ai tin.
Truyện kể dân gian có nói đến nhân vật một đứa trẻ, vì muốn đánh lừa người khác để làm vui thích, đã hô cháy nhà để mọi người chạy đến cứu. Nhưng khi trò đó tái diễn vài lần, thì người ta không còn tin vào nó nữa. Cho đến khi nhà nó xảy ra hoả hoạn, nó hô khản cả cổ nhưng cũng không ai thèm để ý để chạy đến cứu.
Trong lịch sử dân tộc, vua Lý Nhân Tông từng xuống chiếu cầu lời nói thẳng, xét người có tài đức cho quản quân dân. Như thế phải quý trọng sự thật, phải có sự dũng mãnh và lòng khoan dung độ lượng hơn người mới có thể lắng nghe được sự thật, lắng nghe được lời nói thẳng.
Trong các quan hệ xã hội, không dung được người khác thì cũng không dung được mình. Dung người thể hiện ở chỗ biết lắng nghe lời nói thẳng. Không dung được người biểu hiện ở hành vi trấn áp bằng bạo lực và các ứng xử dưới chuẩn khác. Do đó càng sử dụng bạo lực, càng dối trá thì càng lộ ra sự kém cỏi trong nhận thức, cũng như sự sợ hãi, hoảng loạn, mất định hướng trong tinh thần.
Khi bạo lực hành vi, ngôn từ trong xã hội thắng thế thì hành xử của con người ngày càng xa rời các giá trị đạo lý, càng sợ hãi trước sự thật… Làm sao có thể xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, trong sạch khi người ta luôn sợ hãi trước sự thật, tìm mọi cách để ngăn che sự thật.
Ông là nhà văn, nhà báo Argentina đến từ Resistencia tỉnh Chaco. Trong thời kỳ độc tài của chế độ Pi nô chê (1976 – 1983), ông sống lưu vong ở Mexico đến năm 1985 ông mới hồi hương. Truyện ngắn này được dịch từ ngôn ngữ Bồ Đào Nha sang Anh ngữ bởi Dario Bard, xuất bản năm 2005. Ngoài truyện ngắn ông còn viết một số tiểu luận trên các cột báo và các tiểu thuyết đã đoạt giải.
*******
Bạn tôi – Luis Delgado – người giống như tôi – luôn mong muốn mình chết đúng lúc. Và giờ đây anh đang đợi tôi giết anh ấy. Chiều nào anh ấy cũng năn nỉ tôi làm giúp việc đó. Anh cầu xin tôi qua ánh mắt của mình. Bạn tôi muốn chết, anh ấy rất cần chết. Anh bị liệt tứ chi đã ngồi xe lăn suốt 3 năm qua. Tôi là người chứng kiến sự suy sụp về thể chất và chứng trầm cảm ngày càng trầm trọng của anh ấy.
Anh là người có tình yêu với xe lửa một cách đặc biệt. Anh yêu những đường ray, âm thanh tàu chạy, tiếng còi khi tàu vào ga, những cuộc đưa tiễn gặp gỡ của người thân… Anh là một thanh niên cường tráng, loại đàn ông mà người ta hay so sánh với những loại cây cứng cáp như cây Sồi, cây Mẻ rìu (chặt mẻ cả rìu). Bỗng do một sơ xuất không may anh bị ngã, bị va chạm mạnh, bị tai nạn… trở thành một “đống đổ nát” vô dụng thật thảm hại? Trong tình cảnh đó người ta chỉ muốn kết thúc cuộc đời, không muốn đau đớn kéo dài thêm nữa.
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú
Thật không thỏa đáng và không công bằng. Lẽ ra người đáng chết trước phải là tôi – vì tôi là người ốm yếu, bệnh tật. Thế mà giờ đây tôi lại là người đẩy anh đi khắp xóm làng. Anh ngồi trên xe lăn tàn tạ, nét mặt ngây ngô, vô cảm như một con búp bê méo mó liệt lò xo không kêu khóc được. Thật mỉa mai và đau buồn khi anh quay lại nhìn tôi với ánh mắt vô cảm mà chỉ tôi mới có thể hiểu được nó chất chứa sâu bên trong là sự nhịn nhục, cam chịu, lòng biết ơn, cay đắng, chua xót và cả sự thèm muốn, gen tỵ…
Buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, tôi đến chỗ anh đẩy anh vào thang máy rồi đưa anh ra lối đi bộ của các tòa nhà xung quanh đi đến sân ga tàu hỏa Coghlan. Đầu tiên là anh quan sát bên phải rồi bên trái nhà ga, say sưa nhìn các đoàn tàu vào ra ga, ngắm những khuôn mặt vui tươi, sầu não, nghiêm trang… nơi tập trung của hành khách chờ lên xuống tàu. Chúng tôi chọn một chiếc ghế băng dài ở cuối sân ga phía Seavedra để ngồi. Tôi yên lặng đọc báo. Thỉnh thoảng tôi kéo tấm chăn trùm lên chân anh để anh biết là tôi vẫn luôn chú ý đến anh.
Vào 9h18, tôi rời nhà ga hướng đến Retiro đưa anh về nhà rồi quay lại nhà ga để 9h 57 phút có mặt tại văn phòng làm việc. Đó là thói quen chúng tôi đã thực hiện 3 năm qua. Vào ngày cuối tuần anh ấy ở với em gái đến từ Carhue, còn tôi đi câu lạc bộ chèo thuyền đến chiều chủ nhật muộn mới về nhà mình.
*
Một ngày nọ tôi thấy anh đặc biệt buồn. Anh nhìn xuống đường ray với một cảm xúc mãnh liệt lạ thường khi tàu vào ga. Tôi biết rõ trong đầu anh đang nghĩ gì nên hỏi: “Anh có muốn tôi đẩy xe rời khỏi thềm sân ga xuống đường ray tàu đang chạy không?”. Tôi thấy lông mày anh nhướng lên, khóe môi cũng nhếch lên và qua ánh mắt dữ dội đã xác nhận là anh đang muốn tôi giúp anh ấy chết nhưng tôi không thể?
Chúng tôi thường tranh luận với nhau và với bạn bè về vấn đề sẽ là một hành động đẹp đẽ và nghĩa cử nhân ái nhất là giúp Luis kết thúc cuộc đời anh ấy. Tôi tin vào quyền của chúng tôi được làm những gì về cơ thể của mình và quyết định khi nào mình muốn chết. Nếu cần sự giúp đỡ của người khác thì người đó cũng không bị ràng buộc, bị pháp luật quy cho tội lỗi, sai trái phải chịu trách nhiệm hình sự?
Tất nhiên người nhiệt tình hăng hái nhất là Luis Delgado. Chúng tôi nói việc đó trong sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi đã thân thiết với nhau hơn 20 năm qua, hiểu biết về công việc, cuộc sống và tâm tư, suy nghĩ của nhau. Bất thành văn nhưng cả hai đều hiểu rằng nó như một hiệp ước, một thỏa thuận ngầm là bất kỳ ai trong hai người bị bệnh tật nan y, bị tàn phế thì người kia sẽ đẩy bạn mình từ ban công xuống đất hoặc vào bánh xe buýt hay tàu hỏa… tức là phải có hành động cần thiết, hợp lý để chấm dứt sự đau khổ của người kia mà không một chút lưỡng lự. Chúng tôi coi sự phục vụ giúp đỡ nhau vào những lúc ấy là sự nhân ái cao cả chứ không phải coi người này là đao phủ của người kia.
Từ ngày này sang ngày khác tôi quan sát, theo dõi thấy sự thay đổi trong cách nhìn và ánh sáng trong con mắt anh ấy trên đà suy sụp thể chất và tinh thần. Tôi hỏi anh muốn nói điều gì không? Cầu xin anh chỉ cần một chớp mắt, một cái nhướng mày hay cử động ngón tay để cho biết có hoặc không để tôi đi đến quyết định giết anh ấy. Nhưng anh ấy không có bất cứ cử động nào? Làm sao bạn biết anh ấy muốn gì. Bạn luôn phải đoán và có thể mắc sai lầm. Nhưng tới hôm qua thì tôi biết rõ anh ấy muốn nói với tôi điều gì. Tôi biết nó là cái gì.
Như trên đã nói chúng tôi có một “hiệp định” với nhau nhưng khi thực hiện lại không thể và khó khăn thay? Không phải tôi không muốn giúp Luis vì tôi biết làm được việc đó sẽ là trút đi gánh nặng, là cách giải thoát nhẹ nhõm cho anh ấy cũng như tất cả những người thân và chúng ta – những người đang giúp đỡ chi tiền cho anh ấy mà đã đến lúc không còn khả năng chi tiếp – ngay cả với tôi nữa. Đã 3 năm nay tôi dành hơn 1 giờ mỗi sáng đẩy xe đưa bạn mình đi dạo. Nhưng điều đó ảnh hưởng, tác động và có hiệu ứng tới cuộc sống của tôi ghê gớm biết chừng nào? Tôi yêu quý Luis. Tôi yêu anh ấy đã 20 năm. Tôi không thể? Tôi phải làm việc đó để giúp Luis? Nhưng tôi không thể…
Đôi khi tôi tuyệt vọng. Đêm trước đó một tuần và đêm qua tôi mơ lại giấc mơ kinh hoàng. Tôi mơ tôi đã lên kế hoạch, tính toán một cách chi tiết thật khoa học, hợp lý, hoàn hảo để làm việc đó. Đó là một giả thuyết khi tôi đẩy xe lăn chở Luis đi dọc sân ga. Một tay tôi đẩy xe còn tay kia cầm tờ báo khổ rộng để vừa đi vừa đọc. Đúng lúc tàu vào đường ray phía dưới chúng tôi, tôi vô tình rời tay đẩy xe để giở sang trang báo khác – vì khổ báo quá rộng nên phải dùng tay kia mới có thể giở trang được. Thế là chiếc xe đẩy cùng Luis rớt xuống đường ray có con tàu đến từ Retiro đang vào ga lúc 8h47.
Tôi hét lên thất thanh, mọi người xung quanh quát lên dữ dội nhằm báo cho lái tàu nhưng đã quá muộn. Tôi bấn loạn, cuồng điên xỉ vả tội lỗi của mình thể hiện nỗi đau tột độ. Trạm trưởng nhà ga an ủi, động viên tôi và Cảnh sát được gọi đến. Phần còn lại chỉ liên quan đến những thủ tục giấy tờ giải quyết vụ việc. Không có bất kỳ ai nghi ngờ hành động cố ý giết người của tôi. Mọi người ở khu phố và khu vực nhà ga đã chứng kiến đôi bạn thân sáng nào cũng cùng nhau đến ga đã 3 năm nay. Anh ấy là người bạn thân nhất, yêu quý nhất của tôi. Tôi không có hứng thú gì ngoài việc đẩy xe cho anh ấy đi dạo cả đời… Sẽ không ai nghi ngờ hành động giết người của tôi.
Nhưng tôi không thể làm như vậy vì cảm giác tội lỗi. Không phải tội lỗi khi làm điều đó mà là cảm giác tội lỗi đã có trước đó khi tôi tưởng tượng ra “tai nạn” và thấy nó diễn ra như một bộ phim kinh dị khủng khiếp đâm sâu vào trái tim tôi và lắng trong tâm trí tôi suốt cuộc đời mình…
Nhưng mỗi chúng ta đều có giới hạn của mình. Vào thời điểm này tôi không thể chịu đựng được thêm nữa. Đó là lý do tại sao tôi quyết định tìm đến nói chuyện với Claudio. Anh ấy là người bạn đáng tin cậy nhất của tôi hiện đang là một linh mục sống ở Oregon Hoa Kỳ. Khi còn thuở học sinh ở Don Bosco chúng tôi đã thề rằng dù ở đâu xa xôi đến mấy chúng tôi vẫn giữ liên lạc và là bạn của nhau suốt đời. Anh ấy còn là cha đỡ đầu đứa con trai đầu lòng của vợ chồng tôi. Những khi gặp những điều khó khăn, bế tắc tôi đều hỏi ý kiến của anh ấy. Ngoài ra lần cuối ở Buenos Aires anh ấy đã gặp Luis và biết rõ về anh ấy. Tôi không theo đạo nữa, không coi mình là một người Cơ đốc giáo. Có lẽ tôi là người theo thuyết “Bất khả tri”, một người vô thần không tin vào sức mạnh, phép thuật của những nhân vật siêu nhiên. Song dù tôi là gì đi chăng nữa không quan trọng. Điều quan trọng là tôi cảm thấy tội lỗi như thể tôi là một tín đồ Do thái? Tôi đã xin được visa và mua vé máy bay đi Mỹ. Chuyến bay của tôi khởi hành tối nay. Chuyến bay mất 12 giờ và tôi sẽ có mặt ở sân bay quốc tế Ezeiza trước 7h30 sáng ngày mai.
Như thường lệ mỗi buổi sáng tôi cạo râu trước khi đến gặp Luis. Tôi băn khoăn tự hỏi liệu mình có giúp Luis chết đúng như mong muốn không? Nếu đủ can đảm và dũng khí đẩy anh ấy vào đường ray xe lửa, giúp anh ấy chết trong một tai nạn do tôi tạo ra, thì tôi sẽ nói với anh ấy rằng tôi coi đó là một hành động, nghĩa cử hào phóng dành cho người bạn mình yêu quý nhất.
Từ khi máy bay cất cánh trong hành trình dài trước khi chúng tôi đến Potdland điều duy nhất tôi cảm thấy, điều đáng ghét, đáng nguyền rủa nhất ngự trị trong tôi mênh mông vô tận và sâu thẳm như đại dương phía dưới cánh bay chính là tôi đã giết bạn thân của mình. Tôi không biết liệu Claudio có chấp thuận, đồng ý cho tôi được xá tội, tha thứ hay không?
Đinh Đức Cần (dịch) / Mempo Giardinelli (Argentina) / Van Nghệ CA
Tất cả những người giàu nhất năm nay đều ghi nhận tài sản giảm, từ vài nghìn tỷ đồng cho đến vài chục nghìn tỷ đồng.
2022 là năm cực kỳ khó khăn của thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index mặc dù vượt đỉnh lịch sử 1.500 điểm ngay từ những phiên giao dịch đầu năm, nhưng đến khi đóng cửa phiên cuối năm chỉ còn 1.007 điểm, tương ứng mức giảm lên tới hơn 32%.
Chính vì thế, không quá bất ngờ khi tài sản của toàn bộ 10 người giàu nhất sàn chứng khoán đều giảm mạnh trong năm 2022. Theo thống kê, tổng tài sản của top 10 đã giảm từ 561 nghìn tỷ đồng xuống còn 290 nghìn tỷ đồng. So với năm ngoái, ông Nguyễn Văn Đạt và ông Nguyễn Đức Thụy rời top 10, nhường chỗ cho bà Vũ Thị Hiền và ông Hồ Xuân Năng.
Dưới đây là 10 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2022
Với khối tài sản vượt xa những tỷ phú khác, ông Phạm Nhật Vượng vẫn vững chắc ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, ông Vượng cũng chính là người mất nhiều tiền nhất năm 2022, khi tài sản của ông giảm hơn 90.000 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, cổ phiếu của Vingroup đã trải qua một đợt giảm giá mạnh, sau khi tập đoàn công bố lỗ 9.249 tỷ đồng quý 4/2021 và dẫn tới lỗ 7.500 tỷ đồng trong cả năm 2021. Nguyên nhân là do chi phí tài trợ cho các hoạt động phòng chống Covid-19 và khoản chi phí hạch toán do ngừng sản xuất xe xăng để tập trung nguồn lực cho xe điện.
Với việc dồn sức cho xe điện, Vingroup cũng như VinFast của ông Vượng năm qua đạt được nhiều dấu ấn, như việc liên tục cho ra mẫu xe mới, đều đặn bàn giao VF e34 ra thị trường và đặc biệt là chuyến tàu xuất khẩu 999 chiếc VF 8 sang thị trường Mỹ.
Sau khi đưa một loạt 3 doanh nghiệp lên sàn chứng khoán năm 2021 gồm Sunshine Homes, KSFinance, Xây dựng SCG, ông Đỗ Anh Tuấn đã ngay lập tức lọt vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, đứng ở vị trí thứ 5.
Sang năm 2022, tài sản của ông Tuấn giảm khoảng 9.000 tỷ đồng nhưng về thứ hạng, ông Tuấn lại vươn lên đứng thứ 2 với khối tài sản trị giá 29.659 tỷ đồng.
Kiên định với mục tiêu “point of life”, hai tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đang cùng nhau tiếp tục hành trình tích hợp đa dạng các dịch vụ vào mỗi cửa hàng Winmart/Winmart+.
Trong năm 2022, các cửa hàng của Masan đã dần được thay áo mới với tên gọi WIN, đặt bên trong siêu thị Winmart+, trà-cà phê Phúc Long, dịch vụ viễn thông Reddi, dịch vụ tài chính Techcombank và nhà thuốc Dr.Win.
Tài sản của ông Quang và ông Hùng Anh cùng ở quanh mức 29.000 tỷ đồng, ngang ngửa ông Đỗ Anh Tuấn.
CEO hãng hàng không Vietjet Air là người có tài sản giảm ít nhất, nhờ ngành hàng không trên đà hồi phục mạnh mẽ năm qua, sau khi gần như đóng băng trong năm 2021. Những chặng bay nội địa đã được khôi phục hoàn toàn và phần lớn chặng bay quốc tế cũng được nối lại góp phần tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của Vietjet Air.
Dự báo, sang năm 2023, tình hình kinh doanh của Vietjet Air sẽ còn sáng sủa hơn nữa sau khi Trung Quốc mở cửa. Số liệu thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế của thị trường Trung Quốc chiếm tới 35% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam trước dịch, do đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ hỗ trợ mạnh cho triển vọng hồi phục của hàng không quốc tế Việt Nam.
Năm ngoái, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát là người giàu thứ 2 của Việt Nam với khối tài sản hơn 54 nghìn tỷ đồng. Năm nay, tài sản ông Trần Đình Long đã giảm một nửa khi ngành thép “khó khăn chưa từng thấy”, theo lời dự báo của chính ông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Dự báo của ông Long sau đó đã thành hiện thực, thể hiện qua việc Hòa Phát báo lỗ tới gần 1.800 tỷ đồng trong quý 3/2022 và tạo nên cú sốc với những nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu ngành thép. Xung đột giữa Nga – Ukraine, Covid ở Trung Quốc, giá nguyên vật liệu leo thang, tỷ giá USD tăng chóng mặt và lãi suất trong nước liên tục tăng là những nguyên nhân tác động mạnh tới ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng.
Do thua lỗ lớn, đã có thời điểm tài sản của ông Long giảm sâu đến mức bị Forbes loại khỏi danh sách tỷ phú đô la. Thế nhưng, trong những tháng cuối năm, triển vọng về đầu tư công và giá thép tăng trở lại đã giúp tài sản của ông Long hồi phục.
Xét về giá trị tài sản bốc hơi trong năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn là người mất nhiều tiền thứ hai, chỉ kém tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tài sản của ông Nhơn đầu năm lên tới 72,4 nghìn tỷ đồng, nhưng đến cuối năm chỉ còn chưa tới 10 nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân là do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn sau khi lãnh đạo một số doanh nghiệp bị bắt như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu năm qua bị siết chặt trong khi lãi suất huy động tăng cao khiến các doanh nghiệp bất động sản như Novaland gặp vấn đề về thanh khoản. Novaland đã phải thực hiện rất nhiều biện pháp để tái cấu trúc tài chính, trong đó có cả việc bán bớt cổ phiếu. Những yếu tố đó đã khiến giá trị tài sản của ông Nhơn giảm sâu trong năm qua.
Dù kín tiếng trước truyền thông, nhưng bà Phạm Thu Hương tiếp tục có tên trong danh sách 10 người giàu nhất. Năm qua, tài sản của bà Hương giảm khoảng 7.000 tỷ đồng, xuống còn 9.100 tỷ đồng.
Điểm nhấn lớn nhất của bà Phạm Thu Hương năm qua là việc bà xuất hiện tại sự kiện trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture hồi tháng 1/2022, đánh dấu lần đầu tiên phu nhân của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lộ diện trước công chúng.
Tương tự như ông Trần Đình Long, tài sản của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long cũng giảm một nửa trong năm qua, xuống còn 7.700 tỷ đồng.
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Vicostone quay lại với danh sách top 10 năm nay với giá trị tài sản 7.147 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nhiều ngành nghề kinh doanh gặp khó khăn, Vicostone của ông Năng vẫn duy trì lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi quý. Mặc dù vậy, nếu so với thời điểm cách đây 1 năm, tài sản của ông Năng cũng đã giảm trên 50%.
Theo hãng truyền thông Đức DW, hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine là Nga đã mất châu Âu – nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và là khách hàng chính mua năng lượng của nước này.
Hai gã khổng lồ năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Nga là Gazprom và Rosneft đã có một khởi đầu rất hứa hẹn cho đến năm 2022. Chính phủ liên minh mới của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố kế hoạch mở một số nhà máy điện chạy bằng khí đốt mới để bù đắp cho việc loại bỏ dần các nhà máy điện chạy bằng năng lượng hạt nhân và than. Hai thực thể đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước Nga được cho là sẽ thu được rất nhiều lợi ích.
Vào thời điểm đó, Gazprom dự định mở rộng hoạt động cung cấp khí đốt tự nhiên của mình tới Đức – vốn đã là thị trường lớn nhất của họ, tiếp nhận 1/4 tổng lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống của Nga. Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vừa hoàn thành vẫn có cơ hội được cấp phép hoạt động, bất chấp sự phản đối gay gắt của Mỹ và một số đồng minh của Đức trong Liên minh châu Âu (EU).
Đến lượt mình, Rosneft cũng sắp nắm quyền sở hữu gần như hoàn toàn một nhà máy lọc dầu chủ chốt của Đức. Nhà máy này ở Schwedt, Brandenbur – chuyên cung cấp các sản phẩm xăng dầu cho thủ đô Berlin, sân bay mới đang được mở rộng của thành phố này và phần lớn miền đông nước Đức. Các thỏa thuận này đang chờ phê duyệt lần cuối nhưng không gặp phải trở ngại lớn nào.
Hai gã khổng lồ khí đốt Nga hoạt động trong tình trạng hỗn loạn
Tuy nhiên, năm 2022 đã kết thúc với việc khí đốt của Gazprom đến Đức bị dừng hoàn toàn và Berlin quốc hữu hóa công ty con Gazprom Germania cùng với các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên của công ty này. Và cuối cùng, dự án Nord Stream 2 đã bị hủy bỏ. Tất cả những điều này là hậu quả của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga triển khai tại Ukraine.
Kể từ đó, Đức đã tìm nguồn cung cấp khí đốt thay thế để cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Hai kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Đức đã bắt đầu hoạt động và đến mùa đông tới sẽ có ít nhất 6 kho cảng như vậy.
Đức khánh thành kho cảng LNG đầu tiên tại Wilhelmshaven vào ngày 17/12/2022. Ảnh: DW
Rosneft đã mất quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu Schwedt – hiện đang nằm dưới sự quản lý của nhà nước Đức và có khả năng bị tịch thu. Nhà máy lọc dầu phải ngừng xử lý dầu Nga từ ngày 31/12/2022 như một phần của lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của EU. Trong tương lai, Đức sẽ phải dựa vào các nhà cung cấp dầu mỏ khác, bao gồm cả Kazakhstan.
Theo DW, chỉ trong 10 tháng ngắn ngủi, hoạt động kinh doanh của Gazprom và Rosneft tại Đức đã “tan thành mây khói”. Việc đánh mất thị trường Đức béo bở có lẽ là “chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài” mô hình kinh tế tập trung vào châu Âu của Nga.
Thương mại của Nga từng hướng tới châu Âu
Theo DW, từ lâu, Nga đã nhận ra rằng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính của họ – dầu thô, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than cứng và kim loại – chủ yếu được bán sang châu Âu, đặc biệt là EU.
Đổi lại, châu Âu cung cấp máy móc và thiết bị để giúp hiện đại hóa nền kinh tế Nga, trong khi người Nga mua hàng xa xỉ của châu Âu.
Quyết định ưu tiên châu Âu không chỉ dựa trên khoảng cách địa lý. Mối quan hệ lịch sử và văn hóa cũng đóng một vai trò quyết định. Kể từ thời cai trị của Sa hoàng Peter I vào đầu thế kỷ 18, Nga đã coi mình là một phần không thể thiếu của châu Âu và coi các nước châu Âu là đối tác thương mại ưa thích của mình.
Đường ống dẫn dầu Druzhba của Nga, đưa dầu thô tới châu Âu thông qua Ukraine. Ảnh: Picture Alliance
Hầu như tất cả các đường ống dẫn khí đốt, đường ống dẫn dầu, đường sắt, đường cao tốc và kết nối hàng không định hướng xuất khẩu của Nga đều hướng tới châu Âu. Việc hiện đại hóa các cảng dầu, than và container tại biển Baltic, Barents và Biển Đen cũng phụ thuộc vào việc duy trì giao thương với châu Âu.
Các nước châu Âu trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga, mang theo vốn, công nghệ và kiến thức chuyên ngành. Điều này mang lại lợi ích cho các lĩnh vực dầu khí, sản xuất điện, chế tạo ô tô, thực phẩm và bán lẻ… của Nga. Các công ty đa quốc gia của Mỹ cũng đầu tư mạnh vào Nga, nhưng Mỹ chưa bao giờ là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với Moscow như châu Âu.
Mất thị trường EU sẽ là thiệt hại nặng nề
Nhiều công ty châu Âu đã rời khỏi Nga hoàn toàn, trong khi những công ty khác ít nhất đã tạm dừng các khoản đầu tư của họ. Các công ty này hành động vì lệnh trừng phạt của EU và Mỹ, để bảo vệ hình ảnh thương hiệu của mình, cũng vì điều kiện kinh doanh ở Nga ngày càng xấu đi.
Tuy nhiên, DW nhận định, thiệt hại lớn nhất là mất thị trường xuất khẩu chính của Nga. Đòn đau nhất là lệnh cấm vận của EU đối với việc vận chuyển dầu từ Nga bằng đường biển có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 và tác động của nó sẽ còn lâu dài. Vào tháng 8/2022, Brussels đã loại ngành công nghiệp than đá của Nga khỏi thị trường châu Âu. Cho đến gần đây, các nước EU đã mua khoảng hơn một nửa lượng than xuất khẩu của Nga. Đến tháng 2/2023, việc áp trần giá đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga dự kiến sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn nữa.
EU nhất trí áp giá trần đối với dầu Nga. Ảnh: DW
Trong khi đó, theo DW, Gazprom đã phải chịu nhiều thiệt hại dưới tay Điện Kremlin hơn là châu Âu, sau khi Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng khí đốt của Nga phải được thanh toán bằng đồng Rúp. Vào mùa hè vừa qua, việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 của Gazprom tới Đức bị hạn chế nghiêm trọng, trước khi bị dừng hoàn toàn vào tháng 8/2022, khiến châu Âu đối mặt với nguy cơ thiếu khí sưởi trong mùa đông.
Hai công ty Đức đang có kế hoạch kiện Gazprom vì vi phạm hợp đồng do cung cấp thiếu một lượng lớn khí đốt. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc giải quyết thiệt hại dự kiến lên tới hàng tỷ USD chắc chắn sẽ là một rào cản khác, ngoài những rào cản chính trị, đối với việc đưa khí đốt qua đường ống dẫn khí của Nga trở lại Đức vào một thời điểm nào đó.
Nga thiếu thời gian, tiền bạc và công nhân lành nghề
DW nhận định, thị trường khí đốt của Nga có thể rơi vào khủng hoảng sâu sắc do mất nguồn cung từ châu Âu. Mặc dù Moscow có thể chuyển hướng xuất khẩu dầu và than sang châu Á, nhưng các đường ống dẫn khí đốt của nước này đều đang hướng về phía tây và không hề đơn giản để chuyển hướng sang phía đông.
Điện Kremlin nói sẽ xây dựng các đường ống dẫn khí mới tới châu Á, nhưng Nga thiếu thời gian, tiền bạc và công nhân lành nghề. Moscow đang nhanh chóng đốt hết nguồn dự trữ tài chính của mình để tài trợ cho cuộc chiến, trong khi nhiều thanh niên có sức khỏe tốt đang ở tiền tuyến.
Theo DW, trong tương lai, Moscow sẽ phải rất nỗ lực để tìm ra giải pháp thay thế cho mô hình kinh doanh hướng tới châu Âu của mình, khiến ngày càng nhiều người Nga cảm thấy khó khăn.
Các dự báo cho năm tới bao gồm từ “không có gì đáng ngạc nhiên” đến “mọi thứ sẽ thay đổi” – không có gì gây sốc khi đưa ra các sự kiện thế giới.
Nhưng thật vô nghĩa khi chờ đợi ngày tận thế hay hy vọng vào một phép màu – năm 2023 sẽ trở thành sự tiếp nối hợp lý của năm 2022, và ở một mức độ lớn hơn nhiều so với năm trước, xu hướng của năm 2022 sẽ được tiếp tục trong năm nay.
Châu Âu trở thành điểm nóng nhất thế giới
Thực tế được đảm bảo rằng sự kiện chính của năm mới sẽ vẫn là chiến sự ở Ukraine và mọi thứ liên quan đến chuyện này.
Và hầu hết mọi thứ đều được kết nối – từ giá nguyên liệu thô đến quá trình phá bỏ trật tự thế giới ở khu vực xung quanh Đại Tây Dương. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi thứ chỉ phụ thuộc vào mặt trận Ukraine và phần còn lại không thành vấn đề. Ngược lại, như trong bất kỳ tình huống khắc nghiệt nào, mọi thứ đều đan xen và đi đến kết cục chung.
Mặc dù châu Âu, nơi đột nhiên trở thành điểm nóng nhất trên thế giới vì quyết định mở rộng NATO về phía Đông với cái giá phải trả là cuộc chiến Nga – Ukraine, và trong suốt năm 2023, Trung Đông, khu vực nguy hiểm nhất thế giới, sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới. Không phải thay vì châu Âu, mà cùng với nó.
Tất nhiên, sự phát triển nguy hiểm nhất của các sự kiện sẽ không xảy ra – cuộc tấn công vào Iran, điều mà một số chính trị gia Israel (bao gồm cả Netanyahu, người đã trở lại nắm quyền) và một phần của giới tinh hoa Mỹ, khao khát, sẽ không xảy ra.
Nhưng thực tế là người Mỹ rốt cuộc đã chôn vùi thỏa thuận hạt nhân sẽ có tác động tiêu cực đến tình hình trong khu vực, khiến những kẻ khiêu khích có lý do để hy vọng rằng họ sẽ có thể hạ gục người Ả Rập và Ba Tư.
Tình trạng bất ổn gần đây ở Iran đã cho người Mỹ thêm hy vọng làm mất ổn định tình hình ở Cộng hòa Hồi giáo, nhưng có thể cũng khó xảy ra tình trạng bất ổn nghiêm trọng ở quốc gia cổ đại này.
Bất chấp mọi vấn đề nội bộ, Iran là quốc gia đi đầu trong nỗ lực thay đổi trật tự thế giới có lợi cho phương Tây, và vai trò của Tehran sẽ chỉ ngày càng lớn. Trong đó, nhờ nối lại quan hệ với Nga, năm qua là một năm thực sự đột phá trong quan hệ Nga-Iran, loại bỏ những trở ngại trước đây kìm hãm sự phát triển của hai bên.
Đồng thời, Nga duy trì quan hệ chặt chẽ với các nước láng giềng của Iran, cả người Ả Rập và người Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, sự tương tác với các quốc gia Ả Rập (chủ yếu là Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) đang được tăng cường và với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đang có được đặc điểm quan trọng về mặt chiến lược.
Hình minh họa: eupoliticalreport
Thổ Nhĩ Kỳ trỗi dậy
Và điều này bất chấp thực tế là sự gia tăng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong không gian hậu Xô Viết không thể không làm phiền Moscow – việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sức mạnh quá mức ở Transcaucasus và những nỗ lực dai dẳng nhằm mở rộng sự hiện diện của họ ở Trung Á khiến Nga cũng phải dè chừng.
Tuy nhiên, Putin vẫn cố tìm sự cân bằng lợi ích với Erdogan, vì vậy cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Thổ Nhĩ Kỳ vào Tháng Sáu sắp tới sẽ cực kỳ quan trọng.
Ông Erdogan gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử – điều này có lợi cho Nga và bất lợi cho phương Tây.
Nhưng ngay cả trong trường hợp Erdogan thất bại, người ta cũng không nên mong đợi một sự thay đổi chiến lược trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ: Trong hai thập niên của Erdogan, đất nước này đã trở thành một bên tham gia nghiêm túc hơn ở quy mô siêu khu vực (ngụ ý Đại Trung Đông) và sẽ không từ bỏ chính sách đối ngoại tấn công. Mà sự tấn công này gắn bó chặt chẽ với sự độc lập – cẩn thận tránh xa phương Tây, duy trì mối quan hệ chặt chẽ và đa dạng với Nga có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở Đại Trung Đông có nhiều điểm nóng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Ngoài cuộc chiến chính của người Palestine, còn có cuộc chiến âm ỉ ở Yemen và Libya, nơi đang trên bờ vực nối lại nội chiến, và vấn đề người Kurd đối với ít nhất ba quốc gia.
Và Syria, dù đã khốn khổ lâu dài nhưng có thể sớm trở lại Liên minh các quốc gia Ả Rập, điều đó có nghĩa là từ chối các yêu cầu về sự ra đi của Assad, người sẽ gặp Erdogan vào năm mới, điều quan trọng đối với cả hai không chỉ dẹp bỏ hận thù mà còn cố gắng đồng ý về những việc cần làm với những người Kurd nổi loạn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria đang cản trở việc giải quyết vấn đề này – và Hoa Kỳ vẫn chưa sẵn sàng rời đi.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Erdogan. Ảnh: Anadolu Agency
Thế giới Ả Rập không ngồi yên
Tuy nhiên, nhìn chung, ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đang giảm: Thế giới Ả Rập đang ngày càng đa dạng hóa quan hệ, xích lại gần Trung Quốc và Nga. Vấn đề chung của toàn khu vực – Afghanistan – cho đến nay hầu như đã bị lãng quên.
Sau sự ra đi của người Mỹ, người Afghanistan gần như bị bỏ rơi – và trong tình hình kinh tế khó khăn nhất, các nhà lãnh đạo Taliban đang cố gắng xây dựng một loại quyền lực nhà nước nào đó, trong khi không muốn chia sẻ nó với các cộng tác viên của ngày hôm qua, nghĩa là, những người từng làm việc cho người Mỹ.
Không nước láng giềng nào cần Afghanistan nghèo khó và đầy hiểm nguy chiến sự, và cho đến nay cả Trung Quốc, Nga, Iran hay các nước Ả Rập đều không thể thiết lập quan hệ kinh tế và thương mại nghiêm túc với Kabul.
Quốc gia quan trọng thứ tư đối với Afghanistan, Pakistan, đang trong tình trạng bất hòa nội bộ – bị loại bỏ (để phương Tây hài lòng) khỏi quyền lực vào mùa Xuân năm ngoái, Imran Khan sẽ làm mọi cách trong năm nay để trở lại vị trí thủ tướng.
Mặc dù sự dịch chuyển của trọng tâm địa chính trị từ châu Âu và vùng Địa Trung Hải sang khu vực Thái Bình Dương sẽ tiếp tục, nhưng hầu hết các điểm nóng nhất vẫn ở châu Á và châu Âu (ở đây, không chỉ Kosovo, mà cả Bosnia cũng có thể bùng nổ trong năm mới).
Rắc rối Đông Bắc Á
Chuyện xung quanh Đài Loan, vốn đã được bàn tán rất nhiều vào năm ngoái, gần như chắc chắn sẽ lắng xuống trong năm nay – cả Washington và thậm chí cả Bắc Kinh đều không cần phải kích động một đợt khủng hoảng mới, chắc chắn sẽ diễn ra ở cấp độ khó khăn hơn và làm xấu đi mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã suy thoái.
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, tất nhiên, sẽ tiếp tục, đối đầu bằng lời nói và trừng phạt sẽ tăng cường, nhưng hai bên sẽ không đùa với lửa trên “sân chơi” Đài Loan vào năm 2023.
Cuộc khủng hoảng ở đây – cũng như ở nhiều khu vực khác trên thế giới – có thể xảy ra vào năm 2024, khi hòn đảo này tiến hành bầu cử tổng thống.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: Taiwan.gov
Nhưng đối với một điểm khủng hoảng khác ở Thái Bình Dương là Hàn Quốc, không ai có thể đoán được điều gì. Rất có khả năng ông Kim Jong-un sẽ tiến hành các vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017 – tuy nhiên, điều này sẽ khiến Nhật Bản quan ngại nhiều hơn là Mỹ.
Washington vẫn chưa biết phải làm gì với Bắc Hàn: Yêu cầu từ bỏ vũ khí hạt nhân rõ ràng là vô nghĩa, và Mỹ không còn gì để gây áp lực lên Bình Nhưỡng, mọi biện pháp trừng phạt có thể xài đã được đưa ra áp dụng từ lâu. Rõ ràng, như từ trước đến giờ, Washington vẫn sẽ phải “bó tay.com” trước một Bắc Hàn “cứng đầu khó bảo”.
Thử thách cho EU và Mỹ
Đối với cộng đồng phương Tây, năm mới sẽ là thời điểm thử thách sức mạnh cho cả mối quan hệ giữa EU và Mỹ, cũng như cho chính nội bộ EU. Sự bất mãn của người châu Âu đối với người Mỹ (dù châu Âu ngày càng phụ thuộc vào Mỹ) sẽ ngày càng lớn, nhưng “mối đe dọa từ Nga” sẽ giúp châu Âu vượt qua sự bất đồng này.
Mâu thuẫn trong nội bộ EU sẽ gia tăng, nhưng không đến mức dẫn đến tê liệt tổ chức. Pháp và Đức sẽ không thể đồng ý về bản chất của sự lãnh đạo chung, hoặc về các nguyên tắc tự chủ chiến lược, họ cũng không thể đồng ý về kế hoạch kết nạp các quốc gia vùng Tây Balkan vào EU.
Yêu cầu bắt đầu đàm phán với Nga về các nguyên tắc an ninh chiến lược mới trên lục địa nghe có vẻ ngày càng khăng khăng hơn, nhưng giới tinh hoa nói chung sẽ tiếp tục giữ vững lập trường, hy vọng rằng châu Âu sẽ có thể giữ Ukraine cho riêng mình.
Quốc hội Hoa Kỳ. Ảnh minh họa: shutterstock
Hoa Kỳ sẽ “ăn thịt Trump” suốt cả năm – cơ sở tự do theo chủ nghĩa toàn cầu sẽ cố gắng làm mọi cách để ngăn ông trở lại Tòa Bạch Ốc.
Và vì điều này, trước hết, cần phải phá vỡ đề cử của ông ấy từ Đảng Cộng hòa – mặc dù nó sẽ diễn ra vào mùa Hè năm 2024, nhưng sẽ diễn ra sau kết quả của các cuộc bầu cử sơ bộ bắt đầu vào Tháng Một năm sau. Đó là, vào năm 2023, Đảng Dân chủ cần đảm bảo rằng xếp hạng của Trump trên thực tế (chứ không phải trong các cuộc thăm dò dư luận bị thao túng) giảm xuống mức không thể tham gia bầu cử.
Sẽ có những nỗ lực để phán xét Trump, những tiết lộ mới, và một chiến dịch làm mất uy tín quy mô lớn, nhưng Tổng thống thứ 45 có phẩm chất chiến đấu tốt và có thể tạo cơ hội tốt để chống chọi với ngọn lửa này.
Ba năm nay, thế giới đang sống trong tình trạng khẩn cấp – và năm thứ tư chắc chắn sẽ không yên bình tĩnh lặng. Vào cuối năm 2023, thế giới sẽ không khác nhiều so với hiện tại, bởi vì những thay đổi nghiêm trọng nhất được tích lũy trong quá trình chuyển đổi toàn cầu không được chúng ta cảm nhận từ khoảng cách gần.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng sẽ không xảy ra. Ngược lại, quy mô của chúng quá lớn để có thể nhận ra ngay điều đó. Trong năm mới, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn một chút về những gì đã xảy ra vào năm 2022, nhưng chúng ta sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của những gì đã xảy ra vào đầu những năm 2020 chỉ vài năm sau đó.