Ngôi nhà vườn ngoài đóng, trong mở

HÀ NỘI – Với thiết kế ‘đóng ngoài, mở trong’, ngôi nhà tuy khép kín xung quanh nhưng lại mở ra không gian thư thái cho gia chủ.

Ngôi nhà 180 m2 được xây dựng trên khu đất 500 m2 tại thị trấn Đông Anh, là nơi ở của gia đình ba thế hệ.

Ưu điểm của căn nhà là mặt tiền rộng, xung quanh nhiều cây xanh có thể tận dụng để cải thiện vi khí hậu. Vì xây dựng thời điểm dịch Covid-19, nên gia chủ muốn có một nơi trú ẩn, bảo vệ gia đình. Giải pháp được đưa ra là thiết kế hướng nội, đóng mặt tiền và mở rộng sân trong. Việc đóng mặt tiền ngoài tác dụng chắn tầm nhìn từ hàng xóm, còn tránh được hướng gió lạnh mùa đông ở miền Bắc.

Phía trước nhà được tách riêng bằng một khoảng sân, với mái hiên bê tông vươn 4 m che mưa nắng. Khoảng sân này vừa là không gian đệm ngăn cách ngôi nhà với bên ngoài, vừa là chỗ vui chơi cho con trẻ.

Khi cổng mở, sân ngoài và đường ngõ giao thoa với nhau, tạo ra khoảng không gian thoáng vừa gần gũi với hàng xóm, nhưng vẫn đảm bảo tính riêng tư qua lớp vách tường ốp gỗ, ngăn cách giữa ngoài và trong.

Từ yêu cầu của gia chủ muốn có không gian sống dễ chịu, ấm cúng mà không đơn điệu, kiến trúc sư đưa ra thiết kế kết hợp phong cách hiện đại với kiến trúc truyền thống.

Bên trong, mọi không gian được bao quanh khoảng sân vườn rộng 240 m2 với hồ cá và cây xanh, nơi gia đình thường xuyên quây quần, tụ họp. Hồ nước nhỏ nằm giữa sân giúp điều hòa và làm mát không khí, đồng thời cân bằng được độ ẩm trong nhà. Mảng xanh bao quanh nhà tạo ra một lớp lá chắn tự nhiên trước nhiệt độ, tiếng ồn và khói bụi đồng thời giúp căn nhà có diện mạo tươi mới, đầy sức sống.

Hàng hiên mái ngói gỗ là thiết kế quen thuộc của nhà nông thôn Việt Nam trước đây. Phần rìa mái hiên (phần thấp nhất) cao 2,25 m, đủ tầm với tay nếu muốn chạm vào ngói. Hàng ngói thấp đua ra 50 cm khỏi nền hiên đủ để khi ngồi xuống ngắm giọt gianh mỗi khi trời mưa.

Ngói sử dụng cho công trình là ngói phẳng Fuji, có khả năng kháng nước, màu sắc tự nhiên, chống rêu mốc… phù hợp với ý đồ thiết kế của kiến trúc sư.

Hàng hiên thấp còn tạo cảm giác ấm cúng và gần gũi. Khu vực hiên cũng là không đệm giảm bức xạ nhiệt vào mùa hè, khiến phòng khách và phòng ăn luôn mát mẻ. Mái hiên cũng là không gian lý tưởng cho việc sinh hoạt của các thành viên nhằm kết nối, giao thoa với thiên nhiên…

Phòng khách được thiết kế mở liên thông với bếp để cả gia đình quây quần sau một ngày làm việc. Nội thất trong nhà sử dụng gỗ Sa Mộc được khai thác trên Hà Giang. Loại gỗ này giá thành rẻ, nhẹ, chống mối mọt và màu sắc đẹp.

Sự kết hợp giữa gỗ Sa Mộc với trần bê tông là ý tưởng khá phổ biến trong thiết kế nội thất của phong cách hiện đại pha chút hoài cổ. Bê tông có vẻ ngoài thô sơ xám lạnh, còn gỗ lại ấm áp sắc vàng nâu. Khi kết hợp, cả hai vừa tạo sự tương phản nhưng cũng bổ sung cho nhau, tạo sự gần gũi và mộc mạc.

Kiến trúc sư nghiên cứu kỹ việc thông gió tự nhiên trong nhà. Hướng gió ưu tiên lấy là Đông Nam, hướng thoát là Tây Bắc. Hướng Đông Nam được mở rộng cửa tối đa, còn hướng Tây Bắc chỉ để cửa thoát vừa đủ nhằm kiểm soát sự ra vào của gió.

Hệ thống điện và ánh sáng của ngôi nhà đều lấy từ nguồn năng lượng mặt trời, giúp giảm tối đa tác động đến môi trường thiên nhiên.

Giữa không gian tầng hai còn có một khu vườn rộng 20 m2, nằm ở hành lang cầu nối, ngăn cách giữa phòng làm việc, sinh hoạt chung với phòng ngủ chính. Cách thiết kế này vừa tạo được sự riêng tư, vừa giúp toàn bộ các phòng tầng hai đều tiếp cận được với không gian xanh.

Khu vườn chính là khoảng rỗng, ngoài đón nắng mưa, còn tạo sự chênh lệch áp suất để lấy gió vào cho không gian một cách tự nhiên. Không gian này chỉ trồng một số loại thực vật ít cần ánh sáng như: thiên điểu, rêu, dương xỉ cổ đại, lài tím…

Nhà cầu mái ngói lợp ở tầng hai kết nối không gian sinh hoạt chung và phòng ngủ chính thông qua khu vườn nằm giữa tầng. Khi đi qua nhà cầu để vào phòng ngủ chính, gia chủ có cảm giác như đang đi vào một căn nhà độc lập (nhà trong nhà).

Để tạo những mảng tường vừa thông gió, vừa tạo tính thẩm mỹ, kiến trúc sư đã sử dụng ngói âm dương Bát Tràng với độ bền tốt.

Nhà vệ sinh chỉ cách khu vườn tầng hai bằng một chiếc rèm cửa lá nhôm ngang, nhờ thế ở trong phòng tắm vẫn có thể ngắm nhìn cây xanh bên ngoài. Loại rèm này có thể xoay lật lá mành 180 độ, giúp lấy sáng, thông gió dễ dàng.

Ngôi nhà được xây dựng và hoàn thiện nội thất trong 7 tháng. Tổng chi phí bao gồm cả nội thất khoảng 6 tỷ đồng.

Trang Vy
Đơn vị thiết kế: Kiến trúc HOH
Chủ trì: KTS Kim Cương
Nhóm thiết kế: KTS Phạm Minh Qúy, KTS Nguyễn Trường Sơn

Gia đình ấm êm hòa thuận thường nói với nhau 4 lời này, nhờ đó phú quý cả đời, hạnh phúc viên mãn

Gia đình ấm êm hòa thuận thường nói với nhau 4 lời này, nhờ đó phú quý cả đời, hạnh phúc viên mãn

Giao tiếp không chỉ là một bản năng, mà còn là một nghệ thuật.

Người biết ăn nói, các mối quan hệ xung quanh bền chặt, mâu thuẫn cũng giảm bớt, gia đình tích phúc đầy đức. Vai trò lớn nhất của lời nói là sử dụng âm thanh để truyền tải quan điểm và suy nghĩ, để ảnh hưởng đến trái tim của một người, thay đổi cảm xúc của mình.

Một lời nói hay hành động dù đơn giản nhất cũng có thể gây ra tác động rất lớn đối với gia đình. Gia đình ngày một đầm ấm vì lời ăn tiếng nói. Có gia đình lại dần tụt lùi, không thể tìm thấy hạnh phúc chỉ vì “khẩu nghiệp”.

Hằng ngày nói nhiều lời tích cực, có “khẩu đức” của riêng mình, cũng là để tích phúc cho gia đình. Mà những lời tiêu cực lại khiến gia đình lâm vào hoạn nạn, phát sinh mâu thuẫn triền miên.

Gia đình biết dùng 4 lời này để nói với nhau, bất kể giàu có hay không, đều hạnh phúc đủ đầy:

1. Nói lời khiêm tốn

Người xưa thường nói: “Hiền như đất”. Con người nên đôn hậu như đất mẹ hiền lành, đơn giản nhưng lại chứa đựng mọi thứ. Trái tim cởi mở thoải mái, không so đo tính toán những điều nhỏ nhặt. Phẩm chất này được gọi là “khiêm tốn”.

Khiêm tốn, cũng giống như “kẻ mạnh thu lòng kiêu ngạo, người thắng không đắc chí”, không ra vẻ ta đây vì bản thân xuất chúng hơn người, cũng sẽ không vì ưu thế của bản thân mà xem thường người khác.

Trong một gia đình, sự khiêm tốn lại càng quan trọng hơn và nên được phát duy mọi lúc mọi nơi. Cha mẹ nói nhiều hơn về sự khiêm nhường, con cái ít nói những lời ngang ngược, nhờ đó cả gia đình mới càng đầm ấm hòa thuận.

Tại sao hầu hết các gia đình giàu có đều khó duy trì lâu dài? Đó là vì con người không đủ khiêm tốn, dẫn đến kiêu ngạo thái quá, khoe khoang phù phiếm. Kết quả từ cực thịnh thành cực suy.

2. Nói lời dĩ hòa vi quý

Dân gian có câu: “Hòa năng chiêu phú, hòa khí sinh tài”. Ý nói sự hòa thuận, dĩ hòa vi quý có thể tích góp tài lộc, vận may luôn đến.

Cả nhà hòa hợp, đồng sức đồng lòng, không phải có thể thu hút phú quý sao? Gia đình hòa thuận, ít đấu đá tranh giành, tài vận không phải ngày càng đủ đầy sao?

“Hòa khí” mặc dù vô hình, cũng không được coi trọng. Nhưng trên thực tế, nó liên quan đến vấn đề “gắn kết trái tim”. Một lời nói hòa hoãn, dĩ hòa vi quý, cả gia đình yên vui; một lời xốc nổi cay nghiệt, cả nhà cấu xé lẫn nhau.

Phải biết rằng, vợ chồng nếu không ai nhường ai, đến cùng cũng chỉ là người dưng qua đường. Anh chị em không biết nhường nhịn, lập tức trở mặt thành thù.

javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(4132);}else{parent.admSspPageRg.draw(4132);}

Cha mẹ nhún nhường, con cái khiêm tốn. Bất kể tôn ti trật tự, đôi bên luôn giữ vững sự tôn trọng đồng đẳng thì quan hệ càng thêm khăng khít.

3. Nói lời nhượng bộ

Có một từ mà mọi người không thích nhiều, nhưng nó rất hữu ích, đó là “thỏa hiệp”, hay cũng chính là nhượng bộ.

Bạn đã làm gì sai, tôi có thể tận lực bao dung lỗi lầm của bạn. Chờ một ngày nào đó trong tương lai, tôi làm sai chuyện gì đó, bạn cũng sẽ chủ động khoan dung sai lầm của tôi.

Không ai là thánh nhân, con người đều có thể mắc lỗi lầm. Do đó, lòng bao dung vô cùng quan trọng. Trong xã hội ngoài kia, có lẽ mọi người hiếm khi biết nhượng bộ lẫn nhau, mà luôn tranh đấu để tìm về lợi ích cho mình. Nhưng trong gia đình, tốt nhất là phải có sự “thỏa hiệp” một cách khôn ngoan.

Con cái nói lên quan điểm, cha mẹ không nên từ chối thẳng thừng, mà hãy lắng nghe rồi nhận định lời nói cùng cách nghĩ của con có hợp tình hợp lý hay không, từ đó đôi bên có sự trao đổi bàn bạc nhiều hơn. Trẻ em biết cha mẹ tốt với chúng, chúng tự nhiên sẽ đối xử tốt với cha mẹ.

Người nhà không phải kẻ thù, mà là máu mủ ruột già. Vì vậy, là người thân với nhau, hãy thỏa hiệp nhiều hơn, biết khoan dung và nhượng bộ. Lùi một bước, trời cao biển rộng. Một nhà hòa thuận mới là điều tốt đẹp nhất trên đời này.

4. Nói lời khuyến khích

Càng gặp khó khăn, càng phải truyền cảm hứng cho nhau và tiếp tục cố gắng.

Gia đình gặp sóng gió, đồng lòng và khích lệ nhau mỗi ngày mới là quan trọng nhất. Một mình không thể làm nên tất cả, nhưng chỉ cần có sự đồng tâm hiệp lực, biết rằng bên cạnh mình còn có người chở che, tự nhiên có thêm ý chí để vượt qua nghịch cảnh.

Vấn đề là, chúng ta thường trốn tránh trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra, từ đó gia đình xào xáo, phát sinh mâu thuẫn, hận thù lẫn nhau.

Đằng sau một người đàn ông thành công là người phụ nữ thường xuyên khích lệ. Phía sau một đứa trẻ thành tài là cha mẹ thường xuyên động viên.

Nguồn: Aboluowang /Theo Trung Hạ / Thể thao & Văn hóa

Thông điệp ngừng chiến của ông Putin

Thông điệp ngừng chiến của ông Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa khẳng định muốn chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine bằng phương án ngoại giao “càng sớm càng tốt”.

Kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022, ông Putin và các quan chức Nga không ít lần đề cập tới giải pháp chấm dứt xung đột bằng đàm phán. Và cũng giống như những lần trước, phương Tây không coi phát biểu của ông Putin hôm 22-12 là một đề nghị nghiêm túc.

Ai rồi cũng đàm phán!

Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng ông Putin “hoàn toàn không cho thấy dấu hiệu sẵn sàng đàm phán”, rằng lời nói và hành động trên thực địa của lãnh đạo Nga rất mâu thuẫn.

Có thể thấy phát biểu của ông Putin không lập tức tạo ra ảnh hưởng đáng kể nào lên cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay. Tuy nhiên đó là một thông điệp chạm vào vấn đề được quan tâm nhất ở phương Tây.

Đầu tiên, dư luận chú ý tới phản ứng của Nga sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kết thúc chuyến thăm Mỹ. Ở Washington, ông Zelensky được chào đón cùng các thỏa thuận hỗ trợ Ukraine tiếp tục cuộc chiến, bao gồm việc cung cấp hệ thống tên lửa tiên tiến Patriot.

Chữ “đàm phán” mà ông Putin nhắc lại ngay sau chuyến đi của ông Zelensky được giới quan sát phương Tây nhìn nhận như một cách đá “quả bóng” sang phần sân Ukraine: đàm phán hay xung đột, hòa bình hay không là quyết định của Ukraine. Các động thái như việc Ukraine nhận tên lửa Patriot với Nga là một biểu hiện đẩy căng thẳng leo thang, kéo dài cuộc chiến.

Thứ hai, ông Putin hiểu rõ có những bất đồng về cách thức chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine trong nội bộ Mỹ cũng như châu Âu.

Cuộc giao tranh này đã tác động tệ hại lên kinh tế toàn cầu vốn đang chịu nhiều áp lực từ dịch COVID-19, lạm phát, và giá năng lượng tăng. Viện trợ cho Ukraine vì vậy trở thành gánh nặng.

Trong khi Ukraine dĩ nhiên phải chiến đấu đến cùng, các bên viện trợ lại muốn chấm dứt chiến tranh sớm, hoặc cực đoan hơn, như Dân biểu Andy Biggs (Đảng Cộng hòa) tại Arizona, còn kêu gọi chấm dứt viện trợ cho Ukraine. Vừa qua ông Zelensky đến gặp các thành viên Quốc hội Mỹ cũng để nhằm kêu gọi sự kiên nhẫn ở những nghị sĩ như ông Biggs.

Trong phát biểu nêu trên, ông Putin đã ngầm “nhắc nhở” các bên rằng kết cục của tất cả các loại xung đột đều là đàm phán ngoại giao, vì vậy tại sao không đàm phán sớm để đỡ tổn thất!

“Sớm hay muộn, mọi bên trong một xung đột đều ngồi lại để thỏa thuận. Đối với những người chống lại chúng tôi, việc họ nhận ra điều này càng sớm sẽ càng tốt thôi”, tổng thống Nga nói.

Ván cờ cân não

Dấu hỏi lớn nhất vào lúc này là bao giờ xung đột Ukraine chấm dứt, và nó có thể chấm dứt bằng cách nào. Học giả và quan chức Mỹ thời gian qua đã tố cáo Nga cố tình câu giờ, kéo dài cuộc chiến nhằm khiến Ukraine kiệt quệ và các nước phương Tây cạn kiên nhẫn. Đây là kịch bản tệ nhất cho những người ủng hộ Ukraine.

Vấn đề ở chỗ liệu Ukraine có chấp nhận đàm phán khi Nga kiên quyết giữ các vùng sáp nhập “mãi mãi” hay không. Kịch bản dễ chịu nhất cho phương Tây là gây áp lực buộc Nga xuống thang, đàm phán trong thế bất lợi, hoặc nhượng bộ ở một mức nào đó được Ukraine chấp thuận. Nhưng đến thời điểm này, dường như Matxcơva chưa có dấu hiệu chùn bước.

Khi phương Tây áp mức giá trần với dầu Nga, Matxcơva phản ứng bằng cách dọa cắt giảm sản lượng. Phát biểu trên truyền hình ngày 23-12, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga có khả năng cắt sản lượng từ 5 – 7% trong đầu năm 2023, đồng thời ngừng bán cho các nước ủng hộ giá trần nói trên.

Nếu Nga giảm sản lượng, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đã giảm, giá dầu sẽ tăng. Hiện tại châu Âu chưa có phương án tốt hơn để thay thế dầu Nga ngay lập tức. Việc giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt chi phí khác, và đây là lúc các bên thử thách sức chịu đựng của nhau.

Ông Harlan Ullman, cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Atlantic Council, cho rằng hiện nay chiến lược của Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu là cung cấp viện trợ quân sự và phi quân sự cho Ukraine. Các viện trợ này có thể giúp Ukraine chống trả, nhưng không đủ để đẩy Nga ra khỏi các khu vực họ đã kiểm soát như Crimea hay Donbass. Kể cả hệ thống Patriot cũng chỉ đóng vai trò tín hiệu chính trị hơn là tác động chiến thuật trên thực địa, theo ông Ullman.

Theo Nhật Đăng / Theo tuổi trẻ

Thấy gì từ vụ án “chuyến bay giải cứu”?

Sau khi khởi tố ngày 28 tháng Giêng 2022, đến nay vụ án “chuyến bay giải cứu” ở Việt Nam đã có 37 cán bộ của tám bộ ngành trung ương, địa phương và doanh nghiệp bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc đưa/nhận/môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ. Vụ án này cho thấy điều gì?

Thêm nhiều “củi gộc”

Diễn biến mới nhất là hôm qua 22 tháng Mười Hai, Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng và cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam vừa bị bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm liên quan đến vụ án nói trên. 

Trước khi bị bắt, ông Chử Xuân Dũng là Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Phó trưởng ban rồi sau đó là Trưởng ban Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của thủ đô.

Ông Vũ Hồng Nam, 59 tuổi, có 34 năm làm việc trong ngành ngoại giao, từng là Trợ lý Bộ trưởng, kiêm Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao sau đó được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ toàn quyền của Việt Nam tại Nhật Bản từ năm 2018.

Từ trái sang: Vũ Hồng Nam, Chử Xuân Dũng, Phạm Bích Hằng vừa bị khởi tố và tạm giam hôm 22 tháng Mười Hai 2022. Ảnh baochinhphu.vn

Trước đó một ngày, hôm 21 tháng Mười Hai, Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKT) của đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo báo chí cho biết đã đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Một số quan chức cao cấp khác của ngành ngoại giao cũng mới bị khởi tố tạm giam gồm các ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản; Lý Tiến Hùng, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; Nguyễn Lê Ngọc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; Vũ Ngọc Minh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola.

Ngoài ra, Uỷ ban Kiểm tra trung ương đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) cũng đã thông báo cách chức tất cả các chức vụ trong đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025 của các ông Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia; cảnh cáo ông Nguyễn Hoàng Linh, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; khiển trách các ông Phạm Sanh Châu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; Vũ Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản; Phạm Như Ý, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Như vậy sau 11 tháng điều tra, cái “lò đốt tham nhũng “ của ông Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã hốt về một khối củi rất lớn, trong đó có nhiều củi gộc, từ cái gọi là “chuyến bay giải cứu” đầy tai tiếng. Ngành Ngoại giao “đóng góp” nhiều củi nhất, từ củi gộc là Thứ trưởng Tô Anh Dũng, Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan cho đến những cán bộ cấp thấp tại các lãnh sự quán ở nước ngoài.

Nguồn cung cấp củi không chỉ từ Bộ Ngoại giao mà cả từ Ban Đối ngoại trung ương đảng, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội – những cơ quan hét ra lửa, mửa ra khói trong guồng máy cai trị của nhà nước cộng sản. Truyền thông trong nước cho biết, cuộc điều tra đang được mở rộng sang các tỉnh thành khác và có triển vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cán bộ của đảng và chính quyền được nêu tên trong các thông báo khởi tố, tạm giam hoặc xử lý kỷ luật.

Một chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ châu Âu về nước tháng Bảy 2020. Ảnh Bộ Ngoại giao VN/VNExpress.

Chuyến bay giải cứu là một cụm từ chỉ hoạt động phối hợp của năm bộ (Ngoại giao, Công an, Giao thông Vận tải, Y tế, Quốc phòng) trong một chiến dịch vận chuyển công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian cao điểm của dịch COVID năm 2020 đến giữa năm 2021. Việc phối hợp đưa công dân về nước từng được guồng máy tuyên truyền của đảng CSVN ca tụng tận mây xanh, cho đó là một hoạt động thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đảng và nhà nước, “bay vào tâm dịch” để đón đồng bào về nước, một hành động đầy “tự hào, ngạo nghễ”, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tính ra, từ khi bắt đầu tháng Mười Hai 2020 đến khi chấm dứt, chiến dịch “giải cứu” này đã tổ chức được gần 2,000 chuyến bay, đưa 200,000 người Việt ở 60 quốc gia về nước, cách ly để phòng dịch một thời gian sau đó cho họ về nhà. 

Theo trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an, mỗi chuyến bay giải cứu như vậy cơ quan tổ chức thu lợi được khoảng 2 tỷ đồng ($80,000).

Tổ chức đưa công dân từ các vùng dịch về nước bằng máy bay là chính sách chung của nhiều quốc gia sau khi dịch COVID bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019, đầu 2020. Nhưng có thể nói Việt Nam là quốc gia tổ chức nhiều chuyến bay nhất, đưa về nước được nhiều nhất những sinh viên, người lao động tha hương và cả những người đi công tác, du lịch bị mắc kẹt vì chính sách đóng cửa biên giới của nhiều nước. Một tuần trước khi vụ án bị khởi tố, bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (nay là thứ trưởng), khẳng định: “Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh”.

Tuy vậy, Việt Nam cũng là nước trục lợi bỉ ổi nhất chính sách đưa công dân về nước tránh dịch. Các bộ ngành tham gia chương trình đã cấu kết với nhau tổ chức các đường dây thực hiện các chuyến bay giải cứu: chỉ định các công ty đứng ra lo thuê máy bay, khách sạn, mua sắm trang bị bảo hộ trong khi đặt ra rất nhiều thủ tục hết sức nhiêu khê và rắc rối cho người muốn trở về, từ đó buộc họ phải trả một mức chi phí trên trời để được hồi hương. Vào lúc cao điểm, chi phí mà một người về phải đóng cho các công ty này lên tới 300 triệu đồng ($12,000). Theo điều tra, các bị can là quan chức đã nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng và hàng ngàn đô la Mỹ do các doanh nghiệp hối lộ để được chỉ định “thầu” công việc giải cứu! 

Thậm chí những kẻ chủ mưu còn dùng các chuyến bay “giải cứu” để nhập cảng lậu về phi trường Cam Ranh hàng chục thùng rượu whisky Maccalan đắt tiền và thuốc lá điện tử, trị giá gần chục tỷ đồng  như thông tin mà Cục Hải quan Khánh Hòa vừa công bố.

Cũng như vụ án bộ xét nghiệm Việt Á, quy mô của vụ án “chuyến bay giải cứu” chứng tỏ đây không phải là một vụ tham nhũng theo nghĩa bình thường mà là một thủ đoạn lũng đoạn nhà nước, có sự cấu kết chặt chẽ giữa nhiều cơ quan có quyền lực và nhóm doanh nghiệp bất lương để trục lợi trên nỗi đau khổ của đồng loại. 

Hành vi trục lợi đó được tổ chức chặt chẽ, có sự phối hợp từ trong ra ngoài nước, phân công phân nhiệm rạch ròi và ăn chia chắc cũng rạch ròi như thế. Việc phơi bày những hành vi trục lợi đó, truy tố những kẻ chủ mưu, cho thấy sự lũng đoạn đã lên tới cấp rất cao trong guồng máy cai trị và các ngôn từ bóng bẩy về nhân văn nhân đạo chỉ là những tấm áp phích che đậy những thủ đoạn tàn độc của kẻ có quyền lực. 

Những ai còn ảo tưởng về tính chất “nhân văn” của chế độ cộng sản cầm quyền ở Việt Nam cần nhìn ra phía sau những tấm áp phích rách ấy, đằng sau những lời xảo ngôn bóng bẩy ấy để thấy rõ thực chất bất nhân và phản động của một guồng máy cai trị chỉ biết tận dụng quyền lực để ních cho đầy túi tham.

Những người ủng hộ chính quyền và đảng CSVN cho rằng, cuộc khởi tố các vụ án Việt Á, chuyến bay giải cứu, vụ công ty AIC đang được xét xử… với hàng chục quan chức cao cấp cỡ thứ, bộ trưởng bị bắt giam là “minh chứng rõ ràng cho tinh thần đấu tranh triệt để với những cán bộ suy thoái, biến chất dù đang lẩn trốn ở đâu, đang ngồi chiếc ghế nào” như nhận định của một tờ báo ở Sài Gòn.

Nhưng có thật như vậy không? Nếu đấu tranh triệt để với những cán bộ suy thoái biến chất thì e rằng Việt Nam sẽ không còn cán bộ nào bên ngoài song sắt nhà tù.

Đặt các vụ án nổi cộm đó vào bối cảnh cuộc tranh giành quyền lực triền miên ở Ba Đình, nhiều nhà quan sát nhận ra một cuộc tỷ thí một mất một còn giữa các phe phái nhằm chiếm lấy quyền lực tối cao trong đảng CSVN khi ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng phải từ bỏ chức vụ trong một ngày không xa nữa. Phe đảng CSVN với lực lượng công an “còn đảng còn mình” đang sử dụng hết công cụ bạo lực của họ để đánh bật phe chính phủ, loại trừ dần những tay chân của Nguyễn Xuân Phúc (chủ tịch nước), Phạm Minh Chính (thủ tướng), Phạm Bình Minh (phó thủ tướng), Vũ Đức Đam (phó thủ tướng) tạo điều kiện cho Tô Lâm (bộ trưởng công an), Vương Đình Huệ (chủ tịch quốc hội)… vượt lên giành thế thượng phong.

Nói như thế không có nghĩa là đánh giá phe chính phủ tốt hơn phe đảng, mà chỉ nhằm khẳng định rằng các vụ án “rúng động” trên truyền thông hiện nay chỉ là một phần trong cuộc tranh giành giữa các phe phái mà phe nào thắng thì nhân dân cũng bại như một ý thơ của Nguyễn Duy.

Điều may mắn là qua các vụ án như vụ “chuyến bay giải cứu”, người dân có cơ hội thực mục sở thị cái bộ mặt bẩn thỉu của các quan chức cao cấp, cái bản chất thối nát của chế độ và có thêm dũng khí đấu tranh cho một sự thay đổi tất yếu phải đến.

Hiếu Chân / Saigon Nhỏ

Ông Zelensky và món quà Giáng sinh từ Mỹ

Giữa lúc chiến sự tại Ukraine tăng nhiệt giữa mùa đông, Tổng thống Volodymyr Zelensky của nước này bất ngờ đến thăm một trong những nhà tài trợ lớn nhất của họ là Washington và mang theo sứ mệnh đặc biệt.

Ông Zelensky và món quà Giáng sinh từ Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xuất hiện ở tiền tuyến tại vùng Donetsk vào ngày 20-12, trước khi lên đường sang Mỹ – Ảnh: Reuters

Ngày 21-12, ông Zelensky thông báo trên Telegram đã lên đường đến Mỹ “để tăng cường khả năng chống chịu và phòng thủ của Ukraine”. “Tôi và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thảo luận về hợp tác giữa Ukraine và Mỹ. Tôi cũng sẽ có bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ và một số cuộc gặp song phương”, ông chia sẻ về kế hoạch chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nổ ra chiến sự.

Món quà Giáng sinh

Cho tới nay, ông Zelensky đã phát biểu trước hàng chục quốc hội và các tổ chức thông qua hình thức trực tuyến và điện đàm với nhiều lãnh đạo thế giới, khéo léo kêu gọi sự ủng hộ cho Ukraine. Vợ ông, bà Olena Zelensky, đã đến Mỹ hồi tháng 7-2022; một số trợ lý, bộ trưởng của ông Zelensky cũng đã đến các nước khác.

“Chuyến thăm sẽ nhấn mạnh cam kết kiên định của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine đến cùng, bao gồm hỗ trợ kinh tế, nhân đạo và quân sự”, Nhà Trắng thông báo về chuyến đi của ông Zelensky.

Nghị sĩ Dân chủ Ruben Gallego, người đã đến thăm Ukraine vào đầu tháng này, nói trên Đài CNN rằng ông Zelensky sẽ đến Washington với một sứ mệnh cụ thể. “Những gì ông ấy đang cố gắng làm là tạo ra mối tương quan trực tiếp giữa sự hỗ trợ của chúng ta với sự sống còn và chiến thắng trong tương lai của Ukraine”, ông Gallego nói.

Chuyến thăm của ông Zelensky diễn ra trong thời điểm hết sức quan trọng khi Quốc hội Mỹ chuẩn bị phê duyệt gói chi tiêu năm 2023, trong đó có khoản 45 tỉ USD hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine. Đây sẽ là gói hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay của Washington dành cho Kiev, thậm chí lớn hơn mức 37 tỉ USD mà ông Biden đề xuất, và nâng tổng số hỗ trợ của Mỹ lên 100 tỉ USD.

Ngoài ra, theo tiết lộ của Đài CNN, ông Biden dự kiến tặng món quà Giáng sinh là khoản hỗ trợ an ninh bổ sung 1,8 tỉ USD cho Ukraine, trong đó bao gồm các hệ thống tên lửa Patriot mà Kiev đã xin trước đó. Washington cũng có kế hoạch gửi cho Ukraine thiết bị chế tạo “bom thông minh” nhắm vào các tuyến phòng thủ của Nga.

Sự có mặt của ông Zelensky tại Quốc hội Mỹ sẽ có ý nghĩa quan trọng khi Đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ kể từ năm sau. Một số nghị sĩ ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump thời gian qua cho rằng số tiền gửi giúp Ukraine nên được dùng để củng cố biên giới phía Nam nhằm ngăn làn sóng di dân.

“Tất nhiên vị tổng thống trong bóng tối phải bước ra trước Quốc hội và giải thích lý do tại sao ông ta cần hàng tỉ USD tiền đóng thuế của người Mỹ cho bang thứ 51 là Ukraine. Điều này thật vô lý. Hãy đặt nước Mỹ lên trước nhất”, nghị sĩ Marjorie Taylor Greene mỉa mai trên Twitter ngày 20-12.

Thời điểm chuyến thăm

Nhưng theo ông Wesley Clark, cựu chỉ huy lực lượng NATO tại châu Âu, chuyến thăm của ông Zelensky phản ánh thời điểm quan trọng của cuộc chiến khi Ukraine sẽ khó giành chiến thắng nếu Mỹ không đẩy mạnh hỗ trợ. “Đây là cơ hội và cũng là mối nguy với Ukraine. Nga đang yếu nhưng sẽ mạnh hơn. Đây là lúc mà Mỹ cần đổ tiền hỗ trợ. Tổng thống Zelensky biết điều đó, nếu ông ấy muốn đánh bại Nga. Khi mùa hè đến, đó sẽ là một chiến trường hoàn toàn khác”.

Theo giới phân tích, việc cấp tên lửa Patriot phản ánh sự điều chỉnh hỗ trợ của Mỹ. Hệ thống này sẽ giúp Kiev chống lại tốt hơn các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào các thành phố và hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Dù đã nhiều lần điện đàm nhưng ông Biden và ông Zelensky vẫn chưa gặp nhau trực tiếp. Trong nhiều tháng qua, ông Biden đã thận trọng điều chỉnh việc chuyển vũ khí cho Ukraine nhưng tránh làm leo thang xung đột thành đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.

Ông Biden cũng bác bỏ kêu gọi của Ukraine về việc triển khai vùng cấm bay trên lãnh thổ nước này. Hệ thống tên lửa Patriot sẽ là sự can thiệp sâu nhất cho đến nay của Mỹ vào cuộc xung đột này.

Điện Kremlin bình luận chuyến thăm của ông Zelensky đến Mỹ sẽ không đem lại điều gì tốt đẹp. “Việc tiếp tục cung cấp và mở rộng các loại vũ khí (cho Ukraine) dĩ nhiên sẽ làm xung đột thêm trầm trọng và điều này không tốt cho Ukraine”, Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin.

Mỹ sẽ không đưa quân sang Ukraine

Ngày 21-12, truyền thông Mỹ dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết ông Biden hiện không có kế hoạch đưa quân sang Ukraine. “Mỹ sẽ không gửi quân sang Ukraine chiến đấu trực tiếp với Nga.

Thay vào đó, chúng tôi đang gửi hàng tỉ, giờ là hàng chục tỉ USD các thiết bị quân sự và vật tư để Ukraine tự bảo vệ mình”, quan chức này nói. Tờ Financial Times dẫn lời vị này cũng cho biết Mỹ sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa Patriot ở một nước thứ ba. Nga trước đó đã cảnh báo bất cứ binh sĩ nào của NATO vận hành hệ thống Patriot sẽ là mục tiêu của Matxcơva.

Theo Tuổi trẻ