Cuộc sống ở Việt Nam cuối thế kỷ 19 diễn ra như thế nào?

Cuốn “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” của nhiếp ảnh gia Pháp Pierre Dieulefils lưu lại hình ảnh con người, sinh hoạt, văn hóa nước ta cuối thế kỷ 19.

Ảnh chụp cảnh voi và ngựa chờ vua ở cổng Ngọ Môn, Huế.

Ảnh chụp vua Duy Tân ngự giá giữa các thị vệ.

Tang lễ hoàng thái hậu Từ Dụ.

Người Thái ở Thanh Hóa uống rượu sau khi săn được hổ.

Người H’Mông Hoa ở vùng núi phía Bắc.

Thợ chạm vùng đồng bằng sông Hồng.

Gia đình một viên quan ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Phu xe cút kít.

Phụ nữ miền Nam.

Một gánh hát ở Sài Gòn xưa.

Người Thượng ở Tây Nguyên.

Bữa cơm của những phụ nữ Nam Kỳ.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Kylian Mbappé: Từ cậu nhóc vùng ngoại ô Paris đến biểu tượng giấc mơ của cả một thế hệ trẻ nước Pháp

Kylian Mbappé: Từ cậu nhóc vùng ngoại ô Paris đến biểu tượng giấc mơ của cả một thế hệ trẻ nước Pháp

Không chỉ làm rạng danh số 10 huyền thoại của đội tuyển Pháp, Kylian Mbappé còn trở thành hình mẫu của nhiều trẻ em đang nuôi dưỡng giấc mơ bóng đá của mình.

Sau khi lập hat-trick vào lưới Argentina tại chung kết World Cup 2022, dù không thể giành được ngôi vị cao nhất, Kylian Mbappé vẫn chiếm trọn trái tim của người hâm mộ bằng màn trình diễn của mình.

Trên sân bóng, chân sút người Pháp gây ấn tượng mạnh mẽ với tốc độ, kỹ thuật và những pha dứt điểm không thể chuẩn xác hơn. Và ở bên ngoài kia, một thế hệ trẻ em tại Pháp khác đang mang trong mình một ước mơ lớn, ước mơ trở thành “Mbappé tiếp theo” của bóng đá Pháp.

Kylian Mbappé: Từ cậu nhóc vùng ngoại ô Paris đến biểu tượng giấc mơ của cả một thế hệ trẻ nước Pháp - Ảnh 1.

Kylian Mbappé được coi là tương lai của bóng đá thế giới

“Quả ngọt” của hệ thống đào tạo trẻ

Mbappé là sản phẩm của một hệ thống đào tạo ngoạn mục, anh là cái tên “vàng” mới nhất trong dòng chảy không ngừng nghỉ của những tài năng hàng đầu được đào tạo bởi quốc gia châu Âu này. Thậm chí, với thành công trong công tác đào tạo, Pháp còn được cho là đang vượt xa Brazil, Đức và các cường quốc khác và được ví như một “công xưởng sản xuất” những tài năng bóng đá.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chưa từng có quốc gia nào có thể duy trì sự thành công của bóng đá nước nhà qua nhiều lứa cầu thủ. Với “Les Bleus”, họ chiến thắng World Cup đầu tiên vào năm 1998, sau đó vào năm 2006, họ lần nữa lọt vào trận chung kết và để thua Ý. 12 năm sau, họ thành công đánh bại Croatia để lên ngôi vô địch vào năm 2018 và tiếp tục lọt vào chung kết World Cup 2022.

Kylian Mbappé: Từ cậu nhóc vùng ngoại ô Paris đến biểu tượng giấc mơ của cả một thế hệ trẻ nước Pháp - Ảnh 2.

Bóng đá Pháp sở hữu những số 10 chất lượng

Ở thời điểm hiện tại, dù Brazil, Đức và Ý nhìn chung vẫn có nhiều danh hiệu hơn, nhưng việc lọt vào trận chung kết lần thứ tư chỉ trong 24 năm cho phép họ khẳng định mình chính là đội có thành tích tốt nhất tại World Cup trong ba thập kỷ qua với 2/4 lần nâng cao chiếc cúp vô địch danh giá.

Đáng chú ý, vào hai lần gần nhất Pháp lọt vào chung kết World Cup, Kylian Mbappé luôn chiếm trọn sự chú ý bởi tài năng của mình. Sau khi cầu thủ 24 tuổi lần đầu mang chiếc cúp vàng về với nước Pháp, lò đào tạo trước đây của anh lập tức nhận được nhiều sự chú ý.

Kylian Mbappé: Từ cậu nhóc vùng ngoại ô Paris đến biểu tượng giấc mơ của cả một thế hệ trẻ nước Pháp - Ảnh 3.

Ở tuổi 24, Mbappé đã cùng ĐT Pháp hai lần lọt vào chung kết World Cup

“Xưởng sản xuất” tài năng

AS Bondy, nơi Mbappé thi đấu khi còn là một cậu bé được coi là một trong những điểm khởi đầu trong “xưởng sản xuất” tài năng bóng đá của Pháp. Và những gì mà Mbappé mang lại cho nền bóng đá nước này đã khiến nhiều cầu thủ nhí có niềm tin vào những gì mà họ có thể làm được trong tương lai.

Kylian Mbappé: Từ cậu nhóc vùng ngoại ô Paris đến biểu tượng giấc mơ của cả một thế hệ trẻ nước Pháp - Ảnh 4.

Tiền đạo 24 tuổi là tấm gương cho nhiều cầu thủ trẻ

“Mbappé thúc đẩy tôi, khiến tôi muốn tập luyện chăm chỉ hơn nữa” – Yacine Ngamatah (12 tuổi), cầu thủ từng ghi 4/10 bàn thắng của đội nhà trong trận đấu trước một câu lạc bộ đến từ một vùng ngoại ô khác của Paris, chia sẻ.

Được biết, Yacine đang thử sức ở Dijon, đội bóng chuyên nghiệp chơi ở giải hạng hai nước Pháp. Bên cạnh khả năng dứt điểm, Ngamatah cũng sở hữu khả năng di chuyển không biết mệt mỏi. Chính vì lý do này, cậu bé được đồng đội đặt cho biệt danh N’Golo Kanté. Biệt danh này được lấy từ tên của tiền vệ nổi tiếng của tuyển Pháp. Trong quá khứ, chính Kanté cũng bắt đầu sự nghiệp bóng đá của mình trong một đội bóng địa phương Paris, Suresnes.

Cha của Yacine, Eric Ousmane Ngamatah, nói: “Chúng tôi không có gì phải ghen tị với người Brazil. Hiện tại nước Pháp sở hữu một lượng lớn cầu thủ bóng đá, đặc biệt là tại khu vực Paris”.

Kylian Mbappé: Từ cậu nhóc vùng ngoại ô Paris đến biểu tượng giấc mơ của cả một thế hệ trẻ nước Pháp - Ảnh 5.

Các cầu thủ tại AS Bondy, CLB Kylian Mbappé chơi bóng khi còn nhỏ

javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(4132);}else{parent.admSspPageRg.draw(4132);}

Tuy nhiên, khi nói về đào tạo trẻ, tiền chỉ là một vấn đề. Pháp đầu tư rất nhiều vào các cơ sở vật chất, có sân bóng, công viên và sân chơi trên khắp khu vực Paris và xa hơn nữa là rất nhiều huấn luyện viên và đội tuyển trẻ.

Nhưng cũng như trên toàn thế giới, thứ cốt lõi của bóng đá vẫn là tính hấp dẫn và đơn giản như một trò tiêu khiển rẻ tiền dành cho trẻ em từ các gia đình nghèo. Đây cũng như một lối thoát khả dễ dàng cho những đứa trẻ thuộc tầng lớp lao động tại Bondy. Chính vì thế, sự tỏa sáng của đứa trẻ ngoại ô nghèo như Mbappé đã thắp sáng hy vọng cho một thế hệ mới.

Giấc mơ mang tên “Mbappé”

Như đã nói ở trên, thành công của Mbappé và ngôi sao khác tại tuyển Pháp đã truyền cảm hứng và động lực cho vô số trẻ em yêu bóng đá.

Sari, huấn luyện viên của đội bóng dưới 13 tuổi, cho biết ảnh hưởng của Mbappé lớn đến mức nhiều cầu thủ nhí bắt chước và nhanh chóng thành thạo các động tác lừa bóng hay các động tác giả tương tự những gì Mbappé thể hiện trên sân.

Kylian Mbappé: Từ cậu nhóc vùng ngoại ô Paris đến biểu tượng giấc mơ của cả một thế hệ trẻ nước Pháp - Ảnh 6.

Bức vẽ được đặt ở quê nhà của Mbappé tại Bondy, Pháp

Không chỉ Mbappé, hậu vệ William Saliba, cầu thủ sinh ra ở Bondy cũng là một trong những thành viên “Les Bleus” tham dự World Cup năm nay. Chia sẻ về người đồng đội Mbappé, anh cho biết:

“Mọi người đều học hỏi thông qua những tấm gương (như Mbappé). May mắn của chúng tôi là có những tấm gương như vậy trong đội tuyển quốc gia”.

Kylian Mbappé: Từ cậu nhóc vùng ngoại ô Paris đến biểu tượng giấc mơ của cả một thế hệ trẻ nước Pháp - Ảnh 7.

Kylian Mbappé thắp sáng ước mơ của nhiều em nhỏ yêu bóng đá tại quê hương

Về ước mơ thành công, các bậc phụ huynh hiểu rằng không nhiều trẻ em có thể vươn tới đỉnh cao như Mbappé, nhưng chẳng ai đánh thuế ước mơ của bọn trẻ.

Trong trận đấu hôm 17/12, Rabiah Bertrand, một phụ huynh đang run rẩy đứng ngoài đường biên xem cậu con trai 12 tuổi của mình thi đấu dưới nhiệt độ lạnh cóng, cho biết:

“Khi tôi xem đội tuyển Pháp thi đấu, tôi rất xúc động, vì tôi nghĩ có thể một ngày nào đó biết đâu con tôi cũng sẽ thi đấu cùng họNhững đứa trẻ đều đang tự nhủ rằng những gì Kylian có thể làm, nó cũng sẽ làm được. Chính chúng tôi cũng mơ ước như vậy. Mọi thứ trong cuộc sống này đều có thể xảy ra mà”.

Nguồn: Seattle Times / Theo Thanh Tâm / Thể thao & Văn hóa

“1984”, tiểu thuyết bị cấm 40 năm trở thành sách bán chạy nhất ở Nga

“1984” đang đứng đầu danh sách bestseller (sách bán chạy nhất) bán trên mạng của Nga trong năm 2022.

Vẽ lên một bức tranh đen tối, cuốn sách lấy bối cảnh một tương lai tưởng tượng, nơi các nhà độc tài toàn trị tước đoạt mọi quyền tự do của công dân để bảo đảm sự ủng hộ cho các cuộc chiến vô nghĩa. Tác phẩm viễn tưởng này được tải xuống (download) nhiều nhất năm 2022 trên trang web bán sách trực tuyến của nhà sách Nga LitRes và là tác phẩm được tải xuống nhiều thứ hai trong tất cả các trang web bán sách cộng lại (theo hãng thông tấn nhà nước Nga Tass trong bản tin ngày 13 Tháng Mười Hai).

“1984” của tác giả người Anh George Orwell được xuất bản năm 1949 không lâu sau khi Đức Quốc xã bị đánh bại và Chiến tranh Lạnh của phương Tây với đồng minh cũ Josef Stalin và khối cộng sản Liên Xô chỉ mới bắt đầu. “1984” bị cấm ở Liên Xô cho đến năm 1988 mới được xả cảng.

Orwell cho biết ông đã sử dụng chế độ độc tài của Stalin như một hình mẫu cho sự sùng bái cá nhân của một “Big Brother” (người anh cả) tự cho mình nhìn thấu mọi việc và dùng cảnh sát tư tưởng để buộc các công dân Liên Xô và các nước chư hầu phải tin vào một tư duy “ngược ngạo: “Chiến tranh là Hòa bình, Tự do là Nô lệ”!

Việc “1984” tưởng như đã lui vào quá khứ bất ngờ ngoi lên đầu bảng bestseller được một số nhà quan sát xem như “sự trổi dậy của ký ức về thời Stalin” và là “tiếng vang thời hiện đại làm liên tưởng đến sự cai trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin”, người đã loại phe đối lập chính trị và truyền thông đa chiều ra khỏi cuộc sống chính trị Nga trong hơn hai thập niên ông ta nắm quyền.

Cuộc xâm lược Ukraine của Putin vào Tháng Hai được bảo vệ bằng luật mới quy định “ai công bố bất kỳ thông tin nào về cuộc chiến khác với các tuyên bố chính thức của chính quyền sẽ bị xem là phạm tội”. Kremlin cũng tránh né từ “chiến tranh” và thay bằng “hoạt động quân sự đặc biệt”. Các quan chức ở Moscow luôn khẳng định Nga không có ác ý với Ukraine, không tấn công nước láng giềng và không chiếm đóng lãnh thổ Ukraine (dù thực tế là chiếm giữ và sáp nhập thô bạo).

Tuần trước, chính trị gia Nga đối lập Ilya Yashin đã bị kết án 8,5 năm tù giam với tội danh “lan truyền thông tin sai lệch về quân đội” vì đã dám công khai thảo luận các bằng chứng của truyền thông phương Tây về sự tàn bạo của Nga ở thị trấn Bucha, gần Kyiv mà Nga nói là bịa đặt. Tháng trước, người phát ngôn của Kremlin vẫn khẳng định không có cuộc tấn công nào vào các mục tiêu dân sự Ukraine, bất chấp nhiều đợt không kích các cơ sở năng lượng, công ích của Ukraine khiến hàng triệu người không có sưởi ấm, ánh sáng và nước trong mùa đông giá lạnh. Nga đã thực hiện 7 đợt tấn công vào các mục tiêu này.

Tuy nhiên, bằng cách “đánh lận con đen” để làm nhẹ đi những liên tưởng xấu về “1984”, bà Darya Tselovalnikova, dịch giả tiếng Nga của “1984” còn phát hiện ra những điểm tương đồng với tiểu thuyết của Orwell ở những chỗ khác. “Trong cơn ác mộng tồi tệ nhất của mình Orwell cũng không thể mơ rằng thời đại của chủ nghĩa chuyên chế tự do (liberal totalitarianism) và chủ nghĩa tự do chuyên chế (totalitarian liberalism) cũng sẽ đến phương Tây khi con người như những cá nhân bị tách riêng và cô lập sẽ cư xử giống bầy thú dữ”

 
Lê Tây Sơn
/ Saigon Nhỏ / Theo CNN.

Vĩnh biệt người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu

Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Ông Nguyễn Hữu Cầu sinh năm 1947 (Đinh Hợi), quê quán Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là một tù nhân lương tâm với 37 năm tù đày lâu nhất lịch sử Việt Nam kể từ sau 1975. Ông qua đời vào ngày 19 Tháng Mười Hai, 2022 tại nhà riêng ở Kiên Giang.

Ông Nguyễn Hữu Cầu vốn là cựu đại úy Chủ Lực Quân, xuất thân khóa 6/68 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, ra trường về phục vụ tại Tiểu Khu Quảng Nam, thuộc vùng 1 chiến thuật – quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông bị bắt làm tù binh sau khi vùng 1 chiến thuật thất thủ vào đầu tháng 4/1975. Sau 30/4/1975 khi miền Nam sụp đổ, ông bị chuyển thành “học tập cải tạo” và được thả về vào cuối năm 1980, sau hơn 5 năm bị tù.

Ông Nguyễn Hữu Cầu còn được những người quen biết, đặt cho ông biệt danh là người tù thế kỷ, bởi 2 lần tù dài. Lần thứ nhất là đi học tập cải tạo sau 1975, và lần thứ hai chuyển từ tử hình xuống chung thân. Sau đó do áp lực liên tục trong và ngoài nước, ông được trả tự do với sức khỏe suy kiệt, mắt lòa và nhiều chứng bệnh khác. Tổng cộng ông chịu 37 năm tù.

Lần tù thứ 2, là do ông vô tình biết được việc quan chức ở Kiên Giang lúc đó tổ chức trại giam riêng để cưỡng hiếp trẻ vị thành niên, là những người vượt biên bị bắt lại. Một bé gái tên Tuyết, 16 tuổi, nhà ở Phú Nhuận, Sài Gòn, vô tình gặp ông đi ngang tổ quỷ, đã vẫy, gọi ông nhờ cứu giúp, mà ông kể là khi chứng kiến sự đau đớn của bé gái đó, ông phẫn nộ đến mức quyết lên tiếng, bất chấp thân phận là một cựu binh VNCH đang bị làm khó dễ ở quê nhà.

Tháng 8-1981, ông làm đơn thư tố cáo đích danh Viện trưởng VKSND Kiên Giang là Nguyễn Thế Đồng cùng nhiều quan chức khác phạm tội tham nhũng và hủ bại, với các chữ ký sẵn sàng làm chứng của các đảng viên, người dân trong vùng vì đã quá tức giận trước những điều thối nát kéo dài. Thư của ông gửi thẳng cho báo Nhân Dân, nhưng một tháng sau lại quay về Kiên Giang và đến bàn làm việc của Đồng. Những tin tức này, về sau ông dần dần thu thập được bởi trong trại giam của ông cũng xuất hiện các cán bộ, dân làm ăn với chính quyền cũng bị tù, làm bạn với ông và tiết lộ. Từ khi biết người tố cáo mình là Nguyễn Hữu Cầu, chính quyền tỉnh Kiên Giang liên kết cô lập ông, vô cớ đến mức khi ông mua vé xe đi Sài Gòn khám bệnh cũng không được.

Năm 1983, trong một vụ án chính trị, đột nhiên ông Cầu bị đưa tên vào vì cho là đã tham gia viết các nội dung chống chế độ. Ông Cầu bị kêu án tử hình.

Khi ra tòa, phiên xử 5 ngày công khai ở rạp hát Nghệ Đô, với nhiều bị cáo, bao gồm cả các chức sắc tôn giáo, tất cả đều phủ nhận không liên quan gì đến ông Cầu, thậm chí không biết ông Cầu là ai. Do không xác định được tội nên án tử hình được chuyển thành chung thân.

Điều đáng nói là Nguyễn Thế Đồng đã cho bộ hạ làm giả hồ sơ và những chứng cứ giả để tìm mọi cách cố ý hại chết ông Cầu, đến mức luật sư Nguyễn Thời Vượng của chính quyền trong phiên tòa cũng phải bất mãn, phải nhắc rằng các sự kiện bịa ra hoàn toàn sai lịch sử và ngớ ngẩn, chẳng hạn như việc kết tội ông Cầu là tay sai bí mật của Mao Trạch Đông. Lý do vì trong phiên tòa, ông Cầu đã đọc danh sách 11 thiếu nữ đi vượt biên bị bắt lại và trở thành nạn nhân dâm ô của Đồng và đồng bọn, ông yêu cầu xét đến chuyện này nhưng tòa bác bỏ lập tức.

Ông Cầu bị ép phải nhận bài hát mà ông viết về Chúa Jesus là bày tỏ ước mong Đế Quốc Mỹ quay trở lại, tên Đức mẹ Maria trong bài hát của ông thì bị nói là mật danh của một nhân viên tình báo Mỹ. Sự ngu dốt và vô lý đến mức là công an Kiên Giang cho người phân tích kinh Chú Đại Bi của Phật giáo của mẹ ông để trong nhà, nói rằng đây là chứng cứ mật mã liên lạc với kẻ thù. Ông bị đánh và buộc phải khai hai tên Ca-Diếp và A-Nan trong sách Phật giáo là ai, đang trốn ở đâu.

Ông Nguyễn Hữu Cầu bị giam giữ tại khu tù chính trị biệt giam, phân trại K2, Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai. Với những năm dài tù đày và biệt giam khắc nghiệt ngoài sức tưởng tượng, đã khiến cho người cháu nội của ông, cháu Trần Phan Yến Nhi, 14 tuổi, đã phải viết thư, lên tiếng kêu cứu xin thế thân đi tù thay cho ông nội vì thấy ông quá đau yếu. Câu chuyện của ông Nguyễn Hữu Cầu đã dội ra thế giới và trở thành sự kiện được vận động liên tục của các tổ chức quốc tế. Đến Tháng Ba 2014, ông được trả về nhà.

Ông Nguyễn Hữu Cầu chỉ là một công dân bình thường ở miền Nam Việt Nam, nhưng ông không từ chối giúp đỡ người hoạn nạn, dù đó là người không quen biết, và chấp nhận những khốn khó xảy ra với đời mình vì hành động công chính. Năm 2014, khi được hỏi rằng ông có bao giờ hối tiếc về những điều mình đã làm khiến cho cuộc đời của ông chỉ là tù tội thôi? Ông nói mình không kịp nghĩ hay tính toán gì, mà chỉ biết sống với lẽ phải, bởi ông được giáo dục như vậy.

Ông ra đi trong sự thương tiếc của rất nhiều người thân quen, cũng như trong sự cảm mến của những người biết được câu chuyện đời của ông.

Như Hồ / Saigon Nhỏ

Hà Nội 18 – 24/12/1972 – Nhật ký Vương Trí Nhàn

18/12
     Lại cảm thấy như gặp chiến tranh lần đầu. Máy bay Mỹ đánh Hà Nội sau 2 tháng nghỉ. Thủ đô không đèn, trong ánh trăng suông. Khi ánh trăng lóe lên chốc lát, thấy hơi sợ, hay là bom nổ?
     Phố xá khắc trên nền trời những đường nét nhấp nhô. Phố đáng yêu quá, mong manh quá. Những hố cá nhân nứt ra từ bao giờ. Nhưng sao nhiều hố có nước thế.
    – Đúng cụ nhà mình sơ tán thì lại máy bay.
    – Đến 2 tháng nay mới lại bị đấy.
    – Mày có xuống hầm đi không? Đây, cầm lấy cái mũ rơm.
    – Nhà nào còn để đèn thế kia.
    – Gớm cô cậu, giờ còn đèo nhau đi đâu.
    Tiếng của những cái nắp xi măng kéo lê trên miệng hầm ngắn, đằm. Hơi rờn rợn. Tiếng súng nổ rất đanh. Nhưng mà sợ nhất là sự im lặng. Đến những đứa trẻ cũng ưu tư. Tiếng loa trên đường phố đâm ra là cái được mong đợi.
      Chiến tranh ở đô thị nghĩa là gì? Nghĩa là mọi hoạt động ngưng lại, ô tô ngưng lại, người đi đường ngưng lại, cho đến cả những chiếc xe rác cũng ngưng lại. Một đứa trẻ ngồi bên Bờ Hồ đòi… ị. Người mẹ nói cái gì, thấy rõ nhất chữ “quấy đảo” “quấy đảo”. Nói về đứa con hay về máy bay?
      Những gì bình thường nhất cũng phải ngưng lại như vậy chăng? Nghĩ đến sự chết. Đổ nhà đổ cửa.
     Hai người đàm đạo kiểu tếu:
     — Để mai ta mang bom đến Hoa Thịnh Đốn ta ném mới được.
     — Ông ghé cái A – pô – lô xuống cho tôi đi cùng với.
    Chợ Đồng Xuân. Phố Hàng Đường. Phố Hàng Ngang. Những phố xá của một thời Hà Nội. Hàng hóa còn đang dọn dở. Người đứng nhìn ra đường. Cái loa đầu phố song sóc: Các đồng chí dân phòng không cho người lạ vào khối ta nữa…
    Người Hà Nội sống bằng niềm tin nào? Trong chiến tranh, người ta sống bằng gì?
   Lần đầu tiên… Không, với nhiều người bây giờ không phải lần đầu tiên nữa. Nhưng tôi vẫn có cảm giác là lần đầu tiên bởi không ai quen được với chiến tranh. Cũng như nghe một ngàn loạt đạn rồi, đến loạt ngàn linh một vẫn cứ sợ.
    Quen như mọi khi, tôi bổ ra đường đêm báo động. Đôi giày “săng đá” kêu lên âm thầm, không thấy ai nói. Tôi yêu những người dân phòng mũ sắt đang đứng trên đường. Trong đêm, tôi yêu tất cả phố xá. Ngồi trên ghế đá Bờ Hồ, tôi duyệt lại tình yêu Hà Nội. Cho đến khi những vệt đèn hướng lên, như trong một buổi tối. Người đi đầy đường. Những lần tan một cuộc vui, người cũng đông vậy. Tôi nhớ sắp đến những ngày vui, sắp Noel, sắp đầu năm mới.
     … Nhưng mà chính vì thế mà Hà Nội bất ngờ. Đèn mới tắt được vài phút thì lại nghe đạn nổ, đạn đỏ lừ ở phía Nam. Chiến tranh là chuyện bất ngờ, bao giờ cũng là chuyện bất ngờ. Nhưng lần này thì Hà Nội bất ngờ thật.  Tôi nhớ câu nói của người thanh niên lúc báo yên. “Nó xơi mất một tiếng hai mươi phút còn gì”.
     Người Hà Nội quen làm việc theo giờ giấc, người Hà Nội đêm nay sẽ được biết một cuộc chiến tranh không giờ giấc, có thể nói là suốt đêm.
     Tôi đi bộ từ Bờ Hồ về cơ quan trong tiếng súng. Một chiếc máy bay bay thật thấp, vụt qua. Cái chết vụt qua, may nó không chạm vào mình. Nhiều người chia nhau cảm giác may mắn đó khi gặp lại nhau.
     Những người cơ quan tôi từ nhiều phía mang về những tin khác nhau ở chi tiết, nhưng giống nhau ở sự bất ngờ. Nghệ thuật vẫn len vào cuộc sống, nghệ thuật lại chung số phận trong chiến tranh. Đoàn ca múa Tông cục chính trị hôm qua còn biểu diễn cả tối cho chúng tôi xem, hôm nay phải ngưng lại. Tôi nghĩ đến Linh, một cô gái tôi quen. Có thể chăng, những diễn viên như Linh đêm nay lại phải đi khỏi Hà Nội. Tôi nghĩ đến cái lúc họ vừa quệt nốt vệt son còn sót lại trên má, vừa nhận ra cái vẻ heo hút bên đường. Những cặp người yêu nghĩ đến một điều gì vừa mất đi cùng Hà Nội. Những người xem cũng cảm thấy vừa mất đi một cái gì đó cùng đoàn văn công. Nhưng họ đi là phải. Báo động gần suốt đêm. Có mấy khi thế đâu?
      Chưa bao giờ Hà Nội lay động cửa nhà như vậy. Tôi nói lay động nghĩa đen. Bom ở đâu không biết nhưng cũng không phải là gần (nếu bom gần, nghe tiếng bom, đón hơi bom rất nhỏ).
     Nhưng sao vẫn lay động?
     Rơi cả những bức ảnh trên tường nhà chị tôi, rơi rụng cả những kỷ niệm.
    Và tí nữa rơi rụng cả cái đồng hồ, rơi rụng cả thời gian.
    Ở khu vực Láng Hạ, đã rơi rụng cả một cái gì mang dấu ấn cả không gian và thời gian, rơi rụng những kiếp người. Chết người. Tất nhiên là cùng chết theo những gì thân thiết nhất của mỗi kiếp người. Mái nhà ấm. Những vật dụng gia đình.
    Một đài nước ngoài nhắc lại tin nhắn của một người Hà Nội: trong mưa, lửa vẫn cháy. Tôi vẫn chui rúc trong sợ hãi, ngủ vùi ở tầng hai cơ quan trong liều lĩnh  — cũng chẳng cần biết và không thể biết được những gì đã xảy ra chung quanh.

19/12 

 Ngay đêm qua, bọn tôi được lệnh  thu  xếp để lên khu sơ tán Hương Ngải càng sớm càng tốt.
    Chỉ biết rằng đêm qua, cả Hà Nội thức. Một đêm kinh khủng của 8 năm nay từ hồi chiến tranh phá hoại, 18 năm nay, từ hồi hòa bình 1954, và có thể 26 năm nay, từ hồi toàn quốc kháng chiến.
     Buổi sáng mai, trở dậy, đã nghe đài Hà Nội veo vẻo. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược… Tiến đến đánh thắng hoàn toàn… Ông Châu cười khảy, hạ cho một câu, những việc xảy ra đêm qua không báo hiệu gì cho luận điểm đó cả.
     Cả Hà Nội, từ trên xuống dưới, đã đứng trước một chuyện không ai hình dung trước. Các rạp xi-nê mới chiếu trở lại trong phạm vi hẹp từ hôm 18-12. Báo động trong lúc các ông cốp tuyên huấn đang duyệt văn công. Những người khác cũng bất ngờ như vậy.
    Những gì bi quan nhất đã đến với tôi. Có lúc tưởng như tuyệt vọng. Tôi đã từng ở những vùng bị ném bom. Nhưng không đâu cảm thấy sức tàn phá man rợ như ở đây. Và thách thức như ở đây, ở một thành phố.
Nhớ những lần ở trong vòng bom. Lần này chỉ ở ngoài, sao cũng sợ. Cảm thấy như ai đó đang đạp vào đầu mình. Cảm thấy như đang cùng với một đoàn người nào đó bị trùng trùng vây bủa. Tôi nhớ tới sự làm nhục, kẻ yếu bị kẻ mạnh làm nhục. Xuân Quỳnh hay kể ở Thái Bình, máy bay địch đã từng bay rạt nóc nhà suốt đêm, để dọa đàn bà và con trẻ. Ở đây, chúng tôi cũng bị làm nhục như thế và còn hơn thế.
      Đã có lệnh là phải sơ tán trước 4 giờ sáng. Biết đâu, địch sẽ đánh suốt từ giờ đến sáng, và không ra khỏi thành phố được nữa.
      (Hôm sau, những người ở xa Hà Nội nói rằng ban đêm, tưởng là Hà Nội bị đánh vụn. Tưởng người ở trong Hà Nội đã chết, không còn ai ra thoát).
     Sự bi quan đã lên đến tột cùng trong mỗi người. Tại sao? Chúng tôi không còn chỗ dựa. Hà Nội vốn là chỗ dựa về mặt tinh thần, đã bị sụp đổ. Chúng tôi cảm thấy mình cô đơn. Mọi khi bao giờ cũng cảm thấy còn có một nơi nào đó đang chiến thắng. Nay thì nơi đó không còn.
     Vì sao, vì sao? Cũng không hiểu được nữa.
    Trong mọi người dân bình thường đều có thể nghe tiếng vọng của thời đại . Một người như bà chị tôi nói:
    – Người ta bảo ông Thọ đi thì mừng, ông Thọ về là mang bom mang đạn về theo thôi. Ở bên kia, ông ấy đập bàn đập ghế với nó, thì bên này mình khổ.
    “Chủ quan” “Cảnh giác”. Tôi lại chợt nhớ tới tiếng nói của một thứ người tuyên huấn, cứ lên gân lên guốc. Và cái câu lắp đi lắp lại của người ta, chớ chủ quan khinh địch.
     Nguyễn Minh Châu: Đến Hà Nội còn mất cảnh giác, thì trên thế giới này đâu không mất cảnh giác nữa?
    Lại một lần nữa thấy rằng cả những người bi quan nhất cũng không bi quan bằng thực tế. Thực tế đáng bi quan hơn nhiều. Lâu nay, có ai trong chúng tôi tưởng tới việc Mỹ đánh lại miền Bắc.
Phụ lục –  con số ghi từ một bản tin
 18/12 7g  tối, Nhà trắng còn tuyên tố cải chính đánh ra ngoài vĩ tuyến 20. Nhưng 8 g thì Hà Nội báo động. Nixon đã ra  lệnh đánh lại “cho đến khi có giải pháp.”Giải thích: Người ta không thể lợi dụng hòa đàm để chuẩn bị một cuộc chiến đấu khác. Không thể để cho miền Bắc yên trong khi chiến tranh ở cả miền Nam.
– Những ngày 18/12, 19/12 Mỹ huy động 500 máy bay, và 100 B52 đánh miền Bắc. Giá 1 B52,3 triệu đô la. Giá F 111 còn đắt hơn 1 B52.
– Mỹ dùng 1 tỷ đô la để mua 20 vạn cán bộ ở sông Cửu Long (giết, hủ hóa…)
– Môt ngày Mỹ chi cho chiến tranh Việt Nam 36.633,64 đô la cho chiến tranh Việt Nam
– Ở ngoại thành Hà Nội hơn 100 xã, 90 xã bị đánh
Trên đường tới khu sơ tán. Không khí chiến tranh sôi động hẳn lên. Người đạp xe đạp nhoay nhoáy. Xe quân sự, loại xe to, cao kềnh càng, chở lính ngồi chật ở trên, lao về các trận địa Hà Nội. Những tên lửa để dọc đường bây giờ theo những chiếc xe chuyên dụng lao đi rất nhanh. Dễ có chiếc nào cán phải người rồi cũng thôi. Bây giờ, người ta đang phải vội.
Tôi nhớ tới Hà Nội tôi vừa ra đi, Hà Nội trong buổi sáng khi tôi trở dậy. Cảm thấy không khí chiến tranh trong buổi sáng nay rõ nhất là ở tiếng nổ của một kho đạn gần đấy. Tiếng nổ không to, nhưng cứ cầm canh đều đặn như một thứ nhắc nhở mọi người về một thực tế. Cái thực tế này, mọi người đã biết, nhưng vẫn là ghê sợ khi thấy nó cứ rung lên bần bật trước mặt.
20/12
     Qua đi 2 đêm liền, tiếng B52 ù ù trên trời như tiếng cối xay. Lại có thể quen chăng?
     Tình hình đại cục, bây giờ biết hỏi ở đâu? Có nhiều chuyện đúng là phải hỏi từ gốc, từ những người có khả năng phân tích những vấn đề lớn. Tôi không quen loại đó. Là một người bình thường, tôi chỉ tạm vẽ ra như thế này. Chúng ta đã nhìn nhận miền Nam như tình thế hồi kháng chiến. Chúng ta, vẫn dùng lối cũ. Đưa quân vào. Vận động quần chúng. Cho đến Mậu Thân là một bước ngoặt. Từ Mậu Thân tình hình đã khác. Chiến tranh hóa thành một cuộc viễn chinh miền Bắc vào miền Nam. Nói dân miền Nam theo nó không đúng. Nhưng họ mệt quá rồi, họ mặc kệ. Và nó đổ tiền của vào xây dựng. Một dấu hiệu thất bại của ta là Quảng Trị.
     Một nước nông nghiệp, không thể nuôi một đạo quân viễn chinh, dù là viễn chinh ở một phần đất nước của mình.
     Hòa đàm có thêm ý nghĩa. Hòa đàm lúc trước với hy vọng đòi để đỡ phải đánh mà vẫn được. “Anh biết điều anh nên chạy trước. Tôi đòi như thế này cơ”. Hòa đàm bây giờ, là mở cho mình một lối thoát. Thôi, việc trước mắt đã chịu, bây giờ tạm nhận lấy một con đường yên. Miễn là với điều kiện giữ lấy khả năng gây biến động tiếp, tìm cách đi đến mục đích về lâu về dài.
     Nhưng lại gặp phải một thằng địch quá quắt. Nó khôn ngoan, nó thừa biết ý định chiến lược của mình. Nó tìm mọi cách chẹn cái xu thế đó. Một nền hòa bình đầy cạm bẫy. Đúng là nó đã cảm thấy chuyện đó. Nó không chịu.
    Có phải trên thế giới hiện nay, phía cách mạng đã không thắng trong hòa bình, như đã không thắng trong quân sự?
     Người ta chưa chịu rút cho mình bài học kinh nghiệm.
    Thế là mặc cả cũng không xong. Nó lại đánh. Y như nó đang dồn mình vào cái cửa thương lượng theo ý của nó vậy. Tình thế chẳng còn tùy thuộc vào sức chiến đấu, và sự chịu đựng của mình.
    Một khả năng nhiều người đã tính tới: nó sẽ đánh ra, một cuộc nội chiến thật sự –  lúc ấy sẽ lôi thôi lắm!
    Nguyễn Khải sổ ra những điều chất chứa từ lâu:
    – Tôi chỉ sợ các ông nhà mình nghe báo cáo sai lạc thôi. Báo cáo cấp dưới xưa nay đều muốn vừa lòng cấp trên. Cấp trên cũng chỉ thích nghe những điều mình đã trù định. Thế là khéo thậm thụt, lại phải lo đánh một mùa khô nữa. Khốn nạn, chính là chiến tranh thì dễ, cứ bài bản cũ mà kéo, lấy công tác tư tưởng đẩy mọi người tiến lên thôi. Còn như hòa bình, các ông ấy phải đối mặt với địch, lại phải đối mặt với dân. Người ta sẽ hỏi những cố gắng trong chiến tranh mang lại cho người ta những cái gì? Thế thì biết trả lời sao.
      (Nguyễn Minh Châu hay nói rằng suy cho cùng, chiến tranh nó vẫn có cái đơn giản của nó. Hòa bình lúc nào nó cũng mang sẵn trong mình nhiều hiểm họa).
    – Vừa rồi, cứ tưởng là ràng buộc được nó. Xuống dưới Hải Hưng, ở huyện ở xã toàn nói chuyện kế hoạch chiến đấu chứ có nói chuyện gì đến hòa bình đâu. Nào là mình đánh nó trong kia. Nào là thế giới phản đối. Đi đâu cũng nghe phổ biến hòa đàm tốt lắm, nó chịu mình nhiều điểm cơ bản lắm. Thế mới chết.
    – Ngay cả trong đàm phán nữa. Đúng là anh nhà quê chơi với thằng tư sản. Nó có nói mát cho mấy câu cũng không biết. Tưởng là xỏ được nó, nào nó có cần gì? Lại nghe có chuyện mình đưa ra bao nhiêu điểm, khiến chính nó cũng rối. Nó có rối khối nó ấy. Mình cứ lấy mình mà suy ra nó. Khốn nạn, ngay mình lừa các ông ấy cũng dễ nữa là. Đáng tuổi bố mình mà mình vẫn lừa. Như lần nào gặp ông Song Hào, Hữu Mai chỉ xin đọc bản tin, cũng không được. Các ông ấy chỉ vặn lại các anh biết lắm làm gì, đã học hết đường lối chính trị của Đảng ta chưa? Đường lối chẳng phải sâu xa mà các anh đi mãi không hết hay sao? Thế là tôi cứ đấm ngực nói nào mình còn phải phấn đấu nhiều, nào mình hay ghen với những anh em trẻ mới được đào tạo. Cấp trên bằng lòng ngay. Lại còn sợ anh em bi quan nữa. Khốn khổ, toàn những thằng đập đầu không chết, cứ xoen xoét, xoen xoét, mà vẫn cứ tin.
     Hữu Mai:

     — Phen này thì các ông lên hang đá Hòa Bình rồi, có điện có nước đầy đủ chứ gì. Chỉ có dân đen là khổ.

21/12

 Lần đầu tiên Hà Nội bị uy hiếp mạnh như vậy.Ta giờ như cá nằm trên thớt. Con đường từ Từ Sơn về Yên Viên nát nhừ, xe đạp không đi được nữa. Vứt ngổn ngang ra đường là bánh mì, thịt lợn, và có khi cả thịt người — Nhiều người mất tích lắm.
      Cũng lần đầu tiên, đài phát thanh Hà Nội bắt rất khó. Nói như danh từ mới xuất hiện tức là hệ thống chính trị đã bị đánh phá.
      Một cụ già nói:
       — Đánh nhau lâu quá rồi. Khéo phải tìm người can. Bây giờ không có trung thần, ngự sử như cũ nữa.

22/12

  Tính lại những nơi bị bom đánh.
      – Đêm 18/12 Láng Hạ (đài phát thanh,  trạm thông tin) Yên Viên, Lương Yên. Ngoài Hà Nội thêm Vĩnh Phú, (sân bay) Kép.
      -Trưa 19/12 Bạch Mai, trường ĐH Bách Khoa…
      – Tối 19  Yên Viên
      – Tối 20 trận địa từ An Dương đến Phúc Xá
      – Trưa 21 ga Hàng Cỏ, ga Giáp Bát, đại sứ quán Cu ba gần đấy.
      – Tối 22 đánh lại Yên Viên, Gia Lâm. Đánh từ Vọng xuống Đuôi Cá.
      Không biết đánh những hôm nào (sau biết là trưa 21): Hỏng một phần nhà máy điện Yên Phụ. Tàu điện ngổn ngang không chạy được. Có thời gian mất nước.
        Xuân Sách: Nó đã nổi khùng lên rồi. Thế này tức là nó sẽ đánh đến cùng. Đánh thế cũng là hạ sách, cũng là mất nhân tâm. Nhưng đã thế, lại phải làm bằng được, làm cho xong đi.

      Những gì đã xảy ra với mỗi người dân ở cạnh những mục tiêu bị đánh, những mục tiêu quân sự — ai mà biết được. Đang đêm, bom ù ù trên đầu. Tường đổ, nhà sập, vợ chồng cha con chúi xuống hầm. Ngẩng lên, không còn là nhà mình nữa. Không còn hàng xóm. Ở An Dương người chết, không đủ quan tài, nhiều người phải  bó bằng ni lông.
 Những gì ở rất xa, chỉ khiến người ta sợ bóng sợ vía, thì nay đã đến – B52.
      Những gì người ta tưởng thiêng liêng nhất cũng đã bị đánh: ga Hàng Cỏ (ga Quốc tế)
      Còn có thể nghĩ gì nữa. Trong đêm báo động, tôi bảo nghe rất rợn. Một thứ sợ. Mai Ngữ bảo không sợ nhưng chỉ chán. Ông Vũ Cao thấy nó hơi áp-xoét, tức hơi phi lý và hơi ma quái. Có lẽ vậy. Mai Ngữ kể có con gà định ăn chờ hòa bình, bây giờ sơ tán, làm thịt luôn. Thịt cứ đắng ngắt.
      Đã gọi chiến tranh là không có bờ bến. Là một sự kỳ quái vô thường. Tại sao tôi vẫn mong có một cái gì đó giới hạn trong khi bây giờ là không giới hạn. Và mỗi lần, tôi lại thấy như lần đầu hiểu được chiến tranh!
        Có vẻ là như thế này: Hình như có những người không hiểu chiến tranh, dù là chính họ khơi mào ra – các nhà chính trị. Dễ có tình trạng quan liêu lắm! Báo Mỹ viết phải mang bom đạn lớn đến châu thổ sông Hồng để cho các lãnh tụ Hà Nội biết chiến tranh là như thế nào?
      Một người chữa xe: “Bây giờ các ông ấy mang con cái dân thường mình đi chọi với nó thì khác gì đưa Thạch Sanh đến đánh nhau với Mãng xà vương?”
       Rút cuộc, người ta lại bàn tới chuyện ấy, chuyện nguyên do dẫn tới cuộc chiến không dứt. Có phải vì mải chứng minh cho một lý thuyết, một chủ nghĩa? Có phải vì muốn làm nốt cái sự nghiệp vốn đã vẻ vang của mình?
         Luôn luôn là nhân danh nhân dân, nhân danh dân tộc.
         Biết là phải, nhưng có làm được không?
       Lúc chúng tôi đứng ở cái hầm sau nhà tạp chí — loại hầm còn là khá so với hầm của gia đình nhà dân bình thường, tôi nhớ tới những cái hầm xây mất hàng ngàn, hàng vạn bạc. Ông Mạn bảo hầm thế thì đánh đến già.
        Như lúc chúng tôi đi xe đạp đạp trên đường, tôi nhìn những chiếc ô tô Volga nối đuôi…
      Nhưng mà đó còn là bề nổi là tiểu tiết dễ thấy. Còn sâu xa vì tư tưởng vì chủ nghĩa ư?  Có chuyện ấy không? Tôi nhớ một ý nói về ông Mác. Ông ta đã nhân danh sự sung sướng, lẽ phải, mà gây ra nhiều cuộc chém giết nhất trong lịch sử. Đúng thế chăng? Ở Hà Nội, nhiều người chúng tôi còn nghĩ đến Sài Gòn. Nhớ cảnh thất tán của những gia đình ở Quảng Trị. Chiến tranh tưởng ngày một ngày hai thuyên giảm lại năng thêm ra. Bên nào cũng muốn chứng minh cho ý chí của mình. Không phải một mà nhiều lần tôi nghe những lời than thở như vậy.
     Phiêu lưu? Không hơn thế nữa. Vô nhân đạo. Người ta đang có lý thuyết về 3 nền văn minh. Nền văn minh Âu Lạc (trống đồng Đông Sơn?) Nền văn minh Đại Việt (đánh thắng Nam Hán, Tống, và đánh quân Nguyên). Và bây giờ là nền văn minh thứ ba. Chao ôi ảo tưởng!
24/12
    Từ nơi sơ tán Hương Ngải, chúng tôi về  Hà Nội.
    Còn nhớ cái tối 17, đi xem văn công Tổng Cục về, tôi  tha thẩn mãi ngoài đường. Tôi đi trong đêm sương tháng chạp. Tôi đi trong phố xá sạch sẽ. Tôi đi trong một không khí tết đến nao lòng.
    Tối sau nó đánh.
    Hôm nay, 24, một tuần đã qua, một tuần chiến tranh khủng khiếp nhất của Hà Nội và những người Hà Nội.
    Những ngày này, ao ước về một cái tết đến gần, một vụ tết nhất làm ăn sau một mùa dài vất vả. Nhưng sao những ngày này lại chính là ngày của chiến tranh. Một sự vỡ mộng đến cay đắng.
    Nói với Xuân Quỳnh: Người ta bảo rằng trẻ con mới yêu tết, mới yêu đời. Còn người lớn, không yêu được như thế nữa, người lớn hay buồn. Nhưng đâu phải vậy. Một người lớn như tôi chẳng yêu đời kém hơn một đứa trẻ. Buồn hơn cũng là vì yêu đời hơn. Càng hiểu hơn, càng cay đắng với nó hơn, cũng là vì càng yêu nó hơn mới đúng.
    Có một cái gì đó, trong những ngày này, làm cho tôi yêu Hà Nội hơn bao giờ hết.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-12-22