TP HCM – Căn penthouse 340 m2 được thiết kế theo phong cách nhiệt đới, lấy cảm hứng từ một hòn đảo thanh bình, ngợp sắc xanh và không khí trong lành.
Căn penthouse nằm ở thành phố Thủ Đức là nơi ở của gia đình hai thế hệ, có tầm nhìn rộng, hướng thẳng ra sông Sài Gòn. Tuy nhiên, căn hộ có nhược điểm mặt tiền hướng chính Tây, với độ chói nắng cao.
Để khắc phục, kiến trúc sư đã tạo ra hai lớp không gian theo chiều ngang với mục đích biến căn hộ thành khu rừng nhiệt đới để giảm độ chói của nắng và tạo sự xanh mát. Công trình được giảm nhiệt và giảm chói bằng lớp cây xanh ở ban công và lớp rèm phía trong.
Căn hộ được thiết kế theo phong cách nhiệt đới, con người và thiên nhiên cùng chia sẻ một không gian thở. Ở phong cách này, màu sắc và họa tiết nội thất lấy cảm hứng từ một hòn đảo thanh bình, ngợp sắc xanh và không khí trong lành.
Những loại cây được lựa chọn trồng đều có khả năng sống tốt trong bóng râm như cau Ruby, cọ, các loại cây họ lá trầu lớn…
Phong cách nhiệt đới thường sử dụng cây cọ hay họa tiết của lá cọ để tạo phong cách nội thất. Trong nhà sử dụng nhiều cây cọ cỡ lớn nhằm biến căn hộ thành một khu rừng nhiệt đới trên cao.
Gia chủ sử dụng dịch vụ chăm sóc đổi cây 6 tháng một lần nên không lo về sự phát triển của cây khi sống trong nhà.
Phía mặt tiền, các khung cửa kính kéo dài từ sàn đến trần cho phép ánh sáng tự nhiên tràn vào không gian nội thất, khiến người sống bên trong như được bao bọc bởi thiên nhiên xanh mát bên ngoài. Dù sống trên cao nhưng gia chủ có cảm giác “chạm đất” khi thiên nhiên luôn kề cận bên mình.
Để lọc ánh sáng và làm giảm bức xạ nhiệt mặt trời từ hướng Tây, kiến trúc sư đã sử dụng hệ rèm gỗ cho khu vực sinh hoạt chung như phòng khách và bếp. Ưu điểm của loại rèm này là không chắn tầm nhìn, điều tiết ánh sáng theo mong muốn.
Việc kết nối với không gian bên ngoài là đặc trưng không thể thiếu trong phong cách nhiệt đới. Các phòng đều có hệ cửa trượt bằng kính lớn, đảm bảo thông gió tốt đồng thời đón nhận toàn bộ ánh sáng từ bên ngoài.
Ngoài ánh sáng tự nhiên, bên trong cũng được bố trí hệ thống đèn làm từ vật liệu thân thiện với môi trường như mây, tre… Màu sắc và cường độ ánh đèn cũng tạo nên không khí ấm áp của phong cách nhiệt đới.
Với dự án này, kiến trúc sư hy vọng có thể giải nhiệt không gian, giúp cải thiện vi khí hậu khi sống trong một thành phố ồn ào, đông đúc, đồng thời hình thành mối liên kết bền chặt giữa con người với thiên nhiên.
Để thúc đẩy sự tương tác giữa con người và thiên nhiên, những vật liệu thân thiện với môi trường như bê tông, đá mài… và vật liệu thủ công như mây, tre… đã được sử dụng làm nội thất.
Mây được sử dụng tại nhiều vị trí bởi căn hộ có địa thế khô ráo, không ẩm, không mối mọt. Hơn nữa, vật liệu này thân thiện với môi trường, dễ dàng tạo hình bởi sự dẻo dai.
Ngoài sử dụng màu sơn tường là màu mưa (màu kem pha xám, nâu), kiến trúc sư còn tạo độ xước không đều trên bề mặt tường để tạo cảm giác giống những cơn mưa trong rừng nhiệt đới.
Ở phòng ngủ master, rèm vải cách nhiệt hai lớp được sử dụng để điều tiết ánh sáng. Điểm nhấn ở không gian này chính là phòng tắm lộ thiên, ngăn cách với giường ngủ bằng một vài tấm gỗ sồi tái chế.
Theo kiến trúc sư, cách bố trí này giúp căn phòng rộng hơn. Chủ nhân không cần lo lắng về vấn đề riêng tư, bởi chỉ có họ mới sử dụng phòng tắm này. Sau một ngày mệt mỏi, nằm trong bồn tắm không bị giới hạn bởi bốn bức tường giúp gia chủ thư thái, tâm hồn hòa hợp với thiên nhiên.
Bồn tắm cũng hướng tầm nhìn ra ban công, nơi có nhiều cây cỏ hoa lá. Bục đứng tắm được nâng độ cao so với mặt sàn, có khe thoát, đảm bảo không bắn nước ra xung quanh.
Nguồn nước không quá mạnh đủ để gia chủ vừa tắm vừa ngắm cảnh vật bên ngoài. Không gian này giống như ở một resort cao cấp.
Gỗ sử dụng trong nhà hoàn toàn là gỗ sồi nhập khẩu, có kết cấu chắc chắn, chịu được lực tác động lớn từ ngoại cảnh. Loại gỗ này thân thiện với môi trường, không lo độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe.
Giường ngủ của những đứa trẻ được thiết kế giống như một hang động, nơi chúng có thể chui rúc, trốn tìm, leo trèo… như ngôi nhà của riêng mình.
Do vướng dịch Covid-19 nên công trình hoàn thiện sau 9 tháng.
Trang Vy/Thiết kế&thi công: QBI Corp / KTS chủ trì: Trần Lê Quốc Bình Ảnh: Đỗ Sỹ / Vietnam Express
Ông là nhà văn, nhà báo Argentina đến từ Resistencia tỉnh Chaco. Trong thời kỳ độc tài của chế độ Pi nô chê (1976 – 1983), ông sống lưu vong ở Mexico đến năm 1985 ông mới hồi hương. Truyện ngắn này được dịch từ ngôn ngữ Bồ Đào Nha sang Anh ngữ bởi Dario Bard, xuất bản năm 2005. Ngoài truyện ngắn ông còn viết một số tiểu luận trên các cột báo và các tiểu thuyết đã đoạt giải
Bạn tôi – Luis Delgado – người giống như tôi – luôn mong muốn mình chết đúng lúc. Và giờ đây anh đang đợi tôi giết anh ấy. Chiều nào anh ấy cũng năn nỉ tôi làm giúp việc đó. Anh cầu xin tôi qua ánh mắt của mình. Bạn tôi muốn chết, anh ấy rất cần chết. Anh bị liệt tứ chi đã ngồi xe lăn suốt 3 năm qua. Tôi là người chứng kiến sự suy sụp về thể chất và chứng trầm cảm ngày càng trầm trọng của anh ấy.
Anh là người có tình yêu với xe lửa một cách đặc biệt. Anh yêu những đường ray, âm thanh tàu chạy, tiếng còi khi tàu vào ga, những cuộc đưa tiễn gặp gỡ của người thân… Anh là một thanh niên cường tráng, loại đàn ông mà người ta hay so sánh với những loại cây cứng cáp như cây Sồi, cây Mẻ rìu (chặt mẻ cả rìu). Bỗng do một sơ xuất không may anh bị ngã, bị va chạm mạnh, bị tai nạn… trở thành một “đống đổ nát” vô dụng thật thảm hại? Trong tình cảnh đó người ta chỉ muốn kết thúc cuộc đời, không muốn đau đớn kéo dài thêm nữa.
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú
Thật không thỏa đáng và không công bằng. Lẽ ra người đáng chết trước phải là tôi – vì tôi là người ốm yếu, bệnh tật. Thế mà giờ đây tôi lại là người đẩy anh đi khắp xóm làng. Anh ngồi trên xe lăn tàn tạ, nét mặt ngây ngô, vô cảm như một con búp bê méo mó liệt lò xo không kêu khóc được. Thật mỉa mai và đau buồn khi anh quay lại nhìn tôi với ánh mắt vô cảm mà chỉ tôi mới có thể hiểu được nó chất chứa sâu bên trong là sự nhịn nhục, cam chịu, lòng biết ơn, cay đắng, chua xót và cả sự thèm muốn, gen tỵ…
Buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, tôi đến chỗ anh đẩy anh vào thang máy rồi đưa anh ra lối đi bộ của các tòa nhà xung quanh đi đến sân ga tàu hỏa Coghlan. Đầu tiên là anh quan sát bên phải rồi bên trái nhà ga, say sưa nhìn các đoàn tàu vào ra ga, ngắm những khuôn mặt vui tươi, sầu não, nghiêm trang… nơi tập trung của hành khách chờ lên xuống tàu. Chúng tôi chọn một chiếc ghế băng dài ở cuối sân ga phía Seavedra để ngồi. Tôi yên lặng đọc báo. Thỉnh thoảng tôi kéo tấm chăn trùm lên chân anh để anh biết là tôi vẫn luôn chú ý đến anh.
Vào 9h18, tôi rời nhà ga hướng đến Retiro đưa anh về nhà rồi quay lại nhà ga để 9h 57 phút có mặt tại văn phòng làm việc. Đó là thói quen chúng tôi đã thực hiện 3 năm qua. Vào ngày cuối tuần anh ấy ở với em gái đến từ Carhue, còn tôi đi câu lạc bộ chèo thuyền đến chiều chủ nhật muộn mới về nhà mình.
*
Một ngày nọ tôi thấy anh đặc biệt buồn. Anh nhìn xuống đường ray với một cảm xúc mãnh liệt lạ thường khi tàu vào ga. Tôi biết rõ trong đầu anh đang nghĩ gì nên hỏi: “Anh có muốn tôi đẩy xe rời khỏi thềm sân ga xuống đường ray tàu đang chạy không?”. Tôi thấy lông mày anh nhướng lên, khóe môi cũng nhếch lên và qua ánh mắt dữ dội đã xác nhận là anh đang muốn tôi giúp anh ấy chết nhưng tôi không thể?
Chúng tôi thường tranh luận với nhau và với bạn bè về vấn đề sẽ là một hành động đẹp đẽ và nghĩa cử nhân ái nhất là giúp Luis kết thúc cuộc đời anh ấy. Tôi tin vào quyền của chúng tôi được làm những gì về cơ thể của mình và quyết định khi nào mình muốn chết. Nếu cần sự giúp đỡ của người khác thì người đó cũng không bị ràng buộc, bị pháp luật quy cho tội lỗi, sai trái phải chịu trách nhiệm hình sự?
Tất nhiên người nhiệt tình hăng hái nhất là Luis Delgado. Chúng tôi nói việc đó trong sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi đã thân thiết với nhau hơn 20 năm qua, hiểu biết về công việc, cuộc sống và tâm tư, suy nghĩ của nhau. Bất thành văn nhưng cả hai đều hiểu rằng nó như một hiệp ước, một thỏa thuận ngầm là bất kỳ ai trong hai người bị bệnh tật nan y, bị tàn phế thì người kia sẽ đẩy bạn mình từ ban công xuống đất hoặc vào bánh xe buýt hay tàu hỏa… tức là phải có hành động cần thiết, hợp lý để chấm dứt sự đau khổ của người kia mà không một chút lưỡng lự. Chúng tôi coi sự phục vụ giúp đỡ nhau vào những lúc ấy là sự nhân ái cao cả chứ không phải coi người này là đao phủ của người kia.
Từ ngày này sang ngày khác tôi quan sát, theo dõi thấy sự thay đổi trong cách nhìn và ánh sáng trong con mắt anh ấy trên đà suy sụp thể chất và tinh thần. Tôi hỏi anh muốn nói điều gì không? Cầu xin anh chỉ cần một chớp mắt, một cái nhướng mày hay cử động ngón tay để cho biết có hoặc không để tôi đi đến quyết định giết anh ấy. Nhưng anh ấy không có bất cứ cử động nào? Làm sao bạn biết anh ấy muốn gì. Bạn luôn phải đoán và có thể mắc sai lầm. Nhưng tới hôm qua thì tôi biết rõ anh ấy muốn nói với tôi điều gì. Tôi biết nó là cái gì.
Như trên đã nói chúng tôi có một “hiệp định” với nhau nhưng khi thực hiện lại không thể và khó khăn thay? Không phải tôi không muốn giúp Luis vì tôi biết làm được việc đó sẽ là trút đi gánh nặng, là cách giải thoát nhẹ nhõm cho anh ấy cũng như tất cả những người thân và chúng ta – những người đang giúp đỡ chi tiền cho anh ấy mà đã đến lúc không còn khả năng chi tiếp – ngay cả với tôi nữa. Đã 3 năm nay tôi dành hơn 1 giờ mỗi sáng đẩy xe đưa bạn mình đi dạo. Nhưng điều đó ảnh hưởng, tác động và có hiệu ứng tới cuộc sống của tôi ghê gớm biết chừng nào? Tôi yêu quý Luis. Tôi yêu anh ấy đã 20 năm. Tôi không thể? Tôi phải làm việc đó để giúp Luis? Nhưng tôi không thể…
Đôi khi tôi tuyệt vọng. Đêm trước đó một tuần và đêm qua tôi mơ lại giấc mơ kinh hoàng. Tôi mơ tôi đã lên kế hoạch, tính toán một cách chi tiết thật khoa học, hợp lý, hoàn hảo để làm việc đó. Đó là một giả thuyết khi tôi đẩy xe lăn chở Luis đi dọc sân ga. Một tay tôi đẩy xe còn tay kia cầm tờ báo khổ rộng để vừa đi vừa đọc. Đúng lúc tàu vào đường ray phía dưới chúng tôi, tôi vô tình rời tay đẩy xe để giở sang trang báo khác – vì khổ báo quá rộng nên phải dùng tay kia mới có thể giở trang được. Thế là chiếc xe đẩy cùng Luis rớt xuống đường ray có con tàu đến từ Retiro đang vào ga lúc 8h47.
Tôi hét lên thất thanh, mọi người xung quanh quát lên dữ dội nhằm báo cho lái tàu nhưng đã quá muộn. Tôi bấn loạn, cuồng điên xỉ vả tội lỗi của mình thể hiện nỗi đau tột độ. Trạm trưởng nhà ga an ủi, động viên tôi và Cảnh sát được gọi đến. Phần còn lại chỉ liên quan đến những thủ tục giấy tờ giải quyết vụ việc. Không có bất kỳ ai nghi ngờ hành động cố ý giết người của tôi. Mọi người ở khu phố và khu vực nhà ga đã chứng kiến đôi bạn thân sáng nào cũng cùng nhau đến ga đã 3 năm nay. Anh ấy là người bạn thân nhất, yêu quý nhất của tôi. Tôi không có hứng thú gì ngoài việc đẩy xe cho anh ấy đi dạo cả đời… Sẽ không ai nghi ngờ hành động giết người của tôi.
Nhưng tôi không thể làm như vậy vì cảm giác tội lỗi. Không phải tội lỗi khi làm điều đó mà là cảm giác tội lỗi đã có trước đó khi tôi tưởng tượng ra “tai nạn” và thấy nó diễn ra như một bộ phim kinh dị khủng khiếp đâm sâu vào trái tim tôi và lắng trong tâm trí tôi suốt cuộc đời mình…
Nhưng mỗi chúng ta đều có giới hạn của mình. Vào thời điểm này tôi không thể chịu đựng được thêm nữa. Đó là lý do tại sao tôi quyết định tìm đến nói chuyện với Claudio. Anh ấy là người bạn đáng tin cậy nhất của tôi hiện đang là một linh mục sống ở Oregon Hoa Kỳ. Khi còn thuở học sinh ở Don Bosco chúng tôi đã thề rằng dù ở đâu xa xôi đến mấy chúng tôi vẫn giữ liên lạc và là bạn của nhau suốt đời. Anh ấy còn là cha đỡ đầu đứa con trai đầu lòng của vợ chồng tôi. Những khi gặp những điều khó khăn, bế tắc tôi đều hỏi ý kiến của anh ấy. Ngoài ra lần cuối ở Buenos Aires anh ấy đã gặp Luis và biết rõ về anh ấy. Tôi không theo đạo nữa, không coi mình là một người Cơ đốc giáo. Có lẽ tôi là người theo thuyết “Bất khả tri”, một người vô thần không tin vào sức mạnh, phép thuật của những nhân vật siêu nhiên. Song dù tôi là gì đi chăng nữa không quan trọng. Điều quan trọng là tôi cảm thấy tội lỗi như thể tôi là một tín đồ Do thái? Tôi đã xin được visa và mua vé máy bay đi Mỹ. Chuyến bay của tôi khởi hành tối nay. Chuyến bay mất 12 giờ và tôi sẽ có mặt ở sân bay quốc tế Ezeiza trước 7h30 sáng ngày mai.
Như thường lệ mỗi buổi sáng tôi cạo râu trước khi đến gặp Luis. Tôi băn khoăn tự hỏi liệu mình có giúp Luis chết đúng như mong muốn không? Nếu đủ can đảm và dũng khí đẩy anh ấy vào đường ray xe lửa, giúp anh ấy chết trong một tai nạn do tôi tạo ra, thì tôi sẽ nói với anh ấy rằng tôi coi đó là một hành động, nghĩa cử hào phóng dành cho người bạn mình yêu quý nhất.
Từ khi máy bay cất cánh trong hành trình dài trước khi chúng tôi đến Potdland điều duy nhất tôi cảm thấy, điều đáng ghét, đáng nguyền rủa nhất ngự trị trong tôi mênh mông vô tận và sâu thẳm như đại dương phía dưới cánh bay chính là tôi đã giết bạn thân của mình. Tôi không biết liệu Claudio có chấp thuận, đồng ý cho tôi được xá tội, tha thứ hay không?
Đinh Đức Cần (dịch) / Mempo Giardinelli (Argentina)
Trong sân các ngôi đình cổ ở miền Tây có những gốc cây cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, gắn với câu chuyện vô cùng đặc biệt.
Cây bàng đá trăm tuổi
Tại đình thần Phụng Tường ở xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, hiện có cây bàng đá khổng lồ đã vài trăm tuổi.
Cũng giống như các đình làng khác ở miền Tây, đình thần Phụng Tường là chỗ dựa tâm linh của các bậc tiền nhân trong buổi đầu đi khai làng, lập xóm. Điều đặc biệt ở đình thần Phụng Tường là có hai cây bàng đá khổng lồ trước sân. Người dân gọi là “cây bàng ông” và “cây bàng bà”.
Đình thần Phụng Tường ở Sóc Trăng.
Tiếc là “cây bàng ông” đã chết khô nhiều năm trước. Hiện trong sân đình chỉ còn cây bàng bà “mồ côi bạn”.
Bà Dương Thị Xê (80 tuổi, người trông coi đình thần Phụng Tường) kể, từ nhỏ bà đã thấy trong sân đình có hai cây bàng đá khổng lồ.
“Hồi khoảng 10 tuổi, tôi đã thấy hai cây bàng rất lớn trong đình thần Phụng Tường này rồi. Theo ước tính hai cây bàng này trên 400 năm tuổi. Hai cây bàng trong sân đình Phụng Tường gắn liền với ký ức, tuổi thơ của bao nhiêu người tại đây. Ngoài ra, hai cây bàng đá là điểm định vị của người dân trong làng.
Ngày xưa, nhiều người đi từ Trà Vinh sang thì cứ nhìn hai cây bàng đá mà định vị hướng để chèo xuồng về”, bà Xê nói và cho biết, nơi đây cũng là điểm hẹn giao liên của những chiến sĩ cách mạng thời chiến tranh.
Bà Dương Thị Xê cho biết, lúc nhỏ bà đã thấy hai cây bàng đá khổng lồ trong đình thần.
“Cây bàng đá bà” có chu vi hơn 10m, riêng phần gốc khoảng 30m, cao hơn 40m.
“Hằng năm, ban quản lý đình thuê người trèo lên cắt cây tầm gửi bám trên thân cây bàng. Tháng 3 Âm lịch, mọi người ở khắp nơi đổ về đình thần Phụng Tường để dâng hương và chiêm ngưỡng cây bàng đá”, bà Xê nói.
“Cây bàng đá bà” từ 400 – 500 năm tuổi.Cây cao khoảng 40m…Phần gốc của “cây bàng đá bà” nhiều người ôm không xuể.Cây bàng đá trong đình thần Phụng Tường gắn với ký ức nhiều người.
“Cây bàng đá ông” sau khi chết khô đã được ông Mai Kiên, ở TP Sóc Trăng đến mua với giá 35 triệu đồng.
Ông Mai Kiên kể, hồi năm 2014, ông có dịp đi ngang qua đình thần Phụng Tường thì thấy hai cây bàng đá rất lớn, trong đó một cây đã chết khô nên ghé lại xem. Hỏi thăm người phụ trách đình, ông Kiên mới biết hai cây bàng đá này có từ mấy trăm năm trước nhưng một cây bị chết. Do cây quá lớn nên ban quản lý đình thần thuê người dân đến đốn.
Ông Mai Kiên bên gốc “cây bàng đá ông”
Theo lời người dân kể, có 1 nhóm người ở địa phương khác nhận lời đốn cây, nhưng mới hạ được một số nhánh cây thì họ bỏ ngang, không đốn nữa mà không nói lý do. Có người nói, sau khi hạ một số nhánh cây xuống, đêm tối nhóm người đó ngủ mơ thấy chuyện lạ nên bỏ đi luôn!? Từ đó, không ai nhận đốn cây nữa. Cứ thế, cây khô dần, nhiều phần bị mục.
Với cặp mắt làm nghề gỗ hàng chục năm, ông Mai Kiên nhận thấy cây bàng đá rất đẹp, hấp dẫn nên hỏi mua. Ban đầu, ông ra giá 30 triệu đồng, nhưng phía người phụ trách đình không đồng ý bán. Sau đó, ông mua được gốc bàng đá với giá 35 triệu đồng. Để đưa trọn vẹn gốc bàng lên, ông Kiên thuê hơn 10 công nhân đào sâu xuống đất, bứng hết rễ cây rồi thuê xe cần cẩu hạng nặng chuyển về TP Sóc Trăng.
Gốc “cây bàng đá ông” được ông Mai Kiên bảo quản trong kho ở TP Sóc Trăng.
“Các công nhân phải đào ròng rã 1 tháng trời mới bứng gốc cây lên được. Do gốc cây quá lớn, tôi thuê phần đất của dân có chiều ngang 15m để làm đường cho xe cẩu vào và bồi thường các cây xanh bị ảnh hưởng hư hại.
Ngoài ra, trên đường về tới TP. Sóc Trăng, tôi phải xin Sở GTVT cho xe chạy với vận tốc không khác gì đi bộ”, ông Kiên nói và cho biết, gốc bàng nặng khoảng 50 tấn.
Ngôi đình được 2 cây bồ đề buông rễ ôm chặt
Nhiều người nói rằng, khi về xứ Gò Công, Tiền Giang nhớ ghé thăm đình Tân Đông, còn gọi là đình Gò Táo, ở huyện Gò Công Đông. Đình Tân Đông được biết đến là ngôi đình “độc nhất vô nhị” Việt Nam vì được 2 cây bồ đề buông rễ ôm trọn.
Hai cây bồ đề buông rễ ôm trọn đình Tân Đông ở Tiền Giang.
Đình Tân Đông có 5 vòm cửa cổ kính, được rễ 2 cây bồ đề quấn lấy tạo thành những bức phù điêu sống động.
Theo các bậc cao niên, đình Tân Đông có từ thời vua Minh Mạng, kiến trúc hoa văn và họa tiết khắc nổi trên đình mang đặc trưng của kiến trúc đình thời Nguyễn. Thời kháng chiến chống Pháp, đình Tân Đông là nơi hội họp của các chiến sĩ cách mạng để bàn bạc kế sách đánh giặc. Đến giai đoạn đánh Mỹ, đình Tân Đông bị biến thành nơi giam giữ, trấn áp các gia đình có con em tham gia cách mạng…
Những chùm rễ cây bồ đề “ôm” chặt lấy những cột, khe tường như cánh tay khổng lồ với hàng trăm ngón ôm ấp, bảo vệ đình Tân Đông.Bên cửa hông đình, một gốc bồ đề đồ sộ mọc lên, đâm xuyên qua mái.
Đình Tân Đông có 4 lệ cúng trong năm, gồm: hội kỳ yên, thượng điền, hạ điền và lễ cầu bông. Ngày 9/12/2010, UBND tỉnh Tiền Giang trao Bằng Công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh cho đình Tân Đông.
Anh Võ Minh Thành (ngụ Tiền Giang) cho biết: “Đình Tân Đông là nơi tham quan của nhiều du khách khi đến xứ Gò Công. Ngôi đình này độc đáo vì có hai cây bồ đề với chi chít rễ bám vào bức tường phía chính điện”.
Anh Võ Minh Thành tham quan đình Tân Đông. Bên trong đình Tân Đông
Do đình Tân Đông xuống cấp trầm trọng, năm 2020, Sở VH-TT&DL Tiền Giang quyết định trùng tu, tôn tạo ngôi đình độc đáo này với kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng.
Đình Tân Đông là không gian sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân Tiền Giang.
Chụp lại hình ảnh,Hoạt động mừng Giáng Sinh 2022 của Lãnh sự quán Anh ở TP HCM – hình minh họa
Một thống kê mới công bố cho thấy tại xứ Anh và xứ Wales số người gốc Á tăng lên 5,5 triệu, bằng 9,5% nhân khẩu chung, tăng lên nhiều so với 2011.
Như thế, gần 10% dân số Anh và Wales là người như tôi, có gốc Á, gồm cả Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á. Chúng tôi đứng thứ nhì, chỉ sau nhóm Anh bản địa (British), trên nhóm gốc châu Phi (da đen), và nhiều đơn đáng kể nhóm gốc Âu (da trắng) hiện ở Anh.
Đây là dấu hiệu bất chấp Brexit năm 2016, số người đã và đang đến Anh bằng đường hợp pháp vẫn cao, như một xu thế toàn cầu.
Canada, nước di dân truyền thống, thì đã công bố chương trình đón hàng triệu người nhập cư.
Chính sách nhận di dân bằng thang điểm của Úc, Canada đã được Anh thảo luận từ 2018 để nới lỏng quy chế cấp thị thực nhằm thu hút sinh viên nước ngoài (xem lại bài cũ)
Tuần đầu tháng 12 tin từ Đức nói Quốc hội nước này sẽ thảo luận về luật nới lỏng cơ chế công nhận quốc tịch cho hàng triệu người đã sống ở Đức hợp pháp nhiều năm.
Một thống kê, theo đài Deutsche Welle đăng tải hôm 27/11 nói cả nước Đức có trên 11 triệu người sống ở đó, đi làm, đóng thuế hoặc đã nghỉ hưu mà chưa có tấm hộ chiếu (Pass) đầy quyền lực có hình con đại bàng Đức.
Cho họ nhập tịch dễ dàng hơn trước chỉ giúp họ hội nhập tốt hơn, và quyền công dân, gồm bầu cử, ứng cử sẽ tốt hơn.
Đài báo Đức chỉ ra rằng dù đã cải thiện nhiều, luật quốc tịch Đức vẫn thuộc hàng “hà khắc” nhất châu Âu, kém xa Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan.
Thời hạn xin nhập tịch Đức là 8 năm sinh sống liên tục, hợp pháp (có người phải 10 năm), rất “thiếu thiện chí với di dân”, ngang Áo, Estonia, Lithuania.
Đức bị cho là kém cả Thổ Nhĩ Kỳ, nước cho ngoại kiều xin hộ chiếu chỉ sau 5 năm sống hợp pháp. Luật Đức cũng ngăn cản người ta có song tịch, điều khá phổ biến ở nhiều nước văn minh khác.
Cùng lúc Đức đang cần lao động vì dân số già đi, và chương trình thu hút nhân công có tay nghề hóa ra thất bại, chỉ “vợt được” có 60 nghìn từ mấy năm qua.
Chính phủ liên bang bị yêu cầu hợp thức hóa ngay quyền công dân của hàng triệu người đã ở Đức. Các công ty Đức ngày càng nhận ra rằng chính sách bắt các nhân tài nước ngoài nhập cư phải học và nói tiếng Đức là bất cập và khuyến nghị dùng tiếng Anh cho cả việc tuyển người và dùng trong công ty ở Đức.
Nước Đức tưởng mình khôn mà hóa ra chậm và nay cần thay đổi cách nghĩ triệt để.
Tuy thế, nhiều nước khác còn lạc hậu hơn thì nên tham khảo chương trình thu hút tay nghề nước ngoài của Đức (tiếng Anh): Skilled workers welcome.
Di dân là xu thế thời đại
Dù bị cánh hữu phê phán, việc tạo điều kiện cho người nhập cư có giấy tờ để làm việc, đóng thuế và ổn định sinh hoạt đã trở thành một xu thế chung.
Ở Anh, mới nhất đây, ông Nigel Farage, cựu lãnh đạo đảng thiên hữu Ukip, than phiền rằng “dân da trắng ở London trở thành thiểu số”.
Cách nhìn phân biệt chủng tộc này vừa sai -đài BBC có bài nói cách ông Farage suy diễn là không đúng, dân da trắng ở London vẫn chiếm quá bán: 53,8% – vừa thể hiện nỗi lo sợ sắc tộc, hàm ý dân Anh và gốc Âu bị “da màu lấn át”.
Thứ nhất da màu gì cũng tốt, cũng đẹp, theo cách nhìn của tôi.
Nước Anh còn có người muốn đến chứng tỏ còn là xứ “đất lành chim đậu”, cần lấy đó là niềm tự hào.
Thứ nhì, thiết nghĩ bản sắc Anh cũng thay đổi qua nhiều thế kỷ chứ không phải bất biến, vì lịch sử nhân loại là như vậy. Các bạn hẳn biết công trình Stonehenge nổi tiếng trên 5.500 năm tuổi ở Wiltshire, một di sản thời kỳ đồ đá có một không hai ở đảo Anh, được xây dựng qua nhiều giai đoạn. Trong quá trình đó, một nhóm “tác giả” là cư dân đến từ vùng nay là Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ.
Văn minh Viking cũng đã có mặt ở Anh, rồi văn minh Ki Tô giáo đến từ Trung Đông và năm 1066 thì lãnh chúa Norman French (người Pháp gốc Bắc Âu ở vùng Normandy) sang chiếm đảo Anh, lập ra vương triều phong kiến đầu tiên…kéo đến tận bây giờ.
Chế độ nô lệ đem người gốc Phi, Caribê vào Anh, hai cuộc thế chiến đã đem người Do Thái, Âu, Ấn tới. Người dân khối Thịnh vượng chung (Hong Kong cũ, Malaysia, Singapore…), thuyền nhân Việt Nam đến sau đã góp mặt và dòng máu vào cấu trúc dân số đảo Anh…Gần đây là di dân từ EU, và sau Brexit số người tới vẫn đều, khiến xã hội này sẽ còn thay đổi.
Thậm chí người ta đã nói tới một giống người mới, đa dòng máu, một thứ fusion về chủng tộc trong tương lai xa – xem bài của Lucy Jones trên trang BBC Earth: Evolution
Chụp lại hình ảnh,Một gia đình người Mỹ thăm Tràng An, Việt Nam đầu năm 2022. Việt Nam đã là điểm đến yêu thích của nhiều công dân quốc tế nhưng chưa phải là nước nhận di dân
Việt Nam có muốn trở thành nước di dân?
Nhân đây, tôi thấy cần phải suy nghĩ về Việt Nam, nước chính thức không phải là quốc gia di dân, và gần như không thấy nhận người tỵ nạn.
Nhưng câu hỏi là Việt Nam có phải là điểm đến yêu thích của người nước ngoài?
Các số liệu chính thức nói là có. Theo Bộ Công an chỉ một tháng năm 2022, có 482.369 lượt người nước ngoài đến Việt Nam; 414.468 lượt người Việt Nam ra nước ngoài (15/07-14/08/2022).
Đó là con số xuất nhập cảnh chung về lượt người đến và đi, về quốc tịch của họ, chưa cho chúng ta thấy họ đến thì làm gì, có muốn ở lại lâu không.
Các trang nước ngoài như Insider nói Việt Nam là điểm đến yêu thích để dân expats (ngoại kiều) chọn làm việc, sinh sống.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, không ít bạn nước ngoài xác nhận với tình hình Covid và kiểm soát dịch quá hà khắc ở Trung Quốc ba năm qua, họ chọn chuyển sang Việt Nam. Các đại công ty Đông Á, Âu, Mỹ, Úc đã chính thức chọn Viêt Nam là lựa chọn thay thế (alternative) cho việc đặt điểm kinh doanh. Chuyện này không phải là mới. Từ nhiều năm qua, cư dân các đô thị Việt Nam có thêm các cộng đồng Hàn, Nhật, Singapore, Đài Loan, và Âu Mỹ. Sự hiện diện của họ ở mọi nơi mọi chỗ không làm ai ngạc nhiên.
Theo quan sát riêng và cảm nhất từ bạn bè thì tôi thấy đa số người Việt Nam thân thiện với người nước ngoài, hai bên không có xung khắc tôn giáo, màu da gì nghiêm trọng.
Thế nhưng, người nước ngoài nhìn chung vẫn sống riêng, hoặc tách biệt với xã hội VN. Họ vẫn là khách, chỉ có trách nhiệm mà không có quyền lợi gì và ý kiến của họ ít khi được để ý đến ở thảo luận chung của người Việt.
Đặc biệt, bộ máy công quyền ở Việt Nam vẫn là khu vực không có ai là người gốc ngoại kiều.
Ở Anh, Pháp, Đức, Mỹ bạn vào công sở, bưu điện, đồn cảnh sát, qua cửa khẩu sân bay sẽ không chỉ gặp người bản địa. Các gương mặt gốc Á, Bắc Phi, Nam Mỹ, các giọng nói khác nhau của người di dân da trắng từ các nước khác tới là một phần bình thường của sinh hoạt.
Xin nhắc không cần phải có quốc tịch mới được làm việc ở các cơ sở công cộng. Ai có visa là được làm việc và gốc gác gì thì cũng đều có thể làm cho Bộ Nội vụ Anh hay làm nhân viên bưu điện Pháp. Xin nói riêng là Pháp còn có đội quân Lê Dương toàn dân từ xứ khác đổ về đi lính cho ‘La Patrie’
Vào công sở Việt Nam thì khác, bạn sẽ chỉ gặp toàn người Việt Nam, điều bình thường ở nước này nhưng là “chuyện hiếm” trên thế giới.
Điểm qua một chút thì ngoại kiều ngoài việc phục vụ trong các công ty của nước họ, hoặc làm đại diện ngoại giao, NGO, thương mại chưa hoặc không được tham gia vào sinh hoạt công chung với người Việt ngoài mảng kinh doanh, một chút trong giáo dục (dạy tiếng Anh, giảng dạy đại học). Trước đó thì có người gốc nước ngoài được cho nhập tịch để đá bóng và gần đây có khá nhiều người mẫu Nga, Ukraine kiếm sống trong các hãng thời trang Việt Nam.
Tôi hỏi chuyện một số bạn nước ngoài về chuyện này thì họ cười phá lên.
Petro, người Tây Ban Nha ở Nha Trang cho hay anh phải xin gia hạn visa hàng tháng, nói gì đến định cư để “lo việc phường phố” cho Việt Nam.
Một bạn nữ người Nga thì cho hay cô sống ở Việt Nam và có visa 6 tháng một. Điều này khiến cô không bao giờ nghĩ đến chuyện định cư, và đóng thuế.
Hóa ra khá nhiều dân expats chỉ ở Việt Nam vì chi tiêu rẻ nhưng làm việc cho công ty ở quê nhà của họ qua mạng, dạng “du mục kỹ thuật số” (digital nomads).
Ngoài phí visa họ chẳng đóng xu nào cho ngân sách nước Việt. Họ đến rồi đi, không quan tâm nhiều đến tình hình chung ngoài vấn đề môi trường.
Từ góc độ cá nhân thì họ quả là khôn lỏi nhưng còn nhìn từ góc độ chính quyền, hẳn có điều gì đó không ổn.
Tìm hiểu một chút thì tôi hiểu Việt Nam không cần những ai không đóng góp được tiền, kỹ năng tay nghề cao cho nền kinh tế ngay lập tức.
Pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ cho phép lao động nước ngoài vào làm việc theo bốn vị trí là chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật và nhà quản lý, nhưng với điều kiện lao động Việt Nam không đáp ứng được, theo các trang của chính phủ.
Nhìn qua trang của Cục Xuất nhập cảnh về các loại visa cho người nước ngoài thì tôi thấy chóng cả mặt luôn. Có hàng chục loại visa, từ 10 ngày, 15, 30 ngày cho đến dài hơn. Nhìn sang thẻ tạm trú cũng thế, chỉ nhớ chữ viết tắt đã hoa mắt:NG3; LV1; LV2; Thẻ tạm trú đầu tư, chia ra 3 loại: ĐT1, ĐT2, ĐT3; rồi đến DH; LS; NN1; NN2; PV1; và Thẻ tạm trú lao động; gồm 2 loại: LĐ1 và LĐ2; xong lại còn TT tức thân nhân, cấp cho vợ, chồng, con của các loại trên.
Tất cả những thủ tục này hẳn là cần thiết nhưng chứng tỏ cách quản lý lao động nhập cư còn khá cũ, chú tâm vào phân loại nhỏ, mất tầm nhìn to.
Tôi có vào trang Hướng dẫn của Bộ Ngoại giao Anh xem chính sách thị thực của Việt Nam, so với các nước Asean khác thì thấy Việt Nam đang ngang Lào về độ cởi mở, chỉ hơn Myanmar. Còn thì chế độ visa quá chặt so với các láng giềng khác.
Trên thế giới thì đang có xu hướng chung là miễn thị thực luôn 90 ngày cho người mang hộ chiếu các quốc gia phát triển.
Thử hỏi dân các nước G7, EU có ai sang Việt Nam xin trợ cấp xã hội đâu mà chỉ cho họ 2 tuần miễn thị thực? Trong khi đó, họ tới Nhật, Hàn, Thái Lan, Malaysia, Singapore đều hưởng luôn 90 ngày không cần visa.
Muốn tạm trú để làm việc kinh doanh, lao động có giấy phép (work permit), công dân nước ngoài chỉ cần lên mạng điền đơn, trả lệ phí (ở Singapore là 35 đô) rồi chờ nhận giấy.
Bài viết này tuy thế không nhằm để khuyến nghị các cơ quan nhà nước Việt Nam chỉ cải cách, đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh.
Chụp lại hình ảnh,Đài Loan có chương trình thu hút người trẻ và có năng lực từ bất cứ đâu tới định cư
Cần coi Việt Nam là điểm định cư của tài năng toàn cầu
Điều tôi muốn nói là Việt Nam cần nhanh chóng tìm đến tư duy mới, coi xã hội của mình là điểm đến của di dân toàn cầu.
Trên thực tế thì họ đã đến rồi. Theo một bài trên trang của Bộ Lao động VN, lao động nước ngoài vào Việt Nam hiện đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tức là nơi xuất xứ khá đa dạng. Trang web này tuy thế nhấn mạnh đến các hình phạt di trú với nhóm lao động nghèo từ mấy nước láng giềng hơn là ‘welcome’ tài năng từ các nước phát triển cao hơn Việt Nam.
Những năm qua, chính sách với khối Việt Kiều, gồm cả nhóm gốc từ VNCH, gốc Hoa và người Việt ở Đông Âu đã thay đổi nhiều, ngày càng cởi mở.
Nhưng sự đóng góp của Việt Kiều đã đạt ngưỡng nhất định và đã đến lúc cần coi Việt Nam là nước di dân thì mới mong nhận được nhân tài đến từ khắp thế giới.
Các nước châu Âu, châu Mỹ thì khỏi phải nói, đã có nghị sĩ, thủ tướng, phó tổng thống gốc di dân. Các đại học thì luôn đông đảo đội ngũ giảng dạy di dân đời một, hoặc đời hai…gồm cả người gốc Việt.
Thu hút tài năng toàn cầu là cuộc cạnh tranh lớn mà Việt Nam đang trên đà thua trông thấy.
Vùng Đông Á vốn bị coi là có ít nhiều tư duy bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa, đã thay đổi mạnh.
Tôi có bạn người Indonesia ngồi trong ban tư vấn của thành phố Seoul về sinh hoạt đa văn hóa. Tôi biết có người gốc Việt vào ban đại diện ngoại kiều ở Tòa Thị chính Tokyo…Những hoạt động đó coi người nhập cư là chủ nhân chung của các vấn đề xã hội dân sự lành mạnh để cùng tìm giải pháp.
Chưa kể, vì lý do nhân đạo, đây là lúc cần nhận người tỵ nạn Nga và Iran. Hai nước này đang có nhiều vấn đề nhưng theo quan sát của tôi, trí thức Nga và Iran đều rất giỏi, có ý chí và hội nhập tốt.
Nói đúng ra, lịch sử Việt Nam cũng là quá trình các dòng di dân, các trào lưu văn hóa Ấn, Hoa, Chàm, Âu Mỹ…du nhập, cùng cả những con người cụ thể để tạo ra diện mạo độc đáo, thú vị như chúng ta có hôm nay.
Suốt một thời gian dài, vì chiến tranh, vì tư duy hạn hẹp, Việt Nam là điểm ra đi, nhưng càng gần đây trở thành điểm đến (tự phát) của người dân toàn cầu.
Việc ai muốn di cư sang nước khác là quyền của họ, rất đáng tôn trọng nhưng nhà nước cần chủ động có chính sách để ai muốn đến làm việc, định cư, đóp góp cho xã hội VN đều có cơ hội, không phân biệt quốc tịch, màu da.
Việt Nam đang hội nhập vào kinh tế toàn cầu, và việc hội nhập tại chỗ của những người nước ngoài vào mọi mặt cuộc sống ở Việt Nam cũng là chiều kích đáng có.
Chúng ta cần hình dung ra xã hội sẽ đẹp, đa dạng như thế nào, thông minh như thế nào trong 20-30 năm nữa nhờ giao thoa văn hóa và giao lưu con người.
Ta hãy nhìn thấy ngày đó, con cháu những người nhập cư thế kỷ 21 này, những người sinh ra, lớn lên, gắn bó với Việt Nam, và có thể gồm cả thế hệ pha trộn dòng máu Việt với người Âu, Á, Phi…tạo biến đổi từ lượng thành chất cho sự thăng hoa của toàn xã hội.
Hiện đại hóa cần sự bao dung, đa dạng mà tiếng Việt gọi là thoáng.
Nghĩ thoáng thì mới sáng tạo. Còn cứ bó hẹp mãi trong chủ nghĩa dân tộc Việt truyền thống, hoặc chỉ nhìn cục bộ vào quyền lợi trước mắt như thu phí visa thì khả năng cả quốc gia thua trong làn sóng Toàn cầu hóa là rất rất cao
Năm 2022 là một năm hết sức kỳ lạ. Người dân chứng kiến nhiều cuộc bắt bớ hỗn loạn trong nội bộ chính quyền cộng sản mà những lời thuyết minh cho các sự kiện đều hết sức mơ hồ. Trong tất cả vụ việc, điều đáng chú ý nhất là sự ẩn hiện bóng dáng của (những) nhân vật “trùm cuối”…
“Trùm cuối”, một “danh xưng” mới ám chỉ kẻ ngồi trong bóng tối chỉ đạo cấp dưới âm thầm làm việc, loại công việc chỉ thực hiện dưới gầm bàn, sau bình phong hay những cú phone bí mật nhưng tiền kiếm được dĩ nhiên không hề ít. Trùm cuối hẳn là những kẻ uy quyền, có thể chỉ dưới một người nhưng trên 90 triệu người. Trùm cuối như ma quỷ chập chờn. Khuôn mặt trùm cuối ẩn hiện và dù không ai có khả năng xác quyết trùm cuối là ai sau các đại án tham nhũng nhưng người ta vẫn thấy chắc chắn có một hoặc vài tay trùm cuối – loại đầu sỏ thật sự.
Mới đây, ngày 24 Tháng Mười Một, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nhận 30 tháng tù treo vì tội làm thiệt hại cho nhà nước $3.84 triệu. Câu chuyện thu hút quan tâm, nhưng khi đề cập tội danh, công an chỉ nói đến việc đương sự “thiếu ý thức trong nghiệm thu quyết toán, kiểm tra, rà soát hợp đồng dẫn đến thiệt hại cho nhà nước”. Câu hỏi để lại là số thiệt hại đó có truy thu được không? Mọi thứ vẫn cho thấy tất cả là những câu chuyện điển hình của Việt Nam thời đại hôm nay, với bí ẩn bao trùm, và không bao giờ có sự thật nào hoàn toàn được phanh phui đến tận cùng.
Khi vụ Việt Á chính thức bị điều tra, hai nhân vật cao cấp ngay lập tức vác chiếu vào nhà giam đếm kiến. Đó là Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long – đều là ủy viên trung ương đảng. Với những kẻ chấp nhận ngồi sới bạc, khi tham gia dự án nào đó để kiếm lại tiền “bù lỗ” cho chiếc ghế của mình thì dù có ăn bao nhiêu, họ cũng khó bị phát hiện, nhất là những kẻ có vai vế cực lớn như Chu Ngọc Anh. Trong vụ Việt Á, khoảng 90 người đã bị khởi tố; trong đó có tám quan chức Bộ Y tế, Bộ Khoa Học và Công Nghệ; cùng hàng chục lãnh đạo, cán bộ cơ quan kiểm soát dịch bệnh CDC, sở y tế tại 64 tỉnh thành khắp cả nước. Bộ Công an Việt Nam xác định, sau 17 tháng chỉ bán kit test Covid-19, Việt Á đã bỏ túi gần 4,000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng trùm cuối thật sự đằng sau đại án Việt Á vẫn chưa bị sờ gáy hoặc không thể bị sờ gáy. Mới đây, ngày 30 Tháng Mười Một, Bộ Công an Việt Nam lại bắt thêm Nguyễn Văn Trịnh, phụ tá Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” Cơ quan điều tra xác định Trịnh đã lợi dụng vị trí công tác để can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm Covid-19 trái quy định pháp luật, giúp Công ty Việt Á phân phối sản phẩm xét nghiệm tại các địa phương với giá mắc hơn bình thường.
Nguyễn Văn Trịnh được bổ nhiệm làm Trợ lý cho Vũ Đức Đam từ Tháng Mười Hai 2018. Hà Nội hiện nay có bốn phó thủ tướng, và ông Đam đứng đầu Ban phòng chống Covid-19. Ông Đam có phải là trùm cuối vụ Việt Á hay không thì chỉ có mấy ông trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng nắm rõ. Mà nào đâu phải chỉ có một Vũ Đức Đam! Một Phó Thủ tướng Thường trực khác là Phạm Bình Minh cũng có trợ lý bị bắt do dính líu đại án tham nhũng có tên “chuyến bay giải cứu”. Nguyễn Quang Linh bị bắt hầu như áp chót sau khi công an khởi tố hơn 30 người trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và bốn viên chức Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Số tiền tham ô cũng khít khao với vụ Việt Á: 4 ngàn tỉ đồng!
Trợ lý Phó Thủ tướng không là một chức vụ nhỏ. Chỉ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội mới có trợ lý; và do đó chức vụ trợ lý không phải để soạn văn thư hay làm những việc lặt vặt. Vai trò một trợ lý bao gồm cả việc tham mưu, thay mặt, và có thể giải quyết hầu như toàn bộ chỉ thị được đưa xuống từ người mà ông ta làm trợ lý. Vậy, với việc bắt hai trợ lý của hai Phó Thủ tướng trong hai vụ án, liệu có thể nói ngắn gọn rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, trùm cuối của hai đại án “Việt Á” và “chuyến bay giải cứu” là Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh?
Không chỉ vụ Việt Á hay “chuyến bay giải cứu”, còn là những vụ bắt bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan, người mà hầu như ai cũng biết là cánh tay phải một thời của tên đầu sỏ Lê Thanh Hải, kẻ từng ngồi ghế Bí thư TP.HCM một thời khuynh đảo Sài Gòn. Lê Thanh Hải đích thị là tên trùm cuối gây ra không biết bao nhiêu vụ cướp đất tàn bạo và ác độc trên đất Sài Gòn. Tuy nhiên, như tất cả đại án tương tự trên một đất nước được cai trị bởi bộ máy chuyên chế độc tài độc đảng, trùm cuối Lê Thanh Hải chưa lần nào được gọi tên.
Việt Nam vẫn như bức màn đen, phủ kín những bí mật; cho dù bao nhiêu mạng người đã mất. Tất cả đã và đang được che kín, để đảm bảo cho sự tồn vong của đảng cộng sản cầm quyền. Đám trùm cuối vẫn còn nhung nhúc sau những tấm màn. Bóng đen bí ẩn nào đang phải chịu trách nhiệm cho những mất mát, nỗi đau của người Việt? Bóng đen bí ẩn nào đang cầm nắm sinh mệnh Việt Nam như một thứ quyền lợi và được quyền giấu mặt? Năm 2022 đang dần đóng lại với những câu hỏi về những kẻ giấu mặt đầy tội ác với đồng bào.