Khu du lịch Hang Múa thuộc địa phận thôn Khê Đầu Hạ, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình khoảng 6km, cách Hà Nội 100km. Đây là điểm du lịch nằm trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Những năm gần đây, Hang Múa thu hút du khách trong và ngoài nước nhờ phong cảnh tuyệt đẹp với quần thể bao gồm hang động, những ngọn núi đá và suối ngầm. Nơi đây được biết đến là điểm ngắm cảnh trên cao đẹp bậc nhất ở Việt Nam hiện nay.
Tọa độ check-in khiến du khách mê mẩn (Ảnh: Nguyễn Hồng Thu Trang)
Đến Hang Múa, du khách sẽ nhìn thấy ngọn núi hình quả chuông lớn úp ngược, rộng khoảng 800m2. Từ phía dưới chân núi có thể thấy rõ được những bậc đá trắng dẫn lối đến đỉnh núi – những bậc thang nối nhau giống như Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ. Hai bên bậc thang là những đường trang trí công phu trên đá với hình rồng hoặc phượng, chạm khắc đúng với hình tượng nghệ thuật thời Trần.
Mùa hoa sen ở Hang Múa thu hút rất đông du khách (Ảnh: Nguyễn Hồng Thu Trang)
Thưởng ngoạn Tràng An
Nơi đây thu hút du khách với phong cảnh núi non hùng vĩ cùng những dòng sông nhỏ quanh co, các thung lũng hoang sơ…
Đến đây, du khách có thể chọn một trong 3 tuyến du lịch bằng thuyền để tham quan các hang động. Tuyến một sẽ đưa du khách qua 9 hang động, đền Trình – đền Trần – phủ Khống. Tuyến 2 đi qua 4 hang động và đền thánh Cao Sơn – hành cung Vũ Lâm – đền Trần suối Tiên. Tuyến 3 gồm 3 hang động, đền Trình – đền Trần suối Tiên – hành cung Vũ Lâm. Thời gian tham quan mỗi tour kéo dài từ 2 – 3 tiếng.
(Ảnh: Sunny Camping)
Giá vé tham quan Tràng An là 250.000 đồng với người lớn, trẻ em dưới 1,4 m là 100.000 đồng. Hướng dẫn viên đi cùng sẽ mất phí 300.000 đồng một tour
Tam Cốc – Bích Động
Đến đây, du khách trước tiên nên đi thăm chùa Bích Động – “Nam thiên đệ nhị động” để có thể nhìn được toàn cảnh từ trên cao. Sau đó, du khách có thể ngồi thuyền xuôi dòng Ngô Đồng để khám phá Tam Cốc. Tam Cốc nghĩa là ba hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Tam Cốc đẹp ngỡ ngàng trong mắt du khách với các dãy núi đá vôi cao sừng sững, cùng những tạo hình kỳ thú ở các hang động và những cánh đồng lúa chín vàng hai bên. Phí tham quan 120.000đ/ người, phí đi thuyền tuyến Tam Cốc 150.000/ chuyến.
Cố đô Hoa Lư
Hoa Lư từng là kinh đô của Việt Nam từ năm 968 – 1010, trải qua 3 triều đại Đinh – Tiền Lê – Tiền Lý. Đây là một trong bốn vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An được UNESCO công nhận. Tại đây, du khách thăm đền vua Đinh (Đinh Tiên Hoàng), vua Lê (Lê Đại Hành) và bảo tàng lưu giữ các kỉ vật. Hai ngôi đền này được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, xung quanh có nhiều cây xanh. Du khách nên đăng ký nghe thuyết minh trong quá trình tham quan để hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử nơi này. Vé vào cửa mỗi người là 20.000 đồng.
(Ảnh: Sunny Camping)
Cắm trại sang chảnh ở ‘Đà Lạt thu nhỏ’
Khu glamping nằm trong một sân golf ở xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cách Cúc Phương khoảng 15km, cách Hà Nội 100km đang thu hút rất nhiều du khách. Khu cắm trại nằm trên bãi cỏ xanh mướt, được bao bọc bởi đồi thông cao vút, phía trước là một hồ nước rộng lớn, trong vắt, kề cận hồ Đồng Chương nổi tiếng. Nơi đây được du khách ví von như “Đà Lạt thu nhỏ“.
Ảnh: Dube Nguyễn
Tới khu cắm trại này, du khách có thể mang theo lều trại hoặc thuê dịch vụ lều trại, đặt đồ ăn, tiệc nướng ngoài trời… theo nhu cầu. Kề cận khu lều trại cũng có các bungalow gỗ thông, khách sạn ba sao, villa để phục vụ du khách đi theo nhóm hay gia đình.
Ngoài cắm trại, du khách có thể đạp xe, chèo kayak, chơi golf, thăm trang trại cừu hay trekking ngắm thác Ba Tua (Ảnh: Sunny Camping)
Con đường bồ đề xanh mướt, đẹp như phim ở Ninh Bình
Con đường cây bồ đề xanh mướt nằm gần bến thuyền Tràng An, nối vào di sản Tràng An là điểm check-in Ninh Bình nổi tiếng vào dịp cuối hạ, đầu thu.
Theo tìm hiểu, con đường cây bồ đề này được trồng nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với khoảng 3000 gốc, kết nối phố cổ Hoa Lư – di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Tràng An, chùa Bái Đính. Du khách có thể thuê xe đạp tại các nhà hàng ven bến thuyền Tràng An để trải nghiệm cảm giác thong thả di chuyển trên con đường bồ đề đẹp nên thơ. Con đường này cũng là bối cảnh ấn tượng để thực hiện các bộ ảnh hay video kỉ niệm khi tới du lịch Ninh Bình.
Nhà Walton – sở hữu hãng bán lẻ Walmart – nhiều năm liền giàu nhất thế giới với tài sản 224 tỷ USD, theo sau là nhà Mars và Koch.
1. Walton
Công ty: Walmart
Tài sản: 224,5 tỷ USD
Trụ sở: Bentonville, Arkansas (Mỹ)
Thế hệ sở hữu công ty: thứ 3
Walmart là hãng bán lẻ lớn nhất thế giới về doanh thu, với 573 tỷ USD từ hơn 10.500 cửa hàng toàn cầu. Hai công ty Walton Enterprises và Walton Family Holdings Trust sở hữu 47% cổ phần Walmart – nguồn tài sản chính của gia đình Walton.
2. Mars
Công ty: Mars
Tài sản: 160 tỷ USD
Trụ sở: McLean, Virginia (Mỹ)
Thế hệ sở hữu công ty: thứ 5
Frank Mars bắt đầu bán kẹo năm 1902 ở tuổi 19. Công ty ông thành lập sau này trở nên nổi tiếng với các thương hiệu M&M, Milky Way và Mars Bars, dù các sản phẩm chăm sóc thú nuôi đóng góp tới gần nửa doanh thu 45 tỷ USD một năm của họ. Mars hoàn toàn do các thành viên gia đình sở hữu.
3. Koch
Công ty: Koch Industries
Tài sản: 128,8 tỷ USD
Trụ sở: Wichita, Kansas (Mỹ)
Thế hệ sở hữu: thứ 3
Anh em Frederick, Charles, David và William thừa kế công ty lọc dầu của người cha – Fred. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát công ty đầu thập niên 80 đã buộc Frederick và William rời bỏ công ty. Charles và David ở lại gây dựng doanh nghiệp thành Koch Industries – một đế chế đa ngành với doanh thu hàng năm 125 tỷ USD. Hai anh em quản lý tài sản của mình thông qua một công ty gia đình – 1888 Management.
4. Al Saud
Tài sản: 105 tỷ USD
Nơi ở: Riyadh (Arab Saudi)
Thế hệ sở hữu: thứ 3
Gia đình Al Saud đã lãnh đạo Arab Saudi 90 năm qua. Tài sản của hoàng tộc này được ước tính dựa trên khoản tiền mà các thành viên hoàng gia được nhận suốt hơn 50 năm qua. Tổng tài sản của hơn 15.000 thành viên có thể còn cao hơn nhiều. Rất nhiều người còn kiếm tiền từ môi giới hợp đồng chính phủ, buôn bán bất động sản và thành lập công ty, như đại gia dầu mỏ Saudi Aramco.
5. Hermes
Công ty: Hermes
Tài sản: 94,6 tỷ USD
Trụ sở: Paris (Pháp)
Thế hệ sở hữu: thứ 6
Jean-Louis Dumas đã biến Hermes thành đế chế hàng xa xỉ toàn cầu. Công ty này nổi tiếng với những chiếc túi thương hiệu Birkin, có giá lên tới hàng trăm nghìn USD. Ông mất năm 2010. Nhiều thành viên nhà Dumas hiện làm trong công ty, như Giám đốc sáng tạo Pierre-Alexis Dumas và CEO Axel Dumas. So với năm ngoái, gia đình Hermes và Al Saud năm nay đổi vị trí cho nhau.
6. Ambani
Công ty: Reliance Industries
Tài sản: 84,6 tỷ USD
Trụ sở: Mumbai (Ấn Độ)
Thế hệ sở hữu: thứ 3
Dhirubhai Ambani thành lập công ty tiền thân của Reliance Industries năm 1957. Khi qua đời năm 2002, ông không để lại di chúc. Vì vậy, vợ ông đã phải giải quyết tranh chấp giữa hai người con về quyền kiểm soát tài sản gia đình. Mukesh (ngoài bên phải) hiện là người đứng đầu đế chế này. Ông sống trong một căn biệt thự 27 tầng, được mệnh danh là nhà riêng đắt đỏ nhất thế giới. Mukesh năm nay đã công bố kế hoạch chuyển giao quyền lãnh đạo tại Reliance cho 3 con.
7. Wertheimer
Công ty: Chanel
Tài sản: 79 tỷ USD
Trụ sở: Paris (Pháp)
Thế hệ sở hữu công ty: thứ 3
Anh em Alain và Gerard Wertheimer hiện sở hữu hãng thời trang Chanel. Ông của họ – Pierre là đối tác của nhà thiết kế Coco Chanel thập niên 20. Năm ngoái, công ty này đạt doanh thu 15,6 tỷ USD. Nhà Wertheimer còn sở hữu nhiều vườn nho và ngựa đua.
Năm 2021, Chanel trả gia đình này số cổ tức lên tới 5 tỷ USD. Nhưng năm 2020, nhà Wertheimer không nhận được cổ tức.
8. Cargill
Công ty: Cargill
Tài sản: 65,2 tỷ USD
Trụ sở: Minneapolis (Mỹ)
Thế hệ sở hữu: thứ 7
Các thành viên nhà Cargill sở hữu cổ phần lớn trong hãng thực phẩm và nông nghiệp Cargill, có doanh thu 165 tỷ USD trong 12 tháng tính đến tháng 5. Công ty này được William W. Cargill thành lập năm 1865 tại Iowa, ban đầu chỉ có một nhà kho chứa ngũ cốc.
9. Thomson
Công ty: Thomson Reuters
Tài sản: 53,9 tỷ USD
Trụ sở: Toronto (Canada)
Thế hệ sở hữu: thứ 3
Gia đình giàu nhất Canada ăn nên làm ra từ đầu thập niên 30, khi Roy Thomson mở một đài phát thanh tại Ontario. Sau đó, ông phát triển sang lĩnh vực báo chí. Gia đình này nắm giữ khoảng hai phần ba cổ phần hãng cung cấp dịch vụ và dữ liệu tài chính Thomson Reuters thông qua công ty đầu tư Woodbridge. Công ty này đạt doanh thu 6,3 tỷ USD năm ngoái.
10. Hoffmann
Công ty: Roche
Tài sản: 45,1 tỷ USD
Trụ sở: Basel (Thụy Sĩ)
Thế hệ sở hữu: thứ 5
Hãng dược phẩm Roche Holding được Fritz Hoffmann-La Roche thành lập năm 1896. Hiện tại, nhà Hoffmann sở hữu 9% công ty. Các loại thuốc điều trị ung thư đã giúp tập đoàn này thu về 68,7 tỷ USD năm ngoái. Các thành viên gia đình này cũng là những nhà bảo vệ môi trường nổi bật.
Trong lịch sử các vương triều Việt Nam, nhiều vị vua được ghi nhận như những người chống tham nhũng quyết liệt, thể hiện qua những quy định pháp luật được xây dựng chặt chẽ với hình phạt nghiêm khắc dành cho hành vi tham nhũng.
Vua Lý Thái Tông răn đe quan tham bằng luật pháp
Lý Thái Tông (1000-1054) là vị hoàng đế thứ hai của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Dưới thời của ông, với việc ban hành Hình thư năm 1042, nhà Lý trở thành triều đại phong kiến đầu tiên của Việt Nam ban hành bộ luật thành văn. Bộ luật này đã bị thất truyền theo thời gian, nhưng qua những chiếu chỉ còn lưu lại cho thấy, tội tham nhũng được vua nhà Lý đặc biệt quan tâm và có những chế tài nghiêm khắc.
Bàn thờ vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông ở đền Đô (Bắc Ninh).
Cụ thể, theo một chiếu chỉ vua Lý Thái Tông ban năm 1042 thì: “Những người thu quá số thuế quy định sẽ bị ghép vào tội ăn trộm. Người dân tố cáo việc đó được miễn dịch 3 năm. Người ở kinh thành cáo giác nạn nhũng nhiễu, tham ô thì nhận thưởng bằng hiện vật thu được”.
Ngoài hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan thì bị phạt 50 quan tiền; từ 10 quan đến 19 quan, bị phạt từ 60 đến 100 quan; của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho quỹ triều đình…
Vua Lê Thánh Tông chặn mọi đường tham nhũng của quan lại
Lê Thánh Tông (1470–1497) là một vị vua anh minh trong sử Việt. Một thành tựu lớn trong sự nghiệp cai trị của ông là việc xây dựng và thực thi bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật), bao quát nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau mà ngày nay ta gọi là Luật hình sự, Luật dân sự, Luật tố tụng, Luật hôn nhân và gia đình, Luật hành chính…
Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, trong đó có trên 40 điều liên quan việc phòng, chống tham nhũng. Có thể dẫn ra một số điều luật tiêu biểu:
– Ở Điều 1 của chương “Vi chế” ghi rằng: các chức quan lại có số lượng nhất định, nếu tự ý bổ dụng hay tuyển chọn quá hạn định thì cứ thừa 1 người, phạt người đứng đầu cho 60 trượng, “biếm” 2 tư (hạ chức 2 bậc), hoặc bãi chức, thừa 2 người thì xử tội “đồ” (hình phạt lao dịch khổ sai ở nhiều mức độ).
– Điều 42 của chương “Vi chế” ghi: “Làm trái pháp luật, ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan, xử tội “biếm” hoặc bãi chức; từ 10 đến 19 quan, xử tội “đồ”-“lưu” (“lưu” là hình phạt lao dịch khổ sai, bị đày đi các châu xa…); từ 20 quan trở lên xử “lưu”; từ 50 quan trở lên xử “tử”…
– Điều 138 quy định: Ăn lễ từ 1 đến 9 quan phải phạt 50 quan; từ 10 đến 19 quan phạt từ 60 đến 100 quan; từ 20 quan trở lên phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”…
Luật này còn có một số quy định tiến bộ như quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu ruộng vườn, đất đai, nhà cửa tại nơi cai quản; không được đưa người cùng quê làm giúp việc; không cho những người có quan hệ thầy trò, bạn bè làm việc cùng một nơi.
Nhờ những quy định pháp luật chặt chẽ của luật Hồng Đức mà người tốt có chỗ dựa, được tin dùng, bọn tham quan, kẻ xấu khó tìm đất sống, nạn tham nhũng được kiểm soát, đời sống kinh tế – xã hội diễn ra thuận lợi.
Vua Gia Long củng cố luật chống tham nhũng
Vào đầu thời nhà Nguyễn, để củng cố kỷ cương phép nước ở một nước Việt Nam mới thống nhất sau nhiều năm loạn lạc, vua Gia Long (1762-1820) đã cho xây dựng và thực thi bộ luật Gia Long (ban hành năm 1815). Luật Gia Long có 17 quyển quy định riêng về Luật hình đối với tội nhận hối lộ (đút lót) và gần 20 điều khoản quy định cụ thể về vấn đề này.
Trong số 400 điều của bộ luật này, có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng, và có những điều rất hà khắc. Có thể kể đến như:
– Điều 31 quy định: quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất 70 trượng, cao nhất là treo cổ.
– Điều 111 quy định: “Quan lại dùng chức vụ vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ”.
– Điều 392 quy định: “Người nào dùng các thủ đoạn biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư ở kho, cũng như mạo phá vật liệu đem về nhà. Nếu tang vật lên đến 40 lượng thì bị chém”. Người phụ trách việc xây dựng, không được lợi dụng quyền để mượn vật tư, tiền công dù rất nhỏ, nếu bị phát giác sẽ bị quy tội nặng…
Vua Minh Mạng trị tham nhũng bằng “bàn tay sắt”
Kế nghiệp vua Gia Long, vua Minh Mạng (1791-1841) tiếp tục đẩy mạnh việc chống tham nhũng trong bộ máy công quyền. Ông nổi tiếng với việc nghiêm khắc và kiên quyết trừng trị quan tham, bất kể là ai, giữ chức vụ gì, có quan hệ thế nào với nhà vua.
“Bàn tay sắt” của vua Minh Mạng trong chống tham nhũng đã được lịch sử ghi lại qua nhiều câu sự vụ, tiêu biểu như ban chỉ dụ tử hình bố vợ – Phó Tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý vì tham nhũng 30.000 quan tiền (1821); ra lệnh chém đầu Đặng Văn Khuê – quản lý kho thóc ở Kinh thành vì ăn chặn thóc trợ cấp cho dân (1822); ra lệnh chém đầu viên quan Phủ Nội vụ Lý Hữu Diệm vì lấy trộm hơn một lạng vàng (1823); chặt tay Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên vì ăn bớt nhựa thơm (1831)…
Vua Minh Mạng cũng có đóng góp lớn cho nền luật pháp khi cho ban hành Luật Hồi tỵ năm 1831, quy định các việc phải kiêng kỵ, tránh né, buộc các chức sắc trong bộ máy từ triều đình đến nơi thôn dã phải triệt để chấp hành. Luật này quy định, khi sắp xếp, bố trí bộ máy quan lại, phải triệt để tránh (không bố trí) những nơi quê gốc (quê nội), vì ở đó có quan hệ họ tộc gần gũi từng sinh sống nhiều đời sinh sống…; không bố trí ở quê ngoại (bao gồm quê mẹ, quê vợ và cả những nơi trước đây đã từng theo học), dù chỉ ngắn ngày.
Đến đời vua Thiệu Trị, các điều luật phòng chống tham nhũng tiếp tục được bổ sung, với các quy định ngăn ngừa, loại bỏ các mối quan hệ thân tộc, gia đình, đồng hương, bè cánh, tránh tình trạng bao che, thông đồng để thực hiện những hành vi tham nhũng, hối lộ, trù dập, ức hiếp người tố cáo, làm sai lệch cán cân công lý…
Theo dự đoán của Goldman Sachs, vào năm 2035, top 1 bảng xếp hạng GDP thế giới sẽ đổi chủ và gọi tên quốc gia này.
Ảnh: imf.org
Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã trải qua sự tăng trưởng theo cấp số nhân và trở thành “trung tâm” của các nhà máy sản xuất hàng đầu. Trung Quốc hiện là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.
Dù cho tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại trong những năm gần đây. Đồng thời, các yếu tố nhân khẩu học như tỷ lệ dân số già tăng nhanh chóng có thể khiến tốc độ tăng trưởng của quốc gia này thấp hơn so với các nước châu Á khác như Ấn Độ và Philippines.
Thì theo dự báo, GDP của Trung Quốc vẫn sẽ tăng cao hơn đáng kể so với Mỹ trong tương lai và chiếm ngôi vương của bảng xếp hạng vào năm 2035. Ước tính mới này muộn hơn 10 năm so với dự đoán cũ của Goldman Sachs vào năm 2011.
Theo hai nhà kinh tế học Kevin Daly và Tadas Gedminas, khoảng cách về tổng sản phẩm quốc nội giữa Trung Quốc và Mỹ đã thu hẹp đáng kể. Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ về GDP khi tăng trưởng từ quy mô chỉ tương đương 12% GDP của Mỹ (năm 2000) lên dưới 80%.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể sẽ tăng trưởng hàng năm khoảng 4% từ 2024-2029, so với 1,9% ở Mỹ, theo báo cáo từ dự án nghiên cứu tình hình kinh tế vào năm 2075. Dữ liệu dựa trên số người tham gia lao động, thu nhập của họ và sự phát triển của công nghệ.
Dựa theo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ diễn ra chậm lại ở hầu hết các quốc gia do lực lượng lao động đông mà sản lượng đầu ra lại thấp. Tuy nhiên sự sụt giảm này thể hiện rõ rệt nhất ở đất nước tỷ dân.
Thậm chí, tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc có thể sẽ chậm hơn nữa, xuống còn 2,5% trong giai đoạn 2030-2039. Con số giảm đáng kể so với mức 7,7% trong giai đoạn 2010-2019.
Báo cáo cũng cho thấy, mức độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức trung bình dưới 3%/năm trong vòng 10 năm tới và giảm dần do sự tăng trưởng chậm lại của lực lượng lao động.
Dân số thế giới hiện tại là 8 tỷ người nhưng Liên hợp quốc cho rằng tốc độ tăng trưởng vẫn sụt giảm nghiêm trọng đặc biệt là ở các quốc gia phát triển. Theo thống kê, tỉ lệ tăng trung bình của dân số Trung Quốc trong 10 năm qua là 0,53%, thấp hơn giai đoạn 2000 – 2010 là 0,57%.
Tại đại hội đảng lần thứ 20 của Trung Quốc vào tháng 10, Bắc Kinh tuyên bố vào năm 2035, thành phố này sẽ đạt mức thu nhập bình quân đầu người bằng cả một quốc gia đang phát triển. Nghĩa là nâng mức GDP bình quân đầu người lên ít nhất 20.000 USD.
Thành phố Bắc Kinh
Để hoàn thành mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc không được thấp hơn 4,73%. Theo các cố vấn chính phủ, điều này khó có thể đạt được do tình trạng dân số già đi tại quốc gia này tăng mạnh. Số người trên 65 tuổi hiện chiếm 13,5% tổng dân số quốc gia, tăng đáng kể so với mức 8,9% của năm 2010.
Theo ông Kevin Daly – người đứng đầu nhóm các nhà kinh tế của Goldman Sachs, nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường mới nổi đang dần bắt kịp các nền kinh tế phát triển khác. Đặc biệt, trong 10 năm qua, đồng đô la Mỹ có tầm ảnh hưởng vượt trội trong thị trường. Hai vấn đề này khiến quá trình Trung Quốc “trở mình” gặp nhiều khó khăn. Và tác động tới dự báo tăng trưởng của tất cả quốc gia, ông nói thêm.
Tuy nhiên, sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể sẽ giảm trong thập kỷ tới, tạo thêm cơ sở để Trung Quốc vượt qua Mỹ vào năm 2035.
Báo cáo cũng cho thấy xếp hạng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn cầu sẽ “dịch chuyển” nhiều hơn về phía châu Á trong 30 năm tới. Năm nền kinh tế đứng đầu thế giới vào năm 2050 có thể sẽ là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và Đức.
Thậm chí, vào năm 2075, Ấn Độ sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, theo báo cáo.
Cũng theo dữ liệu này, chi phí khổng lồ liên quan tới biến đổi khí hậu cũng như sự gia tăng của các biện pháp hạn chế thương mại cũng có thể gây tác hại lâu dài tới sự phát triển kinh tế thế giới cũng như hoạt động hội tụ thu nhập (thu nhập bình quân đầu người các nước nghèo sẽ có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn so với các nước giàu có). Vì vậy, các quốc gia cần hợp tác mạnh mẽ với nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai.
Mặc dù hiện tại, sự phát triển kinh tế có xu hướng sụt giảm nhưng việc thay đổi “vị trí” trong bảng xếp hạng GDP là hoàn toàn có cơ sở. Việc này là một động lực mạnh mẽ để giảm bất bình đẳng thu nhập giữa các quốc gia.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Mỹ hiện là nền kinh tế đứng đầu với GDP năm 2021 đạt 23 nghìn tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ hai với GDP đạt 18 nghìn tỷ USD, giữ vị trí thứ 3 là Nhật Bản. Thứ 4 là Đức và Ấn Độ xếp thứ 6 với ba nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu tính theo số liệu dự báo vào năm 2075, Nhật Bản có thể sẽ tụt từ vị trí hạng 3 xuống hạng 12, còn Anh tụt xuống hạng 10. Dù đứng thứ tư nhưng Đức vẫn được dự báo sẽ xuống vị trí thứ 9.
Ngoài ra, hai quốc gia có nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Nigeria cũng được dự đoán có thể sẽ ở top 5 nền kinh tế mạnh nhất thế giới dù cả hai đều không nằm trong top 15 bảng xếp hạng GDP hiện tại.
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh căng thẳng, gây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế. Quốc gia này sẽ cần một chiến lược phù hợp để “trở mình” và đứng đầu thế giới trong thời gian sớm nhất.
Nhiều năm nay, các công ty và quan chức Mỹ đều lo lắng về vấn đề trong lĩnh vực chế tạo những con chip máy tính tiên tiến nhất thế giới, nước này phụ thuộc quá nhiều vào Đài Loan – vùng đất bị Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình. Đó là do nhà sản xuất chip hàng đầu lớn nhất toàn cầu – Công ty Chế tạo Chất bán dẫn Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company – TSMC) đặt cơ sở tại Đài Loan.
Giờ đây, một bức tường rào chống lại rủi ro đó đang hình thành tại vùng ngoại vi phía bắc của thành phố đông dân nhất bang Arizona nước Mỹ.
Hôm Thứ Ba (6/12/2022), TSMC đưa ra kế hoạch trị giá 40 tỷ USD để mở rộng và nâng cấp một trung tâm sản xuất chip bán dẫn tại Mỹ mà họ đang xây dựng ở thành phố Phoenix bang Arizona. Tại khu nhà máy rộng 1100 mẫu Anh [450 hecta], các tòa nhà lấp lánh logo TSMC mọc lên giữa những bụi cây sa mạc và xương rồng. TSMC có kế hoạch đưa vào đây công nghệ sản xuất tiên tiến vốn chỉ được dùng trong các nhà máy của họ ở Đài Loan.
Các khách mời đang chờ đón Tổng thống Biden tới thăm nhà máy mà TSMC đang xây dựng tại Phoenix. Nguồn: Adriana Zehbrauskas cho New York Times
Nguồn trợ lực này có thể cho phép nhà máy Phoenix – cơ sở sản xuất lớn đầu tiên của TSMC tại Mỹ – cuối cùng có thể sản xuất cho iPhone của Apple loại chíp có thể thực hiện gần 17 nghìn tỷ phép tính mỗi giây đồng hồ. Sau đó, TSMC lại có dự án xây dựng nhà máy thứ hai ở đó, cơ sở này sẽ được trang bị công nghệ sản xuất tiên tiến hơn, nhắm đến điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị thông minh khác trong tương lai.
Việc mở rộng nhà máy của TSMC quan trọng đến mức buổi lễ diễn ra vào hôm Thứ Ba đã thu hút Tổng thống Biden và Tim Cook, giám đốc điều hành của Apple, cũng như giám đốc các công ty và quan chức chính phủ khác đến dự.
“Đây là một thời điểm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng,” ông Cook nói tại buổi lễ, trong khi các nhà lãnh đạo chính trị bang Arizona và các vị giám đốc điều hành công ty thưởng thức món hải sản Ceviche, uống sâm banh và nghe dàn nhạc biểu diễn. Ông Cook đã gắn kết năng lực sản xuất chất bán dẫn của TSMC với “sự khéo léo vô song của công nhân Mỹ”.
Tiếp đó, sau khi đi tham quan khu nhà xưởng đồ sộ, ông Biden nói việc [Chính phủ Mỹ] đầu tư vào chất bán dẫn là một phần trong kế hoạch giúp nước Mỹ “giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế của thế kỷ 21” và đảo ngược xu thế suy giảm của chip máy tính do Mỹ sản xuất trong nước.
“Thưa các bạn, ở đâu viết rằng nước Mỹ không thể một lần nữa dẫn đầu thế giới trong ngành chế tạo?” — Ông Biden hỏi người nghe. “Tôi không biết câu ấy được viết ở đâu. Chúng tôi đang chứng minh nước Mỹ có thể làm được điều đó.”
Các nhà máy bán dẫn tiên tiến, được gọi là “fabs”, có thể chế tạo hàng trăm con chip có kích thước bằng móng tay lắp trên các tấm bán dẫn silicon 12 inch. Việc sản xuất chúng đòi hỏi những máy móc phức tạp và đắt tiền, một số thiết bị đó đã được đóng trong những chiếc thùng lớn và chuyển đến nhà máy.
Khoản đầu tư mới 40 tỷ USD của TSMC cho chi tiêu ở Arizona bao gồm 12 tỷ USD mà năm 2020 họ đã cam kết khi tuyên bố xây dựng nhà máy đầu tiên. Hiện nay, công ty cho biết nhà máy này sẽ sử dụng 4.500 công nhân dài hạn, tăng so với ước tính 2.000 người trước đó, đồng thời tạo ra 21.000 việc làm trong công tác xây dựng.
Kế hoạch nâng cấp nhà máy của TSMC là dấu hiệu mới nhất cho thấy những lo ngại về địa chính trị đang làm cho các công ty và chính phủ phải điều chỉnh chiến lược dài hạn, đảo ngược xu hướng lịch sử từng khiến các công ty chuyển phần lớn hoạt động sản xuất chất bán dẫn sang châu Á. Nó cũng làm nổi bật tầm quan trọng ngày càng được coi trọng của chip và công nghệ mới để sản xuất chúng. Những công nghệ đó sẽ giúp tăng thêm năng lực tính toán cho các thiết bị điện tử tiêu dùng, ô tô và thiết bị quân sự như tên lửa và máy bay không người lái.
Tổng thống Joe Biden phát biểu trong chuyến thăm nhà máy TSMC. Nguồn: Adriana Zehbrauskas cho New York Times
Cựu Tổng thống Donald J. Trump và giờ đây là các quan chức chính quyền Biden luôn thúc đẩy các biện pháp khuyến khích các nhà sản xuất chip trong nước và nước ngoài xây dựng thêm nhà máy tại Mỹ. Do chịu ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt chip gần đây, tháng 7 vừa qua, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã đồng ý với gói trợ cấp trị giá 52 tỷ USD trong “Đạo luật Khoa học và Chip” (Chip and Science Act, tức CHIPS Act), nhằm cung cấp nguồn vốn lớn hơn cho việc xây dựng các nhà máy như vậy.
Tiếp đó, các nhà sản xuất chip đã phản hồi bằng thông báo về các dự án xây dựng nhà máy chính, bao gồm nhà máy do Intel xây dựng ở Ohio, nhà máy do Micron Technology xây dựng ở New York và nhà máy do Samsung Electronics xây dựng ở Texas. Nhưng TSMC mới là nhà sản xuất được hoan nghênh nhất hiện nay. Người sáng lập TSMC là Morris Chang [Trương Trọng Mưu], năm 1987 đã đi tiên phong về ý tưởng sản xuất chip cho các công ty thiết kế chip.
Ông Chang năm nay 91 tuổi, trước đây từng nghi ngờ về tính khả thi của việc mở rộng TSMC tại Mỹ, nhưng lần này ông cũng xuất hiện trong buổi lễ ở Phoenix – đứng trước một lá cờ lớn trên đó có viết dòng chữ “A Future Made in America” (Một tương lai được định hình tại nước Mỹ) – để tán thành việc mở rộng nhà máy. Xem ra dường như ông đã chấp thuận xu thế lớn về tăng cường sản xuất chip trong nước Mỹ.
Morris Chang nói: “Toàn cầu hóa gần như đã chết.” “Thương mại tự do gần như đã chết.” Ông nói rằng từ lâu ông đã mơ ước xây dựng các nhà máy bán dẫn ở Mỹ, thế nhưng thử nghiệm đầu tiên của ông vào cuối những năm 1990 định xây nhà máy tại một địa điểm ở bang Washington có tên là WaferTech, đã trở thành một “cơn ác mộng”. Về dự án Phoenix này, ông Chang nói, “chúng tôi đã chuẩn bị kỹ hơn rất nhiều.”
Cho đến nay, TSMC là “xưởng đúc” (foundry) lớn nhất thế giới, theo cách ngành công nghiệp gọi dịch vụ này, và gần đây TSMC còn tuyên bố đã làm chủ công nghệ sản xuất tiên tiến nhất. Ngoài Apple ra, nó còn có các khách hàng lớn gồm Amazon, Qualcomm, Nvidia và Advanced Micro Devices.
Những công ty trên đã không công khai tỏ ý lo lắng về việc tập trung sản xuất chip ở Đài Loan, nơi đối mặt với không chỉ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc mà còn những rủi ro liên quan đến động đất và hạn hán. Nhưng sự có mặt các nhà quản lý cấp cao một số công ty tại sự kiện hôm Thứ Ba cho thấy họ ủng hộ mạnh mẽ việc sản xuất trên lãnh thổ Mỹ nhiều linh kiện quan trọng hơn cho các sản phẩm của họ.
Người sáng lập TSMC Morris Chang, 91 tuổi, phát biểu tại nhà máy ở Phoenix. Nguồn: Adriana Zehbrauskas cho New York Times
Tại sự kiện hôm Thứ Ba, bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, đã nêu lên những lo ngại về sự phụ thuộc vào sản xuất chip ở nước ngoài.
“Tại Mỹ hiện nay chúng ta không thực sự làm ra bất kỳ con chip nào phức tạp nhất, tiên tiến nhất, tinh vi nhất thế giới”, bà nói. “Đây là vấn đề an ninh quốc gia, một lỗ hổng an ninh quốc gia. Hôm nay, chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi đang thay đổi tình hình đó.”
Các nhà phân tích và nhà quản lý ngành công nghiệp nói rằng, kế hoạch mở rộng nhà máy ở Phoenix cho thấy áp lực của khách hàng đang ảnh hưởng lớn hơn đến TSMC. Từ lâu, công ty này đã cho rằng việc tập trung sản xuất tại các “siêu nhà máy” khổng lồ ở Đài Loan là hiệu quả nhất.
Năm 2020, TSMC đã phần nào nới lỏng lập trường đó bằng cách đồng ý mở nhà máy ở Phoenix. Nhưng công ty đặt ra giới hạn về trình độ công nghệ sản xuất của nhà máy, giới hạn đó được xác định bằng cách đo kích thước bộ phận chính của các bóng bán dẫn riêng lẻ trên một con chip do công ty làm ra có thể nhỏ tới mức nào. Kích thước đó càng nhỏ – được đo bằng nanomet, hoặc một phần tỷ của mét – thì số lượng bóng bán dẫn có thể lắp trên một tấm silicon càng nhiều.
Mới đầu, TSMC đặt mức công nghệ tại nhà máy ở Phoenix là 5 nanomet. Đó là một tiến bộ so với hầu hết các con chip sản xuất năm 2020, nhưng thấp hơn mức mà TSMC sẽ sản xuất tại Đài Loan vào năm 2024, khi nhà máy ở Mỹ chuẩn bị vận hành. Kế hoạch mới sẽ nâng cấp nhà máy để sử dụng công nghệ 4 nanomet mà Apple là hãng đầu tiên chọn áp dụng. TSMC cho biết, nhà máy thứ hai tại Mỹ, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2026, sẽ có thể chế tạo chip 3 nanomet.
Intel — công ty hy vọng trong hai năm tới sẽ giới thiệu các quy trình sản xuất mới của riêng mình — không đồng ý với quan điểm của TSMC cho rằng trình độ công nghệ tại nhà máy của TSMC ở Arizona sẽ là công nghệ tiên tiến nhất tại Mỹ vào năm 2024.
“Tôi không đồng ý với quan điểm đó,” Ann Kelleher, phó chủ tịch điều hành phụ trách phát triển công nghệ chế tạo của Intel nói.
Các quan chức chính quyền tiểu bang và địa phương ở Arizona đã đồng ý cung cấp ưu đãi tài chính cho giai đoạn đầu xây dựng nhà máy của TSMC và công ty này dự kiến sẽ căn cứ theo Đạo luật CHIPS để nộp đơn xin trợ cấp liên bang cho cả hai giai đoạn.
Các nhà máy mới của TSMC không thể tự mình đáp ứng nhu cầu của Mỹ về loại chip tiên tiến. Handel Jones, nhà phân tích đứng đầu hãng tư vấn Chiến lược Kinh doanh Quốc tế (International Business Strategies) cho biết, các nhà máy của TSMC ở Đài Loan vẫn cần thiết, vì năng lực sản xuất của chúng lẫn việc chúng sẽ tạo ra công nghệ tiên tiến hơn vào năm 2026.
TSMC vận hành bốn nhà máy ở Đài Loan, mỗi nhà máy có thể xử lý tới 100.000 tấm bán dẫn (semiconductor wafers) mỗi tháng. Đối với các nhà máy ở Arizona, mới đầu TSMC cho biết nhà máy thứ nhất có thể xử lý 20.000 tấm bán dẫn mỗi tháng. Hiện nay, công ty ước tính tổng sản lượng của hai nhà máy có thể lên tới 50.000 tấm mỗi tháng, hoặc 600.000 tấm mỗi năm.
Nhưng các giám đốc điều hành công nghiệp cho biết, ngay cả các hoạt động sản xuất tương đối nhỏ ở Mỹ cũng có thể có tác dụng quan trọng, đặc biệt đối với các khách hàng cá thể như Apple hoặc đối với việc sản xuất các con chip đặc biệt quan trọng trong trường hợp khẩn cấp.
Bob LeFort, chủ tịch chi nhánh Mỹ của Infineon, một nhà sản xuất chip lớn của Đức, nói: bằng cách bổ sung công nghệ sản xuất tiên tiến hơn tại Mỹ, TSMC “sẽ giúp giải quyết các khâu yếu kém có liên quan đến tình trạng thiếu chất bán dẫn trong mấy năm qua”.
Hành động của TSMC cũng là một dấu hiệu cho thấy Đạo luật CHIPS đang tác động đến kế hoạch của các công ty lớn, không chỉ thúc đẩy họ đầu tư mà còn khuyến khích đầu tư của các công ty cung cấp công cụ và nguyên liệu sản xuất cho họ.
Raj Jammy, giám đốc công nghệ tại Mitre Engenuity, một quỹ công nghệ phi lợi nhuận, nói: “Điều đó phát đi tín hiệu đúng đắn tới toàn bộ hệ sinh thái, yêu cầu phải làm nhiều hơn nữa. Đây là một bước đi đúng hướng.”