Ngôi nhà bọc kính giữa đồi cây

THỪA THIÊN – HUẾ – Cây xanh bao bọc và che phủ xung quanh khiến ngôi nhà toàn kính như nằm giữa một khu rừng nhỏ.

Ngôi nhà hai tầng một lửng với diện tích 352 m2 nằm trên một sườn đồi ở phía tây TP Huế.

Khu vực xây dựng có địa thế thoải dần về phía trước, bao quanh là những khu vườn xanh mát. Nhóm kiến trúc sư đã lên ý tưởng về một ngôi nhà hiện đại với tầm nhìn thông thoáng, để hưởng trọn màu xanh cây cỏ và khí trời trong lành bên ngoài.

Ngôi nhà nằm tại vị trí cao nhất của khu đất và mở tầm nhìn cảnh quan ra phía chân đồi. Ý tưởng của kiến trúc sư là tạo ranh giới không rõ ràng mà ở đó con người cởi mở với thiên nhiên và thiên nhiên cũng tác động lại con người một cách cân bằng nhất.

Tầng hầm được mở ra bằng một lối đi được cắt dọc vào khu đất giúp các phương tiện giao thông có thể đi vào giữa công trình. Hai bên là lối đi bộ men theo triền dốc vào sảnh chính và sân BBQ.

Tầng một và tầng hai công trình gồm hai khối hộp xếp chồng lên nhau với nhiều khoảng trống đan xen giúp thông gió và lấy sáng. Không gian trong nhà được thiết kế với hướng mở tối đa ra bên ngoài để tận hưởng toàn bộ bối cảnh xung quanh.

Việc sử dụng vật liệu kính bao quanh nhà góp phần làm tăng tính kết nối của người sử dụng bên trong đối với các yếu tố tự nhiên và ngược lại. Các thành viên trong gia đình có thể dễ dàng tương tác với nhau khi ở các không gian khác nhau.

Tầng lửng của công trình được hình thành từ sự chênh cao độ giữa tầng hầm và tầng một. Không gian này là một khoảng trống để làm sân chơi cũng như liên kết tầm nhìn từ dưới chân đồi vào trong nhà và ngược lại.

Tất cả các không gian của công trình đều thiết kế như những căn phòng không góc. Phần góc nhà đều là các tấm kính lớn hai mặt, mở rộng không gian kéo dài ra bên ngoài, khiến cho căn nhà như một phần của tự nhiên.

Khối tầng hai được mở rộng ra phía trên tầng lửng và tầng một giúp kiểm soát được các góc nắng và tạo vùng bóng râm cho khối phía dưới.

Vùng bóng râm giữa tầng hai và tầng lửng như một khoảng đệm không khí giúp thông gió và làm mát công trình.

Ngôi nhà dành một nửa diện tích cho khoảng không gian thông thoáng, giúp con người tiếp cận với thiên nhiên, và một nửa không gian còn lại dành cho nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Các không gian được kết nối bằng một chuỗi liên kết giữa cầu thang, hành lang, sân trong từ tầng một lên tầng hai, bao quanh lõi thông tầng nằm ở trung tâm nhà. Khoảng thông tầng lớn tạo đối lưu không khí làm mát và mở rộng góc nhìn từ trong nhà ra phía chân đồi.

Ngôi nhà được làm bằng kết cấu khung thép với lớp vỏ gồm: lớp cây dây leo phủ xanh mặt tiền, lớp vỏ bê tông nhẹ lắp ghép và lớp cửa nhôm kính.

Những tấm kính bọc bên ngoài cho phép người trong nhà tiếp cận thiên nhiên dễ dàng, đồng thời không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự ồn ã bên ngoài do cách âm tốt.

Để đảm bảo sự thoáng đãng, nội thất của nhà được thiết kế tối giản với màu chủ đạo là màu gỗ. Do hạn chế màu sắc, ánh sáng được xem như một thành phần trang trí nhằm tạo ra các hiệu ứng thị giác và thẩm mỹ, đồng thời đem tới cảm giác thư thái cho gia chủ.

Có thể nhìn xuyên thấu từ phòng này sang phòng khác, khung cảnh rợp bóng cây xanh và ánh nắng xuyên qua, ngôi nhà như hòa làm một với không gian sống bên ngoài.

Những cửa sổ kính kéo dài từ sàn đến trần cho phép ánh sáng tự nhiên tràn vào không gian nội thất, khiến người sống trong nhà như được bao bọc bởi thiên nhiên xanh mát.

Hành lang với mặt tiền được phủ bởi dây leo dọc theo mái che giúp tiết chế nắng gắt hiệu quả. Mặt tiền xanh cũng tạo sự riêng tư cho không gian bên trong, có tác dụng lọc ánh sáng và làm giảm bức xạ nhiệt mặt trời từ hướng Tây.

Mỗi khu vực trong nhà đều được tính toán cẩn thận sao cho cân bằng giữa ánh sáng tự nhiên và không gian riêng tư. Giường ngủ của em bé được đặt ở vị trí với lượng ánh sáng ít hơn không gian khác.

Ngôi nhà hoàn thành năm 2021, chi phí không được tiết lộ.

Trang Vy
Thiết kế và thi công: Cote Architects
Ảnh: Hoàng Lê

4 điều chỉ nên giữ trong lòng, càng khoe càng dễ mất

4 điều chỉ nên giữ trong lòng, càng khoe càng dễ mất
Khi đến một độ tuổi nhất định, con người nên học cách sống ‘kín tiếng’, thường xuyên khoe mẽ sẽ chỉ khiến chúng ta đánh mất giá trị của chính mình.

Hạnh phúc của một người phụ thuộc vào việc người đó khiêm tốn hay tự cao. Điều cấm kỵ nhất khi làm người là tự mãn với năng lực của bản thân và phô trương những thứ mình có trước mặt mọi người. Sau những gì đúc kết được, đây là 4 điều mà theo thế hệ đi trước, chúng ta không được khoe khoang.

Điều đầu tiên: Không khoe giàu sang

Đàn ông dù giỏi đến đâu cũng phải biết giữ tiền. Khi một người trở nên giàu có, đặc biệt là sau khi anh ta vừa mới thành đạt thường sẽ bị lóa mắt bởi những ánh hào quang này. Họ sẽ phô trương sự giàu có của mình để chứng minh khả năng của mình hơn người.

Thật ra, những người như vậy rất “ngu ngốc”, đi đâu cũng khoe khoang không chỉ mang lại cảm giác phản cảm cho người khác mà còn khiến một số người ghen tị sẽ có những suy nghĩ “đạp đổ”. Đặc biệt trong khi bản thân còn đang ngủ quên trên đỉnh vinh quang, sóng gió ập đến sẽ trở tay không kịp.

Con người dù có bao nhiêu của cải cũng chỉ là phù du, thứ mà người đó thực sự được hưởng chỉ là một phần vạn.

4 điều chỉ nên giữ trong lòng, càng khoe càng dễ mất - Ảnh 1.

Khoe giàu sang mang đến nhiều mối họa. Ảnh: Sales Blog

Tiền không đáng sợ, nhưng điều đáng sợ là thái độ của con người khi đối mặt với của cải. Tiền bạc và quyền lực đôi khi có thể đưa con người ta lên quá cao, quên mất mình là ai, quên mất gốc gác như thế nào. Nhưng dù có bao nhiêu của cải đi chăng nữa thì chúng vẫn chỉ là vật ngoài thân.

Những người thực sự bản lĩnh không bao giờ cần dùng vật ngoài thân để tô điểm cho nội tại, bởi họ đủ tỉnh táo để hiểu rằng tiền bạc chỉ là một công cụ để khiến bản thân trở nên tốt đẹp hơn.

Điều thứ hai: Không khoe địa vị

Dù bạn có giỏi giang đến đâu cũng đừng tùy ý khoe khoang địa vị cao quý của mình. Trên hành trình lập nghiệp của một người luôn có sự đồng hành và hỗ trợ từ rất nhiều người khác nhau. Bởi vậy, nếu quá tự cao và luôn khoe khoang về bản thân, chúng ta có thể tự đẩy mình xuống bờ vực của sự thất bại.

Người xưa có câu “Núi cao còn có núi cao hơn”, những người thực sự thành công luôn ý thức được điều này. Thay vì đi chứng tỏ bản thân với xã hội bên ngoài, họ sẽ chọn cách im lặng và tiếp tục vươn lên đến đỉnh cao mới. Đây mới thực sự là người có “tầm vóc”.

Trên thực tế, những người thực sự xuất sắc không bao giờ khoe khoang thành tích mà chỉ bình tĩnh và nỗ lực để cải thiện. Còn người phù phiếm thì mong muốn thể hiện càng nhiều càng tốt để được người khác tâng bốc, ngợi khen.

Điều thứ ba: Không phô trương tài năng và thành tích

Núi cao luôn có núi cao hơn, người giỏi vẫn xuất hiện người giỏi hơn. Đó là lý do mà chúng ta luôn phải sống khiêm tốn và thận trọng, luôn giữ lòng nhiệt tình và ham học hỏi từ mọi người xung quanh để không ngừng tiến bộ.

Một người đàn ông bản lĩnh sẽ có cho mình một số thành tựu nhất định sau nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp. Đây là những giá trị mà họ đổi lấy bằng thời gian và công sức của chính mình. Khi đã ngồi vào một vị trí xứng đáng, họ có thể tự hào vì năng lực bản thân.

4 điều chỉ nên giữ trong lòng, càng khoe càng dễ mất - Ảnh 2.

Danh vọng chỉ là nhất thời. Ảnh: Unsplash

Danh vọng và tài sản chỉ là những điều phù phiếm, không thể theo ta đến cuối đời, cũng không thể khoe mẽ suốt đời. Khi bạn bắt đầu thể hiện tài năng của mình, bạn càng chứng minh mình là người vô giá trị. Sự ngu ngốc của cuộc đời được sinh ra từ sự kiêu ngạo, và những thất bại và bất hạnh trong cuộc sống cũng bắt nguồn từ thói tự cao.

Tài năng không cần phải công khai, và càng không đáng để khoe khoang. Việc bộc lộ quá nhiều tài năng sẽ chỉ dẫn đến sự thất bại. Người xưa nói “Người khôn ngoan không khoe tài năng”. Nếu một người luôn thích thể hiện tài năng và thể hiện sự xuất chúng của mình thì chắc chắn sẽ phải hứng chịu nhiều sự ghen ghét và đố kị.

Điều thứ tư: Không khoe hạnh phúc

Ai cũng ghen tị và không ai muốn người khác sống tốt hơn mình, khi bạn tự hào khoe khoang hạnh phúc của mình thì thực sự bạn đã trở thành cái gai trong mắt họ. Một ngày nào đó trong tương lai, điều này có thể gây ra những sự cố mà chúng ta không ngờ tới.

Trên đời này, ngoài cha mẹ thật lòng muốn chúng ta sống tốt, ngoài ra sẽ không có mấy người thực sự muốn tốt cho chúng ta. Hạnh phúc là để cảm nhận chứ không phải để “trưng bày”, đừng khoe khoang hạnh phúc một cách tùy tiện.

Dù cuộc sống có đủ đầy bao nhiêu cũng không nên dễ dàng khoe khoang bốn điều này. Những người dễ gặp thất bại nhất thường là những người không biết mặt đất cao bao nhiêu. Bởi vì người ta càng phô trương bản thân thì càng dễ thu hút sự bất bình, bất mãn và càng dễ đánh mất những gì mình khoe ra.

Khiêm tốn cũng là một loại tu dưỡng. Chỉ khi hiểu được điều này, chúng ta mới thực sự trưởng thành và gặt hái thành công.

Thùy Anh / Phụ Nữ VN

Bà xơ trước quán rượu

John mới chuyển đến Dublin được hơn tháng. Theo lời giới thiệu của người bạn, anh tìm đến một quán rượu nổi tiếng. Bởi vì quán tối nào cũng chật kín chỗ nên John quyết định đến quán vào giờ trưa. Anh không khỏi ngạc nhiên khi thấy một bà xơ đứng quanh quẩn trước cửa quán rượu.

John cố nở nụ cười và lên tiếng:

– Chào xơ! Xơ có một buổi sáng tốt lành chứ?

313838550_3409343576008286_6442764392064468433_n.jpg -0
Minh họa Ngô Xuân Khôi

Bà xơ nghiêm nghị nhìn John:

– Này anh, trước khi anh đi vào cái ổ quỷ này, anh hãy thử nghĩ xem bố mẹ mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu như họ thấy anh làm thế.

– Nhưng mà xơ ơi, bố mẹ tôi đã mất từ lâu rồi. Họ ở trên Thiên đường nhìn xuống thì làm sao mà biết tôi đi vào đâu? Chẳng có cách nào để họ nhìn thấy biển hiệu quán rượu cả.

John thử nói đùa để câu chuyện đỡ căng thẳng. Bà xơ tuy thế vẫn không thôi giọng chì chiết:

– Vậy thì anh thử nghĩ đến con cái anh xem. Chẳng có đứa trẻ nào lại muốn có người cha say xỉn cả.

– Thưa xơ, tôi vẫn còn độc thân. Đúng ra tôi còn phải đi uống rượu nhiều hơn nữa để giao lưu thì mới tìm được ý trung nhân.

– Vậy thì… Chẳng lẽ anh không nghĩ rằng rượu sẽ phá hoại não mình à?

– Xơ cho tôi hỏi thế này: Vậy xơ đã bao giờ uống rượu chưa?

Bà xơ phủ nhận ngay lập tức:

– Tôi cả đời chưa chạm môi vào chén rượu.

– Nếu vậy thì làm sao mà xơ chắc chắn được rằng rượu phá hoại não người ta?

John ngẫm nghĩ một hồi rồi nói tiếp:

– Xơ này, xơ chờ tôi một tí để tôi chạy vào quán rượu. Tôi sẽ đem ra một cốc rượu để xơ uống thử. Xơ cứ uống xem rồi cho tôi biết rượu có tác hại như xơ nói không?

– Thôi được rồi. Tôi chịu anh đấy. Nhưng mà anh định cho tôi uống thứ gì? Tôi chẳng biết gì về rượu đâu.

– Thú thật với xơ là tôi cũng không biết phải mua gì nữa… Hay là xơ uống gin nhé? Tôi thích gin lắm.

Bà xơ gật đầu:

– Được rồi, gin thì gin.

Vậy là John đi vào quán một lúc rồi trở ra với cốc rượu gin trong tay. Anh hơi ngạc nhiên khi thấy bà xơ trợn tròn mắt nốc một hơi cốc rượu. Anh bèn hỏi:

– Thế xơ thấy thế nào?

– Tôi cũng chả thấy gì khác, nhưng cái gì mà chẳng mất một lúc sau khi uống mới có tác dụng? Hay là anh để tôi đi quanh đây một lúc rồi sẽ tìm anh nói lại nhé?

Vừa thấy John bước vào quán, ông chủ quán hỏi luôn:

– Thế cái bà xơ ấy đâu rồi?

– Bà ấy bảo là phải đi lại một lúc thì rượu mới ngấm vào người.

– Tốt. Bà ấy đứng trước quán cả buổi sáng rồi – Ông chủ quán chỉ vào chai rượu gin rỗng không – Không biết vì sao mà người ta cứ mua rượu cho bà ta. Thêm anh nữa là vừa hết cái chai này”.

Vũ Công (dịch)

Truyện vui của ROY MCGOALL (Ailen) / Van nghệ CA

Chiến sự Nga-Ukraine: Kinh tế Nga “điêu đứng” vì lệnh trừng phạt

Chiến sự Nga-Ukraine: Kinh tế Nga "điêu đứng" vì lệnh trừng phạt

Kinh tế Nga gặp nhiều tổn thất nặng nề do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Sau 9 tháng chiến sự Nga-Ukraine, các chuyên gia nhận định nền kinh tế Nga đã và đang bắt đầu chịu những thiệt hại lớn.

Các ngân hàng hàng đầu của Nga đã bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, khoảng 300 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng và hàng trăm công ty nước ngoài đã rời khỏi thị trường này. Tình trạng thiếu linh kiện, phụ tùng đã cản trở ngành công nghiệp ô tô và đe dọa ngành hàng không thương mại của Nga.

Trước lệnh động viên một phần của Tổng thống Putin, hàng chục ngàn lao động tại nước này đã rời khỏi nước này, thay vì tham gia vào chiến sự Nga- Ukraine . Một dự báo của OECD được công bố trong tuần này cho rằng nền kinh tế Nga sẽ giảm 5,6% vào năm 2023.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga đã không ngăn được chiến sự tại Ukraine, nhưng cũng đã làm suy yếu vị thế của Nga với tư cách là một cường quốc thế giới, đồng thời nội bộ chính trường Nga cũng đặt nhiều nghi ngại về cuộc chiến này.

Giới quan sát cho biết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã làm gia tăng chi phí cho chiến tranh, đồng thời khiến việc đầu tư vào thị trường này ẩn chứa nhiều rủi ro. Các khoản đầu tư vào Nga từng được coi là yếu tố quyết định đối với tăng trưởng và phúc lợi của nước này, nhưng giờ đây cũng đã giảm rất mạnh.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã lên tiếng cảnh báo tình hình nền kinh tế Nga có thể trở nên u ám hơn. “Chúng tôi thực sự cần phải xem lại tình hình một cách tỉnh táo và nhìn nhận mọi khía cạnh. Chúng tôi hiểu mọi thứ có thể tồi tệ hơn”, bà Elvira Nabiullina nói.

Mới đây, Nghị viện châu Âu đã ra nghị quyết tuyên bố Nga là “nước tài trợ chủ nghĩa khủng bố”, cáo buộc lực lượng Nga có hành động chống lại dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine, vi phạm luật quốc tế và nhân đạo.

Với nghị quyết này, Nghị viện châu Âu rõ ràng đang tìm cách tăng sức ép cô lập Nga trên trường quốc tế; đồng thời gây sức ép để các nước khác, cụ thể là Mỹ, có lập trường mạnh mẽ hơn về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo ông Bruno Lété, chuyên gia cấp cao Quỹ German Marshall của Mỹ, hiện tại tác động trực tiếp đến cuộc chiến vẫn còn hạn chế. Các biện pháp trừng phạt hiếm khi tạo ra thay đổi chính trị nhanh chóng hoặc chấm dứt xung đột ngay lập tức.

Chiến sự Nga-Ukraine: Kinh tế Nga điêu đứng vì lệnh trừng phạt - Ảnh 2.

Lạm phát của Nga từ năm 2019 tới 2022. Đồ họa: Consilium.

“Với việc các lực lượng của Nga đang rút lui khỏi Kherson, điều quan trọng là phương Tây phải gia tăng áp lực. Đặc biệt, Mỹ và các đồng minh nên tiếp tục trang bị vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Ukraine”, ông Bruno Lété nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Bruno Léte cho rằng, Châu Âu nên nỗ lực hơn nữa để khắc phục các lỗ hổng trừng phạt kinh tế đối với Nga, chẳng hạn như có bằng chứng cho thấy quân đội Nga đang nhập khẩu linh kiện từ một số nước láng giềng để bù đắp cho việc mất khả năng tiếp cận với chất bán dẫn của phương Tây. Ngoài ra, cần có hành động nghiêm khắc để thực thi các biện pháp trừng phạt dầu thô của EU và trần giá dầu do Mỹ khởi xướng đối với dầu của Nga. Trên thực tế, EU và các nước thuộc khối G7 vẫn đang gặp khó trong việc thống nhất mức trần giá dầu đối với Nga.

ông Sajjan M Gohel, chuyên gia chống khủng bố, giảng viên Trường Kinh tế London (LSE) nhận định, dù có chuẩn bị và có cách thức ứng phó hiệu quả đến đâu, nhưng nền kinh tế Nga vẫn khó có thể chống chọi hoàn toàn với sóng gió trừng phạt từ Mỹ và phương Tây trong thời gian dài.

“Về cơ bản, vấn đề hiện nay là có sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu, và giữa các nước châu Âu với Mỹ trong câu chuyện trừng phạt Nga”, chuyên gia này đánh giá và nhấn mạnh, để các biện pháp trừng phạt thực sự có hiệu quả, các chính phủ phương Tây và các đối tác của họ cần phải đoàn kết với nhau. Khi đó, với sức mạnh kinh tế cùng sự thống trị trong nền kinh tế toàn cầu, Mỹ và phương Tây có khả năng gây tổn thương mạnh hơn đến Nga. Và điều này có khả năng thay đổi cuộc chiến tại Ukraine”.

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Liệu nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt Mỹ?

Các chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới khó có thể xảy ra trong tương lai gần.

Theo The Economist, cách đây vài thế kỷ, Trung Quốc từng là nền kinh tế thống trị toàn cầu. Với sự tăng trưởng vượt bậc trong vài năm qua, nhiều nhà phân tích hi vọng rằng Đại lục sẽ tìm lại được vị thế cũ. Tuy vậy, Bắc Kinh đang phải đối mặt với một số vấn đề, khiến cho viễn cảnh bắt kịp nền kinh tế Mỹ đang dần trở nên xa vời. 

Ở thời điểm hiện tại, dân số của Trung Quốc gấp 4 lần nước Mỹ, vì vậy, Bắc Kinh có thể vượt qua Mỹ về mặt quy mô, trước khi sánh ngang về mức độ phát triển. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ cần bằng 1/4 Mỹ là tổng GDP của Đại lục sẽ đứng đầu thế giới. Thực tế, Trung Quốc đã làm được điều này một cách không chính thức vào năm 2016, khi GDP năm đó đã vượt Mỹ nếu quy đổi sang đồng USD theo phương pháp sức mua tương đương.

Kinh tế Trung Quốc rất khó vượt qua Mỹ trong tương lai gần. Ảnh: AP

Mặc dù vậy, GDP thực tế của Trung Quốc vẫn bị Mỹ bỏ xa, nếu quy đổi ra tỉ giá hối đoái phổ biến trên thị trường tiền tệ. Vào năm 2021, tổng GDP của Trung Quốc là 17,7 nghìn tỷ USD, trong khi Mỹ là 23 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của Trung Quốc còn bị chững lại bởi chính sách chống Covid-19, với các cuộc phong tỏa kéo dài trên diện rộng.

Các vấn đề khác cũng kìm hãm sự phát triển của Đại lục là sự sụt giá bất động sản, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh không hiệu quả và cuộc chiến công nghệ với Mỹ. Trong năm 2021, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ấn tượng ở mức 8,1%, nhưng dự báo tăng trưởng 2022 chỉ là 3%.

Xét trong thời gian dài, quy mô dân số già của Trung Quốc sẽ làm chậm hơn nữa khả năng tăng trưởng kinh tế. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, lực lượng lao động của nước này sẽ sụt giảm 15% trong vòng 15 năm tới. Các nhà nghiên cứu của Capital Economics là những người lạc quan nhất, khi tin rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở rộng lên khoảng 87% quy mô của Mỹ vào năm 2030, nhưng rồi sẽ giảm trở lại mức 81% ở năm 2050.

Theo một dự đoán của quỹ đầu tư Goldman Sachs, tổng GDP của Trung Quốc sẽ vượt mốc 38 nghìn tỷ USD vào năm 2031, nếu tính theo giá và tỷ giá hối đoái ước lượng ở thời điểm ấy. Con số này gấp đôi tổng GDP hiện tại và sẽ biến Đại lục trở thành nền kinh tế số một thế giới. Tuy nhiên, dự báo này bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố.

Viện Lowy, một tổ chức tư vấn của Australia, đã dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt bình quân khoảng 2-3% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2050. Đây là một mức tăng trưởng không tồi, thậm chí có thể giúp họ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng rất khó duy trì vị thế này. Về cơ bản, Trung Quốc vẫn sẽ kém thịnh vượng và có năng suất đầu người thấp hơn nhiều so với Mỹ.

Phần đông các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, khả năng Trung Quốc vượt Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Bắc Kinh có thực hiện các thay đổi về chính sách kinh tế hay không. Với ảnh hưởng của Covid-19, chính sách kiềm chế nợ không hiệu quả, suy thoái của thị trường bất động sản hay tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị cao kỷ lục, Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn bắt kịp Mỹ.

Việt Dũng / Vietnam net