Nhà ba vòm giống hầm trú ẩn

HÀ NỘI – Nằm cạnh hồ giữa làng Ngọc Hà có xác máy bay B52, ngôi nhà giống như hầm trú ẩn với điểm nhìn tập trung về phía ánh sáng phía trước.

Ngôi nhà rộng 78 m2 ở phố Ngọc Hà, quận Ba Đình với mặt tiền hướng về phía hồ Hữu Tiệp – nơi có xác máy bay B52 bị bắn rơi năm 1972. Đây vốn là căn nhà cũ thiếu ánh sáng, cầu thang co cụm, cửa sổ nhỏ tối tăm, các tầng không có sự liên thông và tách rời nhau.

Gia chủ là một người cá tính, nhiều trải nghiệm nên yêu cầu kiến trúc sư cải tạo thành một ngôi nhà hướng nội, là nơi nghỉ dưỡng nhẹ nhàng nhưng sinh động. Đồng thời mọi không gian cần giữ được hơi thở thâm trầm vốn có của nhà cũ.

Từ yêu cầu này, phong cách chủ đạo mà kiến trúc sư hướng tới là sự hiện đại, làm nổi bật nét thô mộc của vật liệu cũng như gần gũi thiên nhiên.

Dấu ấn chính của công trình là ba vòm không gian lớn xuyên suốt ba tầng nhìn trọn ra hồ. Từ ngoài nhìn vào, ngôi nhà khiến mọi người liên tưởng đến hình ảnh căn hầm trú ẩn bên hồ Hữu Tiệp, thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.

Thiết kế vòm còn tạo cảm giác không có ranh giới xác định giữa tường và trần nhà, làm cho không gian như được xuyên suốt và mở rộng hơn.

Vì gia chủ không có nhu cầu để xe nên ngay từ cổng bước vào là một khu vườn rộng 15 m2 với điểm nhấn là một cây đại lớn kết hợp với những loại cây ưa mát. Toàn bộ khu vườn được rải sỏi đen tự nhiên như bước qua một bờ suối cạn. Mặt tiền tầng một được lắp cửa kính cỡ lớn, trong suốt nhìn ra hồ.

Phòng ngủ cho khách được bố trí tại tầng một kết hợp bàn bi-a là không gian vui chơi cho gia đình, bạn bè.

Hai giếng trời được bố trí ở sân sau và khu vực cầu thang, kết hợp với khu vườn phía trước giúp công trình đủ ánh sáng và gió trời.

Để kết nối không gian giữa tầng một và tầng hai, kiến trúc sư đã thiết kế khoảng thông tầng lên thẳng phòng khách, tại đó được bố trí thêm chiếc võng lưới vừa tăng tính giải trí, vừa tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.

Chiếc võng được bện hai lớp, chịu được 500 kg. Không chỉ tạo thẩm mỹ, chiếc võng lưới còn có công dụng lấy sáng cho khu vực giữa tầng một. Đây cũng nơi trung chuyển gió mát, khí trời, là nơi giao lưu của mọi người dù đứng ở hai tầng khác nhau.

Tầng hai mở hướng toàn bộ ra phía trước, nhìn ra hồ. Nhóm kiến trúc sư đã tạo sự kết nối giữa ba không gian vốn tách biệt là nhà ăn, phòng khách, nhà bếp trong cùng một căn phòng duy nhất mà không bị lệch tông.

Việc tích hợp phòng khách, chỗ ăn uống và bếp trong một phòng chung tạo sự liền mạch trong sinh hoạt để chủ nhân tận hưởng không gian sống thoải mái, dù diện tích căn hộ khá khiêm tốn.

Khu vực tầng hai giống như một sân chơi gia đình với không gian mở, nơi các thành viên có thể giao tiếp trong lúc đọc sách, chơi xích đu, ăn uống hay chuẩn bị bữa tối.

Đảo bếp như một điểm nhấn giữa không gian sinh hoạt chung khi sử dụng đá mài granito kết hợp với bàn ăn bằng gỗ xẻ tự nhiên. Cách thiết kế này vừa tiết kiệm không gian, giúp gia chủ dễ dàng di chuyển mà không lo vướng víu.

Cầu thang được thiết kế mặt bậc bằng những khúc gỗ xẻ nửa găm vào tường với các bậc thông thoáng, tạo điều kiện cho sự lưu thông không khí và ánh sáng trong nhà.

Hướng tới phong cách hiện đại nên nội thất trong nhà không sử dụng hoa văn rườm rà, thay vào đó là sự tối giản, tinh tế.

Đồ nội thất theo phong cách này được bố trí theo hướng tự do không gò bó. Màu sắc sử dụng là những tông màu trung tính, tập trung nhiều vào tận dụng ánh sáng cho không gian.

Đá xẻ hai phân tự nhiên được kiến trúc sư dùng ốp tường.

Việc sử dụng đá ốp không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà màu sắc của vật liệu gần như không thay đổi theo thời gian. Ưu điểm này thể hiện rõ ý đồ của kiến trúc sư là hướng tới những gì tự nhiên nhất.

Để giữ được vẻ thâm trầm vốn có của nhà cũ, kiến trúc sư đã sử dụng những vật liệu truyền thống như cửa chớp, mái ngói đỏ… làm cửa chính, cửa sổ, mái hiên cho công trình.

Tổng thời gian cải tạo là 6 tháng

Trang Vy
Đơn vị thiết kế và thi công: Nguyen Khac Phuoc Architects
Kiến trúc sư phụ trách: Nguyễn Khắc Phước
Hình ảnh: Triệu Chiến

Những nhà ga metro Liên Xô lộng lẫy

Taylor Weidman

Mùa hè năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử, Uzbekistan bắt đầu cho phép chụp ảnh tại các ga metro ở thủ đô Tashkent, nơi được coi là một trong những hệ thống lộng lẫy nhất thế giới.

Vô cùng phong phú

Trong thời Xô-viết, các thành phố đạt một triệu dân sẽ đạt tiêu chuẩn để có hệ thống tàu điện ngầm riêng của mình.

Các nhà hoạch định muốn tô điểm tươi đẹp cho cuộc sống hàng ngày của các công dân Liên Xô, và họ coi hệ thống metro, nơi hàng chục ngàn người đi lai mỗi ngày, là cơ hội độc đáo để thể hiện điều đó.

Năm 1977, Tashkent, thủ đô của Uzbekistan, trở thành thành phố thứ bảy của Liên Xô được xây dựng hệ thống metro.

Những chủ đề kỳ vĩ nhằm kỷ niệm lịch sử Uzbekistan và Liên bang Xô-viết được đưa vào đời sống, được đặt hàng thành các tác phẩm nghệ thuật, và các nhà thiết kế sẵn sàng bắt tay vào công việc.

Các nhà ga được thiết kế theo các chủ đề khác nhau, một số có trần làm thành mái vòm với gạch màu gợi nhớ tới các thánh đường Hồi giáo ở Uzbekistan thời Con đường Tơ lụa, một số ga khác được trang trí với đèn chùm và đá cẩm thạch để trông có dáng dấp của các phòng khiêu vũ lộng lẫy châu Âu.

Kết quả là hệ thống tàu điện ngầm của thành phố được ấn phẩm chuyên về du lịch Lonely Planet mô tả là một trong những hệ thống metro Xô-viết đẹp nhất thế giới.

Lịch sử Con đường Tơ lụa
Taylor Weidman

Ga Alisher Navoi, được đặt tên theo cây viết, nghệ sỹ người Uzbek, là một trong những trạm nổi tiếng nhất của hệ thống metro Tashkent.

Ở bên trong, các mái vòm và gạch men xanh khiến cho hành khách nhớ tới câu chuyện lịch sử Con đường Tơ lụa của Uzbekistan, với các thánh đường và trường học Hồi giáo cổ.

Đây là một trong các nhà ga bận rộn nhất Tashkent, luôn tấp nập không chỉ những người thường xuyên đi lại hàng ngày mà còn cả rất đông du khách và người dân địa phương tới đây để chụp ảnh, điều vốn bị cấm cho mãi tới tận thời gian gần đây.

Giấu kín
Taylor Weidman

Khi hệ thống metro của Tashkent được xây, việc chụp ảnh đã bị cấm trong các nhà ga bởi đó cũng là nơi có một chức năng phụ nữa: hầm trú ẩn chống bom hạt nhân.

Trong thời Xô-viết, nỗi sợ gián điệp và việc kiểm soát thông tin chặt chẽ khiến việc chụp ảnh đa phần đều bị nghi ngờ là nhằm mục đích xấu, nhất là quanh các cơ sở quân sự nhạy cảm và các hầm tránh bom.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhà cựu lãnh đạo Xô-viết của Uzbekistan, Islam Karimov, lên nắm quyền và tiếp tục áp dụng chính sách đó.

Tuy nhiên, người kế nhiệm ông Karimov là Shavkat Mirziyoyev đã bắt đầu các chính sách cải cách, tìm cách mở cửa nền kinh tế nước này và thu hút các nhà đầu tư cùng du khách tới nơi.

Có lẽ là do nhận ra tiềm năng thu hút du khách của hệ thống tàu điện ngầm mà vào giữa năm 2018, chính quyền đã bãi bỏ việc coi nơi này là các cơ sở quân sự, và dỡ bỏ lệnh cấm chụp hình bên trong vốn đã được áp dụng suốt 41 năm.

Các chủ đề trong ga
Taylor Weidman

Bên trong hệ thống Metro Tashkent, mỗi nhà ga đều có thiết kế riêng độc đáo, được trang trí bằng đá cẩm thạch, đá granite, kính, gốm và thạch cao tuyết hoa (alabaster).

Nhiều thiết kế tập trung xoay quanh một chủ đề nào đó, thường được thể hiện trong tên gọi của nhà ga.

Chẳng hạn như Ga Kosmonavtlar (trong hình) trên tuyến đường O’zbekiston nói tới các nhà du hành vũ trụ Liên Xô và kỷ niệm Chương trình Không gian Xô-viết, còn Ga Pushkin thì vinh danh cuộc đời của tác giả, nhà thơ nổi tiếng người Nga, nằm cách đó vài bến, trên tuyến đường Chilonzor.

Cuộc đua Chinh phục Không gian
Taylor Weidman

Một bức chân dung Yuri Gagarin, người đầu tiên bay vào vũ trụ, được trang hoàng trên bức tường Ga Kosmonavtlar.

Gagarin và các nhà du hành vụ trụ thời kỳ đầu nằm trong số những người anh hùng quan trọng nhất của Liên Xô, là biểu tượng cho quyền lực sức mạnh siêu cường Xô-viết trong Cuộc đua Chinh phục Không gian. Hình ảnh họ thường được miêu tả trong hoạt động tuyên truyền của Nga.

Xung quanh ông, trên các bức tường là những hình ảnh siêu thực các nhà du hành vũ trụ nổi tiếng khác đang trôi trong không gian, lẫn giữa kiểu thiết kế vị lai màu xanh và đen, tương tự như màu mà các nhà du hành vũ trụ nhìn thấy khi họ rời khỏi bầu khí quyển Trái Đất.

Giai cấp vô sản
Taylor Weidman

Theo đúng kiểu Xô-viết, sản phẩm của giai cấp vô sản cũng được kỷ niệm.

Tại Ga Pakhtakor (dịch ra có nghĩa là “Ga Hái Bông”), các hình ảnh cách điệu bông được miêu tả trong bức tranh khảm khổng lồ trên các bức tường. Liên Xô muốn phát triển Uzkbekistan thành một nước sản xuất bông khổng lồ, tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp của nước này và nắn dòng nước cho tới khi sản phẩm làm ra đáp ứng được 70% nhu cầu tiêu thụ bông của toàn Liên Xô.

Điều này đã gây ra thảm hoạ môi trường khủng khiếp: Biển Aral, nơi từng là hồ nước ngọt lớn thứ tư trên thế giới, bắt đầu bị khô cạn, khiến các loài cá trong hồ dần biến mất và các thị trấn cảng trở nên tàn lụi ở nơi từ hồ nước biến thành sa mạc.

Những đoàn tàu Xô-viết
Taylor Weidman

Bên dưới vẻ ngoài hào nhoáng này, hệ thống tàu điện ngầm của Tashken toát lên cảm giác vị lợi rất Xô-viết. Nhiều đoàn tàu vẫn còn đang hoạt động là loại tàu rất có tiếng, các toa tàu lớp 81-717/714 vốn được thiết kế trong thời giữa thập niên 1970 và được sử dụng phổ biến trong các hệ thống metro thời hậu-Xô viết.

Tính đến 2013, có 168 đoàn tàu sơn màu xanh đặc trưng của kỷ nguyên Liên Xô vẫn đang hoạt đông, nhưng chúng đang từ từ được thay thế bằng các đời mới hơn. (Credit: Taylor Weidman)

Rẻ và phổ biến
Taylor Weidman

Một lượt đi metro tốn 1.200 som tiền Uzbekistan (khoảng 10 xu Anh).

Mức giá này khiến cư dân người Uzbek với mức lương tối thiểu chỉ có 527 ngàn som một tháng (43,5 bảng Anh) có thể đi lại trong thành phố được.

Hệ thống metro cũng đang phát triển: tuyến đường thứ hai được mở vào năm 1984, và tuyến đường thứ ba được mở vào năm 2001 hiện vẫn đang tiếp tục mở rộng, với kế hoạch cuối cùng sẽ là nối liền các quận phía bắc với sân bay ở phía nam thành phố.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Chuyện về xóm Bình Khang – khu mại dâm lớn nhất Sài Gòn một thời

Chế độ Sài Gòn đã lập khu nhạy cảm từ năm 1953 và đau đầu không biết cách nào giải quyết những hệ lụy khủng khiếp từ đó.

Chuyện về khu mại dâm lớn nhất Sài Gòn trước và sau 1975

Công an Quận 10, TP HCM kiểm tra và đưa về trụ sở những người vi phạm ở khu Bình Khang vào năm 1993. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Vào năm 1993, 40 năm sau khi lập khu nhạy cảm, lúc đó đã thống nhất đất nước 18 năm, khu mại dâm lớn nhất nước này vẫn tồn tại và phát triển hơn trước. Lẽ nào chúng ta lập lại bài học sai lầm đó.

6 năm số gái mại dâm tăng lên 10 lần

Năm 1953 chế độ Sài Gòn cho tập trung các dịch vụ “nhạy cảm”, thực chất là mại dâm tại ngã Bảy, gọi là khu Bình Khang. Với ý tưởng rằng hoạt động tập trung như vậy sẽ dễ kiểm soát, hạn chế tác dụng xấu về thuần phong mỹ tục cho cộng đồng.

Nhưng khu Bình Khang lập tức rơi vào sự kiểm soát của các trùm du đãng, chính quyền bị vô hiệu hóa vì nạn hối lộ và quan trọng hơn là những người vào khu Bình Khang đều bỏ qua luật pháp mà chỉ tuân thủ các luật ngầm của giới giang hồ.

Kéo theo là cho vay nặng lãi, bảo kê, đâm thuê chém mướn… Vì nghĩ rằng chính quyền đã hợp pháp hóa mại dâm nên mại dâm bên ngoài khu Bình Khang bùng phát.

Theo thống kê của Bộ Xã hội chế độ Sài Gòn, những năm 1950 gái mại dâm chưa đến 5.000 người, năm 1968 là 10.000 người và đến 1974 tăng gấp nhiều lần.

Khu Bình Khang trở thành nỗi ám ảnh đối với người Sài Gòn không chỉ về mại dâm mà còn là nhiều tệ nạn khác như ma túy, đâm thuê chém mướn…Chính quyền Sài Gòn ra sức dẹp bỏ truy quét nhưng không làm gì được mà còn phát sinh khu tệ nạn mại dâm, ma túy tương tự là Cây Da Xà.

Đến 1993 vẫn rất đông vui

40 năm sau khi Bình Khang ra đời, năm 1993, tôi quay lại khu này để viết phóng sự, cứ nghĩ sẽ là những khu phố văn hóa vì đã 18 năm thống nhất rồi. Nhưng không. Khu mại dâm Bình Khang xưa, bây giờ dân chơi gọi là khu Cây Điệp ngã Bảy mại dâm càng đông vui hơn.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 500 – 1.000 khách đến đây mua dâm, đủ hạng người, từ lao động chân tay, đến trí thức và nhà giàu… Giá bán dâm rẻ đến đáng ngạc nhiên, chỉ 5.000 đồng, bằng với dĩa cơm bình dân, hay ổ bánh mì thịt… theo thời giá.

Bài viết “Động mại dâm Bình Khang – ngã bảy sau 40 năm?” trên báo Tuổi Trẻ 25/3/1993.

Công an phường, quận vò đầu bứt tóc đứng ngồi không yên. Tất cả đều chuyên nghiệp, chúng tôi có trong tay danh sách 17 chủ chứa còn gái mại dâm thì không có cách nào thống kê hết.

“Công xưởng” tình dục hoạt động nhộn nhịp với đủ loại dịch vụ kéo theo như giặt ủi, bán cơm, bán nước, giữ xe, cảnh giới, bán thuốc chữa “bệnh kín”… “Nhà băng”, tín dụng đen cũng ngồi ngay trong hẻm, không cần giấy tờ gì cả…

Có 26 chủ hộ làm dịch vụ “hậu cần” cho “công xưởng” tình dục, nhân viên là hàng trăm con em còn mặc nguyên đồng phục học sinh bưng bê trà đá, bia lạnh, khăn nóng, khăn lạnh…

Khi phóng sự “Động mại dâm Bình Khang ngã Bảy sau 40 năm” được tung ra, mọi biện pháp tổng lực được áp dụng nhưng đến 1995, cơ bản mới xóa được khu này, khi các chủ chứa dọn nhà đi nơi “êm” hơn để hoạt động.

Tình hình khu Cây Da Xà cũng tương tự và bị xóa cùng thời gian. Đây là thời đoạn gian nan cho chính quyền TP đặc biệt là ngành công an.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Qatar được lợi gì khi đăng cai World Cup 2022?

Giới phân tích nhận định, Qatar đã nhắm tới các mục tiêu lớn hơn, thay vì chỉ những lợi ích kinh tế đơn thuần khi chi tiêu số tiền kỷ lục để tổ chức World Cup 2022.

Qatar đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên đưa sự kiện thể thao được theo dõi nhiều nhất hành tinh đến Trung Đông. Nước chủ nhà World Cup 2022 cũng tạo lập kỷ lục mới khi khiến sự kiện trở thành giải đấu đắt giá nhất lịch sử vì tiêu tốn hơn 200 tỉ USD cho công tác tổ chức, lớn hơn 4,1 lần tổng chi phí tổ chức 8 kỳ World Cup gần nhất từ năm 1990 – 2018 (48,6 tỉ USD).

Ảnh: FIFA Qatar

Phần lớn số tiền được Qatar dùng để xây dựng 7 sân vận động mới và cải tạo một sân vận động có sẵn, thiết lập hệ thống tàu điện ngầm tối tân, kết nối các sân với nhau cũng như phát triển cơ sở hạ tầng, nhà hàng, khách sạn… Nhà chức trách cũng chi hàng tỉ USD cho công tác an ninh, dịch vụ công cộng và nhiều tiện nghi khác dành cho 1,2 triệu du khách đến đây trong một tháng diễn ra World Cup.

Tuy nhiên, theo CNBC, Qatar dự kiến chỉ đạt doanh thu trực tiếp khoảng 4,7 tỉ USD, không đủ bù lỗ chi phí đã bỏ ra. Lí do vì, phần lớn doanh thu từ bán bản quyền truyền hình, hoạt động tiếp thị, thương mại, tiền bán vé và các dịch vụ khác từ sự kiện sẽ chảy về túi Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).

FIFA tất nhiên phải tài trợ một phần kinh phí tổ chức World Cup 2022, nhưng con số 1,7 tỉ USD, bao gồm cả 440 triệu USD tiền thưởng là quá nhỏ so với vốn đầu tư của Qatar.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Wilson (Mỹ), Qatar vẫn quyết tâm giành quyền đăng cai World Cup, vì họ coi đây một bước đi chiến lược nhằm giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế và chính sách đối ngoại của đất nước.

Giám đốc điều hành truyền thông của Ủy ban Tối cao về chuyển giao và di sản Qatar Fatma Al Nuaimi từng phát biểu: “World Cup là một phần của Tầm nhìn quốc gia Qatar 2030, kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ nhằm phát triển đô thị, hạ tầng, công nghiệp quốc gia và hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe”. Số tiền 200 tỷ USD nằm trong ngân sách phục vụ chiến lược này và hạ tầng phục vụ World Cup có thể được tận dụng để thúc đẩy kinh tế – xã hội nếu được quản lý một cách đúng đắn.

Dù có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ 3 thế giới và là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu, nhưng Qatar đã đặt mục tiêu phát triển nền kinh tế phi năng lượng, bền vững với tham vọng trở thành một trung tâm kinh doanh và du lịch của khu vực.

Đăng cai World Cup là chìa khóa để Qatar hiện thực hóa tham vọng trên, đồng thời là dịp chia sẻ với thế giới về nền văn hóa, các đặc trưng về đất nước, con người cũng như quảng bá tên tuổi đến khắp hành tinh. Việc đó cũng có thể giúp quốc gia này xây dựng hình ảnh là đối tác thịnh vượng, có trách nhiệm và đáng tin cậy trên trường quốc tế, thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và bảo đảm được an ninh. Al Jazeera mô tả đây là một loại “quyền lực mềm” của bóng đá.

Một lợi ích nữa là, với tư cách nước chủ nhà, đội tuyển quốc gia Qatar đã có suất tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh dù chưa bao giờ đủ điều kiện tham dự vòng chung kết của các kỳ World Cup trước đó. Trong xếp hạng mới nhất của FIFA, đội Qatar chỉ đứng thứ 46 thế giới và thứ 5 châu Á.

Một số nhà phân tích nhận định, là đất nước có GDP bình quân đầu người nằm trong top 10 thế giới, Qatar rõ ràng không đặt ưu tiên vào việc kiếm lời từ World Cup. Quốc gia chỉ có 2,9 triệu dân này muốn dùng chi phí “khủng” để đổi lại những lợi ích lâu dài khác về kinh tế – địa chính trị.

Tuấn Anh / Vietnam Net

Putin chỉ có thể thắng ở Ukraine nếu Trump trở lại nắm quyền?

François Heisbourg cho rằng việc Nga liệu có thua trong cuộc chiến ở Ukraine hay không phụ thuộc chủ yếu vào Hoa Kỳ. Nhà địa chiến lược nổi tiếng thế giới là người am hiểu sâu sắc về các chi tiết của việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn, ông đã tiên đoán về các diễn biến tiếp theo của cuộc chiến này.

François Heisbourg, 73 tuổi, là cố vấn tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và Quỹ Paris về Nghiên cứu Chiến lược (FRS), và được coi là một trong những nhà địa chiến lược nổi bật nhất trên thế giới. Ông từ lâu đã đóng góp cho việc xây dựng học thuyết quốc phòng của Pháp. Không lâu trước khi quân đội Nga xâm lược Ukraine, ông đã xuất bản cuốn sách mới nhất của mình, The Return of War (Sự trở lại của chiến tranh).

Hỏi: Thưa ông Heisbourg, gần đây ông đã tới Trung tâm hậu cần ở Ba Lan, nơi tập kết các lô vũ khí cung cấp cho Ukraine. Ông đã rời nơi đó với những cảm nhận như thế nào?

Đáp: Tôi thấy hoạt động của châu Âu không tệ như người ta thường đề cập. Chúng ta cung cấp hơn một nửa số vũ khí đã được chuyển giao, Hoa Kỳ cung cấp 49%. Người Pháp đã nhiều lần bày tỏ nghi ngờ về phương pháp thống kê các vụ chuyển giao vũ khí do các viện nghiên cứu khác nhau công bố. Đôi khi có sự lẫn lộn giữa những lời cam kết cung cấp vũ khí, đạn dược với số vũ khí đã thực sự được chuyển giao. Đó là lý do vì sao tôi đã trực tiếp đến tận nơi để xem xét việc chuyển giao vũ khí trong thực tế, số lượng chuyển giao được quy ra tấn. Chúng ta hãy nghĩ nơi này tương tự như một trung tâm phân phối của tập đoàn Amazon. Việc giao hàng đến ở một bên, được sắp xếp và rời khỏi trung tâm ở phía bên kia để đưa tới Ukraine. Trong bảy tháng đầu tiên của cuộc chiến, khoảng một triệu tấn vũ khí và đạn dược đã được chuyển qua kênh này. Tôi rất tiếc, Pháp chỉ đóng góp một tỷ lệ quá khiêm tốn, 1,4%, xếp hàng thứ 9, thật đáng xấu hổ. Ba Lan cung cấp nhiều nhất, chiếm 20%, Đức chiếm 9%.

Hỏi: Ở Đức đang có một cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu như vậy đã đủ chưa. Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Đức?

Đáp: Nước Đức thường bị chỉ trích vì các quy trình làm việc quá quan liêu và chậm trễ, thêm vào đó là các vấn đề về chính trị, nhưng cuối cùng Đức đã tham gia cung cấp. Cung cấp rất nhiều! Berlin đã làm việc này thật tuyệt vời. Vấn đề không chỉ là cung cấp vũ khí, quan trọng hơn là thời điểm cung cấp. Hệ thống phòng không Iris-T SLM đã đến Ukraine trước các hệ thống khác, vào đúng thời điểm đầu tháng 10, giúp Kiev hạn chế tổn thương trước các cuộc không kích của Nga.

Hỏi: Những gì Đức hiện đang cung cấp có đủ không?

Đáp: Tôi không thuộc những người đang kêu gọi tăng gấp đôi hoặc gấp ba số lượng vũ khí cần chuyển giao. Nếu các chuyến vũ khí tiếp tục như hiện nay, về mặt lý thuyết, nó sẽ tạo điều kiện để Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Trong tám tháng, Ukraine đã lấy lại được một nửa số lãnh thổ mà người Nga đã cướp của họ. Nếu tiếp tục đà này, năm tới họ sẽ lấy lại được mọi thứ. Nhưng đây chỉ là một phép tính đơn giản hóa và do đó có thể sai. Vấn đề không phải là cần nhiều vũ khí hơn, mà là cần có các chủng loại vũ khí khác nhau để thích ứng với những thay đổi của tình hình. Tuy nhiên, tôi thấy xấu hổ vì viện trợ tài chính trực tiếp của Hoa Kỳ cho Ukraine nhiều hơn gấp đôi so với viện trợ tài chính của châu Âu. Điều này thật khó hiểu đối với tôi.

Hỏi: Với những thất bại mà ông ta phải gánh chịu, liệu Putin có dám sử dụng vũ khí hạt nhân không?

Đáp: Tôi không biết, và có thể chính bản thân Putin cũng không biết. Nhưng nếu người ta muốn biết chắc chắn về rủi ro, thì người ta phải phân tích không chỉ ý nghĩa của nó đối với chúng ta mà cả đối với Putin nữa. Đối với chúng ta, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ là một cơn địa chấn kinh hoàng. Nền kinh tế thế giới sẽ sụp đổ. Nhưng nó có ý nghĩa như thế nào đối với Putin? Trung Quốc sẽ rất tức giận. Ấn Độ, đối tác quan trọng thứ hai của Nga, thậm chí còn phẫn nộ hơn nữa. Thứ hai, ông ta cũng sẽ phải tự hỏi liệu quả bom nguyên tử đó có thực sự hoạt động theo cách mà ông ta tưởng tượng hay không.

Kể từ vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki, không có ai sử dụng vũ khí hạt nhân. Ai dám nghiêm túc tuyên bố điều gì sẽ xẩy ra? Theo thông tin của chúng tôi, trong một thời gian khá dài, người Nga đã không sản xuất vũ khí hạt nhân mới. Điều đó có nghĩa là chúng đã được cất giữ trong kho một thời gian dài. Chúng đáng tin cậy đến đâu? Tình hình thời tiết có vai trò gì? Điều gì xảy ra nếu quả bom rơi xuống thấp và gần như phát nổ trên mặt đất? Bụi phóng xạ, tồn tại trong thời gian ngắn nhưng bức xạ cao, có thể lan ra khắp thế giới và cũng sẽ lan sang nước Nga. Tại sao Putin lại phải chấp nhận rủi ro đó?

Hỏi: Liệu có đúng không khi nói về một “ngày tận thế” hạt nhân như lời Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, sau khi Putin hầm hè vung thanh kiếm hạt nhân?

Đáp: Đối với tôi, một trong nhiều điều bí ẩn của cuộc chiến này là tại sao một người như Biden, từng trải nghiệm Chiến tranh Lạnh, lại rút ra được rất ít các bài học từ cuộc chiến đó. Biden đã có phản ứng giống như Barack Obama khi đối mặt với lằn ranh đỏ ở Syria, ông ấy không phải như John F. Kennedy hay Ronald Reagan trong các cuộc khủng hoảng lớn của Chiến tranh Lạnh, khi mối đe dọa hạt nhân rất hiện hữu. Ông ta không áp dụng các quy tắc nổi tiếng đã phát huy hiệu quả cao vào thời điểm đó.

Hỏi: Có nghĩa là?

Đáp: Tôi nêu một ví dụ: Nếu ta biết các lối thoát hiểm trong rạp hát bị chắn, thì đừng đứng trong hội trường đông đúc và hét toáng lên: Cháy! Cháy!, để rồi chờ xem những gì sẽ xảy ra sau đó. Chính xác là ông Biden đã hành động như vậy khi cảnh báo Putin về một “ngày tận thế hạt nhân”. Làm như vậy, ông ta đã ra hiệu cho Putin hãy tiếp tục hù dọa, rằng ông ta chấp nhận để Putin đe dọa mình và sẽ sợ hãi cúp đuôi ù té chạy.

Hỏi: Ukraine có khả năng nào để đánh bại Nga hay không?

Đáp: May mắn là một yếu tố quan trọng, nhưng thường bị coi nhẹ trong chiến tranh. Và không giống như các chuyên gia khác, tôi mong muốn một mùa đông khắc nghiệt, bởi vì khi đất khô, đóng băng cứng lại mới đảm bảo khả năng cơ động của xe tăng chiến đấu và các phương tiện chủ lực vận chuyển bộ binh. Điểm quan trọng thứ hai là cắt đứt hoặc ít nhất là giảm khả năng thông thương trên bộ giữa Donbass và Crimea. Bởi hiện tại quân Nga đang được bổ sung lực lượng qua dải đất hẹp ven biển Azov, do cầu Crimea chưa được sửa chữa hoàn toàn nên chưa đủ khả năng hoạt động như trước đây. Nếu được như vậy, mọi thứ có thể trở nên căng thẳng về mặt chính trị đối với Moscow. Ngoại trừ có một thỏa thuận bẩn thỉu với Donald Trump, nếu Trump có thể tái đắc cử, và trường hợp một nước Nga chiến thắng, tôi chỉ thấy một kết cục có thể xảy ra, đó là một trong hai chính phủ phải sụp đổ.

Hỏi: Putin còn có khả năng chiến thắng về quân sự trong cuộc chiến này không?

Đáp: Chỉ khi Trump trở lại nắm quyền và người Mỹ quay lưng lại với Ukraine. Tuy nhiên, nếu xu hướng tiếp tục như hiện nay, Putin không thể thắng. Nhưng thật khó để dự đoán. Kiev ước tính chỉ riêng trong ngày 4/11 đã có 840 binh sĩ Nga thiệt mạng. Đành rằng cần thận trọng với các con số kiểu này, nhưng con số này tương tự như tổn thất của Pháp trong Thế chiến thứ nhất! Dù Putin mới đây đã đưa 40.000 binh sĩ đến Ukraine, nhưng nếu 800 người chết mỗi ngày, sau 50 ngày sẽ không còn ai trong số này. Vả lại, Putin có thể tính sai về Trump. Nếu ông này không tái đắc cử, Putin sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ của chính chế độ của ông ta, hay một cái gì đó tương tự như vậy.

Hỏi: Một viễn cảnh có vẻ xa vời…

Đáp: Với tôi thì một cuộc đảo chính thực sự khó xảy ra. Tôi thiên về sự phản đối của người dân, nhưng điều đó cũng chưa hiển hiện trong nay mai. Người ta luôn cho rằng chiến tranh là bom rơi, đạn nổ, gươm giáo vung lên và sự phẫn nộ. Đúng là như vậy. Nhưng yếu tố con người có ý nghĩa quyết định. Chiến tranh cũng là sự tập trung cao độ, phi thường của một vài quyết định vào tay một nhóm nhân vật nhất định.

Hỏi: Yếu tố con người trong trường hợp Putin là đặc biệt khó lường, có phải như vậy không?

Đáp: Putin không phi lý trí khi theo đuổi mục tiêu của mình. Mà chính các mục tiêu mới hoàn toàn không hợp lý. Thực tế, chúng ta không được nhầm lẫn Putin với Hitler, nhưng có một điểm Putin giống Hitler: đó là sự ảo tưởng trong mục tiêu chiến tranh. Cuốn “Mein Kampf” (Cuộc đấu tranh của tôi) của Putin là một bài viết dài 7.000 từ, trong đó ông ta bóp méo, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận quyền tồn tại của người dân Ukraine. Đó là lý do duy nhất khiến ông ta cho rằng quân đội của mình có thể thong dong tiến đến Kiev trong vòng vài ngày mà không gặp một sự kháng cự nào.

Nguồn: “Kann Putin diesen Krieg noch gewinnen? – „Nur wenn Trump wieder an die Macht kommt“”, WELT, 20/11/2022.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài / Nghiên cứu Quốc Tế