Hai khách sạn Việt được báo Mỹ gợi ý ‘đến ngay và luôn’

Hai địa điểm được tạp chí Afar nhắc đến cho kỳ nghỉ cuối năm là Capella Hà Nội và Regent Phú Quốc.

Afar, tạp chí lớn về du lịch của Mỹ, vừa liệt kê các khu nghỉ dưỡng “nên đến ngay và luôn dịp cuối năm” tại châu Á gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Mông Cổ, Maldives, Ấn Độ và Nhật Bản. Đây là đều những nơi lưu trú được lựa chọn dựa trên tiêu chí: mới mở, có khung cảnh đẹp, thiết kế gợi cảm hứng…

Cái tên đầu tiên tại Việt Nam được nhắc đến là khách sạn Capella Hà Nội. Nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, khách sạn chỉ cách hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ vài trăm mét. Du khách có thể thưởng thức các món ăn đường phố nổi tiếng và nhìn ngắm cuộc sống thường nhật của người địa phương. Khách sạn được đánh giá có không gian xa hoa, được trang trí từ nhiều kỷ vật của các nghệ sĩ trong nước. Giá phòng từ 12 triệu đồng. Ảnh: Capella Hanoi

Đại diện thứ hai của Việt Nam là Regent Phú Quốc, nằm ở bãi Dài, thị trấn Dương Tơ, đảo Phú Quốc. Khu nghỉ dưỡng biển từng nhận nhiều giải thưởng, có sân chơi dành riêng cho trẻ em. Du khách có thể tham gia các hoạt động trên biển như lặn với ống thở, lướt ván buồm và đi xe đạp trong khuôn viên cây cối xanh mát… Giá phòng từ 9 triệu đồng.

Tại Thái Lan, Standard – Bangkok Mahanakhon nằm ở Bangkok được nhắc đến trong danh sách gợi ý. Khách sạn mới khai trương cuối hè với 155 phòng, có nội thất trang trí cầu kỳ. Đồng phục nhân viên cũng có màu sắc rực rỡ, bắt mắt để ton sur ton với thiết kế khách sạn. Nơi đây có sáu nhà hàng, phục vụ đồ Trung Quốc, Thái Lan… Giá phòng từ hơn 5 triệu đồng.

Các địa điểm khác ở Thái Lan được nhắc đến gồm Capella Bangkok, Four Seasons Hotel Bangkok nằm ngay cạnh sông Chao Phraya hay khu nghỉ dưỡng InterContinental Khao Yai nằm ở Khao Yai. Ảnh: Booking

Tại Mông Cổ, nơi được đánh giá cao là Nomadic Expeditions Wilderness Camp. Từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9, khi khoảng 900 gia đình di cư qua đồng cỏ trên núi Tsambagaray, du khách có thể ở trong 10 ger (lều truyền thống) được thiết kế bằng vải dệt truyền thống trang trí công phu, sưởi ấm bằng bếp củi. Trải nghiệm này được cung cấp bắt đầu từ tháng 7. Ngoài thưởng thức ẩm thực địa phương, du khách cũng có thể đi bộ và cưỡi ngựa khám phá. Ảnh: Scott Dunn

Nằm trong khu rừng cách Ubud (Bali) gần 20 km và dọc theo sông Ayung là khu nghỉ dưỡng Buahan – Banyan Tree Escape. Nơi đây có tầm nhìn ra một thác nước gần đó và các núi lửa nổi tiếng của Indonesia.

Khu nghỉ dưỡng này được đánh giá là nơi lý tưởng dành cho những du khách thích tìm nơi ẩn dật để thư giãn. 16 căn nhà được dựng từ gỗ ulin gây ấn tượng mạnh nhờ các căn phòng không có tường hay cửa. Thay vào đó, khi muốn riêng tư, khách có thể kéo các tấm mành che xuống. Giá phòng từ 17 triệu đồng. Ảnh: Booking

Kai Yufuin, nhà nghỉ suối nước nóng đẹp như tranh nằm ở tỉnh Oita là cái tên đầu tiên được Afar nhắc đến khi giới thiệu về các khu nghỉ dưỡng Nhật Bản. Nơi này gồm hơn 40 phòng, khai trương từ tháng 8 và có tầm nhìn ra các thửa ruộng bậc thang. Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm các điểm lưu trú khác ở Nhật cũng được Afar đánh giá cao như KAI Poroto, Ritz-Carlton, Nikko, Roku Kyoto… Ảnh: Hotels

Nếu dừng chân tại Ấn Độ, bạn không nên lỡ cơ hội trải nghiệm một đêm tại Six Senses Fort Barwara. Khách sạn khai trương từ tháng 2/2021, gồm 48 phòng nằm tại tỉnh Rajasthan, cách Jaipur 3 tiếng đi xe. Khách sạn được cải tạo từ một pháo đài có từ thế kỷ 14 với quy mô hoành tráng. Giá phòng từ 22 triệu đồng. Ảnh: Booking

Một trong những khu nghỉ dưỡng mới khai trương tại Maldives là Joali Being. Nơi này được xây dựng dựa trên nguyên tắc ít gây xáo trộn nhất đến môi trường tự nhiên, gần một khu rừng nhiệt đới. Khu nghỉ mang màu trầm, với 68 biệt thự nằm trên biển Ấn Độ Dương. Giá một biệt thự gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm Patina Maldives, cũng là một khu nghỉ mới khai trương với 110 biệt thự ven biển. Ảnh: Booking

Anh Minh (Theo Afar) / Vietnam Express

Murakami và một lời giải thích cho tâm thức cái ác của Nhật Bản hiện đại

Cái ác của nước Nhật đến từ đâu? Tại sao sự phát triển và giàu có cũng không khiến cho con người bớt cuồng loạn và cực đoan? Thứ gì đang ngầm ẩn bên dưới những đô thị hiện đại ấy, khiến một số kẻ không thôi bị ám ảnh bởi máu?

“Hôm đó là Thứ hai, ngày 20. 3.1995, một sáng xuân tươi đẹp quang đãng… Hôm trước là Chủ nhật, hôm sau là Xuân phân, một ngày quốc lễ. Kẹp giữa cái mà lẽ ra phải là một kỳ nghỉ cuối tuần dài, bạn có thể đang nghĩ, “Mình ước gì không phải đi làm hôm nay”. Không may mắn như thế đâu… Bạn lên tàu, đông như vốn dĩ. Không có gì khác thường… Cho tới khi một người cải trang thọc đầu nhọn của chiếc dù lên sàn toa, chọc thủng vài túi chất dẻo chứa thứ chất lỏng lạ…” – đó là những dòng Murakami đã viết trong cuốn sách điều tra – phi hư cấu mang tên “Ngầm”, về một trong những sự kiện ám ảnh nhất của nước Nhật hiện đại, khi các thành viên giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo đã đầu độc những người dân thường bằng khí độc sarin khiến hàng ngàn người bị thương.

Nhà văn Nhật Haruki Murakami

Một nước Nhật thịnh vượng và giàu có, một trong những đất nước an toàn nhất thế giới nếu bỏ qua những thảm họa tự nhiên mà chỉ tính đến nạn tội phạm, thế rồi giữa đất nước ấy, một vài kẻ điên rồ nào đó không biết từ đâu xuất hiện, phá tan sự an ổn chỉ bằng một vài chiếc túi độc, hay mới đây, một phát súng vào ngực vị chính trị gia lỗi lạc bậc nhất – dù ông đã từ bỏ chính trường.

Cái ác của nước Nhật đến từ đâu? Tại sao sự phát triển và giàu có cũng không khiến cho con người bớt cuồng loạn và cực đoan? Thứ gì đang ngầm ẩn bên dưới những đô thị hiện đại ấy, khiến một số kẻ không thôi bị ám ảnh bởi máu?

Năm 1981, Haruki Murakami lúc này mới bắt đầu viết văn toàn thời gian và cuốn sách đầu tiên ra đời trong thời kỳ này là “Cuộc săn cừu hoang”, câu chuyện về một người đàn ông thành thị với cuộc sống tẻ nhạt, không có gì đặc biệt, bất chợt vì một tấm bưu thiếp hình một đàn cừu mà vướng vào cuộc phiêu lưu đi tìm con cừu có hình sao trên lưng, theo yêu cầu của tay áo đen độc ác, trợ lý của Ông Chủ bí hiểm.

Con cừu hóa ra là một kiểu ý niệm được hữu hình hóa, với “một kế hoạch vĩ đại nhằm thay đổi nhân tính và thế giới loài người”. Nó nhập vào con người, lợi dụng họ, khi đã xong việc, nó sẽ rời bỏ cái xác rỗng ấy và lại kiếm tìm một kẻ khác. Nó lấy đi mọi thứ, ý thức, giá trị, tình cảm, nỗi đau, nó đẹp đẽ khiến ta phát cuồng nhưng xấu xa đến mức làm ta sởn tóc gáy. Khi ấy, Murakami không đưa ra một định nghĩa cụ thể nào mà chỉ mô tả thật mơ hồ con cừu độc nhất vô nhị này nhưng ta cảm nhận được nó liên quan đến một cái ác cao cấp, một tâm thức có tổ chức chiếm lĩnh và điều khiển con người trong sự tàn nhẫn vô biên của nó. Trong một đoạn lướt qua, nhà văn đã mô tả ngôi làng nơi con cừu đang trú ngụ đã từng là nơi nhận trợ cấp chính phủ để nuôi cừu làm áo len cho những người lính đi gây chiến tại Trung Quốc. Nói cách khác, con cừu hiền lành, con cừu ngây thơ là hình bóng của hệ thống cái ác ngầm.

Thế nhưng, phải nhiều năm sau, khi đã rời khỏi Nhật Bản và tạm sống ở Mỹ, khi đã có một khoảng cách nhất định với quê hương, Murakami mới thực sự “ngắm nghía” tâm thức về cái ác của nước Nhật. Bất cứ ai nói rằng ông là một nhà văn đã ly cách khỏi những gì làm nên một người Nhật thực thụ, coi thường ông như một nhà văn Nhật ăn mì spaghetti và gà rán KFC sẽ phải nghĩ lại khi họ đọc “Biên niên ký chim vặn dây cót”, có lẽ là cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của ông. Có thể trong văn chương ông không có hoa anh đào, không có geisha, không có mono aware, nhưng Murakami vẫn đi tới cùng để hiểu tại sao cái ác không buông tha người Nhật. Cái ác mà ông khảo cứu không phải kiểu cái ác sinh ra từ cái đẹp như trong “Bức bình phong địa ngục” của Akutagawa, “Đẹp và buồn” của Kawabata hay “Kim các tự” của Yukio Mishima. Đó là một cái ác không chút nên thơ, không liên quan gì tới nghệ thuật mà là cái ác thuần túy nhất.

Trong hơn 100 trang của “Biên niên ký chim vặn dây cót”, Murakami đã tưởng tượng về cuộc chiến tại Nội Mông với những trường đoạn thảm sát khiếp đảm. Chính những dư âm từ cuộc giết chóc người Trung Quốc của binh lính Nhật là thứ mà nhân vật chính, anh chàng Toru Okada đang sống một đời tưởng rất bình thường trong một đô thị Nhật Bản, phải vượt qua trước khi kết nối lại được với chính mình. Hành trình đi tìm con mèo, rồi đi tìm người vợ mất tích của một người đàn ông trung niên thất nghiệp chấp chới vô phương trong cuộc sống, cuối cùng trở thành hành trình lần lại những ảnh tượng nguyên thủy, những di sản tâm linh từ lịch sử dự phần trong trí óc anh ta, trở thành bóng ma cái ác bám dính lấy anh ta, dù anh ta là một kẻ chẳng liên quan và đã sống sau những sự kiện hàng chục năm. Nói như Jay Rubin, dịch giả quan trọng của Murakami: “Thứ lao vào nhân vật kể chuyện từ sâu thẳm ký ức cá nhân của anh ta chính là quá khứ cận đại đen tối và bạo lực của Nhật Bản. “Nó đều ở tất cả trong tôi: Trân Châu Cảng, Nội Mông, bất cứ cái gì”, Murakami nói về mình như thế”.

Có gì đó bị trống rỗng và khuyết thiếu bên trong một vài người Nhật, khiến họ tìm đến giá trị của cái ác để được lấp đầy, khiến họ mở cửa tâm trí cho phép “con cừu” nương trú để nhận được cảm giác đầy đủ về quyền lực, về ý chí, về sức ảnh hưởng, dù chỉ là sự đầy đủ giả tạo. Những thành viên của tà giáo đã tấn công thường dân Nhật Bản vào năm 1995, trong cuộc phỏng vấn riêng với Murakami, đã thừa nhận với ông rằng: “Những người lớn khôn trong các gia đình hạnh phúc thì chắc sẽ không gia nhập giáo phái Aum đâu”. Họ đã ký thác cái tôi của mình cho một thứ lớn hơn và đó là con đường ngắn nhất dẫn ta đến một cái ác vô song ta không thể nào kiểm soát.

Một trong những chương sách hay nhất mà Haruki Murakami từng viết ra nằm trong tiểu thuyết “Kafka bên bờ biển”, kể về cuộc gặp gỡ siêu thực giữa một ông già chậm phát triển trí tuệ nhưng biết nói chuyện với mèo và một người đàn ông bí ẩn tự nhận là Johnny Walker, kẻ bắt cóc những con mèo rồi lấy đầu của chúng. Johnny Walker đưa ra một yêu cầu thật điên rồ, rằng ông già phải giết mình, bằng không, y sẽ giết từng con mèo ông quen trước mặt ông. Ông già khăng khăng mình chưa từng giết ai và cũng không có ý định ấy, nhưng Johnny Walker thuyết phục:

“Chẳng ai bận tâm ta có muốn giết người hay không. Mà chỉ là một việc ta phải làm. Còn không chính ta sẽ là người bị giết. Đoàng! Lịch sử con người bản chất chỉ có thế thôi”.

Nói rồi, hắn lôi từng con mèo trong bao tải ra, xé chúng làm đôi và ăn trái tim chúng. Chẳng còn cách nào khác để ngăn lại, ông già hiền lành và ngu ngơ buộc phải đâm chết kẻ kỳ quái kia. Một chương sách hài hước mà cũng thật khủng khiếp về sự mời gọi không thể tránh khỏi của cái ác.

Khi nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe khai rằng y đã giết ông vì ôm mối hận với một giáo phái mà y cho rằng có liên hệ với ông, vì giáo phái ấy đã tẩy não mẹ y và khiến gia đình y tan nát, tôi chợt nghĩ đến chương truyện này của nhà văn nổi tiếng nhất Nhật Bản hiện tại. Tất nhiên, nghi phạm kia không phải ông già ngốc Nakata, vị cựu Thủ tướng Nhật Bản cũng chẳng phải người giết những chú mèo hay bất cứ sinh vật vô tội đáng thương nào, thực tế cũng không phải tiểu thuyết, không gì biện giải được cho tội ác vô nghĩa của hung thủ, nhưng như Murakami vẫn nói, chia phe “địch” và phe “ta” thì dễ quá, cái ông muốn biết là “chúng ta có từng trao phó phần nào con người mình cho một hệ thống hay trật tự to lớn hơn? Và nếu như thế, có một lúc nào hệ thống kia đòi hỏi chúng ta một vài kiểu “loạn trí” hay không? Có phải câu chuyện mà giờ đây ta sở hữu thật sự và đích thị của ta nữa hay không? Các giấc mơ của ta có thật sự là giấc mơ của chính ta không?”.

Cái ác không phải một tế bào đơn lẻ sống riêng trong mỗi cá nhân, cái ác của người này luôn có sự “thần giao cách cảm” với cái ác của kẻ khác, cái ác này khơi lên cái ác kia như những quân domino, cái ác của một giáo phái không chỉ giật dây cái ác của những kẻ thuộc về giáo phái mà còn giật dây cái ác của một kẻ căm thù giáo phái, cái ác có khả năng đồng hóa tất cả chúng ta, đun sôi chúng ta trong một nồi nước dùng, dù mềm như nấm hay cứng như cua cũng bị luộc chín trong cái ác, cho nên trừng phạt kẻ thủ ác thì dễ rồi, nhưng ta phải làm gì với đường dây cái ác lắt léo như thế?

HIỀN TRANG / An Ninh Thế Giới

Quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất châu Phi, được mệnh danh là ‘Vườn địa đàng’ cuối cùng trên trái đất

Nhỏ bé, ít ai biết nhưng đây là quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất châu Phi, được mệnh danh là 'Vườn địa đàng' cuối cùng trên trái đất
Không nhiều người biết đến sự hiện diện của quốc đảo nhỏ bé Seychelles ở châu Phi, dù hòn đảo này cùng Maldives và Mauritius được coi là “Tam ngọc” bởi phong cảnh tuyệt đẹp giữa lòng Ấn Độ Dương.

“Vườn địa đàng” cuối cùng trên trái đất

Seychelles tên đầy đủ là Cộng hòa Seychelles, là một quốc gia nằm ở Ấn Độ Dương phía đông châu Phi, cách lục địa châu Phi khoảng 1.600 km về phía tây và cách Mumbai, Ấn Độ 2.800 km về phía đông. Seychelles bao gồm 115 hòn đảo với dân số chỉ vỏn vẹn 99.000 người, khiêm tốn nhất châu Phi.

Nhỏ bé, ít ai biết nhưng đây là quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất châu Phi, được mệnh danh là Vườn địa đàng cuối cùng trên trái đất - Ảnh 1.
Nhỏ bé, ít ai biết nhưng đây là quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất châu Phi, được mệnh danh là Vườn địa đàng cuối cùng trên trái đất - Ảnh 2.

Quần đảo Seychelles không có dân cư bản địa, người Seychelles hiện nay được tạo thành từ những cuộc di cư. Các nhóm dân tộc lớn nhất là người gốc châu Phi, người Pháp, Ấn Độ và người gốc Hoa. Tiếng Pháp và tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức cùng với ngôn ngữ Creole dựa trên tiếng Pháp. Sự giao thoa giữa các dân tộc đã pha trộn nên nền văn hóa đa dạng của Seychelles.

Sở hữu hàng loạt hòn đảo nhiệt đới xinh đẹp nằm rải rác trên đại dương, khí hậu ấm áp, phong cảnh tuyệt đẹp Seychelles cùng Maldives và Mauritius còn được mệnh danh là “tam ngọc” ở Ấn Độ Dương.

Quốc đảo này được Đại học Yale đánh giá là có chất lượng không khí đứng đầu thế giới, đồng thời cũng được Liên hợp quốc công nhận là quốc gia có chỉ số phát triển con người cao nhất châu Phi. GDP bình quân đầu người của Seychelles năm 2021 là 13,306 USD, đứng đầu lục địa đen.

Nhỏ bé, ít ai biết nhưng đây là quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất châu Phi, được mệnh danh là Vườn địa đàng cuối cùng trên trái đất - Ảnh 3.

Seychelles có 3 bãi biển đẹp nhất thế giới và nước biển thuộc top đầu thế giới. Quốc đảo này được BBC và National Geographic Magazine đánh giá là một trong những điểm đến du lịch nhất định phải đến trong đời, và được mệnh danh là “vườn địa đàng” cuối cùng trên trái đất.

Nơi đây có tất cả những gì mà một hòn đảo nhiệt đới có như bầu trời xanh ngắt, làn nước trong vắt, nắng vàng, gió biển, những bãi biển dài bất tận, thiên nhiên hoang sơ. Bản thân Seychelles cũng nhận thức “nước trong xanh và núi non tươi tốt là tài sản vô giá” và cực kỳ nghiêm ngặt trong việc bảo vệ môi trường.

Nhỏ bé, ít ai biết nhưng đây là quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất châu Phi, được mệnh danh là Vườn địa đàng cuối cùng trên trái đất - Ảnh 4.
Nhỏ bé, ít ai biết nhưng đây là quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất châu Phi, được mệnh danh là Vườn địa đàng cuối cùng trên trái đất - Ảnh 5.

Bảo vật quốc gia “coco de mer” (dừa biển) vô cùng nổi tiếng và là loại cây độc đáo mà mọi du khách đều muốn tận mắt chứng kiến ​​khi đến Seychelles. Có hơn 4.000 cây dừa biển có thể sống hàng nghìn năm trên đảo Praslin. Người dân địa phương gọi dừa biển là “trái tình yêu” nhưng không ít người liên tưởng hình dáng của loại quả này giống…vòng 3 của người phụ nữ.

Tuy nổi tiếng là thiên đường du lịch nhưng do nằm quá xa với phần còn lại của thế giới, chưa có nhiều chuyến bay đến quốc đảo này như Maldives nên chi phí du lịch ở Seychelles vẫn rất đắt đỏ.

Nhỏ bé, ít ai biết nhưng đây là quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất châu Phi, được mệnh danh là Vườn địa đàng cuối cùng trên trái đất - Ảnh 6.

Seychelles có ba đảo chính, mỗi đảo đều mang một vẻ đẹp riêng biệt. Trong đó Mahé là hòn đảo lớn và phát triển nhất, có thủ đô Victoria, sân bay quốc tế và hơn 65 bãi tắm thơ mộng trải đều trên 27km chiều dài và 8km chiều rộng của đảo. Victoria cũng là một trong những thủ đô nhỏ nhất trên thế giới và cũng là thủ đô nhỏ nhất ở châu Phi khi dân số chỉ khoảng 30.000 người.

Seychelles có hệ thống phúc lợi khá tốt so với nhiều nước châu Phi, giáo dục miễn phí và bắt buộc cho học sinh từ 6-15 tuổi. Nước này cũng thực hiện dịch vụ y tế miễn phí cho một số đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai và người đã về hưu. Những đối tượng còn lại sẽ trả một khoản phí nhỏ cho thuốc men theo quy định từ tháng 6/2019.

Tồn tại nhiều vấn đề xã hội

Tuy GDP bình quân đầu người cao nhưng nền kinh tế của Seychelles vẫn còn kém phát triển. 70% thu nhập kinh tế của quốc gia này đến từ du lịch, ngư nghiệp và một lượng nhỏ hàng thủ công. Đất nước này có nguồn lợi thủy sản dồi dào. Sản phẩm cá đứng đầu trong số các mặt hàng xuất khẩu. Cá ngừ đóng hộp và tôm là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai. Nhưng thực phẩm, rau và thịt chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nhỏ bé, ít ai biết nhưng đây là quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất châu Phi, được mệnh danh là Vườn địa đàng cuối cùng trên trái đất - Ảnh 7.

Năm 2018, có đến 1/4 dân số nước này vẫn sống trong nghèo đói, theo số liệu của World Bank. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến du lịch toàn cầu trong 2 năm qua khiến nền kinh tế Seychelles sa sút.

Năm 2019, có từ 5.000 đến 6.000 người trong tổng số 94.000 người dân nghiện heroin, theo Cơ quan Phòng chống Lạm dụng Ma túy và Phục hồi (APDAR) ở Seychelles. Tính theo đầu người, Seychelles phải chịu tỷ lệ lạm dụng heroin cao nhất thế giới và là vấn đề nghiêm trọng đất nước này phải đối mặt nhiều năm qua.

Cuối năm ngoái, EU đã loại đất nước này khỏi danh sách đen gồm các nước và vùng lãnh thổ bị xác định là “thiên đường thuế”, tức là đánh thuế thấp hoặc miễn thuế sau khi thêm Seychelles vào danh sách này chỉ 1 năm trước đó.

Hồng Nhung / Nhịp sống thị trường

Những điều ít người biết về chuyện thi cử thời nhà Nguyễn

Cũng như các triều đại trước, hệ thống thi cử dưới thời Nguyễn gồm có ba kỳ: thi hương, thi hội và thi đình. Thi hương là kỳ thi ở địa phương, gồm một số tỉnh thi chung một trường, nhằm mục đích kén chọn người tài để vào dự thi hội và thi đình. Các trường miền Bắc thi hương khoảng tháng 10, miền Trung và Nam khoảng tháng 3 đến tháng 7.

Trường thi Nam Định năm 1912.

Thi từ sáng sớm đến tối mịt

Trống điểm canh tư (chừng 1 giờ sáng) thí sinh phải có mặt ở trường thi để nghe gọi tên, đến khoảng canh năm tám khắc (khoảng 5 giờ sáng) thì thí sinh phải vào hết trong trường. Thí sinh làm bài cho đến giờ Thân (3-5 giờ chiều) thì bắt đầu nộp bài, hạn cuối là hết canh một (tức 19g). Vì vậy, thí sinh vào trường phải chuẩn bị đầy đủ lều, chõng, chiếu, tráp đựng nghiên, bút, giấy, mực, dao kéo… và thức ăn dùng trong một ngày.

Quan trọng nhất là chuẩn bị quyển thi (tức giấy làm bài thi đóng thành quyển), phải giữ gìn hết sức sạch sẽ. Quyển thi là do thí sinh đem nộp trước cho dinh đốc học để kiểm tra, đóng dấu. Khi quan trường gọi đúng tên, thí sinh phải “dạ” thật to rồi vào cổng trường thi để nhận lại quyển thi. Vào trường thi, thí sinh tìm chỗ cắm lều, đặt chõng, đến khi sáng rõ mặt thì xong để chuẩn bị làm bài thi.

Tứ trường và thiên kinh vạn quyển

Theo Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, thi hương có khi thi ba vòng (người xưa gọi tam trường) có khi thi bốn vòng (tứ trường). Vòng một thi kinh nghĩa (tức các sách tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo), vòng hai thi chiếu biểu (tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ, dụ…), vòng ba thi thơ phú (sáng tác theo chủ đề của đề thi), vòng bốn thi văn sách (tương tự như thi tự luận).

Vòng thi kinh nghĩa tương đối dễ với thí sinh, chỉ cần thuộc lòng tứ thư, ngũ kinh và trình bày cho đúng ý của người xưa. Vòng thi chiếu biểu phải thuộc hàng trăm bài loại này rồi chắt lọc tinh hoa để viết thành bài thi. Dễ làm và khó đỗ nhất là kỳ thi thơ phú. Dễ vì suốt cả ngày chỉ cần sáng tác một bài thơ tối đa 16 câu và một bài phú tám câu, nhưng cái khó là phải hay, vì cái hay nó vô cùng.

Vòng bốn thi văn sách thì tự do trình bày theo kiến giải riêng của mình, tương tự như thi tự luận ngày nay. Muốn qua được vòng thi này, không những phải làu thông kinh sử mà còn phải biết vận dụng sở học của mình để trình bày những kiến giải mới lạ. Đề thi thường hỏi đủ mọi lĩnh vực: thiên văn, địa lý, bói toán, y học…; đặc biệt là những câu hỏi về thời sự, đòi hỏi thí sinh phải có những kiến giải độc đáo và đưa ra giải pháp khả thi. Thi tứ trường nhưng phải học thiên kinh vạn quyển là thế!

Mang tài liệu vào trường thi: gông cổ, đánh 100 roi

Không được mang tài liệu vào trường thi; không nói chuyện ồn ào, đi lại lộn xộn; không được quên đóng dấu “nhật trung” (là dấu giáp lai các trang bài thi, dấu xác định bài thi được làm tại trường thi…); cấm ngồi không đúng chỗ, tự ý vứt bỏ hoặc sửa chữa bảng tên; cấm kê khai gian lận tên tuổi; cấm nộp bài trễ hạn. Các quy định đó xem ra cũng không khác gì bây giờ, nhưng hình phạt cho người vi phạm thì rất nghiêm khắc. Nếu bị phát hiện mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị đóng gông một tháng, sau đó bị đánh 100 roi. Nói chuyện ồn ào thì không những thí sinh bị trị tội mà còn truy tội cả các vị quan đốc học, giáo thụ và huấn đạo ở địa phương.

Trong bài thi lại có những quy định khác, rắc rối và ngặt nghèo hơn, chủ yếu là những lỗi về hình thức mà thí sinh phải tránh. Đầu tiên là lỗi khiếm tị (không biết tránh chữ húy). Bài thi của thí sinh phải tránh viết những chữ húy kỵ của triều đình, đó là tên của tất cả các đời vua, hoàng hậu, kể cả ông bà tổ tiên vua; rồi thì tên lăng, miếu, cung, điện, làng quê của vua…

Sau lỗi khiếm tị là lỗi khiếm trang và khiếm đài. Khiếm trang có nghĩa là thiếu phần tao nhã, do dùng những từ thô tục về nghĩa cũng như về âm, thiếu tôn kính với các từ tôn nghiêm. Đang hành văn mà gặp những từ tôn kính như thiên, địa, đế, hậu… thì phải tự động sang hàng và đài (nâng cao lên trong dòng chữ). Nếu không là mắc lỗi khiếm đài.

Chưa hết, bài thi phải viết loại chữ chân phương, thiếu một nét, một chấm xem như mắc lỗi. Quyển thi nếu bị ố bẩn, tì vết, xem như làm dấu cũng bị đánh rớt. Lệ còn quy định mỗi quyển thi không được đồ (xóa bỏ), di (sót), câu (móc), cải (sửa) quá 10 chữ. Khi làm xong bài, cuối quyển thi phải ghi rõ số chữ đã đồ, di, câu, cải. Nếu đồ, di, câu, cải vượt quá 10 chữ, hoặc sai sót, ố bẩn, tì vết không thể khắc phục thì đem lên quan trường xin đổi quyển thi khác hợp lệ. Phạm vào lỗi gì đều được niêm yết rõ lên bảng con ở mỗi khu vực cho thí sinh biết vì sao mà hỏng thi.

Những thí sinh chỉ đỗ được ba trường thi hương thì được học vị tú tài. Những thí sinh vượt qua được cả bốn trường thì được học vị cử nhân, được ban cấp áo mão, ban yến (đãi tiệc), rồi vinh quy bái tổ.

Tiếp tục cuộc đua tiến sĩ

Tân cử nhân về quê tiếp tục đèn sách đợi sang năm vào kinh đô dự kỳ thi hội, cùng với những cử nhân của các khoa trước đó, những thí sinh đã vượt qua một kỳ khảo hạch đặc biệt do triều đình, và một số ít quan lại muốn có học vị cao hơn. Cách thức làm bài và trường quy thi hội không khác mấy với thi hương, chỉ khác là phạm quy thì bị tội nặng hơn.

Thi hội không có truyền lô (xướng danh) nhưng lễ yết bảng (công bố kết quả) rất long trọng. Bảng chính ghi tên những người đạt hạng trúng cách, bảng thứ ghi tên người hạng thứ trúng cách.

Chỉ những người trúng cách mới được tiếp tục tham gia thi đình, tổ chức trong cung đình, do đích thân nhà vua ra đề và là người chấm thi cuối cùng. Quyển thi và quyển nháp đều do bộ Lễ cấp, có rọc phách hẳn hoi. Vua chấm thi vẫn không biết bài đó của ai. Thi đình thực chất là cuộc phúc tra cuối cùng nhằm thẩm định và xếp hạng các tân tiến sĩ.

Sau khi vua chấm bài thì học vị của các sĩ tử được quyết định và bảng vàng ghi danh là vinh hiển tột cùng. Các tiến sĩ có tên niêm yết trên bảng vàng sẽ được ban yến tiệc trong cung, được bệ kiến hoàng thượng, được thăm hoa ở vườn ngự uyển, được cưỡi ngựa dạo khắp kinh thành, rồi vinh quy bái tổ. Phần thưởng cao quý nhất cho tiến sĩ là được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu để lưu danh mãi mãi.

Hệ thống học vị dưới triều Nguyễn1. Thi hương đỗ tam trường (ba vòng đầu), đạt học vị: tú tài; đỗ tứ trường: hương cống (về sau gọi là cử nhân); đỗ thủ khoa: giải nguyên.2. Thi hội: đỗ bảng chính gọi là trúng cách được tiếp tục dự thi đình; đỗ bảng thứ là thứ trúng cách, được học vị: phó bảng; đỗ thủ khoa: hội nguyên.3. Thi đình: đỗ thi đình đạt học vị chung là tiến sĩ; đỗ thủ khoa: đình nguyên. Trong đó, đỗ từ 8-10 điểm được xếp bậc đệ nhất giáp. 10 điểm được lấy đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh, thường gọi là trạng nguyên. 9 điểm: đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh, thường gọi là bảng nhãn. 8 điểm: đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, thường gọi là thám hoa.

Theo PHẠM ĐỨC THÀNH DŨNG / TUỔI TRẺ ONLINE

Biden bóp nát giấc mơ thống trị AI của Trung Quốc như thế nào?

Nhiều người không quá xa lạ với công nghệ Artificial Intelligence (AI), hay còn được biết đến với cái tên “trí thông minh (hoặc trí tuệ) nhân tạo.” Thuật ngữ AI chỉ những hệ thống máy móc, hoặc máy tính hiện đại, do con người lập trình với mục tiêu tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Các quốc gia phát triển đã và đang nghiên cứu và áp dụng AI vào nhiều lĩnh vực khác nhau như y học, kinh tế, và quốc phòng.

Cách đây vài năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo người dân Nga rằng quốc gia nào dẫn đầu về công nghệ sử dụng AI sẽ thống trị toàn cầu. Lời cảnh báo của Putin cũng là nhận định chung của hầu hết chuyên gia hàng đầu thế giới: AI đang định hình tương lai của nhân loại trong gần như mọi ngành công nghiệp.

Triển lãm robot công nghệ AI tại Beijing. Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images

Khoảng mười năm trở lại đây, Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ AI, với mục tiêu thống trị AI và các ứng dụng liên quan vào năm 2030. Theo báo cáo của Đại học Stanford, Trung Quốc lần đầu vượt qua Hoa Kỳ về số lần bài báo học thuật về AI được các nhà nghiên cứu trích dẫn trong năm 2020.

Dù Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu thế giới với 150,000 nghiên cứu về AI được công bố trong năm 2021, Trung Quốc cũng đang theo sát với 138,000 nghiên cứu. Có thể thấy được, cuộc đua quyết liệt giành vị trí siêu cường AI giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn luôn là một đề tại địa chính trị nóng bỏng.

Kể từ khi nhậm chức tổng thống vào Tháng Giêng năm 2021, ông Joe Biden đã bày tỏ thái độ cứng rắn dứt khoát với Trung Quốc. Đối với Biden, trọng tâm chiến lược nhằm đối phó hiệu quả với Trung Quốc trong thế kỷ công nghệ không phải là bom đạn, mà là công nghệ thông tin, bao gồm AI và chất bán dẫn (semiconductors).

Biden khiến công nghệ AI của Trung Quốc điêu đứng

Trí tuệ nhân tạo AI sẽ khó thành hiện thực, nếu như không có các phần cứng, thiết bị quan trọng để tạo nên các hệ thống máy tính áp dụng AI. Cụ thể, Trung Quốc sẽ không thể xây dựng được các hệ thống AI mạnh mẽ, nếu nước này không có các bộ xử lý đồ họa (Graphics Processing Unit – GPU) mạnh được cung cấp bởi tập đoàn sản xuất GPU khổng lồ Nvidia Corp có trụ sở tại bang California.

Các bộ xử lý đồ họa này đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ vượt bậc của Trung Quốc trong lĩnh vực AI, phân tích dữ liệu, và sức mạnh tính toán. Theo một báo cáo đáng tin cậy của Reuters, một số viện nghiên cứu chiến lược quan trọng nhất của chính quyền Trung Quốc cũng mua chip A100 của Nvidia để vận hành ứng dụng AI và siêu máy tính.

Trụ sở Nvidia ở Santa Clara, California. Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images

Ý thức được điều quan trọng này, chính quyền Biden đã quyết định ban hành chính sách hạn chế các tập đoàn thiết kế chip hàng đầu của Hoa Kỳ, như Nvidia và AMD, bán các con chip tiên tiến nhất cho Trung Quốc. Quyết định này của Biden đã khiến ngành công nghệ Trung Quốc điêu đứng vì nước này sẽ không thể tìm ra các con chip tầm cỡ tương tự để tiếp tục đào tạo và cải tiến thuật toán AI. Tuy nhiên, một chính sách như thế này sẽ không có nhiều ý nghĩa, nếu đó là điều duy nhất mà chính quyền Biden dự định thực hiện. Các chuyên gia AI đã chờ đợi một đòn giáng khác từ chính quyền Biden.

Ngày 7 Tháng Mười năm 2022, chính quyền Tổng Thống Joe Biden tung một đòn giáng khác vào lĩnh vực AI của Trung Quốc bằng tuyên bố thay đổi chiến lược về xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc. Cụ thể, các công ty Hoa Kỳ không được phép cung cấp chip cao cấp, thiết bị sản xuất chip, và một số sản phẩm công nghệ khác cho Trung Quốc, trừ khi có giấy phép đặc biệt. Bên cạnh đó, các công ty Mỹ cũng không được bán công cụ sản xuất chip nhớ và chip logic cao cấp cho Trung Quốc nếu chưa có giấy phép.

Ngày 10 Tháng Mười, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, chính phủ nước này kiên quyết phản đối quy định mới của Hoa Kỳ về kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc, cho rằng quy định này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến thương mại giữa các doanh nghiệp hai nước và đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.

Theo báo cáo của Gregory C. Allen, Giám đốc Dự án Quản trị AI và là thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, các nút thắt quan trọng nhất trong cuộc đua AI bao gồm thiết kế chip AI, phần mềm tự động hóa, thiết bị sản xuất chất bán dẫn, và linh kiện điện tử. Chính sách đối phó Trung Quốc của chính quyền Biden khai thác sự thống trị của Hoa Kỳ trên cả bốn nút thắt này.

Tổng Thống Joe Biden trả lời báo chí trước khi rời White House để đến Poughkeepsie, New York cho chuyến tham quan nhà máy IBM facility. IBM đã đầu tư $20 tỷ vào khu công nghệ ở Hudson Valley trong 10 năm tới, tập trung phát triển máy tính, công nghệ AI và các chương trình khác. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images

Cũng theo báo cáo của ông Allen, chính quyền Biden đang đối phó với Trung Quốc bằng BỐN cách:

Bóp nghẹt ngành công nghiệp AI của Trung Quốc bằng cách hạn chế nước này mua các loại chip cao cấp;Ngăn chặn Trung Quốc thiết kế chip AI trong nước bằng cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận phần mềm thiết kế chip do Hoa Kỳ sản xuất;Ngăn chặn Trung Quốc sản xuất chip tiên tiến bằng cách hạn chế nước này tiếp cận thiết bị sản xuất chất bán dẫn do Hoa Kỳ chế tạo;Ngăn chặn Trung Quốc sản xuất thiết bị sản xuất chất bán dẫn trong nước bằng cách hạn chế nước này tiếp cận các linh kiện điện tử do Hoa Kỳ sản xuất.

Các chính sách này của Biden sẽ gây tổn thất doanh thu đáng kể cho một số tập đoàn sản xuất chip của Hoa Kỳ. Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chip, chính quyền Biden đã giành ra một khoản trợ cấp trị giá $52.7 tỷ.

Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi phân tích: “Sự phụ thuộc vào chip của Trung Quốc cho phép Hoa Kỳ và các đồng minh cắt nguồn cung cấp chip cho các doanh nhân hoặc nhà nước Trung Quốc đang đe dọa nhân quyền hoặc an ninh quốc tế.”

Dan Wang, một nhà phân tích công nghệ tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, mô tả rằng các biện pháp kiểm soát của chính quyền Biden là “một chiến lược ngăn chặn mới của Trung Quốc.” Nhận xét chung của các chuyên gia về các chính sách siết chặt AI của Trung Quốc là ‘chưa từng có’ và sẽ khiến cho cuộc đua AI của Trung Quốc bị chậm lại đáng kể.

Biden giúp Hoa Kỳ củng cố vị trí số 1 về AI

Tháng Tám năm 2022, Tổng thống Biden đã ký thông qua đạo luật CHIPS để hỗ trợ công nghệ bán dẫn của Hoa Kỳ và công khai kìm hãm sự phát triển công nghệ thông tin của Trung Quốc. Đạo luật CHIPS cung cấp $280 tỷ trong 10 năm tới cho lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn nhằm thúc đẩy ngành bán dẫn của Mỹ trong cuộc chạy đua công nghệ với Trung Quốc. Đạo luật cũng bao gồm khoản tín dụng thuế đầu tư ước tính $24 tỷ cho các nhà máy sản xuất chip. Khoản tiền còn lại sẽ được sử dụng trong 10 năm để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học liên bang, bao gồm đẩy mạnh các tiêu chuẩn, nghiên cứu, và phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Mark Papermaster, giám đốc công nghệ và phó chủ tịch điều hành Advanced Micro Devices (AMD) tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo 2019 ở Thượng Hải, Trung Quốc.  Shanghai, China. Ảnh:Gao Yuwen/VCG via Getty Images

Sự kết hợp giữa đạo luật CHIPS và các chính sách siết chặt AI của Trung Quốc đến từ chính quyền Biden nhằm giữ quyền kiểm soát đối với nguồn cung chuỗi bán dẫn toàn cầu. Tóm lại, chính quyền Biden muốn ngăn Trung Quốc mua những con chip tốt nhất thế giới và các thiết bị máy móc để sản xuất chúng. Những con chip hàng đầu này sẽ cung cấp năng lượng không chỉ cho các thế hệ tiếp theo của công nghệ quân sự và AI, mà còn cả các phương tiện không người lái, và công nghệ giám sát mà Bắc Kinh sẽ sử dụng để giám sát công dân nước này.

__________

So với các biện pháp áp đặt thuế dưới thời chính quyền Trump trước đây, các chính sách siết chặt ngành bán dẫn của chính quyền Biden, làm lĩnh vực AI của Trung Quốc bị chậm lại, được đánh giá có phạm vi rộng và hiệu quả hơn. Thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết chính sách thuế quan thời Trump hầu như không ảnh hưởng đến cán cân thương mại. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhắm vào chip máy tính do chính quyền Biden áp đặt sẽ là một trở ngại lớn đối với công nghệ Trung Quốc vốn đã đi sau Hoa Kỳ hàng chục năm.

__________

Triển lãm công nghệ AI của Nvidia được ứng dụng vào xe hơi tự lái. Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images

Mối quan tâm sâu sắc của Hoa Kỳ đối với AI phần lớn được vực dậy bởi quyết tâm của chính quyền Biden nhằm làm suy yếu AI của Trung Quốc và củng cố vị trí siêu cường AI của Hoa Kỳ. Tính tới thời điểm này, Biden đã phần nào thành công.

Cuộc chiến trí tuệ nhân tạo mang tính địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục, và ngày càng nóng bỏng. Theo chuyên gia Gregory C. Allen, những chính sách của Biden thể hiện mức độ can thiệp chưa từng có của chính phủ Hoa Kỳ nhằm không chỉ duy trì quyền kiểm soát các điểm then chốt trong lĩnh vực AI, mà còn bắt đầu một chính sách mới nhằm tích cực bóp nghẹt các chốt điểm của công nghệ Trung Quốc, bóp nghẹt với ý định giết chết.

Mai Vũ Phạm / Saigon Nhỏ