Mang danh giàu nhất thế giới, Elon Musk tiêu tiền vào đâu mà không mua nhà riêng?

Mang danh giàu nhất thế giới, Elon Musk tiêu tiền vào đâu mà không mua nhà riêng?
Dù mua Twitter với giá 44 tỷ đô, Elon Musk vẫn ngồi vững ở vị trí người giàu nhất thế giới. Là một người nghiện công việc khét tiếng, Musk không tiêu tiền vào những kỳ nghỉ xa hoa hay những sở thích tốn kém. Vị tỷ phú còn tự nhận mình là “người nghèo tiền mặt”, thậm chí còn không có một ngôi nhà riêng.
Khối tài sản khổng lồ của người giàu nhất thế giới

Nhiều thập kỷ trước khi trở thành ông bố 9 con và tích lũy được khối tài sản 201 tỷ USD, Musk đã tự học lập trình. Ông đã bán mã nguồn cho trò chơi điện tử đầu tiên của mình với giá 500 đô la vào năm 12 tuổi.

Ngay trước sinh nhật lần thứ 18, Musk chuyển đến Canada và làm một loạt công việc lao động nặng nhọc, bao gồm xúc ngũ cốc, cắt khúc gỗ và cuối cùng là dọn dẹp phòng lò hơi trong một nhà máy gỗ với mức lương 18 USD một giờ – mức lương ấn tượng vào năm 1989. Đồng thời, ông cũng thực tập hè cùng với anh trai của mình, Kimbal, tại Ngân hàng Nova Scotia.

Năm 1990, sau khi vào đại học, Musk vẫn tranh thủ kiếm tiền bằng cách bán máy tính cá nhân hoàn thiện cũng như các bộ phận riêng lẻ cho sinh viên trong trường. Musk nói: “Tôi có thể chế tạo thứ gì đó phù hợp với nhu cầu của họ, chẳng hạn như một bộ xử lý văn bản đơn giản với chi phí thấp hơn.”

Mang danh giàu nhất thế giới, Elon Musk tiêu tiền vào đâu mà không mua nhà riêng? - Ảnh 1.

Elon Musk kiếm tiền ngay từ nhỏ. Ảnh: BI

Musk cũng cùng với anh trai xây dựng một công ty khởi nghiệp Internet. Với 28.000 USD tiền vốn, họ bắt đầu thành lập Zip2, cung cấp phần mềm hướng dẫn thăm quan thành phố cho báo chí. Bốn năm sau, vào năm 1999, họ bán Zip2 với giá 307 triệu USD, thu về cho Musk 22 triệu USD. 

Ông tiếp tục đầu tư hơn một nửa số tiền kiếm được của mình để đồng sáng lập X.com, một dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Công ty nhanh chóng hợp nhất với đối thủ và trở thành PayPal, với Musk là cổ đông chính. Năm 2002, eBay mua PayPal và Musk rời đi với 180 triệu USD.

Sau khi rời PayPal, Musk chuyển sự chú ý sang thám hiểm không gian và thành lập SpaceX. Vài năm sau, ông cũng đồng sáng lập Tesla, và sau đó là SolarCity, nhà cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời. Thành công của những công ty này nhanh chóng đưa ông vào “câu lạc bộ tỷ đô”.

Mang danh giàu nhất thế giới, Elon Musk tiêu tiền vào đâu mà không mua nhà riêng? - Ảnh 2.

Elon Musk đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: BI

Tới năm 2010, khi Tesla ra mắt trên thị trường chứng khoán thì tài sản của Musk đã tăng vọt. Đến năm 2012, ông lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất của Forbes với giá trị tài sản 2 tỷ USD.

Musk cũng lãnh đạo The Boring Company, do ông thành lập năm 2016 để phát triển và xây dựng các đường hầm dưới lòng đất với nỗ lực giảm thiểu các vấn đề giao thông. Theo The New York Times, trong năm 2018, The Boring Company đã huy động được hơn 112 triệu đô la – và hơn 90% trong số đó đến từ Musk. Vào năm 2019, công ty đã huy động vốn bên ngoài lần đầu tiên với khoảng 120 triệu đô la.

Gần một thập kỷ sau, Musk đã tích lũy được khối tài sản trị giá 201 tỷ USD và trở thành người giàu nhất thế giới. Trong bối cảnh đại dịch, tài sản của ông từng tăng 197% trong khoảng thời gian vỏn vẹn 5 tháng. Vào tháng 10 năm 2021, tài sản của Musk tăng thêm 36 tỷ USD chỉ trong một ngày, mức tăng lớn nhất từng được Bloomberg’s Billionaires Index ghi nhận.

Chính những điều này giúp Elon Musk ngồi vững ở vị trí người giàu nhất thế giới, dù cổ phiếu Tesla từng sụt giảm 16% khiến ông mất đi 50 tỷ USD chỉ trong 2 ngày, đồng thời bỏ ra 44 tỷ USD để mua lại Twitter gần đây. 

Tỷ phú nhưng không sống như một tỷ phú

Trong một podcast thực hiện với nhà đầu tư Cathie Wood, Elon Musk từng tự nhận mình là người nghèo tiền mặt. “Một số người nghĩ rằng tôi có rất nhiều tiền mặt nhưng thực sự không phải thế.” Giống như nhiều giám đốc điều hành quyền lực cao khác, Musk phụ thuộc vào các khoản thế chấp và tín dụng hàng ngày.

Trong những năm qua, vị CEO này đã mua hơn 100 triệu đô la bất động sản nhà ở tại California. Tuy vậy, ông lần lượt bán hết những ngôi nhà này và “trắng tay” nhà ở vào năm ngoái. 

Mang danh giàu nhất thế giới, Elon Musk tiêu tiền vào đâu mà không mua nhà riêng? - Ảnh 3.

Bất động sản từng thuộc về Elon Musk. Ảnh: Google Maps

javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(201020);}else{parent.admSspPageRg.draw(201020);}

Thay vào đó, Elon Musk có niềm yêu thích với ô tô. Quay trở lại năm 2013, ông đã trả 920.000 đô la trong một cuộc đấu giá cho chiếc Lotus Esprit được sử dụng trong một bộ phim James Bond.

Mang danh giàu nhất thế giới, Elon Musk tiêu tiền vào đâu mà không mua nhà riêng? - Ảnh 4.

Biểu tượng siêu xe một thời Lotus Esprit. Ảnh: AP

Ngoài những chiếc Tesla, ga-ra của ông còn có chiếc xe tuyệt vời Jaguar 1967 E-type. Theo một video của Forbes, Musk có một cuốn sách về những chiếc xe mui trần cổ điển và đã để mắt đến chiếc Jaguar kể từ đó. Tuy nhiên, với Musk, chiếc xe này “liên tục gây ra cho tôi đủ loại rắc rối”.

Một chiếc xe khác của ông là McLaren F1, được mua với giá khoảng một triệu đô la sau khi ông bán PayPal, theo Business Insider.

Còn những chiếc xe hàng ngày mà Musk thường lái có thể kể đến như Audi Q7, Porsche 911 và một chiếc xe thể thao BMW M5. 

Mang danh giàu nhất thế giới, Elon Musk tiêu tiền vào đâu mà không mua nhà riêng? - Ảnh 5.

Elon Musk yêu thích những chiếc xe. Ảnh: British GQ

Một phương tiện đi lại đầy đắt đỏ khác của vị tỷ phú này chính là hai máy bay phản lực tư nhân Gulfstream G550 và G650, được đăng ký tại Falcon Landing, một công ty TNHH có liên kết với SpaceX và Tesla. Theo GQ, Gulfstream G550 có đủ chỗ cho 17 hành khách, trong khi chiếc G650 còn lớn hơn thế và thường xuyên được ông sử dụng để bay từ California đến Texas.

Tháng 7 vừa qua, truyền thông tiếp tục đưa tin Elon Musk đang chuẩn bị mua thêm một chiếc Gulfstream G700 trị giá 78 triệu USD. Nếu sử dụng chiếc máy bay này, tỷ phú có thể di chuyển giữa các “siêu nhà máy” với tốc độ gần siêu thanh trong một cabin rộng rãi, yên tĩnh.

Mang danh giàu nhất thế giới, Elon Musk tiêu tiền vào đâu mà không mua nhà riêng? - Ảnh 6.

Gulfstream G700 đã ra mắt công chúng vào năm 2021 tại Qatar, là phiên bản cập nhật của G650 với cabin và không gian sống lớn hơn – Ảnh: Gulfstream

Mặc dù có tiền dư dả, nhưng Musk không phải là người thích những kỳ nghỉ xa hoa – hay bất kỳ kỳ nghỉ nào vì vấn đề đó. Vào năm 2015, anh ấy nói rằng anh ấy chỉ nghỉ hai tuần kể từ khi thành lập SpaceX khoảng 12 năm trước đó.

Vào tháng 8 năm 2018, Musk nói với The New York Times rằng ông đã làm việc 120 giờ một tuần. “Có những thời điểm tôi ở nhà máy suốt 3 – 4 ngày”, ông cho biết.

Vào thời gian rảnh rỗi, vị tỷ phú thường có những sở thích không tốn kém như nghe nhạc, chơi trò chơi điện tử và đọc sách. “Tôi thường đi chơi với lũ trẻ, gặp gỡ bạn bè, những thứ bình thường,” anh nói. “Đôi khi, tôi cũng lên Twitter, nếu như nó hoạt động.”

Năm 2012, Musk ký The Giving Pledge, thề sẽ hiến tặng phần lớn tài sản trong suốt cuộc đời của mình. Ông đã quyên góp những khoản đáng kể cho các lĩnh vực mà ông quan tâm, trong đó bao gồm một món quà trị giá 10 triệu đô cho Future of Life Institute để điều chỉnh trí thông minh nhân tạo.

*Theo BI, GQ / Thùy Phương / Thể thao Văn hóa

10 kỳ quan kiến trúc bậc nhất tại Qatar, nơi cửa ngõ giao thoa văn hóa và nghệ thuật

Để xây dựng được những kiến trúc đẳng cấp nhất thế giới này, Qatar đã bỏ ra số tiền khổng lồ.
1. Bảo tàng Quốc gia Qatar

Được thiết kế bởi kiến trúc sư đoạt giải Pritzker – Jean Nouvel, Bảo tàng Quốc gia Qatar được mệnh danh là “bông hồng sa mạc” nhờ lấy cảm hứng từ các dạng tinh thể tự nhiên. Với thiết kế có các đĩa lồng vào nhau và trải rộng trên diện tích khổng lồ 11.571 km vuông. Thực chất, bảo tàng này còn được xây dựng xung quanh cung điện ban đầu của Sheikh Abdullah bin Jassim Al-Thani, cựu quốc vương của Qatar.

Choáng ngợp trước 10 kỳ quan kiến trúc bậc nhất tại Qatar, nơi cửa ngõ giao thoa văn hóa và nghệ thuật - Ảnh 1.
2. Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo

Trên một hòn đảo được xây dựng có mục đích tiếp giáp với lối đi dạo ven sông trung tâm của Doha, Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo được hình thành bởi kiến trúc sư đoạt giải Pritzker – IM Pei, người được biết đến nhiều nhất với việc thiết kế kim tự tháp bằng kính trứ danh ở tiền sảnh của bảo tàng Louvre tại Paris, Pháp.

Theo đó, tòa nhà được lấy cảm hứng từ Sabil, hay đài phun nước rửa tội trong Nhà thờ Hồi giáo Ahmad Ibn Tulun thế kỷ 9. Ngoài ra, c ác mô hình Hồi giáo truyền thống (mái vòm, mô hình hình học,…) cũng được kết hợp với kiến trúc hiện đại để tạo ra bảo tàng mang đậm tính đặc trưng này ở Qatar.

Choáng ngợp trước 10 kỳ quan kiến trúc bậc nhất tại Qatar, nơi cửa ngõ giao thoa văn hóa và nghệ thuật - Ảnh 2.
3. Thư viện Quốc gia Qatar

Được thiết kế bởi kiến trúc sư Rem Koolhaas, ngoại thất mang hình dáng tựa viên kim cương của Thư viện Quốc gia Qatar cho thấy một không gian ưu tiên ánh sáng và tầm nhìn. Với hơn một triệu cuốn sách, thư viện có hệ thống sắp xếp sách tự động để dễ dàng giúp người dùng tìm được đầu sách mong muốn. Đáng chú ý, thư viện di sản nằm dưới tầng hầm tại đây cũng lưu giữ các tài liệu quý hiếm có niên đại từ thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.

Choáng ngợp trước 10 kỳ quan kiến trúc bậc nhất tại Qatar, nơi cửa ngõ giao thoa văn hóa và nghệ thuật - Ảnh 3.
4. Khách sạn Bốn Mùa Doha

Nằm dọc theo bến du thuyền riêng của Four Seasons Hotel Doha là nhà hàng Nobu, chi nhánh lớn nhất của chuỗi nhà hàng sushi nổi tiếng sở hữu bởi đầu bếp giành giải Michelin, Nobuyuki Matsuhisa.

Theo đó, nhà hàng này có ba tầng hình bầu dục, được thiết kế bởi Tập đoàn Rockwell, phục vụ các món ăn Nhật Bản đương đại nổi tiếng và mang đến tầm nhìn rực rỡ ra đường chân trời của thủ đô Doha, Qatar.

Choáng ngợp trước 10 kỳ quan kiến trúc bậc nhất tại Qatar, nơi cửa ngõ giao thoa văn hóa và nghệ thuật - Ảnh 4.
5. Trung tâm Hội nghị Quốc gia Qatar (QNCC)

Trung tâm Hội nghị Quốc gia Qatar (QNCC) do kiến trúc sư Arata Isozaki thiết kế với hình dạng các cây sidra đan vào nhau để giữ cấu trúc bên ngoài. Với những cành tỏa bóng mát rộng, cây sidra theo truyền thống là biểu tượng của tri thức và có chức năng cung cấp một loạt các sự kiện và có khán phòng, phòng họp và không gian triển lãm.

Choáng ngợp trước 10 kỳ quan kiến trúc bậc nhất tại Qatar, nơi cửa ngõ giao thoa văn hóa và nghệ thuật - Ảnh 5.
6. Sidra Medicine

javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(4132);}else{parent.admSspPageRg.draw(4132);}

Được xây dựng chủ yếu bằng thép, thủy tinh và gạch men trắng, Sidra Medicine là một bệnh viện và trung tâm nghiên cứu y sinh. Được thiết kế bởi Cesar Pelli, người đứng sau các công trình như Trung tâm Tài chính Thế giới ở New York, Tháp đôi Petronas ở Malaysia,… bệnh viện có ba cánh buồm cao chót vót, gợi lên hình ảnh biển cả gắn liền với Qatar.

Choáng ngợp trước 10 kỳ quan kiến trúc bậc nhất tại Qatar, nơi cửa ngõ giao thoa văn hóa và nghệ thuật - Ảnh 6.
7. Khoa Nghiên cứu Hồi giáo Qatar (QFIS)

Đây là tác phẩm của người chiến thắng trong hạng mục Tôn giáo tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới năm 2015 với Nhà thờ Hồi giáo nằm trên năm cột lớn, tượng trưng cho năm trụ cột của đạo Hồi.

Bên cạnh đó, QFIS còn được xây dựng dựa trên Kulliyya Hồi giáo hay “nơi tìm kiếm mọi kiến thức”. Với việc xây dựng kiến trúc hình xoắn ốc và nhiều tuyến đường nối trường học với nhà thờ Hồi giáo có ý nghĩa ám chỉ rằng tất cả kiến thức đều bắt nguồn từ đức tin.

Choáng ngợp trước 10 kỳ quan kiến trúc bậc nhất tại Qatar, nơi cửa ngõ giao thoa văn hóa và nghệ thuật - Ảnh 7.
8. Sân vận động Al Janoub

Một trong tám địa điểm tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới – World Cup 2022 chính là sân vận động Al Janoub. Được thiết kế bởi Zaha Hadid, nhà thi đấu 40.000 chỗ ngồi này được lấy cảm hứng từ những chiếc thuyền buồm dhow đặc trưng nằm rải rác trên vùng biển của Qatar và những viên ngọc trai biểu trưng cho nền kinh tế nước này.

Choáng ngợp trước 10 kỳ quan kiến trúc bậc nhất tại Qatar, nơi cửa ngõ giao thoa văn hóa và nghệ thuật - Ảnh 8.
9. Sân vận động Al Thumama

Một địa điểm được xây dựng cho việc tổ chức World Cup 2022 là sân vận động Al Thumama được thiết kế bởi kiến trúc sư Ibrahim M. Jaidah, một kiến trúc sư nổi danh người Qatar. Được lấy cảm hứng từ gahfiya, một loại mũ dệt truyền thống được nam giới sử dụng ở nhiều quốc gia Ả Rập. Với 40.000 chỗ ngồi, sân vận động này sẽ tặng lại một nửa số ghế cho các quốc gia cần cơ sở hạ tầng thể thao sau khi World Cup 2022 chính thức khép lại.

Choáng ngợp trước 10 kỳ quan kiến trúc bậc nhất tại Qatar, nơi cửa ngõ giao thoa văn hóa và nghệ thuật - Ảnh 9.
10. Sân vận động Al Bayt

Nằm gần thành phố ven biển Al Khor, aân vận động Al Bayt kết hợp di sản với sự bền vững. Sân vận động đặc biệt này được bao phủ bởi mái che bayt al sha’ar tựa như những chiếc lều được người Bedouin sử dụng ở Vịnh Ả Rập. Có sức chứa 60.000 người, phần trên của chỗ ngồi tại sân vận động có thể sẽ được tháo dỡ và gửi đến các quốc gia đang phát triển cần cơ sở hạ tầng thể thao sau giải đấu.

Choáng ngợp trước 10 kỳ quan kiến trúc bậc nhất tại Qatar, nơi cửa ngõ giao thoa văn hóa và nghệ thuật - Ảnh 10.

Nguồn: Visit Qatar / Theo Thanh Tâm / Trí thức trẻ

Êđixơn – cậu học sinh dốt nát và tâm thần!?

Êđixơn, nhà phát minh vĩ đại đã phát minh ra đèn điện, ống nghe điện thoại, máy chiếu phim, máy hát,… và rất nhiều các vật dụng khác không ai ngờ hồi nhỏ Êđixơn lại bị coi là học sinh dốt nát và tâm thần.

Khi còn nhỏ Êđixơn vì tò mò nên cái gì cũng muốn biết và hỏi nhiều. Có một lần cậu thấy gà mái ấp gà con liền nghĩ: “Vì sao gà mái có thể ấp ra gà con được? Ta có thể ấp ra gà con được không?”

Một hôm trời sắp tối, không thấy Êđixơn về làm bố mẹ đi tìm khắp nơi. Mãi một hồi tìm kiếm họ mới tìm thấy Êđixơn đang ở trong chuồng gà nhà hàng xóm. Ồ kìa! Êđixơn đang nằm sấp trên đống rơm ấp gà con. Mọi người biết chuyện đều cười rũ rượi, và coi cậu là một đứa trẻ ngốc nghếch!

Năm lên 7 tuổi Êđixơn đi học, thầy giáo của cậu là Ănggơ, ông nuôi hai chiếc ria mép trông rất kỳ dị. Ông giảng bài rất khô khan, “1+1=2” mà phải nói đi nói lại. Êđixơn thường hay rắc rối khi nghe giảng, cậu hay nghĩ đến những chuyện kỳ quặc, thí dụ: Cọ sát vào lông động vật có thể sinh ra điện, như vậy thì nối dây điện vào thân còn mèo rồi cọ sát mạnh vào lông mèo có phát ra điện không?

Thầy Ănggơ ngán những học sinh không nghe giảng bài khi lên lớp, vì vậy không thích Êđixơn, Êđixơn cũng không thích nghe ông giảng bài. 3 tháng sau, thành tích học tập của Êđixơn xếp thứ nhất tính từ dưới lên. Thầy Ănggơ nói với Êđixơn: “Ngày mai mời mẹ em đến trường!”

Hôm sau mẹ Êđixơn – bà Nanxi đến trường, thầy Ănggơ nói:

– “Thưa bà phụ huynh của em Êđixơn, con trai của bà không học kịp được các bạn, thích thắc mắc những điều kỳ quặc, tôi gnhĩ em ấy là đứa trẻ rất kém”.

Bà Nanxi nói với vẻ nghi ngờ:

– “Thằng nhỏ này vốn là đứa trẻ thông minh…”

– “Thông minh? Không, bà có thấy đứa trẻ thông mình nào mà lại đứng đội sổ không?

– “Đứng đội sổ?” – bà Nanxi nghi ngờ hỏi  – “có thể là sự ngẫu nhiên chăng? tôi cũng là một giáo viên. Có khi trí lực của một đứa trẻ không phản ánh trên điểm số. Thưa ngài Ănggơ, mong ngài biết cá tính của cháu để có biện pháp giúp cháu thích hợp, tôi tin rằng cháu sẽ tiến bộ”.

– “Thưa bà, xin hỏi bà; cá tính của con bà là gì? Khi lên lớp không tập trung nghe giảng, thà rằng cứ im lặng cho rồi, nhưng cậu ấy lại toàn thắc mắc những chuyện kỳ quặc đâu đâu ấy, đấy gọi là tính gì vậy?”

– “Ngài có thể nói cụ thể hơn một chút được không ạ? Vấn đề gì mà gọi là kỳ quặc?”

– “Thí dụ như: 1+1=2, 2+2=4, đứa trẻ nào nghe giảng cũng hiểu ngay, riêng cậu nhà lại hỏi: Tại sao 2+2=4? Bà thấy đấy bằng bốn là bằng bốn. Lại hỏi tại sao nữa à? Chẳng nhẽ bà không thấy câu hỏi ấy là kỳ quặc sao?”

Bà Nanxi không nghĩ như vậy, không cho là kỳ quặc liền nói:

– “Thưa thầy Ănggơ, nói thực tôi không nghĩ hỏi như vậy là kỳ quặc. Niutơn ngồi dưới gốc cây táo thấy một quả táo rụng xuống liền hỏi: Tại sao táo rụng xuống mà không rụng lên trời? Xem ra hỏi thế thật kỳ quặc nhưng chính câu hỏi ấy dấn đến sự ra đời của Định luật vạn vật hấp dẫn đấy. Chẳng nhẽ chúng ta lại nói Niutơn không nên hỏi như vậy sao?”

Ănggơ bỗng lúng túng. Ông gõ tay xuống bàn: “Niutơn là ai, con trai bà là ai, bà lại so sánh như vậy sao được? Xin phép cho tôi được nói thẳng với bà, trí lực của con bà không được bình thường như những đứa trẻ khác!”

Bà Nanxi không muốn nói lý với ông thầy Ănggơ nữa. Đây thực sự không phải là nơi phù hợp cho Êđixơn phát triền. Bà liền đưa Êđixơn về nhà. Từ đó Êđixơn được mẹ dậy học ở nhà và bắt đầu tự nghiên cứu những hiện tượng tự nhiên thường xảy ra.

H.T sưu tầm / Khoa học TV

Êđixơn và gia đình

Putin đã hoàn toàn hiểu sai về chiến tranh hiện đại

Matthew Schmidt là một chuyên gia về chính sách quân sự và an ninh, đồng thời là một người am hiểu về nước Nga. Ông giải thích tính cách của Putin có liên quan gì đến cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, và tại sao ông không tin vào một giải pháp hòa bình cũng như việc Putin sẽ thực hiện được kế hoạch của mình.

Trong nhiều thế kỷ qua, nước Nga luôn tìm kiếm vai trò của mình: giữa một bên là châu Âu với các giá trị tự do, là sự khai sáng và thế tục hóa, và một bên là cội nguồn của bản thân nó, các truyền thống Chính thống giáo của Nga và các tín ngưỡng bảo thủ. Điều này tác động như thế nào đến chính sách đối ngoại của Nga hiện nay và ảnh hưởng của nó đến các nước láng giềng của Nga?

Matthew Schmidt, phó giáo sư tại Đại học New Haven, là người đang nghiên cứu về những vấn đề này. Cạnh đó, ông cũng là một chuyên gia về chiến lược quân sự và làm công tác giảng dạy cho Quân đội Hoa Kỳ trong nhiều năm. Schmidt theo học ở Saint Petersburg trong những năm 1990, khi Putin bắt đầu nổi lên. Schmidt có những người bạn ở Ukraine, những người đã chiến đấu trong cuộc chiến năm 2014.

WELT: Thưa ông Schmidt, tại sao nước Nga lại đặt câu hỏi về chủ quyền của các nước khác? Tính cách của Putin có tác động như thế nào đến điều này?

Matthew Schmidt: Putin là một người thô thiển và ích kỷ. Nhưng đằng sau hành động của ông ta là một triết lý sâu sắc, nó đưa đường chỉ lối cho ông ta và giúp cho ông ta có một cơ sở lý luận sâu sắc hơn. Để hiểu chính sách đối ngoại của Nga cần phải hiểu ý tưởng về Chủ nghĩa Liên Slavơ (Pan-Slavism), hay Chủ nghĩa Á – Âu (Eurasism), đó là quan điểm cho rằng các dân tộc Slavơ gắn bó với nhau bởi có một nền văn hóa giống nhau, và các giá trị tương tự của họ liên kết họ với nhau – đồng thời có nhu cầu lịch sử để bảo tồn những giá trị đó. Điều này mang nhiều dấu ấn tôn giáo khá mạnh mẽ bởi vì Giáo hội Chính thống giáo Nga coi mình là người thừa kế của Đế chế Đông La Mã, và do đó đối với Cơ đốc giáo. Tất nhiên, giờ đây, người dân Bulgaria không nghĩ rằng họ nhất thiết phải thuộc về Moscow, nhưng nhiều người ở Điện Kremlin lại cảm nhận như vậy.

WELT: Ý tưởng này xuất phát từ đâu?

Schmidt: Ta phải quay trở lại thế kỷ 19, khi nổ ra các cuộc cách mạng quốc gia ở châu Âu, và kết quả là, các tác giả ở Nga, muộn hơn nhiều so với ở châu Âu, bắt đầu đặt câu hỏi về dân tộc Nga và ý nghĩa của khái niệm Slavơ. Một câu hỏi cơ bản ở Nga luôn là: chúng ta là Châu Âu hay Châu Á, Tây hay Đông? Và các tác giả đã trả lời: không là cái gì cả, Nga là một cái gì đó độc đáo nằm ở giữa. Ban đầu, nó không nhất thiết chống lại phương Tây. Khi Liên Xô tan vỡ, bản sắc Liên Xô trở thành lịch sử, những ý tưởng này lại được thổi bùng lên, nhưng lần này là chiêu bài dân tộc chủ nghĩa. Điện Kremlin dần dần kết hợp chúng, chẳng hạn như khi Putin tự mình công khai rửa tội theo Chính thống giáo. Và ngày nay, chúng ta đang ở thời điểm mà các nhà cầm quyền Nga rõ ràng là chống phương Tây, không chấp nhận đồng tính luyến ái và coi nền dân chủ tự do như một loại hình chính phủ không phù hợp với nền văn hóa Nga.

WELT: Ai suy nghĩ như vậy? Phải chăng chỉ có tầng lớp tinh hoa?

Schmidt: Đúng vậy, chủ yếu là tầng lớp tinh hoa. Đa số những người có quan hệ với Putin đều cực kỳ chống phương Tây. Điều này khác với giới tinh hoa văn học, những người trên hết nhấn mạnh đến sự tương đồng về văn hóa với châu Âu. Còn dân chúng nói chung thì đâu đó ở giữa: họ thích người châu Âu, thích người Mỹ và văn hóa Mỹ, nhưng có xu hướng tin vào những lời tuyên truyền rằng Nga đang bị phương Tây đe dọa.

WELT: Vậy theo ông thì sao, Nga có phải là một quốc gia Châu Âu?

Schmidt: Có chứ, chắc chắn là như vậy. Nga có cùng nền tảng triết học Hy Lạp-La Mã, là một quốc gia theo đạo Thiên chúa, và ngay cả dưới thời Đế chế Sa hoàng, cơ cấu chính quyền và hành chính vẫn là của châu Âu. Và Nga đã đưa loại hình nghệ thuật quan trọng nhất của châu Âu lên đến đỉnh cao: đó là tiểu thuyết. Tôi tin rằng, về lâu dài, khu vực châu Âu của xã hội Nga cũng sẽ là khu vực mạnh mẽ hơn. Có thể sẽ mất nhiều thập kỷ, có thể nhiều thế kỷ, nhưng đến một lúc nào đó, nước Nga sẽ có một cấu trúc dựa trên các quyền tự do và các giá trị tự do. Ngày nay, chúng ta đã thấy Nga không phải là Trung Quốc: có những cuộc biểu tình trên đường phố bên bờ vực chiến tranh, có những người đứng trước ống kính máy quay và nói : “Xin đừng nêu tên tôi, nhưng tôi không tham gia cuộc chiến này.” Ý tưởng về quyền tự do cá nhân, có thể quyết định vận mệnh chính trị của chính mình, đã ăn sâu vào một phần lớn xã hội và văn hóa Nga. Người ta cần cho nó thời gian để cho nó đâm hoa kết trái.

WELT: Mối quan hệ với các nước láng giềng sẽ như thế nào trong trường hợp này? Đó sẽ là một nước Nga rộng lớn, tự do, nhưng là một nước có thể bao gồm Ukraine và các nước Slavơ khác?

Schmidt: Không, bởi vì các giá trị tự do bao gồm việc tôn trọng sự độc lập và quyền tự quyết của một dân tộc. Mối quan hệ với Ukraine có đặc trưng bởi các giá trị được chia sẻ, giống như quan hệ giữa Mỹ và Canada. Ở đây có sự khác biệt, nhưng bạn sẽ không bao giờ cảm thấy bị đe dọa bởi vì cả hai đều có đầy đủ các giá trị để chia sẻ.

WELT: Hiện tại cả hai bên đều cảm thấy bị đe dọa – kể cả Putin, ông không chấp nhận một Ukraine thân phương Tây và đe dọa an ninh của Nga.

Schmidt: Theo tôi, thật sai lầm khi hiểu Putin theo nghĩa đen, và tôi khó chịu vì có nhiều người suy nghĩ như vậy. Tôi đã dạy cho các đơn vị quân đội Mỹ trong nhiều năm về lập kế hoạch tác chiến và chiến lược. Những gì Putin đang nói là sự hiểu sai hoàn toàn về chiến tranh hiện đại. Thứ nhất, NATO không có lợi ích, về mặt chính trị hoặc quân sự, trong việc tham gia vào một cuộc chiến có thể dẫn đến thảm họa. Và thứ hai, NATO có các lãnh thổ ở Baltic gần với Moscow như Ukraine. Lý do ông ta nêu ra không hợp lý đối với tôi. Câu hỏi đặt ra là, liệu bản thân ông có tin, hay đó chỉ là cái cớ để biện minh cho hành động của mình trước người dân Nga. Tôi không nghĩ rằng có một câu trả lời cho điều đó. Người ta có thể nói những điều mà chính bản thân họ cũng không tin, đồng thời tin những điều mà họ đủ khôn ngoan để biết rằng mình không nên tin.

WELT: Hiện tại có vẻ như giới lãnh đạo Nga và Mỹ đang ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Liệu người ta có thể hiểu nhau được không?

Schmidt: Thực tế là rất khó để nói chuyện được với nhau khi ở hai hệ thống giá trị khác nhau. Việc Ngoại trưởng Nga Lavrov phản ứng với văn bản từ chối đảm bảo an ninh đã thể hiện rất rõ ràng. Ông ta nói đại để: “Được thôi, các người không chỉ khước từ yêu cầu của chúng tôi mà còn không thèm ngó ngàng đến chúng. Qua đó các người đã cho thấy, những lo ngại về bảo đảm an ninh của chúng tôi trong con mắt các người là một trò cười. Đây là một sự vô lễ.” Nhưng người Mỹ khó có thể phản ứng khác đi, bởi nếu không, thì họ đã phản bội các giá trị phương Tây. Điều này làm cho các cuộc đàm phán tiếp theo trở nên khá khó khăn. Đó là lý do tại sao tôi rất bi quan về viễn cảnh của một giải pháp hòa bình.

WELT: Nga tuyên bố rút quân, nhưng lại cứ ì ra đó. Vậy giải thích điều này như thế nào?

Schmidt: Putin có cái mà theo ngôn ngữ quân sự, người ta gọi là nhịp độ hoạt động. Ông ta nắm thế chủ động và quyết định khi nào thì ra tay, và thế giới buộc phải chờ xem ông ta quyết định cái gì. Vấn đề là ở chỗ, ông ta có thể đợi, sáu tuần, sáu tháng, thậm chí sáu năm, trong lúc chờ đợi như vậy ông ta không nhất thiết phải làm bất cứ điều gì. Trong khi đó Ukraine ở thế bị động, luôn bị căng thẳng, và cuối cùng sẽ mất đi tiềm năng, không ai có thể chịu đựng được sự lo lắng kéo dài triền miên như vậy, và sau đó sẽ là thời cơ hoàn hảo để phát động một cuộc tấn công. Đây là một chiến thuật phổ biến. Tuy nhiên, với kế hoạch này Putin vẫn chuốc lấy thất bại. Ông ta có thể giành chiến thắng về mặt quân sự, nhưng Putin không đạt được mục tiêu níu kéo Ukraine về mặt xã hội đến với Moscow. Cuối cùng thì người Ukraine thậm chí còn xa lánh hơn nữa với ý tưởng của chủ nghĩa Á-Âu.

Nguồn: Ukraine-Krise: “Und dann wäre der perfekte Zeitpunkt, um zuzuschlagen” – WELT, 18/02/2022.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài / Nghiên cứu Quốc Tế

Chiến tranh Ukraine: Sẽ có đàm phán, nhưng không như chúng ta nghĩ

Volodymyr Zelensky vẫn khước từ mọi cuộc nói chuyện với Vladimir Putin. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể có đàm phán giữa Ukraine và Nga, nhà sử học quân sự Martin van Creveld nói. Theo ông có bốn điều có thể xảy ra.

Về lý thuyết, chiến tranh kết thúc khi một phe tham chiến bị đánh bại, không còn sức chiến đấu, và kẻ chiến thắng có thể làm theo ý mình. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, các cuộc chiến tranh đều không có kết cục như vậy. Khi một cuộc chiến sắp kết thúc và không còn nhiều nghi ngờ về kết cuộc của nó, kẻ thua cuộc sẽ nỗ lực để đạt được những điều kiện tốt nhất có thể, trong khi kẻ chiến thắng cũng muốn tiết kiệm sức lực, chi phí và xương máu. Một khả năng khác là xuất hiện tình trạng bế tắc, buộc cả hai bên phải cân nhắc, xem liệu mục tiêu của họ có thực sự đạt được hay không, và tìm kiếm một lối thoát.

Trong hầu hết các trường hợp, việc mở đầu đàm phán được đánh dấu bằng một nghi lễ, có thể lớn hay nhỏ. Khi các cuộc đàm phán diễn ra, chúng có thể được tiến hành trực tiếp hoặc gián tiếp. Đàm phán trực tiếp liên quan đến một cuộc họp, hoặc nhiều khả năng là một loạt các cuộc họp, giữa đại diện của cả hai bên tham chiến; trong các cuộc đàm phán gián tiếp, trung gian đóng một vai trò quan trọng, đôi khi rất quan trọng. Thời Trung cổ, Giáo hội thường đảm nhiệm vai trò này; Ngoại giao con thoi vốn làm cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger trở nên nổi tiếng hồi những năm 1973-1974, khi ông bay qua bay lại giữa Jerusalem, Cairo và Damascus, không phải là phát minh của thời hiện đại.

Một bên trung lập hoặc Liên Hợp Quốc cũng có thể đảm nhận vai trò tương tự. Các cuộc đàm phán có thể được giới hạn trong các bên tham chiến thực sự, nhưng cũng có thể bao gồm các bên khác. Ví dụ, tại Hội nghị Vienna năm 1814-1815, các phái đoàn từ hầu hết các quốc gia châu Âu đã tham gia, tương tự là tại Hội nghị Versailles năm 1919-1920.

Trái ngược với niềm tin phổ biến, đánh và đàm không loại trừ lẫn nhau—trên thực tế, chúng thường xảy ra đồng thời. Một ví dụ điển hình là cuộc Chiến tranh Trăm năm giữa Pháp và Anh. Cuộc chiến bắt đầu vào năm 1337 và kết thúc vào năm 1453. Đó thực sự bao gồm một loạt các cuộc chiến tranh nhỏ, đôi khi đồng thời, đôi khi liên tiếp, với những khoảng hưu chiến giữa chừng.

Trong suốt 116 năm mà cuộc chiến này thực sự diễn ra, có lẽ không có một cuộc chiến nhỏ nào diễn ra mà không có đàm phán hòa bình diễn ra đồng thời- nếu không phải là giữa các bên tham gia chính, tức là các vị vua của cả hai quốc gia, thì cũng giữa các thuộc hạ của họ, những người thường được hưởng các quyền tự do đáng kể trong hệ thống phong kiến ​thịnh hành vào thời điểm đó, vốn có thể hành động theo ý mình. Một vấn đề mà các bên thường đạt được thỏa thuận là trao đổi tù binh – như những gì diễn ra hiện nay sau khi Kherson thất thủ.

Các cuộc đàm phán hòa bình liên quan đến Chiến tranh Ba mươi năm bắt đầu vào năm 1635 nhưng kéo dài đến tận năm 1648 (nếu chúng ta loại trừ một cuộc chiến có liên quan giữa Pháp và Tây Ban Nha, vốn kéo dài đến năm 1657).

Cuộc đàm phán để chấm dứt Chiến tranh Việt Nam bắt đầu từ năm 1969, kéo dài bốn năm; nội quyết định về hình thù cụ thể của bàn đàm phán, để làm vừa lòng tất cả các bên tham gia (Mỹ, Nam Việt Nam, Việt Cộng và Bắc Việt Nam), cũng đã mất hàng tháng trời.

Chúng ta có thể mong đợi điều gì nếu áp dụng các nguyên tắc trên vào cuộc xung đột Ukraine hiện nay?

Thứ nhất, rất có thể, các cuộc đàm phán lúc đầu sẽ được tiến hành gián tiếp, sau đó trực tiếp. Hiện tại, Volodymyr Zelensky kiên quyết khước từ không đàm phán với các đại diện của Putin chứ đừng nói đến bản thân ông ta. Tuy nhiên, việc Zelensky không ngồi lại với Putin không nhất thiết có nghĩa là bất kỳ hình thức đàm phán nào giữa Ukraine và Nga đều bị loại trừ. Một số dạng trung gian, rất có thể là Liên Hợp Quốc, hoặc một quốc gia như Ấn Độ, nước không tham gia vào cuộc xung đột, có thể được yêu cầu đóng vai trò này. Một khả năng khác là Putin bị chính người dân Nga lật đổ, và những người kế nhiệm ông có thể tỏ ra sẵn sàng đàm phán hơn so với Putin.

Thứ hai, do có nhiều quốc gia NATO và trên thực tế là Putin có ít đồng minh thân cận, rất có thể ông ta sẽ từ chối một hội nghị hòa bình và khăng khăng đòi tiến hành các cuộc đàm phán riêng lẻ. Về hình thức, những người tham gia khác sẽ chính thức bị loại trừ, mặc dù họ có thể tìm mọi cách để tham dự bên lề và thu nhặt được càng nhiều thứ rơi vãi càng tốt.

Thứ ba, các cuộc đàm phán gần như chắc chắn sẽ diễn ra trong một thời gian dài, có thể là rất dài trước khi đi đến kết thúc. Ít nhất là vài tháng, cũng có thể là nhiều năm. Trong quá trình đó có thể ngưng tiếng súng, hoặc súng vẫn tiếp tục nổ, tuy không liên tục và ở quy mô nhỏ hơn. Một ví dụ về cách vừa đánh vừa đàm này là Chiến tranh Việt Nam.

Thứ tư, nhìn từ Moscow, thì chiến thắng, bất kể hiểu từ này theo nghĩa như thế nào, cũng dường như rất xa vời, thậm chí còn xa hơn so với ngày quân đội Nga phát động cuộc xâm lược cách đây chín tháng. Về phía Ukraine, ngay cả khi tính đến những chiến thắng gần đây của Zelensky, có vẻ như mục tiêu mà ông tuyên bố, là đánh đuổi người Nga ra khỏi tất cả các lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm kể từ năm 2014, là không thực tế. Vì không thể giải quyết vấn đề bằng vũ lực, nên rất có thể cuối cùng hai bên sẽ đi đến một thỏa hiệp nào đó. Một thứ thỏa hiệp mang lại cho Ukraine phần lớn những gì họ muốn, nhưng cho phép Putin tuyên bố đã giành được chiến thắng, ví dụ như một tuyên bố của NATO rằng Ukraine không thể tham gia tổ chức này.

Lời cuối: bài báo ngắn này không dựa trên điều gì khác ngoài lịch sử. Trong quá khứ, lịch sử thường đưa ra những dự báo kém cỏi về tương lai. Nhưng lịch sử lại là tất cả những gì mà chúng ta có để dự đoán tình hình.

Nguồn: Von Martin van Creveld, “Es wird Verhandlungen geben – aber anders, als wir denken”, WELT, 18/11/2022.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài / Nghiên cứu quốc tế