Bên trong fan zone phục vụ World Cup 2022

Khu vực dành cho CĐV tại Qatar năm nay có sức chứa khoảng 40.000 người, với giá mỗi lon bia là 14 USD (khoảng 350.000 đồng).

Fan zone, khu vực dành cho CĐV, tọa lạc ở trung tâm thành phố Doha. Để vào nơi này, CĐV phải xếp hàng kiểm tra an ninh như kiểu sân bay.

Nhiệt độ ban ngày hiện nay ở Qatar hiện tại vào khoảng 32 độ C.

Đây là một thử thách không nhỏ cho các cầu thủ và CĐV vốn quen với thời tiết mát mẻ ở châu Âu.

Ở khu trung tâm, một màn hình lớn đã được dựng lên để phục vụ cho khoảng 40.000 CĐV đến theo dõi các trận đấu.

Bên cạnh đó, CĐV sẽ được thưởng thức âm nhạc quốc tế, khu vực và địa phương.

Tại đây, ban tổ chức đặt sẵn các khu vực ăn uống cho CĐV.

Giá mỗi lon bia loại nửa lít lên đến 14 USD (gần 350.000 đồng), mỗi CĐV chỉ được mua bốn lon. Bia sẽ chỉ được bán từ 19h hàng ngày. Fan zone không bán rượu.

Theo Sun, cách kiểm soát đồ uống có cồn ở Qatar khắt khe hơn rất nhiều so với World Cup 2006 tại Đức và World Cup 2018 tại Nga.

Fan zone được Trưởng bộ phận tiếp thị trải nghiệm của FIFA, Gerdine Lindhout mô tả là “nơi tốt nhất để thưởng thức World Cup tại Qatar khi bạn không đến sân vận động”.

World Cup 2022 sẽ diễn ra từ ngày 20/11 đến 18/12, với sự tham gia của 32 đội tuyển.

Đây là kỳ giải đặc biệt trong lịch sử, khi được tổ chức vào mùa đông do mùa hè tại Qatar quá nóng.

Ảnh: Sorin Furcoi, Al Jazeera. /Vietnam Express

Truyện : Bức thư bị giữ lại

Hẳn các bạn đã hình dung được rõ ràng rồi. Bọn chúng nghĩ rằng chúng đã bắt cóc được Harley Pendleton. Ông ấy và tôi thực sự giống nhau, chỉ có điều ông ấy là chủ sở hữu nhà máy Pendleton’s SnoWilbermobile, còn tôi chỉ là nhân viên của ông ấy thôi.

Câu chuyện bắt đầu là vào buổi trưa thứ Hai, khi ông Pendleton mở cửa văn phòng của mình, nhìn quanh phòng tiếp tân và chỉ thấy có một người trong đó – người giúp việc mẫn cán của ông. Ông ấy ném cho tôi chiếc chìa khóa xe.

– Wilber, đổ xăng vào xe cho tôi nhé, kiểm tra cả mức dầu và áp suất lốp xe. Chiều nay tôi sẽ đi Madison, tôi không có thời gian…

– Vâng, thưa ngài – Tôi trả lời, mặc áo khoác rồi đi xuống cầu thang.

Một tấm biển sáng trong bãi đậu xe thông báo với toàn thế giới: “Pendleton’s”. Tôi bước tới gần chiếc Lilconln của sếp mình. Nhưng trước khi tôi kịp tra chìa khóa vào ổ khóa, có một chiếc xe sedan màu xanh lá cây nhạt dừng lại sau lưng tôi và có hai gã trai trẻ nhảy ra khỏi đó. Chúng tóm lấy tôi và đẩy tôi vào xe của chúng, ấn tôi xuống sàn ở ghế sau.

314398280_1273079103233650_5819510273754240846_n.jpg -0
Minh họa: Đỗ Dũng

– Nghe này, có chuyện gì vậy? – Tôi hỏi.

Gã trai ngồi cạnh tôi cười cợt.

– Đây có phải là một vụ bắt cóc không? – Tôi vẫn không chịu thôi.

– Đúng vậy rồi, thưa ông.

Tôi bật cười.

– Chà, vậy thì các ông đã nhầm lẫn rồi. Tên tôi là Wilber Crawford. Còn các anh, tôi hiểu rõ rồi, đã theo dõi ông Pendleton.

– Ngậm miệng lại đi – Tên lái xe nói một cách thờ ơ.

Tôi bắt đầu lại điệp khúc của mình, nhưng lại nhận một cú đá vào mạn sườn và quyết định buông xuôi. Đối với một người nằm trên sàn ô tô thì bất kỳ chuyến đi nào dường như cũng dài vô tận. Theo ước tính của tôi, ít nhất hai giờ đã trôi qua trước khi chiếc xe nghiến lạo xạo lên những viên sỏi nhỏ rồi dừng lại.

Từ câu chuyện mà những kẻ bắt cóc tôi đã nói trên đường đi, tôi biết rằng tên lái xe tên là Max, còn tên đang ngồi cạnh tôi là Clarence. Cuối cùng thì tên này đã nhấc đôi chân của mình ra khỏi mạng sườn tôi.

– Ra ngoài thôi, đi nào.

Chúng tôi đã ở trong một ngôi làng tồi tàn nào đó, gần một trang trại. Tôi đang định lao đi, nhưng Clarence nắm chặt khuỷu tay tôi và đẩy vào nhà. Ở đó, một lần nữa tôi cố gắng làm rõ chuyện.

– Tên tôi là Wilber Crawford, tôi không phải là Pendleton đâu. Tôi làm việc trong công ty, nhưng tôi không phải là người sở hữu nó.

– Thôi nào! – Clarence gắt gỏng một cách ngu ngốc – Lạy thánh thần!

Hắn ta kéo tôi lên tầng hai và đẩy tôi vào một căn phòng ngủ chật chội. Tiếng ổ khóa kêu lách cách rồi tôi chỉ còn lại một mình. Chiếc cửa sổ duy nhất đã bị chắn bằng chấn song cứng. Có vẻ như bọn chúng đã nghĩ trước mọi thứ.

Tôi nhìn ra chiếc xe đang đậu trước nhà. Có lẽ nó đã bị đánh cắp chăng? Nếu đúng vậy thì thật quá nguy hiểm với hơn hai giờ lăn bánh trên một chiếc xe bị đánh cắp và thậm chí là cùng với một con tin. Nhiều khả năng chiếc xe này thuộc tình cảnh đó. Rồi sau đó tôi nghĩ: cần phải nhớ được số xe.

Nhìn xung quanh, tôi nhận thấy có một tấm lưới thông gió trên sàn và ngồi quỳ gối nhìn xuống. Ở bên dưới trong phòng khách, Max và Clarence đang xem tin tức trên ti vi. “Trưa nay, Wilber Crawford đã bị bắt cóc từ bãi đậu xe của nhà máy Pendleton SnoWilbermobile. Một nhân chứng đã nhìn thấy hai người đẩy ông ta lên ô tô và do quá xa nên không thể nhìn thấy biển số xe. Theo nhân chứng, đó là một chiếc xe sedan màu xanh lá cây nhạt mẫu mới nhất. Cảnh sát tin rằng những kẻ bắt cóc đã nhầm lẫn khi bắt Clarence thay vì Harley Pendleton, Chủ tịch hãng xe…”.

Clarence chửi rủa và bật dậy khỏi ghế. Tôi nghe thấy tiếng bước chân của hắn trên cầu thang. Sau khi mở cửa, hắn ta nhìn tôi chằm chằm.

– Vậy ông thực sự không phải là Harley Pendleton?

– Đó là điều tôi đã nói với các anh.

Hắn ta nhìn tôi với ánh mắt độc địa.

– Vậy là bọn ta sẽ không lấy được một xu nào từ ông?

– Thì các anh thấy đấy – Tôi mỉm cười – Bây giờ thì các anh có thể để tôi đi được rồi đấy.

Clarence lặng thinh:

– Thế tại sao bọn ta phải để cho ông đi chứ?

Tôi gần như nghẹt thở. Cần phải kéo dài thời gian.

– Nói chung là tôi có thể mang đến cho các anh món lợi nào đó. Một giải độc đắc không tồi. Hãy gửi cho Pendleton một bức thư để yêu cầu tiền chuộc.

– Tại sao? Ông ta ư, lại đi bỏ ra hai nghìn đôla vì ông sao? Chỉ vì một nhân viên quèn?

– Sao lại không bỏ ra chứ! Ông ấy sợ cánh báo chí. Các anh hãy tưởng tượng xem, người ta sẽ viết gì nếu ông ấy bỏ mặc số phận của tôi? Họ sẽ nói rằng ông ấy là một con thú dữ, không phải là con người. Ông ấy cần cái kiểu quảng cáo như vậy để làm gì? Còn nếu ông ấy bỏ ra hai nghìn đôla khốn kiếp đó thì dân chúng sẽ coi ông ấy là một anh hùng.

– Có lẽ, chuyện này cũng có phần đúng đấy – Sau khi suy ngẫm, Clarence đồng ý.

Tôi gật đầu lia lịa.

– Là thế đấy. Cả nước Mỹ sẽ bắt đầu mua xe của ông ấy. Ông ấy còn phải mở rộng sản xuất. Tiền sẽ chảy như sông…

– Được rồi, đừng có tán nữa – Clarence cáu kỉnh.

Hắn ta dẫn tôi xuống bên dưới rồi đưa cho tôi một tờ giấy và chiếc bút bi.

– Hãy viết thế này “Người ta yêu cầu tôi hai nghìn đôla. Ông hãy chuyển tiền vào tài khoản kín trong ngân hàng. Hạn chót là một tuần”.

Tôi đã ký lên phong bì và dán tem, sau đó Clarence lại hộ tống tôi đi lên tầng trên. Bây giờ tôi có thể hy vọng rằng bọn chúng sẽ không giết tôi. Thế liệu lại phải viết thêm một bức thư khác nữa thì sao?

Thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư đã lần lượt trôi qua… Đến thứ Năm thì tôi bắt đầu lo lắng, liệu bức thư yêu cầu có đến nơi được không.

Đến hai giờ chiều ngày hôm đó, từ ô cửa sổ nhỏ tôi thấy có hai chiếc xe ô tô dừng lại cách ngôi nhà nửa dặm. Mọi người nhảy ra khỏi xe, chạy tỏa ra khắp cánh đồng và bắt đầu kín đáo tiếp cận trang trại.

Tôi đứng tựa vào lỗ thông hơi, để mắt tới Clarence và Max đang xem ti vi. Cảnh sát đã ập vào phòng. Bị bất ngờ, những kẻ bắt cóc ngay lập tức đầu hàng.

Khi tôi đi xuống dưới, Clarence đang ngạc nhiên và lớn tiếng hỏi về điều đã xảy ra.

– Làm thế nào mà các ông tìm thấy được chúng tôi? – Hắn hỏi viên Cảnh sát trưởng.

Ông ta cả cười.

– Qua chiếc phong bì thư. Mã bưu điện nơi nhận không chính xác và bức thư bị giữ lại. Hóa ra mã số ngớ ngẩn đến mức chúng tôi tự hỏi, liệu có phải ông Crawford muốn báo cho chúng tôi biết điều gì đó quan trọng không, ví dụ như số xe. Và đúng là điều đó đã diễn ra. Chúng tôi đã kiểm con số và tìm ra được người sở hữu chiếc sedan màu xanh lá cây nhạt này.

Max ủ rũ nhìn sang Clarence

– Làm sao mà cậu lại gửi đi bức thư có số xe của tôi như vậy?

Clarence nhún vai.

– Làm sao mà tôi biết được con số chết tiệt đó cơ chứ?

Tại nhà máy tôi được người ta chào đón như một anh hùng.

Và vào thứ Hai tuần sau, ông Pendleton mở cửa văn phòng của mình, nhìn quanh và không thấy ai ngoài tôi, đã ném cho tôi chiếc chìa khóa xe.

– Wilber, đổ xăng vào chiếc xe cho tôi nhé, kiểm tra cả mức dầu và áp suất lốp xe. Chiều nay tôi sẽ đi Madison, tôi không có thời gian…

Lần này thì không có ai bắt cóc tôi cả.

Hải Yến (dịch) / Ritchie Jack (Mỹ)

Tỉnh có tỷ lệ sở hữu ô tô lớn nhất Việt Nam

Tỉnh có tỷ lệ sở hữu ô tô lớn nhất Việt Nam
TOÀN TỈNH NÀY CÓ 99.200 PHƯƠNG TIỆN Ô TÔ ĐANG ĐƯỢC QUẢN LÝ. TRONG ĐÓ, Ô TÔ CON CHIẾM GẦN 61%; Ô TÔ TẢI CHIẾM HƠN 33%; Ô TÔ KHÁCH CHIẾM 3,34%, CÒN LẠI LÀ XE SƠ MI RƠ MÓC, CHUYÊN DÙNG…

Theo kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, tính trung bình cả nước có 5,7% tổng số hộ gia đình có ô tô. Trong đó, vùng thành thị có 9,5% hộ có ô tô, trong khi con số này ở vùng nông thôn chỉ là 3,6%.

Nếu tính chung cả thành thị và nông thôn thì các tỉnh thành có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô cao nhất là TP Hà Nội (12%), TP Đà Nẵng (10,7%) và Thái Nguyên (10,3%).

Thái Nguyên không phải là thành phố lớn, nhưng lại có tỷ lệ sở hữu ô tô cao, và là tỉnh có tỷ lệ sở hữu ô tô lớn nhất. Trung bình cứ 10 hộ ở Thái Nguyên thì có hơn 1 hộ có ô tô.

Toàn tỉnh có 99.200 phương tiện ô tô đang được quản lý. Trong đó, ô tô con chiếm gần 61%; ô tô tải chiếm hơn 33%; ô tô khách chiếm 3,34%, còn lại là xe sơ mi rơ móc, chuyên dùng…

Năm 2019, tổng số ô tô đăng ký mới trên địa bàn tỉnh là 6.266 xe; năm 2020 là 6.826 xe và năm 2021 là 7.335 xe.

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Thái Nguyên), trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có gần 1.800 xe ô tô được đăng ký mới, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 66% so với năm 2019 – thời điểm chưa Covid-19.

Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của khu vực trung du miền núi phía Bắc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Thái Nguyên là tỉnh tiếp giáp với Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và được xác định là một trong những trung tâm vùng của các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ, diện tích tự nhiên 3.562,82 km².

Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính gồm: 3 thành phố: TP. Thái Nguyên; TP. Sông Công, TP. Phổ Yên và 6 huyện: Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương; có 178 xã, phường, thị trấn. Thái Nguyên có gần 1,3 triệu dân với nhiều dân tộc cùng sinh sống.

Thái Nguyên có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với các địa phương và cửa khẩu Quốc tế: Hệ thống đường bộ với Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ mới Bắc Kạn; Quốc lộ 37 kết nối Bắc Giang – Thái Nguyên – Tuyên Quang; Quốc lộ 1B kết nối Thái Nguyên – Lạng Sơn;

Với vị trí rất thuận lợi về giao thông, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km và cảng Hải Phòng 200 km, Thái Nguyên còn là điểm nút giao thông quan trọng với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh thành; đường quốc lộ 3 nối Hà Nội đi Bắc Kạn; Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc; quốc lộ 1B đi Lạng Sơn; quốc lộ 37 Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang; đường Hồ Chí Minh; đường vành đai 5; Hệ thống đường sông Đa Phúc – Hải Phòng; đường sắt Thái Nguyên – Hà Nội – Kép, Lạng Sơn.

Nhã Mi / Nhịp sống thị trường

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp

World Cup – giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh đã có lịch sử gần 100 năm với rất nhiều kỷ lục thú vị.

Hầu như mùa World Cup nào cũng chứng kiến một kỷ lục mới được phá, một kỷ lục mới được thiết lập hay những sự kiện kịch tính đọng lại mãi trong ký ức mỗi người. World Cup 2022 đã đến rất gần, chúng ta hãy cùng điểm lại những kỷ lục, câu chuyện thú vị mà ít người biết từng xảy ra trong giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh này.

1. Trận đấu có nhiều khán giả nhất trong lịch sử World Cup

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 1.

Kỷ lục này thuộc về trận chung kết World Cup 1950 giữa Brazil với Uruguay. Trận đấu chính thức ghi nhận 173.850 khán giả. Tuy nhiên, có một số suy đoán rằng con số này không chính xác và người ta tin rằng có khoảng 199.854 đến 200.000 người đã bị nhồi nhét trong Sân vận động Maracana ở Rio de Janeiro.

Trận đấu này cũng nổi tiếng là trận đấu khiến nhiều cổ động viên Brazil tự tử khi đội của họ thua trận.

2. Cầu thủ có nhiều lần vô địch World Cup nhất trong lịch sử

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 2.

Nôi sao bóng đá Pelé của Brazil đã giành chức vô địch World Cup đầu tiên vào năm 1958 tại Thụy Điển, đồng thời cũng chứng kiến chiến thắng lần đầu tiên của Brazil. Sau đó, ông đã giúp Brazil giành giải trong giải đấu tiếp theo vào năm 1962 và cuối cùng đưa đội của mình lên bục chiến thắng vào năm 1970. Tổng cộng Pelé đã 3 lần được cùng đội nhà vô địch World Cup.

3. Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất World Cup

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 3.

Miroslav Klose của tuyển Đức đang có thành tích ghi 16 bàn ở World Cup, thậm chí vượt qua kỷ lục của Ronaldo. Anh đã ghi 5 bàn trong mùa giải đầu tiên của mình vào năm 2002 và sau đó là 5 bàn nữa trong giải đấu năm 2006. Klose tiếp tục ghi 4 bàn vào năm 2010 và 2 bàn vào mùa giải 2014.

4. Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong một kỳ World Cup

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 4.

Just Fontaine của Pháp đã ghi 13 bàn trong giải đấu năm 1958 ở Thụy Điển, số bàn thắng nhiều nhất mà một cầu thủ từng ghi được trong một giải đấu.

5. 3,2 tỷ người đã theo dõi kỳ World Cup 2018

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 5.

Gần một nửa dân số thế giới đã theo dõi các trận đấu World Cup 2018. Con số này bao gồm những người đã xem các trận đấu cả trên tivi và trên các nền tảng kỹ thuật số.

6. World Cup đầu tiên được tổ chức bởi Uruguay vào năm 1930

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 6.

Uruguay là nước chủ nhà đầu tiên nhưng cuối cùng cũng trở thành nhà vô địch World Cup đầu tiên.

7. Giải đấu năm 2002 là lần đầu tiên được tổ chức bởi hai quốc gia

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 7.

Ban đầu, Hàn Quốc và Nhật Bản đều từng đấu thầu để đăng cai chức vô địch. Nhật Bản sau đó tiếp tục từ chối ý tưởng đồng tổ chức. Tuy nhiên, họ đã thay đổi quyết định và thực hiện điều mà FIFA tuyên bố là một quyết định quan trọng để chỉ ra cách thể thao có thể đánh bại mọi sự khác biệt.

8. Cầu thủ lớn tuổi nhất từng chơi ở World Cup

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 8.

Essam El Hadary, thủ môn của Ai Cập, thi đấu tại World Cup 2018 ở Nga ở tuổi 45. Giải đấu cũng trao cho anh danh hiệu cầu thủ lớn tuổi nhất cản phá thành công quả phạt đền khi cản phá thành công cú penalty của Saudi Arabia.

9. Bàn thắng nhanh nhất tại World Cup

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 9.

Cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Sukur đã ghi bàn thắng đầu tiên sau 10,89 giây trong trận đấu với Hàn Quốc trong khuôn khổ trận play-off tranh hạng ba.

10. Chiếc cúp vô địch World Cup 1966 đã bị đánh cắp

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 10.

Trước giải đấu năm 1966 đang diễn ra ở Anh, chiếc cúp vàng vô địch đã được trưng bày tại Hội trường Trung tâm Giám lý ở Westminster, London. Một tên trộm đã qua mặt được đội ngũ an ninh một cách bí ẩn và trốn thoát với chiếc cúp. Nhưng sau đó nó đã được tìm thấy bởi một nhân vật đặc biệt. Một chú chó tên Pickles đã tìm ra chiếc cúp danh giá dưới một bụi cây trong khu dân cư.

11. Đội thua nhiều trận nhất World Cup

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 11.

Mexico đã thua tổng cộng 25 trận kể từ khi giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh bắt đầu.

12. Chỉ có hai quốc gia vô địch World Cup hai lần liên tiếp

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 12.

Đội tuyển Ý đã mang về chiếc cúp vô địch thế giới vào năm 1934 và 1938, và đội tuyển Brazil đã giành được danh hiệu này vào năm 1958 và 1962.

13. Hai quốc gia từng đối đầu nhau nhiều nhất ở các VCK World Cup

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 13.

Argentina và Đức đã thi đấu với nhau nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Họ đối đầu với nhau trong các trận chung kết năm 1986, 1990 và 2014.

14. Indonesia mới chỉ chơi một trận World Cup duy nhất trong lịch sử

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 14.

Đội tuyển châu Á đã ra mắt World Cup tại giải đấu năm 1938 dưới tên Đông Ấn thuộc Hà Lan. Họ đấu với Hungary và để thua với tỷ số 6-0.

15. Sân vận động FIFA World Cup có thể tháo dỡ đầu tiên

15 câu chuyện thú vị trong lịch sử World Cup, từ trận đấu nhiều người xem nhất đến sự kiện cúp vàng bị đánh cắp - Ảnh 15.

Sân vận động 974 ở thủ đô Qatar – Doha được xây dựng từ các container vận chuyển và sẽ bị dỡ bỏ hoàn toàn sau khi giải đấu kết thúc. Mục tiêu của sân vận động có thể tháo dỡ là góp phần giảm thiểu chất thải tổng thể trong quá trình xây dựng sân vận động và sản xuất linh kiện.

Nguồn: The Sports News / Chi Chi / Trí thức Trẻ

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chiến lược của các nước lớn

Là khu vực có vai trò quan trọng trong việc định hình trật tự thế giới thế kỷ 21, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã, đang là điểm đến và triển khai chiến lược của nhiều nước, nhất là đối với các nước lớn. Vậy, nội dung chiến lược của các nước như thế nào và sự tác động của nó đến an ninh khu vực ra sao đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chiến lược của các nước lớn

Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có dân số chiếm hơn một nửa dân số thế giới và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng nhiều tuyến đường biển quan trọng, có ý nghĩa “sống còn” đối với nền thương mại toàn cầu. Đây cũng là khu vực “phát triển năng động” khi có sự hiện diện của ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và 07 trong số 08 thị trường phát triển nhanh, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),… với GDP chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, khu vực này cũng là “điểm nóng” về tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên thiên nhiên, phổ biến vũ khí hạt nhân cùng các thách thức an ninh phi truyền thống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, ổn định khu vực và thế giới. Nhiều phân tích chỉ ra rằng, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực có vị trí địa chiến lược cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, nếu kiểm soát được khu vực này về cơ bản sẽ kiểm soát được thế giới. Chính vì vậy, các nước lớn, tổ chức khu vực, đặc biệt là các cường quốc đã và đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực quan trọng này bằng những chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt được mục tiêu, lợi ích quốc gia.

Chiến lược của Mỹ

Sau khi nắm quyền, Tổng thống Joe Biden rất chú trọng thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi coi đây là khu vực ưu tiên về an ninh, kinh tế và đối ngoại của Mỹ. Với mục tiêu: (1) giữ vững vai trò “độc tôn” lãnh đạo thế giới trong bối cảnh Trung Quốc, Nga – “đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu” – đang đẩy mạnh các hoạt động tại khu vực; (2) bảo vệ quyền lưu thông tự do về hàng hải và hàng không; (3) đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm an ninh, ổn định khu vực. Để thực hiện mục tiêu trên, Washington nhấn mạnh vai trò của các liên minh, liên kết về kinh tế, chính trị và an ninh mà Mỹ giữ vai trò chủ đạo, như: “Bộ tứ kim cương” (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), Liên minh AUKUS (Mỹ, Anh, Australia), tam giác chiến lược “Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc”, “Mỹ – Ấn Độ – Nhật Bản”, coi đó là các “trụ cột” của chiến lược. Cùng với đó, Mỹ còn gắn kết chặt chẽ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia nhằm chia sẻ trách nhiệm và lợi ích; mở rộng hợp tác với các nước ASEAN – “mắt xích” quan trọng trong định hình cấu trúc an ninh khu vực.

Đồng thời, Mỹ còn lôi kéo một số nước thông qua việc đề cao nguyên tắc “tự do, công bằng và có đi, có lại”; đẩy mạnh hợp tác đa phương, song phương; tiến hành viện trợ kinh tế, tài chính và nhân đạo; đầu tư vào các dự án có ý nghĩa chiến lược; xây dựng bộ quy tắc ứng xử dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế,… để tập hợp lực lượng, tạo lợi thế trước các “đối thủ” tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đặc biệt, Washington còn điều chỉnh chiến lược nhằm duy trì ưu thế sức mạnh quân sự vượt trội tại các khu vực trọng yếu để răn đe, ngăn chặn các mối đe dọa, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia cũng như khẳng định vai trò “độc tôn” lãnh đạo khu vực, thế giới.

Chiến lược của Liên minh châu Âu (EU)

Để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tháng 9/2021, EU đã công bố Chiến lược đối với khu vực quan trọng này. Việc EU công bố Chiến lược đã phản ánh tư duy, cách nhìn mới về vị trí, vai trò của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong việc định hình trật tự thế giới thế kỷ 21. Lãnh đạo EU khẳng định: Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có vị trí chiến lược quan trọng đối với vị thế và sự phát triển của Liên minh trong tương lai. Chính vì vậy, EU chủ trương can dự vào khu vực với vai trò là đối tác quan trọng, nhân tố có ảnh hưởng toàn cầu để xây dựng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thành khu vực tự do và rộng mở cho tất cả các nước; đồng thời, thiết lập các mối quan hệ, hợp tác lâu dài, toàn diện với các quốc gia trong khu vực. Theo đó, EU xác định 07 lĩnh vực ưu tiên, gồm: thịnh vượng chung và phát triển bền vững; chuyển đổi xanh; quản trị đại dương; quản trị kinh tế số; kết nối khu vực; an ninh, quốc phòng và an ninh con người. Trên cơ sở đó, EU đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác có giá trị, như: Liên minh Xanh, Mạng lưới Ngoại giao mạng, Thỏa thuận Đối tác số sử dụng trí tuệ nhân tạo, v.v. Đối với các tranh chấp chủ quyền biển, đảo tại khu vực, EU ủng hộ các giải pháp đối thoại hòa bình, giải quyết bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế; cam kết phối hợp với đồng minh, đối tác, bảo vệ tự do hàng hải, thương mại, xây dựng khu vực ổn định và phát triển.

Cùng với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Liên minh, một số nước thành viên, như Pháp, Đức, Hà Lan cũng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của riêng mình, nhằm bảo vệ lợi ích và vị thế tại khu vực quan trọng này.

Chiến lược của Trung Quốc

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Trung Quốc xem là “cửa ngõ” để nước này tiến ra làm chủ đại dương. Theo đó, thời gian qua, cùng với đưa ra yêu sách chủ quyền “đường 09 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” và sự hiện diện lực lượng tại Biển Đông – vùng biển có vị trí trọng yếu tại khu vực Thái Bình Dương, nước này còn hình thành “chuỗi liên kết” – “chuỗi ngọc trai” hay “con đường tơ lụa trên biển” từ Trung Quốc đại lục đi qua eo biển: Mandeb, Malacca, Hormuz, Lombok và các nước: Singapore, Campuchia, Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Somalia đến Port Sudan trong khu vực Sừng châu Phi. Trên “chuỗi liên kết” này, Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia, đầu tư xây dựng các “đặc khu”, hành lang kinh tế, như: Trung Quốc – Pakistan; Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar – Bangladesh; trục kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Singapore với hai cánh là Hợp tác tiểu vùng Sông Mekong mở rộng và Hợp tác tiểu vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, v.v. Các dự án kinh tế cùng với các liên kết, hợp tác trong Sáng kiến “vành đai và con đường”, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là cơ sở để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, an ninh; nâng cao uy tín, vị thế cường quốc cũng như gia tăng khả năng kiểm soát các địa bàn trọng yếu, các tuyến vận tải biển “yết hầu” tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Trung Quốc còn chú trọng đầu tư xây dựng lực lượng “Hải quân biển xanh” hùng mạnh, nhằm đối phó với thách thức từ bên ngoài và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chiến lược của Nga

Giống như các cường quốc khác, Moskva coi Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực trọng tâm trong triển khai chiến lược biển của mình. Vì thế, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Điện Kremli tập trung vào các lĩnh vực: đầu tư phát triển vùng Viễn Đông thành “Trung tâm phát triển quốc tế” – cầu nối thương mại giữa Nga với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; tăng cường quan hệ chiến lược với các nước truyền thống, các liên minh, liên kết; trong đó, chú trọng xây dựng quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc nhằm tạo “đối trọng” với Mỹ, hạn chế sức ép từ Mỹ và phương Tây. Nga cũng đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với các nước, các tổ chức, diễn đàn hợp tác kinh tế, chính trị, an ninh trong khu vực và coi đây là một kênh quan trọng để Nga bảo vệ lợi ích quốc gia, gia tăng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chiến lược của Nhật Bản

Tháng 4/2017, Tokyo đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) với nội dung chủ yếu: thúc đẩy kết nối giữa châu Á với Trung Đông và châu Phi; củng cố hình ảnh, nâng cao vị thế toàn cầu của Nhật Bản với vai trò là một nước lớn; kết hợp với các đồng minh, đối tác đảm bảo sự cân bằng chiến lược ở khu vực. Theo đó, Nhật Bản coi trọng tăng cường “sức mạnh mềm” thông qua các dự án hợp tác kinh tế, hỗ trợ tài chính cho các nước tại khu vực Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi. Nhật Bản cùng với Ấn Độ chi hàng trăm tỉ USD cho dự án đầy tham vọng – dự án “Hành lang tăng trưởng Á – Phi” để xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối hai lục địa giàu tiềm năng. Ngoài ra, Nhật Bản cũng tích cực tham gia liên minh với Mỹ, Ấn Độ, Australia; tăng cường hợp tác quân sự, quốc phòng với một số nước để đối phó với các mối đe dọa, các thách thức an ninh phi truyền thống, bảo vệ tự do hàng hải, bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Với vị trí địa chiến lược quan trọng nên nhiều tổ chức, nước lớn khác cũng không đứng ngoài cuộc đua tranh giành ảnh hưởng đối với khu vực này, như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có “Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”; Ấn Độ có “Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”; Australia có “Kế hoạch Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, v.v.

Việc các nước lớn, nhất là các cường quốc dành sự quan tâm đặc biệt cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực. Về mặt tích cực, chiến lược của các nước lớn sẽ mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển, chậm phát triển trong khu vực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc có thể làm nảy sinh các cuộc chạy đua vũ trang, khiến những tranh chấp tại các “điểm nóng” vượt tầm kiểm soát, đẩy khu vực vào tình trạng bất ổn. Chính vì vậy, dư luận quốc tế cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát, thì hơn lúc nào hết các nước lớn, các tổ chức trong khu vực cần tăng cường hợp tác trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chung tay ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ, thách thức, xây dựng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.

Theo MINH ĐỨC / TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN /Red VN