VĨNH PHÚC – Những góc tường không điểm chết nhờ diện cửa kính lớn, khiến căn biệt thự như hòa mình vào thiên nhiên.
Ngôi nhà mang tên Tam Đảo Retreat là chốn an trú của một chủ doanh nghiệp lui về nghỉ ngơi sau nhiều năm lăn lộn với nhà máy và công trường.
Gia chủ muốn có một không gian sống gần gũi thiên nhiên, phóng khoáng, đơn giản. Ngoài ra, ngôi nhà cũng phải đầy đủ công năng, tiện nghi tốt, là điểm đến của bạn bè và các cháu nhỏ đến thăm ông.
Diện tích xây dựng căn biệt thự chỉ chiếm 1/10 diện tích khu đất rộng 2.000 m2. Theo kiến trúc sư và gia chủ thì diện tích đó đủ để cả gia đình sinh sống hài hòa với thiên nhiên.
Căn biệt thự nằm trên một khu đất địa hình dốc, xen kẽ giữa 52 cây thông lâu năm. Yêu cầu gia chủ đặt ra là giữ lại toàn bộ cây, sự có mặt của con người không được ảnh hưởng đến tự nhiên và tự nhiên hiện hữu tại mọi góc của công trình.
Bởi vậy, ngay từ đầu kiến trúc sư đã xác định công trình cần bố trí để không xâm hại đến cây cối. Ngôi nhà lúc này ẩn giữa thiên nhiên, giữa các tán cây. “Cái đẹp dễ thấy nhất khi thiên nhiên và kiến trúc hiện diện cùng nhau mà không phải chờ xây dựng hệ thống cảnh quan nhân tạo”, kiến trúc sư phụ trách nói.
Công trình gồm hai cụm lớn: Cụm nhà ở với phòng khách, bếp, bốn phòng ngủ nằm phía cao trên đồi để có điểm nhìn tốt nhất và cụm kỹ thuật gồm bể bơi, kho, phòng phục vụ, kỹ thuật nằm phía dưới. Không gian trong căn nhà được thiết kế với hướng mở tối đa ra bên ngoài để tận hưởng toàn bộ bối cảnh xung quanh.
Các khối phòng được tách rời để có thể len lỏi trong khoảng trống của các tán cây, nối với nhau bằng nhà cầu thép kính và hành lang. Chỉ có một khối nhà được làm hai tầng, còn lại các khối một tầng hướng công trình phát triển theo địa hình trải ngang của đồi.
Vì nhà nằm trên phần cao của một đồi dốc, lại phải bố trí xen kẽ giữa các gốc cây, nên các hố móng được đào và neo vào đồi, dẫn lên các cột để công trình có những điểm treo mình giữa tán cây. Dù phương pháp không quá phức tạp nhưng đòi hỏi kinh nghiệm và sự kỹ lưỡng.
Tại công trình này, kiến trúc sư sử dụng khá nhiều bê tông thô. Màu sắc trầm của bê tông tương đồng với màu của đá, của tán cây thông lâu năm, cũng như màu của đất rừng.
Màu xám trầm của bê tông còn làm nổi bật màu xanh của lá cây mùa nắng hay màu của lá cỏ, tạo sự thân thiện.
Không gian chính của công trình đều thiết kế như những căn phòng không góc. Phần góc nhà đều là các tấm kính lớn hai mặt, mở rộng không gian kéo dài ra bên ngoài, khiến cho căn nhà như một phần của tự nhiên.
Khối không gian sinh hoạt chung và khoảng sân trời được bố trí ở giữa để kết nối toàn bộ hoạt động của các thành viên trong gia đình.
Nội thất trong nhà chủ yếu mang tông màu trung tính để phù hợp với phong cách tối giản của cả căn biệt thự.
Với cách thức sử dụng nội thất đơn sắc, tối giản, kiến trúc sư muốn tận dụng ánh sáng tự nhiên để tạo hiệu ứng thị giác.
Nằm giữa rừng cây, ngôi nhà được hưởng lợi từ bóng mát, cảnh quan đẹp và sự riêng tư. Vì thế việc sử dụng kính tiết diện lớn mang lại tầm nhìn thoáng đãng, thiên nhiên trong và ngoài hòa quyện với nhau.
Hướng nắng gắt được tính toán để các bức tường và bóng cây che chắn, bởi vậy trong nhà luôn mát mẻ.
Phòng ngủ với tầm nhìn ra khung cảnh yên bình. Mỗi sáng thức dậy, chỉ cần phóng tầm mắt ra ngoài là có thể nhìn thấy thiên nhiên, tất cả tạo nên một khung cảnh đối lập với sự tấp nập của phố thị.
Với mong muốn biến phòng tắm thành nơi nghỉ ngơi thư giãn, thay vì những bức tường đặc, kiến trúc sư đã thay thế bằng hệ kính trong suốt khiến thiên nhiên và con người được hòa quyện vào nhau.
Từ vị trí bồn tắm trên cao, gia chủ có thể chiêm ngưỡng không gian đồi núi xung quanh. Để đảm bảo sự riêng tư, hệ thống rèm được bố trí để gia chủ sử dụng khi cần thiết.
Hồ bơi vô cực diện tích 50 m2 được bố trí ở phần thấp hơn của ngôi nhà. Điều này vừa tạo một điểm nhấn về cảnh quan cho công trình từ trong nhìn ra cũng như từ ngoài nhìn vào. Ngoài ra việc đẩy bể bơi tách khỏi khối nhà chính cũng tạo góc nhìn độc đáo, với cảm giác được tắm giữa rừng.
Việc đưa bể bơi ra vị trí xa tán thông cũng tránh lá rụng từ các cây cao xuống nước, thuận lợi cho việc vệ sinh.
Công trình xây dựng hơn một năm, tổng chi phí khoảng 10 tỷ đồng.
Trang Vy /Đơn vị thiết kế: IDEE Architects Nhóm thiết kế: Trần Ngọc Linh, Nguyễn Huy Hải, Nguyễn Đắc Nguyên, Vũ Thị Thanh Tâm, Nguyễn Văn Tú Ảnh: Triệu Chiến /Vietnam Express
KENNEDALE, Texas (NV) – Ernest Miller Hemingway là một trong số ít những nhà văn lớn của Hoa Kỳ đã từng đoạt cả giải Pulitzer (1953) lẫn Nobel Văn Chương (1954).
Nhà văn Ernest Hemingway (1899-1961) với các binh sĩ Mỹ năm 1944. (Hình: Central Press/Getty Images)
Nhiều tác phẩm của ông được xem thuộc loại kinh điển của văn học Mỹ, vừa được những nhà nghiên cứu văn học đánh giá cao và vừa được quần chúng thuộc mọi giai tầng thích thú.
Một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Hemingway là “A Farewell to Arms.” Đây là tác phẩm thứ ba và là là tác phẩm đã củng cố vị trí của ông trên văn đàn, đồng thời mang lại cho ông thành công cả về danh tiếng lẫn tài chính. Tác phẩm này đã từng được dịch sang Việt Ngữ ở miền Nam Việt Nam trước 1975 là “Vĩnh Biệt Chiến Trường,” dịch giả là Nguyễn Lương Sắc, do nhà xuất bản Gió Bốn Phương xuất bản năm 1967. Ở trong nước hiện nay, có bản dịch của Giang Hà Vị và Nguyễn Tuấn Khanh với tên “Giã Từ Vũ Khí.”
Xoay quanh “A Farewell to Arms” có nhiều chi tiết khá lý thú, từ tựa đề cho đến cốt truyện và những chuyện linh tinh khác.
Tựa đề
Tác phẩm gần như lấy nguyên văn từ tựa đề của một bài thơ trữ tình vào thế kỷ thứ 16 của George Peele: “A Farewell to Arms (to Queen Elizabeth)” qua đó, một hiệp sĩ than thở rằng anh ta quá già, không thể mang vũ khí để bảo vệ Nữ Hoàng Elizabeth được. Ấy thế mà, theo các học giả, không có bằng chứng nào cho thấy là Hemingway đã từng biết đến bài thơ.
Tựa đề chỉ được Hemingway chọn về sau này, sau khi sửa đi sửa lại bản thảo nhiều lần để xuất bản, theo họ. Do đó, nó không ảnh hưởng gì đến cách viết và nội dung tác phẩm, vốn chỉ nói về tình yêu, chiến tranh và trách nhiệm.
Văn phong
Với ý định muốn độc giả trải qua hiện thực sống động của chiến tranh y như họ sống trong đó, Hemingway sử dụng một lối văn giản dị và ngôn ngữ dễ hiểu, loại bỏ những tính từ và trạng từ không cần thiết.
Để gây cho độc giả các cảm giác trực tiếp, ông thường sử dụng những mệnh đề tường thuật ngắn và dùng nhiều liên từ “và” (and). Chẳng hạn: “It came very fast and the sun went a dull yellow and then everything was gray and the sky was covered and the cloud came on down the mountain and suddenly we were in it and it was snow.” (Tạm dịch: Mây kéo đến rất nhanh và mặt trời chuyển sang màu vàng xỉn và sau rồi mọi thứ trở nên xám xịt và bầu trời bị che phủ và mây từ trên núi xuống và đột nhiên chúng tôi ở trong đó và tuyết rơi).
Câu kéo trông có có vẻ dài dòng, luộm thuộm. Tuy nhiên, theo Mark Looi, trong bài “On Hemingway’s ‘A Farawell to Arms,’” thì đó là nghệ thuật kể chuyện của Hemingway. Chữ “và” (and) đóng vai trò như những chướng ngại vật, truyền đạt hành động vừa ở chính những con chữ, lại vừa ở trong hình thức của chữ. “Xuyên qua tác phẩm, ông vận dụng ngôn ngữ để miêu tả câu chuyện nằm bên ngoài ý nghĩa của chữ.” Hemingway cho biết ông bắt chước nhạc sĩ Johann Bach khi viết nhạc, bằng cách lập đi lập lại chữ để tạo âm điệu.
Các đối thoại trong truyện rất sống động. Ông diễn tả lại cách ăn nói của người lính ngoài chiến trường y như chúng diễn ra trong thực tế: thẳng thắn, bộc trực, lắm khi tục tằn, thô lỗ. Chính vì thế, khi cho đăng trên báo hay in thành sách, nhà xuất bản yêu cầu ông bỏ bớt đi một số hoặc, nếu không, thay vào đó bằng những gạch ngang, để độc giả khỏi bị dị ứng. Tuy nhiên, trong những ấn bản đầu tiên của riêng ông, ông dùng bút ghi lại nguyên văn những chữ đó khi gửi tặng bạn bè, thân hữu. James Joyce, con chim đầu đàn của chủ nghĩa hiện đại trong văn chương, có một bản “A Farawell to Arms” như thế, với lời đề tặng của Hemingway.
Nhà văn Ernest Hemingway và bà Mary Welsh, người vợ thứ tư, chụp hình năm 1948. (Hình: Keystone/Getty Images)
Đăng báo và xuất bản
“A Farewell to Arms” được viết đi viết lại và sửa chữa trong vòng 15 tháng. Trước tiên, tác phẩm được đăng trên tạp chí định kỳ “Scribner’s Magazine” từ Tháng Năm và Tháng Mười, 1929. Hemingway được trả $16,000 tiền tác quyền, một số tiền khá lớn được trả cho tiểu thuyết đăng từng kỳ vào thời đó.
“Scribner’s Magazine” là một tạp chí tương đối phổ biến với lượng phát hành trung bình hằng năm vào khoảng 70,000 ấn bản. Tuy nhiên, khi cho đi truyện “A Farewell to Arms,” số lượng tiêu thụ bị giảm sút rõ rệt vì độc giả cho rằng ngôn ngữ sử dụng quá dung tục với nhiều cảnh làm tình lộ liễu, mặc dù tòa soạn đã loại bỏ khá nhiều đoạn và chi tiết nhạy cảm.
Tệ hơn nữa, tạp chí còn bị cấm bán ở Boston, Massachusetts, một trong những thành phố vốn được xem là tiến bộ so với nhiều nơi khác ở Hoa Kỳ. Lên tiếng bênh vực cho tác phẩm, “Scribner’s Magazine” cho rằng, “sự cấm bán tạp chí ở Boston là một bằng chứng cho thấy sự sử dụng kiểm duyệt sai trái căn cứ trên một số đoạn, mà không dựa trên hiệu quả và mục đích của tác phẩm như một toàn thể.” Tác phẩm không phi luân mà cũng không phản chiến, theo lời tòa soạn.
Tuy nhiên, khi được xuất bản như một tiểu thuyết ở Hoa Kỳ vào Tháng Chín, 1929, “A Farewell to Arms” lại được công chúng nồng nhiệt chào đón. Chỉ trong vòng 12 tháng, 100,000 ấn bản đã được bán sạch.
Tờ New York Times cho đó là một tác phẩm “cảm động và hay;” tạp chí “Times Literary Supplement” ở London cho tác phẩm “một truyện tuyệt vời” và tác giả là “một nghệ sĩ đầy tài năng và độc đáo.”
Tuy nhiên, tác phẩm không được đón nhận như vậy ở Ý. Nhiều người Ý bất bình vì tác phẩm đã diễn tả sự thất bại của quân đội Ý ở chiến trường Caporetto.
Chế độ phát xít Benito Mussolini cấm hẳn truyện. Sự cấm đoán này một phần nằm ở chỗ xung khắc cá nhân giữa Hemingway và Mussolini. Số là nhiều năm trước đó, năm 1923, trong một bài viết đi trên tạp chí “The Toronto Daily Star,” Hemingway gọi Mussolini là một “kẻ bịp bợm hàng đầu ở Âu Châu” (a biggest bluff in Europe). Gần 20 năm sau đó, 1948, tác phẩm mới được phép phát hành ở Ý.
Kết thúc truyện
Phần kết thúc truyện “A Farewell to Arms” cũng thường được mang ra bàn tán và thảo luận trong văn giới, vì nó đã được tác giả thay đổi nhiều lần, vui buồn khác nhau, từ những đoạn khá dài cho đến chỉ còn vài tiểu đoạn, trước khi chính thức xuất hiện trên báo.
Trong một cuộc phỏng vấn với George Plimpton trên tạp chí The Paris Review vào năm 1958, Hemingway cho biết, ông đã viết đi viết lại (những) trang cuối cùng của truyện đến… 39 lần trước khi cảm thấy thỏa mãn. Tuy nhiên, theo thông tin từ tờ New York Times, Sean Hemingway, cháu nội của Ernest, trong quá trình nghiên cứu tuyển tập các tác phẩm của nhà văn tại bảo tàng và thư viện Tổng Thống John F. Kennedy ở Boston, đã tìm thấy thêm tám cái kết thúc khác, nâng tổng số câu kết thúc của tiểu thuyết “A Farewell to Arms” lên… 47 lần.
Sau đây là câu kết chính thức: “But after I had got [the nurses] out and shut the door and turned off the light it wasn’t any good. It was like saying good-bye to a statue. After a while I went out and left the hospital and walked back to the hotel in the rain.” (Tạm dịch: Nhưng sau khi tôi đưa [các y tá] ra ngoài và đóng cửa và tắt đèn thì mọi chuyện không ổn chút nào. Nó giống như nói lời tạm biệt với một bức tượng. Một lúc sau tôi ra ngoài và rời khỏi bệnh viện và đi bộ về khách sạn trong mưa).
Mới đây, năm 2012, nhà xuất bản Scribner tái bản tác phẩm với 47 kết thúc khác nhau, cộng thêm kết thúc trong lần xuất bản đầu.
Nhà văn Ernest Hemingway ngồi uống rượu vào khoảng những năm 1960. (Hình: Fotosearch/Getty Images).
Hư cấu và hiện thực
“A Farewell to Arms” được kể ở ngôi thứ nhất (tôi), cốt truyện không có gì phức tạp. Trong thời gian phục vụ chiến trương Ý thời Đệ Nhất Thế Chiến, viên thiếu úy Mỹ Frederic Henry bị thương nặng, được mang đến một bệnh viện ở Milan để điều trị. Ở đó, anh gặp cô y tá Catherine. Cô chăm sóc anh cho đến khi lành.
Hai người yêu nhau. Catherine có thai nhưng không chịu lấy Henry. Sau khi trưởng bệnh viện khám phá thấy Henry giấu rượu trong bệnh viện, Henry bị gửi trở lại mặt trận. Lúc này, tinh thần quân đội Ý sa sút. Trong cuộc triệt thoái của quân đội Ý sau trận đánh thất bại ở chiến trường Caporetto, Henry đào ngũ. Trở lại Milan để tìm Cetherine, Henry biết rằng Catherine đã được chuyển tới Stresa, một nơi cách Milan 95 km. Henry đi tàu hỏa đến đó, đoàn tụ với Catherine.
Sau đó, ngụy trang thành những sinh viên đi nghỉ Đông, cả hai trốn khỏi Ý bằng cách vượt biên giới qua Thụy Sĩ, lúc bấy giờ là một nước trung lập. Họ sống những ngày tháng hạnh phúc trong một ngôi nhà gỗ ở Montreux. Một đêm, Catherine chuyển bụng đẻ. Cả hai đi taxi dến bệnh viện. Sau một thời gian dài chuyển bụng khó khăn, cuối cùng, Catherine sinh được, nhưng đứa bé bị chết non. Và Catherine, sau đó, bị xuất huyết và chết bên cạnh Henry, mà không nói được một lời từ giã. Henry rời bệnh viện, trở lại khách sạn một mình trong cơn mưa.
Tác phẩm được khen ngợi vì tính hiện thực của nó. Tính hiện thực đó xuất phát từ cuộc sống và kinh nghiệm cá nhân riêng của chính tác giả. Vì thế, các nhà nghiên cứu văn học cho rằng “A Farewell to Arms” là một bán-tự-truyện (semi-autobiographical), vì sự tương tự giữa cuộc đời của Hemingway và nhân vật Henry là rất rõ ràng.
Trong suốt thời Đệ Nhất Thế Chiến, Hemingway là một tài xế lái xe cứu thương cho Hồng Thập Tự Hoa Kỳ. Giống như Henry, ông phục vụ ở mặt trận Ý. Vào đêm 8 Tháng Bảy, 1918, trong khi giao kẹo bánh và thuốc lá cho binh sĩ, ông bị trúng đạn súng cối, tay chân bị ghim có đến hơn 200 mảnh. Được chuyển đến bệnh viện ở Milan, nơi đó, ông gặp và yêu cô y tá Agnes von Kurowsky, 29 tuổi, lớn hơn ông 7 tuổi.
Tình yêu giữa Henry và Catherine trong truyện không khác mấy với tình yêu Hemingway dành cho Kurowsky. Tuy nhiên, Kurowsky phủ nhận điều đó. Mặc dù không yêu, nhưng Kurowsky không hoàn toàn cự tuyệt với ông. Trong nhật ký ghi ngày 25 Tháng Tám, 1918, bà viết: “Hemingway có cảm tình với tôi, hoặc cậu ấy nghĩ là như thế. Cậu ta rất đáng yêu…” Khi vết thương bắt đầu lành, hai người cùng đi xem kịch hoặc đi cỡi ngựa cùng nhau. Sau đó, Kurowsky tình nguyện đi Florence để tham gia chống dịch cúm.
Trong các lá thư gửi cho ông, bà vẫn gọi ông là “cậu bé” (kid). Còn ông thì gọi bà là “bà kid” hay “cô chủ” (Missis). Nhưng rồi, trong một lá thư đề ngày 7 Tháng Ba, 1919, bà cắt đứt quan hệ với Hemingway không lâu sau khi ông trở về nhà ở Illinois. Trong một lá thư khác, bà giải thích là bà rất có cảm tình với ông nhưng đó là thứ tình cảm của “một người mẹ hơn là một người tình” (more as a mother than as a sweetheart).
Theo chị gái Hemingway, Marcelline, sau khi đọc là thư này, Hemingway rất tuyệt vọng. Sau khi ông chết rồi, đứa con trai của ông, Jack, gọi sự cự tuyệt tình yêu của Agnes von Kurowsky là bi kịch tình cảm lớn nhất trong đời Hemingway. Theo các nhà nghiên cứu, rõ ràng Kurowsky là nguyên mẫu của nhân vật Catherine trong tác phẩm. Nhưng bà hoàn toàn không đồng ý.
Trong cuộc phỏng vấn vào năm 1976, bà bảo: “Tôi không phải là loại gái [như Catherine] đó.” Theo bà, hai người không hề yêu nhau. Nhân vật Catherine là một sản phẩm tưởng tượng. vì một thứ tình yêu diễn ra trong bệnh viện như thế hoàn toàn là không hợp đạo lý, theo bà.
Ernest Hemingway sinh năm 1899 tại Oak Park, Illinois. Trong Đệ Nhất Thế Chiến, ông tình nguyện gia nhập một đơn vị cứu thương của quân đội Ý. Sau đó, ông tham gia nội chiến Tây Ban Nha và Đệ Nhị Thế Chiến với tư cách là một phóng viên.
Ông tự sát tại nhà riêng ở Idaho năm 1961. Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm có: “The Sun Also Rises” (Mặt Trời Vẫn Mọc), “For Whom the Bell Tolls” (Chuông Gọi Hồn Ai), “Green Hills of Africa” (Những Đồi Xanh Phi Châu), “Three Stories and Ten Poems” (Ba Câu Chuyện và Mười Bài Thơ), “A Farewell to Arms” (Giã Từ Vũ Khí), “The Old Man and the Sea” (Ngư Ông và Biển Cả).
Trên tầng cao của bầu khí quyển Trái đất hiện chứa hơn 11.000 vật thể được nhân loại phóng lên. Cuộc chạy đua không gian bắt đầu trong Chiến tranh Lạnh và ngay từ đầu Liên Xô đã chiếm ưu thế về số lượng thiết bị và vật thể được phóng vào không gian. Nhưng chỉ vài năm trở lại đây, Mỹ đã giành lấy danh hiệu đó nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của SpaceX do Elon Musk sáng lập.
Những vật thể nào được phóng lên không gian?
Vệ tinh
Phi hành đoàn
Đầu dò
Trạm vũ trụ
Tàu thám hiểm
Các tàu thám hiểm giúp các nhà khoa học khám phá các hành tinh khác. Vệ tinh cung cấp cho chúng ta những nhu cầu thiết yếu hàng ngày như dịch vụ điện thoại di động, tín hiệu truyền hình, GPS,…
Tính đến cuối năm 2021, có khoảng 4.852 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo – 2.944 thuộc về Mỹ. Bên cạnh đó là vô số các vệ tinh trên quỹ đạo không còn hoạt động. Trên thực tế, có rất nhiều mảnh vụn trong không gian – theo NASA , có hơn 27.000 mảnh vụn trên quỹ đạo.
Top 10 quốc gia có số lượng vật thể ngoài không gian nhiều nhất
Một sự thật ở đây là không phải tất cả các quốc gia này đều có khả năng phóng vệ tinh lên quỹ đạo, có nghĩa là mặc dù vệ tinh trong không gian có thể thuộc về một quốc gia nào đó, nhưng điều đó không có nghĩa là nó được phóng bởi quốc gia đó. Ví dụ, vệ tinh đầu tiên của Pháp được phóng lên ở Algeria vào năm 1965.
Tổng cộng, có khoảng 86 quốc gia đã sở hữu vệ tinh ngoài không gian. Tuy nhiên, tính đến năm 2022, chỉ có 11 quốc gia có khả năng đưa vật thể vào không gian bằng tên lửa riêng và chỉ có ba nước là Mỹ, Nga và Trung Quốc, có khả năng đưa người vào không gian.
Ngày 15/11, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022.
Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022. Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: http://www.vnr500.com.vn.
Danh sách 1: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022
Danh sách 2: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022
Bảng xếp hạng VNR500 đã bước sang năm thứ 16 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định, những doanh nghiệp đã cho thấy bản lĩnh kiên cường và là đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam trước những cơn sóng biến động bất ngờ từ bối cảnh quốc tế. Bảng xếp hạng cũng góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo kết nối với những doanh nhân, học giả, những “guru” hàng đầu thế giới thông qua hàng loạt các hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu từ Ban Tổ chức chương trình.
Nghiên cứu cũng đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 năm nay. Theo đó, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm mạnh so với năm ngoái, từ mức 16,4% xuống còn 11,2%. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) ghi nhận mức tăng xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng nhưng lại có sự phân hóa đáng kể nếu xét theo từng khu vực kinh tế.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản tốt hơn hẳn so với hai khu vực còn lại, đạt 8,4%. Các doanh nghiệp FDI cũng bước đầu có được kết quả tích cực từ các khâu kiểm soát chi phí, từ đó gia tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu từ mức 8,1% lên 8,5%. Khu vực kinh tế tư nhân ghi nhận sự cải thiện đáng kể với mức tăng vượt cả trước đại dịch, cụ thể ROA từ 4,3% lên 5,4%, ROS từ 5,2% lên 6,5%; ROE tuy chưa quay trở lại mức trước đại dịch nhưng là khu vực có tỷ suất hiệu quả cao nhất, đạt 15,2%. Khu vực kinh tế nhà nước buộc phải hy sinh lợi ích kinh doanh nhằm hỗ trợ người dân và cộng đồng vượt qua khó khăn từ đại dịch thông qua các hoạt động an sinh xã hội, do đó hầu hết cả chỉ tiêu đều suy giảm, nhất là chỉ số ROE ở mức âm 8%.
Nghiên cứu còn chỉ ra tỷ trọng doanh thu của ba lĩnh vực kinh tế trong bảng xếp hạng VNR500 trong giai đoạn 2020-2022, qua đó cho thấy vai trò quan trọng của ngành Công nghiệp – Xây dựng là động lực phát triển của nền kinh tế và sự cải thiện đáng kể về doanh số của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản.
Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020, 2021 và 2022, thực hiện bởi Vietnam Report
Theo thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2022, hầu hết các ngành đều có sự sụt giảm về doanh thu so với năm ngoái. Điểm sáng lớn nhất đến từ hoạt động Bán lẻ với tổng mức tăng trưởng doanh thu lên tới 120%. Bên cạnh đó, bảng xếp hạng cũng ghi nhận sự phục hồi của ngành Vận tải – Logistics trong bối cảnh kinh tế mở cửa trở lại và sự vươn lên của các ngành Khoáng sản, Xăng dầu và Thép nhờ được hưởng lợi từ giá dầu, giá thép tăng cao trong giai đoạn vừa qua.
Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021 và 2022, thực hiện bởi Vietnam Report
Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng lạc quan trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường. GDP tăng trưởng 8,83% trong 9 tháng đầu năm và dự kiến đạt khoảng 8% cho cả năm; lạm phát ở mức thấp khoảng 2,73%. Các tổ chức trong nước và quốc tế, cũng như các chuyên gia tham gia phỏng vấn của Vietnam Report đều cho rằng Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” ban hành vào quý 3/2021 và xác định đúng thời điểm mở cửa kinh tế vào tháng 3/2022 là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế xã hội.
Số liệu thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm nay đối với 108 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy 59,3% số doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng doanh thu trong suốt giai đoạn 2019-2021 và 9 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, 23,1% số doanh nghiệp đang trên đà phục hồi, trong đó tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh Dược và Thực phẩm – Đồ uống.
Phần lớn doanh nghiệp VNR500 tham gia khảo sát đều lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp mình trong năm tiếp theo. Các doanh nghiệp cũng đặt niềm tin lớn vào sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 với 35,1% số doanh nghiệp có niềm tin rõ rệt vào sự phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Một số ngành kinh tế được dự báo có tiềm năng tăng trưởng đột phá trong năm tới là Viễn thông – Công nghệ thông tin, Du lịch – Giải trí và Vận tải – Logistics. Ngược lại, các ngành phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu như Thủy sản và Dệt may, Da giầy có triển vọng tăng trưởng kém hơn. Ngành Bất động sản – Xây dựng vốn chịu nhiều khó khăn từ đại dịch và chính sách siết tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng.
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500, thực hiện bởi Vietnam Report – Tháng 10-11/2022
Vị cố vấn chính phủ nói Bắc Kinh nên đứng về lề phải của lịch sử
“Trung Quốc không thể bị ràng buộc với Putin và cần phải cắt đứt [với ông ta] càng sớm càng tốt.”
Những lời này được viết bởi một học giả Trung Quốc nổi tiếng, và nó đã chi phối cuộc thảo luận giữa các chuyên gia đối ngoại và an ninh Trung Quốc trong những ngày gần đây.
Đề xuất táo bạo kêu gọi cắt đứt quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin đến từ Hu Wei, một nhà khoa học chính trị đang làm việc cho Văn phòng Quốc vụ viện Chính phủ Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu.
Chú thích của bài báo này cũng đáng được chú ý. Nó nói rằng Hu còn kiêm nhiệm chức chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách Công Thượng Hải. Ngay từ những dòng đầu tiên, tác giả đã nói rằng bài báo không đại diện cho bất kỳ đảng phái nào, đơn thuần chỉ là quan điểm của một học giả. Tuy nhiên, vị trí của Hu – một học giả có quyền tiếp cận khu vực Trung Nam Hải của Bắc Kinh, nơi đặt văn phòng của giới lãnh đạo Trung Quốc – cho thấy ông có nhiều người ủng hộ đứng sau mình.
Cũng không thể ngẫu nhiên mà một bài báo kêu gọi sự đảo ngược cơ bản chính sách Ukraine của Trung Quốc lại được công bố ngay trước cuộc gặp marathon kéo dài bảy giờ giữa nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Rome.
Hu không ngần ngại đi thẳng vào vấn đề.
Ngay cả khi Nga chiếm được Ukraine và thành lập chính phủ bù nhìn, các lệnh trừng phạt của phương Tây và làn sóng nổi dậy bên trong Ukraine sẽ khiến Putin khó đạt được mục tiêu mong đợi, ông viết.
Nền kinh tế trong nước của Nga sẽ không bền vững và cuối cùng sẽ sa sút, Hu dự đoán điều này sẽ xảy ra trong vòng một vài năm tới.
Ông nói, Trung Quốc nên tránh chơi với cả hai phe, cần từ bỏ vị trí trung lập, và đi theo quan điểm chủ đạo trên toàn cầu. Ông kết luận, nếu Trung Quốc đóng một vai trò nào đó trong việc chấm dứt chiến tranh – có khả năng là chiến tranh hạt nhân – thì quan hệ căng thẳng của nước này với các quốc gia phương Tây sẽ giảm bớt, và họ có thể thoát ra khỏi thế cô lập.
Chiến lược chiến tranh chớp nhoáng (blitzkrieg) của Putin đã thất bại. Liên minh quốc tế chống lại Nga thực chất mạnh hơn giả định. Trong hoàn cảnh đó, Hu khuyến nghị Trung Quốc nhanh chóng chấm dứt cấu kết với Nga và chuyển sang bên thắng thế.
Bài báo được đăng tải ngày 05/03, ngày khai mạc kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Được phân loại “dùng cho cấp ra quyết định cao nhất của Trung Quốc đánh giá và tham khảo,” bài báo này đã được chuyển đến cho các lãnh đạo, trong đó có Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước.
Một tuần sau, vào ngày 12/03, bài báo được đăng trên US-China Perception Monitor (Giám sát Nhận thức Mỹ-Trung), một trang ấn phẩm trực tuyến do Trung tâm Carter điều hành.
Vào thời điểm bài báo đến tay các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đã 10 ngày trôi qua kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Rõ ràng rằng những gì Nga hy vọng sẽ là một chiến dịch chớp nhoáng nhằm lật đổ chính quyền Ukraine của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thất bại.
Bài báo đã bị gỡ xuống khỏi mạng Internet của Trung Quốc sau khi được công bố nội bộ khoảng một tuần. Có thể nói rằng Hu và cơ quan xuất bản tin tưởng rằng họ sẽ không bị trừng phạt vì đã phát hành bản phân tích thẳng thắn này.
Hu là giáo sư tại trường nghiên cứu chủ nghĩa Mác, một bộ phận thuộc trường đảng ở Thượng Hải. Ông cũng là một nhà phân tích tại Học viện Thượng Hải về Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội mang Đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại Mới.
Các mối liên hệ của ông cho thấy có sự liên kết với các lực lượng chính trị tại Thượng Hải. Ông cũng là thành viên của Viện Charhar, một viện chính sách độc lập có trụ sở tại Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc.
“Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga chống lại Ukraine đã gây ra tranh cãi lớn ở Trung Quốc,” Hu lưu ý ở phần đầu bài báo, qua đó xác nhận tình trạng này. Những người ủng hộ và những người chống đối quả thực đã “chia thành hai phe đối lập không thể hòa giải.”
Phản ứng gay gắt đối với bài báo đã chứng minh điểm đó. “Người này là một công chức thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công của Văn phòng Quốc vụ,” một thành viên cánh tả trong đảng cho biết. “Nếu ông ta công khai phất lá cờ ủng hộ Mỹ, chống lại Nga, thì đó là một vấn đề lớn.”
Một người khác nói: “Bề ngoài thì tưởng chừng chỉ là quan điểm của cá nhân Hu. Nhưng xét từ chức danh của ông ấy, chắc chắn còn có những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng đứng đằng sau.”
Cánh tả cực đoan của Trung Quốc, hay còn được gọi là phái “Mao Tả” (Left Maoists), đã bị buộc phải giữ yên lặng mãi cho đến thời Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của Tập Cận Bình. Giờ đây, họ đang là trung tâm của quan hệ đối tác Trung-Nga, cổ vũ cho Putin.
Như đã chỉ ra hai tuần trước, cũng trong chuyên mục này, những bất đồng về Ukraine hiện vẫn tồn tại ngay cả trong bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng.
Sau khi Tập gặp Putin vào ngày 04/02, bảy ủy viên đã thảo luận kỹ lưỡng về vấn đề Ukraine, trong lúc Thế vận hội Bắc Kinh đang diễn ra. Và họ không có cùng quan điểm.
Theo chính sách vẫn được áp dụng cho đến nay, Trung Quốc thích sử dụng thuật ngữ “chiến dịch quân sự đặc biệt” hơn là “chiến tranh” trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Nước này còn duy trì quan điểm rằng: dù lợi ích của Nga và Ukraine nên được xem xét, nhưng phương Tây phải chịu trách nhiệm cho tình hình hiện tại, vì họ đã cố gắng mở rộng NATO về phía đông.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng nghĩ rằng gây rắc rối với Nga, nước dường như đang trên đà chiến thắng, sẽ là điều ngu xuẩn.
Trung Quốc kỳ vọng rằng cuộc chiến Ukraine sẽ đi đến kết cục rõ ràng và giao tranh sẽ kết thúc trước ngày 04/03, ngày khai mạc Thế vận hội dành cho Người khuyết tật (Paralympic) Bắc Kinh. Nhưng kỳ vọng này đã bị phản bội.
Sự ngoan cố của Trung Quốc đã làm tổn hại đến hình ảnh quốc tế của nước này.
Andrew Parsons, chủ tịch Ủy ban Thế vận hội Quốc tế dành cho Người khuyết tật, đã kêu gọi hòa bình tại cả lễ khai mạc lẫn lễ bế mạc của Thế vận hội này.
Tuy nhiên, khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, thuộc sở hữu nhà nước, cho phát sóng các bài phát biểu của Parsons, họ đã bỏ qua phần phiên dịch, hoặc thay đổi từ ngữ của các đoạn đề cập đến hòa bình.
Sự mâu thuẫn trong logic cũng xuất hiện tại cuộc họp báo cuối cùng của Lý Khắc Cường trên cương vị thủ tướng.
Phát biểu trước báo giới ngày 11/3, Lý tuyệt nhiên không nhận bất kỳ câu hỏi nào từ truyền thông Nga, để ngăn hình ảnh của Trung Quốc xấu đi. Ông cũng không đề cập đến tình hữu nghị “không có giới hạn” giữa Trung Quốc và Nga, vốn đã được xác nhận trong tuyên bố chung ngày 04/02 của Tập và Putin.
Dù rất khó tiếp cận bài báo gây tranh cãi của Hu, nhưng điều đó vẫn không ngăn được người ta tranh luận trực tuyến sôi nổi về nó tại Trung Quốc.
Cuộc tranh luận cho thấy khoảng cách rõ ràng giữa truyền thông nhà nước Trung Quốc, vốn tiếp tục đưa tin kiểu thân Nga, và dư luận.
Trong lúc bất đồng xuất hiện ở nội bộ Trung Quốc, cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc tại Rome đã được ấn định. Sullivan nêu những lo ngại về việc Trung Quốc ủng hộ Nga với Dương; hành động này diễn ra sau khi tờ Financial Times đưa tin rằng: sau khi xâm lược Ukraine, Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự và hỗ trợ kinh tế bổ sung.
Dương nói với Sullivan rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc không đưa tin cụ thể liệu ông có đáp lại yêu cầu của Mỹ, về việc ngưng hỗ trợ Nga hay không.
Thật khó để Tập Cận Bình, người đã ký tuyên bố chung Nga-Trung ngày 04/02, nhanh chóng đảo ngược chính sách mà Trung Quốc vẫn tuân thủ cho đến lúc này.
Nhưng việc Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với Mỹ – mà Washington đưa tin là đã đánh tiếng với Bắc Kinh từ hai tháng trước – ở giai đoạn này cho thấy Trung Quốc đã có chút thay đổi.
Theo bản tin, Dương không trực tiếp chỉ trích Mỹ về Ukraine, cũng không phản đối các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Điều này trái ngược với hành vi của ông ở Alaska chỉ một năm trước, khi nhà ngoại giao này công khai đả kích phái đoàn Mỹ.
Trong bài báo gây tranh cãi của mình, Hu nói rằng tính đến ngày 05/03, Trung Quốc đã gần cạn thời gian để đưa ra quyết định. Ông viết: “Vẫn còn khoảng một hoặc hai tuần trước khi Trung Quốc mất đi dư địa của mình. Trung Quốc phải hành động một cách dứt khoát.”
Liệu có ngẫu nhiên, khi cuộc gặp Dương -Sullivan diễn ra chưa đầy hai tuần sau đề xuất của Hu? Trung Quốc hiện đang đứng trước một ngã ba đường quan trọng.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.