Ai chuộng hình thức du lịch nghỉ dưỡng thì đừng bỏ qua Thanh Long Bay, tổ hợp nghỉ dưỡng sang chảnh mới xuất hiện tại Bình Thuận đem lại trải nghiệm hoàn toàn hài lòng.
Bình Thuận vốn dĩ là một điểm đến du lịch quá nổi tiếng từ trước đến nay, kể cả khách du lịch trong và ngoài nước. Mọi người biết đến Bình Thuận vì bãi biển xanh, cát trắng, nắng vàng cùng nhiều cảnh sắc đẹp mắt mà thiên nhiên bồi dựng như Mũi Né, Hòn Rơm, Đồi Cát Hồng, Bàu Trắng, Núi Tà Cú… gần đây Bình Thuận lại được đổ xô ghé thăm vì đảo Phú Quý đẹp đến nao lòng. Nếu bạn đi du lịch theo hướng nghỉ dưỡng, hãy thử đến Thanh Long Bay – một điểm đến mới toanh hội đủ cảnh sắc choáng ngợp từ tự nhiên đến nhân tạo, có đủ các loại hình hoạt động, dịch vụ để bạn lưu trú vui chơi.
Di chuyển
Thanh Long Bay là khu nghỉ dưỡng biển tọa lạc mặt tiền giáp đường DT719B, với lộ giới 42m tại Xã Tân Thành, thuộc Huyện Hàm Thuận Nam, Tỉnh Bình Thuận. Địa điểm lạ mắt này cách Mũi Kê Gà 2km, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 40km và cách Hồ Chí Minh 160km.
Nếu đi bằng ô tô hoặc xe máy, từ TP.HCM di chuyển qua Bà Rịa, bạn đi theo quốc lộ 51 hướng Vũng Tàu và khi đến địa phận Bà Rịa thì rẽ trái đến quốc lộ 55 hướng Phan Thiết, sau đó đi thẳng là đến được Thanh Long Bay.
Hoặc bạn có thể liên hệ các xe khách đi tuyến Sài Gòn – Hàm Tân. Sau khi đến Hàm Tân thì bạn có thể đi taxi để đến Thanh Long Bay.
Cảnh đẹp tại Thanh Long Bay
Thanh Long Bay là dự án có bờ biển dài và đẹp nhất khu vực với mặt biển dài gần 2km, bãi tắm êm thoải nhẹ, đáy cát trắng mịn, nước xanh sạch, vô cùng mướt mắt cho du khách ngắm cảnh, chụp hình. Ảnh: Hưng Lương, @cuongkhii
Cổng chào Thanh Long hoàn toàn màu hồng với những trụ cao chọc trời, lấy ý tưởng từ biểu tượng và màu sắc cây Thanh Long là đặc sản của địa phương, ban đêm mở đèn vô cùng rực rỡ.
Ảnh: Thanh Long Bay, Hưng Lương
Cầu ngân hà là một điểm nhấn của Thanh Long Bay, có kiến trúc xoắn ốc siêu dài, ban đêm được bật đèn vô cùng lung linh, thích hợp để du khách tản bộ hít gió trời.
Ảnh: Tô Lan, Hưng Lương
Hoàng hôn trên biển là một cảnh sắc không nên bỏ lỡ khi đến Thanh Long Bay
Tháp Tầm Vông là biểu tượng check-in của khu nghỉ dưỡng này, một phần theo trend “cổng trời” ở Bali, Thái Lan hoặc Phú Yên…
Ngoài Tháp Tầm Vông, khu nghỉ dưỡng còn có rất nhiều tiểu cảnh bằng tre, nứa, gỗ vô cùng đẹp mắt để mọi người thoả đam mê sống ảo.
Ảnh: @cuongkhii, Hưng Lương
Lưu trú tại Thanh Long Bay
Hola Beach chắc chắn là khu vực hot nhất trong các khu của Thanh Long Bay bởi đây là một tổ hợp khu lều ở, nghỉ ngơi, với đa dạng các loại lều từ lều tổ chim, lều dưới đất hay cắm trại mô hình Eco Glamping sát biển.
Chiếc cổng chào của Hola Beach vô cùng hoành tráng, được xây dựng cực công phu
Ảnh: @cuongkhii, Hưng Lương, Tô Lan
Có rất nhiều kiểu lều với các mức giá khác nhau để du khách thoải mái lựa chọn nơi nghỉ ngơi, bao quanh khu lều trại là những hàng dừa cao xanh mát.
Khu vực Bungalow sát biển cũng là một lựa chọn ngủ nghỉ tuyệt vời. Sáng sớm thức dậy, mở cửa phòng là nhìn ngay ra biển, đón bình minh với khung cảnh mặt trời đỏ rực phủ xuống mặt biển xanh chói vô cùng đẹp mắt, thư thái. Giá các loại lều dao động trên dưới 2 triệu đồng.
Ảnh: Hưng Lương
Hoạt động vui chơi
Ở khu du lịch nghỉ dưỡng với diện tích rộng này sẽ có đủ các hoạt động thể thao biển thú vị để bạn trải nghiệm như dù lượn, lặn biển, mô tô biển, chèo thuyền kayak,…Ảnh: Thanh Long Bay, Tô Lan
Thả diều là hoạt động ưa chuộng nhất tại đây vì ai cũng có thể tham gia được. Mỗi chiều tầm 4h là bắt đầu đông du khách có mặt ở bờ biển, cùng nhau thả những con diều khổng lồ với đủ hình hài như bạch tuộc, cá heo… tạo nên cảnh tượng vô cùng đẹp. Với những ai thích “sống ảo”, đây cũng là một background thú vị.
Ngoài ra ở Thanh Long Bay còn tổ chức nhiều sự kiện vào chiều tối như đêm ca nhạc, quẩy cùng DJ, acoustic… để mọi người có một đêm rộn ràng, náo nhiệt bên bờ biển.
Bạn có biết rằng não bộ của chúng ta có dung lượng tương đương với một đoạn video dài 3 triệu giờ?
Con người từ lâu đã có thể bay ra ngoài vũ trụ, khám phá các hành tinh khác nhưng ngay chính bên trong cơ thể mình, các nhà khoa học vẫn chưa thể hiểu hết. Chúng ta có rất nhiều khả năng kỳ lạ, đôi khi như “siêu năng lực” mà chưa ai có thể lý giải được một cách hoàn toàn.
1. Bộ não của bạn sản xuất đủ điện để thắp sáng một bóng đèn nhỏ
Bộ não của chúng ta có khoảng 100 tỷ tế bào được gọi là tế bào thần kinh. Khi chúng ta di chuyển, nhìn, suy nghĩ, mơ hoặc cười cũng là khi các tín hiệu điện và hóa chất đang chạy đua giữa hàng tỷ tế bào thần kinh trên xa lộ thần kinh này. Vì vậy, mặc dù một tế bào thần kinh tạo ra một lượng điện rất nhỏ, nhưng tất cả chúng gộp lại cùng lúc có thể tạo ra đủ điện để thắp sáng một bóng đèn có công suất thấp.
2. Khứu giác có thể đưa bạn quay ngược thời gian
Khi chúng ta ngửi thấy một thứ gì đó có mối liên hệ với kỷ niệm có ý nghĩa trong quá khứ, điều đầu tiên chúng ta trải nghiệm là cảm xúc mình đã có tại thời điểm đó, và sau đó ký ức sẽ quay về trong tâm trí. Đôi khi chúng ta sẽ không nhớ rõ ràng sự kiện hoặc tình huống, nhưng cảm xúc sẽ ở đó.
3. Chúng ta có thể nâng một người 45kg nhưng không thể nâng một tảng đá 45kg
Khi chúng ta nâng “trọng lượng sống” thì sẽ dễ dàng hơn vì người đó có thể thích ứng với trọng lực và phân bổ trọng lượng của họ theo nhiều hướng hơn. Khi nâng một người lên, họ cũng có thể vòng tay ôm bạn giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Trong khi đó, nếu nâng một vật thể, chẳng hạn như một tảng đá, nó không thể phân phối trọng lực và trọng lượng được mà chỉ có thể ở một vị trí mặc định. Thế nên cùng một khối lượng nhưng nâng đá, nâng đồ vật khó hơn nâng người rất nhiều.
4. Để có siêu sức mạnh, đường ruột của chúng ta cần phải ngừng hoạt động
Mệt mỏi, đau đớn và sợ hãi là những điều ngăn cản chúng ta cố gắng sử dụng sức mạnh của mình một cách tối đa trong cuộc sống hàng ngày. Bạn đã từng nghe những câu chuyện như khi mọi người có thể nâng cả chiếc ô tô để cứu người thân của mình chưa? Siêu năng lực đó thực sự đến từ adrenaline, nhưng để nó hoạt động hoàn toàn thì con người cần phải đóng hệ thống tiêu hóa và phản ứng miễn dịch. Sau đó, sự kết hợp giữa mức năng lượng và lượng oxy tăng lên sẽ đưa sức mạnh cơ bắp của chúng ta vượt quá mức bình thường hằng ngày. Thật đáng tiếc khi con người không thể có những sức mạnh này mọi lúc vì nếu vậy thì cơ thể chúng ta sẽ không thể chịu đựng được.
5. Chúng ta có thể nhìn thấy bằng tai của mình
Người khiếm thị vẫn có thể đi lại bằng cách sử dụng gậy chống hoặc dựa vào các âm thanh tạo ra tiếng vang để nhận biết môi trường xung quanh. Nhưng các nhà khoa học đã thực sự nghiên cứu não của một người khiếm thị tên là Daniel Kish. Ông mô tả tầm nhìn của mình là “một cái gì đó giống như nhìn thấy thế giới trong những tia sáng mờ”.
Trong não bộ của Kish, bộ phận điều khiển bối cảnh thị giác thực sự sáng lên khi anh ấy lắng nghe những tiếng vọng. Tuy nhiên, khi anh ấy đang lắng nghe những âm thanh khác, khu vực này khá im lặng. Điều này khiến các nhà khoa học kết luận rằng Kish thực sự đang trải qua một điều gì đó giống như những linh ảnh.
6. Bộ não có khả năng lưu giữ 2,5 petabyte bộ nhớ
Bộ não của chúng ta có khoảng 1 tỷ tế bào thần kinh. Mỗi một tế bào lại tạo ra 1.000 kết nối với các tế bào thần kinh khác, tức tổng cộng có một nghìn tỷ kết nối. Thế nên bộ nãocó dung lượng lưu trữ khoảng 2,5 petabyte đến 1 triệu gigabyte. Nếu chúng ta so sánh nó với thời lượng của một video thì nó sẽ dài khoảng 3 triệu giờ. Video phải chạy không ngừng trong hơn 300 năm mới hết.
7. Phôi thai có thể chữa lành vết thương cho mẹ
Trong quá trình mang thai, các tế bào của phôi thai di chuyển ra ngoài qua nhau thai và cư trú ở các bộ phận khác nhau của cơ thể người phụ nữ. Ngay cả sau khi đứa trẻ được sinh ra, những tế bào này vẫn có thể tồn tại bên trong cơ thể người mẹ sau đó cả thập kỷ. Chúng có thể giúp người mẹ chữa lành vết thương sau những tổn thương cơ quan trong thai kỳ.
8. Tai người có khả năng “nghe” các phân tử
Mặc dù chúng ta có thể thấy sự khác biệt giữa mật ong lạnh và nóng, ví dụ như mật ong lạnh đặc hơn nhưng lại không thể thấy sự khác biệt giữa nước lạnh và nước nóng. Nhưng chúng ta có thể “nghe” thấy sự khác biệt này.
Bạn có thể lấy 2 ly và đổ nước nóng vào một ly và đổ nước lạnh vào ly kia và nghe thấy tiếng khác nhau khi đổ. Điều này là do các phân tử trong nước lạnh có ít năng lượng hơn, tạo ra các âm tần số thấp trong khi nước nóng có nhiều năng lượng hơn và tạo ra các âm có âm vực cao hơn.
Franz Kafka (1883 – 1924) là nhà văn người Do Thái chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức, có tầm ảnh hưởng lớn trong thế kỉ 20.
Các tác phẩm chính của ông, như “Hóa thân”, “Vụ án”, “Lâu đài” sử dụng những chủ đề và nguyên mẫu về sự ghẻ lạnh, tàn bạo về thể xác và tinh thần, mâu thuẫn cha – con và những sự biến đổi kỳ bí.
Nhà văn Franz Kafka (1883 – 1924)
Nghiên cứu tiểu sử của nhà văn, có thể hiểu vì sao ở ông lại xuất hiện những chủ đề này.
Vừa yêu vừa ghét Tổ quốc mình
Franz Kafka chào đời trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức thuộc tầng lớp trung lưu ở Praha (nay là thủ đô của Cộng hòa Séc), khi ấy là một phần của Đế quốc Áo – Hung. Quốc tịch của Kafka đã gây cho ông nhiều rắc rối vì ở Praha, vào thời đó thường diễn ra các cuộc tàn sát người Do Thái.
Kafka viết trong một bức thư: “Suốt ngày tôi ở trên những con phố tắm trong hận thù chống người Do Thái”, và nói rằng sự giải cứu duy nhất là thoát khỏi thành phố.
“Đồ máu bẩn. Người ta gọi dân Do Thái như vậy trước mặt tôi” – ông viết. Trong hoàn cảnh ấy, thật tự nhiên khi Kafka rời khỏi Praha, thế nhưng ông vẫn ở lại, đánh đồng “lòng dũng cảm” của mình với “lòng dũng cảm của một con gián, loại sinh vật không thể xóa khỏi phòng tắm”- như Kafka đã viết trong nhật ký.
Sự phi lý còn ở chỗ ông là một người Do Thái Séc viết bằng tiếng Đức, vốn bị nhiều người căm ghét ở Séc.
Hơn nữa, Kafka thậm chí trở thành biểu tượng của Praha – thành phố mà ông yêu mến, nhưng đồng thời ông đồng nhất nó với cái ác đã vắt kiệt sức lực của ông.
Sau khi Kafka qua đời, một nhà văn Đức đã viết: “May mà ông chết vì bệnh lao sớm như vậy và không thấy những người anh em mình bị tống vào trại tập trung, bị thiêu sống, chôn sống trong các ngôi mộ tập thể”.
Trở thành nhà sáng chế… mũ bảo hiểm
Suốt đời Kafka bị phân thân giữa văn học và luật học. Như ông từng viết, tất cả những gì không liên quan tới văn học đối với ông hoàn toàn vô nghĩa, vô ích, vớ vẩn. Nhưng người cha khắc nghiệt đã bắt đứa con trai khiếp nhược, cái gì cũng sợ của mình phải học luật và thậm chí lấy bằng tiến sĩ.
Tốt nghiệp ĐH xuất sắc, Kafka trở thành viên chức của một công ty bảo hiểm. Ông căm ghét công việc của mình, nhưng do được chứng kiến nhiều trường hợp tai nạn lao động xảy ra tại các công trường và trong ngành công nghiệp, Kafka đã sáng chế và áp dụng chiếc mũ bảo hiểm cứng cho công nhân.
Với đóng góp này ông đã được thành phố trao tặng huy chương lưu niệm.
Những tính cách kỳ lạ
Mặc dù ông nội của nhà văn, Jacob Kafka, làm nghề mổ thịt heo, nhưng bản thân Franz Kafka lại thích ăn chay. Ông sợ xác động vật chết, hễ nhìn thấy chúng là ngay lập tức bị trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu viết, dòng họ Kafka ai cũng to khỏe, ông nội nhà văn có thể dùng răng nhấc bổng một bao bột mì. Trong gia đình này tất cả mọi người đều cao lớn, kể cả các em gái của Franz.
Trong khi đó, nhà văn lại xấu hổ về chiều cao của mình, nó khiến ông cảm thấy mình không mạnh mẽ, mà ốm yếu, vụng về và buồn cười. Nhà văn bị huyết áp thấp, đau đầu, mất ngủ, táo bón, ông rất mặc cảm về cơ thể mình.
Mối quan hệ của Kafka với phụ nữ hết sức kỳ quặc. Mặc dù nhà văn rất hay phải lòng phái đẹp, nhưng lại sợ phụ nữ. Đến năm 26 tuổi, ông vẫn là một trai tân. Sau đó, trong cuộc đời ông xuất hiện Felice Bauer, một cô gái không nhan sắc, người họ hàng của nhà văn Max Brod, bạn thân của Kafka, Felice làm đại diện cho một công ty máy ghi âm ở Berlin (Đức).
Suốt bốn năm quen nhau, Kafka ngỏ lời cầu hôn Felice hai lần. Cả hai lần bà đều đồng ý, nhưng rồi Kafka lưỡng lự, không dám kết hôn.
Cuộc sống thực tế với một người phụ nữ không hấp dẫn Kafka, ông thích sự lãng mạn trong văn chương hơn. Họ viết cho nhau những bức thư tràn đầy tình cảm, nồng nhiệt và mơ mộng, vì vậy đối với nhiều cô gái trẻ, những bức thư của họ còn hay hơn cả một cuốn tiểu thuyết lãng mạn.
Trong thời gian yêu Felice Bauer, Franz đã sáng tác nhiều tác phẩm như “Thợ đốt lò”, các chương trong tiểu thuyết “Nước Mỹ”, “Hóa thân”, “Vụ án”.
Tiếc thay, chỉ một mình nhà văn say mê sự lãng mạn, còn Felice nói thẳng ra muốn có gia đình và con cái. Tuy nhiên, quan hệ của họ kết thúc không phải vì Kafka không muốn kết hôn. Brod khẳng định trong thời gian Kafka biết Felice Bauer, ông có một chuyện tình với một người bạn của cô này, Grete Bloch, một phụ nữ Do Thái đến từ Đức.
Brod còn tiết lộ, Bloch đã có một đứa con trai với Kafka, nhưng Kafka không bao giờ biết về đứa trẻ. Tuy nhiên, theo nhà viết tiểu sử Kafka là Peter-André Alt, kể cả khi Bloch có một đứa con, Kafka cũng không phải là bố nó vì hai người này chưa bao giờ chung sống với nhau.
Những ngày cuối đời
Năm 40 tuổi, Kafka quyết định kết hôn với Dora Diamant, một thiếu nữ Do Thái 19 tuổi ông gặp tại buổi lễ hội của người Do Thái. Sau 3 tuần, họ bắt đầu sống cùng nhau ở Berlin.
Sau đó, Dora cùng Franz đến ngoại ô Vienna, nơi Franz đang điều trị bệnh lao tại một bệnh viện.
Kafka viết thư cho bố vợ, cầu xin ông chúc phúc cho cuộc hôn nhân của họ càng sớm càng tốt. Nhưng những người thân của Dora lại nghĩ, một nhà văn 40 tuổi sắp chết vì bệnh lao không phải là một đám tốt nhất đối với một cô gái trẻ. 11 tháng sau khi gặp Dora Diamant, nhà văn qua đời trong vòng tay yêu thương của cô.
Trước khi mất, Kafka đã chuyển tất cả các tác phẩm chưa được xuất bản của mình cho Max Brod và yêu cầu ông tiêu hủy. Những trang viết này phản ánh sự sợ hãi, nỗi ám ảnh của nhà văn và nỗ lực đương đầu với những cảm xúc dằn vặt ông.
Brod không những không thực hiện yêu cầu của Kafka mà còn tìm mọi cách thúc đẩy việc công bố và quảng bá di sản văn học của Franz Kafka. Do đó, hầu hết các tác phẩm của Kafka đều được xuất bản sau khi tác giả qua đời. Ngày nay ở thủ đô Praha của Cộng hòa Séc có Bảo tàng Kafka, nơi lưu giữ tất cả các tác phẩm của ông.
Kafka cũng chuyển một phần bản thảo của mình cho vợ và yêu cầu bà đốt đi. Khác với Max, Dora đã thực hiện nguyện vọng của nhà văn, chỉ để lại hơn 30 bức thư của Kafka và 20 cuốn sổ ghi chép. Tất cả chúng bị thất lạc năm 1933, khi ngôi nhà của Diamant ở bị bọn mật thám Gestapo lục soát và tịch thu tất cả tài liệu của bà.
Tài sản của các tỷ phú Việt Nam theo xếp hạng của Forbes lập đỉnh vào năm 2021 và xuống đáy vào năm 2022, ngoại trừ bộ đội Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần vừa qua ghi nhận giảm điểm mạnh dưới áp lực bán dâng cao tại hầu hết các nhóm cổ phiếu, đặc biệt tại nhóm bất động sản. VN-Index giảm 42,62 điểm (4,28%) xuống 954,53 điểm, HNX-Index giảm 14,75 điểm (7,21%) xuống 189,81 điểm.
VN-Index bắt đầu giảm từ tháng 4 năm nay và đã giảm từ 1.500 điểm còn hơn 950 điểm, tương đương giảm hơn 30%.
Do diễn biến của thị trường nên tài sản của tất cả các tỷ phú đô la đều giảm so với hồi Forbes mới công bố danh sách vào đầu năm. Người giàu nhất Việt Nam hiện nay là ông Phạm Nhật Vượng với khối tài sản 3,9 tỷ USD, giảm 37% so với đầu năm và xếp thứ 711 trên thế giới.
Nguồn: Forbes
Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam, được xếp hạng trong danh sách của Forbes kể từ năm 2013, khối tài sản của ông Vượng trong bảng xếp hạng năm 2021 lên cao nhất với 7,3 tỷ USD.
Forbes thống kê tài sản của ông Phạm Nhật Vượng (Nguồn: Forbes)
Xét về tỷ lệ, tài sản của ông Trần Đình Long và ông Bùi Thành Nhơn giảm mạnh nhất so với hồi mới xếp hạng với mức giảm lần lượt là 70% và 66%. Theo đó, tài sản của ông Long giảm 2,2 tỷ USD còn tài sản của ông Nhơn giảm 1,9 tỷ USD. Tài sản của hai ông đều về dưới 1 tỷ USD.
Ông Trần Đình Long lần đầu tiên được xếp hạng tỷ phú đô la vào năm 2018 với 1,3 tỷ USD, sau đó 2 năm 2019 – 2020, tên ông Trần Đình Long không xuất hiện trong bảng xếp hạng. Năm 2021, giá cổ phiếu HPG lên cao, ông Trần Đình Long trở thành người giàu thứ 3 Việt Nam với 2,2, tỷ USD và năm 2022 trở thành người giàu thứ 2 Việt Nam với 3,2 tỷ USD.
Còn ông Bùi Thành Nhơn mới trở thành vị tỷ phú đô la thứ 7 của Việt Nam khi góp mặt trong bảng xếp hạng của Forbes vào đầu năm nay với 2,9 tỷ USD – người giàu thứ 4 Việt Nam.
Tài sản của 2 vị tỷ phú giảm mạnh do diễn biến của giá cổ phiếu. Xuyên suốt tuần vừa qua, cổ phiếu NVL đã giảm sàn cả tuần và dừng tại mức giá 41.850 đồng/cp, tính đến hết phiên ngày 11/11 đã là phiên sàn thứ 7 liên tiếp của NVL với số lượng cổ phiếu dư sàn lên đến hàng chục triệu. Chỉ trong 1 tuần vừa rồi, cổ phiếu NVL đã giảm đến 30%, nếu so với đầu năm, cổ phiếu NVL đã giảm hơn 50%.
Còn cổ phiếu HPG bước vào xu hướng downtrend từ tháng 3 năm nay trong bối cảnh giá thép liên tục giảm trong khi nguyên liệu đầu vào chính là than lại liên tục tăng giá. Trong quý 3, HPG đã báo lỗ lên đến 1.700 tỷ đồng nên càng ảnh hưởng đến diễn biến giá cổ phiếu. Nếu so với đỉnh tháng 3, giá cổ phiếu HPG đã giảm gần 70%.
Với việc tài sản của ông Trần Đình Long giảm mạnh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo quay trở lại người giàu thứ 2 Việt Nam với 2 tỷ USD.
Trong số các tỷ phú đô la, tài sản của ông Trần Bá Dương ít biến động nhất khi giảm 200 triệu USD. Tài sản của ông Dương qua các năm cũng thường không có nhiều biến động.
Danh sách tỷ phú đô la hiện tại của Việt Nam (Nguồn: Forbes)
Có thể thấy giá trị tài sản của các tỷ phú đều lập đỉnh vào năm 2021 – khi thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa. Với sự lao dốc của thị trường năm nay, giá trị tài sản của các tỷ phú cũng đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay trong phạm vi bảng xếp hạng. Riêng bộ đôi Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh – tuy giảm nhưng chưa phải là mức thấp nhất.
Kể từ năm 2015, chính phủ Campuchia, dưới sự kiểm soát của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đã thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết một vấn đề đã có từ lâu: người nhập cư Việt Nam sống ở Campuchia. Các biện pháp này bao gồm lập hồ sơ, trục xuất, cưỡng chế di dời, tái định cư và tái đăng ký cho người nhập cư Việt Nam. Trong bối cảnh đó, văn liệu hiện có thường xoay quanh những tranh cãi về các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người nhập cư Việt Nam, tư cách công dân bước đầu của họ, và tình cảm chống Việt Nam ở Campuchia.[1] Khác với các nghiên cứu đó, bài viết này mang đến một phân tích sơ bộ về các yếu tố ít được thảo luận nhưng đã làm nền tảng cho chính sách hiện hành của chính phủ Campuchia đối với người nhập cư Việt Nam. Chúng bao gồm: (1) việc Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) chính trị hóa thành công tình cảm chống Việt Nam trong cử tri Campuchia; (2) năng lực nhà nước được cải thiện và nhu cầu thay đổi của Campuchia; và (3) khoảng cách quyền lực ngày càng bị thu hẹp giữa Campuchia với Việt Nam do quan hệ Trung Quốc-Campuchia ngày càng khăng khít.
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ NGƯỜI VIỆT TẠI CAMPUCHIA
Ảnh hưởng của triều đình Việt Nam đối với Campuchia trong những năm 1600 đã mở đường cho việc định cư người Việt tại nước này. Việc Pháp đô hộ Bán đảo Đông Dương vào thế kỷ 19 càng tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam chuyển đến sinh sống ở Campuchia. Đặc biệt, các chính sách phát triển công-nông nghiệp và hệ thống hành chính tập trung của thực dân Pháp đã dẫn đến việc tuyển dụng người Việt vào làm việc cho bộ máy hành chính thuộc địa hoặc tại các đồn điền cao su ở Campuchia.[2]. Chính quyền thực dân Pháp cũng khuyến khích thương nhân Việt Nam sang Campuchia định cư. Một số lượng đáng kể người Việt đã tiếp tục sinh sống tại Campuchia sau khi Việt Nam giành được độc lập từ tay Pháp vào năm 1945. Cộng đồng người Việt tại Campuchia dần phát triển, đạt đến con số khoảng 450.000 vào năm 1970.[3] Từ năm 1970 đến năm 1979, nhóm thiểu số này đã phải đối mặt với nhiều chiến dịch chống Việt Nam được nhà nước cho phép, dẫn đến việc trục xuất khoảng 200.000 người gốc Việt trở về Việt Nam dưới chế độ Lon Nol (1970-1975). Tệ hơn, chính quyền Khmer Đỏ theo chủ nghĩa cực đoan đã buộc nhiều người gốc Việt phải trốn về Việt Nam, đồng thời tiến hành các chính sách thanh lọc sắc tộc chống lại những người ở lại Campuchia.[4]
Sau khi Việt Nam can thiệp quân sự vào Campuchia vào năm 1979, nhiều người gốc Việt trước đây bị buộc phải rời Campuchia đã quay lại. Ngoài những người trở về này còn có những người Việt Nam mới đến định cư tại Campuchia. Các phong trào kháng chiến của người Khmer chống lại quân đội Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Kampuchea mới thành lập cho rằng đang xảy ra sự “thực dân hóa thông qua định cư ở Campuchia”. Vũ Minh Hoàng đã phản bác lại tuyên bố này, lập luận rằng cuộc di cư của người Việt Nam sang Campuchia trong thập niên 1980 là kết quả của một cuộc “khủng hoảng tị nạn” gây ra bởi “sự sụp đổ kinh tế” liên quan đến “những cải cách hà khắc về kinh tế, tiền tệ, đất đai và chính trị” mà chính quyền cộng sản đã áp đặt lên miền nam Việt Nam sau khi nước này thống nhất vào năm 1975.[5]. Ông bổ sung rằng “Chính phủ Việt Nam không cần thiết phải đưa ra chính sách định cư thực dân; người ta chỉ đơn giản đã bỏ phiếu bằng chân.”[6] Đây là tâm điểm của cuộc tranh cãi về người gốc Việt ở Campuchia. Các nguồn độc lập ước tính số người gốc Việt sống ở Campuchia vào khoảng 400.000 đến 700.000 người.[7] Những người nhập cư này tham gia vào nhiều hoạt động kinh tế đa dạng như bán buôn, bán lẻ, thợ mộc, thợ cơ khí, nhà hàng, xây dựng, và đánh cá. Phần lớn trong nhóm này sống tại những ngôi nhà nổi trên sông và hồ, cụ thể là Biển Hồ Tonle Sap, sông Mekong, và sông Bassac. Có một niềm tin phổ biến giữa những người Campuchia, rằng hầu hết người Việt Nam hiện ở Campuchia không phải là con cháu của những người đã sống ở đất nước này trước chiến tranh. Thay vào đó, họ chính là những người đã cùng quân đội Việt Nam đến chiếm đóng vào năm 1979, và con cháu của họ, hoặc những người nhập cư gần đây hơn.
Kể từ năm 2015, chính phủ Campuchia đã xác định có khoảng 70.000 người Việt Nam đang sở hữu “giấy tờ hành chính không hợp lệ”.[8] Luật nhập cư mới yêu cầu những người này phải nộp phí để nhận thẻ cư trú và thẻ này phải được gia hạn hai năm một lần; đến năm thứ bảy họ mới đủ điều kiện để nộp đơn xin nhập quốc tịch.[9] Chính phủ Campuchia cũng thắt chặt các chính sách nhập cư, và kể từ năm 2015, đã trục xuất 5.223 người Việt Nam ra khỏi đất nước.[10]
NGUYÊN NHÂN HÀNH ĐỘNG CHỐNG NGƯỜI VIỆT NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP
Đối phó với sự trỗi dậy của Đảng Cứu quốc Campuchia
Kể từ khi Campuchia cho phép bầu cử đa đảng vào năm 1993, người Việt Nam đã trở thành một trong những vấn đề vận động tranh cử chính của các đảng đối lập. Họ liên hệ sự hiện diện của người gốc Việt với ý định rộng lớn hơn của Việt Nam – là “nuốt chửng Campuchia.” Những tuyên bố như vậy đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người Campuchia, vì bối cảnh lịch sử đối đầu lâu dài giữa hai nước, và việc Campuchia bị mất lãnh thổ sau khi Việt Nam mở rộng về phía nam. Do không có các cuộc thăm dò ý kiến sau bỏ phiếu, và cũng không có dữ liệu khảo sát về hành vi của cử tri, nên không thể xác định hiệu quả của luận điệu chống Việt Nam của các đảng đối lập. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát kéo dài nhiều năm của Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI), tìm hiểu ý kiến của người Campuchia về tương lai của Campuchia, đã cho phép chúng tôi ước tính mức độ thu hút của các luận điệu chống Việt Nam của các đảng đối lập. Khảo sát của IRI chỉ ra rằng nhiều người Campuchia coi “người nhập cư bất hợp pháp” là một vấn đề cấp bách đối với đất nước họ, ở cùng một cấp độ với các vấn đề như tham nhũng, lạm phát, gia đình trị, nghèo đói và vấn đề môi trường.[11] Hơn nữa, vào năm 2013, 17% số người trả lời khảo sát của IRI đã coi “người nhập cư bất hợp pháp” là lý do khiến Campuchia đi sai hướng.[12]
Do đó, như lời Tiến sĩ Kin Phea, vấn đề người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp là “một vết thương chính trị đối với Đảng CPP”.[13] Có thể nói, sự thiếu quyết đoán của chính phủ CPP trong việc giải quyết vấn đề này đã cho phe đối lập một cái cớ để gán cho CPP là “một con rối của Việt Nam” – vì thế khiến đảng này mất đi nhiều sự ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013.[14].
Cũng cần lưu ý rằng, trước cuộc tổng tuyển cử năm 2013, ảnh hưởng của vấn đề người nhập cư Việt Nam đối với kết quả bầu cử của CPP đã được giảm nhẹ nhờ một số yếu tố. Đầu tiên là sự chia rẽ nội bộ của phe đối lập. Điều này, cùng với việc hệ thống bầu cử nghiêng về phía các đảng chính trị lớn, đã mang lại cho CPP một lợi thế trong việc giành được phiếu bầu.
Yếu tố thứ hai là sức mạnh về thể chế và nguồn lực của CPP cho phép đảng này duy trì một mạng lưới bảo trợ trên toàn quốc và từ trên xuống, nhờ đó duy trì sự thống trị trong bầu cử.[15] Tuy nhiên, trong những năm trước khi diễn ra tổng tuyển cử năm 2013, sự chuyển đổi nhanh chóng về kinh tế-xã hội đã làm suy giảm sự thống trị của CPP. Gia tăng dân số trong những thập niên gần đây có nghĩa là thanh niên chiếm đa số trong số cử tri. Được giáo dục nhiều hơn, hoạt động chính trị tích cực hơn, và được vận động nhiều hơn nhờ công nghệ thông tin, thanh niên Campuchia đã bắt đầu tìm kiếm sự thay đổi đối với hiện trạng do CPP thống trị.[16]
Yếu tố thứ ba là sự hợp nhất của Đảng Nhân quyền và Đảng Sam Rainsy thành CNRP – một liên minh cung cấp cho phe đối lập một mặt trận thống nhất ở nông thôn và thành thị. Những thay đổi này, kết hợp với việc CNRP tăng cường chính trị hóa vấn đề người Việt nhập cư, đã giúp tăng tỷ lệ ủng hộ đảng này trong tổng tuyển cử năm 2013 đến mức gây sốc cho CPP. Đặc biệt, ở những khu vực có đông người Việt Nam nhập cư, CNRP vượt trội hơn hẳn CPP.[17] Đây là lần đầu tiên một đảng đối lập có thể mở rộng ảnh hưởng và ghi lại dấu ấn bầu cử của mình ở vùng nông thôn Campuchia, vốn là thành trì của CPP.[18] Chính ở thời khắc quan trọng đó, CNRP đã trở thành một mối nguy hiểm rõ ràng đối với CPP. Tình thế này buộc CPP phải đưa ra các chính sách mới nhằm củng cố năng lực nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, và giải quyết vấn đề người Việt Nam nhập cư.
Mục tiêu phát triển và nâng cao năng lực nhà nước
Nếu người nhập cư Việt Nam chỉ là một vấn đề bầu cử đối với CPP, thì về mặt logic, bất kỳ biện pháp nào nhằm giải quyết vấn đề đó cũng không còn cần thiết sau khi CNRP giải thể vào năm 2017. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, một trong những yếu tố làm giảm tỷ lệ phiếu bầu của CPP vào năm 2013 là việc người Campuchia không hài lòng với sự phát triển dựa trên mạng lưới bảo trợ của CPP và năng lực nhà nước thấp của đảng này. Với sự giải thể của đối thủ chính trị chính – CNRP – CPP nhận ra rằng tính chính danh trong tương lai, đi kèm là khả năng thống trị chính trị, của họ phụ thuộc vào khả năng nâng cao năng lực nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế trên diện rộng, cải thiện trật tự xã hội và củng cố chủ quyền quốc gia. Để nâng cao năng lực nhà nước, CPP đã tập trung vào việc tăng cường huy động nguồn thu ngân sách. Nguồn thu từ thuế tăng lên đáng kể, từ 12,1% GDP năm 2013 lên 15,25% năm 2016, 19,4% năm 2019,[19] và 20% năm 2020.[20] Các chỉ số về hiệu quả quản trị cũng được cải thiện đáng kể với mức 46,15 điểm phần trăm (từ mức -0,91 năm 2013 lên -0,46 năm 2020).[21] Năng lực nhà nước gia tăng đã cho phép chính phủ giải quyết các mục tiêu phát triển của mình, bao gồm cải thiện hệ thống sông hồ của Campuchia, chỉnh trang đô thị, và lập lại trật tự để thu hút đầu tư.
Bắt đầu từ năm 2012, theo kế hoạch phát triển của chính phủ, Phnom Penh và các tỉnh lỵ của các tỉnh đã phải tham gia một cuộc thi để tìm ra “thành phố đẹp nhất.” Khả năng thăng chức của các tỉnh trưởng và thị trưởng thành phố cũng một phần nhờ vào thành công trong việc chỉnh trang thành phố của họ. Hơn nữa, cần lưu ý rằng việc “giải tỏa” các cộng đồng sống trôi nổi (chủ yếu, nhưng không phải chỉ có người gốc Việt) ở Phnom Penh cũng đã mang về nhiều khu bất động sản đắc địa ven sông để dành cho đầu tư, đặc biệt là từ Trung Quốc. Tại Kampong Chhnang, các cộng đồng sống trên sông rạch cũng nằm trong vùng lân cận của thành phố tỉnh lỵ. Các cộng đồng “lộn xộn” này, nơi người dân nuôi cá lồng, bị cáo buộc làm ô nhiễm hệ sinh thái của khu vực, vi phạm ý thức trật tự của người dân, và kết quả là làm giảm giá trị của các bất động sản và các dự án đầu tư lân cận.[22] Các cộng đồng nổi này bao gồm các tộc người Việt, Khmer, và Chăm (còn gọi là Khmer Islam). Do đó, việc chỉnh trang thành phố và cải thiện môi trường đòi hỏi phải di dời và tái định cư người Việt Nam đang sống ven sông hồ.
Quan hệ Trung Quốc – Campuchia: Một yếu tố thúc đẩy
Nhờ quan hệ chặt chẽ trong lịch sử giữa đảng cầm quyền hai nước – CPP và Đảng Cộng sản Việt Nam (CPV) – Việt Nam và Campuchia đã duy trì hợp tác toàn diện trong các vấn đề chính, bao gồm thương mại, an ninh, và ngoại giao.[23] Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều từ đầu những năm 2000. Xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia tăng từ 81 triệu USD năm 2000 lên 182 triệu USD năm 2005, 501 triệu USD năm 2010, 1,682 tỷ USD năm 2017, và 2,725 tỷ USD năm 2019.[24] Xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam cũng tăng đáng kể từ 20 triệu USD năm 2000 lên 46 triệu USD năm 2005, 96 triệu USD năm 2010, 326 triệu USD năm 2017, và 359 triệu USD năm 2019.[25] Tính đến năm 2019, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.[26] Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Campuchia sau Trung Quốc và Hàn Quốc.[27]
Về mặt ngoại giao, hai nước cũng duy trì các cuộc đối thoại cấp cao qua kênh đảng và chính phủ.[28] Việt Nam là đối tác an ninh quan trọng của CPP, hỗ trợ về đào tạo và chăm sóc y tế cho các sĩ quan cấp cao của quân đội Campuchia. Trong các cuộc xung đột biên giới của Campuchia với Thái Lan vào năm 2008 và 2011, Việt Nam đã được cho là hỗ trợ về an ninh – dù hạn chế – theo yêu cầu của chính phủ Campuchia.[29] Hơn nữa, các đảng cầm quyền của hai nước đã hợp tác chặt chẽ để chống lại các lực lượng được cho là “thù địch” và “không thân thiện” đối với chính phủ hai bên.[30]
Đồng thời, vẫn tồn tại những vấn đề có thể ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam-Campuchia tưởng chừng khăng khít. Ngoài vấn đề người Việt nhập cư tại Campuchia, một số đoạn biên giới giữa hai nước hiện chưa được phân định, nên tranh chấp biên giới vẫn tiếp diễn. Đây đều là những thách thức khi xét đến quan hệ quyền lực bất cân xứng giữa hai nước. Vì Việt Nam mạnh hơn, nên Campuchia cần thận trọng để tránh khiến Việt Nam phản ứng theo cách có thể gây tác động tiêu cực đến an ninh và lợi ích kinh tế của Campuchia, ví dụ như khả năng Việt Nam bất hợp tác trong các vấn đề biên giới hoặc huấn luyện quân sự.
Nhưng quan hệ quyền lực bất đối xứng của Campuchia với Việt Nam đã bắt đầu thay đổi vào những năm đầu của thế kỷ 21, khi sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo cơ hội mới để Campuchia cân bằng với các nước láng giềng hùng mạnh hơn là Việt Nam và Thái Lan, cũng như các cường quốc phương Tây. Trung Quốc trở thành đồng minh tự nhiên của Campuchia nhờ tiềm lực kinh tế và khía cạnh ý thức hệ. Campuchia cũng là nước đi đầu trong kế hoạch phát triển quyền lực mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á.[31] Năm 2010, Trung Quốc và Campuchia đã nâng cấp quan hệ của họ lên mức “đối tác chiến lược toàn diện.” Theo đó, kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2010 lên 9,53 tỷ USD vào năm 2020.[32] Trong cùng kỳ, viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia đã tăng từ 54,1 triệu USD năm 2010 lên 420,56 triệu USD vào năm 2020, trong khi đầu tư của họ vào Campuchia đã tăng từ chỉ hơn 1 tỷ USD[33] năm 2010 lên 2,96 tỷ USD vào năm 2019.[34] Quan hệ quân sự Trung Quốc – Campuchia cũng được củng cố, bằng chứng là việc gia tăng viện trợ quân sự, huấn luyện và tập trận chung hàng năm.[35] Trung Quốc cũng tài trợ cho việc cải tạo Căn cứ Hải quân Ream, nơi đã thu hút nhiều sự chú ý và nghi ngờ về tham vọng địa chiến lược của Trung Quốc.[36] Rõ ràng, quan hệ Trung Quốc – Campuchia gần gũi hơn đã tạo thêm đòn bẩy cho Phnom Penh và giúp nước này thu hẹp khoảng cách quyền lực với Việt Nam. Nhờ đó, Campuchia đã có thể tái khẳng định chủ quyền của mình và giải quyết vấn đề nhạy cảm về người nhập cư Việt Nam mà không quá lo lắng bị Việt Nam trả đũa.[37]
Chính phủ Việt Nam đã không công khai phản đối chính sách nhập cư của chính phủ Campuchia. Thay vào đó, họ tìm cách hỗ trợ người nhập cư nghèo trả phí thẻ cư trú, và tạo cơ hội việc làm tại các công ty Việt Nam hoạt động ở Campuchia cho những người bị giải tỏa khỏi khu vực Biển Hồ Tonle Sap.[38] Có thể nói, việc chính phủ Việt Nam không công khai phản đối cho thấy Việt Nam lo ngại rằng việc đối đầu với Campuchia về vấn đề này có thể đẩy nước này nghiêng nhiều hơn về phía Trung Quốc. Xét đến xung đột lãnh thổ hiện tại của Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông và những nỗ lực trong quá khứ của Trung Quốc nhằm bao vây Việt Nam thông qua liên minh với Khmer Đỏ, chính phủ Việt Nam có lẽ đang lo sợ lịch sử sẽ lặp lại.
KẾT LUẬN
Việc mở rộng lãnh thổ trong quá khứ của Việt Nam và các cuộc chiến với Campuchia đã khiến người Việt ở Campuchia trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng, thậm chí từng trở thành tình trạng phân biệt đối xử và thảm sát được nhà nước chỉ đạo vào những năm 1970. Mức độ hài lòng của công chúng Campuchia đối với các hành động gần đây của chính phủ đối với người nhập cư Việt Nam, cũng như phản ứng của chính phủ Việt Nam, vẫn cần phải được nghiên cứu thêm. Nếu 70.000 người Việt Nam đang tạm trú bị từ chối quyền công dân và bị trục xuất về Việt Nam, nhiều khả năng chính phủ Việt Nam sẽ phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều người Campuchia sẽ thất vọng nếu việc trục xuất không xảy ra. Cấp quyền công dân cho hàng ngàn người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi, và do đó, tình cảm chống Việt Nam sẽ tiếp tục tồn tại ở Campuchia trong tương lai gần.
Tuy nhiên, chính sách gần đây của chính phủ Campuchia về việc cấp thẻ tạm trú cho người Việt sinh sống tại Campuchia với khả năng cho phép họ trở thành công dân Campuchia là một bước đi đúng hướng trong việc giải quyết một vấn đề gây tranh cãi bấy lâu nay.
Cần lưu ý rằng chính sách này chỉ có hiệu lực khi chính phủ của cả Campuchia và Việt Nam thực hiện hai biện pháp bổ sung. Thứ nhất, hai bên cần tăng cường nỗ lực hợp tác tuần tra các đường biên giới nhiều lỗ hổng của họ để ngăn dòng người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp mới vào Campuchia. Ngoài ra, chính phủ Campuchia cần tăng cường năng lực và loại bỏ tình trạng nhận hối lộ trong các cơ quan quản lý nhập cư của mình.
Jing Jing Luo là Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Trường Công Vụ, Đại học Hạ Môn, Trung Quốc. Kheang Un là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Bắc Illinois, Hoa Kỳ.