Ngôi nhà 40m² màu xanh matcha với thiết kế tầng lửng xinh yêu của gia đình trẻ

Gam màu xanh matcha cùng chất liệu gỗ thông và cách thiết kế hiện đại, ấm cúng đã đem đến cho ngôi nhà này sự quyến rũ khó cưỡng nổi.

Càng ngày, người ta càng đầu tư nhiều cho không gian sống của mình để vừa tối ưu được diện tích, vừa đem lại sự tiện nghi trong sinh hoạt. Và ở khu vực châu Á, cách bài trí nhà cửa ở nhiều đất nước, đặc biệt các thành phố lớn đã có sự chuyển mình rõ rệt. Điều này thấy rõ nhất ở những ngôi nhà, căn hộ của người trẻ.

Nơi ở của họ nhẹ nhàng hơn, bài trí hiện đại hơn để vấn đề diện tích nhỏ được giải quyết. Như ngôi nhà chưa tới 40m² ở Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc) dưới đây là một minh chứng tuyệt vời. Từ những cái nhìn đầu tiên, ngôi nhà này đã khiến người ta thích thú bởi sắc xanh matcha mát mẻ, tinh tế từ hệ kệ tủ âm tường, nội thất hay sàn gạch của sảnh vào nhà.

Thiết kế của ngôi nhà được lấy cảm hứng từ các khối hộp nên không gian được phân chia rất gọn gàng. Để tạo ra sự tiện dụng cho ngôi nhà, các KTS đã bố trí không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách – bếp – ăn theo chiều dọc. Cách sắp xếp không gian khoa học cùng với hệ tủ âm tường thực sự mang đến cho khu vực này cái nhìn đẹp mắt.

Ngôi nhà 40m² màu xanh matcha với thiết kế tầng lửng xinh yêu của gia đình trẻ - Ảnh 1.

Hệ tủ âm tường màu xanh ấn tượng.

Ngôi nhà 40m² màu xanh matcha với thiết kế tầng lửng xinh yêu của gia đình trẻ - Ảnh 2.
Ngôi nhà 40m² màu xanh matcha với thiết kế tầng lửng xinh yêu của gia đình trẻ - Ảnh 3.

Khu bếp nhỏ hiện đại.

Nửa còn lại của tầng trệt gồm một phòng sinh hoạt chung cho cả gia đình, một kệ bàn làm việc kiêm giá sách và một khu vệ sinh. Mọi không gian trong khu vực này tuy nhỏ nhưng đều được thiết kế thông minh và rất tiện dụng. Như việc sát góc học tập, làm việc là phòng nghỉ cũng giúp cả gia đình có nhiều không gian kết nối với nhau hơn.

Ngôi nhà 40m² màu xanh matcha với thiết kế tầng lửng xinh yêu của gia đình trẻ - Ảnh 4.

Khu vực cầu thang và lối dẫn vào góc làm việc, phòng vui chơi chung của gia đình.

Ngôi nhà 40m² màu xanh matcha với thiết kế tầng lửng xinh yêu của gia đình trẻ - Ảnh 5.

Khu vực làm việc thiết kế thông minh.

Dù diện tích không lớn nhưng các KTS không lên tầng mà chỉ sử dụng một nửa diện tích đất làm tầng lầu để dùng cho không gian phòng ngủ chính và phòng thay đồ. Thú vị nhất là cách các KTS kết hợp cầu thang cùng lối đi bộ giữa phòng ngủ và phòng đồ, tạo nên cái nhìn đẹp mắt và đầy cảm hứng trong nhà. Có thể nói, chính hệ cầu thang này đã giúp cho cảm hứng khối hộp trong ngôi nhà càng được nhấn mạnh và rõ ràng hơn.

Giống như tầng trệt, tầng lầu cũng được tô điểm bằng màu xanh nhạt mát mẻ, đi kèm đó là chất liệu gỗ thông sạch sẽ và ấm cúng của các hệ kệ. Để tạo sự thoáng đãng, nhẹ nhàng, chủ nhà đã sử dụng tường kính và lan can bằng kính.

Ngôi nhà 40m² màu xanh matcha với thiết kế tầng lửng xinh yêu của gia đình trẻ - Ảnh 6.

Phòng ngủ nhẹ nhàng, thư giãn.

Ngôi nhà 40m² màu xanh matcha với thiết kế tầng lửng xinh yêu của gia đình trẻ - Ảnh 7.

Phòng thay đồ giúp gia đình nhỏ giải quyết được không gian lưu trữ quần áo khá hiệu quả. Bên cạnh những giá kệ được tính toán kĩ càng về công năng thì căn phòng này còn có một cửa sổ nhỏ có thể quan sát xuống tầng 1.

Ngôi nhà 40m² màu xanh matcha với thiết kế tầng lửng xinh yêu của gia đình trẻ - Ảnh 8.

Phòng thay đồ.

Không quá rộng rãi nhưng thiết kế gác lửng đầy sáng tạo và hiện đại của ngôi nhà này thực sự ghi điểm. Nhất là khi nó vừa đủ tiện nghi, vừa giúp các thành viên trong gia đình kết nối với nhau ở mọi không gian.

Theo Phụ nữ VN

Người có EQ thấp thường có những dấu hiệu này

EQ thấp không chỉ tác động tiêu cực đến các mối quan hệ giữa cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn

Những người có EQ hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc thấp là những người không có khả năng thận thức được cảm xúc ở cả bản thân và những người xung quanh. Nhiều chuyên gia tâm lý hiện nay tin rằng EQ quan trọng hơn IQ trong việc xác định thành công chung trong cuộc sống. Do đó, EQ thấp không chỉ tác động tiêu cực đến các mối quan hệ giữa cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn.

Người có EQ thấp thường có những dấu hiệu này - Ảnh 1.

Khi một người có chỉ số EQ thấp, có nhiều cách để thể hiện ra ngoài. Dưới đây là 8 dấu hiệu kinh điển của người có trí tuệ cảm xúc thấp.

1. Họ luôn đúng

Những người có EQ thấp thường tranh luận một quan điểm đến cùng mà không chịu lắng nghe những gì người khác nói. Ngay cả khi bạn cung cấp cho họ những bằng chứng rằng họ sai, họ cũng sẽ lập luận ngược lại rằng sự thật của bạn mới là sai.

Họ luôn muốn thắng bằng mọi giá và họ sẽ không thay đổi quan điểm của mình cho dù thế nào đi nữa.

2. Họ không biết đến cảm giác của người khác

Những người có EQ thấp thường không để ý đến cảm xúc của người khác. Họ có thể thực sự ngạc nhiên khi biết một ai đó giận mình hay một ai đó không thích họ. Thậm chí, họ còn cảm thấy khó chịu khi người khác mong đợi họ biết người đó đang cảm thấy thế nào.

3. Họ cư xử một cách vô cảm

Phần lớn những người có EQ thấp không biết phải nói gì hay làm gì thích hợp. Họ cũng thường hay nói hoặc làm một điều gì đó không đúng thời điểm. Ví dụ, họ có thể nói ra điều gì đó thiếu tế nhị trong đám tang hoặc pha trò ngay sau một sự kiện bi thảm. Nếu ai đó phản ứng lại với điều đó, họ sẽ phản ứng lại và cho rằng người đó quá nhạy cảm.

Những người có EQ thấp thường gặp khó khăn trong việc hiểu cảm xúc của người khác, bởi vậy mà họ không thể giải thích hay phản ứng một cách thích hợp với bầu không khí cảm xúc.

Người có EQ thấp thường có những dấu hiệu này - Ảnh 2.

4. Đổ lỗi cho người khác về vấn đề của họ

Một điều mà người có EQ thấp sẽ không làm là tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Khi xảy ra sự cố, phản ứng đầu tiên của họ là tìm ai đó hoặc điều gì đó để đổ lỗi. Họ có thể nói rằng họ không có lựa chọn nào khác cho những gì họ đã làm và những người khác chỉ đơn giản là không hiểu cho hoàn cảnh của họ.

Ví dụ, nếu họ đọc tin nhắn của bạn thì đó là lỗi của bạn khi để điện thoại trước mặt họ. Nếu họ thất bại trong một nhiệm vụ hay không hoàn thành công việc, bằng cách nào đó thì họ sẽ coi đó là lỗi của người khác.

5. Họ có kỹ năng đối phó kém

Không có khả năng đối phó với các tình huống cảm xúc có thể là một dấu hiệu của người có EQ thấp. Những cảm xúc mạnh mẽ, dù là của họ hay của người khác, đều khó hiểu đối với những người có EQ thấp. Và họ thường tránh xa những tình huống này để tránh phải đối mặt với những cảm xúc đó. Việc che giấu cảm xúc thật cũng là dấu hiệu của người có EQ thấp.

6. Họ bộc phát

Những người có EQ thấp thường đấu tranh để hiểu và kiểm soát cảm xúc của chính họ. Họ có thể phản ứng một cách dữ dội mà không hiểu họ đang thực sự cảm thấy như thế nào và tại sao họ lại khó chịu như vậy.

Một người có EQ thấp cũng thường có những cơn bộc phát cảm xúc bất ngờ, đôi khi bị thổi phồng quá mức và không thể kiểm soát được.

7. Họ đấu tranh với các mối quan hệ

Những người có EQ thấp thường có rất ít bạn thân. Điều này là do tình bạn thân thiết đòi hỏi sự cho – nhận, chia sẻ cảm xúc, lòng trắc ẩn, hỗ trợ tinh thần, mà đây là những đặc điểm của người có EQ thấp thường thiếu.

8. Họ chuyển cuộc trò chuyện về phía mình

Những người có trí tuệ cảm xúc thấp có xu hướng thống trị cuộc trò chuyện. Ngay cả khi họ đang đặt câu hỏi và tỏ ra chăm chú lắng nghe, họ vẫn luôn tìm cách chuyển mọi thứ trở về phía họ. Và khi ai đó chia sẻ một câu chuyện, họ thường chứng minh cho người đó thấy rằng những điều đó họ đã trải qua rồi, bất kể đó là gì.

Nguồn: verywellmind / Shoha VN

Nhà văn Thạch Lam – Những câu chuyện vang bóng thời gian

Cội rễ làm nên sức sống bất diệt của tác phẩm văn chương là tài năng, ân tình người cầm bút. Văn chương khơi nguồn từ trái tim sẽ đi đến những trái tim để rồi người ta nhớ mãi không quên.

Ba mươi hai tuổi đời, chưa đầy sáu năm cầm bút, Thạch Lam góp vào vườn hoa muôn sắc của nền văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX những truyện ngắn mang giọng điệu riêng, chan chứa ân tình, đằm thắm yêu thương in bóng trong tâm hồn biết bao thế hệ.

“Nhà mẹ Lê”, câu chuyện nhói lòng

Truyện Thạch Lam có sự hòa quyện của hai yếu tố: Hiện thực và lãng mạn. Với “Nhà mẹ Lê”, chất lãng mạn dường như mất hẳn, thay vào đó là bức tranh hiện thực cuộc đời đau nhói, xót xa. Bối cảnh của truyện là một “phố chợ tồi tàn, hai dãy nhà lụp xụp, mái tranh xuống thấp gần đến thềm, che nửa những cái chái nứa đã mục nát”.

Người dân phố chợ là những kẻ ngụ cư trôi dạt đến đây, bươn chải, kiếm sống qua ngày. Thương nhất là nhà mẹ Lê, một gia đình có người mẹ với mười một đứa con, đứa lớn nhất mới có mười bảy tuổi. Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay. Người đàn bà quê thấp bé nặng trĩu đôi vai gánh nặng mưu sinh nuôi đàn con dại.

Chật vật, khó khăn, đầu tắt mặt tối từ tinh sương làm thuê, làm mướn cũng không đủ nuôi con. Cái đói luôn rình rập người mẹ khổ và những đứa trẻ nghèo bất kì lúc nào. Tội nghiệp, xót xa cho những kiếp đói rách, bần hàn.

Khoảnh khắc ám ảnh nhất của câu chuyện là mùa rét năm ấy “giá lạnh và mưa gió lầy lội”. Thương đàn con ôm chặt lấy nhau rét run trong căn nhà ẩm ướt, tối tăm và cũng vì nhịn đói suốt buổi, người mẹ đông con ấy đã hai lần “liều mạng” vào nhà ông Bá xin chút gạo với hi vọng đàn con có chút gì lót dạ.

Ngán ngẩm thay, gạo nhà giàu khó xin, chó nhà giàu độc dữ. Không xin được gạo, mẹ Lê còn bị người ta thả chó Tây cắn. Mẹ đau, con đói và khép lại câu chuyện là mười một đứa trẻ mồ côi trong căn nhà lạnh lẽo, âm u. Ở đó, “con Tý đang dỗ cho thằng Hy nín khóc, nói dối rằng mẹ nó đi chợ một lát sẽ về”. Nhưng tất cả chỉ là vô vọng. Mẹ Lê chết để lại đàn con côi cút, bơ vơ, căn nhà vắng sẽ càng thêm lạnh lẽo.

Cái chết khép lại cuộc đời người mẹ khổ, thương con, thế nhưng tháng ngày phía trước của đàn trẻ nhỏ sẽ chông chênh nước mắt, biết tìm ai bấu víu, nuôi nấng, chở che. Trang văn Thạch Lam khép lại, người đọc vẫn chưa nguôi ám ảnh, thương cảm, nhói đau.

Bức tranh cuộc đời sao chua xót đắng cay. Câu chuyện đẫm nước mắt được nhà văn kể lại bằng tấm lòng đôn hậu và trái tim chan chứa yêu thương sẽ soi bóng thời gian. Đâu đó quanh ta vẫn thấp thoáng hình bóng “nhà mẹ Lê” trong cuộc sống thường ngày. Cần lắm những chia sẻ, yêu thương cho cuộc đời thêm nhiều gam màu hạnh phúc.

Tranh minh họa Hai đứa trẻ.

“Sợi tóc”, ranh giới mong manh

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà sinh thời, Thạch Lam lấy “Sợi tóc” đặt tên cho  tập truyện xuất bản năm 1942 của ông. Dõi theo những thiên truyện của cây bút biệt tài, người ta mến yêu “Hai đứa trẻ”; cảm phục “Gió lạnh đầu mùa”; say mê “Dưới bóng hoàng lan”; cảm kích với “Cô hàng xén”... Với tôi, mỗi truyện đều có dư vị riêng, nhưng ấn tượng vẫn là “Sợi tóc” mong manh níu giữ nhân phẩm con người. Ẩn sau câu chuyện giản dị là bề sâu triết lí nhân sinh, có giá trị muôn đời.

Diễn biến của truyện xoay quanh hai nhân vật: Thành sành sỏi, thạo đời, thạo các ngón ăn chơi; Bân người anh họ giàu, rất ngốc lại keo kiệt. Một hôm, Bân rủ Thành đi cùng mua đồng hồ, sau đó họ đi ăn nhà hàng, vào tiệm cô đầu vui chơi. Bân để quên chiếc áo gần chiếc giường chỗ Thành, bên trong chiếc ví dày nhiều tiền, có những tờ bạc mới nguyên, Thành nảy sinh ý định sẽ lấy cắp mấy tờ giấy bạc một trăm.

Anh ta suy tính, dự định đâu vào đấy. Nhưng trong khoảnh khắc mong manh, Thành trả lại chiếc áo cho Bân và ra về. Truyện chỉ có vậy, cái tài của Thạch Lam là đặt nhân vật của mình vào một tình huống lựa chọn, đấu tranh gay cấn, ằng co. Ăn cắp hay không ăn cắp; giữ bản tính lương thiện của con người hay đánh đổi, làm hoen mờ nhân phẩm trước sự cám dỗ của đồng tiền. Ranh giới tốt, xấu, thiện ác mỏng mảnh như sợi tóc.

May thay, Thành vẫn giữ được lòng thiện chỉ trong khoảnh khắc mong manh. Việc Thành đổi trả chiếc áo cho Bân, nói thêm một câu “Anh đếm lại tiền đi” đã giữ lại bản tính Người của anh ta. Tính thiện thắng thế trước sự cám dỗ của lòng tham. Hành động ấy khác xa với lão huyện Hinh đểu giả, tham lam dẫm lên “Đồng hào có ma” của con mẹ nuôi tội nghiệp mà ăn cướp một cách trắng trợn. Vậy là, đời người nhiều khi cần bước qua ranh giới, ngược lại, có khi cần dừng lại trước ranh giới định mệnh mới mong giữ được thiên lương, bảo tồn thiện tâm lành vững.

Sinh thời, Thạch Lam đau đáu về sứ mệnh lớn lao của văn chương: “Đối với tôi, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Với truyện ngắn “Sợi tóc”, nhà văn sáng tạo nên “thứ khí giới thanh cao” làm trong sạch tâm hồn con người. Giữa bộn bền cuộc sống, trước muôn vàn những cám dỗ, hãy tỉnh táo giữ lại phẩm chất “Người trong mỗi con Người”. Vậy nên, câu chuyện nhỏ mà nhắn gửi một bài học lớn không chỉ cho tôi, cho bạn mà còn cho tất cả những người chân chính trong cõi nhân sinh.

“Hai đứa trẻ”, hiện thực và ước mơ.

Sáng tác của Thạch Lam có truyện nghiêng về phía lãng mạn với những xúc cảm mong manh, mơ hồ: Nắng trong vườn, Dưới bóng hoàng lan… Có truyện nghiêng nhiều về cái gốc hiện thực: Nhà mẹ Lê; Một đời người; Tối ba mươi… Giữa lằn ranh ấy, truyện Hai đứa trẻ đã dung hòa được cả hai yếu tố. Sức hấp dẫn của truyện được thể hiện bởi sự hòa quyện giữa hiện thực và lãng mạn trữ tình. Trong bóng tối cuộc đời đè xuống, ước mơ khao khát vẫn nhen lên cho dù nhỏ bé mong manh.

Không hiểu sao mỗi lần đọc truyện, tôi luôn ám ảnh với hai chi tiết: Mở đầu “Liên ngồi lặng yên bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần”; và khi câu chuyện khép lại “Nhưng Liên không nghĩ được lâu, mắt chị nặng dần, rồi sau Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối”.

Vậy là, xuyên suốt cả câu chuyện là bóng tối bao trùm không gian phố huyện, ôm trọn những cảnh đời nghèo khổ, chìm nghỉm trong lay lắt đáng thương. Ngòi bút của Thạch Lam vẽ nên bức tranh đời buồn thiu về cảnh chợ tàn và những kiếp người tàn quẩn quanh, chìm khuất trong bóng tối. Lần dở từng trang sách, bức tranh hiện thực ấy dần hiện lên ám ảnh, khôn nguôi.

Cảnh chợ tàn nơi phố huyện buồn đến nao lòng. Đọc mấy câu văn Thạch Lam tả cảnh chợ vãn, lòng buồn lại buồn hơn: “Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”. Vẻ vẹn ba câu văn, người ta thấu tỏ cái thưa vắng, xác xơ của cảnh chợ tàn.

Đâu còn cảnh nhộn nhịp kẻ bán người mua? Âm thanh ồn ào trở nên xa xỉ. Ẩn hiện sau lời văn là tiếng thở dài, tiếc nuối ngậm ngùi cho dù chỉ là một chút ồn ào khe khẽ. Cảnh chợ tàn mang đến cho người đọc những nghĩ suy về cuộc sống đói nghèo, túng thiếu nơi phố huyện ngày nào.

Cảnh chợ tàn buồn vắng, nghĩ về những kiếp người tàn chao ôi ám ảnh, xót xa. Ngòi bút nhà văn tựa như ống kính máy quay phim chộp lại những cảnh đời, những kiếp người tội nghiệp, đáng thương nhọc nhằn gánh nặng mưu sinh. Mấy đứa trẻ nghèo nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại.

Mẹ con chị Tí ngày mò cua bắt tép, tối dọn hàng nước mà ế ấm chẳng mấy ai mua, lay lắt như ngọn đèn hoa kì giữa mênh mông bóng tối. Chị em Liên trông coi gian hàng tạp hóa nhỏ xíu, buôn bán cả ngày mà có ăn thua gì. Bà cụ Thi ngửa cổ uống cút rượu ti cạn sạch đi lần vào bóng tối, trông thật xót xa.

Chiều tàn chóng qua, màn đêm buông xuống, “đường phố và các ngõ con chứa đầy bóng tối”, góp thêm vào bức tranh đời là bác Siêu với gánh phở xa xỉ, nhiều tiền nên ế ấm, không ai mua được. Vợ chồng bác xẩm với tiếng đàn bầu não nề cùng thằng nhỏ lê la ngoài manh chiếu không khỏi xót xa. Tất cả những mảnh đời, những kiếp người đều chung nhau một chữ nghèo, cuộc sống của họ mòn mỏi, quẩn quanh, buồn tẻ nơi phố huyện chứa đầy bóng tối.

Thực tại tối tăm, tương lai rất đỗi xa vời. Viết về những kiếp người tàn, Thạch Lam gửi gắm niềm thương và cả những niềm đau cho số phận người dân lao động nghèo khổ nơi phố huyện nghèo trước cách mạng. Ngòi bút hiện thực giúp nhà văn tái hiện bức tranh cuộc đời ám ảnh, xót đau. Vậy nên, truyện Thạch Lam lãng mạn, trữ tình mà vẫn trên cái gốc là hiện thực cuộc đời muôn nghìn cay đắng nhọc nhằn.

Đọc “Hai đứa trẻ”, hình như có một câu Thạch Lam thổ lộ ước mong của những kiếp người tàn giữa bóng tối cuộc đời: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Tấm lòng đôn hậu của người cầm bút đã tìm thấy đốm sáng quý báu tỏa ra từ tâm hồn người nghèo khổ. Ước mơ thay đổi cuộc sống cho dù ước mơ ấy mong manh, mơ hồ và chưa thật rõ nét.

Chỉ biết rằng, họ muốn vượt thoát khỏi cuộc sống buồn chán, lay lắt hàng ngày. Khát khao chút gì đó tươi mới, sôi động, rực rỡ hơn. Khoảnh khắc háo hức chờ đợi chuyến tàu đêm đi qua của chị em Liên, có lẽ được coi là khoảnh khắc ước mơ. Nếu thiếu cảnh đợi tàu, chắc hẳn sức cuốn hút của văn phẩm sẽ nhạt đi không ít. Câu chuyện sẽ khép lại mà không có nhiều điều để nói, để bàn.

Thế nên truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam dài hơn sáu trang sách, cảnh đợi tàu chỉ vẻn vẹn khoảng một trang nhưng giả sử nếu thiếu đi giây phút đó câu chuyện sẽ vơi đi nhiều ý nghĩa. Đợi tàu là khoảnh khắc hệ trọng bậc nhất trong ngày buồn lê thê với người dân phố huyện, nhất là với chị em Liên và An.

Nhà văn đã rất kì công trong miêu tả sự xuất hiện của đoàn tàu. Khởi đầu là ánh sáng của đèn ghi, rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, rồi đoàn tàu rầm rộ đi tới, các toa đèn sáng trưng, tiếng ồn ào của hành khách… Tất cả chỉ trong một khoảnh khắc nhưng lại được nhà văn miêu tả trong sự chờ đợi háo hức, sự hân hoan vui mừng và cả sự hụt hẫng tiếc nuối của chị em Liên và An.

Con tàu là hình ảnh của quá khứ tuổi thơ tươi đẹp, hạnh phúc. Đợi tàu để được nhìn, được mơ tưởng, để nuôi dưỡng kỉ niệm đẹp. Đợi tàu để dõi theo và cũng để mơ tưởng về một thế giới khác hẳn, cái thế giới tràn ngập ánh sáng, âm thanh, cái thế giới của ngày mai vui tươi, sôi động hơn.

Đối với chị em Liên, việc đợi tàu là cách để giải tỏa nỗi buồn. Viết về cảnh đợi tàu của chị em Liên, Thạch Lam bộc lộ miền đồng cảm xót thương đến vô hạn và quan trọng hơn, ông trân trọng nâng niu ước mơ khát vọng đổi đời của những con người sống trong bóng tối vẫn luôn khát khao hướng đến ánh sáng.

Cuộc sống cực khổ, tăm tối đến đâu nhưng khi người ta còn biết hi vọng, biết ước mơ thì vẫn còn rất đáng mến, đáng trọng xiết bao. Vậy nên, hãy nâng niu, trân trọng ước mơ cho dù nhỏ bé, mong manh xa vời của kiếp người tội nghiệp đáng thương. Trang văn khép lại còn mở ra bao suy tư trong tâm trí người đọc.

“Hai đứa trẻ” chắc hẳn là truyện ngắn in bóng đậm nét nhất phong cách văn chương Thạch Lam, truyện như một bài thơ trữ tình đầy xót thương. Ngòi bút tinh tế của nhà văn đã đi sâu khám phá diễn biến tâm lí nhân vật với những xúc cảm tinh tế, mong manh.

Đằm sâu hiện thực mà lại bay bổng lãng mạn. Hiện thực đè xuống những phận người, ước mơ lãng mạn lại nâng cánh họ bay lên để hi vọng khát khao. Song khép lại hiện thực vẫn bủa vây, bóng tối vẫn trùm lấy mọi cảnh đời nghèo khổ, lắt lay. Mỗi trang viết đều nặng trĩu ân tình của người cầm bút tinh tế, đôn hậu, đằm thắm yêu thương.

Thước đo giá trị cuộc đời đâu phải ở chỗ dài hay ngắn, ba mươi hai tuổi đời, Thạch Lam mất khi tài năng văn chương đang vươn tới độ chín. Tiếc nuối cho văn đàn dân tộc. Song, với tài năng truyện ngắn biệt tài, văn phẩm của ông vang mãi thời gian.

Đọc truyện Thạch Lam, người ta cảm thương, xót xa cho mẹ Lê chết đau, chết khổ vì con; quý trọng Thành biết dừng lại đúng lúc để không đánh mất lương tri; nâng niu ước vọng đổi đời, khát khao tìm đến cuộc sống tươi mới của người dân nghèo trong “Hai đứa trẻ”.

Những câu truyện xúc động, ám ảnh kết tinh tài năng, ân tình người nghệ sĩ. Giữa bộn bề cuộc sống hôm nay, những truyện ngắn mang dư vị riêng của nhà văn gắn bó nặng sâu với mảnh đất Cẩm Giàng – Hải Dương vẫn nuôi dưỡng bồi đắp tâm hồn, hướng người ta đến những điều tốt đẹp.

NGUYỄN VĂN LUYỆN / Báo Giáo dục & Thời đại

Marc Levy: ‘Nếu chỉ có 7 ngày cuối, tôi dành cả để yêu’

“Ông hoàng lãng mạn nước Pháp” Marc Levy đã có nhiều chia sẻ cùng fan Việt về câu chuyện viết lách và hứa hẹn cuốn tiểu thuyết tiếp theo của ông sẽ có chi tiết về Việt Nam.

Marc Levy anh 1

Chiều ngày 9/11, đông đảo độc giả là những người hâm mộ văn học Pháp đã có mặt tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM để chờ đợi sự xuất hiện của tiểu thuyết gia Marc Levy.

“Cảm giác của mình lúc này giống một câu nói trong cuốn Hoàng tử bé, ‘Nếu cậu đến, chẳng hạn như lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ, mình đã cảm thấy hạnh phúc’”, độc giả Nguyễn Hữu Phước (25 tuổi) chia sẻ trong lúc chờ đợi. Anh cho biết mình đã soạn sẵn một số câu hỏi bằng tiếng Pháp cho tác giả yêu thích.

Là fan hâm mộ 17 năm của nhà văn Marc Levy và lần đầu tiên có cơ hội gặp mặt, anh Phạm Hoàng (47 tuổi) mang theo một balo những cuốn sách tâm đắc với hy vọng có thể nhờ nhà văn ký tên vài cuốn.

Trong khi đó, chị Thủy, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội khi vừa nghe thông báo Marc Levy sẽ đến Việt Nam, đã vội xin nghỉ làm để bay đến TP.HCM tham dự. Hàng trăm độc giả từ những người tóc đã bạc trắng đến các học sinh cầm trong tay cuốn sách đến nơi từ rất sớm, bắt chuyện và chia sẻ sôi nổi với nhau về chủ đề văn học trong lúc chờ Marc Levy xuất hiện.

“TÔI LUÔN VIẾT NHƯ MỘT CHÀNG TRAI TUỔI 20”

Marc Levy được nhiều thế hệ bạn đọc tại Việt Nam yêu thích qua những cuốn tiểu thuyết đầu tiên về tình yêu, tình gia đình, cho đến những tác phẩm mang đậm chất phiêu lưu, trinh thám gay cấn về sau. Được mệnh danh là “Ông hoàng lãng mạn nước Pháp”, ông nhận về nhiều câu hỏi về nguồn cảm hứng cho những câu chuyện, quan điểm của ông về tình yêu ngay khi buổi giao lưu bắt đầu.

Nói về tình yêu trong những tác phẩm của mình, Marc Levy thẳng thắn chia sẻ: “Trọng tâm trong các tác phẩm của ông không chỉ có tình yêu, mà là những tình cảm của con người nói chung, giống người La Mã có nói, đó là những tình cảm làm cho con người tiến lên. Thật tình, sau 24 năm viết sách, tôi vẫn đặt ra câu hỏi tình yêu là gì và chưa tìm được câu trả lời”.

Điều khiến những câu chuyện của ông có thể lay động được trái tim của rất nhiều độc giả, có lẽ nằm ở chia sẻ “tôi luôn viết như một chàng trai tuổi 20” – ông nói sau khi một độc giả chia sẻ về những cảm xúc tựa như mối tình đầu mà cô luôn có được khi đọc tác phẩm của ông.

Marc Levy anh 3

Khi nói về tác phẩm Mọi điều ta chưa nói (nguyên nhân khiến ông đến thăm Việt Nam lần này), nhà văn đã tiết lộ những ẩn ý về tình cha con đằng sau tác phẩm khiến độc giả không khỏi bất ngờ.

Với ông, việc nhân vật người cha biến thành robot dường như chỉ là phép ẩn dụ để nói về tình yêu. Phải chăng Anthony chưa hề mất, mà ông chỉ muốn mượn lý do này để nói những điều ông đã không thể nói trực tiếp với con gái từ trước đến nay. Có lẽ ông đang bệnh nặng và biết mình sắp không qua khỏi, và người con gái Julia cũng đã dần nhận ra điều đó.

“Đối với tôi, tình cảm mà cha mẹ dành cho con cái trong 6 năm đầu tiên của cuộc đời con là một tình yêu tuyệt đối, bởi hầu như những đứa trẻ sẽ không nhớ bạn đã chăm sóc chúng như thế nào trong những năm đó. Thử tượng tượng bạn yêu thương ai đó trong 6 năm và rồi họ thậm chí còn không nhớ gì, đó chính là tình yêu thương vô điều kiện mà cha mẹ đã giành cho con, trong khi những người con khi lớn lên lại thường trách móc ngược lại cha mẹ”, Marc Levy chia sẻ từ quan điểm của một người đã làm cha.

Nhân dịp này, Marc Levy cũng muốn độc giả biết thêm rằng ông không chỉ viết về tình yêu. Ông đã thử qua trinh thám, lịch sử và nhiều thể loại khác, vì vậy “tôi không muốn bị đóng khung”, ông nói.

Có thể thấy từ những chia sẻ, Marc Levy không chỉ là một người có trái tim lãng mạn mà bên cạnh đó ông còn có một cái đầu thực tế, sâu sắc. Trong nhiều tác phẩm, ông cho biết mình đã phải tra cứu rất nhiều thông tin để làm tư liệu.

Ví dụ, để viết nên hai cuốn Ngày đầu tiên và Đêm đầu tiên, ông phải học thêm nhiều kiến thức khoa học như dân tộc học, vật lý học không gian để xây dựng nên các nhân vật của mình. “Cái khó khi viết về những nhân vật thông minh là họ thông minh hơn tôi và tôi không biết phải viết thế nào”, ông chia sẻ.

KHÔNG CHỈ VIẾT TRUYỆN TÌNH LÃNG MẠN

Qua buổi trò chuyện với bầu không khí vui vẻ, ấm áp tại đường sách, độc giả có dịp hiểu thêm về nhà văn Marc Levy và những câu chuyện riêng tư, những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời ông.

Được biết, một trong những tác phẩm đã khiến ông trăn trở nhiều nhất chính là Những đứa trẻ của tự do. Ông tiết lộ nhân vật chính của tác phẩm thật ra chính là bố mình năm 18 tuổi – một người lính trẻ tham gia cuộc chiến chống phát xít Đức. Quá trình viết tác phẩm cũng là hành trình của nhà văn đi tìm về những gì người bố đã phải trải qua, những đau khổ, tra tấn mà ông phải chịu đựng, những điều ông chưa bao giờ kể với con trai. “Càng viết tôi càng hiểu hơn về những gì bố tôi đã chịu đựng”, nhà văn kể lại.

Marc Levy anh 4

Nói về sự trường tồnMarc Levy nhớ lại những ngày khi còn bé sống cùng bà bên cạnh một cánh đồng. Có lần bà từng chỉ vào một bức tượng và nói: “Con người thường tưởng rằng sự mãi mãi chính là bức tượng này, nhưng con có nhìn thấy những con chim bồ câu đang làm gì trên sự mãi mãi này không?”.

Sau này khi bà mất đi, ông cho biết mỗi ngày trong suốt 30 năm sau đó ông đều nhớ về bà. Từ đó ông nhận ra rằng sự mãi mãi chính là khi ta vẫn có thể sống trong trong ký ức của người khác sau khi ta mất.

Vì thế khi được hỏi ông sẽ làm gì nếu ông có 7 ngày cuối cùng giống như trong tác phẩm Mọi điều ta chưa nói, ông trả lời ngay lập tức: “Tôi sẽ dùng 7 ngày đó để yêu và được yêu”.

Có thể thấy ở đây, Marc Levy không chỉ muốn được ghi nhớ, được yêu, mà tình yêu cũng cần được xuất phát từ chính ông. Trên thực tế, ông đã có 6 năm hoạt động trong hội Chữ Thập Đỏ. Ông cho biết việc làm việc cho một tổ chức nhân đạo có một vai trò quan trọng xuyên suốt cuộc đời ông.

“Khi còn trẻ chúng ta thường có những câu hỏi như chúng ta có đẹp không, chúng ta có giỏi không… Chúng thường là những câu hỏi xoay quanh bản thân chúng ta. Tôi cũng vậy, nhưng cho đến khi lớn lên tôi vẫn không tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này. Đến khi tôi gia nhập Chữ Thập Đỏ, vào giây phút đầu tiên tôi đem sức lực của mình ra để giúp người khác, quan tâm đến người khác, những câu hỏi trước đây của tôi mới tự nhiên được giải quyết. Có lẽ chúng ta sẽ tìm được vị trí của bản thân khi ta ở trong mối quan hệ với người khác. Vì vậy, khi tìm cách giải quyết những vấn đề của bạn, hãy giúp người khác giải quyết vấn đề của họ nữa”, ông chia sẻ.

Lý tưởng này của ông phần nào đã được thể hiện trong bộ ba tác phẩm mới nhất của ông – Series 9, kể về 9 nhân vật là những người trẻ tài năng, bí ẩn, cùng thành lập một đội Harcker mũ trắng để đem tài năng của mình giúp đỡ người khác. Tập 1 và 2 của series này đã được xuất bản tại Việt Nam với tựa đề Chuyện xảy đến trong đêm và Hoàng hôn của bầy mãnh thú. Tập 3 vừa được xuất bản tại Mỹ với tên Noah.

Marc Levy cũng tiết lộ nguồn cảm hứng sáng tác cho series này đến từ tin tức thời sự. Ông nhấn mạnh rằng tất cả những gì được kể trong sách đều là sự thật. Đặc điểm đặc biệt của bộ sách là câu chuyện được dẫn từ 9 nhân vật thay vì chỉ hai nhân vật như những cuốn tiểu thuyết khác.

Marc Levy kết thúc buổi giao lưu với lời hứa sẽ đưa Việt Nam vào cuốn tiểu thuyết tiếp theo của mình. Ông cũng nán lại ký tặng cho tất cả độc giả đến tham dự đến 18h45 dù theo lịch trình ông chỉ ở lại Đường sách đến 18h. Ông cho biết mình rất vui khi thấy có nhiều độc giả đến tham dự như vậy và dự định sẽ quay lại Việt Nam trong thời gian tới.

Thanh Trần / Zing VN

LHQ cảnh báo hơn 50 quốc gia có nguy cơ vỡ nợ

Lãnh đạo Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) khuyến cáo, hơn 50 nước phát triển nghèo nhất đang có nguy cơ vỡ nợ, trừ khi các quốc gia giàu hơn trợ giúp khẩn cấp.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập hôm 10/11, Tổng giám đốc UNDP Achim Steiner cho biết, lạm phát, khủng hoảng năng lượng và lãi suất tăng cao đang tạo điều kiện đẩy ngày càng nhiều quốc gia lâm vào nguy cơ vỡ nợ, với những tác động tai hại có thể xảy ra đối với người dân của họ.

Tổng giám đốc UNDP Achim Steiner. Ảnh: Reuters

“Hiện có 54 nước như vậy trong danh sách của chúng tôi. Và nếu có thêm các cú sốc như lãi suất tăng hơn nữa, việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn, giá năng lượng và giá thực phẩm leo thang, thì chúng ta gần như không thể tránh khỏi việc sẽ phải chứng kiến lượng lớn trong số những nền kinh tế này không còn khả năng thanh toán. Điều đó tạo ra một viễn cảnh thảm khốc. Hãy nhìn Sri Lanka với tất cả các tác động chính trị, kinh tế và xã hội bắt nguồn từ việc này”, ông Steiner nói.

Báo Guardian dẫn lời người đứng đầu UNDP nhấn mạnh, bất kỳ sự vỡ nợ nào như trên đều sẽ gây ra thêm vấn đề cho những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Ông Steiner cảnh báo, một số nước đang phát triển có nguy cơ từ bỏ các cuộc đàm phán về khí hậu do LHQ chủ trì, nếu chính phủ các nước phát triển không thực hiện lời hứa từ lâu về việc hỗ trợ 100 tỷ USD/năm cho các quốc gia nghèo, nhằm giúp họ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với tác động của thời tiết khắc nghiệt như mưa bão, lũ lụt, hạn hán và nắng nóng cực điểm.

Ông Steiner dự đoán các bên có thể sẽ không đạt thỏa thuận cuối cùng về cách thức hoạt động của một cơ chế tài trợ nhằm bù đắp tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Song, quan chức này tin các quốc gia đang nhóm họp ở Ai Cập có thể đạt được những tiến bộ đáng kể.

Tuấn Anh / Vietnam Net