30 loài côn trùng có màu sắc rực rỡ nhất thế giới

Bọ ngọc cầu vồng, bọ hoa tím châu Phi, bọ que xanh Madagascar… là những loài côn trùng có màu sắc độc đáo mà nhiều người không thể ngờ là tồn tại trong thiên nhiên.

Châu chấu sơn Ấn Độ (Poekilocerus pictus). Kích thước: Dài 3-5 cm. Vùng phân bố: Tiểu lục địa Ấn Độ.

Châu chấu cầu vồng (Dactylotum bicolor). Kích thước: Dài 2-3,5 cm. Vùng phân bố: Nam Canada, Tây Hoa Kỳ và Bắc Mexico.

Châu chấu bông sữa (Phymateus morbillosus). Kích thước: Dài 7 cm. Vùng phân bố: Châu Phi, Madagascar và Ấn Độ.

Ve sầu nhảy gai (Umbonia crassicornis). Kích thước: Dài 1-1,2 cm. Vùng phân bố: Nam Hoa Kỳ và Mexico.

Vòi voi đầu đỏ (Pyrops candelaria). Kích thước: Dài 1,6-2 cm. Vùng phân bố: Đông Nam Á.

Bọ đèn lồng đốm (Lycorma delicatula). Kích thước: Dài 2,4-2,7 cm. Vùng phân bố: Trung Quốc.

Chùm ảnh: Top 30 loài côn trùng có màu sắc rực rỡ nhất thế giới

Bọ Piscasso (Sphaerocoris annulus). Kích thước: Dài 8 mm. Vùng phân bố: Khu vực nhiệt đới châu Phi.

Rệp hoa râm bụt (Tectocoris diophthalmus). Kích thước: Dài 2 cm. Vùng phân bố: New Guinea, Đông Australia, các quần đảo Thái Bình Dương.

Bọ xít mai ngọc (Poecilocoris druraei). Kích thước: Dài 1,7-2 cm. Vùng phân bố: Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

Bọ lửa (Murgantia histrionica). Kích thước: Dài 8-12 mm. Vùng phân bố: Nam Hoa Kỳ.

Kim kim mỹ nữ (Calopteryx virgo). Kích thước: Dài 4-5 cm. Vùng phân bố: Châu Âu, Bắc Phi, châu Á.

Chuồn chuồn cánh khoang (Rhyothemis variegata). Kích thước: Dài 2,3-3,6 cm. Vùng phân bố: Nam và Đông Nam Á.

Bọ rùa vàng (Charidotella sexpunctata). Kích thước: Dài 5-8 mm. Vùng phân bố: Nam Mỹ.

Bọ rùa xanh thép (Halmus chalybeus). Kích thước: Dài 3-4 mm. Vùng phân bố: Australia.

Bọ gỗ ánh kim (Chrysochroa fulgidissima). Kích thước: Dài 3-4 cm. Vùng phân bố: Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.

Bọ ngọc cầu vồng (Chrysochroa fulgens). Kích thước: Dài 2 cm. Vùng phân bố: Đông Nam Á.

Mọt bọt biển sọc (Eupholus cuvieri). Kích thước: Dài 2-2,5 cm. Vùng phân bố: New Guinea và các đảo lân cận.

Mọt cầu vồng (Pachyrrhynchus congestus ocelatus). Kích thước: Dài 1,5-1,8 cm. Vùng phân bố: Các hải đảo Đông Nam Á.

Bọ hươu cầu vồng (Phalacrognathus muelleri). Kích thước: Dài 2,4-7 cm. Vùng phân bố: Australia và New Guinea.

Bọ lá chân ếch (Sagra femorata). Kích thước: Dài 2 cm. Vùng phân bố: Nam Á, Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

Bọ hề (Acrocinus longimanus). Kích thước: Dài 7-8 cm. Vùng phân bố: Nam Mexico và Uruguay.

Bọ hương thảo (Chrysolina americana). Kích thước: Dài 5-8 mm. Vùng phân bố: Bắc Phi, Nam Âu, Cận Đông và Trung Đông.

Bọ hoa tím châu Phi (Chlorocala africana oertzeni). Kích thước: Dài 2-2,5 cm. Vùng phân bố: Châu Phi.

Bọ hung vàng (Chrysina resplendens). Kích thước: Dài 1,5-3,5 cm. Vùng phân bố: Trung Mỹ.

Bọ khiên cầu vồng (Calidea dregii). Kích thước: Dài 1,4-1,7 cm. Vùng phân bố: Mozambique, Tanzania và Cameroon.

Bọ ngựa hoa có gai (Pseudocreobotra wahlbergii). Kích thước: Dài 3-4 cm. Vùng phân bố: Đông và Nam châu Phi.

Bọ que xanh Madagascar (Achrioptera fallax). Kích thước: Dài 13-18 cm. Vùng phân bố: Madagascar.

Rầy lá đỗ quyên (Graphocephala fennahi). Kích thước: Dài 8-10 cm. Vùng phân bố: Hoa Kỳ.

Tò vò biếc (họ Chrysididae). Kích thước: Dài 1,2 cm. Vùng phân bố: Các khu vực sa mạc trên toàn thế giới.

Ong bầu xanh (Xylocopa caerulea). Kích thước: Dài 2-2,3 cm. Vùng phân bố: Nam Á, Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Điều ít biết về tác giả: “Cuốn theo chiều gió”

“Cuốn theo chiều gió” (Gone with the Wind) là một trong những cuốn sách phổ biến nhất mọi thời đại và đã bán được hơn 28 triệu bản. “Cuốn theo chiều gió”, khởi chiếu năm 1939, đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử Hollywood và đạt một con số kỷ lục về số giải Oscar nhận được.

Và người viết nên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này chính là một nhân vật sinh năm Canh Tý, nhà văn Mỹ Margaret Munnerlyn Mitchell (8-11-1900 – 16-8-1949). Chính cuốn tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” đã giúp bà nhận được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu vào năm 1937.

Margaret Mitchell ra đời ở Atlanta, Georgia (Mỹ), là con của Eugene Mitchell và Mary Isabelle. Bà có một người anh trai tên Stephens và lớn hơn bà 4 tuổi. Tuổi thơ của bà đã chịu ảnh hưởng từ những người cựu chiến binh của cuộc Nội chiến Mỹ và từ những người họ hàng bên họ ngoại của mình. Đôi khi người ta biết đến bà với cái tên Peggy.

Sau khi tốt nghiệp Trường Whasington Seminary (hiện nay là Westminster Schools), bà đã học tại Trường đại học Smith nhưng nghỉ học ngay sau kỳ kiểm tra cuối khóa năm 1918. Bà trở về Atlanta để trông nom mọi việc sau khi mẹ của bà qua đời vào đầu năm vì đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 (và cái chết của mẹ Scarlett vì bệnh thương hàn trong truyện cũng bắt nguồn từ việc này)

Mitchell kết hôn với Red Upshaw vào năm 1922, nhưng ly dị sau đó khi bà biết ông ta là một người buôn rượu lậu. Sau đó, bà kết hôn với một người bạn của Upshaw là John Marsh vào ngày 4-7-1925. Marsh chính là người phù rể cho đám cưới của bà với Upshaw và một số người còn nói rằng cả hai người này đã theo đuổi bà cùng lúc vào năm 1921 và 1922, nhưng Upshaw đã đưa ra lời cầu hôn trước.

Từ năm 1922 đến 1926, Mitchell đã viết rất nhiều bài báo, một số bài bình luận và thực hiện các cuộc phỏng vấn. Trong số đó có cuộc phỏng vấn ngôi sao phim câm Rudolph Valentino, hay như cuộc phỏng vấn về một người tù Georgia làm những bông hoa giả và bán chúng từ phòng giam của mình để chu cấp cho gia đình.

Bà cũng viết tiểu sử về một số vị tướng quan trọng của Georgia trong cuộc Nội chiến. Cuốn tiểu sử đầu tiên trở nên rất phổ biến ở Atlanta, vì thế các biên tập viên đã yêu cầu bà viết thêm nhiều cuốn như thế nữa. Một số học giả tin rằng việc nghiên cứu tiểu sử về những người này đã thúc đẩy bà viết nên quyển “Cuốn theo chiều gió”.

Tính cách của bà cộng thêm khả năng khắc họa sâu sắc tính cách nhân vật đã làm cho “Cuốn theo chiều gió” trở thành một trong những quyển tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ nhất trong lịch sử. Mặc dù bà biến mình như một người kể chuyện trung lập nhưng ta vẫn có thể thấy tính cách của bà xuất hiện khá rõ trong truyện.

Nhiều người nói rằng Mitchell đã bắt đầu viết “Cuốn theo chiều gió” khi đang nằm trên giường bệnh vì bị bể mắt cá chân. Chồng bà, John Marsh, đem về nhà những cuốn sách lịch sử từ thư viện để bà giải khuây khi đang hồi phục. Sau khi bà đã đọc gần hết những cuốn sách lịch sử của thư viện, chồng bà nói: “Peggy, nếu em muốn một cuốn sách khác, tại sao em lại không tự viết một cuốn cho riêng mình?”.

Bà đã sử dụng kiến thức về cuộc Nội chiến và những khoảnh khắc kịch tính của cuộc đời bà để viết nên quyển tiểu thuyết tuyệt vời này bằng chiếc máy đánh chữ hiệu Remington. Lúc đầu bà gọi nhân vật nữ chính là “Pansy O’Hara”, và “Tara” là “Fontenoy Hall”. Bà cũng cân nhắc tới hai cái tên cho quyển tiểu thuyết là Tote The Weary Load hoặc Tomorrow Is Another Day.

Mitchell chỉ viết cho sự tiêu khiển của chính mình, với sự giúp sức của chồng bà và bà giữ cuốn tiểu thuyết đó bí mật với cả bạn bè của mình. Bà giấu những trang viết của mình dưới khăn tắm, phòng để đồ, che dưới trường kỷ và thậm chí dưới giường ngủ. Chương cuối cùng được viết trước tiên, và bà viết các chương còn lại một cách ngẫu nhiên không theo thứ tự. Chồng bà thường xuyên chỉnh sửa bản thảo đang ngày càng hoàn thiện để giữ cho bà tiếp tục. Vào năm 1929, khi mắt cá chân của bà đã hồi phục, phần lớn quyển sách đã được viết xong và bà cũng mất đi niềm say mê để hoàn thành tác phẩm văn chương của mình.

Mitchell chỉ sống như một nữ nhà báo bình thường ở Atlanta cho đến khi một người của Nhà xuất bản Macmillan là Howard Latham ghé qua Atlanta vào năm 1935. Latham rất chú ý tới Mitchell và hỏi bà liệu có từng viết một cuốn sách nào không. Sau khi đọc bản thảo của “Cuốn theo chiều gió”, Latham nhận ra đây sẽ là một trái bom tấn. 

Ông đã viết một bức thư cho bà và nói về sự thành công tiềm tàng của tác phẩm này. MacMillan gởi một tấm chi phiếu để khuyến khích bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết này (bà vẫn chưa viết xong chương đầu tiên). Bà đã hoàn thành tác phẩm của mình vào tháng 3-1936. “Cuốn theo chiều gió” được xuất bản vào ngày 30-6-1936.

Mặc dù Mitchell vẫn thường nói các nhân vật trong “Cuốn theo chiều gió” của bà không dựa trên bất cứ con người thực nào, những nhà nghiên cứu gần đây đã tìm thấy những điểm tương đồng với những người trong cuộc sống của bà, những người mà bà biết hoặc từng nghe nói tới.

Tiên Tiên / Theo CAND

7 câu hỏi cực phổ biến về thế giới ai cũng tự tin là mình biết tuốt, nhưng thực chất hoàn toàn là lầm tưởng

Những câu hỏi ai cũng tưởng đơn giản nhưng thực chất lại cực khó

Ngày nay, Internet đã trở thành một trong những công cụ phổ biến và quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta. Không thể phủ nhận rằng, nó giúp cho chúng ta tiếp cận thông tin, kiến thức bổ ích một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, chính sự lan tỏa nhanh chóng của nó cũng làm cho những kiến thức có phần “sai lệch” vô tình trở nên phổ biến dù những “sự thật” vô lý này nghe có vẻ vô cùng hợp lý. Để giúp mọi người gỡ rối những lầm tưởng phổ biến trên internet, hãy cùng trả lời những câu hỏi dưới đây và xem câu trả lời thực sự là gì nhé!

1. Ai là người phát minh ra bóng đèn?
Ai là người phát minh ra bóng đèn?

Đa phần khi nghe câu hỏi này, câu trả lời hiện ngay trong đầu của nhiều người sẽ là nhà khoa học Thomas Edison. Tuy nhiên, trên thực thế, Edison chỉ là người tìm ra cách khiến cho bóng đèn có thể phát sáng trong thời gian dài mà thôi.

2. Con người có tất cả bao nhiêu giác quan?
Con người có tất cả bao nhiêu giác quan?

Thông thường, người ta luôn nói về 5 giác quan của con người bao gồm thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Dù vậy, đây chỉ là những giác quan chính mà thôi. Ngoài những giác quan này, con người được cho là có ít nhất 21 giác quan khác, ví dụ như: cân bằng, cảm giác nóng – lạnh, đói – khát…

3. Tiếng chuông đồng hồ báo thức là cách tốt nhất để thức dậy?
 Tiếng chuông đồng hồ báo thức là cách tốt nhất để thức dậy?

Nhiều người cho rằng việc thức dậy sớm hay thức dậy ngay khi tiếng chuông đồng hồ kêu là thói quen tối. Dù vậy, việc thức dậy bất chợt vì tiếng chuông reo ầm ỹ thực sự không hề tốt cho sức khỏe chút nào.

4. Chúng ta có sử dụng hết tiềm năng của não bộ không?
 Chúng ta có sử dụng hết tiềm năng của não bộ không?

Đây có lẽ là hiểu nhầm của đa phần mọi người và hiểu lầm này cũng từng xuất hiện trong nhiều bộ phim Hollywood khiến cho càng nhiều người tin vào nó hơn. Trên thực tế, chúng ta sử dụng gần như 100% bộ não mọi lúc, kể cả khi ngủ. Trong một số hoạt động nhất định, sẽ có phần não bỗ hoạt động mạnh hơn nhưng những phần khác của bộ não vẫn tiếp tục hoạt động chứ không hề “tắt” đi.

5. Vì sao những chú gấu lại phải ngủ đông?

Vì sao những chú gấu lại phải ngủ đông? 

Mùa đông đến, những chú gấu sẽ tìm kiếm nơi an toàn để thực hiện quá trình ngủ đông kéo dài khoảng 6 tháng của mình. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến họ nhà gấu phải ngủ đông không phải là do thời tiết quá lạnh mà là do nguồn thức ăn vào mùa đông bị giảm đi rất nhiều khiến chúng rất khó kiếm ăn. Vậy nên, đây là cách để chúng tiết kiệm năng lượng và tồn tại được.

6. Cà rốt có giúp cải thiện thị lực?

Cà rốt có giúp cải thiện thị lực?

Mỗi khi ăn cà rốt, chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng nó sẽ giúp cải thiện thị lực nhờ hàm lượng vitamin dồi dào trong loại củ này. Nhưng thực chất, đây là một sai lầm khá phổ biến trong văn hóa đại chúng. Dù vậy, cà rốt vẫn là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe khi giúp con người củng cố cơ bắp và chống thoái hóa.

7. Cái gì tạo ra nhiều khí oxy nhất?

Nếu câu trả lời của bạn là cây xanh thì sai rồi nha! Thực chất lượng khí oxy mà cây xanh sản xuất ra chỉ chiếm khoảng 30% mà thôi. Khoảng 50-70% khí oxy còn lại được sản xuất bởi đại dương, cụ thể là các sinh vật phù du đại dương (các vi sinh vật, thực vật, tảo và vi khuẩn, đặc biệt là tảo cát). Đó cũng là lý do tại sao nhiều thực vật phù du và rạn san hô gặp nguy hiểm vì sự nóng lên toàn cầu.

Theo Tổ Quốc

Tương lai kinh tế Việt Nam trong mắt một học giả Nhật Bản

Điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam là chính quyền ổn định và không phải lo lắng về con đường phát triển kinh tế. Đến 2048, Việt Nam sẽ nằm trong top 20 của thế giới về quy mô kinh tế…

Tương lai kinh tế Việt Nam trong mắt một học giả Nhật Bản

Một lần gần đây, tôi được tham dự một cuộc tọa đàm trực tuyến của một nhóm các học giả hàng đầu Việt Nam với một diễn giả nổi tiếng người Nhật Bản ông Hamada Kazuyuki về tương lai của thế giới trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung.

Ông Hamada đã đưa ra nhiều nhận xét rất sắc sảo khiến các học giả Việt Nam không thể không đồng tình.

Hóa ra, ông là một chính khách đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí như thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Thượng nghị sỹ và là một học giả kinh tế chính trị uy tín ở Nhật Bản.

Sau này, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, một người bạn của ông Hamada, còn cho biết thêm, trong niên biểu tương lai đến năm 2100, ở cuối cuốn sách “Cường quốc trong tương lai – Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030” ông Hamada cho rằng: Đến 2048, Việt Nam sẽ nằm trong top 20 của thế giới về quy mô kinh tế.

Nhận định của ông Hamada với Việt Nam phải nói là rất đáng chú ý, và thúc giục tôi tìm hiểu những gì ông ấy viết về Việt Nam ngày nay trong cuốn sách đó.

Tầng lớp siêu giàu ngày càng đông

Ông ấy viết rằng, Việt Nam hiện là quốc gia có nền kinh tế phát triển nổi bật nhất châu Á. Tầng lớp siêu giàu ở Việt Nam, những người sở hữu khối tài sản có khả năng đầu tư hơn 30 triệu đô la tăng đến mức 13% trong 5 năm qua, vượt ngưỡng 10.000 người. Với tốc độ như thế, năm 2026 tỷ lệ gia tăng lớp người siêu giàu sẽ vượt trội so với Trung Quốc, Ấn Độ, lọt vào danh sách hàng đầu thế giới.

Tuy đất nước theo chế độ đơn đảng nhưng chính sách kinh tế của Việt Nam phát triển theo hướng tự do hóa, ưu tiên nguyên lý thị trường.

Tỷ lệ tăng dân số của Việt Nam rất cao, sẽ nhanh chóng đạt con số 100 triệu người, độ tuổi trung bình là 26 tuổi. Người trẻ đông, kinh tế phát triển nhanh nên nhu cầu tiêu dùng vô cùng mạnh mẽ.

Trên đường phố tràn đầy nhựa sống giống như giai đoạn lâu dài phát triển mạnh mẽ của Nhất Bản sau chiến tranh. Không chỉ co cụm ở các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội ở miền Bắc, Đà Nẵng với cơ sở hạ tầng phát triển ở miền Trung hay độ thị lớn nhất miền Nam là TP Hồ Chí Minh, đi đến đâu chúng ta cũng có thể nghe tiếng khóc, tiếng cười của con trẻ, bắt gặp hình ảnh chúng chạy vòng quanh. “Quốc gia có nền công nghiệp phát triển, năng lượng trẻ tràn ngập như thế trên thế giới rất hiếm.

Chỉ riêng thị trường quốc nội phát triển nhanh chóng thì Việt Nam cũng đã có nhiều khả năng để trở thành một cường quốc trong tương lai. Lẽ ra một nước xã hội chủ nghĩa thì sẽ toàn là doanh nghiệp quốc doanh nhưng hiện nay việc tư nhân hóa đang phát triển nhanh chóng. Hơn nữa, từ cơ sở hạ tầng cho đến sản xuất, chế tạo, tinh thần khởi nghiệp cực kỳ thịnh hành cũng đáng được đề cập.”

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận rằng vẫn còn tồn tại hoàn cảnh sống khó khăn của những dân tộc ít người, cách xa sự giàu có ở đô thị. Làm sao để xóa đi cách biệt giàu nghèo, sớm cải thiện đời sống của nhân dân bị bỏ lại phía sau khi tầng lớp siêu giàu tăng lên một cách nhanh chóng là thách thức rất lớn với Việt Nam.

Điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam là chính quyền ổn định và không phải lo lắng về con đường phát triển kinh tế.

Chiến lược chiếm lĩnh thế giới bằng lĩnh vực công nghệ cao

Ông Hamada nhận xét, hiện nay, Việt Nam đang đầu tư phát triển ngành công nghiệp IT và Bộ Thông tin và Truyền thông đang ủng hộ, thúc đẩy mạnh mẽ phương châm phát triển ngành công nghiệp này.

Người Việt Nam vốn yêu thích những điều mới mẻ. Trong nước hiện có 60 triệu người đang sử dụng mạng Facebook, Youtube. Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về lượng người dùng Facebook.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, nơi đang thúc đẩy chiến lược phát triển IT là nguyên Tổng giám đốc công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam – Viettel. Qua đó để thấy, việc tìm người tài của Chính phủ cũng đặt trọng tâm cho chiến lược quốc gia về IT.

Việt Nam đã bắt đầu thể hiện động thái cung cấp dịch vụ cho các nước đang phát triển lân cận như Myanmar, Campuchia, Lào. Như vậy, một cường quốc mới trong tương lai được sinh ra từ châu Á với vũ khí là IT.

Chính phủ Việt Nam đang ấp ủ kế hoạch phát triển có thể sánh ngang tầm với thung lũng Silicon của Mỹ. Dựa trên chiến lược quốc gia nhắm đến vị trí số một thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam liên tục có những động thái phát triển, áp dụng các dịch vụ mới có sử dụng IT trong nhiều lĩnh vực như y học, giáo dục, nông nghiệp, du lịch…

Việt Nam cũng đang thể hiện quan tâm lớn tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông khẳng định, Nhật Bản nên tận dụng tối đa cơ hội này, cần xem trọng Việt Nam như là một cộng sự trong tương lai.

Ông Hamada cho rằng, Việt Nam có chiến lược đối ngoại vô cùng khôn ngoan với Trung Quốc.

Nhận định của ông Hamada “Đến 2048, Viêt Nam sẽ nằm trong top 20 của thế giới về quy mô kinh tế”, theo ông Nguyễn Đình Cung, dựa trên các cơ sở như: Việt Nam là một nước đông dân, tầng lớp siêu giàu giàu có ngày càng tăng; dân số trẻ, thị trường tự do cởi mở; tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Những người trẻ ở Việt Nam năng động, có tinh thần thách thức, khám phá, là môi trường cởi mở cho áp dụng công nghệ và dịch vụ mới.

Dù không phải đồng tình hết với những nhận định của ông Hamada, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, đây là dịp tốt để người Việt Nam nhìn lại các tiềm năng, cơ hội hiện tại, cũng như các vấn đề mà đất nước đang đối mặt để bứt phá đến viễn cảnh cường quốc.

Ông nhắn nhủ đến những người trẻ: “Nếu nghĩ về tương lai 50 năm, 100 năm nữa thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có chuyện các cường quốc lại giành quyền thống trị thế giới. Chúng ta đang đi đến thời đại G0, không có siêu cường nào cả, là thời đại mà mỗi người sẽ tạo ra đất nước lý tưởng, không gian lý tưởng cho riêng mình… Sẽ không còn các siêu cường quốc và năng lực của từng cá nhân sẽ được tối ưu”.

Theo TƯ GIANG / VIETNAMNET (2020)

Cái nhìn quốc tế về nguồn lợi dầu khí hàng nghìn tỉ USD ở Biển Đông

Các tổ chức trên thế giới đưa ra nhiều con số ước lượng khác nhau về các trữ lượng dầu khí ở Biển Đông nhưng dù với con số nào thì giá trị cũng lên đến hàng ngàn tỉ USD.

Trải dài từ Singapore và eo biển Malacca về phía Tây Nam đến eo biển Đài Loan về phía Đông Bắc, Biển Đông là một trong những tuyến giao thương đường biển quan trọng bậc nhất của thế giới, nắm giữ tầm quan trọng lớn về chiến lược, chính trị. Mỗi năm, ước tính có khoảng 5.300 tỉ USD hàng hóa đi qua Biển Đông.

Song khu vực biển với hàng trăm đảo nhỏ, bãi đá, bãi cát ngầm này cũng là nơi chứa các trữ lượng khổng lồ về các tài nguyên hydrocarbon, đặc biệt là khí tự nhiên.

Trong một báo cáo năm 2013, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính Biển Đông nắm giữ trữ lượng xác minh (proved reserve) và trữ lượng khả năng (probable reserve) khoảng 11 tỉ thùng dầu và 190.000 tỉ foot khối (5.340 tỉ m3) khí tự nhiên. Trữ lượng xác minh tương ứng xác xuất 90% khai thác được, còn trữ lượng khả năng tương ứng xác xuất 50% khai thác được.

11 tỉ thùng dầu trị giá tương đương khoảng hơn 600 tỉ USD nếu tính theo giá dầu Tây Texas hiện nay khoảng 56 USD/thùng. Trong khi đó, giá khí tự nhiên hiện nay khoảng 10 USD/1.000 foot khối. Như vậy, 190.000 foot khối khí tự nhiên có giá trị khoảng 1.900 tỉ USD.

Trong khi đó, hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (Anh) ước tính Biển Đông chỉ có trữ lượng xác minh của dầu khí ở mức tương đương 2,5 tỉ thùng dầu. Tuy nhiên, các con số này chưa tính toán đến các nguồn tài nguyên hydrocarbon tiềm năng ở các khu vực khác trên Biển Đông chưa thể khai thác hoặc chỉ mới khai thác hạn chế hoặc do chưa đủ điều kiện và trình độ công nghệ.

Trong dự án thẩm định các tài nguyên dầu mỏ thế giới công bố vào năm 2010, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính Biển Đông có các trữ lượng dầu và khí tự nhiên chưa khai thác vào khoảng 5-22 tỉ thùng dầu và 2.000-8.200 tỉ m3 khí tự nhiên. Tuy nhiên, các con số này không phản ánh trữ lượng thương mại vì vẫn chưa rõ liệu có khả thi về kinh tế để khai thác chúng không.

USGS cũng chỉ ước định các trữ lượng này ở một số khu vực ở Biển Đông, chứ không phải toàn bộ Biển Đông nên nguồn tài nguyên dầu khí chưa khai thác có thể còn lớn hơn.

Năm 2012, trong một báo cáo, USGS đưa ra các con số thẩm định cụ thể hơn, với khoảng 12 tỉ thùng dầu và 4.500 tỉ m3 khí tự nhiên chưa khai khác.

Hồi tháng 11/2012, Tổng Công ty dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ước tính Biển Đông nắm giữ các trữ lượng dầu khí chưa khai thác lên đến 125 tỉ thùng dầu và hơn 14.000 tỉ m3 khí tự nhiên). Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các con số thẩm định này là quá cao và các nghiên cứu độc lập khác không xác nhận chúng.

Theo VIETTIMES / CSIS; OIL PRICE