BÌNH THUẬN – Nhìn từ trên cao, ngôi nhà với mái dốc phủ đầy cỏ, cây và hoa, giống như một ngọn đồi trải dài ra bờ sông phía trước.
Ngôi nhà xây trên mảnh đất 15 x 20 m ở TP Phan Thiết gây ấn tượng ngay từ mặt tiền bởi màu xanh của cỏ cây, khác biệt với những nhà phố xung quanh.
Vì chủ nhà là người yêu thiên nhiên, muốn có một không gian sống gần gũi cỏ cây hoa lá, nên ngôi nhà tràn ngập cây xanh từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới.
Từ mặt tiền, qua lớp cổng cao xen lẫn vật liệu tường đá là lớp cây xanh nhiều loại, từ cây bóng mát, cây bụi đến cây rủ. Chúng trở thành lớp vỏ xanh bao phủ căn nhà, giúp ngăn bụi và tiếng ồn từ đường phố.
Những cây cúc tần Ấn Độ rủ từ trên mái xuống giống như một tấm rèm che chắn nắng, đồng thời đem tới cảm giác xanh tươi, dịu mát cho không gian xung quanh.
Tầng một sử dụng hệ cửa kính lớn trải dài kết hợp với rèm che tạo độ thông thoáng cần thiết nhưng vẫn đảm bảo ánh nắng không chiếu trực tiếp vào nhà.
Không gian sân vườn bao quanh tầng một giống như một khoảng đệm lọc tiếng ồn và khói bụi từ bên ngoài. Sự xuất hiện của cây xanh khắp nơi tạo nên sự gần gũi giữa con người với thiên nhiên, mang lại sự thoải mái cho gia chủ.
Không gian kết nối ba chiềuở tầng một dành cho sinh hoạt chung. Bên cạnh phòng khách chính là phòng bếp và bàn ăn. Việc loại bỏ vách ngăn chia tách không gian khiến khu vực này thông thoáng và mở rộng nhiều hơn.
Việc sử dụng kính thay tường đặc khiến toàn bộ không gian tầng một hướng thẳng ra khu vực hồ bơi rộng 3,3 x 12 m phía hông nhà. Hồ bơi không chỉ là nơi thư giãn của gia đình mà còn góp phần tạo nên lá phổi xanh cho căn nhà. Mặt nước, cây xanh trở thành điểm kết nối mềm mại giữa các không gian.
Sử dụng nội thất tối giản, đơn sắc, kiến trúc sư muốn tạo ra một không gian thông thoáng, tận dụng ánh sáng tự nhiên như một phần trang trí để tạo hiệu ứng thị giác.
Nếu hệ kính trong suốt bao quanh nhà giúp đưa bóng nắng vào không gian phía trước thì giếng trời mang ánh sáng vào giữa nhà. Vì tiếp nhận luồng gió từ mặt tiền, không khí tự đối lưu qua ô giếng trời được thiết kế hở cho gió có thể thoát ra theo nguyên lý chênh lệch áp suất nên trong nhà luôn mát mẻ.
Kiến trúc sư cũng thay bức tường bên hông giếng trời bằng gạch lỗ nhằm thông gió chéo và tăng lượng ánh sáng lan tỏa khắp các không gian.
Khu vực sinh hoạt chung ở tầng hai được thiết kế đơn giản với bàn làm việc dài cùng tầm nhìn là mảng xanh đem đến sự tươi mát, giúp giải tỏa căng thẳng cho gia chủ sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Với khoảng hiên lớn cùng sân vườn bao quanh, không gian phòng ngủ không chỉ đảm bảo được nhu cầu của chủ nhân mà còn làm tăng sự gần gũi với thiên nhiên.
Ban công có độ mở tối đa với không gian bên ngoài, phía trước được chắn nắng bởi tấm rèm xanh cúc tần Ấn Độ.
Không gian ngoài trời này trở thành nơi nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng cho gia chủ khi có thể đón nắng, gió và hít thở không khí trong lành.
Công trình tận dụng cây xanh phủ mái. Việc phủ xanh mái nhà tạo cảm giác liên tục cho cảnh quan, giống như một dòng chảy đưa ngôi nhà hòa lẫn vào thiên nhiên xung quanh.
Cả cánh đồng trên mái có cỏ, hoa và cây ăn quả… giống như tấm thảm xanh bao phủ cho ngôi nhà. Mái nhà độc đáo này còn có chức năng như một vật liệu cách nhiệt, giảm nhiệt vào mùa hè và thất thoát nhiệt vào mùa đông.
Từng khu vực trên mái được phân cách khoa học theo các loại cây khác nhau như: cây ăn quả, cây xanh tạo bóng mát, thảm hoa trang trí… Mỗi loại cây lại có yêu cầu về chất đất, khối lượng đất khác nhau, như cây ăn quả sẽ bám rễ sâu vào đất nên bồn sẽ có diện tích lớn hơn và sâu hơn những loại cây cỏ.
Kiến trúc sư giải thích, để không ảnh hưởng đến mái cũng như bộ khung của ngôi nhà, kỹ sư kết cấu sẽ tính tính thể tích của từng bồn, lượng đất chính xác vào mỗi bồn rồi tính tải trọng cho móng ngay từ đầu. Nhờ đó, công trình được đảm bảo khả năng chịu lực.
Ngôi nhà hoàn thiện sau 6 tháng, tổng chi phí 6 tỷ đồng.
Trang Vy /Thiết kế: MM Home /Kiến trúc sư phụ trách: Phạm Thị Mỹ An /Ảnh: Nam Bùi /Vietnam Express
Quy tắc này được hoạt động bằng ba bước đơn giản nhưng thực sự giúp xua đuổi những suy nghĩ căng thẳng.
Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) mô tả lo lắng là “một cảm xúc được đặc trưng bởi cảm giác căng thẳng, suy nghĩ lo lắng và những thay đổi về thể chất như tăng huyết áp. Những người bị rối loạn lo âu thường có những suy nghĩ hoặc mối quan tâm lặp đi lặp lại”.
Theo APA, một số người tránh những tình huống nhất định do lo lắng. Thậm chí có thể có các triệu chứng thể chất như đổ mồ hôi, run rẩy, chóng mặt hoặc tim đập nhanh.
Quy tắc 333 được áp dụng khi bạn cần kiểm soát lại cảm xúc ngay lập tức. (Ảnh: New York Times).
Bên cạnh đó, việc thiếu ngủ cũng khiến con người dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. Một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Khoa học Thần kinh Nhận thức cho thấy thiếu ngủ có thể gây ra lo lắng. Nghiên cứu này cũng cho biết tác động của thiếu ngủ thậm chí còn rõ rệt hơn ở phụ nữ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tuyên bố rằng người lớn cần ngủ đủ bảy giờ trở lên mỗi đêm.
Theo The Independent, có khoảng 8 triệu người ở Anh trải qua một số dạng rối loạn lo âu. Tình trạng này có thể bao gồm chứng rối loạn hoảng sợ, ám ảnh sợ xã hội, căng thẳng sau chấn thương, chứng sợ đám đông hoặc hội chứng sợ không gian kín.
Theo NHS, mọi người trải qua cảm giác lo lắng vào một số thời điểm trong ngày, một số khác lại thấy khó kiểm soát nỗi lo của mình và cảm giác lo lắng thường xuyên ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ.
Một nghiên cứu năm 2014 từ YouGo cho thấy 1/5 người trải qua lo lắng không có cơ chế đối phó để giúp họ vượt qua nó.
Hiện tại, dịch vụ y tế đề xuất các phương pháp điều trị như liệu pháp hoặc thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, bạn có thể làm những điều khác để giúp kiểm soát những cảm giác đó.
Một trong những phương pháp này được gọi là “quy tắc 333”. Theo Healthline, quy tắc 333 là một kỹ thuật không chính thức để đối phó với sự lo lắng. Quy tắc này giúp người mắc một số chứng rối loạn lo âu giữ vững lập trường và “bình tĩnh lại trong thời điểm mà bạn đang cảm thấy đặc biệt lo lắng hoặc quá tải”.
Quy tắc 333 bao gồm ba yếu tố. Khi cảm thấy lo lắng, bạn sẽ cần phải xem xét môi trường hiện tại của mình và:
Kể tên ba thứ bạn thấy.
Xác định ba âm thanh bạn nghe thấy.
Di chuyển ba thứ, chẳng hạn như cánh tay hoặc chân của bạn hoặc chạm vào ba vật thể.
Một video TikTok gần đây được đăng tải bởi câu lạc bộ thành viên sức khỏe tâm thần Mind Bar cho biết: “Thực hành phương pháp này là một công cụ dễ dàng đưa bạn trở lại khoảnh khắc hiện tại”.
Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào về hiệu quả của quy tắc 333, nó có thể là trợ giúp hữu ích để kiểm soát sự lo lắng.
Theo NHS, các cách khác để giúp giảm cảm giác lo lắng bao gồm tham gia một khóa học tự lập, tập thể dục thường xuyên, ngừng hút thuốc và cắt giảm lượng rượu bạn tiêu thụ.
Bên cạnh tình yêu, sự cô đơn cũng là một đề tài khá quen thuộc trong văn học. Mỗi nhà văn lại dùng một điểm nhìn khác nhau để phác họa sự đơn độc của nhân vật
Nỗi cô đơn là một đề tài quen thuộc trong văn chương. Một cảnh trong phim A single man chuyển thể từ tiểu thuyết Một con người. Ảnh: IMDb.
Với một số người, cô đơn là một cảm giác rất đáng sợ. Nó khiến chúng ta chết dần chết mòn trong tuyệt vọng. Nhưng đôi khi, nhờ những giây phút chỉ có một mình, con người mới có can đảm để đối diện với bản thân, hiểu được mình cần gì, muốn gì. Nói cách khác, cô đơn giống một lăng kính đa sắc và các nhà văn đã khai thác nó triệt để trong trang văn.
Tiểu thuyết Một con người của Christopher Isherwood. Ảnh: Tao Đàn.
Một con người
Đây là tác phẩm để lại ấn tượng đậm nét trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn người Mỹ gốc Anh Christopher Isherwood, cuốn tiểu thuyết này được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời tác giả. Nhân vật chính Geogre đang sống những ngày tồi tệ khi bạn đời của ông là Jim vừa ra đi vì tai nạn giao thông. Geogre cảm giác như thân thể già nua của mình đang mục ruỗng, còn đầu óc của ông hoàn toàn trống rỗng.
Hàng ngày, vị giáo sư văn học Anh vẫn lên giảng đường, giảng bài cho hàng nghìn sinh viên, sau đó lại nhốt mình trong phòng làm việc, đọc đi đọc lại những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Ai cũng nghĩ ông đang sống những ngày bình thường, chỉ có Geogre biết cuộc đời của ông giờ đây thảm hại ra sao. Cái chết dường như đang lởn vởn trước mắt người đàn ông tội nghiệp.
Là một người đồng tính, Geogre thường phải sống trong sự cô đơn. Kể từ khi Jim xuất hiện, vị giáo sư ấy đã được sống một cuộc đời khác. Jim cũng rất hạnh phúc khi được sống bên một người tình tuyệt vời như Geogre.
Nhờ tìm thấy nhau, họ mới có đủ can đảm sống thật với chính mình, cả hai thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Từ đây, những con người cô độc tìm thấy sự sẻ chia và thấu hiểu. Nó đã trở thành nguồn sức mạnh vô hình để họ vượt qua khó khăn.
Một con người ra đời vào năm 1964, khi xã hội Mỹ vẫn có những cái nhìn không mấy cởi mở về người đồng tính. Christopher Isherwood đã chọn một góc nhìn khác khi nói về những người đồng tính. Không có sự dè bỉu hay những ánh mắt khinh khi trực diện, thay vào đó nỗi cô đơn và sự giận dữ biến thành màu sắc chủ đạo trong cuốn tiểu thuyết mang âm hưởng trầm buồn. Geogre luôn cảm thấy bị cô lập và ông tình nguyện để nỗi đau bức tử chính mình.
Etta và Otto và Russell và James mang đến một cái nhìn mới mẻ về sự cô đơn. Ảnh: NXB Trẻ.
Etta và Otto và Russell và James
Trái tim của nhiều độc giả đã thổn thức với cuộc hành trình kỳ lạ trong cuốn tiểu thuyết Etta và Otto và Russell và James của nhà văn người Canada Emma Hooper. Điều gì đã khiến một bà lão ngoài 80 tuổi đi bộ hơn 3.000 km chỉ để ngắm những con sóng vỗ, phải chăng đại dương có một sức quyến rũ vô hình.
Etta đã 83 tuổi, bà có một cuộc sống bình yên bên người bạn đời Otto. Thế nhưng, một ngày kia, bà lão quyết định rời khỏi nhà, để thực hiện giấc mơ của đời mình là được nhìn thấy biển. Dù mắc bệnh đãng trí và có thể quên đường về nhà, nhưng Etta vẫn không ngần ngại, bà dũng cảm tiến về phía trước.
Còn lại một mình, Otto học cách làm món bánh ông thích ăn theo công thức mà vợ để lại. Ông lão vẫn sống những ngày bình dị, học cách tự chăm sóc bản thân và cầu nguyện cho vợ sớm trở về. Otto đem những lo lắng của mình kể cho người hàng xóm thân thiết là Russell.
Khi còn trẻ Russell đã đem lòng yêu Etta, lo lắng cho người mình yêu, ông lão quyết định lên đường. Trên hành trình vạn dặm, không biết đâu là đích đến, Russell nhận ra bấy lâu nay ông đã bị mối tình đơn phương với Etta giam cầm. Ông cứ ngỡ trái tim sẽ bình yên khi mỗi ngày được nhìn thấy người phụ nữ mình yêu sống hạnh phúc.
Nhưng Russell đã lầm, trong những ngày tháng không được thấy hình bóng Etta, ông lão nhận ra sự ngốc nghếch của chính mình. Còn Etta, chuyến đi đặc biệt ấy cho bà một khoảng lặng để nhìn lại bản thân và được sống cho chính mình.
Tiểu thuyết đầu tay Eleanor Oliphant hoàn toàn ổn của Gail Honeyman đã trở thành hiện tượng xuất bản. Ảnh: N.N.
Eleanor Oliphant hoàn toàn ổn
Eleanor là kế toán của một công ty thiết kế đồ họa. Ở văn phòng, cô như người tàng hình, chẳng được ai chú ý tới. Cuộc sống thường ngày của người phụ nữ này cũng khá tẻ nhạt. Tan sở, cô sẽ nhốt mình trong phòng, ăn uống qua loa cho xong bữa tối rồi đi ngủ. Nếu thao thức suốt đêm dài, người phụ nữ trẻ sẽ uống vài ly rượu để tìm cơn mộng mị.
Eleanor không có bè bạn, ám ảnh bởi quá khứ bị bạn trai cũ bạo hành, cô gái ấy không thiết tha chuyện yêu đương hay kết bạn với người khác giới. Sống trong cô đơn, Eleanor thấy mình hoàn toàn ổn. Một ngày kia, Raymond bước vào cuộc đời của cô bất ngờ như cơn gió mát giữa trưa hè. Đó là một người đàn ông tốt bụng, thẳng thắn và sẵn sàng lắng nghe.
Không vồn vã với những lời yêu đương, Eleanor và Raymond chầm chậm bước vào cuộc đời nhau bằng tình bạn. Họ chia sẻ với nhau những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, cùng nhau đi thăm một người bạn chung, hẹn nhau tới quán bar uống vài ly nếu thấy buồn.
Dần dần, Raymond đã khiến cho Eleanor mở lòng và có cái nhìn tươi sáng hơn về cuộc đời. Sống trong cô độc, con người ta vẫn ổn, nhưng không bao giờ có được hạnh phúc. Có ai đó để bầu bạn, chia sẻ buồn vui, cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn. Trái tim sẽ được chữa lành nếu nhận được những yêu thương chân thành, dù tình cảm ấy xuất phát từ tình bạn hay tình yêu.
Eleanor Oliphant hoàn toàn ổn là tác phẩm đầu tay của Gail Honey. Cuốn tiểu thuyết này đã trở thành một hiện tượng khi bán được hai triệu bản và giành giải Costa cho “Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất” vào năm 2017.
Bằng tình yêu thương vô bờ, phương pháp giáo dục đặc biệt, những cống hiến của thầy Jaime Escalante đã trở thành hiện tượng của nền giáo dục xứ cờ hoa.
Thầy Jaime Escalante. Nguồn: El Diario.
Điều gì khiến câu chuyện về cuộc đời thầy Jaime Escalante được Hollywood dựng thành bộ phim gây tiếng vang – Stand and Deliver (Đừng bao giờ nghĩ học trò ngu dốt)?
Những buổi tay cầm dao phay, đầu đội mũ đầu bếp; những ví von trục tung – trục hoành với võ đài của các đấu sĩ hay những phương pháp dạy Toán đặc biệt của thầy Jaime Escalante đã thực sự làm nên kỳ tích: Đưa những học trò cá biệt, ngỗ ngược và vô lễ đặt chân vào những trường đại học danh giá nhất nước Mỹ như Harvard, MIT, Stanford…
Phương pháp giáo dục đặc biệt
Câu chuyện về cuộc đời người thầy giáo gốc Bolivia Jaime Escalante (1930-2010) đã truyền cảm hứng cho tác giả Jay Mathews viết nên tác phẩm Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ.
Jay Mathews chia sẻ: “Tôi chưa gặp một nhà giáo ở đất nước này từng tạo ra một kết quả ngoạn mục trong hoàn cảnh khó khăn như vậy. Thậm chí, ông còn đưa ra nhiều câu trả lời thuyết phục trước những câu hỏi hóc búa, mang tính thời đại trong lĩnh vực giáo dục”
Phương châm giảng dạy của thầy Escalante là học sinh khi đến lớp chỉ cần mang theo một thứ duy nhất, đó là khát vọng thành công và nhiệm vụ của người thầy là khơi dậy khát vọng đó.
Jaime Escalante vốn là giáo viên dạy Toán tại một trường địa phương ở Bolivia. Năm 34 tuổi, ông đến Los Angeles (Mỹ) nhưng không xin được việc bởi không biết tiếng Anh. Thời điểm đó, Mỹ không công nhận chứng chỉ giảng dạy của Bolivia.
Thế nhưng, Escalante không nản lòng. Ông quyết định trụ lại Mỹ, vừa học tiếng Anh vào ban đêm, vừa làm nhiều công việc chân tay bán thời gian. Sau 10 năm cố gắng để có được chứng chỉ giáo viên bằng tiếng Anh, Escalante đã nộp đơn xin việc và phỏng vấn tại nhiều trường ở Mỹ, nhưng không may mắn, ông đều bị từ chối. Phải đến năm 44 tuổi, ông mới trở thành giáo viên dạy Toán tại trường Trung học Garfield.
Tuy nhiên, tin vui vừa đến thì Escalante lại phải đón nhận điều đáng buồn: Garfield là một trong những trường thiếu thốn nhất ở Los Angeles, California, học sinh ở đây rất ngỗ ngược, quậy phá, không chịu học Toán và ăn nói vô lễ. Thậm chí, nhiều giáo viên đã phải rời bỏ ngôi trường này vì cảm thấy bất lực.
Vẫn giữ quyết tâm khơi dậy khát vọng ở học sinh, Escalante tìm ra những phương pháp giáo dục đặc biệt, bởi học trò của ông hầu hết là những em cá biệt. Càng tiếp xúc, ông càng nhận thấy chúng không tệ như ông tưởng, chỉ là không được giáo dục tử tế do gia cảnh nghèo khó, cộng thêm sự thờ ơ của nhà trường nên mới có những hành động chống đối việc học.
Nhận thấy điều đó, thầy Escalante biến những bài giảng của mình thành giờ học thú vị, bám sát vào sở thích của học sinh, hài hước nhưng vẫn hiệu quả, đánh vào lòng hiếu kỳ của các em.
Ban đầu, vì những phương pháp giảng dạy khác biệt của mình, thầy Escalante thường xuyên bị ban giám hiệu nhà trường phản đối. Thậm chí, phó hiệu trưởng trường học còn dọa đuổi việc Escalante vì thấy ông luôn đi sớm về khuya, “phá vỡ khuôn phép hành chính” của nhà trường.
Thế nhưng, Escalante khẳng định chỉ cần có nhiệt huyết và phương pháp đúng đắn, giáo viên hoàn toàn có thể biến những học trò ngỗ nghịch thành cần cù, hiếu học và trao cho các em cơ hội vào được những trường đại học mơ ước.
Sách Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ. Ảnh: T.V.
Thành quả xứng đáng
Thành công luôn đến với những người biết nỗ lực. Kết quả năm đó, cả 18 học sinh trong lớp đã vượt qua một kỳ thi Giải tích nâng cao để vào được những trường đại học tốt nhất nước Mỹ. Kết quả này khiến hội đồng thi bất ngờ đến mức… nghi ngờ. Nhưng sau khi tổ chức thi lại cho 14 em bị buộc tội quay cóp để đảm bảo quá trình thi không có bất kỳ dấu hiệu gian lận nào, kết quả là 12 em đồng ý thi lại đều vượt qua kỳ thi đó một cách xuất sắc.
Hơn 35 năm đứng trên bục giảng tiếp theo, Escalante tiếp tục truyền lửa và đào tạo hơn 400 học sinh cũng là người nhập cư như ông đỗ vào những trường đại học, học viện nổi tiếng thế giới.
Không chỉ truyền cảm hứng cho học trò và những người thầy, cuốn sách Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ cũng tiết lộ cho chúng ta biết về hình mẫu giáo viên mà mọi học sinh cần. Niềm đam mê và sự cống hiến hết mình cho nền giáo dục Mỹ của Escalante đã mang lại nhiều thành tựu. Dù với những học sinh ngỗ ngược nhất, ông vẫn có khả năng cảm hóa chúng và dù xã hội mất niềm tin vào những học sinh đó, ông vẫn luôn tin rằng chúng có thể làm được điều mà bao học sinh gốc Mỹ có thể đạt được.
Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục của thầy Escalante cũng nhắc nhở các giáo viên hãy tự đặt câu hỏi: Có bao nhiêu học sinh phát huy hết tiềm năng của mình trong một lớp học ở trường?
Với những nỗ lực đó, Escalante đã giành được nhiều giải thưởng cao quý cho những cống hiến vì nền giáo dục. Ông còn được cựu Bộ trưởng Giáo dục Mỹ William J. Bennett nhận xét là “người anh hùng thực sự của nước Mỹ”.
Năm 2010, khi Escalante qua đời, Tổng thống Barack Obama đã gửi thông điệp chia buồn: “Jaime Escalante đã chứng minh cho mọi người thấy lý lịch của một người không quyết định việc người đó có thể đi bao xa. Ông chính là nhân tố thúc đẩy niềm đam mê và quyết tâm của học sinh để họ nhận ra tiềm năng của chính mình”.
Ít ai biết Tổng thống Nga lâu và rành rẽ như Andrei Illarionov. Trong một cuộc phỏng vấn, cựu cố vấn kinh tế hàng đầu của Putin giải thích lý do tại sao Điện Kremlin cạn tiền mặc dù doanh thu từ nguyên liệu thô tăng cao, và tại sao ông lại đánh giá sai về Trung Quốc đến vậy.
Ông từng là cố vấn kinh tế của Putin và hiện đang là nhà nghiên cứu kinh tế ở Hoa Kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn, Andrei Illarionov giải thích điều gì đã khiến Putin leo thang chiến tranh ở Ukraine, điều mà phương Tây không chú ý đến khi nói đến dữ liệu kinh tế của Nga, và quan hệ của giới thượng lưu ở Moscow với Putin.
Hỏi: Thế giới luôn ngộ nhận, ví dụ như về hiệu quả của các lệnh trừng phạt, hoặc trong đánh giá về Putin. Hãy bắt đầu với ông ta. Ông đã làm việc với ông ta trong một thời gian dài với tư cách là cố vấn. Liệu tính cách của ông ta có thay đổi kể từ đó không?
Đáp: Có và không. Các đặc điểm chính của con người này hoàn toàn không thay đổi. Ông ấy luôn toan tính và hành động một cách hợp lý và có mục đích. Rất cẩn thận khi lên các kế hoạch hành động. Cân nhắc kỹ về tất cả các giải pháp khả thi. Ông ấy yêu thích các chi tiết và tìm lời khuyên từ các chuyên gia.
Hỏi: Nhưng trong cuộc chiến Ukraine, ông ta đã tính toán sai, như Joe Biden từng nói.
Đáp: Ở đây cũng vậy, đúng và không. Nhiều người đánh giá Putin dựa trên xã hội dân chủ, văn minh của bản thân họ. Nhưng ông ta có những tiêu chí khác. Theo quan điểm của ông ta thì ông ta vẫn đang chiến thắng. Tất nhiên, ông không giành được quyền kiểm soát toàn bộ Ukraine, một nửa cũng không. Nhưng ông ta vẫn cho rằng có thể tách Ukraine ra khỏi Biển Đen, điều này vẫn khả thi.
Những gì ông ta đã đạt được là việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine. Thậm chí nếu bây giờ có tin đã có 90.000 người chết, ông ta vẫn có thể tỉnh bơ và nói đầy mỉa mai họ là vật hiến tế, nhờ nó nên đã giành được một khu vực có tới sáu, bảy triệu người. Từ năm 2000, ông ta đã đề cập đến việc giải quyết vấn đề nhân khẩu học của Nga.
Hỏi: Hãy quay sang vấn đề kinh tế: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện nay dự báo GDP của Nga trong năm 2022 sẽ bị âm 3,4%, thay vì âm 6% như trước đó. Và cho năm 2023 sẽ âm 2,3% thay vì 3,5%. Người ta đã sai ở đâu trong việc đánh giá tiêu cực từ trước đến nay? Có phải vì đã dựa vào các chỉ số sai?
Đáp: Anh hỏi câu này rất chuẩn. Bởi vì mọi người thích nói Putin đã sai, nhưng không ai muốn thừa nhận sai lầm của chính mình. Hầu hết mọi người đều đánh giá sai, sai lớn nhất là đánh giá quá cao sự hội nhập của Nga vào nền kinh tế thế giới. Sự hội nhập này chỉ một chiều, tập trung vào cung cấp dầu mỏ và khí đốt.
Vì giá dầu cao kể từ đầu cuộc chiến, Nga đã có thu nhập ít nhất cũng ngang như trước đây. Vì vậy, mọi thứ đang diễn ra khá bình thường ở Nga. Nhưng có một thảm họa đang rình rập mà Putin đã biết nhưng không muốn đề cập đến vì nó nguy hiểm cho ông ấy. Và điều này, ngay cả ở phương Tây, hầu như không ai nhìn thấy hoặc biết đến.
Hỏi: Đó là gì?
Đáp: Tình trạng dự trữ vàng và ngoại hối. Tại đây, một thảm họa đang diễn ra đối với Putin, nó đang diễn tiến rất phức tạp. Dự trữ đã chính thức giảm 16% trong bảy tháng rưỡi của cuộc chiến. Chỉ riêng điều đó thôi đã là tồi tệ. Nhưng đó mới chỉ là một nửa bức tranh.
Hỏi: Vậy hình hài của toàn bộ bức tranh như thế nào?
Đáp: Vào ngày 18 tháng 2, sáu ngày trước khi bắt đầu cuộc chiến, số dự trữ là 643,2 tỷ đô la. Kể từ đó, nó đã giảm 102,5 tỷ đô la, tức 16%.
Nhưng con số này không bao gồm khoảng 300 tỷ đô la bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây mà Nga không thể tiếp cận. Theo đó, vào đầu cuộc chiến, Nga chỉ có 343 tỷ đô la dự trữ có thanh khoản. Nếu người ta trừ đi 102,5 tỷ, chỉ còn lại 240 tỷ, tức giảm 30%!
Hỏi: 102,5 tỷ này là để đổ vào cuộc chiến?
Đáp: Con số 102,5 tỷ tương ứng với chi phí chiến tranh, theo báo cáo của Điện Kremlin. Nhưng người ta có thể rút ra điều gì ở đây? Nếu phương Tây không đóng băng 300 tỷ đô la vào đầu cuộc chiến, thì lượng dự trữ của Nga sẽ đủ cho 47 tháng chiến tranh. Vì vậy, Putin đã tính cuộc chiến kéo dài 4 năm. Tuy nhiên, do các biện pháp trừng phạt, chúng chỉ đủ cho hai năm, và bây giờ chỉ là 17 hoặc 18 tháng.
Một vấn đề khác là một phần dự trữ còn lại là quyền rút vốn đặc biệt tại IMF, vốn không thể được sử dụng dễ dàng. Và 130 tỷ đô la, hơn một nửa, được đầu tư vào vàng, việc sử dụng chúng cũng bị tác động bởi các lệnh trừng phạt – vì vậy việc bán vàng sẽ rất khó khăn và chỉ có thể bán được với giá rẻ. Nói tóm lại: trên thực tế, lượng dự trữ chỉ đủ cho già một năm thôi.
Hỏi: Giả sử không còn dự trữ nữa, thì sẽ như thế nào?
Đáp: Nếu ngân hàng trung ương không thể cung cấp đô la cho những người muốn đổi đồng rúp lấy đô la thì đó sẽ là một thảm họa tiền tệ, và một cuộc rút tiền ngân hàng ồ ạt có thể xảy ra. Khi các ngân hàng sụp đổ, nền kinh tế có thể sụp đổ ngay lập tức, bất kỳ cuộc chiến nào cũng sẽ bị chấm dứt. Doanh thu đô la từ việc bán dầu và khí đốt sẽ vẫn còn, nhưng chi phí chiến tranh sẽ tăng rất nhiều. Và Nga không thể xuất khẩu thêm dầu và khí đốt, đặc biệt là khi các biện pháp hạn chế xuất khẩu của phương Tây đang phát huy hiệu lực.
Hỏi: Putin có thể huy động tiền bằng cách tăng thuế, thúc ép các tập đoàn như Gazprom trả cổ tức đặc biệt, như ông ta đã làm, hoặc phát hành trái phiếu chính phủ.
Đáp: Trong cả ba trường hợp, ông ta sẽ nhận được thêm tiền rúp, vì ông ấy không thể đi vay của nước ngoài trong thời gian chiến tranh. Ông ấy chỉ có rúp để chi trả, nhưng các tác nhân kinh tế lại muốn có đô la và đòi đổi những đồng rúp này. Putin sẽ cần nhiều đô la hơn, không chỉ để mua hàng hóa trên thế giới hoặc trả tiền cho các nhà ngoại giao của ông ta ở nước ngoài, mà còn để giữ sự cân bằng giữa đồng rúp và đô la trong nước.
Nếu không, có nguy cơ xảy ra tình trạng đồng rúp mất giá, lạm phát và rút tiền ồ ạt được mô tả ở trên, theo đó nhu cầu đối với đô la Mỹ tăng sẽ làm đồng rúp mất giá hơn nữa. Và điều đó cuối cùng có thể dẫn đến một thảm họa chính trị. Putin đang lo sợ trước điều này, và đó là viễn cảnh kinh dị đang đến gần. Trong hoàn cảnh chiến tranh, dự trữ vàng và ngoại hối là một chỉ số quan trọng hơn nhiều so với tình hình sức khỏe kinh tế, điều mà mọi người đều đang xem xét.
Hỏi: Với tính cách của mình Putin sẽ phản ứng như thế nào đối với nguồn dự trữ ngày càng cạn kiệt như vậy? Ông ta liệu có những hành động khó lường hơn không?
Đáp: Người ta không cần phải trông chờ bất cứ điều gì, mọi thứ đã hiển hiện rồi. Ông ta đã thực hiện một loạt biện pháp cực kỳ táo tợn, trưng cầu dân ý, động viên một phần, khủng bố bằng các cuộc ném bom, lớn tiếng gây gổ chống phương Tây, đe dọa dùng vũ khí hạt nhân… Tất cả những điều đó thể hiện sự tuyệt vọng của Putin. Ông ta muốn kết thúc chiến tranh trên thế mạnh.
Hỏi: Nhưng thiếu tiền có lẽ không phải là lý do duy nhất cho điều này?
Đáp: Còn có hai lý do khác. Một là việc nhận ra rằng cuộc chiến tranh tiêu hao, mà ông ta tiến hành từ cuối tháng Ba đến cuối tháng Tám, không chỉ không khả thi về mặt tài chính về lâu dài, mà các tổn thất về vũ khí, khí tài cũng tăng vọt. Trong khi tỷ lệ tổn thất của Ukraine so với Nga trung bình là 1 – 4 kể từ tháng Hai, và có thời điểm gần như 1 – 1, nó đã tăng lên 1 – 8 kể từ cuối tháng Tám theo hướng bất lợi cho Nga. Và điều này bất chấp thực tế là dân số Nga đông gấp 4 lần dân số Ukraine.
Hỏi: Và nguyên nhân thứ hai để Nga phải ngừng cuộc chiến tiêu hao là gì?
Đáp: Thái độ của Trung Quốc. Hồi tháng hai, Putin đã có thể ký kết “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc. Ông ta đã xây dựng mọi thứ trên cơ sở này. Phải nói rằng nếu Trung Quốc thực sự giúp đỡ, thì số phận của Ukraine đã an bài. Nhưng Trung Quốc đã không làm điều đó, mặc dù hàng tháng Putin đều cử sứ giả của mình tới Bắc Kinh chầu chực. Đó là lý do tại sao Putin đã tính đến cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15 tháng 9 tại Samarkand.
Nhưng ông Tập đã từ chối Putin cả viện trợ kinh tế lẫn quân sự. Và giờ đây, Trung Quốc cũng đang xa lánh về mặt ngoại giao với Nga. Trong thông cáo báo chí của mình, Điện Kremlin vẫn nói về mối quan hệ đối tác chiến lược, trong khi ông Tập nói rằng mối quan hệ đối tác chiến lược chỉ giới hạn trong các cuộc tiếp xúc qua điện thoại, và chủ yếu bao gồm các lĩnh vực thể thao, văn hóa, mối quan hệ giữa các tỉnh và từng công dân. Vì vậy, nếu Putin có đánh giá sai tình hình đâu đó, thì đó là về quan hệ với Trung Quốc. Đối với ông, sự xa rời của Trung Quốc là một đòn đánh hiểm dưới thắt lưng.
Hỏi: Hệ quả là gì?
Đáp: Putin muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh này. Do đó ông ta đẩy mạnh leo thang trên tất cả các mặt trận để có con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ít nhiều có thể chấp nhận được, kiểu như Minsk 3 hoặc Istanbul 1, hoặc bất cứ thứ gì. Ông ta đang tăng cường hù dọa Ukraine, châu Âu và Mỹ, để buộc các nước này tham gia thương lượng và đi đến một thỏa thuận.
Và bạn đã thấy những phản ứng ở phương Tây, bắt đầu từ Giáo hoàng, đến Elon Musk hoặc Orban, những người đang thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình. Joe Biden cũng đang lừa Putin bằng cách nói về một ngày tận thế sắp xảy ra. Chỉ có Thủ tướng Anh Truss cho biết tên lửa hạt nhân sẽ được đáp trả bằng tên lửa hạt nhân. Đây là cách mà đáng ra cả tập thể phương Tây phải phản ứng. Putin muốn có một cuộc gặp với Biden, vì cuối cùng ông ấy là người quan trọng nhất ở phương Tây.