Dạo bước về quá khứ ở Vilnius

Độc giả Nguyễn Hương Ly đến thủ đô của Litva vào một ngày cuối tháng 10 và chia sẻ những hình ảnh về nơi còn ít khách du lịch biết đến.

Cộng hòa Litva là một quốc gia nhỏ ở châu Âu, trước đây từng là một nước cộng hòa của Liên Xô. Thủ đô Vilnius của Litva có dân số chỉ khoảng gần 600.000 người, sử dụng nhiều ngôn ngữ như Đức, Nga, Belarus, Ba Lan… Đây là nơi hầu như không có khách du lịch.

“Vilnius không phải là một thành phố nổi tiếng về du lịch. Chính cô hướng dẫn viên của tôi cũng hỏi ‘Chắc hẳn các bạn đến đây không chỉ với mục đích tham quan mỗi Litva đâu nhỉ. Thường người ta sẽ đến Vilnius để thăm người thân, bạn bè hoặc nếu du lịch thì kết hợp với Ba Lan chứ hiếm ai chỉ đến đây vì một mình Vilnius lắm”, Hương Ly cho hay.

Dù tôi đến Vilnius vào cuối tuần, những con phố cổ Old Town không hề đông đúc. Số lượng người tham gia tour tham quan thành phố cùng tôi cũng chỉ có 6, dù miễn phí. Số lượng này nếu ở Budapest (Hungary) hay Warsaw (Ba Lan), chắc phải gấp cả chục lần.

Đôi khi những lúc dạo bước ở Vilnius khiến tôi thấy mình đang được quay ngược về quá khứ.

Ở đây có những chuyến xe buýt điện bánh hơi cũ kĩ chậm chạp, với những bà những cô cùng phong cách thời trang, kiểu tóc của những năm Liên Xô cũ. Thời trang là sự quay vòng. Chính vì vậy, phong cách thời trang retro đầy thời thượng ở nơi đây gây ấn tượng lớn với tôi.

Hiếm có thành phố nào ở châu Âu có thể khiến tôi cảm nhận sự chậm rãi và bình yên đến vậy. Nhưng tôi yêu cái sự vắng vẻ ấy. Vilnius không xô bồ như Paris, không ồn ào như Amsterdam, cũng chẳng hừng hực như Budapest. Vilnius trầm lặng, yên ắng, đủ để bạn nghe thấy tiếng sỏi đá lạo xạo khi dạo bước trong những con ngõ nhỏ cổ kính.

Và cũng hiếm có thành phố nào khiến tôi phải bật cười trước sự nhí nhảnh và sáng tạo như khi bước vào “Užupis – một quận nhỏ được ngăn cách bởi dòng sông Vilnia. Nơi này được lập nên như một trò đùa của giới nghệ sĩ… Ảnh là biển hiệu thông báo “lãnh thổ” của Užupis.

Sự yên bình giúp tôi đủ thời gian để chậm rãi ngắm nhìn những ngôi nhà chìm trong hàng cây, ẩn mình ở một lối đi kín đáo, đủ để bạn nhâm nhi và tận hưởng cốc cà phê trong một cửa tiệm nhỏ xinh vô tình bắt gặp khi đi lạc.

Vilnius sắp bước sang sinh nhật lần thứ 700, dù có thể số tuổi ấy chỉ là quy ước, như người hướng dẫn viên của tôi chia sẻ.

“Chẳng biết từ bao giờ chúng tôi lựa chọn cột mốc này để đánh dấu sự ra đời của Vilnius. Lịch sử đã bị thay đổi và xoá nhoà bởi chiến tranh, có lẽ Vilnius đã được hình thành từ rất lâu trước đó. Nhưng dù gì thì chúng tôi cũng cần một dấu mốc, dù chỉ có 700 năm thôi, nhưng cũng cần thiết, để có thể cảm thấy được công nhận, cảm thấy mình đang tồn tại, và đang sống”, Ly kể lại câu chuyện của người hướng dẫn viên.

Khu phố lớn ở Vilnius vào một đêm mưa.

Bài và ảnh: Hương Ly / Vietnam Express

Chuyện Tạ Tỵ vẽ & Đinh Hùng yêu… Mê hồn ca

 Đinh Hùng yêu một người con gái tên Bích Liên. Chẳng may, nàng thơ bị bệnh phổi qua đời, nhà thơ đã viết “Mê hồn ca“.

Tên tuổi Tạ Tỵ và Đinh Hùng đều nổi tiếng ở miền Nam dạo 1954-1975. Người thì vẽ như phượng múa rồng bay nhưng cũng là một nhà văn với nhiều tác phẩm lưu dấu; kẻ thì đắm say trong tình yêu với Mê hồn ca để đời.

Tạ Tỵ – văn trung hữu họa

Nhiều nhà văn viết văn trước rồi sau đó ngứa tay mới thọc vô màu, vẽ tùm lum, tè lè đủ thứ sắc màu hình nét. Vẽ đối với họ như là một thú tiêu khiển ngoài giờ, như một ông chồng lén lút chán cơm, ta đi ăn phở, mà phở nào chẳng có màu sắc do ta sơn phết.

Riêng Tạ Tỵ, trước hết là một họa sĩ. Một họa sĩ chuyên nghiệp. Cả đời sống với khung bố cây cọ và màu sắc. Ông đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1943.

Họa sĩ Tạ Tỵ qua chân dung tự họa.

Tạ Tỵ là người tiên phong đưa trường phái lập thể và trừu tượng vào lịch sử mỹ thuật Viêt Nam bằng ba cuộc triển lãm vào năm 1951 với 57 tác phẩm lập thể tại Nha Thông tin Bắc Việt. Năm 1956 triển lãm 57 tác phẩm lập thể tại Sài Gòn. Năm 1961 triển lãm trưng bày 60 tác phẩm lập thể và trừu tượng tại Sài Gòn.

Nhưng thôi, hãy tạm gác vai trò người họa sĩ của Tạ Tỵ lại để nói về ông với vai trò nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học. Ông đã xuất hiện như một nhà văn với tập truyện ngắn Những viên sỏi (Nam Chi Tùng Thư, 1962), Yêu và thù (NXB Phạm Quang Khai, 1970).

Những cây viết trẻ muốn tìm hiểu về những nhân vật văn nghệ năm xửa năm xưa không thể không tìm đọc Mười khuôn mặt văn nghệ, rồi Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay. Là bạn Phạm Duy từ trẻ nên ông đã có một quyển sách viết riêng về bạn của mình Phạm Duy còn đó nỗi buồn, những bài tiểu luận về hội họa, sơn mài…

Tác phẩm của ông còn nhiều nhưng ta hãy nói về màu sắc hội họa của ông hay chính xác hơn hãy xem ông đã mang màu sắc nhìn về thành phố Sài Gòn như thế nào qua bài “Màu sắc Sè Gong”:

“Hỡi du tử nếu bị một sự tình cờ may mắn nào người được đặt chân vào mảnh đất yêu quý của chúng tôi, người có gặp nhiều đại lộ, những đại lộ của chiều thứ 7 tôi chắc người sẽ không giữ được cảm xúc khi bắt gặp những màu sắc chuyển mình dao động trong nắng gió ban chiều.

Từng đợt sóng màu xô đẩy từ hồng qua tím, từ trắng qua vàng, từ huyết dụ ngả lam biếc quyện vào mùi hương da thịt phơi phới lên tơ, vờn nhau như một đàn bướm làm cho cặp mắt dại khờ”.

Thế Lữ nhận xét thơ Đinh Hùng

Nhà thơ Đinh Hùng, dù chưa in tập thơ nào, chỉ với những bài thơ rời đăng báo đã nổi tiếng cùng thời với văn hữu cũng là anh rể – nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Chính nhà thơ Thế Lữ đã giúp Đinh Hùng rất nhiều trong thời gian đầu khi ông làm những bài thơ đầy khuôn sáo.

Thi sĩ Đinh Hùng

Đinh Hùng thừa nhận: “Hồi đó mỗi khi làm xong một bài thơ, tôi thường tìm Thế Lữ đọc cho ông ta nghe. Nhưng lần nào cũng vậy, nghe xong Thế Lữ lắc đầu bảo: ‘Chưa được, chưa được, cậu cần phải chịu khó, tìm kiếm hơn nữa’. Tôi buồn quá, tự ái nổi dậy, tôi nghĩ thế nào cũng phải làm cho được một bài thật hay, không lẽ cứ để hắn chê hoài”.

Thời đó, các văn nhân thi sĩ đã nổi tiếng hay chưa nổi tiếng đều dính vào một trong hai “Cô”: Ả phù dung hay cô đầu, hoặc cả hai “cô”. Lúc đó Đinh Hùng thầm yêu một cô đầu ở Khâm Thiên. Yêu thầm nên đầy thi hứng, Đinh Hùng sáng tác bài Kỳ nữ và đưa cho Thế Lữ xem.

Lần này Thế Lữ khen: “Được lắm, cậu nên làm theo loại nầy”. Được biết Thế Lữ đã đưa bài thơ Kỳ nữ vào quyển Trại Bồ Tùng Linh của mình.

Từ đó, Đinh Hùng trở thành nhà thơ nổi tiếng. Trong thời gian này, Đinh Hùng yêu một người con gái họ xa tên Bích Liên. Chẳng may, nàng thơ của Đinh Hùng bị bệnh phổi mà chết vào năm 1940.

Trong 10 năm, phải chứng kiến cái chết của 4 người thân và trong đó lại có một tình yêu tưởng như đơm hoa rực rỡ. Đinh Hùng gần như kêu gào:

“Trời cuối thu rồi em ở đâu

Nằm trên đất lạnh chắc em sầu?

Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy

Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu”.

Những câu thơ này trích trong bài Gửi người dưới mộ trong tập Mê hồn ca, tập thơ đầu tay của nhà thơ. Thi phẩm Mê hồn ca gồm bốn phần: Nguyên thủy, Thần tượng, Chiêu niệm và Mê hồn. Tập thơ này được Nhà xuất bản Tiếng Phương Đông của nhà thơ Hồ Dzếnh xuất bản. Chính Hồ Dzếnh viết tựa cho tập thơ.

Tập thơ được in tại Hà Nội vào năm 1954, nhưng vì thời cuộc nên chưa được phát hành. Sau đó, khi vào Sài Gon ông mang theo Mê hồn ca – một tập thơ in tại Hà Nội, phát hành tại vùng đất mới. Nhờ vậy, trong thời gian đầu ở Sài Gòn, nhờ tiền bán tập thơ in ở Hà Nội mà gia đình đỡ vất vả để thi sĩ có thể “đi vào tình sử”.

Theo ZING

“Thủ phạm” làm tăng đường huyết không phải đường mà chính là 3 thói quen ai cũng mắc này

Ai cũng nghĩ tiểu đường là do chúng ta đã ăn quá nhiều đường mà không biết rằng chính các thói quen xấu trong cuộc sống lại là nguyên nhân gây nên căn bệnh này.

Nếu như trước đây, tiểu đường là căn bệnh của người trung niên, cao tuổi thì ngày nay căn bệnh này ngày càng trẻ hóa. Có không ít thanh niên độ tuổi U2 -30 đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.

Tuy tiểu đường không gây tử vong nhanh như ung thư nhưng biến chứng mà nó đem lại vô cùng đáng sợ. Bệnh tiểu đường là bệnh mãn tính, không có cách điều trị dứt điểm mà cần phải theo dõi và dùng thuốc đến cuối đời. Khi lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng giảm thị lực, mắc các bệnh tim mạch, mạch máu não, dễ dẫn đến đột quỵ.

Kiểm tra đường huyết
Kiểm tra đường huyết.

Ai cũng nghĩ tiểu đường là do chúng ta đã ăn quá nhiều đường mà không biết rằng chính các thói quen xấu trong cuộc sống lại là nguyên nhân gây nên căn bệnh này.

Những thói quen gây bệnh tiểu đường mà bạn không ngờ tới
1. Thường xuyên ngồi một chỗ quá 30 phút mà không đứng dậy

Ngồi trong thời gian dài là thói quen của nhiều nhân viên văn phòng. Nhưng bạn không biết nếu rơi vào trường hợp này sẽ khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra chậm hơn. Dẫn đến tình trạng lưu thông máu ở chi dưới kém, điều này cũng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

Các nghiên cứu được công bố trên Annals of Internal Medicine cho thấy, những người ngồi nhiều có khả năng bị bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư cao hơn những người chăm vận động.

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tất cả mọi người (ngay cả những người không mắc bệnh tiểu đường) nên đứng dậy sau mỗi 30 phút và thực hiện một số hình thức hoạt động nhẹ nhàng.

2. Tiêu thụ nhiều chất béo

Nhiều người nghĩ phải ăn đường mới gây bệnh tiểu đường, xong thực tế tiêu thụ chất béo cũng làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Theo khuyến cáo của bác sĩ nội tiết Li Aiguo thuộc bệnh viện Hữu nghị Trung – Nhật (Trung Quốc): Tiêu thụ thường xuyên thực phẩm giàu chất béo như đồ chiên rán, đồ nội tạng sẽ không chỉ ảnh hưởng xấu đến đường huyết mà còn dẫn đến việc tăng chỉ số lipid máu, có hại cho tim mạch.

Tiêu thụ thường xuyên thực phẩm giàu chất béo ảnh hưởng xấu đến đường huyết.
Tiêu thụ thường xuyên thực phẩm giàu chất béo ảnh hưởng xấu đến đường huyết.

3. Ăn nhiều muối

Khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp, hơn nữa còn làm tăng hàm lượng glucose trong máu, nếu tiêu thụ trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Bác sĩ Li Aiguo nhắc nhở mọi người nên kiểm soát lượng muối ăn vào hàng ngày. Ngoài ra, những gia vị nhiều muối như xì dầu, dầu hào, bột ngọt, tương,… thì cũng nên giảm bớt.

Mỗi người chỉ nên dùng 5gr muối/người/ngày, tương đương với khoảng một muỗng cà phê muối theo đúng khuyến cáo của WHO.

Bác sĩ Li Aiguo nhắc nhở mọi người nên kiểm soát lượng muối ăn vào hàng ngày.
Bác sĩ Li Aiguo nhắc nhở mọi người nên kiểm soát lượng muối ăn vào hàng ngày

Những việc nên làm ngay để có thể ổn định đường huyết
Uống trà xanh mỗi ngày

Bệnh nhân tiểu đường nên uống trà xanh vì trà xanh có chứa nhiều polyphenol có tác dụng chống oxy hóa rất mạnh và có tác dụng hạ đường huyết, tuy nhiên cần nhớ là không nên uống trà quá đặc.

Vận động nhiều hơn

Tập thể dục có nhiều lợi ích cho sức khỏe, có thể giúp giảm cân và giảm lượng đường trong máu. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Mỗi ngày bạn nên cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút và vận động 5 lần một tuần.

Nhai kỹ, nuốt chậm

Những người có lượng đường trong máu cao cố gắng ăn chậm và nhai kỹ trước khi nuốt. Thói quen ăn nhanh, nuốt vội sẽ làm tăng lượng đường trong máu, vì ăn quá nhanh sẽ khiến đường huyết trong cơ thể tăng cao đột ngột, rất khó kiểm soát.

Đi khám sức khỏe định kỳ

Càng có tuổi, bạn càng cần phải đến bệnh viện để kiểm tra lượng đường huyết của mình như thế nào để ngăn ngừa tiểu đường loại 2.

Theo PNVN

Một quốc gia đi học suốt 7 năm không chấm điểm, không so sánh giỏi hay kém, không gia sư hay học thêm

Một quốc gia đi học suốt 7 năm không chấm điểm, không so sánh giỏi hay kém, không gia sư hay học thêm
Không có áp lực thi cử, trường học ở quốc gia này chính là nơi để trang bị cho trẻ những kiến thức sống quan trọng trong tương lai. Những đứa trẻ cấp một, cấp hai ở đây đã có thể đã được biết về đầu tư hay thẻ ngân hàng, học sinh trung học biết tự tính thuế hay thu nhập tương lai.

Na Uy là một trong những quốc gia phát triển trên thế giới, đặc biệt là họ nằm trong top các nước đi đầu thế giới về nguồn ngân sách cho giáo dục. Chính phủ trợ cấp gần như toàn bộ chi phí cho các cấp học. Bên cạnh đó, những đứa trẻ còn được miễn phí hoặc giảm giá đồ ăn trưa/ăn chiều, các hoạt động ngoại khóa, đồ dùng học tập từ balô, bút, sách, vở, máy tính xách tay và cả máy tính bảng chỉ phục vụ cho việc học tập (chính sách cụ thể mỗi trường mỗi khác).

Tại Na Uy, giáo dục tiểu học và trung học là các cấp bắt buộc, được đặc biệt chú trọng. Quốc gia này cho rằng, đó là giai đoạn cần thiết để xây dựng và hoàn thiện nhận thức cho học sinh trước khi bước vào đại học. 

Nền giáo dục của đất nước này có rất nhiều điều thú vị và khác biệt.

7 năm tiểu học trẻ không bị chấm điểm

Giáo dục tiểu học ở Na Uy kéo dài 7 năm, từ khi trẻ 6 đến 16 tuổi. Trong suốt thời gian này, trẻ sẽ không bị chấm điểm, xếp hạng xấu hay tốt, giỏi hay yếu/kém. Cho tới cấp trung học, tức là lớp 8, hệ thống chấm điểm mới được sử dụng. Thậm chí việc so sánh học sinh với nhau còn bị cấm. Những đứa trẻ kém may mắn bị tật nguyền, thậm chí cần sự trợ giúp “đặc biệt” vẫn đi học cùng các bạn bình thường.

Thay vì điểm số, trẻ em ở Na Uy sẽ được giáo viên đưa ra những ý kiến nhận xét hoặc các điểm số không chính thức để đánh giá sự tiến bộ của mỗi đứa trẻ. 

Một quốc gia đi học suốt 7 năm không chấm điểm, không so sánh giỏi hay kém, không gia sư hay học thêm - Ảnh 1.
Không áp lực “trường chuyên lớp chọn”, không cần gia sư học thêm

Ở Na Uy không có trường chuyên, lớp chọn, cũng rất ít áp lực về thi cử cho những đứa trẻ. Cả năm học tại quốc gia này gần như chỉ có 1 kỳ thi vào dịp cuối năm. Bảng xếp hạng hay các cuộc thi cũng chỉ để tự đánh giá năng lực của mỗi em, chứ không nhằm so sánh các học sinh với nhau.

Đặc biệt, không có chuyện coi trọng môn nào hơn môn nào, Toán học được ưu tiên hơn Địa lý, Lịch sử. Các lớp học được phát triển để trẻ và thầy cô khám phá ra thiên hướng của chúng và mọi khả năng đều được công nhận.

Nếu ngay từ đầu, trẻ làm được bài ở mức độ khó, hôm sau sẽ được hướng dẫn bài tập với cấp độ khó hơn. Nếu trẻ không làm được cũng không sao, có thể quay trở lại với bài tập đơn giản. Những vấn đề vướng mắc có thể trực tiếp hỏi giáo viên ở trường, các thầy cô đều tự nguyện giúp trẻ bổ sung những kiến thức còn yếu. 

Các hoạt động ngoài trời được khuyến khích

Là một trong những quốc gia được xếp hạng hạnh phúc nhất thế giới nhiều năm liền, Na Uy luôn khuyến khích người dân tham gia các hoạt động ngoài trời. Các trường học ở đây cũng áp dụng điều đó. Trẻ em được khuyến khích hoạt động, chạy nhảy nhiều hơn để có được nền tảng sức khỏe tốt và tính cách năng động hơn. 

Nghiên cứu cho thấy các trò chơi ngoài trời có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và xương, củng cố khả năng miễn dịch, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim và béo phì. 

Một quốc gia đi học suốt 7 năm không chấm điểm, không so sánh giỏi hay kém, không gia sư hay học thêm - Ảnh 2.
Đặt tự giác và tự do lên hàng đầu

Yếu tố bình đẳng giữa trẻ và người lớn rất được đề cao. Đây chính là tiền đề để phát triển tinh thần tự giác và to do của trẻ. Ngay từ cấp tiểu học, các em đã được dạy về các quyền lợi và trách nhiệm của mình, cũng có quyền khiếu nại với một nhân viên xã hội. Cha mẹ phải hiểu con là một con người độc lập và không được phép xâm phạm cả về thể chất lẫn lời nói.

Do đó, trẻ em tại Na Uy thường không bị cha mẹ cấm đoán nhiều mà hầu hết phụ huynh chỉ làm nhiệm vụ định hướng và làm gương. Nội quy tại các trường hợp cũng không quy định cấm nói chuyện riêng, cấm mang điện thoại tới lớp, cấm la cà tụ tập sau giờ học… Đây là những điều thuộc về ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân. 

Quan tâm tới cảm xúc của mỗi đứa trẻ

Tại Na Uy, rất hiếm có trường hợp giáo viên đặt câu hỏi rồi yêu cầu học sinh đứng dậy trả lời, nếu không trả lời được thì phải tiếp tục đứng. Quốc gia này chú trọng tới lòng tự trọng của các em từ rất sớm. Vì thế, sẽ không có ai bị ép buộc phải đứng dậy khi chưa sẵn sàng. Trong trường hợp câu trả lời của học sinh không đúng, các em cũng không bao giờ bị sỉ vả, chê trách.

Một quốc gia đi học suốt 7 năm không chấm điểm, không so sánh giỏi hay kém, không gia sư hay học thêm - Ảnh 3.
Học tập là việc suốt đời 

Người Na Uy luôn quan niệm rằng, học tập là việc suốt đời, không quan trọng đến tuổi tác. Do đó, cho dù ở độ tuổi nào đi nữa, khi cảm thấy bản thân khuyết thiếu kỹ năng cơ bản cần thiết, họ lập tức tìm đến giải pháp học tập. 

Nó không chỉ giúp mọi người củng cố các kỹ năng cơ bản mà còn có thể sở hữu thêm nhiều bằng cấp thông qua các chương trình giáo dục cao hơn. Đây là một cách tuyệt vời để mọi người cập nhật năng lực, cải thiện khả năng thích ứng, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp của họ.

Đặc biệt, điều này cũng được các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng ở Na Uy thực hiện nghiêm túc. Tất cả nhân viên của quốc gia này được nghỉ phép một phần hoặc toàn bộ trong tối đa 3 năm, để tham gia các khóa học cụ thể. Hầu hết các khóa học này diễn ra trong các trường dạy nghề.

*Theo Kevmrc, Nokut, Life In Norway…

Thúy Phương / Trí thức Trẻ

Được mất từ chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc và trở về Hà Nội hôm thứ Tư 2 tháng Mười Một 2022. Chuyến đi này đem lại điều gì cho đất nước?

Truyền thông của cả hai nước – đều dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ban tuyên giáo hai đảng cộng sản – đã mở hết công suất viết và đăng bài ca ngợi hết lời cuộc gặp gỡ giữa ông Trọng và ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ). Nhưng đọc hàng loạt các bài báo với lời lẽ sáo rỗng và đại ngôn, vẫn không thấy được điều gì mới mẻ, cứ như là nhà báo lấy các bài đã đăng cách đây năm năm trong dịp ông Trọng đến Bắc Kinh đầu năm 2017 hoặc ông Tập đến Hà Nội cuối năm đó.

Nên để ý trong chuyến đi này, ngoài ông Tập, ông Trọng chỉ hội kiến với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc (Quốc Hội) Lật Chiến Thư, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc (Mặt Trận) Uông Dương. Nhưng cả ba ông Lý, Lật và Uông đều đã “rớt đài” trong cuộc tranh giành quyền lực ở thượng tầng đảng CSTQ vừa qua và chắc đang rất lo lắng không biết có được hạ cánh an toàn hay không sau khi thủ lãnh của họ là cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào bị xốc nách đưa ra khỏi nghị trường trong buổi lễ bế mạc đại hội 20 một cách nhục nhã trước ống kính truyền hình của các hãng thông tấn quốc tế. Họ còn tâm trạng nào để bàn bạc chuyện quốc sự tương lai với ông Trọng ngoài những lời lẽ xã giao! 

Về nội dung các cuộc thảo luận giữa ông Trọng và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, báo chí hai nước đã đăng nhiều bài dài nhưng rập khuôn theo những nghị quyết đã có sẵn. Nhưng nếu chịu khó tìm giữa các dòng chữ và các bản tin ngắn của truyền thông quốc tế thì cũng thấy được đôi chỗ được mất trong chuyến đi của ông Trọng. 

Về hợp tác kinh tế, ai cũng thấy Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc. Việt Nam phải nhập cảng từ Trung Quốc hầu như mọi thứ, từ hàng hóa tiêu dùng giá rẻ đến nguyên vật liệu và thiết bị cho các ngành sản xuất trong khi chỉ xuất cảng sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, giá trị thấp lại thường bị Trung Quốc chèn ép. Kết quả là thương mại giữa hai nước tăng rất mạnh nhưng Việt Nam luôn bị thiệt thòi: Nhập cảng từ Trung Quốc cao hơn nhiều lần so với xuất cảng.

Năm 2010 Việt Nam xuất sang Trung Quốc $7.74 tỷ và nhập về $20.2 tỷ, nhập siêu $12.46 tỷ; sau mười năm, con số này tăng hơn bốn lần: Năm 2021 Việt Nam xuất được $55.93 tỷ nhưng nhập về $110.53 tỷ, nhập siêu $54.6 tỷ – cứ lấy được của Trung Quốc một đồng thì phải bỏ ra hai đồng. Chín tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập từ Trung Quốc $91.16 tỷ, nhưng chỉ bán sang bên kia biên giới được $41.22 tỷ, chênh lệch gần $50 tỷ nghiêng về phía Trung Quốc. 

Sở dĩ Việt Nam còn chịu nổi sự chênh lệch thương mại triền miên như vậy phần lớn là nhờ các thị trường Hoa Kỳ và châu Âu (EU) mua nhiều hàng hóa Việt Nam và giúp Hà Nội có thặng dư lớn để bù đắp thâm hụt trong cán cân thương mại với Trung Quốc.

Nông sản xuất sang Trung Quốc bị ách tắc ở biên giới. Nhiều chủ hàng đành “xé lẻ” bán với giá thấp, bèo bọt – Ảnh: Lao Động

Các doanh nghiệp hy vọng chuyến đi Bắc Kinh của ông Trọng sẽ vận động để chính phủ Bắc Kinh nới lỏng những biện pháp hạn chế hàng xuất cảng của Việt Nam bằng các biện pháp phi thuế như đóng cửa biên giới, kéo dài thời gian kiểm dịch… Nhưng kết thúc chuyến đi của ông Trọng, phía Trung Quốc chỉ đồng ý mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam có giá trị thương mại không lớn như khoai lang, chuối, các loại hoa quả có múi, tổ yến và một số nông thủy sản; đổi lại Việt Nam phải mở cửa thị trường cho sản phẩm sữa Trung Quốc – loại sản phẩm từng bị tai tiếng pha trộn hóa chất melamine gây chết trẻ em và bị dân Trung Quốc tẩy chay! 

Vấn đề gai góc nhất trong quan hệ hai nước là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, cho biết:

“Phía Việt Nam đề nghị đưa vào Tuyên bố chung rằng vấn đề trên biển là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong quan hệ giữa hai Đảng và hai nước và mong muốn rằng hai bên xử lý các vấn đề đó bằng các biện pháp hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước 1982 về luật biển”.

Nhưng bản Tuyên bố chung chỉ khẳng định: “Hai bên đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả ‘Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông’ (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được ‘Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông’ (COC) hiệu quả, có nội dung thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển.”

“Xử lý các tranh chấp dựa trên Công ước 1982” với “đạt được bộ quy tắc ứng xử COC phù hợp với Công ước 1982” là hai chuyện rất khác nhau; văn bản Tuyên bố chung cho thấy phía Trung Quốc đã không chấp nhận đề nghị của Việt Nam lấy Công ước 1982 làm nền tảng pháp lý để giải quyết tranh chấp.

Cần nhắc lại rằng cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông kéo dài đã nhiều năm mà vẫn bế tắc vì Trung Quốc khăng khăng cho rằng tranh chấp chủ quyền Biển Đông là vấn đề nội bộ giữa các nước ven biển, sẽ giải quyết bằng thương lượng “song phương”, trong khi các nước khác cho rằng Biển Đông là vùng biển quốc tế, là hải lộ quan trọng liên quan tới lợi ích của nhiều quốc gia nên phải tuân theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS) mà tất cả các bên đã ký kết và phê chuẩn. Lập trường của Bắc Kinh luôn né tránh UNCLOS không khó hiểu vì các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông chồng lấn với Philippines đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ tháng Bảy năm 2016, căn cứ vào các nguyên tắc của UNCLOS 1982.

Tiếp ông Trọng, ông Tập đã viện dẫn ý thức hệ cộng sản để buộc đảng CSVN phải từ bỏ ý định dựa vào các “thế lực bên ngoài”, ám chỉ Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước dân chủ phương Tây. Ảnh Yao Dawei/Xinhua via Getty Images

Như chúng tôi đã phân tích trong một bài trước, một trong những chiến lược đối ngoại quan trọng nhất của ông Tập Cận Bình là củng cố khối liên minh với Trung Quốc để đối phó Hoa Kỳ trong hoàn cảnh thế giới ngày càng bất ổn. Việt Nam, tuy cùng do đảng cộng sản độc quyền cai trị như Trung Quốc, tuy có mối quan hệ bền chặt và lâu dài giữa “hai đảng anh em” nhưng chưa “toàn tâm toàn ý” đi theo sự dẫn dắt của Bắc Kinh khi giữa hai nước còn tồn tại vấn đề tranh chấp lãnh thổ và nhiều chuyện khác.

Gần đây, chính sách ngoại giao “cây tre” của đảng CSVN có dấu hiệu bị gió thời cuộc thổi sang hướng Hoa Kỳ; Hà Nội liên tục đón tiếp các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Mỹ và đang vận động Tổng thống Joe Biden đến thăm chính thức. Thái độ đó của đảng CSVN làm cho ông Tập Cận Bình không hài lòng và ông ta phải sớm ra tay chấn chỉnh.

Tiếp ông Trọng, ông Tập đã viện dẫn ý thức hệ cộng sản để buộc đảng CSVN phải từ bỏ ý định dựa vào các “thế lực bên ngoài”, ám chỉ Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước dân chủ phương Tây. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời ông Tập nói với ông Trọng:

“Sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa đang đối mặt với hoàn cảnh quốc tế rất phức tạp với những rủi ro và thách thức nghiêm trọng… Hai đảng CSTQ và CSVN phải đẩy mạnh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa bằng tất cả sức mạnh và không bao giờ để cho ai can thiệp vào tiến bộ của chúng ta, không cho bất kỳ thế lực nào lay chuyển nền tảng thể chế [cộng sản] của sự phát triển của chúng ta”.

Đáp lại lời “huấn thị” đó, ông Trọng vội vã tái khẳng định với ông Tập rằng Việt Nam vẫn tiếp tục kiên định với chính sách quốc phòng “Bốn Không”. Ông cam kết với ông Tập rằng Việt Nam không cho phép bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không sử dụng vũ lực chống lại bất kỳ nước nào, và không liên kết với quốc gia này chống lại quốc gia khác.

“Bốn Không” không phải là cái gì mới, nhưng trong hoàn cảnh các nước lớn và chuyên chế sử dụng vũ lực để thâu tóm lãnh thổ các nước láng giềng – như cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine đang chứng tỏ – thì Việt Nam đang tự trói mình, tự tách ra khỏi các liên minh dân chủ chống độc tài chuyên chế trên thế giới và ngầm khuyến khích một cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc trong tương lai.

Vài phân tích ở trên đã cho thấy chuyến đi chầu của ông Trọng được ít mất nhiều. Ông Trọng được tân “hoàng đế” Trung Hoa tiếp đãi trọng thị, được tặng Huân chương Hữu Nghị. Cá nhân ông được, nhưng đất nước Việt Nam thì chẳng được gì mà chỉ lún sâu hơn vào sự lệ thuộc Trung Quốc. 

Có khi nào nhờ những công trạng đó mà ông Trọng được thiên triều hậu đãi như vậy chăng? 

Hiếu Chân / Saigon nhỏ