Nhà vườn chồng tặng vợ nhân 10 năm ngày cưới

ĐỒNG NAI – Hai năm trước, chồng chị Dương Tưởng mua mảnh vườn rộng 720 m2, cách nhà 20 phút lái xe, để chị thỏa đam mê trồng cây, làm vườn.

Chị Tưởng, 38 tuổi, sống trong một căn chung cư ở TP Biên Hòa. Vì mê làm vườn, chị vẫn trồng hoa, trồng rau kín ban công và cửa sổ. Chiều theo sở thích của vợ, nhân kỷ niệm 10 năm ngày cưới, chồng chị mua tặng mảnh vườn ở ngoại thành.

“Ban đầu, vườn chỉ có vài cây bưởi chủ trước để lại, cỏ mọc um tùm. Chồng và tôi lên ý tưởng, vẽ thiết kế nhà, vườn rồi thuê thợ làm”, chị kể.

Kể từ đó, cứ cuối tuần, người phụ nữ gốc Hà Nội lại rời chung cư về vườn trộn đất, bón phân, gieo hạt trồng cây.

Sau ba tháng, mảnh vườn đầy cỏ dại đã được thay bằng màu xanh của rau, cây trái và hoa. Ở một góc vườn trồng rau lá và rau gia vị, chị Tưởng chia đất thành luống nhỏ, có lối đi đổ xi măng để thuận tiện chăm sóc, thu hoạch và bảo đảm thẩm mỹ.

“Mọi góc trong vườn đều thiết kế dựa theo sở thích và mong muốn của tôi”, chị nói.

Trong vườn chị bố trí trồng xen kẽ các loại hoa và cây ăn trái như hoa hồng, hoa lan, hoa ngũ sắc… Mỗi luống rau lá có bố trí vòng sắt ở trên để che đậy khi quá nắng.

Trước nhà, chồng chị Tưởng tự thiết kế hồ cá Koi, cùng thợ thi công. Đây là góc yêu thích của bà chủ nhà, nơi có thể thưởng trà, ngắm hoa, nhìn đàn cá bơi lội, xua tan những mệt nhọc.

Chị Tưởng cho biết, chưa có kinh nghiệm làm vườn, những ngày đầu, cây chị trồng èo uột, chết nhiều. Sau này, chị học hỏi thêm kinh nghiệm gieo hạt, bón phân, trộn đất… Thực hành theo kinh nghiệm của những người làm vườn giỏi trên mạng, cây trái trong vườn tươi tốt hơn hẳn.

Một góc vườn, vợ chồng chị đào ao, trồng sen súng, dẫn nước về bằng ống tre, đựng trong chum, vại. Cây trái thường được đựng trong những rổ đan tre dân dã.

Mua và cải tạo vườn đúng mùa dịch, chị Tưởng mới thấy món quà chồng tặng ý nghĩa. Hai vợ chồng có chỗ cách ly lý tưởng, con có không gian rộng rãi để chơi, lại phụ giúp được ba mẹ chăm sóc cây cối.

Vườn cũng trồng khoảng chục cây ăn trái như bưởi, dừa, cam, bưởi, đu đủ… Trái cây, rau trong vườn nhiều, thỉnh thoảng chị lại hái tặng bạn bè, hàng xóm và người thân trong gia đình. Hết dịch, phải trở lại với công việc nên anh chị làm hệ thống tưới tự động, lắp camera giám sát nhà vườn.

Từ khi có nhà vườn, vợ chồng chị Tưởng được đón nhiều bạn bè, anh em tới chơi dịp cuối tuần. Đây là không gian lý tưởng để chụp ảnh, vui đùa. “Các con tôi cũng có chỗ để dạo chơi, trải nghiệm cuộc sống bình yên nhưng đầy màu sắc”, chị nói.

Nhật Minh / Ảnh chủ nhà cung cấp

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương sinh ngày 1 tháng 4 năm Ất Mão tức ngày 14 tháng 5 năm 1915 tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên.

Ông sinh ra trong gia đình khoa bảng giàu có, bố làm tri huyện, mẹ buôn gạo tại Bến Thóc, Nam Định. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán ở nhà rồi lên học tiểu học tại Nam Định. Ông đã được dạy Kinh Thi bằng chữ Nho và Quốc sử diễn ca bằng chữ Nôm trước khi đến trường học chữ Quốc ngữ và các sinh ngữ Tây phương khác. Năm 1931 ông nhập học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937.

Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh – Na Sầm. Từ năm 1940, ông bắt đầu hoạt động văn nghệ, với tập thơ Say tự xuất bản tại Hà Nội.

Năm 1941, ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó ông trở về Hà Nội lập “Ban kịch Hà Nội” cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 đoàn kịch công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà hát lớn. Cũng năm đó ông gặp Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng và hai người thành hôn năm 1944.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông về Nam Định và cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về Hà Nội dạy toán rồi chuyển sang dạy văn.

Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam, tiếp tục dạy học ở một số trường trung học, Đại học Văn khoa Sài Gòn và sáng tác ở Sài Gòn. Năm 1959 ông đoạt “Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc” của Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Hoa đăng. Trong năm này ông sang châu Âu tham dự Hội nghị Thi ca Quốc tế tại Bỉ.

Năm 1964 ông tham dự Hội nghị Văn bút Á châu họp tại Bangkok; năm sau, 1965 lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Bled, Nam Tư. Năm 1967, ông lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d’Ivoire.

Thời gian 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai. Ông còn được vinh danh là “Thi bá” Việt Nam.

Ngày 13 tháng 4 năm 1976, Vũ Hoàng Chương bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bắt giam tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng đưa về nhà được 5 ngày thì ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.

Thơ Vũ Hoàng Chương được cho là sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.

Bài thơ : Ta đợi em từ ba mươi năm

Ta đợi em từ ba mươi năm
Uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm
Heo may chớm đã lên mùa gió
Ngăn ngắt chiêm bao lạnh chiếu nằm

Cúc tả tơi vàng mộng xác xơ
Hiên sương ngõ lá vẫn trông chờ
Đêm dài quạnh hé đôi song lớn
Nguyệt đọng vòng tay úa giấc mơ

Ngai trống, vàng son lợt sắc rồi
Lòng ta, hoàng hậu chẳng về ngôi
Hồ ly không hiện người không đến
Chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi

Hiu hắt tình trai một kiếp xuông
Mênh mông nệm gối rét căn buồng
Lệ sa bạch lạp ngàn đêm trắng
Thơ vút sầu say, rượu nhập cuồng

Đã mấy canh khuya nụ ngát nhài
Kết chưa thành mộng ý liêu trai
Lung linh nguyệt thấm vàng trang sách
Đợi chẳng bừng sen nhịp gót ai

Thôi thế hoài thơm tuổi dịu hiền
Cành khô mầm lụi trót hoa niên
Chương đài ca quán, ôi hồng liễu
Nửa cuộc trần gian lợm yến diên

Khắp đã nghe tìm mỏi núi sông
Đâu sương vó ngựa, gió mui bồng
Gió sương giờ vẫn buồng đây lạnh
Em hỡi ! Phương nào em có không?

LA Suu tầm & Biên soạn

Hình dáng con người vào năm 2100 thay đổi thế nào nếu dùng nhiều smartphone?

Một nhóm khoa học gia đã tạo nên Mindy – cô gái đại diện cho con người tương lai – mang theo dự báo đáng sợ về cách mà cơ thể người tiếp tục tiến hóa theo tiến trình đã diễn ra liên tục hàng triệu năm.

Tờ Study Finds đã dựng nên một bức chân dung choáng váng về con người tương lai dựa trên phân tích của một số nhà khoa học về cách cơ thể của chúng ta sẽ tiến hóa để phù hợp hơn với lối sống hiện đại vốn đang phụ thuộc dần vào công nghệ.

Theo một cuộc thăm dò tại Mỹ, con người hiện đại đang gắn liền cuộc sống với các thiết bị kết nối Internet khoảng 7 giờ mỗi ngày và điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiến hóa – như cách mà đòi hỏi khác nhau về săn tìm thức ăn, sinh tồn đã thay đổi nhân loại từ thuở sơ khai.

Mô hình này có tên gọi là “Quý cô Mindy”, mô tả hình dạng con người vào năm 2100, với một cái bướu sau lưng, nhóm cơ cổ cũng tổn thương do ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính và vươn cổ để nhìn vào điện thoại thông minh.

Theo Caleb Backe, một chuyên gia sức khỏe tại tổ chức Maple Holisstics, sử dụng hàng giờ đồng hồ nhìn vào điện thoại sẽ làm cổ của bạn bị cứng và làm xương sống lệch. Tiếp đến, các cơ ở cổ  làm việc quá sức hỗ trợ phần đầu của bạn. Ngồi hàng giờ trước máy tính cũng làm cho phần thân của bạn bị kéo về phía trước hông nhiều hơn khi ngồi thẳng.

Quý cô Mindy
Con người sẽ có nhiều thay đổi vào năm 2100 nếu dùng nhiều điện thoại thông minh, theo dự đoán của nhà khoa học. 

Sự thay đổi của Mindy không dừng ở đó. Phần xương sọ của cô trở nên dày hơn để bảo vệ não khỏi các phát xạ sóng radio phát ra từ điện thoại thông minh.

Các nghiên cứu lý thuyết gần đây chỉ ra rằng, cách sống thiếu vận động dẫn đến bộ não con người bị giảm khả năng. Trên mô hình 3 chiều, phần não của Mindy ngắn lại, bàn tay của cô cũng có hình dạng co quắp do tư thế cố định và khuỷu tay có xu hướng gập 90 độ bởi tư thế cầm điện thoại.

“Cách chúng ta cầm điện thoại có thể gây áp lực ở một số điểm tiếp xúc, tạo ra “bàn tay móng vuốt” và “khuỷu tay 90 độ”, còn gọi là hội chứng ống cổ tay”, bác sĩ Djordjevic ở công ty Med Alert Help nói.

Thay đổi cuối cùng trên cơ thể của Mindy là mắt 4 mí để lọc ánh sáng dư thừa từ các thiết bị công nghệ. Kasun Ratnayake từ Đại học Toledo khuyến nghị rằng sự tiến hóa căn bản này có thể hạn chế lượng ánh sáng gây hại cho mắt.

Con người có thể phát triển một mí mắt lớn hơn ở bên trong để hạn chế ánh sáng quá mức hoặc con ngươi cũng có thể tiến hóa sao cho nó chỉ ngăn chặn tia sáng xanh chiếu tới, mà không hạn chế ánh sáng có bước sóng dài như ánh sáng xanh lá, vàng hay đỏ.

Dù mô hình Mindy là cực đoan và được thiết kế gây sốc, nhưng nó cung cấp một hình ảnh trực quan về sự thay đổi của cơ thể theo các nghiên cứu khoa học.

Theo Jason O’Brien, giám đốc điều hành trang mạng TollFreeForwarding.com, công nghệ mang lại cho chúng ta sự thuận tiện, kết nối, giải trí và nhiều thức khác nhưng đó cũng là sự đánh đổi. Lạm dụng công nghệ có thể gây tổn hại tới sức khỏe của chúng ta.

Theo VTC News / NLĐ

Trần Độ, người của sự thật

Tướng Trần Độ. Ảnh BBC

Ra tù năm 1976, sau chín năm, qua nhiều trại, tôi bỡ ngỡ, tôi ngu ngơ trước cuộc sống xô bồ.

Vắng người đàn ông trụ cột, gia đình tôi rơi xuống đáy vực nghèo khổ. Vợ tôi gày nhom, xanh rớt, mấy đứa con quần áo vá chằng vá đụp. Tôi làm hùng hục mọi việc đến tay, không dể ý đến cái gì khác.

Phải hai năm sau tôi mới gặp lại Trần Độ.

Tôi không có ý tìm anh. Là phó chính uỷ kiêm phó bí thư quân uỷ Quân Giải phóng Miền Nam, Trần Độ rất bận với công việc tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, viết quân sử vv… Bạn bè cho tôi biết như vậy.

Còn một khía cạnh tâm lý khác, ai có qua cầu mới hay. Đó là tôi không muốn gặp các quan chức. Không một tẹo nào.

Nhưng rồi Trần Độ tìm tôi. Trong bữa rượu hàn huyên đạm bạc có ba người. Ngoài hai chúng tôi còn có một chị cán bộ trẻ, phụ tá của anh.

Trần Độ biết tôi ở tù.

Anh nhìn tôi thương hại:

– Chín năm! Chắc chú có làm gì sai thì Đảng mới xử nặng đến thế chứ.

Tôi sững người.

Vậy ra anh chẳng biết gì về cái gọi là vụ án “nhóm xét lại chống đảng” mà tôi bị đính vào. Tôi dùng chữ “đính vào” như nói về một cái khuy áo, trong đó tôi là cái khuy dưới cùng, có cũng được, mất không sao.

Mà khốn nạn, có cái nhóm chó nào đâu cơ chứ! Chỉ có những cuộc luận bàn thế sự của mấy cán bộ hoạt động từ hồi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc còn trứng nước với lớp cán bộ trẻ tới sau. Ấy thế mà mấy thằng “lãnh tụ” quen thói nhìn đâu cũng thấy kẻ chống mình phát hoảng, vội vã làm một cuộc bắt bớ đại quy mô. Lê Duẩn, lãnh tụ tối cao tuyên bố: “Kẻ nào không theo ta là chống ta”. Lê Đức Thọ, đầu sai của Lê Duẩn, quăng lưới. Thế là các cán bộ lũ lượt vào tù. Cao nhất là uỷ viên trung ương, thấp nhất là tôi, cán sự 3. Lê Duẩn lúc nói “xử lý nội bộ”, lúc nói cho đi “tập trung cải tạo”.

Để tạo ra chính danh cho hành động của mình, anh Ba, anh Sáu (Ba Duẩn, Sáu Thọ tức Sáu Búa) và bộ hạ liền nghĩ ra cho nó một cái tên thật kêu là “Nhóm tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”. Tổng bí thư mất ghế Trường Chinh tuy đã bị gạt ra rìa,cũng nhào vô vỗ tay ké.

Bắt cán bộ đảng chưa đủ, Lê Duẩn cho tóm cả người ngoài đảng cho vào một rọ được gọi là “nhóm” đó.

Thế là tôi vào tù, Vũ Huy Cương vào tù, Bùi Ngọc Tấn vào tù, cũng một tội “xét lại”. Cả ba đều không phải đảng viên. Tôi dám cá là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ “xét đi” còn chưa thuộc, làm sao biết “xét lại” là cái gì.

Vào tù rồi tôi càng tin mình hiểu đúng – cán bộ công an cấp vụ cấp bộ làm cviệc hỏi cung, tên chữ là chấp pháp, cũng chẳng hề đọc Marx. Chủ nghĩa Mác trong họ chỉ gồm mớ kiến thức lẻ tẻ nhặt được từ mấy cuốn mác-xít nhập môn.

Tôi ngạc nhiên là phải.

Một vụ án lớn, nhiều cán bộ cao cấp bị khai trừ, bị bắt, bị bỏ tù, các cán bộ cao cấp và trung cấp đều được nghe “báo cáo số 1” “báo cáo số 2″… của Sáu Búa Lê Đức Thọ, sao tướng Trần Độ lại không biết?

Nghe anh nói thế, tôi nhìn anh trân trân – thì ra ông anh mà tôi kính trọng cũng mù loà như mọi quan chức khác. Với họ, nghị quyết của đảng có giá trị Kinh Thánh.

Chả cứ Trần Độ, tới tận năm 1988, tướng Trần Văn Trà cũng chẳng biết gì về vụ bắt bớ này.

– Hồi đó tôi đang lo đường vận chuyển vũ khí trên biển – Trần Văn Trà phân trần – Có, tôi có nhận được thông tin của Ban tổ chức Trung ương, nhưng tôi không chú ý. Chúng tôi đang bận tối tăm mặt mũi với việc của mình.

Chuyện trong Đảng chia ra nhiều cấp, nhiều đối tượng trong việc được nhận hoặc không được nhận thông tin, tôi biết lắm.

Nhưng đến mức những cán bộ cấp tướng mà cũng không được biết về vụ bắt bớ to lớn ấy thì thật lạ.

Trần Văn Trà là một tướng cấp tiến. Đó là hồi tờ “Truyền thống Kháng chiến” của “Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ” mới ra hai số đã bị cấm. Trần Văn Trà kêu tôi tới nhà anh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai để bàn chuyện ra một tờ báo độc lập, tiếng nói khác với báo chính thống.

Tôi từ chối. Đó là việc làm vô ích. Tờ báo sẽ bị bóp chết từ trong trứng.

Khác với Trần Văn Trà, Trần Độ được tôi coi như người anh lớn, vì nhân cách, chứ không vì địa vị.

Đáp lại, tôi cười buồn:

– Em có nói gì bây giờ anh cũng sẽ nghĩ là em thanh minh. Tốt hơn hết, ta cạn với nhau chén rượu tái ngộ này, kèm theo một giao ước: “Anh sẽ xem xét sự việc bằng con mắt của mình, suy xét bằng cái đầu của mình, để rồi có kết luận”. Em chờ câu trả lời của anh trong một bữa rượu sau. Anh hứa chứ?

Anh gật đầu, cạn chén.

Trần Độ hơn tôi đúng 10 tuổi. Với anh, tôi là đàn em, không dám lắm lời.

Gần một năm sau mới có bữa rượu thứ hai.

Tôi nâng ly:

– Em lắng nghe câu trả lời của anh.

Trần Độ thở dài:

– Một lũ chó má! Không thể ngờ.

Và văng một câu chửi tục, lần đầu tôi nghe thấy từ miệng anh.

Trần Độ rồi còn nhận nhiều chức vụ mới – Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ của Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, rồi Phó Chủ tịch Quốc Hội.

Đã tưởng sau cuộc gặp tôi, nghe tôi kể, anh đã biết tỏng cái đảng của anh nó thế nào, nhưng anh vẫn không từ chối bổng lộc của nó. Tôi không buồn nói chuyện với anh nữa. Tôi chán anh.

Trần Độ hoá ra không như tôi nghĩ.

Thiên hạ xì xào sự thăng quan tiến chức cho anh về dân sự thực chất là nhằm đưa anh ra khỏi quân đội.

Qua những câu nói bị nghe lén mà anh không biết, kèm theo những báo cáo mật được gửi lên, những người cầm trịch quốc gia cảm thấy anh đã xa rời họ, và họ khó chịu. Khó chịu rồi bực tức.

Những lời đồn về một Trần Độ ương bướng xúi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ, tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, toa rập với Nguyên Ngọc đưa ra bản “Đề dẫn” ngang ngạnh rõ ràng rời xa đường lối văn nghệ của Đảng vv…

Văn Cao chăm chú theo dõi thời cuộc, thở dài:

-Trần Độ thẳng quá, hỏng! Cao Biền dậy non. Phí!

Tôi đồng ý với Văn Cao.

Trần Độ được phong trung tướng cùng lúc với Lê Đức Anh, nhân vật sau này làm mưa làm gió trong chính trựờng. Nếu biết xuôi dòng anh có thể lên cao hơn nữa trong hệ thống quyền lực, hơn đứt Lê Đức Anh.

Trần Độ là người nghĩ gì nói nấy, không giữ gìn. Anh không biết lui tới, không biết náu mình chờ thời. Anh hành xử theo lương tâm, cứng đầu trong cuộc đấu tranh cho chân lý. Về mặt này anh giống Hoàng Minh Chính. Cả hai đều có tố chất người lính can trường. Nhưng không có tố chất người làm chính trị.

Không ai có thể ngăn Trần Độ. Những phát biểu của anh lúc này lúc khác, chỗ này chỗ nọ tiếp tục làm chối tai các “lãnh tụ”.

Mà có phải anh chỉ phê bình sơ sơ những khuyết điểm cục bộ đâu. Từ chỗ nhỏ nhẹ, anh dần nói to, nói trắng ra ý muốn thay thế thể chế hiện tại bằng chế độ dân chủ với tam quyền phân lập…

Người khác nói thế đã khó nghe, đàng này lại là người cộng sản từ khi chính quyền còn trứng nước, đang giữ chức vụ cao. Những phát biểu như thế có ảnh hưởng lớn tới quần chúng đảng viên, chưa nói gì tới người ngoài đảng.

Một anh bạn công an cấp cao khuyên tôi:

– Cậu chớ dây với Trần Độ. Nguy hiểm đấy.

Những bài viết của anh, không được đăng báo, nhưng được chuyền tay rộng rãi. Anh nhanh chóng trở thành “tên phản động”.

Thời thế đã khác – người ta không thể bỏ tù anh tức khắc. Người ta chỉ có thể dùng đủ mọi cách hạ uy tín của anh.

Còn nhớ năm 1997 tôi ở thành phố Strassbourg cùng với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Một hôm, Trần Độ gửi cho tôi bài anh vừa viết, bảo tôi xem lại trước khi anh công bố. Tôi đưa Thiện cùng đọc. Thiện đọc xong, nói anh không hài lòng một số câu chữ trong đó.

Tôi bảo Thiện cứ nói thẳng ý kiến của mình khi nói chuyện với Trần Độ. Thiện bốp chát:

– Không hiểu sao đến nay anh vẫn còn có thể dùng những từ “giải phóng”, “Mỹ-Nguỵ”. Nó không đúng, không chỉnh, người đọc sẽ khó chịu lắm đấy.

Trần Độ cười hề hề:

– Do thói quen ấy mà, cậu sửa lại hộ mình.

Tôi ngạc nhiên khi đọc ở đâu đó có người viết Trần Độ quan cách, hách dịch. Tôi không hề thấy tính cách ấy ở anh. Rất có thể người nào đó bị anh khinh, không thèm trò chuyện, đã nghĩ thế. Là người trực tính, Trần Độ không biết giấu đi thái độ của mình trong giao thiệp, và chỉ có thế.

Năm 2001, trong một cuộc điện đàm với Trần Độ khi tôi đang ở Frankfurt, có mặt một chú em rất hâm mộ bác Độ. Chú nằng nặc đòi tôi cho chú nói với bác Độ vài câu:

– Bác ơi, cái đảng của bác sao kỳ quá, ai đời chống tham nhũng mà lại chống từ cấp cơ sở? Quét nhà thì người ta phải quét từ tầng trên xuống tầng dưới chứ! Ai lại đi làm chuyện ngược đời – quét từ dưới lên trên?.

TrầnĐộ cười to:

-Hay, chú nói hay lắm. Chỉ sai một chút thôi: cái đảng ấy không phải của tôi. Nó là của một lũ vừa ngu vừa rồ. Này, chú tên gì nhỉ?”

– Dạ, cháu tên Cóc, Nguyễn Văn Cóc. Dễ nhớ lắm, bác ạ. Ở Đức này chỉ có mình cháu có cái tên xấu xí ấy thôi.

Anh Độ lại cười:

– Xấu gì mà xấu, cậu ông Giời nói đúng lắm, cái đảng ấy toàn làm chuyện lộn ngược thôi!.

Việc Trần Độ bị khai trừ Đảng năm 1999 mọi người đều biết.

Đảng cộng sản vốn không thích vạch áo cho người xem lưng đã kiên nhẫn với Trần Độ lắm rồi, nhịn Trần Độ nhiều lắm rồi. Lẽ ra, không bắt anh bỏ tù thì đảng cũng phải khai trừ anh từ lâu.

Anh cười, anh nói anh bị đảng của anh khai trừ là may. Như thế, anh được thừa nhận không phải là người nằm trong “vũng bùn mà cái đảng ấy đang đằm mình một cách ngạo nghễ”.

Khai trừ anh, đảng cộng sản thêm một lần không thèm giấu giếm cái hẹp hòi truyền thống – không chịu nghe lời nói ngược.

Hành hạ anh cho tới khi chết, cấm người đi đưa tang không được dùng chữ “Vô cùng thương tiếc”, đảng cộng sản càng cho thiên hạ thấy nó tiểu nhân tới mức nào.

Đảng của anh căm ghét anh, đuổi anh ra khỏi hàng ngũ.

Bù lại, anh được nhân dân đón vào lòng.

Anh được rất nhiều, mà không mất gì. Nói cách khác, cái người ta cho là mất chẳng là cái quái gì đối với anh.

Khi lâm bệnh, anh không dùng một viên thuốc nào của nhà nước. Có hai người rất sốt sắng lo cho anh có thuốc đủ dùng là Tưởng Năng Tiến và Đinh Quang Anh Thái. Khi anh qua đời, những bọc thuốc cuối cùng vẫn còn ở trên đường. Trần Độ không bao giờ quên nhắn tôi gửi lời cảm ơn hai người bạn thiết anh không biết mặt.

Được tin anh mất, tôi không khóc. Nước mắt chảy vào tim.

Tôi hiểu rằng mất mát này lớn hơn rất nhiều mất mát cho riêng tôi, đứa em yêu mến và kính trọng anh.

Mất mát này là của cả dân tộc đang nhọc nhằn đi tìm quyền sống, quyền làm người.

Trong bức thư chót Trần Độ gửi cho tôi trước khi mất, anh dặn: “Giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi chế độ có thể kéo dài. Việc hàng ngày của ta, không được quên, là nâng cao dân trí. Dân trí càng được nâng cao bao nhiêu thì sự chuyển đổi sẽ càng thuận lợi bấy nhiêu. Thời cơ đến, việc mới thành. Chuẩn bị tốt thì thành tốt”.

Thời cơ mà ta chờ đợi sẽ đến, bao giờ cũng bất ngờ, lịch sử vốn thế, nhưng nó sẽ đến, tất yếu sẽ đến, bởi nó là quy luật của muôn đời.

Như nó đã từng xảy ra cùng với sự kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai bất ngờ đưa lại nền độc lập cho các nước thuộc địa.

Như nó đã đến với sự sụp đổ không thể nào đoán trước của cường quốc Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Nó sẽ đến, như Trần Độ mong ước. Như chúng ta cùng mong ước với anh.

Ở thế giới bên kia, hẳn anh sẽ mỉm cười.

Vũ Thư Hiên / Đàn Chim Việt

Sử gia Mỹ nhận định về Tập và Putin

(Stephen Kotkin là con trai của một gia đình công nhân tại New York. Ông dành nhiều năm trời nghiên cứu trong viện lưu trữ Soviet. Ông tiếp cận thông tin từ bản gốc. Nay ông là giáo sư lịch sử tại Đại học Princeton, Đại học Standford, và Học viện Hoover. Ông là tác giả của chín cuốn sách đồ sộ về Liên Xô trong đó có bộ tiểu sử Joseph Stalin ba tập. Đây là mục “Năm câu hỏi dành cho Stephen Kotkin” của của chương trình “Uncommon Knowledges” (Những kiến thức quý hiếm), thuộc Hoc viện Hoover, được thực hiện sau ngày Nga xâm lược Ukraine. Bài gần mười ngàn từ gồm 5 câu hỏi. Tôi chỉ lược dịch câu hỏi 1, 2 về Tập và Putin, để hiểu thêm những sự kiện mà chúng ta đang chứng kiến. Tựa tạm đặt.)

Peter Robinson hỏi: Năm câu hỏi cho ông Stephen Kotkin. Câu thứ nhất về Trung Quốc. Ông và tôi đã có những buổi trao đổi cách nay ba/bốn năm. Tôi nhận ra: Ông đã vùi đầu trong những kho lưu trữ Soviet lâu hơn bất cứ người nào khác. Tôi hỏi: Ông tìm thấy cái gì là tâm điểm trong đó? Ông không do dự trả lời: “Họ là những người cộng sản chính cống.” Những lãnh tụ Liên Xô thực sự tin rằng họ sẽ xây dựng thành công cuộc cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Vậy, Tập Cận Bình có tin điều này không, và ông ấy muốn gì?

Stephen Kotkin trả lời: Chúng ta mất vài năm vì Covid. Thật vui khi gặp lại. Cảm ơn Peter có lời mời.

Tập Cận Bình, cũng giống như tôi, khi đang là sinh viên thì Liên Xô sụp đổ. Tập dành nhiều thời gian để tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao Liên Xô sụp đổ? Tập khẳng định: Điều này sẽ không thể xảy ra ở TQ, và viết thành một giáo trình giảng dạy trong hệ thống trường đảng. Đây là nguyên nhân đã thúc đẩy tôi viết cuốn “Armageddon Averted” – Đề phòng ngày sụp đổ.

Bạn không thể là người vô sản được, nếu bạn sở hữu tài sản. Vậy, chỉ có thể độc quyền hoặc không có gì cả.

Khi bạn kêu gọi đổi mới tức là: Mở cửa kinh tế và tự do chính trị. Tự do chính trị là mọi người có quyền thảo luận các vấn đề chính trị, về nội bộ đảng, và các đảng phái khác. Té ra, rất nhiều người muốn đa đảng. Thậm chí, nhiều đảng viên cộng sản muốn ra khỏi đảng. Bằng chứng là những cuộc nổi dậy ở Hungary năm 1956, ở Tiệp năm 1968, và ở Liên Xô thời Gorbachev.

Tập đã thấy rõ điều này, nên không có chuyện cải tổ chính trị. Không có một điểm tựa nào để bắt đầu một cuộc cải cách chính trị mà vẫn giữ được sự ổn định. Bạn chỉ cần rút một sợi chỉ trong chiếc áo thun, là hỏng cả cái áo. Vậy đừng mơ tới chuyện cải tổ chính trị trong hệ thống cộng sản, trừ khi bạn muốn tự sát. Tôi đã giải thích rõ trong cuốn “Armageddon Averted” – Đề phòng ngày sụp đổ – Đây là khẩu hiệu mà cả cuộc đời Tập theo đuổi.

Nhiều người cho rằng: Mở của kinh tế và hội nhập toàn cầu sẽ tiến tới cải cách chính trị. Bởi vì, hội nhập và tăng trưởng dẫn tới tầng lớp trung lưu ra đời. Tầng lớp này sẽ đòi hỏi thêm nhiều quyền công dân, và hình thành lên một nền tảng pháp lý, pháp trị.

Trung Quốc không dám làm, mà nếu làm thì sẽ là lời “Vĩnh biệt.” Đã có nhiều người đùa giỡn đòi cởi mở chính trị, mong có một Gorbachev của Trung Quốc. Không thể có! Bởi vì, đảng chỉ lựa chọn những người bảo thủ, cố bám quyền lực, và loại bỏ những người có tư tưởng cải cách. Họ rất sợ sự kiện ở Hungary năm 1956, ở Tiệp năm 1968, và thời Gorbachev.

Hãy nhớ lại câu chuyện xảy ra trước khi Gorbachev lên nắm quyền. Mikhail Suslov là một nhà khoa học, đứng đầu ngành tuyên giáo, xếp thứ hai trong chính quyền Soviet, chỉ sau Brezhnev. Có lần Brezhnev hỏi Suslov: Hay là, chúng ta nên cởi mở hơn, bớt kiểm duyệt đi. Suslov trả lời: Ông có ngon thì làm đi! Nhưng ai sẽ mang xe tăng vào Moscow để cứu ông.

Như tôi đã nói ở trên. Tập là một sinh viên, đã chứng kiến và nghiên cứu toàn bộ quá trình sụp đổ của Liên Xô, rồi viết ra một giáo trình phổ biến trong nội bộ đảng. Bản tiếng Hoa đã lọt ra ngoài. Đó là nguồn tư liệu để tôi viết cuốn “Armageddon Averted” – Đề phòng ngày sụp đổ.

Không thể cải cách kinh tế trong hệ thống độc đảng được. Bạn tưởng: bạn có thể đi đến tận cùng của cải cách kinh tế ư? Dân giàu lên. Dân sẽ độc lập với chính trị. Dân đòi mở cửa, đòi nhiều quyền tự do. Thử coi, Trung Quốc có dám làm.

Nếu mở cửa kinh tế thực sự nghĩa là: Cho phép đầu tư; tự do kinh tế tư nhân; hợp pháp hóa thị trường; công nhận quyền sở hữu. Tất cả những điều này là là ngược lại với mô hình kinh tế Lenine, trái với tư tưởng chủ nghĩa Mark. Đây là một đòn chí mạng vào tính chính danh của đảng.

Khi họ nói đổi mới kinh tế nghĩa là chỉ mở cửa he hé thôi. Bằng chứng là những cuộc đàn áp liên miên vào khu vực kinh tế tư nhân. Họ đang tìm cách cài cắm đảng viên vào công ty tư nhân, đưa khu vực tư nhân vào quỹ đạo của đảng.

Peter Robinson hỏi: Xin hỏi thêm ông. Năm 2013, Tập Cận Bình phát biểu: “Nhiều người cho rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là ảo tưởng. Nhưng thực tế đã chứng minh học thuyết Marx – Engels là không lạc hậu. Chủ nghĩa tư bản đang đến hồi cáo chung.” Câu nói của Tập được nhiều người viện dẫn trong những năm gần đây. Tôi biết, đây chỉ là câu nói để cố bám quyền lực. Thế nhưng nắm quyền để đi đến đâu? Bởi vì chúng ta chứng kiến sự kết thúc của chế độ Soviet.

Stephen Kotkin trả lời: Chúng ta cho rằng: Họ là những người hoài nghi, chỉ tin vào ý thức hệ cộng sản Leninist. Không đâu! Họ lanh lợi lắm. Họ đã tự hợp hiến hóa, hợp pháp hóa chủ nghĩa cộng sản bằng những lời hùng biện dài dòng và hoa mỹ. Họ nhận ra sự sụp đổ của Liên Xô. Họ nhận ra sự thành công của thị trường toàn cầu, nhưng họ vẫn làm như cũ.

Mối đe dọa to nhất và nguy hiểm nhất của chủ nghĩa cộng sản là ý thức hệ cộng sản. Ý thức hệ cộng sản rất tinh khôn, có lúc đã biến thái thành chủ nghĩa ảo tưởng, và sinh ra những con người ảo tưởng. Vì ảo tưởng, nên họ tin tưởng họ sẽ thắng.

Họ lý luận rằng: Những sai lầm trước đây là do cá nhân lãnh đạo. Không phải lỗi của hệ thống. Không phải lỗi của ý thức hệ. Stalin có thể sai; Mao có thể mắc lỗi; nhưng ý thức hệ cộng sản thì tuyệt đối đúng. Bây giờ, họ là người đổi mới. Họ có khả năng sửa sai. Họ sẽ làm tốt hơn. Họ sẽ xây dựng thành công CNXH. Andropov và Tập ra đời trong hoàn cảnh này.

Tập rất ứng biến. Tập duy trì độc đảng. Tập mâu thuẫn với nhóm cải cách. Bởi vì, nếu nhóm cải cách đúng thì nguy cho Tập. Nên Tập, một tay tuyển lựa những người cùng phe cánh, còn tay kia loại bỏ và đàn áp kinh tế tư nhân.

Đây là một ẩn số khổng lồ: Loại bỏ, đàn áp kinh tế tư nhân là đồng nghĩa với loại bỏ tăng trưởng. Loại bỏ tăng trưởng là nguy cơ không công ăn việc làm, mất ổn định xã hội. Đây sẽ đòn chí mạng mà Tập phải trả giá cho sự “ổn định.”

Hãy tạm công nhận những thành tích của họ. Kinh tế tăng trưởng liên tục trong mất thập kỷ. Đưa nhiều người ra khỏi cảnh nghèo đói. Mở cửa khu vực kinh tế tư nhân. Tạo ra phép màu cho kinh tế toàn cầu v.v. Tôi có thể đi sâu, phân tích lĩnh vực này một cách chính xác rằng đảng có xứng đáng nhận những lời khen này không? Hay, thực sự là công lao của toàn xã hội. Nhưng thôi! Gác chuyện này lại. Hồn cốt của câu chuyện sẽ nằm ở phần “tái phân bổ thu nhập.”

Trở lại câu chuyện: Nhà nước điều khiển toàn bộ nền kinh tế. Nhà nước sở hữu mọi công ty. Nhà nước kiểm soát khu vực tư nhân. Đảng đưa người vào trong công ty tư nhân. Thế thì làm sao kinh tế tư nhân phát triển được. Nên nhớ, chỉ có khu vực kinh tế tư nhân mới đóng vai trò tăng thu nhập, tăng GDP, sáng tạo việc làm, cải thiện xã hội. Kinh tế nhà nước đóng góp rất nhỏ. Chúng ta đang chứng kiến kinh tế TQ đứng im, hoặc phát triển chậm.

Chúng ta cho rằng câu nói của Tập vào năm 2013 mà ông vừa trích dẫn chỉ là thứ chủ nghĩa hoài nghi ư? Không! Đó là điểm yếu nhất của Tập. Tập đang tự đào mồ chôn mình. Chẳng có kẻ thù nào to hơn, nguy hiểm hơn bằng kẻ thù ý thức hệ do chính Tập sinh ra.

Peter Robinson hỏi: Câu hỏi thứ hai. Cùng câu hỏi về Chủ tịch Tập nhưng bây giờ áp dụng cho Tổng thống Nga. Putin tin vào điều gì và ông ấy muốn gì?

Stephen Kotkin trả lời: Tất cả chúng ta đều muốn biết lời giải cho câu hỏi này. Peter ơi! Giá mà tôi có một cơ hội ngồi với Putin trước máy quay phim như là ông và tôi đây nhỉ. Chúng ta từng được nghe Oliver Stones phỏng vấn Putin. Putin từng có một bài phát biểu đầy sóng gió trước Hội nghị An ninh Munich, 2007. Nên chúng ta lờ mờ cảm nhận được Putin muốn gì. Putin cứ bắt chúng ta phải đoán mò. Nếu ông cho phép, tôi xin đưa ra vài giả định.

Peter Robinson: Stephen! Xin mời. Ông là người nói hay nhất về đề tài này.

Stephen Kotkin: Oh, ông quá khen!

Đế chế Áo, Hung, Ottoman lần lượt sụp đổ, không thể hồi sinh. Thế chiến I kết thúc, Đế chế Nga cùng nền quân chủ bị xóa sổ. Cách mạng Nga bùng nổ. Ai cũng cho rằng Đế quốc Nga đã bị kết liễu. Nhưng, tất cả đã lầm. Đế chế Nga sống lại, và trở lại rất sớm chỉ trong vòng một thế hệ với nền công nghiệp hùng mạnh và hệ thống quốc tế khó ai có thể lờ đi.

Thế chiến I kết thúc với Hiệp ước Versailles ra đời để trừng phạt Đức. Hãy nhớ: Đức thua ở mặt trận Tây Âu, nhưng thắng ở mặt trận Đông Âu. Ba Lan, Lithuania, Latvia, và Estonia tuyên bố độc lập. Hiệp ước Versailles công nhận nền độc lập của những quốc gia này. Nga không đồng ý, đòi xé bỏ Hiệp ước Versailles, ép buộc Đức phải công nhận thua ở cả hai mặt trận Đông và Tây Âu để giành lại phần đất Ukraine đang thuộc về Ba Lan. Nga một mặt chuẩn bị các phương tiện chiến tranh, mặt khác yêu cầu thay đổi nội dung Hiệp ước Versailles, đòi vẽ lại bản đồ Âu châu.

Đến năm 1991, Liên Xô sụp đổ. Mỹ tuyên bố chiến thắng cuộc Chiến tranh lạnh. Liên hiệp Âu châu đông tiến. NATO đông tiến. Lãnh thổ Nga vào năm 1991 nhỏ hơn cả lãnh thổ Nga năm 1918. Bill Clinton đẩy NATO rộng thêm. George Bush cũng làm như vậy. Chúng ta đã thấy lãnh thổ NATO hôm nay. Có đáng ngạc nhiên không! Siêu cường Nga gây chiến, đòi vẽ lại bản đồ Âu châu.

Thiên hạ giả định nhiều thứ lắm: Nào là Nga gần gần gũi với Âu châu cả về địa lý và văn hoá. Nga có nền kinh tế thị trường, có sở hữu tài sản tư nhân, giới trung lưu đang phát triển. Nga dễ hội nhập với Tây Âu. Nga dễ trở thành một quốc gia dân chủ v.v. Nhưng tất cả không xảy ra. Bởi vì Nga tự khoác cho mình một khát vọng đặc biệt, một quốc gia đặc biệt, một sứ mạng đặc biệt, một nền quân sự đặc biệt, một siêu cường thiên bẩm đặc biệt.

Nga đòi thay đổi sự hiện hữu. Nga đục bỏ những phần lịch sử mà Nga không thích. Những gì họ đang làm hôm nay cũng giống như họ đã làm trước đây. Putin là như thế. Tất cả những gì về Putin đã được bộc lộ. Putin muốn thay đổi trật tự. Putin muốn xóa bỏ hiệp ước. Putin chỉ ký các hiệp ước theo ý riêng. Nếu không được là ra đòn. Chúng ta đã thấy trước. Nó đã xảy ra nhiều rồi. Có điều nó xảy ra dưới những chính thể khác nhau.

Chính quyền Putin không giống chính quyền của Stalin. Stalin thuộc vào nhóm nhỏ gồm Hitler và Mao. Putin không thuộc nhóm này. Hy vọng, Mỹ và Phương Tây có thể giải quyết vấn nạn qua con đường ngoại giao.

Peter Robinson hỏi: Chúng ta đang ở câu hỏi thứ hai. Tôi muốn hỏi thêm ông một chút về Tập Cận Bình. Ông vừa nói là có một số người thực sự tin vào chủ nghĩa cộng sản là đỉnh cao nhất của nhân loại, không phải chỉ ở TQ, mà cho toàn thế giới. Vậy Putin có tin điều này không?

Stephen Kotkin trả lời: Putin không phải là người cộng sản. Putin theo đuổi chủ nghĩa dân tộc. Tập thừa hưởng từ chính quyền cộng sản, nên Tập giữ chính quyền bằng cách phát động chủ nghĩa dân tộc.

Chính quyền Nga hiện nay là của riêng Putin. Có những bộ phận của chính quyền không hoàn toàn hợp hiến. Chúng ta không biết nó vận hành thế nào. Bởi vì, càng lên cao nó càng hẹp lại. Hẹp đến mức hẹp nhất trong lịch sử Nga. Nên chúng ta không có thông tin.

Còn điều này thì chúng ta đã biết. Putin rất sợ dân Nga. Chính quyền Nga rất sợ sức mạnh Mỹ. Nga sợ sức mạnh Mỹ hơn cả người Mỹ tự hào về nước Mỹ. Nga rất sợ Mỹ quảng bá và ủng hộ các nền dân chủ. Hệ thống dân chủ Phương Tây là mối đe dọa lớn cho cả Nga và Trung Quốc.

Chúng ta là tấm gương của một nền dân chủ; tất nhiên, chưa hoàn hảo. Hong Kong là một mối đe dọa. Taiwan là mối đe dọa. Mỹ là mối đe dọa. Mỹ không cần phải quảng bá cho nền dân chủ, nhưng vẫn là mối đe dọa. Vậy, họ đáp trả mối đe dọa này thế nào?

Họ đáp trả bằng cách chia rẽ đất nước, chia rẽ các đồng minh. Họ làm cho chúng ta yếu đi bằng cách chúng ta không thể nhận ra sức mạnh của chính mình. Sự thực, chúng ta có quân đội tốt hơn, có hệ thống tài chính tốt hơn, có nhiều cơ chế sửa sai, có thị trường năng động, có nền kinh tế tư nhân vững, có cơ chế sáng tạo việc làm, khắc phục khủng hoảng. Chúng ta có tất cả những thứ mà Nga và TQ không có.

Nhiều lúc, chúng ta quên cả những gì chúng ta đang có. Họ biết rõ, và tấn công vào điểm này. Chúng ta có đồng minh. Họ tìm cách chia rẽ đồng minh. Chúng ta có nền pháp trị. Họ bảo nền pháp trị là không công bằng, tham nhũng. Họ tuyên truyền bôi xấu. Nhưng đừng bận tâm. Không có gì để sợ. Thậm chí, tôi còn trông đợi họ làm như vậy.

Điều làm cho tôi hơi sợ là chính người Mỹ. Khi chúng ta gièm pha các thể chế Mỹ, gọi siêu cường Mỹ là đế quốc. Ngay lập tức những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga và TQ chộp lấy và tố cáo chúng ta đã đầu thú. Tuy vậy, chẳng có người Nga hay người Tàu nào có thể tàn phá được nước Mỹ. Chỉ có người Mỹ mới có thể làm hỏng được nước Mỹ thôi.

(Câu hỏi 3, 4, và 5 về chiến tranh và nước Mỹ, về lòng yêu nước và tính chuyên nghiệp, về thế hệ trẻ và nền giáo dục, về thu nhập và cơ hội trên đất Mỹ. Nền giáo dục là xương sống, là nền tảng, là sự sống còn của một quốc gia. Stephen bảo: đừng phấn đấu để đạt được sự công bằng trong thu nhập, mà phải phấn đấu để có sự công bằng trong cơ hội. Ông ước mơ nước Mỹ nên có đảng thứ ba tạm gọi là Đảng Cơ hội Mỹ. Trong bài giảng lịch sử cho sinh viên, Stephen Kotkin nói: Nếu kẻ thù bên ngoài tàn phá đất nước, đất nước sẽ được xây dựng lại. Nhưng nếu người phá từ bên trong, thì đất nước đó lụi bại.)

Peter Robinson: Tạm biệt Stephen Kotkin, tiến sỹ sử học, người yêu nước nồng nàn, và cũng là người phải đóng thuế rất cao.

Trần Gia Huấn /Canada /Đàn Chim Việt