Mùa thu bình yên ở vùng sông nước Bỉ

BỈ – Thu sang, cây cối đồng loạt chuyển màu đỏ và vàng làm cho khung cảnh vùng sông nước tại đây như một bữa tiệc thịnh soạn cho đôi mắt.

Sinh sống ở vùng Wallonie (khu vực chủ yếu nói tiếng Pháp ở miền nam nước Bỉ), chị Trương Thị Phước Vân, 45 tuổi, cho biết thời điểm này đang là một trong hai mùa đẹp nhất nơi đây. Mùa thu bên này thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. “Lá vàng hòa với các dòng sông uốn quanh đồi núi tạo nên phong cảnh hữu tình, đã đến đây sẽ chẳng muốn về”, chị Vân nói.

Điểm đặc trưng tại đây là nhiều đồi núi uốn lượn quanh co và hệ thống sông ngòi chằng chịt. Cảnh sắc mùa thu đã làm cho không gian này thêm phần nên thơ.

Tại vùng quê của chị Vân có rất nhiều tòa lâu đài đẹp như Spontin, Freyr, Veves, Walzin… Trong hình là lâu đài Walzin bên sông Lesse gần Dinant, tỉnh Namur. Lâu đài được xây dựng vào thế kỷ 13, hiện thuộc sở hữu tư nhân nên khách chỉ có thể quan sát từ xa.

Non nước, mây trời và cây cối ở công viên Loise-Marie tạo nên bức tranh động lòng người. Công viên này rất nổi tiếng trong cộng đồng người nói tiếng Pháp ở Bỉ.

Một góc từ trên cao nhìn xuống khung cảnh hữu tình vùng Yvoir, tỉnh Namur.

Rất nhiều người yêu thể thao đến Namur để có thể chơi xe đạp địa hình, chạy bộ, cho đến các hoạt động trên sông nước như du thuyền hoặc chèo kayak.

Những rặng phong trút lá trước lâu đài vua Bỉ đang là địa điểm thu hút nhiều khách tham quan.

Vào thu, hầu hết các cây phong, cây sồi, cây hạt dẻ, liễu, tần bì, bạch dương núi… đều thay lá. Khu rừng Malonne bao phủ bởi một màu cam đỏ, mang đến vẻ đẹp siêu thực.

Chị Vân cho biết, nếu đến thăm vùng Wallonie thì nên đến Thành cổ Namur, vùng Yvoir và Dinant ngay cạnh. Ở Dinant có bảo tàng Adolphe Sax, người sáng tạo ra cây kèn saxophone. Ngoài ra bạn cũng nên ghé thăm Grotte de Dinant La Merveilleuse (hang động “tuyệt đẹp”) hay Nhà trưng bày bia Leffe nổi tiếng ngon của Dinant.

Một khi được đến đây vào thu, được nhìn ngắm núi đồi, thung lũng thơ mộng, những khu rừng, những lâu đài trong nắng vàng yên ả, bạn sẽ hiểu vì sao vùng này được xem là “viên ngọc quý” của Bỉ.

Những người yêu thích nhiếp ảnh hẳn sẽ mỏi tay bấm máy, bởi mỗi lần di chuyển đôi mắt là lại như thấy một bức tranh rực rỡ sắc màu.

Chị Phước Vân cho biết ở làng Yvoir nơi chị sinh sống có rất ít người Việt nên chị mong muốn chia sẻ bộ ảnh này để nhiều người Việt biết đến và ghé thăm.

Phan Dương /Ảnh: Phước Vân

Dưới chân có 1 “công tắc giấc ngủ”, ấn vào mỗi ngày sẽ ngủ ngon cả đêm: Còn thêm dưỡng thận, tốt cho đàn ông

Ít ai biết dưới chân có 1 "công tắc giấc ngủ", ấn vào mỗi ngày sẽ ngủ ngon cả đêm: Còn thêm dưỡng thận, tốt cho đàn ông
Thức khuya là một thói quen xấu mà nhiều người thường mắc phải hiện nay, đặc biệt là một số bạn trẻ. Tuy nhiên đối với nhiều người, dù không muốn thức khuya nhưng họ lại “buộc” phải thức khuya vì nhiều lý do khác nhau.

Những người này thường xuyên bị mất ngủ, mặc dù rất thèm ngủ nhưng lại khó có thể an giấc. Nếu tình trạng bị mất ngủ kéo dài và chất lượng giấc ngủ kém, điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác nhau cho cơ thể. 

Chẳng hạn, trong ngày cũng sẽ có biểu hiện thường xuyên mất tập trung, suy kiệt về thể chất và tinh thần, suy nhược, giảm sức đề kháng và khả năng miễn dịch. Vì vậy, việc phòng và điều trị bệnh mất ngủ có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống và sức khỏe.

Mất ngủ có phải do thận yếu hay không?

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng nếu căng thẳng quá nhiều trong cuộc sống sẽ gây ra mất ngủ, nhưng thực tế, mất ngủ và sức khỏe thể chất cũng có mối quan hệ mật thiết với nhau. 

Theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Quốc, thận cũng là một yếu tố quan trọng gây ra chứng mất ngủ khó chữa. Nếu thận yếu, không kịp thời điều chỉnh và khai thông kinh mạch sẽ gây ra tình trạng mất ngủ. Triệu chứng chính của chứng mất ngủ do thận dương hư là đau lưng, lưỡi đỏ, sáng sớm thức dậy, khó ngủ vào ban đêm, khó ngủ, khô mắt.

Nếu bạn cũng có những biểu hiện này thì việc uống thuốc ngủ chỉ là giải pháp tạm thời. Việc nuôi dưỡng thận là quan trọng nhất. 

Ít ai biết dưới chân có 1 công tắc giấc ngủ, ấn vào mỗi ngày sẽ ngủ ngon cả đêm: Còn thêm dưỡng thận, tốt cho đàn ông - Ảnh 1.
“Công tắc giấc ngủ” nằm dưới lòng bàn chân

Trên bàn chân có 2 huyệt được coi là “công tắc” có thể giúp giấc ngủ đến tự nhiên hơn, đồng thời còn nâng cao sức khỏe.

Huyệt tam âm giao

Huyệt tam âm giao nằm ở mặt trong chân của bạn, ngay phía trên mắt cá chân.

Chính bởi vị trí huyệt là điểm giao thoa của cả 3 đường kinh âm ở chân là Can – Tỳ – Thận, giúp cho huyệt đạo tác động trực tiếp đến cả 3 cơ quan này, mang tác dụng dưỡng âm. 

Cụ thể, nó giúp hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa khí huyết và thông khí trệ, giúp hạ tiết, điều hòa chức năng hoạt động của kinh bàng quang. Bởi vậy huyệt thường được sử dụng trong điều trị các bệnh về hệ tiết niệu, sinh dục. 

Theo y học cổ truyền, sự kết hợp của huyệt tam âm giao và huyệt túc tam lý sẽ có tác dụng trị chứng mất ngủ rất hiệu quả. Bởi chứng mất ngủ thường có nguồn gốc từ âm huyết, hao tổn khí lực làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Khi tác động vào hai huyệt đạo này cùng lúc sẽ giúp khí huyết lưu thông, nhờ đó bạn sẽ “ăn ngon, ngủ kỹ” hơn.

Ít ai biết dưới chân có 1 công tắc giấc ngủ, ấn vào mỗi ngày sẽ ngủ ngon cả đêm: Còn thêm dưỡng thận, tốt cho đàn ông - Ảnh 2.

Cách bấm huyệt giúp bạn ngủ ngon: Xác định vị trí huyệt bằng cách đặt 4 ngón tay phía trên mắt cá chân (giống trong hình minh họa phía trên). Áp dụng một lực mạnh một chút vào huyệt, mát xa với chuyển động tròn hoặc lên xuống trong 4 đến 5 giây.

Tuy nhiên, đặc biệt lưu ý không ấn vào huyệt này nếu cơ thể đang mang thai, vì huyệt điểm này liên quan đến việc kích thích sinh con.

Huyệt dũng tuyền

Huyệt dũng tuyền nằm ở gan bàn chân của bạn. Đây là một điểm tuyệt vời trong việc điều chỉnh các vấn đề về thận và tim. Mà theo y học cổ truyền, sự hài hòa giữa thận và tim là điều kiện tiên quyết để có một tinh thần ổn định và điềm tĩnh. 

Tâm hỏa làm nóng thủy của thận. Khi ngọn lửa của trái tim không còn được kiểm soát, gây ra một loạt các rối loạn cảm xúc, chẳng hạn như mất ngủ, bồn chồn, mất trí nhớ, có xu hướng sợ hãi, giận dữ hoặc những rối loạn nặng hơn. 

Vì vậy, bấm huyệt dũng tuyền có tác dụng trấn tĩnh cực kỳ mạnh mẽ, được sử dụng trong các trường hợp chữa mất ngủ cũng như chữa lo lắng căng thẳng hoặc các bệnh tâm thần như chứng hưng cảm.

Ít ai biết dưới chân có 1 công tắc giấc ngủ, ấn vào mỗi ngày sẽ ngủ ngon cả đêm: Còn thêm dưỡng thận, tốt cho đàn ông - Ảnh 3.

Cách bấm huyệt giúp bạn ngủ ngon: Nằm ngửa với đầu gối cong để bàn tay của bạn có thể chạm tới chân, dùng lòng bàn tay tay trùm lên các ngón chân của bạn, đầu ngón tay chạm tới huyệt dũng tuyền. Ấn và xoa bóp huyệt này trong một vài phút bằng các chuyển động tròn hoặc lên xuống.

Kích thích huyệt này sẽ tạo năng lượng giúp bạn thoải mái và dễ ngủ hơn.Khi thực hiện, lưu ý không để dùng quá nhiều lực. 

Ngoài xoa bóp bấm huyệt, bạn cũng cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống, lối sinh hoạt lành mạnh để thúc đẩy giấc ngủ. Có thể sử dụng các loại thực phẩm hữu ích cho giấc ngủ như sữa, quả anh đào, chuối, khoai lang…

Phương Thúy / Trí thức Trẻ

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes viết về xứ Đàng Ngoài: Chuyện hôn nhân

Chế độ đa thê vẫn còn là thông lệ ở nước này, nơi những kẻ quyền quý không ai bị truy tố hay bị trừng phạt nếu lấy vợ bé; hoặc giữ vợ cả như những người có thế giá thường làm, hoặc bỏ vợ cả như thỉnh thoảng xảy ra nơi dân chúng.

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes viết về xứ Đàng Ngoài: Đám cưới riễn ra thế nào?

Phép thử rể tương lai

Về hôn nhân, tất cả thường theo cách thức như sau: cha mẹ đôi bên bắt đầu đề cập tới khế ước hôn nhân, ngay khi con cái còn nhỏ dại và còn ít tuổi, mặc dù thủ tục đầu tiên luôn luôn bắt đầu từ bên nhà trai. Họ muốn làm thông gia với một gia đình khác cùng ngang hàng với mình, thì họ nhờ một đệ tam nhân đến hỏi bên nhà gái xem có bằng lòng gả con gái cho con trai mình không. Nếu bằng lòng thì bên nhà trai sẵn sàng chính thức đề cập tới. Họ đến nhà gái mang theo phẩm vật và tiền cưới tùy theo gia cảnh. Khi đã nhận sính lễ thì sự hứa hôn được công nhận và kể từ lúc này hai bên không được tự ý từ chối trừ khi có lý do quan trọng.

Bố vợ tương lai có thể tìm hiểu phong cách, giá trị tinh thần và thân thế người rể tương lai. Ông đòi người rể tương lai đó vừa tới tuổi trưởng thành phải đến ở nhà mình. Ông giao cho công việc làm để thử, việc nhà cũng như việc ở ngoài. Nếu trong cuộc thử này, ông thấy có tính nết xấu, không có giáo dục, lười biếng và không biết cách quán xuyến thu xếp công việc nhà thì bấy giờ theo lương tri và thông tục cho phép, ông trả lại nhà trai cùng với tiền bạc đã nhận trước đây. Còn trái lại nếu ông hài lòng thì sau cuộc thử này ông giữ lại một hay hai năm hoặc lâu hơn, nếu con gái chưa tới tuổi lấy chồng.

Tiến hành hôn lễ

Trước hết phải thông báo cho cả họ hàng bên nhà trai cũng như bên nhà gái để xem có cản trở về huyết thống do luật nước cấm. Vì con của hai anh em, các cháu ở cấp nào tuy xa cũng không bao giờ được lấy nhau. Các cháu của anh em trai và chị em gái thuộc ba đời thì có thể lấy nhau, nhưng trong hai đời thì không được. Còn con của hai chị em gái có thể lấy nhau tuy mới có hai đời.

Khi đã báo tin cưới cho tất cả họ hàng gần (những người này không quên gửi quà tới cho buổi lễ thêm phần long trọng) thì cũng phải đưa tin cho quan cai trị và những vị kỳ hào nơi mình ở, cũng mời họ đến dự tiệc cưới vào một ngày đã chỉ định. Việc thông tin công cộng này thay cho việc thông báo chính thức và là việc rất cần thiết, vì nếu bỏ thì coi như không có phép cưới và không chính thức thành phép, có khi còn bị pháp luật và tục lệ trong nước trừng phạt như thể làm trộm vụng. Thế nên có thể biết rằng những hôn nhân trộm vụng đều bị truy tố, ngay cả nơi lương dân.

Xong các việc này rồi thì chú rể vì phải chịu tiền cưới xin cho cô dâu nên đem số tiền hai bên đã thỏa thuận đến nhà gái. Nhà gái không được giữ tiền, phải dùng tất cả vào việc sắm sửa áo quần và đồ dùng cho cô dâu. Dẫu sao để cho phải phép lịch sự thì ông bố thường cho con gái thêm tiền, tùy gia cảnh, để con đem theo về nhà chồng. Vì thực ra để sắm sửa thì đã dùng một phần ở tiền cưới đem tới từ hôm trước với nghi thức long trọng và cảnh trí tưng bừng, có những người thế giá nhất đến dự, nếu đôi tân hôn thuộc dòng họ sang giàu. Còn nếu là thường dân thì tất cả làm trong ngày cô dâu được đón về nhà chú rể.

Đoàn rước dâu về nhà trai, đứng vây quanh bàn thờ tổ tiên dựng ở phòng tiệc có hương hoa thơm phức. Ở đây bố chồng (hay người chú bác nếu bố chết) quỳ trước bàn thờ và cô dâu chú rể quỳ hai bên, ông thưa với tổ tiên: “Thưa thân phụ rất đáng kính, hôm nay cháu trai cưới cháu gái Mỗ… này và chính thức nhận làm bạn trăm năm, xin chứng kiến cho các cháu và phù hộ cho các cháu được hạnh phúc, sống lâu hòa hợp, được khang cường, hoan lạc và thịnh vượng, xin cho các cháu sinh con xinh đẹp, khỏe mạnh, ngoan ngoãn và đức hạnh làm cho cha mẹ vui mừng và sung sướng. Để tỏ niềm vui trong dịp cưới xin này, chúng con sửa mâm cỗ xin mời song thân trước hết làm gia chủ chứng kiến cho và xin phù hộ trước hết cho hai cháu tân hôn”. Khấn xong là vào tiệc. Hôn nhân chính thức thành và bền chặt, nhất là về phía người vợ, không bao giờ được bỏ nhà hay bỏ chồng, mặc dù người chồng được giữ quyền bỏ vợ vì một nết xấu vô danh nào đó hoặc vì thay lòng đổi dạ hay chán ghét.

Điều này ít thấy nơi dân nghèo khó, vì nơi kẻ quyền thế, họ thường lấy nhiều vợ, thế nên khá ít người bỏ vợ khi có bất hòa hay vì thay lòng đổi dạ. Thực ra theo luật nước này thì cấm người đàn bà có chồng không được lấy chồng khác.

Khi một trẻ vừa lọt lòng mẹ thì người ta dùng mực hay phẩm hồng vạch hình thập tự trên trán. Lần đầu tiên tôi thấy vẽ trên trán đứa bé, tôi đã hỏi cha mẹ vì cớ nào họ làm như vậy. Họ trả lời là để cho ma quỷ (thù địch của đứa bé) không làm hại trẻ hay gây tai họa cho đứa bé. Tôi gạn hỏi thêm xem họ biết tại sao hình đó có phép trừ tà ma thì họ không thể đáp gì hơn là họ giữ một tục lệ có từ lâu đời mọi người trong nước này đều làm.

Tác giả: Alexandre De Rhodes.

Nguồn: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội.

Theo THANH NIÊN ONLINE

Phương Tây nói về điểm yếu của Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình

Sau 40 năm cải cách, mở cửa, không thể phủ nhận Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong “Thời đại Tập Cận Bình” các nhà bình luận nước ngoài cho rằng, nước này cũng đang bộc lộ những điểm yếu “cốt tử”. Đặc biệt, khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra, thì những hạn chế ngày càng bộc lộ rõ nét. Đánh giá thực trạng, các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc đang phạm phải những “sai lầm” nguy hiểm. Theo đó, hình ảnh về một người “khổng lồ cô độc” đang hiện dần trên “đại lục” đông dân nhất địa cầu.

Phương Tây nói về điểm yếu của Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình

Tổng hợp và biên tập: TS Nguyễn Đình Thiện, Học viện Chính trị CAND; CN Vũ Mã Sơn, Công an huyện Hải Hà – Quảng Ninh.

1. Từ bỏ sách lược “Giấu mình chờ thời”, Trung Quốc đang tự “cường điệu hóa quá mức” gây “ngộ nhận” về sức mạnh

Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, đại đa số trong giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng nước này đã vượt qua giai đoạn “giấu mình chờ thời”, bộc lộ mình là cường quốc, có khả năng sắp xếp lại “bàn cờ” gánh vác trọng trách “lãnh đạo” thế giới. Niềm tin đó được thể hiện rõ khi Chính phủ Trung Quốc công bố Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” để phát triển các tuyến thương mại giữa phía Đông và phía Tây, đồng thời bày tỏ lập trường cứng rắn trong các vấn đề lãnh thổ như Biển Đông và Đài Loan. Giáo sư kinh tế Hu Anngang hiện làm việc tại Đại học Thanh Hoa – chuyên gia về “chủ nghĩa đặc biệt của Trung Quốc” là một trong những tiếng nói nổi bật ủng hộ quan điểm: Trung Quốc đã đạt được “quyền lực quốc gia toàn diện”.

Ông thường rao giảng và cường điệu sức mạnh kinh tế, quân sự và khoa học công nghệ của Bắc Kinh trên mọi diễn đàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Hu phải đối mặt với làn sóng phản đối công khai bởi nhiều người cho rằng chính ông là người đã khiến Mỹ và phương Tây trở nên thận trọng với Trung Quốc và khiến nhiều người lầm tưởng về sức mạnh của nước này. Trung Quốc không mạnh, những điểm mạnh là do cường điệu hóa quá mức mà có. Theo họ, Trung Quốc cần phải tiếp tục “giấu mình chờ thời”, “lặng lẽ phát triển”, cải thiện kết cấu kinh tế, tiến hành cải cách theo hướng thị trường hóa mạnh mẽ… thì nền móng kinh tế của Trung Quốc sẽ vững chắc hơn.

Nhưng Tập Cận Bình đã đi ngược chiều hướng này. Trong hơn 5 năm qua, không những không tiến hành cải cách kết cấu kinh tế mang tính thực chất, mà còn ra sức hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, khiến kết cấu kinh tế càng không hợp lý. Số liệu công khai của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy đến cuối năm 2016, tổng các khoản nợ của nước này lên đến 255.000 tỷ NDT, tỷ lệ nợ chiếm 342,7% GDP. Chính vì vậy, chỉ mới qua những khúc dạo đầu của cuộc “thư hùng thương mại”, nền kinh tế Trung Quốc đã có những dấu hiệu chao đảo: Thị trường chứng khoán bốc hơi hàng nghìn tỷ USD; đồng nội tệ giảm giá; chiến lược “Made in China 2025” đứng trước nguy cơ đổ bể… cho thấy sức sống và khả năng chống đỡ của nền kinh tế nước này không được như những gì mà giới truyền thông đang “ca tụng, thổi phồng”.

2. Tôn sùng cá nhân – nguy cơ dẫn đến chế độ “độc tài”

Ngày 24/3/2018, Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước – vốn được Đặng Tiểu Bình xác lập như một trong những nguyên tắc từ những thập niên cuối của thế kỷ 20. Quyết định nói trên gây chấn động và trở thành “bão dư luận” trái chiều cả ở trong và ngoài Trung Quốc. Những ý kiến phản đối cho rằng, đây là sự “thụt lùi” chính trị lớn nhất kể từ khi Trung Quốc cải cách, mở ra xu hướng cực quyền và chế độ “lãnh đạo suốt đời” mà lịch sử đã chứng minh luôn là “khởi đầu” cho những “rối ren tai hại”.

Theo báo chí nước ngoài, nhà sử học Cao Văn Khiêm nhận xét: Việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ là sai lầm lớn nhất. Hành động đó sẽ gây nên sóng gió chính trị không chỉ với giới trí thức và tầng lớp trung lưu, mà còn đối với toàn xã hội. Các nhà bình luận viện dẫn, trong thế giới tư bản hiện đại, khi nắm quyền quá lâu, hai Thủ tướng Anh là Margaret Thatcher và Tony Blair đều gây một số ảnh hưởng tiêu cực; ở Mỹ, Tổng thống Franklin Roosevelt đã đưa ra kết luận sau hơn ba nhiệm kỳ nắm quyền: Tổng thống không thể làm quá hai nhiệm kỳ. Hoặc như, ở các quốc gia châu Phi, nhiều Tổng thống nắm quyền lâu năm đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Cùng với những lập luận trên, đòn tấn công thương mại của Mỹ đang đe dọa uy thế của “lãnh tụ tối cao” Trung Quốc. Tâm trạng xã hội bộc lộ với một số biểu hiện khác thường, khi giới trí thức bắt đầu có tiếng nói trực tiếp “lên án chính sách độc tài” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Cùng lúc, hoạt động tuyên truyền “phong thần, tạo thánh” cho ông có phần lắng xuống, không còn hàng ngày “lũng đoạn” trên các phương tiện truyền thông.

3. Sai lầm trong công tác tuyên truyền của truyền thông Trung Quốc

Truyền thông luôn giữ vai trò hết sức quan trọng trong định hướng dư luận xã hội. Thời gian qua, theo các nhà bình luận quốc tế, giới truyền thông Trung Quốc đã không chỉ tập trung cổ súy cho cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” cùng sức mạnh toàn diện của Trung Quốc, mà còn tạo ảnh hưởng lớn đến việc đề cao sự sùng bái cá nhân xung quanh Chủ tịch Tập Cận Bình. Hệ quả là, tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào Điều lệ Đảng sánh ngang với cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. Không những thế, để mở đường cho cái mà phương Tây gọi là “trị vì suốt đời”, Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp.

Hiện chính trường Trung Quốc đang xuất hiện những chỉ trích gay gắt được cho là nhằm vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của Chính phủ, mà mục tiêu chính là Vương Hộ Ninh – Ủy viên Thượng vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính trợ lý thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình. Vương Hộ Ninh là nhà tư tưởng và chiến lược gia – kiến trúc sư của dự án “Giấc mộng Trung Hoa” với mục tiêu nhằm xây dựng đất nước mạnh mẽ và thịnh vượng của Tập Cận Bình.

Kiến trúc sư của dự án “Giấc mộng Trung Hoa” được cho là “đang gặp rắc rối vì đã sai lầm trong công tác tuyên truyền và cường điệu quá mức về Trung Quốc”, cũng như “tuyên truyền và đề cao sự sùng bái cá nhân xung quanh Chủ tịch một cách quá lố bịch”. Dư luận cho rằng, thời gian qua, ngoài kinh tế, Tập Cận Bình phải đối mặt với những phê phán nhằm vào một vấn đề hệ trọng khác, đó là “nạn sùng bái cá nhân”. Đây cũng là điều mà về mặt nguyên tắc, bị cấm theo Điều lệ Đảng.

Bên cạnh đó, giới bình luận quốc tế cho rằng, công luận Trung Quốc cũng đặc biệt chú ý đến tiếng nói chỉ trích của Giáo sư Luật Đại học Thanh Hoa, ông Hứa Chương Nhuận trong một bài viết được công bố ngày 24/7/2018. Với tựa đề “Những lo sợ và hy vọng của chúng tôi” (được dịch là “8 nỗi sợ và 8 niềm hy vọng”), nhà luật học Trung Quốc đã phê phán một cách hệ thống chính sách của Tập Cận Bình. Từ việc “bóp nghẹt tự do ngôn luận”, “đàn áp trí thức”, đoạn tuyệt với cải cách, “chống tham nhũng mang tính hình thức”, “thúc đẩy thói sùng bái cá nhân lãnh đạo”, cho đến chính sách “đối ngoại gây hấn”, “thúc đẩy chiến tranh lạnh”…

Mặc dù, truyền thông chính thức vẫn liên tục đưa ra những bình luận gay gắt nhằm vào Mỹ và cuộc chiến thương mại, song có nhiều dấu hiệu phản ánh sự thay đổi trong các thông điệp mà Trung Quốc đưa ra. Bắc Kinh đã phần nào “dịu giọng” tuyên truyền cho chiến dịch “Made in China 2025”. Trong khi, kênh truyền hình quốc gia bằng tiếng Anh (CGTN) chủ yếu đưa tin về những ảnh hưởng đối với cuộc sống của người dân Mỹ khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng sản xuất tại Trung Quốc leo thang và tác động của các loại thuế đối với nền kinh tế Mỹ.

Giới bình luận quốc tế nhận xét, Chính phủ Trung Quốc phải gánh chịu những thiệt hại vì tuyên truyền sai cách, và giờ đây Trung Quốc đã học được cách khiêm tốn kiểm soát hoạt động này. Một nguồn thạo tin trong giới chính sách bình luận: Trung Quốc không thể mãi “giấu mình chờ thời”, song ít nhất cũng phải “kiềm chế các hoạt động tuyên truyền và biết cách kể chuyện một cách phù hợp hơn”.

4. Đánh giá sai lầm về Tổng thống Donald Trump và những biện pháp đối phó thiếu nhất quán trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Theo Reuters, một học giả nghiên cứu chính sách của Trung Quốc bình luận: “Nhiều nhà kinh tế và trí thức rất không hài lòng về những chính sách thương mại của Trung Quốc. Nhận định chung hiện nay là lập trường của Trung Quốc quá cứng rắn và giới lãnh đạo rõ ràng đã đánh giá sai tình hình”. Họ nhận xét: “Xung đột thương mại bùng lên thành chiến tranh thương mại đã khiến người ta phải xem xét lại mọi thứ. Điều này được cho là có liên quan tới việc một số người có tầm ảnh hưởng đã cường điệu hóa sức mạnh của Trung Quốc”.

Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ và dự đoán mà nhiều học giả Trung Quốc – những người đã ra sức “cổ súy” cho tư tưởng Trung Quốc có khả năng chống đỡ và “đáp trả thỏa đáng đòn thương mại” trước D.Trump. Trung Quốc từng cho rằng, họ đã đạt được thỏa thuận với Washington vào tháng 5 vừa qua để tránh nguy cơ nổ ra chiến thương mại. Nhưng, Bắc Kinh đã thực sự “choáng” khi Chính quyền D.Trump không ngần ngại phủi bỏ và phát động chiến tranh. Không những thế, Mỹ dường như không tỏ thái độ nhượng bộ mà tiếp tục đẩy cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc lên những nấc thang mới.

Vết nứt trong nội bộ Trung Quốc có nguy cơ vỡ toác khi thị trường chứng khoán sụt giảm, đồng Nhân dân tệ trượt giá và Chính phủ Trung Quốc đang phải vật lộn để bảo vệ nền kinh tế trước ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại. Báo Nhật Nikkei Asean Review cho biết, chỉ 2 ngày sau khi kết thúc chuyến công du dài ngày tới châu Phi, Chủ tịch Tập Cận Bình đã triệu tập một cuộc họp bất thường Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà nhằm khẩn cấp bàn biện pháp đối phó với Mỹ. Tờ Nikkei Asean Review ví thông báo của chính quyền D.Trump ngay trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà, về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như “một trái bom” đặt trước cửa hội nghị. Cùng với mức thuế “nghiệt ngã” này, Bộ Thương mại Mỹ cũng thông báo đưa 44 doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến quân sự vào danh sách kiểm soát chặt.

Theo giới phân tích nước ngoài, sự lúng túng của Trung Quốc đối phó với Mỹ trong chiến tranh thương mại còn được thể hiện ở sự thiếu thống nhất trong phát ngôn và sự thay đổi đột ngột về lập trường của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Trong cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại Singapore, bên lề Diễn đàn An ninh Khu vực ngày 3/8/2018, người ta bắt gặp một thái độ mềm mỏng của Ngoại trưởng Trung Quốc khi khẳng định các bất đồng thương mại Mỹ-Trung cần được giải quyết thông qua thương lượng. Tuy nhiên, chỉ ít giờ trở lại Bắc Kinh, khi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đưa ra tuyên bố đang chuẩn bị trả đũa nhằm vào 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ, thì ông Vương dường như trở thành một con người khác hẳn. Trả lời báo chí Trung Quốc, Vương Nghị lại tỏ ra hết sức cứng rắn: “Nếu Mỹ tấn công, chúng tôi sẽ không lùi bước”.

5. Chủ nghĩa dân tộc “thái quá” dẫn đến sai lầm trong quan hệ với các nước, nhất là ở khu vực Đông Nam Á

Cường điệu hóa quá mức cùng những hệ lụy của sai lầm trong cách thức tuyên truyền của giới truyền thông đã đẩy Trung Quốc tới thứ chủ nghĩa dân tộc “thái quá”. Hệ lụy trong quan hệ quốc tế, nhất là đối với các nước láng giềng, Trung Quốc thường ỷ vào “sức mạnh”, thực hiện đàm phán ở thế “bề trên” nhằm áp đặt với các nước, nhất là với khối ASEAN.

Trước sức mạnh kinh tế cùng chiến lược “ngoại giao sổ nợ” kết hợp “răn đe” của Trung Quốc, không ít quốc gia khi nhận ra, đã rơi vào tình thế “tiến, thoái lưỡng nan”. Theo Sputnik ngày 16/5/2018 đưa tin, nhóm nghiên cứu tại Đại học Harvard Kennedy (Mỹ) đã gửi đến Bộ Ngoại giao Mỹ bản báo cáo về “ngoại giao sổ nợ” mà Trung Quốc đang áp dụng đối với một số quốc gia trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Theo báo cáo, đây được xem là chiến lược của Trung Quốc khi cho các nước vay những khoản tiền lớn và vượt ngoài khả năng chi trả. Sau đó, sử dụng những món nợ này để giành thế chủ động gây áp lực cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự.

Điển hình là 2 quốc gia Pakistan và Sri Lanka. Hồi cuối tháng 7/2017, chính phủ Sri Lanka đã ký thỏa thuận trị giá 1,12 tỷ USD cho phép một tập đoàn nhà nước Trung Quốc khai thác cảng nước sâu Hambantota trong vòng 99 năm. Số tiền này được dùng để trang trải một phần khoản nợ 6 tỷ USD Sri Lanka vay Bắc Kinh trước đó. Và vì thế, sự lo ngại nguy cơ Sri Lanka rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc và cảng chiến lược nhìn ra Ấn Độ Dương sẽ trở thành căn cứ hải quân của Bắc Kinh trong một tương lai không xa không phải là vô căn cứ.

Ngoài ra, bản báo cáo cũng cho rằng, Trung Quốc dường như đang áp dụng chính sách tương tự lên một số nước khác trong khu vực ASEAN, nhằm tìm kiếm tiếng nói lớn hơn trong nền chính trị nội bộ, cũng như mong muốn có thể tác động tới “quyền phủ quyết” của các quốc gia này khi họ bàn bạc về vấn đề quan trọng trong các hiệp hội, hoặc liên minh khu vực.

Với Philippines, những năm cầm quyền đầu tiên, trên thực tế, Tổng thống Duterte đã dường như chấm dứt vai trò “đầu tàu” trong số 10 nước ASEAN đấu tranh với Trung Quốc. Không những vậy, Duterte còn ca ngợi Trung Quốc như một đối tác phát triển “cần phải kết thân và thích nghi”. Ông cũng “bỏ lại đằng sau” chiến thắng của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) hồi giữa năm 2016 và giữ im lặng trước việc Bắc Kinh liên tục chiếm đóng, cải tạo, quân sự hóa các thực thể mà Manila tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, trước những động thái quân sự hóa Biển Đông cùng những lời hứa hẹn “không cánh mà bay” về mối quan hệ nồng ấm và những khoản đầu tư “trên giấy”, cựu Tổng thống Aquino đã phải lên tiếng cảnh báo “bất cứ ai” muốn trở nên thân thiết với Bắc Kinh, đồng thời rung lên hồi chuông báo động về “bẫy nợ” mà Trung Quốc đặt ra cho Philippines trong Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Trước thực tế diễn ra không như mong muốn, ngày 14/8/2018, Tổng thống Duterte dường như thay đổi lập trường.

Phát biểu trước các thính giả, trong đó có Đại sứ Mỹ và khách mời nước ngoài, ông Duterte chỉ trích Trung Quốc: “… Bạn không thể tạo ra một hòn đảo nhân tạo và rồi tuyên bố không phận phía trên là của bạn. Điều đó là sai trái vì những vùng biển này là cái mà chúng tôi coi là biển quốc tế”. Theo ông Duterte, “quyền qua lại không gây hại được đảm bảo. Không cần bất kỳ sự cho phép nào để đi qua các vùng biển mở”. Và gần đây (16/11/2021), khi ba tàu hải cảnh Trung Quốc chặn đường và xịt vòi rồng vào hai tàu tiếp tế Philippines đang di chuyển tới khu vực bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì Tổng thống Duterte gọi đó là hành vi côn đồ và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana ví như những “kẻ xâm phạm”.

Với Malaysia, sau khi giành chiến thắng “bất ngờ”, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã công du Trung Quốc từ ngày 17-21/8/2018. Thủ tướng Mahathir xác nhận, ông rất mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và hoan nghênh đầu tư đến từ Bắc Kinh. Thế nhưng, Chính phủ của ông cũng tiến hành rà soát kỹ lưỡng hàng loạt dự án đầu tư và quyết định đình chỉ thi công 4 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà thầu Trung Quốc trị giá lên đến 23 tỷ USD. Không những thế, ông còn bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mà giới kinh tế học từng cảnh báo, Philippines có thể rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc.

Thời gian qua, chủ nghĩa dân tộc “thái quá” của Trung Quốc đã khiến cộng đồng thế giới đề cao cảnh giác. Điều đó càng khiến Mỹ có thêm động lực và sự cương quyết trong cuộc chiến thương mại. Bởi lẽ, “Khi nền kinh tế Trung Quốc còn nhỏ, người ta không mấy chú ý”, song giờ đây, “Trung Quốc sẽ luôn bị đặt trong nghi kỵ và được theo dõi sát sao”. Và vì thế, chỉ với một sự việc nhỏ trong ứng xử nhưng có thể dẫn đến “niềm tin, uy tín” của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế bị giảm sút nghiêm trọng. Khi chủ nghĩa dân tộc “thái quá” phát triển cùng với những tham vọng quốc tế được khơi dậy sẽ khiến Trung Quốc có những chính sách và bước đi “táo bạo” trong xử lý tranh chấp quốc tế và ảnh hưởng không nhỏ đến độc lập, chủ quyền của các quốc gia, nhất là các quốc gia lân cận. Theo đó, các nhà bình luận quốc tế ví von Trung Quốc như hình ảnh về một người “khổng lồ cô độc” đang dần “hiển hiện” trên đại lục đông dân nhất địa cầu.

Theo HVCTCAND.EDU.VN

Tại cảng Piraeus lớn nhất của Hy Lạp, Trung Quốc là ông chủ

Tại cảng Piraeus lớn nhất của Hy Lạp, Trung Quốc là ông chủ
Kể từ năm 2016, công ty vận tải biển Trung Quốc Cosco đã trở thành cổ đông đa số của cảng Piraeus. Điều này có nghĩa là một thế lực nước ngoài đang nắm quyền kiểm soát cảng chính của Hy Lạp.

Theo hãng tin DW, tại Đức, một cuộc tranh luận sôi nổi đã nổ ra về việc công ty vận tải biển thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc Cosco mua cổ phần thiểu số trong một bến container tại cảng Hamburg.

Tuy nhiên, tại Hy Lạp, dường như không có mối bận tâm như vậy. Từ năm 2011, dưới áp lực của cả cuộc khủng hoảng nợ và Troika (Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế), chính phủ Hy Lạp đã bán gần như tất cả các cảng và sân bay quan trọng của quốc gia này cho các công ty nước ngoài.

Athens đã ký một hợp đồng với Cosco vào năm 2016, cho phép công ty Trung Quốc này nắm giữ 2/3 cổ phần tại cảng Piraeus.

Đến nay, chính phủ Hy Lạp vẫn tỏ ra hài lòng với hoạt động của Cosco tại cảng chính của Hy Lạp. “Đầu tư của Trung Quốc vào Piraeus có lợi cho cả hai nước”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết vào tháng 2/2021, tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc với 17 nước Trung và Đông Âu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả khoản đầu tư của Cosco vào cảng Piraeus là một “dự án mẫu mực”. Ông Tập – người đã tự mình kiểm tra cảng vào năm 2019 – coi Piraeus là “một trung tâm quan trọng cho mối liên kết nhanh chóng trên biển của Trung Quốc với châu Âu và kết nối giữa châu Á và châu Âu” .

Tại cảng Piraeus lớn nhất của Hy Lạp, Trung Quốc là ông chủ - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm cảng Piraeus vào tháng 11/2019. Ảnh: Xinhua

Theo hãng tin DW, người Trung Quốc đã thực sự hiện đại hóa Piraeus. Hiện tại, đây là cảng lớn nhất ở phía đông Địa Trung Hải và lớn thứ bảy ở châu Âu. Việc làm được đảm bảo và điều kiện lao động không tốt hơn hay tệ hơn bất kỳ nơi nào khác ở Hy Lạp.

Cosco hoạt động trong khuôn khổ luật lao động của Hy Lạp, và ít nhất về mặt lý thuyết, phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan có liên quan – mặc dù những điều này hiếm khi diễn ra.

Tuy vậy, các tổ chức công đoàn ở Piraeus đã nhiều lần phàn nàn về điều kiện làm việc ở đây và đang thúc đẩy các biện pháp an toàn lao động tốt hơn sau khi một công nhân qua đời trong một vụ tai nạn trên một bến tàu container vào năm ngoái. Nhưng theo nhận định của hầu hết các nhà tuyển dụng lớn ở Hy Lạp, cơ quan thanh tra dường như không gây nhiều áp lực lên Cosco.

Điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc

Kể từ khi Cosco mua lại Piraeus, các tàu của công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc này đưa hàng hóa đến cảng ngày càng nhiều và hiện nó đã trở thành một trong những trung tâm trung chuyển quan trọng nhất ở Địa Trung Hải.

Đây không phải là vấn đề đối với các cảng khác của Hy Lạp, vì chúng không cạnh tranh với Piraeus. Tuy nhiên, nó đã có tác động tiêu cực đến các trung tâm trung chuyển khác ở đông nam Địa Trung Hải, vốn đã trở nên ít quan trọng hơn và bị giảm doanh thu.

Costas Chlomoudis – giáo sư nghiên cứu hàng hải tại Đại học Piraeus – cho biết, mô hình tham gia của khu vực tư nhân vào các cảng khác ở châu Âu không liên quan gì đến mô hình ở Hy Lạp. Hầu hết các nước trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ giao bến tàu cho một công ty tư nhân trong một số năm nhất định, hoặc một số công ty chia sẻ một bến container.

Piraeus không phải là Hamburg

Nhưng ở Hy Lạp, tình hình hoàn toàn khác. Tại cảng Piraeus, phần lớn cổ phần tại cảng đã được bán cho Cosco: ban đầu là 51%, sau đó tăng lên 67%. Do đó, công ty vận tải biển Trung Quốc có thể quyết định tương lai của cảng. Cosco kiểm soát tất cả các cầu tàu và nhà ga.

Ông Chlomoudis nói: “Theo cách nó được thực hiện, việc bán cảng Piraeus cho Cosco là một sai lầm. Bởi vì, không giống như Hamburg, Piraeus hiện phụ thuộc trực tiếp vào một nước thứ ba, cụ thể là Trung Quốc.”

Cảng trọng điểm Alexandroupolis ở phía bắc Hy Lạp cũng sắp được tư nhân hóa. Tại đó, Mỹ đã sẵn sàng để mua. Cảng này đã là một điểm trung chuyển chính cho các chuyến hàng vũ khí của Mỹ.

Tại cảng Piraeus lớn nhất của Hy Lạp, Trung Quốc là ông chủ - Ảnh 2.

Mỹ chuẩn bị đầu tư vào cảng Alexandroupolis ở đông bắc Hy Lạp. Ảnh: Nicolas Economou

Giáo sư Chlomoudis chỉ trích gay gắt những kế hoạch tư nhân hóa này, vì các cơ sở hạ tầng thiết yếu có tầm quan trọng về địa chiến lược đối với EU cuối cùng lại nằm trong tay các nước thứ ba.

Theo ông Chlomoudis, cần có những quy tắc rõ ràng. Các điều kiện nhất định phải được đề cập trong các hợp đồng chuyển nhượng để đảm bảo an ninh quốc gia cũng như EU. Các hướng dẫn về cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng về địa chiến lược phải giống nhau ở khắp EU, phải được áp dụng cho các cảng Rotterdam, Hamburg và Piraeus.

Tư nhân hóa như một phương thuốc

Theo hãng tin DW, vào đầu thế kỷ này, châu Âu có một phương thuốc kỳ diệu để giải quyết các vấn đề kinh tế: tư nhân hóa cơ sở hạ tầng. Mọi thứ đều được rao bán: cảng, sân bay, nguồn cung cấp nước và năng lượng.

Điều này cũng đúng ở Hy Lạp, vốn “rất khát” đầu tư.

Người Trung Quốc là những người đầu tiên tỏ ra quan tâm đến các cảng Piraeus và Thessaloniki, nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt trong nội bộ Hy Lạp.

Mãi đến năm 2009, chính phủ bảo thủ của cựu Thủ tướng Kostas Karamanlis mới có thể cho Cosco thuê một phần bến container ở cảng Piraeus.

Sau đó, vào năm 2010, Athens rơi vào tình cảnh vỡ nợ. Một trong những điều kiện để giải cứu nền kinh tế Hy Lạp, được đưa ra bởi Troika, là việc bán tài sản công. Đây là cách Cosco giành được phần lớn cổ phần trong cảng Piraeus vì người Trung Quốc là những người duy nhất sẵn sàng đầu tư vào thời điểm đó.

Áp lực tư nhân hóa mọi thứ cũng dẫn đến việc công ty vận tải Fraport của Đức tiếp quản 14 sân bay của Hy Lạp, bao gồm cả Thessaloniki. Fraport hiện có thể quyết định sân bay nào nên được đầu tư và sân bay nào không nên, mà Nhà nước Hy Lạp không còn bất kỳ tiếng nói nào.

Theo Nhịp sống Thị Trường