Hermitage – bảo tàng khổng lồ Nga

Hiện nay Bảo tàng Hermitage sở hữu bộ sưu tập đồ sộ gồm khoảng ba triệu tác phẩm nghệ thuật và các hiện vật lịch sử khác. Nhiều hiện vật của bảo tàng là kiệt tác tầm cỡ thế giới.

Nằm bên bờ sông Neva ở khu trung tâm lịch sử thành phố Saint Peterburg, Liên bang Nga, Bảo tàng Hermitage là một năm viện bảo tàng lớn nhất thế giới hiện tại. Ảnh: Pixabay.

Lịch sử của bảo tàng bắt đầu vào thời của nữ hoàng Ekaterina II (1729-1796), khi người phụ nữ trị vì nước Nga dành hẳn một tòa cung điện điện để tạo không gian lưu giữ bộ sưu tập cá nhân của mình. Cung điện được đặt tên là Hermitage, dựa trên từ “biệt điện hiu quạnh” trong tiếng Pháp. Ảnh: Wikimedia Commons.

Năm 1852, người ta tổ chức lại bộ sưu tập của nữ hoàng Nga lại và mở cửa cho công chúng vào tham quan tại Cung hoàng gia Hermitage – tên gọi thuở sơ khai của Bảo tàng Hermitage. Ảnh: Wikimedia Commons.

Hiện nay Bảo tàng Hermitage sở hữu bộ sưu tập đồ sộ gồm khoảng ba triệu tác phẩm nghệ thuật và các hiện vật lịch sử khác. Trong đó, hơn 60.000 hiện vật được trưng bày thường xuyên trong gần 1000 căn phòng. Ảnh: Wikimedia Commons.

Loại hình hiện vật ở bảo tàng rất đa dạng, gồm tranh vẽ, tượng điêu khắc, đồ trang sức, các sản phẩm mỹ nghệ, hiện vật khảo cổ học, sưu tập tiền v..v. Ảnh: Elle.ru.

Niên đại của các hiện vật trải dài từ các nền văn minh Ai Cập, Hy Lạp, La Mã cổ đại cho đến châu Âu thế kỷ 17-20. Ảnh: RVCH Photography.

Nhiều hiện vật của Bảo tàng Hermitage là kiệt tác tầm cỡ thế giới. Đầu tiên, có thể kể đến tác phẩm của những bậc thầy nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng như Leonardo da Vinci, Rafael, Giorgio, Tiziano… Ảnh: Paperpaper.ru.

Một gian riêng trong bảo tàng được dành cho bậc thầy nổi tiếng vẽ chân dung là danh họa người Hà Lan Rembrandt (1606-1669). Tác phẩm nổi bật của ông là bức tranh “Danae”, một trong những hiện vật giá trị nhất của Hermitage. Ảnh: Wikimedia Commons.

Những viên ngọc hội họa khác có mặt tại bảo tàng là gương mặt cận – hiện đại, gồm nhiều bậc thầy chủ nghĩa ấn tượng Pháp như Monet, Renoir, Degas và một số tên tuổi lừng lẫy khác. Ảnh: Tutt’Art.

Một góc đặc biệt của Hermitage là bộ sưu tập tranh các anh hùng năm 1812. Đây là căn phòng quy tụ 322 bức chân dung của các tướng lĩnh người Nga đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc chống lại quân đội Napoléon, được họa sĩ Anh George Dawe và các trợ lý thực hiện. Ảnh: Yandex.ru.

Bên cạnh tác phẩm nghệ thuật, bảo tàng còn có một số hiện vật mang giá trị khoa học đặc biệt. Tiêu biểu là chiếc đồng hồ Chim công, do doanh nhân James Cox chế tạo vào nửa sau thế kỷ 18. Chiếc đồng hồ này được coi điều kỳ diệu về kỹ thuật tại thời điểm nó ra đời. Ảnh: Hermitagemuseum.org.

Nhờ kiến trúc tuyệt đẹp và những bộ sưu tập đặc sắc, Bảo tàng Hermitage luôn giành thứ hạng cao nhất trong bảng xếp bậc uy tín du lịch. Với khoảng 2.500 nhân viên, mỗi năm bảo tàng đón khoảng 3 triệu lượt khách viếng thăm. Ảnh: Penolet.ru.

Một điều thú vị khi tham quan Bảo tàng Hermitage là du khách có thế bắt gặp những chú mèo ở mọi nơi. Đây là những “nhân viên” đặc biệt – với số lượng lên tới khoảng 50 – giúp bảo vệ các hiện vật và trang thiết bị của bảo tàng khổng lồ không bị chuột phá phách. Ảnh: Daily Telegraph.

Vào năm 1990, tòa nhà Bảo tàng Hermitage cùng trung tâm lịch sử Saint Peterburg đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Diuim.ru.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG 

Mikhail Golubkov: Chúng ta không có tiến trình văn học

Hiện nay, nhà nước Nga không hiểu xã hội cần văn học làm gì, nên đã đánh mất mọi sự quan tâm đối với văn học. Đến lượt mình, xã hội đang đánh mất văn hóa đọc. Văn học tồn tại chủ yếu ở chiều kích “thương mại” và đang đánh mất chức năng suy ngẫm về số phận dân tộc, nhân loại, vốn luôn luôn đặc trưng đối với văn học Nga. Để hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện của phóng viên báo “Văn hóa” Nga với ông Mikhail Golubkov, giáo sư khoa Ngữ văn Trường Đại học Quốc gia Moskva, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử văn học hiện đại Nga và Tiến trình văn học đương đại Nga.

Giáo sư Mikhail Golubkov

* Ông có thể nói điều gì đó lạc quan về tiến trình văn học ở Nga đầu thế kỷ XXI?

– GS Mikhail Golubkov: Chúng ta có một nền văn học rất phong phú, nhưng tiếc thay, không có tiến trình văn học. Bạn hãy tưởng tượng một cánh đồng trồng rất nhiều hoa. Ở đấy có cả hoa độc, hoa dại, hoa mẫu đơn, và hoa hồng tuyệt đẹp. Nhưng chúng ta không có một cái tháp để có thể leo lên và quan sát cánh đồng này từ trên cao. Chúng ta không nhìn thấy tất cả sự phong phú của cánh đồng này, cũng như tất cả mâu thuẫn của nó. Chúng ta chỉ nhìn thấy những gì ở bên cạnh, đó là một vài tên tuổi được tách ra từ một dòng lớn. Mỗi năm có khoảng 300 tác phẩm mới được xuất bản, có những tác phẩm thực sự rất hay. Nhưng chỉ có hai hoặc ba tên tuổi rơi vào tâm điểm chú ý và xung quanh họ bắt đầu những cuộc trò chuyện bất tận.

Kết quả là tác phẩm dường như rơi vào một vùng thiếu không khí, không tham gia đối thoại với những cuốn sách khác. Trong khi đó, tiến trình văn học đòi hỏi sự tương tác giữa các quan niệm nghệ thuật của thế giới và con người, diễn ra trong ý thức của người đọc. Quá trình tương tác được tổ chức bởi nhà phê bình. Nói một cách nghiêm khắc, nhà phê bình là người thấu hiểu các cuộc đối thoại giữa những cuốn sách, là người đại diện của bạn đọc trong văn học, hóa thân vào bạn đọc. Nhà phê bình là người đọc có trình độ chuyên môn, anh ta cố gắng nhận thức và diễn đạt những nội dung vốn có trong tác phẩm văn học, cho thấy chúng tương tác với nhau như thế nào. Than ôi, hiện nay không có sự tác động tích cực giữa người đọc, nhà văn và nhà phê bình. Tuy nhiên, vẫn có một nền văn học lớn cần được tìm hiểu và suy ngẫm.

* Liệu nhà nước có thể làm một điều gì đó trong hoàn cảnh này không?

– Văn học không còn được nhà nước quan tâm nữa. Điều đó tốt hay xấu? Đây là một câu hỏi khó. Mối quan hệ của văn học với chính quyền ở Nga chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt trong thời kỳ Xô viết. Tôi thường so sánh quan hệ này với một mối tình đầy sóng gió, luôn ghen tuông, nghi ngờ lẫn nhau, nó có thể kết thúc bằng đổ máu. Nhưng văn học và nhà nước có kỳ vọng lẫn nhau. Nhà nước cần văn học, văn học tìm kiếm sự hỗ trợ của chính quyền. Đôi khi, kết quả của mối tình này là nhiều khuynh hướng văn học không làm vừa lòng chính quyền Xô viết bị tiêu diệt.

Nhưng mặt khác, những khuynh hướng mới cũng xuất hiện, một trong số đó là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, một hiện tượng rất mâu thuẫn, nhưng lý thú. Nhưng không chỉ có thế. Còn những tổ chức như Hội Nhà văn, Trường Viết văn, các dự án xuất bản và dịch thuật khổng lồ liệu có thể tồn tại được không nếu thiếu sự hỗ trợ của nhà nước? Kể cả các nhà văn, trong đó có những người thực sự đáng kính, cũng tìm kiếm mối quan hệ với chính quyền, ví dụ như Bulgakov. Xin hãy nhớ lại những bức thư nổi tiếng của các nhà văn gửi cho Stalin. Thế rồi bỗng nhiên, hai mươi năm gần đây, niềm đam mê lẫn nhau đã được thay thế bằng sự thờ ơ tuyệt đối. Văn học hoàn toàn thờ ơ với nhà nước, và nhà nước hoàn toàn thờ ơ với văn học. Năm văn học diễn ra năm 2015, theo tôi, đã phát hiện ra điều này. Chính quyền không biết tại sao văn học lại cần thiết. Vì vậy nhà nước hiện nay không thể bằng cách nào đó tác động tới tiến trình văn học.

* Nhưng phải chăng nền văn học chúng ta hiện nay không có những tài năng thực sự lớn?

– Có một hiện tượng mà tôi muốn gọi là “hiện tượng cuốn sách thứ hai”. Một trong những tác giả của ba trăm cuốn sách được xuất bản hằng năm thu được thành công và anh ta chịu sự chi phối của thị trường. Để củng cố thành công thương mại, nhà xuất bản đòi hỏi cuốn sách thứ hai. Và tác giả viết cuốn sách thứ hai, nhưng hóa ra, nó kém hơn nhiều. Điều này đã xảy ra với Guzel Yakhina. Sau thành công hoàn toàn xứng đáng của tiểu thuyết  Zuleykha mở mắt, chị viết cuốn thứ hai Những đứa con của tôi, một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu kiểu Robinson hoàn toàn không thể tưởng tượng được trong thế kỷ XX. Điều tương tự cũng xảy ra với Evgeny Vodolazkin. Tiểu thuyết Vòng nguyệt quế hay và rất nghiêm túc. Phi công kém hơn. Còn tiểu thuyết thứ ba Brisbane, theo tôi, chẳng có gì đáng nói. Nhà văn không được viết theo sự cưỡng bức của ai – dù là dùi cui của RAPP (Hiệp hội các nhà văn vô sản Nga) hay quy luật nghiệt ngã của thị trường. Nhưng những tác phẩm lớn vẫn tồn tại trong văn học, và chúng sẽ còn lại. Đó là những tác phẩm của Yury Polyakov, Aleksey Varlamov, Vladimir Sorokin. Trước đây, tôi rất thích đọc Lyudmila Ulitskaya. Hai cuốn tiểu thuyết của  bà Shurik chân thành của bạn (tạm dịch) và Chuyện rắc rối của Kukotsky. Tôi cảm thấy đó là những tác phẩm rất lớn và sâu sắc.

* Trong một bài viết của mình, ông nói rằng đối với thế hệ hiện nay, văn học đã đánh mất chức năng quan trọng nhất của nó – định hướng con người trong không gian lịch sử. Tại sao lại xảy ra điều đó?

– Tôi nghĩ rằng vấn đề này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sự phát triển của Internet, sự phổ biến của các loại tiện ích. Kết quả là sự phát triển của tư duy cắt dán. Học sinh hiện nay gặp nhiều khó khăn khi đọc hiểu một văn bản lớn. Thứ hai, sự o ép của môn văn ở trường phổ thông. Thời chúng tôi, văn học là môn học chính. Khi thi vào bất cứ khoa nào của trường đại học, thí sinh cũng phải thi môn văn, viết bài luận, bởi vì, ngay cả khi học vật lý hay toán, bạn cũng phải thành thạo tiếng Nga, và kỹ năng này đã được kiểm chứng bằng bài luận. Bây giờ thì không. Văn học đang dần dần bị gạt ra khỏi nhà trường, qua từng tiết học. Học sinh đánh mất kỹ năng đọc. Mà đọc là một thao tác trí tuệ rất phức tạp. Từ các chữ cái nguệch ngoạc trên giấy, chúng ta tạo thành từ, từ thành câu và câu thành văn bản. Trí tuệ hoạt động cực kỳ căng thẳng trong khi đọc. Chúng ta không nhận thấy điều đó, bởi vì trong chúng ta đã hình thành kỹ năng đọc tự động. Còn học sinh hiện nay thì không. Đối với họ, đọc sách đã là một công việc khó khăn. Nói gì đến việc rút ra từ ​​tác phẩm văn học những nội dung sâu sắc chuyển tải những mã số quan trọng nhất của đời sống dân tộc qua nhiều thế kỷ. Các loại hình nghệ thuật thị giác hiện đang lấn át các loại hình nghệ thuật ngôn từ, bởi vì chúng cần động não ít hơn. Kết quả là hình thức giải trí như đọc sách đang trở thành quá khứ.

* Ông bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài “Tiến trình văn học Nga những năm 1920-1930 như một hiện tượng của ý thức dân tộc”. Còn tiến trình văn học đương đại là một hiện tượng của tự ý thức dân tộc?

– Khi đọc những tác phẩm lớn, thú vị, đặc sắc, bạn thấy một số khía cạnh quan trọng nào đó của đời sống dân tộc được phản ánh trong đó. Ví dụ, các cuốn sách của Yury Polyakov hoặc Aleksey Varlamov. Đây là những nhà văn hoàn toàn khác nhau, nhưng với tôi họ đều thú vị như nhau, bởi vì họ suy tư về số phận dân tộc. Tôi có thể kể tên hai cuốn tiểu thuyết gần đây của Yury Polyakov: Cuộc sống vui vẻ, hay Tình dục ở Liên Xô (2019) và Tình yêu thời biến động (2015). Đây là những suy ngẫm rất nghiêm túc về số phận dân tộc. Cũng có thể nói như vậy về các tác phẩm của Aleksey Varlamov. Cuốn tiểu thuyết của ông Con sói tưởng tượng là hình ảnh của thế kỷ Bạc, trong đó tác giả nhìn thấy sự khởi đầu của các hiện tượng bi thảm trong toàn bộ thế kỷ XX. Linh hồn của tôi-Pavel cũng là một cuốn tiểu thuyết rất thú vị.

* Ông có thể nêu lên những khuynh hướng nào trong văn học Nga đương đại?

– Trong cuốn chuyên khảo của mình về văn học đương đại, PGS bộ môn chúng tôi, Daria Vladimirovna Krotova, bàn về chủ nghĩa tân hiện đại như một khuynh hướng quan trọng nhất trong văn học đương đại. Quan điểm rất thú vị này ngày càng được thừa nhận và phổ biến rộng rãi. Cùng với chủ nghĩa tân hiện đại trong văn học đương đại còn có chủ nghĩa hiện thực như một hệ thống thẩm mỹ phổ quát. Chủ nghĩa hậu hiện đại cũng tồn tại, mặc dù chu kỳ phát triển của nó đã kết thúc. Những tư tưởng mà chủ nghĩa hậu hiện đại có thể đưa ra đã cạn kiệt, còn những tư tưởng mới chưa xuất hiện.

* Theo ông, cần phải làm gì để đưa nhà phê bình trở lại tiến trình văn học?

– Chúng ta đang trở lại đoạn đầu cuộc trò chuyện của chúng ta. Lượng phát hành. Phải làm sao để các nhà xuất bản thương mại hiểu phê bình là gì. Rằng sách phê bình hay cũng bán chạy. Khi tiếng nói của nhà phê bình được nghe thấu, ngay lập tức anh ta trở nên cần thiết. Còn hiện nay, phê bình quả là đã thay đổi chức năng của mình. Nghĩa là, nhà phê bình không còn là nhà phân tích- nghiên cứu văn học, mà là người chào hàng, quảng cáo cho một nhà văn hoặc nhà xuất bản nào đó.

Tương lai của văn học sẽ ra sao, nếu như văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc?

– Xã hội nào văn học nấy. Nếu xã hội sẵn sàng suy tư về bản thân mình thông qua văn học, thì văn học sẽ hướng tới các giải pháp có trách nhiệm, nghiêm túc cho các vấn đề của đời sống dân tộc. Ngược lại, số lượng người đọc sẽ thu hẹp lại, và có lẽ, văn học cũng giống như người đọc. Nhưng tôi không nghĩ rằng văn học có thể biến mất. Nó tồn tại chừng nào còn tồn tại chữ viết, và là một yếu tố cần thiết của đời sống trí tuệ bất kỳ xã hội nào.

TRẦN HẬU / Theo Văn Hóa – Nga / Văn Nghệ số 22/2020

Paul Doumer – một nhân vật lịch sử đặc biệt và đầy phức tạp

Trong lịch sử chính trường nước Pháp, cựu Tổng thống Paul Doumer (1857 – 1932) là một gương mặt đặc biệt – từ gia cảnh xuất thân tới các chính sách gây tranh cãi nảy lửa cũng như những thành tựu đạt được. Ông là vị Toàn quyền trẻ nhất nước Pháp (39 tuổi) khi được chỉ định làm Toàn quyền Đông Dương (giai đoạn 1897 – 1902) và đã để lại một khối di sản lớn ở Đông Dương, đặc biệt tại Việt Nam.

Gia cảnh khác thường của một chính khách

Một năm trước khi sang Đông Dương nhậm chức, Paul Doumer (tên gọi đầy đủ: Joseph Athanase Paul Doumer) đã được cử làm Bộ trưởng Tài chính. Sự kiện này đã gây sốc trong dư luận, là ”một hiện tượng lạ trong giới chính trị của nước Pháp’’. Bởi lẽ, phàm những ai được tiến cử vào chiếc ghế bộ trưởng trong nội các thường phải có xuất thân từ giới quý tộc và chững tuổi.

Với Bộ trưởng Paul Doumer, gia cảnh xuất thân của ông khá đặc biệt: Cha là công nhân lắp đặt đường ray (ngành Đường sắt) mất sớm, mẹ không nghề nghiệp. Bản thân ông lúc mới 13 tuổi vừa làm nhân viên chạy vặt, rồi làm thợ khắc ở một nhà máy sản xuất huân/huy chương, vừa tranh thủ học thêm vào buổi tối tại Học viện Kỹ nghệ Quốc gia – nơi ông sau đó đạt được tấm bằng tú tài khoa học và sau đó thêm tấm bằng cử nhân Toán. Khi 21 tuổi, sau khi được bổ nhiệm làm giáo viên trung học, Paul Doumer đã cưới con gái một viên thanh tra giáo dục và sau này họ có tới 8 người con (5 trai).

Trước khi làm Tổng thống Pháp trong một thời gian ngắn ngủi (1931 – 1932), ông Paul Doumer từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cao: Bộ trưởng Tài chính, Toàn quyền Đông Dương, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện. Khi nhắc đến Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (giai đoạn 1897 – 1902), người Việt Nam thường nhớ đến những đóng góp lớn của ông khi cho triển khai những công trình cơ sở hạ tầng lớn như những cây cầu huyền thoại: Long Biên (Hà Nội), Tràng Tiền (Huế), Bình Lợi (Sài Gòn), cảng Hải Phòng, và nhất là đường sắt (hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương, đường sắt Vân Nam…). Ngoài việc tạo lập khu nghỉ dưỡng trên cao nguyên ở Đà Lạt, Paul Doumer còn đóng vai trò quan trọng đối với văn hóa và khoa học, khi lập ra nhiều học viện nghiên cứu (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp – EFEO, Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang…) nhằm mục đích phát triển dài lâu tại Việt Nam.

Người đặc biệt, nhưng ít được quan tâm

Có một điều ngạc nhiên là, một nhân vật đặc biệt như Paul Doumer – một người có khoảng 25.000 đường phố ở Pháp đặt tên ông – lại có ít sử gia quan tâm nghiên cứu một cách toàn diện và khoa học. Nhiều người Việt Nam muốn tìm hiểu nhiều hơn về ông, nhưng ít có tài liệu nào ghi chép. Mãi tới năm 2004, một trong số những tác phẩm hiếm hoi nghiên cứu về Paul Doumer được Amaury Lorin viết và xuất bản với tên tiếng Pháp “Paul Doumer, gouverneur général de l’Indochine (1897 – 1902): Le tremplin colonial (Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897 – 1902): Bàn đạp thuộc địa, do NXB L’Harmattan (Paris) ấn hành trong bộ sách Recherches Asiatiques (Nghiên cứu Châu Á).

Amaury Lorin sinh năm 1972, tại Angers (Pháp), tốt nghiệp cao học ngành Sử học đương đại (Viện Nghiên cứu Chính trị Paris – IEP), đã thực hiện nhiều chuyến khảo cứu tại các nước Đông Dương cũ, đặc biệt tại Việt Nam và Campuchia, hiện là tiến sĩ Lịch sử tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris. Tại Pháp, cuốn sách nói trên đã được trao 2 giải thưởng: Giải Auguste Pavie (Prix Auguste Pavie) của Viện Hàn lâm Khoa học hải ngoại năm 2005 và giải của Hội Nhà văn chiến binh (Prix des écrivains combattants) năm 2006. Tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Cộng đồng Pháp ngữ (1970 – 2020), tác phẩm “Paul Doumer – Toàn quyền Đông Dương (1897 – 1902): Bàn đạp thuộc địa” đã được Omega Plus Books và NXB Thế giới ấn hành phiên bản Việt (do Nguyễn Văn Trường dịch) trong khuôn khổ ”Tủ sách Pháp ngữ – Góc nhìn Sử Việt’’.

Một trang sử được lật giở

Viết cuốn lịch sử lý thú này, trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của Bộ Thuộc địa và các kho tư liệu của Chính quyền Đông Dương được chuyển về lưu trữ ở Pháp, tác giả Amaury Lorin đã làm sáng tỏ một trang sử thuộc địa Pháp chưa được nhiều người hiểu một cách tường tận một thời kỳ tồn tại đan xen những khoảng tối, sáng lẫn lộn, đặc biệt nổi lên một nhân vật đầy phức tạp với một nghị lực đáng kinh ngạc và một sự nghiệp có một không hai.

Theo Amaury Lorin, công cuộc thực dân hóa của Pháp có vô vàn khoảng tối cũng như điểm sáng, nó tích cực đối với một số đông này và tội lỗi với số đông khác đã làm dấy lên ở nước Pháp những cuộc tranh luận nảy lửa, đôi khi thành những cuộc luận chiến. Có hai vấn đề thúc đẩy tác giả biên soạn cuốn sách này. Thứ nhất, khoản nợ chính xác của Đông Dương thuộc Pháp (1858 – 1954) trong 5 năm nhiệm kỳ của Paul Doumer (1897 – 1902) là bao nhiêu, có hợp lý khi cho đó là một “bước ngoặt lớn” hay không? Thứ hai, đâu là vai trò ngược lại của Đông Dương đối với sự hình thành, chín muồi của Paul Doumer về mặt cá nhân cũng như bản lĩnh chính trị, người được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Pháp năm 1931?

Amaury Lorin cũng chia sẻ việc ”thiếu hiểu biết về Paul Doumer’’ là ”bất công và có cái gì đó thật mẫu thuẫn, trong khi thế hệ những người Pháp trẻ như tôi coi Paul Doumer chỉ là một vị tổng thống mờ nhạt… Nói một cách chính xác hơn, sự thăng tiến khác thường của ông qua nhiều chức vị cho tới chức quan tòa tối cao rồi sau đó là vận kết thúc sự nghiệp bi thảm của ông mà sau này mọi người được biết quả là đã khiến người ta đánh giá thấp, thậm chí còn làm lu mờ đi tầm quan trọng dẫu sao cũng có tính quyết định của những năm làm việc ở Đông Dương này đối với sự nghiệp mà ông theo đuổi một cách đầy năng nổ sau này tại chính quốc’’.

Trong “Paul Doumer – Toàn quyền Đông Dương (1897 – 1902): Bàn đạp thuộc địa”, tác giả Amaury Lorin đã đề cập tới nhiều chi tiết quan trọng liên quan tới Paul Doumer trong thời gian làm việc tại Đông Dương – từ lúc chấp nhận các thách thức, rủi ro khi đến xứ lạ, tới việc có phát ngôn để đời về phương thức hành động ”Cai trị toàn cõi, không cai quản từng xứ’’, cải tổ bộ máy chính quyền, rồi ra các chính sách thuế thân, thuế đất cùng nhiều loại thuế khác. Dù các yếu tố đó đã khiến dư luận cả ở chính quốc lẫn khu vực thuộc địa đều bất bình, nhưng kết quả thu được lại chứng tỏ tầm nhìn tài năng của một nhà quản trị và nhà kiến thiết, thuyết phục được sự nhìn nhận của chính quyền Pháp, trong đó có không ít người ở phe đối lập.

Lộ sáng một giai đoạn giao thời đặc biệt

Cuốn sách này chắc chắn sẽ góp phần giúp mọi người có thêm nhiều hiểu biết về một giai đoạn giao thời đặc biệt, về một giai đoạn bản lề hết sức đặc biệt xét ở mọi phương diện đối với lịch sử của Việt Nam, Campuchia, Lào trong thời kỳ thuộc địa, và rộng hơn nữa là đối với lịch sử của nước Pháp thực dân: Đó chính là thời khắc thiết lập bộ máy khai thác hợp lý và hiệu quả trên cõi Đông Dương sau khi cuộc chinh phục quân sự kết thúc (mà sau này được thay bằng từ bình định) và trước khi sứ mệnh kiến thiết bắt đầu.

Đó là còn chưa kể tới việc Paul Doumer được chỉ định làm Toàn quyền Đông Dương đúng vào thời điểm nước Pháp đã đạt được mục đích ban đầu của công cuộc chinh phục Đông Dương là sở hữu một cửa ngõ tiện lợi vào thị trường Trung Hoa khi mà trước đó đã có kết quả một số hiệp ước, hiệp định Pháp – Trung được ký kết và theo đó, đã công nhận một khu vực ảnh hưởng rộng lớn thuộc nước Pháp – bao gồm: 3 tỉnh phía Nam Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông) cùng 2 tuyến đường sắt (Lào Cai – Côn Minh và Lạng Sơn – Nam Ninh) được nhượng lại. Ngoài ra, ở thời điểm đó, vịnh Quảng Châu Loan của Trung Quốc vẫn thuộc quyền quản lý hành chính của Liên bang Đông Dương.

Theo LÊ QUANG VINH / LAO ĐỘNG ONLINE

100 thương hiệu có giá trị nhất thế giới

KHÔNG CHỈ DỰA TRÊN TÀI CHÍNH, MỘT BÁO CÁO MỚI ĐÃ TÍNH TOÁN CÁC THƯƠNG HIỆU CÓ GIÁ TRỊ NHẤT THẾ GIỚI VÀ PHẠM VI TIẾP CẬN TOÀN CẦU CỦA HỌ.

Dựa trên báo cáo Global 500 năm 2022 của Brand Finance, Carmen Ang, Nick Routley và Pernia Jamshed của Visual Capitalist đã cùng nhau đưa ra một đồ họa thông tin về các thương hiệu giá trị nhất thế giới.

Giá trị thương hiệu, không nên nhầm lẫn với vốn hóa thị trường, được tính toán bằng cách sử dụng các chỉ số như sức mạnh thương hiệu (đầu tư, vốn chủ sở hữu, hiệu suất), tỷ lệ bản quyền (lĩnh vực) và doanh thu.

100 thương hiệu có giá trị nhất thế giới - Ảnh 1.

Bảy thương hiệu được coi là có giá trị hơn 100 tỷ USD vào năm 2022: Apple, Amazon, Google, Microsoft, Walmart, Samsung Group và Facebook.

Apple, thương hiệu giá trị nhất thế giới theo báo cáo, ghi nhận giá trị cao nhất (335,1 tỷ USD) kể từ khi báo cáo bắt đầu công bố vào năm 2007. Thương hiệu có giá trị thứ 100 là Ngân hàng Hoàng gia Canada và trị giá 19 tỷ USD vào năm 2022.

Giá trị thương hiệu của TikTok là một trong những mức tăng lớn nhất của năm ngoái và tăng 215% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào năm 2021, ứng dụng có 655,9 triệu người dùng và dự đoán rằng nó sẽ đạt một tỷ người dùng vào năm 2025.

Có 51 thương hiệu Mỹ trong số 100 thương hiệu hàng đầu, tiếp theo là 24 thương hiệu từ Trung Quốc, 7 thương hiệu đến từ Nhật Bản và Đức, 3 thương hiệu đến từ Hàn Quốc và Anh và 1 thương hiệu đến từ Pháp, Ấn Độ, Thụy Sĩ, Arab Saudi và Canada.

Theo VTVVN

Mỹ có thể sống trong thế giới của Tập Cận Bình hay không?

Graphic hình Tập Cận Bình
Chụp lại hình ảnh,Nhiệm kỳ lần ba của Tập Cận Bình có ý nghĩa gì cho mối quan hệ địa chính trị quan trọng nhất của thế giới?

Ngày 23/10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuất hiện trước truyền thông thế giới – thưa thớt, phần nào bởi sự không khoan nhượng ngày càng gia tăng của chính phủ Trung Quốc đối với báo giới nước ngoài – với tư cách nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong hàng chục năm qua.

Một truyền thống giới hạn các vị tiền nhiệm gần đây của ông Tập Cận Bình trong hai nhiệm kỳ đã bị phá vỡ. Với nhiệm kỳ thứ ba trong tay, ông Tập đã củng cố quyền lực tại Trung Quốc, có lẽ là không giới hạn.

Nhưng thậm chí trong bối cảnh Tập Cận Bình siết chặt quyền lực trong nước thì tình hình trên chính trường thế giới hiếm khi bất ổn hơn.

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc càng củng cố mô hình độc tài của Trung Quốc thì ông ta lại càng thách thức một giả định định hình trong thời đại toàn cầu hóa – khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn, thì quốc gia này sẽ trở nên tự do hơn.

Giả định này đã kéo theo hàng thập kỷ giao thương giữa Washington và Bắc Kinh.

Đây cũng là nền tảng cho mối hợp tác kinh tế, vốn cuối cùng sẽ mang lại giá trị hàng hóa hơn nửa ngàn tỷ USD qua Thái Bình Dương mỗi năm.

Giờ đây khi Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba, ông ta đang đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại vẫn đang diễn ra với Mỹ và nỗ lực mới nhằm không cho Trung Quốc tiếp cận với công nghệ chế tạo chip bán dẫn tối tân của Mỹ, và theo một số nhà quan sát, là được thiết kế để làm chậm sự trỗi dậy của Trung Quốc “bằng bất cứ giá nào”.

Bắc Kinh cũng lập luận rằng, sự lạnh lẽo đáng chú ý gần đây trong mối quan hệ là do mong muốn của phía Mỹ duy trì vị thế là một cường quốc siêu việt.

Chiến lược an ninh quốc gia mới được công bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác định Bắc Kinh là một đe dọa lớn hơn đến trật tự thế giới hiện tại, hơn là Moscow. Và Washington cũng bắt đầu nói đến một cuộc xâm lược của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan dân chủ như một viễn cảnh ngày càng thực tế hơn là một khả năng xa vời.

Một khoảng cách lớn từ những ngày khi cả giới lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ tuyên bố rằng việc cùng nhau làm giàu sẽ cuối cùng vượt qua những khác biệt về ý thức hệ và các căng thẳng giữa một siêu cường đã được thiết lập và một siêu cường đang trỗi dậy.

Tình hình làm sao lại đến mức này?

‘THÓI QUEN TỰ DO’

Một điều trớ trêu là chính Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ngày càng coi Trung Quốc như một kẻ thù. Và nỗ lực của ông nhằm cắt đứt Trung Quốc với nguồn chip bán dẫn cao cấp cho thấy thật sự đây là một sự đảo ngược đáng kể nhất cách Mỹ giao thương với Trung Quốc.

Vào cuối những năm 1990, ông Biden, khi đó là thành viên của Thượng viện Mỹ, là kiến trúc sư chính trong các nỗ lực để chào đón Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

“Trung Quốc không phải kẻ thù của chúng ta,” ông nói với các phóng viên trong chuyến đi đến Thượng Hải vào năm 2000 – một tuyên bố dựa trên niềm tin rằng nền thương mại ngày càng gia tăng thì sẽ khóa Trung Quốc trong một hệ thống với các giá trị chung và phổ quát, giúp quốc gia này trỗi dậy như một cường quốc có trách nhiệm.

Tư cách thành viên WTO – điều đã trở thành một hiện thực trong thời Tổng thống Mỹ George W Bush – là vinh quang tột đỉnh của chính sách gia tăng giao thương có tuổi đời hàng thập kỷ, được mọi vị tổng thống Mỹ ủng hộ, kể từ thời Richard Nixon.

Ông Pascal Lamy, khi đó là Tổng Giám đốc WTO ký thỏa thuận gia nhập với Trung Quốc vào năm 2000
Chụp lại hình ảnh,Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2000, trong ảnh ông Pascal Lamy, khi đó là Tổng Giám đốc WTO ký thỏa thuận gia nhập với Trung Quốc

Các công ty Mỹ thì đã vận động hành lang mạnh mẽ để Trung Quốc mở cửa hơn nữa, như British American Tobacco muốn bán cho người tiêu dùng Mỹ và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung hào hứng trước việc tiếp cận một lực lượng lao động rẻ và sẵn lòng làm việc.

Đối với các liên đoàn Mỹ lo lắng về việc mất các công việc lao động tay chân, và đối với bất kỳ ai còn quan ngại về vấn đề nhân quyền, vai trò thành viên WTO của Trung Quốc cũng được biện minh dựa trên những nền tảng ý thức hệ.

Ông Bush, khi đó là thống đốc bang Texas, có lẽ đã nói tốt nhất về vấn đề này khi phát biểu trước các công nhân hãng Boeing trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của mình hồi tháng 05/2000.

“Vấn đề thương mại,” với Trung Quốc, ông nói, “không chỉ là vấn đề thương mại, mà là vấn đề niềm tin”.

“Sự tự do kinh tế tạo nên các thói quen tự do. Và các thói quen tự do tạo nên những kỳ vọng dân chủ.”

Trong một quãng thời gian, sự thịnh vượng ngày càng gia tăng của Trung Quốc dường như đã làm gia tăng viễn cảnh của ít nhất một cuộc cải cách chính trị có giới hạn nào đó. Trong những năm sau khi trở thành thành viên WTO, internet – giống bất kỳ nơi nào khác trên thế giới – đã mang đến cho người dân Trung Quốc một cơ hội để thảo luận và ý kiến khác biệt, điều mà trước đó chưa bao giờ được mơ đến.

Ông Bill Clinton nổi tiếng với câu nói so sánh việc Đảng Cộng sản Trung Quốc thuần hóa internet giống như “một nỗ lực không tưởng”, như “cố dính thạch rau câu lên tường”.

Thậm chí sau khi ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ Tổng Bí thư lần thứ nhất vào năm 2012, thì truyền thông quốc tế thường tập trung vào những dãy chật kín tòa nhà chọc trời, những cuộc trao đổi văn hóa và tầng lớp trung lưu mới như một bằng chứng về việc Trung Quốc đang theo đổi theo các cách mang tính nền tảng, để trở nên tốt đẹp hơn.

Nhưng cũng có nhiều chỉ dấu cho thấy, vào thời buổi đầu của nhiệm kỳ, ông Tập Cận Bình đã xác định những “thói quen tự do” mới mẻ đó không là hệ quả được hoan nghênh của vấn đề toàn cầu hóa, mà chỉ là điều gì đó cần phải chống trả bằng mọi giá.

Tài liệu số 9, được Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố chỉ vài tháng sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, liệt kê bảy điều nguy hiểm cần phải canh chừng, gồm “những giá trị phổ quát”, khái niệm về “một xã hội dân sự” vượt khỏi sự kiểm soát của đảng và một nền báo chí tự do.

Ông Tập tin rằng chính sự yếu kém về ý thức hệ và thất bại trong việc gìn giữ đường hướng xã hội chủ nghĩa đã khiến Liên Xô sụp đổ.

Sự lý tưởng về các giá trị chung, phổ quát đối với ông ta như là Ngựa Trojan, đưa Đảng Cộng sản đi cùng một hướng, và câu trả lời của ông ấy nhanh chóng và không thỏa hiệp – sự tái khẳng định không lấy gì là xấu hổ về chủ nghĩa độc tài và một đảng toàn trị.

THẠCH RAU CÂU TRÊN TƯỜNG

Trước nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, Trung Quốc đã bắt đầu kiên định thực hiện ‘nỗ lực không tưởng’, bỏ tù các luật sư, bị miệng giới bất đồng chính kiến, chấm dứt sự tự do của Hong Kong và xây dựng các trại cải tạo cho hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương ở vùng cực tây của nước này.

Thế mà lại có ít bằng chứng về việc các chính phủ Phương Tây vội vã từ bỏ sự hậu thuẫn của họ trong giao thương với Trung Quốc, nói chi đến việc chuyển sang một chính sách chủ động kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, như Bắc Kinh hiện nay tuyên bố.

Trong hàng chục năm, việc Trung Quốc gia nhập WTO đã mang đến các nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn có các chuỗi cung ứng gồm lao động Trung Quốc, và là một mặt trận mới cho các doanh nghiệp bán hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc. Các đại sứ quán – giờ vẫn còn nhiều – vốn từ lâu đã có đội ngũ thương mại lên đến hàng trăm người.

Xe tại thủ đô Bắc Kinh vào năm 2007
Chụp lại hình ảnh,Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc là lợi ích khổng lồ đối với những công ty Phương Tây

Điều mà Anh Quốc gọi là “Kỷ nguyên Vàng” với Trung Quốc – là một sự chứng thực mạnh mẽ về bài ca giao thương – được đề xuất trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập Cận Bình và tiếp tục sang nhiệm kỳ hai.

Năm 2015, thậm chí Bộ trưởng Tài chính Anh, ông George Osborne đi thăm Tân Cương, khi đó đã là tâm điểm của các quan ngại về nhân quyền, để có dịp chụp ảnh nhằm nhấn mạnh các cơ hội thương mại mà Anh quốc mang lại cho khu vực này.

Tôi nhìn ông George Osborne, mặc áo khoác phản quang, dỡ hàng từ xe tải chỉ cách một quãng đường ngắn từ một nhà tù nơi Ilham Tohti, một nhà trí thức Uyghur nổi tiếng bắt đầu án thụ án tù chung thân.

Trong khi các chính khách từ những quốc gia dân chủ bắt đầu ca ngợi những lợi ích từ việc giao thương, vấn đề nhân quyền thường được nêu “sau các cánh cửa đóng kín”.

Trong cùng thời kỳ đó, Hunter Biden – con trai út của ông Joe Biden – đã tạo dựng những mối quan hệ kinh doanh với những tập đoàn của Trung Quốc có mối quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mối quan hệ này là trọng tâm của các tranh cãi chính trị bao vây lấy ông Biden cho đến tận ngày nay.

Với sự nhận thức muộn, cũng có ít bằng chứng là giới tinh hoa chính trị Mỹ và châu Âu hào hứng đánh giá lại các phương thức giao thương.

Trong suốt thời gian tôi ở Bắc Kinh, giới điều hành doanh nghiệp thường nói với tôi rằng báo chí của tôi đề cập đến sự trấn áp ngày càng gia tăng của Trung Quốc hơi bị thiếu mất một điểm, đó là không ghi nhận bức tranh lớn hơn về sự thịnh vượng ngày càng gia tăng.

Dường như, thay vì mở mang đầu óc cho giới chức Trung Quốc về ý tưởng cải cách chính trị như đã hứa, thì thay vào đó, giao thương đã thay đổi tư duy của những người ở thế giới bên ngoài, đang nhìn vào những tòa nhà chọc trời và các tuyến đường sắt cao tốc.

Bài học dường như không phải sự tự do kinh tế và chính trị đi song hành với nhau, mà có thể đạt được tất cả mà không có bất kỳ quyền con người nào.

Một quan chức cấp cao cho một thương hiệu hàng tiêu dùng gia đình đa quốc gia, đầu tư rất lớn tại Trung Quốc nói với tôi rằng “Người dân Trung Quốc không muốn tự do” theo cách mà người dân ở Phương Tây mong muốn.

Ông đã nói chuyện với các công nhân ở nhà máy, và khẳng định, ông kết luận họ không quan tâm chút nào về chính trị. “Họ hạnh phúc hơn khi kiếm tiền,” ông nói.

Ở một nơi nào đó trên hành trình, nhiều thương gia và đối tác – các tập đoàn và chính phủ – dường như chỉ đơn giản là bỏ đi lời hứa cao quý là mang lại nền tự do chính trị cho Trung Quốc.

Sự thịnh vượng ngày càng gia tăng hiện giờ dường như đã đủ cho chính nó.

Vì vậy thì điều gì đã thay đổi?

PHÁ VỠ KHUÔN MẪU

Đầu tiên, dư luận. Từ năm 2018 trở đi, những người Uyghur sống ở nước ngoài bắt đầu nói về việc người thân của họ bị biến mất tại các trại tù khổng lồ ở Tân Cương, mặc cho có rủi ro là làm điều đó có thể mang đến những tổn thất và sự trừng phạt hơn nữa cho thân nhân của họ ở quê nhà.

Trung Quốc đầu tiên dường như bị sốc trước phản ứng quốc tế.

Rốt cuộc, các chính phủ Phương Tây đã từ lâu chấp nhận nhiều khía cạnh trong vấn đề đàn áp của Bắc Kinh khi tiếp tục giao thương.

Trước khi ông Tập lên nắm quyền, thì chuyện nhắm đến niềm tin tôn giáobỏ tù giới bất đồng chính kiến và việc thực thi hà khắc chính sách một con là một phần quan trọng trong hệ thống chính trị, không chỉ thuần túy là tác dụng phụ.

Thế nhưng chuyện bỏ tù hàng loạt người của một bộ tộc – một sự đe dọa chỉ vì nền tảng văn hóa và bản sắc của họ – đã có một tác động lớn lên dư luận toàn cầu vì những sự cộng hưởng mang tính lịch sử tại châu Âu và hơn thế nữa.

Các tập đoàn có các chuỗi cung ứng tại Tân Cương đã đối mặt với mối quan ngại ngày càng gia tăng từ người tiêu dùng, và các chính phủ chịu áp lực chính trị phải hành động.

Cũng có vấn đề khác – bao gồm tốc độ nhanh chóng trong việc Bắc Kinh áp bức giới bất đồng tại Hong Kong, quân sự hóa Biển Đông và mối đe dọa ngày càng gia tăng liên quan đến vấn đề Đài Loan.

Nhưng vấn đề Tân Cương được xác định và Trung Quốc cũng cảm thấy dòng chảy đang đổi chiều – không phải là sự tình cờ khi nhiều nhà báo quốc tế cố gắng điều tra chuyện gì đang xảy ra tại Tân Cương lại bị buộc rời khỏi Trung Quốc, và bao gồm chính tôi.

Cuộc thăm dò mới nhất của Pew cho thấy 80% người dân Mỹ hiện giờ có ý kiến không tốt về Trung Quốc, tăng lên mức chỉ 40% hay khoảng như vậy cách đây một thập niên.

Nhân tố quan trọng thứ hai làm thay đổi tình hình là Donald Trump.

Ông Donald Trum và ông Tập Cận Bình vào năm 2017
Chụp lại hình ảnh,Ông Trump là người hâm mộ phong cách mạnh mẽ của ông Tập nhưng không phải là sự trỗi dậy của Trung Quốc

Thông điệp chống Trung Quốc của Donald Trump có lẽ mang tính chất thất thường – với các cáo buộc về cách thực thi thương mại không công bằng, được làm dịu bớt bằng sự ngưỡng mộ công khai đối với phong cách mạnh mẽ của ông Tập – nhưng ông Trump cũng sử dụng điều này để tập hợp các công chức bất mãn, và đã đạt được hiệu quả to lớn.

Tóm lại, ông Trump nói rằng giao thương với Trung Quốc là một canh bạc tồi, chẳng thu lại gì ngoài công việc và công nghệ thuê ngoài.

Các đối thủ của ông Trump đã chỉ trích những biện pháp phản tác dụng và cái mà họ xem là ngôn ngữ bài ngoại của ông Trump. Nhưng khuôn mẫu đã bị phá vỡ.

Tổng thống Biden đã xem lại một số ít, nếu có, chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc, bao gồm cả cuộc chiến tranh thương mại mà ông Trump đã phát động. Các mức thuế quan vẫn còn đó.

Washington đã nhận ra một cách muộn màng rằng, trái ngược với chuyện tăng tốc cải cách chính trị tại Trung Quốc, thì chuyển giao thương mại và công nghệ, thay vào đó, đã được dùng để tăng cường mô hình độc tài của Bắc Kinh.

MỘT BÌNH THƯỜNG MỚI

Không có chỉ dấu rõ ràng nào về một bước chuyển sâu sắc trong quan hệ Mỹ-Trung hơn là bình luận gần đây của Tổng thống Biden về tình trạng Đài Loan.

Hồi tháng rồi, trả lời CBS, ông nói lực lượng quân đội Mỹ sẽ được cử đến để bảo vệ Đài Loan trong tình huống Trung Quốc xâm lược.

“Vâng,” ông nói, “thật sự nếu có một cuộc tấn công chưa có tiền lệ.”

Chính sách chính thức của Washington từ lâu là một chiến lược mơ hồ có ý đồ liên quan đến việc trợ giúp Đài Loan hay không. Thừa nhận rằng Mỹ sẽ không can thiệp, cuộc tranh luận tiếp diễn, có thể bật đèn xanh cho một cuộc xâm lược. Và nói rằng Mỹ sẽ tăng cường sự bảo vệ có thể khuyến khích chính phủ tự trị của Đài Loan tiến đến một sự tuyên bố độc lập chính thức.

Và một “sự rõ ràng mang tính chiến lược” mới, đã khiến Bắc Kinh giận dữ, xem đây là một sự điều chỉnh lại lập trường của Mỹ.

Thật khó để không đồng ý, mặc cho những nỗ lực của giới chức Mỹ để bác bỏ các bình luận.

Thay vì những giá trị và quy phạm chung, thì Trung Quốc bây giờ đưa ra một mô hình chủ nghĩa độc tài thịnh vượng như sự thay thế cao cấp hơn.

Trung Quốc nỗ lực làm việc trong các cơ quan quốc tế, thông qua những dịch vụ tình báo và bộ máy tuyên truyền rộng lớn để thúc đẩy bộ máy của mình, trong khi lập luận là các nền dân chủ đang suy yếu.

Trong một số lĩnh vực – như cộng đồng kinh doanh Đức chẳng hạn – thì lập luận ủng hộ giao thương đã có một giọng điệu khác.

Trung Quốc hiện nay đóng vai trò quá quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và quá uy lực. Với diễn biến mới đây, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là tiếp tục giao thương, với nỗi lo sợ làm tổn hại đến những lợi ích kinh tế hoặc kích hoạt “một sự đáp trả” từ phía Bắc Kinh.

Nhưng tại Washington, quan điểm Trung Quốc đại diện cho một mối đe dọa nghiêm trọng đã trở thành một trong số vài chủ đề thu hút sự đồng thuận mạnh mẽ của lưỡng đảng.

Có thể, cho đến nay, không có những lựa chọn thay thế dễ dàng – chuỗi cung ứng sẽ mất hàng năm để tái bố trí và làm điều này sẽ rất tốn kém.

Và Trung Quốc thật sự có cách để tưởng thưởng cho những ai tiếp tục tham gia trong khi áp đặt cái giá phải trả cho những ai đi ngược lại.

Nhưng điều chắc chắn đúng khi ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba là thế giới đã ở vào thời khắc thay đổi sâu sắc.

Và tại Trung Quốc, cũng như ở Nga, nước Mỹ phát hiện chính mình phải đối mặt với một kẻ thù, mà phần lớn là do chính mình tạo nên.

  • John Sudworth /BBC News