Hoa Kỳ đã đánh bại Nga một cách thuyết phục trong cuộc bầu cử chọn người kiểm soát một cơ quan của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm định hình sự phát triển internet trên toàn cầu, một cuộc đua được coi là biểu tượng về mặt địa chính trị trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Nga ngày càng gia tăng cùng sự lo ngại về việc kiểm duyệt trực tuyến của các chế độ độc tài. Ngày 29 Tháng Chín, các thành viên của Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecommunication Union-ITU) đã bỏ phiếu bổ nhiệm bà Doreen Bogdan-Martin, ứng cử viên được Hoa Kỳ hậu thuẫn, làm Tổng thư ký của liên minh. Bogdan-Martin, một người kỳ cựu làm việc cho ITU gần 30 năm sinh ra ở tiểu bang New Jersey, đã đánh bại đối thủ chính của bà là Rashid Ismailov, một công dân Nga, khi giành được 139 phiếu trong tổng số 172 phiếu bầu. Ismailov chỉ nhận được 25 phiếu. Bogdan-Martin cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo ITU. “Tôi rất vinh dự được các quốc gia thành viên đặt niềm tin vào mình – Bogdan-Martin viết trên Twitter sau khi chiến thắng – Tôi sẵn sàng lãnh đạo một ITU biết truyền cảm hứng và đổi mới để mọi người ở mọi nơi có thể khai thác sức mạnh của kỹ thuật số nhằm thay đổi cuộc sống”. Giới chức Hoa Kỳ tham gia chiến dịch vận động mạnh mẽ cho Bogdan-Martin đã xem chiến thắng của bà là “Bước ngoặt đối với tinh thần tự do và cởi mở của internet, một nguyên tắc ngày càng bị Nga và Trung Quốc thách thức bằng cách kìm hãm quyền tự do kỹ thuật số của công dân nước mình”. Bà Doreen Bogdan-Martin (uscib.org) Tuần trước, Tổng thống Joe Biden kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc hãy ủng hộ Bogdan-Martin. Ông cho rằng sự lãnh đạo của bà trong ITU sẽ giúp internet trở nên “toàn diện và có thể truy cập được cho tất cả mọi người, đặc biệt ở các nước đang phát triển”. Cuộc bầu cử tìm lãnh đạo mới của ITU phản ánh sự chia rẽ ý thức hệ sâu sắc đối với tương lai của internet, với một bên là Nga-Trung, một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh ủng hộ một hệ thống internet có tính liên kết cao được quản lý bình đẳng ở cấp độ quốc tế bởi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, các doanh nghiệp, các nhóm xã hội dân sự và các chuyên gia kỹ thuật. Sự thèm khát quyền lực của các quốc gia độc tài chuyên chế đã thể hiện trong một tuyên bố chung được Nga và Trung Quốc đưa ra năm ngoái, trong đó đòi hỏi hai nước có nhiều đại diện hơn tại ITU và nhấn mạnh việc “bảo vệ quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc điều chỉnh internet” trong biên giới mình. Tổ chức Công nghệ Thông tin và Sáng tạo (Information Technology and Innovation Foundation-ITIF), một nhóm ủng hộ công nghệ mở của Hoa Kỳ nêu rõ: “Biên độ chiến thắng rộng của Bogdan-Martin là dấu hiệu cho thấy rất ít người ủng hộ tầm nhìn của Nga và Trung Quốc về hạn chế sử dụng Internet. Việc bà được các quốc gia thành viên ITU chọn cho thấy quốc tế ngày càng quan tâm đến việc bảo đảm quyền tiếp cận công nghệ và các chính sách xung quanh nó theo định hướng trao quyền cho các cá nhân thay vì biến internet thành công cụ kiểm soát cho các chế độ độc tài”. CNN cho biết, đầu năm nay, Hoa Kỳ và 55 quốc gia đã công bố cam kết bảo vệ “nhân quyền kỹ thuật số” (digital human rights) và dòng chảy thông tin tự do trực tuyến. Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ mô tả nỗ lực này là “phần rất quan trọng của cuộc đấu tranh toàn diện giữa các chính phủ độc tài và các nền dân chủ”. Mối lo ngại về một mô hình “splinternet” mới (mà trọng tâm là chia cắt thế giới kỹ thuật số thành các không gian dân chủ và phản dân chủ) đã trầm trọng hơn trong năm nay sau khi Nga xâm lược Ukraine. Trong những tuần đầu chiến tranh, Nga đã chặn các dịch vụ truyền thông xã hội lớn của phương Tây gồm cả Facebook và đe dọa bỏ tù những người chia sẻ các thông tin không có lợi cho Kremlin. Tuy nhiên, cùng lúc, Nga cũng chứng kiến sự tăng đột biến số người dùng các công cụ giúp họ vượt tường lửa. Lương Thái Sỹ ? Saigon Nhỏ
ĐÀ NẴNG – Được xây ở khu vực hàng năm đều có lũ dâng hơn 1 m, ngôi nhà ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang được thiết kế giống như một tổ chim với tầng trệt bỏ trống.
Ngôi nhà có diện tích mặt sàn 70 m2, với ba tầng và một gác mái. Đây là mái ấm của cặp vợ chồng trẻ. Ưu điểm của ngôi nhà là tọa lạc ở vùng quê yên bình, xung quanh bao bọc bởi cánh đồng và những rặng tre. Gia chủ có thể ngắm cả hoàng hôn và bình minh dù ngồi trong nhà. Tuy nhiên, nơi đây lại cách xa trung tâm thành phố, vì nằm sát ruộng nên nền đất yếu, phải khoan cọc nhồi nhằm gia tăng độ cứng cho nền móng.
Nhược điểm nữa của công trình là nằm tại địa phương thường xuyên phải đón những trận lũ với mực nước dâng cao 1,2-1,5m. Diện tích đất nhỏ với mật độ công năng dày đặc cũng là đề bài khó với đội ngũ thiết kế. Bởi vậy, giải pháp đưa ra là bỏ trống không gian tầng một, đưa công năng chính lên các tầng trên.
Từ thiết kế này, tầng một chủ yếu là chỗ để xe và là nơi uống cà phê sáng và trà chiều của gia chủ.
Tầng hai và phần sàn để xe lần lượt cao 3,6 m và 1,2 m so với mặt sân tầng một. Độ cao này phù hợp để đồ đạc và các phòng công năng không bị ngập nước khi mùa lũ tới. Ngoài việc tránh lũ, việc bỏ trống tầng một còn giải phóng tầm nhìn, giúp các phòng ở tầng trên trở nên thoáng đãng hơn.
Vì có địa thế đẹp nên phong cách công trình hướng tới là sự mộc mạc và bình dị.
Phía bên ngoài, kiến trúc sư lấy màu xám của bê tông làm chủ đạo gợi nên nét thô mộc, đơn giản nhưng mạnh mẽ. Sơn bê tông còn tạo điểm nhấn không gian tĩnh lặng, yên bình giữa cuộc sống hối hả. Gạch nung đỏ sử dụng cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm tạo điểm nhấn cho không gian vốn ít màu sắc.
Mỗi góc nhỏ trong nhà đều hướng ra cánh đồng lúa nhờ cửa sổ kích thước rộng. Những ô cửa này vì thế đều trở thành những bức tranh phong cảnh sống động khi nhìn ra bên ngoài.
Mái vòm cửa sổ phòng khách, bếp… giúp làm mềm những không gian thô cứng, nâng cao tính thẩm mỹ cho công trình.
Kích thước, hình dáng và vị trí các ô cửa sổ đều được cân nhắc kỹ nhằm đem tới những góc nhìn khác nhau với thiên nhiên bên ngoài.
Khu vực làm bánh (gia chủ là thợ làm bánh) với gam màu trắng chủ đạo tạo cảm giác sạch sẽ, gọn gàng.
Theo kiến trúc sư, các không gian chức năng được thiết kế tinh gọn với diện tích tối thiểu nhưng khai thác tốt giá trị của cảnh quan thiên nhiên.
Theo đó, những không gian tĩnh và mang tính riêng tư như phòng ngủ được đưa về hướng Bắc, là hướng vừa ngắm được trọn vẹn cánh đồng vừa hưởng gió mát.
Không gian bếp và vệ sinh được đưa về hướng Đông và Đông Nam. Đây là hướng ngắm mặt trời mọc và cũng là hướng nhìn xuống khu đất trồng rau nuôi gà bên dưới. Các không gian đối ngoại như phòng khách được đẩy về hướng Tây Nam.
Phòng ngủ của gia đình nhìn thẳng ra đồng lúa và cảnh sắc núi rừng thiên nhiên. Cũng vì ưu điểm này mà kiến trúc sư đã thiết kế kính trong suốt bao quanh phòng.
Để đảm bảo sự riêng tư, phần tường và cửa kính có treo thêm rèm nâu giúp lọc ánh sáng, giảm độ nắng gắt và tạo sự tách biệt.
Mục đích của khu vực sinh hoạt chung là tạo ra một không gian ngoài trời để mọi người có thể trải nghiệm quang cảnh xung quanh với góc nhìn cao hơn.
Không gian sống vùng thôn quê giúp gia chủ tận hưởng bầu không khí tự nhiên, đầy năng lượng với sự thư thái và thoải mái nhất.
Công trình hoàn thành trong một năm, do vướng dịch Covid-19. Kinh phí không được tiết lộ.
Trang Vy Thiết kế: Hinzstudio / Phụ trách thiết kế: Phan Văn Trần Tuấn /Ảnh: Quang Trần
Ngày 10/2/1837, trái tim của nhà thơ Pushkin ngừng đập do trọng thương bởi viên đạn trong cuộc đấu súng danh dự diễn ra 2 ngày trước đó. Viên đạn oan nghiệt của cuộc đấu súng đã chấm dứt trang viết của một nhà thơ Nga nổi tiếng khiến người yêu thơ đến nay vẫn còn tiếc nuối, ngậm ngùi.
Aleksandr Sergeyevich Pushkin sinh ngày 6/6/1799 tại thành phố Moskva, trong một gia đình thuộc tầng lớp quý tộc cấp tiến. Ông chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở phía bên ngoại (thuộc dòng dõi của Abram Petrovich Gannibal, một người nô lệ da đen có công lớn, được Pyotr Đại đế sủng ái), nhất là ở bà ngoại (bà Maria Alexeevna Gannibal) từ mái tóc xoăn, làn da ngăm đen, đôi môi dày đến cách sống trọng nhân văn.
Pushkin là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng nước Nga, được thế giới công nhận là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga thế kỷ 19. Các tác phẩm của ông dù là thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết hay kịch bản đều đậm chất thơ nên thường được giới yêu thơ gọi là Đại thi hào, Mặt trời thi ca Nga.
Từ năm lên 6 tuổi, Pushkin vào trường Lyceum Hoàng gia gần kinh đô Sankt-Peterburg. Thời gian theo học tại đây, Pushkin chứng kiến cuộc chiến tranh giữa quân đội Nga hoàng với quân Pháp của Napoléon I (năm 1812); từ cảm hứng đó ông viết bài thơ đầu tay Hồi ức ở Hoàng Thôn được nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng thời bấy giờ là Gavrila Romanovich Derzhavin đánh giá là một tác phẩm kiệt xuất của một nhà thơ lớn, dù tác giả mới 16 tuổi.
Cũng từ kết quả học tập ở trường Lyceum Hoàng gia, sau khi tốt nghiệp Pushkin tích cực tham gia các hoạt động văn học – nghệ thuật đấu tranh xóa bỏ chế độ nông nô tại Nga. Ông ra mắt nhiều bài thơ mang tính chính trị, trong đó có bản trường ca đầu tiên tạo tiếng vang lớn, mang tên Ruslan và Lyudmila. Tác phẩm của Pushkin khiến Thống đốc Sankt-Peterburg là bá tước M. Miloradovich khó chịu, quyết định đày Pushkin tới Sibir; nhưng sau đó ông được giảm nhẹ hình phạt, chỉ bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Sankt-Peterburg.
Rời Sankt-Peterburg, Pushkin đi đến miền Nam nước Nga, tới các vùng Kavkaz và Krym, Moldova, Kiev, tiếp tục thể hiện chính kiến và cảm xúc của mình qua sáng tác. Ông lần lượt cho ra đời các tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến nền văn học Nga thế kỷ 19 như: Người tù binh Kavkaz (năm 1822); Gavriiliada (năm 1821); Anh em lũ cướp (năm 1822); Đài phun nước Bakhchisaraysky (năm 1824). Từ năm 1823, khi ở Kishinov, Pushkin bắt tay vào viết tiểu thuyết bằng thơ Yevgeny Onegin – một kiệt tác được ấp ủ lâu năm, hoàn thành sau 8 năm và có sức sống mạnh mẽ trong lòng công chúng đến tận ngày nay.
Tháng 7/1824, Pushkin được ân xá, ông về sống ở khu trang trại Pskov ở vùng Mikhailovskoe. Tại đây, ông sáng tác những tác phẩm lịch sử: Vở kịch Boris Godunov (năm 1825); Với biển cả (năm 1826); trường ca Những người Digan (năm 1827). Trong lần sang thăm trang trại láng giềng, Pushkin đã gặp nàng Anna Kern và cảm xúc viết bài thơ tình nổi tiếng Gửi K (năm 1825). Bài thơ sau này được dịch giả Thúy Toàn chuyển ngữ sang tiếng Việt làm rung động biết bao trái tim thơ, được chép tay trong vô số sổ tay thơ và nhiều anh chàng đã mượn những khổ thơ bất hủ ấy để tỏ tình:
Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu: Trước mắt anh em bỗng hiện lên, Như hư ảnh mong manh vụt biến, Như thiên thần sắc đẹp trắng trong…
… Quả tim lại rộn ràng náo nức, Vì trái tim sống dậy đủ điều: Cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc, Cả đời, cả lệ, cả tình yêu.
Cuối năm 1825, Pushkin được Nga hoàng chấp thuận đơn xin ân xá. Nhưng đến tháng Chạp, chính quyền Sankt-Peterburg xem xét lại tất cả các ấn phẩm của Pushkin, đã buộc ông bị quản thúc tại gia, nghiêm khắc kiểm duyệt các tác phẩm của nhà thơ. Ông phải chuyển về Moskva sinh sống. Năm 1831, một sự kiện quan trọng ảnh hướng lớn đến khuynh hướng sáng tác về sau của Pushkin, đó là cuộc gặp gỡ, kết bạn với nhà văn Nikolai Vasilyevich Gogol. Từ đây, trong tác phẩm của Pushkin xuất hiện những trang viết hiện thực châm biếm phê phán, cùng dòng mạch với Gogol nhưng mang phong cách Pushkin.
Cùng năm 1831, Pushkin kết hôn với Natalia Goncharova. Người đẹp này là nguồn cảm hứng sáng tác lớn lao của Pushkin. Có lẽ nhờ đó mà ông hoàn tất kiệt tác Yevgeny Onegin bằng chương Bức thư của Onegin. Và có lẽ, cũng từ đó dẫn đến cuộc đấu súng oan nghiệt năm 1837.
Trong thời gian bị quản thúc, Pushkin bị kiểm duyệt gắt gao, tác phẩm muốn được in phải có sự đồng ý của Sa hoàng. Ông cảm thấy bị chật chội, gò bó, cần phải có sự thay đổi, nên tháng 11/1833, Puskin trở lại Sankt-Peterburg, chuyển hướng sang viết văn xuôi; cho ra đời các tác phẩm: truyện vừa Con đầm bích; tiểu thuyết Dubrovski (1832-33); tiểu thuyết Con gà trống vàng. Đáng tiếc, bản thảo Người da đen của Pyotr Đại đế chưa được hoàn thành… Pushkin còn cùng nhiều người bạn thành lập Tạp chí Người đương thời để quảng bá tác phẩm mới; được nhiều tác giả nổi tiếng lúc bấy giờ ủng hộ, nhưng dù có nhiều cố gắng tạp chí đã khép lại, không thành công.
Nàng Natalia Goncharova xinh đẹp đem lại cho nhà thơ cảm hứng thi ca, cũng mang đến cho Pushkin những phiền muộn vì tin đồn vợ ngoại tình. Thời ấy có thông lệ giới quý tộc bảo vệ danh dự bằng cách đấu súng tự nguyện. Đối thủ của Pushkin là sĩ quan kỵ binh trong quân đội Sa hoàng tên Georges D’Anthès – anh rể của Pushkin. Khổ thân, Pushkin là thi sĩ, không phải đấu sĩ, nhưng vì danh dự phải thách đấu. Cuộc đọ súng ngày 8/2/1837 kết thúc bằng kết quả cả 2 cùng trọng thương. Pushkin đã không qua khỏi, qua đời 2 ngày sau đó trong niềm kiêu hãnh bảo vệ được danh dự.
Thi sĩ Pushkin – Mặt trời thi ca Nga đã tắt ở tuổi 38. Nhưng tác phẩm đậm chất thơ của Pushkin trường tồn cùng di sản văn hóa Nga và góp phần giàu đẹp cho văn hóa thế giới. Đối với người Việt Nam thế hệ Hồ Chí Minh, tác phẩm của Pushkin là món ăn tinh thần, là hành trang trên bước đường học tập, trưởng thành. Những Ruslan và Lyudmila, Người tù binh Kavkaz, Yevgeny Onegin, Con đầm bích, Dubrovski, Những người Digan… là tác phẩm thân thuộc “gối đầu giường” của biết bao người, đọc hoài không chán. Đặc biệt, thơ ca, tình ca của Pushkin đi vào lòng yêu của tuổi thanh niên như là đạo lý, như là lý tưởng tràn đầy tinh thần nhân văn, lãng mạn. Không mấy thanh niên không biết đến Gởi K với lời tỏ tình có cánh. Dường như, bài thơ Tôi yêu em nằm lòng với người đang yêu bằng tình yêu chân thành, cao cả, bao dung:
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai Nhưng không để em bận lòng thêm nữa Hay hồn em phải gợn bóng u hoài Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm Cầu em được người tình như tôi đã yêu em (bản dịch của Thúy Toàn)
Theo một cuốn sách mới về Anthony Bourdain, ông từng nói: “Tôi ghét những người hâm mộ của mình. Tôi ghét sự nổi tiếng. Tôi ghét công việc của mình”
Đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain. Ảnh: NPR.
Một cuốn tiểu sử sắp được ra mắt về đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain sẽ lần đầu tiên tiết lộ những chi tiết chân thực nhất về những ngày cuối cùng của ông trước khi ông qua đời do tự tử năm 2018.
Thông tin chân thực và phong phú
Trong cuốn tiểu sử mới Down and Out in Paradise: The Life of Anthony Bourdain, tác giả Charles Leerhsen đã tập hợp thông tin từ hơn 80 cuộc phỏng vấn, cùng nhiều tệp dữ liệu, tin nhắn và email từ điện thoại và máy tính xách tay của Bourdain. Với nguồn dữ liệu phong phú như vậy, Simon & Schuster, nhà xuất bản ra mắt cuốn sách này đã gọi đây là “cuốn sách đầu tiên kể câu chuyện thật và đầy đủ về Bourdain”.
Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Leerhsen thông tin với trang TODAY: “Cuốn sách này phản ánh chân thực người đàn ông đó (Bourdain-pv)”.
Trong khi ghi lại đầy đủ cuộc sống của Bourdain từ thời thơ ấu đến khi trở thành một đầu bếp và một ngôi sao truyền hình quốc tế, cuốn sách cũng dành nhiều sự tập trung vào những ngày cuối đời của Bourdain và sự xáo trộn cảm xúc của ông khi phải kết thúc mối quan hệ với bạn gái Asia Argento.
Tác giả Leerhsen chia sẻ với trang TODAY rằng: Những ngày cuối cùng của Bourdain chính là một mô hình thu nhỏ về cuộc đời ông ấy: làm việc suốt ngày đêm, ăn những món ăn ngon, uống rượu nhiều và vật lộn với chứng nghiện ngập và trầm cảm.
Tác phẩm sẽ được ra mắt ngày 11/10 tới. Ảnh: Amazon.
Sau khi đã nắm trong tay nhiều thông tin cụ thể và chân thực, Leerhsen nói: “Tôi nghĩ trong những ngày cuối cùng của mình, ông ấy đã rơi vào trạng thái rất đau khổ”.
Trong những tin nhắn cuối cùng ông Bourdain gửi cho bạn gái Asia Argento, tâm trạng của vị cố đầu bếp rất bất ổn. Vào thời điểm đó, quan hệ của cả hai đang đầy sóng gió khi nhiều bức ảnh trên mạng xã hội ghi lại cảnh cả hai có những giây phút thân mật với người khác. Ông Bourdain dành thời gian cho vợ cũ và con gái của mình còn Argento khiêu vũ với một phóng viên người Pháp tại sảnh khách sạn Rome’s Hotel de Russie.
Cảm xúc thật trước khi qua đời
Ông Bourdain dường như đã rơi vào hỗn loạn sau khi quyết định từ bỏ mối quan hệ tình cảm với Argento. Ông Bourdain nhắn cho Argento: “Tôi không sao. Tôi không cay cú. Tôi không ghen khi em cặp kè với người đàn ông khác. Tôi không sở hữu em. Em được tự do. Như tôi đã nói. Như tôi đã hứa. Tôi thực sự muốn nói như vậy. Nhưng em đã vô tâm. Em đã coi thường trái tim của tôi. Cuộc đời tôi”.
Theo chia sẻ của tờ New York Times về cuốn sách, ông Bourdain lúc đó dường như đã bị tổn thương khi cuộc gặp của Argento diễn ra tại khách sạn mà họ từng có thời gian lãng mạn. Argento sau đó nói rằng cô không thể tiếp tục mối quan hệ do tính chiếm hữu của Bourdain.
Mối quan hệ của Bourdain với Argento rơi vào sóng gió trước khi ông qua đời. Ảnh: TODAY/ FilmMagic.
Trong đoạn tin nhắn cuối cùng của Bourdain với Argento, ông đã viết: “Tôi có thể làm gì không?” và Argento đáp lại: “Đừng làm phiền tôi”. Vị đầu bếp nổi tiếng trả lời lại một cách ngắn gọn “OK” và đêm hôm đó, ông tự tử trong phòng khách sạn ở Pháp.
Cuốn sách cũng đề cập tới một đoạn tin nhắn riêng tư khác của ông Bourdain với vợ cũ Ottavia Busia (cả hai vẫn là bạn tâm giao sau khi họ chia tay vào năm 2016) rằng: “Tôi cũng ghét những người hâm mộ của mình. Tôi ghét nổi tiếng. Tôi ghét công việc của tôi. Tôi cô đơn và luôn sống trong tình cảnh bấp bênh”.
Mặc dù cuốn sách không thông tin cụ thể về người đã cung cấp những đoạn tin nhắn này nhưng bà Busia chính là người nắm giữ tài sản của Bourdain sau khi ông qua đời, bao gồm những đoạn văn bản này.
Theo tờ New York Times, cuốn sách đã “thu hút sự chú ý từ gia đình ông Bourdain, những người đồng nghiệp cũ và những người bạn thân nhất”. Một số thành viên trong gia đình Bourdain đã phản đối vài phần nội dung trong cuốn sách và thậm chí yêu cầu nhà xuất bản Simon & Schuster không ra mắt tác phẩm này.
Em trai duy nhất của Bourdain là ông Christopher đã gửi cho nhà xuất bản Simon & Schuster hai email vào tháng 8 vừa qua và gọi cuốn sách là một “cuốn tiểu thuyết gây tổn thương và phỉ báng”.
Nhà xuất bản đã trả lời rằng: “Bằng tất cả sự tôn trọng, chúng tôi không đồng ý rằng tài liệu trong sách có chứa thông tin mang tính phỉ báng. Và chúng tôi đứng về phía viết tác phẩm sắp ra mắt này”.
Trước khi qua đời, Bourdain là một trong những cái tên quen thuộc với lượng hâm mộ đông đảo sau thành công của chương trình truyền hình Parts Unknown. Trong chương trình này, ông đã đi tới nhiều nơi trên thế giới để khám phá ẩm thực và văn hóa phong phú. Ngoài công việc là ngôi sao truyền hình, ông cũng là một cây viết về du lịch và ẩm thực được yêu thích với nhiều tác phẩm trải rộng từ sách dạy nấu ăn đến chuyên sâu về ngành nhà hàng.
Chụp lại hình ảnh,“1,2,3,dzô dzô dzô!”- Nữ giới Việt tham gia nhậu đang tăng
“…Khi vũ trụ lên đèn
Thành phố ngả nghiêng men rượu say mèm…”.
Đây là một phần lời của bài hát “Thành phố sau lưng” của nhạc sĩ Hàn Châu.
Rượu nấu từ gạo hoặc nếp đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu đời. Tuy nhiên, ngày xưa người Việt thường dùng rượu để tế lễ, dâng trên bàn thờ và chỉ uống rượu trong ngày vui (ngày Tết, đám cưới) hoặc ở miền Nam, thường uống rượu trong đám giỗ (một dịp tụ họp bà con và chòm xóm).
Còn trong 5 năm trở lại đây, các quán nhậu “mọc lên” khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn, không chỉ vùng ngoại ô mà ngay tại khu trung tâm. Từ “nhậu” ở Việt Nam được hiểu là vừa ăn “mồi” (thức ăn) vừa uống bia, rượu…
Người Việt đang nhậu mọi lúc mọi nơi
Người Việt nhậu mọi lúc mọi nơi kể cả phi trường, bệnh viện hay nghĩa trang. Những người đưa tiễn thân nhân đi nước ngoài ở ga quốc tế Tân Sơn Nhất có thể bày “bàn nhậu” ở góc sân. Những người đi nuôi bệnh có thể bày “bàn nhậu” ngay trên ghế đá trong khuôn viên bệnh viện. Thậm chí có những cư dân rủ nhau nhậu trong nghĩa trang, còn những người vô gia cư nhậu ở gầm cầu… Ai muốn tiện nghi thì vào nhà hàng có trang bị máy điều hòa để nhậu.
Những quán nhậu ven đường thường “dùng” vỉa hè để đặt bàn ghế cho khách và chiếm dụng một góc đường phía đối diện làm “bãi đậu xe”. Có những quán nhậu hoạt động tới sáng, còn đóng cửa sớm nhất cũng sau 1 giờ sáng. Từ 20 giờ đêm mỗi ngày, các quán nhậu bắt đầu đông khách.
Khẩu hiệu của dân nhậu là “1,2,3 dzô dzô dzô!” mỗi lần cùng nhau nâng ly và cùng la lớn “Dzô 100 %”.
Đối với một số đàn ông Việt Nam, một cuộc chơi trọn vẹn gồm ba tăng. Tăng một là nhậu, tăng hai là hát karaoke, tăng ba là vào nhà nghỉ với các em gái xinh đẹp (xuất hiện bất chợt hoặc đã đặt trước). “Tăng ba” có khi là “món quà tặng đối tác/quan chức” để đổi lấy hợp đồng hoặc giấy phép.
Chụp lại hình ảnh,Tăng hai là Karaoke. Một quán Karaoke trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận
Số người trẻ Việt Nam uống rượu bia ngày càng tăng
Theo báo cáo Tiêu thụ bia toàn cầu theo từng quốc gia của Kirin Holdings (Nhật Bản), Việt Nam tiêu thụ bia đứng hàng thứ 9 trên thế giới với tổng lượng tiêu thụ bia chiếm 3.845.000 lít vào năm 2020.
Ở Việt Nam, pháp luật không giới hạn độ tuổi của người mua bia, rượu, vì vậy bất kỳ ai cũng có thể mua được bia, rượu tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi 24/24 hay tiệm tạp hóa.
Tại hội nghị cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường, do Bộ Thông tin Truyền thông và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam) phối hợp với Tổ chức HealthBridge tổ chức trong ngày 4/7 – 5/7/2022, có nhiều số liệu đưa ra cho thấy mức tiêu thụ rượu, bia ở người từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam đang tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005, mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn nguyên chất/người/năm, thì đến năm 2018 và 2019, con số này đã tăng lên 7,9 lít.
Theo Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy có tới 64% nam giới và 10% nữ giới hiện uống rượu bia suốt 30 ngày. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại.
Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên nam giảm nhẹ nhưng tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nữ lại tăng. Theo điều tra sức khỏe học sinh trường học 2019, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở trẻ vị thành niên nam (13-17 tuổi) là 24,6% (giảm so với 33,2% năm 2013) và ở nữ là 20% (tăng so với 17,6% năm 2013). Trong đó, tỷ lệ đã từng uống say ở cả vị thành niên nam và nữ đều ở mức cao với 22,1% ở nam và 19,3% ở nữ.
Cũng trong hội nghị này, Cục Y tế dự phòng cho biết, trong số 548.000 ca tử vong/năm ở Việt Nam thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.800 ca (7,5%). Rượu/bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Chụp lại hình ảnh,Quán nhậu trên đường Trường Sa, quận Bình Thạnh hầu như lúc nào cũng đông nghẹt khách, kể cả tối ngày thường.
Tại sao người Việt thích nhậu?
Đa phần những người có thói quen nhậu cho rằng phải nhậu để tạo mối quan hệ hoặc giữ mối quan hệ. Họ thường đem công việc làm ăn lên bàn nhậu để bàn bạc vì khi nhậu người ta dễ nói chuyện với nhau hơn. Tôi từng chứng kiến một đồng nghiệp nữ (làm việc tại công ty nước ngoài) vì muốn bán được hàng cho đối tác người Việt phải “nốc” cạn nhiều ly bia với đối tác nam. Cô ấy thường khoe sau mỗi cuộc nhậu sẽ bán được nhiều hàng hơn, tức tiền lương sẽ cao hơn.
Hiện nay các công ty trong nước hay nước ngoài tuyển dụng nhân viên kinh doanh (salesperson), ngoài các yêu cầu về bằng cấp, kinh nghiệm còn có thêm “yêu cầu ngầm” là phải biết nhậu và có tửu lượng cao để tiếp khách. Một đứa cháu của tôi đã sửng sốt trước câu hỏi phỏng vấn của một công ty tư vấn đầu tư: “Em có biết nhậu không? Tửu lượng uống được bao nhiêu?”.
Để công việc suôn sẻ, thu nhập cao hơn, giới trẻ giờ đây cũng tập tành nhậu. Việc tụ tập bên bàn nhậu sau giờ làm việc hoặc cuối tuần đối với giới trẻ vừa là cách để giải trí, vừa chứng tỏ bản thân.
Chụp lại hình ảnh,Một quán bia có máy điều hòa trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận
Ai có lợi trong việc người Việt tiêu thụ bia rượu?
Dĩ nhiên, người thu lợi hàng đầu vẫn là các công ty bia rượu vì nếu không có lợi thì họ đã không sản xuất bia rượu.
Kế đến nhà nước là người thu lợi thứ hai. Trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020 của Tổng cục Thuế, công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam đứng thứ 9.
Cụ thể, công ty này đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp 997 tỷ đồng năm 2020, 756 tỷ đồng năm 2021 và ước tính 810 tỷ đồng năm 2022.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn thói quen nhậu tràn lan của người Việt, vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nòi giống vừa gây hại cho cộng đồng, chính phủ Việt Nam cần áp dụng luật cấm bán và tiêu thụ đồ uống có cồn (bia/rượu) đối với người dưới 18 tuổi; giới hạn khung giờ buôn bán và hoạt động bán bia/rượu của các quán ăn, nhà hàng; đề ra tiêu chuẩn kinh doanh có điều kiện trước khi cấp giấy phép kinh doanh cho các quán ăn, nhà hàng có bán bia/rượu; cấm người dân ngồi nhậu nơi công cộng như vỉa hè, lề đường, công viên, bệnh viện, phi trường….
Ông Tập Cận Bình hy vọng rằng “hệ thống quốc gia” có thể giúp phát triển ngành công nghiệp chip của Trung Quốc và tạo nên kỳ tích như việc sản xuất bom nguyên tử và vệ tinh vào những năm 1960. Tuy nhiên, hệ thống quốc gia cũng không giúp vượt qua được những khó khăn trong ngành chip Trung Quốc và sản xuất chip còn khó hơn sản xuất bom nguyên tử.
Một bức ảnh chụp vào tháng 4/2018 hiện có thể khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xấu hổ. Trong bức ảnh này, ông Tập Cận Bình đang thị sát một công ty con của công ty bán dẫn nhà nước Yangtze Memory Technologies (YMTC) ở Vũ Hán. Người đứng đằng sau ông Tập là ông Triệu Vĩ Quốc (Zhao Weiguo), khi đó là chủ tịch của YMTC, kiêm chủ tịch của Tsinghua Unigroup. Vào ngày 26/7 năm nay, trang tin Caixin tại Đại Lục đưa tin, ông Triệu Vĩ Quốc đã bị cơ quan chức năng đưa đi để điều tra. Vấn đề liên quan đến việc chuyển giao quyền lợi giữa công ty do cá nhân kiểm soát và công ty thuộc Tsinghua Unigroup trước đây, chẳng hạn như các dự án mua sắm, sửa sang thiết bị, v.v, mà không đấu thầu công khai.
Người đeo kính đứng sau ông Tập Cận Bình là ông Triệu Vĩ Quốc. (Ảnh Xinhua) Triệu Vĩ Quốc được người trong ngành gọi là “kẻ cuồng chip”. Dưới sự lãnh đạo của ông ta, từ năm 2013 đến năm 2014, Tsinghua Unigroup đã mua lại Spreadtrum Communications và RDA với giá lần lượt là 1,78 tỷ USD và 907 triệu USD, sau đó 2 công ty này sáp nhập thành UNISOC – công ty tham gia vào lĩnh vực chip truyền thông di động.
Ông Triệu Vĩ Quốc thậm chí đã nghĩ đến việc mua lại TSMC của Đài Loan. Năm 2016, sau khi Tsinghua Unigroup làm chủ Wuhan Xinxin (Wuhan Xinxin Integration Dianlu Manufacture Limited Company) và thành lập Yangtze Memory Technology Corp, tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 160 tỷ nhân dân tệ. Cùng năm, Tsinghua Unigroup thành lập 3 cơ sở sản xuất chất bán dẫn tại Vũ Hán, Thành Đô và Nam Kinh, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 70 tỷ USD.
Vào tháng 7/2015, Tsinghua Unigroup cũng có ý định mua lại nhà sản xuất bộ nhớ Micron Technology của Mỹ với giá 23 tỷ USD. Vào thời điểm đó, dư luận phổ biến cho rằng thỏa thuận mua bán này có thể vấp phải sự thẩm tra chặt chẽ từ các quan chức Mỹ. Cuối cùng thì thỏa thuận đã kết thúc mà không đạt được kết quả.
Cuối năm 2020, Tsinghua Unigroup lâm vào khủng hoảng vỡ nợ, tháng 7/2021 bị tòa án ra phán quyết phá sản và phải tái cơ cấu.
Những người như ông Triệu Vĩ Quốc chẳng qua cũng chỉ là hình ảnh thu nhỏ của phong trào chip của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Phong trào sản xuất chip Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới YMTC diễn ra ngay sau khi Chính phủ Mỹ cấm công ty viễn thông Trung Quốc ZTE làm ăn với các nhà cung cấp của Mỹ. Ông Tập Cận Bình nói với các quản lý cấp cao của các công ty đi cùng mình rằng chất bán dẫn cũng quan trọng đối với sản xuất như trái tim của con người. Ông Tập nói: “Nếu trái tim không mạnh mẽ, thì dù cơ thể có to lớn đến đâu cũng không thể khỏe được”, ông Tập nói và kêu gọi mọi người hãy nhanh chóng tạo ra những đột phá về công nghệ.
Ngay từ năm 2014, Bộ Tài chính Trung Quốc, Tổng công ty Thuốc lá Quốc gia Trung Quốc và các cơ quan ban ngành khác đã cùng đầu tư thành lập Công ty TNHH Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch Tích hợp Quốc gia (ICF). Giai đoạn đầu tiên huy động được 138,72 tỷ nhân dân tệ, và giai đoạn hai là 204,15 tỷ nhân dân tệ. Kể từ khi thành lập, quỹ lớn đã hỗ trợ một số lượng lớn các công ty bán dẫn như SMIC, YMTC, Jiangsu Changjiang Electronics Tech và Advanced Micro dưới hình thức đầu tư cổ phần, nợ trực tiếp và gián tiếp.
Năm 2016, ICF đã tung ra hai khoản đầu tư vào Hubei Zixin Technology Investment và YMTC, với quy mô đầu tư lần lượt là 14,14 tỷ nhân dân tệ và 13,56 tỷ nhân dân tệ, với tỷ lệ cổ phần là 49% và 24%, và tổng quy mô đầu tư gần 30 tỷ nhân dân tệ. Vào tháng 6/2020, ICF đầu tư vào UNISOC, với số vốn góp đăng ký là 700 triệu nhân dân tệ, chiếm gần 14% vốn đầu tư.
Ông Tập Cận Bình kỳ vọng rằng “hệ thống quốc gia” sẽ giúp ngành công nghiệp chip của Trung Quốc một lần nữa tạo nên kỳ tích hai quả bom và một vệ tinh vào những năm 1960.
Vào tháng 4/2016, tại Hội nghị chuyên đề về công tác thông tin và an ninh mạng quốc gia, ông Tập Cận Bình nói: “Chúng ta phải chiến đấu trong trận chiến khó khăn về nghiên cứu và phát triển công nghệ cốt lõi”. “Chúng ta phải tập hợp những lực lượng mạnh nhất để làm việc cùng nhau, và thành lập lực lượng biệt kích và lực lượng đặc biệt để khắc phục những vấn đề khó khăn.”
Tháng 8/2016, theo đề xuất của ông Tập, Liên minh chip cao cấp Trung Quốc (HECA) chính thức được thành lập. Các nhà tài trợ của liên minh này bao gồm các doanh nghiệp và viện nghiên cứu thuộc chuỗi ngành công nghiệp chip hàng đầu trong nước như Tsinghua Unigroup, YMTC, SMIC, China Electronics Corporation (CEC), Huawei, ZTE, Lenovo, cũng như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Viện Vi điện tử thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin.
Ngoài ra, dưới sự kêu gọi của Đảng Cộng sản Trung Quốc về sản xuất chip, Trung Quốc đã thành lập 23.100 công ty bán dẫn vào năm 2020 và 47.400 công ty bán dẫn vào năm 2021, thậm chí còn gọi đây là “Đại nhảy vọt về chip“. Trên thị trường vốn, cả vốn mạo hiểm (Venture capital) hay quỹ cổ phần tư nhân (PE) đều đang tìm kiếm các dự án chip, và các cơ quan tư vấn đầu tư chip đang nở rộ khắp nơi. Những kẻ lừa đảo cũng bắt đầu xuất hiện trong lĩnh vực này. Lừa đảo và hủ bại hoành hành Wuhan Hongxin Semiconductor (HSMC) là một ví dụ. Dự án này được ra mắt vào tháng 11/2017. Nó tuyên bố sản xuất chip dưới 14 nanomet và 7 nanomet. Nó cũng đưa ông Tưởng Thượng Nghĩa (Chiang Shang-yi), một nhà lãnh đạo trong ngành và một nhân vật có công lao đã phục vụ TSMC trong nhiều năm, gia nhập Hongxin và giữ chức vụ Giám đốc điều hành. Vào cuối năm đó, nó cũng đưa chiếc máy quang khắc ASML đầu tiên vào nhà máy với sự phô trương lớn, tuyên bố rằng chiếc máy quang khắc này là “máy in thạch bản duy nhất trong nước có thể sản xuất chip 7 nanomet”.
Tuy nhiên, ngày nay, dự án vẫn chưa hoàn thành. Vào tháng 9/2020, một phóng viên của kênh truyền thông Đại Lục Thời báo chứng khoán đã đến thăm ký túc xá và khu vực xây dựng cao ốc văn phòng thì thấy cổng gần như bị bỏ hoang và sân trong vắng tanh.
Cựu lãnh đạo TSMC: Điều ngu ngốc nhất cuộc đời là gia nhập SMIC của Trung Quốc Sau khi Thời báo Chứng khoán điều tra phát hiện, đằng sau Wuhan Hongxin là một “doanh nghiệp trung ương sao chép” bị nghi vấn và một đoàn thể xã hội gần đây đã bị hủy đăng ký. Miếng thịt béo bở mà họ nhắm đến chính là nguồn tiền tài trợ sản xuất bán dẫn của nhà nước.
Trong Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch Tích hợp Quốc gia (ICF) liệu còn có kẻ lừa đảo khác làm nội ứng? Vào tháng 7/2022, một cơn bão chống tham nhũng bất ngờ nổ ra trong lĩnh vực chip của Trung Quốc. Một số người liên quan đến ICF đã liên tiếp bị điều tra.
Đầu tiên, vào ngày 15/7, Lộ Quân (Lu Jun), cựu chủ tịch của công ty quản lý ICF là Huaxin Investment, đã bị bắt đi điều tra bởi nhóm giám sát của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tại Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Cục Giám sát tỉnh Cát Lâm. Sau đó vào ngày 30/7, tổng giám đốc ICF Đinh Văn Vũ (Ding Wenwu) đã bị bắt đi để điều tra. Ông Đinh Văn Vũ từng là quản lý cấp cao của Wuhan Xinxin (Wuhan Xinxin Integration Dianlu Manufacture Limited Company), YMTC và ICF.
Tin tức mới nhất là ông Nhậm Khải (Ren Kai), phó chủ tịch Huaxin Investment, phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc kiêm giám đốc không điều hành của SMIC, đã bị bắt đi để điều tra. Theo thông báo của SMIC ngày 16/9, ông Nhậm Khải bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật, hiện đang bị đoàn Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ủy ban Giám sát thành phố Bắc Kinh xem xét kỷ luật. Chế tạo chip khó hơn chế tạo bom nguyên tử Sau phong trào “sản xuất chip” rầm rộ, ngành công nghiệp chip của Trung Quốc rơi vào tình trạng ảm đạm. Xét từ góc độ định lượng, số lượng chip nội địa chỉ chiếm 10% thị trường nội địa và 90% còn lại vẫn dựa vào nhập khẩu; về mặt định tính, Trung Quốc vẫn đang loanh quanh ở quy trình 14nm.
Điều đáng xấu hổ hơn nữa là ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đã phải trải qua một làn sóng đóng cửa nghiêm trọng trong năm nay do chính sách “zero COVID”. Trong 8 tháng đầu năm nay, có tới 3.470 nhà sản xuất liên quan đến chất bán dẫn đóng cửa, một con số kỷ lục. Sản lượng chip cũng giảm mạnh. Trong tháng 8, sản lượng chip giảm 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 8 tháng đầu năm, tổng sản lượng chip của Trung Quốc giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, hành động ngăn chặn chip của Mỹ đối với Trung Quốc cũng đã lên đến đỉnh điểm.
Vào ngày 25/8 năm nay, Tổng thống Mỹ Biden đã ký “Đạo luật Khoa học và Chip 2022”, trong đó khuyến khích các công ty thành lập nhà máy tại Mỹ và yêu cầu các công ty đã được trợ cấp không được xây dựng nhà máy mới ở Trung Quốc hoặc mở rộng sản xuất chip dưới 28nm trong 10 năm tại nước này.
Trong cùng tháng, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố lệnh cấm xuất khẩu phần mềm EDA cho các quy trình dưới 3nm sang Trung Quốc. Vào tháng 9, Mỹ đã hạn chế vận chuyển chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến của AMD và NVIDIA sang Trung Quốc.
Mỹ cấm xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo hàng đầu sang Trung Quốc Trước ý chí ngày càng cứng rắn của Mỹ trong việc kiềm chế ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình vẫn đặt hy vọng vào sự đột phá trong hệ thống quốc gia. Vào ngày 6/9 năm nay, một cuộc họp của Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện của Trung ương ĐCSTQ đã xem xét và thông qua một tài liệu về “một hệ thống quốc gia mới để giải quyết các công nghệ cốt lõi quan trọng”. Tại cuộc họp này, ông Tập Cận Bình một lần nữa kêu gọi “phát huy hết những ưu thế rõ rệt của hệ thống xã hội chủ nghĩa để hệ thống xã hội chủ nghĩa có thể tập trung toàn lực cho các công việc lớn, tăng cường sự lãnh đạo của đảng và nhà nước đối với những đổi mới lớn về khoa học và công nghệ”.
Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc Đại Lục cho rằng hệ thống quốc gia không phải con đường chính xác để vượt qua khó khăn về chip.
Thời báo Chứng khoán đưa tin vào năm 2018 rằng ngành công nghiệp chip công nghiệp hóa và “hai quả bom và một vệ tinh” tuân theo các quy luật kinh tế hoàn toàn khác nhau. Để chế tạo bom nguyên tử, mục tiêu đầu tiên là “có” (sản xuất ra được), và chi phí cũng như các lần nâng cấp sản phẩm sau đó về cơ bản là không đáng kể. Nhưng đối với sản xuất chip, tiêu chuẩn để thành công là vô cùng khắc nghiệt. Con chip không chỉ phải được sản xuất mà còn phải được chế tạo nhanh hơn đối thủ, không chỉ được chế tạo mà còn phải được sản xuất hàng loạt với chi phí thấp và năng suất cao.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư vào “hai quả bom và một vệ tinh” là một lần. Còn chip thường được đầu tư hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD, chỉ cần không thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện thành công trong phòng thí nghiệm, sản xuất hàng loạt và không đạt thời gian thì không thể tạo ra lợi nhuận, đồng nghĩa với thất bại.
Nhiều học giả Trung Quốc Đại Lục thừa nhận rằng chế tạo chip khó hơn chế tạo bom nguyên tử.
Ông Lưu Á Đông (Liu Yadong), Hiệu trưởng Trường Báo chí và Truyền thông tại Đại học Nankai, cho biết trong một bài phát biểu rằng nếu hệ số khó khăn của việc chế tạo bom nguyên tử là 1, thì phi cơ có người lái là 10, động cơ hàng không là 50 và chip có thể được cho là 100.
Ông giải thích thêm rằng có 2 bàn làm việc chuyển động đồng bộ trên máy in thạch bản và 2 bàn làm việc cần duy trì cùng độ cao khi di chuyển và sai số phải nhỏ hơn 2 nanomet. “Sai số dưới 2 nanomet nghĩa là gì? Giống như hai chiếc máy bay lớn đồng bộ chặt chẽ từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh, một con dao thò ra từ chiếc máy bay lớn để khắc hạt gạo ở chiếc máy bay lớn khác, hơn nữa không được khắc sai. Nó cho thấy yêu cầu của việc đồng bộ hóa này là cao như thế nào.”
“Con chip nhỏ này chỉ bằng kích thước móng tay, (nhưng) nó là bậc thầy của toàn bộ nền văn minh công nghiệp của loài người. Thật không dễ dàng, thật quá khó!”, ông Lưu Á Đông cho biết.