9 hồ nước đẹp như tranh vẽ

Với làn nước lung linh những sắc thái mê hoặc, bề mặt lấp lánh, cũng như bầu trời xanh sáng, các hồ tạo nên một số cảnh đẹp ngoạn mục trên Trái Đất.

Nhung ho nuoc dep anh 1
Hồ Pichola: Với những cung điện sang trọng, đền bằng đá cẩm thạch và dinh thự tráng lệ nằm xung quanh, hồ Pichola ở bang Rajasthan, Ấn Độ, sở hữu vẻ đẹp hiếm có. Mặc dù trông rất tự nhiên, Pichola là hồ nước nhân tạo được xây dựng vào năm 1362 ở trung tâm thành phố Udaipur. Ảnh: Dbyjuhfl.
Nhung ho nuoc dep anh 2
Hồ Baikal ở Nga là hồ sâu nhất và lâu đời nhất trên Trái Đất, được đặt biệt danh “Hòn ngọc trai của Siberia”. Hồ nước ngọt khổng lồ này chứa nhiều nước hơn tất cả hồ lớn ở Bắc Mỹ cộng lại. Mỗi mùa, cảnh quan ở nơi đây lại mang một sắc thái đẹp riêng. Đặc biệt là mùa đông, khi nước hồ đóng băng sâu đến 2 m, thu hút du khách trượt băng hay đi bộ trên bề mặt. Ảnh: Steven Phraner.
Nhung ho nuoc dep anh 3
Hồ Titicaca: Là hồ lớn nhất ở Nam Mỹ, làn nước lấp lánh của hồ Titicaca nằm ở độ cao hơn 3.800 m so với mực nước biển. Ẩn mình giữa dãy núi Andes, với những đỉnh núi phủ tuyết trắng từ xa, hồ Titicaca nằm ​​giữa biên giới Bolivia và Peru. Bên cạnh việc thưởng ngoạn phong cảnh, du khách có thể đi bộ đường dài dọc theo bờ hồ, đi thuyền đến các hòn đảo nổi hoặc ghé thăm những tàn tích Inca lâu đời. Ảnh: Oceando.
Nhung ho nuoc dep anh 4
Hồ Pehoe là một trong những hồ đẹp nhất thế giới. Nằm ở một vùng hẻo lánh của Patagonia thuộc Chile, du khách sẽ khá mất thời gian để đến hồ nước này. Tuy nhiên điều đó là xứng đáng để bạn có thể tận mắt chiêm ngưỡng cảnh quan mê hoặc của hồ nước trong xanh bình yên cùng thác nước lấp lánh và dãy núi Torres del Paine hùng vĩ nằm gần đó. Khung cảnh của hồ Pehoe luôn khiến người nhìn ngất ngây vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và đặc biệt huyền ảo nhất vào buổi hoàng hôn. Ảnh: Decolar.
Nhung ho nuoc dep anh 5
Hồ Inle: Ẩn mình giữa những ngọn đồi Shan Hills của Myanmar, hồ Inle là điểm đến tuyệt vời cho tín đồ du lịch yêu thích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Ngoài việc giáp với các tu viện và đền thờ có tuổi đời hàng thế kỷ, hồ còn có những ngôi làng chài yên bình. Hồ Inle hiện là một địa điểm du lịch nổi tiếng, du khách có thể đi thuyền ngắm cảnh hay ghé thăm những ngư dân làng chài, tìm hiểu văn hóa độc đáo ở địa phương. Ảnh: Supertravelr.
Nhung ho nuoc dep anh 6
Hồ Crater: Là hồ sâu nhất của Mỹ, Crater Lake nằm trong miệng núi lửa đã sụp đổ từ lâu. Nổi tiếng với màu xanh thẳm và làn nước trong như pha lê, hồ nước này là nơi các nhiếp ảnh gia tỏa sức chụp những bức ảnh đẹp mê hồn. Với vẻ đẹp ấn tượng và có nhiều hoạt động giải trí, hồ Crater là một trong những điểm thu hút hàng đầu của bang Oregon. Ảnh: Wollertz.
Nhung ho nuoc dep anh 7
Hồ Wakatipu: Nằm ở đảo Nam của New Zealand, hồ Wakatipu nổi tiếng với quang cảnh thiên nhiên khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ. Hồ nước rộng 291 km2 và dài 80 km được bao quanh bởi khu vực dân cứ với những căn nhà xây san sát nhau và dãy núi Remarrkables chập chùng. Tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và kỳ vĩ. Ảnh: Bernard Spragg. NZ.
Nhung ho nuoc dep anh 8
Hồ Como: Nằm ở phía bắc của Italy, hồ Como đã nổi tiếng và là một nơi yêu thích của những người giàu có từ thời La Mã. Được bao quanh bởi những ngọn đồi phủ đầy rừng và núi cao chót vót, khung cảnh tuyệt đẹp và bờ hồ ngập tràn ánh nắng khiến nơi đây trở nên hoàn hảo để nghỉ ngơi, thư giãn. Xung quanh hồ là các biệt thự, cung điện trang nhã, cùng với các thị trấn và làng mạc đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Kharkiv.
Nhung ho nuoc dep anh 9
Hồ Moraine: Không hổ danh là một trong những thắng cảnh thiên nhiên mang tính biểu tượng nhất của Canada, hồ Moraine là một trong những hồ nổi tiếng và đẹp nhất thế giới nhờ màu sắc độc đáo và khung cảnh ngoạn mục. Ẩn mình ở Valley of the Ten Peaks, hồ Moraine thuộc vườn quốc gia Banff có làn nước trong xanh, phản chiếu cảnh quan xung quanh. Hồ băng nổi bật một cách kỳ diệu trên nền các đỉnh phủ đầy tuyết của dãy núi Rocky. Ảnh: MayR.

Theo Zing

10 tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ

Trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ (Forbes 400) năm 2022, có 10 người dưới 40 tuổi – ít hơn 5 người so với năm ngoái. Dù tài sản giảm mạnh, Mark Zuckerberg, CEO Meta vẫn là tỷ phú U40 giàu nhất nước Mỹ. Tài sản của các tỷ phú tính đến ngày 2/9.

10 tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 1.

10. Scott Duncan

Tuổi: 39

Giá trị tài sản ròng: 6,9 tỷ USD

Nguồn tài sản: Công ty ống dẫn dầu

Duncan và 3 anh chị em, thừa kế cổ phần tại công ty đường ống dẫn dầu và khí đốt Enterprise Product Partners của người cha quá cố. Tài sản của Duncan đã tăng 0,7 tỷ USD so với bảng xếp hạng năm ngoái. (Ảnh: Enterprise Product)

10 tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 2.

9. Brian Armstrong

Tuổi: 39

Giá trị tài sản ròng: 2,7 tỷ USD

Nguồn tài sản: Sàn giao dịch tiền điện tử

Vốn hóa thị trường của sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase đã giảm 75% trong một năm qua, từ 60 tỷ USD xuống còn 15 tỷ USD. Tài sản của nhà sáng lập và CEO Brian Armstrong cũng vì thế mà “bốc hơi” gần 9 tỷ USD. Armstrong, một cựu kỹ sư phần mềm của Airbnb, sở hữu khoảng 19% cổ phần của Coinbase – công ty ra đời năm 2012. (Ảnh: Reuters)

10 tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 3.

8. Nathan Blecharczyk

Tuổi: 39

Giá trị tài sản ròng: 7,7 tỷ USD

Nguồn tài sản: Airbnb

Blecharczyk là người duy nhất trong số ba nhà đồng sáng lập của Airbnb vẫn dưới 40 tuổi. Ông giữ vai trò giám đốc chiến lược của công ty và là chủ tịch của Airbnb Trung Quốc. Trong bối cảnh cổ phiếu của Airbnb giảm gần 30% trong năm qua, Blecharczyk đã bán lượng cổ phiếu trị giá hơn 480 triệu USD, tương đương khoảng 3,5% cổ phần của mình. (Ảnh: Bloomberg)

10 tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 4.

7. Mark Zuckerberg

Tuổi: 38

Giá trị tài sản ròng: 57,7 tỷ USD

Nguồn tài sản: Facebook

Mặc dù vẫn duy trì vị trí người giàu nhất dưới 40 tuổi trong Forbes 400, tài sản của đồng sáng lập kiêm CEO của Meta đã giảm gần 80 tỷ USD so với năm ngoái. Cổ phiếu của Meta giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2021, một phần là do sự sụt giảm người dùng và những trở ngại ban đầu khi công ty mở rộng sang “metaverse”. (Ảnh: Bloomberg)

10 tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 5.

6. Dustin Moskovitz

Tuổi: 38

Giá trị tài sản ròng: 8,1 tỷ USD

Nguồn của cải: Facebook

Moskovitz, người bạn cùng phòng ký túc xá của Zuckerberg tại Harvard là đồng sáng lập Facebook và giám đốc công nghệ đầu tiên của mạng xã hội này. Moskovitz sở hữu cổ phần lớn tại công ty phần mềm Asana, nhưng phần lớn tài sản vẫn đến từ khoảng 2% cổ phần của Facebook. Với việc cổ phiếu Meta giảm 60% và Asana giảm 80%, tài sản của Moskovitz đã giảm hơn 16 tỷ USD so với năm ngoái. (Ảnh: Getty Images)

10 tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 6.

5. Lukas Walton

Tuổi: 36

Giá trị tài sản ròng: 20,5 tỷ USD

Nguồn tài sản: Walmart

Lukas Walton là cháu trai của người sáng lập Walmart, Sam Walton. Lukas được thừa hưởng một phần tài sản – bao gồm khoảng 4% cổ phần hãng bán lẻ Walmart – khi cha của mình, John T. Walton, qua đời trong một vụ tai nạn máy bay vào năm 2005. Thay vì làm việc cho doanh nghiệp của gia đình, tỷ phú trẻ tập trung vào việc hỗ trợ các hoạt động xã hội và môi trường thông qua nền tảng đầu tư và từ thiện, Builders Vision. (Ảnh: Youtube)

10 tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 7.

4. Bobby Murphy

Tuổi: 34

Giá trị tài sản ròng: 2,7 tỷ USD

Nguồn tài sản: Snapchat

Bobby Murphy là đồng sáng lập công ty truyền thông xã hội Snap – sở hữu ứng dụng Snapchat. So với danh sách Forbes 400 năm ngoái, tài sản của Murphy đã giảm 12,5 tỷ USD. (Ảnh: Hollis Johnson)

10 tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 8.

3. Evan Spiegel

Tuổi: 32

Giá trị tài sản ròng: 2,8 tỷ USD

Nguồn tài sản: Snapchat

Cổ phiếu Snap giảm mạnh khiến hai nhà đồng sáng lập Spiegel và Murphy đều mất khoảng 80% tài sản trong một năm qua. Hồi tháng 8, CEO Spiegel thông báo công ty sẽ sa thải 20% nhân viên và ngừng hoạt động ít nhất sáu sản phẩm.

Evan Spiegel từng theo học Stanford – đây cũng là nơi anh gặp 2 nhà đồng sáng lập Reggie Brown và Bobby Murphy. Năm 2013, Facebook từng đề nghị mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD nhưng không thành công. (Ảnh: Getty Images)

10 tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 9.

2. Sam Bankman-Fried

Tuổi: 30

Giá trị tài sản ròng: 17,2 tỷ USD

Nguồn tài sản: Sàn giao dịch tiền điện tử

Bankman-Fried sở hữu khoảng một nửa sàn giao dịch tiền điện tử FTX. Mặc dù tài sản đã giảm hơn 5 tỷ USD so với năm ngoái, hoạt động kinh doanh của Sam Bankman-Fried vẫn tốt hơn nhiều những tên tuổi khác trong ngành tiền điện tử. FTX thậm chí còn cung cấp hạn mức tín dụng 750 triệu USD cho các công ty tiền điện tử đang gặp khó khăn vào đầu năm nay. (Ảnh: Forbes Collection)

10 tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 10.

1. Gary Wang

Tuổi: 29

Giá trị tài sản ròng: 4,6 tỷ USD

Nguồn tài sản: Sàn giao dịch tiền điện tử

Gary Wang đồng sáng lập và là Giám đốc công nghệ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX. Tốt nghiệp MIT, Wang từng làm việc tại Google trước khi bắt tay với Sam Bankman-Fried ra mắt FTX vào năm 2019. (Ảnh: Crunchbase).

Theo Linh Lam / Người Đồng hành

Ở Bạc Liêu có một nhà hát kiến trúc vô cùng đặc biệt, lấy cảm hứng từ biểu tượng người Việt Nam

Toàn bộ công trình với kiến trúc đặc biệt bao gồm cả nhà hát được đầu tư với chi phí khủng và được xác nhận kỷ lục Việt Nam.

Nhắc đến những điểm du lịch nổi tiếng của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, du khách thường nhớ tới Cần Thơ với bến Ninh Kiều, với chợ nổi sông nước, tới Bến Tre với cây dừa nghiêng bóng hay tới đất mũi Cà Mau. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ở khu vực này cũng có một Bạc Liêu vô cùng trù phú.

Bạc Liêu là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Bạc Liêu, nằm ở phía đông bắc tỉnh, bên bờ rạch cùng tên. Thành phố Bạc Liêu cách thành phố Cần Thơ khoảng 110km và đất mũi Cà Mau khoảng hơn 50km.

Bên cạnh những đặc điểm đặc trưng của miền Tây sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ở Bạc Liêu còn có một nhà hát sở hữu kiến trúc rất đặc biệt. Đó là nhà hát Cao Văn Lầu cùng khu vực Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu.

Ở Bạc Liêu có một nhà hát kiến trúc vô cùng đặc biệt, lấy cảm hứng từ biểu tượng người Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà hát Cao Văn Lầu với kiến trúc độc đáo.

Công trình được hoàn thành xây dựng vào năm 2014, tại Quảng trường Hùng Vương, phường 1, thành phố Bạc Liêu, bao gồm khối nhà hát, nhà trưng bày và Trung tâm Hội nghị. Nhà hát Cao Văn Lầu ra đời để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bài ca “Dạ cổ hoài lang”. Đây cũng là một trong những bài ca độc đáo và nổi tiếng nhất của nghệ thuật cải lương Việt Nam.

Kiến trúc mái nhà hình nón lá

Điều khiến công trình nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ trong chuyến hành trình ghé thăm Bạc Liêu còn nằm ở kiến trúc độc đáo của nó. Đó là thiết kế mái nhà hình 3 chiếc nón khổng lồ chụm vào nhau. Kiến trúc mái này còn được xác lập kỷ lục là “Nhà hát có hình dạng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam”.

Hình ảnh nón lá là biểu tượng của văn hóa phương Nam nói riêng cũng nói chung Việt Nam nói riêng. Thêm vào đó, ý nghĩa của việc 3 mái nhà nón lá chụm lại với nhau còn sâu sắc hơn thế, khi nó là biểu tượng cho 3 dân tộc ở Bạc Liêu, đó là người Kinh – người Hoa – người Khmer. Nó thể hiện cho tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em với nhau.

Ở Bạc Liêu có một nhà hát kiến trúc vô cùng đặc biệt, lấy cảm hứng từ biểu tượng người Việt Nam - Ảnh 2.

Kiến trúc mái khi nhìn từ trên cao. (Ảnh Nhà hát Cao Văn Lầu)

Theo thông tin trên Tạp chí Kiến trúc, kiến trúc sư (KTS) Vương Hoàng Lê chia sẻ: “Khi nhận lời mời thiết kế Nhà hát Cao Văn Lầu nhân sự kiện Bạc Liêu đăng cai tổ chức Festival công nhận Đàn ca tài tử là di sản văn hóa thế giới, tôi đã có cơ hội tìm hiểu về mảnh đất giàu chất văn hóa này, tìm hiểu về bộ môn cải lương đã thấm đẫm trong dòng máu của người dân nơi đây.

Với mong muốn thiết kế một công trình nhà hát truyền tải được những giá trị văn hóa lịch sử nhưng đồng thời cũng phải thật quen thuộc gần gũi, hình ảnh chiếc nón lá duyên dáng của người nông dân trên cánh đồng đã trở thành nguồn cảm hứng cho phương án thiết kế. Bởi lẽ, không gì gần gũi hơn với người dân Việt Nam là chiếc nón lá từ lao động sản xuất, đời sống sinh hoạt và cả trong thơ ca…”

3 chiếc nón là là 3 tòa nhà khác nhau, trong đó có 2 chiếc nón lớn đặt úp vào nhau, chiếc còn lại thì nhỏ ra, tạo ra sự cân bằng. Việc này tạo ra sự hài hòa cho tổng thể mặt bằng chung, có khối chính và khối phụ.

Tổng diện tích cả khu vực khuôn viên và nhà hát lên tới 2.262m2. Bên cạnh hình ảnh 3 chiếc nón lá khổng lồ, không gian nhà hát Cao Văn Lầu còn được tô vẽ thêm bởi rặng dừa phía sau hay hồ sen phía ngay trước khu nhà hát chính. Giữa hồ là lối đi uốn cong theo suốt chiều dài hồ, dẫn du khách vào khu vực tham quan.

Vào buổi tối, khu vực mặt nước của hồ còn được khai thác hiệu ứng ánh sáng để hình ảnh cả nhà hát hiện lên lung linh, huyền ảo hơn.

Hiện nay, nhà hát Cao Văn Lầu thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, bao gồm các bộ môn như cải lương, dù kê, ca múa nhạc tổng hợp truyền thống và đương đại để phục vụ người dân bản địa cũng như du khách.

Ở Bạc Liêu có một nhà hát kiến trúc vô cùng đặc biệt, lấy cảm hứng từ biểu tượng người Việt Nam - Ảnh 4.

Công trình vào ban đêm vô cùng đẹp mắt khi có thêm hiệu ứng ánh sáng.

Thông qua những hoạt động này, bên cạnh tính giải trí, nhà hát cũng muốn bảo tồn, truyền nghề và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhờ việc kết nối với các công ty lữ hành, nhà hát Cao Văn Lầu còn xây dựng một số chương trình nghệ thuật tổng hợp, phục vụ riêng từng nhóm nhu cầu.

Ở Bạc Liêu có một nhà hát kiến trúc vô cùng đặc biệt, lấy cảm hứng từ biểu tượng người Việt Nam - Ảnh 5.

Các tiết mục biểu diễn ở nhà hát Cao Văn Lầu phục vụ du khách. (Ảnh Lữ hành Việt Nam)

javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(4132);}else{parent.admSspPageRg.draw(4132);}

Những điểm đến không thể bỏ lỡ khác khi đến Bạc Liêu

Để di chuyển đến Bạc Liêu, nếu xuất phát từ TP HCM hay các tỉnh nằm cùng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, du khách có thể đi xe khách. Còn nếu đi phương tiện máy bay, thì đáp tại sân bay Cà Mau, rồi tiếp tục đi xe khoảng 50km để đến Bạc Liêu.

Bên cạnh nhà hát Cao Văn Lầu, trên hành trình du lịch tới Bạc Liêu, du khách cũng không thể bỏ lỡ những địa điểm tham quan khác đặc sắc không kém.

Cái tên Công tử Bạc Liêu đã vô cùng nổi tiếng và được nhiều người biết đến, vì vậy, nhà của Công tử Bạc Liêu cũng trở thành một địa điểm du lịch được nhiều du khách ghé tới khi đến Bạc Liêu.

Ở Bạc Liêu có một nhà hát kiến trúc vô cùng đặc biệt, lấy cảm hứng từ biểu tượng người Việt Nam - Ảnh 6.

Nhà công tử Bạc Liêu. (Ảnh Du lịch miền Tây)

Đây là khu nhà lưu niệm của Hắc công tử, nằm tại số 13, đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Khi đến đây, du khách sẽ được tham quan không gian nhà ở cùng những kỷ vật gắn liền với cuộc sống gia đình Công tử Bạc Liêu. Bên cạnh đó là lắng nghe những câu chuyện về cuộc đời người đàn ông vang danh xứ Nam một thời này.

Cánh đồng điện gió thuộc Nhà máy điện gió Bạc Liêu cũng là một địa điểm du lịch mới ở Bạc Liêu được quan tâm trong thời gian gần đây. Khu vực này cách trung tâm thành phố khoaneg 20km, có những trụ turbine như những chiếc chong chóng khổng lồ.

Ở Bạc Liêu có một nhà hát kiến trúc vô cùng đặc biệt, lấy cảm hứng từ biểu tượng người Việt Nam - Ảnh 7.

Cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu. (Ảnh Du lịch miền Tây)

Nhà máy là nơi thúc đẩy khai thác nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, đồng thời là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của Bạc Liêu bởi khung cảnh hùng vĩ, đẹp mắt. Nó đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn về bức tranh du lịch của tỉnh, không bị trùng lặp với những địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo thông tin trên Báo Hà Nội Mới, trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, nơi đây thu hút khoảng 200 nghìn lượt khách tham quan mỗi năm.

Là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa tín ngưỡng, Bạc Liêu cũng sở hữu rất nhiều công trình tôn giáo ấn tượng. Trong số đó có thể kể tới là tượng Phật Bà Nam Hải và chùa Xiêm Cán.

Tượng Phật Bà Nam Hải nằm trong Quan Âm Phật Đài, tọa lạc tại khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, cách thành phố Bạc Liêu 8km về hướng ra biển Đông. Trải qua nhiều năm di dời, cải tạo và sửa chữa, mở rộng, đến năm 2005 – 2006, nơi đây được bổ sung thêm nhiều công trình phụ xung quanh để phục vụ nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của du khách cũng như người dân bản địa.

Ở Bạc Liêu có một nhà hát kiến trúc vô cùng đặc biệt, lấy cảm hứng từ biểu tượng người Việt Nam - Ảnh 8.

Lễ hội Quan Âm Nam Hải thu hút đông đảo khách du lịch vào tháng 3 Âm lịch hàng năm. (Ảnh Du lịch miền Tây)

Vào ngày 22, 23 và 24 tháng 3 Âm lịch hàng năm, ở Quan Âm Phật Đài còn tổ chức lễ hội Quan Âm Nam Hải. Đây cũng chính là một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu.

Còn chùa Xiêm Cán là ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc đáo, tinh xảo, và được mệnh danh là ngôi chùa Khmer đẹp nhất Bạc Liêu cũng như vùng Nam bộ.

Chùa cách trung tâm thành phố khoảng 7m, tại ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Thạch Đông. Đây cũng là tuyến đường kết nối nhiều điểm đến nổi tiếng ở Bạc Liêu.

Dựa theo ghi chép trên bia đá được tạc bằng chữ Khmer cổ ở hai mặt trước và sau đặt bên phải chính điện; thì chùa Xiêm Cán được khởi công xây dựng vào ngày 7 tháng 5 dương lịch năm 1887.

Ở Bạc Liêu có một nhà hát kiến trúc vô cùng đặc biệt, lấy cảm hứng từ biểu tượng người Việt Nam - Ảnh 9.

Chùa Xiêm Cán, ngôi chùa được mệnh danh là chùa Khmer đẹp nhất Bạc Liêu. (Ảnh Du lịch miền Tây)

Chùa Xiêm Cán nói riêng và tất cả các ngôi chùa thuộc hệ thống chùa Khmer Nam Bộ nói chung mang đậm một dấu ấn kiến trúc Angkor Khmer – Campuchia. Đó là cấu trúc mái chồng lên nhau, tạo thành không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp.

Trên các nếp mái lại đắp các tượng rồng Khmer, đầu rồng dạng kép, thân rồng nằm xoãi và đuôi rồng thì uốn cong ngược lên như những ngọn lửa.

Chính những nét đặc sắc như vậy, đã khiến cho du khách khi tới Bạc Liêu, muốn tìm hiểu về tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer, không thể bỏ lỡ địa điểm này.

Theo Thu Phương / Tổ Quốc

Ba kỳ tài toán học trong lịch sử Việt Nam

Vũ Hữu, Lương Thế Vinh, Nguyễn Hữu Thận là những người được hậu thế ghi danh nhờ giỏi toán. Họ từng để lại những công trình toán học có giá trị dài lâu cho hậu thế.

Vũ Hữu xây cổng thành không thừa một viên gạch

Vũ Hữu (1437-1530) quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương ngày nay. Không chỉ là đại quan, ông còn là nhà toán học, danh thần đầu triều của vua Lê Thánh Tông.

Từ bé, Vũ Hữu sớm thể hiện năng khiếu về tính toán. Mỗi khi xóm làng có tranh chấp về chia ruộng đất, họ đều nhờ cậu tính toán, phân xử giúp. Sau này, khi thi đỗ hoàng giáp, ra làm quan, biệt tài toán học của ông tiếp tục được phát huy.

Theo sách “Kể chuyện trạng Việt Nam”, bấy giờ, vua Lê Thánh Tông thấy mấy cổng thành Thăng Long xây dựng từ thời Lý đã hư hỏng nhiều, muốn xây lại.

Mấy đại thần được giao đo đạc mãi, mất cả tháng vẫn không sao tính ra được số gạch cần thiết để xây thành. Biết Vũ Hữu có tài tính toán, đo đạc, vua cử ông đến dự toán số gạch cần xây.

Sau khi đo đạc xong, ông thưa với vua rằng: “Thần đã tính toán kỹ, không thừa không thiếu một viên gạch”. Một viên quan tỏ ý nghi ngờ, ép ông vào thế khó: “Đã vậy xin quan Lang trung làm cam kết, nếu sai lệch sẽ bị trị tội”.

Vua Lê Thánh Tông hỏi: “Các quan có ý như vậy, khanh có dám nhận không?”. Vũ Hữu đáp: “Tâu bệ hạ, thần xin lĩnh ý”.

Vũ Hữu sai người mua gạch xếp từng chồng ngay ngắn bên cổng thành Đông Hoa (Thăng Long). Khi công việc hoàn tất, viên quan nọ tỏ vẻ đắc ý: “Tâu bệ hạ, ở đây vẫn còn thừa một viên ạ”.

Vũ Hữu đỡ viên gạch, bình tĩnh nói “bẩm bệ hạ và các vị đại thần, viên gạch này không thừa đâu. Tại mặt tường phía đông bên kia có một viên gạch bị vỡ, thần đã cho thửa riêng viên gạch này để thay thế”.

Mọi người bán tín, bán nghi, Vũ Hữu dẫn vua sang bên kia tường thành, sai thợ trèo lên gỡ viên gạch vỡ ra và đem trám viên gạch mới vào thì vừa khít. Vua Lê rất hài lòng, mọi người ai cũng khâm phục Vũ Hữu.

Vũ Hữu đã để lại công trình “Lập thành toán pháp”. Đây là cuốn sách chuyên về toán học đầu tiên của nước ta. “Lập thành toán pháp” cùng phương pháp đo diện tích ruộng đất của ông nhanh chóng được phổ biến ra cả nước.

Lương Thế Vinh – trạng nguyên giỏi toán nhất sử Việt

Lương Thế Vinh (1441-1496), được hậu thế ghi nhận là vị trạng nguyên giỏi toán nhất sử Việt. Sách “Kể chuyện tấm gương hiếu học” chép rằng sinh ra ở vùng nông thôn, quanh năm gắn bó đồng ruộng, thấu hiểu cuộc sống khổ cực của nông dân, Lương Thế Vinh rất muốn tìm cách giúp bà con.

Một lần, Lương Thế Vinh thấy hai nông dân đang cãi nhau khi chia mảnh đất có hình phức tạp. Nghe rõ câu chuyện, ông lội xuống tận nơi để chỉ ra chỗ đúng, sai và giúp họ chia lại mảnh ruộng một cách công bằng.

Lần khác, người dân gặp khó khăn trong việc đo chiều rộng của khúc sông để bắc cầu, do nước chảy xiết. Lương Thế Vinh nói: “Không cần phải qua sông mới đo được”. Ông dùng phương pháp mà ngày nay gọi là “tam giác lượng” để đo chính xác chiều rộng của sông.

Sau này, để phổ biến kiến thức toán học vào đời sống, Lương Thế Vinh soạn cuốn “Đại thành toán pháp”, tổng kết những kiến thức của thời đó và cả phần mình phát minh.

Đây chính là một trong những công trình nổi bật nhất trong lĩnh vực khoa học tự nhiên của nước ta dưới thời phong kiến, được đưa vào chương trình thi cử suốt 400 năm của giáo dục Đại Việt.

Theo sách “Kể chuyện sứ thần Việt Nam”, khi sứ nhà Minh là Chu Hy thách đố cân một con voi, ông đưa voi lên thuyền rồi đánh dấu mép nước. Sau đó, dắt voi lên, đổ đá hộc xuống thuyền cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả.

Chu Hy thán phục nhưng vẫn tiếp tục đố ông đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ quyển sách.

Khi nghe ông nói chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả, Chu Hy ngửa mặt lên trời than rằng: “Nước Nam quả lắm người tài!”.

Lương Thế Vinh đáp lại người nghĩ ra cách cân voi thật sự là Tào Xung, con của Tào Tháo. Điều này càng khiến cho sứ nhà Minh hổ thẹn vì không biết sử nước nhà.

Nguyễn Hữu Thận – nhà toán học nổi tiếng triều Nguyễn

Nguyễn Hữu Thận (1757-1831) có hiệu là Ý Trai, quê ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ vùng quê nghèo, thường hạn hán, lũ lụt.

Cảm thương nhân dân thống khổ, trong chuyến đi sứ nhà Thanh, Nguyễn Hữu Thận nghiên cứu, cải tiến phép lịch. Sau khi về nước, ông trình với vua Gia Long, bắt tay biên soạn lịch “Hiệp Kỷ” có độ chính xác hơn, giúp nông dân cày, cấy kịp thời vụ.

Ngoài xây dựng lịch, ông rất chú tâm nghiên cứu toán. Năm 1828, ông hoàn thành bộ “Ý Trai toán pháp”. Đây là bộ sách toán nổi tiếng của nước ta đầu thế kỷ XIX.

Bộ toán thư của Nguyễn Hữu Thận gồm 8 quyển, trình bày về toán pháp cửu chương như phép phương điền (đo diện tích ruộng đất, tức hình học phẳng), phép sai phân (chia một tổng thành nhiều phần), phép khai bình phương (tức tìm căn bậc hai), phép câu cổ (tính các chiều trong tam giác vuông), phép phương trình (đại số học), phép lập phương (tìm căn bậc ba), giải 47 bài toán minh hoạ và nghiên cứu ma phương.

Ngoài “Ý trai toán pháp”, Nguyễn Hữu Thận còn dịch các quyển sách toán học của Trung Quốc để phổ biến tại nước ta.

Theo NGUYỄN THANH ĐIỆP / TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Lịch sử những cuộc đảo chính ở Điện Kremlin

Lịch sử của những cuộc tranh giành quyền lực ở Nga cho chúng ta biết gì về tương lai của Putin?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoàn toàn xa rời thực tế. Ông vừa tuyên bố tổng động viên một phần để đảo ngược thất bại của mình ở Ukraine, và còn tung ra những luận điệu về vũ khí hạt nhân của Nga, một dấu hiệu cho thấy ông đã rơi vào tuyệt vọng. Chiến tranh càng kéo dài, đất nước của ông càng bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Nga cũng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc để giữ cho nền kinh tế của họ không sụp đổ dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt, ngay cả khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ quan ngại về cuộc xâm lược. Thất bại trong việc chiếm Kyiv, và những bước lùi gần đây tại khu vực Kharkiv ở miền đông Ukraine đã khiến các nhà bình luận ủng hộ Putin cũng phải nghi ngờ về quyết định của ông. Trong bối cảnh đó, có lẽ nhiều người Nga đã bắt đầu đặt câu hỏi rằng: Putin có thể nắm quyền và theo đuổi cuộc chiến man rợ của mình thêm bao lâu nữa. Một số ít các quan chức cấp tỉnh – những người mạnh dạn kiến nghị yêu cầu Putin từ chức – đã công khai bày tỏ điều mà nhiều thành viên của giới tinh hoa chính trị Nga đang cân nhắc một cách riêng tư. Hẳn là có ai đó trong những hành lang âm u của Điện Kremlin sẽ quyết định rằng ông ta phải ra đi.

Nhưng ngay cả khi các cấp phó của Putin kết luận rằng họ muốn phế truất Putin khỏi chiếc ghế quyền lực, thì việc loại bỏ ông vẫn sẽ rất khó khăn. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Moscow đã không trải qua một cuộc đảo chính nào, dù thành công hay không thành công. Thậm chí còn chưa có một âm mưu nào nghiêm túc – chí ít là trong số những âm mưu được công khai. Cuộc đối đầu của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin với Xô-viết Tối cao vào năm 1993 – kết thúc sau khi xe tăng Nga bắn vào tòa nhà quốc hội – là điều gần nhất với một cuộc đảo chính mà đất nước từng trải qua. Nhưng ngay cả sự kiện đó cũng không đủ điều kiện để xem là đảo chính, vì nó chỉ là cuộc đối đầu công khai giữa cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp.

Tuy nhiên, nước Nga của Yeltsin tương đối cởi mở và dân chủ, cho phép phản đối hợp pháp ở một mức độ nào đó. Xét đến việc Putin cho trấn áp những người bất đồng chính kiến và đưa nước Nga tiến sâu trên con đường chuyên chế, lịch sử Liên Xô sẽ là một so sánh phù hợp hơn – và đem lại gợi ý tốt hơn về những gì có thể khiến cuộc đảo chính ngày hôm nay thành công, hoặc thất bại. Những câu chuyện dưới đây không thực sự có kết cục tốt đẹp, mà khá phức tạp. Các quan chức hàng đầu đã lật đổ thành công Nikita Khrushchev. Số khác lên nắm quyền trong những khoảnh khắc hiếm hoi khi đất nước thiếu vắng một nguyên thủ quốc gia rõ ràng. Những quan chức này thường không thể hiện tư tưởng chỉ đạo hay nguyên tắc chính trị nào, mà đơn giản chỉ là tham vọng quyền lực. Thành công phần lớn phụ thuộc vào thời điểm và lực lượng: phải hành động nhanh chóng và quyết liệt khi nhà lãnh đạo đương nhiệm bộc lộ yếu kém.

Trong trường hợp của Putin, không thiếu những kẻ có thể soán ngôi ông ta. Vòng tròn thân tín, những nhà quản lý khủng hoảng và những người thừa kế tiềm năng của tổng thống là một nhóm người vô cùng đa dạng. Họ được lựa chọn vì lòng trung thành không nghi ngờ đối với Putin, nhưng lòng trung thành chỉ là một khái niệm tương đối trong một môi trường cực kỳ nguy hiểm. Không ai trong số họ có thể hoàn toàn tin tưởng Putin và cũng không ai trong số họ dám tin tưởng lẫn nhau. Nếu họ lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính, họ có thể sẽ muốn bản thân tách biệt với người tiền nhiệm về nhiều mặt, bao gồm cả – và đặc biệt là – những thất bại của ông ta ở Ukraine. Hoặc nếu họ lên nắm quyền sau khi Putin qua đời, họ có thể vạch ra một con đường mới để thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc.

ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ

Thời Liên Xô, đảo chính rất hiếm. Chẳng hạn, hãy xem xét nhiệm kỳ của Joseph Stalin, một nhà độc tài tàn bạo, người đã mở ra nhiều thập niên đàn áp đẫm máu, nhấn chìm ngay cả các quan chức cộng sản hàng đầu. Trong số 139 thành viên và ứng viên của Ban Chấp hành Trung ương được bầu tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1934, đã có 98 người bị bắt và bị xử bắn theo lệnh của Stalin. Nhà độc tài đầy thù hận và hoang tưởng đã nhắm mục tiêu vào những đồng đội thân cận nhất của mình, sỉ nhục họ hoặc buộc họ phải đối đầu với nhau. Khrushchev, người kế nhiệm Stalin, kể lại rằng ông đã từng nghĩ, một ngày không xa, Stalin sẽ “kéo quần của mình xuống và xả hết trước mặt chúng tôi, rồi sau đó nói rằng điều này là vì lợi ích của Tổ quốc.” Nếu chuyện kinh tởm như vậy thực sự xảy ra, có lẽ cũng chẳng ai buồn ngạc nhiên.

Khi nhìn lại, thật không thể tưởng tượng nổi rằng giới tinh hoa của Đảng Cộng sản Liên Xô đã dung túng cho một tên bạo chúa khát máu. Vậy mà họ đã làm thế. Một phần nguyên nhân có thể là vì họ công nhận những thành tựu của Stalin với tư cách là một nhà cách mạng kỳ cựu và một nhà lãnh đạo chiến tranh. Nhưng phần còn lại, chắc chắn là vì họ lo sợ cho cuộc sống của chính mình. Để cho Stalin nắm quyền là điều nguy hiểm, nhưng âm mưu đảo chính còn rủi ro hơn. Thất bại sẽ đồng nghĩa với án tử.

Sau khi Stalin qua đời, một cuộc tranh giành quyền lực đã nổ ra, và những người thân cận nhất của ông đã không thể nhận một cái kết tốt đẹp. Nạn nhân đầu tiên là cánh tay đắc lực của Stalin, Bộ trưởng Nội vụ Lavrenty Beria, người bị các đồng nghiệp sợ hãi và coi thường. Ông có quyền kiểm soát lực lượng an ninh quốc gia với khả năng giám sát và bảo an, cũng như nổi tiếng về sự tàn bạo tột cùng. Ông nắm trong tay nhiều thông tin chống lại các nhà lãnh đạo cấp cao khác. Điều mà ông không có là quyền lực trong đảng và trong nước, nghĩa là kẻ khác vẫn có thể lật đổ ông, nếu họ hành động nhanh chóng.

Vụ lật đổ Beria diễn ra trong hỗn loạn và bí mật đến mức đến tận hôm nay, khi hầu hết các tài liệu có liên quan đã được giải mật, người ta vẫn không thể nói chính xác chuyện gì đã xảy ra. Nhưng theo phần lớn các nhân chứng, Khrushchev và Thủ tướng Georgy Malenkov đã đóng vai trò quan trọng. Đầu tiên, hai người âm thầm hỏi các thành viên khác của Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao – cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của đất nước – họ sẽ phản ứng ra sao trước một động thái chống lại Beria. Sau đó, họ đưa một số sĩ quan quân đội cấp cao, trong đó có Nguyên soái Georgy Zhukov, vào Điện Kremlin. Trong một cuộc họp của Đoàn Chủ tịch, Khrushchev kể ra tội lỗi của Beria, còn Malenkov nhấn một chiếc nút bí mật, ra hiệu cho quân đội tiến vào bắt giữ một Beria vẫn đang kinh ngạc. Sau đó, Beria bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa dàn dựng, nơi ông không được phép tự bào chữa (có lẽ vì sợ rằng ông có thể làm liên lụy đến các lãnh đạo cấp cao khác từng tham gia những tội ác hèn hạ thời Stalin). Cuối cùng, Beria đã bị kết tội và bị xử tử.

Trong những năm sau đó, Khrushchev chuyển sang tập trung cô lập Malenkov. Chẳng ai có thể tưởng tượng một kết cục như vậy sau cái chết của Stalin: uy tín và vị thế chính trị của Khrushchev kém xa Malenkov. Nhưng Khrushchev có thể và đã hành động một cách quyết đoán, thậm chí thô bạo, suýt chút nữa khiến bản thân cũng sụp đổ theo. Trong một cuộc họp tháng 06/1957, một nhóm các nhân vật có tiếng nói nặng ký của Đoàn Chủ tịch đã cáo buộc Khrushchev có khuynh hướng độc tài và cố gắng lật đổ ông ta. Tỷ lệ phiếu bầu tại Đoàn Chủ tịch là 7 phiếu chống lại Khrushchev và 4 phiếu ủng hộ. Khrushchev gần như đã đánh mất quyền lực. Nhưng ông đã lôi kéo được Zhukov, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng, và Giám đốc KGB Ivan Serov về phe mình, và họ đã giúp tập hợp những người ủng hộ ông trong Ban chấp hành Trung ương Đảng – những người đã bỏ phiếu để bác bỏ quyết định của Đoàn Chủ tịch. Vài tháng sau, Khrushchev thể hiện “lòng biết ơn” của mình bằng cách thẳng tay loại luôn Zhukov.

Khrushchev sống sót ở đỉnh kim tự tháp thêm bảy năm nữa trước khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính cung đình vào tháng 10/1964. Kẻ chủ mưu chính là người Khrushchev bảo trợ, Leonid Brezhnev, người đã lợi dụng sự bất mãn ngày càng tăng trong đảng và chính phủ đối với việc nhà lãnh đạo Liên Xô liên tục tái tổ chức bộ máy, với thói quen sỉ nhục đồng nghiệp của ông ta, xu hướng áp dụng những liệu pháp kinh tế vô tác dụng, và trên hết là thói khoe khoang đến mức không thể chịu nổi.

Brezhnev đã cộng tác chặt chẽ với Alexander Shelepin, một người khác được Khrushchev bảo trợ và là cựu lãnh đạo KGB, cũng như người đứng đầu KGB lúc bấy giờ là Vladimir Semichastny. Họ đã tận dụng lúc Khrushchev vắng mặt. Nhà lãnh đạo Liên Xô đang đi nghỉ ở Abkhazia thì bị triệu hồi khẩn cấp về Moscow, nơi các đồng nghiệp trong Đoàn Chủ tịch trình cho ông một danh sách phê bình và kêu gọi ông từ chức. Lần này, những kẻ chủ mưu đã buộc giới tinh hoa đảng phải phục tùng. Cuộc họp toàn thể của đảng được tổ chức trong vội vã đã xác nhận rằng Khrushchev sẽ nghỉ hưu “vì lý do sức khỏe.” Brezhnev, thoạt tiên được coi là nhân vật sẵn lòng thỏa hiệp, đã dần dần củng cố quyền lực của mình bằng cách tiêu diệt các đối thủ – trước hết và quan trọng nhất, là Shelepin.

THAM VỌNG TRẦN TRỤI

Một đặc điểm nổi bật của những cuộc tranh giành quyền lực này là không có sự khác biệt về chính sách giữa những kẻ chủ mưu và nạn nhân của họ. Những quan điểm cho rằng Beria đại diện cho một cách tiếp cận chính sách đối ngoại khác về mặt bản chất so với Khrushchev, hay Khrushchev và Malenkov có những bất đồng sâu sắc về việc phi Stalin hóa, hiện nay phần lớn đã bị bác bỏ. Các đồng chí của Khrushchev đã viện dẫn những sai lầm của ông trong Khủng hoảng Tên lửa Cuba và việc ông bất hòa với Trung Quốc là những lý do khiến ông bị lật đổ. Nhưng cuối cùng, giới tinh hoa Xô-viết coi chính sách đối ngoại là một lĩnh vực đặc biệt mà chỉ có nhà lãnh đạo cao nhất mới có kinh nghiệm và khả năng phán đoán cần thiết để đưa ra quyết định. Nó đóng vai trò thứ yếu so với các mối quan tâm trong nước. Và về cơ bản, các cuộc đảo chính cung đình xoay quanh các mối quan hệ cá nhân trong hành lang quyền lực: chúng là về những tham vọng trần trụi và các đối thủ sẵn sàng đâm sau lưng nhau.

Cũng đáng chú ý là sự thất bại của quân đội hoặc lực lượng an ninh trong việc tận dụng các âm mưu đảo chính. Quân đội và lực lượng an ninh đóng một vai trò thiết yếu trong việc giúp các nhà lãnh đạo lên nắm quyền, tuy nhiên cả Zhukov, Shelepin và Semichastny đều không thu được nhiều lợi ích từ “thành quả lao động” của họ. Sau khi Beria bị lật đổ, các lãnh đạo cấp cao của đảng đã giữ khoảng cách với quân đội và KGB. Liên Xô đã không bao giờ trở thành một chính quyền quân sự. Thật vậy, khi quân đội và KGB cố gắng tiến hành một cuộc đảo chính, như họ đã làm vào năm 1991, để chống lại cố Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, họ chỉ cho thấy mình vô cùng kém cỏi và đã nhanh chóng bị đánh bại.

Cuối cùng, không hề có dấu vết nào cho thấy có sự tham gia của nước ngoài trong bất kỳ cuộc tranh giành quyền lực nào ở Liên Xô. Beria bị các đối thủ buộc tội là gián điệp phương Tây, nhưng đây là một cáo buộc phi lý. Năm 1957, Khrushchev bày tỏ lòng biết ơn đối với những người Trung Quốc đã ủng hộ ông – Nhà sử học Trung Quốc Trầm Chí Hoa (Shen Zhihua) thậm chí còn lập luận rằng thỏa thuận của Khrushchev, mà sau này ông đã rút lại, trao cho Trung Quốc một quả bom hạt nhân là cách để nói lời cảm ơn. Tuy nhiên, sự ủng hộ này là vì: Bắc Kinh không, và không thể, can dự vào các âm mưu của Điện Kremlin. Năm 1964, Trung Quốc từng ám chỉ rằng Khrushchev sẽ bị lật đổ vì ông ta theo đuổi các chính sách chống Bắc Kinh, nhưng điều đó không đóng vai trò nào trong sự sụp đổ của ông ta, và Brezhnev vẫn giữ nguyên kế hoạch của mình.

Người Mỹ và người Trung Quốc đã ủng hộ hai phe đối lập nhau trong âm mưu đảo chính năm 1991. Nhưng tương tự như cách Tổng thống Mỹ George H.W. Bush lặng lẽ hòa giải để tiếp tục đối thoại với phe quân đội (trước khi họ thất bại), Bắc Kinh đã nhanh chóng hỗ trợ phe quân đội và kịp thời chấp nhận nhà dân chủ cực đoan Yeltsin.

NHỮNG NGƯỜI CÓ THỂ THAM GIA GIÀNH QUYỀN LỰC

Theo dấu những biến động trong cuộc đấu đá nội bộ của Điện Kremlin là một việc cực khó. Các liên minh chính trị ở cấp cao nhất có xu hướng thay đổi rất nhanh. Kết quả của các cuộc tranh giành quyền lực phụ thuộc vào nhận thức rằng thế nào là thành công, và hầu hết người chơi chỉ thích ngồi bên lề. Đôi khi, âm mưu chẳng dẫn đến kết quả nào cụ thể. Sau tất cả những thất bại và những vụ lạm quyền, một nhà lãnh đạo vẫn có thể cai trị trọn đời và sau đó ra đi vì nguyên nhân tự nhiên.

Không nghi ngờ gì, Putin sẽ thích kịch bản này nhất. Dù một số nhà quan sát suy đoán rằng những sửa đổi hiến pháp mà ông cho thông qua vào tháng 03/2020, đảm bảo rằng các cựu tổng thống sẽ khó bị tước quyền miễn trừ, được thiết kế là nhằm cho phép ông nghỉ hưu, nhưng viễn cảnh đó giờ đây dường như không thể tưởng tượng được. Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã bị lôi kéo vào các vụ bê bối và trở thành mục tiêu cho các cuộc biểu tình hàng loạt, chỉ vài năm sau khi ông từ chức vào tháng 03/2019. Qua đó chứng minh cho các nhà chuyên chế khác rằng ngay cả những quá trình chuyển giao quyền lực được dàn xếp trước cũng hiếm khi hoạt động như dự định.

Putin nhiều khả năng đã quyết định tiếp tục tại vị. Nhưng khi triều đại đầy tham nhũng và tai tiếng của ông tiến đến dịp kỷ niệm 23 năm nắm quyền, và khi Putin gần 70 tuổi, gần như chắc chắn những người sẽ thay thế ông đang để mắt đến nhau, và suy nghĩ về các kịch bản kế nhiệm tiềm năng. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, nhà lãnh đạo có xuất thân danh giá nhưng lại có hồ sơ quân sự đáng thất vọng, khó mà là một ứng viên, dù sự ủng hộ của ông sẽ rất cần thiết cho bất kỳ âm mưu tranh giành quyền lực nào. Người đứng đầu Hội đồng An ninh, Nikolai Patrushev, đôi khi có tên trong danh sách những người kế nhiệm Putin, nhưng điều này cũng khó xảy ra, bởi ông thậm chí còn lớn tuổi hơn Putin.

Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev đã dùng đến lập luận diệt chủng để mọi người để ý, nhưng chẳng ai coi trọng ông ta. Chủ tịch Duma Quốc gia, Vyacheslav Volodin, rõ ràng là đang bắt đầu cuộc đua, và ông ta kiểm soát cơ quan lập pháp bù nhìn vốn rất quan trọng đối với bất kỳ sự hợp pháp hóa nào dành cho nhà lãnh đạo mới. Kế đến là Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, một nhà kỹ trị tài ba và một chú ngựa ô đang phi nước đại trên những địa hình nơi ngựa ô từng ghi được những chiến công lớn trong lịch sử. Cựu Thủ tướng Sergei Kirienko, một người từng theo chủ nghĩa tự do mà Putin đã tin tưởng giao cho nhiệm vụ giám sát lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, cũng đang chuẩn bị đối đầu. Viktor Zolotov, vệ sĩ cũ của Putin và hiện là người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia, cũng hy vọng sẽ kế nhiệm ông chủ của mình. Tương tự là Alexander Kurenkov, một cựu vệ sĩ khác của Putin và hiện là Bộ trưởng Bộ Các Tình trạng Khẩn cấp. Ngoài ra còn có những kẻ ngoài cuộc: Ramzan Kadyrov – nhà lãnh đạo không mệt mỏi của Chechnya, và Yevgeny Prigozhin, người thân tín của Putin và là nhà tài phiệt Nga đang nắm trong tay nhóm bán quân sự Wagner.

Tất cả những ứng viên này đều có dính líu đến nhiều hành động bạo lực của Putin, bao gồm cuộc xâm lược Ukraine. Và nếu nhìn từ bên ngoài, khi bất kỳ ai trong số này lên nắm quyền, chương trình nghị sự đối ngoại của Nga cũng sẽ thay đổi rất ít. Nhưng cuộc chơi quyền lực của Điện Kremlin hiếm khi xoay quanh các câu hỏi về nguyên tắc, và những người kế nhiệm cũng có thể đi ngược lại những người tiền nhiệm khi thời cơ thuận lợi. Điều đó có nghĩa là người thay thế Putin không nhất thiết sẽ đi theo chương trình nghị sự chủ nghĩa tân đế quốc của ông. Thật vậy, nếu Putin bị lật đổ, người kế nhiệm của ông có thể sẽ đổ lỗi cho Ukraine về các quyết định của Putin, và sẽ cố gắng có một khởi đầu mới.

Tất nhiên, các nhà phân tích không thể biết liệu những tổn thất ở Ukraine có làm lung lay quyền lực của Putin hay không. Và người kế nhiệm ông cũng có thể tiếp tục cuộc chiến để xoa dịu những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nga, hoặc đơn giản là vì sức ì. Nhưng nếu Putin ra đi, thế giới nên tận dụng sự kiện đó như một cơ hội nhằm nối lại các cuộc đàm phán để Nga rút khỏi Ukraine. Một nước Nga thời hậu Putin có thể vẫn chuyên chế, nhưng nó không nhất thiết phải tiếp tục những cuộc phiêu lưu liều lĩnh ở nước ngoài.

Sergey Radchenko là Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins (SAIS) và là thành viên của Trung tâm Kissinger. Ông hiện đang làm việc tại chi nhánh châu Âu của SAIS ở Bologna, Ý.

Nguồn: Sergey Radchenko, “Coups in the Kremlin,” Foreign Affairs, 22/09/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng