‘James Bond’ Pierce Brosnan làm mẫu ảnh ở tuổi 69

Pierce Brosnan – tài tử “Điệp viên 007” – được khen phong độ khi làm mẫu thời trang ở tuổi 69 bên hai con trai.

Ba cha con tài tử diện trang phục màu be hiệu Fear of God với phong cách tối giản trên tạp chí GQ số tháng 10. Pierce Brosnan diện áo khoác 2.385 bảng, blazer 2.000 bảng, quần 1.430 bảng và giày 185 bảng. Ông được tạo kiểu tóc vuốt keo.

Trên Instagram, khán giả khen tài tử giữ phong độ ở tuổi 69 với các bình luận: “Pierce càng già càng đẹp”, “Ông ấy tạo dáng ngầu như người mẫu chuyên nghiệp”, “Điệp viên 007 tuyệt nhất mà tôi biết”, “Một quý ông thanh lịch, một vẻ đẹp vĩnh cửu”…

Pierce diện cả bộ Dolce & Gabbana, gồm suit 3.750 bảng và sơ mi 925 bảng. Dylan (25 tuổi, giữa) và Paris (21 tuổi) đều chọn áo khoác lông thú, phối đồ theo phong cách thập niên 1970, 1980. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí, hai anh em khen cha là “anh chàng đẹp nhất” phim “Mamma Mia!”.

Pierce Brosnan nổi tiếng với các vai diễn hành động. Vào thập niên 1990 và đầu những năm 2000, ông là một trong những ngôi sao nổi bật nhất Hollywood khi hóa thân James Bond. Thời kỳ Pierce thủ vai đánh dấu bước chuyển mình của thương hiệu 007 với phong cách hành động hiện đại, nội dung bớt tính viễn tưởng, khoa trương mà hướng đến các vấn đề thực tế hơn. Pierce mang đến sức sống mới cho series với hình tượng mạnh mẽ hơn hai người tiền nhiệm là Roger Moore và Timothy Dalton.

Sau “Die Another Day” (2002), Pierce Brosnan chia tay thương hiệu 007. Trong thập niên 2010, ông góp mặt trong nhiều phim hành động hạng B như “The November Man”, “Survivor” và “No Escape”. “Mamma Mia! Here We Go Again” thuộc số ít dự án lớn của tài tử trong vài năm qua.

Sau khi vợ đầu qua đời năm 1991, Pierce Brosnan kết hôn với diễn viên, nhà báo Keely Shaye Smith năm 2001. Không đi diễn, tài tử Mỹ gốc Ireland dành thời gian cho thú vui vẽ tranh.

Hai con cho biết ông là tấm gương giúp họ học được rất nhiều điều về niềm đam mê, sự tự tin và luôn đúng giờ.

Paris trong bộ suit nhung của Tom Ford, kết hợp kính Gentle Monster, đồng hồ 17.000 bảng hiệu Jaeger-LeCoultre. Anh sinh năm 2001, từng làm mẫu cho Balmain, Dolce & Gabbana và Moschino.

Dylan sinh năm 1997, dáng mảnh khảnh, thường để tóc dài ngang vai. Anh cho biết yêu thích âm nhạc, quan tâm tìm hiểu về các nhạc cụ hơn là điện ảnh.

Họa Mi (ảnh: GQ) / Vietnam E xpress

Người có EQ cao sở hữu 5 quy tắc sống đơn giản

Người có chỉ số EQ cao thường có được những lợi thế nhất định trong công việc và cuộc sống. Họ có những quy tắc sống để không bao giờ đưa mình vào tình huống khó xử.

Bạn có thể sử dụng những quy tắc này ở nơi làm việc và ở nhà để tránh rơi vào tình huống không mong muốn. Và khi rơi vào những tình huống khó xử, các quy tắc này sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp. Bên cạnh đó sử dụng 5 quy tắc dưới đây còn giúp bạn hiểu và quản lý tốt cảm xúc của mình và người đối diện.

1. Quy tắc “cá heo xanh” để kiểm soát suy nghĩ tích cực

Trong tâm lý học, thuật ngữ “con gấu trắng” nhằm chỉ ra rằng khi càng cố kìm nén những suy nghĩ nhất định thì bạn sẽ càng tăng tần suất xuất hiện chúng trong tâm trí mình. Khái niệm này được lấy trong một tác phẩm của nhà văn người Nga Fyodor Dostoevsky. “Hãy thử làm việc này xem: Dù cố không tưởng tượng ra con gấu bắc cực, nó lại càng xuất hiện nhiều hơn từng phút từng giây”.

Người có EQ cao sở hữu 5 quy tắc sống đơn giản - Ảnh 1.

Mỗi người vốn dĩ đều có “con gấu trắng” của riêng mình. Ở đây “con gấu trắng” có thể hiểu là cảm xúc lo lắng bồn chồn trước một cuộc họp. Hay khi mong muốn mua một thứ gì đó đắt đỏ nhưng càng làm ngơ bạn lại càng muốn sở hữu.

Như vậy, bạn phải xử lý “con gấu trắng” đó như thế nào? Câu trả lời là bạn cần một “cá heo xanh”. “Cá heo xanh” là một suy nghĩ thay thế, thứ mà giúp bạn chuyển sự tập trung của mình sang khi “con gấu trắng” xuất hiện trong tâm trí.

Nếu “con gấu trắng” là nỗi lo trước mỗi bài thuyết trình hay phát biểu trước công chúng, bạn có thể thay thế nó bằng một “con cá heo xanh” với sự tự nhủ: Mình rất phấn khích khi làm việc này. Đây là cách giúp bạn chuyển những tiêu cực tiềm ẩn thành giá trị tích cực.

2. Quy tắc của sự im lặng khi rơi vào tình huống khó xử

Khi đối mặt với các câu hỏi thách thức, thay vì trả lời ngay lập tức, bạn dừng lại vài giây và suy nghĩ sâu sắc về nội dung muốn nói.

Bạn có thể dành 5, 10 thậm chí là 15 giây (hoặc lâu hơn) trước khi đưa ra phản hồi. Nếu không quen làm điều này, bạn có thể cảm thấy lúng túng ở những lần đầu. Song quy tắc này là công cụ tuyệt vời của tư duy phản biện.

Khi đối mặt với câu hỏi thách thức, bạn sẽ rất dễ mất kiểm soát cảm xúc dẫn đến nói điều không thực sự muốn nói. Dừng lại một chút trước khi trả lời, bạn sẽ kiểm soát được tình hình. Bạn cho mình thời gian để có những suy nghĩ thấu đáo mọi thứ. Đồng thời bạn tăng cường sự tự tin cho mình và chắc chắn về những gì muốn nói.

3. Quy tắc phạm vi

Mọi người đều muốn làm việc lớn nhưng không nhiều người hiểu được những gì cần thiết để làm được việc đó. Đó là lý do giải thích tại sao những ý tưởng hay không có nhiều và người hay công ty có thể thực hiện được ý tưởng đó lại rất ít.

Thuật ngữ “phạm vi” được sử dụng để mô tả chi tiết những gì liên quan đến thời gian, công sức và sự nỗ lực để hoàn thiện công việc. Như bạn có thể tưởng tượng cho dù làm việc trên một dự án phức tạp hay đơn giản, việc xác định phạm vi rất quan trọng. Nó sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng và công việc trở nên suôn sẻ.

4. Quy tắc viên kim cương

Không ai thích bị phê bình nhưng tất cả chúng ta đều cần nó. Bởi đây là cách tốt nhất để học hỏi và phát triển. Trong cuốn sách của Justin Bariso – EQ Applied: The Real-World Guide to Emotional Intelligence”, ông đã so sánh phản hồi tiêu cực với một viên kim cương thô mới được khai thác. Nhìn bề ngoài, bạn sẽ thấy đó chỉ là một viên đá thô ráp, xù xì. Nhưng nếu được mài giũa, đánh bóng, viên đá xấu xí đó sẽ trở nên vô giá.

Lời phê bình cũng giống như một viên kim cương chưa được đánh bóng: Thật xấu xí. Nhưng giống như người thợ cắt kim cương chuyên nghiệp có thể biến hòn đá thô ráp, chưa được đánh bóng thành một thứ gì đó đẹp đẽ, bạn cũng có thể học cách chắt lọc lợi ích từ những lời chỉ trích khó nghe.

Đối với hầu hết chúng ta, bất cứ lời phê bình nào cũng thường được mặc định gắn nhãn là sự chỉ trích mà người khác sử dụng để công kích cá nhân. Chúng ta phản ứng lại bằng cách tự thu mình lại, hoặc tìm cách hạ bệ lại người phê bình. Điều đó dẫn đến việc bạn đóng cửa tâm trí và bỏ qua những gì người khác nói.

Người có EQ cao sở hữu 5 quy tắc sống đơn giản - Ảnh 2.

Nhưng có một vấn đề mà bạn ít khi thừa nhận: Sự chỉ trích thường bắt nguồn từ sự thật. Chỉ vì bạn thông minh và chăm chỉ không có nghĩa là bạn không bao giờ mắc lỗi. Bạn có thể cảm thấy thật tệ nếu ai đó nhìn thấy và nhắc nhở bạn đang bị tuột dây giày hay cúc áo bị lệch. Nhưng chẳng phải nhờ những lời góp ý chân thật đó mà bạn có thể nhìn lại bản thân trước khi bước vào cuộc họp hay gặp gỡ một đối tác quan trọng?

Tất nhiên, cũng có một số người quanh ta sẽ đưa ra những lời chỉ trích thẳng thừng, thiếu tế nhị. Nhưng ngay cả trong những trường hợp này, lời chỉ trích cũng vẫn có giá trị – bởi vì nó giúp bạn nhìn thấy hành động của mình thông qua một góc nhìn khác khách quan hơn. Từ đó bạn có thể điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với chuẩn mực chung.

5. Quy tắc làm mới
Người có EQ cao sở hữu 5 quy tắc sống đơn giản - Ảnh 3.

Điều này có liên quan đến việc dành thời gian để khẳng định lại mục tiêu, giá trị và nguyên tắc bạn cần thực hiện – thậm chí là liệt kê bằng văn bản. Sau đó đưa chúng trở thành trung tâm để giúp tập trung suy nghĩ và cảm xúc.

Điều này là cần thiết bởi chúng ta đang bị bao quanh bởi quá nhiều công việc. Bằng cách dành thời gian cần thiết để khẳng định lại những mục tiêu, viết ra điều quan trọng, bạn sẽ đưa suy nghĩ của mình trở lại trung tâm. Và tâm lý học dạy chúng ta rằng việc kiểm soát suy nghĩ cho phép kiểm soát cảm xúc của mình.

Đinh Anh / Phụ Nữ VN

Những câu chuyện về những thiên tài vĩ đại nhất thế giới

Những thần đồng, thiên tài nổi tiếng luôn có những giai thoại vô cùng hấp dẫn về tuổi thơ của mình.

1. Wolfgang Amadeus Mozart

Mozart chơi đàn từ khi 3 tuổi.
Mozart chơi đàn từ khi 3 tuổi.

Mozart là đại thiên tài âm nhạc người Áo. Ông chơi đàn từ khi 3 tuổi. 5 tuổi, ông sáng tác bản nhạc đầu tiên. Mozart và chị gái Maria Anna – cũng là 1 thần đồng âm nhạc, đã có chuyến lưu diễn biểu diễn trong các cung điện hoàng gia và các buổi hòa nhạc vòng quanh châu Âu. Từ Bavaria đến Paris, khán giả đã phải ngạc nhiên trước tài năng thiên bẩm của cậu bé thiên tài có khả năng bịt mắt chơi đàn hoặc song tấu bằng 1 tay.

Mozart qua đời ở tuổi 35 khi đã để lại hơn 600 tác phẩm kinh điển. Ông trở thành 1 trong những thiên tài âm nhạc nổi tiếng nhất thế giới mọi thời đại.

2. Enrico Fermi

Enrico Fermi là 1 thiên tài toán học và vật lý.
Enrico Fermi là 1 thiên tài toán học và vật lý.

Enrico Fermi là 1 thiên tài toán học và vật lý. Năm 10 tuổi, ông đã dành hầu hết thời gian của mình để nghiên cứu về hình học và động cơ điện. Năm 1915, anh trai của ông đột ngột qua đời. Enrico Fermi khi đó 13 tuổi đã dồn nén sự đau buồn bằng việc vùi mình vào những cuốn sách nghiên cứu về các công trình lượng giác, vật lý và cơ học lý thuyết. Công trình phóng xạ của ông đã giành được giải Nobel vật lý giúp mở ra kỷ nguyên hạt nhân mới của nhân loại.

3. Sor Juana Inés de la Cruz

Sor Juana Inés de la Cruz biết đọc sách khi mới biết đi.
Sor Juana Inés de la Cruz biết đọc sách khi mới biết đi.

Sor Juana Inés de la Cruz sinh ra ở Mexico năm 1651, bà biết đọc sách khi mới biết đi và có thể đọc hết tất cả các cuốn sách trong thư viện của ông nội. Mặc dù định kiến xã hội khi đó không cho phụ nữ theo học chương trình giáo dục chính thức, bà bắt đầu làm thơ năm 8 tuổi và tự học tiếng Latin.

Sau đó, bà tiếp tục tự học tiếng Hy Lạp và ngôn ngữ Aztec. Năm 17 tuổi, Sor Juana Inés de la Cruz đã tham dự 1 cuộc kiểm tra kiến thức chuyên sâu về triết học, toán học và lịch sử do 40 giáo sư đại học chủ trì. Tầm hiểu biết sâu rộng của bà đã khiến những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực cảm thấy nể phục.

4. Pablo Picasso

Pablo Picasso
Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, Pablo Picasso đã để lại hơn 22.000 tác phẩm để đời.

Tài năng hội họa thiên phú của ông được bộc lộ khá sớm. Mẹ ông từng kể lại rằng, yêu cầu đầu tiên khi Picassso biết nói là muốn có 1 chiếc bút chì. 9 tuổi, ông vẽ tác phẩm sơn dầu đầu tiên. 14 tuổi, ông bắt đầu gia nhập trường nghệ thuật Barcelona nổi tiếng. Năm 15 tuổi, bức vẽ “The First Communion” đã tạo tiếng vang lớn trong giới hội họa khi đó. Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, Pablo Picasso đã để lại hơn 22.000 tác phẩm để đời.

5. Blaise Pascal

19 tuổi, Pascal đã thiết kế và chế tạo ra chiếc máy tính cơ học đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
19 tuổi, Pascal đã thiết kế và chế tạo ra chiếc máy tính cơ học đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

Sinh năm 1623 tại Pháp, Blaise Pascal được cha mình dạy dỗ, bồi dưỡng tài năng thiên phú tại nhà. Hồi nhỏ Pascal rất ham mê hình học nhưng vì thể lực quá yếu nên cha ông đã giấu hết sách vở và những gì liên quan đến toán. Pascal phải tự mày mò xây dựng nên môn hình học cho riêng mình. Ông vẽ các hình và tự đặt tên cho chúng. 16 tuổi, Pascal công bố một công trình toán học : Về thiết diện của đường cônic, trong đó ông đã chứng minh một định lí nổi tiếng (sau này mang tên ông) và gọi là Định lí về lục giác thần kì. 19 tuổi, ông thiết kế và chế tạo ra chiếc máy tính cơ học đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

6. Clara Schumann

Clara Schumann
Clara Schumann hoàn toàn làm chủ nghệ thuật đánh đàn piano khi mới 7 tuổi.

Nhạc sĩ người Đức Clara Schumann không biết nói cho đến khi 4 tuổi, nhưng khi cô 7 tuổi, cô đã hoàn toàn làm chủ nghệ thuật đánh đàn piano. Năm 1831, Schumann bắt đầu tham gia chuyến lưu diễn đầu tiên và nhận được rất nhiều lời khen ngợi của các đại thiên tài âm nhạc như Chopin và Liszt cũng như thính giả yêu nhạc thời bấy giờ. Vào thời điểm cô qua đời vào năm 1896, Schumann đã trải qua 6 thập kỷ làm nhạc công chuyên nghiệp và đã chơi hơn 1300 buổi hòa nhạc lớn nhỏ.

7. Jean-Francois Champollion

Phiến đá Rosetta.
Phiến đá Rosetta.

Những bí mật của các chữ tượng hình Ai Cập cổ đại có thể không bao giờ được tiết lộ nếu không có những đóng góp của thần đồng ngôn ngữ Jean-Francois Champollion. Sinh ra ở Pháp vào năm 1790, ông đã thể hiện tài năng thiên phú về ngôn ngữ từ khi còn rất nhỏ và bắt đầu bằng tiếng Latin, Hy Lạp, Ả Rập, Do Thái, Syriac và tiếng Phạn. Champollion trình bày bài báo học thuật đầu tiên của mình ở tuổi 16, và đến 19 tuổi, ông đã giảng dạy lịch sử tại 1 trường học ở Grenoble. Vào đầu những năm 1820, ông đã chuyển sự chú ý của mình sang việc giải mã những bí ẩn của Rosetta Stone. Ông nhanh chóng trở thành người đầu tiên nhận ra rằng, các ký hiệu của các chữ tượng hình Ai Cập cổ đại đều có hình tượng và chữ cái – một bước đột phá đã chứng tỏ là chìa khóa để giải mã ngôn ngữ này.

Theo Dân Việt

Việt Nam được lợi nhiều nhất trong kỷ nguyên phi toàn cầu hóa

Công nhân làm việc tại nhà máy xe hơi của VinFast ở Hải Phòng, ngày 10/09/2022. REUTERS – STAFF

Hàng chữ « Made in Vietnam » ngày càng được nhìn thấy bằng rất nhiều thứ tiếng. Thương chiến Mỹ-Trung, zero Covid của Trung Quốc khiến nhiều tên tuổi lớn dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Trong lúc toàn cầu hóa đang xuống dốc, Việt Nam không thể sao chép những mô hình cũ. Các nhà quản lý và kỹ thuật viên lành nghề người Việt vẫn còn hiếm hoi, nên Việt Nam cần phải đầu tư nhiều vào con người chứ không chỉ cơ sở hạ tầng.

Courrier International  L’Obs cùng đặt câu hỏi « Ukraina, bước ngoặt trong cuộc chiến ? ». L’Express đăng ảnh tổng thống Nga ở trang bìa, trên một cái nền âm u, chạy tựa « Vladimir Putin, vì sao ông ta có thể bại trận » và dành trọn hồ sơ cho chủ đề chiến tranh Ukraina. Đặc biệt Le Point tuy hồ sơ kỳ này về khí hậu, nhưng có đến ba trang báo được dành cho bài viết « Phạm Nhật Vượng, Elon Musk của Việt Nam ».

« Elon Musk » Phạm Nhật Vượng được chế độ ưu ái

Đặc phái viên tuần báo Pháp nhấn mạnh, nhà tỉ phú muốn trở thành « Tesla Việt Nam » với các mẫu xe địa hình chạy điện cao cấp của VinFast. Nhà máy ở Hải Phòng rộng đến 335 hecta là địa điểm sản xuất xe hơi lớn thứ tư thế giới, rộng hơn cả nhà máy của Tesla ở Berlin, có thể làm ra 250.000 chiếc xe một năm, được tự động hóa đến 90 %. Thay vì bán qua mạng lưới đại lý, VinFast quyết định mở các cửa hàng riêng – 20 ở Pháp, 25 ở Đức, 5 ở Hà Lan, và dự kiến xây dựng một nhà máy 6,5 tỉ đô la ở Hoa Kỳ. Phó tổng giám đốc người Úc, Shaun Calver, từng làm việc cho General Motors nhận xét, người Việt học hỏi rất nhanh.

Le Point nhận thấy ông Phạm Nhật Vượng, 54 tuổi, chủ tập đoàn VinGroup là người giàu nhất Việt Nam nhưng nổi tiếng kín kẽ. Mẹ bán trà rong, cha là cựu chiến binh, nhờ giỏi toán ông được học bổng du học ở Đại học Thăm dò Địa chất Matxcơva. Vốn là người giỏi xoay sở, Phạm Nhật Vượng mở nhà hàng rồi buôn bán áo gió, nhưng rồi ngập trong nợ nần, ông sang Kharkov, nơi hàng ngàn công nhân Việt Nam đang làm việc. Doanh nhân trẻ lại mở nhà hàng ở căng-tin nhà máy Malichev, nơi sản xuất các xe tăng Ukraina, và vay mượn để mở xưởng sản xuất mì ăn liền, mặt hàng mà người Đông Âu chưa hề biết đến. Nhãn hiệu Mivina kiểm soát đến 97 % thị trường này ở Ukraina, sau đó bán lại cho Nesstlé với giá 150 triệu đô la năm 2010.

Nhà nghiên cứu Christophe Vigne của đại học Paris-Diderot nói rằng trong thập niên 90, Việt kiều không thể gởi tiền mặt về Việt Nam, nên ông Vượng đưa hàng hóa về, do vậy công ty mang cái tên chung chung là Technocom. Cũng theo ông Vigne, Phạm Nhật Vượng tỏ ra ngoan ngoãn với chế độ, nên nhiều cánh cửa đã mở ra cho ông, được tha hồ đầu tư vào địa ốc, du lịch. Có những doanh nhân có cùng quá trình nhưng quá phô trương sự giàu có nay đã vào tù, ông Vượng thì không.

Việt Nam thắng lớn trong thời đại phi toàn cầu hóa

Cũng liên quan đến Việt Nam, The Economist nhận định « Việt Nam đang nổi lên như là người chiến thắng trong kỷ nguyên phi toàn cầu hóa ». Hàng chữ « Made in Vietnam » ngày càng được nhìn thấy bằng rất nhiều thứ tiếng, trên những món hàng được sản xuất từ nền kinh tế xưa kia là cộng sản, từ khi bắt đầu mở cửa cuối thập niên 80. Từ năm 2000, GDP của Việt Nam đã tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào, trừ Trung Quốc, trung bình khoảng 6,2 % một năm, thu hút nhiều tập đoàn kinh tế. Bắt đầu là Nike, Adidas rồi đến sự bùng nổ kỹ nghệ điện tử, tạo những việc làm lương cao hơn và lao động chất lượng hơn. Năm 2020, điện tử chiếm 38% hàng xuất khẩu so với 14 % cách đó 10 năm.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ 2018 giúp Việt Nam chiếm phân nửa trong số 31 tỉ đô la hàng nhập khẩu của Mỹ. Cộng với căng thẳng địa chính trị giữa các đại cường, phong tỏa Covid ngặt nghèo của Trung Quốc, khiến các nhà cung cấp lớn nhất của Apple xây dựng nhà máy mới ở Việt Nam để làm ra Apple Watches, MacBook và những sản phẩm khác. Dell và HP (máy tính xách tay), Google (điện thoại), Microsoft (máy chơi game) dịch chuyển các đơn vị sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Đầu tư cho trình độ nhân lực mới có thể giàu lên

Việt Nam có rất nhiều lợi thế. Nhân công trẻ tuổi, năng động trong khi Trung Quốc già đi. Quốc gia gần 100 triệu dân này là thành viên nhiệt tình của hơn một chục hiệp định tự do mậu dịch, mở cửa hoàn toàn sau đại dịch từ tháng Ba, có trên 3.000 kilomet bờ biển, và ở sát cạnh Trung Quốc. Nhờ mở mang cơ sở hạ tầng, trung tâm điện tử chỉ cách thủ đô công nghệ Thâm Quyến có 12 giờ xe chạy.

Tuy vậy nhiều nhà đầu tư ngoại quốc không tìm được đầy đủ linh kiện như ở Hoa lục, và Việt Nam không thể sao chép được mô hình của Trung Quốc hay Hàn Quốc. Toàn cầu hóa đang xuống dốc, nhiều thị trường lớn đưa sản xuất trở về nước, các hiệp định thương mại cấm các thủ thuật gian lận như Bắc Kinh đã từng làm.

Dù công nhân không thiếu, các nhà quản lý và kỹ thuật viên lành nghề người Việt vẫn còn hiếm hoi. Chính quyền Hà Nội mong muốn đưa Việt Nam trở thành nước giàu với GDP trên đầu người trên 18.000 đô la từ nay đến 2045, so với 2.800 đô la hiện nay. Nhưng muốn giàu bằng Trung Quốc thôi, chứ không thể với tới mức của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam cần phải đầu tư nhiều vào con người chứ không chỉ cơ sở hạ tầng.

Ukraina : Chiến thắng sông Oskil làm đảo lộn tương quan lực lượng

Chuyển sang hồ sơ đang rất nóng là Ukraina, L’Obs nói về « Chiến thắng sông Oskil », không chỉ giúp quân Ukraina tiến gần biên giới Nga mà còn làm đảo lộn tương quan lực lượng. Bởi vì đối với Nga, việc mất hai thành phố Izyum và Kupiansk – nút giao thông hậu cần – làm mong manh thêm cơ hội chiếm trọn vùng Donbass, mục đích của cuộc xâm lăng. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), sau trận thắng này Ukraina có thể trở thành bên chủ động áp đặt những trận giao tranh mới sẽ diễn ra lúc nào và ở đâu, Nga đáp trả ngày càng yếu đi trừ phi tìm ra một phương cách nào khác.

Trận phản công chớp nhoáng ở Kharkov còn là điển hình cho chiến thuật cổ điển từ thời Đệ nhị Thế chiến : giương đông kích tây. Chỉ sau vài ngày, Kiev đặt Matxcơva trước thế lưỡng nan. Hoặc củng cố tuyến phòng vệ dọc theo sông Oskil để bảo vệ phần Donbass đang có, như vậy phải « buông » Kherson ở miền nam ; hoặc giữ nguyên trạng để khỏi mất thêm đất. Trong cả hai trường hợp, Ukraina đều có lợi. Dù thiếu đạn pháo và yếu hơn về không quân, Kiev đang chứng tỏ là có thể tái chiếm những lãnh thổ của mình và giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Thua trận, mọi việc không còn « diễn ra theo dự kiến »

Trong bài « Chỉ trích nổi lên ở phương đông », L’Obs nhận thấy khi quân đội của Vladimir Putin thua chạy tại Ukraina, hình ảnh ông chủ điện Kremlin bị xấu đi đến nỗi những người chống đối đã nghĩ đến một sự thay đổi chế độ.  Lần đầu tiên kể từ ngày 24/02, Matxcơva phải nhìn nhận thất bại, điều chưa từng làm trước đây dù phải rút quân khỏi Kiev và đảo Rắn. Những tin xấu từ tiền tuyến làm lung lay một Putin quyền lực từ hơn 20 năm qua.

Nikita Yuferev, đại biểu quận Smolninsky của Saint-Pétersbourg, quê hương của tổng thống khẳng định : « Vladimir Putin là mối đe dọa chính cho an ninh nước Nga và ông ấy phải ra đi ». Hôm 07/09, cùng với sáu đại biểu khác, Yuferev đã ký kiến nghị đòi hỏi truy tố Putin vì tội phản quốc và phải bị truất phế. Trả lời tuần báo Pháp qua điện thoại, đại biểu này nói rằng người Nga luôn coi người Ukraina là rất gần gũi, những gì Putin đã làm là điên rồ. Sau kiến nghị trên, các đại biểu Lomonossov ở Matxcơva đã theo chân, và đại biểu Ksenia Torstrem của quận Semyonovsky, Saint-Pétersbourg tập hợp được thêm 70 chữ ký của các đồng nhiệm.

Ý tưởng truất phế Putin, ban đầu chỉ là không tưởng, nay dần dà được củng cố. Trang web độc lập Kholod hôm 13/09 đăng bài « Putin liệu sẽ bị buộc phải ra đi hay không ? Việc truất phế tại Nga diễn ra như thế nào ? ». Tuy công chúng ít đọc được, vì phải dùng đến các phần mềm VPN đã bị cấm từ 2017, nhưng ngay cả truyền hình công vốn là cái loa tuyên truyền tích cực cũng phải nhìn nhận tình hình là « khó khăn », thay vì câu nói thường lệ « mọi việc diễn ra theo dự kiến ». Thậm chí ngày 18/09 báo chí nhà nước còn dám đăng bài viết của ca sĩ nổi tiếng Alla Pugacheva, tố cáo « cái chết của những chàng trai, chỉ vì những mục tiêu hão huyền đã làm đất nước chúng ta trở thành kẻ bị ruồng bỏ ».

Những tin mật bắt đầu được rò rỉ từ Kremlin

Trên Telegram còn dữ dằn hơn. Các chuyên gia quân sự ủng hộ Putin giận dữ vì từ nhiều tuần qua đã cảnh báo khả năng Ukraina phản công nhưng bộ tham mưu bỏ ngoài tai. Tại Quốc Hội, thủ lãnh các đảng Nước Nga Công lý, Dân chủ Tự do, Cộng sản đòi hỏi tập trung hơn cho cuộc chiến. Trong vài ngày, nhiều tin mật được tiết lộ từ nội bộ Kremlin vốn kín như bưng.

Kênh Bloomberg công bố nội dung một báo cáo về hậu quả khốc liệt của trừng phạt quốc tế mà Matxcơva luôn chối cãi, ba nguồn tin nói với Reuters lẽ ra đã có được ngưng bắn nhờ những cuộc mật đàm giữa Kiev và Matxcơva từ đầu cuộc chiến, nhưng Putin quá tin vào một chiến thắng nhanh chóng, đã từ chối. Kênh Telegram chống Kremlin vốn thạo tin, General SVR, đăng chi tiết câu chuyện đoàn xe chở Putin về nhà bị tấn công, nhưng không có ngày tháng, và những phản đối của các lãnh đạo tình báo đối với tổng thống trong cuộc họp gần nhất của Hội đồng An ninh.

Điềm xấu cho Sa hoàng đỏ ?

Chiến tranh càng kéo dài, càng có nhiều bằng chứng từ mặt trận về sự bất tài của các sĩ quan và hỗn loạn trong tổ chức. Một số binh sĩ tự gây thương tích để khỏi ra trận, và không ít những « refuznik » – các quân nhân từ chối ra tiền tuyến vì sợ hãi hoặc phản chiến, nên Matxcơva đang chuẩn bị một luật gia tăng trừng phạt người đào ngũ.

Bại trận ở Ukraina sẽ là hồi kết của Putin, như các năm 1905, 1917, 1989 đế quốc Nga và kế tiếp là Liên Xô đã sụp đổ khi bị thua quân Nhật, Đức, thất bại ở Afghanistan ? Một điều chắc chắn là lớp vẹc-ni quyền lực của ông chủ điện Kremlin ngày càng bị bong tróc, tuyên truyền không còn mấy tác dụng. Ngay cả vòng đu quay cao nhất châu Âu mà tổng thống đã hãnh diện khai trương đúng vào ngày quân Nga phải rút chạy khỏi Kharkov, ngay hôm sau đã bị hư. Một điềm xấu chăng !

Putin khó tồn tại nếu dùng đến vũ khí phi quy ước

Bài xã luận « Sự đặt cược của phương Tây » cho rằng, dù vẫn phải thận trọng, nhưng khoảng cách đã quá xa so với ngày 24/02, khi thế giới bàng hoàng tỉnh giấc vì những tiếng gầm thét của đại bác Nga tấn công vào một quốc gia có chủ quyền. Không ai tin là Kiev có thể đương cự nổi, nhưng hơn sáu tháng sau, một chiến thắng toàn diện không còn ở ngoài tầm tay. Ngược với những gì mà phe cực hữu châu Âu – những con két của Kremlin cố thuyết phục, trừng phạt đang làm kinh tế Nga rơi vào suy thoái. Vũ khí dầu lửa và khí đốt mất dần tác dụng vì châu Âu nỗ lực thoát khỏi lệ thuộc, và giờ đây là nguy cơ bị truy tố vì tội ác chiến tranh sau phát hiện hơn 450 ngôi mộ ở Izyum.

Vladimir Putin sẽ rơi đài ? Chừng như đó là sự đặt cược ngầm của phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ. Joe Biden, vốn đã dành đến 15 tỉ đô la, chiếm đến 70 % viện trợ quốc tế cho Ukraina, không còn ngại ngùng khi đe dọa gần như là một trận đại chiến thế giới, nếu Putin dám dùng đến vũ khí hóa học hay nguyên tử. Được khuyến khích từ sự kiên cường và dũng cảm của đội quân Zelensky, phương Tây ngày càng ủng hộ hơn. Không phải vì đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, mà không có sự đối đầu giữa hai khối, hầu như là một cuộc chiến giữa các nền văn minh trong đó Putin ngày càng bị cô lập. Đối với phương Tây, ván bài ở Kharkov và Kherson không chỉ là tương lai của dân tộc Ukraina, mà còn biểu lộ sức sống của mô hình dân chủ.

Vì sao Nga có thể bại trận ?

Hồ sơ của L’Express lý giải « Vì sao Putin có thể thất bại ». Tuần báo cho rằng việc Nga pháo kích ồ ạt vào các cơ sở hạ tầng dân sự sau khi tháo chạy khỏi Kharkov, khiến hàng trăm ngàn dân Ukraina không còn điện nước, lò sưởi…chứng tỏ sự cay cú, và là lời thú nhận bất lực của Matxcơva.  Putin sẽ bại trận ? Cho đến tận tháng trước, hiếm khi có ai đặt ra câu hỏi này. Quân đội Nga dùng mưa bom đè bẹp lực lượng Kiev, và những thành phố Ukraina lần lượt rơi vào tay quân xâm lăng. Nhưng giáo sư Phillips P. O’ Brien của đại học St Andrews phân tích, ngoài mặt thì pháo binh Nga có vẻ áp đảo. Nhưng trên thực tế, Ukraina đã làm kiệt lực quân Nga khi buộc họ phải trả giá đắt cho mỗi bước tiến ở Donbass. Những thắng lợi nho nhỏ của Nga thực chất là sự chảy máu.

Nhà sử học Galia Ackerman nhận thấy quân Nga cạn dần đạn pháo, sử dụng các drone kém chất lượng của Iran và phải mua đạn của Bắc Triều Tiên. Nga thiếu linh kiện điện tử và phụ tùng cho đại bác và giàn phóng hỏa tiễn. Chỉ vài tháng nữa là tình trạng sẽ rất thảm hại. Khoảng 1/4 đến 1/3 lực lượng đã bị loại khỏi vòng chiến. Tinh thần xuống thấp, chỉ huy tồi vì nhiều sĩ quan đã tử trận trong những tháng đầu, lính Nga phải đối mặt với những binh sĩ Ukraina chiến đấu dũng cảm vì sự tồn vong của tổ quốc.

Giáo sư O’Brien nhấn mạnh, cần tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev trước khi Matxcơva có thể củng cố được lực lượng, vì 2 triệu quân dự bị có thể được huy động. Cho đến nay, lính bị điều ra trận chủ yếu là dân nghèo ở vùng sâu vùng xa. Nếu động viên rộng rãi, xã hội Nga sẽ rúng động. Nhà đối lập Mikhail Khodorkovski đang tị nạn ở Anh cho biết, 70 % dân Nga sống ở các thành phố lớn, nếu bị bắt lính, do họ không phải là quân nhân chuyên nghiệp, thiệt hại sẽ rất nặng nề. Những đô thị với cư dân có trình độ sẽ phản ứng như thế nào khi hàng trăm cỗ quan tài quay về nước ? Hệ thống Putin mỗi ngày một rời rã. Giờ đây, nhà độc tài đang « cởi truồng », và Nhà nước Potemkine của ông ta không còn tạo ra được ảo ảnh.

Bốn giả thiết về cuộc chiến ở Ukraina

L’Express đưa ra bốn giả thiết về diễn tiến sắp tới của cuộc chiến. Thứ nhất, quân đội Nga hoàn toàn sụp đổ. Các nhà chiến lược không còn loại trừ giả thiết sẽ là cơn ác mộng cho Kremlin. Giáo sư Lawrence Freedman của King’s College ở Luân Đôn nhận định một sự tan rã bất ngờ không phải là lạ trong thời chiến, như quân đội Afghanistan hồi mùa hè 2021. Nhưng tướng Pháp Dominique Trinquant cho rằng kịch bản này khó thể xảy ra, vì Ukraina sẽ phải lập lại thành tích Kherson ở miền nam mới dẫn đến tình trạng quân Nga tháo chạy hàng loạt.

Giả thiết thứ hai, Ukraina tái chiếm dần lãnh thổ. Đây là kịch bản được cho là khả thi nhất trong những tháng tới, và như vậy Kiev có thể giành được chiến thắng trong năm 2023. Olivier Kempf, giám đốc cơ quan tư vấn La Vigie dự báo Ukraina có thể chiếm được những vùng đất bị mất sau ngày 24/02, nhưng khó giành lại khu vực ly khai ở Donbass, và Nga sẽ làm mọi cách để giữ Crimée. Như thế « Chiến dịch đặc biệt » của Vladimir Putin rốt cuộc chẳng giúp chiếm được mẩu đất nào, mà phải trả cái giá khổng lồ về chính trị, kinh tế và quân sự. Giáo sư Tomas Ries ở Thụy Điển nhắc nhở, điều kiện cốt yếu là phương Tây phải tiếp tục hỗ trợ về quân sự và tài chánh.

Giả thiết thứ ba là nguyên trạng, không bên nào lấn lên được – một cuộc xung đột « đóng băng » như ở Donbass từ 2014 đến 2022. Về lâu về dài, có thể mở ra thương lượng, và có nguy cơ phương Tây quá mệt mỏi với hậu quả chiến tranh sẽ thúc ép Ukraina nhân nhượng. Nhưng một thỏa thuận như vậy không thể kéo dài, những xung đột mới lại bùng lên.

Cuối cùng, bị dồn vào ngõ cụt, Matxcơva có thể leo thang. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho rằng việc tổng động viên sẽ gây bất bình lớn, và làm Nga mất đi một lực lượng lao động quan trọng. Hơn nữa, cũng không giải quyết được vấn đề chính của quân đội Nga là thiếu quân nhân chuyên nghiệp có thể sử dụng những vũ khí phức tạp, điều khiển được xe bọc thép. Đáng lo nhất là vũ khí nguyên tử. Nhưng theo Tomas Ries, một đòn đánh duy nhất chỉ có tác động hạn chế trên chiến trường, vì lực lượng Ukraina rải rác ở nhiều nơi, thế nên Nga phải tấn công hàng loạt. Các chuyên gia không tin vào khả năng này vì phản ứng chính trị sẽ vô cùng lớn trên toàn cầu, Matxcơva sẽ bị coi như « hủi ».

Lằn ranh đỏ nào để Mỹ can thiệp trực tiếp ?

Về phía Hoa Kỳ, nhà nghiên cứu Jim Townsend, cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của L’Obs, Ukraina đã thuyết phục được phương Tây là họ xứng đáng được giúp đỡ hơn bao giờ hết, để biến giấc mơ chiến thắng thành hiện thực. 

Liệu có lằn ranh đỏ nào mà nếu vượt qua, có thể dẫn đến sự can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ và đồng minh hay không ? Ông Townsend lưu ý về mặt chính thức, chưa có tuyên bố nào về khả năng này, chẳng hạn việc bắt giữ hoặc ám sát Volodymyr Zelensky, sử dụng vũ khí hóa học hay nguyên tử, hoặc xâm lăng một nước khác.

Kịch bản duy nhất tự động dẫn đến việc đồng minh tham chiến là Nga tấn công một thành viên NATO. Ngoại trừ trường hợp đó, không có chuyện Hoa Kỳ can dự trên thực địa. Và Ukraina cũng chẳng cần. Thời Đệ nhị Thế chiến, thủ tướng Anh Churchill đã nói với người Mỹ, lúc đó còn đứng ngoài lề : « Hãy trao cho chúng tôi những công cụ và chúng tôi sẽ hoàn tất công việc ». Chính xác là tổng thống Zelensky cũng chỉ đòi hỏi có vậy.

Thụy My / RFI

Ông Tập Cận Bình ẩn thân sau chuyến thăm Trung Á, xuất hiện tin đồn bị đoạt quyền

Việc ông Tập Cận Bình vắng mặt một cuộc hội thảo về cải cách quốc phòng và quân sự của ĐCSTQ một cách hiếm thấy, cùng việc ông đã ẩn thân hơn 1 tuần từ khi về nước sau chuyến thăm Trung Á, làm dấy lên tin đồn ông bị đoạt quyền.

Ông Tập Cận Bình (Ảnh cắt từ video)
Tin dồn dấy lên khắp nơi về việc ẩn thân của ông Tập sau chuyến thăm Trung Á
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, Hội thảo Cải cách Quân đội và Quốc phòng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 21/9. Hai Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) và  Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) đã phát biểu tại hội nghị, các ủy viên Quân ủy Trung ương Lý Tác Thành (Li Zuocheng), Miêu Hoa (Miao Hua), Trương Thăng Dân (Zhang Shengmin) đã tham dự cuộc họp.

Vào ngày 21/9, ĐCSTQ tổ chức “Hội nghị Quốc phòng và Cải cách quân đội”, thượng tướng Lý Kiều Minh, người đã bị miễn nhiệm Chiến khu Bắc bộ xuất hiện. (ở giữa ở hàng đầu). (Ảnh chụp màn hình video)
Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã không tham dự hội nghị, mà chỉ đưa ra “chỉ thị” cho hội nghị, yêu cầu quân đội tập trung vào việc chuẩn bị cho chiến tranh, v.v. Một thành viên khác của quân ủy vắng mặt là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), ông là tướng lĩnh do đích thân ông Tập Cận Bình đề bạt trọng dụng.

Cảnh quay đưa tin của CCTV cho thấy ông Lý Kiều Minh (Li Qiaoming – 61 tuổi), nguyên Tư lệnh Chiến khu Bắc bộ bị miễn nhiệm trước đó, cũng tham dự hội nghị này và ngồi ở hàng ghế đầu. Trước đó có nhiều tin đồn cho rằng ông Lý Kiều Minh dính líu đến một cuộc “binh biến”.
Ông Lý Kiều Minh ngồi ở hàng ghế đầu đeo huy hiệu Quân đội trước ngực tại cuộc họp. Sự xuất hiện của ông không chỉ đồng nghĩa với việc đập tan tin đồn ông có liên quan đến “binh biến”, mà còn cho thấy ông vẫn được ông Tập tin tưởng.

Ông Tập Cận Bình đã thăm Kazakhstan và Uzbekistan liên tiếp từ ngày 14 đến ngày 16/9, và tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do ĐCSTQ và Nga dẫn đầu. Theo Nhân dân Nhật báo, sau khi hội nghị thượng đỉnh SCO kết thúc vào ngày 16/9, ông Tập Cận Bình đã “ra thẳng sân bay đáp chuyên cơ trở về Trung Quốc” từ địa điểm tổ chức thượng đỉnh và trở về Bắc Kinh vào nửa đêm ngày 16/9.
Ông Tập Cận Bình đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông trở về Bắc Kinh, và đã ẩn hình trong hơn một tuần.

Tân Hoa Xã từng đưa tin, vào ngày 22/9 ông Tập Cận Bình đã gửi lời thăm tới “Lễ hội thu hoạch của nông dân Trung Quốc”; vào ngày 23/9, ông Tập đã gửi thư chúc mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Thông tấn xã Trung Quốc (CNS).

Trong giai đoạn này, rất nhiều tin tức bất lợi về ông Tập đã được lan truyền trên Twitter và thậm chí trên WeChat ở Trung Quốc Đại Lục. Một trong những tin tức phổ biến nhất trên Twitter là ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo đã thuyết phục thành công ông Tống Bình (Song Ping), cựu Ủy viên Thường vụ, nắm quyền kiểm soát Cục Cảnh vệ Trung ương. Ông Tập trở về Bắc Kinh vào tối ngày 16/9, bị kiểm soát tại sân bay, và bị quản thúc tại nhà ở Trung Nam Hải, Hội nghị Trung ương 7 khóa 19 sẽ tuyên bố sự thật, v.v.

Một nhà văn ẩn danh trên mạng Internet Đại Lục, nói với phóng viên Epoch Times vào ngày 23/9 rằng thông tin mà ông nghe được là hiện giờ ông Tập Cận Bình hiện chỉ gửi thông tin từ xa và đang bị giam lỏng, không được phép lộ diện. Ông cũng không được tham gia cuộc họp quan trọng về cải cách quân ủy.

Vị này cho rằng nếu thực sự bị giam lỏng, thì có thể không cần đợi đến phiên họp toàn thể lần thứ bảy (Hội nghị Trung ương 7) mới tuyên bố, chính sách ‘zero COVID’ cũng sẽ lập tức kết thúc.

Tuy nhiên, một số cư dân mạng trên Twitter cho rằng lý do ông Tập Cận Bình ẩn thân và vắng mặt trong cuộc họp, có thể là do ông cần phải cách ly một thời gian theo quy định phòng chống dịch sau chuyến thăm nước ngoài.

Phân tích: Tin đồn chống Tập để tỏ sự bất mãn
Nhà quan sát các vấn đề thời sự Vương Hách nói với Epoch Times hôm 23/9 rằng ông Tập Cận Bình có lộ diện hay không không thành vấn đề, bởi trước đây ông đã từng thường không xuất hiện trong một thời gian dài. Trước Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 (Đại hội 20) của ĐCSTQ, chuyến thăm Trung Á của ông Tập Cận Bình là một biểu hiện nắm chắc phần thắng, ông ấy không phải là mạo hiểm ra nước ngoài.

Nhà bình luận Vương Hách tin rằng rất nhiều người không muốn ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, vì vậy họ muốn làm gì đó. “Giống như tin đồn khắp nơi như thế này, từ góc độ chính trị mà nói, nó không có ý nghĩa thực chất. Chỉ là biểu đạt một kiểu bất mãn.”

Ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), người dẫn chương trình truyền thông nổi tiếng “Chính luận thiên hạ” cho rằng tin đồn liên quan đến việc ông Tập bị đoạt quyền không phù hợp kiến thức thông thường về chính trị cơ bản. Ông nói, nếu ông Tập Cận Bình mất quyền lực thì làm sao có khả năng kết án nghiêm khắc các thành viên trong băng đảng chính trị của Tôn Lực Quân?

Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân bị kết án tử hình trước Đại hội 20 ĐCSTQ
Trong khoảng thời gian ông Tập ẩn thân, “6 con hổ chính trị pháp luật” thuộc bè phái chính trị Tôn Lực Quân đã bị kết án nghiêm khắc trong 3 ngày qua, trong đó có Vương Lập Khoa, Phó Chính Hoa, Tôn Lực Quân, lần lượt bị kết án tử hình hoãn thi hành án, bị giam giữ suốt đời.

SCMP bóng gió ông Tập Cận Bình tái nhiệm?
Tờ South China Morning Post (SCMP) tại Hồng Kông, được coi là có bối cảnh tuyên truyền đối ngoại, vào ngày  22/9 đã đưa tin Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể tới Bắc Kinh để gặp ông Tập Cận Bình vào tháng 11 năm nay.

SCMP do doanh nhân Trung Quốc Jack Ma kiểm soát, cũng được cho là thân cận với Tăng Khánh Hồng thuộc phe Giang Trạch Dân. Ngày 18/7, tờ báo này cũng loan tin 4 nước châu Âu sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 11, nói rằng “thực tế này gián tiếp xác nhận rằng ông Tập Cận Bình sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba”. Tuy nhiên vào hôm sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi đó là “tin giả”. Ngày 19/7, SCMP lại đưa tin, lời mời liên quan dự kiến ​​sẽ được chính thức xác nhận vào cuối năm nay.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất nói với Epoch Times rằng SCMP là một tờ báo ở Hồng Kông, cho nên nội dung mà nó đưa tin có hạn chế nhất định. Bất kỳ tin tức nào động chạm đến nội bộ ĐCSTQ đều có thể dễ dàng được coi là ĐCSTQ đang tung tin. Nhưng đôi khi tin tức không nhất thiết phải từ cùng một phe, và có yếu tố đấu đá nội bộ. Ví dụ, tin tức lần này có thể được coi là đến từ phe Tập, để cho thấy rằng ông Tập về cơ bản sẽ tái đắc cử.

Nhà bình luận Vương Hách cho rằng từ góc độ bố cục ngoại giao của ĐCSTQ, việc các nhà lãnh đạo của các nước châu Âu có thể thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 là có khả năng. ĐCSTQ hiện đang cố gắng lôi kéo Liên minh Châu Âu (EU). Sau khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử, ông ta sẽ muốn chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và EU, và đối đầu với Mỹ. Nhưng sau khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, sau khi có địa vị vững chắc thì mời mời các nhà lãnh đạo châu Âu đến.

Ông nói, “Ông ấy chắc chắn sẽ nỗ lực ngoại giao trong vấn đề này. Nhưng trước khi thành công, ông ấy sẽ không tiết lộ.”

Trí Đạt (t/h) /Trí thức VN