Tập Cận Bình: Ảo tưởng về sự vĩ đại

Chính trị bản chất luôn là những gì rực rỡ và lộng lẫy, nhưng hiếm có sự kiện nghi thức thuần túy nào có thể so sánh được với việc triệu tập Quốc hội Trung Quốc, hay còn gọi là Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, kết thúc vào tuần (cuối tháng 3) này. Dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra ở Trung Quốc hay trên thế giới thì Đại hội cũng luôn luôn đi theo một lộ trình nhàm chán – trình ra một bản “báo cáo công việc” tóm tắt các kế hoạch đã biết; những đề xuất có vấn đề sẽ được đem ra thảo luận để khiến Đại hội trông giống như một cơ quan thảo luận đang thực sự được triệu tập; những buổi họp của các đại biểu không do dân bầu và phần lớn không có quyền lực; và cuối cùng là một cuộc họp báo với độ chân thực giống như các màn đấu võ trong phim kiếm hiệp.

Thế nhưng màn trình diễn này chưa bao giờ không có ý nghĩa. Năm nay mục đích của nó là làm nổi bật sự trỗi dậy không thể ngăn cản của Tập Cận Bình như là một trong các nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của Trung Quốc trong nhiều thập niên. Ông sắp hoàn thành nhiệm kỳ năm năm đầu tiên và gần như chắc chắn sẽ được bổ nhiệm lại nhiệm kỳ thứ hai tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào mùa thu năm nay. Phiên họp Quốc hội tuần này là khởi đầu cho sự kiện ấy, và sự tẻ nhạt của nó lại đặc biệt quan trọng, bởi điều đó thể hiện Tập đã trở thành một nhà lãnh đạo quyền lực và mạnh mẽ đến mức nào, vừa kiểm soát chính trị trong nước một cách trơn tru, vừa đối mặt với những kẻ thách thức như Donald Trump ở nước ngoài.

Nhưng các màn trình diễn này cũng có nhiều cách diễn giải. Và sau phiên họp Quốc hội gần đây đã xuất hiện một cách hiểu mới: Tập có thể là một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc mạnh nhất trên giấy tờ – giữ hàng loạt danh hiệu và có khả năng dập tắt mọi bất đồng chính kiến gần như bất cứ lúc nào ông muốn – nhưng ít ấn tượng hơn nhiều trong việc đạt được cải cách.

Chẳng hạn, Tập thường được so sánh với Đặng Tiểu Bình, người điều hành Trung Quốc trong khoảng 20 năm, từ cuối những năm 1970 đến giữa những năm 1990. Đặng có tiếng là nhà lãnh đạo nổi bật trong cuối thế kỷ 20 không chỉ nhờ khả năng giữ vững quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản – hãy nghĩ tới thảm sát Thiên An Môn – mà còn bởi việc thử nghiệm các chính sách kinh tế mới đầy táo bạo. Trong thời kỳ Đặng cầm quyền Trung Quốc đã phát động những cải cách kinh tế thực chất nhất, như giải phóng nông dân khỏi các hợp tác xã nhà nước kém hiệu quả, đóng cửa các nhà máy lạc hậu, và đưa đất nước lên đường gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Khi lên nắm quyền, Tập cũng đưa ra một loạt các cải cách rộng lớn tương tự và cam kết sẽ “cải hoàn” đất nước. Nhưng các biện pháp của ông chỉ giới hạn trong cuốn cẩm nang của những người theo chủ nghĩa truyền thống chuyên chế dân tộc chủ nghĩa cổ điển. Ông theo đuổi một chính sách đối ngoại bành trướng, chiếm đóng và quân sự hóa các vùng rộng lớn trên Biển Đông, trong khi tiêu diệt tham nhũng và thúc đẩy các giá trị truyền thống ở trong nước.

Một phần quan trọng trong chính sách này là tăng cường quyền kiểm soát của Tập. Tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản mùa thu năm ngoái, Tập được nâng lên thành nhà lãnh đạo “nòng cốt,” đặt ông vào một vị trí cao hơn các nhà lãnh đạo khác trong thời gian gần đây – với ý tưởng là Trung Quốc cần một nhà lãnh đạo cứng rắn hơn để vượt qua những thời khắc khó khăn.

Trong phiên họp Quốc hội gần đây, điều này được phản ánh trong cách Tập và hình ảnh của ông thống trị các bản tin trong nước về sự kiện, dù đây thường là nơi để Thủ tướng Lý Khắc Cường tỏa sáng. Năm nay, Lý có vẻ chỉ là một sự bổ sung, và buổi họp báo của ông hôm thứ Tư (15 tháng 3) –  thường là đỉnh điểm của kỳ họp Quốc hội – lại tẻ nhạt tới mức cuộc họp báo gần như không còn cần thiết.

Việc gạt sang một bên Thủ tướng Trung Quốc, theo danh nghĩa là người đứng thứ hai trong hệ thống thứ bậc, đi cùng với một diễn biến khác cũng dần trở nên rõ ràng hơn: Tập có lẽ chưa chỉ định người kế nhiệm. Do nền chính trị Trung Quốc không được thể chế hóa thực sự rõ ràng nên khó mà nói điều này là quan trọng vào thời điểm này trong năm, nhưng có thể nói hầu hết các nhà quan sát đều mong đợi một người kế nhiệm đã phải xuất hiện vào lúc này. Việc thiếu đi một người kế nhiệm có nghĩa là Đảng Cộng sản Trung Quốc (có khả năng) đang chia rẽ, hoặc là Tập (rất có thể) có ý định gần đến Đại hội Đảng Cộng sản sẽ cất nhắc một người trung thành để có thể đứng sau nhiếp chính khi ông nghỉ hưu trong năm năm tới.

Như vậy, sau năm năm cầm quyền, thành tựu chính của Tập có lẽ là củng cố quyền lực cá nhân trong khi vẫn đáp ứng mong muốn thay đổi xã hội của người dân thông qua các cuộc đàn áp và thúc đẩy chủ nghĩa truyền thống. Vấn đề là các nỗ lực đã được thực hiện trong khi phương hại đến các cải cách thực sự.

Ví dụ, chính phủ đã liên tục nói về nhu cầu cải thiện hệ thống pháp luật của Trung Quốc. Nhưng hoạt động lập pháp chính ở Quốc hội là thiết lập một “bộ dân luật” theo kiểu châu Âu. Về lý thuyết, điều này có thể bảo vệ các quyền tự do cá nhân và giúp hệ thống pháp luật hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng vấn đề không phải là thiếu luật, mà chính là sự chính trị hóa hệ thống. Mọi quyết định nhạy cảm vẫn do các cơ quan Đảng đưa ra, chứ không phải là các thẩm phán độc lập. Vì vậy, bộ luật này rất có thể sẽ là một công cụ cho phép Đảng Cộng sản có thêm sự bảo vệ pháp lý cho các phán quyết của mình, chứ không phải là đưa mình vào pháp quyền.

Cấp bách không kém là nhu cầu có những cải cách kinh tế quan trọng. Các doanh nghiệp nhà nước hút các nguồn vốn giá trị từ hệ thống ngân hàng, cũng do nhà nước điều hành, từ đó gây thiệt hại cho các doanh nghiệp tư nhân năng động hơn. Quá trình đô thị hóa đã bắt đầu, nhưng là dựa trên việc chiếm đất với giá thấp hơn giá thị trường. Nông dân vẫn không sở hữu đất đai và cũng không có quyền chuyển nhượng đất thực tế. Người dân nông thôn vẫn khó lòng đạt được đầy đủ quyền lợi ở các khu vực thành thị. Và tất nhiên, kiểm duyệt đã trở nên quá đáng đến nỗi ngay cả những phê phán mang tính xây dựng cũng ngày càng bị đẩy ra ngoài lề, làm cho nhiều người có tư tưởng ôn hòa mất hy vọng rằng tiếng nói của họ có thể được lắng nghe.

Thất bại hoàn toàn trong việc cải cách nền kinh tế đồng nghĩa với việc lập luận của chính phủ về tăng trưởng thấp – rằng nền kinh tế Trung Quốc chỉ chậm lại tạm thời trong khi nó đang được tái cơ cấu – đang ngày càng trở nên vô lý. Thay vào đó, thực tế có thể sẽ là việc đất nước không có khả năng cải cách sẽ khiến nó lún sâu thêm vào cái bẫy thu nhập trung bình đáng sợ – trở thành một đất nước không thể bước tiếp để trở thành một xã hội thịnh vượng thực sự.

Liệu có vấn đề nào trong số này quan trọng với Tập hay không? Sự ủng hộ mà người dân dành cho ông có thể giảm đi nếu như nền kinh tế vẫn tiếp tục trì trệ, trong khi giá cả bất động sản vẫn tiếp tục nằm ngoài tầm với của những người dân thường. Nhưng các nhà lãnh đạo như Putin vẫn được lòng dân bất chấp tình hình kinh tế tồi tệ hơn nhiều nhờ vào các cuộc phiêu lưu ở nước ngoài và đổ lỗi cho người ngoài vì những tai ương của chính đất nước mình.

Nhưng rõ ràng là hình ảnh của Tập như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và có năng lực đang trở nên ngày càng khó tin. Khi đất nước bước vào mùa chính trị và việc tái bổ nhiệm Tập cũng gần kề, trông ông bắt đầu khác đi. Thay vì là một người có khả năng thay đổi mà Trung Quốc cần, rất có thể Tập lại chứng tỏ mình chẳng khác gì một người quyết tâm canh giữ nguyên trạng.

Ian Johnson là nhà báo người Mỹ, làm việc chủ yếu ở Trung Quốc và Đức. Ông được trao giải Pulitzer ở hạng mục đưa tin quốc tế năm 2001 cho những bài viết về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và giải Báo chí Shorenstein năm 2016. Cuốn sách mới nhất của ông là The Souls of China: The Return of Religion After Mao (Pantheon Books, 2017).

Nguồn: Ian Johnson, “Xi Jinping: The Illusion of Greatness,” The New York Review of Books, 27/03/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngôi làng ở Hà Nội được ví như Hollywood Việt Nam: Nổi tiếng từ xưa vì có nhiều tiến sĩ

Ngôi làng nằm ở phía Tây, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 15km, được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim truyền hình cũng như điện ảnh nổi tiếng.

Ở Mỹ, có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ biết đến phim trường quen thuộc, rộng lớn và nổi tiếng bậc nhất mang tên Hollywood. Đây là khu phức hợp giữa phim trường và công viên giải trí, là nơi được chọn làm bối cảnh của rất nhiều bộ phim truyền hình cũng như điện ảnh ăn khách của Mỹ cũng như của Châu Âu.

Ngay tại thủ đô Hà Nội, cũng có một địa điểm được mệnh danh là Hollywood của Việt Nam. Cũng bởi nơi đây là bối cảnh của nhiều bộ phim truyền hình, điện ảnh của nước nhà. Đó chính là làng Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, phía Tây thủ đô Hà Nội.

Ngôi làng ở Hà Nội được ví như Hollywood Việt Nam: Nổi tiếng từ xưa vì có nhiều tiến sĩ - Ảnh 1.

Làng Tây Mỗ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. (Ảnh Nguyễn Linh – Báo Xây dựng )

Với khung cảnh đặc trưng của làng quê Bắc bộ Việt Nam, những ngôi nhà mái ngói rêu phong, cây đa, bến nước, sân đình… đã khiến làng Tây Mỗ được chọn để quay nhiều bộ phim về chủ đề nông thôn. Cũng có một số khác là những bộ phim kinh dị hoặc có phân cảnh cần sự cổ kính.

Những bộ phim đã từng quay ở làng Tây Mỗ có thể kể tới như phim truyền hình “Đất và người”, “Gió làng Kình”, “Ma làng” hay bộ phim điện ảnh từng rất thu hút tại phòng vé “Lời nguyền huyết ngải.”

Ngôi làng ở Hà Nội được ví như Hollywood Việt Nam: Nổi tiếng từ xưa vì có nhiều tiến sĩ - Ảnh 2.
Ngôi làng ở Hà Nội được ví như Hollywood Việt Nam: Nổi tiếng từ xưa vì có nhiều tiến sĩ - Ảnh 3.

Một vài cảnh phim trong bộ phim truyền hình “Gió làng Kình” được quay tại làng Tây Mỗ. (Ảnh chụp màn hình)

Làng Tây Mỗ – ngôi làng cổ có truyền thống hiếu học

Làng Tây Mỗ, nay thuộc phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố về phía Tây khoảng 15km.

Người xưa có câu ngạn ngữ: “Mỗ, La, Canh, Cót – tứ danh hương”, hay “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót”. Những câu nói này để chỉ ra những địa danh, ngôi làng đẹp và nổi tiếng ở đất Hà Thành vào những năm của nhiều thế kỷ trước.

Trong những câu nói, Mỗ chính là chỉ làng Tây Mỗ và Đại Mỗ. Làng Tây Mỗ thì nổi tiếng với nhiều người đỗ đạt, còn Đại Mỗ có “Tam vị đại vương” – tức 3 bố con – ông cháu vị Thám hoa Tể tướng Nguyễn Quý Đức.

Theo Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội, làng Tây Mỗ có 8 người đỗ đại khoa (ngang với học vị Tiến sĩ) và 75 người đỗ Cử nhân ở thời phong kiến xưa. Trong đó, có 2 Tiến sĩ trẻ nhất của cả kinh thành khi đỗ đạt năm 18 tuổi.

Ngôi làng ở Hà Nội được ví như Hollywood Việt Nam: Nổi tiếng từ xưa vì có nhiều tiến sĩ - Ảnh 4.
Ngôi làng ở Hà Nội được ví như Hollywood Việt Nam: Nổi tiếng từ xưa vì có nhiều tiến sĩ - Ảnh 5.

Làng Tây Mỗ ngày nay vẫn còn những nét cổ kính của một ngôi làng hiếu học. (Ảnh Nguyễn Linh – Báo Xây dựng)

Theo đó có thể thấy, làng Tây Mỗ là một ngôi làng có bề dày truyền thống Nho học, truyền thống giáo dục tốt nhất xứ Kinh kỳ. Thêm vào đó, làng còn có vị trí giao thông thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán, có nghề thủ công là nghề dệt, vì vậy người dân có nguồn thu ổn định để nuôi con em ăn học.

Theo Tiến sĩ Bùi Xuân Đính, hiện nay các dòng họ lâu đời ở làng Tây Mỗ vẫn duy trì quỹ khuyến học để khích lệ tinh thần học tập của con em trong làng. Cứ mỗi bạn có thành tích học tập tốt, sẽ được tuyên dương, khen thưởng.

Ngôi làng mang nét đặc trưng làng quê Bắc bộ

Như đã nói ở trên, sở dĩ làng Tây Mỗ được chọn làm địa điểm quay, bối cảnh cho hầu hết những bộ phim đề tài nông thôn Việt, hay những cảnh quay cần sự cổ kính, là bởi khung cảnh nơi đây. Làng Tây Mỗ bắt đầu “lên phim” nhiều, vào những năm đầu thế kỷ 21.

Trải qua hàng chục, hàng trăm năm, nhưng những nét xưa của ở ngôi làng này cho tới hiện nay vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Làng gồm 6 thôn với những lối nhỏ ngoằn ngoèo.

Con đường dẫn vào làng, đi qua chùa Tây Mỗ, trước kia là đường đất, 2 bên là những rặng tre san sát nhau. Giờ đây, để thuận tiện cho việc đi lại của người dân, chính quyền đã cải tạo thành một con đường bê tông. Tuy nhiên, nét đặc trưng của làng quê là gốc cây đa cổ thụ vẫn được giữ lại nguyên vẹn. Đây cũng chính là nơi được các nhà làm phim ghi hình nhiều nhất.

Ngôi làng ở Hà Nội được ví như Hollywood Việt Nam: Nổi tiếng từ xưa vì có nhiều tiến sĩ - Ảnh 6.

Con đường dẫn vào làng Tây Mỗ, đi qua chùa Tây Mỗ. (Ảnh Nguyễn Linh – Báo Xây dựng)

Cổng làng hay còn gọi là cổng Phượng đã được xây dựng từ cách đây hàng trăm năm. Thời gian gần đây, cổng đã đã được cải tạo, sơn lại. Trên cổng vẫn có ghi dòng chữ rất to, Phượng Lĩnh Môn (tức cổng Phượng).

Đi vào trong làng, điểm đầu tiên du khách nên ghé tới chính là Đình làng Tây Mỗ – một trong những biểu tượng của làng.

Đình được xây dựng vào đầu thế kỷ 17, đến nay vẫn được bảo tồn và giữ gìn nguyên vẹn. Hiện trong đình còn lưu giữ bản sắc phong thần vào năm thứ 18 đời vua Lê Cảnh hưng, và 12 đạo sắc phong niên đại từ thời vua Lê Cảnh Hưng tới thời vua Khải Định, cùng nhiều di vật có giá trị lịch sử khác.

Năm 2010, đình được trùng tu 1 lần và là một trong các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Ngôi làng ở Hà Nội được ví như Hollywood Việt Nam: Nổi tiếng từ xưa vì có nhiều tiến sĩ - Ảnh 7.
Ngôi làng ở Hà Nội được ví như Hollywood Việt Nam: Nổi tiếng từ xưa vì có nhiều tiến sĩ - Ảnh 8.

Cổng làng và Đình làng Tây Mỗ, những biểu tượng của làng. (Ảnh Nguyễn Linh – Báo Xây dựng)

Ở làng Tây Mỗ, bên cạnh những ngôi nhà cao tầng, ta sẽ bắt gặp những ngôi nhà cổ mái ngói, 3, 5 gian, niên đại đến hàng trăm năm. Đặc biệt là từ đường của những dòng họ lớn, đã có lịch sử lâu đời ở làng.

Trước những ngôi nhà như thế luôn có khoảng sân to, rộng, được lát gạch, có khuôn viên hai hông, men theo lối nhỏ từ cổng vào nhà.

Một trong những công trình nhà cổ, từ đường nổi bật nhất ở làng Tây Mỗ, đó là nhà thờ cổ dòng họ Nghiêm Xuân và nhà thờ họ Trần Đăng. 2 công trình này đều mang những nét đặc trưng nhất của kiến trúc nhà ở vùng nông thôn Bắc bộ xưa.

Năm 2001, nhà từ đường 8 mái của dòng họ lần đầu tiên được đưa lên bộ phim “Bác Cả – người sung sướng”. Điểm đặc biệt của nhà thờ tự không chỉ ở kiến trúc 8 mái, mà bên trong có bức thiều châu dát vàng, hai bia đá chữ Hán Nôm lưu danh người đỗ đạt của dòng họ, và rất nhiều binh khí cổ.

Ngôi làng ở Hà Nội được ví như Hollywood Việt Nam: Nổi tiếng từ xưa vì có nhiều tiến sĩ - Ảnh 9.
Ngôi làng ở Hà Nội được ví như Hollywood Việt Nam: Nổi tiếng từ xưa vì có nhiều tiến sĩ - Ảnh 10.

Nhà thờ cổ dòng họ Nghiêm Xuân. (Ảnh Nguyễn Linh – Báo Xây dựng)

Còn với nhà thờ của dòng họ Trần Đăng, tính đến nay đã có tuổi đời lên đến 100 năm. Đây cũng là ngôi nhà thờ tự dòng họ có tuổi đời lâu nhất làng.

Bên cạnh các nét tương đồng với nhà thờ cổ dòng họ Nghiêm Xuân, nhà thờ của dòng họ Trần Đăng có diện tích lớn hơn, phía trước nhà, còn có ao cá rộng lớn, kế bên sân vườn.

Chính những đặc điểm trên đã khiến Đình làng và 2 ngôi nhà cổ được nhiều đoàn làm phim hay ekip các chương trình truyền hình, lựa chọn để làm bối cảnh cho tác phẩm của mình. Một phần vì bối cảnh quá hợp với kịch bản, một phần để quảng bá nét đẹp ngôi làng cổ Việt Nam.

Từ khi được biết đến với cái tên Kinh đô điện ảnh Việt hay làng Hollywood của Việt Nam, làng Tây Mỗ dần thu hút nhiều khách du lịch hơn. Ngoài ghé thăm những địa điểm nổi tiếng, từng “lên phim”, hít thở không khí trong lành bởi cây xanh kín lối từ đường làng cho tới trong những ngôi nhà, du khách cũng có thể tham gia hoạt động học nghề thêu truyền thống ở làng Tây Mỗ.

Ngôi làng ở Hà Nội được ví như Hollywood Việt Nam: Nổi tiếng từ xưa vì có nhiều tiến sĩ - Ảnh 11.

Học nghề thêu ở làng Tây Mỗ. (Ảnh Báo Lao động)

Theo Thu Phương / Tổ Quốc

Bị thao túng tâm lý nguy hiểm thế nào và cách để thoát ra?

Khi tâm lý của 1 người trở thành công cụ cho ai đạt được mục đích cá nhân, thì mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ đi…

Có lẽ bạn đã từng tình cờ nghe đến cụm từ “thao túng tâm lý”, chẳng hạn như trên bìa một cuốn sách trinh thám, trong một bộ phim… Suy nghĩ đầu tiên trong phần lớn người lần đầu tiên nghe về thuật ngữ là: Sao có vẻ xa vời và cao siêu quá! Thao túng tâm lý giống như một điều gì đó sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta – những con người với nhịp sống đơn giản.

THAO TÚNG TÂM LÝ LÀ GÌ?

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng suy nghĩ đó hoàn toàn không đúng. Thao túng tâm lý là một điều đời thường hơn rất nhiều, có thể bắt gặp khá nhiều trong những tình huống đơn giản nhất. Khi ai đó bỗng dưng phê bình bạn thậm tệ vì đã không làm một điều gì đó và gây ảnh hưởng đến họ, dù đáng lý ra, trách nhiệm đó chẳng phải của bạn. Hay đối phương lấy điểm thiếu sót của bạn ra để trêu chọc, làm trò đùa vui và làm giảm hẳn đi sự tự tin của bạn, mà bạn chẳng thể phản ứng.

Nó giống như 1 cơn ác mộng tồi tệ: Hãy tưởng tượng có người đang làm cho cuộc sống của bạn trở nên khốn khổ, “chơi đùa” với cảm xúc và sự tỉnh táo của bạn. Rõ ràng rằng bất kỳ ai cũng có thể bị ảnh hưởng câu chuyện thao túng tâm lý này dù ít dù nhiều.

Thao túng tâm lý là một loại ảnh hưởng xã hội nhằm mục đích thay đổi hành vi hoặc nhận thức của người khác thông qua các chiến thuật gián tiếp, lừa đảo hoặc âm thầm. Bằng cách thúc đẩy lợi ích của người thao túng, thường bằng chi phí của người khác, các phương pháp như vậy có thể bị coi là bóc lột và sai lệch.

Theo Tiến sĩ Mariyam Ahmed, một nhà tâm lý học tại Toronto, thao túng tâm lý là biểu hiện việc ai đó cố gắng quản lý cảm xúc hoặc gây ảnh hưởng lên hành vi của người khác vì mục đích phục vụ bản thân.“Thao túng tâm lý là điều đang diễn ra thường xuyên. (Ai đó) sẽ sử dụng các phương tiện tình cảm, chẳng hạn như khó chịu hơn hoặc tức giận hơn, để cố gắng khiến người khác thay đổi hành vi của họ”.
THAO TÚNG TÂM LÝ TRONG MÔI TRƯỜNG CÔNG SỞ: CẢM THẤY THIẾU TRÁCH NHIỆM VÌ KHÔNG TĂNG CA

“Khi mới ra trường, tôi thường xuyên ở lại công ty để tăng ca. Hồi đó, sếp cũ hay nói rằng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, làm việc chưa đủ chăm chỉ nên luôn đề nghị theo kiểu thuyết phục rằng tôi nên ở lại công ty muộn. ‘Nếu em không làm, chị sẽ phải ở lại hoàn thành đến tối muộn’ là câu nói mà tôi thường nghe nhất, cảm tưởng như bản thân đã tạo thêm công việc cho sếp bằng cách từ chối yêu cầu”, Laura chia sẻ.

Cũng là trong chuyện công sở, nhưng Jason lại gặp vấn đề với đồng nghiệp của mình. Là 1 người hướng nội, anh cần rất nhiều thời gian để có thể khắc phục nỗi sợ của bản thân khi phải trình bày trước nhiều người. “Không dưới 5 lần, tôi từng bị đồng nghiệp lấy việc nói lắp và nói vấp khi trình bày phân tích ra làm trò cười. Đối với họ, đó là sự hài hước nhưng với tôi, đó là cách nhanh nhất khiến tôi giảm đi sự tự tin và ngày càng sợ hãi việc trình bày trước mọi người”.

Tiến sĩ Mariyam Ahmed, một nhà tâm lý học tại Toronto, chia sẻ rằng: Thao túng cảm xúc làm suy yếu nhận thức của chúng ta. Điều này có thể khiến mọi người nghi ngờ bản thân hoặc cảm thấy bối rối, một tác động tương tự như hiện tượng ngạt thở”.

TRONG TÌNH CẢM, THAO TÚNG TÂM LÝ LÀM ĐỐI PHƯƠNG CẢM THẤY TỘI LỖI VÌ KHÔNG ĐỦ YÊU

Thao túng tâm lý không chỉ bắt gặp trong môi trường công sở, mà còn phổ biến trong tình yêu. Mia 24 tuổi, cũng mang cảm xúc tội lỗi và tự vấn bản thân trong câu chuyện tình cảm. Một người bạn của cô luôn đến muộn. Ban đầu, cô chỉ ra điều này cho anh ta lưu ý rằng hành động đó là không tôn trọng. Phản ứng đầu tiên của anh ấy là cho rằng cô “quá nhạy cảm”.

“Theo thời gian, việc đến trễ và các anh ấy đưa vấn đề sang lại cho tôi dẫn đến tranh cãi. Anh ấy sẽ nói “Em thật sự có vấn đề với thời gian, phải không?”. Và lúc đó, tôi nghĩ rằng có thể anh ấy đúng. Tôi bắt đầu nghi ngờ bản thân “Có thật sẽ xảy ra vấn đề nếu ai đó đến muộn, có lẽ mình đã không đủ linh hoạt”.

Bên cạnh đó, Phillip, 27 tuổi lại gặp phải câu chuyện trớ trêu khác. Bạn gái của Phillip luôn ngỏ ý mong muốn mang tính chất yêu cầu được tặng quà trong những dịp lễ dù chẳng liên quan gì đến tình yêu, hay những ngày rất vô lý như là kỷ niệm 10-20 tuần yêu nhau.

“Thu nhập của tôi thuộc tầm trung, dù biết điều đó bạn gái tôi vẫn luôn mong muốn những món quà xa xỉ đặc biệt trong những ngày chẳng có ý nghĩa gì. Nếu tôi từ chối, bạn gái sẽ cho rằng tôi đang không đủ yêu cô ấy. Dần dà, tôi cố gắng chiều theo sở thích của cô ấy đến mức phải nợ thẻ tín dụng”.

Tiến sĩ Robin Stern, phó giám đốc tại Trung tâm Trí tuệ cảm xúc Yale chia sẻ rằng: “Khi bị lạm dụng, bạn có thể chỉ ra những dấu hiệu đó rõ ràng hơn nhiều. Ví dụ như một người nào đó đã bị đánh hoặc bị đe dọa – thật dễ dàng để nhìn thấy và hiểu họ đã bị tổn thương như thế nào. Nhưng khi ai đó đang thao túng bạn, bạn sẽ kết thúc bằng việc đoán mò về bản thân và chuyển sự chú ý vào chính mình như một người đáng trách”.

Thao túng tâm lý không chỉ diễn ra trong mối quan hệ giữa người với người mà còn trên môi trường mạng
Khi bạn tìm kiếm một từ khoá nào đó trên Google, những kết quả đầu tiên thường sẽ là quảng cáo. Bạn hoàn toàn tự do có thể chọn ấn vào đó hay không. Song, rõ ràng tâm lý chúng ta thường sẽ chú ý hơn vào những cái gần nhất vì sẽ thường đưa ra kết quả đúng với điều mà bản thân muốn tìm ra nhất. Tưởng như tự do nhưng thực tế là đang bị thao túng trên “quyền tự do” của chính mình.
Một trong những trường hợp khác dễ dàng nhận thấy về cách thế giới mạng đã thao túng con người như thế nào chính là cách chúng ta luôn chờ đợi xem có bao nhiêu người đã “thả like” hay xem story Instagram. “Cứ 5 phút sau 1 tiếng đăng bài, tôi sẽ luôn chờ xem có ai đã xem, đã bình luận hay đã yêu thích bài của mình. Nó rất “nghiện”, khó có thể dứt ra. Hơn thế nữa, tôi sẽ cảm thấy rất thành tựu nếu bài đăng hôm nay có lượt tương tác cao hơn những hôm trước. Tôi nghĩ đó cũng là động lực khiến tôi muốn đăng nhiều hơn”, Emma chia sẻ.
Tuy nhiên, trên môi trường Internet cũng sẽ có những thuật toán riêng, về cơ bản, bạn không thể kiểm soát được lượt tương tác của bản thân. Điều này kích thích bạn muốn đăng nhiều hơn, và đây chính là thao túng tâm lý mà Internet mang lại.
M. Ryan Calo chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng các công nghệ và kỹ thuật mới nổi sẽ ngày càng cho phép các công ty khai thác sự bất hợp lý hoặc dễ bị tổn thương của người tiêu dùng. Về cơ bản, Internet giúp việc khai thác cảm xúc ở cấp độ cá nhân và thao túng các hành vi trở nên dễ dàng hơn nhiều.
“NHỮNG NGƯỜI CÓ PHẨM CHẤT ĐỘC HẠI LÀ NHỮNG NGƯỜI THAO TÚNG BẬC THẦY”

Chuyên gia trị liệu Shannon Thomas chia sẻ: “Những người có phẩm chất độc hại là những người thao túng bậc thầy, những kẻ nói dối có tay nghề cao và những diễn viên tuyệt vời. Họ có thể ẩn náu ở khắp mọi nơi”.

Luôn luôn có một cái gì đó với người này. Và không phải lúc nào bạn cũng có thể xác định được nó. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy phụ thuộc vào 1 ai đó về ý kiến của họ, nghi ngờ ý kiến của riêng bạn.

Với những tác động trong thời gian ngắn, bạn có thể sẽ bị cuốn vào trạng thái “tự vấn bản thân” như Mia. Bạn tự hỏi liệu mình có thật sự đang đi theo những điều đúng đắn hay có điều gì đó không ổn với bản thân. Đây là kết quả của câu chuyện mọi việc bạn làm đều bị “thẩm vấn” hoặc bị cho biết rằng bạn đang làm điều gì đó không đúng lẽ thông thường.

Ngoài ra, bạn thường sẽ rơi vào tâm lý “xấu hổ và tội lỗi”. Bạn cảm thấy như mình có lỗi hoặc tự trách mình vì đã tạo ra sự những rắc rối đến cuộc sống của người khác. Khi họ đổ lỗi cho bạn, việc bạn tự giải quyết vấn đề đó với chính bản thân sẽ trở nên khó khăn hơn, dẫn đến cảm giác thậm chí còn tồi tệ hơn.

Về mặt cảm xúc bạn thường xuyên lo lắng và bất an. Trong hành vi, bạn sẽ tránh giao tiếp bằng mắt. “Điều này là bởi vì lúc đó mình không muốn trở nên nhỏ bé hơn. Chỉ cần không nhìn họ, mình sẽ tự huyễn hoặc rằng những chuyện đó không xảy ra và thấy sự hiện diện của bản thân trở nên nhỏ bé và an toàn hơn”, Jason chia sẻ.

Đây chỉ là những hiệu ứng trong ngắn, thực tế về lâu dài sẽ có những ảnh hưởng kéo dài cả đời. Chẳng hạn như điều mà mọi người thường xuyên gặp phải đó là mong muốn làm hài lòng người khác.

“Tôi mong muốn có thể được mọi người cho là đang làm tốt không chỉ trong công việc hay công việc mà từ chuyện ăn mặc, những bức ảnh được đăng lên đều chú trọng đến bình luận của những người xung quanh. Nhưng tất nhiên, tôi chưa bao giờ là “đủ””, 1 cô gái dấu tên 25 tuổi chia sẻ.

Sau khi cảm thấy mình không đủ trong một thời gian dài, bản năng của bạn là làm cho mình có vẻ hoàn hảo để người khác đánh giá cao bạn. Điều đó cũng dẫn đến việc dễ dàng có các biểu hiện như thất vọng, thiếu kiên nhẫn, cáu kỉnh và đổ lỗi. Sự phẫn uất chắc chắn cần được giải phóng, nhưng điều này có thể khó tìm kiếm và giải toả. Sau khi ai đó đối xử tệ với bạn, bạn có thể khó nhận ra điều gì ngoài hành vi tồi tệ đó.

Trong lúc thao túng tâm lý có rất nhiều lời nói dối đã được nói ra, bản thân bạn thường có xu hướng tin vào chúng. Mặt khác, những người đi thao túng tâm lý có thể không ý thức được lời nói dối mà mình đã đưa ra. Trong nhiều trường hợp, những kẻ thao túng cảm xúc biết rằng họ đang thao túng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, ngay cả những kẻ thao túng cũng không biết họ đang thao túng.

Những bậc thầy lợi dụng sự bất an của bạn và luôn cố gắng khai thác chúng. Họ sẽ khiến bạn trở nên phụ thuộc và biết mọi chi tiết về điểm yếu của bạn. Nếu bạn phát hiện ra bất kỳ kẻ thao túng nào với những đặc điểm này, tốt hơn là bạn nên thoát khỏi tình huống này càng sớm càng tốt.

PHẢI LÀM SAO ĐỂ THOÁT KHỎI SỰ THAO TÚNG?

Stern nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà rất nhiều người gặp khó khăn trong việc quyết định đâu là thật và cảm giác như họ đang bị thao túng. Nếu biết điều gì đó là đúng và ai đó nói với bạn rằng điều đó không đúng, việc bám vào thực tế của bạn là điều cần thiết. Khi ở trong thực tại của chính mình và nhận ra sự thao túng khi bạn nhìn thấy nó”.

Tôi từ chối thay đổi câu chuyện và sự thách thức là chìa khóa. Tin tưởng phiên bản thực tế của tôi. Không cho phép nó được thay đổi theo yêu cầu. Chống lại. Sự tức giận này đã bảo vệ tôi, bởi vì tôi biết những gì tôi biết. Những điều này khiến tôi trở nên kiên cường, Ariel Leve chia sẻ về quá trình bản thân thoát khỏi các giác bị thao túng.

Một mẹo mà Stern đưa ra để xử lý mọi việc là viết ra những gì thực sự đã xảy ra trong cuộc trò chuyện. “Một khi bạn không bị cảm xúc điều khiển, lý trí của bạn sẽ rõ ràng hơn rất nhiều. Hãy nhìn vào cuộc trò chuyện và xem nó đã diễn ra như thế nào”.

Khi ai đó quá chắc chắn về những gì họ tin tưởng và họ tiếp tục nhấn mạnh và cố gắng thuyết phục bạn – trong một khoảng thời gian – điều đó làm xói mòn nhận thức của chính bạn.

Theo Shannon Thomas, một cách để xác định một người như thế này là cảm giác của bạn sau khi đi chơi: Mỗi khi bạn nói chuyện với họ, bạn cảm thấy kiệt sức, cạn kiệt cảm xúc và tiêu cực. “Chúng có thể khiến bạn kiệt quệ và khiến bạn bị xóa sổ về mặt cảm xúc. Họ muốn bạn cảm thấy có lỗi với họ và chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề của họ – và sau đó cũng khắc phục những vấn đề này”.

Trong một vài trường hợp quá tệ, Chantal Heide, một chuyên gia về mối quan hệ nhấn mạnh rằng việc tìm đến sự hỗ trợ của những người có chuyên môn hay chuyên gia trị liệu sẽ là phương pháp tốt nhất.

Theo Trí thức Trẻ

Tướng hàng đầu của Mỹ quan ngại mạnh mẽ về những gì ông Putin có thể làm tiếp theo

Tướng hàng đầu của quân đội Hoa Kỳ đã kêu gọi thận trọng khi Nga tiếp tục gặp phải những thất bại lớn trong cuộc xâm lược Ukraine.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, hôm Chủ nhật đã có chuyến thăm tới một căn cứ quân sự ở Warsaw, Ba Lan, nơi đang hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực chống lại lực lượng Nga. 

Phát biểu sau chuyến thăm, ông Milley nói rằng không thể đoán trước được phản ứng của Moscow đối với những thất bại gần đây và kêu gọi quân đội nâng cao cảnh giác trong bối cảnh tình hình căng thẳng, Reuters đưa tin. 

Ông Milley nói: “Cuộc chiến đang diễn ra không suôn sẻ đối với Nga. “Vì vậy, tất cả chúng ta có nhiệm vụ duy trì trạng thái sẵn sàng, cảnh giác cao độ … Khi chiến tranh, bạn không biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.”

Chuyến thăm của ông Milley đến căn cứ không được cho biết tên vì lý do an ninh ở Warsaw liên quan đến việc xem xét các hệ thống phòng thủ khác nhau tại đây, bao gồm cả dàn tên lửa Patriot. Theo Reuters, các tên lửa “sẽ là tuyến phòng thủ cuối cùng” nếu lực lượng Nga tấn công căn cứ và gây ra một cuộc xung đột lớn hơn với Mỹ và các đồng minh NATO. 

Trước đó, trong chương trình “60 Minutes” của CBS,  Tổng thống Joe Biden đã đưa ra lời cảnh báotới Tổng thống Nga Vladimir Putin chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. 

“Đừng. Đừng. Đừng,” Tổng thống nói. “Bạn sẽ thay đổi cục diện chiến tranh không giống như bất cứ điều gì kể từ Thế chiến thứ hai … [Nga] sẽ trở thành một kẻ hiếu chiến trên thế giới hơn bao giờ hết. Và tùy thuộc vào mức độ của những gì họ làm sẽ xác định phản ứng nào sẽ xảy ra.”

Điện Kremlin, đáp lại lời cảnh báo của ông Biden, đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn, với phát ngôn viên Dmitry Peskov nói, “Hãy đọc học thuyết. Mọi thứ đều được viết ở đó.”

Ông Peskov đề cập đến học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó tuyên bố rằng nước này có thể triển khai vũ khí hạt nhân khi đối mặt với “sự xâm lược chống lại Nga hoặc đồng minh của họ bằng cách sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt” hoặc “khi sự tồn tại của nhà nước đang bị đe dọa.”

Gần đây, Nga đã phải chịu một trong những thất bại đáng kể nhất trong cuộc xâm lược Ukraine, khi bị đẩy lùi khỏi một số khu vực quan trọng ở Kharkiv. Trong suốt chiến dịch kéo dài 6 tháng, Nga đã không đạt được nhiều mục tiêu quân sự, trong đó có việc không chiếm được thủ đô Kyiv của Ukraine.

Lê Vy (theo Newsweek) / Trí thức VN

Putin thực sự muốn gì ở Ukraine?

Trong những ngày cuối cùng của năm 2021, Nga đã đưa ra cho Mỹ một danh sách các yêu cầu mà nước này cho là cần thiết để ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột quân sự quy mô lớn ở Ukraine. Trong một bản dự thảo hiệp ước được trao cho một nhà ngoại giao Mỹ ở Moscow, chính phủ Nga đã yêu cầu NATO chính thức ngừng mở rộng về phía đông, đóng băng vĩnh viễn việc mở rộng hơn nữa các cơ sở hạ tầng quân sự của liên minh (chẳng hạn như căn cứ và hệ thống vũ khí) trên lãnh thổ Liên Xô cũ, chấm dứt hỗ trợ quân sự của phương Tây đối với Ukraine, đồng thời cấm tên lửa tầm trung ở châu Âu. Thông điệp họ đưa ra là không thể nhầm lẫn: nếu những mối đe dọa này không thể được giải quyết bằng ngoại giao, Điện Kremlin sẽ phải dùng đến hành động quân sự.

Những lo ngại này đã trở nên quen thuộc với các nhà hoạch định chính sách phương Tây, những người suốt nhiều năm qua đã đáp trả bằng cách lập luận rằng Moscow không có quyền phủ quyết đối với các quyết định của NATO, và cũng không có quyền yêu cầu phương Tây ngừng gửi vũ khí cho Ukraine. Cho đến gần đây, Moscow vẫn miễn cưỡng chấp nhận lập luận đó. Nhưng giờ đây, dường như người Nga đã quyết tâm thực hiện bằng được các biện pháp đối phó nếu yêu cầu của mình không được đáp ứng. Quyết tâm đó được thể hiện qua cách họ trình bày bản hiệp ước với Mỹ, và thêm một hiệp định riêng với NATO. Giọng điệu của cả hai văn bản này đều rất sắc bén. Phương Tây chỉ được cho một tháng để phản hồi, theo đó tránh khả năng xảy ra đàm phán kéo dài mà không có kết quả. Thêm nữa, cả hai bản dự thảo đã được công bố gần như ngay lập tức sau khi chúng được gửi đi, một động thái nhằm ngăn chặn Washington làm rò rỉ và bẻ cong các đề xuất.

Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin hành động như thể ông là người trên cơ trong tình thế bế tắc này, ấy là bởi vì ông quả thật có ưu thế. Theo các cơ quan tình báo Mỹ, Nga có gần 100.000 quân và rất nhiều vũ khí hạng nặng đang đóng ở biên giới với Ukraine. Mỹ và các nước NATO khác đã lên án các động thái của Nga, nhưng đồng thời cũng thể hiện rằng họ sẽ không bảo vệ Ukraine, quốc gia không phải là thành viên NATO, và giới hạn các hành vi trả đũa chỉ bao gồm các biện pháp trừng phạt Nga.

Tuy nhiên, các đề xuất của Moscow trông giống như một cuộc ra giá mở, hơn là một tối hậu thư. Dù khăng khăng đòi hỏi một hiệp ước chính thức với Mỹ, chính phủ Nga chắc chắn hiểu rằng vì lý do phân cực và bế tắc, việc phê chuẩn bất kỳ hiệp ước nào tại Thượng viện Mỹ hiện nay đơn giản là không thể. Thế nên, một thỏa thuận hành pháp (executive agreement) – về cơ bản là một hiệp định giữa hai chính phủ, không cần phải được phê chuẩn, và do đó không có tư cách như một đạo luật – sẽ là một giải pháp thay thế có tính thực tiễn hơn. Khả năng là nếu có một thỏa thuận như vậy, phía Nga sẽ thực hiện các cam kết có đi có lại, giải quyết một số lo ngại của Mỹ để tạo ra cái mà nước này gọi là “cân bằng lợi ích”.

Cụ thể, Điện Kremlin có thể hài lòng nếu chính phủ Mỹ đồng ý chính thức đóng băng dài hạn quá trình mở rộng NATO, và cam kết không bố trí các tên lửa tầm trung ở châu Âu. Họ cũng có thể chấp nhận một hiệp định riêng giữa Nga và NATO, nhằm hạn chế việc đóng quân và tiến hành các hoạt động quân sự ở những nơi mà lãnh thổ hai bên tiếp giáp nhau, từ Biển Baltic đến Biển Đen.

Tất nhiên, đó là một câu hỏi mở, để chờ xem liệu chính quyền Biden có sẵn sàng can dự nghiêm túc với Nga hay không. Tại Mỹ, sự phản đối đối với bất kỳ thỏa thuận nào trong số này cũng sẽ ở mức cao, do tính phân cực chính trị trong nước, và thực tế là việc đạt được thỏa thuận với Putin sẽ khiến chính quyền Biden hứng chịu những chỉ trích rằng họ đang cúi đầu trước một nhà nước chuyên chế. Làn sóng phản đối cũng sẽ dâng cao ở châu Âu, nơi các nhà lãnh đạo sẽ cảm thấy rằng một thỏa thuận giữa Washington và Moscow khiến họ trở thành kẻ bên lề.

Đây đều là những lo ngại chính đáng. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là chính Putin là người cầm quyền trong suốt bốn đợt mở rộng NATO, và đã phải chấp nhận việc Washington rút khỏi các hiệp ước quản lý tên lửa đạn đạo, tên lửa hạt nhân tầm trung, và máy bay do thám không có vũ trang. Đối với ông, Ukraine là chốt chặn cuối cùng. Vị tổng tư lệnh quân đội Nga đang được các quan chức an ninh và quốc phòng của ông ủng hộ, và bất chấp việc công chúng Nga lo sợ một cuộc chiến có thể nổ ra, Putin cũng không vấp phải sự phản đối nào ở trong nước về các chính sách đối ngoại của mình. Quan trọng hơn cả, ông chắc chắn sẽ không để bản thân bị xem là một kẻ-khoác-lác. Tóm lại, Biden đã đúng khi không bác bỏ ngay lập tức các yêu cầu của Nga, và thay vào đó, ủng hộ chính sách can dự.

Lằn ranh đỏ của Putin

Có một sự bất đối xứng đáng kể về tầm quan trọng mà phương Tây và Nga gán cho Ukraine. Phương Tây đã mở rộng triển vọng trở thành thành viên NATO của Ukraine kể từ năm 2008, nhưng lại chẳng có thời gian biểu chính thức để kết nạp. Sau năm 2014 – thời điểm Nga chiếm Crưm từ tay Ukraine, và bắt đầu hỗ trợ các chiến binh thân Nga ở vùng Donbas của nước này – thật khó để biết liệu chính phủ Mỹ sẽ cho phép Ukraine gia nhập NATO như thế nào. Bởi rốt cuộc, sẽ có rất ít sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với việc triển khai quân đội chiến đấu tại Ukraine. Washington đã cam kết với Kyiv một lời hứa mà cả hai bên đều biết là không thể giữ được. Ngược lại, Nga coi Ukraine là lợi ích an ninh quốc gia quan trọng, và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự nếu lợi ích đó bị đe dọa. Sự sẵn sàng huy động quân đội và sự gần gũi về địa lý với Ukraine giúp Moscow có lợi thế hơn so với Mỹ và các đồng minh.

Điều này không có nghĩa là Nga sắp xâm lược Ukraine. Dù báo giới phương Tây có xu hướng mô tả Putin là người liều lĩnh, trên thực tế, ông rất thận trọng và toan tính, đặc biệt là khi sử dụng vũ lực. Putin không sợ rủi ro – các chiến dịch tại Chechnya, Crưm và Syria là bằng chứng cho thấy điều đó – nhưng trong suy nghĩ của ông, lợi ích phải lớn hơn chi phí. Ông sẽ không xâm lược Ukraine đơn giản chỉ vì các nhà lãnh đạo của nước này có định hướng thân phương Tây.

Tuy thế, vẫn có một số kịch bản có thể thúc đẩy Điện Kremlin điều quân đến Ukraine. Năm 2018, Putin đã công khai tuyên bố rằng nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại lãnh thổ ở Donbas bằng vũ lực sẽ dẫn đến một phản ứng quân sự. Có một tiền lệ lịch sử cho việc này: năm 2008, Nga từng phản ứng quân sự trước một cuộc tấn công của Georgia vào nước cộng hòa ly khai Nam Ossetia. Một lằn ranh đỏ khác là việc Ukraine gia nhập NATO, hoặc cho phép bố trí các căn cứ quân sự và hệ thống vũ khí tầm xa của phương Tây trên lãnh thổ của mình. Putin sẽ không bao giờ nhượng bộ điểm này. Tuy nhiên, hiện tại, Mỹ và các thành viên NATO khác hầu như đều không ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh. Đầu tháng 12/2021, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với người Ukraine rằng tư cách thành viên NATO của quốc gia họ khó có thể được chấp thuận trong thập niên tới.

Nếu NATO tăng cường lực lượng của mình ở các quốc gia thành viên phía đông, điều đó có thể gia tăng quân sự hóa tại một ranh giới mới của châu Âu, chạy dọc theo biên giới phía tây của Nga và Belarus. Nga có thể bị kích động và sẽ đặt nhiều tên lửa tầm ngắn hơn ở Kaliningrad – khu vực lãnh thổ không tiếp giáp ở phía cực tây của Nga, nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Ngoài ra, một liên minh quân sự chặt chẽ hơn với Belarus có thể gây thêm áp lực lên Ukraine. Moscow cũng có thể công nhận “các nước cộng hòa nhân dân” tự xưng là Donetsk và Luhansk, và tích hợp chúng thành một thực thể địa chính trị mới, cùng với Nga và Belarus.

Tác động địa chính trị của những diễn tiến này có thể vươn ra xa hơn, ngoài châu Âu. Nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính quyết liệt hơn của phương Tây – vốn để ngăn Nga xâm lược Ukraine, hoặc là vì hậu quả của hành động đó – Moscow có thể sẽ phải dựa vào Bắc Kinh, quốc gia cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng của Mỹ. Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây đang thảo luận về các cơ chế tài chính để bảo vệ đất nước của họ khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong trường hợp đó, chuyến thăm Trung Quốc trong Thế vận hội Mùa đông tháng 02/2022 của Putin có thể không chỉ là một lời chào xã giao. Sau đó, Mỹ rất có thể sẽ chứng kiến quan hệ hữu hảo (entente) Trung Quốc-Nga trở thành một liên minh (alliance) chặt chẽ hơn, với hợp tác kinh tế, công nghệ, tài chính, và quân sự đều đạt được những tầm cao mới.

Trò chơi đổ lỗi

Lời đe dọa sử dụng vũ lực của Putin xuất phát từ sự thất vọng của ông với một tiến trình ngoại giao bị đình trệ. Nỗ lực của Điện Kremlin nhằm lôi kéo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đạt được thỏa thuận về vấn đề Donbas – vốn đã từng rất hứa hẹn hồi cuối năm 2019 – đã trở nên vô ích. Zelensky, người đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tranh cử tổng thống với tư cách là một ứng cử viên hòa bình, là một nhà lãnh đạo đặc biệt thất thường. Quyết định sử dụng máy bay không người lái có vũ trang ở Donbas của ông vào năm 2021 đã làm gia tăng căng thẳng với Moscow, ở thời điểm Ukraine đáng lẽ không nên khiêu khích nước láng giềng.

Không chỉ có giới lãnh đạo Ukraine mới bị Moscow cho là có vấn đề. Pháp và Đức đã nỗ lực để đạt được một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết bế tắc giữa Nga và Ukraine. Nhưng hai quốc gia châu Âu này – những nước trung gian bảo đảm cho các thỏa thuận Minsk năm 2014 và 2015, được cho là mang lại hòa bình cho khu vực – đã không thành công trong việc thúc đẩy Ukraine đạt được một thỏa thuận. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, khi đó còn là ngoại trưởng, thậm chí không thể khiến Kyiv chấp nhận một thỏa hiệp sẽ cho phép bầu cử diễn ra ở Donbas. Tháng 11 năm ngoái, người Nga thậm chí còn công bố thư từ ngoại giao riêng giữa ngoại trưởng của họ, Sergei Lavrov, và những người đồng cấp Pháp và Đức, để minh chứng rằng các cường quốc phương Tây hoàn toàn đứng về phía chính phủ Ukraine.

Dù phương Tây chỉ xoáy vào việc Nga tăng cường quân đội gần biên giới Ukraine, điều này thực chất diễn ra trong lúc các nước NATO mở rộng các hoạt động quân sự của họ ở khu vực Biển Đen và Ukraine. Hồi tháng 6, một tàu khu trục của Anh đã đi qua vùng lãnh hải ngoài khơi Crưm, mà London không công nhận là thuộc về Nga, kích động người Nga bắn về hướng của họ. Còn trong tháng 11, một máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đã bay trong bán kính 13 dặm từ biên giới của Nga ở khu vực Biển Đen, khiến Putin nổi giận. Khi căng thẳng gia tăng, các cố vấn quân sự, chuyên viên hướng dẫn, vũ khí và đạn dược của phương Tây đã ồ ạt đổ vào Ukraine. Người Nga cũng nghi ngờ rằng một trung tâm huấn luyện mà Anh đang xây dựng ở Ukraine thực chất là một căn cứ quân sự của nước ngoài. Putin đặc biệt kiên quyết rằng việc triển khai các tên lửa của Mỹ ở Ukraine, có thể chạm tới Moscow chỉ trong 5 đến 7 phút, là không thể dung thứ.

Người Nga rõ ràng đang đe dọa leo thang quân sự. Trong các bài báo và bài phát biểu của mình, Putin có thể nhấn mạnh đến sự đoàn kết dân tộc giữa Nga và Ukraine, nhưng điều mà ông quan tâm nhất là ngăn chặn sự mở rộng của NATO sang Ukraine. Hãy thử phân tích những gì ông nói vào tháng 03/2014, sau khi cử lực lượng của mình vào Crưm để đối phó với cuộc lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. “Tôi không thể tưởng tượng được rằng chúng tôi sẽ đến Sevastopol để thăm các thủy thủ NATO.” Ông nói về căn cứ hải quân nổi tiếng của Nga ở Crưm: “Tất nhiên, hầu hết họ đều là những chàng trai tuyệt vời, nhưng sẽ tốt hơn nếu họ đến thăm và làm khách của chúng tôi, thay vì ngược lại.”

Hành động của Putin cho thấy rằng mục tiêu thực sự của ông không phải là chinh phục Ukraine và sáp nhập nước này vào Nga, mà là thay đổi bối cảnh hậu Chiến tranh Lạnh ở phía đông châu Âu. Bối cảnh ấy đã khiến Nga trở thành một kẻ chỉ biết chấp nhận luật chơi mà không có nhiều tiếng nói trong vấn đề an ninh châu Âu, vốn đang xoay quanh NATO. Nếu ông có thể ngăn chặn NATO tiến vào Ukraine, Georgia và Moldova, đồng thời giữ các tên lửa tầm trung của Mỹ khỏi châu Âu, Putin tin rằng mình có thể khắc phục một phần thiệt hại về an ninh mà Nga đã phải gánh chịu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Không phải ngẫu nhiên, đó có thể là một thành tựu hữu ích cho cuộc tranh cử năm 2024, khi Putin nhiều khả năng sẽ lại tái đắc cử.

Nguồn: Dmitri Trenin, “What Putin Really Wants in Ukraine”Foreign Affairs, 28/12/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng / Nghiên Cưucs Quốc tế

Dmitri Trenin là Giám đốc của Trung tâm Carnegie Moscow.