Cận cảnh ngôi nhà ‘biết thở’ giữa lòng đô thị

Ngôi nhà với mặt tiền có tám cánh cửa trục xoay mang lại cảm giác như đang cử động, hít thở.

Ngôi nhà mang tên H House tọa lạc tại khu đô thị đang phát triển ở quận Bình Tân (TP HCM), nơi đây quá trình đô thị hóa đang diễn ra ồ ạt. Xung quanh là cụm khu công nghiệp, nhà xưởng nên bị ảnh hưởng nhiều của khói bụi, giao thông ồn ã… Những yếu tố nói trên đã gần như biến các ngôi nhà ở đô thị trở nên cô lập, thiếu sự kết nối thiên nhiên.

Cận cảnh ngôi nhà biết thở giữa lòng đô thị - Ảnh 1.

H House được xây dựng trên mảnh đất có diện tích 256m2. Đây là tổ ấm của một cặp vợ chồng trẻ làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, yêu thiên nhiên và các giá trị truyền thống. Bởi thế nên ngôi nhà được lấy cảm hứng từ những ngôi nhà truyền thống Trung bộ.

Cận cảnh ngôi nhà biết thở giữa lòng đô thị - Ảnh 2.

Các lớp không gian của công trình được sắp xếp trật tự và mang lại tinh thần tích cực trong quá trình sinh hoạt như mặt tiền chính (hệ thống cửa xoay) – sân vườn (không gian chuyển tiếp) – không gian chính – giếng trời- không gian phụ- giếng trời.

Cận cảnh ngôi nhà biết thở giữa lòng đô thị - Ảnh 3.

Ánh sáng tự nhiên truyền từ bên ngoài vào trong, trên xuống dưới theo từng thời điểm khác nhau trong ngày, đan xen với không gian xanh mát của cây cối, thảm thực vật làm xoá mờ ranh giới giữa bên ngoài – trong, giữa tối – sáng.

Cận cảnh ngôi nhà biết thở giữa lòng đô thị - Ảnh 4.

Không gian bên trong là sự tiếp nối tự nhiên của khu vực bên ngoài, tạo ra một hành trình nhỏ để trải nghiệm ngôi nhà ở mỗi thời điểm khác nhau cho ra các cảm giác khác nhau. Các khu vực được kết nối hài hòa, khu vực riêng và chung được sắp xếp cho các hoạt động hàng ngày. Sự kết hợp hài hòa giữa cây xanh và ánh sáng đóng vai trò rất quan trọng trong không gian này. Điểm kết của hành trình là một khu vườn lớn dành để trồng cây, rau sạch và thư giãn.

Cận cảnh ngôi nhà biết thở giữa lòng đô thị - Ảnh 5.
Cận cảnh ngôi nhà biết thở giữa lòng đô thị - Ảnh 6.
Cận cảnh ngôi nhà biết thở giữa lòng đô thị - Ảnh 7.

Mặt tiền công trình gây ấn tượng bởi diện mạo độc đáo được thiết kế với 8 cánh cửa trục xoay, tạo cảm giác ngôi nhà như đang thở. Hệ thống cửa này cũng điều tiết tốt các yếu tố khí hậu, môi trường như khói bụi, tiếng ồn. Hình thái kiến trúc vì thế không ngừng thay đổi và kết hợp hài hòa với không gian xanh.

Cận cảnh ngôi nhà biết thở giữa lòng đô thị - Ảnh 8.

Nhóm kiến trúc sư mong muốn tạo ra một ngôi nhà hạnh phúc, nơi có sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Đồng thời mang lại cảm giác tích cực cho những người sống trong không gian này, khác hẳn với sự ngột ngạt thường thấy ở những nhà ống đô thị.

Theo: Archdaily / Theo Minh Nguyệt / Phụ nữ Việt Nam

Anton Pavlovich Chekhov: Thiên tài truyện ngắn của nền văn học Nga

Về mặt nghệ thuật truyện ngắn của Chekhov có chiều sâu tâm lý rất lớn, lột tả tinh tế nội tâm các nhân vật đặc trưng của tầng lớp Nga vào thế kỷ 19 nhất là thành phần thị dân, trí thức trung lưu.

Anton Pavlovich Chekhov: Thiên tài truyện ngắn của nền văn học Nga

Đôi nét về Chekhov

Chekhov tên đầy đủ là Anton Pavlovich Chekhov, ông sinh ngày 29/1/1860, tại Taganrog, miền Nam nước Nga trong một gia đình lao động buôn bán nhỏ, đông con.

Bố của nhà văn – Paven Egorovich Chekhov là một người sùng đạo, là một thương nhân bán dạo, có một quầy hàng xén nhỏ nhưng sau này bị phá sản. Mẹ của nhà văn – Evgenya Yakovleva Tsekhova là một người mồ côi và có cuộc sống cơ cực từ nhỏ, bà là một người phụ nữ đáng thương, bà cần mẫn, yêu nghệ thuật và giáo dục cho các con tình yêu thiên nhiên, lòng thương và quý trọng đối với những người nghèo khổ. Bố mẹ ông làm việc vất vả để nuôi bảy người con, ông là con thứ ba trong gia đình.

Ông là người chịu nhiều khó khăn trong cuộc sống. Năm 16 tuổi ông đã phải chống chọi với đám nợ của gia đình sau khi cha ông phá sản. Ông phải cật lực đi làm để nuôi bản thân và cố gắng học trung học. Gia đình ông rơi vào cảnh lầm than từ khi sụp đổ cơ nghiệp, anh em phân tán, cũng chính hoàn cảnh đó đã ảnh hưởng ít nhiều đên việc học, việc yêu đương và những sáng tác của ông.

Năm 1879 Chekhov vào học khoa y, Đại học tổng hợp Moskva. Năm 1884 tốt nghiệp đại học, ra làm nghề bác sĩ và viết văn. Chekhov viết truyện ngắn từ năm 1880 và liên tục cho đến cuối đời.

Năm 1884, ông tốt nghiệp y khoa và sau đó làm việc tại Moskva. Đây là dịp ông có thể hiểu sâu hơn về đời sống nhân dân. Ông tham gia chữa bệnh về thể xác lẫn tinh thần cho nhân dân bằng con đường viết báo và văn chương do chứng kiến nhiều cảnh sống cơ cực của nhân dân để nói lên một xã hội tha hóa, đày ải người dân, từ đó ông đặt nặng cảm nghĩ về đất nước và con người.

Ông là người lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên, có tài quan sát bẩm sinh cùng với sự hóm hỉnh, thông minh thiên phú, Chekhov giỏi nắm bắt những nét hài hước trong hành động và tính cách của con người. Ông là người đại diện cho trào lưu văn học hiện thực của Nga với nhiều sáng tác trên nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch.

Ở thời kỳ đầu ông viết truyện cho nhiều tờ báo châm biếm, ký nhiều bút danh khác nhau. Giai đoạn này có nhiều truyện đặc sắc như: Con kỳ nhông, Anh béo và anh gầy, Mặt nạ… Giai đoạn chín muồi của tài năng, Chekhov viết những truyện có độ dài hàng chục trang và có giá trị lớn: Thảo nguyên, Câu chuyện buồn tẻ, Phòng số 6, Người trong bao… Chekhov đạt đến những tiêu chuẩn lý tưởng của truyện ngắn: hình thức giản dị, ngắn gọn; nội dung phong phú; ngôn ngữ đẹp và chính xác; tính hài hước, châm biếm mà vẫn đượm chất trữ tình…

Trong khoảng thời gian từ năm 1886 – 1888 là thời kì Chekhov chuyển từ truyện ngắn khôi hài sang truyện ngắn dài hơn và chủ đề nghiêm túc rõ ràng hơn trước.

Ngoài truyện ngắn Chekhov còn là một nhà viết kịch tài năng có nhiều đóng góp vào việc cách tân thể loại kịch. Trong các tác phẩm kịch nghệ, Chekhov muốn truyền đạt những bối cảnh của đời thường, thoát ra khỏi khuôn sáo truyền thống của mô-típ và cách diễn đạt kịch tính. Các vở kịch của ông thoát khỏi khuôn sáo là chủ yếu tập trung vào nhân vật chính.

Tác phẩm của Chekhov thể hiện đầy đủ tính cách dân tộc Nga – mềm dẻo và tế nhị, thân mật và chân tình, không điệu bộ, kiểu cách hay thói giả nhân giả nghĩa. Tình yêu đối với con người, lòng trắc ẩn trước nỗi đau khổ, lòng thương đối với những người khuyết tật của Chekhov luôn luôn mới mẻ và mãi mãi rung động lòng người.

Chekhov là một nhà văn và đồng thời ông cũng là một bác sĩ nên trong tác phẩm của ông xuất hiện không ít những nhân vật bị bệnh tâm thần như Phòng số 6 hay Tu sĩ mặc đồ đen đều nhắc đến những con người có chứng bệnh hoang tưởng.

Năm 1890, Chekhov đi Sakhalin, chốn tận cùng Sibir, hòn đảo mà Nga hoàng dùng làm nơi đày ải tù nhân. Thực tiễn nghiệt ngã không thể tưởng tượng nổi ở chốn địa ngục trần gian đã làm cho Chekhov có cái nhìn nghiêm khắc hơn, thái độ phê phán quyết liệt hơn đối với thực tại và càng nặng trĩu tấm lòng thương yêu nhân dân, thương yêu những nạn nhân của chế độ Nga hoàng. Nhiều đề tài, nhân vật được thai nghén cho những truyện mà Chekhov sẽ viết về sau.

Chekhov bị bệnh lao, vào năm 1897 phải dời đến sinh ống tại vùng ấm áp Yalta, nằm kề biển Đen. Năm 1941, ông kết hôn với nữa diễn viên Olga Leonardovna Knipper. Trong thời gian này, sức khỏe của ông đi xuống dần. Ông qua đời năm 1904 ở khu nghỉ mát Badenweiler tại Đức.

Sự nghiệp sáng tác văn học

Ông là một người có số lượng sáng tác đồ sộ gồm 500 truyện ngắn và truyện vừa. Ông được xem là nhà văn hiện thực tiêu biểu của Nga vào thế kỷ 19.

Những tác phẩm tiêu biểu của ông như: Người trong bao, Anh béo và anh gầy, Con kì nhông, Chim hải âu, Ba chị em, Vườn anh đào…

Ông được xem là nhà văn có nhiều bút danh nhất với tổng cộng hơn 50 bút danh và nổi tiếng nhất là bút danh “Antosha Chekhonte”.

Theo nhà nghiên cứu Trudacos thì sáng tác của Chekhov chia làm 3 giai đoạn gắn với đặc điểm sáng tác của ông: giai đoạn đầu (1880 – 1887) gắn với lối viết trần thuật chủ quan; giai đoạn hai (1888 – 1894) gắn với trần thuật khách quan; giai đoạn thứ ba (1895 – 1904) là sự kết hợp hài hoà trần thuật chủ quan và khách quan.

Về mặt nghệ thuật truyện ngắn của Chekhov có chiều sâu tâm lý rất lớn, lột tả tinh tế nội tâm các nhân vật đặc trưng của tầng lớp Nga vào thế kỷ 19 nhất là thành phần thị dân, trí thức trung lưu. Ngôn ngữ của ông rất tinh tế đã nâng tiếng Nga lên tầm hiện đại. Ông là nhà văn có ảnh hưởng rất lớn đến văn học và văn hóa Nga cũng như văn học thế giới.

Chekhov được xem là nhà văn đã nâng truyện ngắn lên tầm cao mới ở Nga và sau này là ở thế giới. Ông là người có cách viết chân thật, gần gũi. Ông chú trọng đến việc miêu tả nội tâm nhân vật một cách gián tiếp thay vì miêu tả trực tiếp. Những truyện ngắn của ông thường có kết thúc mở để người đọc tự chiêm nghiệm và rút ra những bài học cho bản thân mình.

Ông là nhà văn được viện hàn lâm Nga tặng giải Puskin với tập truyện ngắn Trong bóng hoàng hôn.

Theo IVIVI

Điểm lại những lời tiên tri đúng đến kinh hãi của nhà tiên tri Nostradamus

Nhà tiên tri Nostradamus đã có những tiên tri nổi tiếng gây chấn động thế giới. Những lời tiên tri của Nostradamus có đúng, có chưa đúng, nhưng tất cả đều khiến người ta phải chú ý. Nhà tiên tri Nostradamus tuyên bố rằng, những dự đoán của ông về tương lai đều dựa trên những cách tính toán của các hành tinh và các vì sao với trái đất.

400 năm sau khi qua đời, ông vẫn nổi tiếng khắp thế giới nhờ cuốn sách viết năm 1555 có tên “Les Propheties” (tạm dịch: Những lời tiên tri). Hãy cùng chúng tôi điểm lại những lời tiên tri đúng đến kinh ngạc của nhà tiên tri này.

Nhà tiên tri Nostradamus (1503-1566) là dược sĩ và nhà tiên tri người Pháp. Ông còn được biết đến với biệt danh “đầy tớ của ma quỷ” bởi tất cả những lời tiên tri của Nostradamus đều không được viết bằng thứ ngôn ngữ phổ thông minh bạch mà đều được viết theo kiểu ẩn ngữ, chơi chữ, hoặc dùng tiếng Hy Lạp, Do Thái, Ả Rập, Italy… là những ngôn ngữ khó. Đó là một lựa chọn thận trọng bởi Nostradamus không muốn bị kết tội dị giáo, phù thủy, mê tín dị đoan…

Trong thực tế, nhiều học giả tin rằng, Nostradamus diễn giải ngày tận thế của trái đất từ những lời tiên tri cổ xưa (chủ yếu là từ Kinh Thánh), sau đó thông qua các bài đọc chiêm tinh trong quá khứ để dự báo những sự kiện xảy ra trong tương lai.

Một trong những người đầu tiên kinh hãi trước lời tiên tri của Nostradamus là hoàng đế Henry II của Pháp. Ông vua 46 tuổi khi thấy sức khỏe sa sút đã gọi Nostradamus vào cung để hỏi về số phận mình, và nhận được lời tiên đoán: “Có một ngày, đầu của bệ hạ sẽ bị đâm bởi một vật sắc nhọn và đó là nguyên nhân khiến người băng hà. Điều đó sẽ xảy đến trong 10 năm nữa”.

Ông đã cảnh báo nhà vua nên tránh một cuộc đấu ngựa. Thế nhưng đến tháng 6/1559, phớt lờ những lời cảnh báo của Nostradamus, vua Henry II vẫn tham gia vào cuộc đấu với Bá tước Montgomery trong ngày cưới của cô em gái. Hai đối thủ cùng đeo chiếc khiên khắc nổi hình sư tử và Montgomery trẻ hơn Henry 6 tuổi. Trong khi chơi, một chiếc thương đã xuyên qua tấm khiên che mặt của nhà vua, đâm qua mắt và xiên vào thái dương. Vua Henry II từ trần ở tuổi 51 sau 10 ngày nằm trên giường bệnh.

Điểm lại những lời tiên tri đúng đến kinh hãi của nhà tiên tri Nostradamus
Nostradamus tiên đoán đúng cái chết của vua Henry II.

Sự kiện đó đã được ghi trong cuốn “Những thế kỷ” của Nostradamus xuất bản trước đó một năm

Vận mệnh của một vị hoàng đế khác sống sau đó 2 thế kỷ cũng được Nostradamus đoán đúng là Napoleon – người bách chiến bách thắng nhưng thất bại ở Nga, rồi mất vương quyền: Những vần thơ của Nostradamus chỉ rõ: “Hoàng đế vĩ đại sẽ khởi đầu với một vị trí thấp kém/Và nhanh chóng trở nên lớn mạnh/Khi ông giành được quyền lực tối cao/Ông hoàng chiến bại bị lưu đày ở Elba/Sẽ trở về Marseilles qua vịnh Genoa/Nhưng không vượt qua được các thế lực ngoại bang/Tuy thoát chết nhưng vẫn phải đổ máu”.

Dự đoán hoả hoạn ở London năm 1666, Nostradamus viết: “Máu của thần công lý sẽ bao phủ London/Thành phố sẽ cháy vào năm 66/Vị phu nhân mất địa vị tối cao/Và nhiều nơi bị hủy hoại”.

Một vụ hoả hoạn lớn đã xảy ra tại thủ đô London của Anh năm 1666. Đây là một trong những lời tiên tri hiếm hoi của Nostradamus có ghi rõ năm. Ngay cả những người hoài nghi nhất cũng phải thừa nhận tính chính xác của lời tiên đoán này. Vụ hoả hoạn đã thiêu rụi 3/4 London.

Những tội ác của Hitler, vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki và Hirosima, phi thuyền con thoi của Mỹ bị nổ năm 1985, tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát… đều được cho là Nostradamus tiên tri trong những bài thơ của mình.

Những lời tiên tri sấm truyền

Năm 1554, Nostradamus và ông quyết định dành tất cả những năng lượng của mình vào các tác phẩm. Ông dự định mỗi cuốn sách sẽ gồm 10 chương, mỗi chương là 100 dự đoán viết dưới dạng thơ tứ tuyệt.

Trong những lời tiên tri, dự đoán, Ông hầu như không bao giờ chỉ rõ thời gian, địa điểm xảy ra các sự kiện.
Trong những lời tiên tri, dự đoán, Ông hầu như không bao giờ chỉ rõ thời gian, địa điểm xảy ra các sự kiện.

Năm 1555, ông xuất bản cuốn Les Prophéties (Lời tiên tri) bao gồm một bộ sưu tập các dự đoán lớn, lâu dài của mình. Để tránh bị soi xét, ông đã nghĩ ra một phương pháp làm giảm đi ý nghĩa của những lời tiên tri bằng cách sử dụng thơ văn và các loại ngôn ngữ khác nhau như Hy Lạp, Ý, Latin và Provencal cùng một số phương ngữ của người miền Nam nước Pháp.

Ông hầu như không bao giờ chỉ rõ thời gian, địa điểm xảy ra các sự kiện nên chẳng ai có thể dựa vào những lời tiên tri của ông mà đoán biết trước được điều gì sắp đến. Trong hầu hết các trường hợp, người ta chỉ có thể sử dụng chúng để chiêm nghiệm sau khi sự việc đã diễn ra.

Cuốn sách đã gây ra rất nhiều tranh cãi, một số người cho rằng Nostradamus là một người đầy tớ của ma quỷ. Những người khác thì lại nghĩ ông là đồ giả tạo hoặc mất trí nhớ. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều người tin rằng những lời tiên tri đó được xuất phất từ thần linh. Nostradamus ngày càng trở nên nổi tiếng và được tầng lớp thượng lưu châu Á trọng vọng. Catherine de Medici, vợ vua Henri II của Pháp là một trong những người hâm mộ lớn nhất của Nostradamus.

Sau khi đọc niên giám 1555, thấy bài thơ số 35 ám chỉ một mối đe dọa chưa được đặt tên về gia đình mình, Catherine de Medici đã gọi Nostradamus đến Paris để giải thích và lập lá số tử vi cho mình.

Trong suốt 400 năm qua, những lời tiên tri của Michel de Nostradamus đã khiến các nhà khoa học bối rối. Trong số hơn 1.000 lời tiên đoán của ông, có đến quá nửa đã trở thành sự thật. Các nhà nghiên cứu Nostradamus cho biết, ông đã nhìn thấu tương lai của nhân loại đến tận năm 7000, rằng theo ông thì nào năm 3979, sa mạc Gobi sẽ thành biển cả. Bây giờ mới là năm 2014, vì thế nhân loại sẽ còn rất nhiều thời gian để tiếp tục chiêm nghiệm độ đúng sai trong những lời tiên tri của ông.

 Theo Kiến Thức VN / Khoa học TV

Vô thường và hạnh phúc của ‘người biết sống’

Vô thường và hạnh phúc của ‘người biết sống’

“Người biết sống” là người nhận thức được bản chất của sự sống và có một lối sống phù hợp.

Thế nào là “người biết sống”?

Đối với người học Phật, không có sự thăng tiến nào cao quý hơn sự thăng tiến về đời sống tâm linh. Chính sự thăng tiến đó mới đem lại niềm an lạc, tự tại cho mỗi con người trong mọi hoàn cảnh giữa cuộc đời này.

Sự thăng tiến về tâm linh được đánh giá qua cấp độ tâm và tuệ giải thoát, qua nhận thức và thái độ ứng xử, nói cách khác là qua suy nghĩ, lời nói và hành động trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Trước sự thành tựu tốt đẹp, thông thường ai cũng vui mừng và hạnh phúc. Khi gặp phải thất bại và chướng duyên, chúng ta thường đau khổ và lo âu. Cũng một hoàn cảnh, tình huống nhưng mỗi người có một cách ứng xử khác nhau, tùy theo nhận thức và kinh nghiệm thực hành tâm linh của mình.

Vô thường là tính chất của sự sống. Cuộc đời không phải bao giờ cũng bằng phẳng, chỉ toàn điều hạnh phúc mà không có khổ đau. Và cũng theo lẽ thường tình, tâm thức của con người có xu hướng bám víu sự thành công, những kỷ niệm tốt đẹp của đời mình. Với những thất bại, chúng ta cũng dễ bị ám ảnh dẫu đó là những thất bại trong quá khứ đã qua đi từ lâu.

Tâm thức bám víu, bị ám ảnh, mong chờ đó khiến chúng ta khổ đau, không được thảnh thơi. Đức Phật đã từng dạy rằng người có trí tuệ là người nhận thức được bản chất của sự sống và có một lối sống phù hợp.

Đó là luôn chánh niệm tỉnh giác, nhiệt tâm với các thiện sự đem lại lợi lạc cho mình, cho người khác và cho môi trường sống trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động ở hiện tại. Giá trị của sự sống là hiện tại, mà không phải là quá khứ đã qua, cũng không phải chờ đợi, hứa hẹn ở một tương lai nào đó.

Đừng tìm về quá khứ / Đừng tưởng tới tương lai / Quá khứ đã không còn / Tương lai thì chưa tới / Hãy quán chiếu sự sống / Trong giờ phút hiện tại / Kẻ thức giả an trú / Vững chãi và thảnh thơi / Phải tinh tiến hôm nay / Kẻo ngày mai không kịp / Cái chết đến bất ngờ / Không thể nào mặc cả / Người nào biết an trú / Đêm ngày trong chánh niệm / Thì Mâu Ni gọi là / Người Biết Sống Một Mình
(Tạp A-hàm, kinh số 1071, bản dịch của Thích Nhất Hạnh).

Đó chính là thái độ, cũng là lối sống của người học Phật, người xuất gia cũng như tại gia. Nếu ai sống theo đúng với tinh thần như vậy, chắc chắn người đó có được sự an lạc, tự tại giữa các mối tương quan trùng trùng của cuộc sống mà không bị níu kéo hay xô giạt sang một cực đoan nào.

Mà an lạc lại là nguồn năng lượng rất quan trọng đối với người học Phật. Nếu không có được an lạc thực sự, chúng ta sẽ không thể có suy nghĩ, lời nói và hành động đem lại lợi lạc cho mình, cho người, cộng đồng cũng như cho môi trường sống.

Theo GIÁC NGỘ ONLINE / Red VN

Lựa chọn thiện và ác: Gorbachev và Kissinger

Thời điểm quan trọng nhất trong những năm 1980 là khi Mỹ và Liên Xô cuối cùng đạt được đàm phán để hạn chế vũ khí hạt nhân. Khi đó, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev đã hóa giải ngọn lửa của nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa hủy diệt nhân loại.

Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào ngày 8/12/1987, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã ký hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tầm trung và tầm ngắn của Mỹ và Liên Xô. (Nguồn: Getty Images).

Bệnh viện Lâm sàng Trung ương Nga ra thông cáo cho biết, do “bệnh tật kéo dài” khiến nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô cũ là ông Gorbachev đã qua đời vào tối 30/8, hưởng thọ 91 tuổi.

Trong thời kỳ cầm quyền, ông Gorbachev đã kết thúc Chiến tranh Lạnh khi kiên quyết không sử dụng vũ lực nhằm tránh đổ máu, dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và Liên bang Xô Viết, mở ra một kỷ nguyên mới của tự do toàn cầu.

Trong nhiệm kỳ của Gorbachev, ông đã thúc đẩy “chính sách mở cửa” cùng cải cách chính trị và tái thiết kinh tế. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn sau nửa thế kỷ chủ nghĩa cộng sản hoành hành ở Liên Xô, khiến cho công cuộc cải cách và mở cửa về cơ bản như “đóng băng”. Mặc dù thắng cử vào tháng 3/1990 và trở thành Tổng thống Liên Xô đầu tiên (cũng là cuối cùng) đồng thời đoạt giải Nobel Hòa bình cùng năm đó, nhưng ngày 25/12/1991 ông Gorbachev đã buồn bã tuyên bố từ chức. Vào đêm trước khi quyết định từ chức, ông đã nghe bản giao hưởng số 5 của Mahler tại nhà với người vợ Raisa và đưa ra quyết định trong bầu không khí điệu nhạc u buồn.

Gorbachev là một người theo “chủ nghĩa lý tưởng”, chính sách cởi mở của ông thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, theo đó mọi người dân được tự do chỉ trích chính quyền – là vấn đề trong quá khứ khó tưởng tượng được. Công lao của ông là cổ vũ đấu tranh giành độc lập cho những người theo chủ nghĩa dân tộc ở vùng Baltic gồm các quốc gia hàng hải như Latvia, Lithuania, Estonia… Những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ này đã truyền cảm hứng cho 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô giành quyền tự trị dẫn đến chỉ trong vòng 2 năm, Liên bang Xô Viết tan rã. Chứng kiến xu thế sụp đổ của Liên bang Xô Viết, ông Gorbachev đã chọn không đàn áp bằng vũ lực. Đây là quyết sách chính trị mang tính nhân đạo cao độ, cũng là vầng hào quang của tình nhân ái trong cuối thế kỷ trước.

Tình trạng rối ren do cải cách của ông Gorbachev, bắt nguồn từ sụt giảm mạnh về mức sống sau cải cách, là cái giá đau đớn không thể tránh khỏi phải trả cho quá trình dân chủ hóa. Sau khi đến thăm ông Gorbachev trong bệnh viện vào ngày 30/6, nhà kinh tế Liên Xô cũ theo chủ trương tự do là Ruslan Grinberg đã thẳng thắn chia sẻ với kênh tin tức Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga: “Ông ấy đã cho tất cả chúng ta bầu không khí tự do [chính trị], nhưng chúng ta không biết phải làm gì” – đúng là “một chú thích bất lực” của lịch sử.

Trong thời kỳ cầm quyền, ông Gorbachev đã đạt được thỏa thuận với Mỹ để cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược, đồng thời hợp tác với thế giới phương Tây để phá bỏ “Bức tường Berlin” kể từ Đệ nhị Thế chiến và thúc đẩy việc thống nhất nước Đức. Một nhân vật lớn của thời đại như vậy có thể được gọi là anh hùng. Lòng dũng cảm và trí tuệ của ông đi cùng lựa chọn phi thường của ông đã thay đổi lịch sử thế giới với những tác động sâu rộng và đáng nhớ.

Nhưng thời đại lớn không chỉ sản sinh anh hùng mà còn xuất hiện những gian hùng với khả năng hô mưa gọi gió tương đương. Họ cũng gây ra biến động lớn trên thế giới nhưng dĩ nhiên chiều hướng nghiêng về tà ác.

Trình Tường: Tất cả những gì ông Tập làm là để ngăn ĐCSTQ tan rã như Liên Xô
Theo Đài VOA Mỹ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (99 tuổi) cho biết địa chính trị ngày nay cần “sự linh hoạt của Nixonian” (Nixonian flexibility) để giúp xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cùng xung đột giữa Nga và phần còn lại của châu Âu. Loại quan điểm này chú trọng phi nguyên tắc, thậm chí không cần đạo đức, chú trọng việc lấy tiền làm nguyên tắc giải quyết là “lẽ đương nhiên”.

Tại Bắc Kinh ngày 22/11/2019, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Mới. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video CGTN)
Ông Kissinger chỉ trích Tổng thống Biden cần cảnh giác khi để chính trị trong nước can thiệp vào “tầm quan trọng về lâu dài của Trung Quốc”. Thế nhưng, để cho một chế độ tà ác “vĩnh viễn tồn tại” là “để cho ma quỷ lên tiếng thay người”, ấy vậy mà còn có những kẻ như ông Kissinger, không những không dám mạnh mẽ lên tiếng thẳng vào vấn đề, còn tiếp tay truyền bá cho tiếng nói ma quỷ. Xem chừng truyền thông Mỹ cũng bị “virus Trung Cộng” xâm nhập nghiêm trọng.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào ngày 19/7, ông Kissinger nói: “Quan điểm về Trung Quốc của Chính quyền Tổng thống Biden và nhiều khóa trước đã bị ảnh hưởng quá nhiều từ trong nước”. Ông cho rằng “Ngăn chặn bá quyền Trung Quốc hoặc bất cứ nước nào khác như vậy là rất hệ trọng, nhưng không thể thực hiện được bằng những cuộc đối đầu bất tận”. Thật là vớ vẩn!

Trước đây, ông Kissinger đã nói rằng mối quan hệ ngày càng thù địch giữa Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể gây ra “thảm họa toàn cầu tương đương với Đệ nhất Thế chiến”. Ông ta rõ ràng còn góp lời giúp ĐCSTQ uy hiếp cộng đồng quốc tế.

Thậm chí vô số tệ nạn của ĐCSTQ trong nhiều năm qua được ông Kissinger tô điểm thành đẹp đẽ, diễn tả bạo lực của ĐCSTQ thành “bá quyền”, xem những nỗ lực của Mỹ vì công lý thế giới thành “sai lầm về chính sách”, chỉ trích tổng thống sau khi nhậm chức đã không gặp ông tại Nhà Trắng và làm theo chỉ dẫn của ông ta. Thật không biết xấu hổ!

So với các nhân vật chính trị nổi lên cùng thời, ông Gorbachev cho thấy phẩm chất của người quân tử. Trái lại, ông Kissinger hiện thân là tiểu nhân chuyên giúp kẻ khác gieo rắc “quốc nạn”. Trong nhiều năm, ông ta đã thảo luận về sự cần thiết phải hỗ trợ Trung Quốc phát triển kinh tế, để thúc đẩy Trung Quốc tiến tới dân chủ. Bây giờ điều đó có vẻ là trò lừa đảo, nhưng ông ấy vẫn không ngừng ba hoa xảo biện đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm.

Viện sĩ Cyrus Chu (Chu Kính Nhất, Zhu Jingyi) của Viện hàn lâm Sinica Đài Loan gần đây đã bình luận trên Facebook rằng: “Lập luận của ông Kissinger đã được đưa ra gần 50 năm. Sự thật đã chứng minh rằng ĐCSTQ không những không hướng tới dân chủ mà còn trở nên độc tài hơn. Lúc này mà ông Kissinger còn dùng lời xảo biện vô nghĩa, tiếp tục vận động hành lang, tiếp tục kiếm tiền, tiếp tục làm ngơ trước thực tế mất dân chủ và tự do của người dân Tân Cương và Hồng Kông, tiếp tục vào vai doanh nhân hàng đầu thô bỉ. Nhiều thập kỷ qua, ông ta đã khám phá tầng hầm của tầng địa ngục thứ 18, hy vọng rằng ông ta có thể trải nghiệm giai đoạn tiếp theo của đời ông mình ở đúng nơi đó. Rác rưởi luôn cần có nơi thuộc về nó”. Đúng là “nhát chém” xác thực sưởi ấm lòng người thiện lương!

Thấy người hiền minh rời xa, người lành không thể an vui, chỉ có kẻ tà ác là thích thú… Gorbachev trở thành hình mẫu của cái thiện, trong khi Kissinger là hình mẫu của cái ác cần cảnh giác. Ranh giới giữa thiện và ác nhiều khi chỉ nằm ở cách suy nghĩ.

Dương Hiến Hồng / Trí thức VN

(Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của cá nhân tác giả, được Taiwan People News ủy quyền cho Vision Times đăng lại.)