Khu chợ ở thành phố Ondo, tượng gỗ ở cung điện Owa, chó hoang trên đường phố Akure… là những khoảnh khắc đời thường sinh động ở đất nước Nigeria năm 1982 được ghi lại qua ống kính một du khách Anh.
Ảnh: Alan Denney Flickr.
Một góc Ondo, thành phố lớn thứ hai bang Ondo, Nigeria năm 1982.
Trên phố Yaba, đại lộ chính của thành phố Ondo.
Một tòa nhà trên phố Yaba.
Khung cảnh đời thường trên phố Yaba.
Khu chợ ở Ondo.
Thịt phơi khô tại được bày bán ở chợ.
Khu bán chó – để làm thịt – ở chợ.
Trong cửa hàng tạp hóa ở Ondo.
Nhóm công nhân xây dựng ở Ondo.
Một khu dân cư ở thành phố Ondo.
Idanre, thị trấn du lịch nổi tiếng của bang Ondo.
Con đường dẫn vào thị trấn Idanre.
Tượng gỗ ở cung điện Owa, nơi tiến hành các nghi lễ địa phương ở Idanre.
Một góc thị trấn Ile Oluji, abng Ondo.
Lễ hội Ogun ở thị trấn Ile Oluji. Lễ hội này được tổ chức để tôn vinh Ogun, vị chiến thần bảo trợ cho nghề luyện kim theo tín ngưỡng của tộc người Yoruba.
Tòa nhà Hội đồng của bang Ondo ở thành phố Akure, thủ phủ bang này.
Những con chó hoang ở Akure.
Tòa nhà Bảo tàng Quốc gia ở thành phố Benin, đô thị lớn nhất bang Edo, phía Nam Nigeria.
Tranh tường ghép bằng gốm ở Bảo tàng Quốc gia thành phố Benin.
Trong khuôn viên Đại học Ife, thành phố Ife, bang Osun. Trường được xây dựng theo thiết kế của KTS nổi tiếng người Israel Arieh Sharon.
Sạp sách báo dành cho sinh viên trong Đại học Ife.
Nói đến Tần Thủy Hoàng, rất nhiều người sẽ nghĩ đến một bạo chúa. Tuy nhiên Tần Thủy Hoàng là một nhân vật lịch sử bị đánh giá một cách chủ quan, đôi khi cố ý, mang nhiều màu sắc văn học và dân gian hơn là màu sắc lịch sử. Vậy thì ông có thật sự là bạo chúa hay không?
Vạn Lý Trường Thành, công trình được xây dựng vào thời Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Hao Wei, Bernard Goldbach Flickr, Wikipedia, CC BY 2.0) Không dùng bạo lực, bá đạo để thống nhất lục quốc Tần Thủy Hoàng dùng chiến trận để thống nhất lục quốc nhưng nếu so sánh với số chiến trận suốt thời Xuân Thu Chiến Quốc thì số người thương vong trong thời kỳ này không nhiều hơn. Về mặt chiến lược mà nói, Tần Thủy Hoàng không phải lúc nào cũng động binh. Việc ông thu hàng nước Tề là một ví dụ điển hình.
Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng còn là người có lòng khiêm tốn, khoan dung, điều này được thể hiện rõ nhất ở cuộc chiến với nước Yên. Trước khi thu phục nước Yên, thái tử Đan của nước Yên từng phái Kinh Kha đến ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng bị thất bại. Sau này khi Tần Thủy Hoàng thu phục được nước Yên, ông không vì điều này mà trả thù người Yên. Sau khi thay thế bộ máy triều đình của nước Yên, Tần Thủy Hoàng đã vỗ về và trấn an dân chúng.
Sự khéo léo của Tần Thủy Hoàng trong việc dùng kế để tránh chiến tranh có thể nói là một trời một vực so với những nhân vật nổi danh lịch sử vì bạo lực.
Vào thời Tần mạt, vì lửa giận và đố kỵ với Hán Cao Tổ Lưu Bang, Sở Bá Vương Hạng Vũ dẫn đầu 40 vạn đại quân đánh vào thành Hàm Dương vốn đã đầu hàng, tàn sát hàng loạt dân chúng, thiêu cháy cung A Phòng. Ngọn lửa cháy ròng rã ba tháng trời. Tuy nhiên người đời sau chỉ ca ngợi Hạng Vũ là một anh hùng, còn đối với việc Hạng Vũ thất tín và giết dân chúng Hàm Dương vốn đã đầu hàng thì lại không mấy nhắc tới.
Tranh vẽ cung A Phòng. (Tranh: Wikipedia, Public Domain) Nhân từ, chưa từng đại tàn sát vương triều sáu nước Tần Thủy Hoàng là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Nguyên, tất nhiên trong lúc đó sẽ phải có chiến tranh và vũ lực. Tuy nhiên trong quá trình này không diễn ra sự thảm sát triều đình các nước. Điều này có thể chứng minh bằng sử sách ghi lại diễn biến quá trình Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên. Cuối cùng, ông chỉ bắt vương tộc sáu nước mà ông đã chiếm, kể cả gia đình các đại thần của họ, phải dời đến Hàm Dương, kinh đô của Tần, để ông dễ kiểm soát họ. Hành động này thì nhiều đời Hoàng đế được coi là tài đức thời sau cũng không làm được. Vậy nhưng người ta lại nhìn nhận Tần Thủy Hoàng là bạo chúa?
Nói về chính sách đối xử với dân chúng, Thành Cát Tư Hãn một đời kiêu hãnh cũng không được bằng Tần Thủy Hoàng. Sau khi Mông Cổ trở thành đế quốc, Thành Cát Tư Hãn cũng không đối xử ngang hàng mà phân cấp người dân thành Mông Cổ, Sắc Mục, người Hán phương bắc và người phương nam.
Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Hoa không làm theo cách đó. Ông căn cứ pháp luật Tần triều, đối xử với người dân như nhau, tất cả đều ngang hàng.
Đối xử tử tế với công thần Sau khi thống nhất lục quốc, Tần Thủy Hoàng đối xử với công thần không tệ. Ví dụ Vương Quản là một thừa tướng từ thời Lã Bất Vi, sau này tiếp tục đảm nhiệm Thừa tướng suốt 20 năm. Vương Quản từng là người đứng đầu trong việc phản đối gay gắt chế độ “phân đất phong quyền” của Tần Thủy Hoàng. Thậm chí, Vương Quản cũng có nhiều lần không đồng ý với những chủ trương của Tần Thủy Hoàng, nhưng không vì thế mà bị Tần Thủy Hoàng trừng phạt.
Lý Tín là một vị tướng quân ở bên Tần Thủy Hoàng. Ông ta từng khoe khoang mà tuyên bố rằng chỉ trong vòng hai, ba tháng sẽ chiếm được nước Sở nhưng cuối cùng lại bị quân Sở đánh cho đại bại. Sau này, Tần Thủy Hoàng lại một lần nữa bổ nhiệm Lý Tín làm phó soái, theo Vương Tiễn đi đánh nước Sở.
Cha con Vương Tiễn là những người có công lao rất lớn trong việc giúp Tần Thủy Hoàng giành được thiên hạ. Sau khi thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng vẫn luôn đối xử tốt và yêu mến gia đình Vương Tiễn, Vương Tiễn cũng được an hưởng tuổi già.
Để so sánh, hãy lấy ba nhân vật được kính trọng là Hán Cao Tổ Lưu Bang, Hán Vũ Đế Lưu Triệt và Việt Vương Câu Tiễn làm ví dụ.
Có câu nói về Hán Cao Tổ Lưu Bang thế này: “Giang sơn nhất đắc, công thần tức lạc”, vừa có được giang sơn trong tay thì quên mất công lao của công thần. Hàn Tín chính là một ví dụ điển hình nhất. Hàn Tín vốn là công thần có công lao lớn nhất trong việc trợ giúp Lưu Bang binh chinh thiên hạ. Nhưng sau này ông đã bị Lưu Bang và Lã Hậu lập mưu giết chết.
Tể tướng Đậu Anh thời Tây Hán đã từng trợ giúp Hán Cảnh Đế bình định đất nước, có nhiều chiến công hiển hách. Nhưng về sau vì xúc phạm đến cậu của Hoàng Đế mà bị bỏ tù rồi bị Hán Vũ Đế hạ lệnh xử tử. Ngoài ra một công thần khác là Chủ Phụ Yển, người có công rất lớn trong việc giúp Hán Vũ Đế xóa nạn chư hầu cường thịnh, nhưng về sau chỉ vì một chuyện nhỏ Chủ Phụ Yển lại bị nghi ngờ là tư thông với chư hầu, bị hạ lệnh giết cả gia tộc.
Thời Xuân Thu, sau khi tiêu diệt nước Ngô, việc đầu tiên mà Việt Vương Câu Tiễn làm chính là giết chết người cùng chung hoạn nạn với mình, đại thần Văn Chủng. Đại thần Phạm Lãi là người biết trước tính cách của Câu Tiễn nên đã lẳng lặng rời đi, tránh được đại nạn.
Như vậy so với Tần Thủy Hoàng, những vị Hoàng đế hay vương giả được kính trọng trước và sau thời ông vẫn còn kém, không được bao dung, độ lượng, không được anh minh, sáng suốt bằng người được coi là “bạo chúa”. Trong khoảng 8 năm từ 221 TCN tới 213 TCN, tức là năm mà Tần Thủy Hoàng thực thi cái gọi là “đốt sách”, ông đã cho sưu tập một lượng lớn văn hiến cổ điển từ trong cung 6 nước và trong dân gian. Đồng thời tuyển chọn hơn 70 vị học giả, ban cho làm quan Tiến sĩ. Triệu tập hơn 2.000 học sinh, từ quan Tiến sĩ trở xuống, cho làm Nho sinh. Đối với việc thanh lý và phân biệt văn hóa cổ điển, thì bỏ nguỵ giữ chân, bảo vệ văn hóa chính thống.
Tuy nhiên có nhiều người trong sáu nước mưu đồ khôi phục lại thế lực trước kia. Và khi chưa thể sử dụng vũ lực thì họ bắt đầu bằng chế độ triều chính. Chẳng hạn trong một lần yến hội ở cung Hàm Dương, quan Tiến sĩ Thuần Vu Việt đề xuất việc phế quận huyện (“phân đất phong quyền”), lập lại việc phân đất phong hầu, cho rằng: “Làm việc không noi theo người xưa mà lâu dài được là điều thần chưa được nghe nói”. Câu này ý ở trong lời là muốn Trung Hoa trở về tình trạng chia cắt.
Thời kỳ này, do Tần Thủy Hoàng chưa bao giờ đuổi tận giết tuyệt sáu nước, nhưng việc đó cũng khiến nảy sinh một vấn đề: sáu nước này có nền tảng “thâm căn cố đế”. Trước đó nhà Chu dù chinh phạt xong, vẫn sử dụng chế độ phân phong chư hầu, chư hầu vương tự quản nước mình, chỉ tới kinh đô nhà Chu họp mặt định kỳ, tức là đặt Trung Nguyên trên nền tảng chia cắt.
Bởi vì quá khứ là vậy nên có nhiều người trong sáu nước mưu đồ khôi phục lại thế lực trước kia. Họ lợi dụng những rối loạn về tư tưởng, văn hóa để chê bai chính quyền mới, hòng khôi phục quyền lực. Khái niệm về một Trung Hoa thống nhất bấy giờ bị nhiều chỉ trích. Như vậy đứng ở quan điểm của Tần Thủy Hoàng mà nói, ông nhất định phải thống nhất quy phạm văn hóa của dân chúng sáu nước. Từ đó mà có lệnh đốt sách thiên hạ.
Tuy nhiên trong việc “đốt sách” này có loại trừ: sách của triều đình là không đốt; sách sử nhà Tần thì không hủy; sách của Tiến sĩ nắm giữ là không hủy; sách chữa bệnh, xem bói, trồng cây là không hủy. Bấy giờ thư tịch của nước Tần sau một thời gian 8 năm sưu tầm và lưu trữ, có thể nói là gồm thâu những sách quý của thiên hạ. 70 vị quan Tiến sĩ có thể nói là sưu tầm đủ các loại sách trong tay rồi.
Chu Hy thời Tống cũng nói rằng Tần Thủy Hoàng đốt sách chỉ là dạy cho thiên hạ đốt sách, còn trong triều đình ông vẫn lưu lại, và rằng “cả 6 kinh (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu) ông đều lưu lại cho mình, chỉ thiên hạ thì không ai có”. Như vậy thực ra là nếu muốn tìm tòi, nghiên cứu thì trong tay triều đình cho đến Tiến sĩ cũng đều có lưu lại bản sao hoàn chỉnh. Nếu nói người nào quả thật làm thư tịch thất truyền, thì đó chính là Sở Bá Vương Hạng Vũ, người đã đốt cháy cung thất nhà Tần, khiến nhiều sách quý bị tiêu thất.
Chuyện “Chôn Nho” cũng là sự nhầm lẫn của lịch sử. Điều Tần Thủy Hoàng muốn làm là tiêu diệt những kẻ thuật sỹ lừa gạt trong triều. Bản thân ông cũng không cho đuổi tận giết tuyệt, mà chính những kẻ này đã tự tố cáo nhau. Vào thời kỳ Tiên Tần những kẻ này được gọi là “Tư” (胥), chữ “Tư” và chữ “Nho” (儒) lúc bấy giờ là đồng âm (ngày nay không đồng âm nữa), hai từ này lại thường bị dùng lẫn lộn, cho nên những thuật sỹ bị chôn sống này lại được hiểu nhầm là “Nho sinh”. (Xem thêm trong bài: Vài điểm nhìn lại về đoạn sử Tần Thủy Hoàng “đốt sách chôn Nho”)
Tranh vẽ cảnh “đốt sách chôn Nho” do người đời sau “tưởng tượng” ra, phía trên cảnh “đốt sách chôn Nho” là cảnh Thừa tướng Lý Tư dâng thư lên Tần Thủy Hoàng. (Tranh: Wikipedia, Public Domain) Một vài vấn đề khác Còn có những chuyện dân gian khác như “Nàng Mạnh Khương khóc sụp trường thành”, được gán cho sự việc Tần Thủy Hoàng cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Tuy nhiên tư liệu lịch sử lại cho thấy đây chỉ là chuyện dân gian được cải biến từ câu chuyện thời Xuân Thu Chiến Quốc (Xem bài: Vài tư liệu lịch sử về thuyết nàng Mạnh Khương khóc sụp trường thành). Công trình Vạn Lý Trường Thành sau này còn được các vị quân vương các triều đại kéo dài hơn, nhưng dường như họ không bị coi là “bạo chúa”.
Điều đáng nói chính là trải qua hơn 2.000 năm, Tần Thủy Hoàng luôn bị coi là một “bạo chúa”. Từ xưa đến nay, trong hình tượng tác phẩm văn học và dân gian, Tần Thủy Hoàng hầu như là nhân vật phản diện. Tuy nhiên Tần Thủy Hoàng lại không có những đặc điểm của “bạo chúa”, không hoang dâm, không lạm sát, không sát hại công thần, hơn nữa còn thi hành nhiều chính sách được coi là nhân từ. Duy có việc dựng cung A Phòng là việc bị coi là xa xỉ, tốn sức người, dù quy mô của nó so với tổ hợp Tử Cấm Thành, Di Hòa Viên cũng không thể coi là lớn.
Ngoài những việc do nhìn nhận chủ quan không thể tránh khỏi của sử quan thời Hán, thì còn một nguyên nhân khác, chính là từ thời nhà Chu với chế độ phân phong chư hầu, nhất là vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, dân chúng Trung Nguyên sinh ra đã có một loại tư duy cố định. Họ cho rằng họ không thuộc về cùng một Xã Tắc chung, họ là người Tề, Tần, Tấn, Sở, v.v.. Mà đó mới là những nước lớn nhất, còn các tiểu quốc thì cũng có lúc tính kể trăm. Do đó, “chia năm xẻ bảy” mới là bình thường còn thống nhất là điều không bình thường.
“Thống nhất” ở một góc độ nào đó mà nói, có thể gọi là “xâm chiếm”. Người dân lục quốc ở một góc độ nào đó là mất nước. Vì vậy, dân chúng đều có ý hận Tần Thủy Hoàng. Điều đặc biệt là loại tâm tình “bạo chúa” này chỉ xuất hiện vào thời Tần Thủy Hoàng, chứ không xuất hiện vào các triều đại thống nhất theo sau như nhà Hán, Đường, v.v..
Trên thực tế từ những ghi chép lịch sử, thời kỳ Tần Thủy Hoàng tại vị không phải là thời kỳ quá mức hà khắc, chỉ đến khi Tần Nhị Thế lên ngôi trái với ý nguyện của Tần Thủy Hoàng thì mới xuất hiện nhiều chính sách vô đạo, đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tâm tình nhà Tần “bạo chúa”.
Tất nhiên đối với việc thống nhất Trung Nguyên, từ cương thổ, văn tự, văn hóa, pháp luật cho đến đơn vị đo lường… đều không tránh khỏi những việc cần sự cương quyết. Nhà Tần thu sách thiên hạ, nhưng không hủy tận mà lưu giữ trong thư viện và cho phép quan lại cấp cao được nghiên cứu. Nhà Tần diệt sáu nước nhưng lại dựng cung A Phòng. Bởi vì Tần Thủy Hoàng không hoang dâm, nên cung A Phòng kỳ thực có mục đích là gồm thâu văn hóa thiên hạ.
Cũng chính nhờ cơ sở thống nhất văn hóa do nhà Tần đặt định mà các triều đại sau này mới có thể có được thành tựu, có được sự thống nhất cao độ trên một lãnh thổ rộng lớn trải dài.
Theo Vision Times tiếng Trung An Hòa biên tập / Trí thức VN
Cách đây 14 năm, ngày 13.8.2008, nhà văn Sơn Nam đã qua đời gây xúc động mạnh trong giới cầm bút và bạn đọc. Điều đó đủ nói lên tầm quan trọng của ông đối với đời sống văn chương và báo chí, nhất là ở Nam Bộ, nơi nhiều độc giả xem ông là nhà văn bậc thầy của vùng đất này…
Nhà văn Sơn Nam (1926 – 2008)
Chuyện ít người biết
Tôi vốn là một người đọc hâm mộ Sơn Nam từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau này được tiếp xúc với ông, cùng ông lang thang từ phố xá Sài Gòn đến Hà Nội, từ Lăng Ông – Bà Chiểu đến Đền Hùng – đất Tổ Phong Châu, tôi càng phát hiện ở ông nhiều điều thú vị, từ con người đến văn nghiệp.
Vốn sinh ra, lớn lên ở miệt vườn sông nước, việc đi lại bằng xe đạp thật khó khăn, đã vậy hồi nhỏ trong một lần tập xe đạp do mắt yếu nên ông vướng vào sợi dây phơi quần áo té nhào, sợ quá từ đó ông bỏ tập xe và suốt đời… đi bộ.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể với tôi rằng, khi ông chưa viết văn thì Sơn Nam đã là nhà văn nổi tiếng ở bưng biền. Hai người công tác chung ở Phòng Chính trị Khu 8 thời chống Pháp. Quê ông Sáng có nhiều câu chuyện rất ly kỳ, ông muốn kể cho ông Sơn Nam nghe để viết. Nhưng ông Sơn Nam từ chối: “Vùng đó tao không biết. Tao thấy rặng cây từ xa thôi. Mày cũng có chữ nghĩa, viết đi!”. Và từ đó ông Nguyễn Quang Sáng cầm bút viết văn. Những câu chuyện đầy bi tráng đã làm nên tiểu thuyết Đất lửa nổi tiếng sau này. Một phần nhờ sự từ chối của nhà văn Sơn Nam mà Nguyễn Quang Sáng đã trở thành nhà văn. Đồng thời sự từ chối đó cũng thể hiện bản lĩnh và quan niệm sáng tác của nhà văn Sơn Nam: chưa có vốn sống, chưa hiểu biết, chưa trải nghiệm thì không nên viết ẩu để sinh ra những trang văn… non yểu!
Điều thú vị mà hiếm người biết nữa là Sơn Nam khởi nghiệp cầm bút bằng hai tập thơ “hoành tráng”: Lúa reo (1948) và Cho lòng em vui (1950 – viết về công tác địch vận) do Hội Văn hóa kháng chiến Kiên Giang xuất bản ở chiến khu. Nhưng rồi khi chuyển sang viết văn xuôi, ông tự phát hiện mình làm thơ dở hơn viết truyện nên dứt khoát “ly dị” nàng thơ. Và lập tức năm 1951-1952, ông đã đoạt giải nhất với hai truyện ngắn Bên rừng cù lao Dung và Tây đầu đỏ trong cuộc thi do Ủy ban Kháng chiến – hành chính Nam Bộ tổ chức.
Cuối thời chống Pháp, Sơn Nam là nhà văn duy nhất gốc Nam Bộ được Trung ương mời ra Bắc để sống và viết, nhằm bảo vệ một tài năng văn chương trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh. Tuy nhiên, vì quá yêu mến mảnh đất Nam Bộ “chôn nhau cắt rốn” mà ông biết nếu cách xa thì không tài nào viết được nên ông đã quyết định ở lại gắn bó, để rồi đã liên tục trình làng nhiều tác phẩm có giá trị như Hương rừng Cà Mau, Chim quyên xuống đất, Văn minh miệt vườn, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Phong trào Duy Tân Bắc Trung Nam, Gia Định xưa, Bến Nghé xưa, Hai cõi U Minh, Vạch một chân trời…
Hai nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và Phan Hoàng thăm Nhà lưu niệm Sơn Nam ở Mỹ Tho – Tiền Giang
Chuyên gia văn minh miệt vườn
Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, sau khi Nhà xuất bản Trẻ mua bản quyền toàn bộ tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, từ cuối năm 2002 đến nay đã liên tục tái bản hơn 60.000 bản in, với hàng trăm triệu đồng nhuận bút. Một con số kỷ lục mà dường như ít có nhà văn nào cùng thế hệ ông đạt được vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, số tiền nhuận bút đáng nể ấy cũng chẳng thấm vào đâu đối với nhà văn trong hoàn cảnh thiếu thốn, bệnh tật và cả… bản tính hào phóng thương người nghèo của ông.
Tôi may mắn có nhiều dịp gần gũi phỏng vấn nhà văn Sơn Nam và đã tập hợp in trong tác phẩm Phỏng vấn Người Sài Gòn (NXB Trẻ). Một lần, khi trò chuyện xung quanh đề tài người nông dân Nam Bộ, ông cho biết:
– Hồi nhỏ, tôi nhớ quê tôi có rất nhiều chim thú, đặc biệt là cọp, khỉ, heo rừng, nai, thỏ. Hơn 5 cây số bờ rạch toàn đất úng, um tùm rừng tràm, cỏ lác, cỏ năn. Chẳng một ai thèm để mắt đến đất, chớ nói chi tới tranh chấp. Dân quê lại thường đồn đãi chuyện ma quỷ. Những lúc rảnh rang là họ tụm năm tụm ba rượu trà, đờn ca, thổi sáo và kể đủ chuyện, sau gom lại viết thành một truyện ngắn, cốt cho hấp dẫn. Và cứ thế, tôi liên tục khai thác nền văn minh miệt vườn trong các trang viết của mình.
– Thưa ông, tên tuổi Sơn Nam chỉ thật sự được biết đến trên văn đàn từ tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau do Phù Sa in năm 1962? Ông còn nhớ gì về hoàn cảnh xuất hiện của tập truyện có đề tài khá “tế nhị” này giữa lòng chính quyền Sài Gòn?
– Đó cũng là cơ duyên của tôi. Bởi, nếu Hương rừng Cà Mau xuất bản khoảng năm 1972 thì chẳng những không có tiếng tăm gì, mà anh em trong chiến khu sẽ còn hiểu lầm là Sơn Nam tán dương cho chiêu bài “xây dựng nông thôn” của chế độ Sài Gòn! In vào năm 1962 nhưng Hương rừng Cà Mau được viết từ năm 1958 – 1959, giai đoạn mà anh em kháng chiến bị truy lùng, đàn áp. Nó đã gợi lên trong lòng người hào khí của thời khai hoang, mở đất, chống Pháp.
– Ngoài truyện dã sử, ông còn thành công cả ở những công trình biên khảo có hệ thống như Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Văn minh miệt vườn, Gia Định xưa, Bến Nghé xưa… Và gần đây, ông lại thu hút bạn đọc với nhiều tập bút ký xuất bản đều đặn.
– Tùy nội dung cần chuyển tải mà tôi chọn thể loại để viết. Truyện viết phải “trơn”, nếu thấy còn “sượng” thì không nên. Tôi viết bút ký, tự truyện vì nó thể hiện được sát tâm trạng mình hơn.
– Trước ông, văn chương Nam Bộ đã có những gương mặt tiêu biểu; trong số đó, nhà văn nào đem lại cho ông sự thích thú?
– Hồ Biểu Chánh và Phi Vân. Hồ Biểu Chánh là nhà văn rất am hiểu về đời sống nông dân. Tác phẩm của ông biểu hiện rõ nét điều đó. Hồ Biểu Chánh từng giữ chức “chủ quận” thời Pháp thuộc ở Càng Long, nay thuộc tỉnh Trà Vinh, có máu tài tử, có tài quan sát tinh tế. Ông ưa giao du với hương chức, hội tề, lặn lội tận thôn ấp làng mạc. Tôi thường nói Hồ Biểu Chánh là nhà văn bẩm sinh, viết rất dài hơi. Còn Phi Vân là một ký giả tài năng. Tập phóng sự Đồng quê của ông xuất bản từ năm 1940 đến nay vẫn còn nguyên giá trị…
***
Bây giờ thì nhà văn Sơn Nam của chúng ta đang chu du ở một miền yên tĩnh nào đó và nói theo đạo Phật thì ông đã “hóa kiếp”, mà tôi tin rằng cái kiếp sau của ông, nếu có, sẽ không thoát khỏi thế giới văn chương ông vốn nặng nợ, hy sinh vì nó, đau khổ vì nó.
Tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của Nữ hoàng Elizabeth II là $500 triệu (ảnh: John Stillwell – WPA Pool/Getty Images)
Sau cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II, vấn đề tài chính của Hoàng gia Anh đang được soi kỹ. Ai thừa kế gia tài đồ sộ của Nữ hoàng? Điều gì sẽ xảy ra với số tiền để lại của Nữ hoàng? Vương miện Nữ hoàng Elizabeth II (ảnh: Suzanne Plunkett /WPA Pool/Getty Images) Nữ hoàng Elizabeth II giàu có cỡ nào? Không giống như những gia đình giàu có khác, Hoàng gia Anh được chính phủ đối xử thuận lợi. Charles và các anh chị em của ông không phải trả thuế thừa kế đối với bất kỳ tài sản nào được để lại từ mẹ họ, nhờ một thỏa thuận ký năm 1993 với chính phủ. Khi công bố thoả thuận, Thủ tướng John Major lúc đó nói với Quốc hội rằng “tài sản thừa kế của Hoàng gia đơn giản là không nên bị đánh thuế”, với lý do là “có những trường hợp đặc biệt của chế độ quân chủ cha truyền con nối”. Trong khi đó, công chúng hầu như không có cơ hội biết đầy đủ. David McClure, chuyên gia về Hoàng gia Anh, ví von: “Tài chính Hoàng gia bị bao phủ trong sương mù!”. Nữ hoàng Anh giàu có cỡ nào? Không có câu trả lời chính thức, mà ước tính về sự giàu có của Nữ hoàng thường đến từ nhiều nguồn. Ví dụ, tạp chí Forbes tính giá trị tài sản ròng của bà là $500 triệu (khoảng $430 triệu bảng Anh). Tờ Sunday Times của Anh đưa ra con số $430 triệu trong “Danh sách những người giàu nhất nước Anh năm 2022”. Trong cuốn sách xuất bản năm 2020 có tựa The Queen’s True Worth, David McClure ước tính khoảng $468 triệu.
Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ tài sản của Hoàng gia. Forbes ước tính giá trị cộng chung là $28 tỷ, nhưng cũng chỉ mới là “mặt nổi”. Tài sản chính thức ấn tượng nhất của Hoàng gia là Crown Estate, một danh mục tài sản gồm các bất động sản sang trọng ở thủ đô London trị giá $19.2 tỷ. Dù tài sản này thuộc sở hữu của Hoàng gia Anh nhưng lại nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Anh và tạo ra hàng trăm triệu đôla mỗi năm thông qua danh mục đầu tư.
Lâu đài Windsor (ảnh: Robert Alexander/Getty Images)
The Washington Post cho biết, chính phủ trả lại 25% lợi nhuận của Crown Estate cho Hoàng gia theo cái gọi là “Trợ cấp Chủ quyền” (Sovereign Grant). Năm 2021, báo cáo tài chính công khai của Hoàng gia liệt kê khoản “Trợ cấp Chủ quyền” khoảng $99 triệu. Đây là khoản tiền dự tính chi trả cho việc duy tu cung điện và các chi phí khác, nhưng không tính các chi phí an ninh “không nhỏ” của Hoàng gia được thanh toán bởi kho bạc của chính phủ Anh. Tân vương trị vì Vương quốc Anh cũng kiểm soát Công quốc Lancaster (Duchy of Lancaster), một cơ quan tồn tại từ thời cổ (ancient body) chịu trách nhiệm cho một danh mục đầu tư khổng lồ bao gồm 71 dặm vuông đất đai và trị giá hơn $950 triệu. Công quốc Lancaster, được thành lập vào năm 1399 và có lợi nhuận được báo cáo là $27 triệu vào năm ngoái.
Vua Charles III có nhận được tất cả số tiền này không?
Di chúc của Nữ hoàng Elizabeth II không được công khai vấn đề này; và trong lịch sử, Hoàng gia cũng không công bố những chi tiết như vậy sau khi người trị vì vương quốc qua đời. Tuy nhiên, ở một số thời điểm, công chúng có thể biết rằng những tài sản riêng thuộc sở hữu của Nữ hoàng sẽ thuộc về Charles sau khi bà qua đời. Cả lâu đài Balmoral ở Scotland và dinh thự Sandringham ở Anh đều được Vua George VI truyền lại cho Nữ hoàng. Vua Charles III cũng đương nhiên được thừa kế Công quốc Lancaster.
Trong bài phát biểu đầu tiên vào tuần trước với danh nghĩa tân vương, Vua Charles xác nhận đã tuân theo truyền thống và chuyển quyền sở hữu Công quốc Cornwall của mình cho con trai lớn, Hoàng tử William. Danh mục đất đai và tài sản của Công quốc Cornwall có từ năm 1337 lớn hơn đáng kể so với Công quốc Lancaster và gồm 0.2% diện tích đất ở Anh, kể cả sân vận động Lord’s Cricket Ground và HM Prison Dartmoor. Tuy nhiên, lợi nhuận tự báo cáo cho năm tính thuế gần đây nhất của Cornwall lại thấp hơn một chút so với danh mục đầu tư Lancaster. Hoàng gia sẽ tiếp tục nhận được “Trợ cấp Chủ quyền” sau khi Charles III tái khẳng định sẽ vẫn giữ truyền thống nộp lại nguồn thu “cha truyền con nối” từ Crown Estate để đổi lấy khoản “Trợ cấp Chủ quyền”.
Cung điện Buckingham (ảnh: English Heritage/Heritage Images/Getty Images)
Hoàng gia Anh có phải trả bất kỳ khoản thuế nào không?
Đối với phần còn lại của nước Anh, bất kỳ tài sản thừa kế nào có giá trị trên $380,000 đều phải nộp thuế thuế 40%. Nhưng Vua Charles III sẽ không trả bất kỳ khoản tiền nào cho các tài sản, kể cả đồ trang sức và những khoản đầu tư có thể trị giá hàng trăm triệu đôla. Chính phủ Anh đã giải thích lý do trong một bản ghi nhớ năm 2012: “Chế độ quân chủ với tư cách là một thể chế cần có đủ nguồn lực tư nhân để có thể tiếp tục thực hiện vai trò truyền thống trong đời sống quốc gia, và có một mức độ độc lập về tài chính với Chính phủ”.
Tài liệu tương tự giải thích rằng quốc vương Anh cũng không phải chịu trách nhiệm pháp lý về thuế thu nhập. Tuy nhiên, Hoàng gia cũng phải trả một số loại thuế. Theo thỏa thuận năm 1993 với chính phủ Anh, Nữ hoàng và con trai cả của bà đồng ý trả thuế khoản lãi trên vốn, thuế thu nhập trên tài sản cá nhân và thuế thu nhập từ tài sản Hoàng gia không được sử dụng cho các mục đích chính thức. Khi còn là Hoàng tử, Charles đã trả khoản thuế thu nhập tự nguyện 45% trên thu nhập cá nhân từ Công quốc Cornwall.
Nhưng sự sắp xếp này được che giấu trong bí mật, với rất ít giám sát công khai. Tổng số thuế hàng năm của Charles không được tiết lộ. Công quốc cũng không phải trả thuế doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập. Năm 2013, sau các bài điều tra trên tờ The Guardian tố cáo Công quốc Cornwall cố tình trốn thuế, các nghị sĩ Quốc hội Anh Nhận định: “Công quốc có lợi thế so với các doanh nghiệp khác” và kêu gọi nên có sự minh bạch và công bằng hơn.
Sự tồn tại của Hoàng gia Anh mang lại nguồn thu du lịch lớn cho nước Anh (ảnh: Chris Jackson/Getty Images)
Tại sao Hoàng gia Anh phải che giấu sự giàu có?
Hoàng gia rất ít bị đòi hỏi phải tiết lộ chi tiết về sự giàu có của họ. Và cũng có rất ít cách để những cặp mắt tò mò tìm hiểu sự giàu có của họ. Những liên lạc của Hoàng gia với chính phủ không thuộc về cái gọi Quyền tự do thông tin mà công chúng có thể yêu cầu. Các giấy tờ chính thức của Hoàng gia được Cơ quan Lưu trữ Quốc gia (National Archives) của Vương quốc Anh giữ bí mật ít nhất 50 năm.
Prem Sikka, một học giả người Anh, gọi những giao dịch kinh doanh không rõ ràng của Hoàng gia là “tàn tích của thời phong kiến”. Ông nói: “Nếu không có sự thay đổi, nhiều chi tiết về tài sản riêng của Hoàng gia có thể không bao giờ được biết đến”. Ví dụ, một số sự thật về các khoản đầu tư ra nước ngoài của Công quốc Lancaster chỉ xuất hiện sau các vụ rò rỉ Hồ sơ Panama năm 2017, trong đó nêu rõ Công quốc có khoảng $13 triệu trong các tài khoản nước ngoài.
Một số báo cáo khác cũng cho thấy có các thỏa thuận hoặc thỏa thuận đáng ngờ với nước ngoài. Đầu năm nay, Thái tử Charles bị cáo buộc việc đề nghị giúp bảo đảm phong tước hiệp sĩ cho một công dân Ả-rập Saudi để “trả ơn” khoản đóng góp cho quỹ từ thiện của ông. Sau khi Hoàng tử Andrew, một trong những người em của Charles, đạt được thỏa thuận với một phụ nữ cáo buộc ông ta tấn công tình dục khi nạn nhân này mới 17 tuổi, các câu hỏi tiếp theo về cách sử dụng tiền bạc Hoàng gia lại được nêu lên. Vụ án này có liên quan đến tình bạn giữa Andrew và nhà tài chính Mỹ Jeffrey Epstein, một tội phạm dính líu đường dây kinh doanh tình dục đã tự sát khi bị giam chờ xét xử.
Lâu đài Balmoral (Scotland) thuộc Hoàng gia Anh (ảnh: Tim Graham Photo Library via Getty Images)
Hoàng gia có tiêu tốn nhiều công quỹ của đất nước không?
Bảng cân đối kế toán của Hoàng gia luôn là điều gây tranh cãi. Câu hỏi cần trả lời là Hoàng gia có tiêu tốn tiền của chính phủ hay chỉ bằng tiền họ kiếm được? Về mặt tích cực, Hoàng gia giúp mang về nhiều đôla du lịch và tăng vị thế cho nước Anh. Năm 2017, công ty định giá Brand Finance ước tính chế độ quân chủ đã tạo ra hơn $640 triệu cho lĩnh vực du lịch của Vương quốc Anh.
Trong khi “Trợ cấp Chủ quyền” ngày càng tăng, tức là chính phủ “thối lại” nhiều tiền hơn cho Hoàng gia, thì Crown Estate cũng tạo ra một khoản tiền khổng lồ cho chính phủ. Tuy nhiên, các nhóm chống chế độ quân chủ cho rằng Hoàng gia chẳng kiếm được đồng nào cho đất nước, khẳng định rằng những con số “tiền lãi” kinh doanh được từ “cái bóng Hoàng gia” “chỉ có trong trí tưởng tượng” và tố cáo chế độ quân chủ thực sự tiêu tốn cho quốc gia khoảng $400 triệu mỗi năm.
David McClure, chuyên gia về Hoàng gia Anh, ước tính chi phí của chính phủ để bảo vệ Hoàng gia lên đến hơn $100 triệu mỗi năm. Các bài viết trên báo chí Anh cho biết Vua Charles, có thể sẽ “thu gọn” chế độ quân chủ, với ít “thành viên hoàng gia cao cấp” tham gia vào các hoạt động công khai. Tân vương cũng từng đề cập việc mở cửa nhiều tài sản Hoàng gia hơn cho công chúng tham quan, một động thái xét về mặt lý thuyết, có thể mang lại nhiều doanh thu hơn.
Sau khi người Nga thất thế, một giai đoạn mới và nguy hiểm hơn trong cuộc xung đột đã bắt đầu.
Cảnh tượng quân đội Nga rút lui thành hàng dài ở Ukraine là điều đáng chú ý – nhưng không có gì đáng ngạc nhiên.
Đối với Nga, cuộc chiến này đã đi theo hướng tồi tệ ngay từ những ngày đầu. Vladimir Putin đã không đạt được chiến thắng chớp nhoáng mà ông mong muốn vào ngày 24/02. Đến tháng 4, người Nga đã buộc phải rút lui trong nhục nhã sau khi tìm cách chiếm đóng Kyiv.
Những lợi ích hạn chế mà Nga đạt được trong sáu tháng qua đã phải trả giá rất đắt. Lực lượng ban đầu do Điện Kremlin tập hợp có khoảng 200.000 quân. Tháng trước, Mỹ ước tính rằng 70.000-80.000 người trong nhóm này đã bị giết hoặc bị thương kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.
Không muốn thừa nhận rằng Nga đang có chiến tranh, Putin đã từ chối áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Ngược lại, Ukraine đã huy động toàn bộ dân số nam giới ở độ tuổi trưởng thành. Kết quả là, Ukraine hiện có nhiều binh sĩ trên chiến trường hơn Nga.
Người Ukraine cũng có lợi thế về tinh thần chiến đấu và vũ trang. Họ đang chiến đấu để bảo vệ đất nước của mình. Nguồn cung cấp vũ khí tiên tiến từ Mỹ và châu Âu – đặc biệt là tên lửa tầm xa chính xác – có nghĩa là họ hiện đang được trang bị tốt hơn so với Nga.
Viễn cảnh Nga bị đánh bại là có thật và đáng để phấn khởi. Nhưng những bước tiến của Ukraine cũng mở ra một giai đoạn mới và nguy hiểm hơn trong xung đột.
Hình ảnh dân thường khóc nức nở ôm hôn binh sĩ Ukraine khi họ giải phóng các thị trấn và làng mạc khỏi tay quân Nga đã nhấn mạnh mục đích của cuộc chiến. Nếu bị Nga chiếm đóng vĩnh viễn, người ta sẽ mất đi tự do chính trị, và sẽ bị cưỡng chế bằng các vụ giết người, tra tấn, và trục xuất.
Một chiến thắng dễ dàng của Nga ở Ukraine cũng sẽ mở ra cánh cửa để tiếp tục gây hấn với các nước láng giềng – bao gồm Moldova, và có lẽ cả các thành viên NATO như Estonia, Latvia, và Litva. Khả năng đó đủ đáng báo động để thuyết phục Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO.
Nếu Nga bị đánh bại, mối đe dọa xâm lược bao trùm phần còn lại của châu Âu sẽ biến mất. Bầu không khí chính trị toàn cầu cũng sẽ thay đổi. Thất bại của Nga sẽ gây ra khó khăn ở Bắc Kinh và Mar-a-Lago. Trong những tuần trước khi xảy ra xâm lược, Trung Quốc đã tuyên bố xác lập tình bạn “không có giới hạn” với Nga. Donald Trump thì nói rằng Vladimir Putin là một “thiên tài.” Những lời nhận định đó bây giờ không chỉ vô đạo đức, mà còn ngu ngốc.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhận định thận trọng. Gần một phần năm lãnh thổ Ukraine vẫn đang bị chiếm đóng. Người Nga sẽ cố gắng tập hợp lại và lực lượng Ukraine có thể bị dàn mỏng quá mức.
Câu hỏi phức tạp thực sự là điều gì sẽ xảy ra nếu Nga phải đối mặt với một thất bại nhục nhã – có lẽ bao gồm cả việc mất Crimea, khu vực đã bị chiếm đóng vào năm 2014 và khiến Moscow rất vui mừng?
Thay vì chấp nhận thất bại, Putin có thể sẽ cố gắng leo thang. Tuy nhiên, các lựa chọn của ông lại có phần hạn chế và không hấp dẫn. Việc từ chối kêu gọi tổng động viên phản ánh nỗi lo sẽ khuấy động làn sóng đối lập trong xã hội Nga. Việc huy động lực lượng, huấn luyện, và trang bị cho họ sẽ mất nhiều tuần – trong khi cuộc chiến lại đang diễn ra nhanh chóng.
Ngay từ đầu cuộc xung đột, Putin đã ám chỉ rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhà Trắng luôn xem xét khả năng này một cách nghiêm túc. Khi chiến tranh kéo dài và tình hình trở nên tồi tệ đối với Nga, lo ngại rằng Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đã giảm đi một chút, nhưng vẫn chưa biến mất. Như một nhà hoạch định chính sách cấp cao của phương Tây đã nói với tôi vào tuần trước: “Chúng ta phải nhớ rằng hầu hết mọi cuộc tập trận quân sự của Nga mà chúng ta đã quan sát thấy đều có liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.”
Tuy nhiên, sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine rõ ràng chứa đựng nguy cơ là bản thân nước Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ. Phản ứng chính trị toàn cầu sẽ rất tiêu cực, và một phản ứng quân sự của phương Tây, nhiều khả năng là phi hạt nhân, sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Giống như các nhà lãnh đạo Nga trong quá khứ, Putin hy vọng rằng mùa đông sẽ giúp ông. Thông báo gần đây của Nga rằng họ sẽ cho ngừng hầu hết các nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu chắc chắn là nhằm khiến những người ủng hộ phương Tây của Ukraine phải phục tùng.
Nhưng Putin phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố để có thể chiến thắng trong trò chơi khí đốt. Một mùa đông lạnh giá, hoặc một làn sóng cuộc biểu tình chính trị ở phương Tây sẽ có lợi cho ông. Nhưng không thể chỉ trông chờ vào chúng. Chính phủ Đức cho biết nước này “hiện đã chuẩn bị tốt hơn cho việc Nga ngừng cung cấp khí đốt,” và tổng mức dự trữ khí đốt là gần 87%. Ngoài ra, các khoản trợ giá năng lượng đang được triển khai trên khắp châu Âu.
Vì vậy, vị trí của nhà lãnh đạo Nga có vẻ đang gặp nguy hiểm. Ngay từ đầu, một số nhà lãnh đạo phương Tây đã thầm hy vọng rằng Putin sẽ đánh mất quyền lực do hậu quả của chiến tranh. Tổng thống Joe Biden thậm chí đã thốt ra điều đó.
Nhưng nếu Putin bị phế truất, có lẽ là bởi một cuộc đảo chính, thì người thay thế ông nhiều khả năng sẽ là một người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, hơn là một người theo chủ nghĩa tự do. Những tiếng nói bất đồng chính kiến gay gắt nhất ở Nga hiện nay là từ các sĩ quan và những người theo chủ nghĩa dân tộc – những người kêu gọi leo thang chiến tranh. Một giả thuyết đang lan truyền trong giới tình báo phương Tây là vụ sát hại Daria Dugina, một nhà báo theo chủ nghĩa dân tộc, đã được dàn xếp bởi cơ quan an ninh Nga như một lời cảnh báo dành cho nhóm cực hữu dám chỉ trích Putin.
Một nước Nga bị đánh bại sẽ không biến mất khỏi bản đồ. Nó sẽ vẫn sở hữu một số lượng lớn vũ khí hạt nhân, và sự uất hận sẽ càng thêm dồn nén.
Rõ ràng có rất nhiều nguy hiểm đang chờ ở phía trước. Nhưng đôi khi tin tốt cũng phải được ghi nhận tương xứng. Trong một năm vốn đã ảm đạm, những chiến thắng của quân đội Ukraine trong tuần qua chắc chắn là tin tốt mà chúng ta cần.